This is a mobile optimized page that loads fast, if you want to load the real page, click this text.

Những vụ ám sát chấn động lịch sử Việt Nam

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
(Phần 1): Bóng đêm thời Bắc thuộc

Dù không dài, thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng nhà nước tự chủ của người Việt sau giai đoạn Bắc thuộc đầy sóng gió với nhiều cuộc ám sát…

Dương Đình Nghệ (?-937) là một trong những bộ tướng của họ Khúc từ năm 907 – 930. Năm 930, nước Nam Hán đưa quân sang xâm lược nước ta, bắt giữ Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ và đánh chiếm thành Đại La.

Trước tình hình này, Dương Đình Nghệ đã tập hợp hơn 3.000 binh sĩ dấy quân khởi nghĩa ở châu Ái, dùng Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Kiều Công Tiễn... làm nha tướng.

Tháng 3.931, ông đem đánh đuổi quân Nam Hán, phóng thành Đại La, đập tan quân tiếp viện của kẻ thù và tự lập mình làm Tiết độ sứ, dựng nền độc lập tự chủ cho nước Nam.


Ảnh minh họa.​

Sau thành công này, Kiều Công Tiễn là một danh tướng được Dương Đình Nghệ tin cậy đã đắc ý sinh kiêu và âm mưu phản nghịch. Tháng 4/937, Tiễn cùng với người em ruột là Kiều Thuận lên kế hoạch ám sát Dương Đình Nghệ, chiếm đóng thành Đại La và nắm quyền trị nước.

Sợ bị Ngô Quyền trả thù, năm 938, Kiều Công Tiễn cho người sang nhà Nam Hán để xin viện binh. Vua Nam Hán đã sai con là Vạn vương Hoằng Thao đưa quân sang xâm chiếm nước Nam.

Nhưng quân Nam Hán vừa động binh, thì tháng 10 năm đó Tiễn đã bị Ngô Quyền đem quân từ châu Ái ra thành Đại La giết chết. Quân Nam Hán cũng bị Ngô Quyền dẹp tan trong trận Bạch Đằng nổi tiếng.

Ai là kẻ chủ mưu giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn?

Đinh Tiên Hoàng (924 - 979), tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc.

Ông có con trưởng là Đinh Liễn, nhưng lại lập con út là Hạng Lang làm Thái tử. Đầu năm 979, Đinh Liễn sai người giết Hạng Lang để giành ngôi Thái tử. Vua Đinh Tiên Hoàng không trừng phạt Đinh Liễn mà chấp thuận để Liễn làm Thái tử.

Vào cùng năm này, cả vua Đinh Tiên Hoàng và Thái tử Đinh Liễn bị hoan quan Đỗ Thích giết hại.

Theo chính sử, một hôm nằm trên cầu, Thích mơ thấy sao băng rơi vào miệng, cho rằng mình có điềm làm vua nên quyết định hành thích vua và Thái tử. Sau một buổi tiệc mà các vua quan đều say sưa, Đỗ Thích đã thực hiện trót lọt âm mưu của mình. Tuy vậy, ngay sau đó Thích đã bị bắt và giết chết.

Sau này, các sử gia đưa ra giả thuyết Đỗ Thích không phải là thủ phạm giết vua vì ông chỉ là một viên hoạn quan, không hề có uy tín hay vây cánh, không thể mơ tưởng việc sẽ khuất phục được các đại thần nhà Đinh để lên ngôi. Đỗ Thích có thể chỉ là bình phong trong một âm mưu ám sát do Lê Hoàn và Thái Hậu Dương Vân Nga thực hiện.

Một giả thiết khác kém thuyết phục hơn cho rằng Đỗ Thích là nội gián của nhà Tống, giết cha con vua Đinh để làm rối loạn triều đình, tạo cơ hội cho nhà Tống mang quân sang xâm lược.

Lê Trung Tông bị em ruột sám át

Lê Trung Tông (983 – 1005) tên húy là Lê Long Việt, là con trai của vua Lê Đại Hành. Vua Lê Đại Hành có hơn 10 hoàng tử, sau khi con trưởng là thái tử Long Thâu mất, Long Việt được lập làm Thái tử.

Năm 1005, Lê Đại Hành qua đời, các hoàng tử đánh nhau tranh ngôi quyết liệt suốt 8 tháng, khiến đất nước rơi vào tình trạng vô chủ. Cuộc tranh chấp chính xảy ra giữa thái tử Long Việt và hoàng tử thứ hai Ngân Tích, là người có thế lực nhất trong số các anh em còn lại.

