Muốn làm phim hài thành công ư? Hãy nói về nỗi đau khổ của bạn đi. Dám nhìn thẳng vào nó, thì mới cười được. Bạn cười được, thì khán giả mới cười được.
Thị trường phim Việt Nam được thống trị bởi phim hài. Danh sách 10 phim ăn khách qua mọi thời đại của Việt Nam, hết 8 phim là hài. Nếu mở rộng danh sách từ 10 phim lên thành 30 phim, tỷ lệ phim hài vẫn chiếm bét nhất 90%.
Nói theo lời Charlie Nguyễn, vì phim hài chiếm đa số, nên cái "nghĩa địa phim hài" cũng bạt ngàn vô tận. Cứ nghĩ đơn giản: cứ 20 phim hài thì mới có 1 phim lời, vậy để có 10 phim hài có lãi thì phải làm 200 phim, trong đó 190 phim phải chết.
Nhìn ra bức tranh toàn cảnh của phim Việt mấy năm qua, rồi đọc một vòng bình luận của mọi người về cái trailer "Tân Hỷ kịch chi vương" của Châu Tinh Trì, mới thấy mọi người, từ dân làm phim đến dân coi phim, đều có một sự ngộ nhận lớn về khái niệm phim hài nói chung, và "phim Châu Tinh Trì" nói riêng.
Phim "Châu Tinh Trì" là một khái niệm cần phải minh định.
Có hai loại "phim Châu Tinh Trì": Phim do Châu Tinh Trì làm diễn viên, mà chúng ta đã quen gọi là "hài nhảm" và phim do Châu Tinh Trì đạo diễn (kiêm viết kịch bản).
Loại thứ 1 chúng ta đã quá quen thuộc rồi. Có thể kể ra một loạt như Lộc Đỉnh Ký, Đường Bá Hổ, Thần ăn, Trạng sư xảo quyệt, Đổ thánh, Trường học Uy Long, Nguyệt quang bảo hợp… Những phim này, Châu Tinh Trì, nói thẳng ra, là chả đóng gì cả.
Anh bê nguyên si vẻ mặt đẹp trai của anh lên phim, nói mấy câu thoại vui, chọc ngoáy chòng ghẹo đủ thứ trên đời… Phim này là phim hài giật tiền, giải trí thuần túy. Mình sẽ không bàn thêm về nó.
Nhưng loại thứ 2 lại là một loại khác hoàn toàn. Thậm chí, chúng ta không thể xếp nó vào dạng phim hài. Thậm chí, chúng ta có thể xếp nó vào dòng phim bi.
Đấy là thứ bi được chuyển hóa thành hài, giống như hai gương mặt khóc cười của sân khấu. Đỉnh cao của bi kịch chính là hài kịch. Khi nỗi đau bị đẩy đến tận cùng, nó sẽ trở thành tiếng cười.
Comedy (hài kịch) không phải là chọc cười như nhiều người vẫn lầm tưởng. Steve Allen, nhà hài hước người Mỹ đã làm đủ mọi thứ trên đời từ phát thanh, truyền hình, diễn viên, stand-up comedian, đúc kết một câu sau: "Chúng ta phải cười, vì nếu không cười, cuộc đời này quả thực không sống nổi".
Một Allen khác, Woody Allen, thì nói: "Nếu ta không cười, ta chỉ còn duy nhất một lựa chọn: tự sát."
Một câu nữa, nhiều người vẫn bảo là của Carol Burnett: "Hài kịch = Bi kịch + Thời gian". Bởi vì khi đã đón nhận bi kịch đủ nhiều, ta mới đủ trải nghiệm và dũng khí để… cười trong nghịch cảnh.
Miguel de Cervantes, cha đẻ của cuốn tiểu thuyết được không ít người bình chọn là hài hước nhất qua mọi thời đại là Don Quixote, từng nói: "Trong hài kịch, nhân vật khó xây dựng nhất là những nhân vật ngu. Vì bọn ngu không biết đau khổ. Còn bọn đau khổ thì bản thân đã rất… buồn cười rồi".
Hãy nhìn lại những phim Châu Tinh Trì đạo diễn, bạn sẽ thấy nhân vật chính của những phim ấy về bản chất không có gì mắc cười cả.
Đấy là một anh diễn viên phụ kém tài, kém duyên, nhưng làm đủ mọi cách để tồn tại với nghề. Anh bị mọi người khinh rẻ, thậm chí một tay bảo vệ cũng có thể chà đạp anh, ném phần cơm của anh cho con chó (Hỷ kịch chi vương, 1999).
Đấy là một cựu cầu thủ gãy chân, hết thời nhưng vẫn ôm mộng trở thành HLV trưởng. Ông bị giới bóng đá ngoảnh mặt, bèn đi tập hợp nguyên một đám loser làm thành đội bóng Thiếu Lâm. Phim này, vai chính là Ngô Mạnh Đạt, không phải Châu Tinh Trì (Đội bóng Thiếu Lâm, 2003)
Đấy là một người khao khát trở thành… kẻ xấu vì nghĩ người xấu mới có đất dung thân trong một xã hội tàn ác. Thế nhưng ác nhân tập sự từ võ công, trí tuệ cái gì cũng tầm thường nên lên bờ xuống ruộng.
Đây là bi kịch mà Kim Dung từng khắc họa rất thành công cho nhân vật Nhạc Lão Tam: một con người nhân hậu, nhưng vì không thể lưu danh muôn thuở bèn cố lưu xú vạn niên (Tuyệt đỉnh Kungfu, 2004).
Đấy là một nhà tu hành, sinh ra giữa thời đại yêu quái nhũng nhiễu, nơi các pháp sư tìm cách yêu diệt yêu quái bằng bạo lực. Nhà tu hành ấy - Đường Tăng - cố thu phục mọi người bằng chân tâm, bằng 300 bài hát thiếu nhi, bằng tấm lòng hướng Phật thuần khiết.
Anh đã phải hy sinh tất cả cho niềm tin này, vô tình mất luôn người anh yêu thương nhất (Tây Du Ký - Mối tình ngoại truyện, 2013).
Đấy là một nàng tiên cá ngây thơ, bị nhốt cùng với tộc người cá ở một xác tàu cũ. Để tránh cảnh diệt vong, nàng lãnh nhiệm vụ đi ám sát tay triệu phú Đặng Sinh, rồi phát hiện ra gã triệu phú này luôn bị ám ảnh bởi sự nghèo khổ và tìm mọi cách để vươn lên (Mỹ nhân ngư, 2016)
Như vậy, những nhân vật của Châu không hề mắc cười. Nhưng Châu Tinh Trì ném họ vào cuộc đời, để cho cuộc đời vùi dập họ, để cho họ đối đầu với những tình huống trái khuấy. Vậy mà họ vẫn lầm lũi đi tới, quyết không bỏ cuộc.
Nhân vật chính của họ Châu đáng yêu và đáng ghét (sao Đường Tăng có thể cự tuyệt Thư Kỳ, sao gã trai trong Tuyệt đỉnh Kungfu làm vỡ kẹo của cô gái), thông minh và ngu ngốc, cao thượng và ích kỷ cùng một lúc. Và sự đau khổ của họ gây ra tiếng cười.
Như Don Quixote đánh nhau với cối xay gió. Ta cười anh ngu ngốc, nhưng kỳ thực chỉ có anh thấy mình đang đấu với gã khổng lồ.
Phim do Châu đạo diễn và biên kịch cao hơn hẳn những phim anh đóng. Thành ra mãi rất 4 năm sau Tuyệt đỉnh Kungfu, anh mới làm CJ7. Mất 5 năm sau CJ7 mới có Tây Du Ký - Mối tình ngoại truyện. Thêm 3 năm mới có Mỹ Nhân Ngư, lại thêm 3 năm mới có Tân Hỷ kịch chi vương.
Châu Tinh Trì nếu vẫn tiếp tục đóng "hài nhảm", anh sẽ là nhân vật giải trí số một châu Á. Nhưng anh đã khước từ vai trò của một "entertainer" để trở lại với vai trò của người sáng tạo. Anh cực khó tính, thậm chí vô tình nhẫn tâm, với cộng sự và với chính bản thân mình.
Mấy năm nay Châu chả mấy khi xuất hiện chốn đông người, tóc chả thèm nhuộm, quần áo lôi thôi. Anh chỉ đào sâu và đào sâu để cho ra những tác phẩm xuất chúng.
Và những tác phẩm ấy mang một tấm vóc vượt thoát khỏi thể loại phim hài nhảm, giải trí thông thường. Như anh Lê Hồng Lâm viết, nó phải ngang với phim của Charlie Chaplin, người chuyên làm phim về những kẻ ở dưới đáy của xã hội, làm bộ phim đầy tiếng cười, những trong tiếng cười lại chất chứa xót xa.
Phim của Châu cũng là tiếng cười xót xa ấy. Phim của anh rất buồn, rất đau, cái đau của cái thiện trước cái ác, của chân thành với giả trá, của kẻ yếm thế trước chủng tộc thượng đẳng, của con người trước số phận.
Và tất cả những bi kịch ấy đều rất kinh điển, rất cá nhân. Vì vậy xem phim của Châu ta thấy mình trong đó, ta cảm được nỗi đau của nhân vật.
Bạn từng nuôi ước mơ gì, nhưng phải cất giấc mơ vào hộp, ném vào tủ, để chạy theo cuộc sống mưu sinh? Bi kịch của "Đội bóng Thiếu Lâm" đó.
Bạn có từng yêu nghề, sống chết với nghề nhưng không hiểu sao tổ nghề cứ quay lưng với mình hoài? Bi kịch của "Hỷ kịch chi Vương" đó.
Bạn có từng bị chà đạp, vùi dập bởi những kẻ tự mệnh danh là "dân thành phố, dân elite"? Bi kịch của "Mỹ nhân ngư" đó.
Bạn đã từng chối bỏ tình yêu để chạy theo ước mơ, rồi một ngày phát hiện ra mình đã yêu đối phương thật nhiều, quay lại tìm thì đối phương đã đi mất rồi? Bi kịch của "Mối tình ngoại truyện" đó.
Châu Tinh Trì cười vào tất cả, nhưng đấy là cười của sự thấu hiểu. Anh troll kungfu và kiếm hiệp đến tận cùng trong "Tuyệt đỉnh Kungfu", cười vào kinh điển Phật pháp trong "Mối tình ngoại truyện", cười vào những trò ma của bóng đá và sự kém thực dụng dũng võ công Trung Hoa trong "Đội bóng Thiếu Lâm"?
Vì sao vậy? Vì anh hiểu rất sâu về chúng. Hiểu sâu thì mới cười được, mới châm biếm được.
Tiếng cười bật lên từ tận cùng của nỗi đau. Có một giai thoại về triết gia Socrates. Ông giao hết việc nhà cho vợ, suốt ngày đi nói chuyện với các môn đồ.
Một hôm Socrates đang nói chuyện tại gia trước mấy trăm học trò thì vợ quát tháo ầm ĩ vì ông không chịu… giặt đồ. Mọi người đều im lặng nghe tiếng quát nạt của sư mẫu dành cho sư phụ. Rồi vợ ông cầm nguyên thao nước giặt đồ tạt vào người ông. Cả lớp sững sờ vì ông thầy thảm hại.
Vợ ông đi khỏi đó, Socrates mỉm cười nói: "Ta biết mà. Sau khi sấm chớp thì trời phải mưa thôi".
Tiếng cười chẳng phải là cố tạo ra joke, cố bày ra tình huống, mà là sự dày vò dành cho nhân vật. Rồi ở đáy của thất bại, tiếng cười bật lên, an ủi chúng ta.
Châu Tinh Trì là một người khốn nạn trong mắt nhiều đồng nghiệp. Anh là một người yêu tồi, một cộng sự xấu tính. Nhưng phim của anh thì sâu sắc, rất đẹp và rất buồn.
Tiếng cười chỉ là phương tiện để truyền tải bi kịch mà thôi. Đấy là lý do "Hỷ kịch chi Vương 2" vừa coi trailer đã thấy buồn tan nát.
Tết là phải vui, phải cười, anh cười cả vào cái suy nghĩ ấy. Trong bảy nỗi đau khổ của con người, sinh ra đứng đầu tiên. Làm người thì phải buồn, để đỡ buồn thì phải... cười. Vậy thôi.
Chúng ta học gì từ Châu Tinh Trì đây? Muốn làm phim hài thành công ư? Hãy nói về nỗi đau khổ của bạn đi. Dám nhìn thẳng vào nó, thì mới cười được. Bạn cười được, thì khán giả mới cười được.
