This is a mobile optimized page that loads fast, if you want to load the real page, click this text.

HIỂU THÊM VỀ CẢI LƯƠNG HỒ QUẢNG

Phi Long Phong Van

Vạn Lý Truy Phong Vạn Lý Sầu...! Xin Vĩnh Biệt Anh
Thành viên BQT
Cải lương Hồ Quảng là lai căng?

Đây là câu nhận xét của một người bạn mình, là người gốc Hà Nội. Mặc dù cải lương hình thành, phát triển chủ yếu là tại miền Nam nhưng nhiều người Bắc cũng yêu thích loại hình nghệ thuật này và ca cải lương rất tốt. Mình dùng chữ tốt ở đây với quan điểm cá nhân, tức là ca rất tròn chữ, đúng nhịp, luyến láy rất hay nhưng thiếu cái mượt mà, ngọt ngào của giọng Nam.

Nghe xong lời nhận xét trên mình khá buồn, vì mình vốn yêu thích Hồ Quảng hơn cải lương, thích coi tuồng Tàu hơn coi tuồng Việt, thích đọc truyện Tàu hơn truyện Việt. Chết rồi, chẳng lẽ mình đã trở thành lai căng, mất gốc? Mình cũng biết, phong trào anti Trung Quốc đang diễn ra khá rầm rộ nhưng cũng xin đừng chụp mũ tất cả những gì của Trung Quốc là lai căng, là mất gốc.

Mình viết bài này cho bạn ấy đọc, bạn ấy hiểu Hồ Quảng hơn, và để chứng minh 1 điều: Cải lương Hồ Quảng tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng là 1 sản phẩm văn hóa tinh thần của người Việt và vì thế, nó cũng xứng đáng được trân trọng như cải lương nói riêng và các loại hình văn hóa khác.

Bài viết có sử dụng và trích dẫn một số thông tin trên diễn đàn cailuongvietnam.com


Định nghĩa của Cải lương Hồ Quảng

Cải lương là một lối hát tuồng cách tân, được phát triển vào đầu thế kỉ 20 tại miền Nam Việt Nam, kết hợp giữa đối thoại bằng giọng bình thường với những lời ca theo những điệu truyền thống miền Nam, trong đó chủ yếu là vọng cổ.

Cải lương Hồ Quảng, hiện nay, để kỵ húy thì gọi là cải lương tuồng cổ, cũng là cải lương, nhưng tuồng tích dựa vào những tuồng cổ, mà thường là tuồng cổ Trung Hoa. Có 2 cách giải thích cho từ Hồ Quảng:


  1. Quảng tức là Quảng Đông hay Lưỡng Quảng, vì cải lương Hồ Quảng sử dụng nhiều giai điệu, phong cách của kịch tuồng vùng này. Hồ có lẽ là đọc trệch ra của Hò. Vì thế, Hồ Quảng là lối hát hò theo kiểu của vùng Quảng Đông.
  2. Hồ Quảng là chỉ một khu vực, từ đời nhà Thanh (có thể từ trước nữa vì từ thời nhà Minh sách cũng nhắc đến vùng Hồ Quảng), Hồ Quảng là để chỉ cả 1 khu vực rộng lớn phía Nam Trung Quốc. Hồ có lẽ trong từ Hồ Nam Hồ Bắc ngày ngay, nhưng theo bản đồ phân vùng địa lý xưa, Hồ Quảng rộng hơn và khác nhiều so với lưỡng Quảng + lưỡng Hồ ngày nay gom lại.
Bản thân mình nghiên về cách giải thích thứ 2.

Theo mình, gọi cải lương Hồ Quảng là cải lương tuồng cổ chỉ là 1 cách tránh né của các đoàn Hồ Quảng. Không phải tuồng cải lương ”cổ trang” nào cũng là cải lương Hồ Quảng. Những tuồng như Áo cưới trước cổng chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn… hay thậm chí là Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga đều không phải là cải lương Hồ Quảng. Cùng là Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, nhưng nếu xem tuồng của NS Minh Vương, Thanh Kim Huệ thì sẽ hoàn toàn khác với version Hồ Quảng của NS Vũ Linh, Tài Linh.