Tháng 10.1005, Ngân Tích thua và bị giết chết. Long Việt lên ngôi làm vua, niên hiệu là Lê Trung Tông.

Nhưng ở ngôi chỉ được 3 ngày thì thành quả của Lê Trung Tông tan thành mây khói khi ông bị người em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh cho người vào cung ám sát, thọ 22 tuổi.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: "Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông".

Cái chết của Lê Trung Tông kết thúc cuộc tranh đoạt ngôi vua kéo dài sau khi Lê Đại Hành mất.

Nghi án Lý Công Uẩn ám sát Lê Long Đĩnh

Trong sử sách, của Lê Long Đĩnh ( 986 – 1009) của nhà Tiền Lê hầu như luôn được nhắc đến như một kẻ dâm đãng, tàn bạo và độc ác. Dù vậy, gần đây đã xuất hiện các ý kiến cho rằng một số điều xấu của ông chỉ là thêu dệt.

Các bộ chính sử của Việt Nam như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều ghi rằng, Lê Long Đĩnh chết vì sự hoang dâm, mê tửu sắc vô độ. Tuy vậy, cũng có nghi vấn về việc Lý Công Uẩn đã ám sát Lê Long Đĩnh để đoạt ngôi.

Sử gia Ngô Thì Sĩ đã nêu ra nghi vấn về việc này trong sách Đại Việt sử ký tiền biên như sau:

“Có người nói Khai Minh vương hung hãn bạo ngược... Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương, nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi giấu kín việc đó, nên sử không được chép, nếu quả như vậy, cũng là đạo Trời hay báo, nên chép phụ vào để làm răn”.

Dù sự thật ra sao thì cái chết của Lê Long Đĩnh sẽ được lịch sử Việt Nam ghi nhận như một cột mốc đánh dấu sự chấm dứt nhà Tiền Lê, khởi đầu giai đoạn trị vì của nhà Lý.

Hoàng Phương
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
(Phần 2): Thảm án Lệ Chi Viên

Trong thời kỳ phong kiến tự chủ của Việt Nam, nhiều vị vua chúa và các bậc khai quốc đã trở thành nạn nhân của những âm mưu chính trị nơi cung cấm…

Thảm án Lệ Chi Viên: Ai đã sát hại vua Lê Thái Tông?


Theo chính sử Việt Nam, vào một ngày tháng 7.1442, vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quan ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Sau đó ít lâu, vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định. Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40.

Thị Lộ được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sắc đẹp, văn chương hay nên luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ. Đến sáng hôm sau toàn thể văn võ bá quan nhận được tin vua băng hà. Lúc này Lê Thái Tông mới 20 tuổi.

Triều đình lúc đó đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua, dẫn đến việc Nguyễn Trãi và gia đình bị án tru di tam tộc. Đây chính là vụ thảm án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Sau này Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông rửa oan. Nhưng sử sách không đề cập gì tới việc điều tra cái chết, nguyên nhân tử vong hay thủ phạm sát hại vua Lê Thái Tông.

Theo ý kiến của một số nhà sử học sau này, chủ mưu của vụ ám sát vua lê Thánh Tông là Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, mẹ vua Lê Nhân Tông.

Lý do là Nguyễn Thị Anh rất căm giận Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ vì đã giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ Lê Thánh Tông) thoát khỏi âm mưu sát hại của bà ta. Ngoài ra vào thời đó, nhiều người trong triều dị nghị rằng bà Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ (Lê Nhân Tông) không phải là con vua Thái Tông, nên nhân lúc vua về thăm Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha đã sai người sát hại vua Thái Tông, rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi.

Bên cạnh đó, vụ thảm án Lệ Chi Viên có thể còn là do sự ghen ghét, đố kỵ của một bộ phận không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng lỗi lạc và tính tình ngay thẳng, cương trực của Nguyễn Trãi – điều luôn cản trở những việc làm mờ ám của họ.

Vua Lê Nhân Tông bị anh ruột ám sát để giành ngôi

Lê Nhân Tông (1441 – 1459) , vị vua thứ ba của nhà Lê sơ tên thật là Lê Bang Cơ. Dù chỉ là con trai thứ ba, nhưng ông được vua cha Thái Tông phong làm Hoàng Thái tử vào năm 1441, khi mới vài tháng tuổi.

