SORROW (Nỗi buồn) là một bản vẽ của Vincent van Gogh, được ông sáng tác năm 1882. Bức tranh được sang tác sau khi Van Gogh đã quyết định trở thành một nghệ sĩ, mô tả người phụ nữ có thai 32 tuổi Clasina Maria Hoornik, gọi thân mật là Sien.
Bức tranh được vẽ vào năm 1882, tại La Haye. Trong tranh là bán diện trái của một người đàn bà tên Sien, đang ngồi gục mặt xuống đất trong trạng thái khoả thân, uể oải, vô hồn, vô cùng đớn hèn và thảm hại. Người ta không thấy khuôn mặt cô ta, chỉ thấy mái tóc đen dài thả xuống tận vai, tất cả mọi đường nét đều rất chuẩn. Sorrow được xem như là một khoảnh khắc xuất thần, đánh dấu một bước tiến mới trong sự nghiệp của Vincent.
Mối nhân duyên của Sien và Vincent bắt đầu không lâu sau khi Vincent đặt chân đến La Haye. Vincent "nhặt" được Sien trên đường phố. Ả ta vốn là một cựu giang hồ, bị mẹ và anh trai ép bức dấn thân vào con đường mại dâm từ khi còn chưa vị thành niên, nay đã là một ả gái hết thời, nghiện rượu nặng, bệnh tật,.. Khi gặp Vincent cô ta đã có một cô con gái nhỏ và còn đang mang thai. Qua những bức chân dung mà Vincent đã vẽ, có thể nhận thấy đó là một người đàn bà cao lớn, vóc người vạm vỡ, mũi to, có một cái gì đó đắm đuối mộng mơ và quá đỗi uể oải, biếng lười. Cô ta rõ ràng không xinh đẹp nhưng hình dáng, đặc biệt là hai chân rất dài và đẹp. Vincent thương xót cho hai mẹ con nên thuê cô ta đến xưởng vẽ làm mẫu rồi dần dần qua lại với Sien.
Vincent giải thích với Théo vì sao ông lại đem lòng yêu Sien, cô ta nghèo khổ như ông, biết chịu đựng những cơn đói khi cạn túi, cô ta giản dị thậm chí có chút bần hàn, lôi thôi, chẳng hề đỏm dáng, chỉ hành động theo những gì mà cô ấy muốn, cô ấy trung thực với bản thân. "Chẳng ai để ý cô ta, chẳng ai ham muốn cô ta, cô ta đơn độc, bị bỏ rơi như một đống quần áo rách mà người ta vứt bỏ ngoài đường. Anh đã nhặt cô ấy về và cho cô ta tất cả tình thương, tất cả âu yếm, tất cả mọi sự săn sóc mà anh có thể hiến dâng cho cô ta."- Vincent viết.
Khác với hai mối tình đơn phương đầu đau khổ trước với Eugénie Loyer và người em họ Kate Vos, Sien mang lại cho Vincent một tình yêu bình dị mà ông chưa từng được hưởng, Vincent không còn đơn độc, Sien ngồi làm mẫu khoả thân cho ông, giúp ông nghiên cứu sự cân bằng của các bộ phận cơ thể, đứa con gái nhỏ của Sien quấn quýt bên chân ông khi ông làm việc, đó là một mái ấm gia đình mà Vincent tự tạo dựng với một niềm vui sâu đậm. Và như thế Vincent đã viết thư về nhà xin phép được cưới Sien. Chẳng bất ngờ khi gia đình ông bùng nổ sự phẫn nộ, người ta nghĩ ông bị điên và muốn tống ông vào bệnh viện tâm thần. Théo đã xin Vincent đừng cưới Sien để mọi chuyện đừng đi quá xa. Vincent đành phải nghe theo lời Théo vì toàn bộ sinh hoạt phí của "gia đình nhỏ" 4 người nhà ông phụ thuộc hoàn toàn vào Théo, nếu Théo bỏ rơi họ, người đàn bà và những đứa trẻ kia sẽ không còn đường sống.
Không lâu sau, Vincent mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục từ Sien. Ông trì hoãn việc chữa bệnh vì bận chăm sóc Sien đang ở giai đoạn cuối thai kỳ. Cuối cùng ông cũng phải đầu hàng trước những cơn đau dữ dội khi đi tiểu và nhập viện. Công việc nghiên cứu hội hoạ bị đình trệ. Sau khi Vincent xuất viện, đứa con trai trong bụng Sien cũng chào đời, tên đứa bé là Willem. Willem trong "Vincent Willem Vangogh".
