Nguyễn Đức Đông
Rìu Sắt Đôi
Khi xài laptop dùng GPU tích hợp của Intel thì mỗi lần cập nhật driver để sửa lỗi, để cải thiện hiệu năng thì chúng ta đa phần phải cài đặt driver được hãng sản xuất thiết bị cung cấp, một số trường hợp có thể dùng driver từ Intel nhưng không phải tất cả. Tình trạng này là do nhiều hãng vẫn ưu tiên tự tối ưu và phát hành driver cho thiết bị, thành ra Intel không thể trực tiếp phát hành cũng như kịp thời cập nhật driver cho GPU tích hợp khi có vấn đề. Giờ đây thì mọi thứ đang dần thay đổi.
Sở dĩ các OEM chọn giải pháp khóa driver theo nền tảng tức theo máy là nhằm đảm bảo hệ thống không gặp lỗi bởi driver khi được phát hành đã được tùy biến lại và kiểm thử. Tuy nhiên, khi mà những chiếc laptop và desktop đang có tuổi thọ sử dụng dài hơn, người dùng có xu hướng giữ máy lâu hơn thì việc phải duy trì cập nhật driver cho một mẫu máy trong nhiều năm sẽ gây áp lực cho các OEM. Người dùng cũng bị thiệt thòi bởi nếu dùng máy đời cũ, họ sẽ ít khi được cập nhật driver GPU mới, những lỗi phát sinh về sau không được khắc phục và hiệu năng cũng không được cải thiện. Tệ hơn là nhiều phần mềm đòi hỏi driver mới để có thể chạy được nhưng họ không có cách nào khác là phải đợi OEM phát hành driver Intel GPU thay vì cập nhật tự do.
Để giải quyết vấn đề này, Intel đã vừa phát hành một phiên bản driver mới cho GPU tích hợp trên Windows 10, mã phiên bản 26.20.100.8141 và đây là bản driver không bị khóa, cho phép nó về mặt lý thuyết có thể cài đặt trên mọi máy. Intel đã khai thác định dạng driver DCH (Declarative Componentized Hardware) cho vi xử lý đồ họa (Nvidia cũng đã dùng). Đây là định dạng trình điều khiển mô-đun hóa cho phép các hãng phát hành từng phần của driver thay vì toàn package như xưa. Thông qua một ứng dụng Universal (UWP), chẳng hạn như Nvidia có ứng dụng Nvidia Control Panel phát hành trên Microsoft Store thì anh em có thể cài vào để quản lý các thiết lập và cập nhật driver. Intel làm điều tương tự với Graphics Command Center.
Điều quan trọng là các tùy chỉnh của riêng các OEM cũng được mô-đun hóa theo DCH. Khả năng cập nhật từng phần của driver sẽ không đòi hỏi các OEM phải tự tạo ra các bản build driver Intel HD Graphics riêng nữa, những tùy biến có thể được phát hành dưới dạng một gói chung qua DCH.
DCH là một nỗ lực của Microsoft nhằm giải quyết vấn đề phân mảnh về trình điều khiển tồn tại lâu nay trên Windows. DCH được giới thiệu từ bản Windows 10 1803 và ngày một nhiều hãng tham gia. Với sự ủng hộ của Intel thì kế hoạch của Microsoft tiếp tục chuyển biến tích cực và thực tế thì ngày một nhiều hãng áp dụng DCH để phát hành driver. Lợi ích của dạng driver này rất nhiều, chẳng hạn như Intel có thể phát hành driver nhanh hơn, có lỗi là phát hành ngay, cập nhật trực tiếp qua Microsoft Store thay vì người dùng phải lên trang web tải về cài. OEM thì không phải tốn nhiều tài nguyên để duy trì và tùy biến driver cho từng hệ thống. Người dùng thì luôn được cập nhật driver mới nhất, hệ thống ổn định và hiệu năng tốt hơn.
Intel hiện tại vẫn gọi driver mới là driver thử nghiệm bởi hãng nhấn mạnh việc cài đặt driver này sẽ ghi đè lên driver cũ do OEM thiết kế và phát hành. Những driver của OEM được tùy biến, tinh chỉnh và kiểm chuẩn để khắc phục một số lỗi đặc thù theo hệ thống cũng như mở ra những tính năng mới và cải thiện hiệu năng. Intel gợi ý việc sử dụng driver mới trước mắt chỉ nên thử nghiệm các tính năng mới và nên cài lại driver OEM nếu gặp lỗi.
Vậy liệu có phải máy nào cũng cài được driver này hay không. Thực tế là không bởi driver mới này sẽ chỉ hỗ trợ trên các dòng GPU tích hợp như:
- Intel UHD Graphics 620/630 (dòng Coffee Lake);
- Intel Iris Plus Graphics 655 (dòng Coffee Lake);
- Intel UHD Graphics 600/605 (dòng Gemini Lake);
- Intel HD Graphics 620/630 (dòng Kaby Lake)
- Intel Iris Plus Graphics 640/650 (dòng Kaby Lake);
- Intel HD Graphics 610/615 (dòng Gemini Lake);
- Intel HD Graphics 500/505 (dòng Apollo Lake);
- Intel HD Graphics 510/515/520/530 (dòng Skylake);
- Intel Iris Pro Graphics 580 (dòng Skylake);
- Intel Iris Graphics 5450 (dòng Skylake).
Theo: Intel