Hiệu ứng DIDEROT – Vì sao bạn dễ tiêu tiền vào những thứ không cần thiết?
Gần như cả cuộc đời, triết gia nổi tiếng người Pháp Denis Diderot đã sống trong cảnh nghèo khó; nhưng vào năm 1765 thì tất cả đều thay đổi. Khi ấy, Diderot đã 52 tuổi và con gái ông thì sắp kết hôn, nhưng ông lại không đủ tiền lo của hồi môn cho con. Dù nghèo túng, Diderot vẫn được nhiều người biết đến vì ông là nhà đồng sáng lập và tác giả của bộ Encyclopédie, một trong những bộ bách khoa toàn thư đầy đủ nhất mọi thời đại.
Khi nữ hoàng Catherine Đại đế của nước Nga biết Diderot gặp khó khăn tài chính, bà đã đề nghị mua lại thư viện của ông với giá 1.000 bảng Anh, tương đương 50.000 đô-la Mỹ vào năm 2015. Thoáng chốc, Diderot đã trở nên giàu có. Không lâu sau thương vụ may mắn này, Diderot đã mua một chiếc áo choàng mới màu đỏ tươi. Đó là lúc mọi chuyện trở nên không ổn.
Chiếc áo choàng đỏ của Diderot rất đẹp. Thực ra, nó đẹp đến mức ông lập tức nhận ra rằng nó trông thật lạc lõng giữa những vật dụng bình thường trong nhà. Theo lời ông, chiếc áo choàng và các đồ vật còn lại của ông “không hài hòa và tương xứng với nhau”.
Vị triết gia sớm cảm thấy muốn mua thêm vài món đồ mới cho xứng với vẻ đẹp của chiếc áo choàng. Ông thay thảm cũ bằng một chiếc thảm mới xuất xứ từ Damascus. Ông trang trí nhà cửa bằng những bức tượng xinh đẹp và một cái bàn ăn tốt hơn. Ông mua một cái gương mới đặt bên trên chiếc áo choàng, và “ông bỏ cái ghế rơm ra tiền sảnh và thay thế nó bằng một cái ghế da.”
Hành vi mua sắm theo hứng này được biết đến với tên gọi “Hiệu ứng Diderot”. Theo hiệu ứng Diderot, việc sở hữu một món đồ mới thường tạo ra tâm lý mua sắm nhiều hơn và dẫn đến “vòng xoáy mua sắm” khiến chúng ta tiêu tiền vào những thứ mình không thật sự cần.
Bạn có thể bắt gặp những hành vi tương tự ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống:
- Bạn mua một chiếc đầm mới và giờ bạn phải mua thêm đôi giày với cặp bông tai cho tương xứng.
- Bạn mua thẻ tập gym và không lâu sau, bạn lại bỏ tiền ra mua nào là dụng cụ mát-xa cơ, băng quấn đầu gối, dây quấn cổ tay...
- Bạn mua một chiếc ghế sô-pha mới và bỗng không thấy vừa ý cách bày trí phòng khách nhà mình. Cái bàn cà phê kia? Cái thảm này ư? Tất cả đều phải thay đổi.
Xu hướng tự nhiên của cuộc sống là sự tích lũy. Chúng ta hiếm khi nghĩ đến việc đơn giản hóa, loại bỏ hoặc giảm bớt, mà thay vào đó là luôn thêm vào, nâng cấp và tạo ra thêm.
HIỂU RÕ HIỆU ỨNG DIDEROT - Thực hiện sống quy củ
Hiệu ứng Diderot cho thấy cuộc sống của bạn không ngừng có thêm nhiều thứ, vì vậy cần biết cách lựa chọn, loại bỏ và tập trung vào những thứ thật sự quan trọng. Sau đây là một số cách giúp bạn làm điều đó:
1. Bớt tiếp xúc với quảng cáo: Hầu như mỗi thói quen đều được kích hoạt bởi một nhân tố kích thích hoặc tín hiệu gợi nhắc. Một trong những cách nhanh nhất để giảm sức mạnh của hiệu ứng Diderot là ngay từ đầu, hãy tránh những tín hiệu gợi nhắc khiến bạn thực hiện thói quen mua sắm: hủy nhận các email quảng cáo, chặn các trang web mua sắm yêu thích của bạn...
2. Mua các vật dụng phù hợp với hiện tại: Bạn không cần phải đổi mới tất cả mọi thứ mỗi khi sắm một món đồ mới. Khi muốn mua quần áo mới, hãy tìm bộ đồ phù hợp với những thứ sẵn có trong tủ. Khi mua thiết bị điện tử, hãy đảm bảo nó phù hợp với những thiết bị trong nhà để tránh mua thêm đồ sạc, dây cáp mới...
3. Tự đặt ra giới hạn cho bản thân: Cái gì quá cũng không tốt, hãy đặt ra hạn mức phù hợp nhất cho bản thân trong mọi việc và tuân thủ nó. Ví dụ: mỗi tuần chỉ được ăn mì tôm 1 lần (vì mì tôm ngon nhưng không tốt cho sức khỏe), mỗi tối chỉ được thức muộn nhất đến 11h30, mỗi tháng chỉ đi ăn ngoài 2 lần, ba tháng mua quần áo 1 lần, mỗi ngày tập thể dục ít nhất 30 phút...
4. Mua thêm một, cho đi một: Mỗi lần bạn mua một món đồ mới, hãy cho đi một món đồ cũ. Mua tivi mới? Hãy đem tặng chiếc tivi cũ thay vì chuyển nó sang phòng khác. Mục tiêu là ngăn không cho số lượng đồ đạc của bạn tăng lên. Hãy luôn chọn lựa kỹ càng để cuộc sống của bạn chỉ chứa đựng những thứ làm bạn vui vẻ, hạnh phúc.
5. Từ bỏ mong muốn có thêm nhiều thứ: Mong muốn sở hữu của con người là vô tận. Bạn sẽ luôn muốn nâng cấp thứ gì đó. Mua một chiếc Honda mới ư? Bạn có thể nâng cấp lên Mercedes. Mua chiếc Mercedes mới? Bạn sẽ nâng cấp lên Bentley. Mua Bentley? Bạn lại nâng cấp lên Ferrari. Mua Ferrari? Bạn đã bao giờ nghĩ đến chuyện tậu phi cơ riêng chưa? Hãy nhận ra rằng mong muốn sở hữu vật chất chỉ là một lựa chọn mà tâm trí bạn đưa ra, chứ không phải mệnh lệnh mà bạn phải tuân theo.
Xu hướng tự nhiên của chúng ta là tiêu thụ nhiều hơn chứ không phải ít đi. Nhưng tôi tin rằng việc thực hiện các bước thiết thực để hạn chế thói quen mua sắm tùy hứng sẽ giúp cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.