Hướng dẫn  Lỗi Mainboard Và Phương Pháp Kiểm Tra Sửa Chữa - Phần 1 (Main máy bàn)

Pham Ngoc Khanh
Thân ái chào đại gia đình VNZ, nay Ngọc Khánh viết topic này với hi vọng chia sẻ và học hỏi với toàn thể anh chị em trên diễn đàn về phần cứng. Phần cứng máy tính ở đây quan trọng nhất vẫn là mainboard ( theo ngu ý của mình ) bởi lẽ đó là cơ sở để cho chiếc máy tính hoạt động. Một ngày đẹp trời nào đó nó dở chứng, ôi thôi rồi.....kết quả như thế nào thì ta biết rồi đấy.

yI2jByJ.jpg


Có rất nhiều bệnh về main như không kích được nguồn, không nhận ram, hở socket, chết chip bắc, nam, hay chạm chập trở, cuộn dây....

Thật sự khi main lỗi là rất khó chịu, và Ngọc Khánh băn khoăn mãi không biết có nên viết bài, thành lập topic này hay không, thôi thì mình biết rằng múa rìu qua mắt thợ nhưng đã đi đến quyết định viết bài với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm sửa chữa mainboar mà mình đã gặp và xử lý trong nhiều năm.

Với kiến thức còn non trẻ thì cúi xin các anh chị em thợ rộng lòng lượng thứ, mình nghĩ không đạp đổ miếng cơm của các anh em thợ đâu, vì mình chia sẻ để cho mọi người có kỹ năng it cơ bản, bởi mình biết để sửa được main thì cần phải có đồ nghề, ai muốn học hỏi cũng được, bởi trên internet bây giờ có rất nhiều trung tâm dạy nghề online với chi phí đắt đỏ ( tất nhiên bỏ tiền ra học thì sẽ khác ). Ở topic này mình muốn cùng tất cả các anh chị em ta cùng trao đổi và giúp đỡ nhau nhiều hơn về bệnh main và cách sửa chữa.

Thôi không dài dòng nữa, bắt tay thôi nào.

*) Đồ nghề cần thiết : Kính lúp ( để đọc mã trở, fet, rom…), Card test main, đồng hồ vạn năng ( kim hoặc điện tử ), máy khò hàn, main xác nếu có.
I ) TÌM HIỂU VỀ CẤU TRÚC CỦA MAIN


wCOMh6v.jpg


(sơ đồ khối của mainboard - hình ảnh minh họa)
Sơ đồ khối của nhiều loại main khác nhau về cơ bản là giống nhau, nguyên lý hoạt động và cấu trúc rẽ nhánh, liên lạc và phân phối nguồn, tín hiệu tương tự nhau.

