This is a mobile optimized page that loads fast, if you want to load the real page, click this text.

Thế giới du đãng Sài Gòn trước 1975

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Kỳ 1: Đại Cathay, “bố già” của Sài Gòn

Trước năm 1975, Sài Gòn có 4 trùm du đãng khét tiếng nhất, trong giới gọi là “tứ đại thiên vương”, đó là: Nhất Đại, nhì Tỳ, tam Cái, tứ Thế (tức Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế). Đại Cathay được xếp đầu bảng, còn được giới du đãng Sài Gòn gọi là “vua của các đại ca giới giang hồ”.


Sài Gòn trước năm 1975

Dưới mái hiên rạp chiếu bóng Cathay

Trước năm 1975, ở Sài Gòn, hình ảnh của Đại Cathay thường xuyên xuất hiện trên các báo, được nhiều nhà văn khai thác viết tiểu thuyết, được dựng thành phim, chiếu cả ở nước ngoài…

Theo hồ sơ của cảnh sát Sài Gòn, Đại Cathay tên thật là Lê Văn Đại, sinh năm 1940, con của ông Lê Văn Cự (Hai Cự) và bà Sáu (không rõ họ). Cha của Đại cũng từng là một tay giang hồ hảo hớn ở khu vực chợ Cầu Muối.

Sau năm 1945, Hai Cự rời Sài Gòn đi vào chiến khu rừng Sác gia nhập quân đội Bình Xuyên, bị Pháp bắt đày Côn Đảo và chết ngoài hải đảo. Vì vậy mà ngay từ nhỏ Đại đã xa cha, sống với mẹ ở đường Đỗ Thành Nhân (nay là đường Đoàn Văn Bơ, quận 4).

Quận 4 là vùng đô thị mới ven Sài Gòn, là nơi tập hợp của người dân tứ xứ, vì vậy mà rất phức tạp, là nơi giới giang hồ Sài Gòn chọn làm “thánh địa”.

Sống trong môi trường đó, lại thừa hưởng gien “anh chị” của người cha, Đại sớm bỏ học, được đám trẻ lêu lỏng trong xóm tôn là “đại ca”.

Chưa tới 10 tuổi đầu, Đại đã có thể luồn lách vào các chợ, sạp hàng ở chợ Vân Đồn, chợ Tôn Thất Thuyết để ăn trộm dưa, chuối về chia cho những đứa trẻ đồng cảnh ngộ.

Sau khi cha chết, mẹ của Đại lấy chồng khác. Người cha ghẻ nghiện ngập thường hành hạ vợ và đứa con ghẻ. Một lần, Đại không kiềm chế được đã đánh lại ông ta rồi bỏ nhà đi bụi, sống lang thang bằng nghề đánh giày, bán báo.

Khu vực ngã tư Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) – Nguyễn Công Trứ (Q.1, Sài Gòn) có 1 rạp chiếu bóng tên là Cathay là nơi tụ tập của đám trẻ bụi đời, trong đó có Đại. Bọn trẻ bụi đời đánh nhau giành khách, đứa nào gan lỳ, có sức khỏe thì chiến thắng.

Với bản tính liều lĩnh, Đại cứ lao vào đối thủ, buộc đối phương phải đánh “cận chiến”, nhờ vậy mà Đại phát huy được những cú đấm của mình, kết quả là Đại luôn thắng trong các cuộc “tỉ thí”. Đại nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh của đám nhóc tì du thủ du thực với cái tên Đại Cathay.

Đó là vào khoảng năm 1954, lúc Đại mới 14 tuổi, để rồi suốt gần 20 năm sau đó, cái tên Đại Cathay luôn làm cho giới du đãng Sài Gòn và cả những người dân lương thiện mỗi lần nghe tới phải sợ mất vía.

Liều lĩnh và nghĩa hiệp

Hàng chục trẻ bụi đời dưới trướng của Đại mỗi sáng nhận thùng đánh giày, nhận báo, túa đi làm nhiều nơi, chiều đem tiền về nộp cho “đại ca” Đại. Mới chút tuổi đầu mà Đại đã biết cách thu phục “nhân tâm” bằng cách rất hào phóng - không bao giờ giữ tiền làm của riêng cho mình, mà chia hết tiền cho đàn em.

Nhiều đứa trẻ bụi đời trong nhóm chẳng may bị ế báo hoặc bị mưa ướt hết báo, Đại chẳng những không bắt đền tiền, cũng không chửi bới, đánh đập như những tay anh chị khác, mà còn lấy tiền lời chung để bù đắp, chia phần cho những đứa trẻ không may. Tiếng “lành” đồn xa, trẻ bụi đời các nơi rủ nhau về tề tựu dưới trướng của Đại ngày càng đông.

Năm 1955, khu vực rạp hát Cathay được xây dựng chỉnh trang lại, Đại chuyển sang “hoạt động” tại khu vực Hãng phân bón Khánh Hội ở quận 4.

Một lần nữa, sự liều lĩnh và lì đòn của Đại đã khuất phục được đám trẻ bụi đời ở khu vực Khánh Hội, quanh cầu Ông Lãnh, là khu vực nổi tiếng về giang hồ, dao búa. Lúc ấy, khu vực cầu Mống - Dân Sinh - cầu Ông Lãnh được dân giang hồ gọi là khu Da Heo, do một tay giang hồ nổi tiếng tên là Tám Lâu cai quản. Tất cả người buôn bán đều phải “đóng xâu” cho Tám Lâu để được yên ổn làm ăn.

Một lần chứng kiến thằng nhóc đánh giày từ đâu mới tới đánh đấm ra trò, Tám Lâu thấy có cảm tình, kêu Đại đi nhậu và kết nghĩa anh em. Lúc ấy Tám Lâu phải sợ một tay giang hồ uy thế hơn, tên là Bé Bún, được xem là trùm du đãng quận 4. Bé Bún cậy đông quân, thường kéo qua "thu thuế" bà con tiểu thương chợ vựa Cầu Muối, Tám Lâu phải làm ngơ cho băng của Bé Bún cướp bóc ngay trên lãnh địa của mình.

Một ngày cuối năm 1957, thấy đại ca Tám Lâu thở ngắn than dài chuyện băng đảng của Bé Bún ngày càng lộng hành, Đại Cathay nốc cạn ly rượu và nói: “Anh Tám để đó em lo”. Xong Đại dắt mấy du đãng nhí vác dao qua bến Vân Đồn khiêu khích băng Bé Bún.

Bị xúc phạm, Bé Bún huy động toàn bộ lực lượng tấn công sang khu Da Heo để hỏi tội Tám Lâu, làm Tám Lâu và đám đàn em hoảng sợ bỏ chạy. Trong khi Đại Cathay đã âm thầm cùng các đàn em giăng bẫy, đợi cho băng Bé Bún lọt vào thế trận là đánh tới tấp.

Băng du đãng “người lớn” bị bất ngờ, không kịp trở tay. Đám giang hồ tuổi 16 - 17 tả xung hữu đột, lăn xả vào chém quân Bé Bún, xong xộc thẳng sang cả bên kia cầu, tràn vào cả “thánh địa” của Bé Bún, “tặng” cho tay giang hồ lừng danh này mấy nhát dao. Sau khi ra viện, Bé Bún và đám đồ đệ không dám bén mảng sang giành mối ở khu Da Heo nữa.

Từ đó “đàn anh” Tám Lâu đâm ớn tài nghệ và sự lì lợm của Đại Cathay. Để rồi chỉ cần thêm một vài “phi vụ” nữa, Tám Lâu phải tự giác “nhường ngôi” trùm du đãng khu Da Heo cho Đại Cathay, còn mình thì lui về làm “thái thượng hoàng”. Vậy là, chưa đầy 20 tuổi, Đại Cathay đã trở thành trùm du đãng của khu vực Da Heo, một trong những địa bàn phức tạp nhất Sài Gòn khi ấy.



Đại Cathay và vợ của mình

Trở thành trùm du đãng Sài Gòn

Cả quyền lực và tiền bạc đều đến với Đại Cathay dồn dập trong những năm đầu thập niên 1960. Đến năm 1963, Đại Cathay đã trở thành một ông trùm khét tiếng cả Sài Gòn. Hầu hết các nhà hàng khách sạn, động mại dâm, tiệm hút chích, sàn nhảy ở khu vực quận 1, quận 2, quận 3 đều chịu sự bảo kê của Đại. Các vũ trường nổi tiếng như Olympic, Queen Bee, Barcara, Paramouth đều có phần hùn của Đại dù trên thực tế hắn chẳng cần bỏ ra một đồng nào.

Dù vậy, nguồn lợi lớn hơn cả của Đại Cathay không phải là tiền bảo kê, mà chính giới doanh nghiệp làm ăn lớn mới là những “nhà tài trợ” tình nguyện để Đại nuôi quân. Bù lại, họ nhờ Đại Cathay làm hậu thuẫn khi cần gây sức ép hay giành giật trên thương trường với kẻ khác, hoặc cần thiết phải đòi một món nợ khó đòi nào đó.

Những “khách hàng” của Đại Cathay lúc đó có cả anh em tỉ phú Hoàng Kim Qui (vua kẽm gai), Xí Ngàn mặt rỗ (vua thuốc Bắc), La Thành Nghệ (vua thuốc đỏ) và hơn chục ông vua các ngành nghề khác của người Hoa là những người đều đặn chu cấp cho Đại.

Tuy nhiên, lúc ấy ở Sài Gòn – Chợ Lớn đã có 3 tên tuổi lớn khác trong giới giang hồ, đó đó là Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế.

Thấy Đại Cathay nhỏ mà chơi hỗn, nhiều lần xâm phạm lãnh địa của các đàn anh, Huỳnh Tỳ và Ngô Văn Cái quyết định phối hợp để dằn mặt “thằng nhỏ chưa sạch nước mũi” đã dám “vuốt râu hùm”. Hai tên giang hồ cộm cán này họp nhau tại vũ trường Aristo (sau này là khách sạn Lê Lai, cạnh khách sạn New World).

Được sự hậu thuẫn của một tay giang hồ gộc khác là Ba Thế - chủ vũ trường Aristo – Huỳnh Tỳ và Ngô Văn Cái mời Đại đến vũ trường Aristo để "bàn công chuyện".

Với tính tình lỳ lợm, Đại một mình đến “hang hùm”. Vừa bước vào vũ trường Aristo, Đại bất ngờ bị Ba Thế đá lộn cổ xuống cầu thang, xong 4 đàn em của Thế xông vào chém. Đại vừa đỡ đòn vừa tìm đường thoát thân, mình mẩy đầy thương tích...

Hơn 1 tháng sau, khi những vết thương chưa kịp kéo da non, Đại Cathay đã âm thầm giắt dao đi “đòi nợ”. Cả Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế đều lần lượt bị Đại chém trọng thương. Điều kinh khủng là sau khi chém Huỳnh Tỳ (cố ý chém trọng thương chứ không để chết), Đại “nhắn” với Ngô Văn Cái là tuần sau sẽ tới lượt hắn vì cái tội “chơi bẩn”.

Đúng một tuần sau, Ngô Văn Cái phải ôm đầu máu đi bệnh viện vì những nhát chém rất nghề của Đại cùng với lời nhắn cho Ba Thế... Sau khi cả 3 “đại ca” trong giới giang hồ đều “trả nợ” bằng những nhát dao vừa đủ để thẹo cả đời, những “người lớn” đã biết khiếp sợ, gửi lời xin lỗi Đại Cathay.

Từ đó, danh xưng "Tứ đại thiên vương ĐẠI -TỲ - CÁI -THẾ” trong giới du đãng Sài Gòn đã xuất hiện, chính thức xác nhận Đại Cathay đứng đầu trong giới du đãng Sài Gòn.

Xã hội miền Nam khi ấy với bộ máy quan chức được mua bán bằng tiền, đã dung túng Đại Cathay và đám du đãng, để mặc kệ cho chúng làm mưa làm gió. Thuở ấy Cò Ly, quận trưởng quận 1, đã công khai bảo kê cho Đại. Hàng tháng, Đại đều có những khoản riêng béo bở tuồn vào cửa sau cho vợ ông Cò. Mỗi chiều thứ bảy, cò Ly và Đại Cathay lại sánh vai nhau bước vào các vũ trường, nhà hàng sang trọng ăn chơi, đập phá thâu đêm. Thế giới giang hồ cả Sài Gòn – Chợ Lớn đã về thuần phục với trướng của Đại Cathay. Thằng nhỏ bụi đời thất học ngày nào giờ có thể làm thay đổi cả xã hội Sài Gòn nếu nó muốn.

Mới chút tuổi đầu mà Đại đã biết cách thu phục “nhân tâm” bằng cách rất hào phóng - không bao giờ giữ tiền làm của riêng cho mình, mà chia hết tiền cho đàn em. Nhiều đứa trẻ bụi đời trong nhóm chẳng may bị ế báo hoặc bị mưa ướt hết báo, Đại chẳng những không bắt đền tiền, cũng không chửi bới, đánh đập như những tay anh chị khác, mà còn lấy tiền lời chung để bù đắp, chia phần cho những đứa trẻ không may.

Còn tiếp...
 

thomastr

Rìu Bạc
Vậy mà mình cứ tường Đại Cathay suất thân từ Chợ Lớn.
Ký 2 chừng nào có vậy chụ topic?
 
Sửa lần cuối:

dammage

Rìu Chiến
ngô văn cái còn được gọi là woòng cái do ông này người dân tộc (nhớ không lầm là gốc mường), cỡ mấy ông này năm cam chỉ đáng làm đàn em
 

cyberat


Junior Moderator
Thành viên BQT
hồi đó là giang hồ đầu đường xó chợ, còn bây giờ "cháu nó ở nhà ngoan lắm"
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Kỳ 2: Ngày tàn của Đại Cathay

Sau này, khi nhắc về trùm du đãng Đại Cathay, có ý kiến cho rằng, nếu Đại bớt một chút “giang hồ”, thêm một chút trí tuệ, có lẽ y đã trở thành một “bố già”, một dạng mafia theo kiểu Ý. Cứ ngỡ mình là nhất thiên hạ, xem thường mọi thứ trên đời, sống bạt mạng theo bản năng…, Đại Cathay trở thành cái gai trong mắt của một số người, họ buộc phải nhổ bỏ. Cái chết của Đại Cathay từng làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực ở Sài Gòn…


Sài Gòn thập niên 1960.

Từ chuyện coi trời bằng vung

“Thời ấy, nhiều tướng lĩnh quân đội, cảnh sát vì bất lực cũng có mà vì “đi đêm” với thế giới giang hồ cũng có, họ sẵn sàng dựa vào bọn du đãng để làm hậu thuẫn cho mình. Nhưng chuyện gì cũng có cái ngưỡng của nó.

Sự ngang ngược coi thường luật pháp của Đại Cathay và băng du đãng của hắn ngày càng làm cho những quan chức và cảnh sát ngụy mang tiếng, cảm thấy bối rối.

