Vị quân sư là đệ nhất khai quốc công thần của triều Nguyễn | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We don't have any banner, Flash, animation, obnoxious sound, or popup ad. We do not implement these annoying types of ads!

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

Please add https://vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software.

×

Vị quân sư là đệ nhất khai quốc công thần của triều Nguyễn

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
PHẦN I

Đào Duy Từ là vị quân sư giúp Đàng Trong cường thịnh, quân đội hùng mạnh chặn đứng nhiều cuộc tấn công của Đàng Ngoài. Ông được tôn là đệ nhất khai quốc công thần của nhà Nguyễn và được thờ ở Thái miếu. Có rất nhiều giai thoại xoay quanh cuộc đời của ông.

Dao-Duy-Tu-01-768x509.jpg

Đền thờ Đào Duy Từ tại Hoài Nhơn.

Con của kép hát

Vào giữa thế kỷ 16 ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tỉnh Gia, trấn Thanh Hoa (nay là xã Hải Nhân, huyện Tỉnh Gia, tỉnh Thanh Hoá) có ông Đào Tá Hán làm cấm vệ quân ở kinh thành.

Vốn có tài thơ ca, một lần vui với đám quân sĩ ông liền làm mấy câu thơ, không ngờ lại phạm vào tên húy của Minh Khang Thái vương (tức chúa Trịnh Kiểm), ông bị đánh 20 roi và đuổi về quê.

Về quê ông theo một phường chèo học đàn hát. Vốn thông minh lại có phần đẹp trai, 2 năm sau ông trở thành một kép hát nổi tiếng trong vùng.

Một lần vào hội xuân, ông đi hát ở làng Ngọc Lâm, huyện Lục An, Thanh Hoa. Trong đêm hội xuân, tiếng hát của Đào Tá Hán đã làm rung động trái tim con gái ông Tiên chỉ làng Ngọc Lâm là Vũ Kim Chi. (Tiên chỉ là người có uy tín nhất trong làng, đứng đầu các lễ hội phong tục tín ngưỡng trong làng).

Thời bấy giờ, nghề ca hát được xem là “hát xướng”, có địa vị thấp kém và xã hội xem thường. Vũ Kim Chi là con của Tiên Chỉ một làng, có địa vị cao quý, năm ấy 19 tuổi đẹp nổi tiếng trong vùng, nhiều người có gia thế đến dạm hỏi nhưng chưa ưng ai. Việc bà có tình cảm và muốn lấy người hát xướng thì gặp phải nhiều phản đối nhưng bà bất chấp tất cả.

Cuối cùng gia đình chấp thuận, hai người cũng đến được với nhau. Họ về làng Hoa Trai dựng nhà cửa, cuộc sống hạnh phúc. Năm 1572, bà Kim Chi sinh hạ được một bé trai và đặt tên là Đào Duy Từ.

Quyết ở vậy nuôi con học thành tài

Hạnh phúc chẳng được bao lâu, năm 1576, ông Đào Tá Hán bị ốm nặng và qua đời. Bà Vũ Kim Chi lúc này vẫn còn rất xinh đẹp nên nhiều người khá giả muốn cưới làm vợ, nhưng bà đều từ chối quyết ở vậy nuôi con khôn lớn.

Đào Duy Từ lớn lên được cho học nơi phường hát. Nhưng phường hát chỉ học chữ cốt sao để ghi chép và hát cho đúng, mà Đào Duy Từ rất thông minh, đâu chỉ gói gọn vào việc học chữ để hát. Chẳng bao lâu thầy đồ trong làng không còn chữ để dạy nữa, vì thế mà cậu xin mẹ tìm thầy khác để học.

Thấy con thông minh lại ham học, Vũ Kim Chi cảm thấy ngậm ngùi, vì thời đó con nhà hát xướng không được phép đi thi. Nhưng tiếc tài học của con, Kim Chi quyết định tìm thầy cho con mình học tiếp.

