This is a mobile optimized page that loads fast, if you want to load the real page, click this text.

Thơ Ngu

malemkhoang

Rìu Chiến
Về tập thơ Độc quạnh, nhà thơ Ngu Yên tuyên bố: đây là tập thơ “quyết liệt từ giã dòng thơ cũ”. Đây là thơ “mang tính văn xuôi, bao gồm tính truyện ngắn, tiểu luận, tùy bút, thời sự, lịch sử”.

Tập thơ được “chia làm 3 phần, mỗi phần chia cho mỗi loại độc giả khác nhau”.

Xin giới thiệu bài Độc quạnh cùng một số bài được rút từ phần 1, phần thơ “dành cho những ai đọc thơ với sự nhức đầu vừa phải”.


Độc Quạnh

Linh hồn đó đứng trước vô tận, trầm ngâm, không thấy mai sau.
Không dễ chọn lối đi khi không có lối nào, chỉ thấy nghi vấn.
Làm sao phá những điều không thể phá?
Làm sao sáng tạo khi chưa thấy đẹp?
Octavio Paz hỏi, “Đẹp ư? Hãy Lột Củ Hành”.
Đã lột củ hành chưa? Ai chưa lột, thử lột một lần. Đẹp ở đâu, khi mắt cay, lệ rơi không lý do để khóc.
Linh hồn đó đứng trước vô tận, đắn đo, không hiểu mai sau.
Đường nào có thể, đã đi. Nơi nào có thể, đã đến. Tất cả tối dần. Ánh sáng thuộc về cụ thể. Cái đẹp thuộc về tưởng tượng, cần ánh sáng.
Đẹp tính gió, không thấy, chỉ cảm giác; tính không khí, không thấy, chỉ thở; tính chữ, thấy, nhưng không bao giờ bắt được.
Trước khi thanh thản sống thơ, thi sĩ là kẻ nô lệ chữ nghĩa, nô lệ văn chương, nô lệ chính bản thân.
Kẻ nô lệ rắp tâm ngày đêm bức phá xiềng xích.
Trước sau gì cũng chết, sao không thử một lần?


Độc
Cô độc là dấu giày người cụt chân đi dọc theo biển, chân kia không bao giờ ướt.
Cô đơn là đôi chân mép sóng, bao giờ cũng ướt, dẫu nắng mùa hè vẫn không khô.
Người ấy, trước kia, có hai chân, nay còn một.
Khi cô độc cô đơn hòa nhập, chân lúc nào cũng ướt, dù lên núi hay vào sa mạc, vì nước chính là máu, sống dưới da.
Người ấy, giờ đây, không còn chân nào, ngồi xe lăn, vợ đẩy dọc theo biển.
Trời đã vào đêm, trùng khơi âm u.
Đôi chân vợ ướt từ sáng sớm.


Âm thầm đổ rác trùng ngày sinh nhật
Mỗi sớm thứ năm kéo thùng rác ra đường, chiều kéo thùng vào nhà, liên tục 41 năm.
Mỗi đêm nhắm mắt, sáng mở mắt, liên tục 64 năm.
Ông ấy có tên gọi nhưng tai không nghe. Có mắt nhưng không chăm chú. Có mũi nhưng thở bằng miệng. Có nhiều người thân nhưng đa số qua đời.
Sáng nay thứ năm, kéo thùng rác ra đường, đi vào tay không.
Sống chỉ cần không khí, những thứ khác, càng ít càng tốt.
Ông ấy ăn ít, một mình, làm gì có rác.
Kéo thùng không.
Chiều nay thứ năm, kéo thùng vào, sau khi đổ hết rác trong óc.


Trắng đen và xám.

Nay kẻ mù nói: “Trắng nghĩa là trắng. Thâm nghĩa là đen”. Dẫu cho kẻ sáng mắt cũng không đổi được lời hắn. Nếu để đen trắng lẫn lộn, rồi sai kẻ mù chọn lấy, hắn không thể biết. Cho nên người ta thường nói: “Kẻ mù không biết trắng đen.” Đó không phải vì sự gọi tên, mà vì [sự] chọn lựa. (1)

Chọn lựa là xám. Chọn không lựa là xám đậm. Chọn được lựa là xám lợt. Không thấy cũng có thể chọn, nếu biết nghe.
Người mù thính tai, nghe xa.
Nghe trắng không hiểu trắng vì chưa bao giờ thấy trắng. Nghe đen không hiểu đen vì chưa bao giờ thấy đen. Dù nghe xa nghe rõ cũng không thể phân biệt đen trắng. Nói chi đến xám.
Người có mắt như mù, còn tệ hơn. Thấy trắng tưởng đen. Thấy đen tưởng trắng. Thấy xám, không biết màu gì.