Theo sơ đồ khối trên ta thấy:
-
Socket CPU, CPU liên lạc với tất cả các thành phần còn lại thông qua Chip cầu Bắc.
-
Chíp cầu Bắc: trực tiếp quản lý VGA (Kể cả onboard hoặc khe cắm rời như AGP, PCIx)
RAM.
-
Chip cầu Nam: Quản lý hầu hết các thiết bị còn lại như: ATA (giao tiếp ổ cứng), chip LAN, chip Audio, các cổng USB, các khe PCI, chip SIO, chip BIOS...
-
Chip SIO: quản lý các thiết bị như: Keyboard, mouse, FDD (ổ mềm), LPT (cổng máy in), Serial (cổng nối tiếp)...
-
Chip BIOS: chứa đoạn chương trình CMOS SETUP, POST...
*) Các mức nguồn sử dụng cho mainboard:
R5loEvH.png
1. Power Supply: Nguồn cấp từ bộ nguồn ATX sang. Các áp chính: +12V, 5V, 3V3, 5V
STB(tím), -12V
2. Vcore: CPU Core, mạch Vcore lấy ngồn 12V từ dây 12V đôi (4 pin) qua mạch sẽ cấp
nguồn CPU Core cho CPU. Lưu ý, nguồn này ngoài cấp cho CPU còn cấp cho cả MCH (Chip
bắc) và ICH (chip Nam) nên nếu MCH hoặc ICH chạm vẫn gây tình trạng mất nguồn này.
3. Onboard 2V5 Reg: Lấy 5V chính tạo ra 2V5 cấp nguồn DDR Core cho RAM (chủ yếu)
và một phần cấp cho MCH. Nhánh khác của 2V5 này tạo áp 1V25 cấp cho bus
RAM(nguồn bus RAM).
4. Onboard 1V5 Reg: Lấy 5V chính tạo ra 1V5 cấp nguồn MCH, ICH và AGP I/O Thường
gọi là nguồn chipset. Mất nguồn này thường làm ICH nóng lên để lâu gây chết chip.
5. Onboard 5V Reg: Lấy 12V chính tạo ra 5V cấp nguồn riêng cho mạch Âm thanh
(thường dùng IC 7805).
6. Onboard VRegs: Lấy 5V STB (tím) tạo ra 3V3, 2V5, 1V5 cấp nguồn riêng cho chip LAN
onboard.
7. Các mức áp khác: Lấy 3V3, 5V STB 5V tạo ra 1V2, 3V3 STB, 1V5 STB, 5V Dual cấp
cho một số mạch khác trên main. Đặc biệt là mạch kích nguồn: chủ yếu lấy 5V STB, 3V3
STB, 1V5 STB.
8. IC Clock: Dùng trực tiếp nguồn 3V3 từ bộ nguồn ATX sang.
9. HDD, CD/DVD , FDD: dùng 5V, 12V
10. Supper I/O: Dùng 3V3, 3V3 STB và VBAT (nguồn từ pin CMOS)
11. Keyboard/mouse PS2: 5V Dual.
12. Serial (Cổng nối tiếp hay gọi cổng COM): 12V, 5V, -12V
13. Parallel (Cổng song song hay gọi cổng máy in): 5V
14. Cổng USB: 5V Dual
15. BIOS/FWH: 3V3
16. FAN ( quạt tản nhiệt ) các loại: 12V
Kết luận : Nắm chắc về sơ đồ khối và các mức nguồn là ta có một cái nền thật vững để sửa chữa mainboard rồi đấy, nó là kim chỉ nam để ta thực hiện chính xác việc đo đạc và xác định hỏng hóc.


( Do tính chất công việc nên mỗi ngày mình sẽ tranh thủ viết 1 ít, mình sẽ cập nhật liên tục )

II - NHẬN BIẾT LINH KIỆN ĐIỆN TỬ TRÊN MAINBOARD
1)ĐIỆN TRỞ :
Có tác dụng hạn chế hoặc điều chỉnh dòng điện, đồng thời phân chia điện áp trong mạch, nó có hình dáng và ký kiêu : trong main pc chúng ta chỉ gặp điện trở dán( hàn chết trên main) vì vậy mình chỉ đề cập tới điện trở này , và đây là hình dáng cũng như cách đọc trị số:


9FIROSN.png

Quy ước quốc tế về đơn vị tính như sau
· Đơn vị điện trở là Ω (Ohm) , KΩ , MΩ
· 1KΩ = 1000 Ω
· 1MΩ = 1000 K Ω = 1000.000 Ω


2) TỤ ĐIỆN:
- Trên main pc chỉ có 2 loại tụ điện, đó là tụ gốm và tụ hóa.
Tùy vào cách mắc nó sẽ có tác dụng lọc nguồn lọc nhiễu ,dãn tín hiệu, khi đấu nối với biến áp nó sẽ tạo thành mạch cổng hưởng.
- Đo trên mạch ta chỉ đo được chạm chập, nếu chạm chập thì bắt buộc phải thay, còn đo phóng nạp thì phải dùng đồng hồ cơ ( đồng hồ kim ) và phải rút ra khỏi main.

2SnenjF.jpg

eN8hUeY.jpg
3) CUỘN DÂY: ( Hay còn gọi là Cuộn Cảm, biến áp )
- Trong main pc ta thường thấy cuộn dây được đấu nối với tụ điện để điều chỉnh mức cường độ dòng điện, điện áp qua nó, hay để nâng tần số tín hiệu. Hay gặp ở các vị trí như nguồn ram, mạch VRM.

