Năm 2009, Internet là một thế giới rất khác so với những gì chúng ta biết đến ngày nay. iPhone năm ấy mới chỉ có 2 năm tuổi, và chiếc điện thoại chạy hệ điều hành Android đầu tiên, chiếc T-Mobile G1, mới chỉ được ra mắt chưa lâu.
Đa số người dùng lúc bấy giờ vẫn truy cập Internet chủ yếu thông qua máy tính để bàn và máy tính xách tay. Rất nhiều người còn chẳng bao giờ buồn cập nhật trình duyệt Internet Explorer 6 đã quá lỗi thời và nhiều lỗi – điều khiến cho nhiều nhà phát triển web cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
Rồi, một sự thay đổi đột ngột đã xảy đến. Lượng người dùng sử dụng trình duyệt Internet Explorer 6 đột ngột giảm xuống khi Google bắt đầu ngừng hỗ trợ các dịch vụ của mình trên trình duyệt này. Cựu kỹ sư phát triển YouTube Chris Zacharias mới đây đã đăng tải một bài viết trên blog cá nhân của mình, trong đó anh giải thích rằng đó không phải là một quyết định có tính toán của hãng, mà là "âm mưu" do anh và các đồng nghiệp, các kĩ sư YouTube khác nảy ra nhằm "giết chết" Internet Explorer 6.
Đầu tiên, hãy nói về những vấn đề đã khiến cho Internet Explorer 6 bị ghét bỏ và chế giễu liên tục ở thời điểm ấy. Trình duyệt này được phát triển trong thời kỳ mà Microsoft không có bất kỳ đối thủ cạnh tranh thực sự nào trên thị trường trình duyệt. Vì vậy, nó có thể "thoải mái" phá vỡ các quy ước và tiêu chuẩn web theo cách mà các nhà phát triển của Microsoft muốn. Thậm chí, điều khiến cho vấn đề tồi tệ hơn là việc các công nghệ web cơ bản của thế giới điện toán đã phát triển nhanh đến mức khó tin. Chúng nhanh chóng được áp dụng trên các trình duyệt hiện đại, cập nhật thường xuyên hơn như Chrome và Firefox, trong khi Internet Explorer thì vẫn "chây ì" ở đó. Do vậy, nhiều thành tựu mới của web ở thời điểm bấy giờ đã không thể hoạt động được trên Internet Explorer 6 và vô tình phá vỡ cấu trúc của các trang web khi truy cập bằng tình duyệt này. Một số "class" (một loại đối tượng trong lập trình web) như hình ảnh, luôn cần những giải pháp riêng, những đoạn mã riêng dành cho trình duyệt Internet Explorer 6 để trang web có thể hiển thị như mong muốn của các nhà phát triển trang web.
Tuy nhiên, các kĩ sư YouTube (cùng với rất nhiều nhà phát triển web ở thời điểm đó) không thể bỏ qua trình duyệt này được, bởi thị phần của nó lúc bấy giờ chiếm tới hơn 20%. Sau nhiều đêm thao thức để sửa lỗi hiển thị trang web trên Internet Explorer 6, nhóm phát triển YouTube đã chịu hết nổi và nảy ra một ý tưởng hết sức đơn giản. Họ đặt một banner nhỏ chỉ hiển thị đối với người dùng truy cập YouTube từ trình duyệt Internet Explorer 6, nêu rõ rằng trình duyệt này sẽ không còn được YouTube hỗ trợ trong tương lai, và người dùng nên chuyển sang một trình duyệt mới hiện đại hơn (xem ảnh chụp màn hình bên dưới). Nhóm phát triển YouTube muốn xem người dùng sẽ phản ứng như thế nào. Liệu họ có phản đối những sự thay đổi hay không. Hay họ sẽ cập nhật trình duyệt của mình hoặc nhờ nhân viên hay con cháu trong nhà làm điều đó cho họ?
Nhìn ảnh chụp màn hình này, bạn có thấy "quen quen" không? Từ thời mà Internet Explorer 6 còn chưa hỗ trợ các tab ấy!