Vì thế, mình nghĩ, cải lương nên chia thành 3 nhánh, cải lương xã hội, cải lương tuồng cổ (giả sử) và cải lương Hồ Quảng

Quá trình hình thành của Cải lương Hồ Quảng

Cải lương Hồ Quảng là một loại hình nghệ thuật phối hợp giữa ba nghệ thuật: cải lương, tuồng kịch Bắc Kinh và tuồng kịch Quảng Ðông.

Cuối thập niên 1940 sang đầu thập niên 1950, những nghệ sĩ như Phùng Há, Cao Long Ngà (bà ngoại của NS Phượng Mai), Năm Phỉ (chị NS Bảy Nam) có dịp sang Quảng Ðông học hỏi “vũ đạo” của các nghệ sĩ tuồng kịch truyền thống ở đây. Các nghệ sĩ này khi về nước, đem áp dụng “vũ đạo” này trên sân khấu, đạt được nhiều thành công.

Giữa thập niên 1950 sang đầu thập niên 1960, các nghệ sĩ Khánh Hồng, Bảy Huỳnh và Minh Tơ lần mò vào Chợ Lớn, tìm đến những gánh hát người Hoa, mua lại một số trang phục sân khấu của họ. Những trang phục này rất rực rỡ, mặc vào, lên sân khấu là đào, kép nổi bật, làm cho sân khấu cũng rực rỡ theo. Những nghệ sĩ này cũng học hỏi từ các gánh hát người Hoa nhịp điệu trống, bắt nguồn từ cách diễn tuồng của phái Bắc Kinh. Tiếng trống rộn rã giúp cho buổi trình diễn thêm tưng bừng náo nhiệt. Tiếng trống còn có tác dụng thay đổi tâm tình khách xem trình diễn, tùy theo nhịp điệu nhanh, chậm, cách ngắt quãng của nó. Các nghệ sĩ cũng học một số cách hát theo điệu Quảng Ðông.

Trở về sân khấu Việt Nam, các nghệ sĩ Khánh Hồng, Bảy Huỳnh, Minh Tơ (sau thế hệ Phùng Há, Cao Long Ngà, Năm Phỉ) pha điệu hát Hồ Quảng vào các tuồng cải lương. Về sau, khi khán giả có vẻ chấp nhận, cải lương Hồ Quảng trở thành một bộ môn riêng, với nhịp trống, điệu hát và y trang Bắc Kinh, Quảng Ðông, phối hợp với cách hát cải lương và ca vọng cổ.

Những năm 1961, 1962, 1963, phim Đài Loan tràn ngập thị trường phim Việt Nam, khởi đầu là phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, một truyện tình sử lấy nước mắt của không biết bao nhiêu là khán giả Việt Nam. Nhạc sĩ Đức Phú, em của nghệ sĩ Minh Tơ, đoàn hát Vĩnh Xuân Bầu Thắng lấy nhạc Đài Loan trong phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, viết lời Việt, dùng trong tuồng Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài do anh sáng tác và thủ diễn vai chánh, hát với nữ nghệ sĩ Bo Bo Hoàng trong vai Chúc Anh Đài. Gánh hát Vĩnh Xuân Ban – Bầu Thắng hát tuồng Lương Sơn Bá có ca nhạc Đài Loan như trong phim nên thu hút khán giả với một con số kỷ lục.

