Mình nghĩ bác ấy nên làm 1 bài về được và mất khi đổi Tết sang dương lịch chẳng hạn, như thế thì việc thảo luận nó sẽ chất lượng hơn vì ai cũng tập trung vào vấn đề đó.
Cám ơn bạn đã quan tâm đến đề tài ăn Tết Dương và bỏ Tết Âm của gia đình mình. Vì một số lý do nên mình không lập một topic riêng.. Như ở trên mình đã nói mình hầu như không muốn tranh luận nhiều lý do là trên diễn đàn ảo số lượng người thật lòng muốn thảo luận rất ít nên mình chỉ mượn topic này để gửi vài hình ảnh để giới thiệu đến cho những ai muốn nghe. Còn các lập luận của mình nằm rải rác trên các diễn đàn và facebook riêng của mình. Mình để chế độ public nên mọi người nếu thực sự muốn tìm hiểu sẽ không có gì khó khăn.
Để trả lời ý của bạn về những vấn đề được/mất mình tóm tắt vài ý như dưới đây:
- Cái “được” đầu tiên là mình luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình. Vợ con mình luôn ủng hộ việc bỏ Tết Âm. Mẹ mình và các anh chị em hai bên nội ngoại tuy không bỏ Tết Âm lịch nhưng cũng tham gia chung với nhà mình đón Tết Dương lịch rất vui.
- Cái được thứ hai là bạn bè FB (hầu hết là quen ngoài đời) luôn có những lời chúc tụng Tết đến với mình và có phản hồi tích cực với những bài post trên đó. Thực chất vì đa số là quen nhau nên mọi người biết trong cuộc sống mình “dân tộc” hoặc “cổ truyền” đến mức nào nên không có chuyện “ném đá”. Mình biết chuyện này trên FB còn bị ném đá mạnh hơn trên forum rất nhiều nhưng đối với mình không có chuyện đó. Vì mình hạn chế việc giải thích, lập luận mà chỉ tập trung vào việc thực hiện điều mình cho là đúng.
- Về tiết kiệm thời gian và chi phí mình tiết kiệm được nhiều. Đầu tiên là tiết kiệm được chi phí mừng tuổi (mình không thích gọi là lì xì). Mình đón Tết lệch pha với hầu hết mọi người nên tiền mừng tuổi hầu như nằm trong dự tính của mình không có phát sinh kiểu “lì xì đụng” mà mọi người thường gặp. “Lì xì đụng” là bạn đến nhà bạn của bạn và đã dự tính số tiền lì xì con hoặc bố mẹ của bạn bạn, nhưng thường phải dự phòng số tiền để lì xì trẻ con của họ hàng, bạn bè của bạn bạn cũng vô tình gặp. Dĩ nhiên bạn lì xì trẻ con thì họ cũng lì xì lại con bạn. Số tiền “lì xì đụng” này là khá lớn so với dự tính ban đầu. Vì mình không gặp trường hợp như vậy nên mình để một phần số tiền chênh lệch này bỏ ống cho bọn trẻ.
- Tiết kiệm cái thứ hai là chi phí mua sắm. Cuối năm thường giá cả rẻ hơn giáp Tết Âm lịch. Vì thời điểm sắm đồ Tết của mình sớm hơn mọi người nên mình không có nhiều lựa chọn cho số lượng đồ trang trí. Và thực sự cây nêu hoặc câu đối mình toàn tự làm trong một ngày cuối tuần là xong và hầu như chỉ tốn tiền mua giấy màu, vài cải rổ rá, lu khạp toàn đồ rẻ tiền chứ chả có gì tốn kém cả. Hoa mai nhà mình dù khá to nhưng cũng chỉ tốn vài trăm ngàn chăm sóc cho cả năm. Rốt lại cũng chỉ tốn tiền ăn uống. Nhưng tiền ăn uống buồn cười là mọi người đón Tết Âm tốn rất nhiều tiền cho các món “chống ngấy” chứ mình thì không. Vì thời điểm ăn Tết sớm nên không ai ngấy bánh chưng, thịt mỡ. Mà những món này vốn không hề đắt tiền. Chính những món “độc”/”lạ” và “chống ngấy” mọi người thường ăn vào Tết Âm mới tốn tiền. Thông qua việc đón Tết Dương lịch theo phong tục Việt mình mới thấy rằng các món ăn Tết của Việt Nam thực ra rất ngon chứ không hề ngấy. Ngấy là do mọi người bị “quá tải” mà thôi.
- Một cái tiết kiệm nữa là thời gian. Việc “sắm Tết” (Dương lịch) thực ra chỉ là hình thức, chứ mua thiếu đồ không vấn đề gì cả. Không bị tâm lý đến 30 phải mua. Chẳng hạn mùng Một đang nhậu thiếu cái bánh chưng chạy ra quán hoặc siêu thị là có ngay. Còn đến ngày giáp Tết Âm mìnhdạo chơi chợ hoa, chợ Tết thấy thực sự mình đang hưởng thụ cảnh đẹp, hoa đẹp thực sự, không có cái áp lực phải mua thứ gì về. Thời điểm này chủ yếu mình bỏ đồ chứ ít mua, nhưng không phải mình không mua đồ, mà mình sẽ mua những thứ gì dùng cho cả năm mà không phải lúc nào cũng mua được. Thế mới sướng..
- Về hương vị cổ truyền trong ngày Tết của mình cái được của nó là không những không giảm mà còn tăng lên. Không phải chỉ vì nhà mình có cây nêu người khác không có. Vấn đề ở đây vì mình lệch pha với đa số mọi người xung quanh nên: Thứ nhất là đa số mọi người có một ít tiền thì phải cần tìm cái gì “độc/lạ” cho cái Tết của mình nên cái phong vị cổ truyền nó phải phai lạt đi chút ít. Còn mình vì cái thời điểm của mình nó đã là “độc/lạ” nên mình không cần thiết phải tìm tòi cái gì mới lạ, chỉ cần ngày xưa cha mẹ mình như thế nào mình làm như thế là đủ. Thứ hai là như ở trên nói cái thời điểm ăn Tết của mình mọi người chưa bị “ngấy” các món Tết cổ truyền nên cái sự thưởng thức hương vị Tết rất là trọn vẹn.
- Bà xã mình có nói rằng không biết nếu sau này mọi người cùng ăn Tết dương lịch như mình thì sẽ giảm cái hương vị của Tết nhà mình. Mình bảo rằng ở Nhật Bản, lệnh cấm sử dụng Âm lịch bắt đầu từ năm 1873. Mãi 73 năm sau đến năm 1946 người ta khảo sát thì có đến 20% dân thành thị vẫn còn đón Tết Âm và 70% dân nông thôn vẫn còn đón Tết Âm. Đến tận thập niên 60 (nghĩa là 90 năm sau) thì người Nhật mới hầu như là quên hẳn cái Tết Âm lịch. Vì vậy không cần phải lo chuyện “ruồi bu”
- Đương nhiên để đón được Tết Dương trọn vẹn mình phải xin nghỉ phép vài ngày. Và bọn trẻ đương nhiên bận học nên chúng chỉ tham gia với một số vai trò thôi chứ không phải là toàn bộ. Nhưng bù lại chúng được hai cái. Thứ nhất là đến Tết Âm chúng được nghỉ nhiều nhưng không phải làm gì cả thì có thời gian để xem lại bài vở, đọc sách giải trí rất nhiều. Thứ hai là hằng năm vào hôm noel mình cho chúng đi xem đốt pháo nổ (ở một địa điểm bí mật
) để chúng hưởng thụ trọn vẹn không khí Tết của cha mẹ chúng lúc nhỏ. Còn mình thì sau Tết Dương là bắt tay vào công việc với tâm thế của năm mới rồi. Vợ mình tuy làm nội trợ nhưng cũng có cái lợi là chỉ phải làm những việc nằm trong kế hoạch chứ không phải phục vụ quá nhiều cho những phát sinh (thường thì việc phụ nữ phải phục vụ những việc phát sinh này nhiều hơn ngoài kế hoạch rất nhiều). Vì vậy dù có vất vả chứ không cáu bẳn.
- Cái “mất” duy nhất ở đây là hiện tại mình chỉ có phương án duy nhất cho việc bỏ Tết Âm là mình phải đi du lịch từ 30 Âl cho đến hết mùng 3 quay về. Mặc dù không tốn kém nhiều nhưng nó cũng có phần chưa đúng lắm với ý nghĩa “bỏ Tết”. Lý do là vì mặc dù mình có nói với anh chị em, bạn bè là mình không mua sắm Tết và không ăn Tết cả ở ngoài lẫn trên FB nhưng vì mọi người vì quý mình nên vẫn cứ đến nhà. Vì vậy mình phải “trốn” thêm 1 hoặc 2 năm nữa cho mọi người quen hẳn thì mới chuyển sang kế hoạch khác (đọc sách, chơi thể thao, ăn chay, làm từ thiện, tìm một việc gì đó để làm...).
Chi phí du lịch Tết thực ra cũng không tốn kém bằng chi phí bỏ ra để ăn Tết Âm.. ở đây vấn đề không phải là tiền cho ông bà, anh chị em họ hàng nhé.. Có rất nhiều chi phí phát sinh mà mọi người không ngờ đến mình đã nói ở trên. Có thể đối với mọi người những chi phí phát sinh này không đáng là bao. Đối với mình cũng vậy, nó không đáng là bao nhưng mình nghĩ mình xứng đáng được hưởng nó.