BẮT BỆNH QUA TIẾNG KÊU Ô TÔ
Để có thêm kinh nghiệm đi đường, chúng tôi chia sẽ đến anh em vài kinh nghiệm về bắt bệnh của xe qua những tiếng kêu phát ra từ xe.
Trong một thời gian dài sử dụng không thể tránh khỏi những hư hỏng và xuất hiện những dấu hiệu cần được đem đi bảo dưỡng thay thế kịp thời.
Tuy nhiên, khi xuất hiện những dấu hiệu như tiếng kêu phát ra trong quá trình sử dụng thì không phải lúc nào cũng là dấu hiệu hư hỏng nhưng tùy trong tình huống cụ thể những tiếng kêu sẽ giúp người lái xe phát hiện ra những sai hỏng cần phải khắc phục kịp thời để đảm bảo cho việc lái xe an toàn nhất.
Có nhiều dạng âm thanh khác nhau phát ra trong khi xe chuyển động như:
tiếng rít, tiếng lách cách từ khoá, còi, ống xả, trục lái hay bộ phận lốp xe…Khi xuất hiện dấu hiệu âm thanh lạ, hỏng hóc có thể đã nặng và những chẩn đoán bước đầu giúp bạn biết nguyên nhân.
Điều trước tiên khi có âm thanh lạ xuất hiện bạn phải xác định nơi xuất phát của chúng.
Vì vậy, chẩn đoán đúng nguyên nhân tiếng kêu sẽ giúp chủ nhân của chiếc xe tránh nhiều phiền toái và nguy hiểm đến tính mạng.
Bắt bệnh qua tiếng kêu của ô tô
Dưới đây, là một số những tiếng kêu phát ra trên ô tô và bạn có thể
bắt bệnh xe qua tiếng kêu được phát ra trên xe của bạn:
1. Tiếng kêu của trục lái:
Về bản chất kết cấu, trục lái là thành phần kết nối vô lăng với bánh răng lái. Tuy nhiên, âm thanh lạ xuất hiện có thể do lỗi của hệ thống vận hành.
Một trong những âm thanh phổ biến nhất là tiếng “kẽo kẹt” từ vô lăng. Âm thanh này xuất hiện trong quá trình tăng tốc sau một thời gian không hoạt động. Đó có thể là nguyên nhân tiềm ẩn của một số bộ phận như: Khớp bị mòn, cạn dầu hoặc do vòng bi của trục lái bị mòn…
2. Tiếng kêu từ bánh xe phía trước
+ Lốp xe là bộ phận duy nhất của xe tiếp xúc với mặt đường và ảnh hưởng lớn đến tính năng điều khiển của xe và bánh xe là bộ phận có nhiều phần chuyển động hơn trục lái. Đặc biệt bánh trước sẽ phát ra nhiều tiếng ồn hơn bánh sau.
+ Mục đích của nhà thiết kế là chế tạo ra loại âm thanh khác biệt của bánh trước để người lái dễ dàng nhận biết. Những lốp có hoa văn khác nhau sẽ có độ ồn khác nhau. Vì vậy cùng một xe nhưng lốp này lại kêu to hơn lốp kia.
+ Một trong những âm thanh phổ biến phát ra như tiếng rít hoặc tiếng gầm gừ khi bạn đạp phanh. Do đó, bạn phải thật chú ý tới âm thanh mài từ bánh xe trước khi bạn đạp phanh. Nguyên nhân dẫn đến tiếng kêu đó là do má phanh bị mòn, bạn nên kiểm tra hoặc thay má phanh mới càng sớm càng tốt. Các bạn cũng lưu ý khi sử dụng đĩa phanh.
Ngoài ra, âm thanh lạ xuất hiện còn do 1 trong những nguyên nhân sau đây:
- Phanh bị bám bụi lâu ngày
- Đế phanh bị méo
- Mâm phanh bị cong
- Lò xo của đế phanh bị giãn hoặc bị kẹt
- Khô dầu hoặc lót phanh bị mòn
- Vong bi của bánh xe bị rơi hoặc mòn.
Tất cả các loại âm thanh đó đều nhắc nhở các tài xế nên dừng xe để kiểm tra bởi nó ảnh hưởng tới sự an toàn của chủ xe cũng như an toàn của xe.
3. Bắt bệnh động cơ qua tiếng kêu
Những âm thanh lạ phát ra từ buồng máy có thể là dấu hiệu cho thấy áp suất dầu thấp, khe hở nhiệt lớn hoặc một vài chi tiết bên trong động cơ bị mòn quá mức hay gặp sự cố.
+ Công việc đầu tiên nhưng khá quan trọng khi nghe thấy âm thanh lạ phát ra từ động cơ là kiểm tra dầu máy. Bổ sung thêm dầu nếu nó dưới mức quy định. Nổ máy và lắng nghe. Nếu tiếng ồn không hết cần kiểm tra áp suất dầu bằng cách quan sát đèn cảnh báo hoặc đồng hồ hiện thị trên bảng táp-lô.
+ Áp suất thấp báo hiệu động cơ đang gặp vấn đề nghiêm trọng, cản trở dầu bôi trơn hệ thống phân phối khí.
Thiếu dầu khiến động cơ kêu
Nguyên nhân do bơm dầu bị mòn hoặc hỏng, tắc lọc dầu. Hiện tượng độ nhớt tăng trong thời tiết lạnh cũng hạn chế sự di chuyển của dòng dầu.
Tiếng ồn phát ra từ con đội
Đây là chi tiết truyền lực trung gian giữa xu-páp với cam. Con đội mòn hoặc rỉ sét khiến nó làm việc lệch nhịp với cam và xu-páp tạo ra tiếng ồn. Đây cũng làm nguyên nhân làm tăng khe hở nhiệt.
Con đội thủy lực để khắc phục tiếng kêu trên động cơ
Tiếng gõ do khe hở nhiệt lớn
+ Nếu vấn đề bôi trơn đã được loại trừ, nguyên nhân gây ồn khác có thể bắt nguồn từ khe hở nhiệt. Các chi tiết làm từ kim loại có xu hướng giãn nở khi nóng, để tránh hiện tượng bó cứng trong hệ thống phân phối khí người ta thường tạo ra khe hở nhỏ giữa đỉnh van và cò mổ. Bản thân các chi tiết sẽ bị mòn đi sau thời gian làm việc.
+ Do đó nếu động cơ sử dụng con đội cơ khí, khe hở nhiệt phải được điều chỉnh định kỳ sau 50.000 km. Khe hở khoảng cách lớn có thể tạo ra tiếng ồn, va chạm liên tục xuất hiện giữa đỉnh van và cò mổ sẽ khiến chúng bị mòn nhanh hơn.
+ Để đo khe hở nhiệt, người ta sử dụng bộ thước lá gồm nhiều lá thép có độ dày khác nhau. Kích thước khe hở nhiệt phải tuân theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Lưu ý rằng nhiệt độ động cơ cũng ảnh hưởng tới giá trị điều chỉnh.
+ Động cơ sử dụng con đội thủy lực sẽ không cần điều chỉnh khe hở nhiệt. Bởi nó có khả năng tự động loại bỏ khe hở giữa các chi tiết, do đó động cơ làm việc êm hơn. Trường hợp này nếu máy có tiếng kêu lóc cóc, có thể con đội đã hỏng, một vài chi tiết (lò xo, cần đẩy) gặp sự cố hoặc cò mổ cần được điều chỉnh.
Tiếng đập mạnh trong động cơ
+ Đây thường là tin xấu, bởi tiếng đập mạnh thường do bạc cổ biên mòn hoặc lỏng. Sớm hay muộn ổ trục sẽ gặp sự cố hoặc bạc biên bó kẹt trục khuỷu hoặc cổ biên bị phá hỏng. Dù trong tình huống nào xảy ra thì đại tu máy là điều khó tránh khỏi.
+ Hư hỏng này có thể là hậu quả của việc sử dụng dầu có độ nhớt thấp, động cơ làm việc trong trạng thái áp suất dầu thấp, dầu nhiều cặn bẩn hoặc do việc tháo lắp động cơ không chính xác, gu-giông và bu-lông lắp máy lỏng.
Tiếng gõ khi tăng tốc
Đây có thể là hiện tượng kích nổ mà nguyên nhân là do van tái tuần hoàn khí xả EGR không hoạt động, bộ điều chỉnh đánh lửa sai, động cơ quá nhiệt, muội carbon đóng cạn trong buồn cháy hoặc sử dụng xăng có trị số oc-tan thấp.
Tiếng két két đanh tai
+ Tiếng két két xuất hiện liên tục ngay từ khi khởi động và kéo dài ngay ở chế độ không tải và máy nóng, bạn có thể nghĩ ngay đến các vòng bi đã bị chết. Trước đó một thời gian, bạn có thể thấy xuất hiện tiếng kêu nhỏ nhưng khó chịu ngay cả khi ngồi trong xe, rồi tiếng kêu to dần.
