This is a mobile optimized page that loads fast, if you want to load the real page, click this text.

Hoa Chămpa trên đất nước hoa Chămpa

malemkhoang

Rìu Chiến

Trong cuốn "Truyện cổ đất nước hoa Chămpa" có chuyện "Bốn cây hoa chămpa": Ngày xưa bên Lào có ông lãnh chúa Chun-la-ni mường Piêng-chăn, đem cô gái Khai Cong của ông bạn Thac-khiên-thi mường Khiên-tha-ni về làm vợ kế khi hai vợ chồng ông bạn này cùng nhân dân trong mường bị một cặp đại bàng quỷ từ trên núi cao xuống ăn thịt hết. Một năm sau, Khai Cong sinh cho lãnh chúa được bốn hoàng tử khôi ngô tuấn tú vào lúc lãnh chúa vắng nhà. Hoàng hậu Ac-khi không có con, căm giận đánh tháo thay bốn con chó con, bỏ bốn đứa trẻ vào một cái chum bịt kín thả trôi sông. Khi trở về, nghe lời hoàng hậu, lãnh chúa nghi ngờ Kham Cong chính là ma quỷ và đuổi nàng xuống làm tôi tớ nuôi lợn. Cái chum không trôi theo dòng sông mà trôi ngược lên đến bờ được vợ chồng lão làm vườn vớt lên thương yêu chăm sóc thành bốn đứa trẻ bụ bẫm xinh đẹp. Khi chúng lên năm, mụ Ac-khi biết được, cho mấy nàng hầu lại đầu độc cho chết đi. Vợ chồng lão làm vườn đem chôn chúng giữa sân thì nơi đó mọc lên bốn cây hoa chămpa rất đẹp. Mụ Ac-khi lại sai mấy nàng hầu lại chặt cây nhưng dao cứ văng ra, mụ đem lính lại bắt vợ chồng ông lão phải tự chặt thì bốn cây tự ngã xuống. Khi thả cây xuống sông thì bốn cây lại trôi ngược dòng đến vùng đất của Đức tiên ông Phaluxita Phay. Dùng đôi mắt lữa, tiên ông thiêu cháy bốn cây, hoá phép thành bốn chàng tráng sĩ đẹp trai tuấn tú. Tiên ông nhận bốn chàng trai làm con nuôi và giữ lại để dạy phép tắc, võ nghệ, sau nầy sẽ đi diệt trừ các loài ác quỷ cứu thiên hạ. Tiên ông đặt tên cho bốn chàng Chămpa Kham (Chămpa vàng), Chămpa Ngân (Chămpa bạc), Chămpa Thong (Chămpa đồng), Chămpa Keo (Chămpa ngọc). đúng như màu hoa chămpa ở nhà ông lão làm vườn.
Sau nhiều năm dạy võ nghệ kiếm cung, thấy các chàng học rất lanh và người nào cũng giỏi, Tiên ông ban cho mỗi người một ná thần rồi giảng giải cho bốn chàng trai biết muốn cứu dân lành, muốn có công bằng xã hội, mình không thể chỉ hiền và tốt mà còn phải có sức mạnh, phải có tài phép....trước cho phép bốn anh em hạ sơn. Về đến mường Piêng-chăn của cha. họ đi tìm cha, mẹ và vợ chồng lão làm vườn. Lãnh chúa Chun-la-ni mắt mở to, mồm há hốc như không tin ở tai và mắt mình nữa. Hối hận, ông đập đầu xuống đất khóc lóc thảm thiết. Mấy hôm sau, mường Piêng-chăn mở ngày hội lớn mừng đón bốn chàng hoàng tử Chămpa trở về, ông lão làm vườn đứng vai chủ lễ. Triều thần quyết xử trảm phơi nắng mụ Ac-khi nhưng bốn chàng trai xin tha cho mụ khỏi tội chết, trở về với cuộc đời dân thường. Trong số bốn vị hoàng tử, anh cả Chămpa Kham được đưa làm phó lãnh chúa giúp đở cha lúc tuổi già yếu, Chămpa Ngân kết duyên với nàng Phatima trở thành phò mã của mường Chămpa, Chămpa Thong kết duyên với nàng Cay Son làm phò mã mường Cut-xi-xat-ta-nat. Còn hoàng tử út Chămpa Keo thì về mường Khiên-tha-ni quê hương mẹ dể diệt trừ yêu quái. Chàng dùng nỏ thần bắn chết hai con chim đại bàng, nhưng lấy ân báo oán chàng cho chim sống lại buộc từ nay không được ăn thịt người. Tuy nhiên, hai con chim thấy đã gieo nhiều tội ác với nhân loại nên không còn muốn sống nữa và truớc khi gục đầu xuống chết, trao tặng cho hoàng tử hai viên ngọc quý, ngậm vào có thể bay được, có thể nhìn xuyên thấu từ nơi này sang nơi nọ. Nhân dân mường Khiên-tha-ni cảm kích công trời biển cứu muôn dân sống lại của hoàng tử, để chàng làm người kế vị lãnh chúa Thac-khiên-thi đã quá già yếu.​


Như tác giả Hoài Nguyên đã giải thích trong bài tựa cuốn "Truyện cổ đất nước hoa Champa" (Nxb Thuận Hóa,1997), chủ đề tư tưởng của cốt truyện xoay quanh cái Thiện và Ác, cái Nhân và Quả, ở Hiền gặp Lành, ở Ác gặp Họa và cái Thiện bao giờ cũng thắng cái Ác, vì đó cũng chính là những điều Giáo lý của Đức Phật vừa là bản chất, tâm tu tình cảm của nhân dân lao động Lào. Không phải tình cờ mà bốn cây trong truyện mang tên cây hoa chămpa, trùng tên với vương quốc trước kia ở miền nam Việt Nam. Kể từ thế kỷ thứ 18, khu vực Wat Phou vương quốc Chămpa trở thành tiểu vương quốc Champasak (1713-1946) mang trong tên một quá khứ Chămpa. Tại quốc gia Lào, hoa chămpa được gọi là dok champa, tức là cây hoa sứ hay cây hoa đại bên ta. Với mùi hương thanh khiết, màu sắc thanh nhã, hoa chămpa rất được phổ biến và trở nên biểu tượng cho xứ Triệu Voi, thể hiện trên huy hiệu mang trên áo thanh niên thiếu nữ. Cũng như hoa mang tên Sacuanjoche là biểu tượng cho xứ Nicaragua. Hương hoa chămpa lan tỏa rất xa, nhất là dưới ánh trăng huyền ảo một đêm khí trời ấm áp. Phụ nữ Lào thích trang trí với một hay nhiều hoa chămpa trên mái tóc, người đã đẹp lại càng thêm hấp dẫn. Làm sao không rung động được hôm tiếp tân ở Luang Prabang, dưới ánh trăng vằng vặt, trong bầu nhạc chămpa dịu dàng du dương, một cô gái Lào, má hồng môi thắm, đẹp như tiên nữ, mái tóc ngào ngạt hương thơm chămpa ngồi xếp bằng sít trước mặt, miệng nhoẻn một nụ cưới duyên dáng, nắm tay mình, và nhẹ nhàng cẩn thận cho cuốn vào cổ tay những sợi chỉ baci để chào mừng khách quý đồng thời cầu mong phúc lành với lời dặn dò giữ gìn sợi chỉ baci thật lâu cho phúc lành kéo dài ! Bay bổng lên chín tầng mây, khách chỉ biết thả hồn theo gió, tận hưởng những phút thần tiên ít có trong đời.

Vào thế kỷ XV, một nhà quý phái người Ý, ba tước Pompeo Frangipani, chế tạo một nước hoa mùi quả hạnh để tẩm thơm da dùng làm găng tay. Ông thợ làm bánh của ông lấy chất thơm ấy ướp hương kem sau này mang tên "kem frangipan" và chất thơm mang danh frangipan. Khoảng cuối thế kỷ XVII, nhân đi ngang qua Caraïbes giữa Trung và Nam Mỹ, nhà thực vật học Pháp Charles Plumier (1646-1706), người đã từng ngang dọc Tân thế giới, khảo sát và vẽ một cây có hoa thơm ngọt ngào tương tự chất frangipan nên cây được gọi frangipanier. Cuộc trùng phùng chỉ có chừng ấy. Nguồn gốc Trung Mỹ, cây được đặt tên khoa học Plumeria, vinh danh nhà thực vật học Pháp Charles Plumier, thuộc họ Trúc đào Apocynaceae, ta gọi cây sứ. Tùy theo loài, nó được phân chia theo nhiều tên khoa học :
P.obtusifolia hay P.acuminata, nguồn gốc Mehico, là cây sứ hoa trắng, thân mập, cong queo, xù xì, cao 2-3 đến 7-8m ; vỏ xốp màu trắng xám, xốp ; lá thuôn dài, rộng ở giữa và hẹp lại ở hai đầu, màu xanh bóng, nhẵn, xếp sát nhau thành vòng ở ngọn cành, khi rụng để lại sẹo ở càng ; hoa lớn 5cm, mọc thành cụm trên một cuống chung, cuống hoa mập dài 30-50cm, cánh hoa dày, mập, màu trắng, trung tâm vàng, mùi thơm, nở quanh năm ; quả ít thấy, dài 19-15cm. Cây trồng bằng giâm cành vào mùa mưa, mọc khỏe, có rễ. Nhờ dáng đẹp, hoa thơm, cây hay được trồng làm cảnh quanh đền chùa và các công viên. Chủng trồng P. acuminata var. tricolor hoa trắng, mép hồng và trung tâm vàng. P. hypoleucacây sứ hoa vàng, tương sự cây hoa trắng nhưng cánh hoa màu vàng đậm.

Gs Phạm Hoàng Hộ dành tên khoa học P.rubra cho các cây sứ cùi hay cây đạicây sứ hoa đỏ, thấp hơn loài hoa trắng, cành chia nhiều nhánh, xoè thành tầng thấp ; lá thuông dài 20-40cm, thon, nhọn ở đỉnh, xanh bóng, không lông, phiến to, xếp sát nhau ở đầu cành, rụng vào mùa khô ; hoa 5-7cm mọc thành cụm ỏ đầu cành trên một cuống chung, cánh hoa đỏ dày ; nguồn gốc Mehico, Equador hay Guyane, được thuần hóa ở Nam California. Nó được gọi ‘‘cây sứ cùi" vì khi rụng lá, cành cây giống những ngón tay người bị bệnh cùi (tức bệnh phong hủi) tương tự ngưòi Úc gọi nó là ‘‘cây ngón tay người chết". Thời nhà Nguyễn nó được trồng trong cung điện, đền đài, lăng tẩm, am thờ làm tăng nét cổ kính. Có khi cây đại thụ quá già qua thời gian không chịu đựng được gió bảo buộc phải được chống đở hoặc bằng thân cây hoặc bàng cột sắt làm mất vẻ uy nghiêm, mỹ miều. Ngày nay cây được phổ biến trồng trong các công viên, vườn tược trước khi trở thành cây cảnh dưới nhiều dạng được hóa chủng, có khi thành bonzai trong chậu. Những dạng thường gặp : P.rubra, hoa hường, thường có tâm vàng ; P.lutea, vàng, có khi trộn với hường ; P.acutifolia, trắng, tâm vàng, có khi trộn với hường ; P.tricolor, trắng, bìa hường, tâm vàng. P.alba là cây đại trắng, nhánh mập ; lá rộng 1-4cm, phiến thon hẹp hay dài thon, mặt dưới có lông, bìa uống xuống khi khô ; hoa có cọng xanh xanh, đài có răng 1,4mm, màu trắng, tâm vàng nghệ. P.obtusa được gọi là cây đại lá tà, lớn hơn hai loài trên ; lá cũng to hơn, phiến dài đến 30cm, rộng 10cm, gân trăng trắng, cách bìa 5mm ; hoa to, có cọng dài 30-60cm, thơm, màu trắng, tâm vàng, rộng 4-6cm​




Cùng họ Trúc đào Apocynaceae có cây Adenum obesum bên ta gọi cây sứ thái hay sứ sa mạc, tương đối thấp, trồng trong chậu, thoa màu đỏ tươi, có thể uốn tạo thành cây cảnh. Còn có hai cây ngọc lan, tên khoa học ngọc lan trắng Michelia alba vàngọc lan vàng Michelia champaca, họ Mộc lan Magnoliaceae, cây rất cao, hoa thơm không kém hoa chămpa, cùng mang tên champaca, cũng được gọi cây sứ bên ta. Xin đừng lầm với cây ngọc lan rừng còn được gọi ngọc lan tây tức ngọc lan ylang ylang hay hoàng lan Cananga odorata họ Annonaceae vì hoa nó cũng rất thơm. Ở các nước láng diềng của ta cây Plumeria có những tên phổ biến : kamboja ở Indonesia, kalachuchi ở Philipin, chapha ở Ấn Độ, araliya ở Sri Lanka, kê đàn hoa, đàn hoàng hoa ở Trung Quốc,...Người Ấn Độ thường tin trưởng nó là bất tử vì chặt đi nó vẫn ra hoa ra lá, ngay cả khi bị nhổ đi ! Người ta trồng cây sứ cốt yếu là để được thụ hưởng huơng thơm của hoa. Không phải tình cờ mà cây được thấy trong sân chùa, đền miếu và lắm khi nghĩa địa. Hoa thường được dùng để trang hoàng bàn thờ Phật. Ở nhiều nước, nhất là ở các đảo Thái Bình Dương, hoa được kết thành vòng đội trên đầu các cô hay quanh vào cổ khách, đặc biệt các khách du llch. Phụ nữ Indonesia dùng hoa cài trên tai để làm tín hiệu cho phái nam nhi : bên tai mặt là chưa hứa....Hương thơm ngào ngạt năng mùi nên không những ở nước ta mà còn ở các nước lân cận, dân gian tin tưởng cây là nơi trú ngụ của các loài ma. Truyền thống dân gian Mã Lai đặt tên ma là pontianak. Tôi nhớ hồi nhỏ, vào những năm thập niên 40, trong sân trước nhà ông Hoành anh tôi thuê ở Vĩnh Điện, tỉnh lỵ Quảng Nam, có cây ngọc lan hoa trắng rất đẹp và mùi hương lan tỏa rộng đến nổi người trong thị trấn đồn là trên cây có ma ở, nhất là nghe nói ông Hoành đã treo cổ tự tử ngay sau lầu ! Vào đêm những hôm trăng sáng, một ngọn gió thoảng lung lay lá cây các cành là đủ để gây trong đầu óc đứa trẻ hình dáng một cô gái áo dài trăng tinh nhởn nhơ khêu gợi....Trong những đêm nầy, người tinh mắt và chịu khó có thể tìm ra trên cây, không phải một bóng ma, mà một con sâu giả rắn là ấu trùng của con Deilephila elpenor, bướm đêm nhân sư Asella (Sphinx asella) thuộc họ Sphingidae. Trong quá trình nỗ lực tìm mật hoa, mặc dầu loại Plumeria không có mật, nhưng có sắc, có hương, bướm vô tình chưyển phấn hoa từ hoa nầy sang hoa khác từ đấy thụ phấn cho cây, chứng minh hoa đã nổ lực để bảo vệ nòi giống, từ đấy nói lên kỹ thuật khéo léo của Tạo hóa.

Phần lớn các Plumeria đều được khảo cứu về mặt thành phần hóa học và tính chất dược lý. Tinh dầu chiết xuất từ hoa chứa đựng những thành phần bốc hơi (citronellol, farnesol, geraniol, bornesitol, linalol, phenyl-ethyl alcohol) và những flavonoid (kaempferol,kaempferol-glycoside, quercetin, quercetin-glycoside..,quercitrin, rutin..).Trong vỏ thân có beta-sitosterol, iridoid như fulvoplumierin, allamcin và allamandin, p-benzoquinon, lignan loại liriodendrin, agoniadin.... Iridoid (P.rubra) có hoạt tính tiêu diệt tế bào ung thư lymphocytic leukemia trên chuột, fibrosarcoma, melanoma trên người (J.Nat.Prod.1990). Đặc biệt, chất kháng sinh funvoplumierin chiết ra từ hoa có tác dụng ngăn cản sự tăng sinh của một số vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (Experimentia 1952). Fulvoplumierin cũng có khả năng ức chế men reverse transcriptase của siêu vi HIV-1 trên người (J.Nat. Prod.1991). Chiết từ rễ cây, ngoài beta-dihydroplumericic acid, beta-dihydroplumericin, còn có isoplumricin, plumericin. Cả hai chất plumericin có khả năng tiêu diệt nhuyễn thể, vi trùng (J.Ethnopharm.1991). Nhựa chứa acetyl lupeol, alpha và beta-amyrin, cerotic acid, lupeol, lupeol acetat, oxymethyl-dioxycinnamic acid, plumieric acid.. Ngoài môt ít pectin, lá tươi cây P.acuminata chứa stigmastenol, lupeol arboxylic acid và ursolic acid có tác dụng chống đột biến, làm giảm số lượng các tế bào MPCE (micronuckeated polychromatic erythrocytes) trên chuột (Mut.Res.1996). Vỏ, rễ và lá chứa đựng glucozid là một chất đắng không mùi gọi là plumierid, không có trong hoa. Vỏ thân và vỏ rễ hơi có độc, vị đắng, tính mát. Thành phần chủ yếu trong nhựa mủ là plumeric acid. Một công trình khảo cứu ở Ấn Độ chứng minh hoa và lá được dùng để chữa bá bệnh nhờ ở tính chất phản oxy hóa (P.rubra).

Theo Đông y, hoa sứ có vị ngọt, tính bình, có các tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng, bổ phổi, dùng làm thuốc chữa ho, viêm ruột, lỵ, gan, phế quản, phòng say nóng, trị chứng khó tiêu, kém hấp thu ở trẻ em, chữa bệnh huyết hữu, cao huyết áp dưới dạng thuốc sắc. Lá có tác dụng hành huyết tiêu viêm, rửa sạch, giã nhuyễn, thêm vào chút muối và đắp vào những nơi sai khớp, bong gân, mụn nhọt (P.rubra). Cũng có thế hơ lá lên lửa cho héo và đắp phía ngoài rồi cố định bằng băng hoặc vải sạch. Vỏ có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tả hạ, tiêu thủng, sát trùng, điệu kinh, trị nóng nhiệt. Vỏ cây cũng được dùng trị bệnh hoa liểu (P. acuminata). Vỏ rễ trị bệnh lậu, bệnh loét đường sinh dục. Vỏ thân và vỏ rễ dùng dưới dạng thuốc sắc có tác dụng tẩy mạnh, tháo nước, dùng trong trường hợp thũng nước, chữa táo bón (thay thế cho đại hoàng). Vỏ cây có thể chế thành cao dùng với liều lượng nhỏ và tăng dần. Chữa chân răng sưng đau, ngậm vỏ rễ ngâm rượu. Nhựa mũ của thân chữa mụn cốc, chai chân, sưng tấy, mụt nhọt, dùng dưới dạng nhũ dịch, còn được bôi ngoài để chữa chai chân và vết loét viêm tấy. Hạt dùng để cầm máu (P.alba). Dầu chiết xuất từ hoa nhờ hương thơm được dùng trong mỹ phẩm, để làm chất khử mùi, khử trùng. Dầu sứ là một chất thuốc chống sán, giun đủa. Nhờ những hiệu lực bổ phổi, làm dịu, nó được dùng chống những chứng viêm phổi, phế quản. Dầu sứ cũng đuợc bôi lên thuốc đắp vào hạch bẹn.​


Hoa gì đây ?

Hoa chămpa tế nhị, thơm tho, trên mái tóc cô gái Lào dịu hiền, thôn dã, phản ảnh một nét đẹp giản dị, đồng quê. Dân Lào không được biết là người hiếu chiến, có người cho năm cánh của hoa thể hiện sự đoàn kết với năm nước láng giềng. Những hôm viếng thăm đất nước "Triệu Voi", dạo chơi ở Luang Prabang, lững thững trong sân chùa Vat Xieng Thong yên tĩnh trên bờ Me Kong, ngào ngạt thương thơm hoa chămpa, ngắm nhìn các chú tiểu hồn nhiên nắm tay nhau tươi cười trong bóng mát, khách cảm thấy đắm mình trong một bầu hòa bình, hạnh phúc.​

Hương chămpa thơm lừng trong gió
Gởi đến em, người con gái ta thương
Một góc tình yêu vàng như màu nắng
Mãi thơm trong tựa cánh hoa rừng...

Hansy (Gởi hương)​

Có một mùa hoa chămpa
Em cùng anh tự tình bên suối
Màu hoa vàng nhuộm mắt ai đắm đuối
Ðể hương thơm theo mãi suốt đời...

Bun Ni (Có một mùa hoa)​
Nguồn: ST Internet
 
Sửa lần cuối: