Hôm qua (28/5), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm trao cho các cơ quan chính phủ nhiều quyền lực hơn trong việc kiểm soát các nền tảng mạng xã hội.
Mục tiêu của ông Trump là các công ty công nghệ như Facebook, Twitter, Google – vốn được bảo vệ trong Mục 230 của Đạo luật truyền thông, hưởng quyền miễn trừ pháp lý với nội dung do người dùng đăng tải.
Sắc lệnh này được đưa ra sau khi Twitter dán nhãn thông tin thiếu xác thực trên bài đăng của Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Donald Trump vừa mới ký một sắc lệnh nhằm vào các công ty internet như Facebook, Twitter, Google và điều luật internet trước đây, mà cho phép các công ty internet này...
“Chúng ta đã chán ngấy nó”, Tổng thống Trump nói trong phòng Bầu dục trước khi đặt bút ký, tờ Los Angeles Times đưa tin.
Sắc lệnh này, theo giới chuyên môn nhận định, được xem như đòn trả đũa vào quyết định dán nhãn kiểm chứng sự thật của Twitter vào một tweed gần đây của ông Trump về vấn đề bỏ phiếu qua thư có thể dẫn đến gian lận bầu cử. Không có bằng chứng chứng minh những gì ông Trump nói là sự thật, nên Twitter buộc phải dán nhãn tweed này.
“Họ có tấm lá chắn và có thể làm những gì mình muốn”, ông Trump phát biểu hôm qua. “Sắp tới họ sẽ không còn tấm lá chắn đó nữa”. Đây là cơ hội mở ra cho Bộ Thương mại và Ủy ban Truyền thông Liên bang giải thích lại luật và cho phép Ủy ban Thương mại Liên bang tạo ra một công cụ để người dùng báo cáo sai lệch trực tuyến. Một mục khác trong sắc lệnh sẽ thúc đẩy các cơ quan liên quan xem xét lại chi tiêu về quảng cáo trên mạng xã hội.
Twitter đã ngay lập tức đáp trả trong buổi tối cùng ngày: “Sắc lệnh này là cách tiếp cận phi lý và mang mục đích chính trị với một đạo luật mang tính bước ngoặt. Mục 230 bảo vệ sự đổi mới và tự do ngôn luận của người Mỹ, được củng cố bởi các giá trị dân chủ. Nỗ lực đơn phương làm suy yếu nó đe dọa tương lai của tự do ngôn luận và internet”.
Liz Bourgeois, người phát ngôn của Facebook cũng tuyên bố: “Facebook là nền tảng cho các quan điểm đa dạng. Chúng tôi tin tưởng vào việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên các dịch vụ của chúng tôi, đồng thời bảo vệ cộng đồng của chúng tôi khỏi nội dung độc hại, bao gồm nội dung được thiết kế để ngăn cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu. Những quy tắc đó áp dụng cho tất cả mọi người.
Việc giới hạn Mục 230 sẽ có tác dụng ngược lại. Nó sẽ hạn chế nhiều hơn quyền được lên tiếng trên mạng, không phải ít hơn. Bằng cách buộc các công ty gánh nguy cơ chịu trách nhiệm với những thứ hàng tỷ người trên thế giới nói, đây sẽ là hình phạt nhắm vào những công ty cho phép phát ngôn gây tranh cãi và khuyến khích kiểm duyệt bất cứ điều gì có thể xúc phạm bất cứ ai”.
Trả lời phỏng vấn trên kênh CNBC, CEO Mark Zukerberg của Facebook nói, “không có công ty tư nhân nào đóng vai trò người cầm cân nảy mực cho sự thật, và các nền tảng truyền thông xã hội, đặc biệt là Facebook và Twitter, càng không nên làm điều đó”.