Chú Khách | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

If possible, please support us by clicking on the advertisements.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software.

×

Chú Khách

malemkhoang

Rìu Chiến
Người Hoa tại Việt Nam

862.371(1999 theo TCTKVN)
823.071 (2009 theo TCTKVN)
947.000 (2008 theo CIA)
1.200.000 (2005 theo OCAC)
Khu vực có số dân đáng kể:
Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Quảng Ninh
Ngôn ngữ:
Tiếng Việt, tiếng Quảng Đông, tiếng Triều Châu, tiếng Khách Gia, tiếng Phúc Kiến
Tôn giáo:
Chủ yếu là Phật giáo Đại thừa, Đạo giáo và Khổng giáo, thờ cúng tổ tiên. Một lượng nhỏ theo Công giáo và đạo Tin Lành.

Người Hoa (giản thể: 华人; phồn thể: 華人; Hán-Việt: Hoa nhân hay giản thể: 唐人; phồn thể: 唐人; Hán-Việt: Đường nhân) hay dân tộc Hoa (giản thể: 华族; phồn thể: 華族) là một trong 54 dân tộc được công nhận tại Việt Nam. Các tên gọi khác của họ là Khách, Hán, Tàu,...[5] Dân tộc Hoa cùng với dân tộc Ngái và Sán Dìu được xếp vào nhóm ngôn ngữ Hán.Thông thường, người Hoa ở Việt Nam được gọi là người Việt gốc Hoa để tránh trường hợp gây tranh cãi về thuật ngữ và thái độ kỳ thị.

Những người có nguồn gốc từ Trung Quốc (gọi chung là người Trung Quốc) đã qua lại làm ăn, sinh sống với người Việt đã từ lâu đời, tùy theo từng thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh tiếp xúc hoặc nguyên nhân di cư mà người Trung Quốc đã tự xưng về tên dân tộc của mình khác nhau. Người Trung Quốc thường tự gọi mình là dân của các triều đại mà họ cho rằng văn minh, tự hào hoặc cho rằng nó phổ biến và được người bản xứ biết rõ, hoặc đã biết từ lâu như "người Đường" (Thoòng dành), "người Thanh", "người Bắc" (quốc). Người Hoa còn tự gọi họ theo quê quán: người Quảng (Quảng Đông), người Tiều (Tiều Châu/Triều Châu), người Hẹ, người Khách, người Hải Nam (Hải Nam), người Phúc Kiến (Phúc Kiến)... Người Việt còn có lệ gọi người Hoa là "người Ngô". Lệ này bắt nguồn từ lịch sử thời Xuân Thu có "nước Ngô" và "nước Việt". Điển hình là bản Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi vào thế kỷ 15 sau khi Bình Định Vương Lê Lợi đuổi được giặc nhà Minh.

Người Hoa khi sang sinh sống làm ăn tại Việt Nam thì hay tự giới thiệu họ là Đường Nhân (âm tiếng Quảng: Thoòng Dành) nghĩa là người từ nhà Đường (Trung Quốc) sang Việt Nam. Đúng ra họ phải tự nhận là Hán Nhân (người nhà Hán) thì đúng hơn vì họ là dân tộc Hán, nhưng họ biết người Việt rất ghét và dị ứng chữ "nhà Hán" vì nhà Hán đã đô hộ người Việt rất lâu, và họ sợ nếu tự nhận là Hán Nhân thì sẽ bị ghét và không tồn tại được trên nước Việt Nam, nên họ tìm một chữ khác là Đường Nhân (người nhà Đường, cũng là một triều đại Trung Quốc) sẽ dễ được người Việt chấp nhận hơn.

Từ phổ thông người Việt hay dùng để gọi người Hoa là "người Tàu"; "chệt" có hàm ý miệt thị; từ "cắc chú", đọc trại từ chữ "khách trú" vì người Hoa không được nhìn nhận là cư dân mà chỉ là dân ở trú mà thôi. Bản báo sau đây đưa ra nguồn gốc khác cho "các chú" nhưng không có cơ sở:

Theo Gia Định báo, đăng trong số 5, năm thứ 6, phát hành ngày 16 tháng 2 năm 1870: phần tạp vụ (một bài thuộc vào loại phiếm luận ngày nay)

Người bên Tàu thường gọi là người Trung-Quốc nghĩa là nước ở giữa vì thuở xưa bên ấy có 18 nước chư hầu; chỗ Kinh thành Hoàng-đế ở lại vô ở giữa các nước chư hầu nên gọi là Trung Quốc. Người bên Tàu thường kêu mình là Đường-nhơn hay Thanh-nhơn, nghĩa là người nhà Đường nhà Thanh. An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v...

Từ Ba Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn Chợ Lớn, Hà Tiên; từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam, nhưng dần từ Ba Tàu lại mang nghĩa miệt thị. Còn có cách giải thích khác: Người Việt thường xưng hô theo thứ tự như anh Hai (con cả) anh Ba (con thứ)... Vì lý do đó mà người Tàu thường lễ phép gọi thân mật người Việt đang làm ở các cơ quan Pháp thời đó là anh Hai (cậu Hai) và xem mình là em (anh Ba). Từ đó người Việt mới gọi anh Ba (Tàu) là vậy.

Một giả thuyết khác cho rằng, do người Hoa thường gọi mình là 人唐, phiên âm "jintau", nên người Việt gọi họ là Tàu. Thời vua Minh Mạng, người Hán thường được gọi là 唐人, "Đường nhân" theo cách đọc Hán - Việt hiện tại, tuy nhiên, theo cách phát âm của tiếng phổ thông 唐人 thường được đọc thành "toàng dién", "Tàu nhân" theo tai nghe của người Việt.

