Ngoài Bờ Đông Là Mặt Trời
Tác giả: Trường An
Câu chuyện về kinh thành bên cạnh dòng sông. Một cô cung nữ, những cô công chúa, hoàng tử và những vị vua, người con lai mang hai dòng máu...Khi chiến tranh đã đi qua, một kinh thành mới được dựng lên cạnh dòng sông. Rồi những con người mới cùng tới vùng đất ấy, được sinh ra trên vùng đất ấy. Một vị vua mới lên ngôi. Đất nước phương Đông đầu thế kỷ mười chín với ước muốn chuyển mình trong sự trì trệ của hàng ngàn năm văn minh nông nghiệp. Đất nước phương Đông với giấc mơ về hòa bình sau cuộc chiến tranh dài, trong những cuộc chiến tranh dài.
Người chiến binh Tây dương viết trong cuốn hồi ký của mình: Đó là một đất nước buồn...
Câu chuyện là góc nhìn mới, khách quan về triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ 19.
Đánh giá từ bạn đọc
1. Đào Bạch Liên - Hà Nội
Một cuốn sách mà chẳng ai có thể khuyên ai là nên đọc hay không, vì nó tùy vào mối quan tâm với chủ đề, sự tương hợp với văn phong tác giả và thái độ kiên quyết bỏ mọi thành kiến hoặc so sánh sẵn có của bạn xuống.
Tóm lại là cứ đọc đi đã, nếu hợp thì thật may mắn còn không hợp, thì coi như bạn làm quen được với một thứ gì đó khác với những thứ bạn đã quen.
Dù gì thì cũng không thể nói là cuốn sách không giá trị được.
2. Moss Moss - Đồng Tháp
Lúc đầu mình mua chỉ vì:
1. Sách mới xuất bản
2. Tiểu thuyết lịch sử
3. Tác giả Việt Nam
4. Bìa ấn tượng
Thật xin lỗi nhưng mình có thành kiến với văn của tác giả VN, nhất là về thể loại tản văn và tiểu thuyết lịch sử. Tuy nhiên, quyển này mình thấy ổn. Vì chia làm 33 chương nhỏ nên mỗi ngày mình đọc vài chương (chân thành khuyên bạn đừng nên đọc một lèo hết quyển).
Lấy bối cảnh đầu nhà Nguyễn, thời vua Gia Long, Minh Mạng. Viết dưới góc nhìn của một cung nữ phòng thêu và cậu người Việt lai Pháp. Đây không phải một tiểu thuyết với kết cấu theo cốt truyện rõ ràng, có cao trào và kết thúc, đây chỉ thuật lại diễn biến của khoảng thời gian đó theo kí ức và tâm trang của nhân vật. Nó thiên về nội tâm. Mình thích một số đoạn, đại khái là:
"...Kẻ thương thân như thương thiên hạ. Giữ gìn bản thân như giữ gìn thiên hạ. Nhẫn tâm với bản thân như nhẫn tâm với thiên hạ. Chỉ kẻ đặt bản thân ngang với thiên hạ mới có thể gánh vác cả giang sơn..."
"..Vua chúa có thể nhân danh Trời để lừa phỉnh thì kẻ phản loạn cũng có thể mượn danh Trời để mưu cầu. Tin vào Trời, nghĩa là không tin gì hết..."
" - Có lẽ ta yêu chị mất rồi."
Điểm mình chưa hài lòng là tác giả dùng câu lặp quá nhiều. Thường thì đệm lại một lần nữa sẽ làm câu như có dư âm, gợi cảm hơn, nhưng dùng nhiều quá nó gây khó chịu.
3. Thanh Nghi
Đối với cá nhân tôi, Ngoài bờ đông là mặt trời rất đậm chất điện ảnh. Thật sự mỗi chương trong Ngoài bờ đông là mặt trời đều hiện ra đầu tôi như một “cảnh phim”, đầy đủ ánh sáng, âm thanh, màu sắc, dựng cảnh, tạo hình, nhân vật, lời thoại v.v. và quan trọng nhất là, đều tạo ra xung động cảm xúc.
Giàu chất điện ảnh như vậy, nhưng đối với cá nhân tôi, Ngoài bờ đông là mặt trời lại thiếu mất phần “đơn giản”. Đây có lẽ là sở thích cá nhân, tôi vẫn luôn thích một không gian rộng hơn cho người đọc và cho nhân vật, một khoảng lặng cho xung động cảm xúc từ tác phẩm lắng lại thành cảm xúc của cá nhân mỗi người xem. Ngoài bờ đông là mặt trời gây cho tôi cảm giác, tác giả chất chứa thật nhiều trong lòng, trong tim, đến khi đặt bút xuống viết bèn trào hết ra, không giữ lại nổi. Cho nên nhân vật giãi bày cho nhân vật, tâm tư thể hiện tâm tư, không chỉ gây ra vài chỗ hơi phi lý, mà còn gây ra cảm giác gò ép ngột ngạt.
Ở đây tôi muốn viết rõ hơn một tí. Trước khi nhận được sách tôi đã có đọc qua vài review trên mạng. Một số có ý kiến về văn phong tác phẩm, lủng củng, những đoạn lặp quá nhiều. Khi đọc rồi, tôi thấy cách viết lặp trong Ngoài bờ đông là mặt trời có ba kết quả (hoặc là hậu quả). Một số đoạn lặp tạo cảm giác rất thơ, giống như những điệu từ điệu ngâm, như tiếng vọng trên sông Hương, như “Cung Quảng xa xa – Cầu Thước xa xa”. Một phần lớn đoạn lặp khác tạo cảm giác bức bối ngột ngạt không thoát ra được cho tác phẩm, như ba lớp tường thành Nội, như tầng tầng lớp lớp sự việc vốn không thể nói rõ đúng sai, lại như mảnh đất đó con người đó – không bao giờ ra ngoài “bờ Đông” được. Cuối cùng là một số đoạn lặp, có lẽ là tiếng vang trong lòng tác giả (tôi chỉ đoán bừa, nếu không đúng mong tác giả thứ lỗi), lại là những đoạn cá nhân tôi không thích nhất, vì những đoạn lặp đó giống như đã “trói” tác phẩm lại trong một khung kính của riêng tác giả.