(1) Mặc Tử, trích thiên Quý Nghĩa.


Rồi cũng sẽ như vậy
Không thể biết trước mặt, có bao nhiêu ngã rẽ, có bao nhiêu khúc quanh.
Có phồn hoa hay hẻo lánh, có lạnh nhạt hay đón mời, có ai chờ đợi hay chỉ toàn hiu hắt.
Tử vi tính được đôi phần. Nhâm độn đoán ra một ít. Suy luận thông thường không đúng. Tưởng tượng không có gì đáng tin.
Tất cả ngày mai đều mờ mịt. Càng bất ngờ, khi lòng đổi thay, nhất là lòng người thân tín.
Ngươi cảm thấy buồn phiền hay sao?
Lẽ ra, người phải biết nhiều hơn ai hết.


Rồi cũng sẽ ngây ngô
Ông ấy đã đến tuổi hết đi.
Mỗi ngày, ngồi bên cửa sổ, nhìn ra cổng. Tấm bảng trắng chữ xanh: Viện Dưỡng Lão Từ Tâm.
Vợ qua đời. Con ở xa. Cháu lớn. Ông không có liên hệ, ngoại trừ y tá và bác sĩ.
Bạn ông chỉ biết mặt lúc gặp, vừa xa nhau, quên ngay. Họ chỉ là tập hợp xương thịt rệu rạo, gân cốt hư hao và đôi mắt lơ láo.
Ông ấy ở đây hơn 10 năm.
Máy lạnh mờ hơi trên cửa gương. Trí nhớ rõ dần khuôn mặt vợ. Đưa ngón tay viết lên đọng sương mù, chợt dừng lại. Cố nhớ.
Tên gì?


Cái đuôi của vết sẹo chiến tranh
Tình yêu không có tinh trùng dẫn đến địa ngục sống.
Vết sẹo từ màng-tang vắt qua trán lấn sâu chân tóc, thành đường mòn băng vào rừng sâu. Phục kích bom đạn, xác chết, quân thù, đồng đội. Sống sót trở về, đêm đêm theo sẹo vào rừng khóc lóc sợ hãi.
Chứng tích kiêu hùng, sẹo co giật khi nói, nhìn anh ta như tài tử chiến tranh, với bộ râu quai nón, râm ran sắc điệu trữ tình.
– Em.
– Anh.
– Không được.
– Không sao.
Anh nhìn xuống, vết sẹo chạy từ bắp vế, cắt ngang dái, lên tận bụng, thành con đường định số láng bóng, trơn trợt. Té lên té xuống. Cố đi. Không tìm thấy ái tình.
– Anh, đừng buồn nữa. Không sao. Em vẫn yêu anh.
– Vợ anh cũng nói như vậy, rồi bỏ đi.


Hậu quả của cuộc từ thiện bất đắc dĩ
Không biết ngôi mộ này của ai, nhưng nếu là của mẹ, liệu có gì khác chăng?
Jim Wilson quì trước mộ khá lâu, lan man cảm tưởng như vậy.
Anh rời Việt Nam năm lên sáu, trên chuyến phi cơ từ thiện con mồ côi, tháng 4 năm 1975.
Khi thật sự có trí khôn, mẹ anh là bà Wilson, hiền lành, thương yêu, hiểu biết và sâu sắc.
Ba anh là ông Wilson, giáo sư đại học Rice.
Tốt nghiệp Texas A&M, ra trường tiến sĩ luật khoa Harvard. Ban đêm đi học Việt ngữ. Anh vẫn không hài lòng. Là người, cần phải biết cội nguồn.
Nhờ Hồng Thập Tự tìm kiếm, Cơ quan Tin Lành giúp đỡ, anh gặp nhiều họ hàng, chú bác, cô dì, xa lạ. Lời nói yêu thương như gió lay rừng cây không bám rễ.
Cuối cùng anh quì trước ngôi mộ.
Không biết ngôi mộ này của ai, nhưng nếu là của mẹ, liệu có gì khác chăng?
Nhiều đêm anh nhìn thấy mặt mẹ mờ ảo, anh từng gọi mẹ tha thiết, không kịp hiểu vì sao. Bây giờ, ước muốn một ly đá lạnh giữa trưa nắng.
Anh nghĩ thầm: “Dù sao, con vẫn là con của mẹ.”
Cảm thấy trống rỗng khi đứng lên. Bà Wilson đến ôm anh. Đã lâu lắm, lòng anh cảm động, ướt khóe mắt. Anh thì thầm bên tai bà:
– Dù thế nào, mẹ vẫn là mẹ của con.