Lại một số ý kiến khác cho rằng chữ "người Tàu" mà người Việt hay gọi người Trung Quốc bắt nguồn từ chữ của người Tây phương (người Pháp) thường hay gọi dân gốc Hoa. Người châu Âu thời ấy thường hay gọi người gốc Trung Hoa di cư sinh sống ở đất nước họ bằng chữ "Tao" ("Les Taos": người Tao, bọn Tao) theo một hàm nghĩa miệt thị và xem thường. Chữ "Tao" đó trong ngôn ngữ Pháp và Âu châu thì không có nghĩa nào trong từ điển là để chỉ "người Trung Hoa", mà từ đúng phải là "Chinois", tuy nhiên chữ "Tao" chỉ là một từ lóng để ám chỉ người Trung Hoa (theo một ý nghĩa không lấy làm hay lắm) mà không có trong từ điển chính thống. Chính vì ý nghĩa có hàm ý miệt thị và dè bỉu một dân tộc (racism) nên nó không được các nhà ngôn ngữ học Tây phương đưa vào từ điển, mà chỉ nằm trên cửa miệng của những nhà thực dân Âu châu khi đến Việt Nam, họ sử dụng như một thói quen trong khẩu ngữ hàng ngày mỗi khi nhìn thấy một người Trung Quốc thì gọi là "Tao", người Việt cũng bị ảnh hưởng người Pháp và gọi theo là "dân Tao" hoặc "người Tao" khi nói về dân Trung Quốc, lâu dần Việt hóa trại âm ra thành "người Tàu" cho dễ gọi. Vì lẽ đó mà người Hoa thường tỏ ra không thích khi một người khác gọi họ là "người Tàu", nếu căn cứ theo cách giải thích này thì sẽ hợp lý hóa cho sự khó chịu của người Hoa khi bị gọi là "người Tàu". Nếu chữ "người Tàu" là bắt nguồn từ "tàu thuyền" (theo phương tiện họ hay dùng để đi lại giao thương) thì không việc gì họ phải không thích hoặc thấy khó chịu cả. Hoặc nếu từ chữ 唐人 (Đường nhân - người Hoa tự nhận là người nhà Đường thay vì người nhà Hán, vì họ sợ người Việt ghét nhà Hán đã đô hộ ngàn năm thì sẽ ghét lây họ) mà được đọc là "Tang ren" theo âm tiếng Hoa rồi trại thành "Tàu nhân" thì cũng lại càng không có lý do để họ cảm thấy khó chịu khi bị gọi bằng chữ "người Tàu", vì chính chữ đó là từ chữ "Đường nhân - Tang ren" mang ý nghĩa đáng tự hào và chính họ tự nhận mình như vậy. Chỉ có thể là chữ Tao theo nghĩa tiêu cực từ phương Tây dùng để gọi người Hoa, rồi Việt hóa thành "Tàu" theo đúng tầm nghĩa miệt thị từ gốc Tây phương, mới làm cho người Hoa cảm thấy khó chịu khi bị gọi như vậy. Thực tế ở Việt Nam, người Hoa sẽ cảm thấy không vui khi người Việt Nam gọi họ là "Tàu" hoặc "người Tàu".

Người Bắc thì kêu là Ngô, nghĩa là nước Ngô, có kẻ lại cắt nghĩa rằng vì bởi nó hay xưng mình là Ngô nghĩa là tôi. Từ này không còn còn phổ biến nữa.

Kêu Các-chú là bởi người Minh-hương mà ra; mẹ An-nam cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với cha mình, nên mới kêu là Các-chú nghĩa là anh em với cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy theo làm vậy.

Còn kêu là Chệc là tại tiếng Triều Châu kêu tâng Chệc nghĩa là chú. Người bên Tàu hay giữ phép, cũng như An-nam ta, thấy người ta tuổi đáng cậu, cô, chú, bác thì kêu tâng là chú là cậu vân vân. Người An-nam ta nghe vậy vịn theo mà kêu các ảnh là Chệc.. Nay không còn phổ biến nữa.
***
Người Trung Quốc bắt đầu di cư vào Việt Nam kể từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, từ đầu thời kỳ Bắc thuộc. Trong 2 thiên niên kỷ kể từ đó, nhiều làn sóng người Trung Quốc, gồm lính, quan, dân, tội phạm... đã đến định cư tại Việt Nam. Nhiều thế hệ người Trung Quốc định cư tại Việt Nam đã có quan hệ hợp hôn với người Việt bản xứ và con cháu họ dần trở thành người Việt Nam.

Vào thế kỷ 17 tại Trung Quốc, sự sụp đổ của nhà Minh dẫn đến làn sóng người Hoa trung thành với nhà Minh và không thần phục nhà Thanh bỏ quê hương di dân sang vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Năm 1671, Mạc Cửu và gia đình đến vùng đất Mang Khảm (nay là Hà Tiên), khi đó vẫn thuộc quyền kiểm soát của vương quốc Chân Lạp. Mạc Cửu đã mở rộng quyền kiểm soát ra các vùng lân cận, và sau đó quy thuận chúa Nguyễn.

Sách Đại Nam Thực lục (Tiền biên) chép:

Kỷ Mùi (1679), mùa xuân tháng Giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến; Cao Lôi Liêm, tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung (cửa Tư Hiền) và Đà Nẵng, tự trần là bồ thần (bề tôi mất nước, trốn ra nước ngoài) nhà Minh, không chịu làm tôi tớ nhà Thanh, nên đến xin để làm tôi tớ.
...
Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Soài Rạp đến đóng ở Mỹ Tho, binh thuyền của Thượng Xuyên và An Bình thì vào cửa Cần Giờ, đến đóng ở Bàn Lân (Biên Hòa). Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá, thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây dương, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập.

Những cộng đồng người Hoa này được gọi là người Minh Hương. Chữ "hương" ban đầu dùng chữ 香 có nghĩa là "thơm" khi kết hợp với chữ Minh 明 có nghĩa là hương hỏa nhà Minh (明香), đến năm 1827 thì vua Minh Mạng cho đổi chữ Hương 香 sang chữ Hương 鄉 nghĩa là "làng" để tránh đụng chạm với nhà Thanh, từ đó Minh Hương (明鄉) có thể hiểu là "làng của người Minh" và cũng có thể hiểu là "làng sáng sủa".