Đến kỳ thi Hương, nhìn thấy con mình háo hức hăm hở muốn đăng ký đi thi, Vũ Kim Chi không đành lòng, liền đem tiền và nhiều lễ vật đến nhờ xã trưởng làng Hoa Trai là Lưu Minh Phương đổi tên cho con mình sang họ Vũ của mẹ là Vũ Duy Từ để được đi thi.

Xã trưởng từ lâu vốn đã mê nhan sắc của bà Kim Chi, nhưng không có cơ hội, nên đồng ý giúp đỡ nhưng xong việc thì phải đồng ý làm vợ lẽ của y.

Tài năng đứng đầu nhưng không được dự thi

Kỳ thi Hương năm 1593, Đào Duy Từ đỗ Á Nguyên, tức đỗ cao thứ nhì, bà Kim Chi vui mừng động viên con mình thi tiếp kỳ thi Hội.

Xã trưởng Lư Minh Phương thấy việc đổi tên thuận lợi nên gặp Kim Chi yêu cầu làm vợ lẽ y như đã thỏa thuận. Nhưng bà Kim Chi khất đến lần khác vì con mình đang đi thi, làm thế khó hợp với lễ. Xã trưởng tức tối thưa chuyện này với Tri huyện Ngọc Sơn vốn là chỗ thân quen, nhờ ông ta xét xử và bắt bà Kim Chi phải chịu làm vợ y.

Không ngờ Tri huyện đem chuyện này bẩm báo lên trên, Đào Duy Từ vừa thi Hội xong thì liền bị bắt và tống giam, bị xóa tên không được thi, đánh tuột luôn Á Nguyên. Ở quê nhà bà Kim Chi cũng nhận được trát bắt lên quan tra hỏi.

Bà Kim Chi vừa lo lắng cho con, vừa oán giận sự bất công của Triều đình, đã phẫn uất thắt cổ tự tử. Đào Duy Từ nghe tin mẹ mất nhưng cũng không được cho về chịu tang.


Dao-Duy-Tu-02-768x464.jpg

Hào kiệt đến phương nam

Lúc này ở phía nam, chúa Nguyễn di dân, mở mang bờ cõi, xây dựng được nhiều trung tâm thu hút thương gia trong ngoài nước đến buôn bán.

Trước sự hùng mạnh ở Đàng Trong, năm 1620, chúa Trịnh vô cớ gây chiến. Chúa Nguyễn quyết định hoàn toàn đoạn tuyệt với việc nộp cống thuế cho đàng ngoài.

Trong khi đó ở Đàng Ngoài, năm 1623, Trịnh Tùng chết, các con tranh nhau ngôi Chúa làm loạn Bắc hà. Các mưu sĩ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên hiến kế rằng nhân cơ hội này đem quân đánh chiếm Đàng Ngoài, vì 3 năm trước chúa Trịnh vô cớ đem quân đánh Đàng Trong.

Thế nhưng Chúa Nguyễn Phúc Nguyên nói rằng: “Ta muốn nhân cơ hội này nổi nghĩa binh để phò vua Lê, nhưng đánh lúc người có tang là bất nhân, thừa lúc người lâm nguy là bất vũ. Huống chi ta với Trịnh có nghĩa thông gia”.

Hào kiệt khắp nơi hiểu cái nghĩa khí của chúa Nguyễn thì theo về rất đông.

Tương truyền rằng Đào Duy Từ cũng vì thế mà đến. Ông nói với chúng bạn rằng: “Tôi nghe chúa Nguyễn hùng cứ đất Thuận Quảng, làm nhiều việc nhân đức, lại có lòng yêu kẻ sĩ, trọng người hiền… Nếu ta theo vào giúp thì chẳng khác gì Trương Lương về Hán, Ngũ Viên sang Ngô, có thể làm tỏ rạng thanh danh, ta không đến nỗi phải nát cùng cây cỏ, uổng phí một đời”

(Còn nữa)

Trần Hưng​
 
Sửa lần cuối:

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
PHẦN II

Tiếp theo PHẦN I


Năm 1625, Đào Duy Từ trốn được vào Đàng Trong. Đầu tiên ông ở thôn Tùng Châu, phủ Hoài Nhân, tỉnh Bình Định. Vì thân cô không có ai giúp đỡ, ông phải đi chăn trâu ở đợ cho một phú hộ trong thôn.