Mãnh lực của giấy có chữ
Giấy sinh ra rác. Rác ám người cuồng loạn.
Giấy chở mực vượt không gian, thời gian. Cấy chữ vào hiệu quả làm người.
Kẻ ăn chữ tốt, lòng xán-lạn. Kẻ ăn chữ xấu, lòng u ám. Kẻ ăn lầm chữ, trở thành hung bạo hoặc nham hiểm. Kẻ ăn chữ lầm, trở nên ngu xuẩn và hợm mình. Kẻ không ăn chữ là xác chết.
Giấy có chữ tốt, vào đại học, vào thư viện, vào bảo tàng. Giấy có chữ xấu, vào báo chợ, lên mạng lưới và vào lãng quên.
Giấy vừa cất giữ kinh điển, thư sách, văn chương, văn hóa; vừa chuyển tải đậu đen, đậu đỏ, đâu phụng, đậu dại. Giấy là thuyền, chở hàng hóa và rác rưởi.
Giấy tự thân màu trắng, có mực làm đen, theo trật tự ý nghĩa. Ý nghĩa đen hay trắng tùy người đọc.
Hàng ngày số lượng giấy cất giữ, chỉ một phần tư giấy vất bỏ.
Giấy là nguồn rác.
Người ghét rác, đổ rác, đốt rác, nhưng tôn thờ và tin tưởng rác.


Sự liên hệ giữa đêm và ngày
Đêm: không phải ngày, như đàn bà không phải đàn ông.
Mặt trời là tim ngày. Mặt trăng là tim đêm. Tim ngày lúc nào cũng có. Tim đêm khi có khi không, như tim đàn bà.
Khi yêu, tim đàn ông sáng rực, tim đàn bà lúc mở lúc tắt. Đàn bà thuộc về đêm. Đàn ông thuộc về ngày.
Vì vậy, ăn chơi về đêm, phải có đàn bà; ngủ ban đêm, phải có đàn bà. Không có đàn bà, đêm không trăng, chỉ có ngôi sao, xa xôi hiu quạnh.
Đàn bà làm sống có ý nghĩa, một ý nghĩa khổ đau, không thể thiếu. Vì vậy, sự khờ khạo lớn nhất của đàn ông, là ngủ về đêm để chiêm bao.


Sự vắng mặt cần thiết trong lúc sống
Không còn muốn thấy mình nữa, từ đó, soi gương, chỉ thấy dạng lờ mờ.
Đời một người, bất luận là ai, nam hay nữ, chết trẻ hay chết già, đều là câu chuyện, đáng kể.
Bất luận câu chuyện nào cũng bắt đầu từ thấy. Sống càng lâu, thấy càng nhiều. Sống không thể không thấy.
Thấy ghi vào nhớ. Sống không thể không nhớ. Nhớ không thể không buồn phiền, sầu khổ. Không thấy là con đường bình an.
Khi cảm giác của thấy hóa thành ghê tởm rồi chán chường. Thấy cần phải đóng cửa ở mắt. Ông sợ thấy.
Ông thấy mặt trái đàn bà và mặt trái đàn ông,
đố kỵ nhau. Mặt phải của bằng hữu là mặt trái. Mặt nghiêng của tôn giáo, không phải mặt thật. Mặt ngữa của tình yêu, có lẽ là nằm ngữa. Lúc trẻ ông bị nằm sấp.
Không còn muốn thấy nữa, kể cả thấy mình. Ông tự nguyện mờ dần.
Nhưng không phải dễ.
Chuông quả lắc vang một giờ sáng. Lạ lùng thay, ông thấy rất rõ ràng.
Frère Antoine cởi hết áo dòng, leo lên giường ôm thằng bé đệ tử chặt cứng. -Sướng quá Frère ơi. – Im đi. Xoay lưng lại. – Đau quá. – Đừng lấy gân.
Ông ngồi dậy, đi theo tiếng động, nhưng dường như không còn thấy gì.
Lần mò đến trước gương, bật đèn. Thậm chí không thấy gì lờ mờ. Hoàn toàn tối đen.
Trần Hữu Phước, không còn hiện diện.