Năm 1698, ở vùng Phiên Trấn - Bến Nghé - Sài Gòn đã hình thành nên làng Minh Hương ở Gia Thạnh, Chợ Lớn cũ. Từng có câu ca dao nói về phong hóa làng Minh Hương:

Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng
Đố ai lịch sự bằng làng Minh Hương.

Tuy thu lợi từ những người Hoa định cư tại Việt Nam, nhưng các vị vua chúa Việt Nam chưa bao giờ cảm thấy yên tâm về lòng trung thành của họ. Tại thời điểm xấu nhất của quan hệ giữa hai bên, 10 ngàn người Hoa vùng cù lao Phố đã bị quân Tây Sơn tàn sát vào thế kỷ 18. Những khi khác, người Hoa rất có khiếu làm ăn, được hưởng tự do và sự giàu có nhưng họ luôn bị người Việt kỳ thị.

Sau khi nhà Nguyễn ban hành qui chế thành lập các Bang Hoa Kiều, người Hoa sinh sống ở Việt Nam có tất cả là 7 bang: Quảng Triệu (còn gọi là Bang Quảng Đông), Khách gia, Triều Châu, Phước Kiến, Phước Châu, Hải Nam và Quỳnh Châu. Trụ sở của 7 Bang (giống như Văn phòng Đại diện) thường được gọi là "Thất Phủ công sở" hoặc "Thất Phủ hội quán".

Đến thế kỷ 19, người Pháp tạo điều kiện cho người Hoa vào định cư ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Thời kì này người Hoa sang Việt Nam theo các đợt tuyển mộ phu đồn điền của người Pháp. Tháng Giêng năm 1885, Pháp ra lệnh sát nhập Bang Phước Châu vào trong Bang Phước Kiến; sát nhập Bang Quỳnh Châu vào trong Bang Hải Nam. Vì vậy mà từ đó về sau, người Hoa chỉ còn 5 bang.

Ngoài ra, riêng đối với Bang Khách gia ở Việt Nam thì không chỉ có người Hẹ. Theo lệnh của chính quyền thuộc địa Pháp, những người Trung Quốc sinh sống ở Việt Nam nhưng có nguyên quán (Tổ tịch) không thuộc 4 Bang kia, tất cả đều phải chịu sự quản lý của Bang Khách gia. Vì vậy mà trong Bang Khách gia Việt Nam có những người gốc Giang Tô, Thượng Hải, Chiết Giang, Hồ Bắc, Hồ Nam...

Khoảng thời gian từ 1939-1945, có một số lượng người Hoa từ Quảng Đông chạy sang Việt Nam lánh nạn khi đế quốc Nhật Bản xâm chiếm Trung Hoa lục địa. Năm 1949, lại thêm một số người Hoa chạy sang Việt Nam khi Trung Quốc Quốc dân Đảng thua ở lục địa.

Thế kỉ 20

Trước 1945, tại Việt Nam, chính quyền thuộc địa Pháp giành độc quyền buôn bán 3 mặt hàng quan trọng nhất là gạo, muối và rượu. Đặc biệt là thuốc phiện được Pháp công khai buôn bán, khuyến khích người Việt sử dụng chứ không bị cấm như ở chính quốc. Lợi nhuận từ thuốc phiện đã đóng góp tới 25% vào ngân sách của Pháp Đông Dương. Tổng ngân sách năm 1905 là 32 triệu đồng Đông Dương, trong số này nguồn thu từ độc quyền bán thuốc phiện là 8,1 triệu. Tính đến năm 1900 thì lợi nhuận Pháp thu được từ thuốc phiện đạt hơn phân nửa số tiền thu nhập của toàn Liên bang Đông Dương. Việc phân phối bán lẻ thuốc phiện được Pháp dành cho tư nhân, đa số là người Hoa. Người Hoa thu được những món lợi lớn từ việc buôn thuốc phiện cho Pháp trong thời kỳ này, từ đó tạo nguồn lực cho việc họ khống chế kinh tế miền Nam cho tới thập niên 1980.

Từ trước năm 1949, người Hoa ở Việt Nam vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc, chính phủ Trung Hoa Dân quốc tuyên bố rằng tất cả người Hoa ở nước ngoài đều là công dân Trung Quốc, rằng Trung Quốc có quyền ngoài-lãnh thổ: quyền can thiệp vào các quốc gia khác để bảo vệ công dân của mình. Đến thập kỉ 1950, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới chính thức thu hồi lời tuyên bố trên.

Ở miền Bắc, năm 1955, hai chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thống nhất rằng người Hoa ở Việt Nam do chính quyền Việt Nam quản lý và được hưởng đầy đủ quyền lợi của công dân Việt Nam, quá trình bỏ dần quốc tịch Trung Quốc để thành công dân chính thức của Việt Nam sẽ kéo dài nhiều năm. Trong thời gian Chiến tranh Việt Nam, người Hoa ở miền Bắc được hưởng tất cả các quyền của công dân Việt Nam, kể cả quyền bầu cử, nhưng lại không phải chịu nghĩa vụ quân sự. Thập kỉ 1960, do ảnh hưởng của Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc khi một số người Hoa bắt đầu các hoạt động "Hồng Vệ binh" của mình và tố cáo Đảng -censor- Việt Nam theo chủ nghĩa xét lại, áp lực của chính quyền tăng lên đối với việc chuyển đổi quốc tịch của người Hoa sang quốc tịch Việt Nam. Năm 1970, để giảm khả năng thao túng tiềm tàng của Trung Quốc đối với người Hoa, chính phủ bắt đầu giảm các bài học lịch sử và ngôn ngữ tại các trường học của người Hoa. Từ vài năm trước đó, các biển hiệu bằng tiếng Trung bắt đầu biến mất tại các thành phố Hà Nội và Hải Phòng.

Ở miền Nam, từ năm 1956, chính phủ Ngô Đình Diệm đề ra chính sách buộc tất cả người Hoa phải nhập quốc tịch Việt Nam hoặc bị trục xuất. Tháng 5 năm 1957, Bắc Kinh phản đối rằng đây là "sự xâm phạm tàn nhẫn các quyền hợp pháp của người Hoa". Đến năm 1961, theo một báo cáo của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa, hơn 1 triệu người Hoa sống ở miền Nam chỉ còn chừng 2.000 người là không chịu đổi quốc tịch, phần lớn là những người đã già.

Thời điểm năm 1965, có khoảng 200 nghìn người Hoa, phần lớn sống tập trung ở quanh Sài Gòn, chia thành 5 bang, gồm Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ (hay còn gọi là Khách gia, Hà Cá) và Hải Nam. Đa số các xưởng cơ khí, chế tạo máy móc, dệt may ở Chợ Lớn đều do người Quảng Đông làm chủ. Người Phúc Kiến giỏi về giao thương với hàng loạt các công ty vận tải đường thủy, đường bộ. Người Triều Châu làm ăn nhỏ lẻ bằng cách mở tiệm ăn, tiệm tạp hóa, người Hẹ chuyên về tiểu thủ công nghiệp như lập lò rèn, nhà máy nước đá, đóng giày, làm bánh. Người Hải Nam chuyên kinh doanh thủy hải sản. Trong một bản tường trình gửi Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ có đoạn: "Họ (những con buôn người Hoa) chi phối giá cả từ trên xuống dưới. Vàng chẳng hạn, cứ mỗi tối họ điện thoại sang Hồng Kông để nắm giá rồi sáng hôm sau, họ thông báo giá vàng trong ngày cho tất cả những đầu mối ở Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây. Phân bón cũng vậy, qua tin mật báo của cảm tình viên Tổng đoàn, trong 6 kho ở bến Chương Dương, bến Hàm Tử, bến Bình Đông hiện vẫn còn trên dưới 50 nghìn tấn nhưng trên thị trường, họ ra lệnh cho các đại lý chỉ bán nhỏ giọt vì họ nắm được thông tin là phân sẽ lên giá…".

Trong khi ở miền Bắc, Hoa kiều không đóng vai trò đặc biệt trong nền kinh tế nhà nước quản lý tập trung, thì ở miền Nam, Hoa kiều kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối, và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện...và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường.
Những ảnh hưởng ngầm của Hoa kiều chi phối miền Nam trước 1975

Theo một số tài liệu, từ đầu thế kỷ 20, Thiên Địa hội đã phát triển khá mạnh ở thành thị và thôn quê 6 tỉnh Nam Kỳ, nơi tiếp nhận rất nhiều Hoa kiều sang làm ăn mua bán (mặt hàng nông sản, lúa gạo). Xu thế này vẫn tiếp diễn trong suốt thời kỳ Pháp thuộc và Việt Nam cộng hòa trước năm 1975. Các hoạt động ngầm của giới tội phạm gốc Hoa tại Việt Nam có liên hệ chặt chẽ với hội Tam Hoàng tại Hồng Kông, Đài Loan. Những hoạt động bất hợp pháp như tổ chức cờ bạc, mãi dâm, bảo kê, cho thuê nặng lãi, buôn bán thuốc phiện,... diễn ra bán công khai và được chính quyền thời bấy giờ nhắm mắt cho qua, vì những khoản tiền khổng lồ mà các tổ chức này nộp về chính quyền qua những thỏa thuận ngầm. Khu Đại Thế Giới (Chợ Lớn) từng là địa bàn cát cứ hoạt động rất mạnh của giới xã hội đen gốc Hoa và là một điểm nóng trong các địa bàn hoạt động mạnh của Hội Tam Hoàng Trung Hoa tại Đông Nam Á. Họ thậm chí còn mua chuộc được một số tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa, quận trưởng, tỉnh trưởng, để có thể giành được những hợp đồng đầu tư. Thực tế hội Tam Hoàng Trung Hoa đã bén rễ rất sâu và phức tạp vào xã hội và kinh tế miền Nam trước 1975.

Sau năm 1975

Sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, khoảng 4% dân số Việt Nam là người Việt gốc Hoa, trong đó có hơn 1,5 triệu Hoa kiều sinh sống chủ yếu ở khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn, và chỉ có khoảng 300.000 người Việt gốc Hoa sống ở miền Bắc.

Vấn đề về người Hoa càng thêm phần trầm trọng khi họ treo quốc kỳ Trung Quốc và ảnh Mao Trạch Đông trong vùng Chợ Lớn, làm chính phủ Việt Nam nghi ngờ lòng trung thành của họ. Tháng 1 năm 1976, chính phủ lệnh cho người Hoa ở miền Nam đăng ký quốc tịch. Đa số đăng ký là quốc tịch Trung Quốc mặc dù họ đã chuyển sang quốc tịch Việt Nam từ những năm 1956-1957. Tháng 2 năm đó, người Hoa được lệnh đăng ký lại theo quốc tịch đã nhận thời Việt Nam Cộng hòa. Những người vẫn tiếp tục đăng ký là quốc tịch Trung Quốc sau đó bị mất việc và giảm tiêu chuẩn lương thực. Cuối năm đó, tất cả các tờ báo tiếng Trung bị đóng cửa, tiếp theo là các trường học của người Hoa. Với những hành động này, chính phủ Việt Nam đã lờ đi thỏa thuận rằng sau khi thống nhất sẽ tham khảo ý kiến của Trung Quốc về vấn đề người Hoa ở Việt Nam. Chính sách của Việt Nam năm 1976 (đánh tư sản những người Hoa và tịch thu tài sản của họ) đã bị ảnh hưởng bởi thay đổi nhanh chóng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, với nỗi e ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng Hoa kiều để ép Việt Nam theo các chính sách của mình. Vấn đề Hoa kiều được chính phủ Việt Nam xem là một thử thách đối với chủ quyền quốc gia hơn là một vấn đề nội bộ đơn giản.