Hiện nay, các công ty công nghệ đều có những chính sách kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ, không cho phép các kĩ sư tự ý triển khai bất kỳ thay đổi nào mà họ muốn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, YouTube là một dự án đặc biệt. Google mới chỉ mua lại YouTube được có ba năm, và các nhà phát triển theo đuổi dự án YouTube từ những ngày đầu (gọi là các OldTuber) đã yêu cầu tạo ra một quyền đặc biệt cho phép họ đẩy các thay đổi lên trang web chính mà không cần qua bất kỳ sự kiểm tra nào. Những người "giết" Internet Explorer 6 đã lợi dụng kẽ hở này để đưa đoạn mã hiển thị banner trên vào trang web chính thức. Bởi lúc ấy gần như chẳng có ai ở YouTube sử dụng trình duyệt "cổ lỗ sĩ" này nên nhóm kĩ sư nghĩ họ sẽ không bị "bắt" ngay.
Và điều gì đến cũng phải đến. Chỉ hai ngày sau khi đoạn mã trên được đẩy lên, trưởng bộ phận Quan hệ công chúng đã tới gặp nhóm kĩ sư. Anh này cho biết bộ phận của anh đã nhận được email từ gần như mọi trang tin tức công nghệ trên thế giới, hỏi về việc tại sao YouTube lại đe doạ "khai tử" một trình duyệt với thị phần lớn như vậy. May mắn thay cho các kĩ sư, các trang tin cũng gần như ngay lập tức đăng tải lời ca ngợi YouTube như một "người hùng" của thế giới web với hành động đó, bởi vì họ đã góp phần thúc đẩy người dùng chuyển sang những trình duyệt mới và an toàn hơn, giúp thúc đẩy sự phát triển chung của web. Người tiếp theo "ghé thăm" nhóm phát triển là các luật sư của công ty. Họ muốn đảm bảo rằng các trình duyệt mới được YouTube khuyến nghị người dùng sử dụng phải được "ngẫu nhiên hoá" nhằm không vướng vào cuộc chiến pháp lý với luật chống độc quyền và luật cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) có liên quan đến trình duyệt Chrome.
Một điều thú vị là thay đổi của nhóm kĩ sư đã không bao giờ bị rút lại. Cuối cùng thì các nhà quản lý cũng phát hiện ra rằng họ chưa bao giờ phê chuẩn thay đổi ấy. Nhưng đến lúc ấy thì đã quá muộn; đa số các sản phẩm của Google đã được đính kèm với banner ấy, chẳng hạn như Google Docs. Trên thực tế, nhiều người dùng còn lầm tưởng rằng YouTube đã copy "y xì" banner của Google Docs mà đâu biết rằng, "âm mưu" thực sự đến từ các nhà phát triển của trang web chia sẻ video trực tuyến lớn nhất hành tinh!
Từ biểu đồ trên có thể thấy, thị phần của Internet Explorer đã "lao dốc" rất nhanh kể từ sau khi những banner đề nghị người dùng chuyển sang sử dụng các trình duyệt mới hơn xuất hiện trên YouTube và lan rộng ra các trang web khác, kể cả những trang không thuộc hệ thống của Google. Nếu câu chuyện về "âm mưu" của các kỹ sư YouTube không diễn ra theo cách thức "may mắn" như vậy, có lẽ mọi thứ đã rẽ sang một hướng khác: các kĩ sư có thể bị mất việc hoặc điều chuyển sang những bộ phận khác. Nhưng bởi mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ, nên chúng ta có thể gọi nhóm kĩ sư YouTube là những người hùng và cảm ơn họ vì đóng góp tuyệt vời dành cho thế giới web.
Tuy nhiên, cũng không thể quên một chiều hướng khác của câu chuyện: Google Chrome hiện đang chiếm hơn 60% thị phần trình duyệt web và engine Chromium của Google cũng đang được rất nhiều trình duyệt đối thủ sử dụng. Đôi khi, Google cũng tạo ra một số trang web chỉ hoạt động tốt nhất trên trình duyệt của họ, rồi sau đó một thời gian mới tối ưu hoá cho các trình duyệt khác: Google Earth là một ví dụ điển hình.
Theo Android Police