Sáng nay Ga-loa lại dậy sớm. Sau khi thu dọn qua loa trong phòng, rửa mặt, anh ngồi vào bàn và kéo quyển sách toán ra đọc. Nhưng anh không tài nào hướng được sự chú ý vào cuốn sách. Anh mỏi cả mắt trông đợi một người.
Trong thời gian dưỡng bệnh sau khi ra tù ở bệnh viện ông Phôn-tơ-ri anh thấy một cô bệnh nhân xinh đẹp thường thấp thoáng qua lại trước cửa. Anh rất muốn làm quen với cô ta nhưng không biết bằng cách nào. Mà cô ta thì rõ ràng để ý đến anh. Thế rồi một hôm có lẽ đã quá sốt ruột, cô ta xông vào phòng anh, tươi cười hỏi:
- Anh có sách hay cho em mượn một cuốn.
Giọng cô ta thật ngọt ngào! Ga-loa lúng túng, anh đáp:
- Tôi… tôi chỉ có sách toán không có truyện…
Anh không biết nói gì nữa. Cô tiếp, vẫn giọng dịu ngọt, hơi uốn éo ấy:
- Rất tiếc.
Ga-loa lại càng lúng túng hơn, anh cứng lưỡi. Cô ta lại tiếp:
- Em có thể ngồi xuống đây được không?
- Vâng, vâng… Tất nhiên.
Và thế là họ quen nhau. Cô gái tên là Xuy-gian (1'). Cô ta kể lại là đã biết tiếng và khâm phục Ga-loa từ trước. Hai người càng ngày càng thân nhau hơn. Xuy-gian ra viện trước, thường mang bánh kẹo, hoa quả đến thăm Ga-loa. Khi hết hạn tù, anh trở về thăm mẹ có một tuần rồi trở lại Pa-ri. Anh gặp Xuy-gian luôn. Bỗng mấy hôm nay, không hiểu sao cô nàng không đến đây nữa. Cô ta ốm chăng? Hay gia đình gặp chuyện gì không may? Hay cô ta đã gặp một chàng trai khác hơn ta? Điều này thì không thể có được… Trăm ngàn câu hỏi giày vò tâm trái Ga-loa…
Bỗng có tiếng gõ cửa. Ba tiếng “cạch, cạch, cạch” to, quả quyết, Ê-va-rít đứng bật dậy, nhanh nhẹn ra mở cửa.
Trời, đúng là Xuy-gian!
Nhưng tại sao nàng ủ dột thế kia, lạnh lùng thế kia? Xưa nay bao giờ nàng cũng tươi vui và sôi nổi cơ mà!
- Xuy-gian, có việc gì xảy ra với em thế? - Vừa nói anh vừa kéo ghế mời cô ta ngồi.
Xuy-gian không trả lời. Cũng khuôn mặt ấy, cũng cặp mắt ấy nhưng cái vẻ dễ thương hồi nào đã bay đâu mất… Nhất định phải có chuyện gì quan trọng. Ga-loa bối rồi, anh gặng hỏi:
- Nào Xuy-gian, có chuyện gì vậy? Có chuyện gì xảy ra với em thế?
Xuy-gian nói bằng một giọng the thé đầy vẻ thách thức:
- Ê-va-rít ạ, có lẽ đã đến lúc phải chấm dứt vở kịch của tôi với anh. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Bây giờ tôi phải cho anh biết rằng, tôi đã là người tình của một chàng trai khác chứ không phải là của anh. Người đó hơn một tháng nay đi vắng. Và tôi đến với anh chẳng qua để vớ vẩn cho đỡ buồn. Vài hôm nữa người tình của tôi sẽ về. Vì thế tôi phải đến từ biệt anh.
Ga-loa như bị chạm vào một nguồn điện. Những lời nói của Xuy-gian như một mũi dao nhọn xuyên qua tim anh. Có phải Xuy-gian là một đứa lừa đảo, một con rắn độc không? Anh lắp bắp:
- Không! Không! Không thể thế được!