Năm 1977, lạm phát 80% cùng với vấn đề tiếp diễn của sự thiếu thốn và nạn đầu cơ lương thực, Chính phủ Việt Nam sợ rằng Hoa kiều có thể bị lôi kéo theo các mục tiêu của Trung Quốc. Kèm theo đó là sự ngừng trệ nghiêm trọng của các vùng kinh tế phía Tây Nam do các xung đột tại biên giới với Campuchia. Người Hoa ở Chợ Lớn tổ chức biểu tình đòi giữ quốc tịch Trung Quốc. Những điều này làm cho chính phủ Việt Nam lo lắng về nguy cơ đất nước bị rối loạn cả từ bên trong lẫn từ bên ngoài và coi Hoa kiều là một lực lượng ở Việt Nam và sẵn sàng tiếp tay với Trung Quốc để phá hoại. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể về các hoạt động phá hoại, nhưng sự giàu có của cộng đồng Hoa kiều bị xem là mối đe dọa đối với chính quyền Việt Nam. Trong các tháng 3, 4 năm 1978, khoảng 30.000 doanh nghiệp lớn nhỏ của Hoa kiều bị quốc hữu hóa. Vị thế kinh tế của đa số tư sản Hoa kiều bị hủy bỏ, nhà nước thắt chặt kiểm soát nền kinh tế.

Quan hệ ngày càng xấu đi giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng làm tăng thêm số người Hoa rời Việt Nam. Phía Trung Quốc tố cáo Việt Nam đã xua đuổi người Hoa sống ở phía Bắc về Trung Quốc. Đầu tiên là những vụ di cư nhỏ lẻ, sau đó là trào lưu ồ ạt người di tản đi đến những bờ biển của các nước láng giềng. Kết quả là số người di tản từ Việt Nam tăng gấp đôi trong 6 tháng đầu năm 1979, trong những người di tản trong những năm 1978-1979, Hoa kiều chiếm số lượng rất lớn. Cộng thêm vào đó là khoảng 250.000 Hoa kiều sang Trung Quốc qua biên giới phía Bắc từ tháng 4 năm 1978 đến mùa hè năm 1979. Trung Quốc đã gọi đây là vấn đề "nạn kiều". Đến năm 1982, do khó khăn kinh tế và quan hệ chính trị thù địch giữa Việt Nam với Trung Quốc, người Hoa ở miền Nam đã vượt biên qua đường biển, đường bộ để trốn qua nước thứ ba. Khoảng 2/3 trong số nửa triệu người vượt biên từ Việt Nam là người gốc Hoa.

Đến năm 1989, số người gốc Hoa tại Việt Nam đã giảm từ 1,8 triệu năm 1975 xuống còn 900.000. Người gốc Hoa không còn kiểm soát nền kinh tế Việt Nam như trước nữa, và các phong tục, ngôn ngữ gốc Hoa của họ về mặt hình thức không còn phổ biến như trước. Đây là một ngoại lệ hiếm hoi so với những nước khác: người gốc Hoa về mặt hình thức (không phải bản chất) đã gần giống như bị đồng hóa bởi người Việt Nam. Và cũng khó phân biệt giữa một người gốc Hoa và một người Việt về mặt hình thức nhưng họ vẫn giữ nguyên phong tục tập quán của tổ tiên mình. Mặc dù người Việt có thể phản đối hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông hoặc các chính sách ngang ngược của chính quyền Trung Quốc, nhưng không ai nghĩ đến việc trả thù những gia đình người gốc Hoa ở địa phương họ sinh sống.

Từ năm 1986-nay

Sau khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thực thi chính sách Đổi mới vào năm 1986, sự kỳ thị chống người Hoa đã giảm rõ rệt, và kéo theo đó là chính sách khoan hòa với người Hoa để giảm xung đột với Trung Quốc. Đi kèm theo đó, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu chính sách hỗ trợ và đảm bảo văn hóa của người Hoa tại Việt Nam được giữ gìn. Cùng với đó, người Hoa cũng dần lấy lại ảnh hưởng kinh tế ở Việt Nam.

Sự kiện biến động ở Hồng Kông 1997

Tính cho đến thời điểm trước, trong, và sau năm 1997, có nhiều nguồn dư luận trong cộng đồng dân cư Hồng Kông rằng họ sẽ có thể phải rời bỏ Hồng Kông để sang một nước thứ ba lánh nạn, khi Hồng Kông được trao trả từ tay nước Anh về cho Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Viễn cảnh một nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hà khắc sẽ tiếp quản và cai trị mọi mặt từ chính trị đến đời sống của người dân Hồng Kông vốn đã quen với các giá trị kiểu mẫu của phương Tây, đã khiến một số lượng dân cư tại đây cảm thấy bất an và tìm đường sang một nước thứ ba để tránh xáo trộn và không bị đàn áp. Một trong những nơi có thể tiếp nhận được làn sóng người di cư Hồng Kông là Việt Nam. Thực tế, có một số nhà đầu tư đã nhạy bén và đón đầu xu thế này, một số công trình dân cư được đầu tư tài chính xây dựng nên tại thành phố Hồ Chí Minh (chủ yếu là Chợ Lớn), tiêu biểu là Thuận Kiều Plaza, công trình này được thiết kế theo đúng kiểu mẫu của dạng cao ốc căn hộ tại Hồng Kông (trần nhà thấp và không gian mỗi căn hộ là rất nhỏ) để đón làn sóng di dân Hồng Kông. Tuy nhiên, làn sóng ồ ạt người di cư Hồng Kông sang Việt Nam đã không xảy ra, một số lượng ít di dân Hồng Kông chọn sang Mỹ hoặc Canada - nơi có cộng đồng Hoa kiều đông đảo hơn, một số chọn lựa ở lại Hồng Kông đánh cược với thời cuộc thay vì phải lánh nạn sang một nước thứ ba và khởi nghiệp từ đầu. Và vì thế đã không có thêm một làn sóng di dân mới nào nữa từ Trung Hoa sang Việt Nam ở thời điểm cuối thế kỷ 20.

