Mariupol ẩn chứa bí mật gì khiến Ukraine bảo vệ bằng mọi giá và Nga quyết chiếm bằng được?
Tác giả: Đông Bắc
Lý do gì khiến giao tranh tại Mariupol trở nên vô cùng thảm khốc, khi phía Nga quyết tâm hoàn thành mục tiêu chiếm “pháo đài” thép Mariupol, còn phía Ukraine kiên quyết tử thủ.
Mariupol - thành phố cảng chủ chốt ở vùng Donbass được cho là chiến trường khốc liệt nhất đối với cả hai phía Ukraine và Nga. Sau hơn một tháng rưỡi bị bao vây, lực lượng Ukraine vẫn đang cố thủ phía dưới hầm ngầm nhà máy thép Azovstal, nơi được mô tả là "pháo đài" cuối cùng của Ukraine tại thành phố cảng Mariupol.
Bất chấp quân đội Nga kêu gọi hạ vũ khí đầu hàng, lực lượng vũ trang Ukraine tại Azovstal vẫn quyết tử đến cùng. Có bí mật gì tại khu phức hợp nhà máy thép lớn nhất châu Âu này, và vì sao người Nga vẫn chưa hoàn toàn chiếm được Mariupol bởi sự kháng cự đến cùng của lực lượng Ukraine?
Nỗ lực đào thoát
Nhà máy thép Azovstal - một trong số những nhà máy luyện kim lớn nhất châu Âu hiện đã và đang trở thành "pháo đài tử thủ" của các lực lượng Ukraine, vốn đã bị bao vây suốt 7 tuần qua, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2.
Nằm ở phía đông của cảng miền Nam Ukraine bị tàn phá bởi nhiều tuần pháo kích, nhà máy Azovstal là một khu công nghiệp nhìn ra Biển Azov. Với diện tích rộng hơn 11 kilomet vuông, Azovstal chứa vô số tòa nhà, cùng một mê cung các con đường và hầm ngầm bên dưới nhà máy.
Cuộc chiến tại thành phố cảng chiến lược Mariupol được cho là đang đi tới hồi kết, khi Nga vẫn bao vây phong tỏa và pháo kích vào nhà máy thép Azovstal - nơi được cho có phần lớn lực lượng vũ trang Ukraine gồm tiểu đoàn Azov, cùng lính đánh thuê nước ngoài đang phòng thủ ở đây.
Dưới sự bao vây và kiểm soát chặt chẽ nội bất xuất, ngoại bất nhập của Nga, lực lượng phòng thủ của Ukraine được cho là đang thiếu thốn mọi mặt: Đạn dược, thuốc men, thực phẩm và nước uống.
Vì vậy, một bộ phận binh lính sĩ Ukraine đã nỗ lực thoát ra ngoài, dưới vỏ bọc dân thường theo các hành lang nhân đạo, nhưng phải đối mặt với sự kiểm soát của dân quân Donetsk. Cũng có trường hợp binh sĩ Ukraine đóng giả phụ nữ cũng bị phát hiện.
Vì sao Ukraine quyết “tử thủ”?
Theo
bbc.com, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga có thể sắp chiếm được hoàn toàn Mariupol, nơi đã phải hứng chịu một cuộc tấn công tàn khốc kéo dài 7 tuần.
Về mặt chính thức, các lực lượng vũ trang của Ukraine cho biết họ đang duy trì khả năng phòng thủ và "liên lạc liên tục" với quân đội của họ trên mặt đất. Nhưng phía Ukraine thừa nhận có khả năng Moscow sẽ cố gắng kiểm soát hoàn toàn thành phố, trong khi một thủ lĩnh phe ly khai được Nga hậu thuẫn trong khu vực tuyên bố Mariupol sắp thất thủ.
Số phận của Mariupol được coi là rất quan trọng đối với cả Ukraine và Nga khi giai đoạn 2 của cuộc chiến đã bắt đầu, bằng việc Nga chuyển hướng sang chiến trường vùng Donbass.
Triệt hạ được pháo đài thép Azovstal, Nga sẽ có toàn quyền kiểm soát Mariupol cũng như một vùng lãnh thổ dọc theo bờ Biển Đen trải dài từ miền đông tới miền nam Ukraine, giúp tạo ra một hành lang trên bộ liền mạch từ Luhansk đến Donetsk xuống bán đảo Crimea.
Không những vậy, Mariupol còn có ý nghĩa quan trọng đối với Tổng thống Nga, bởi nếu lực lượng Nga giành được chiến thắng ở đây, Putin có thể tuyên bố mục tiêu "phi phát xít hóa" trong chiến dịch quân sự tại Ukraine đã thành công.
Nhưng hẳn còn một lý do nào đó khiến giao tranh tại Mariupol trở nên vô cùng thảm khốc, khi phía Nga quyết tâm hoàn thành mục tiêu chiếm “pháo đài” thép Mariupol, còn phía Ukraine kiên quyết tử thủ.
Có điều gì uẩn khúc khiến cả hai bên giao tranh ác liệt như vậy? Phía Nga ngày càng siết chặt vòng vây không cho phía Ukraine đột phá hoặc phá vỡ hàng phòng ngự.
Trước sức ép bị vây hãm và hỏa lực ác liệt của quân Nga, lực lượng phòng thủ Ukraine đã phải gửi tin nhắn cầu cứu Kiev tiếp viện và giải vây.
"Tiểu đoàn Azov" là lực lượng chính của quân đội Ukraine chống lại quân nổi dậy Ukraine trong quá khứ, và hiện giờ là quân đội Nga.
Phía Ukraine có lẽ đã liên tục tìm cách đột phá phong tỏa từ trên không, trên biển, và thậm chí mở đường máu trên mặt đất để ứng cứu các binh sĩ đang bị kẹt trong các boongke nằm sâu dưới lòng nhà máy thép. Tuy nhiên các nỗ lực mạo hiểm của Kiev nhằm giải cứu những người mắc kẹt tại nhà máy thép Azovstal khiến cho sứ mệnh này ngày càng rủi ro, với hàng loạt thương vong, có thể được phản ánh qua các sự kiện sau:
Ngày 31/3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã bắn rơi một máy bay trực thăng Mi-8 của Ukraine cách bờ Biển Azov 5km khi nó được cho là đang rời khỏi thành phố Mariupol.
Ngày 5/4, tại vùng biển gần Mariupol, quân đội Nga một lần nữa bắn rơi hai trực thăng Ukraine Mi- 8 mà phía Nga cho là Ukraine điều đến để giải cứu.
Tối 8/4, tàu chở hàng Apache của Ukraine đã bị tàu chiến và tàu tuần tra biên giới thuộc Hạm đội biển Đen của Nga khai hỏa khi nó phớt lờ trả lời liên lạc, và hướng về phía cảng ở Mariupol. Người Nga cho rằng, con tàu này cũng được điều đến để giải cứu những người đang mắc kẹt tại nhà máy Azovstal.
Ngày 12/4, một nhóm binh sĩ Ukraine khoảng 100 người đã cố gắng phá vòng vây bằng xe tăng, thiết giáp thoát khỏi nhà máy Azovstal, nhưng một nửa (52 binh sĩ) đã bị thiệt mạng bởi pháo binh và các cuộc không kích của Nga, cùng 3 xe tăng, 5 xe chiến đấu bộ binh (BMP), 7 xe cơ giới bị phá hủy, và hơn 40 người đầu hàng.
Đây là nhóm binh sĩ thuộc Lữ đoàn 36 của Ukraine, bị phong tỏa trong khu công nghiệp Azovmash. Trước khi mở đường máu để thoát thân, nhóm đã đăng tải lời kêu gọi giúp đỡ trên tài khoản Facebook, thông báo thiếu đạn dược nghiêm trọng, và cáo buộc các quan chức quân sự tại Kiev đã bỏ rơi họ.
Ngày 10/4, trong video phát biểu trước quốc dân, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi lực lượng phòng thủ tại Mariupol:
"Tương lai của Ukraine phụ thuộc trực tiếp vào sức mạnh của cuộc kháng chiến của chúng ta dưới mọi hình thức”.
"Và tôi biết ơn tất cả những người hiểu điều này. Người không ngừng kháng cự ngay cả khi dường như kết quả còn mù mịt”.
"Tôi muốn nói chuyện riêng với những anh hùng đang gặp khó khăn. Những người bảo vệ Mariupol. Một tiểu đoàn thủy quân lục chiến của lữ đoàn 36, Tiểu đoàn đặc biệt Azov, lữ đoàn 12 của Vệ binh Quốc gia Ukraine…”
Tổng thống Zelensky cũng ẩn dụ rằng sự thành bại của Mariupol sẽ quyết định hướng đi của Ukraine trong trận chiến Donbass khi ông nói: “Mariupol là trái tim của cuộc chiến” và “nếu nó ngừng đập thì chúng ta sẽ… yếu hơn”.
Hẳn có điều gì tại Mariupol, mà chính xác hơn là tại nhà máy thép Azovstal khiến Tổng thống Zelensky đánh giá cao thành phố này, không chỉ là vị trí chiến lược của nó, mà phải chăng có cả những bí mật mà Kiev muốn bảo vệ và giải cứu bằng mọi giá?
"Pháo đài" cuối cùng của Mariupol ẩn chứa nhiều "cá lớn"
Ngày càng có nhiều thông tin nghi vấn rằng "pháo đài" cuối cùng của Ukraine ở Mariupol đang “cất giấu” nhiều người nước ngoài, thậm chí có thể là những "big one" có vai vế, mà một trong số đó là Phó chỉ huy lữ đoàn 36 của Ukraine.
Các nguồn tin quân sự Nga đã công bố tài liệu của sĩ quan hải quân Ukraine có tên là Rostislav Lomtev, Phó chỉ huy lữ đoàn 36 đã bị các lực lượng vũ trang Donetsk bắt giữ ở Mariupol. Tuy nhiên thông tin này cho đến nay vẫn chưa được phía Ukraine xác nhận.
Các phóng viên nước ngoài tác chiến tại Ukraine cũng tiết lộ rằng, không chỉ có lính đánh thuê, mà còn có thể bao gồm cả các sĩ quan NATO dưới danh nghĩa chiến binh “tình nguyện viên” đến từ nhiều nước, và thậm chí cả từ những nước trung lập.
Một nhà báo Pháp đã tìm cách tiếp cận với các “tình nguyện viên” người Pháp, kể từ đó đã tung ra một đoạn video cho thấy các quân nhân Mỹ đang "điều phối" quân đội nước ngoài ở Ukraine, và đang trực tiếp xử lý việc đào tạo, tuyển sinh các “tình nguyện viên” nước ngoài trong lực lượng Ukraine.
Hiện phía phóng viên quốc tế của tờ Le Figaro, Georges Malbrunot tuyên bố, Mỹ đang “trực tiếp chỉ huy cuộc chiến trên bộ” tại Ukraine. Phóng viên này cho biết, cả ông và các "tình nguyện viên" người Pháp "suýt bị bắt” bởi người Mỹ, những người tuyên bố rằng họ đang "phụ trách" ở Ukraine.
Georges Malbrunot tiết lộ rằng: “Tôi nghĩ rằng tôi đã ở cùng các lữ đoàn quốc tế”.
Trích dẫn một nguồn tin tình báo của Pháp, Malbrunot cũng đã tweet rằng các đơn vị của Lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh “đã có mặt ở Ukraine kể từ đầu cuộc chiến, cũng như lực lượng đặc nhiệm Deltas của Mỹ”.
Phóng viên này cũng cho biết Nga đã biết rõ về "cuộc chiến bí mật" đang được tiến hành ở Ukraine bởi các biệt kích nước ngoài đã ở trong khu vực kể từ tháng Hai.
Trích dẫn một nguồn tin tình báo của Pháp, Malbrunot cũng đã tweet rằng các đơn vị của Lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh “đã có mặt ở Ukraine kể từ đầu cuộc chiến, cũng như lực lượng đặc nhiệm Deltas của Mỹ”. (Ảnh chụp màn hình)
Ngoài ra, quân đội Nga gần đây cũng công khai tuyên bố rằng, bằng phương pháp đánh chặn các cuộc điện đàm của lực lượng phòng thủ ở Mariupol, Nga phát hiện có một số lượng lớn người nước ngoài (ngoài tiếng Ukraine và Nga) còn có 6 ngôn ngữ khác, về cơ bản là ngôn ngữ của các nước châu Âu.
Một số phương tiện truyền thông Nga chỉ đơn giản nói rằng, đó là các “chiến binh” từ Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Ba Lan và Hy Lạp hiện đang ẩn náu trong các boongke dưới nhà máy thép.
Theo RT, ước tính có khoảng 6.824 lính đánh thuê nước ngoài từ 63 quốc gia đã đến Ukraine để chiến đấu. Trong số này, có 1.035 lính đánh thuê đã bị “tiêu diệt”, và còn vài nghìn người rải rác đang chiến đấu. Có khoảng 400 chiến binh nước ngoài đang tập trung ở Mariupol.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, nhóm chiến binh nước ngoài nhiều nhất (1.717 người) đến từ Ba Lan, khoảng 1.500 người đến từ Mỹ, Canada, Romania, 300 người đến từ Anh và Gruzia, trong khi có 193 người đến từ các khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở Syria.
Hiện Ukraine không có cách nào để giải cứu họ. Các lực lượng Nga đã giành được quyền kiểm soát cảng Mariupol, trong khi tại nhà máy thép Azovstal được cho là vẫn còn khoảng 3.000 người đang cố thủ tại bên dưới nhà máy.
Hiện nhiều nguồn tin của truyền thông phía Nga cho rằng, trong số đó bao gồm những sĩ quan quân đội từ các nước trong khối NATO, và ngạc nhiên là có cả quốc gia trung lập Thụy Điển.
Nếu những tin tức này là sự thật và nếu được xác nhận trong những ngày tới, đây sẽ là sự kiện gây chấn động dư luận quốc tế, bởi trước đó cả Mỹ và Anh đều đã công khai tuyên bố rằng sẽ không đưa quân tham chiến tại Ukraine.
Nghi vấn
Các nhà quan sát cho rằng sự sụp đổ của thành phố cảng Mariupol sớm muộn sẽ xảy ra. Bộ Quốc phòng Nga hôm 13/4 thông báo, rằng có 1.026 binh sĩ thuộc Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 36 của Ukraina, bao gồm 162 sĩ quan đã ra đầu hàng tại Mariupol.
Phải chăng những nỗ lực ngoại giao gấp rút của một số quốc gia (đặc biệt là Pháp và Đức) nhằm thiết lập "hành lang nhân đạo" là một “kế hoạch” nhằm đưa các “chiến binh” phương Tây đang bị mắc kẹt trong nhà máy thép ra khỏi Mariupol?
Liệu có phải tình báo Pháp đã thất bại trong việc không dự đoán chính xác được việc Nga sẽ tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, hay còn thất bại trong việc không sơ tán kịp thời các “chiến binh” người Pháp ra khỏi Mariupol? Và đó có phải là lý do khiến Giám đốc Cục Tình báo Quân đội Pháp là ông Eric Vidaul ngày 31/3/2022 phải từ chức vì thất bại của tình báo nước này trong cuộc chiến tại Ukraine?
Cùng với những người nước ngoài từ Mỹ, Canada, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Thụy Điển, Ba Lan, và Hy Lạp, theo bộ Quốc phòng Nga, người Pháp cũng được cho là đang bị mắc kẹt trong các boongke nằm sâu dưới lòng nhà máy thép Azovstal.
Ngày 18/4, Nga cũng công bố danh tính hai tù binh người Anh chiến đấu trong lực lượng Ukraine là Shaun Pinner và Aiden Aslin bị bắt ở Mariupol. Shaun Pinner đã từng được tờ
Dailymail.co.uk đưa tin.
Azovstal: Mê cung dưới lòng đất
Mariupol đã chiếm trọn các bản tin quốc tế trong suốt hơn hơn 50 ngày qua, và nhà máy thép Azovstal được cho là tâm điểm trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tại Mariupol - trụ sở ẩn náu cuối cùng của lực lượng chiến đấu Ukraine. Lực lượng Ukraine đã biến nhà máy thép thành một khu vực kiên cố khổng lồ và là nơi cực kỳ khó đối đầu.
Azovstal là trung tâm công nghiệp lớn nhất trong khu vực, và thực tế nó được coi là một
“thành phố” nằm trong thành phố Mariupol. Nhìn từ trên không, nhà máy thép là một mê cung khổng lồ, gồm các cấu trúc xây dựng thấp, trải dài trên khu vực rộng khoảng 11 km vuông với vô số tòa nhà, lò luyện kim, đường ray và hầm ngầm nhìn thẳng ra biển.
Trước khi chiến sự nổ ra, nơi đây có ít nhất
10.000 người làm việc trong nhà máy. Chỉ riêng năm 2020,
Azovstal đã sản xuất ra hơn 4 triệu tấn thép, khoảng 3,5 triệu tấn kim loại nóng và 1,2 triệu tấn thép cuộn mỗi năm.
Nhà máy Azovstal được xây dựng dưới thời Liên Xô, và từng được xem là một trong những dự án trọng điểm để đảm bảo nguồn cung thép cho ngành công nghiệp chế tạo khổng lồ của nhà nước liên bang Xô viết khi đó.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, nhà máy Azovstal được cải tạo thành một khu vực trú ẩn khổng lồ nằm bên dưới các cấu trúc nổi. Đó là một tổ hợp đường hầm dài 24km, sâu 30m (tương đương tòa nhà 6 tầng) được xây dựng bằng bê tông cốt thép với địa hình phức tạp, cùng mạng lưới đường liên lạc, đường cáp, khu vực chứa nước và cả nơi trú ẩn cho công nhân. Khu vực này thậm chí được mô tả là có thể sống sót sau một cuộc tấn công hạt nhân quy mô nhỏ.
Đối với quân đội Nga, khó khăn chính là hầu hết các cơ sở dưới hầm ngầm của nhà máy Azovstal đều bị che khuất khỏi các camera do thám trên không. Lực lượng vũ trang Ukraine trong đó bao gồm tiểu đoàn Azov đã ẩn náu dưới nhà máy, và bí mật chuyển quân tiếp viện từ địa điểm này sang địa điểm khác.
Tuy vậy, kiên cố không có nghĩa là Azovstal giúp Ukraine đứng vững trước áp lực của Nga. BBC dẫn nhận định của chuyên gia tình báo Justin Crump cho rằng, Nga đang áp dụng chiến thuật tiêu hao kéo dài, thông qua bao vây, cắt đứt đường tiếp viện vũ khí đạn dược, lương thực và gây áp lực bằng các đòn tấn công bất ngờ vào Azovstal.
Trận chiến tại Mariupol sắp kết thúc
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 16/4 nói rằng, lực lượng Nga đã kiểm soát toàn bộ khu vực đô thị ở Mariupol, và
"cơ hội sống sót duy nhất" của lực lượng Ukraine cố thủ trong nhà máy thép Azovstal là ra đầu hàng.
Bộ Quốc phòng Nga đưa ra điều khoản đầu hàng đối với thành viên tiểu đoàn Azov, các binh sĩ Ukraine và nước ngoài tại nhà máy thép Azovstal để chấm dứt các hành động thù địch với hạn chót là 13h (theo giờ Matxcơva) vào ngày 17/4.
Tuy nhiên, cùng ngày, Cố vấn thị trưởng Mariupol là Petro Andriushchenko đã bác tối hậu thư của Nga và thông báo "
lực lượng phòng thủ của chúng tôi tiếp tục tổ chức phòng ngự".
Phía Nga cho biết, giới chức Ukraine đã cấm binh sĩ tại Mariupol đầu hàng, và ra lệnh cho tiểu đoàn tân quốc xã cực đoan Azov bắn bất cứ ai nếu làm việc đó.
Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong vòng 24 giờ đã có 367 cuộc điện đàm bị quân đội Nga chặn tại nhà máy Azovstal - cho thấy các chiến binh Ukraine đang ở trong tình thế vô vọng, không có thức ăn và nước uống. Họ đã yêu cầu cấp trên cho họ hạ vũ khí đầu hàng, nhưng
"chính quyền Kiev nghiêm cấm họ làm điều này”.
"Các cuộc điện đàm bị chặn cho thấy chính quyền Kiev cấm đàm phán đầu hàng và lệnh cho các phần tử phát xít Azov bắn bất cứ binh sĩ Ukraine và lính đánh thuê nào sẵn sàng hạ vũ khí", Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/4 cho biết.
Theo RT, đã có những tiếng nổ của súng hạng nặng ở gần nhà máy sau khi lực lượng phòng thủ Ukraine bác bỏ đầu hàng.
Cố vấn thị trưởng Mariupol Petro Andriushchenko ngày 17/4 cũng cho biết, quân đội Nga đã thông báo áp lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập tại Mariupol từ ngày 18/4 trong thời hạn một tuần, và người dân thành phố phải có giấy thông hành khi di chuyển giữa các quận nội thành.
Đông Bắc