Đoàn hát Thanh Bình – Kim Mai 1 (sau là đoàn Huỳnh Long) có hai nhạc sĩ Tàu là Há Thầu và chú Long cũng ghi âm nhạc Đài Loan dùng trong tuồng hát cho đoàn Huỳnh Long. Há Thầu đặt tên các bài nhạc đó là Hoàng Mai 5, Hoàng Mai 15, Ly Hận, Chiêu Quân Hội… vân vân…

Các đoàn hát cải lương Hồ Quảng thu hút khán giả nghẹt rạp, các hãng dĩa cũng thu thanh và phát hành dĩa hát Hồ quảng, đài truyền hình Saigon cũng có những Ban hát Hồ Quảng như Ban Khánh Hồng, Ban Minh Tơ, Ban Huỳnh Long, Ban Vân Kiều, tất cả tạo thành một phong trào hát cải lương Hồ Quảng ngày một phát triển và được khán giả ưa thích.

Cải lương Hồ Quảng có nhiều ưu thế trên sân khấu. Về y trang rực rỡ và cách diễn bằng “biểu tượng” thì không thua gì hát bội, nhưng hát bội lại khó nghe, khó hiểu, trong khi đào kép trong cải lương Hồ Quảng thì nói ít, diễn nhiều, khi hát thì hát theo lối vọng cổ và một số làn điệu của cải lương rất dễ nghe, có hát theo điệu Quảng Ðông thì điệu ấy nghe cũng lọt tai. Ðặc biệt, cải lương Hồ Quảng lại có “vũ đạo,” tức là cách đưa tay, đá chân theo nhịp điệu như múa, mà là múa võ, nên gây hào hứng trên sân khấu.

Cải lương Hồ Quảng vẫn mang bản sắc Việt

Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đến văn hóa Việt Nam là điều không cần phải bàn cải. Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng, là khi các truyện, tích của Trung Quốc được các văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ Việt Nam thuật lại hay diễn lại, nó mang tính chất nghệ thuật rất độc đáo của Việt Nam, mà truyện, tích khi ấy chỉ là cái cơ hội để người nghệ sĩ Việt Nam diễn tả cái hay, cái đẹp, cái tuyệt diệu của ngôn ngữ, ý tưởng, tâm tình Việt Nam. Nguyễn Du kể chuyện đời một cô tên Vương Thúy Kiều ở Trung Quốc, mà người đọc luôn luôn có cảm giác cô là người Việt Nam. Những nhân vật phụ còn nổi tiếng hơn, Hoạn Thư, Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Bùi Kiệm… Chuyện này cũng xảy ra (tuy với mức độ thấp hơn) nơi các nghệ sĩ Việt Nam diễn tuồng cải lương Hồ Quảng.

Tóm lại, Cải lương Hồ Quảng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu Việt Nam có một nguồn gốc khác phức tạp: cải lương, hát bội, sân khấu Bắc Kinh, sân khấu Quảng Ðông, nhạc Việt Nam truyền thống, nhạc Ðài Loan, võ thuật Bắc Phái… Tuy nhiên, qua cách trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam, tất cả các loại hình nghệ thuật này phối hợp nhuần nhuyễn với nhau, tạo thành một sắc thái riêng. Khán giả thưởng thức một vở tuồng diễn theo lối cải lương Hồ Quảng nhìn thấy ngay là nó rất Việt Nam, không lẫn với ca kịch Trung Hoa được. Ðó là cái tài của người nghệ sĩ, mà đó cũng là cái đặc thù của văn hóa Việt Nam, đón nhận cái của người, nhưng biến hóa nó, thăng tiến nó để nó hay hơn, đẹp hơn mà lại có tính chất Việt Nam.

sưu tầm từ trang


Trích Đoạn Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài | Quách Phú Thành ft Hồng Quyên, Thảo Trâm, Kim Thư

 

thuyanbui

Rìu Chiến Vàng Chấm
Coi chừng người ta "tháo cáy" Bác đấy. Bác nhớ không, tại sao người Việt xưa lại búi tóc củ tỏi, đó là cách thức cha, ông ta ngày xưa đã phản ứng lại việc buộc người Việt ta phải thắt pín tóc đó (thời điểm này dân tộc Việt đang ở dưới ách đô hộ của nhà Thanh ở phương Bắc) khi ấy các quan chức phương Bắc buộc dân ta phải học và làm theo đúng các phong tục của họ, điển hình như việc để tóc. Lúc này, ta đâu thể không tuân theo, nhưng ông bà ta đã sáng tạo để giữ cho mình bản sắc dân tộc, nên đồng ý thực hiện nhưng cải tiến bằng cách búi tóc gọn gàng không cạo nữa đầu; thay vì thắt pín như họ thì cha ông ta lại búi tóc củ tỏi.
Nói thế để Bác thấy, cải lương Hồ Quảng có thể là biến tấu (tôi không có tài liệu sưu tầm) của loại hình này của người phương Bắc mang đậm bản sắc người Việt. Tôi nghĩ không biết "hát bộ" của người Miền Trng ở ta có mối quan hệ gì không và không dám có ý kiến cụ thể (thuộc trách nhiệm của các nhà nghiên cứu).
 

Phi Long Phong Van

Vạn Lý Truy Phong Vạn Lý Sầu...! Xin Vĩnh Biệt Anh
Thành viên BQT
Đâu bác cải lương Hồ Quảng xuất phát điểm của nó là của tụi TQ, bác coi mấy phim TQ xưa thấy họ hát không, 1 ông già ngồi đờn cò, 1 đứa con gái cầm khăn hát và múa đó, còn cải lương mới là của việt nam mình, nhưng cũng là do các nhà nghiên cứu xưa coi lối hát hồ quảng, bội, chèo.v.v.. mà họ đã cho ra đời nghệ thuật cải lương. Rồi sau này lại biến thể pha trộn thêm hồ quảng vào cải lương việt nam mình, điển hình là các tích TQ xưa là nhiều nhất rồi tới các tích của VN mình nhưng điệu Hồ Quảng trong đó sẽ ít hơn.
 

thuyanbui

Rìu Chiến Vàng Chấm
Như vậy, cho thấy cha, ông ta là những người có tính dân tộc cao, dù ở hoàn cảnh nào cũng có cách để tạo ra, giữ gìn bản sắc dân tộc. Đây là niềm tự hào mà chúng mình hiện nay được là người dân Việt, là con cháu của các cụ xưa, trách nhiệm của chúng ta là phải phát huy hơn nữa những di sản của các Cụ để lại, Bác nghĩ thế nào?
 

Phi Long Phong Van

Vạn Lý Truy Phong Vạn Lý Sầu...! Xin Vĩnh Biệt Anh
Thành viên BQT
Vâng bác, thời hoàng kim của cải lương việt nam đã tuột dốc không phanh cùng thời với các phim việt nam mì ăn liền, nhạc mì ăn liền tới giờ. Cũng có nhiều người đang cố vực dậy nền cải lương việt nam như Hữu Quốc.v.v.. nhưng chắc khó và phải lâu lắm mới được như xưa quá bác
 

gamma2

Rìu Vàng
Bài viết hay, có giá trị, không kể là do bạn nghiên cứu hay lấy từ nguồn nào đó cũng đã cung cấp nhiều thông tin về một loại hình văn hóa mà mình từng rất thích. Nhớ ngày xưa, đầu những năm 70, nhà mình ở SG, tối thứ 4 nào cũng ngóng xem tuồng Hồ Quảng. Đơn giản vì nó dễ nghe, dễ hiểu hơn so với xem hát bội dù trước đó năm 66- 67 má mình đã dẫn mình xem hát bội nhiều lần ở Đình Tài Đức - Quận 11. Má mình mất năm Mậu Thân và từ đó mình không còn xem hát bội ở Đình, chỉ xem trên TV thôi. Có điều vẫn thích cải lương, Hồ Quảng và thoại kịch hơn, có lẽ bởi mình dốt, không thấm nhiều với cách diễn của hát bội. Đáng tiếc là các loại nình văn hóa này không còn ăn khách như xưa, các sân khấu ca cổ hết sức trầy trật để cố sáng đèn, ngay cả ở nông thôn ! Dù gì cũng cám ơn bạn đã giúp mình nhớ lại một góc tuổi thơ.
 
Sửa lần cuối:

Phi Long Phong Van

Vạn Lý Truy Phong Vạn Lý Sầu...! Xin Vĩnh Biệt Anh
Thành viên BQT
Dạ vâng bác, cháu cũng thích nghe cải lương Hồ Quảng này từ hồi mười mấy tuổi đó bác, trái ngược lại với mẹ cháu thì chỉ thích nghe cải lương tuồng xã hội do các diễn viên gạo cội như Lệ Thủy, Minh Vương, Minh Phụng.v.v.. hát thôi bác hjhj. Cũng do thích nghe từ hồi mười mấy tuổi nên cháu cũng có tìm hiểu sơ qua về thể loại hát tuồng này bác ạ. Bài trên cũng là cháu sưu tầm và lấy từ nguồn cháu có để link trên bài đăng đó bác. Cháu còn nhớ thể loại tuồng Hồ Quảng này và cải lương việt nam rất thịnh khoảng năm chín mấy do 1 dàn diễn viên tài sắc như vũ linh, tài linh, ngọc huyền, kim tử long, thanh tòng, trường sơn..v.v.. lúc đó đã diễn rất hay đẩy thể loại này phát triển rất hừng thời lúc đó...Rồi tới bắt đầu khoảng năm 2000 đổ lại đây thì cải lương và tuồng hồ quảng bắt đầu chững lại và gần như thoái trào. Tới nhưng năm gần đây theo cháu được biết thì cũng có rất nhiều nghệ sĩ tâm huyết với nghề, nghệ sĩ gạo cội có, trẻ có cũng đang từng bước vực dậy nền cải lương nước nhà đó bác. Cháu cũng hy vọng một ngày không xa thì sau đợt thoái trào này thì nghệ thuật cải lương việt nam nói chung và thể loại hồ quảng nói riêng sẽ lại bừng sắc như xưa bác ạ
 

gamma2

Rìu Vàng
Mình nghỉ quảng thời gian cải lương nói chung có vẻ "phất " như bạn nói từ những năm 90 đến năm 2000 phần lớn là do khán giả sinh trước 1975, kể cả số kiều bào hải ngoại nhớ về quá khứ.Cuộc sống phát triển, thị hiếu hưởng thụ văn hóa cũng bị ảnh hưởng! Phần lớn khán giả trẻ giờ thích thứ có vẻ dễ "tiêu hóa" hơn. Tuồng cổ mang tính ước lệ nhiều, lại phải biết chút ít về những ước lệ đó nên khó cho khán giả trẻ. Mình vẫn trân trọng những người có tâm với loại hình văn hóa này, nhưng sao mà khó quá ! Riêng ý thích của bạn về mảng này thật đáng quý. Chúc bạn khỏe để có nhiều cống hiến cho DĐ.
 

Phi Long Phong Van

Vạn Lý Truy Phong Vạn Lý Sầu...! Xin Vĩnh Biệt Anh
Thành viên BQT
Dạ vâng bác, khi nghe tuồng Hồ Quảng thì đa số họ diễn về các tích xưa bên TQ nên nếu chỉ nghe lời họ hát thôi thì cũng chưa hiểu hết được nội dung của cốt tuồng bác nhỉ. Cháu cũng đam mê đọc truyện từ nhỏ nữa nhất là kiếm hiệp, dã sử của cả TQ và VN nên cũng biết được chút ít về tích xưa đó bác... cháu cảm ơn bác cũng đã đồng cảm cùng cháu ạ, cháu cũng xin chúc bác thiệt nhiều sức khỏe và an lành ạ