Dân số, nơi cư trú và ngôn ngữ

Theo thống kê của cuộc điều tra dân số năm 1999, tổng số người Hoa ở Việt Nam là 862.371 (1,13% dân số ở Việt Nam), được xếp hạng thứ sáu, trong đó có khoảng 50% người Hoa sinh sống tại vùng Chợ Lớn của Thành phố Hồ Chí Minh. Họ tập trung đông nhất ở các khu thương mại trong Quận 5, 11 (khoảng 45% dân số mỗi quận), 6, 8, 10 với 5 nhóm ngôn ngữ chính: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và tiếng Khách Gia (Hakka, đôi khi còn gọi là tiếng Hẹ). Một thực tế là đối với cộng đồng người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh đa phần giao tiếp bằng tiếng Quảng Đông là chủ đạo (so với các nhóm ngôn ngữ còn lại), và tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ gần như chiếm chủ đạo trong các giao dịch làm ăn nội bộ của cộng đồng người Hoa Chợ Lớn, các nhóm cộng đồng phương ngữ khác (Triều Châu, Phúc Kiến, Khách Gia) cũng tùy biến sử dụng tiếng Quảng Đông trong giao dịch làm ăn ở vùng Chợ Lớn do tính phổ dụng của nó. Số người Hoa còn lại sinh sống ở các tỉnh toàn quốc, mà hầu hết là ở nhiều tỉnh miền Tây Việt Nam. Nhiều ngôi đền và nhà cửa của người Hoa ở khu Chợ Lớn và cảng thương mại Hội An từ thế kỷ 17 đã được khôi phục và xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và quốc tế, giờ đây mỗi năm đón hàng triệu lượt khách du lịch. Kể từ năm 2007, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh đã cho tổ chức Lễ hội Văn hóa Người Hoa định kỳ hàng năm.

Trong những khía cạnh quan trọng, người Việt gốc Hoa đã trở nên không thể phân biệt được khi sinh sống trong cộng đồng, và họ đã thành công đến mức, mặc dù các đám đông có thể phản đối những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không ai nghĩ đến việc trả thù nhằm vào các gia đình người gốc Hoa sống cạnh nhà mình.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Hoa ở Việt Nam có dân số 823.071 người, có mặt tại tất cả 63 tỉnh, thành phố. Người Hoa cư trú tập trung tại: thành phố Hồ Chí Minh (414.045 người, chiếm 50,3% tổng số người Hoa tại Việt Nam), Đồng Nai (95.162 người), Sóc Trăng (64.910 người), Kiên Giang (29.850 người), Bạc Liêu (20.082 người), Bình Dương (18.783 người), Bắc Giang (18.539 người).

Quá trình hòa nhập và giao thoa văn hóa

Về ngôn ngữ

Đa phần người gốc Hoa thế hệ sau này ở Việt Nam đã có thể giao tiếp và sử dụng tiếng Việt một cách khá hoàn chỉnh và trôi chảy, một phần nguyên nhân có thể thấy qua sự cố gắng của chính quyền trong việc quảng bá và cập nhật ngôn ngữ tiếng Việt đối với cộng đồng người gốc Hoa. Đơn cử như việc quốc hữu hóa các cơ sở, trường học tư nhân do các bang hội người Hoa lập nên. Các cơ sở giáo dục này được cộng đồng người Hoa lập ra nhằm mục đích giáo dục cho con em người Hoa, theo chương trình và ngôn ngữ riêng của họ (tiếng Quảng Đông, Triều Châu hoặc Phúc Kiến), điều này một mặt đã giúp bảo tồn tiếng nói và ngôn ngữ Trung Hoa cho con em họ, mặt khác lại là trở ngại cho chính các thế hệ học sinh gốc Hoa vì không được dạy và làm quen với tiếng Việt bài bản. Thực tế cho thấy, sẽ là rất khó khăn cho một cá nhân khi phải sinh sống trên một đất nước mà không thông thạo hoặc am hiểu ngôn ngữ bản xứ của đất nước đó. Do vậy chính sách của nhà nước Việt Nam là cố gắng cập nhật và đồng bộ hóa chương trình giáo dục trên toàn quốc theo một chuẩn duy nhất, lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ giảng dạy chính (đối với các cơ sở giáo dục của người Hoa), bên cạnh đó tiếng Hoa sẽ được ưu tiên chọn lựa để làm ngoại ngữ chính được giảng dạy ở các cơ sở giáo dục này (bên cạnh tiếng Anh). Nhờ đó các thế hệ người Hoa sau này có thể vừa hiểu biết thông thạo ngôn ngữ tiếng Việt, vừa giữ được ngôn ngữ tiếng nói của dân tộc Hoa (từ trường lớp, giao tiếp ở gia đình hoặc nội bộ, hoặc tiếp thu thêm ở các trung tâm giảng dạy Hoa văn).

Thực tế là, người Việt gốc Hoa hiện nay vừa giao tiếp thành thạo tiếng Việt với người bản xứ, trong khi vẫn sử dụng tiếng Hoa trong các giao dịch nội bộ. Thông thạo được tiếng Việt là điều rất khó tìm thấy ở các thế hệ người Hoa trước đây. Có thể thấy một ví dụ hình ảnh sinh động: ở thời điểm 2015, một cô cháu gái ở một gia đình gốc Hoa sẽ nói tốt tiếng Việt lẫn Hoa, còn người ông hoặc bà của cô ấy chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng Hoa trong khi tiếng Việt bập bẹ rất hạn chế. Điều đó không hề nói lên rằng chính quyền Việt Nam chủ ý muốn "đồng hóa" người gốc Hoa, đó đơn giản chỉ là hảo ý mong muốn cập nhật tiếng bản xứ (Việt ngữ) cho cộng đồng gốc Hoa, để giúp họ hòa nhập tốt nhất vào xã hội mà không gặp bất cứ trở ngại nào về ngôn ngữ, đó là quyền lợi chính đáng mà người Việt gốc Hoa đáng được hưởng. Vả chăng việc cập nhật và sử dụng tiếng Việt không hề làm mất đi ngôn ngữ Hoa trong các thế hệ trẻ người Hoa, họ vẫn sử dụng và thực hành tiếng Hoa tại gia đình hoặc trong các giao tiếp hội nhóm nội bộ, hoặc quy củ hơn là tham gia một lớp Hoa văn ở một trung tâm ngoại ngữ. Tiếng Việt cũng là ngôn ngữ dung nạp và sử dụng khoảng 60% từ vựng có nguồn gốc Trung Quốc (từ Hán Việt) nên cũng tạo nên sự gần gũi tương đồng và thích nghi giữa cộng đồng gốc Hoa và người Việt bản địa.

Văn hóa

Về văn hóa, người Hoa và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng trong tập quán, tín ngưỡng, các quy chuẩn khuôn khổ đạo đức, và trong nhân sinh quan xã hội nói chung. Do đó, người Hoa hòa nhập rất dễ dàng vào xã hội người Việt. Điều này là rất khác nếu so với các cộng đồng người Hoa ở những đất nước như Malaysia, Indonesia hoặc Thái Lan, vốn có một nền văn hóa và tư tưởng khác hoàn toàn với văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên chính vì có rất nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa Việt Nam và Trung Hoa mà có sự nhầm lẫn rằng người Hoa tại Việt Nam đang dần giống với người Việt và đánh mất bản chất. Thực tế, thì ngoài những điểm rất tương đồng trong văn hóa và tư tưởng, người Hoa vẫn có những bản sắc riêng mà có thể khác biệt đôi chút với người Việt, như các ngày lễ hội riêng trong tập quán tín ngưỡng của người Hoa (lễ Nguyên Tiêu, lễ Đông Chí, lễ vía Quan Công,...). Và một số quy chuẩn ứng xử của người Hoa trong một số tình huống cũng có thể sẽ khác đôi chút với người Việt.

Ẩm thực

Về ẩm thực, có thể thấy người Hoa đã có sự giao lưu rất lớn với nền ẩm thực bản địa Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng món "ngưu nhục phấn" (tiếng Quảng Đông: ngầu dục phẳn) của người Hoa sinh sống ở Hà Nội đầu thế kỷ 20, vốn làm từ sợi bánh gạo nấu với thịt bò hầm, là khởi nguồn để người Việt biến tấu thành món "phở bò" quốc hồn quốc túy của Việt Nam, tuy nhiên qua khảo sát từ các nhà chuyên môn thì khẩu vị và cách thức chế biến của hai loại món ăn này cũng có khác nhau về cơ bản. Bên cạnh đó, người Hoa Chợ Lớn (Tp. Hồ Chí Minh) cũng đã mang theo nền ẩm thực Hoa đến quảng bá ở mảnh đất này từ rất lâu. Các món chiên, xào chảo, chưng, hầm, tiềm,... theo phong cách Hoa đã được người gốc Hoa giới thiệu và đã hòa nhập rất sâu vào nền ẩm thực tại địa phương. Ở chiều ngược lại, những sản vật đặc thù tại địa phương đã được thêm vào các thành phần nguyên liệu chế biến món ăn, thay thế cho các thành phần nguyên liệu vốn cần để chế biến món ăn đó mà ở địa phương lại không có. Do đó, một món ăn "cơm xào thập cẩm" của người Việt gốc Hoa tại Việt Nam sẽ có thể rất khác với món "cơm xào thập cẩm" nguyên bản Trung Hoa. Các phương pháp chế biến món ăn của người Việt và người Hoa cũng lại rất giống nhau, đơn cử như cách chế biến nước dùng (nước lèo) từ xương heo hầm (hoặc xương gà); các loại cơm hoặc món sợi (mì, hủ tiếu hoặc bún) cũng khá tương đồng trong chế biến và các nguyên liệu chính (thịt thái nhỏ, thịt băm, và đồ lòng động vật). Quan niệm và phong cách ẩm thực của người Hoa và người Việt cũng là điểm tương đồng, khi nhấn mạnh yếu tố thực-dưỡng: ăn cũng giống như việc uống thuốc và bồi bổ, vì cùng là đi qua đường miệng, nên yếu tố bổ dưỡng và tác dụng của món ăn đối với cơ thể rất được xem trọng.

Bên cạnh đó ẩm thực Hoa và Việt cũng chú trọng đến các yếu tố hài hòa phối hợp cân bằng giữa các thành phần món ăn, xoay quanh việc cân đối giữa yếu tố nóng-lạnh (theo quan niệm ẩm thực Trung Hoa và Việt Nam): một món ăn phải cân bằng giữa các nguyên liệu mang tính nóng (làm tăng nhiệt cơ thể), tính hàn (làm hạ nhiệt cơ thể) và tính ôn (trung tính, không nóng không lạnh) mới có thể mang lại sự quân bình và hấp thu tốt cho sức khỏe. Đó là sự giao thoa và hòa nhập rất tốt của người Hoa trong xã hội Việt Nam.
Về truyền thông

Hiện tại ở thành phố Hồ Chí Minh có một ấn bản Hoa văn của tòa báo Sài Gòn Giải Phóng là tờ "Sài Gòn Giải Phóng nhật báo" (西貢解放日報 - phiên âm tiếng Quảng Đông: Xấy Cung Cải Phoong yạch pôu) xuất bản hàng ngày trong tuần, phục vụ cho cộng đồng người Việt gốc Hoa. Về phát thanh, đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VOH) có mục tin tức bằng tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại phát thanh hàng ngày trong tuần phục vụ cộng đồng người Việt gốc Hoa, và một chương trình ca khúc tiếng Hoa phát thanh định kỳ.

Về thương mại và phúc lợi xã hội

Người Việt gốc Hoa cũng được ghi nhận là một cộng đồng có năng khiếu và tư chất hoạt động kinh doanh, thương mại rất giỏi. Hầu như ở bất cứ nơi nào có đông đảo người gốc Hoa, nơi đó đều trở nên nhộn nhịp về thương mại và có một xung lực kích thích nền kinh tế giao thương mạnh mẽ. Tương tự như Singapore, Đài Loan, Hong Kong hoặc Malaysia, vốn do cộng đồng người gốc Hoa làm nền tảng đầu tàu kéo cả nền kinh tế quốc gia đó đi lên, người gốc Hoa ở Việt Nam cũng có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, họ còn đóng góp tài chính và vật lực, xây dựng nhiều bệnh viện, trường học, cơ sở hạ tầng cho chính địa phương nơi họ cư trú, chẳng hạn các bệnh viện lớn lâu đời ở địa bàn Chợ Lớn (thành phố Hồ Chí Minh) đều do các cộng đồng gốc Hoa chung tay đóng góp xây dựng nên, như bệnh viện Nguyễn Tri Phương (y viện Quảng Đông cũ) do cộng đồng nhóm Quảng Đông xây dựng năm 1907, bệnh viện An Bình (y viện Triều Châu cũ) do cộng đồng nhóm Triều Châu xây dựng năm 1916, bệnh viện Nguyễn Trãi (y viện Phúc Kiến cũ) do cộng đồng nhóm Phúc Kiến xây dựng năm 1909, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM (y viện Sùng Chính cũ) do cộng đồng tiếng Hẹ (Khách Gia - Hakka) xây dựng nên năm 1920, và cả bệnh viện Chợ Rẫy cũng được xây dựng trên một mảnh đất mà trước đó là một ngôi chợ của người Hoa Chợ Lớn và mảnh đất rẫy trồng rau và hoa màu của cộng đồng người Hoa gốc Triều Châu và Quảng Đông sinh sống ở đó, vì thế bệnh viện cũng mang tên là Chợ Rẫy từ đó. Những cơ sở y tế an sinh của riêng từng cộng đồng các nhóm ngôn ngữ Hoa đó vốn ban đầu chỉ có chức năng hội chuẩn - cứu tế cho các đồng hương Hoa kiều của từng cộng đồng gốc Hoa riêng lẻ (vì các cơ sở lúc mới thành lập còn quá nhỏ bé và thiếu thốn điều kiện), về sau dần được mở rộng và nâng cấp để tiếp nhận và chăm sóc sức khỏe cho cả người dân địa phương (cả Hoa và Việt). Đó là những đóng góp rõ ràng của người Việt gốc Hoa cho phúc lợi và dân sinh địa phương, và cũng như cách họ đền ơn cho mảnh đất đã dung dưỡng và cưu mang họ.

Những người Việt gốc Hoa nổi tiếng

Người Việt gốc Hoa ở Việt Nam do nguyên nhân khách quan nên rất ít hoặc không tham gia chính trị ở nước sở tại; ngược lại người Việt gốc Hoa lại đóng góp rất đáng kể trong các lĩnh vực kinh doanh, văn hóa, giải trí, thể thao,... Một số lượng đáng kể những doanh nghiệp do người Việt gốc Hoa làm chủ đã đóng góp một phần rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới, trong đó chủ đạo là cộng đồng doanh nghiệp của người Việt gốc Hoa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn). Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn), trong số lượng hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, thì số doanh nghiệp gốc Hoa đã chiếm đến 30% tổng số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Có thể đơn cử nêu một số người Việt gốc Hoa nổi tiếng như:

Trầm Bê - doanh nhân, chủ tịch hội đồng quản trị bệnh viện Triều An
Trương Mỹ Lan - doanh nhân, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Trần Kim Thành - doanh nhân, người sáng lập kiêm chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Kinh Đô
Lâm An Dậu - doanh nhân, người sáng lập kiêm chủ tịch công ty cổ phần Vĩnh Tiến
Trịnh Đồng - doanh nhân, người sáng lập kiêm chủ tịch công ty cổ phần Đại Đồng Tiến
Đặng Văn Thành - doanh nhân, người sáng lập và nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại cổ phần Sacombank
Cô Gia Thọ - doanh nhân, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần tập đoàn Thiên Long
Ông Dục Sơ - doanh nhân, người sáng lập và giám đốc công ty TNHH Tân Hiệp Hưng
Thái Tuấn Chí - doanh nhân, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn
Kao Siêu Lực - doanh nhân, sáng lập viên và chủ tịch tập đoàn bánh kẹo thực phẩm ABC (Đức Phát)
Lương Vạn Vinh - doanh nhân, sáng lập viên, tổng giám đốc công ty cổ phần hóa-mỹ phẩm Mỹ Hảo
Trần Duy Hy - doanh nhân, tổng giám đốc công ty nhựa Duy Tân
Lý Ngọc Minh - doanh nhân, sáng lập viên và tổng giám đốc công ty gốm sứ Minh Long
Vưu Khải Thành - doanh nhân, người sáng lập và chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH Bình Tiên (thương hiệu giầy dép Biti's)
Trần Tuấn Nghiệp - doanh nhân, Tổng giám đốc - phó Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn thép Hữu Liên Á Châu
Lý Đức - vận động viên thể hình, vô địch châu Á bộ môn thể dục thể hình 5 năm liên tiếp (1997-2001)
Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp - anh em vận động viên xiếc-kung fu, kỉ lục Guinness Thế giới nội dung giữ thăng bằng 2 người
Lương Chủ Tình - vận động viên nghệ thuật múa lân sư rồng, vô địch giái Lân sư rồng toàn châu Á 2017
Tiêu Lam Trường (nghệ danh: Lam Trường) - ca sĩ, giám khảo âm nhạc, diễn viên
Tăng Thanh Hà - diễn viên điện ảnh
Lương Bích Hữu - ca sĩ
Ưng Đại Vệ - ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc
Hứa Vĩ Văn - ca sĩ, người mẫu, diễn viên
Ông Cao Thắng - ca sĩ, diễn viên
Harry Lu (Lữ Chấn Vũ) - diễn viên, người mẫu
Huỳnh Trấn Thành (nghệ danh: Trấn Thành) - diễn viên, MC nổi tiếng
Thủy Tiên - ca sĩ, người mẫu, diễn viên
 

locb2

Rìu Sắt Đôi
Công nhận bạn chịu khó thật , do lười dọc sách nên các sử của nước Việt mình biết rất ít .
Nhưng suy cho cùng "biết chỉ để là biết chứ cũng chẳng giúp gì được nhiều" Vì là dân cày cuốc = tay chân để sinh sống kiếm ăn , do đó lười đọc sách cũng ko có gì lạ
 


Top