+ Đến khi tiếng ken két đanh tai xuất hiện cũng là lúc bạn cần đưa ngay xe đến gara uy tín để xử lý ngay. Có một số vòng bi bên trong khoang máy (bi cam, bi đầu lốc điều hòa, bi tăng hay bi tì dây cua-roa), nên cần kỹ thuật viên có kinh nghiệm đánh giá chính xác tiếng kêu xuất hiện ở vòng bi nào thì mới có giải pháp thay thế hiệu quả.
+ Tiếng kêu của vòng bi cũng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nếu đó là tiếng kêu ken két đanh tai thì nguyên nhân có thể là do vòng bi không còn được bôi trơn do phớt hở làm chảy hết mỡ ra ngoài, khiến các chi tiết kim loại cọ sát vào nhau.
+ Nếu tiếng ồn lớn và đều nhưng không đanh tai thì nguyên nhân có thể là do vòng bi có vết nứt hay xước bên trong rãnh lăn bi hoặc vòng bi đã bị mòn, gây tiếng ồn mặc dù vẫn được bôi trơn tốt.
+ Một số trường hợp được ghi nhận do rửa động cơ bằng nước không đúng cách cũng có thể làm nước lọt vào bên trong vòng bi, gây hư hỏng, hoặc đơn giản do tuổi thọ của vòng bi, các chi tiết mòn đều và gây độ rơ lớn.
Trong tất cả các trường hợp nêu trên, giải pháp hiệu quả nhất là thay thế vòng bi mới chứ không thể khắc phục tạm thời. Vòng bi bị kẹt có thể dẫn đến tăng tải cho dây cu-roa và làm đứt dây, do đó khi phát hiện tiếng kêu, bạn nên thay thế vòng bi càng sớm càng tốt.
4. Âm thanh như những miếng kim loại va vào nhau
Nếu xế của bạn phát ra âm thanh như những miếng kim loại va chạm vào nhau ngay cả khi không phải do va đập hoặc gặp phải những ổ gà, thì có thể một số bộ phận xe gặp trục trặc.
Chẳng hạn như các ổ khớp xe bị xuống cấp, trục điều khiển tay lái bị mòn hoặc xà treo ổn định bị lỗi.
Ngoài ra còn có thể do các bộ phận khác thuộc khung gầm bị trục trặc. Ngay cả hệ thống ống xả lỏng lẻo cũng gây ra tiếng ồn như vậy.
5. Âm thanh như tiếng rít lên hoặc rên rỉ từ cổ họng
Nếu xuất hiện âm thành này, bạn hãy chú ý tới hệ thống phanh của xe. Nhiều loại phanh được thiết kế các tấm kim loại nhỏ cọ xát vào rotor. Khi vật liệu ma sát bị bào mòn đến độ nhất định thì việc cọ sát hệ thống phanh vào rotor sẽ gây ra những âm thanh lạ này.
Khi phát hiện ra vấn đề này, bạn cần bảo dưỡng xe nếu không sẽ càng ngày càng có những âm thanh khó chịu. Thậm chí gây ra tình trạng xấu cho xe khi di chuyển. Ngoài ra, âm thanh này cũng có thể xuất hiện khi bản sử dụng bánh xe không đạt chất lượng.
6. Âm thanh như tiếng lách cách lặp đi lặp lại
Nếu xế của bạn có hệ thống dẫn động bánh trước khi di chuyển ở tốc độ chậm phát ra âm thanh lách cách thì có thể là một dấu hiệu cho thấy các khớp nối của trục truyền động bị trục trặc.
Đây lại chính là những bộ phận thực hiện các công đoạn nặng nhất của một chiếc xe. Chúng truyền động năng tới các bánh xe. Nếu âm thanh lạ lách cách phát ra từ phía sau xe thì có thể do ổ đĩa sau của xe cũng gặp trục trặc.
7. Âm thanh như tiếng gầm gừ hoặc rên rỉ
Các chuyên gia xe cho rằng, nếu chiếc ô tô của bạn gầm gừ như một con sư tử cái bị bỏ đói có thể đó là dấu hiệu cho thấy bơm trợ lực lái gặp vấn đề mà bạn không phát hiện ra.
Trong thực tế, rất nhiều xe tải và xe con mới được trang bị tay lái trợ lực bằng năng lượng điện, thay thế cho loại trợ lực thủy lực truyền thống. Tuy nhiên, rất nhiều xe khi mới chỉ trải qua vài năm tuổi thì hệ thống trợ lực này đã bị suy thoái.