SBXo5R8.jpg
- Lõi dây là Từ không khí hay lõi thép kỹ thuật. Cuộn dây rất khó hỏng vậy nên để đo đạc thì rất dễ, ta có thể dùng đồng hồ cơ ( kim ) hay đồng hồ số để đo, ta chỉ việc đo thông mạch - tức là vặn đồng hồ về thang đo thông mạch ( thang có chuông kêu tít tít ), ta để hai que đo vào hai đầu cuộn dây nếu thấy chuông kêu tít tít thì biến cuộn dây đó còn tốt.
4) MOSFET
- Trên Mainboard ta thường thấy đèn Mosfet được sử dụng rất nhiều, chúng được sử dụng trong mạch điều khiển nguồn cấp cho CPU, cho Chipset và RAM.
- Mosfet là transitor trường hoạt động dựa trên hiệu ứng từ trường để tao ra dòng điện. Chúng được tạo ra từ các chất bán dẫn N-P-N đối vời mosfet ngược và P-N-P dành cho mosfet thuận.

  • Mosfet thuận : Khi ta đặt que đen ở D, que đỏ ở S đồng hồ kim X1 ôm lên gần hết kim.
  • Mosfet ngược được dùng trên mainboard PC : Khi đặt que đỏ ở D, que đen ở S thì đồng hồ sẽ lên
Mosfet được cấu tạo bởi 3 cực :
  • Cực cổng (Gate) : cực G.
  • Cực nền (Drain) : cực D.
  • Cực nguồn (Source) : cực S.
Đặc điểm : Cực G với D luôn cách điện, cực G với S luôn cách điện. Những trường hợp đo giữa các cực này kim lên là mosfet bị chập hoặc bị dò. Để xác định chân của Mosfet xoay 2 chân mosfet về phía người mình. Bên trái là chân G, bên phải chân S và phía trên là chân D.

DLq3oey.gif

8xKfuKD.jpg

- Cách đo đạc mosfet thì mình sẽ trình bày ở phần đo đạc và kiểm tra sau chi tiết hơn. Bởi mosfet là linh kiện thường hay hỏng trên main pc, tới 70% bệnh đều liên quan đến " nàng ".
5 ) THẠCH ANH...
- Trên main pc thạch anh nằm gần con IC xung clock, chip Nam, IC LAN…Thạch anh có kí hiệu là: X,Y. Hình dạng của thạch anh: Thạch anh có nhiều hình dạng như: Hình chữ nhật, có hai chân ở hai bên đầu, hình chữ nhật có bốn chân mỗi đầu có hai chân, hình elip có hai chân ở hai bên đầu....


x92yCqD.png


eLld7uO.jpg

dsyq38q.jpg
- Công dụng và cách đo đạc :
Thạch anh dùng để tạo ra khối dao động, và tần số dao động được ghi trên lưng thạch anh.Trong điện tử đa phần để tạo tần số đươc ổn định vì tần số của thạch anh tạo ra ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ hơn là các mạch dao động RC. Trong vi điều khiển bắt buộc phải có thạch anh, vì khi xét chi tiết thì vi điều khiển có CPU, timer,… CPU bao gồm các mạch logic và mạch logic muốn hoạt động cũng cần có xung clock, còn timer thì cũng cần phải có xung để đếm. Tùy loại vi điều khiển mà bao nhiêu xung clock thì ứng với 1 chu kì máy, và với mỗi xung clock thi vi điều khiển sẽ đi làm 1 công việc nhỏ ứng với lệnh đang thực thi.


Cách đo là dùng đồng hồ đo vạn năng, vặn đồng hồ ở chế độ đo Hz đặt vào hai chân thạch anh, và xem chỉ số được hiển thị trên đồng hồ, nếu chỉ số trên đồng hồ đúng với chỉ số ghi trên lưng thạch anh thì thạch anh tốt, trường hợp còn lại là thạch anh hỏng.

6)ROM (BIOS)
- Là linh kiện cũng rất quan trọng, nó chứa hệ điều hành cơ bản ( Dos ) được nhà sản xuất thiết lập sẵn, giúp việc nhận dạng phần cứng, và điều phối hoạt động đồng bộ của các linh kiện phần cứng khác. Không có linh kiện điện tử BIOS này thì máy tính không hoạt động được.
- Hình dáng của nó có nhiều loại lắm tùy vào đời main cũ hay mới, main đời cũ đa số là BIOS rời, có thể nhổ ra khỏi main một cách dễ dàng, còn main đời mới thì BIOS được hàn chết trên main, muốn lấy ra phải dùng máy khò hàn.

AdIaPi7.png

1qRslZD.jpg

ymv6O0H.jpg
- Bios lỗi thường không thể dùng phần mềm để sửa được, mà muốn nạp lại bios phải dùng công cụ riêng, đó là máy nạp bios, trên thị trường có nhiều máy nạp bios nhưng mình thấy dễ sử dụng và phổ biến đó là loại máy TL866 - Minipro
s6WQGLK.jpg
- Trên main đời mới thường có BIOS dạng hàn chết trên main và có 2 con như vậy, được ký hiệu là M-Bios và B- Bios. Con M-Bios là con chính, còn con B- Bios là con phụ ( sơ cua- chưa hoạt động),mình thường thay thế vị trí giữa con M- và B- cho nhau nếu con M- bị lỗi.
7)CHIPSET NAM - CHIPSET BẮC
a) CHIP BẮC :
- Là IC lớn nhất trên main, nằm gần CPU nhất, nó quyết định độ mạnh và giá thành của mainboard, giá thành riêng của main ( không tính CPU) thì đắt hay rẻ là nằm ở chíp bắc này.

dpkLKYO.jpg
Nhiệm vụ:
  • Liên lạc giữa các thiết bị CPU, RAM, AGP hoặc PCI Express, và chip cầu nam.
  • Một vài loại còn chứa chương trình điều khiển video tích hợp, hay còn gọi là Graphics and Memory Controller Hub (GMCH) hay VGA onboard.
- Những lỗi hay gặp ở chip bắc này thường là oái ăm nhất, rất khó xử lý vì đòi hỏi kỹ thuật cao khi thay thế, và giá thành con này cũng đắt đỏ ( vậy nên kỹ thuật viên thường lấy trong xác của main khác nếu phù hợp, còn không thì khuyên khách hàng mua main mới)
b) CHIP NAM
- Là chíp lớn thứ 2 trên main, đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý các linh kiện thiết bị khác có tốc độ chậm. Như hình ảnh bên trên ta thấy chip nam nằm ở xa CPU hơn.
Nhiệm vụ:

  • Quản lý và giao tiếp với các thành phần như: các khe PCI, giao tiếp USB, chip Sound, chip LAN, BIOS ROM, chip SIO (Riêng SIO sẽ quản lý: Keyboard, mouse, FDD, COM, LPT) .
8)IC CLOCK
- Mạch tạo xung Clock hay IC Clock có nhiệm vụ tạo xung đếm, xung clock cho từng bộ phận trên main hoạt động không xung đột lẫn nhau.

8l9FxCs.jpg
- Cách nhận biết : là con IC hình chữ nhật có 2 hàng chân rết ( đối với main đời cũ ), là hình vuông đối với main đời mới. Và luôn đứng cạnh thạch anh 14.3MHZ, vậy để tìm được con IC này cứ việc tìm con thạch anh 14.3MHZ thì con IC bên cạnh ngay nó là IC CLOCK.

9)IC SOUND....
- Có nhiệm vụ quản lý chất lượng cũng như xung nhịp âm thanh, nó có hình vuông 4 hàng chân rết,
xung quanh IC này thường có rất nhiều tụ lọc nhiễu.
10) IC LAN
- Có nhiệm vụ quản lý đường truyền Internet ( mạng ), thường đứng cạnh thạch anh 25 MHZ.