Vincent đã vỡ oà trong hạnh phúc, ông dường như hoàn toàn quên mất đứa trẻ này và mình không hề có chút quan hệ huyết thống, ông đã khóc lên vì sung sướng và viết thư cho Théo "Anh có cảm tưởng đã tìm thấy một cái gì sâu xa, bao la, rộng lớn hơn cả đại dương trong đôi mắt của một đứa trẻ khi nó vừa thức dậy và reo lên sung sướng vì ánh mắt ngập tràn trong chiếc nôi của nó. Nếu trên trần thế này có một tia sáng nào từ cõi trên rọi xuống thì chính ở đây, người ta sẽ khám phá ra tia sáng đó."
Nhưng hạnh phúc cũng trôi đi thật chóng vánh, những khó khăn đã ập đến. Sau sorow, hành trình nghệ thuật của ông không chút khởi sắc. Những nỗi lo cho cuộc sống gia đình của ông đã đi đến cực điểm, ông phải nhịn ăn để tiết kiệm từng xu một, sức khoẻ suy yếu và người càng gầy rộc ra, tình trạng sức khoẻ và tinh thần ở mức báo động. Sien không làm gì, cả ngày chỉ ngồi đờ đẫn, uể oải. Vincent nhìn Sien đang ngồi cạnh lò sưởi, điếu xì gà gắn trên môi, đôi mắt lạc lõng như một tượng nhân sư. Cô ta nói thẳng với ông rằng "Vâng, tôi là loại người hờ hững và biếng lười như thế đấy, từ xưa đến nay tôi vẫn thế, anh chẳng làm gì được tôi. Hoặc : Vâng, thế đấy, tôi chỉ là một con **, ngoài cái nghề này ra tôi chỉ còn một lối thoát khác là gieo mình vào dòng nước."
Sau nhiều ngày dằn vặt và suy nghĩ, Vincent biết nếu cứ tiếp tục như vậy thì sự nghiệp hội hoạ của ông và gia đình này đều sẽ đi đến bước đường cùng. Tháng 9 năm 1883, Vincent quyết định rời bỏ mẹ con Sien. Vincent đau đớn đến xé lòng nhìn lũ trẻ. Sien bình thản dửng dưng chia tay ông, có lẽ đã quen với những bất hạnh, tàn nhẫn và sự bỏ rơi.
Vincent lên tàu để rời đến miền Drenthe, bắc Hà Lan để tiếp tục con đường hội hoạ. Người đàn bà và những đứa trẻ mà ông yêu thương xa dần cùng khói tàu và mùi than đất. Lại một lần nữa ông cô đơn và tuyệt vọng.
Sau giai đoạn sống chung với một người đàn bà, Vincent đã được cảm nhận những xúc cảm chân thực nhất của tình yêu, nhục cảm, mái ấm, trách nhiệm,... như một con người bình thường. Sự chia ly quá tàn nhẫn, hình bóng những đứa trẻ cứ lởn vởn mãi trong đầu ông "Théo, khi anh thoáng thấy trong bụi thạch thảo, một người đàn bà khốn khổ, ẵm một đứa bé trong tay, hay ghì sát nó vào ngực mình, mắt anh nhoà lệ. Anh thấy Sien qua hình ảnh của cô ta, hơn thế nữa sự yếu đuối, cách ăn mặc rách rưới của cô ta lại tăng thêm vẻ giống nhau đó. Ở đây, điều anh muốn nói là anh chưa có thể chấp nhận được sự chia ly này..."
Cảm giác tự trách, tội lỗi, xót thương và dằn vặt đã đeo bám lấy ông trong suốt một thời gian nhưng chẳng lâu, chỉ cho đến khi ông lại sa vào lưới tình với một người đàn bà khác và bước sang những giai đoạn thăng trầm khác của cuộc đời, cái tên Sien cũng không được nhắc đến nữa. Sien cũng chỉ là một note trong cả bản nhạc đầy thăng trầm của cuộc đời Vincent, hình bóng và kí ức về cô ta cứ thế mờ dần cho đến khi biến mất hẳn.
----------------------------------------------
Dựa trên tài liệu chủ yếu từ cuốn sách "Vangogh" của nhà tiểu sử học David Haziot do Phan Hồng Hạnh chuyển ngữ.