Kẻ chăn trâu ở đợ thông kim bác cổ

Đào Duy Từ làm việc rất siêng năng, ngày nắng cũng như ngày mưa, sáng sớm lùa trâu đi, chập tối đánh trâu về khiến gia chủ rất vừa lòng.


Dao-Duy-Tu-06.jpg

Sách “Việt sử giai thoại” ghi chép lại rằng, một lần vào chập tối khi Đào Duy Từ chăn trâu về thì thấy trong nhà phú hộ có nhiều người đang bình văn bàn chữ nghĩa. Chả là hôm ấy phú hộ mời các nho sĩ khắp vùng đến để cùng trà nước hàn huyên.

Thấy khách khứa bàn chuyện rôm rả, Duy Từ đến gần thì bị chủ nhà mắng rằng: “Kẻ chăn trâu kia! Hạng tiểu nhân biết gì mà dám đứng nhìn các quan khách đây là những bậc danh Nho?”



Đào Duy Từ cười đáp rằng: “Nho cũng có hạng ‘nho quân tử’, hạng ‘nho tiểu nhân’. Chăn trâu cũng có kẻ ‘chăn trâu anh hùng’, kẻ ‘chăn trâu tôi tớ’, cao thấp không giống nhau, hiền ngu không là một! Còn kẻ tiểu nhân tôi chỉ đứng nhìn, có xâm phạm gì đến cái phú quý, sang trọng của các vị, mà chủ nhân lại mắng đuổi?”

Khách khứa thấy kẻ chăn trâu mà lại nói lý liền nói rằng: “Vậy nhà người bảo ai là ‘nho quân tử’, ai là ‘nho tiểu nhân’ hả?”

Đào Duy Từ liền đáp liền một mạch:

“Nho quân tử thì phải thông hiểu tam tài. Ở nhà lo giữ đạo cha con, anh em và vợ chồng. Khi ra giúp việc cho nước nhà phải biết tìm mưu lược để giữ yên lòng dân và cứu chỗ hiểm, phò chỗ nguy, bày binh bố trận, phải lập công danh sự nghiệp, để tiếng thơm lại cho mai sau, đời đời còn rạng rỡ, ngàn năm không phai mờ.

Còn như Nho tiểu nhân, tài học nhiều lắm cũng ở mức tầm chương trích cú, chỉ muốn thong dong nơi bút mực văn chương để cầu danh lợi, mượn Nho để cưỡi gió giỡn trăng, coi thường những kẻ hào kiệt ở đời.”

Khách nhà Nho nghe nói thì cả kinh, bèn hỏi tiếp: “Thế nào là kẻ chăn trâu anh hùng, thế nào là kẻ chăn trâu chỉ đáng phận tôi tớ, ngươi thử nói tiếp cho rõ ràng xem?”

Đào Duy Từ lại mỉm cười rồi nói:

“Kẻ chăn trâu anh hùng thì như Ninh Thích phục hưng được nước Tề, Điền Đan dùng kế hỏa công mà thu phục những thành trì bị người nước Yên chiếm cứ, Hứa Do dắt trâu ra khe uống nước mà cũng biết được lẽ hưng vong và thịnh loạn, Bách Lý Hề đi chăn dê vùng miền trung nước Tần mà cũng nắm vững sự thịnh suy, bĩ thái…

Còn như kẻ chăn trâu chỉ đáng phận tôi tớ thì chỉ biết đói thì ăn, no thì bỏ, ngày bỏ mặc trâu để đi ăn trộm quả, đêm ngủ say mà quên cả việc bỏ rơm cho trâu bò ăn thêm. Bọn ấy chỉ biết thân mình, dầm mưa dãi gió, ra không biết kính sợ quỷ thần, vào không biết làm gì cho mẹ cha nhờ cậy, lêu lổng chơi bời vô độ, khi vui thì mặc sức reo hò múa hát, khi giận thì chẳng kể ruột thịt thân sơ, làm xấu cả cha anh, gieo oán hờn cho làng xóm. Bọn ấy chẳng cần hỏi tới làm gì.”

Đám khách khứa tròn mắt kinh ngạc khi tận mắt nhìn thấy kẻ chăn trâu lại thông kim bác cổ, lý lẽ rành mạch. Rồi khoái chí mời Đào Duy Từ vào nhà ngồi cùng.

Phú hộ rất ngạc nhiên, không ngờ kẻ chăn trâu trong nhà mình mà chữ nghĩa đầy mình như vậy liền giục các nhà Nho hỏi thêm để xem sự thể thế nào.

Thế nhưng các nhà Nho hỏi đến đâu, kẻ chăn trâu đều ứng đáp rõ ràng trôi chảy đến đấy, tỏ ra không gì là không biết, không gì không hiểu, khiến tất cả đều phục sát đất.

Phú hộ mới nói rằng: “Tài giỏi như thế, sao bấy lâu cứ giấu mặt không cho lão già này biết, để đến nỗi phải chăn trâu và chịu đối xử bạc bẽo theo bọn tôi tớ? Quả lão phu có mắt cũng như không. Có tội lắm! Có tội lắm!”

Từ đó chủ nhà may sắm quần áo mới xem Duy Từ là khách quý, mời ngồi giảng học, đối đãi hết sức trọng vọng.

Khám lý phủ cảm phục tài mà gả luôn con gái

Sau buổi gặp gỡ với các bậc nho gia, câu chuyện kẻ chăn trâu ở đợ mà thông kim bác cổ lan đi rất nhanh.

Khám lý phủ Hoài Nhân là Trần Đức Hòa vốn là anh em kết nghĩa với chúa Nguyễn hay tin thì cho mời Đào Duy Từ đến nhà chơi. Qua những lần trò chuyện đàm đạo văn chương, Trần Đức Hòa thấy Đào Duy Từ học vấn uyên thâm lại có chí lớn hơn người, hơn nữa nhân từ hiền lành, nên quý mến lắm. Thế rồi Trần Đức Hòa quyết định gả luôn người con gái yêu của mình là Trần Thị Chính cho Đào Duy Từ.

Sau khi yên bề gia thất, Đào Duy Từ mới kể rõ chí hướng muốn phục vụ Xã Tắc cho bố vợ biết, đồng thời đưa bài thơ “Ngọa Long cương vãn” cho ông xem.

Dao-Duy-Tu-04.jpg

Bài thơ rất dài, trong đó đoạn kết như sau:

Chốn này thiên hạ đã dùng,
Ắt là cũng có Ngọa Long ra đời.
Chúa hay dùng đặng tôi tài,
Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên.


Trần Đức Hòa xem đi xem lại bài “Ngọa Long cương vãn” của con rể, nhận thấy văn từ khoáng đạt, điển tích tinh thông, ý chí mạnh mẽ, hoài bão lớn lao, thì tấm tắc khen, rồi tìm cách dâng lên chúa Nguyễn xem để tiến cử Duy Từ với Chúa.

(Còn nữa)
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
PHẦN III

Sau khi yên bề gia thất, Đào Duy Từ mới kể rõ chí hướng muốn phục vụ Xã Tắc cho bố vợ biết, đồng thời đưa bài thơ “Ngọa Long cương vãn” cho ông xem. Trần Đức Hòa xem đi xem lại bài “Ngọa Long cương vãn” của con rể, nhận thấy văn từ khoáng đạt, điển tích tinh thông, ý chí mạnh mẽ, hoài bão lớn lao, thì tấm tắc khen, rồi tìm cách dâng lên chúa Nguyễn xem để tiến cử Duy Từ với Chúa.

Gặp được minh Chúa

Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên xem xong bài “Ngọa Long cương vãn” thì bảo Trần Đức Hòa dẫn Đào Duy Từ đến gặp Chúa. Gia đình nhà vợ liền may sắm quần áo thật đẹp để Đào Duy Từ ra mắt nhà Chúa. Tuy nhiên Đào Duy Từ lại từ chối với lý do là mình chưa có chức tước gì cả.

Trần Đức Hòa dẫn con rể mình đến Phủ Chúa, đến nơi thấy trước cửa có người ăn mặc xuềnh xoàng, cầm gậy đứng trước cửa, thái độ lơ đãng. Biết đấy là Chúa, Đào Duy Từ liền quay về không gặp. Khi bố vợ bắt quay lại gặp Chúa, Đào Duy Từ đã nói rằng: “Thưa cha, vì con thấy chúa đang trong tư thế đi dạo với các cung tần mỹ nữ, chứ không có nghi lễ gì gọi là tiếp đón khách hiền. Nếu con lạy chào tất phạm vào tội.”

Sợ phạm tội với Chúa, Trần Đức Hòa nắm tay con rể bắt quay lại gặp, hai cha con cứ dùng dằng.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên từ xa quan sát, hiểu rằng Đào Duy Từ quả thật là kẻ tài giỏi khí khái, chứ không phải như những kẻ tầm thường khác chỉ biết quỵ lụy lấy lòng mong tiến thân. Chúa bèn bảo Thái giám ra mời Đào Duy Từ đến sảnh đường, còn mình vào nội phủ mặc quần áo chỉnh tề đến sảnh đường.

Đào Duy Từ trước khi vào Nam đã dùng nhãn quan của mình quan sát kỹ lưỡng thời cuộc, lần này gặp Chúa Nguyễn ông cũng nói lên tình thế của Đại Việt. Ông cho rằng Đại Việt khá giống như thời Tam Quốc khi xưa với vua Lê chúa Trịnh – nhà Mạc – chúa Nguyễn.

Chúa Trịnh nắm thực quyền, chèn ép vua Lê, nhưng lại mượn danh nghĩa vua Lê chèn ép các nơi, giống như Tào Tháo xưa kia mượn danh Thiên Tử sai khiến chư hầu.

Nhà Mạc tuy để mất Thăng Long nhưng chạy đến đóng đô ở đất Cao Bằng, dựa vào địa hình hiểm trở giống Đông Ngô xưa kia, lại được nhà Minh hậu thuẫn. Nhà Minh luôn rình rập cơ hội Đại Việt chia rẽ để mượn cớ tiến đánh như cách “giúp Trần, cầm Hồ” xưa kia.

Chúa Nguyễn giữ vùng đất nhỏ bé ở Thuận Hóa, Quảng Nam nhưng liên tục thực hiện di dân mở rộng bờ cõi về phương Nam, đời sống dân cư ngày càng an lạc, hiền tài khắp nơi quy tụ về phương nam, giống như xưa kia anh tài theo về Lưu Bị.

Phân tích của Đào Duy Từ thấu tình đạt lý, từ đó chúa Nguyễn luôn tin tưởng, tôn làm quân sư, luôn ở bên cạnh Chúa để bàn việc. Ông được phong chức Tán trị, tước Lộc Khê hầu, nên người đời vẫn quen gọi ông là Lộc Khê.

“Tôi không nhận sắc”

Lúc này quan hệ giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn rất xấu. Khi Trịnh Kiểm cho Nguyễn Hoàng đi trấn thủ vùng đất Thuận Hóa, Quảng Nam đã ra lệ là mỗi năm phải đóng thuế l.400 cân bạc, 500 tấm lụa. Sau này dù hùng mạnh nhưng chúa Nguyễn Hoàng và chúa Nguyễn Phúc Nguyên hàng năm đều đóng thuế đầy đủ cho chúa Trịnh.

Trước sự hùng mạnh và giàu có ở phương Nam, năm 1620, chúa Trịnh vô cớ gây chiến. Từ đó Chúa Nguyễn Phúc Nguyên quyết định hoàn toàn đoạn tuyệt với việc nộp cống thuế.

Dao-Duy-Tu-09.jpg

Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi.

Tháng 3/1627, chúa Trịnh Tráng thống lãnh 20 vạn đại quân theo 2 đường thủy bộ tiến đánh chúa Nguyễn. Quân Trịnh dù đông hơn nhưng không sao chọc thủng được phòng tuyến của quân chúa Nguyễn.

Dù thất bại nhưng chúa Trịnh Tráng muốn Chúa Nguyễn phải thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắc thư vua Lê vào phong cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và đòi lễ vật cống nạp.

Chúa Sãi không muốn nhận sắc thư hay cống nạp, nhưng chưa biết xử trí thế nào, bèn hỏi Duy Từ . Ông liền khuyên Chúa cứ nhận sắc thư trước đã rồi sau này tính tiếp.

3 năm sau, vào năm 1630, khi thấy thời cơ thuận lợi, Đào Duy Từ bàn với Sãi Vương, cho thợ làm một chiếc mâm đồng có 2 đáy. Bỏ sắc thư của vua Lê vào đáy cùng một bài thơ 4 câu của Đào Duy Từ như sau:

矛而無腋
覔非見跡
愛落心腸
力來相敵

Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch

Còn ở trên để vàng bạc, rồi cho Văn Khuông mang ra Bắc dâng chúa chúa Trịnh. Văn Khuông khi dâng xong thì nhanh chóng quay trở về Nam.

Dao-Duy-Tu-10.jpg

Trịnh – Nguyễn phân tranh.

Theo giai thoại trong dân gian thì chúa Trịnh thấy chúa Nguyễn đưa lại sắc thư, nhưng bài thơ thì không hiểu được. Các quan trong Triều không ai giải được, cuối cùng phải cho mời người tài giỏi bên ngoài, giải ra. Bốn câu thơ có nghĩa là:

Chữ “mâu” không có dấu phết
Chữ “mịch” bỏ bớt chữ “kiến”
Chữ “ái” để mất chữ “tâm”
Chữ “lực” đối cùng chữ “lai”.

Câu đầu ý là chữ “mâu” (矛) bỏ nét phẩy. Chữ “mâu” không có nét phẩy thì thành ra chữ “dư” (予), nghĩa là “tôi”.

Câu thứ hai ý là chữ “mịch” (覔) bỏ chữ “kiến” (見). Chữ “mịch” sau khi bỏ chữ “kiến” thì còn lại chữ “bất” (不), nghĩa là “không”.

Câu thứ ba ý là chữ “ái” (愛) bỏ chữ “tâm” (心). Chữ “ái” không có chữ “tâm” thì thành ra chữ “thụ” (受), nghĩa là “nhận”.

Câu cuối ý là chữ “lai”(來) ghép với chữ “lực” (力). Chữ “lai” đem ghép với chữ “lực” thì thành chữ “sắc” (勑).

Ghép 4 chữ này thì nghĩa là “tôi không nhận sắc”.

Chúa Trịnh thấy chúa Nguyễn trả lại sắc phong bằng kế này thì tức giận lắm, cho người dò hỏi thì biết được mọi chuyện đều do Đào Duy Từ bày mưu mà ra cả, liền tìm cách đưa ông ta về với mình.

Chúa trịnh sai người cầm vàng bạc cùng lá thư của mình mang đến cho Đào Duy Từ. Trong thư nhắc lại bản quán của Đào Duy Tư chính là ở Đàng Ngoài, mong ông trở về Đàng Ngoài sẽ được phong quan to. Tuy nhiên Đào Duy Từ đã trả lại quà từ chối.

Lũy Thầy ngăn đại quân chúa Trịnh

Từ đó Đào Duy Từ giúp chúa Nguyễn ổn định Xã Tắc ở các lĩnh vực khác nhau, giúp Đàng Trong ngày càng hùng mạnh. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên phải trầm trồ rằng: “Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay”.

Năm 1630, Đào Duy Từ khuyên chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục từ núi Trường Dục đến phá Hạc Hải nhằm ngăn chặn quân Trịnh ngược dòng sông Nhật Lệ vào đánh xứ Đàng Trong.

Năm 1631, Đào Duy Từ đề xuất chúa Nguyễn đắp thêm một lũy kiên cố nữa từ núi Đâu Mâu qua cửa biển Nhật Lệ tiến lên phía đông bắc đến làng Đông Hải, mọi người đều gọi lũy này là lũy Thầy, người Đàng Trong đều quen gọi Đào Duy Từ là Thầy.


Hệ thống lũy Thầy. (Ảnh từ wikipedia.org)

Theo thiết kế của Đào Duy Từ lũy Thầy được xây cao 6 mét, mặt lũy rộng rãi, cứ cách một quãng lại xây pháo đài đặt súng thần công. Chiến lũy này có vị trí gần khe, dựa vào thế núi, chạy dài suốt cửa biển Nhật Lệ, trông giống hình cầu vồng, ngăn bước tiến quân Trịnh.

Đúng như dự đoán của Đào Duy Từ, sau khi hai lũy này được xây xong, quân Trịnh có hàng trăm lần tiến quân, trong đó có 6 lần đại chiến lớn. Nhưng lũy Thầy vẫn vừng vàng giúp ngăn đại quân chúa Trịnh ở phương bắc, nhờ đó việc cuộc nam tiến của các đời chúa Nguyễn được thuận lợi.

Người dân đi ngang qua Phong Lộc, Nhật Lệ lúc nào cũng văng vẳng bên tai những câu ca dao nhắc đến công đắp luỹ ngăn giặc của ông.

Khôn ngoan qua cửa sông La,
Dễ ai có cánh bay qua Lũy Thầy.


Hay

Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Nhớ em anh cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.


Đệ nhất công thần nhà Nguyễn

Đào Duy Từ hoạch định những chính sách như sửa sang chính trị, quan chế, thi cử, võ bị, thuế khóa, nội trị, ngoại giao gắn với lòng dân, giúp Đàng Trong có được nền tảng vũng chắc để mở rộng về phương nam và phát triển vượt bậc về sau này. Ông giúp chúa Nguyễn xây dựng bộ máy Triều đình rất hợp lòng dân khi đó.

Các tác phẩm của ông như “Hổ trướng khu cơ”, “Nhã nhạc cung đình Huế”, “Vũ khúc tuồng Sơn Hậu”, thơ “Ngọa Long cương vãn”, “Tư Dung vãn” đều là những tác phẩm để đời với giai thoại, ca dao, thơ văn truyền đời trong tâm thức dân tộc.

“Hổ trướng khu cơ” là bộ binh thư của ông rất sâu sắc và thực tiễn, chủ yếu là lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh. Bộ binh thư của ông được xem là một trong hai bộ binh thư quý giá, bộ binh thư còn lại chính là “Binh thư yếu lược” của Trần Hưng Đạo.

Dao-Duy-Tu-01-768x509.jpg

Đền thờ Đào Duy Từ tại Hoài Nhơn.

Tháng 10/1634, Đào Duy Từ lâm bệnh nặng, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đến thăm, Đào Duy Từ thưa: “Thần gặp được Thánh minh, chưa báo đáp được mảy may, nay bệnh đến thế này còn biết nói chi nữa”, nói rồi mất, ông thọ 63 tuổi.

Chúa Nguyễn rất thương tiếc, cho an táng ở Tùng Châu rồi phong làm: “Hiệp đồng mưu đức công thần, đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu.”

Sau này vua Gia Long tôn ông là đệ nhất công thần nhà Nguyễn, đưa về Thái Miếu để thờ chung với các chúa Nguyễn.

(Hết)
 

chauhuyphan

Búa Gỗ Đôi
Các bác muốn nghe sử Việt thì có thể tham khảo kênh Đạt Phi Media trên Youtube. Rất hay lại không kém phần hài hước. Hoặc là Đuốc Mồi có dự án Việt Sử kiêu hùng cũng rất bổ ích...:)
 


Bài Viết Mới

Top