Nhân nói đến văn phong, mặc dù ngoài bìa tác phẩm ghi rõ là tiểu thuyết lịch sử, nhưng văn phong của tác giả không phải kiểu văn phong cổ kính như kiểu Nguyễn Triệu Luật, mà là văn phong hiện đại, phải nói là rất hiện đại. Tôi vẫn không nghĩ văn phong hiện đại có vấn đề gì khi được dùng để viết tiểu thuyết lịch sử, nhất là đối với các tác phẩm kiểu như Ngoài bờ đông là mặt trời vì tác phẩm này vốn dĩ cũng không phải chỉ để kể một câu chuyện lịch sử.
Không chỉ kể chuyện lịch sử, vậy Ngoài bờ đông là mặt trời kể chuyện gì? Có lẽ là nỗi buồn. Câu cuối bìa 4 chẳng phải cũng đã viết “đó là một đất nước buồn” sao? Tôi hay nghĩ, nỗi buồn ở nơi nào đó, đối với người nào đó, có lẽ giống như thuốc độc, có thể dùng độc trị độc, có thể giống như vắc xin, hoặc giả không thể dùng độc trị độc hay tạo ra kháng thể thì cũng có thể một viên chết hẳn. Nhưng cũng có nơi khác, người khác, nỗi buồn lại như thuốc phiện, càng dùng càng nghiện, đến một lúc nào đó bèn không dứt ra được, lại cũng không chết hẳn được. Trong rất nhiều nỗi buồn đã được vẽ nên, nỗi buồn của Ngoài bờ đông là mặt trời, lại là nỗi buồn nào?
4. Nguyễn Thảo Mỹ - Một cuốn sách không dành cho người vội vàng
Đây là một cuốn sách thu vén câu chuyện của gần 50 năm đầu của triều Nguyễn lại với hơn 400 trang. Với lượng nội dung đề cập đến quá lớn trong nhiều lớp ẩn ý, cuốn sách dường như quá tải, như một mê cung cho những người mới tiếp cận lịch sử giai đoạn này. Nhưng chịu khó tìm hiểu về những sự kiện được nhắc đến, những con người được đề cập, bức màn của thời đại đó trước mắt ta sẽ dần dần được vén lên. Những lời nói, nhận định của nhân vật cũng chính là những gì mà chúng ta thấy, nó hoàn toàn đúng cho đến tận ngày nay. Có bạn bảo văn phong quá hiện đại? nếu chịu khó đọc chịu khó tìm hiểu bạn sẽ nhận ra, chúng ta đã từng có những ông vua với tư duy cấp tiến như vậy đấy, nhưng làm sao được?. Là một người từng đọc 15 chương đầu ở trên website của tác giả, mình rất tiếc khi ra sách qua nhiều lần chỉnh sửa, tác phẩm này mắc một số lỗi lặp, một số điểm tranh cãi về văn phong - những lỗi mà bản cũ không hề mắc phải. Dường như tác giả muốn viết quá nhiều, muốn truyền tải quá nhiều nên nhiều đoạn bị dài dòng và làm loãng mạch truyện. Tuy nhiên, từng câu từng chữ lại rất đáng để người đọc suy ngẫm về quá khứ, hiện tại, tương lai.
5. Giang Hương (HN) - Một cuốn sách khó đọc nhưng không vì thế mà không đọc
Mình mua sách đơn giản và vì yêu tác giả trước. Từng đọc Vũ tịch của chị, cũng từng bị ám ảnh và cũng biết rằng Ngoài bờ đông là mặt trời chính là cuốn khó để cảm nhất trong số các tác phẩm của Trường An.
Điều đặc trưng của tác giả chính là dùng cảm xúc để dẫn mạch truyện kèm theo thủ pháp lặp. Nhân vật và sự kiện lịch sử lồng vào tác phẩm khá nhiều khiến độc giả đôi khi cảm thấy hoang mang và lạ lẫm. Bảo rằng đây là cuốn sách khó đọc chính là vì thế.
Mình thì thấy việc lặp lại chi tiết và từ ngữ hoàn toàn phù hợp với mạch cảm xúc. Vì sao ư? Vì mạch cảm xúc trong tác phẩm, là hòa quyện giữa cảm xúc nhân vật và cảm xúc của chính tác giả. Đây chính là nét khiến mình yêu thích nhất.
Chúng ta thường cho rằng đối với một cuốn tiểu thuyết lịch sử thì góc nhìn cần được khách quan? Mình thì lại đánh giá cao sự khác biệt của Trường An. Riêng "tiểu thuyết" nó đã là sự lãng mạn hóa rồi, huống hồ, lịch sử không chỉ là sự kiện. Lịch sử còn là con người. Lịch sử ghi dấu sự kiện nhưng đồng thời cũng chôn giấu con người. Một đất nước buồn, những những mảnh tâm tư đã bị thời gian vùi lấp,...những nỗi đau và cả sự day dứt,...
Đây là một cuốn sách khó đọc nhưng không phải là một cuốn sách khó hiểu và thật phí hoài nếu ta chưa thể cảm hết cái hay của cuốn sách cũng như tâm huyết của tác giả.
Đang tích tiền mua nốt mấy cuốn còn lại của Trường An.
Sửa lần cuối: