This is a mobile optimized page that loads fast, if you want to load the real page, click this text.

Những vụ án đáng sợ với hiện trường không thể nào khó hiểu hơn

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Phần 1: Gareth Williams

Gareth Wyn Williams, sinh ngày 26/12/1978 là một nhà toán học người Wales đã từng làm việc cho GHCQ, một cơ quan cấp dưới của Cục Tình báo mật (SIS, MI6).


Sau khi lấy được bằng tiến sĩ ở đại học Manchester, Williams đã bỏ chương trình cao học của mình tại trường đại học St. Catharine và quyết định làm việc cho cơ quan GHCQ ở Cheltenham vào năm 2001. Trong thời gian làm việc của mình tại đây, Williams chỉ sống tại một căn hộ duy nhất ở Presbury, Gloucestershire và chưa hề chuyển đi nơi nào khác. Là một người đạp xe chuyên cần và sống khá khép kín, Williams không có nhiều kẻ thù đặc biệt là kẻ ghét đến mức muốn ám sát ông, hoặc đó là điều mà mọi người vẫn nghĩ.


Vào ngày 23/8/2010, sau khi các đồng nghiệp không liên lạc được với Gareth Williams, cảnh sát đến nhà ông để kiểm tra và đã phát hiện ra một cảnh tượng kinh hoàng: Xác ông không mặc đồ đang thối rữa trong một chiếc túi du lịch bị khóa từ bên ngoài, đặt bên trong phòng tắm lớn của căn hộ.

Theo các chuyên gia pháp y, vì cấu tạo và chất liệu của chiếc túi, nạn nhân chắc chắn không thể tự khóa mình trong chiếc túi đó mà có một bên thứ ba liên quan đến cái chết của ông.


Quá trình điều tra cho thấy, trên xác của Gareth Williams không hề có dấu vết nào của một cuộc gây gổ hay đấu súng. Hơn thế nữa, để đưa được thi thể của một người đàn ông vào một chiếc túi du lịch, ít nhất trên cơ thể của ông cũng sẽ để lại một vài vết hằn, nhưng đã không có gì cả.

Xác của nạn nhân hoàn toàn sạch sẽ khi được đưa vào túi và khóa lại. Gia đình ông cho rằng đây là vụ án đã bị che đậy vì các chứng cứ DNA ở hiện trường đã bị lau sạch, không hề có bất kì dấu vân tay hay dấu chân nào được tìm thấy. Trên chiếc túi du lịch là một ổ khóa nhỏ và chiếc chìa khóa nằm bên trong chiếc túi, dưới xác của Williams.


Việc MI6 không thông báo về sự mất tích của nhà toán học làm cho nhiều người tin rằng cái chết của ông có liên quan mật thiết đến những công việc ông làm.

Williams làm cho bộ phận giải mã của MI6, và có thể ông đã vô tình khám phá ra điều gì đó cấm kị. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khi vừa được thông báo về cái chết của Gareth Williams đã ký một công văn miễn trừ ưu tiên công ích, nghĩa là nếu các bên điều tra yêu cầu giấy tờ làm việc của Gareth Williams để xem xét, họ sẽ bị từ chối.

Cũng vào cuối năm 2010, cảnh sát tiết lộ thêm các chi tiết mới về cái chết của Gareth Williams. Không lâu trước khi qua đời, Williams đã xem một số trang web có chủ đề bondage - một loại hứng thú tình dục liên quan đến việc trói cơ thể lại.

Ngoài ra, cảnh sát còn tìm thấy một số lượng lớn quần áo hàng hiệu của phụ nữ với trị giá lên đến 15,000 bảng Anh (Khoảng 400 triệu VND) trong nhà ông. Khi được phía cảnh sát hỏi, nhân viên bán hàng kể lại khi mua, Williams chỉ nói rằng ông đang mua đồ cho bạn gái.

Những khám phá mới này rất lạ nhưng đồng thời cũng không có gì đáng ngạc nhiên lắm vì Williams vốn là một người sống rất khép kín, nên ít ai biết gì nhiều về cuộc sống riêng tư của ông. Điều này cũng đã làm cho một đợt thuyết âm mưu mới nổi lên: Gareth Williams, trong một lần đang cố gắng thử một động tác tình dục nào đó, đã vô tình bị khóa trong chiếc túi, nghẹt thở và chết.

Nhưng nếu đúng thật như vậy thì ông đã ở cùng với ai khi chuyện này xảy ra? Khả năng này đã được rất nhiều người xem qua nhưng không mang lại nhiều kết quả khả quan. Về phía gia đình của Gareth Williams, họ đã rất từ chối giả thuyết này, họ mong muốn một câu trả lời đàng hoàng và thích hợp hơn là tin rằng con trai mình đã làm tình đến chết.

Đã gần một thập kỷ kể từ khi Gareth Williams qua đời và vẫn còn rất nhiều điều xung quanh cái chết này chưa được sáng tỏ. Những thuyết âm mưu mới vẫn được đưa lên bàn tán, những cuộc điều tra vẫn được tiến hành đều đặn để tìm ra nguyên nhân thật sự đằng sau vụ việc này.

Vào cuối năm 2015, một cựu điệp viên của KGB (Cơ quan tình báo Nga), trong một buổi phỏng vấn bất ngờ tiết lộ cơ quan tình báo nước ngoài của Nga đã bí mật thủ tiêu Gareth Williams vì đã không thành công trong việc thuyết phục ông trở thành một điệp viên hai mang. Nhưng lời khai này không hề có bất kì chứng cứ chắc chắn nào nên vẫn không ai biết được liệu đây có phải sự thật không. Liệu Gareth Williams đã bị những thế lực mờ ám thủ tiêu? Hay ông chỉ vô tình chết vì những thú vui lạ lùng của mình?

Nguồn bài: Tổng Hợp​
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Phần 2: Monika Rizzo

Một người chồng bạo lực và một cô vợ hiền lành, nghe chừng có vẻ đơn giản nhưng thật sự thì không hề...


Monika Rizzo, 44 tuổi, lần cuối cùng được thấy còn sống là vào ngày 5/5/1997, sau khi cô rời khỏi văn phòng của mình ở San Antonio, Texas.

Cô bỏ về giữa ca làm việc của mình, để lại túi xách và không nói gì với ai cả. Sau 8 ngày không liên lạc được, sếp của Monika đến nhà của cô để kiểm tra thì gặp cô, cô nói rằng mình đang rất mệt và sẽ đi làm lại vào tuần sau, cụ thể là vào ngày 19/5.

Nhưng cô đã không bao giờ đi làm lại sau đó. Chồng của Monika, Leonard Rizzo nói rằng một buối sáng nọ, vài ngày sau khi sếp của Monika đến thăm, Leonard thức dậy và không thấy vợ mình đâu nữa. Nhưng Leonard đã không gọi cho cảnh sát về vụ mất tích của vợ.


Vào ngày 5/6, lực lượng cảnh sát thành phố Antonio nhận được một cuộc gọi ẩn danh từ một người đàn ông, nói rằng Monika đã bị Leonard giết và hiện tại xác của cô đã bị chôn ở khu vườn sau nhà. 30 phút sau cuộc gọi, cảnh sát có mặt tại nhà của gia đình Rizzo để điều tra thì thấy rằng Leonard đang bị co giật nhẹ.

Khi ông được đưa đến bệnh viện, cảnh sát tìm đến con trai của gia đình Rizzo, người con trai nói rằng cậu sống ở một khu vực khác của thành phố và đã không gặp mẹ mình nhiều tuần liền. Quần áo của Monika vẫn còn trong tủ áo, xe của bà vẫn còn đang đậu trong ga-ra nhà. Khi điều tra khu vườn của nhà Rizzo, cảnh sát chỉ tìm thấy những mẩu xương được cho là của động vật.

Đúng một tháng sau cuộc gọi đầu tiên, cảnh sát lại nhận được một cuộc gọi ẩn danh từ cùng một người đàn ông, nói rằng xác của Monika thật sự đang nằm ở khu vườn phía sau nhà Rizzo. Tuy nhiên, lần này người gọi đã cho những chi tiết cụ thể hơn, đặc biệt là xương của Monika đã được chôn ở một bụi cây. Cảnh sát lại đến khu vườn phía sau nhà Rizzo, và lần này họ đã tìm thấy một chiếc sọ người, vài mảnh xương, và một túi nilon đựng thịt người. Leonard khai rằng ông không hề biết gì về những thứ này và nói rằng ai đó đang đổ tội cho ông.

Lời khai này có vẻ khá hợp lý, vì không ai lại giết vợ mình và sau đó chôn ngay trong nhà của mình cả. Tuy nhiên, khi điều tra kĩ hơn căn nhà, cảnh sát đã bắt đầu nghi ngờ Leonard: Trong nhà có những vết máu đã khô, nhiều đồ dùng như ghế, tủ, bồn rửa bị bể, nứt.

Giải thích cho việc này, Leonard nói rằng ông cảm thấy bất lực trong vụ án của vợ mình nên đã “đập phá căn nhà”. Khi vụ điều tra được mở rộng, một vài đồng nghiệp của Monika đã khai rằng trong những tuần trước khi Monika mất tích, họ thường nhìn thấy một vài vết bầm trên tay và mặt cô. Khi họ báo với cảnh sát về việc này, Monika bảo rằng cô ổn và cô chỉ bị ngã, không có gì đáng phải lo.
Nghi ngờ rằng có nhiều chứng cứ khác đang bị giấu, lực lượng cảnh sát cùng với một nhóm khảo cổ học đến từ trường đại học Texas đã tiếp tục điều tra khu vườn sau nhà gia đình Rizzo. Mỗi khi họ tìm thấy một mẩu xương hay những chứng cứ khác, khu vực đó sẽ được đánh dấu bằng một chiếc ghim nhỏ màu cam.

Sau khi cả khu vườn được phủ kín, hơn 200 mẩu xương đã được tìm thấy, đa số được cắt thành những miếng nhỏ dài không quá 6cm, cảnh sát cho rằng một chiếc cưa hoặc máy xén gỗ đã được dùng để cắt xương. Điều đáng ngạc nhiên nhất là kết quả DNA, việc đối chiếu DNA các mẩu xương cho thấy rằng có tất cả 4 người đã bị chôn, và không ai trong số họ là Monika. Leonard một lần nữa từ chối mối liên hệ của mình với vụ việc, bảo rằng ông không biết 4 người đã bị chôn trong vườn nhà mình là ai cả.


Quá trình điều tra đã không tìm thấy nhiều nghi phạm hay chứng cứ gì ngoại trừ số xương ở gia đình Rizzo. Người gọi ẩn danh sau này được tiết lộ là Robert Hakala, ông thấy nghi ngờ khi thấy một con chó đang nghịch với một phần xương hàm có kết cấu khá giống với hàm của Monika, sau khi bị thẩm vấn nhiều lần, cảnh sát quyết định Robert hoàn toàn vô tội và không phải nghi phạm của vụ án này.

Về Leonard Rizzo, mặc dù là nghi phạm chính của vụ án này nhưng phía cảnh sát không có đủ bằng chứng để kết tội Leonard về vụ mất tích và (có thể) ám sát của vợ mình. Khoảng 2 năm sau khi vụ án của Monika Rizzo làm chấn động cả vùng Texas, Leonard bị bắt vì tội cố ý hành hung và gây thương tích cho bạn gái mới của mình.

Nhiều thám tử tư cũng đã vào cuộc để tìm lại công lý cho Monika. Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra, trong đó có một giả thuyết rất thú vị liên quan đến người gọi ẩn danh. Giả thuyết này cho rằng người gọi ẩn danh (Robert Hakala) mới chính là hung thủ của vụ án.

Theo lời kể của ông thì ông chỉ thấy một con chó đang nghịch một phần xương hàm có kết cấu khá giống với hàm của Monika nhưng đã có thể gọi điện và thông báo cho cảnh sát chính xác vị trí của những chiếc xương là một điều rất đáng ngờ. Mặc dù giả thuyết này nghe có vẻ thuyết phục nhưng cũng không có đủ bằng chứng để kết tội Robert.

Ngoài việc nghi phạm của vụ án không rõ ràng, phía điều tra cũng trở nên cực kì mơ hồ với các chứng cứ của vụ án này. Khi lần đầu tiên phân tích DNA cho những mẩu xương ở hiện trường, họ kết luận rằng không có mảnh xương nào thuộc về Monika Rizzo. Nhưng sau khi mở lại quá trình điều tra không lâu sau đó, kết quả của sở cảnh sát Antonio là tất cả hơn 200 mảnh xương đều thuộc về Monika.

Điều này làm cho nhiều người rất thắc mắc, liệu Leonard Rizzo đã có thể bị kết tội chưa? Không may thay là chưa, không có bằng chứng nào cho thấy Leonard chính là người chôn những mảnh xương này.

Vụ án cho đến nay vẫn chưa được phá, hung thủ dù là ai vẫn đang sống trong bóng tối và cái kết cho vụ án của Monika thế nào cũng chưa hề sáng tỏ.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Phần 3: The Black Dahlia - Một trong những vụ án ghê rợn nhất lịch sử Los Angeles.

Vào buổi sáng ngày 15/1/1947, khoảng 10:30, một người phụ nữ tên Betty Bersinger đang đưa con gái mình đến một tiệm sửa giày thì họ đi ngang qua một cái xác. Theo lời của Betty, cái xác lúc đó trắng bệch đến mức cô tưởng nó là một con mannequin, bị chặt đôi ở khúc ngay sống lưng. Sau khi đến gần lại để kiểm tra, cô mới nhận ra đó là xác của một người phụ nữ. Cô gọi cảnh sát, và hơn nửa tiếng sau, đội điều tra đã bắt đầu làm việc.


Quá trình điều tra

Nạn nhân được xác định là Elizabeth Ann Short, 22 tuổi. Xác chết của cô được tạo dáng rất lạ: Mắt mở, 2 tay đặt lên trên đầu, chân duỗi thẳng, miệng bị rạch ra 2 bên, tạo thành một Glassgow Smile (thuật ngữ cảnh sát). Điều đặc biệt hơn là xác của nạn nhân cũng như xung quanh khu vực đó không hề có một giọt máu nào. Có vẻ như nạn nhân đã bị rút cạn máu và lau sạch trước khi được “tạo dáng” ở hiện trường.


Sau khi nhận diện được nạn nhân sử dụng dấu vân tay trong cơ sở dữ liệu của FBI, các tờ rơi cũng như các thông báo bắt đầu được đăng với hi vọng tìm kiếm thêm thông tin về cái chết của Elizabeth Short. Trong các tờ rơi và thông báo, Elizabeth được miêu tả là cao khoảng 1m6, tóc đen, mắt xanh, rất ưa nhìn, răng hàm dưới xấu. Chỉ sau một thời gian ngắn, rất nhiều thông tin về nạn nhân đã được gửi đến phía điều tra. Elizabeth đến từ bang Massachusetts, chuyển đến khu vực Hollywood với hi vọng sẽ được nổi tiếng. Cô từng làm bồi bàn, thu ngân, và một vài vai diễn nhỏ. Vì diện mạo cũng như màu tóc đen huyền của mình, các nhà báo đặt biệt danh cho cô là “The Black Dahlia”, dựa trên một bộ phim cũ với nữ diễn viên chính có diện mạo nhìn khá giống với nạn nhân.


Kết quả khám tử thi của Elizabeth Short tiết lộ khá nhiều điều về cái chết của cô: Nguyên nhân tử vong được xác định là mất máu và shock, những vết hằn ở chân, đùi, cổ tay của nạn nhân cho thấy rằng có thể nạn nhân đã bị trói lại và tra tấn, 2 vết rạch trên miệng được tạo ra trong khi nạn nhân vẫn còn sống. Ngoài ra, Elizabeth còn bị chấn thương sọ não do bị đánh nhiều lần vào đầu. Những vết cắt trên cơ thể cô rất gọn và sạch sẽ, làm cho cảnh sát nghi ngờ rằng hung thủ là một người có kĩ năng giải phẫu.

Những chi tiết ghê rợn của vụ án này đã thu hút rất nhiều sự chú ý, làm cho Elizabeth Short trở thành tiêu điểm của những tờ báo ở Los Angeles trong suốt 1 tháng sau đó. 9 ngày sau khi xác của Elizabeth được phát hiện, một phong bì được gửi đến tòa soạn của tờ báo Los Angeles Examiner, trong phong bì là mã số an ninh của Elizabeth, giấy khai sinh của cô, vài tấm ảnh và một quyển sổ địa chỉ với vài trang đã bị xé. Tất cả mọi dấu vân tay đã bị xóa bằng xăng. Đến cùng với những đồ dùng cá nhân của Elizabeth là một bức thư với nội dung: Here is Dahlia’s Belongings (Trong đây là đồ dùng cá nhân của Dahlia). Bức thư sử dụng những chữ được cắt ra từ các tờ báo, tạp chí để nét viết tay của hung thủ không bị lộ. Đã có tổng cộng 13 lá thư được gửi đến các tòa soạn báo và cảnh sát, vài bức thư được kí tên: Dahlia’s Avenger (Kẻ báo thù Dahlia).



Trong suốt quá trình điều tra, đã có hơn 100 người bị thẩm vấn, hơn 75 cái tên trong quyển sổ địa chỉ cũng đã được liên hệ để điều tra, nhưng đã không có nhiều kết quả khả quan. FBI cũng đã điều tra hơn 300 sinh viên của một trường đại học Y nhưng cũng không thể chỉ điểm được ai là nghi phạm. Trên một chiếc phong bì gửi cho sở cảnh sát có một dấu vân tay, nhưng dấu vân tay này không hề có trong cơ sở dữ liệu của FBI. Vụ án dần đi vào bế tắc.

Một trong những nghi phạm chính của vụ án

Sau khi về hưu, thám tử Steve Hodel của sở cảnh sát Los Angeles đã quyết định đào sâu vụ án này và quyết định chỉ điểm George Hodel, chính cha của ông, là hung thủ của vụ án này.

George Hodel được miêu tả là một vị bác sĩ giàu có, ưa nhìn, có nhiều mối liên hệ, và là chủ của một phòng khám bệnh ở Los Angeles, và chính điều đó đã giúp ông có được kiến thức về giải phẫu cần để thực hiện vụ án. Sau khi George qua đời, Steve xem qua các album ảnh của cha ông và phát hiện 2 tấm hình của một người phụ nữ với diện mạo gần giống với Elizabeth Short, điều này làm cho ông nghi ngờ rằng giữa 2 người đã có một mối quan hệ tình cảm. Và mặc dù đã có nhiều chuyên gia kiểm tra 2 tấm hình này, vẫn chưa ai có thể khẳng định liệu đây có phải là Elizabeth Short hay không.


George Hodel

Steve Hodel cũng tin rằng cha ông là thủ phạm giết Jeanne French, một người phụ nữ được tìm thấy đã chết khoảng 3 tuần sau khi Elizabeth Short được phát hiện. Cũng như Elizabeth, Jeanne bị đánh nhiều lần vào đầu và đã được tạo dáng trước khi chết. Trên xác của Jeanne có chữ “BD” được viết bằng son môi đỏ, chữ “BD” ban đầu được cho là viết tắt của Black Dahlia.

Theo các báo cáo, vào buổi sáng ngày 9/1/1947, những túi xi măng đã được gửi đến nhà của George Hodel để tiến hành sửa chữa, đây cũng là ngày cuối cùng Elizabeth Short được nhìn thấy còn sống, và 1 tuần trước khi xác của cô được phát hiện. Steve Hodel, cũng như nhiều thám tử khác, nghi ngờ rằng những túi xi măng này được dùng để chứa và vận chuyển xác của Elizabeth.

Về động cơ của George, Steve kể rằng một trong những thần tượng của George là Man Ray, một họa sĩ với phong cách đương đại khá nổi tiếng thời đó, Steve đã tìm thấy những điểm tương đồng giữa cách mà Elizabeth Short được tạo dáng với những bức tranh của Man Ray. Ngoài ra, George cũng thường hay tổ chức những bữa tiệc lớn và mời Man Ray làm khách. Không ai rõ mối quan hệ giữa Man Ray và George Hodel là gì, nhưng George đã từng nói rằng mình muốn làm họa sĩ giống Man Ray, nên Elizabeth Short trong mắt của George có thể là một “tác phẩm nghệ thuật”.


Một thành viên khác của gia đình Hodel, Tamar Hodel, con gái của George Hodel, cũng đã từng cáo buộc cha mình rằng ông đã cố dạy cho cô cách làm tình khi cô chỉ mới 11 tuổi, và đã từng bắt cô phải tạo dáng cho những bức ảnh nude. Ở tuổi 15, Tamar đẻ một bé trai, có nhiều tin đồn rằng cha của đứa bé chính là George Hodel.

Tuy nhiên, George Hodel đã không bị kết tội ấu dâm và loạn luân vì những thành viên khác của gia đình đã đưa lời khai rằng Tamar đã kể sai sự thật. Tuy nhiên, có thể gia đình Hodel đã bị ép phải làm vậy vì George Hodel là nguồn tài chính của gia đình. Sau những cáo buộc này, George Hodel chuyển đến sống ở Phillipines và qua đời ở tuổi 91 vì trụy tim.

Trong hồ sơ của vụ án là một bản ghi chép cho thấy rằng cảnh sát đã gài thiết bị nghe lén vào nhà của George Hodel và nghe lén ông trong suốt 40 ngày vào năm 1950. Những bản ghi âm đã bị mất nhưng bản phiên âm vẫn còn, một trong số đó ghi lại rằng:


Trong một bản phiên âm khác là cuộc đối thoại giữa George và một người đàn ông khác, chỉ ra rằng George nắm được thông tin về sự tham nhũng của sở cảnh sát Los Angeles, và đã sử dụng những thông tin đó để ép họ phải hủy những bằng chứng về vụ án, cũng như loại bỏ George ra khỏi diện tình nghi.

Liệu George Hodel có thật sự là hung thủ của vụ án này? Hay còn có nhiều điều mà cả chúng ta lẫn cả sở cảnh sát Los Angeles còn chưa biết? Không ai biết được cả, và hung thủ của vụ án The Black Dahlia cho đến nay vẫn còn là một ẩn số.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Phần 4: Án mạng trong phòng 1046

Vào khoảng hơn 1h trưa ngày 2/1/1935, một người đàn ông bước đến khách sạn President để book 1 phòng đơn, theo lời những người có mặt lúc đó, anh này trong tầm từ 20 – 35 tuổi, tóc nâu, vóc dáng khá cao to và có một vết sẹo phía sau đầu. Anh ta ghi tên mình trong sổ đăng kí là Roland T. Owen, đến từ Los Angeles. Nhân viên hành lý lúc đó, Randolph Propst, khi đi cùng Roland đến phòng 1046 thì thấy lạ vì hành lý của Roland chỉ gồm một chiếc lược, một chiếc bàn chải đánh răng và kem đánh răng. Khi đã thu xếp mọi thứ xong xuôi, Roland nói rằng anh ta cho phép lao công vào phòng mình dọn trong khi anh ở trong phòng, nhưng đừng khóa cửa lúc ra vì đang chờ một người bạn đến. Người lao công lúc đó, Mary Soptic, tả lại rằng căn phòng rất tối, màn cửa được kéo kín lại, những chiếc đèn lớn đều đã bị tắt, trừ một chiếc đèn bàn nhỏ ở bên cạnh giường ngủ của Roland.

4h chiều hôm đó, Mary quay lại căn phòng để mang khăn tắm đến, và thấy Roland đang nằm trên giường, căn phòng vẫn tối mịt, lần này có một quyển sổ ghi chú để trên bàn có nội dung:
Don, chờ tôi, tôi sẽ quay lại sau 15 phút.
Vào sáng ngày 3/1, khoảng 10h30 sáng, Mary đến phòng 1046 để lau dọn thì cửa phòng đã bị khóa từ bên ngoài, cô dùng chìa khóa lao công của mình để vào phòng thì thấy Roland đang ngồi bên cạnh giường, có nghĩa là đã có ai đó khóa cửa phòng từ bên ngoài trong khi Roland vẫn còn đang ở bên trong. Trong lúc Mary lau dọn, Roland trả lời một cuộc điện thoại với giọng điệu rất hấp tấp:
Không, Don, tôi không muốn ăn sáng. Tôi không đói.
4h chiều hôm đó, Mary mang khăn tắm mới đến phòng 1046 như mọi ngày thì nghe thấy tiếng 2 người đàn ông đang cãi nhau. Khi cô gõ cửa, một giọng nam trầm vang lên hỏi ai vậy. Khi Mary giải thích mình là lao công, giọng nam đó lại vang lên:
Chúng tôi không cần khăn tắm.
Cũng vào buổi tối hôm đó, một vị khách ở cạnh phòng 1046 than phiền rằng cô nghe thấy tiếng chửi rủa ở tầng mình đang ở, có cả giọng nam và nữ.

Đây là lúc mọi thứ bắt đầu trở nên kì lạ.

Vào 7h sáng ngày 4/1, người điều hành điện thoại của khách sạn để ý rằng điện thoại của phòng 1046 đã bị ngắt kết nối, Randolph Propst đã được cử lên để xử lí. Trên cửa phòng 1046 lúc đó là biển báo “đừng làm phiền”. Sau vài lần gõ cửa, một giọng nam trầm trong phòng vang lên:
Vào đi, mở đèn lên.
Điều kì lạ là lúc đó cửa vẫn đang bị khóa. Nghĩ rằng Roland lúc đó đang say, Randolph chỉ nói rằng: “Quý khách vui lòng kiểm tra lại đường dây điện thoại”, và sau đó rời đi.

Khoảng 1 tiếng rưỡi sau đó, điện thoại ở phòng 1046 vẫn đang bị ngắt kết nối. Lần này, một nhân viên hành lý khác, Harold Pike, đã cầm chìa khóa dự phòng lên để kiểm tra. Bước vào phòng, anh thấy rằng Roland đang nằm trên giường, không mặc quần áo, và có vẻ đang say. Ngoài ra, trên ga giường lúc đó cũng có một vài vết ố. Chiếc bàn để điện thoại đã bị lật đổ và dây của chiếc điện thoại đã bị bung ra, Harold cắm lại sợi dây nối, và lặng lẽ ra khỏi phòng.


Trong khoảng từ 10h30 đến 10h45, điện thoại bàn ở phòng 1046 lại một lần nữa bị ngắt kết nối. Lần này, Randolph được cử lên để xem xét tình hình, khi cánh cửa vừa được mở ra, Randolph nhìn thấy một cảnh tượng vô cùng đáng sợ, đây là lời khai của anh:
Điều đáng ngạc nhiên nhất của vụ án này là cho tới thời điểm được tìm thấy, Roland T. Owen vẫn còn sống. Thám tử Johnson, một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường đã hỏi Roland vài câu hỏi trước khi anh được đưa đến bệnh viện. Roland nói rằng anh đã không ở cùng với ai suốt buổi sáng, và anh bị thương vì đã ngã vào bồn tắm. Sau khi nói chuyện được khoảng 2 phút, nạn nhân mất dần ý thức và rơi vào trạng thái hôn mê.


Các vết thương trên người Roland cho thấy rằng nạn nhân đã bị tra tấn rất tàn bạo: Nhiều vết đâm liên tục vào ngực, phổi bị thủng, phía bên phải não bị bầm. Trên cổ và tay của nạn nhân là nhiều vết hằn do sợi dây cước để lại. Mắt cá chân và cổ tay của nạn nhân cũng bị bầm tím nặng. Ngoài ra, các bác sĩ khi khám nghiệm cũng cho biết rằng những vết thương trên cơ thể của nạn nhân đã được gây ra từ 6 – 7 tiếng trước khi nạn nhân được phát hiện, nghĩa là nạn nhân đã bị thương từ trước khi Randolph Propst lên phòng anh lần đầu tiên vào lúc 7h sáng.

Điều tra kĩ hơn căn phòng 1046, các thám tử thấy rằng bộ đồ nạn nhân mặc lúc check-in vào khách sạn đã biến mất, những vật dụng như xà bông, dầu gội đầu và khăn tắm cũng biến mất theo, những gì còn lại ở hiện trường gồm một chiếc kẹp tóc, một điếu thuốc và một lọ acid sulfuric (H2SO4) còn nguyên. Trên chiếc bàn nhỏ để điện thoại là 4 dấu vân tay, có thể là của một người phụ nữ. Nói về chiếc điện thoại bị ngắt kết nối, các thám tử đưa ra giả thuyết rằng có thể nạn nhân đã cố gắng dùng điện thoại để cầu cứu, nhưng vì bị thương quá nặng nên đã không thể nhấc điện thoại lên mà đã làm đổ chiếc bàn, dẫn đến việc sợi dây kết nối bị bung ra.

Một lúc sau nửa đêm ngày 5/1/1935, Roland T. Owen qua đời do mất máu quá nhiều.


2 thám tử điều tra chính của vụ án Roland T. Owen

Ngay sau đó, vụ án bắt đầu được điều tra kĩ hơn. Sở cảnh sát Los Angeles khi đối chiếu danh tính nạn nhân đã không tìm thấy bất kì ai tên Roland T. Owen. Không ai biết được tại sao nạn nhân lại dùng tên giả để check-in vào khách sạn, trong suốt quá trình điều tra, danh tính thật của nạn nhân cũng chưa bao giờ được tiết lộ. Sau khi thất bại trong việc xác định danh tính thật của nạn nhân, sở cảnh sát Kansas tập trung vào “Don”, cái tên nằm trong tờ ghi chú của nạn nhân, và cuộc tìm kiếm này cũng đã không mang lại bất cứ kết quả gì, những thông báo về cái chết của nạn nhân sau khi được đăng lên trang nhất của các tờ báo lớn để tìm thêm thông tin cũng đã không nhận được bất cứ phản hồi nào khả quan. Quá trình điều tra dần đi vào bế tắc và không có manh mối lớn nào xuất hiện. Vì lý do này, nạn nhân sẽ được chôn cất ở một khu nghĩa trang và sẽ không có nghi thức tang lễ nào được tiến hành.

Tuy nhiên, nhà tang lễ Melody McGilley đã nhận được một cuộc gọi ẩn danh, người gọi bảo rằng họ sẽ cung cấp đủ số tiền để tổ chức một nghi lễ mai táng đàng hoàng và trang trọng. Điều này cực kì đáng ngờ vì khi nạn nhân xuất hiện khắp các mặt báo, đã không có ai tìm đến cảnh sát để xác nhận danh tính của nạn nhân. Nhiều người cho rằng người gọi ẩn danh này chính là nhân vật “Don” bí ẩn, và việc tổ chức tang lễ cho nạn nhân cho thấy rằng giữa “Don” và nạn nhân có thể có một mối quan hệ nào đó mà phía điều tra vẫn chưa thể khám phá ra. Vào ngày 21/3/1935, một xấp tiền cuộn trong một tờ báo đã được gửi đến nhà tang lễ Melody McGilley, cùng với một lẵng hoa, và một tờ giấy note với nội dung:
Love Forever, Louise.
Tua nhanh khoảng một năm sau, vào khoảng giữa năm 1936, một người phụ nữ tên Ruby Ogletree đã liên hệ với cảnh sát, xác nhận nạn nhân của vụ án là con trai của mình, Artemus Ogletree, người đã bỏ nhà đi vào năm 1934. Điều đáng ngạc nhiên hơn là nạn nhân chỉ mới 17 tuổi. Những chi tiết cuối cùng sở cảnh sát có thể tìm được là nạn nhân trước khi check-in vào khách sạn President cũng đã từng ở tại khách sạn St. Regis dưới một cái tên giả khác với một người đàn ông, có thể là Don.

Một điều thú vị ở vụ án này là không thật sự có bất cứ nghi phạm nào cả. Gần như mọi người liên quan đến vụ án này đều có chứng cứ ngoại phạm rất hoàn hảo. Nhân vật “Don” bí ẩn thì cũng đã chưa bao giờ được tìm thấy. Tuy nhiên, đã có rất nhiều giả thuyết được đề xuất cho vụ án này, và một trong những giả thuyết nổi tiếng nhất cho vụ án của Artemus Ogletree chính là giả thuyết Cặp tình nhân:

Trước thời điểm bị sát hại, Artemus Ogletree có một vị hôn thê không được tiết lộ danh tính. Nhưng một điều không ai biết về Artemus Ogletree là anh là một người đồng tính, và nhân vật “Don” chính là tình nhân của anh. Artemus liên tục đến nhiều khách sạn khác nhau dưới những cái tên giả là để gặp gỡ và làm tình với những người đàn ông khác. Thời điểm xảy ra vụ án là vào những năm 1930, khi mà những định kiến cũng như sự kì thị những người đồng tính vẫn còn rất cao. Khi vị hôn thê của Artemus phát hiện ra việc này, một người nhà của cô đã giết Artemus vì sự phản bội này. Cả Don và vị hôn thê sau đó đều cảm thấy hối hận về việc này, nên họ đã cùng dàn xếp bằng cách để Don gửi tiền làm đám tang của Artemus, và lẵng hoa với dòng ghi chú Love Forever, Louise là món quà cuối cùng của vị hôn thê.

Nói về những giả thuyết khác, cũng đã từng có nhiều người đề xuất rằng vụ án này có liên quan đến những băng đảng vì sự tàn bạo trong cách gây án. Tuy nhiên, giả thuyết này trở nên thiếu tin cậy khi xét đến các chi tiết nhỏ như là những tờ giấy note nạn nhân viết trước khi bị sát hại. Ngoài ra, nếu thật sự vụ án này có liên quan đến băng đảng, cũng sẽ không có lý do gì để họ lại chu cấp tiền cho đám tang của nạn nhân và nguy cơ để lộ danh tính của mình.

Nhìn chung, án mạng ở phòng 1046 là một vụ án khá lạ lùng và có nhiều điểm không hợp lý lắm. Về các giả thuyết được đưa ra, lý do mà giả thuyết Cặp tình nhân được nhiều người đồng tình nhất có lẽ là vì giả thuyết này giải thích được nhiều lỗ hổng của vụ án nhất nếu chúng ta nhìn tổng thể vụ án. Thời điểm xảy ra án mạng là vào giữa những năm 1930, khi mà việc điều tra chưa có nhiều tiến bộ và phát triển lắm, nếu không có một nhân chứng rõ ràng, gần như ai cũng có thể phạm tội và trốn thoát được nếu đã có chuẩn bị từ trước. Vụ án này cũng không là ngoại lệ, và cho đến nay, những gì xảy ra tại phòng 1046 ngày 4/1/1935 vẫn còn là một bí ẩn.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Phần 1: Blair Adams

Blair Adams là ai?


Blair Adams (28/12/1964 - 11/7/1996) tên đầy đủ là Robert Dennis Blair Adams. Anh là một thợ xây dựng người Canada, 31 tuổi vào thời điểm vụ án mạng xảy ra.

Blair là một người tốt bụng và lành tính, tất cả bạn bè cũng như đồng nghiệp đều nói rằng anh là một người rất lạc quan, gần như lúc nào cũng cười và không hề có bất cứ kẻ thù hay ai muốn giết hại anh cả.

Điều này nghe có vẻ đúng, một thợ xây dựng hiền lành, hay cười thì làm gì có ai ghét, phải không nào? Không đâu.

Những hành vi đáng ngờ

Trong khoảng một tuần trước khi bị giết (bắt đầu từ ngày 5/7/1996), Blair Adams bắt đầu cư xử rất lạ lùng, nói với mọi người rằng có người đang muốn ám sát mình. Anh bắt đầu rút tiền từ tất cả các tài khoản ngân hàng cũng như các loại vàng, bạc, đá quý.

Vào ngày 7/7, Blair Adams có mặt ở biên giới Canada - Mỹ, nhưng đã bị từ chối cho qua vì anh là một người đàn ông đi một mình và đang mang theo một số tiền lớn. Cảnh sát nghi ngờ rằng nạn nhân là một người buôn ma túy. Lý do Blair chọn Mỹ là nơi để trốn "kẻ giết người" cho đến nay vẫn chưa được giải đáp.


Những nơi mà Blair Adams đã đi qua trong khi đang "chạy trốn".

Vào ngày 8/7 - một ngày sau khi bị từ chối nhập cư vào Mỹ, Blair đến chỗ làm và xin nghỉ việc, sau đó mua 1 vé máy bay khứ hồi đi từ Vancouver, Canada đến Frankfurt, Đức.

Điểm đặc biệt là chỉ vài tiếng sau khi đặt mua vé thành công, Blair đến nhà một người bạn và yêu cầu họ giúp anh qua biên giới vì anh đang bị săn đuổi. Sau khi người bạn từ chối giúp, Blair rời đi.

Vào ngày 9/7. Blair hủy vé của mình, thuê một chiếc xe và lái đến Seattle. Vẫn không dừng lại ở đây, sau khi đến được nước Mỹ, Blair tiếp tục mua một vé máy bay một chiều đến Washington, DC.

Một ngày sau khi đến Washington, DC, vào ngày 10/7, anh tiếp tục thuê một chiếc Toyota và đã chạy hơn 800km để đến Knoxville, Tennesee. Điều này đặc biệt lạ lùng vì theo kết quả điều tra, nạn nhân không hề có người quen hay bạn bè gì trong khu vực này cả.


Chiếc Toyota mà Blair Adams đã thuê ở Washington, DC để chạy đến Knoxville vào tháng Bảy năm 1996.

Vào lúc 5:30 PM, Blair dừng lại ở một trạm xăng và nói rằng xe của mình bị hư. Nguyên nhân cụ thể mà Blair Adams nói là do chiếc chìa khóa mình đang cầm không phải là chìa khóa của xe này.

Người quản lý nói rằng họ sẽ nhận đưa chiếc xe này đi sửa và làm lại chìa khóa mới. Ngoài ra, người quản lý còn chở Blair đến một khách sạn. Nên nhớ, tất cả những điều này đều xảy ra một cách ngẫu nhiên, người quản lý trạm xăng cũng như khách sạn mà nạn nhân ở đều hoàn toàn là tự phát và không hề được lên kế hoạch trước.

Theo lời của người tiếp tân lúc đó, Blair Adams đi qua đi lại khu vực sảnh của khách sạn hơn 5 lần trong suốt 1 tiếng đồng hồ trước khi đặt phòng.

Trong suốt 1 tiếng đồng hồ đó, có vẻ như Blair rất lưỡng lự trong việc đặt phòng. Sau khi đã đặt phòng và được dẫn đến phòng của mình, Blair chỉ nhìn phòng và sau đó ra khỏi khách sạn, chưa bao giờ bước vào phòng.

Sau khi xem lại thước phim được quay lại bằng CCTV (camera quan sát) của khách sạn, những người điều hành lúc đó miêu tả hành vi của Blair Adams là "lo lắng, bồn chồn, có vẻ như đang lo sợ rằng sẽ có ai đó đến tìm mình mặc dù không hề có ai ở đó cả. Không ai biết được lúc đó anh ta có đang chờ ai không, nhưng hành vi của anh thật sự nhìn rất lạ, và không hề vui vẻ tí nào cả."


Ảnh CCTV của khách sạn vào lúc 6:51 PM, một ngày trước khi vụ án xảy ra.

Hiện trường vụ án và bước đầu điều tra

12 tiếng sau khi rời khỏi khách sạn, xác của Blair Adams được tìm thấy tại một bãi đỗ xe cách khách sạn khoảng 400m. Hiện trường vụ án thật sự đã làm cho những bên điều tra rất bối rối: Nạn nhân không mặc quần. Chiếc quần đã bị lộn ngược, ngay cả đôi tất nạn nhân đang mang cũng đã bị lộn ngược. Giày và áo nạn nhân bị rạch ở một vài chỗ.


Số trang sức trong chiếc túi nhỏ của Blair được tìm thấy trong chiếc xe của nạn nhân.

Ngoài số tiền có giá trị 4,000 USD bằng các mệnh giá của Đức, Mỹ, Canada, có một chiếc túi nhỏ bên cạnh nạn nhân chứa đầy các loại đá quý, vàng, bạc, trang sức. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn.

Điều đặc biệt nhất được tìm thấy tại hiện trường là chìa khóa của chiếc xe nạn nhân đã thuê vài ngày trước khi chết. Trên cơ thể của Blair lúc đó có một vài vết bầm và vết xước. Tuy nhiên, nguyên nhân tử vong ban đầu lại được xác định là một cú đập mạnh vào khu vực bao tử, cú đập này làm lủng dạ dày, dẫn đến cái chết của nạn nhân.


Chiếc chìa khóa mà Blair Adams nói là "bị hư" được tìm thấy ở hiện trường, vẫn còn nguyên và hoạt động bình thường

Bước đầu cơ quan điều tra đã loại những khả năng bao gồm giết người cướp của, buôn ma túy cũng như mại dâm. Mặc dù hiện trường được dàn dựng khá lạ lùng nhưng toàn bộ số tiền cũng như tất cả các loại đá quý, trang sức vẫn còn nguyên, cho thấy rằng động cơ chắc chắn không phải vì tiền.

Một bảo vệ tại một doanh nghiệp địa phương nói rằng ông đã nghe thấy một tiếng hét lớn vào khoảng 3:30 AM, nhưng ông nghĩ đó là một giọng phụ nữ.

Một điều thú vị mà các thám tử đã tìm thấy là mặc dù nạn nhân đã từng dính vào con đường nghiện ngập nhưng quá trình khám nghiệm tử thi không hề cho bất kì kết quả dương tính nào với các hợp chất như cồn cũng như các chất gây nghiện khác.

Khi điều tra kĩ hơn, các thám tử cũng nhận thấy rằng nạn nhân không hề có tiền sử mắc bệnh tâm lí cũng như các hội chứng rối loạn. Theo lời kể của mẹ ông, Blair Adams từng có một mối quan hệ tình cảm với một người đàn ông khác.

Vụ án không có nghi phạm chính thức nào. Tuy nhiên, 2 người phụ nữ khai rằng đã thấy Blair Adams nói chuyện với một người đàn ông vào buổi tối trước vụ án mạng, và bản vẽ này đã được cung cấp để điều tra. Tuy nhiên, người trong bức hình này đã không được tìm thấy, và gần như bị loại khỏi diện tình nghi.


Dựa theo lời khai của những người có mặt trong khu vực, cảnh sát đã có thể tìm ra một quán ăn nhỏ mà Blair đã đến buổi tối trước khi bị sát hại.

Tuy nhiên, những đầu mối này rồi cũng rơi vào ngõ cụt. Không có nhiều giả thuyết cho vụ án này, kể cả nghi phạm cảnh sát cũng không thể tìm ra. Vì thế, cái chết của một thợ xây dựng cùng với một số tiền lớn quanh mình cho đến nay vẫn là một bí ẩn.