Với cá tính “cao bồi” của mình, thay vì trị Đại về tội ngông nghênh coi thường pháp luật, tướng Nguyễn Cao Kỳ đã tìm cách chinh phục Đại.

Một lần, tướng Nguyễn Cao Kỳ cho gọi Đại đến gặp và nói giọng bề trên: “Tôi biết anh là người có chí, nhưng luật là luật, anh không thể trốn quân dịch mãi được. Về làm vệ sĩ cho tôi, anh vừa khỏi đăng lính, lại vẫn có quyền hành. Anh cứ suy nghĩ cho kỹ, ba ngày nữa trả lời tôi cũng được”.

Tướng Kỳ vừa dứt lời, Đại Cathay đã trả lời ngay: “Dạ, cảm ơn thiếu tướng đã có thịnh tình chiếu cố. Phiền nỗi tôi đi đâu cũng có cả chục gạc-đờ-co hộ tống, giờ tôi lại làm gạc-đờ-co cho người khác, không lẽ để cho tụi nó thất nghiệp?”.

Tướng Kỳ bị chạm tự ái nhưng vẫn kiềm chế, thuyết phục: “Làm vệ sĩ của tôi, anh là nhân viên công lực của quốc gia, danh giá đâu kém cạnh gì ai? Là quí anh tôi mới bảo thế, chứ nếu cần vệ sĩ tôi đâu thiếu người giỏi”.

Đại Cathay dứt khoát: “Dạ, xin lỗi, tôi không hầu thiếu tướng được…”.

Tướng Kỳ thất bại, đến lượt tướng Sáu Lèo Nguyễn Ngọc Loan - Giám đốc Nha cảnh sát Đô Thành thử thu phục Đại.

Tướng Loan cho mở “Trung tâm bài trừ du đãng” và lập “Biệt đội hình cảnh” được bắn bỏ bất cứ tên du đãng nào nếu chúng gây án và chống lại cảnh sát.

Vừa giương oai, Nguyễn Ngọc Loan vừa muốn thu phục Đại, để qua Đại mà dẹp yên nạn du đãng trên đất Sài Gòn.

Nguyễn Ngọc Loan cho mời Đại Cathay đến Nha Cảnh sát Đô thành và nói: “Tôi sẽ nhận anh vào chức vụ đại úy Phó ty cảnh sát quận 7. Anh được toàn quyền hành động, nhưng phải giúp tôi tiêu diệt hết đám lưu manh du đãng”.

Đại Cathay thẳng thừng từ chối: “Tôi xuất thân du đãng, làm sao có thể quay lưng diệt du đãng được? Nếu tôi nhận lời, du đãng không chém, tôi cũng chết vì thân bại danh liệt”.

Nguyễn Ngọc Loan tiếp tục dằn mặt: “Tôi không ép, nhưng anh phải giải tán băng nhóm, không được lộng hành. Tôi không thể để anh muốn làm gì thì làm!”.

Đại Cathay trả lời: “Giang hồ không có vua, tôi đâu có ra lệnh cho các băng khác được”.

Cuộc gặp kết thúc. Nội dung các cuộc gặp nói trên đã nhanh chóng lan truyền trong giới du đãng và tiếng tăm Đại Cathay càng nổi như cồn trong giới giang hồ vì “dám vuốt râu hùm” Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Ngọc Loan.

Đến cái chết của đại uý Trần Kim Chi

Một buổi tối, Đại và đàn em đến vũ trường Olympic để “đập phá”. Như lệ thường, đám cave ùa tới vây lấy Đại và bọn du đãng, vì sợ cũng có mà vì Đại rất hào phóng cũng có.

Một lúc sau, đám lính của tướng Nguyễn Ngọc Loan trong những bộ đồ rằn ri xộc vào, kéo ghế ngồi, nhưng không thấy cô cave nào đến phục vụ. Một tay thiếu úy tên Hải rời khỏi bàn, đến đứng đối diện với Đại Cathay, hất hàm nói: “Sang bớt cho tụi này mấy em chứ, để bên này ngồi không, coi sao đặng?”.

Một cận thần của Đại là Hải “súng” hất mặt nói: “Đâu có được, trâu chậm phải uống nước đục, trách gì?”.

Tay thiếu úy đưa tay vào bụng cố ý làm lộ khẩu súng và nói: “Đừng chơi quê tụi này chớ!”.

“Thịt người tanh không ăn được, đừng doạ nhau, tụi này không thích!”, Hải “súng” trả lời.

Bị khiêu khích, tên thiếu úy Hải xấn tới chụp lấy tay cô cave kéo về phía mình, tuyên bố: “Không thích cũng bắt!”.

Hải “súng” chụp chai Black and White trên bàn ném mạnh vào mặt đối thủ.

Thiếu úy Hải buông cô cave, tránh đòn và móc súng. Đại Cathay hét lên: “Tụi nó chơi súng, rút, tụi bây”.

Một viên đạn trúng vào đầu gối làm Đại gục xuống. Hải “súng” xốc Đại lên bỏ chạy khỏi vũ trường, trong lúc một đàn em khác là Lâm “chín ngón” có giắt súng theo đã đọ súng cầm chân đám lính, hai bên bắn loạn xạ, nhưng vì đèn trong vũ trường vụt tắt, nên không gây thương vong gì thêm. Nhiều đàn em của Đại Cathay bị cảnh sát truy bắt, tống giam.

Thoát chết trước họng súng của cảnh sát, nhiều “chiến hữu” lại bị cảnh sát bắt giam, Đại Cathay như biết điều hơn. Một buổi tối, Đại bao nguyên nhà hàng Paramouth mời đại úy cảnh sát Trần Kim Chi đến dự tiệc.

Đại mở lời: “Nếu đại úy chịu tha một số anh em của tôi vừa bị bắt, chúng tôi sẽ không quên ơn anh…”.

Viên đội trưởng “Biệt đội hình cảnh” cũng thuộc loại ngang tàng, từ chối thẳng thừng: “Ăn nhậu là ăn nhậu, bắt là bắt. Nếu anh mời tôi đến đây là để mặc cả thì coi như tàn tiệc, tôi xin kiếu!”.

Bình thường thì có lẽ máu côn đồ của Đại Cathay sẽ nổi lên, nhưng do đang yếu thế nên Đại vẫn nhỏ nhẹ: “Ồ không không. Nếu đại úy không ưng thuận thì thôi”.

Sau buổi tiệc đó không lâu, đại úy Trần Kim Chi đã bị một chiếc xe chở gỗ bất ngờ đụng ngang qua chiếc xe hơi CV2 của ông ta khi viên đại úy này đang đi công vụ trên xa lộ, làm ông ta chết tại chỗ, chiếc xe gây tai nạn bỏ chạy mất. Cả giới du đãng Sài Gòn và lực lượng cảnh sát ngụy đều cho rằng chính Đại Cathay đã sát hại đại úy Trần Kim Chi.
Đại Cathay và vợ của mình


Ngày tàn của Đại Cathay

Tháng 8.1966, Đại bị mời tới Tổng nha cảnh sát. Đại vẫn nghĩ rằng như bao lần khác, tướng Loan mời hắn đến để thuyết phục, cộng tác. Thế nhưng, tên trùm du đãng đã không thể lường trước tình huống xấu nhất, hắn bị bắt giam.

Ngày 28.11.1966, Đại bị đưa ra giam giữ tại đảo Phú Quốc. Cùng bị lưu đày hải đảo với Đại Cathay có một số giang hồ cộm cán như Bảy “si” (anh vợ Năm Cam sau này), Lâm “chín ngón”, Hải “súng”...

Trên đảo Phú Quốc, Đại và băng nhóm bị nhốt trong “Trung tâm hướng nghiệp” do Nguyễn Ngọc Loan thành lập nhằm bài trừ du đãng.

Gọi là “hướng nghiệp”, nhưng kỳ thực đám du đãng suốt ngày chỉ ngồi đánh mạt chược. Một hôm, đang đánh mạt chược, Đại Cathay bảo: “Gọi “hướng nghiệp” nghe chán thấy mẹ, đặt lại tên cho nó đi!”.

Bác sĩ Nghiệp, một du đãng có học đề xuất: “Bốc đại một con mạt chược, trúng con gì, đặt tên đó”. Đại Cathay quơ được con Cửu Sừng, vậy là “Trung tâm hướng nghiệp Phú Quốc” nghiễm nhiên trở thành “Trại Cửu Sừng”.

Vô tình, “Trại Cửu Sừng" trở thành nơi làm cho bọn du đãng kết tình “huynh đệ” sâu nặng hơn, để sau này khi được thả về đất liền, chúng tiếp tục trở thành những băng nhóm du đãng còn dữ dội hơn trước lúc ra đảo.

“Trại Cửu Sừng” như một con dấu để xác nhận “đẳng cấp giang hồ”, tên nào từng ngồi ở “Trại Cửu Sừng” sau này nghiễm nhiên trở thành đàn anh, được những tên du đãng trong đất liền nể phục, tôn làm đại ca.

Từ khi trở thành trùm du đãng Sài Gòn với cuộc sống đế vương, Đại có nhiều mối tình, nhưng cuộc tình sâu nặng nhất của Đại là với cô gái tên Nhân - con gái chủ tiệm đồ gỗ Đồng Nhân nổi tiếng ở Sài Gòn.

Khi Đại và đám đàn em bị tống ra đảo Phú Quốc, Nhân treo số tiền 1,5 triệu đồng, là số tiền cực lớn lúc đó, cho ai có cách cứu Đại Cathay đem về đất liền.

Món hời này đã được đại tá Long - một sĩ quan thuộc lực lượng Hải quân chỉ huy tàu tuần lưu - nhận giúp đỡ. Kế hoạch vượt ngục được triển khai, theo đó, đám lính gác sẽ làm ngơ cho Đại Cathay và một số đàn em trốn ra khỏi trại. Một xuồng máy chờ sẵn dưới bãi biển để đưa đám tù ra khơi, rồi có tàu hải quân rước Đại về đất liền.

Theo đúng kế hoạch, Đại Cathay và khoảng một chục đàn em vượt ngục. Nửa đêm 7.1.1967, Đại Cathay dẫn cả bọn đàn em đào thoát ra ngoài. Theo sự phân công của Đại Cathay, đám tù trốn trại chia làm hai tốp. Tốp thứ nhất gồm năm tên đi trước để nghi binh. Tốp thứ hai, có Đại Cathay và Hải “súng” chạy theo hướng bờ biển.

Thế nhưng, khi cả hai tốp vừa vọt ra khỏi vòng rào thì phía trại báo động inh ỏi. Tốp thứ nhất bị bắt lại ngay. Đại Cathay và Hải “súng” vội đổi kế hoạch, không xuống bờ biển mà chạy vào khu núi Tượng.

Cùng lúc, có tiếng của nhiều chiếc máy bay trực thăng trên đầu, cùng ánh sáng của hỏa châu. Nhiều loạt đạn từ máy bay bắn xuống, người ta còn nghe nhiều tiếng la hét vọng ra từ rừng sâu. Kể từ đó không ai còn gặp đại Cathay nữa.

Lúc đó, dư luận ở Sài Gòn đặt ra nhiều khả năng về sự biến mất của Đại Cathay, như: Đại đã bỏ mạng vì những loạt đạn lúc nửa đêm trên núi Tượng, rồi rơi xuống vực sâu mất xác; Đại đã trốn thoát rồi vượt biển qua Campuchia, đi luôn ra nước ngoài lánh nạn. Cũng có tin đồn là Đại đã lần về được Sài Gòn và sống ẩn dật với cô vợ tên Nhân…

Sau đó, cái chết của Đại Cathay cũng dần sáng tỏ: Biết không trị nổi Đại Cathay, nhất là sau cái chết của đại úy Trần Kim Chi, tướng Nguyễn Ngọc Loan tìm cách loại trừ Đại. Biết cô Nhân - vợ Đại đang tìm cách tổ chức cho chồng vượt ngục, Nguyễn Ngọc Loan đã chỉ đạo dàn dựng một cuộc vượt ngục như thật, qua đó hạ sát Đại.

Một tiểu đội biệt kích do thiếu úy Trần Tử Thanh chỉ huy, được trực thăng chở từ Sài Gòn ra Phú Quốc thực thi nhiệm vụ. Diệt xong Đại, toán biệt kích dù đắp mộ chôn không để lại dấu vết.

Chính thiếu úy Trần Tử Thanh sau này đã từng huênh hoang khoe với nhiều phóng viên của một số tờ báo ở Sài Gòn trước 1975 rằng chính tay y đã nổ súng hạ gục Đại Cathay.

Còn tiếp...
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Kỳ 3: Huỳnh Tỳ và những ân oán với Năm Cam

Trùm xã hội đen Năm Cam từng làm mưa làm gió ở Sài Gòn và kết thúc bằng vụ án “Năm Cam và đồng bọn” năm 2003. Năm Cam cũng xuất thân từ du đãng Sài Gòn trước năm 1975. Người “dìu dắt” Năm Cam vào thế giới tội ác chính là “nhị ca” Huỳnh Tỳ trong “Tứ đại thiên vương” thống lĩnh giang hồ Sài Gòn khi ấy là Đại - Tỳ - Cái - Thế (Đại Cathay - Huỳnh Tỳ - Ngô Văn Cái - Nguyễn Kế Thế).

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong khi nhiều “anh chị” đã chết, thân tàn ma dại vì ma túy và bệnh tật, thì Huỳnh Tỳ vẫn “gượng” lại được, trở thành “đồ đệ” của Năm Cam, mặc dù trước giải phóng là đàn anh của “ông trùm” này.

Trùm du đãng có học thức


Huỳnh Tỳ vào thập niên 1960.

Huỳnh Tỳ là trường hợp trùm du đãng hiếm hoi không xuất thân từ trẻ bụi đời, thất học. Huỳnh Tỳ tên thật là Nguyễn Thuận Lai, sinh năm 1944 tại quận 1, Sài Gòn, trong 1 gia đình yên ấm, được cha mẹ cho học hành đàng hoàng, đến hết lớp đệ tam (lớp 10).

Cậu học sinh Thuận Lai hiền lành, chăm chỉ, học giỏi đều các môn, đặc biệt yêu thích thơ văn. Năm 1960, khi học hết đệ tam, để nhường sự học cho các em, Thuận Lai rời mái trường lao vào cuộc mưu sinh phụ giúp gia đình. Lúc ấy cha của Thuận Lai làm nghề lái xe đò đường dài tuyến Sài Gòn - Pleiku, Thuận Lai theo cha học nghề lơ xe.

Nghề lơ xe tiếp xúc với đủ mọi thành phần trong xã hội, đã sớm làm cho cậu thư sinh hiền lành trở thành tay “anh chị” trên tuyến đường.

Tiếp thu nhanh ngõ ngách nghề đi xe đường dài từ cha, cộng với trình độ học vấn khá, Thuận Lai dần trở thành tay lơ xe bản lĩnh.

Đi xe đò đường dài, chuyện tranh giành khách giữa các xe, rồi “câu giờ” để rước thêm khách... xảy ra như cơm bữa. Các tài xế và lơ xe thường giải quyết nhau theo luật giang hồ, ai mạnh thì thắng, ai yếu phải chịu lép vế. Thuận Lai sẵn sàng tỉ thí với các lơ xe khác để giành khách.

Do cha bị bệnh không tiếp tục lái xe đường dài, Thuận Lai cũng chấm dứt 2 năm rong ruổi trên đường, trở về quận 1 tìm kế mưu sinh.

Thời ấy ở đường Lê Lai, quận 1 có một rạp hát nổi tiếng tên là Aristo. Năm 1955, gánh hát Kim Chung của ông bầu Long từ Hà Nội vào Sài Gòn đã lấy rạp Aristo làm “hậu cứ”.

Ăn theo gánh hát, nhiều quán ăn, quán nước trên đường Lê Lai mọc lên như nấm. Khu vực này trở nên náo nhiệt, đồng thời cũng kéo theo không ít dân trộm cắp, móc túi, trẻ bán báo, đánh giày từ các nơi tìm đến làm ăn.

Khu vực này lại nằm giữa một bên là chợ Bến Thành, một bên là ga xe lửa Sài Gòn, vì vậy mà sự náo nhiệt, phức tạp càng tăng lên theo đà sôi động của khu chợ và nhà ga. Nơi đây cũng ra đời các loại dịch vụ cho giới lưu manh trộm cắp như sòng bài, động chích, tiệm hút, đĩ điếm...

Thuận Lai nhờ có 2 năm “chinh chiến” bằng nghề lơ xe, đã tỏ rõ sự hơn trội so với các băng “tép riu”. Thuận Lai cùng với 2 tay anh chị khác tên Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế đứng ra nhận bảo kê toàn bộ các dịch vụ nhám nhúa này.

Lúc mới từ Hà Nội vào, bầu Long và gánh hát Kim Chung đã thu dụng một loạt các tay đao búa từng nổi tiếng một thời ngoài Hà Nội để làm chân bảo vệ.

Thời ấy, gánh hát nào cũng có lực lượng bảo vệ “đầu gấu” để đối phó với nạn côn đồ. Đám bảo vệ đầu gấu của gánh hát Kim Chung không chỉ giữ yên cho gánh hát, mà còn hay tụ tập tại quán Kiều Chánh cạnh rạp Aristo để giương oai. Nhiều trận hỗn chiến tóe lửa giữa nhóm của Thuận Lai với đám bảo vệ này đã xảy ra, cuối cùng phần thắng đã thuộc về Thuận Lai.

“Làm gỏi” được nhóm bảo vệ của bầu Long, Thuận Lai và đám chiến hữu kéo đến đập phá gánh hát Kim Chung. Để yên thân, bầu Long đã hạ mình đến gặp Thuận Lai xin lỗi về chuyện “thất lễ” đã qua, rồi mời băng của Thuận Lai làm bảo kê cho gánh hát Kim Chung.

Cứ thế, băng du đãng “Tam đầu chế” Thuận Lai, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế nổi lên khắp khu vực trung tâm Sài Gòn, lan ra cả quận 1, chúng thường tụ tập nhậu tại rạp hát Aristo, nên được giang hồ gọi luôn là băng Aristo.

Cách thức hoạt động của băng Aristo do Thuận Lai cầm đầu là cho đàn em đi quậy phá nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp nào đó trên địa bàn. Xong Thuận Lai tới đặt vấn đề bảo kê để không bị quấy phá. Cứ vậy, dần dần hầu hết giới làm ăn, buôn bán trong khu vực đều trở thành “tá điền”, hàng tuần phải “nộp tô” cho băng nhóm Thuận Lai.

Lúc này, để trốn không đi lính, Thuận Lai phải làm giấy cho nhỏ tuổi, thay đổi họ tên, từ Nguyễn Thuận Lai thành Huỳnh Tỳ. Cái tên Huỳnh Tỳ bắt đầu xuất hiện khoảng năm 1963 và nhanh chóng trở thành nỗi khiếp sợ đối với những người làm ăn lương thiện ở quận 1.

Bị Đại Cathay thu phục

Khoảng năm 1964, băng du đãng Đại Cathay sau khi thống lĩnh cả giới giang hồ quận 4, bắt đầu chồm sang quận 1, khu vực của Thuận Lai. Lãnh địa của 2 băng du đãng khét tiếng ở Sài Gòn bắt đầu “chồng lấn” lên nhau, đã xảy ra một vài vụ đụng chạm giữa đàn em của Huỳnh Tỳ và Đại Cathay.

Vừa bực tức vừa lo sợ, Huỳnh Tỳ bàn với hai phó tướng là Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế tìm cách loại Đại Cathay ra khỏi thế giới giang hồ Sài Gòn. Một buổi tối, Huỳnh Tỳ bày tiệc trên lầu rạp hát Aristo, mời Đại Cathay tới gặp gỡ để thông cảm cho những va chạm đã qua của bọn đàn em.

Lúc ấy, giới giang hồ Sài Gòn vẫn đánh giá cao trình độ học vấn của Huỳnh Tỳ, so với Đại Cathay không viết nổi tên mình. Thế nhưng, từ sau cuộc đụng độ giữa Huỳnh Tỳ và Đại Cathay, cách nhìn của giới giang hồ đã thay đổi, khi mà kẻ có học lại cư xử khá “vô học”, còn kẻ thất học lại rất “quân tử”.

Được Huỳnh Tỳ gửi thư mời tới dự tiệc giảng hòa, Đại Cathay không mảy may nghi ngờ, một mình từ quận 4 sang quận 1, vào rạp hát Aristo. Chỉ có sự may mắn và khả năng chịu đựng dao búa mới giúp cho Đại thoát chết. Chưa lên hết cầu thang, Đại cảm thấy chột dạ khi mà nụ cười đón khách của Huỳnh Tỳ có cái gì đó thâm hiểm chứ không đường hoàng, trong sáng của kẻ có học.

Chưa kịp chào hỏi, Đại bất ngờ bị Nguyễn Kế Thế đá lộn cổ xuống thang lầu. Cùng lúc 4 tên đàn em của Huỳnh Tỳ xông ra chém Đại tới tấp. Vừa đỡ đòn, Đại vừa đánh trả để mở đường máu. Khi lao được ra ngoài đường, mình mẩy máu me đầm đìa, Đại được đàn em cõng chạy về phía chợ cầu Ông Lãnh...

Khi những vết thương còn chưa kéo da non, Đại Cathay đã một mình lặng lẽ giắt dao đi sang quận 1 để giải quyết ân oán giang hồ. Đàn em đòi đi theo, Đại kiên quyết không cho, vì đây là chuyện cá nhân của Đại, để một mình Đại giải quyết.

Chính cách cư xử đầy bản lĩnh và anh hùng của Đại Cathay, so với cách đánh lén hèn hạ của Huỳnh Tỳ trước đó, đã làm cho Đại Cathay nổi lên như cồn sau vụ đụng độ này. Không biết bằng cách nào, mà cả Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế đều lần lượt nhận đúng 1 nhát dao của Đại vừa đủ để thẹo suốt đời.

Nhắm thế không thể đối đầu Đại Cathay, mà cũng thấy nhục trong giới giang hồ sau vụ đụng độ đầy tai tiếng này, Huỳnh Tỳ đành bắn tiếng cầu hòa, xin gia nhập vào băng của Đại Cathay. Để rồi sau đó, băng Aristo vĩnh viễn bị xóa sổ, quân tướng của Aristo về qui phục dưới quyền của một đại ca duy nhất là Đại Cathay.

Cuộc hợp nhất giang hồ vào cuối năm 1964 đã xóa sổ cái tên Aristo, đẻ ra danh xưng “Tứ đại thiên vương” Đại-Tỳ-Cái-Thế, cùng với việc danh tiếng của Đại Cathay càng lừng danh gấp bội khắp Sài Gòn.

Ân oán giang hồ với Năm Cam

Huỳnh Tỳ lớn hơn Năm Cam 3 tuổi. Vào đầu thập niên 1960, khi đã nổi danh trong “Tứ đại thiên vương”, Huỳnh Tỳ có thu nhận 1 đàn em tên là Năm Cam, cho làm bảo vệ trong các vũ trường.

Đàn em Năm Cam không giỏi về đánh đấm nhưng tỏ ra “mưu lược” nên được Huỳnh Tỳ tin dùng. Chính Huỳnh Tỳ đã cứu Năm Cam thoát nạn trong một vụ thanh toán bằng súng ngay trong vũ trường.

Sau ngày giải phóng, cả Huỳnh Tỳ và Năm Cam đều không từ bỏ “nghề” du đãng, nhiều lần vào tù ra khám. Năm Cam dần dần củng cố thế lực, đến đầu thập niên 1990 trở thành ông trùm của xã hội đen ở TPHCM.

Huỳnh Tỳ vốn nghiện nặng, thường xuyên đói thuốc, hoàn cảnh gia đình khó khăn khi vợ mất để lại cho 2 đứa con nhỏ dại. Không băng nhóm, không nghề nghiệp, Huỳnh Tỳ phải xoay sang mánh mung cò con như lắc bầu cua, chích dạo ma túy...

Đầu năm 1992, Huỳnh Tỳ lén lút mở sòng bạc tại một con hẻm trên đường Lê Lai. Biết chuyện, Năm Cam ra lệnh dẹp, vì chỉ có Năm Cam mới có cái quyền mở sòng bạc ở Sài Gòn. Huỳnh Tỳ không nghe, ngay lập tức, sòng bạc này liên tục bị khám xét. Biết là Năm Cam ra tay, Huỳnh Tỳ phải đến mời Năm Cam hùn vốn danh nghĩa, sòng bạc tiếp tục hoạt động. Đến cuối 1992 thì chấm dứt, tên tuổi của Năm Cam bị đưa lên một tờ báo ở Sài Gòn vì những hoạt động bảo kê.

Cho rằng Năm Cam sắp hết thời, Huỳnh Tỳ không chịu cống nộp tiếp. Đầu năm 1993, sòng bạc của Huỳnh Tỳ bị bắt quả tang, nhiều nhân viên của sòng phải tra tay vào còng. Huỳnh Tỳ may mắn thoát được, bị truy nã. Huỳnh Tỳ phải đến tạ tội với Năm Cam xin nghĩ tới ân tình cũ mà cứu giúp. Năm Cam dang tay đón nhận Huỳnh Tỳ, giao quản lý các sòng bạc khác ở quận 4, quận 8 và Biên Hòa.

Tháng 9.1995, Năm Cam lại bị báo chí phanh phui. Lần này, Huỳnh Tỳ lại trở mặt không cung phụng cho Năm Cam. Không lâu sau đó, Năm Cam bị bắt đi cải tạo. Khi đi cải tạo về, Năm Cam rất giận Huỳnh Tỳ là người có học mà cư xử “vô học”. Từ đó giữa Năm Cam và Huỳnh Tỳ không còn ân nghĩa anh em gì nữa.

Bị thất sủng, nhưng đó lại là điều may mắn cho Huỳnh Tỳ. Bởi nếu được Năm Cam tha thứ, thu nạp lại một lần nữa, chắc hẳn sau đó Huỳnh Tỳ không thoát khỏi là bị cáo trong chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” gây xôn xao cả nước.

Còn tiếp...
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Kỳ 4: Điền Khắc Kim – tên du đãng “sính ngoại”

Cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, cái tên Điền Khắc Kim nổi trội hơn cả trong giới giang hồ Sài Gòn. Điền Khắc Kim là cái tên duy nhất trong thế giới tội phạm Sài Gòn chiếm được cảm tình của nhiều người dân thành phố này. Lý do: Điền Khắc Kim chỉ gieo tội ác nhắm vào người Mỹ. Một “phi vụ” của Điền Khắc Kim thường gồm 2 phần: Cướp số tiền lớn của một người Mỹ nào đó và hãm hiếp vợ của nạn nhân…

Chỉ nhắm vào người Mỹ

Vào giữa tháng 2.1968, báo chí Sài Gòn loan tin một vụ cướp khác lạ. Ở thành phố phức tạp hàng ngày diễn ra bao vụ cướp giật này, vụ cướp nói trên được dư luận chú ý bởi lẽ: Tên cướp đã đột nhập vào nhà một kỹ sư công chánh người Mỹ trên đường Trần Quang Khải. Sau khi khống chế bà vợ ông kỹ sư, cướp số tài sản trị giá khoảng 17 triệu đồng (lúc đó vàng 25.000đồng/lượng) tên cướp còn hãm hiếp nạn nhân (một phụ nữ Mỹ đã đứng tuổi), xong mới tẩu thoát.

Mấy tháng sau, những gia đình người Mỹ ở Sài Gòn càng hoang mang cao độ khi liên tiếp 3 vụ cướp tương tự được lặp lại, với cùng một kiểu cách. Đặc biệt, các vụ cướp xảy ra tại cùng một cư xá Mỹ trên đường Trần Cao Vân, quận 1. Tên cướp đã lần lượt dọn sạch những tài sản có giá trị trong 3 căn hộ, với tổng số tiền bị cướp khoảng 11 triệu đồng. Cả 3 bà vợ Mỹ chủ nhà đều lần lượt bị tên cướp khống chế cưỡng hiếp.

Dư luận Sài Gòn như “sôi” lên khi xuất hiện nạn nhân thứ 5 là bà Calorine - vợ của Giám đốc Hãng băng đĩa Columbia nổi tiếng. Câu chuyện càng nhuốm màu huyền bí khi cảnh sát không lần ra chút manh mối nào về tên cướp. Bóng ma cướp của – hãm hiếp trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các gia đình người Mỹ hoặc các bà mệnh phụ có chồng người Mỹ sống ở Sài Gòn. An ninh tại các cư xá Mỹ được tăng cường tối đa, cảnh sát thay nhau canh gác 24/24h ở những nơi có đông gia đình người Mỹ sinh sống.

Dù vậy, tên cướp vẫn cứ ung dung hành động. Tháng 11.1969, hắn đột nhập nhà một gia đình chồng Mỹ vợ Việt ở cư xá Đô Thành. Sau khi khống chế cô chủ nhà xinh đẹp, lấy 6 triệu đồng, tên cướp bắt đầu giở trò, cởi áo nạn nhân... Thế nhưng, hắn không cưỡng hiếp nạn nhân như những lần trước, mà lạnh lùng xách túi tiền bỏ đi. Quá ngạc nhiên, cô gái nạn nhân buột miệng hỏi: “Anh tên gì?”. Tên cướp sững người một chút, rồi trả lời: “Điền Khắc Kim! Tôi chỉ trả thù người Mỹ chứ không hại cô”, xong lao ra ngoài đường.