Thị trấn Didan và những người lùn.
Theo nắng mặt trời, đi xa lộ Thái Bình Dương, ra exit 1975, thấy làng Văn bên trái. Trước kia là thị trấn Didan. Sau đổi tên theo phiếu người di mộng.
Ông tổ Văn Công Bút lập làng. Dân cũ dọn đi. Dân mới dọn tới. Đời tuy mới nhưng sống cũ. Một cố đạo đi qua, viết lại:”Người làng Văn tài ít, kiêu ngạo nhiều, tự ái cao. Hoang tưởng và tự mãn, khó làm việc lớn.”
Dân làng lấy tên theo chiều cao: Cao nhất, tên Văn Công Một; tiếp theo, Văn Công Hai; Văn công Ba; cứ như vậy, Văn Công 2017, thấp lè tè. Trời sinh, họ lùn khoảng dưới bụng dân Châu Mỹ.
Họ hãnh diện không ra khỏi làng, tự hào không quan tâm dân khác cao, hài lòng với chiều đứng. Khi nào cao thêm, lập tức đổi thứ tự tên. Tháng trước anh ta lên được 2012.
Văn Công 475: – Này 1980, muốn đủ sức ứng thí văn chủ, phải cao thêm vài phân. Phải ăn nhiều. Phải ỉa liên tục. Phải tập nhón chân. Ăn chậm, ỉa ít; làm sao văn hay chữ tốt.
– Vâng, em sẽ cố đại tiện trước, trống bụng mới ẩm thực. Văn công 1980 trả lời.
– Quên à. Không được dùng “đại tiện, ẩm thực”, chỉ cấp bậc trên 500, mới được hoa mỹ.
– Vâng, nên dùng chữ dễ tiêu.
Di ngôn Văn Công Bút khắc trên bia đá, vài điều truyền bá văn nghệ:
“Mọi người dân tuổi 20, phải có tác phẩm. Bất kỳ sáng tác, bắt chước, hay sao chép….không giới hạn.
Mọi bác sĩ, kỹ sư, nha sĩ, doanh nhân…sau khi giàu có, phải trở thành nghệ sĩ, bất kể phương pháp.
Mọi người nên nỗ lực thành ca sĩ. Mỗi 5 năm, hạ thấp phầm chất ca hát. Nâng cao số lượng ca sĩ. Không nhất thiết ra sân khấu, trình diễn tại gia.
Tuyệt nhiên, không thể lộ liễu cho người khác biết. Phải ngụy trang bằng mọi hình thức. Đó là đạo đức bảo vệ nghệ thuật.”
Văn Công 475: – Cô tên gì?
– Dạ, 499.
– Cô có việc chi nhờ vả?
– Em muốn trở thành nhà văn lớn.
– Cô có biết thoát y? Không cần nhan sắc, cần thân thể thực tập cảm xúc, tu luyện nhãn quan, nhìn ra thú tính trong người. Trước thoát y, sau mới thoát ý.
– Em rất quen thuộc. Thoát y chuyện nghiệp cho Tàu, Pháp, Mỹ, Nga, Đại Hàn, nhất là các nhà văn lớn biên tập, thế nhưng văn em vẫn bé.
– Phải chờ đợi. Phải kiên nhẫn. Có nhiều người chết rục xương, mới nổi tiếng.
– Thế nhưng anh 2015, mới đây, được giải văn học? Được dịch ra thế giới?
– Cô không nhận ra, bàn tọa anh ấy càng ngày càng vĩ đại? Lưng mỗi lúc mỗi còng hay sao!
Làng Văn có miếu văn hiệu, có thư viện âm phủ. Người làng Văn ăn mặc kín đáo, nhưng lòng hở hang. Nói năng cao kỳ, nhưng thực tế chỉ mơ nhà cao, xe đắt, cơm no, ngủ kỹ.
Đàn ông phục vụ đàn bà. Đàn bà phục vụ con cháu. Toàn dân thông thạo dịch vụ nhà quàn.
Làng Văn tuy có tác giả, nhưng không độc giả. Người đọc chữ miễn phí, đọc giải trí bình dân, gọi là thị giả. Người đọc chữ không mua, gọi là khất giả. Tác giả không đọc sách sống, gọi là tử giả; không đọc sách thế giới, gọi là ngụy giả.
Đôi khi nên dùng tay bịt mắt mà đi,
mới hiểu muốn chạy giỏi, phải tập.
nên nín thở chết thử một lần,
mới hiểu sống không phải chỉ chờ chết.
Chuyện trọng đại nhất xảy ra, cả làng chấn động, đau khổ và tang chế: Ai đó đã đập vỡ bia đá Văn Công Bút.
Chuyện làng Văn gần nửa thế kỷ, người bên ngoài chưa ai biết. Người trong làng dần dần biến thành xác sống. Ăn ngủ đụ ỉa như máy. Những thứ trừu tượng, cao kỳ, ốm nhom, đứng dọc theo đường internet.
Dân làng xây lại bia đá, lần này, đúc bằng vàng.
Có lẽ ông cố đạo nói đúng, “Người làng Văn không tự biết mình lùn.”
Một ít người rời bỏ làng Văn. Đi đâu?
Vô định.
475 qua đời.
499 có nhiều tác phẩm, mang bệnh giang mai, vẫn chưa nổi tiếng.
2012, sau khi đập bể bia đá, anh ta bỏ đi lúc nửa khuya.
Để lại lời nhắn cho 2018: “Muốn dòng tộc cao lớn, phải đi xa, học lại.”


