Ông già tôi | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

If possible, please support us by clicking on the advertisements.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software.

×

Ông già tôi

malemkhoang

Rìu Chiến
Ernest Hemingway
Truyện ngắn


Bây giờ, lúc đang ngắm nhìn, tôi nghĩ ông già tôi được sinh ra để làm một người béo, một trong những người béo bình thường hơi tròn mà bạn thường gặp, nhưng chắc chắn ông chẳng bao giờ béo như thế trừ khoảng thời gian gần đây, và đó không phải là lỗi của ông, ông chỉ sắp cỡi ngựa vượt chướng ngại vật, ông có thể lên cân. Tôi nhớ cách ông tròng chiếc sơ-mi cao su ra ngoài hai cái áo chẽn, thêm một chiếc sơ-mi vải bông rộng bên ngoài rồi rủ tôi cùng chạy trong cái nóng của mặt trời buổi sáng. Có lẽ ngay lúc vừa mới từ Torino đi xe ngựa thuê đến vào lúc bốn giờ sáng, ông đã cưỡi được một trong số những con ngựa của Razzo, rồi lúc sương mù hãy còn bao phủ mọi vật, mặt trời vừa mới bắt đầu nhô lên, tôi giúp ông tháo ủng, ông đi đôi giày vải và vận những cái áo ấy rồi chúng tôi lên đường.


“Đi thôi, nhóc”, ông nói lúc đang nhón chân đi tới đi lui phía trước căn phòng của nài ngựa, “chúng ta đi thôi”.


Một dạo, có lẽ sau khi chúng tôi chạy quanh sân quần ngựa, ông chạy trước, nhẹ nhàng; rồi rẽ ra cổng, chạy theo một trong những con đường được trồng cây hai bên trải dài đến tận San Siro. Tôi vượt qua ông khi chúng tôi ra đến đường, tôi có thể chạy rất giỏi rồi khi nhìn lại, tôi thấy ông nhẹ nhàng bám sát và lát sau, nhìn lại, tôi thấy ông bắt đầu đổ mồ hôi. Mồ hôi đổ ròng ròng nhưng ông vẫn tiếp tục chạy, mắt nhìn vào lưng tôi, còn khi bắt gặp ánh mắt tôi đang nhìn, ông cười và nói, “Đổ mồ hôi nhiều chứ?”. Khi ông già tôi cười, không ai có thể nín cười được. Chúng tôi tiếp tục chạy thẳng về phía núi và khi đó ông già tôi gọi, “Này, Joe!” tôi ngoái lại, thấy ông đã ngồi dưới bóng cây, cái khăn quấn quanh hông đã được quàng lên cổ.


Tôi bước lại ngồi xuống cạnh ông, ông rút trong túi ra sợi dây rồi bắt đầu nhảy trong ánh nắng, mồ hôi tuôn xuống mặt ông, sợi dây đang nhảy chìm trong đám bụi trắng, phát lên âm thanh xạch, xạch, xạch, xạch, xạch; mặt trời nóng hơn, ông nhảy hăng hơn, nhấp nhô trên đoạn đường. Quả thật thú vị khi trông ông nhảy. Ông có thể vung dây nhanh hoặc kìm chậm rất điêu luyện. Phải nói, bạn nên chứng kiến cảnh mấy người Italy, đang đi bộ vào thành phố bên cạnh chiếc xe do mấy chú ngựa non màu trắng kéo đến gần, thỉnh thoảng nhìn chúng tôi. Cái nhìn của họ như thể họ nghĩ ông già là một kẻ gàn. Ông vẫn tiếp tục nhảy vù vù trong lúc họ dừng hẳn để xem rồi thúc gậy, hét lũ ngựa đi tiếp.


Khi ngồi nhìn ông nhảy trong ánh mặt trời nóng bức, tôi rất tự hào về ông. Ông rất vui nhộn, luyện tập chăm chỉ, kết thúc buổi tập với bài nhảy dây như thường lệ, làm mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt; vắt sợi dây vào cây, ông bước đến ngồi xuống cạnh tôi rồi, quấn một cái áo cùng với cái khăn quanh cổ, tựa lưng vào thân cây.


“Làm nó giảm khó quá, Joe à”, ông nói lúc tựa người ra sau, nhắm mắt và hít sâu vào, “không giống như khi người ta còn trẻ”. Khi hồi sức, ông đứng dậy, chúng tôi chạy về trại ngựa. Đấy là cách làm để sút cân. Lúc nào ông cũng lo. Đa số nài ngựa có thể làm giảm trọng lượng đến mức họ muốn. Mỗi lần đua, một nài ngựa sút khoảng một kilo, nhưng ông già tôi không giống họ và nếu không tập thì ông chẳng thể giảm đi kilo nào.