Toàn thân anh run lên, hai hàm răng đánh vào nhau.
Xuy-gian đứng bật dậy, bước nhanh ra khỏi phòng, đóng sầm cánh cửa. Còn lại một mình trong phòng, Ga-loa cứ đứng đờ ra như thế. Nỗi uất ức vượt quá giới hạn đã làm toàn thân anh tê dại.
*
* *
Năm ngày trôi qua.
Thất vọng. Buồn.
Nhưng Ga-loa đã quen chịu đựng. Tấm thân mảnh khảnh này đã trải bao cơn sóng gió của cuộc đời! Anh lại có bạn để chia sẻ nỗi lòng. Bức thư viết cho Sơ-va-li-ê đã làm anh nhẹ nhõm được nhiều. Thật như người ta thường nói “Đau khổ chia đôi. Đau khổ còn một nửa”. Một niềm an ủi, một liều thuốc hiệu nghiệm để hàn gắn vết thương của anh nửa là toán học…
Bỗng có tiếng gõ cửa, Ga-loa ra mở.
- A! Đuy-sát-lê thân mến! Thật mãi từ ngày cậu được thả bây giờ tớ mới gặp. - Giọng vui mừng của Ga-loa chuyển sang dè dặt vì bắt gặp cái nhìn lạnh lùng, khó hiểu của bạn.
Đuy-sát-lê mặt rơ-đanh-gốt (1) (2') đen, đội mũ trụ đi với một người lạ mặt cũng ăn mặc sang trọng. Người này có một vết sẹo lớn ở má bên phải. Khi hai người vào nhà, Đuy-sát-lê giới thiệu:
- Đây, ông Ga-loa, còn đây là ông Grô-men. – Vẻ lạnh lùng, Đuy-sát-lê nhìn thẳng vào mắt Ga-loa. – Ông Ga-loa à, như ông đã biết, cô Xuy-gian Éc-ga-ri là người tình của tôi. Thế mà trong thời gian tôi vắng mặt, ông đã lấy cớ là bạn tôi lân la tìm đến và tìm mọi cách để chiếm đoạt nàng. Vuốt mặt ông phải nể mũi chứ! Còn tệ hơn nữa, mới đây, trước sự cự tuyệt của nàng, ông đã mắng nhiếc và sỉ nhục nàng. Sỉ nhục nàng tức là sỉ nhục tôi, vết nhục đó chỉ có thể rửa bằng máu. Vì vậy: tôi thách ông!
Đuy-sát-lê nhấn mạnh ba tiếng cuối cùng đồng thời rút chiếc găng tay trắng ném mạnh ra bàn, dấu hiệu thách thức quyết đấu.
Ga-loa lặng người đi vì kinh ngạc. Ghê thật, một ả đàn bà quỷ quyệt ranh ma! Cần ngăn chặn ngọn lửa hận thù mù quáng của chàng trai này. Anh cố tình lấy giọng ôn tồn khuyên giải:
- Ông Đuy-sát-lê, ông hãy nghe tôi, xin lấy danh dự mà thề rằng, đây là lần đầu tiên tôi được biết cô ta có quan hệ với ông.
Giọng anh run run. Trời, biết nói sao đây! Nói cho họ biết Xuy-gian là một đứa lừa đảo, một con ả đàn bà nham hiểm ư? Ai tin! Họ sẽ còn cho là hèn nhát lấp liếm tội lỗi. Hơn nữa, vạch tội người thân của họ thì khác nhào đổ thêm dầu vào ngọn lửa thịnh nộ của người ta. Anh tiếp:
- Tôi rất tiếc và sẵn sàng xin lỗi.
Gã mặt sẹo liền tuôn ngay một tràng dài những lời sỉ nhục Ga-loa đến nỗi Đuy-sát-lê cũng cảm thấy ngạc nhiên. Còn Ga-loa nghe những lời đó, lòng tự trọng của anh trỗi dậy. Vốn là con người kiêu hãnh, được giáo dục theo tinh thần của các hiệp sĩ thời phong kiến và Cổ Hy Lạp là danh dự còn cao hơn mạng sống, anh không thể để cho danh dự bị chà đạp đến mức ấy. Sự kiên trì cũng phải có giới hạn. Anh tuyên bố:
- Tôi nhận lời!
