Woke là gì?
Vì sao Woke là một trong những mối đe dọa lớn nhất với xã hội phương Tây?
Tác giả: Hải Di Nguyễn
Mọi người có lẽ chú ý, vài năm gần đây từ woke xuất hiện khắp nơi ở các nước phương Tây. Woke thường được dịch là thức tỉnh, ý nói thức tỉnh với những bất công sai trái trong xã hội. Nhưng thực ra woke là gì?
Vấn đề chủng tộc, chính trị bản sắc, và intersectionality
Một trong những nét chính của woke là identity politics (chính trị bản sắc), tức là mọi thứ nhìn qua lăng kính chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục, tôn giáo v.v. Theo họ, qua các yếu tố trên, con người chia thành người có privilege (đặc quyền) và người không có, người đàn áp và người bị đàn áp…
Intersectionality (giao thoa) nhìn vào cách các bản sắc đan xen chồng chéo với nhau: chẳng hạn tôi vừa là nữ, vừa gốc Á, bị xem là bị áp bức, nhưng tôi là straight (dị tính) nên có đặc quyền hơn một phụ nữ Châu Á đồng tính hoặc chuyển giới.
Ðó là cách người woke nhìn mọi thứ.
Thứ nhất, đó là cách nhìn rất đơn giản và đánh đồng. Chỉ trong cộng đồng người Việt, kinh nghiệm người miền Bắc khác người miền Nam, kinh nghiệm thuyền nhân khác người nhập cư mới, người tỵ nạn chính trị khác sinh viên du học ở lại… Người Việt cũng khác người Hoa, người Nhật, càng khác người Ấn Ðộ, Syria, Iran… Khi mở rộng hơn nữa, tất cả những người bị gộp chung là people of colour có gì chung, ngoài chuyện không phải da trắng? Quan trọng hơn, đánh giá và xếp loại mọi người theo màu da, như thế khác nào đi ngược lại ý tưởng của Martin Luther King Jr.?
Thứ hai, họ chỉ nhìn mọi thứ qua lăng kính chủng tộc, giới tính… mà quên hết mọi thứ khác như tài năng, giá trị tác phẩm… Chẳng hạn Shakespeare, đại thi hào vĩ đại nhất của Anh và của thế giới nói chung, với người woke chỉ là một ông da trắng, được ca ngợi trong một xã hội phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính, và trong trường học ngày nay cần thay thế bằng tác giả da màu.
Thứ ba, người woke thường lờ đi giai cấp. Một đứa trẻ da trắng thuộc tầng lớp lao động và có mẹ đơn thân thì có đặc quyền gì hơn một đứa trẻ da đen nhà giàu? Bởi vậy cánh tả hiện nay tách thành hai phe, phe class và phe identity.
Đa dạng và bình đẳng
Các giá trị chính của woke là diversity (đa dạng), inclusion (bao gồm mọi người), và equity (bình đẳng). Woke phân biệt giữa cái gọi là equality (bình đẳng ở cơ hội) và equity (bình đẳng về kết quả), và cho là nếu có chênh lệch về kết quả, nguyên nhân phải là do kỳ thị và phân biệt đối xử. Bởi vậy, sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ hay Anh theo họ không chỉ ở góc độ cá nhân mà mang tính hệ thống (systemic racism).
Hậu quả thứ nhất khi ưu tiên diversity và inclusion là trong chuyện nhận sinh viên đại học, tuyển nhân viên, trao giải… Ðể có cái gọi là bình đẳng về kết quả, họ phải cho cơ hội ưu tiên một số nhóm và làm khó khăn hơn với một số nhóm khác, và đôi khi coi trọng màu da hoặc giới tính hơn khả năng. Ngược lại, người da màu đôi lúc có thể bị nghi ngờ hoặc bị xem là được việc hoặc được giải chỉ vì màu da chứ không vì khả năng.
Thứ hai, khi cho rằng mọi chênh lệch là do hệ thống phân biệt, người ta không nhìn thấy nguyên nhân thật sự.
Vấn đề giới tính
Trong vấn đề này, woke là theo ý thức hệ giới tính (gender ideology), tức là chối bỏ sinh học và chối bỏ giống (sex), cho rằng giới tính (gender) của mỗi người là cái mà họ nói và mọi người khác đều phải tôn trọng. Theo họ, nếu một người tự nhận mình là phụ nữ thì mọi người khác đều phải ủng hộ và dùng đại từ nhân xưng she, ngay cả khi người đó là nam, chưa qua phẫu thuật chuyển giới, thậm chí chưa dùng hormone.
Vì theo suy nghĩ như vậy, họ dùng những từ như “people with vaginas” (người có âm đạo), “people with uteruses” (người có tử cung), “menstruators” (người hành kinh)… khi nói về vấn đề sức khỏe, thay vì dùng chữ “women” (phụ nữ), để người chuyển giới không thấy lạc lõng.
Trong mâu thuẫn giữa quyền phụ nữ và quyền người chuyển giới, như tôi đã viết nhiều lần, người woke đứng về phía người chuyển giới.
Phong trào woke có nhiều cái hại. Thứ nhất, nó chối bỏ sự khác biệt về giống, làm không công bằng cho phụ nữ khi phải thi đấu thể thao với phụ nữ chuyển giới, đặc biệt trong những môn cần sức mạnh, và tìm cách tước đi một số quyền của phụ nữ như không gian riêng (phòng thay đồ, nơi trú ẩn cho nạn nhân bạo hành…), tạo lỗ hổng cho kẻ xấu lợi dụng để tấn công phụ nữ.
Thứ hai, nó khuyến khích hay thậm chí tạo áp lực khiến các bậc cha mẹ và người lớn nói chung phải đi theo và ủng hộ khi con cái tuyên bố mình là chuyển giới, ngay cả khi chỉ 5-6 tuổi. Người woke đe dọa con trẻ có thể tự sát nếu không được ủng hộ, khiến các bậc phụ huynh phải đổi đại từ xưng hô, cho dùng puberty blocker (thuốc chặn dậy thì), cho phẫu thuật chuyển giới… dù nhiều trường hợp người ta chuyển giới sau đó nhận ra sai lầm và chuyển ngược lại. Người woke không những không xóa bỏ mà càng củng cố stereotype về giới tính: nếu một đứa con trai thích búp bê hoặc màu hồng, họ nghĩ nó phải là trans và nên chuyển thành nữ, chứ không chỉ là một bé trai thích búp bê và màu hồng.
Cancel culture và tự do ngôn luận
Phong trào woke ủng hộ cổ vũ cancel culture (văn hóa trù dập), muốn loại bỏ tất cả những thứ họ xem là phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, kỳ thị người chuyển giới, bài Hồi giáo… muốn đuổi việc hoặc cấm cửa vĩnh viễn những người có phát biểu có tính phân biệt, hoặc chỉ đơn giản là đi ngược lại cách nghĩ woke… Với họ, không có cái gọi là cancel culture, chỉ có accountability culture (văn hóa trách nhiệm), tức là người ta phải chịu trách nhiệm cho cái mình nói hoặc làm, và nếu nói câu nào đó kỳ thị, phải bị loại trừ—đây không chỉ là tẩy chay, mà tạo áp lực khiến người khác mất việc, mất sự nghiệp, mất chỗ đứng trong xã hội, không thể xuất hiện phát biểu…
Phong trào woke không coi trọng tự do ngôn luận vì theo họ, nó tạo không gian cho hate speech (ngôn ngữ thù hận): trong vụ Charlie Hebdo, họ không ủng hộ Charlie Hebdo.
Thứ nhất, woke khiến người ta mất việc chỉ vì quan điểm hoặc phát biểu nào đó, khiến người ta phải nhìn trước ngó sau và không dám nói bất kỳ cái gì có thể gây xúc phạm hoặc hiểu lầm, không dám nói ngược lại với woke, quan điểm hợp thời hiện nay. Nó khiến tranh luận trở thành bất khả, và khiến chuyện chỉ trích một số vấn đề hoặc một số nhóm trở thành khó khăn hơn vì không muốn bị gọi là kỳ thị. Chẳng hạn như người ta rất ngại khi nói tới tổ chức Black Lives Matter.
Thứ hai, nó bóp nghẹt nghệ thuật và comedy hiện tại, tấn công tác phẩm kinh điển và truyền thống. Phong trào #DisruptTexts như tôi trước đây từng viết, muốn thay thế tác phẩm kinh điển bằng sách hiện đại của người da màu trong trường lớp, là một ví dụ woke.
Không chỉ cánh hữu, trong cánh tả cũng có nhiều người anti-woke (chống woke) và tự nhận là classic liberal.
Kết
Woke không nhìn thấy cá nhân; đánh giá mọi thứ qua lăng kính đặc quyền, qua chủng tộc, giới tính…; cổ vũ phân biệt đối xử để có bình đẳng về kết quả; chối bỏ giống, gây hại cho trẻ em và phụ nữ; đả kích toàn bộ xã hội phương Tây là bất công và kỳ thị; chà đạp lịch sử và tác phẩm kinh điển; bóp nghẹt tự do ngôn luận, gây áp lực khiến đồng nhất suy nghĩ; đi ngược lại với giá trị căn bản của hệ thống dân chủ tự do…
Bởi vậy, Woke đang được xem là một mối đe dọa lớn ở xã hội phương Tây.