Khi có dấu hiệu này, bạn cần kiểm tra và nếu đúng thì cần bảo dưỡng ngay trước khi bạn không thể quay tay lái được nữa.
8. Âm thanh như tiếng búa gõ dưới đầu xe
Hãy cẩn thận khi bạn nghe thấy tiếng ping hoặc âm thanh như tiếng búa gõ. Âm thanh này có thể liên quan tới các vấn đề có liên quan tới nhau như: tiếng phát nổ, và đánh lửa sớm. Những vấn đề này rất có hại.
Chúng thường xảy ra trong quá trình tăng tốc hoặc khởi động động cơ.
Về cơ bản hiện tượng này xảy ra khi hệ thống đánh lửa có những bất thường. Thay vì đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu-không khí trong buồng đốt động cơ thì các tia lửa lại bật ra ngoài, nó có thể phá hủy hệ thống piston.
Các lái xe có thể sử dụng xăng có chỉ số octane cao hơn, nhằm làm chậm thời điểm đánh lửa và quá trình phi carbon hóa trong buồng đốt, có thể hạn chế những vấn đề này.
9. Âm thanh lạo xạo trong hộp số
Khi lái xe sử dụng hộp số sàn và bạn đang khởi động thì nghe thấy âm thanh lạo xạo trong khi hộp số đang hoạt động thì có thể là triệu chứng của một số vấn đề khác nhau.
Đó có thể do đồng bộ của hộp số đã bị mòn. Ngoài ra, bộ phận trượt ly hợp cũng có thể là thủ phạm gây ra âm thành này.
10. Tiếng cộc cộc khô và to
Sau nhiều giờ không chạy (có thể do đỗ xe qua đêm hoặc lưu kho), dầu trong động cơ sẽ lắng hết xuống đáy các te. Khi mới khởi động, bơm dầu chưa kịp đẩy dầu lên khắp các chi tiết trong động cơ, nên máy chưa được bôi trơn đều. Nếu sau 3 – 5 phút, tiếng nổ của động cơ trở nên êm ngọt thì đó là hiện tượng bình thường.
Tuy nhiên, trường hợp xấu là tiếng kêu đó kéo dài liên tục sau thời gian trên, ngay cả khi động cơ đã nóng, chỉ hơi khác là tiếng kêu không còn khô khốc như lúc mới khởi động, kèm theo động cơ xả khói xanh hoặc đen.
Đó là dấu hiệu cho thấy piston và xéc-măng của xe đã mòn, gây hiện tượng va đập vào thành xy-lanh. Một trong những hậu quả khác kéo theo là khe hở xéc măng lớn khiến dầu có thể bị lọt lên buồng đốt, gây ra tình trạng hao dầu. Dầu bị hao quá mức mà không được phát hiện kịp thời sẽ làm cho động cơ không được bôi trơn và bị hỏng hoàn toàn.
Để khắc phục hoàn toàn tình trạng trên, bạn cần mang xe đến các gara tin cậy để kiểm tra áp suất nén của động cơ, cẩu máy và tháo đo kiểm các chi tiết trong động cơ. Trước khi sắp xếp được thời gian làm việc đó, bạn cần lưu ý thêm là thường xuyên theo dõi trên đồng hô táp-lô xem có nổi đèn cảnh báo áp suất dầu hay không.
11. Tiếng kêu phát ra từ Ống xả khi xe di chuyển trên đường.
Khi thấy khu vực ống xả có tiếng kêu ầm ĩ mỗi khi tăng tốc thì bạn cần kiểm tra ngay bởi có khả năng ống xả bị bục. Như vậy, bạn cần kịp thời đem đi bảo dưỡng và kiểm tra kịp thời để tránh được các khí thải CO chưa được xử lý thải ở trong ca - bin sẽ gây ra ngộ độc cho người trên xe.
Bởi khi đó nồng độ 0,08% CO sẽ làm cho người trên xe cảm thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt và nguy hiểm hơn là nếu lượng CO lên tới 1% thì sẽ gây ra tử vong cho con người.
Trên đây là một số bí quyết nhỏ mách bạn " Bắt Bệnh Qua Tiếng Kêu Ô Tô" , hy vọng một phần nào giúp bạn “bắt” được bệnh của “xế cưng” một cách chính xác và nhanh nhất khi không may gặp phải sự cố trên đường.