Nhiều doanh nghiệp trên báo cáo tài chính có lãi rất nhiều, nhưng thực tế không có tiền (tiền mặt và tiền gửi ngân hàng), thậm chí đôi khi mất khả năng chi trả và phải tuyên bố phá sản. Vì sao vậy?
Thực tế của việc này chính là bài toán dòng tiền của doanh nghiệp. Dòng tiền giúp theo dõi và thể hiện khả năng thanh khoản của doanh nghiệp, nếu dòng tiền bị tắt nghẽn đâu đó làm cho doanh nghiệp mất khả năng chi trả có thể bị kiện tuyên bố phá sản. Ví dụ: sắp cuối năm doanh nghiệp tổng kết năm thấy năm nay mình có nhiều hợp đồng, hàng bán cũng được lắm, lợi nhuận cũng nhiều nhưng không thấy tiền đâu để trả lương, thưởng hay nợ tới hạn… hay những khoản chi phí hoạt động, dẫn đến mất cân đối, đình trệ …
Vậy tiền chạy đi đâu? Những nguyên nhân có thể là nợ phải thu quá lớn, thậm chí phải thu khó đòi cao và có khả năng không thu được do chính sách bán hàng cho nợ chưa chặt chẽ, hai là tồn kho quá nhiều, tiền nằm ở đó và đang mất dần vì hàng tồn kho sẽ dẫn đến giảm giá trị do thay đổi công nghệ, thời gian sử dụng… Hoặc có khi đang đầu tư vào tài sản cố định nhiều bằng những nguồn vốn ngắn hạn. Ví dụ đi vay ngắn hạn mua nhà, mua xe, đến kỳ công nợ lại không nguồn để trả….
Vì thế, DN cần xác định được vấn đề của mình đang ở đâu để có những phương án hành động phù hợp nhằm cải thiện dòng tiền. Ví dụ tồn kho nhiều, vậy cần có chiến dịch bán hàng tồn kho hợp lý để đẩy hàng đi, thu tiền về. Hay nếu công nợ quá nhiều, không thu được tiền vậy cần xem lại chính sách bán hàng cho nợ, tăng cường thu hồi nợ và có những biện pháp phù hợp để thu tiền về…
Tóm lại, vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ cần có lãi mà dòng tiền vẫn phải luôn luôn trong tình trạng có thể kiểm soát được. Cũng cần cân đối dòng tiền hoạt động kinh doanh, dòng tiền hoạt động tài chính và dòng tiền đầu tư để giúp doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất.
Alice Vo (Võ Hoài Hương) - Learning Choice Co., Ltd