Tôi nhớ dạo ở San Siro, Regoli, một gã người Italy nhỏ con, đang cỡi đua cho Buzuni, băng qua bãi quây ngựa về phía quán bar để kiếm một ly nước mát, gã vung roi quất vào ủng sau khi cân; ông già tôi cũng vừa mới cân xong, cầm yên ngựa bước ra, mặt ông đỏ bừng, có vẻ mỏi mệt vì cơ thể quá béo dưới lần áo lụa; ông đứng đó nhìn gã Regoli trẻ tuổi đang đứng cạnh quầy rượu ngoài trời, trông tươi tắn và có vẻ con nít, tôi hỏi, “Có chuyện gì vậy hả cha?” bởi lẽ tôi nghĩ chắc Regoli đã gây sự với ông hay làm điều gì đại loại như thế, nhưng ông chỉ nhìn Regoli và nói, “Ồ, quỷ tha ma bắt nó đi”, rồi đi vào phòng thay đồ.


Quả thực, chắc mọi chuyện sẽ êm đẹp nếu chúng tôi ở lại Milan và đua ở Milan và Torino, bởi lẽ nếu có những trường đua dễ thì hai nơi đó đáp ứng yêu cầu ấy. “Pianola, Joe”, ông già tôi nói khi xuống ngựa trong ngăn dành cho người thắng cuộc sau chặng đua mà người Italy là gọi cuộc chạy vượt rào kinh hoàng. Dạo nọ tôi đã hỏi ông. “Joe, kiểu đua này không đáng ngại. Chỉ có tốc độ người ta cần để vượt hàng rào mới nguy hiểm. Ở đây chúng ta không cần tốc độ và chướng ngại vật thì rõ ràng là không tồi. Nhưng cuộc đua thì luôn cần tốc độ - không chỉ để vượt qua hàng rào - điều ấy mới là nguy hiểm”.


San Siro là trường đua tuyệt vời nhất mà tôi đã từng chứng kiến nhưng ông già tôi bảo nơi này khổ như chó. Suốt cả tuần, ngày nào chúng tôi cũng đua tới lui giữa Marafion và San Siro rồi cứ cách hai đêm lại phải đi xe lửa.


Tôi cũng phát rồ lên vì ngựa. Có cái gì tiềm ẩn trong chúng mỗi khi chúng lao ra, phi theo lối đua về vị trí xuất phát. Trông chúng có vẻ nhún nhảy, gồng cứng người bởi bị anh nài giữ chặt rồi có lẽ buông chùng tay một tí để chúng hơi dấn lên. Rồi khi chúng đứng xếp vào sau sợi dây chắn, tôi cảm thấy hồi hộp hơn bất kỳ chuyện gì khác. Đặc biệt là ở San Siro, nơi có trường đua rộng, cỏ xanh rờn, núi ở đằng xa và có một người to béo ra hiệu xuất phát bằng cây roi lớn của mình rồi mấy tay nài làm chúng bồn chồn; khi sợi dây đứt phựt, tiếng chuông tắt, cả đoàn lao ra thành một mớ bùng nhùng rồi bắt đầu bứt vượt lên. Bạn hẳn biết cách cả đàn ngựa khởi hành. Nếu là đứng trên bệ, nhìn qua ống nhòm, điều bạn thấy là những vó ngựa phi tới rồi khi tiếng chuông ngưng, nghe như thể đã vang suốt thời gian dài, chúng đã vòng qua khúc quanh. Đối với tôi chẳng có cảnh tượng nào có thể sánh bằng.


Nhưng ngày nọ, trong phòng thay đồ, lúc đang vận quần áo đi đường vào, ông già tôi nói, “chẳng có cái giống nào trong số ấy là ngựa cả, Joe. Ở Pari người ta hẳn sẽ thịt cả đàn nghẽo ấy để lấy da và móng”. Đấy là ngày ông đoạt giải cuộc đua Tremió Commercio với con Lantoma lao vút trên một trăm mét cuối của trường đua giống


như một cái nút bật ra khỏi chai.


Ngay sau giải Premio Commercio, chúng tôi thu xếp rời Italy. Ông già tôi, Holbrook và một gã Italy béo ự đội mũ rơm và lau mặt bằng khăn tay đã cãi nhau bên bàn ở Galleria. Mọi người dùng tiếng Pháp, hai gã kia đang truy ông già tôi về chuyện gì đó. Cuối cùng ông không nói gì nữa, chỉ ngồi nhìn Holbrook, nhưng hai gã kia vẫn tiếp tục nói với ông, thoạt tiên là gã này sau đó là gã khác; gã người Italy béo ự luôn ngắt lời Holbrook.


“Con ra ngoài mua hộ cha tờ Sportsman đi Joe?” ông già tôi nói và đưa cho tôi hai đồng soldi mà không rời mắt khỏi Holbrook.


Thế là tôi rời Galleria đi đến trước Scala mua tờ báo rồi quay lại, đứng hơi xa bởi không muốn làm gián đoạn cuộc nói chuyện; ông già tôi ngồi tựa lưng vào ghế, nhìn tách cà phê và nghịch cái muỗng; Holbrook và gã Italy béo ự đang đứng, gã béo lau mặt và lắc đầu. Khi tôi bước đến, ông già tôi xử sự như thể hai gã kia không có mặt ở đó, ông nói, “Ăn kem không, Joe?” Holbrook nhìn xuống ông già tôi rồi hạ giọng nói chậm rãi, “Đồ chó đẻ” rồi gã và gã béo lách qua mấy cái bàn bước ra.


