Không dễ để bạn tìm được một công việc đáp ứng mọi nhu cầu, từ mức lương cho đến khối lượng nhiệm vụ. Nhưng một công việc không hoàn hảo và một công việc ác mộng vẫn khác nhau hoàn toàn. CareerBuilder chia sẻ một số kinh nghiệm để bạn không rơi vào ác mộng nơi công sở.
Có nhiều định nghĩa về một công việc ‘ác mộng’. Đó có thể là công việc không phù hợp với tính cách của bạn. Ví dụ, bạn là người hướng nội và công việc đòi hỏi bạn phải tham gia, thậm chí tổ chức các sự kiện đông người, thì bạn khó có thể thấy thoải mái. Công việc cũng có thể trở thành ác mộng nếu bạn ‘xung khắc’ với sếp và không tìm được tiếng nói chung, hoặc nếu công ty không trả lương như thỏa thuận.
Có nhiều định nghĩa về một công việc ‘ác mộng’
Công việc tồi tệ sẽ tác động tiêu cực lên tinh thần của bạn - làm mất đi sự tự tin, năng lượng và đam mê. Cuối cùng, tất cả những gì bạn muốn làm chỉ là nghỉ việc.
Nếu may mắn, bạn sẽ không bao giờ phải làm một công việc ác mộng như vậy trong sự nghiệp. Nhưng để giữ được vận may, hãy để ý những dấu hiệu cảnh báo dưới đây khi ứng tuyển vào một công ty.
1. Quá trình phỏng vấn lộn xộn
Nếu bạn được hẹn phỏng vấn với những lãnh đạo hàng đầu của công ty (ví dụ: giám đốc điều hành), việc dời lịch hẹn hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu lịch phỏng vấn thay đổi liên tục, người phỏng vấn đến muộn hoặc không chuẩn bị trước khi gặp bạn, đó là dấu hiệu xấu.
Để ý cả email từ nhà tuyển dụng - phản hồi chậm, viết sai tên, sai chính tả cũng là những ‘điềm báo chẳng lành’. Nếu công ty tổ chức phỏng vấn một cách thiếu chuyên nghiệp như vậy, tình hình thực tế sẽ còn thế nào khi bạn vào làm?
2. Nhân viên có vẻ không hài lòng
Trước khi đi phỏng vấn, hầu như ai cũng có thói quen tìm hiểu nhân viên của công ty nghĩ gì về nơi họ làm việc. Thường chúng ta sẽ hỏi người quen (nếu có) hoặc truy cập các website review công ty để tìm hiểu. Nếu bạn thấy nhiều người phàn nàn về cùng một vấn đề, hãy cân nhắc hỏi người phỏng vấn xem họ có biết về vấn đề này không và công ty có đang giải quyết nó không.
Tất nhiên, đôi khi review trên mạng không phản ánh toàn bộ câu chuyện. Vì vậy, bạn cũng nên ‘thám thính’ khi đến phỏng vấn. Quan sát kĩ xung quanh văn phòng xem mọi người đang vui vẻ hào hứng hay mệt mỏi, uể oải? Bạn có vô tình nghe thấy một cuộc cãi vã hay tiếng quát mắng? Có thể mọi người đang có một ngày tồi tệ, nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy tinh thần làm việc của nhân viên đang sa sút.
3. Tín hiệu lạ từ người phỏng vấn
Thật tuyệt khi được người phỏng vấn khen ngợi. Nhưng nếu người phỏng vấn sốt sắng mời bạn về làm việc ngay trong cuộc phỏng vấn, đừng vội nhận lời. Trừ khi công ty có quy mô rất nhỏ, khá kỳ lạ khi người phỏng vấn không thông qua ý kiến cấp trên hoặc đồng cấp trong bộ phận liên quan trước khi mời bạn làm việc. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy công ty đang thiếu nhân sự trầm trọng hoặc có điều gì đó muốn giấu bạn.
Một tín hiệu khác cần để tâm là người quản lý có hợp với phong cách làm việc của bạn không. Ví dụ: Nếu quản lý nói xấu nhân viên và bạn cực ghét điều này, bạn có thể gặp khó khăn trong việc hình thành mối quan hệ tốt đẹp với sếp.
4. Thỏa thuận lương như mặc cả
Cả người lao động và nhà tuyển dụng đều mong muốn có một thỏa thuận lương tốt. Nhưng nếu một công ty đưa ra mức lương quá thấp so với thị trường mà không có lý do, đó là tín hiệu xấu. Tại sao họ đề xuất mức lương thấp như vậy? Liệu bạn có bao giờ được tăng lương, hay công ty sẽ luôn dè sẻn? Mặc dù việc nhà tuyển dụng đưa ra mức lương có lợi nhất cho họ là hoàn toàn bình thường, nhưng con số họ đưa ra vẫn phải hợp lý với khối lượng công việc và thị trường nhân sự.
Thay vì phải mặc cả từng đồng, quá trình thỏa thuận lương nên giống như một cuộc trao đổi tìm giải pháp, trong đó hai bên cùng cố gắng tìm ra con số phù hợp.
Thỏa thuận lương như mặc cả
5. Bạn không hiểu rõ trách nhiệm của mình
Một ‘điềm báo’ khác là thông tin không thống nhất trong cuộc phỏng vấn. Một người phỏng vấn nói bạn sẽ quản lý 4 nhân viên, người khác lại nói bạn không phải quản lý ai. Vậy phạm vi công việc của bạn chính xác là thế nào?
Nếu những người phỏng vấn không đưa ra thông tin nhất quán về vai trò của bạn, hãy tiếp tục hỏi cho đến khi có câu trả lời chắc chắn.
Sau đó nếu bạn vẫn không hiểu, hãy xem xét không nhận lời nếu được mời làm việc. Ngay cả ở một công ty mới thành lập vẫn nên có mô tả công việc rõ ràng cho từng vị trí tuyển dụng và người phỏng vấn phải nắm rõ mô tả này. Chưa kể, người phỏng vấn cũng nên chia sẻ thêm về quyền lợi cũng như cơ hội thăng tiến của công việc này.
6. Nhân viên nghỉ việc liên tục
Nhân viên đến và đi là điều bình thường trong thời đại ngày nay. Rất ít người gắn bó với một công ty đến lúc ‘đầu bạc răng long’. Tuy nhiên, đôi khi một công ty sẽ phải đối mặt với ‘cuộc di cư’ của nhân viên. Nguyên nhân có thể là do khách quan, ví dụ như đại dịch COVID-19, cũng có thể là do yếu tố chủ quan như quản lý kém, không sinh lời hoặc tập thể thiếu gắn kết...
Có một cách để bạn hiểu hơn về điều này, đó là hỏi về người từng nắm giữ vị trí bạn đang ứng tuyển. Có nhiều lý do để họ rời đi, nhưng câu trả lời của người phỏng vấn có thể hé lộ một chút thông tin.
Kết luận
Quá trình phỏng vấn vừa là để công ty tìm hiểu bạn, vừa là để bạn tìm hiểu công ty. Đừng quên vế thứ hai. Hãy tận dụng tối đa cơ hội này để đánh giá đây có phải công việc phù hợp cho bạn hay không. Nếu câu trả lời là “Không”, việc rút lui cũng dễ dàng hơn nhiều so với khi bạn đã ký hợp đồng chính thức.