Thị trường phim Việt Nam được thống trị bởi phim hài. Danh sách 10 phim ăn khách qua mọi thời đại của Việt Nam, hết 8 phim là hài. Nếu mở rộng danh sách từ 10 phim lên thành 30 phim, tỷ lệ phim hài vẫn chiếm bét nhất 90%.
Nói theo lời Charlie Nguyễn, vì phim hài chiếm đa số, nên cái "nghĩa địa phim hài" cũng bạt ngàn vô tận. Cứ nghĩ đơn giản: cứ 20 phim hài thì mới có 1 phim lời, vậy để có 10 phim hài có lãi thì phải làm 200 phim, trong đó 190 phim phải chết.
Nhìn ra bức tranh toàn cảnh của phim Việt mấy năm qua, rồi đọc một vòng bình luận của mọi người về cái trailer "Tân Hỷ kịch chi vương" của Châu Tinh Trì, mới thấy mọi người, từ dân làm phim đến dân coi phim, đều có một sự ngộ nhận lớn về khái niệm phim hài nói chung, và "phim Châu Tinh Trì" nói riêng.
Phim "Châu Tinh Trì" là một khái niệm cần phải minh định.
Có hai loại "phim Châu Tinh Trì": Phim do Châu Tinh Trì làm diễn viên, mà chúng ta đã quen gọi là "hài nhảm" và phim do Châu Tinh Trì đạo diễn (kiêm viết kịch bản).
Loại thứ 1 chúng ta đã quá quen thuộc rồi. Có thể kể ra một loạt như Lộc Đỉnh Ký, Đường Bá Hổ, Thần ăn, Trạng sư xảo quyệt, Đổ thánh, Trường học Uy Long, Nguyệt quang bảo hợp… Những phim này, Châu Tinh Trì, nói thẳng ra, là chả đóng gì cả.
Anh bê nguyên si vẻ mặt đẹp trai của anh lên phim, nói mấy câu thoại vui, chọc ngoáy chòng ghẹo đủ thứ trên đời… Phim này là phim hài giật tiền, giải trí thuần túy. Mình sẽ không bàn thêm về nó.
Nhưng loại thứ 2 lại là một loại khác hoàn toàn. Thậm chí, chúng ta không thể xếp nó vào dạng phim hài. Thậm chí, chúng ta có thể xếp nó vào dòng phim bi.
Đấy là thứ bi được chuyển hóa thành hài, giống như hai gương mặt khóc cười của sân khấu. Đỉnh cao của bi kịch chính là hài kịch. Khi nỗi đau bị đẩy đến tận cùng, nó sẽ trở thành tiếng cười.
Comedy (hài kịch) không phải là chọc cười như nhiều người vẫn lầm tưởng. Steve Allen, nhà hài hước người Mỹ đã làm đủ mọi thứ trên đời từ phát thanh, truyền hình, diễn viên, stand-up comedian, đúc kết một câu sau: "Chúng ta phải cười, vì nếu không cười, cuộc đời này quả thực không sống nổi".
Một Allen khác, Woody Allen, thì nói: "Nếu ta không cười, ta chỉ còn duy nhất một lựa chọn: tự sát."
Một câu nữa, nhiều người vẫn bảo là của Carol Burnett: "Hài kịch = Bi kịch + Thời gian". Bởi vì khi đã đón nhận bi kịch đủ nhiều, ta mới đủ trải nghiệm và dũng khí để… cười trong nghịch cảnh.
Miguel de Cervantes, cha đẻ của cuốn tiểu thuyết được không ít người bình chọn là hài hước nhất qua mọi thời đại là Don Quixote, từng nói: "Trong hài kịch, nhân vật khó xây dựng nhất là những nhân vật ngu. Vì bọn ngu không biết đau khổ. Còn bọn đau khổ thì bản thân đã rất… buồn cười rồi".
Hãy nhìn lại những phim Châu Tinh Trì đạo diễn, bạn sẽ thấy nhân vật chính của những phim ấy về bản chất không có gì mắc cười cả.
Đấy là một anh diễn viên phụ kém tài, kém duyên, nhưng làm đủ mọi cách để tồn tại với nghề. Anh bị mọi người khinh rẻ, thậm chí một tay bảo vệ cũng có thể chà đạp anh, ném phần cơm của anh cho con chó (Hỷ kịch chi vương, 1999).
Đấy là một cựu cầu thủ gãy chân, hết thời nhưng vẫn ôm mộng trở thành HLV trưởng. Ông bị giới bóng đá ngoảnh mặt, bèn đi tập hợp nguyên một đám loser làm thành đội bóng Thiếu Lâm. Phim này, vai chính là Ngô Mạnh Đạt, không phải Châu Tinh Trì (Đội bóng Thiếu Lâm, 2003)
Đấy là một người khao khát trở thành… kẻ xấu vì nghĩ người xấu mới có đất dung thân trong một xã hội tàn ác. Thế nhưng ác nhân tập sự từ võ công, trí tuệ cái gì cũng tầm thường nên lên bờ xuống ruộng.
Đây là bi kịch mà Kim Dung từng khắc họa rất thành công cho nhân vật Nhạc Lão Tam: một con người nhân hậu, nhưng vì không thể lưu danh muôn thuở bèn cố lưu xú vạn niên (Tuyệt đỉnh Kungfu, 2004).
Đấy là một nhà tu hành, sinh ra giữa thời đại yêu quái nhũng nhiễu, nơi các pháp sư tìm cách yêu diệt yêu quái bằng bạo lực. Nhà tu hành ấy - Đường Tăng - cố thu phục mọi người bằng chân tâm, bằng 300 bài hát thiếu nhi, bằng tấm lòng hướng Phật thuần khiết.
Anh đã phải hy sinh tất cả cho niềm tin này, vô tình mất luôn người anh yêu thương nhất (Tây Du Ký - Mối tình ngoại truyện, 2013).
Đấy là một nàng tiên cá ngây thơ, bị nhốt cùng với tộc người cá ở một xác tàu cũ. Để tránh cảnh diệt vong, nàng lãnh nhiệm vụ đi ám sát tay triệu phú Đặng Sinh, rồi phát hiện ra gã triệu phú này luôn bị ám ảnh bởi sự nghèo khổ và tìm mọi cách để vươn lên (Mỹ nhân ngư, 2016)
Như vậy, những nhân vật của Châu không hề mắc cười. Nhưng Châu Tinh Trì ném họ vào cuộc đời, để cho cuộc đời vùi dập họ, để cho họ đối đầu với những tình huống trái khuấy. Vậy mà họ vẫn lầm lũi đi tới, quyết không bỏ cuộc.
Nhân vật chính của họ Châu đáng yêu và đáng ghét (sao Đường Tăng có thể cự tuyệt Thư Kỳ, sao gã trai trong Tuyệt đỉnh Kungfu làm vỡ kẹo của cô gái), thông minh và ngu ngốc, cao thượng và ích kỷ cùng một lúc. Và sự đau khổ của họ gây ra tiếng cười.
Như Don Quixote đánh nhau với cối xay gió. Ta cười anh ngu ngốc, nhưng kỳ thực chỉ có anh thấy mình đang đấu với gã khổng lồ.
Phim do Châu đạo diễn và biên kịch cao hơn hẳn những phim anh đóng. Thành ra mãi rất 4 năm sau Tuyệt đỉnh Kungfu, anh mới làm CJ7. Mất 5 năm sau CJ7 mới có Tây Du Ký - Mối tình ngoại truyện. Thêm 3 năm mới có Mỹ Nhân Ngư, lại thêm 3 năm mới có Tân Hỷ kịch chi vương.
Châu Tinh Trì nếu vẫn tiếp tục đóng "hài nhảm", anh sẽ là nhân vật giải trí số một châu Á. Nhưng anh đã khước từ vai trò của một "entertainer" để trở lại với vai trò của người sáng tạo. Anh cực khó tính, thậm chí vô tình nhẫn tâm, với cộng sự và với chính bản thân mình.
Mấy năm nay Châu chả mấy khi xuất hiện chốn đông người, tóc chả thèm nhuộm, quần áo lôi thôi. Anh chỉ đào sâu và đào sâu để cho ra những tác phẩm xuất chúng.
Và những tác phẩm ấy mang một tấm vóc vượt thoát khỏi thể loại phim hài nhảm, giải trí thông thường. Như anh Lê Hồng Lâm viết, nó phải ngang với phim của Charlie Chaplin, người chuyên làm phim về những kẻ ở dưới đáy của xã hội, làm bộ phim đầy tiếng cười, những trong tiếng cười lại chất chứa xót xa.
Phim của Châu cũng là tiếng cười xót xa ấy. Phim của anh rất buồn, rất đau, cái đau của cái thiện trước cái ác, của chân thành với giả trá, của kẻ yếm thế trước chủng tộc thượng đẳng, của con người trước số phận.
Và tất cả những bi kịch ấy đều rất kinh điển, rất cá nhân. Vì vậy xem phim của Châu ta thấy mình trong đó, ta cảm được nỗi đau của nhân vật.
Bạn từng nuôi ước mơ gì, nhưng phải cất giấc mơ vào hộp, ném vào tủ, để chạy theo cuộc sống mưu sinh? Bi kịch của "Đội bóng Thiếu Lâm" đó.
Bạn có từng yêu nghề, sống chết với nghề nhưng không hiểu sao tổ nghề cứ quay lưng với mình hoài? Bi kịch của "Hỷ kịch chi Vương" đó.
Bạn có từng bị chà đạp, vùi dập bởi những kẻ tự mệnh danh là "dân thành phố, dân elite"? Bi kịch của "Mỹ nhân ngư" đó.
Bạn đã từng chối bỏ tình yêu để chạy theo ước mơ, rồi một ngày phát hiện ra mình đã yêu đối phương thật nhiều, quay lại tìm thì đối phương đã đi mất rồi? Bi kịch của "Mối tình ngoại truyện" đó.
Châu Tinh Trì cười vào tất cả, nhưng đấy là cười của sự thấu hiểu. Anh troll kungfu và kiếm hiệp đến tận cùng trong "Tuyệt đỉnh Kungfu", cười vào kinh điển Phật pháp trong "Mối tình ngoại truyện", cười vào những trò ma của bóng đá và sự kém thực dụng dũng võ công Trung Hoa trong "Đội bóng Thiếu Lâm"?
Vì sao vậy? Vì anh hiểu rất sâu về chúng. Hiểu sâu thì mới cười được, mới châm biếm được.
Tiếng cười bật lên từ tận cùng của nỗi đau. Có một giai thoại về triết gia Socrates. Ông giao hết việc nhà cho vợ, suốt ngày đi nói chuyện với các môn đồ.
Một hôm Socrates đang nói chuyện tại gia trước mấy trăm học trò thì vợ quát tháo ầm ĩ vì ông không chịu… giặt đồ. Mọi người đều im lặng nghe tiếng quát nạt của sư mẫu dành cho sư phụ. Rồi vợ ông cầm nguyên thao nước giặt đồ tạt vào người ông. Cả lớp sững sờ vì ông thầy thảm hại.
Vợ ông đi khỏi đó, Socrates mỉm cười nói: "Ta biết mà. Sau khi sấm chớp thì trời phải mưa thôi".
Tiếng cười chẳng phải là cố tạo ra joke, cố bày ra tình huống, mà là sự dày vò dành cho nhân vật. Rồi ở đáy của thất bại, tiếng cười bật lên, an ủi chúng ta.
Châu Tinh Trì là một người khốn nạn trong mắt nhiều đồng nghiệp. Anh là một người yêu tồi, một cộng sự xấu tính. Nhưng phim của anh thì sâu sắc, rất đẹp và rất buồn.
Tiếng cười chỉ là phương tiện để truyền tải bi kịch mà thôi. Đấy là lý do "Hỷ kịch chi Vương 2" vừa coi trailer đã thấy buồn tan nát.
Tết là phải vui, phải cười, anh cười cả vào cái suy nghĩ ấy. Trong bảy nỗi đau khổ của con người, sinh ra đứng đầu tiên. Làm người thì phải buồn, để đỡ buồn thì phải... cười. Vậy thôi.
Chúng ta học gì từ Châu Tinh Trì đây? Muốn làm phim hài thành công ư? Hãy nói về nỗi đau khổ của bạn đi. Dám nhìn thẳng vào nó, thì mới cười được. Bạn cười được, thì khán giả mới cười được.