Thái hậu Nguyễn Thị Anh làm Nhiếp chính cho ông từ khi mới lên ngôi báu cho đến khi ông tự thân chấp chính vào năm 1452. Lên ngôi lúc còn nhỏ, Lê Nhân Tông tỏ ra là vị Hoàng đế anh minh, biết thương dân, sùng kính Nho giáo, xem trọng nghề nông và kính cẩn tông miếu. Ông không có thói đam mê tửu sắc, và biết tôn trọng những người có công đối với Vương triều.

Dưới triều Nhân Tông, nước Đại Việt thái bình thịnh trị, đời sống nhân dân ổn định, bờ cõi được bảo vệ và mở rộng. Quân Đại Việt dưới thời Lê Nhân Tông đã thắng lớn trong cuộc tiến công Chiêm Thành, bắt sống được cả vua Chiêm và lập vua Chiêm mới lên thay. Lê Nhân Tông cũng sáp nhập đất của xứ Bồn Man vào lãnh thổ Đại Việt.

Ông cũng đối đãi tử tế với người anh khác mẹ là Lạng Sơn Vương Nghi Dân. Tuy vậy, Nhân Tông vẫn bị người anh cả oán hận và muốn đoạt ngôi vì ông chỉ là con thứ. Trong khi đó, bản thân vua Nhân Tông không đề phòng gì vì luôn coi Nghi Dân là anh ruột.


Ảnh minh họa.​

Một đêm cuối năm 1459, Lê Nghi Dân cùng các thủ hạ đã bắc thang đột nhập vào cung cấm giết vua Nhân Tông. Khi đó ông mới 18 tuổi. Cái chết của ông khiến cho quan lại "nuốt hận ngậm đau", và thần dân "như mất cha mất mẹ”.

Chỉ sau đó 8 tháng, Nghi Dân đã phải trả giá. Kẻ giết hại em ruột đã bị các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng v.v... làm binh biến giết chết rồi lập người em út là hoàng tử Lê Tư Thành lên làm vua, tức là vua Lê Thánh Tông.

Vua Thánh Tông lên ngôi đã làm lễ chiêu hồn cho vua anh Nhân Tông và an táng cho ông ở Mục Lăng, Lam Sơn. Ông được tôn miếu hiệu là Nhân Tông, thụy hiệu là Tuyên Hoàng Đế.

Dương Chấp Nhất trá hàng hạ độc thủ Nguyễn Kim

Nguyễn Kim (1468-1545) là một danh tướng Việt Nam thời nhà Lê sơ và là người đặt nền móng cho sự thành lập nhà Lê trung hưng.

Năm 1527, khi nhà Lê bị nhà Mạc tiếm ngôi, con cháu nhà Lê chạy trốn. Lúc bấy giờ, hầu hết các cựu thần nhà Lê ngả về họ Mạc hoặc bỏ đi nơi khác, chỉ có Nguyễn Kim là lo chiêu tập hào kiệt bốn phương lánh lên vùng đất Sầm Châu lập bản doanh phò Lê diệt Mạc. Sau đó ông đã tìm được con vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh và đưa sang Sầm Châu tôn lên ngôi vua là Lê Trang Tông (1533-1548).

Nguyễn Kim đã giúp vua Lê từng bước đánh chiếm lại các vùng đất đã mất và được vua Lê phong làm Thái sư, Hưng Quốc công, nắm giữ tất cả binh quyền.

Năm 1545, Nguyễn Kim bị ám sát sau kế trá hàng của Dương Chấp Nhất, một võ tướng của nhà Mạc.

Khi thấy chủ của mình là Mạc Đăng Doanh luôn phải lo đối phó với thanh thế nhà Lê, Dương Chấp Nhất đã hiến kế xâm nhập vào nội bộ nhà Lê để phá hoại và đích thân mình thực hiện nhiệm vụ này.

Để thực hiện mưu kế, Dương Chấp Nhất đã giao nộp cả gia đình cho nhà Lê và tỏ ý hàng phục. Vua Lê tỏ rõ vui mừng khi biết mình đã thu phục được một tướng tài của nhà Mạc, không mảy may nghi ngờ âm mưu của Nhất.

Dương Chấp Nhất nhanh chóng lấy được lòng tin của vua Lê và các quan đại thần trong triều, đặc biệt là Thái sư Nguyễn Kim. Bởi vậy, khi Nhất mở tiệc thiết đãi, Nguyễn Kim đã vui vẻ đến dự mà không biết đó là một cảm bẫy chết người.

Đồ ăn thức uống dành cho Nguyễn Kim đã bị tẩm độc, và vị tướng lỗi lạc của nhà Lê đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Một vật cản lớn của nhà Mạc đã bị loại bỏ. Sau đó Dương Chấp Nhất đã trốn thoát và được Mạc Đăng Doanh trọng thưởng vì công trạng của mình.

Hoàng Phương
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
(Phần 3): Vụ Ám sát Bazin

Trong cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam, nhiều cột mốc lịch sử quan trọng bắt nguồn từ các vụ ám sát…

Vụ Ám sát Bazin làm chấn động Đông Dương


Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã dần dần củng cố sự cai trị trên toàn cõi Đông Dương, buộc triều đình phải chấp nhận địa vị phụ thuộc vào chính quyền Bảo hộ. Nhiều phong trào đấu tranh yêu nước bị đàn áp dã man và dần dần đi đến bế tắc, thất bại.

Đến thập niên 1920, nhiều đảng phái đi theo đường lối đấu tranh ôn hòa hình thành ở Đông Dương. Riêng Việt Nam Quốc dân Đảng (thành lập ngày 25.12.1927) chủ trương dùng bạo lực đánh đuổi người Pháp. Đường lối hoạt động của Quốc dân Đảng đề ra có hai phần: "Giai đoạn phá hoại" và "Giai đoạn kiến thiết".

Kế hoạch ám sát trùm mộ phu Alfred François Bazin chính là hoạt động tiêu biểu trong “giai đoan phá hoại” của Quốc dân Đảng.

Bazin là một người Pháp sang Đông Dương làm cai mộ phu ở Bắc Kỳ để gửi người đi làm thuê ở các đồn điền cây công nghiệp của người Pháp ở Đông Dương và các thuộc địa Pháp khác. Hắn có tiếng là tuyển người bằng mánh khóe lừa lọc nên bị nhiều người oán giận, nhất là trong giới thợ thuyền. Dù vậy, chính quyền thực dân vẫn làm ngơ cho Bazin thả sức lộng hành, khiến dư luận càng thêm phẫn nộ.

Nhân tình hình này, Ủy viên Thành bộ Hà Nội của Việt Nam Quốc dân Đảng là Nguyễn Văn Viên đưa ra kế giết Bazin để gây thanh thế cho Đảng. Lãnh tụ Đảng là Nguyễn Thái Học không đồng tình nên Nguyễn Văn Viên cùng hai chiến hữu khác, Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Đức Lung tự ý ra tay.

Vào đêm Giao thừa Tết Mậu Tý (9.2.1929), ba đảng viên trên chờ sẵn ở trước nhà số 110 Phố Huế của Germaine Carcelle, tình nhân của Bazin. Khi Bazin bước ra thì Nguyễn Đức Lung tiến tới giao cho Bazin một phong thư, trong chứa bản án tử hình. Ngay sau đó Nguyễn Văn Lâm cầm súng bắn hai phát vào Bazin, khiến hắn gục chết ngay tại chỗ.

Vụ ám sát đã làm rúng động dư luận Việt Nam thời bấy giờ. Sự kiện này được xem như một thông điệp chính trị của Việt Nam Quốc dân Đảng gửi đến chính quyền thực dân để cảnh cáo về chính sách bất công ở thuộc địa, đồng thời tạo thanh thế cho Việt Nam Quốc dân Đảng.

Sau vụ ám sát, chính quyền thực dân đã mở các cuộc càn quét gắt gao, khiến tổ chức và nhân sự của Việt Nam Quốc dân Đảng bị thiệt hại nặng. Tuy vậy, tổ chức này vẫn kiên trì hoạt động và xúc tiến tổ chức cuộc tổng khởi nghĩa ở Yên Bái chỉ một năm sau đó.

Ẩn số trong cái chết của Hùm thiêng Yên Thế

Hoàng Hoa Thám, còn gọi là Đề Thám hay Hùm thiêng Yên Thế (1858 - 1913) là nhà lãnh đạo lỗi lạc của cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống lại thực dân Pháp, bắt đầu từ năm 1885.

Bằng chiến thuật du kích tài tình, các toán quân dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám đã gây cho thực dân Pháp những tổn thất nặng nề.

Về phía đối địch, thực dân Pháp tập trung lực lượng, không từ một thủ đoạn nào để trấn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, từ việc mua chuộc và chiêu hàng đến bao vây, càn quét.

Sau hơn 2 thập kỷ đấu tranh bền bỉ, nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám suy yếu dần. Cái chết của Hùm thiêng Yên Thế vào năm 1913 đã dánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của cuộc khởi nghĩa.


Cụ Hoàng Hoa Thám.

Theo các nguồn sử liệu chính thức, Hoàng Hoa Thám đã trúng bẫy “trá hàng” của kẻ thù và bị ám sát đầy đau đớn. Theo đó, trong những ngày cuối cùng, lực lượng nghĩa quân ngày càng mỏng, Đề Thám chỉ còn vài thủ hạ bảo vệ bên cạnh và liên tục phải di chuyển.

Khi ông tới vùng Hồ Lẩy, người Pháp đã bố trí 3 người đến trá hàng để tiếp cận nghĩa quân với lời hứa sẽ bày cách chế tạo vũ khí hiện đại. Hoàng Hoa Thám đã trúng kế. Tại một ngôi lều chạy loạn ở khu vực Hố Nấy, ông cùng hai thuộc hạ thân tín bị chuốc rượu say rồi giết hại vào sáng mùng 5 Tết Quý Sửu (10.2.1913). Thủ cấp của ông và thuộc hạ đã bị thực dân Pháp bêu ra trước bàn dân thiên hạ để thị uy.

Tuy vậy, cũng có ý kiến nghi ngờ về cái chết của Hoàng Hoa Thám và đưa ra giả thuyết cho rằng ông không bị ám sát mà đã chạy trốn và sống ẩn dật những ngày cuối đời trong dân chúng, và cuối cùng chết vì bệnh tật.

Theo Lý Đào, một cận vệ cũ của Hoàng Hoa Thám và thường cắt tóc cho Đề Thám, đầu ông có một đường gồ chạy từ trán lên đỉnh đầu, trên khuôn mặt có bộ râu ba chòm, nhưng cái đầu bị bêu không có đường gồ, cằm không có râu

Người dân làng Lèo, một ngôi làng thuộc vùng khởi nghĩa thì cho rằng, thủ cấp bị bêu là của sư ông trụ trì ở chùa Lèo, vì sư ông có dung mạo khá giống với Hoàng Hoa Thám và không thấy xuất hiện từ hôm đó, có lẽ bị giết để thế chỗ.

Tiếng bom Sa Diện thức tỉnh tinh thần dân tộc

Phạm Hồng Thái (1896 - 1924) tên thật là Phạm Thành Tích, vốn là một nhà hoạt động trong Phong trào Đông Du. Ông cùng với một nhóm thanh niên có tâm huyết đã theo Vương Thúc Oánh (thành viên Việt Nam Quang phục Hội) vượt biên qua Xiêm rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) vào khoảng cuối năm 1918.

Đến tháng 4.1924, ông gia nhập Tâm Tâm Xã, một tổ chức có chủ trương đấu tranh bạo động do Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn thành lập.

Tháng 6.1924 toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin có một chuyến công du sang Nhật để điều đình việc trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam. Trên đường từ Nhật về Đông Dương, Merlin dừng lại thăm khu tô giới của Pháp ở Quảng Châu và định dự tiệc đêm 18.6.

Nhân vụ việc này, tổ chức Tâm tâm xã lên kế hoạch giết chết Merlin này để gây thanh thế. Phạm Hồng Thái đã nhận nhiệm vụ thực hiện sứ mạng với sự hỗ trợ của Lê Hồng Sơn.

Ngày 19.6.1924, sau khi viết bảng cáo trạng tố cáo tội ác của thực dân Pháp đến nhân dân toàn thế giới, Phạm Hồng Thái giả dạng phóng viên xâm nhập khách sạn Victoria tại tô giới Sa Diện ở Quảng Châu để thực hiện kế hoạch.


Trong bữa tiệc, ông đã quăng một quả bom nhỏ vào giữa bàn tiệc. Tuy nhiên vụ mưu sát không thành, Merlin chỉ bị thương nhẹ và thoát chết. Dù vậy có năm doanh nhân Pháp đã thiệt mạng vì quả bom.

Phạm Hồng Thái đã trốn thoát được khỏi khách sạn. Tuy vậy, trước sự truy nã gắt gao của kẻ thù, nhà cách mạng 28 tuổi đời đã phải gieo mình xuống dòng sông Châu Giang tự tử.

Sự kiện này được mệnh danh là "Tiếng bom Sa Diện", đã làm chấn động dư luận khu vực. Tiếng bom của Phạm Hồng Thái đã trở thành sự cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.

Hoài Phương