III- THỰC HÀNH ĐO ĐẠC
1) ĐO MOSFET
a) KIỂM TRA SỰ SỐNG CHẾT ( ĐO CHẠM CHẬP )
- Với việc kiểm tra xem mosfet có bị chạm chập hay không thì ta có thể đo trực tiếp trên mainboard
Ta nhớ lại cấu tạo và đặc điểm của " nàng " tí đã.
Mosfet được cấu tạo bởi 3 cực :

  • Cực cổng (Gate) : cực G.
  • Cực nền (Drain) : cực D.
  • Cực nguồn (Source) : cực S.
Đặc điểm : Cực G với D luôn cách điện, cực G với S luôn cách điện. Những trường hợp đo giữa các cực này kim lên là mosfet bị chập hoặc bị dò. Để xác định chân của Mosfet, anh em xoay 2 chân mosfet về phía người mình. Bên trái là chân G, bên phải chân S và phía trên là chân D.

Vậy nên khi đo ta chỉnh đồng hồ kim về thang đo X1 (đối với đồng hồ số thì chỉnh về thang đo Diot)
9NnlhFO.jpg

  • Que đỏ đặt ở D, que đen đặt ở S.
  • Đảo chiều que đo, tức là que đỏ ở S, que đen ở D.
+ Nếu cả 2 chiều đo thấy : Một chiều kim lên một chút, còn 1 chiều kim lên gần hết thang đo => Đèn không bị chập chân D – S.
+ Ngược lại khi đo cả 2 chiều đồng hồ lên 0 ôm là đèn chập chân D – S.
b) KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG CỦA MOSFET (TỐT HAY BỊ XUỐNG CẤP)
Để đo chất lượng đèn mosfet thì ta phải tháo hẳn mosfet ra ngoài và để trên miếng giấy ( cách điện ) để đo, hoặc tháo 2 chân G, S ra khỏi mainboard.
( CHÚ Ý - Câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để tháo Mosfet ra ngoài? Muốn tháo được nàng ra ngoài thì ta phải dùng máy khò nhiều đầu khò, chọn loại đầu khò phù hợp, điều chỉnh nhiệt độ cỡ khoảng 400- 500 độ C, tra mỡ tản nhiệt trên lưng mosfet để tránh hư hỏng nàng sau đó dí đầu khò trên lưng khoảng 10s nếu thấy thiếc ( chì ) chảy ra thì dùng nhíp gắp nàng ra ngoài. )


Ta đo 6 chiều que đo, chỉ 1 chiều kim đồng hồ lên là đèn mosfet còn tốt.
  • Que đen đặt ở D, que đỏ đặt ở S.
  • Que đen ở D, que đỏ chuyển qua G.
  • Đảo chiều que đo cho que đỏ ở D, que đen ở S => Đồng hồ chỉ lên khi đặt ở đây.
  • Que đỏ ở D, que đen ở G.
  • Que đỏ ở G, que đen ở S.
  • Que đỏ ở S, que đen ở G.
Các trường hợp sau là đèn Mosfet bị hỏng .
  • Khi đo giữa G và S thấy có trở kháng thấp gần bằng 0 ôm => Là đèn bị dò hoặc chập G – S.
  • Đo giữa G và D thấy có trở kháng thấp => Là đèn bị dò hoặc chập G – D.
  • Nạp dương cho G để mở đèn. Nạp dương bằng cách để que đỏ ở S, que đen ở G. Sau đó giữ nguyên chân que đỏ ở S, đưa que đen lên chân D. Nếu kim đồng hồ lên 0 ôm là đèn dẫn tốt. Đèn không lên là đứt chân D – S.
  • Nạp âm cho G để tắt đèn. Nạp âm bằng cách để que đen ở D, que đỏ G. Sau đó giữ nguyên que đen ở D, đưa que đỏ sang chân S. Nếu kim đồng hồ vẫn lên 0 ôm là chập D – S, ngược lại đồng hồ không lên là tốt.
Với các trường hợp đo bị chạm chập, hay bị dò thì thay mosfet tương đương vào là được. Ví dụ mosfet ở mạch nguồn CPU thì thay mosfet bằng cách lấy từ main khác của nguồn CPU để thay. Cũng có 1 số con giống mosfet như : LM1117, APL1085, FAN1084, L1117… là ic ổn áp tạo điện áp 1.5v, 3v3 nếu không rõ thì phải kiểm tra bằng sơ đồ datashet
2)ĐO CÁC MỨC NGUỒN
- Với thao tác đo đạc các mức nguồn giúp ta xác định được mức điện áp của từng mạch rồi từ đó có thể xác định được pan bệnh và hướng xử lý.
- Việc đo các mức nguồn ( tức là đo nóng : cần cấp điện cho toàn mạch bởi bộ nguồn ATX ) vậy nên thật cẩn thận bởi có thể gây chạm chập khi đó lợn lành thành què thì mệt lắm.
- Đo các mức nguồn để giúp xác định pan bệnh nào mà kích được nguồn nhưng máy tính không lên màn hình hay kích được nguồn nhưng quạt chỉ quay rồi tắt...v..v

aQvmJo2.jpg
Nhìn trên sơ đồ mạch trên như tôi đã vẽ các bạn có thể hình dung thứ tự xuất hiện nguồn ở các mạch. ( Các vị trí đánh dấu * là Mass, tức là ko có điện )
Như vậy thứ tự nguồn sẽ có như sau: tôi ký hiệu là V để chỉ điện áp

V-Ram -----> V-Nam ------> V-Bắc ------> V-Vga -----> V-CPU ( Vcore )
- theo thứ tự đó có nghĩa là : nguồn Ram có trước, rồi đến chíp Nam, tiếp đến là Chíp Bắc, tiếp đến là Vga, và cuối cùng là mạch VRM ( mạch VRM là mạch nguồn CPU ).

Các mức điện áp ổn định khoảng như sau:
cELtSkg.jpg

Đó là áp dụng cho các main ram 3 nhé.
- ĐỂ đo các mức nguồn thì ta có thể đo nóng các con Mosfet
- Que đỏ đặt tại chân S, que đen nối mass.

Riêng Nguồn ram còn có cả nguồn Bus Ram ( đọc là bớt ram ), nguồn đó ta đo trực tiếp trên khe ram, cũng que đen nối mass, còn que đỏ đặt tại các chân của khe ram. ( Sẽ có bài chi tiết về đo nguồn bus ram )
- Nguồn Bus ram được tính bằng công thức : V-Bus Ram = 1/2 * V-Ram, ví dụ, V-ram đo được 1.5v thì V-bus Ram sẽ là 0.75v
-----------( mình sẽ viết tiếp phần này...... )

III - CHẨN ĐOÁN PAN BỆNH BẰNG CARD TEST ( chỉ dùng khi kích được nguồn, tức là kích nguồn quạt CPU quay nhưng máy tính không lên hình hoặc quay vèo cái là tắt )
- Đôi nét về CARD test main: Card test main là thiết bị không thể thiếu đối với bất kỳ kỹ thuật viên nào, nó có giá thành rẻ ( tùy loại ), nằm cỡ từ 70k đến 300k.
Đầu tiên chúng ta cần nắm rõ hình dạng cùng những đặc điểm có trên card test main thì mới có thể sử dụng đúng nhất. Card test main được kết nối thông qua khe cắm PCI và PCI-ex1. Trên thiết bị có khá nhiều đèn LED mô phỏng các pan bệnh khác nhau.
Sm8Yp1F.jpg
Đèn LED báo nguồn 3v, 5v, 12v

+ Đèn LED RST: Nếu Mainboard bị xung reset đèn này sẽ sáng rồi tắt ngay. Điều này rất quan trọng, nếu đèn RST không sáng hay sáng liên tục không tắt thì có khả năng bo mạch chủ mất điện áp Ram, CPU, Chipset hoặc lỗi IC, SIO…

+ Đèn LED CLK: Đèn này giúp báo hiệu xung clock hoạt động ổn định.

+ Đèn LED 7 đoạn (2 hoặc 4) báo hiệu mã Post: Đây có lẽ là LED quan trọng nhất bởi chúng ta sẽ dựa vào nó để biết được máy tính đang bị bệnh gì.

dưới đây là hình ảnh sử dụng card test main
2oKcMlK.jpg

- CARD test main này có mã POST CODE được tính toán trong hệ HEXA ( Hệ thập lục phân - 16 )
Với 4 đèn led hiển thị mã code trải dài trong hệ 16.
- Hệ 16 bao gồm 6 chữ cái : A, B, C, D, E, F và 10 chữ số : 0,1,2,3,4,5,6,7,8,9
Do đó sử dụng card test main này giúp chúng ta chẩn đoán bệnh cực kỳ nhanh, làm rút ngắn thời gian mày mò.

- Bằng kinh nghiệm của tôi, các bạn chú ý thật kỹ hình ảnh dưới đây tôi sẽ giải thích tường tận

cELtSkg.jpg


- CARD TEST SẼ HIỂN THỊ MÃ CODE BẮT ĐẦU BẰNG CÁC CHỮ CÁI NÀO THÌ MÌNH CỨ TÌM BỆNH Ở VÙNG ĐÓ, NGHĨA LÀ:
- các bệnh về RAM thì card test sẽ hiển thị bắt đầu bằng các chữ cái : B hoặc C hoặc D
- Các bệnh về BIOS thì card test sẽ hiển thị bắt đầu bằng các chữ cái : E hoặc A, hoặc đèn Frame, hoặc đèn IRDR.
- Các bệnh liên quan đến CPU thì card sẽ hiển thị bằng : FFFF, hoặc 0000 hoặc đèn Reset sáng miết, hoặc hiển thị toàn dấu trừ - - - -
** Đèn báo có thể chữ cái kết hợp với số, hoặc toàn là chữ cái, hoặc toàn là số, mỗi kiểu báo đều có ý nghĩa riêng biệt. Các bạn muốn biết thật kỹ hơn thì tra tại trang này nhé : POST CODE Iltel
- Việc sử dụng card test main thật lợi hại, khi ta biết lỗi ở vùng nào thì cứ vùng đó mà mò, lúc đó tha hồ mà xách đồng hồ mà đo đạc.
***
Đây là ví dụ mình sử dụng card test để chẩn đoán bệnh vì sao máy tính kích nguồn được mà không lên hình. Mình bắt được bệnh là lỗi liên quan đến RAM - vì card test báo là d0 d0

2oKcMlK.jpg


Bài tập nè: nếu card test báo : 00 00, hay C3 C3 thì lỗi ở phần nào ?....tự trả lời ở phần dưới nhé.
 
Sửa lần cuối:
Trả lời
Mình đang gặp 1 vấn đề như sau: (Máy đã cài và ghost lại win vài lần nên loại bỏ trường hợp lỗi win)
- Khởi động sau 1 thời gian thì :
1. bị treo máy hoàn toàn ko làm gì được, ví dụ đang ở word thì đứng yên, ko thao tác đc gì, chỉ có tắt đi khởi động lại
2. Màn hình tắt ngóm, quạt CPU chạy max và cũng ko thao tác được gì

Máy mình là máy HP đồng bộ I3 thế hệ 2 hoặc 3 gì đấy cũng khá lâu rồi

Mọi ng xem giúp mình có thể lỗi ở đâu hoặc có chỗ nào ktra báo giúp mình

mình cảm ơn!
thay ổ cứng SSD là vi vu à
 

tranluan1

Búa Gỗ
Chào bạn, máy mình là Desktop Dell Vostro 3667. Máy bị lỗi này nhờ bạn tư vấn giúp. Máy cứ cắm điện vào là quạt thùng máy và quạt CPU chạy. Khi mở máy thì quạt chạy tốc độ bình thường, nhưng shutdown máy thì cả 2 quạt tăng tốc, chạy mạnh và rất ồn. Mình thử can thiệp bằng nhiều cách trên phần mềm: update firmware, cài lại Windows, cài Intel Management Engine Interface đều không hiệu quả. Cám ơn bạn
 

vn_trieuntt

Gà con
hay quá, cảm ơn đã chia sẻ thông tin
 

online92

Búa Đá
Cám ơn bạn!
Sẵn 1 số tài liệu nếu chủ thớt hoặc bạn nào cần liên hệ mình gửi link.
 

taitanphong

Búa Đá
Mình đăng bài lộn địa chỉ, nhờ các bác quản trị xóa dùm. Mình sẽ đăng ở mục hỏi thắc mắc. Cám ơn.
 
Sửa lần cuối: