This is a mobile optimized page that loads fast, if you want to load the real page, click this text.

Đừng bỏ lỡ lợi thế từ Người tham khảo

Manila1996

Búa Đá
Bạn được nhà tuyển dụng yêu cầu cung cấp danh sách Người tham khảo. Nhưng bạn có chắc sẽ có được lời giới thiệu tích cực? Việc tìm Người tham khảo không đơn giản chỉ là liệt kê tên, số điện thoại và địa chỉ email của sếp cũ.

Bạn đã tìm ra một cơ hội việc làm hoàn hảo nhờ tính năng Tìm việc làm trên CareerBuilder. Công việc phù hợp với thế mạnh, công ty tương đồng về văn hóa và mức lương đúng như mong muốn. Bạn gửi CV, vượt qua vòng phỏng vấn, và rồi nhà tuyển dụng yêu cầu danh sách Người tham khảo - không chỉ những cái tên đã có sẵn trong CV, mà cả những người khác theo lịch sử công việc.

Nên xem lại danh sách Người tham khảo trước khi tìm việc

Đây có phải là trở ngại khó nhằn trên lộ trình tìm việc của bạn không? Dù có hay không, chúng ta cũng nên chuyên tâm cho yếu tố nhỏ nhưng không nhỏ này từ sớm.

Luôn cố gắng hết lòng
Ngay khi biết mình sắp phải rời công ty, bạn có khi chỉ muốn buông xuôi. Bắt đầu đi làm muộn, chất lượng công việc thấp hoặc không nỗ lực? Công sức của cả một thời gian dài trước đấy có thể bị xóa sạch bởi sự lười biếng trong thời gian cuối. “Sa sút”, “thiếu trách nhiệm”... là những ấn tượng bạn để lại.

Vì vậy, hãy hoàn thành phần việc còn lại nhanh gọn nhất có thể, tiếp tục giúp đỡ đồng nghiệp. Ta không thể biết sẽ cần xác nhận từ những người cũ vào lúc nào.

Ngồi xuống nói chuyện
Trước khi ra đi, hãy ngồi lại với sếp-sắp-cũ và chia sẻ những điều tích cực mà bạn có được trong thời gian làm việc tại công ty. Hãy hỏi họ lời khuyên trước khi rời đi, và nhờ họ đánh giá tốt cho bạn - ngay lúc này trên LinkedIn, hoặc trong tương lai khi nhà tuyển dụng mới hỏi.

Nói chuyện với sếp cũ trước khi rời công ty

Nếu sếp thực sự có trách nhiệm, họ sẽ buồn khi bạn ra đi, nhưng họ cũng vui nếu nhân viên cũ tiến bộ trong sự nghiệp. Nếu bạn đã làm tốt, đừng ngại nhờ họ.

“Qua khỏi vòng chớ cong đuôi”
Bạn thất vọng cay đắng ở công ty hiện tại? Câu răn dạy trên của ông bà có thể áp dụng cho tình huống này. Bạn không cần hạ mình quá giới hạn xã giao, nhưng nên chơi đẹp, thực hiện đúng các trách nhiệm để kết thúc hợp đồng theo quy định của pháp luật và không để lại chê trách gì. Nếu bạn chỉ trích hoặc tranh luận nảy lửa với sếp khi bước chân ra khỏi công ty thì mối quan hệ về sau rất khó hàn gắn. Sếp cũ sẽ từ chối làm Người tham khảo, hoặc tệ hơn, đồng ý nhưng chia sẻ những thông tin tiêu cực về bạn.

Cũng không nên sỉ nhục sếp cũ khi nói chuyện với người khác. Trong thời đại kỹ thuật số “tai vách mạch rừng”, ta không thể biết vòng quan hệ bạn bè của mọi người rộng ra sao. Một post nói xấu công ty và lãnh đạo cũ có thể xoa dịu cái tôi trong vài phút, nhưng có thể gây ấn tượng xấu với một nhà tuyển dụng tiềm năng.

Cách tốt nhất vẫn là mỉm cười và bước tiếp.

Duy trì mối quan hệ
Thường thì chúng ta ít phải dùng đến danh sách Người tham khảo trong vài năm. Nhưng khi cần, thì nên đảm bảo là các sếp cũ không quên bạn, và vẫn có thể nhận xét tốt về bạn. Vì thế, mối quan hệ tích cực sẽ có lợi.

Mối quan hệ tốt trong và sau khi làm việc cùng nhau luôn có lợi

Đơn giản là kết nối với họ trên mạng xã hội, thể hiện rằng bạn đang quan tâm đến tình hình của họ. Hành động cụ thể sẽ tốt hơn là một thời gian dài không liên hệ, để rồi bạn gọi cho họ chỉ để xin giới thiệu với nhà tuyển dụng mới.

Chú ý tình huống hiện tại
Khi được nhà tuyển dụng yêu cầu danh sách Người tham khảo, hãy cung cấp đủ ngữ cảnh cho họ: sếp cũ của bạn hiện làm vị trí gì, có bận rộn không, thời điểm nào thì thuận tiện để gọi hoặc nhắn tin cho họ, liệu nhà tuyển dụng có cần nói rõ vị trí cũ của bạn để Người tham khảo nhớ ra hay không…

Ngược lại, bạn cũng nên liên hệ trước với Người tham khảo để cảm phiền họ xác nhận với nhà tuyển dụng mới. Nên cung cấp thông tin chi tiết về vị trí bạn đang ứng tuyển. Sẽ càng tuyệt nếu sếp cũ có thể xác nhận cho bạn về các thế mạnh liên quan trực tiếp đến công việc đang ứng tuyển. Có thể “nhắc nhẹ” họ về một số dự án bạn đã từng làm cũng như cách mà chúng có thể liên quan đến vai trò mới. Những lời giới thiệu đi kèm ví dụ cụ thể sẽ có sức thuyết phục rất lớn, minh chứng cho những điều bạn đã thể hiện qua CV và phỏng vấn. Sự khác biệt đó có thể đưa bạn lên tốp đầu trong danh sách ứng viên.

Hãy biết ơn
Sau khi sếp cũ cung cấp thông tin tham khảo giúp bạn, hãy gửi lời cảm ơn.

Dù háo hức đến đâu với việc bắt đầu vị trí mới, hãy nhớ thành công đó có phần từ phản hồi tích cực của họ. Nếu quên chi tiết nhỏ này, có thể lần tiếp theo bạn sẽ không còn nhận được sự giúp đỡ nếu cần. Một lời “cảm ơn” có thể giúp ta đi xa hơn tưởng tượng.​