This is a mobile optimized page that loads fast, if you want to load the real page, click this text.

Tại sao chúng ta lại cô đơn?

Cloud

Administrator
Theo Quartz, từ Đan Mạch cho đến Úc, "dịch bệnh" cô đơn đang ngày càng lan rộng ra toàn cầu. Ngày càng có nhiều người cho biết họ cảm thấy cô đơn, bị cô lập hoặc bị mất đi khả năng giao tiếp với những người xung quanh. Và đối với mỗi người cô đơn, dường như luôn có một thuyết tâm lý hoặc nhân chủng học để giải thích lý do tại sao, từ sự số hóa của mọi thứ trong đời sống cho tới mối liên kết với bệnh béo phì.

Nhưng liệu có phải chính sự cô đơn ấy đang khiến chúng ta ngày càng cô đơn hơn?

Năm 2011, Stephanie Cacioppo và John Cacioppo, cặp vợ chồng hiện đang là nhà tâm lý học tại Đại học Chicago, đã đề xuất một mô hình tiến hóa cho sự cô đơn. Khi mọi người cô đơn, họ cảm thấy bị đe dọa, và điều này kích hoạt bản năng tự vệ trong thời gian ngắn hạn. Một số người phản ứng "thích nghi" với nó và tìm ra người bạn đồng hành để giảm bớt cảm xúc xấu của họ. Nhưng những người khác lại có phản ứng "không thích nghi" và thậm chí còn thu mình hơn nữa vào trong vỏ ốc.

Trong một nghiên cứu kéo dài 11 năm để thử nghiệm lý thuyết này, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người nói họ cảm thấy cô đơn một năm sẽ đạt điểm cao hơn trong "mô hình tự lấy mình làm trung tâm", do họ tự rút lui để bảo vệ mình khỏi bị tổn thương. Năm sau, họ cho biết cảm giác cô đơn vẫn còn tồn tại.

Các nhà nghiên cứu cũng đã sử dụng kỹ thuật thần kinh và phát hiện những người cô đơn sẽ thể hiện sự cảnh giác cao hơn cho các mối đe dọa xã hội, ví dụ như bị từ chối hoặc gặp phải sự thù địch. Trong thực tế, điều đó đồng nghĩa với trốn tránh những người khác, trốn tránh nguy cơ bị tổn thương.

Một nghiên cứu mới của Đại học Chicago cho thấy điều tương tự: Trong một cuộc khảo sát gần 600 người ở Mỹ, Cacioppos, cùng với tác giả chính Elliot Layden, nhận thấy những người nói họ cô đơn có tỷ lệ xa cách người thân cao gấp đôi. Và việc đời sống xã hội của họ hoạt động tích cực như thế nào cũng chẳng quan trọng: Dù trong hoàn cảnh nào, những người cảm thấy cô đơn cũng mô tả mình tự tách biệt với người khác cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Đó là bởi vì, như Stephanie Cacioppo nói, sự cô đơn không phải là về việc bạn đã kết hôn hay độc thân, một mình hay trong đám đông. "Cô đơn thực ra là sự khác biệt giữa những thứ bạn cần và những thứ bạn có". Thật vậy, những người sống một mình vẫn có thể hoàn toàn hạnh phúc, trong khi theo một nghiên cứu, 63% những người sống chung với vợ/chồng vẫn có cảm giác bị cô lập.

Sự cô đơn, dù chỉ là ở mức độ nhẹ nhất, cũng có những rủi ro. Nó được chứng minh là có hại cho sức khỏe giống như tác hại của bệnh tim và hút thuốc lá. Nó cũng có khả năng gây tử vong như bệnh béo phì. Nhưng nếu những người cô đơn thiếu các công cụ mà họ cần để đến với những người khác, những người xung quanh - và các dịch vụ công cộng - cũng phải có trách nhiệm. Đó là lý do tại sao Vương quốc Anh hồi đầu năm nay đã chỉ định một "Bộ trưởng Cô đơn" và tại sao các nhóm dịch vụ cộng đồng của Mỹ từ San Francisco đến Kenosha, Wisconsin có các chương trình để kết nối những người cô đơn với các nhóm hỗ trợ qua điện thoại và kỹ thuật số.

Stephanie Cacioppo hiểu giá trị của kiểu hỗ trợ này hơn ai hết. Cô và chồng cô đã đính hôn trong vòng tám tháng kể từ lần đầu gặp mặt. Sau đó, họ sẽ chia sẻ với nhau mọi thứ, kể cả bàn làm việc. Khi ông mắc bệnh ung thư năm 2015, tờ New York Times đưa tin, họ ngủ cùng nhau trên giường bệnh của mình trong bộ áo choàng phẫu thuật.

Nhưng sau cái chết đột ngột của John vào năm 2018, Stephanie buộc phải áp dụng nghiên cứu của họ vào cuộc sống của chính mình. Cô nói với The Daily Beast: "Tôi là bằng chứng sống của công trình nghiên cứu do chính mình thực hiện, làm thế nào chúng ta có thể phục hồi từ sự cô đơn. Chín mươi ngày trước, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sống sót và bây giờ, nhờ vào các môn thể thao và sự hỗ trợ của xã hội, tôi có thể mỉm cười và tận hưởng cuộc sống một lần nữa".