Những thứ phô trương thường là những thứ được thổi phồng...
Có câu “thùng rỗng kêu to”, bông lúa nặng hạt cúi đầu, bông lúa lép ngẩng cao đầu. Ta nghĩ mình đang hơn thua với nhau, nhưng thật ra chỉ là đang lòe bịp, tranh đấu với nhau vì những giá trị không có thật.
Chúng ta khoe nhà cao cửa rộng, xe đẹp túi xinh, con cái học hành giỏi giang, vợ chồng tài năng, bản thân xuất chúng. Thậm chí có câu chuyện thật về ngày họp mặt đầu năm của một dòng họ, ai cũng mặc quần áo sang trọng, đi xe sang nhưng hỏi ra mới biết một số người không chịu nổi áp lực bị thua kém nên mua quần áo nhái hàng hiệu, thuê xe tính giá theo ngày.
Chính vì ai cũng thích khoe nên không ai cam tâm chịu bị bỏ lại phía sau. Mọi người cứ nhìn vào những giá trị mình khoe với nhau rồi so bì hơn kém, nếu thấy chưa bằng người thì sẽ cố sức cho bằng được (hoặc cố sức ngụy trang cho bằng được).
Thực trạng này sinh ra rất nhiều vấn nạn, trong đó có những bệnh đã di căn tới nhiều nơi trong cộng đồng như bệnh thành tích trong giáo dục. Cha mẹ nào cũng muốn khoe con mình giỏi toàn diện, vì thế họ không thể chấp nhận khi con “chỉ” được 7, 8 điểm mà không phải là 9, 10 điểm; nhà trường nào cũng muốn khoe mình là trường chất lượng, đạt chuẩn, vì thế họ không chấp nhận khi một lớp “chỉ” đạt 70-80% mà không phải là 90%, thậm chí 100% học sinh giỏi. Các em cũng chỉ là học sinh bình thường, đâu phải thánh thần, nhưng người lớn cứ buộc các em phải lên làm thánh.
Nếu cuối cùng các em không đủ khả năng thì cũng không sao, người lớn sẵn sàng giúp đỡ bằng cách nhắc tuồng đáp án. Lớp 40 em là 40 tấm giấy khen, còn người lớn lại vô cùng thỏa mãn, cha mẹ các em được khen đến mát mặt, thầy cô đoạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Người ta lại tiếp tục vin vào những thành tích ảo đó để khoe với nhau, câu chuyện cứ thế được thổi phồng lên. Nhưng trong tương lai gần, chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề bởi một nền giáo dục “vỏ nhiều hơn ruột”.
Theo đuổi những thứ không có thật, thậm chí ngụy tạo ra chúng để thỏa mãn ham muốn hơn thua của bản thân chỉ khiến chúng ta chuốc lấy kết cục bi đát. Đôi khi, độ lượng với người khác là độ lượng với mình, trao cơ hội cho người khác chính là trao cơ hội cho bản thân. Và trên hết, hãy sống thật với những gì chúng ta đang có.
----------
Trích "CHẾT BỞI GIẢ TẠO" - Phạm Sỹ Thanh