Ngày hôm sau, trên trang nhất tất cả các tờ báo ở Sài Gòn đều đăng tên Điền Khắc Kim thật to. Thế nhưng cái tên Điền Khắc Kim vẫn tiếp tục bí ẩn. Nhiều tờ báo đã nhảy vào làm loạt bài điều tra về tên cướp Điền Khắc Kim. Một cuốn sách “mì ăn liền” cũng kịp ra đời với bao thêu dệt kỳ bí, giật gân về 1 tên cướp “trả thù dân tộc”


Báo chí ở Sài Gòn đều đăng tên Điền Khắc Kim rất lớn

Sa lưới

Lại những vụ cướp – hãm hiếp đầy bí ẩn nhắm vào những gia đình người Mỹ. Để rồi một chút sơ suất đã làm cho Điền Khắc Kim phải sa lưới.

Tháng 5.1970, tên cướp đột nhập vào nhà Giám đốc Hội cha mẹ nuôi quốc tế trên đường Trần Quí Cáp (nay là Võ Văn Tần) lúc 2 vợ chồng người Mỹ đang ân ái. Tên cướp đã dùng súng khống chế, bắt trói người chồng, nhét giẻ vào miệng, đem nhốt vào nhà tắm, thu gom tiền bạc, rồi hiếp bà vợ. Trong phòng tắm, tay giám đốc cởi được dây trói, bí mật gọi cảnh sát… Điền Khắc Kim bị bắt, ra tòa lãnh án 20 năm tù.

Trong trại giam Chí Hòa, Điền Khắc Kim được đám tù du đãng, trộm cướp xếp vào hàng “đại ca” bởi tiếng đồn “trả thù dân tộc”, chuyên nhắm vào người Mỹ. Chẳng bao lâu, Điền Khắc Kim vượt ngục, thông tin này lại làm cả Sài Gòn hồi hộp, nhất là trong các gia đình người Mỹ, họ tăng cường cảnh giác cao độ. Vì vậy mà khi Điền Khắc Kim lại liều lĩnh đột nhập vào nhà một thiếu tá Mỹ để cướp - hiếp, tay sĩ quan Mỹ đã móc súng chống trả, Điền Khắc Kim bị trúng đạn vào bụng, quỵ ngay tại chỗ.

Tại Tổng Y viện Cộng hòa (nay là Quân y viện 175), cơ thể quấn đầy bông băng, ngay trước mũi của những cảnh sát đứng gác ngày đêm, Điền Khắc Kim cưa còng trốn thoát. Ngay sau đó, Điền Khắc Kim lại đột nhập vào một nhà doanh nhân người Mỹ ở số 190 đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), cướp được 5.000 USD và 20 triệu đồng.

Cũng với trò cũ, sau khi gom tiền, hắn hãm hiếp nữ chủ nhà. Bất ngờ ông chồng về, một cuộc đọ súng nổ ra, cả 2 tay súng đều bị trúng đạn và nằm quỵ tại hiện trường. Điền Khắc Kim lại vào tù. Lần này, trại giam Chí Hoà dành sự “quan tâm” đặc biệt hơn, nên Điền Khắc Kim hết đường vượt ngục. Tới lúc này, động cơ “trả thù” nhắm vào người Mỹ của Điền Khắc Kim mới dần được hé lộ qua câu chuyện mà hắn tâm sự với bạn tù.

Hận lính Mỹ…


Điền Khắc Kim.

Điền Khắc Kim tên thật là Lê Văn Minh, con trai thứ hai trong một gia đình nghèo ở làng Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp. Khi bị cô gái mà hắn tha không hiếp hỏi tên (đã kể ở trên), Minh bị bất ngờ, không biết trả lời thế nào, nên nói đại cái tên Điền Khắc Kim mà hắn đọc thấy ở đâu đó trong truyện Tàu. Để rồi cái tên Điền Khắc Kim đi theo hắn suốt cả đời. Gia đình Minh có bốn chị em, cha mất sớm, toàn bộ gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người mẹ ốm yếu. Minh phải hàng ngày dậy sớm phụ mẹ bán bánh mì. Tuổi thơ vất vả và thiếu thốn khiến Minh không lớn nổi, gầy gò, đen đúa, nên có biệt danh là Minh “con”.

Gần nhà Minh có cô bé tên Diễm, nhỏ hơn Minh 1 tuổi. Nhà Diễm cũng nghèo, người cũng đen đúa, ốm đói như Minh “con”, nên có biệt danh Diễm “đèo”. Làng Hạnh Thông Tây có nghề làm pháo gia truyền, quanh năm suốt tháng đầy những tiếng đì đùng của pháo. Minh nhặt pháo rơi rớt trong làng, cất để dành, chờ cho Diễm đi ngang qua là đốt ném cho vui. Diễm sợ khóc thét lên, Minh lại xin lỗi, dỗ dành. Hai đứa trẻ nghèo cứ lớn dần theo thời gian, tình cảm khác lạ trong chúng cũng đâm chồi, nảy nở theo tuổi tác.

Rồi lính Mỹ ồ ạt vào miền Nam. Khu vực Hạnh Thông Tây mọc đầy trại lính, sở Mỹ, cuộc sống sôi động và phức tạp hẳn lên. Cái xóm nghèo của Minh “con” bắt đầu mọc lên những quán rượu, nhà chứa, snack-bar để lính Mỹ giải sầu. Tuổi 16, Diễm “đèo” môi ửng hồng, ngực đã chớm nở... Một ngày nọ, Minh “con” bỗng thẫn thờ khi nhìn thấy Diễm lột xác thành một Hélen Diễm trong quán bar mới mở, mặc váy ngắn cũn cỡn, cặp tay lính Mỹ. Rồi Minh cũng bị cuốn vào cuộc sống xô bồ, phức tạp đó, trở thành một thằng ma cô chuyên dắt mối cho gái điếm.

Làm ma cô phải làm luôn nhiệm vụ bảo kê cho gái điếm, Minh bắt đầu biết đánh đấm, thậm chí đâm chém, đối đầu với giang hồ từ nơi khác kéo tới... Cậu bé hiền lành ngày xưa đã trở thành thằng ma cô lầm lì với vết sẹo dài vắt qua má trái - hậu quả của một trận thư hùng. Rồi Minh bỏ nhà đi làm “giang hồ” ở khu chợ Dân Sinh, quận 1, định kiếm thật nhiều tiền sẽ quay về tìm Diễm.

Chưa tới một tháng sau, Minh tình cờ đọc thấy mẩu tin trên báo: “Một cô gái điếm cỡ 18 tuổi bị một toán lính Mỹ thay nhau hãm hiếp rồi lột truồng vứt xác ngoài bãi rác ở Gò Vấp”. Nhìn khuôn mặt nạn nhân, Minh “con” biết ngay là Diễm “đèo”. Hắn như điên dại, chạy như bay về Hạnh Thông Tây, cũng là lúc cỗ quan tài của Hélen Diễm vừa hạ huyệt! Mối tình đầu câm lặng của Minh kết thúc quá bi thảm. Minh càng trở nên lầm lì, hắn tìm mua một khẩu Colt 45 với mấy băng đạn giắt vào bụng rồi lặng lẽ đi vào trong đêm tối. Sau đó là hàng loạt các vụ cướp của, hãm hiếp nhắm vào gia đình những người Mỹ sinh sống trên đất Sài Gòn.

Kết cục bệ rạc…

Đầu năm 1975, Điền Khắc Kim và một loạt tù trọng án tại quân lao Gia Định bị chính quyền Sài Gòn đày ra Côn Đảo. Khi Côn Đảo giải phóng, lợi dụng tình hình lúc giao thời, Điền Khắc Kim và nhiều tên tù hình sự khác đã chạy thoát ra ngoài rừng. Một thời gian sau, Điền Khắc Kim đã bị lực lượng quân quản của đảo bắt giữ, đưa về đất liền, giam giữ tại trại giam Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Tại đây, vào tháng 5.1978, Điền Khắc Kim đã cạy vách nhà xí phòng giam trốn trại về Sài Gòn, ẩn náu tại nhà vợ bé của y ở đường Hưng Phú, quận 8. Điền Khắc Kim bị công an phát hiện và bắt giữ, đưa lên cải tạo tại trại Tống Lê Chân (Sông Bé). Ngồi trại đến tháng 7.1983, hắn lại trốn về Sài Gòn, gây ra hàng loạt vụ cướp mới.

Đa số nạn nhân của tên cướp hết thời đều là đàn bà, con nít, những kẻ yếu ớt, cô đơn. Một lần, vừa cướp được một chiếc xe đạp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thì hắn bị công an tóm tại trận. Trở vào trại giam, Điền Khắc Kim vận công, gồng bụng làm bục vết thương Mỹ bắn ngày nào. Được công an đưa vào Bệnh viện Bình Dân cấp cứu. Ba giờ sáng, lợi dụng lúc anh công an gác cửa ngủ gục, hắn lại bẻ còng trốn thoát.


Còn tiếp...
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Kỳ 5: Lâm “chín ngón” nặng ân oán với Năm Cam

Lâm “chín ngón” có “duyên nợ” cả với trùm du đãng trước năm 1975 là Đại Cathay và trùm xã hội đen sau này là Năm Cam. Nếu như Đại Cathay đưa Lâm “chín ngón” lên hàng “chiếu trên” của thế giới giang hồ Sài Gòn thì Năm Cam là người đặt dấu chấm hết cho cuộc đời du đãng của Lâm “chín ngón” với cú tạt axít kinh hoàng.

Hai lần cứu Đại Cathay thoát chết


Lâm “chín ngón” thời trẻ.

Lâm “chín ngón” tên thật là Lê Ngọc Lâm, sinh năm 1945 tại Hà Tây, sau cùng gia đình di cư vào Nam lúc mới 9 tuổi. Năm 12 tuổi, Lâm thành trẻ bụi đời, được đưa vào làng cô nhi Thủ Đức. Tại đây, Lâm đã lần ra ngoài, nhập vào đám quân bụi đời, bán báo trước làng cô nhi... Năm 1963, Lê Ngọc Lâm bị bắt quân dịch, nhưng đã bỏ trốn về Sài Gòn sống lang thang, được Đại Cathay nhận vào băng du đãng mới nổi lên ở khu Da Heo quận 1. Có chút học thức, đánh đấm giỏi, lại lỳ đòn, Lâm nhanh chóng được Đại Cathay tin dùng. Không bao lâu, Lâm trở thành trợ thủ đắc lực của Đại.

Một lần, Đại Cathay dắt quân tập kích vào khu vực rạp Hào Huê ở quận 5, là lãnh địa của băng du đãng Hắc Đạo người Hoa do Tín Mã Nàm làm thủ lĩnh. Băng Hắc Đạo không đương đầu nổi với băng của Đại Cathay, nên bỏ chạy. Say men chiến thắng, Đại bị băng Hắc Đạo dụ chạy sâu vào trong các con hẻm, sau đó hạ cửa sắt bít đường rút đầu các hẻm lại và phản công. Đại và các “chiến hữu” rơi vào cửa tử, bị đánh, chém tơi tả, chống cự trong vô vọng. Lâm đã liều chết mở đường máu, tả xung hữu đột giúp Đại Cathay tháo chạy thoát thân. Trong trận này, Lâm bị chém rớt ngón cái trên bàn tay phải và chính Đại Cathay đặt cho Lâm biệt danh “chín ngón” từ đó.

Lần khác, vào năm 1966, tại nhà hàng Olympic, Đại Cathay và các “chiến hữu” bất ngờ bị đám vệ sĩ của tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan tấn công bằng vũ khí “nóng” (dùng súng). Đại Cathay bị bắn bể đầu gối, nằm quỵ xuống sàn, Lâm “chín ngón” đã lấy thân che đạn cho “chủ tướng”, vừa bắn chặn đối phương vừa dìu Đại Cathay thoát khỏi “chiến địa” nồng nặc mùi khói súng.

Cuối năm 1966, Tổng giám đốc Nha Cảnh sát Đô thành - tướng Nguyễn Ngọc Loan mở chiến dịch bài trừ du đãng. Hàng loạt du đãng cộm cán ở Sài Gòn bị bắt, trong đó có Đại Cathay và Lâm “chín ngón”. Cả bọn bị chở ra đảo Phú Quốc, ở trại Cửu Sừng. Đầu năm 1967, Đại Cathay cùng một nhóm tù du đãng tổ chức vượt ngục với kế hoạch khá mạo hiểm. Biết cuộc vượt ngục này “lành ít dữ nhiều”, Đại Cathay không muốn cho Lâm “chín ngón”, người ơn đã 2 lần cứu Đại thoát chết, tham gia.

Theo ý của Đại, nếu lỡ “có bề nào” thì “sự nghiệp” của Đại cũng còn có người đáng tin cậy là Lâm “chín ngón” nối nghiệp. Trước khi chia tay không biết là sinh ly hay tử biệt, Đại bắt Lâm thề phải bỏ ma túy, đồng thời tự tay Đại chích 1 liều ma túy cuối cùng cho Lâm “chín ngón”. Liều ma túy nặng gấp đôi bình thường ấy đã làm Lâm ngủ say như chết, đến ngày hôm sau khi tỉnh dậy thì Lâm nhận được hung tin: Đại Cathay và các “chiến hữu” sau khi ra khỏi trại đã bị phát hiện và truy sát, tất cả đều bị bắn chết.

Hai lần giết người trong tù

Cuối năm 1969, Lâm được thả trở về đất liền. Băng du đãng Đại Cathay đã tan rã, không còn chỗ cho Lâm “chín ngón” dựa. “Người kế thừa sự nghiệp Đại Cathay” không đủ sức xưng hùng, xưng bá để thu thuế, lấy xâu như trước nữa. Lâm “chín ngón” trở lại thế giới du đãng với nghề đi cướp đường bằng xe gắn máy. Chẳng bao lâu, đường phố Sài Gòn đã bị ám ảnh bởi một tên cướp chạy xe như bay, thách thức lực lượng cảnh sát. Lâm “chín ngón” thường ra tay cướp của ở trước cửa các ngân hàng, nạn nhân là những người vừa lĩnh tiền từ ngân hàng ra. Cuối năm 1970, Lâm “chín ngón” run rủi va chiếc xe honda 67 vào một chiếc xe xích lô khi hắn đang cố chạy thoát sau 1 vụ cướp, rồi bị bắt vào trại giam Chí Hòa.

“Kinh nghiệm” ở tù ngoài Phú Quốc trước đó đã giúp Lâm “chín ngón” nhanh chóng trở thành “đại bàng” trong trại giam. Cảnh sống trong tù và ngoài đời đối với Lâm “chín ngón” không mấy khác nhau, tức cũng cướp bóc, ăn nhậu, bài bạc, hút sách... Bán thuốc phiện ngoài đời đã siêu lợi nhuận, bán “cái chết trắng” trong tù lại càng lời “khủng”. Mua đứt giám thị trại giam, Lâm “chín ngón” độc quyền bán thuốc phiện ở khu FG, sau đó mon men mở rộng lãnh địa ra toàn trại. Vì vậy mà đụng chạm với Cương “võ sĩ”, một võ sĩ quyền anh nổi danh khắp miền Nam, bị bắt vì tội buôn ma túy. Cương “võ sĩ” là em ruột của Sơn “đảo”, một trùm du đãng ở Sài Gòn thời bấy giờ ở bên ngoài. Ngay trong tù, một trận thư hùng đã xảy ra giữa Lâm “chín ngón” và Cương “võ sĩ”. Kết quả là Cương “võ sĩ” chết ngay lập tức vì nhát dao đâm trúng tim.

Trùm du đãng Sơn “đảo” bên ngoài nhận được tin đứa em ruột bị giết chết trong trại giam Chí Hòa tức lồng lộn và thề: “Tao mà không giết được Lâm “chín ngón” thì sẽ từ bỏ thế giới giang hồ!”. Sơn “đảo” âm thầm lên kế hoạch giết Lâm “chín ngón”. Lúc đó, trong trại Chí Hoà có tên tù Hoàng “đầu lâu”, vì trên bả vai của y có xăm hình chiếc đầu lâu. Hoàng “đầu lâu” võ nghệ cao cường, mang đai đen tứ đẳng Taekwondo. Sơn “đảo” tiếp cận Hoàng “đầu lâu” bằng cách bỏ tiền mua một căn nhà mặt phố đem tặng cho vợ con Hoàng đang sống chui rúc trong nhà trọ nơi hẻm sâu.

Sau đó Sơn “đảo” lại sang một sạp vải ở chợ cho vợ Hoàng đứng bán, làm kế sinh nhai. Hoàng “đầu lâu” ở trong tù chấp nhận thực hiện yêu cầu của Sơn “đảo”. Lúc ấy, Hoàng “đầu lâu” đang mang án tù nhẹ, không chung khu giam giữ với tù trọng án, nên không thể tiếp cận được Lâm “chín ngón”. Sơn “đảo” đã đạo diễn cho Hoàng chém 1 giám thị trại để trở thành tù trọng án. Sau đó, Sơn “đảo” tiếp tục lo lót để cho Hoàng “đầu lâu” chuyển sang ở cùng một buồng giam với Lâm “chín ngón”.

Từ sau khi giết Cương “võ sĩ”, Lâm “chín ngón” biết là Sơn “đảo” sẽ tìm cách trả thù. Vì vậy mà khi nghe câu chuyện Hoàng “đầu lâu” chém giám thị, rồi được đưa về giam chung buồng với mình, Lâm thừa biết Hoàng sắp giết ai. Ngày đầu Hoàng “đầu lâu” vào, Lâm nhờ người mua một chai rượu Remy Martin mời Hoàng nhậu. Không chút nghi ngờ, Hoàng “đầu lâu” nốc rượu thoải mái sau bao ngày nhịn thèm. Say rượu, Hoàng “đầu lâu” nằm lăn ra ngủ. Lâm “chín ngón” lẳng lặng nấu nồi nước “để tắm”. Khi nước vừa sôi, Lâm bê nguyên cả nồi đổ ụp xuống mặt Hoàng “đầu lâu”, xong rút dao tự chế đâm Hoàng tổng cộng 37 nhát, cho đến khi nạn nhân tắt thở.

Nạn nhân của Năm Cam

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lâm “chín ngón” đang ở trong trại giam. Năm 1988, Lâm “chín ngón” được trả tự do sau 18 năm ở tù qua 2 thời kỳ. Trở về đời thường, Lâm tỏ ra chí thú làm lại cuộc đời. Năm 1993, Lâm cưới vợ và sinh con, mở một quán thịt chó bình dân trên đường 3-2. Tưởng như tên trùm du đãng ngày nào giờ đã lo chí thú làm ăn, làm lại cuộc đời, đoạn tuyệt hẳn với giới giang hồ. Nhưng, nghiệp chướng tiếp tục đeo bám, không để cho Lâm an phận với cuộc đời hoàn lương. Cuối năm 1994, có 3 tên “xã hội đen” là chỗ quen biết vào quán thịt chó của Lâm ăn nhậu. Rượu vào, lời ra, bọn chúng kể cho Lâm nghe chuyện bảo kê các cảng cá Vũng Tàu, Long Hải và Phước Tĩnh.

Bọn chúng vừa “đập phá” ở thành phố biển, bị công an tạm giam và tịch thu xe. Bọn chúng nhờ “anh Lâm” xuống Vũng Tàu xin lại xe máy cho chúng. Nể tình, Lâm xuống Vũng Tàu. Dù đã “gác kiếm”, nhưng uy danh Lâm “chín ngón” vẫn chưa phai trong giới xã hội đen ở Vũng Tàu, nhờ vậy mà không khó nhờ “anh em” xin lại được mấy chiếc xe. Để trả ơn, mấy tên “đàn em” mời “anh Lâm” xuống Vũng Tàu hợp tác “làm ăn”. Thấy kiếm tiền quá dễ so với tiền lời quán thịt chó, Lâm “chín ngón” đồng ý. Ở Vũng Tàu, sự có mặt của Lâm “chín ngón” đã khiến các băng nhóm lưu manh khác khiếp vía, dạt ra hết. Lâm “chín ngón” chỉ việc chường mặt ra cảng cá nhưng không phải mó tay vào bất cứ việc gì, mọi chi phí ăn uống chơi bời đều được “bao cấp”, kèm số lương 5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, chỉ được một thời gian là Lâm “chín ngón” bị đánh bật khỏi Vũng Tàu, bởi một thế lực ngầm nào đó.

Lúc ấy ở Sài Gòn, Năm Cam đã trở thành thế lực ngầm số một. Thế nhưng, Lâm “chín ngón” lại không xem Năm Cam ra gì, vì trước năm 1975, Năm Cam là đàn em “tép riu” của Lâm. Bị đánh bật khỏi các cảng cá ở Vũng Tàu, Lâm “chín ngón” nghi là có bàn tay của Năm Cam. Vì vậy mà đi đâu, Lâm cũng rêu rao thoá mạ, công khai chửi bới Năm Cam. Một lần, Lâm chủ động mời Năm Cam đến một nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo ăn nhậu. Khi Năm Cam bước vào, các tên đàn em đều nhất loạt đứng lên chào “anh Năm”. Lâm “chín ngón” gầm lên: “Thằng Năm Cam là cái đếch gì mà tụi bay phải bợ đỡ. Tao coi nó là cái đinh. Đ.M, thằng nào qụy lụy Năm Cam thì đừng coi tao là đàn anh nữa!”. Bị Lâm “chín ngón” chửi bới, hạ nhục, nhưng Năm Cam vẫn tươi cười: “Anh Lâm say rồi! Tôi cũng hơi mệt, thôi anh em ngồi chơi, tôi về trước”.

Tối 14.7.1999, Lâm chở vợ và đứa con trai 6 tuổi đi ăn ở quán Lồi (cư xá Bắc Hải, quận 10). Khi Lâm vừa dựng xe cho vợ con bước xuống, một kẻ lạ bất ngờ tạt thẳng vào mặt Lâm một ca đầy axít. Lâm đau đớn, ôm mặt ngã xuống mặt đường quằn quại. Trận đòn thù đã làm Lâm biến dạng toàn bộ khuôn mặt, hai tai rụng, mũi rụng, cằm chảy ra dính chặt vào ngực, hai mí mắt cũng chảy ra dính vào nhau, gần như mù lòa... Dù vậy, Lâm “chín ngón” không cho gia đình báo công an, dù Lâm thừa biết ai đã hại mình. Thậm chí, Lâm còn cho rằng kẻ hại mình đã chơi đúng luật giang hồ, chỉ xử Lâm chứ không đụng đến vợ con y. Cho đến tháng 12.2001, khi Năm Cam bị bắt, Lâm “chín ngón” lập tức tìm đến cơ quan công an để tố cáo chính Năm Cam là kẻ chủ mưu trong vụ tạt axít ám hại hắn.

Còn tiếp...
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Kỳ 6: Sơn “đảo” - tên trùm du đãng chết vì “lỗ chân trâu”

Trong những trùm du đãng Sài Gòn trước năm 1975 có một cái tên bị giới giang hồ thời đó rất coi khinh, do y dựa vào lính dù Sài Gòn để khuếch trương thanh thế, tranh giành lãnh địa. Tên du đãng đó có tên là Sơn “đảo”. Sau bao lần “vào sinh ra tử”, cuối cùng Sơn “đảo” lại chết vì “lỗ chân trâu” - bị một du đãng đàn em trả thù vì tranh giành gái.


Trước vũ trường Crystal, nơi Sơn “đảo” bị giết.

Nhờ… đi đày Côn Đảo
Sơn “đảo” tên thật là Vũ Đình Khánh, sinh năm 1944 tại Hà Nội, năm 1955 cùng gia đình di cư vào vùng Hố Nai, Biên Hòa, rồi về quận Tân Bình, Sài Gòn. Khánh sớm bỏ học, đi bụi, rồi trở thành du đãng nhóc. Với chút vốn liếng chữ nghĩa, cộng với máu giang hồ có sẵn trong người, Khánh sớm trở thành thủ lĩnh của đám trẻ bụi đời ở quận Tân Bình, trở thành nỗi ám ảnh của người dân lương thiện nơi đây. Thực hiện chủ trương “vãn hồi trật tự” ở Sài Gòn của tướng Nguyễn Cao Kỳ, chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan lập ra đội quân đặc nhiềm bài trừ du đãng. Vũ Đình Khánh bị bắt trong một lần cướp giật, lãnh án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo năm 1966 cùng hàng trăm du đãng cộm cán khác.

Tại nhà tù Côn Đảo, Vũ Đình Khánh đã gặp và “thọ giáo” một tướng cướp – nhà văn lừng danh tên là Sơn Vương, người vào năm 1934 bị thực dân Pháp xử… 79 năm tù (khi gặp Vũ Đình Khánh vẫn còn thụ án). Khánh đổi tên thành Sơn “đảo” – chữ Sơn theo tên của ông thầy Sơn Vương, gắn thêm “đảo” để nhớ về cuộc gặp gỡ ở Côn Đảo.

Sơn “đảo” được thả về đất liền vào năm 1971. Năm 1966, Vũ Đình Khánh chưa được biết nhiều trong giới giang hồ Sài Gòn, nhưng sau 5 năm ở tù Côn Đảo trở về với cái tên mới Sơn “đảo”, tay du đãng này trở nên có “số má”. Thời đó, tên du đãng nào chưa trải qua các nhà tù, không được giới giang hồ coi trọng. Với bản án 5 năm lưu đày Côn Đảo, khi trở về Sài Gòn, Sơn “đảo” nghiễm nhiên trở thành “đàn anh”, được các băng đảng khác kiêng nể. Sơn “đảo” hùng cứ một phương ở khu vực quận Tân Bình. Ban đầu Sơn “đảo” đứng ra bảo kê cho các sòng bạc. Ai chịu đóng “bảo kê” cho Sơn thì được làm ăn yên ổn, ai không chịu đóng thì trước sau cũng bị cảnh sát Tân Bình hốt gọn. Tiến thêm một bước, Sơn “đảo” mua lại một sòng bạc đang có nguy cơ phá sản, rồi bằng mối quan hệ “ngầm” của mình mà lôi kéo các con bạc về, nhanh chóng đưa sòng bạc phát triển với quy mô ngày càng lớn.

Du đãng quý tộc

Sơn “đảo” rất thích thể dục thể hình, y trang bị cho mình cả một phòng tập thể hình thuộc loại hiện đại nhất Sài Gòn thời ấy. Nhờ chịu khó luyện tập, Sơn “đảo” có một cơ thể thật đẹp, ngực nở phồng, hai cánh tay đồ sộ không thể khép sát vào nách. Với một chút năng khiếu văn chương, lại là một lực sĩ có thân hình rất đẹp, Sơn “đảo” được xem là du đãng “quý tộc”. Cũng chính vì được xem là du đãng quý tộc mà Sơn “đảo” giao du, kết thân với giới quân đội Sài Gòn, dựa vào họ mà nâng cao thanh thế. Đó là điều mà thế giới giang hồ Sài Gòn không thể chấp nhận, vì vậy Sơn “đảo” đã đứng đối lập với thế giới ngầm Sài Gòn.

Người ta thấy Sơn “đảo” thường xuyên sử dụng xe phân khối lớn đi kè kè với tay trung tá Đường - sư đoàn trưởng sư đoàn dù và người em vợ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thường được gọi là “cậu Mười”. Cậu Mười xây dựng một tòa nhà 5 tầng trên đường Trương Minh Ký để cho các đại ca giang hồ thuê mở sòng bạc, vũ trường, trong đó có Sơn “đảo”. Vừa được sự đỡ đầu của cậu Mười, vừa chơi thân với sư đoàn trưởng sư đoàn dù, thanh thế của Sơn “đảo” càng vững.

Thời ấy hầu hết các vũ trường đều có màn múa “thoát y” để thu hút khách. Vũ trường Barcarat thuộc loại nổi tiếng nhất nhờ màn vũ thoát y độc đáo. Một cô gái với thân mình bốc lửa từ từ bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay hoan hô của khách. Cô gái nhảy múa cuồng loạn theo điệu nhạc, rồi lần lượt từng mảnh xiêm y trên mình rơi dần ra, cuối cùng chỉ còn độc một chiếc quần lót thật “tiết kiệm vải” (gọi là “lá nho”). Đó là lúc chủ vũ trường “khuyến mãi” cho khách bằng trò “bốc thăm trúng thưởng”. Người “may mắn” trúng thưởng được lên sân khấu để cùng nhảy với cô gái. Sau đó, nếu người ấy dùng răng gỡ được chiếc quần lót của cô vũ nữ thì cô gái sẽ thuộc về người ấy cho tới sáng. Vũ trường Barcarat có cô vũ nữ tên Trang với thân hình bốc lửa, bước nhảy điêu luyện, đôi mắt như hớp hồn khách làng chơi. Trang “Barcarat” làm điên đảo bao khách làng chơi, trong đó có cả Sơn “đảo”.

Chết vì gái

Thời ấy, khu vực Bệnh viện Từ Dũ là điểm hút chích nổi tiếng ở Sài Gòn. Tại đây có một tay du đãng chuyên bán ma tuý, tên là Phạm Bá Y. Bá Y bị thọt chân, nên được giới du đãng gán cho biệt danh Y “càlết”. Lúc này ở quận Tân Bình, Sơn “đảo” cũng đã mở rộng lĩnh vực hoạt động sang buôn bán ma túy. Biết mình chỉ thuộc hàng đàn em của Sơn “đảo”, Y “càlết” phải từ bỏ món “hàng trắng” mà Sơn “đảo” đang nắm độc quyền, quay về bán thuốc phiện “cò con” cho các con nghiện. Dù vậy, Sơn “đảo” vẫn ghét Y “càlết”.

Một hôm, Sơn “đảo” đến thăm Trang “Barcarat”, cũng là lúc Y “càlết” đang “trồng cây si” trong nhà người đẹp. Thấy Sơn “đảo” vào, Y “càlết” tỏ cử chỉ trân trọng gật đầu chào, rồi xin phép ra về. Sơn “đảo” nghĩ ra trò làm nhục đối thủ trước mặt người đẹp, nên hất hàm hỏi Y “càlết”: “Ai cho mầy tới đây?”. Y “càlết” lúng túng nói không nên lời, miệng lắp bắp: “Dạ... thì tôi đến... thăm Trang...”. Sơn “đảo” chưa chịu buông tha, bước tới tát mạnh Y và nói: “Tao cấm mày từ đây không được đến đây, nếu không đừng trách”.

Đối với bọn du đãng, nỗi nhục lớn nhất của chúng là khi bị làm nhục trước mặt người đẹp. Y “càlết” cũng vậy, tên du đãng có thừa tiền nhưng bị tật bẩm sinh này rất say mê Trang “Barcarat”, nhưng chưa được người đẹp đoái hoài. Vậy mà bất ngờ Y “càlết” lại bị Sơn “đảo” đánh, làm nhục ngay trước mặt người đẹp. Mối hận này đối với một tên du đãng tật nguyền là rất lớn, không gì rửa cho sạch. Về nhà uống rượu suốt 3 ngày, mỗi lần uống rượu là mỗi lần Y “càlết” lấy rượu rửa thật kỹ bên mặt bị Sơn “đảo” đánh như để rửa sạch nỗi nhục. Một kế hoạch tàn khốc đã lóe lên trong đầu Y “càlết”.

Sơn “đảo” có người em ruột rất giỏi võ tên là Vũ Đình Cương, có biệt danh là Cương “võ sĩ”. Cương cùng ông anh mở sòng bạc, buôn ma túy... Một lần khi đi lấy “hàng” (ma túy), Cương bị bắt, phải ngồi tù Chí Hòa. Trong khi Sơn “đảo” ở bên ngoài lo chạy cho đứa em ra khỏi tù, thì một chuyện kinh khủng đã xảy ra trong tù. Vì tranh giành làm “đại bàng” trong tù mà một tên du đãng cộm cán khác tên là Lâm “chín ngón” đã đâm chết Cương “võ sĩ” ngay trong nhà lao.

Nhận được hung tin, Sơn “đảo” âm thầm lên kế hoạch giết Lâm “chín ngón” bằng cách bỏ ra mấy trăm cây vàng để thuê một tay giang hồ đang bị giam trong khám Chí Hòa tìm cách tiếp cận để giết Lâm “chín ngón”. Người lãnh sứ mạng đó là tên du đãng Hoàng “đầu lâu”. Thế nhưng, khi vừa mới được chuyển đến ở chung buồng giam với Lâm “chín ngón”, chưa kịp ra tay, thì Hoàng “đầu lâu” đã bị đối thủ phát hiện âm mưu, ra tay trước, đâm chết tại chỗ. Ở ngoài, Sơn “đảo” lại lồng lộn thề giết cho kỳ được Lâm “chín ngón”. Nhưng Sơn “đảo” chưa kịp thực hiện thì chính mình đã bị giết.

Nửa đêm ngày 18.1.1975, Sơn “đảo” cùng trung tá Đường (sư đoàn dù) rời vũ trường Crystal. Đến bên chiếc môtô 125 phân khối, Sơn “đảo” phát hiện bánh sau của xe bị xẹp. Tên trùm du đãng không hề biết rằng, trong lúc hắn đang ôm cô vũ nữ trong vũ trường thì ở ngoài có một đứa bé đánh giày được Y “càlết” thuê tới xì bánh chiếc xe 125 phân khối. Sơn “đảo” dắt chiếc xe qua tiệm sửa xe bên kia đường nhờ sửa.

Bất ngờ, một chiếc Honda 67 trờ tới kèm theo tiếng kêu: “Sơn “đảo”. Sơn “đảo” chưa kịp phản ứng thì một tiếng nổ vang lên, viên đạn găm vào vai làm Sơn ngã quỵ. Y “càlết” xuất hiện, lạnh lùng chĩa súng vào Sơn và nói: “Vì cái tát đó nên mày phải chết”. Nói dứt lời, Y “càlết” nã tiếp hai phát đạn vào bụng Sơn rồi lên xe máy cùng đàn em rú ga bỏ chạy. Thiếu tá Đường mặc dù có súng bên người vẫn không dám rút ra mà bỏ chạy theo hướng khác. Sơn “đảo” được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã chết sau đó vài giờ.

Đám tang của Sơn “đảo” thật rình rang, kinh dị, sặc mùi giang hồ. Hàng chục xe Jeep chở đầy lính dù với súng tuốt lê trần hộ tống xe chở quan tài chạy khắp khu trung tâm Sài Gòn, sang quận Tân Bình, chạy qua vũ trường Crystal... Khi đoàn xe tang chạy qua khu vực Xóm Đạo của băng nhóm Y “càlết”, đám lính dù trên xe chĩa súng lên trời bắn đến hết đạn, như thề với Sơn “đảo” sẽ trả thù. Nhưng đàn em của Sơn “đảo” chưa kịp tìm ra được tung tích Y “càlết”, thì miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Sau ngày giải phóng, Y “càlết” vẫn không bỏ con đường cũ, tiếp tục phạm tội giết người và bị kết án tử hình.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Kỳ 7: Chuyện về tướng cướp Bạch Hải Đường

Đại Cathay, Điền Khắc Kim, Sơn “đảo”... là những cái tên lừng danh trong giới giang hồ Sài Gòn. Nhưng nếu hỏi tên giang hồ nào nổi danh nhất miền Nam trước năm 1975, nhiều người sẽ trả lời đó là Bạch Hải Đường. Bạch Hải Đường là tên giang hồ duy nhất ở miền Nam mà cuộc đời được viết thành sách, dựng thành phim và tái hiện trên sân khấu cải lương…


Bạch Hải Đường trong trại giam.

Bản sao của Điền Khắc Kim

Ở Sài Gòn có một Điền Khắc Kim chuyên cướp của (và hãm hiếp) nhắm vào những gia đình người Mỹ. Ảnh hưởng từ câu chuyện của Điền Khắc Kim, ở miền Tây Nam bộ cũng có một tên du đãng chuyên gây án nhắm vào những gia đình người Mỹ, người nước ngoài, nhưng với tần suất và trình độ cao hơn nhiều, đó là Bạch Hải Đường. Tên du đãng này tên thật là Nguyễn Ngọc Truyện, sinh năm 1950, là con lớn trong gia đình nghèo có 5 anh em ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. Nhà nghèo, Truyện sớm bỏ học, gia nhập đám trẻ bụi đời sống bằng nghề lượm ve chai.

Năm Truyện 15 tuổi, do cha bệnh nặng, nên cậu phải thay cha làm lơ xe cho những chuyến xe đò từ Long Xuyên đi Sài Gòn để kiếm tiền nuôi gia đình. Bôn ba trên những chuyến xe, bến phà, tiếp xúc với các “anh chị”, đại ca ở nhiều nơi, máu giang hồ trong Truyện càng có điều kiện phát triển. Năm 18 tuổi, Truyện được cha mẹ cưới vợ, sinh 2 đứa con trai. Truyện bỏ nghề lơ xe, vừa trốn quân dịch, vừa chạy xe lôi để nuôi vợ con.

Rồi con bị bệnh nặng, không tiền chữa trị. Trong lúc túng quẫn, Truyện liều lấy trộm chiếc xe Honda, bán lấy tiền mua thuốc cho con, khởi đầu con đường trộm cướp. Bị ảnh hưởng bởi câu chuyện tướng cướp Điền Khắc Kim đăng trên báo, Truyện cũng trộm cướp nhắm vào người Mỹ. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 1971, Truyện đã đột nhập vào các gia đình người Mỹ 8 lần, lấy 5 tivi, 5 máy hát, 4 thùng rượu, 2 thùng thuốc lá… Tháng 4 năm 1971, tần suất trộm cắp của Truyện càng dày đặc với 7 chiếc xe Honda trộm được. Qua tháng 5.1971, số chiến lợi phẩm của Truyện là 20 xe honda... Chỉ trong mấy tháng mà TP.Long Xuyên có cả trăm chiếc xe Honda bị mất, lực lượng cảnh sát ở đây phải đặt trong tình trạng báo động. Một chiến dịch truy quét quy mô được tiến hành, nhưng không tìm ra được thủ phạm.

Truyện rất giỏi võ nhờ theo học một thầy giỏi võ nhất miền tây. Vụ cướp nổi tiếng làm cho Truyện được giới giang hồ đặt cho biệt danh là Bạch Hải Đường xảy ra cuối năm 1971. Sau khi đột nhập vào nhà đại úy Triệu - sếp phó lực lượng cảnh sát TP.Long Xuyên, lấy đi nhiều tiền vàng, Truyện “ẩn mình” ở nhà cô người yêu. Một cô “ghệ nhí” khác của Truyện tên Lệ vì quá ghen đã báo cho cảnh sát nơi ẩn náu của Truyện. Truyện bị bắt và bị đại úy Triệu đánh đập dã man, xong cho 2 viên quân cảnh lực lưỡng áp giải về trại giam. Bị còng tay, nhưng khi xe đang chạy, Truyện đánh gục hai quân cảnh và người lái xe rồi lao xuống đường tẩu thoát. Sau vụ đó, giới giang hồ Long Xuyên đặt cho Truyện biệt danh “tướng cướp Bạch Hải Đường”, vì nó giống với câu chuyện tên tướng cướp Bạch Hải Đường trong tiểu thuyết và bộ phim Đài Loan đang rất thịnh hành khi đó là “Phi tặc Hải Đường Hồng”.

Thách thức mọi trại giam

Đầu thập niên 1970, cái tên Bạch Hải Đường trở nên nổi bật nhất trong giới tội phạm miền Nam, lấn át hết những tên du đãng có “số má” ở Sài Gòn. Nhiều giai thoại được đồn thổi rất ly kỳ xung quanh cái tên Bạch Hải Đường, báo chí tha hồ thêu dệt Bạch Hải Đường như là tay giang hồ hào hiệp chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo, chuyên nhắm vào những cố vấn Mỹ và các sĩ quan cảnh sát, quân đội. Rồi nhiều cuốn sách, kịch bản điện ảnh, sân khấu cải lương đã xây dựng nhân vật từ những tình tiết hư cấu này, làm Bạch Hải Đường càng thêm nổi tiếng. Đặc biệt, có nhiều giai thoại về chuyện cảnh sát Sài Gòn bắt giam Bạch Hải Đường như là “bắt cóc bỏ đĩa”, vì y có biệt tài vượt ngục rất thần kỳ.

Khi câu chuyện về Bạch Hải Đường đang hồi gay cấn thì miền Nam được giải phóng, lúc đó Bạch Hải Đường vừa bị bắt vào trại giam. Một ngày sau, lợi dụng tình hình “tranh tối tranh sáng”, Bạch Hải Đường trốn trại, để lại dòng chữ trên tường: “Bạch Hải Đường sinh ra không phải để ở tù”.

Nhưng chỉ ít lâu sau, Bạch Hải Đường lại bị bắt vì tội trộm cướp. Tháng 8.1975, Bạch Hải Đường lại trốn trại, để lại một lá thư: “Xin Cách mạng thông cảm và tha lỗi cho tôi. Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi mới trốn và tôi hứa là về sẽ tăng gia sản xuất để sống. Tôi không phạm tội nữa”. Nhưng Bạch Hải Đường không giữ đúng lời hứa, cướp 100 cây vàng ở vùng biên giới Châu Đốc và bị bắt sau khi 3 viên đạn bắn vào bắp chân. Tháng 5.1980, Bạch Hải Đường tự tháo còng, đục thủng tường trại giam và để lại dòng chữ: “Nơi đây không phải chốn dừng bước giang hồ của Bạch Hải Đường”.

Một lần nữa, tên giang hồ khét tiếng lại đào thoát khỏi vòng vây pháp luật và một cuộc truy bắt nữa bắt đầu. Rồi Bạch Hải Đường cũng bị bắt sau khi trúng đạn. Do nhiều lần bị thương, không chịu chữa trị, xem thường tính mạng, nên bệnh tật của Bạch Hải Đường ngày càng nặng. Dù đã được cán bộ quản giáo tận tình chữa trị, lo thuốc men, nhưng Bạch Hải Đường không thoát khỏi số phận ở tuổi 33. Bạch Hải Đường bình thản nhắm mắt sau khi kể lại toàn bộ tội lỗi của mình trong 13 năm làm “tướng cướp” và chân thành cảm ơn các cán bộ quản giáo.​


Diễn viên Thương Tín trong vai tướng cướp Bạch Hải Đường trong 1 bộ phim.

Lời tự thú của Bạch Hải Đường

Biết không qua khỏi vì bệnh tật, Bạch Hải Đường đã xin cán bộ trại giam giấy viết để tường thuật về những vụ trộm cướp đáng kể trong cuộc đời của mình. Trong bản tự khai, Bạch Hải Đường kể lại hơn 40 vụ đột nhập nhà của các dân biểu Sài Gòn, doanh nhân người Mỹ, cố vấn quân sự Mỹ, nhân viên ngoại giao, cảnh sát, quân cảnh của chế độ cũ... Hầu hết những căn nhà của họ đều rất kiên cố, có lính canh gác 24/24h, nhưng Bạch Hải Đường luôn ra vào trót lọt, chưa bao giờ bị phát hiện.

"Trong thời gian đi lấy trộm đồ, tôi toàn vô nhà của người giàu có, nhà của người nước ngoài, nhất là người Mỹ", Bạch Hải Đường viết.

Một lần, Bạch Hải Đường vào nhà ông chủ tên Chuẩn chuyên cho bác sĩ nước ngoài ở thuê. Do bên dưới có lính canh nên Bạch Hải Đường leo lên vách tường nhà chùa rồi leo qua nóc nhà của bác sĩ Chuẩn, "trổ" mái nhà chui xuống phòng của một bác sĩ người Úc đang ngủ. Trong căn phòng chật hẹp, y đã "dọn" quần áo, đồng hồ đeo tay, một cái rương lớn, quạt máy, máy “thâu băng”... ra khỏi phòng mà ông bác sĩ Úc vẫn ngon giấc. Mãi sáng hôm sau thức dậy, nhìn mái nhà có lỗ thủng, bác sĩ này chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Ông chủ nhà tên Chuẩn đã huy động lực lượng tăng cường công tác bảo vệ an toàn cho khu nhà, nhưng chỉ một tuần sau, Bạch Hải Đường lại "viếng thăm" khu nhà một lần nữa. Hắn vào phòng của một bác sĩ người Mỹ dọn sạch tất cả đồ đạc có giá trị, kể cả vàng và đôla, chỉ để lại cho gia chủ khẩu súng trong ngăn kéo. Nhân viên, bác sĩ làm việc trong tòa nhà này sau đó đã dọn đi vì không tin cảnh sát có thể đảm bảo cho tài sản của họ được an toàn. Có người còn nghi ngờ hai vụ mất trộm do nội bộ thực hiện, bởi lúc nào lính cũng gác rất chặt ở cửa.

Một lần khác, Bạch Hải Đường kể, y đột nhập nhà ông Nguyễn Đắc Dần cho mấy kỹ sư người Mỹ thuê. Lọt vào nhà, y thấy hai người Mỹ đang ngủ say sưa. Bạch Hải Đường lấy hai cái rương lớn cho tất cả những thứ cần lấy vào. Chưa vội rời khỏi hiện trường, Bạch Hải Đường còn lân la xuống nhà bếp, mở tủ lạnh... Hắn lôi rượu thịt đem ra bàn, ngồi chén say sưa, đến gần hết chai rượu vang đỏ mới chịu vác 2 va ly đồ đu dây qua cửa sổ thoát xuống đất.

Sáng hôm sau, khiếp vía trước hiện trường để lại, 2 kỹ sư Mỹ vội vã dọn đồ đi nơi khác. Cũng tại ngôi nhà này, vài tháng sau Bạch Hải Đường đột nhập vào phòng của hai người Nhật, lấy nhiều tài sản có giá trị. Sau đó vài tuần, Bạch Hải Đường đột nhập vào một căn cứ hải quân Mỹ ở gần kho xăng Quản Trung Hòa. Mấy ngày sau, y lại mò đến căn cứ Mỹ phía sau ngân hàng Tín Nghĩa, vào nhà một sĩ quan lấy được một tivi, quần áo, ba cái gương, nhiều tiền đôla Mỹ...

Không chỉ vào nhà của những đại gia, sĩ quan ở TP.Long Xuyên, mà mỗi lần đi thăm "bạn bè" ở tỉnh nào đó, đêm đến, y thường "tranh thủ" làm vài vụ. Trong một lần qua nhà người bạn tên Phước Hùng ở Rạch Giá, Kiên Giang, Bạch Hải Đường cũng đã vào nhà người nước ngoài 2 lần. Tại Cần Thơ, y cắt kẽm gai chui vào khu nhà của một trung tá Mỹ lấy một bao đồ, máy chụp hình, tivi và một số tiền.

“Tôi leo lên lầu nhà này thì thấy một chiếc trực thăng đậu trên đó. Tôi leo vào trực thăng kiếm đồ nhưng chỉ lấy được một nón phi công, một đôi bao tay, một bao đồ và một xấp giấy tờ. Tôi mang giấy tờ ra xem thì mới biết đó là nhà của trung tá không quân", Bạch Hải Đường kể. Khi thông tin vụ đột nhập này được tiết lộ ra ngoài, lực lượng quân cảnh, cảnh sát chế độ cũ lại được một phen... náo loạn. Sở dĩ Bạch Hải Đường dám “liều mạng” vào nhà của phi công này là vì có một lời thách thức từ nhóm giang hồ ở Cần Thơ: Nếu ai vào được nhà của phi công trên, vào được máy bay, mang được cả nón phi công ra thì sẽ được tất cả giới giang hồ ở Tây Đô tôn làm "đại ca", chính thức thống lĩnh toàn bộ thế giới giang hồ ở miền Tây.

Còn tiếp...
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Kỳ 8: Tướng cướp – nhà văn Sơn Vương và án tù 79 năm

Đầu năm 1969, trên nhật báo Tin Sáng bất ngờ xuất hiện một thiên phóng sự dài với tựa đề “Sơn Vương - người tù thế kỷ”. Ngay sau đó có tờ báo khác cũng “ăn theo” với nhiều bài viết về tướng cướp – nhà văn Sơn Vương, người vừa được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phóng thích sau khi thụ 34 năm tù. Thế giới du đãng Sài Gòn chợt bàng hoàng về một ‘đại ca” mang án tổng cộng 79 năm tù…


Sơn Vương (thứ 2 bên trái qua) cùng gia đình.

Có số mạng nhà văn – tướng cướp

Sơn Vương tên thật Trương Văn Thoại, con thứ 5 trong một gia đình điền chủ giàu có tại làng Bình Nghị thuộc tỉnh Gò Công, nay là xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Giai thoại kể rằng, vào ngày thôi nôi, trước mặt cậu bé Thoại đặt không biết bao nhiêu thứ, từ đồ chơi đến sách vở, bút mực và cả vài loại binh khí tiêu biểu, nhưng cậu ấm chỉ nhìn lướt qua rồi vồ lấy hai món: Cây bút và thanh gươm.

Đến tuổi đi học, Thoại tỏ ra rất thông minh và hiếu học. Thoại bao giờ cũng hơn hẳn các bạn học cùng lớp. Nhưng khi vừa hết lớp 5 - Chương trình Cours Superieur của thời đó, Thoại nghỉ học trường tây để đi học võ và chữ Hán. Đến năm 1925, khi mới 16 tuổi, Thoại bỏ nhà đi theo tiếng gọi của giang hồ, tìm thầy học đạo. Cậu gặp được một đại lão sư ẩn danh trên núi cao rất tài giỏi về võ thuật và được nhận làm đồ đệ rồi thầy trò mai danh ẩn tích.

Năm 1931, sư phụ qua đời, Thoại “hạ sơn” trở về Sài Gòn làm nghề bán sách bên lề đường. Nơi Thoại bán sách (đường Hàm Nghi sau này) có các văn nhân, ký giả, chủ báo cũng đem sản phẩm của mình ra bày bán trên vỉa hè. Trong số những chủ báo đó có ông Nguyễn An Ninh - chủ bút của tờ báo La Cloche Fêlee (Tiếng chuông rè) kiêm thủ lĩnh Đảng Thanh niên Cao vọng. Vốn thần tượng Nguyễn An Ninh, Thoại đã chủ động làm quen và hai người đã mau chóng thân nhau. Nhờ sự giúp đỡ và dẫn dắt của Nguyễn An Ninh, cộng với tài năng sẵn có, Trương Văn Thoại nhanh chóng trở thành cây viết chủ lực của tờ báo với bút hiệu Sơn Vương. Cách viết của Sơn Vương rất đơn giản, bình dân và dễ hiểu nên đã làm cho bạn đọc ưa thích.

Trong những năm 1932 - 1933, Sơn Vương nổi danh như cồn ở Sài Gòn, Chợ Lớn và cả lục tỉnh với hàng chục tiểu thuyết được đăng tải trên báo. Phần đông những sáng tác của Thoại là những tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình. Những nhân vật hư cấu được dựng lên là những hiệp sĩ, tướng cướp nghĩa hiệp, cướp của nhà giàu đem giúp kẻ nghèo. Mãi cho đến sau này, người ta mới hiểu rằng, chính Sơn Vương đã dùng tâm trạng con người thật của mình để diễn tả nhân vật trong truyện. Trong những năm 1931-1933, Sơn Vương đã đơn thương độc mã thực hiện hàng chục vụ cướp kinh thiên động địa chỉ nhắm vào các phú hộ, địa chủ ở khắp vùng từ Đồng Nai lên đến Sài Gòn, Chợ Lớn rồi dần xuống Long An.

Tướng cướp bị lưu đày

Hàng chục vụ cướp táo bạo đã xảy ra ở Sài Gòn và vùng phụ cận, nhắm vào nhà giàu và các chủ đồn điền Tây. Thiên hạ đồn đãi khắp nơi, kẻ khen phục người chê bôi, đi đâu cũng nghe thiên hạ bàn tán. Lúc ấy có tên chủ đồn điền cao su tên Rene Gaillard vừa bị cướp - vốn là một tên giang hồ thứ thiệt, Rene ra tuyên bố: Thưởng năm ngàn đồng và 1/10 số tiền bị cướp cho bất cứ ai tìm ra tung tích thủ phạm. Tên tài xế Năm Đường (người chở Sơn Vương đi cướp nhà băng) đã khai báo để nhận thưởng. Ngày 16.8.1933, Sơn Vương bị bắt, bị xử 5 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo.

Ở Côn Đảo lúc bấy giờ đang giam giữ nhiều tù chính trị, đó là những người của Quốc dân Đảng, Hòa Hảo, Cao Đài và Việt Minh. Sơn Vương được đưa vào phòng số 2, là phòng thường phạm. Lúc này, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh cũng đang bị giam ở đây và hai người gặp lại. Tuy là một tù thường phạm nhưng tăm tiếng vụ cướp tiền của chủ đồn điền caosu người Pháp khiến hầu hết tù phạm ở đây kính nể Sơn Vương.

Nhờ giỏi tiếng Pháp mà mỗi lần tù nhân cần gì với giám thị, Sơn Vương lại trở thành thông dịch viên bất đắc dĩ. Cuối năm 1933, nhà tù tổ chức một cuộc thi chữ đẹp để tìm người viết chữ tốt phụ giúp làm giấy tờ cho trại, Sơn Vương được chấm đầu và được nhận làm thư ký cho Ty Ngân khố của Côn Đảo. Từ đó, Sơn Vương không còn bị giam trong tù nữa mà được thả ra ngoài, hàng ngày làm việc cho Ty Ngân khố, tối về đến dạy học cho cô con gái nhỏ của chúa đảo là Nguyễn Thị Kim Hoa.
Năm 1936, Sơn Vương được trả về đất liền và bị giam tại Hà Tiên. Một hôm, viên giám đốc người Pháp bị mất cắp 200 đồng, nghi cho một người Việt làm bồi bàn ăn cắp, tên giám đốc đã tra khảo dã man người giúp việc đến chết. Sơn Vương biết chuyện đã hô hào tù nhân nổi lên đập phá khám, phản đối viên giám đốc. Vậy là Sơn Vương lại bị bọn Pháp đày trở lại Côn Đảo. Trở lại Côn Đảo, Sơn Vương âm thầm thu nhập tài liệu và viết bài tố cáo chế độ nhà tù hà khắc gửi về Sài Gòn cho báo chí đăng tải, làm tên quận trưởng bị trả về Pháp và thay quận trưởng mới. Ngày 16.8.1938, Sơn Vương được trả tự do.

Đúng một năm sau, cũng vào ngày 16.8.1939, Sơn Vương lại bị bắt trở lại vì bị ghép tội du đãng và bị đưa qua giam tại trại giam ở Pursat thuộc Campuchia. Chỉ vài tháng sau, Sơn Vương cưa cửa tù trốn thoát qua Thái Lan. Rồi ông lại bị bắt khi tìm cách trở về Sài Gòn. Với tội vượt ngục, Sơn Vương bị kết án 10 năm tù và bị giam ở phòng 17 thuộc Bót Catina cho đến đầu năm 1942 thì một lần nữa lại bị đày ra Côn Đảo.


Sơn Vương lúc về già.

Muốn làm chúa đảo?

Ngày 9.3.1945, quân Nhật chiếm Côn Đảo và bắt giam viên Giám đốc Nhà tù Côn Đảo người Pháp tên Tissaire. Đến cuối năm 1945, Việt Minh giành quyền kiểm soát Côn Đảo. Việt Minh đã cho tổ chức bầu cử và Trương Văn Thoại được bầu làm Chủ tịch ủy ban hành chính Côn Đảo. Ở vị trí này, Sơn Vương tưởng như mình đã trở thành chúa đảo. Sơn Vương cưới cô bé học trò ngày xưa nay đã trở thành cô giáo Lệ Hoa xinh đẹp và dịu dàng. Một đám cưới lớn nhất Côn Đảo được diễn ra. Người ta đồn thổi rằng Sơn Vương còn muốn Côn Đảo chính thức trở thành một quốc gia trung lập, đồng thời tự xưng là quốc vương…!

Khi quân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, chúng đem ba chiến hạm ra chiếm lại Côn Đảo vào tháng 4.1946, bắt giam lại tất cả tù nhân. Riêng Sơn Vương mới vào tù đã bị một người tên Đinh Công Thành tố cáo với bọn Pháp là thành phần nguy hiểm vì vậy mà bị giam riêng và bị đối xử khắc nghiệt hơn những người khác. Có một người tù tên Út vì thù hằn mà bịa chuyện chuyện Sơn Vương đang giữ tấm bản đồ của kho tàng châu báu của Vua Gia Long giấu lại trong thời gian chạy trốn Tây Sơn năm 1783, báo lên mật thám Pháp. Tưởng thật, bọn Pháp tra khảo Sơn Vương dã man, đến nỗi Sơn Vương chịu không nổi phải nhận đại là có và đã vẽ một bản đồ ma cho bọn Pháp. Rồi vì tội vẽ láo đó mà Sơn Vương lại bị đánh đập thê thảm hơn.

Giữa năm 1947, Sơn Vương bị đưa về Sài Gòn ra tòa với hai tội danh là cưỡng hôn cô vợ Lệ Hoa và giết một người tù tên Quít, lãnh bản án chung thân. Ngày 8.8.1953, trong một buổi đi làm lao công, bất ngờ Sơn Vương chạm mặt với tên Út, người đã tố cáo Sơn Vương có bản đồ kho tàng. Quá căm tức, Sơn Vương đánh chết tên Út. Thêm một án chung thân nữa và Sơn Vương bị đưa trở lại Côn Đảo. Vào thời đó, bản án chung thân được tính là 32 năm. Như vậy, tổng cộng các bản án tù mà Sơn Vương bị phạt là 79 năm!

Đến ngày 18.11.1968, tức sau 34 năm thụ án, Sơn Vương được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ân xá, trở về đời sống bình thường. Cuộc trở về của Sơn Vương là dịp để báo chí Sài Gòn thổi bùng cuộc đời của “người tù thế kỷ” như là huyền thoại. Nhưng lúc bấy giờ, Sơn Vương đã già yếu, trở về sống ẩn dật trong một căn nhà nhỏ nằm trong hẻm đường Nguyễn Cư Trinh, Sài Gòn và mưu sinh bằng nghề làm thầy thuốc nam gia truyền. Ông mất năm 1987 tại quê nhà Gò Công.

Hồi ký “Máu hoà nước mắt”

Năm 1980, trước khi về lại cố hương Gò Công, ông đã ký tặng chính quyền cách mạng một tập bản thảo đánh máy dày khoảng 600 trang. Tập bản thảo hồi ký này (có tên “Máu hoà nước mắt”, hiện đặt tại Bảo tàng Côn Đảo) chủ yếu nói về những năm tháng khắc nghiệt trong nhà tù Côn Đảo.

Ngay trong phần mở đầu bản thảo hồi ký có tên "Máu hòa nước mắt", ông đã viết:“Tại sao tôi đi ăn cướp và tại sao tôi phạm tội giết người?”. Ông viết tiếp: “Ăn cướp để làm gì? Điều này tôi không cần nói rõ chi tiết vì đã có vong linh một số nhà cách mạng đàn anh quá cố và một số gia đình lao động ở Bàn Cờ và Xóm Trể bị cháy nhà từ ba mươi mấy năm về trước (hiện nay còn sống) chứng kiến cho tôi”(...)

“Một điều tôi có thể hãnh diện và tự an ủi lấy tôi là hai lần bị bắt về tội cướp, người ta tra tấn tôi đủ thứ cực hình để sát hạch tôi: Ăn cướp lấy tiền để làm gì và trao cho những ai? Thì trước sau tôi vẫn một mực khai rằng: Chơi đĩ và thua cờ bạc mà hết; chớ không hề khai một lời nào có thể can danh phạm nghĩa đến các bậc đàn anh, vì hành động mạo hiểm đó đều do tôi tự động, chớ không ai xúi bảo; nghĩa là các nhà cách mạng đàn anh không hề hay biết những món tiền tôi đưa ra là tiền ăn cướp”.

“Nhà chức trách Pháp hồi ấy không tin, họ khảo tôi là tôi cứ ráng chịu đòn. Vì tôi tự xét: các anh ấy mà được tự do hay còn sống là xã hội được nhờ. Trái lại tôi bất quá là một kẻ vô danh tiểu tốt, có chết đi cũng không liên quan gì đến việc đời hay việc nước.Vậy tôi đi ăn cướp lấy tiền là để chơi đĩ và thua cờ bạc; mặc dù tôi không bao giờ bước đến ngưỡng cửa lầu xanh, cũng như không cầm được bộ bài Cào hay bộ bài Tứ sắc mà chia cho các tay con để chung tiền hay hốt bạc”.

Còn tiếp...
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Kỳ cuối: Những bông hồng trong thế giới du đãng


Khu vực quận 1 Sài Gòn trước năm 1975.

“Ta gọi tên em là yêu nữ - Là loài uỷ mị, gái hồ ly”. Đó là 2 câu trong 1 bài thơ khá nổi tiếng (sau đó được phổ nhạc) của một thi sĩ trẻ ở Sài Gòn trước năm 1975. Bài thơ đó được tác giả viết tặng một “yêu nữ” có thật ở ngoài đời, tên là Lệ Hải - một trùm du đãng. Những “yêu nữ” khuấy động giới giang hồ Sài Gòn không thua kém các “đồng nghiệp” nam...

Lá ngọc cành vàng…

Một cô gái con nhà giàu, xinh đẹp đã đem lòng yêu Đại Cathay - một trùm du đãng thất học, trong một lần gặp gỡ. Dù cuộc tình giữa họ chỉ kéo dài chưa tới 1 năm, nhưng chính mối lương duyên này đã sản sinh ra một “yêu nữ” trong giới giang hồ Sài Gòn. Người con gái đó có cái tên thật đẹp: Lệ Hải - biển nước mắt. Tuy vậy, cuộc đời cô không có nước mắt, mà trái lại rất dữ dội. Đúng hơn là chính cô đã làm cho bao người, nhất là những đàn ông si tình, đau khổ, đổ nước mắt... thành biển.

Sinh ra trong gia đình giàu có ở Sài Gòn, Lệ Hải được cha mẹ cho lên Đà Lạt học trường Pháp rất nổi tiếng có tên Chim Non (Couvent Des Oiseaux Đà Lạt), rồi trở về Sài Gòn học tại trường dòng Sơ Saint Paul, trường Marie Curie, cho đến khi thi đậu tú tài I. Thời đó, đầu thập niên 1960, ít có con gái học cao nên một cô gái học tới tú tài I như Lệ Hải là chuyện hiếm. Ngay từ thời còn học trung học, Lệ Hải đã nổi tiếng là người khiêu vũ rất đẹp, lúc nào cũng là cục nam châm thu hút đám con trai. Nhưng Lệ Hải lại chúa ghét những cậu ấm con nhà giàu, cô chỉ cảm thấy hứng thú với những người đàn ông từng trải.

Sau khi đậu tú tài I, Lệ Hải được gia đình cho đi du học ở Pháp, nhưng có lẽ do gia đình quá giàu, học cũng chẳng để làm gì, cô ở lại Sài Gòn ăn chơi. Lệ Hải có một cô bạn thân là em ruột bác sĩ Nghiệp, một “chiến hữu” của Đại Cathay - trùm du đãng ở Sài Gòn lúc đó. Lệ Hải và Đại Cathay tình cờ gặp nhau nhân tiệc sinh nhật của bác sĩ Nghiệp. Ngay từ lần đầu tiên gặp nhau đó, “trai anh hùng” và “gái thuyền quyên” đã phải lòng nhau, Lệ Hải trở thành người tình chính thức của Đại Cathay. Họ sống với nhau như vợ chồng, Lệ Hải bỏ nhà đi sống bụi với tay trùm du đãng. Chưa đến một năm, Lệ Hải chia tay Đại Cathay trở về với gia đình.

Trở thành “yêu nữ”

Sau khi chia tay Đại Cathay, Lệ Hải lấy chồng là một nhà kinh doanh người Nhật tên Nobira - thành viên trong Công ty National. Mê mệt người đẹp, ông chồng người Nhật thường xuyên đến Sài Gòn để hầu hạ, cung phụng. Nhưng khi ông Nobira trở về Nhật, Lệ Hải lại cặp bồ với nhiều nhân vật “cộm cán” khác như viên thiếu tá không quân tên N hay một ông dân biểu triệu phú tên L...
Một buổi tối, rời khỏi vũ trường Ritz, Lệ Hải ra xe hơi để về nhà. Bất ngờ, một tay chơi người Việt gốc Pháp tên là Vincent tới giở trò với Lệ Hải. Gã đàn ông miệng nồng nặc hơi rượu cùng vài đàn em bặm trợn đứng cản đầu xe Lê Hải và nói: "Đêm nay hoặc là em về với anh hoặc em phải ngủ ở lề đường...".

Nhận ra gã đàn ông si tình luôn đeo bám cô như đỉa đói trong vũ trường, Lệ Hải bình tĩnh cười, rồi nhỏ nhẹ đưa đẩy: "Em cũng muốn đến với anh, nhưng như một người tình lâu dài chứ không phải chụp giựt chỉ trong một đêm. Em muốn tối mai anh tỉnh táo, đi chơi với em, đưa em về...". Trúng kế, cái đầu nóng của gã người Pháp bỗng dịu trở lại, khoát tay cho đàn em nhường đường cho người đẹp.

Đêm ấy, vì quá phẫn uất trước việc Vincent dám hỗn với mình, Lệ Hải không về nhà, mà lái xe đến nhà Tầm "nhái", cũng là một người si mê Lệ Hải. Tối hôm sau, cũng tại vũ trường Ritz, khi gã si tình Vincent hí hửng chờ đợi đưa Lệ Hải vào ‘thiên đường” thì bất thình lình bị Tầm “nhái” dí sát súng vào ngực và bóp cò. Vincent chết ngay tại chỗ, cảnh sát không tìm ra hung thủ.

Đến cuối thập niên 1960, Lệ Hải đã chính thức gia nhập vào thế giới du đãng. Khác với các trùm du đãng phái mày râu, Lệ Hải không cần bảo kê, mở sòng bạc, bán ma túy..., mà chỉ cần bắt các đại gia cung phụng tiền bạc để mình và đàn em đi đập phá. Những người “chồng hờ” ấy chỉ là thứ để Lệ Hải “trang điểm” cho cuộc sống, còn nhu cầu tình yêu và tình dục của cô lại dành ở một chỗ khác. Lệ Hải chỉ thích những chàng trai trẻ non nớt về tình trường.

Sài Gòn thời đó bỗng xôn xao, hoang mang với chuyện thỉnh thoảng lại có một thanh niên học sinh “con nhà lành” nào đó bị bắt cóc một cách bí ẩn. Để rồi mấy ngày sau “nạn nhân” trở về gia đình với dáng vẻ bơ phờ, nhưng không hề hé môi, kể cả với cảnh sát, về những chuyện đã xảy ra với mình. Sau những cuộc mây mưa với chàng trai mới lớn nào đó, “nữ chúa” Lệ Hải đều trân trọng cảm ơn “người tình” và dằn mặt: “Tất cả những chuyện ở đây chỉ có tôi và anh biết. Anh không được tiết lộ cho bất cứ ai khác, nếu như anh còn muốn sống”.

Cuối tháng 4.1975, Lệ Hải cùng người chồng hờ vượt biển đến Úc. Từ đó, họ đến định cư ở Anh quốc. Tại đây, cô lấy một người chồng gốc Do Thái là chủ một nhà hàng khách sạn lớn. Cô sinh con và sống khép mình trong gia đình, như cố quên những năm tháng dữ dội trong thế giới du đãng ở Sài Gòn.


Khu vực chợ Cầu Kho, nơi Jacqueline một thời ngang dọc.

Chị Lin của giới giang hồ

Khoảng 1963-1964, đám trẻ bụi đời khu vực Cầu Muối và Tôn Đản bên quận 4 thường xuyên va chạm, đụng độ với bọn giang hồ nhí ở khu vực Cầu Kho, quận 1. Chính từ các cuộc thư hùng này, một nữ giang hồ nhí có cái tên rất Tây là Jacqueline đã trưởng thành và nhanh chóng nổi tiếng. Jacqueline thường phụ mẹ bán mắm ở chợ Cầu Kho. Không được học hành, người mẹ thì suốt ngày lo buôn bán, nên cô gái đã bị đám giang hồ nhí Cầu Kho lôi kéo vào các cuộc đụng độ với giang hồ nhí của quận 4. Ra đời năm 1950, là hậu quả sau một cuộc càn quét của lính lê dương Pháp vào ngôi làng Tân Hạnh Đông, Gò Vấp, Jacqueline có màu da tối sẫm, tóc quăn, vóc dáng to lớn. Càng lớn lên cô càng tỏ rõ nguồn gốc “lê dương” của mình với cách nói năng hùng hổ, tính tình như con trai.

Các cuộc đụng độ của giang hồ nhí 2 quận cuối cùng cũng được đôi bên “thương lượng” theo cách: Mỗi bên cử ra một đại diện để “tỉ thí” với nhau, bên nào thua phải quy phục bên kia. Phía bên giang hồ nhí Cầu Muối – Tôn Đản quận 4 cử ra một thằng du côn có biệt danh "Mặt chuột", rất lì lợm, chuyên đánh cận chiến. Bên phía Cầu Kho quận 1 cử ra Jacqueline. Cuộc tỉ thí diễn ra trước sân chợ Cầu Kho, xung quanh có khoảng 50 trẻ bụi đời ở 2 bên hò reo ủng hộ “gà nhà”. Sau khoảng 10 phút, cô gái nhanh chóng đè ngửa đối thủ, cưỡi lên bụng... Vậy là phe Cầu Kho độc chiếm cả khu vực, còn cô gái lai Jacqueline thì được bọn nhóc tôn làm thủ lĩnh của cả 2 phe.

Bước sang tuổi 15, Jacqueline đã thực sự trổ mã và trở thành nạn nhân của người cha dượng bất nhân. Khi lính Mỹ bắt đầu đổ quân ồ ạt vào miền Nam, Jacqueline cặp kè với một thằng lính Mỹ cũng đen thui như cô. Jacqueline rời khỏi quầy bán mắm của mẹ ở chợ Cầu Kho, xin đi làm ở một quán bar trên đường Nguyễn Cư Trinh. Là gái bán bar, nhưng Jacqueline coi mình như chủ, các cô gái làm cùng và cả chủ quán bar ai cũng sợ, một điều "chị Lin" hai điều cũng "chị Lin".

Dù đã đi bán bar, nhưng nhờ có tiền, nên Jacqueline vẫn duy trì được 1 nhóm du đãng dưới trướng để “sai vặt” và để gây áp lực với chủ quán. Ngày mẹ mất, Jacqueline về chịu tang đúng 3 ngày. Sau khi chôn cất mẹ xong, cô gái trở về nhà gặp người cha dượng và nói: “Tôi rất hận ông, nhưng lâu nay vì thương mẹ mà tôi nhẫn nhịn, im lặng, giờ mẹ tôi đã chết, tôi và ông phải ân oán cho sòng phẳng, xong đường ai nấy đi”. Dứt lời, trước mặt nhiều người, Jacqueline rút lưỡi lê đâm thẳng vào hạ bộ ông dượng ghẻ mấy nhát rồi bỏ đi, mặc cho lão ta nằm kêu la đau đớn.

Một lần, một trung sĩ biệt động quân tên Đực “đen" vì bực chuyện gì đó mà rút dao găm ra doạ Jacqueline. Jacqueline vỗ đùi thách thức: "Đ.M. Rút dao mà không dám đâm thì về chui vào quần vợ mày đi!". Mất mặt và sôi máu, Đực “đen” đâm thẳng dao vào bụng Jacqueline, nhưng vì sợ nên để nguyên không rút dao ra. Jacqueline vẫn ngồi yên tại chỗ, tay bịt vết thương, miệng cười nói: "Tao mà không chết thì mày và con vợ mày phải chết!". Sau bữa đó, Đực “đen” lẩn trốn, nhưng vẫn bị “chị Lin” tìm được tại 1 quán nhậu và “trả” cho hắn năm sáu nhát dao vào bụng bằng chính con dao mà hắn đã đâm cô. Lành bệnh, Đực “đen" sợ nên đào ngũ và trốn mất tăm. Sau vụ Đực “đen”, uy danh của Jacqueline càng nổi trong thế giới du đãng Sài Gòn.

Tiếp theo là vụ Jacqueline “làm gỏi” đám lính dù bảo kê các quán bar đường Nguyễn Văn Thoại. Đụng độ nhau trong quán bar, “chị Lin” hẹn với toán lính dù đúng 22h đêm sau gặp nhau tại xa lộ Đại Hàn để phân tài cao thấp. Đó chẳng qua là kế "điệu hổ ly sơn" vì khi đám lính du kéo đến chỗ hẹn thì Jacqueline dẫn đàn em xông đến các quán bar lớn do bọn này bảo kê, đập phá tan tành. Khi bọn lính dù trở về từ điểm hẹn, Jacqueline đón đường đánh từng thằng, làm mấy chục người đi nhà thương.

Jacqueline “kết thân” với nàng tiên nâu, lao vào cờ bạc, bao vốn liếng kiếm được cứ lần lượt đội nón ra đi. Cờ bạc và ma tuý đã làm cô khánh kiệt. Một buổi tối, khi đang ngồi "phê" thuốc, Jacqueline bị hai kẻ lạ mặt xông vào, xả dao chém cho tới khi cô ngã gục bên vũng máu. Ra khỏi viện, Jacqueline sống vất vưởng quanh khu Cầu Kho quận 1, kiếm ăn như những kẻ bụi đời đường phố. Sau ngày Sài Gòn được giải phóng vài hôm, một buổi sáng người ta thấy Jacqueline nằm chết cứng trên vỉa hè ở quận 1, nơi cô từng có một thời ngang dọc. Không người thân, các “chiến hữu” cũ cũng đâu mất, Jacqueline từ giã cuộc đời trong cô độc, nghèo khổ!