Ông già tôi ngồi đó cố mỉm cười với tôi nhưng mặt ông trắng bệch, trông ông thật khổ sở, tôi đâm hoảng và cảm thấy trong lòng nhức nhối bởi biết điều gì đó đã xảy ra; tôi chưa từng thấy ai đó dám bảo ông già tôi là đồ chó đẻ rồi có thể bỏ đi. Ông già tôi giở tờ Sportsman, đọc mục những cuộc thi đấu có chấm điểm một lúc rồi nói, “Joe à, rồi con sẽ phải chịu vô vàn chuyện đắng cay trên thế gian này”. Ba ngày sau, chúng tôi dứt khoát rời Milan trên chuyến tàu từ Turin đến Paris sau khi bán đấu giá tất cả mọi thứ không thể nhét vào rương hay valy ngay trước lò đua Turner.


Chúng tôi đến Paris vào lúc sáng sớm, tàu đỗ lại một cái ga bẩn và dài, ông già tôi bảo đấy là ga Lion. So với Milan, Paris là một thành phố cực lớn. Nhưng ở Milan, mọi người dường như đi về một nơi nào đó và tất cả xe điện cũng chạy về hướng nào đó, còn Paris thì bát nháo cả lên mà người ta cũng chẳng thèm điều chỉnh nó lại. Nhưng dẫu sao thì, phải nói là tôi thích nó bởi lẽ đây là nơi có nhiều trường đua ngựa tốt nhất thế giới. Đấy có lẽ là điều đã khiến thành phố sôi động, và điều duy nhất mà bạn có thể quan tâm là mỗi ngày xe buýt sẽ chạy đến bất cứ trường đua nào có tổ chức đua, chạy vượt qua mọi thứ để đến đó. Thực ra tôi chưa biết nhiều về Paris, bởi lẽ từ Maisons, cùng với ông già, tôi chỉ đến đó một hai lần trong tuần, ông luôn ngồi ở Cafe de la Paix bên phía Opera với mấy người bạn đến từ Maisons, tôi nghĩ đấy là một trong những khu nhộn nhịp nhất của thành phố. Nhưng phải nói quả thật là buồn cười bởi một thành phố lớn như Paris mà lại không có lấy một Galleria, phải không?


Rồi, chúng tôi đến sống ở Maisons-Lafitte, nơi mọi người cùng sống, trừ nhóm ở Chantilly, trong khu nhà trọ của một bà Meyers nào đó. Maisons là nơi tuyệt vời nhất để sống mà tôi đã từng trải qua trong đời. Thành phố thì chẳng có gì đáng kể lắm, nhưng ở đó có một cái hồ và một khu rừng đẹp tuyệt, nơi chúng tôi thường lang thang suốt cả ngày, tôi cùng mấy đứa bạn; ông già tôi làm cho tôi cái ná, chúng tôi bắn được nhiều thứ bằng cái ná ấy nhưng món cừ nhất là một chú ác là. Ngày nọ, Young Dick Atkinson dùng ná hạ được một con thỏ, chúng tôi đặt nó vào dưới tán cây rồi cả bọn ngồi vòng quanh, Dick hút thuốc rồi bỗng nhiên, con thỏ nhảy lên lao vào bụi, chúng tôi đuổi theo nhưng chẳng thể nào tìm thấy. Chà, ở Maisons chúng tôi rất vui. Bà Meyers thường trao bữa trưa cho tôi vào buổi sáng bởi tôi có thể đi suốt cả ngày. Tôi học nói tiếng Pháp khá nhanh. Thứ tiếng ấy thật đễ.


Ngay khi chúng tôi đến Maisons, ông già tôi gởi đơn về Milan xin giấy phép và ông tỏ vẻ bồn chồn cho đến khi giấy được gởi đến. Ông thường ngồi uống ở Cafe de Paris ở Maisons với nhóm bạn; từ trước chiến tranh, lúc còn đua ở Paris ông đã quen nhiều người hiện đang sống ở Maisons và họ có nhiều thời gian để ngồi chơi bời tính chất công việc của lò đua, đối với nài ngựa, công việc sẽ hoàn tất vào lúc chín giờ sáng. Họ đưa nhóm ngựa đầu tiên ra dượt vào lúc năm giờ ba mươi sáng và nhóm thứ hai vào lúc tám giờ. Điều ấy nghĩa là họ sẽ phải thức dậy sớm và phải đi ngủ sớm. Nếu nài ngựa cỡi đua cho một ai đó thì anh ta không thể uống say túy lúy bởi lẽ huấn luyện viên luôn trông chừng nếu như anh ta còn trẻ; nhưng nếu anh ta không còn trẻ thì anh ta phải tự mình kiềm chế. Thế là khi nài ngựa không luyện tập thì anh ta ngồi ở Cafe de la Paris uống với bạn bè; họ có thể ngồi hai ba tiếng đồng hồ nhâm nhi cốc vang Vermouth hoặc Seitz; trò chuyện hoặc kể cho nhau nghe câu chuyện gì đấy hoặc chơi pool; lối sinh hoạt đó tựa như ở một câu lạc bộ hay tựa Galleria ở Milan. Chỉ có một điểm không giống Galleria bởi vì ở đó mọi người cứ đi tới đi lui còn ở đây thì mọi người ngồi bên bàn.


À, ông già tôi đã nhận được giấy phép. Họ gởi nó đến mà không ghi kèm lời nào và ông đã tham gia đua vài bận. Những cuộc đua nhỏ, nhưng dường như ông không kiếm được hợp đồng thuê đua nào cả. Mọi người đều quý ông, hễ bất cứ lúc nào tôi đến quán Cafe vào buổi sáng thì tôi thấy ông đang uống với ai đó bởi lẽ ông già tôi không keo giống số đông các nài ngựa thuộc thế hệ kiếm được đồng dollar đầu tiên khi tham gia đua ở Hội Chợ Quốc Tế tại St.Louis vào năm một chín không bốn. Đấy là cách ông già tôi nói để trêu George Burns. Nhưng mọi người như thể tránh không muốn để ông già tôi dự đua.


Hằng ngày, đáp ô-tô từ Maisons, chúng tôi đi đến bất cứ nơi nào người ta tổ chức đua, những chuyến đi ấy thật thú vị. Tôi lấy làm mừng khi lũ ngựa từ Deauville quay về và mùa hè đã hết. Thậm chí điều ấy có nghĩa đã chấm dứt những ngày lang thang trong rừng, bởi lẽ chúng tôi phải đến Enghien, Tremblay hoặc St. Cloud để xem các cuộc đua từ trên bệ dành cho huấn luyện viên và nài ngựa. Tôi chắc mình đã học được nhiều về đua ngựa, bằng việc đi với các tay đua ấy và những điều vui vẻ thì ngày nào cũng diễn ra.


Tôi nhớ dạo ở St. Cloud. Đấy là cuộc đua lớn, tiền thưởng là hai trăm ngàn franc với bảy con ngựa tham dự và Kzar là con được hâm mộ. Cùng với ông già, tôi đi vòng quanh bãi quây để xem mấy con ngựa, bạn chưa bao giờ thấy nhiều ngựa như thế đâu. Kzar là con ngựa vàng to lực lưỡng, trông nó như thể được sinh ra để chạy đua. Tôi chưa từng thấy con ngựa nào như nó. Nó được dắt vòng quanh bãi quây, đầu cúi xuống và khi nó đến gần, tôi cảm thấy xôn xao vô cùng bởi vẻ đẹp của nó. Chưa từng có một con ngựa nào tuyệt diệu, săn chắc, có hình dạng đua đẹp như thế. Khi đi vòng quanh bãi quây, nó đặt vó xuống đất nhẹ nhàng thận trọng, đầy tự tin và di chuyển dễ dàng như thể nó biết mình phải đi như thế mà không giật dây cương, chồm vó lên hay trợn mắt dại đi như mấy con ngựa cà khổ bị tiêm thuốc kích thích. Người xem đứng đông nghịt, tôi không thể nhìn rõ nó, trừ mấy cái vó đang di chuyển và mảng da màu vàng, ông già tôi rẽ lối bước ra, tôi bám theo đến phòng thay đồ của nài ngựa phía sau rặng cây, nơi ấy cũng đông nghẹt người, người đàn ông đội mũ quả dưa đứng bên cửa gật đầu chào ông già tôi, chúng tôi vào phòng, mọi người đang ngồi, thay đồ, áo sơ-mi được kéo qua đầu, họ đi ủng vào, căn phòng nóng bức, sặc mùi mồ hôi, dầu xoa bóp, còn bên ngoài đám đông đang nhìn vào.


Ông già tôi đến ngồi xuống bên cạnh George Gardner, người đang vận quần và nói. “Có tin gì không, George?” bằng kiểu giọng bình thường bởi ông chẳng cần phải quan tâm đến xung quanh vì George có thể nói cho ông biết hoặc anh ta không nói.


“Nó không thắng đâu”, George nói rất khẽ lúc cúi về phía trước gài nút quần.


“Con nào sẽ” ông già tôi hỏi, dịch sát lại để không ai nghe được.


“Kircubbin”, George nói, “Nếu nó thắng thì hãy để dành tôi vài vé”.


Ông già tôi nói đôi lời bằng giọng bình thường với George rồi George nói, với vẻ bông đùa, “Đừng có cược vào bất cứ con nào tôi bảo ông”, chúng tôi rời phòng, rẽ lối qua đám đông, vượt qua cái máy thu 100 franc. Tôi biết chuyện gì đó bởi George là người cỡi Kzar. Trên đường đi, ông già tôi ghé mua môt tờ phiếu cá độ màu vàng với tỉ lệ cược ban đầu vào Kzar chỉ có 5 ăn 10, Cefisidote tiếp đó là 3 ăn 1, xếp thứ năm trong danh sách là Kircubbin với 8 ăn 1. Ông già tôi đặt năm ngàn franc vào bên thắng của Kircubbin và thêm một ngàn vào chỗ xếp hạng rồi chúng tôi đi vòng ra sau khán đài, lên cầu thang, tìm chỗ theo dõi cuộc đua.


Chúng tôi chen chúc nhau, chật như nêm rồi một người đàn ông vận áo khoác dài, đội mũ xám cao, cầm roi trong tay bước ra trước, lần lượt những con ngựa bước theo, nài ngựa ngồi trên yên, mấy chú bé học nghề nắm cương đi bên cạnh, cả đoàn bước theo sau người đàn ông có tuổi kia. Kzar, con ngựa vàng lực lưỡng đi trước. Thoạt nhìn bạn sẽ ngỡ nó không quá lớn, nhưng khi nhìn độ dài của chân, mình và dáng di chuyển thì bạn sẽ thấy tầm vóc độ sồ của nó. Lạy Chúa, tôi chưa từng thấy một con ngựa nào như thế. George Gardner đang cỡi nó, người và vật di chuyển chậm, sau lưng ông già đội mũ xám cao trông như thể một ông bầu của gánh xiếc. Kế tiếp con Kzar, lưng vàng bước đi uyển chuyển trong ánh nẳng là con ngựa toàn thân màu đen, cái đầu thật đẹp do Tommy Archibald cỡi, bám sát con ô là đoàn năm con ngựa nữa, tiến chậm theo hàng, đi qua khán đài và khu cân nài ngựa. Ông già tôi bảo con ngựa đen là Kircubbin và tôi nhìn kỹ nó, quả đúng là con ngựa đẹp thật nhưng nó không thể sánh với Kzar.


Mọi người hò reo khi Kzar đi ngang qua, nó đúng là một chú ngựa rất cừ. Đoàn diễu hành đi vòng qua phía bên kia trường đua rồi quay trở lại bên này, ông bầu bảo mấy cậu bé học việc lần lượt buông dây cương từng con một để chúng có thể phi nước đại gần khán đài về vị trí xuất phát để mọi người chiêm ngưỡng rõ hơn. Đàn ngựa vừa mới đến điểm xuất phát thì tiếng cồng vang lên, bạn có thể thấy chúng lao vút qua trường dua, dồn đống lại lúc quành qua khúc cua trông như thể mấy con ngựa đồ chơi cũ. Tôi đưa ống nhòm dõi nhìn chúng, Kzar đang chạy phía sau, một con trong đàn bứt lên phía trước. Chúng phi vùn vụt, quành qua khúc cong, vó nện rầm rầm, Kzar vẫn chạy phía sau; khi cả đàn phi qua chỗ chúng tôi, con Kircubbin nhẹ nhàng tung vó dẫn đầu. Trời đất! Quả thật là kỳ diệu khi chúng chạy xa, xa dần, nhỏ dần và nhỏ hơn nữa rồi dồn đống lại qua đoạn đường vòng, vòng qua, tán ra trên các vạch kẻ và ta cảm thấy mồm miệng muốn chửi thề, lồng ngực tức căng vì quá hồi hộp. Cuối cùng vòng chạy chót cũng đến, chúng lao thẳng về phía trước. Kircubbin dẫn đầu. Mọi người trông thực buồn cười, họ luôn miệng gọi Kzar nhưng bằng kiểu giọng không được tự tin cho lắm, rồi khi lũ ngựa nện rầm rầm trên khoảng đường gần về đích, một vật gì đó vút lên ngay đầu ống nhòm của tôi tựa một vệt vàng hình đầu ngựa và mọi người bắt đầu gào lên “Kzar” như thể họ đang phát cuồng. Kzar phi nhanh hơn bất kỳ con ngựa nào tôi từng thấy trong đời, chớp mắt đã đuổi kịp Kircubbin đang phóng cật lực như khả năng của bất kỳ một con ngựa ô nào cho phép, trong một giây, chúng chạy bằng nhau, cổ ngang nhưng Kzar với những bước rướn vững chắc dường như phi nhanh gấp đôi và đầu nó đã vượt lên - nhưng trong lúc cổ chúng ngang nhau thì chúng đã vượt qua vạch đích và khi các con số được gắn lên bảng xếp hạng thì số hai về nhất, có nghĩa Kircubbin thắng.


Tôi cảm thấy run rẩy và hồi hộp trong lòng, khi chúng tôi cùng mọi người xuống cầu thang đứng trước tấm bảng nơi họ sẽ niêm yết số tiền cược thắng cho Kircubbin. Trời đất, lúc đang theo dõi cuộc đua tôi đã quên khuấy đi mất số tiền ông già tôi đặt cược vào Kircubbin. Tôi đã rất muốn Kzar thắng. Nhưng bây giờ, cuộc đua đã chấm dứt, thật là mừng khi biết chúng tôi thắng cuộc.


“Cha à, cuộc đua chẳng phải là diệu kỳ đó sao?” Tôi hỏi ông.


Ông nhìn tôi với vẻ khôi hài, cái mũ quả dưa hất ra sau đầu. “Quả đúng George Gardner là một tay nài cừ thật”, ông nói. “Phải một tay nài điêu luyện mới có thể ngăn được con Kzar ấy thắng cuộc”.


Dĩ nhiên tôi biết chuyện này thật khôi hài. Nhưng khi ông già tôi nói toạc ra như thế, nó đã làm tiêu tan hết cảm giác thích thú của tôi và tôi không có lại được cảm giác ấy thậm chí khi họ dán những con số lên bảng rồi chuông reo để chung tiền, chúng tôi thấy Kircubbin được trả 67,5 franc cho 10 franc tiền cược. Tất cả những người xung quanh đều nói, “Kzar xúi thật! Kzar xúi thật!” Tôi nghĩ giá mà mình là nài ngựa và có thể cỡi Kzar thay cho thằng chó đẻ ấy. Thật buồn cười khi nghĩ George Gardner là đồ chó đẻ bởi lẽ tôi rất ngưỡng mộ gã và hơn nữa gã đã cho chúng tôi biết con thắng cuộc, nhưng tôi chắc gã đúng là thế, rõ rồi.


Sau cuộc đua ấy, ông già tôi kiếm được nhiều tiền và thường xuyên về Paris. Nếu người ta đua ở Tremblay thì ông bảo họ thả ông xuống thành phố trên đường họ trở về Maisons; ông cùng tôi ngồi phía trước tiệm Cafe de la Paix xem mọi người đi qua. Ngồi đấy thật buồn cười. Có cả dòng người đi qua và có đủ mọi hạng người đến gạ bán hàng cho bạn nhưng tôi thích ngồi đó cùng ông già tôi. Đấy là khoảng thời gian chúng tôi có nhiều chuyên vui nhất. Nhiều người đến bán những con thỏ ngộ nghĩnh, có thể nhảy nếu bạn bóp cái túi cao su, mấy người đó đến với chúng tôi và ông già tôi trêu đùa với họ. Ông có thể nói giỏi tiếng Pháp như tiếng Anh và tất cả những người ấy biết ông bởi người ta luôn nhận ra một nài ngựa - và hơn nữa chúng tôi luôn ngồi ở cái bàn ấy và họ thường thấy chúng tôi ở đó. Có nhiều gã bán giấy đăng ký kết hôn và những cô gái bán những quả trứng bằng cao su mà khi bạn bóp thì một chú gà trống nhảy vọt ra; và còn cả một gã luống tuổi tiều tụy mang những tấm bưu thiếp Paris bán rong, đưa mời mọi người, và, dĩ nhiên chẳng có ai mua, nhưng khi ông ta trở lại, chìa cho xem mặt dưới của tập hàng, đấy là những tấm bưu ảnh tục tĩu thì rất nhiều người bới lên, chọn mua.


Trời đất, tôi nhớ những con người khôi hài thường đi qua đó. Những cô gái lảng vảng vào giờ ăn khuya hòng tìm ai đó đưa đi ăn, họ nói chuyện với ông già tôi, ông đùa mấy câu với họ bằng tiếng Pháp, họ xoa đầu tôi rồi đi. Một dạo, có bà người Mỹ ngồi với cô con gái bên cạnh bàn chúng tôi, cả hai người ăn kem, tôi chăm chú nhìn cô gái, cô ta mới đẹp làm sao, tôi cười với cô và cô mỉm cười với tôi, nhưng chuyện ấy chỉ có thế bởi lẽ dẫu tôi có ngóng mẹ cô và cô mỗi ngày, dẫu tôi đã nghĩ ra những lời lẽ để nói chuyện với cô rồi tự hỏi liệu mình làm quen được với cô thì mẹ cô có cho phép mình đưa cô đến Auteuil hoặc Tremblay nhưng tôi chẳng hề gặp lại họ lần nào nữa. Dẫu sao, tôi nghĩ hẳn điều đó cũng chẳng tốt lành tí nào, chắc thế, bởi vì hồi tưởng lại chuyện ấy nên tôi nhớ cái cách tôi cho rằng tốt nhất để nói với cô ta là, “Thứ lỗi cho tôi, nhưng cho phép tôi nói cho cô biết con ngựa nào sẽ thắng ở Enghien hôm nay được chứ?” rồi sau đó có lẽ cô ấy nghĩ chắc tôi là một kẻ khoác lác thay vì thực lòng muốn báo cho cô biết con nào thắng.


Chúng tôi ngồi ở Cafe de la Paris, ông già tôi và tôi, chúng tôi có mối quan hệ thân thiết với anh bồi bởi ông già tôi uống whisky, giá năm franc một ly, điều đó có nghĩa khi thanh toán, món tiền boa sẽ lớn. Tôi thấy ông già tôi đang uống nhiều hơn bao giờ hết, nhưng bây giờ ông không đua nữa và hơn nữa ông bảo whisky sẽ làm ông giảm cân. Nhưng tôi thấy ông vẫn đang béo lên như trước. Ông tránh nhóm bạn cũ ở Maisons và dường như thích ngồi uống bên đường với tôi. Nhưng hằng ngày ông đều thua bạc ở trường đua. Nếu thua, ông buồn bã sau khi trận đua kết thúc mãi cho đến khi hai cha con đến cái bàn của chúng tôi, ông uống hết cốc whisky đầu tiên rồi mới vui trở lại.


Lúc đang đọc tờ Paris-Sport, ông nhìn về phía tôi và nói, “cô bé của con đâu rồi Joe?” để trêu tôi bởi tôi đã kể cho ông nghe về chuyện cô gái ngồi ở bàn bên hôm ấy. Tôi đỏ mặt nhưng lại thích bị trêu về chuyện cô gái. Nó mang lại cho tôi cảm giác dễ chịu. “Cứ chong mắt lên mà đợi cô bé Joe à”, ông nói, “cô ta sẽ quay lại”.


Ông hỏi tôi mấy câu và một trong những câu trả lời của tôi khiến ông phá lên cười. Và rồi ông bắt đầu nói về mọi thứ. Về việc đua ngựa ở Ai Cập, hoặc ở St. Moritz trên mặt băng trước khi mẹ tôi qua đời, về thời gian chiến tranh khi người ta tổ chức những cuộc đua đều đặn ở miền Nam nước Pháp mà không có giải thưởng, cá độ, khán giả hay mọi thứ, chỉ để luyện ngựa mà thôi. Những cuộc đua định kỳ với những nài ngựa quần cho chúng bở hơi tai. Chà, tôi có thể nghe ông già tôi nói hàng tiếng đồng hồ, đặc biệt khi ông đã uống hết vài ly. Ông kể cho tôi nghe về thời thơ ấu của mình ở Kentucky và những lần đi săn gấu trúc, những ngày xa xưa ở Mỹ trước lúc mọi thứ trở nên tồi tệ. Rồi ông nói, “Joe à, khi nào cha con ta thắng một quả đậm, thì con sẽ quay lại Mỹ để theo học”.


“Con phải về đó học để làm gì một khi ở đó mọi thứ đang tồi tệ?” tôi hỏi ông.


“Việc ấy khác đấy”, ông nói và gọi bồi đến trả tiền rồi chúng tôi gọi tắc xi đến ga St. Lazare, đón tàu về Maisons.


Ngày nọ, ở Auteuil, sau cuộc bán ngựa đua vượt chướng ngại vật, ông già tôi đã mua được con ngựa thắng cuộc với giá 30.000 franc. Ông phải trả cao hơn một chút và cuối cùng thì chủ lò cũng đồng ý bán, trong vòng một tuần lễ, ông già tôi đã xin được giấy phép và màu áo. Chà, tôi cảm thấy tự hào khi ông già tôi sở hữu một chủ ngựa. Ông đã thu xếp với Charles Drake một nơi ở trong lò luyện ngựa và thôi không đến Paris nữa mà lại chạy và ra mồ hôi, ông và tôi hai người duy nhất ở trại ngựa. Con ngựa của chúng tôi có tên là Gilford, dòng Ai Len và là một chú ngựa vượt rào đẹp, kiêu hùng. Ông già tôi dự định sẽ tập và tự mình cỡi nó, ông đang đầu tư một cách đúng đắn. Tôi tự hào về mọi thứ và tôi nghĩ Gilford kiêu hùng không kém gì Kzar. Nó là chú ngựa đẹp, hùng dũng, một con nòi, có thể phóng như bay trên đất bằng nếu bạn muốn, thêm nữa đấy còn là một con ngựa xinh xắn.


Chao ôi, tôi tự hào về nó lắm. Lần đầu tiên dự giải do ông già tôi cỡi, nó về thử ba trong cuộc thi vượt rào dài 2.500 mét, khi ông già tôi xuống ngựa, mồ hôi đổ đầm đìa và hạnh phúc khi đứng trong ngăn xếp hạng rồi đi vào cân, tôi cảm thấy rất tự hào về ông như thể đây là lần đầu tiên ông được xếp hạng. Bạn biết đấy, khi một người đã bỏ lâu không cỡi ngựa thì bạn không thể buộc mình tin được rằng người đó đã từng cỡi ngựa. Bây giờ chuyện ấy đã khác hoàn toàn, bởi vì ở Maisons, ngay những cuộc đua lớn cũng dường như chẳng khiến ông già tôi bận tâm mảy may, nếu thắng ông cũng chẳng tỏ vẻ bị kích động hay hưng phấn, còn giờ đây, đã khác rồi, tôi không thể ngủ trong đêm trước lúc cuộc đua diễn ra và tôi biết ông già tôi cũng bồn chồn dẫu ông không để lộ ra. Cỡi đua cho chính mình là một việc làm khác hẳn.


Lần thứ hai Gilford và ông già tôi dự đua là một ngày chủ nhật lất phất mưa tại Auteuil ở Prix du Marat, một cuộc đua vượt rào dài 4.500 mét. Ngay khi ông ra sân, tôi đứng dậy trên khán đài dõi chiếc ống nhòm ông mới mua cho tôi để nhìn theo. Họ xuất phát ở phía cuối đường đua và có chuyện gì trục trặc ở dây chắn. Một con ngựa đeo lá che có tròng mắt kính đang hí vang, lồng lên làm đứt cả dây chắn nhưng tôi vẫn nhìn thấy ông già tôi mặc jacket màu đen có chữ thập trắng, đội mũ đen, ngồi trên lưng Gilford và đưa tay vỗ vỗ nó. Rồi cả đoàn phi tới, khuất sau rặng cây trong tiếng cồng ra hiệu xuất phát và tiếng các cổng phụ đóng xuống. Lạy Chúa, tôi hồi hộp quá, tôi không dám nhìn họ nhưng tôi hướng ống nhòm vào vị trí họ sẽ chạy qua khi ra khỏi rặng cây và họ đã ra, chiếc jacket màu đen cũ chạy thứ ba, cả đoàn phóng qua chướng ngại vật tựa lũ chim. Rồi họ lại khuất khỏi tầm mắt rồi họ phóng rầm rầm lên, xuống ngọn đồi, cả đoàn di chuyển tuyệt đẹp, thoải mái, cùng dễ dàng vượt qua hàng rào, kết thành khối vững tiến về phía trước khi lao qua chỗ bọn tôi. Trông như thể bạn có thể bước băng qua lưng lũ ngựa, chúng dịch sát vào nhau và cứ thế lao lên. Khi bụng chúng vượt qua chướng ngại đôi cao vút Bullfinch, có ai đó ngã xuống. Tôi không thể nhìn rõ là ai, nhưng trong vòng một phút sau, con ngựa vùng dậy, tự do phi trên đấu trường, cả đoàn đua vẫn đều bước, lưới vòng qua khúc cua bên trái vào dường chạy thẳng. Họ nhảy qua bức tường đá và dồn đống lại trên đường đua hướng về phía chướng ngại vật là một hào nước rộng ngay trước khán đài. Tôi thấy họ đến và hò reo cổ vũ ông già tôi lúc ông phi qua, ông đang dẫn đầu, phi cách xa đoàn một khoảng, nhẹ nhàng như một chú khỉ rồi họ sắp vượt chướng ngại vật nước, cả đoàn lao qua chướng ngại vật cao vút bên cạnh hào nước rồi va vào nhau, rồi hai con ngựa được giằng cương tách ra, chạy tiếp trong lúc ba con khác vẫn đang dồn đống lên nhau. Tôi không thấy ông già tôi đâu nữa. Một con ngựa nữa đứng dậy, lắc lắc đầu phóng ra một mình, dây cương buông lòng thòng còn anh nài thì lê bước về phía hàng rào bên cạnh đường đua. Rồi Gilford lăn người khỏi ông già tôi, đứng dậy chạy bằng ba chân, một móng chân trước của nó bong ra lủng lẳng, ông già tôi nằm đó, bẹp dí trên cỏ, mặt ngửa lên, máu chảy tràn khắp một bên đầu. Tôi chạy xuống khán đài, len qua đám khán giả đông nghịt đến hàng rào, một viên cảnh sát nắm giữ tôi lại, hai người to lớn mang cáng tiến về phía ông già tôi, từ phía bên kia trường đua tôi thấy ba con ngựa lao ra, lao ra khỏi cụm cây và vượt hàng rào.


Khi họ mang vào, ông già tôi đã chết, trong lúc bác sĩ đang nghe tim ông bằng dụng cụ có núm đút vào tai, tôi nghe một phát đạn nổ trên trường đua, có nghĩa người ta đã giết Gilford. Tôi ngã vật xuống bên cạnh ông rồi khi họ đưa cáng vào bệnh viện, tôi bám theo và cứ gào, gào thảm thiết, trông ông tái nhợt, xa cách vô cùng, ông chết thảm thương quá và tôi không thể ngăn được ý nghĩ rằng nếu ông già tôi đã chết thì lẽ ra người ta không cần phải bắn Gilford. Móng của nó có thể lành. Tôi không chắc. Tôi rất yêu ông già tôi.


Sau đó hai người vào phòng, một người vỗ vào lưng tôi rồi đến nhìn ông già tôi và kéo tấm vải khỏi giường đắp lên người ông, còn người khác thì gọi điện bằng tiếng Pháp bảo họ đưa xe cứu thương đến chở ông về Maisons. Tôi không thể cầm được nước mắt, khóc và ngất đi rồi cứ thế; George Gardner bước vào ngồi xuống cạnh tôi trên nền nhà, choàng tay vào người tôi và nói, “Bình tĩnh nào, Joe, anh bạn cũ. Đứng dậy đi, rồi ta ra ngoài đợi xe cứu thương”.


George và tôi ra cổng, tôi cố không thổn thức nữa. George lấy khăn tay của mình chùi mặt cho tôi, chúng tôi đứng hơi lùi lại phía sau trong lúc khán giả đang ra cổng; có hai gã đứng gần chúng tôi trong lúc đang đợi người xem ra hết, một trong hai đang đếm nắm vé cá độ, gã ta nói, “Này Butler đã nhận phần của hắn, đúng thế”.


Gã kia nói, “Nếu hắn có nhận thì tao cũng chẳng thấy thương xót nước mẹ gì đâu, cái đồ lọc lừa. Hắn nhận phần dành cho hắn sau khi đã gieo nó ra”.


“Tao đoán là hắn sẽ phải nhận”, gã kia nói và xé nắm vé làm hai. George nhìn thử xem tôi đã nghe chưa và khi biết tôi nghe hết, gã nói, “Em chớ có tin những gì mấy thằng khốn đó nói, Joe. Ông già em là một người tuyệt vời”.


Nhưng tôi không biết. Tôi cảm nhận như thể khi người ta đã làm thì họ không phải không để lại cái gì đó cho người khác đâu.

 

rs_lyly2009

Moderator
Thành viên BQT
Bạn ơi, để màu chữ thường thôi, in đậm toàn bộ thế khó đọc lắm :)))
 


Top