Lời nguyền của loài cá không có mắt
Nước độc, cá chết, nổi trắng sông biển từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Cá miễn phí.
Cả làng hốt về sinh lợi.
Gia đình Bác, phơi cá khô, cá đông lạnh, làm nước mắm nhãn hiệu “Đồng Tâm”, xuất cảng qua cộng đồng hải ngoại.
Những con cá chết tức tưởi, chưa kịp biết lý do, mắt trợn trừng, đục ngầu, không biết oán hận ai.
Sợ xui xẻo, Bác dặn con cháu móc hết mắt, cho chó ăn. Từ đó, mắt chó tóe lửa.
Mỗi tháng, khô cá, cá ướp, nước mắm, nườm nượp gửi đi khắp nơi. Sản xuất càng nhiều, trông Bác càng âm u bí hiểm.
– “Thằng Ba, thằng Mười, thấy không? Trời ơi, cá đứng đầy sân.” Đêm nào Bác cũng rền rĩ như vậy.
Người trong nhà kể lại, cứ vào gần nửa khuya, cá từ Trường Sơn tràn xuống, từ biển Đông trồi lên, lũ lượt kéo vào sân nhà giãy giụa, khóc than, la hét, đòi đền mạng.
Bác không biết làm gì hơn là chịu chết.
Đàn chó bỗng dưng mắc bệnh mù. Khi dân làng chôn Bác, con chó cuối cùng cũng mù theo.
Hãng nước mắm vẫn tiếp tục hành nghề.
Cá vẫn tiếp tục chết. Chết tận nguồn sông Hồng. Chết qua bẫy Lười Bò. Người ta xem thường. Cho là tự nhiên. Cứ đồng tâm sinh lợi.
Mỗi năm giỗ Bác, dùng thịt, không dùng cá, không dùng nước mắm.
Bao lâu rồi, dường như tệ hơn.
Nước độc, cá chết, nổi trắng sông biển từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Nước đục, người thở, nhiễm đen từ Hà Nội đến Sài Gòn.


Sửa nhà
Ông ấy khởi sự sửa lại ngôi nhà cũ.
Nhà trăm năm không chừng đã ngàn năm.
Mối mọt, rong rêu, mái dột, tường xiêu, nền nghiêng, nước mưa mọc xanh cỏ dại.
Nhiều thế hệ sơn màu loang lổ: vàng da, đỏ máu, đen Trung Quốc, hồng Tây Phương, xám Ấn Độ, chàm Chân Lạp và những màu biến thái không có tên.
Bên trong chứa đầy đồ vật cổ xưa lẫn hiện đại: trống đồng lẫn máy móc tân thời. Áo vua, mũ tổng thống, gậy ăn mày, chất đống súng ống và đạn dược. Quá nhiều những không đáng gì.
Ban đêm, trùng trùng bóng đen di động, những khuôn mặt vô hình chỉ thấy nước mắt. Gió đã ngừng, còn nghe tiếng than van. Họ biến mất khi trời sáng.
Rầm rộ thay vào những sinh hoạt bon chen. Bầy chó tranh nhau chiếc ghế cũ, dính mùi xương cương thi. Đám mèo cắn nhau giành con chuột nhựa nhập cảng hư hỏng. Giống đực vừa yếu vừa hèn. Giống cái hầu hết thích tiền và trang sức.
Những con bò kêu rống vô tư rồi nhai lại. Bi hài từ trước ra sau.
Biết bắt đầu từ đâu?