Minh Nhật | 19/07/2020 12:59 báo điện tử soha
Đập Tam Hiệp - dự án thủy điện lớn nhất thế giới gần đây thu hút sự chú ý của dư luận thế giới vì nguy cơ vỡ đập giữa bối cảnh mưa lũ dữ dội, triền miên ở Trung Quốc.
Trong ảnh, một công nhân đứng trước đập chính của Dự án đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử ở Yichang, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 29/8/2002. Tôn Trung Sơn - lãnh đạo đầu tiên của Quốc dân đảng Trung Quốc chính là người đầu tiên đưa ra ý tưởng xây dựng đập Tam Hiệp từ những năm 1919. Tuy nhiên, vì có quá nhiều vấn đề, dự án xây dựng đập Tam Hiệp đã bị trì hoãn gần 40 năm.
Mãi đến năm 1992, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng mới thuyết phục được Quốc hội Trung Quốc thông qua dự án, nhưng cũng có đến gần 1/3 đại biểu phản đối hoặc không bỏ phiếu - điều ít thấy trên chính trường Trung Quốc. Trong ảnh, một tòa nhà bị phá hủy để nhường chỗ cho dự án đập Tam Hiệp ở quận Kaixian phía tây nam thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc ngày 14/11/2007.
Trong suốt quá trình xây dựng, đập Tam Hiệp liên tiếp dính thêm nhiều bê bối về chi phí tăng vọt, tham nhũng chính trị và các vấn đề tái định cư khiến tiến độ dự án bị chậm lại và đôi khi bị đình trệ. Trong ảnh, một tòa nhà cao tầng ở thành phố Fengjie cũ của Trung Quốc bị giật sập bằng thuốc nổ ngày 4/11/2002. Tất cả các tòa nhà trong thành phố hơn 1.000 năm tuổi này đều bị phá hủy trước khi TP bị nhấn chìm trong hồ chứa của dự án đập Tam Hiệp.
Đập Tam Hiệp dài khoảng 2,3km và cao 185m, lớn gấp 5 lần so với đập Hoover của Mỹ. Để xây dựng con đập, người ta phải sử dụng khoảng 27,2 triệu m3 bêtông (chủ yếu cho thành đập), 463.000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel), đào 102,6 triệu m3 đất.
Các chuyên gia cũng phải sử dụng khoảng 200 tấn thuốc nổ để phá hủy đê ngăn nước Tam Hiệp cuối cùng - một cấu trúc tạm để công nhân hoàn thành bức tường chính khổng lồ của đập Tam Hiệp. Vụ nổ này tạo ra khoảng 186.000 mét khối gạch vụn, theo National Geographic. Trong ảnh, người dân địa phương ngồi và đứng trên đống gạch vụn từng là nhà của họ nhưng giờ đây đã bị phá hủy để nhường đất cho hồ chứa đập Tam Hiệp ngày 12/6/2003.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, hơn 100 công nhân đã thiệt mạng trong suốt quá trình xây dựng con đập khổng lồ.
Những người di dân cuối cùng từ các khu vực gần hồ chứa đập Tam Hiệp ở tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 27/8/2004. Ước tính, khoảng 1,3 triệu người đã phải tái định cư vì dự án đập Tam Hiệp khổng lồ.
Hàng chục địa điểm kiến trúc và văn hóa cũng bị ngập sâu trong hồ chứa nước đập Tam Hiệp. Trong số các di tích này, đáng chú ý nhất là di tích của nhóm người cổ sống trong khu vực này khoảng 4.000 năm trước.
Nhóm công nhân nhìn qua một đường ống nước khổng lồ tại công trường xây dựng Dự án đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử ở Yichang, tỉnh Hồ Bắc ngày 29/8/2002. Các báo cáo chính thức cho biết, ngân sách xây dựng đập Tam Hiệp ở mức 25 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, chi phí thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số công bố. Con số ước tính được cho là rơi vào khoảng 75 tỷ USD (không kể các khoản tham nhũng, các tổn thất trong hủy diệt đất trồng trọt, tái định cư và tổn thất môi trường...).
Lính Trung Quốc tuần tra khu vực đập Tam Hiệp ngày 26/4/2005.
Các trụ bê tông nhô ra khỏi mặt nước tại đập Tam Hiệp nằm ở phía tây bắc thành phố Yichang thuộc tỉnh Hồ Bắc miền trung Trung Quốc ngày 6 /11/2007. Xói mòn hồ chứa đã gây ra lở đất và thậm chí đe dọa một trong những ngành ngư nghiệp lớn nhất thế giới. Con đập quá lớn đến nỗi nó đã tạo ra một vi khí hậu đe dọa hệ sinh thái của khu vực.
Một cặp vợ chồng già đứng ở ngưỡng cửa ngôi nhà cũ nát của họ ở làng Qianjiangping nằm dọc theo một nhánh của sông Dương Tử ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc ngày 5/11/2007. Ngôi nhà đã xuất hiện những vết nứt lớn trên các bức tường do bị ảnh hưởng bởi quá trình xây dựng đập Tam Hiệp.
Một cụ ông kéo xe chở đồ đạc rời nhà ra đi sau khi ngôi nhà của ông ở quận Kaixian thuộc Trùng Khánh phía tây nam của Trung Quốc bị phá hủy để nhường chỗ cho dự án đập Tam Hiệp ngày 14/11/2007.
Các kỹ sư và du khách nhìn ngắm cánh quạt khổng lồ của máy phát điện đầu tiên của đập Tam Hiệp ngày 18/5/2006. Đập Tam Hiệp được thiết kế để phục vụ ba mục đích chính là kiểm soát lũ ở Trung Quốc, sản xuất thủy điện và cải thiện giao thông đường thủy. Tuy nhiên, trong bối cảnh mưa lũ ngày càng nghiêm trọng hiện nay ở Trung Quốc, nhiều người dân nghi ngờ lũ lụt là kết quả việc con đập lớn nhất thế giới bí mật xả lũ để giảm áp lực cho cấu trúc đập và cuối cùng dân là người phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.