Anh nói dõng dạc và quả quyết, đồng thời đứng nghiêm theo lối nhà binh. Đuy-sát-lê lên tiếng:
- Thế là xong. Cuộc quyết đấu sẽ được tiến hành. Ông Grô-men đây sẽ là nhân chứng của tôi. Mong ông tự chọn gấp cho mình một nhân chứng để họ có thể gặp nhau ấn định ngày giờ của cuộc đấu.
Nói xong, hai người gật đầu chào nhau và lui ra.
Ga-loa bàng hoàng đứng sững lại một mình trong phòng. Anh như vừa qua một giấc chiêm bao.
Những tia nắng xuyên qua cửa sổ, hắt bóng mấy cành cây rung rinh nhảy múa trong phòng. Anh mở toang cửa kính, một luồng gió mát tràn vào. Qua khung cửa, anh thấy dưới đường, bên vỉa hè mấy em nhỏ đang chơi lò cò, các bà mẹ đang xếp hàng mua cà chau, một tốp nữ sinh đang đi tới, mặt tươi như hoa, miệng ríu ra ríu rít. Ôi! Đời đẹp quá! Anh chạnh nhớ đến thời thơ ấu ở Bua-la Ren. Trong quãng đời đầy bất hạnh vừa qua những khi hồi tưởng lại tuổi thơ ấy, trong lòng anh lại rộn lên một niềm yêu đời, một nguồn an ủi.
Thế mà giờ đây sự sống của anh chỉ còn phó thác cho may rủi. Mà may thì quá ít rủi thì quá nhiều. Anh còn lạ gì dus, nó là xạ thủ số một. Anh sẽ chết ư? Có thể thế chăng? Ngày mai, ngày kia… các em nhỏ vẫn cứ nhảy lò cò, các bà mẹ cứ xếp hàng mua cà chua, các nữ sinh cứ ríu rít đi qua đây… Còn anh, anh sẽ không còn nữa…
Trời, cái chết thật là vô nghĩa! Với một đấng nam nhi thì chết có sá chi! Chỉ chết vì công ích cho đất nước, cho nhân loại sẽ trở thành bất tử. Còn đây, anh chết vì một sự vu khống mà người đời nay và mai sau có thấu hiểu cho anh chăng! Những chân trời khoa học đang rộng mở trước mắt anh, ước mơ lớn đang chờ anh, những chiến công trong khoa học đang chờ anh… các đồng đội Cộng hòa, Đội cận vệ pháo binh…
Bỗng có tiếng gõ cửa cắt ngang mạch suy nghĩ của anh. Ga-loa chưa kịp quay lại thì vị khách đã tự mở cửa bước vào.
- Trời, Ăng-đrê!
- Ái chà chà chà chà! Được gặp lại nhà bác học và là nhà yêu nước thật còn gì sung sướng hơn, Ăng-đrê đã chào bạn như vậy. Anh chàng lúc nào cũng có thể cười cợt.
Anh ta là bạn mới của Ga-loa, quen nhau trong thời gian dưỡng bệnh ở nhà thương ông Phôn-tơ-ri.
Điệu bộ và cử chỉ Ăng-đrê có vẻ không đàng hoàng. Cung cách, lời ăn tiếng nói có cái gì đó giả tạo. Ga-loa cũng cảm nhận được điều đó nhưng anh chậc lưỡi: “Kệ, mình cũng chỉ quan hệ qua quýt thôi, ăn đời ở kiếp gì với nó đâu mà sợ”. Nhưng anh không thể ngờ được một điều là Sở Mật thám đang triển khai một kế hoạch hãm hại anh.
- Ồ, Ăng-đrê! Hay quá! Tớ đang cần cậu! Tớ rơi vào một tình huống cực kỳ khó gỡ cậu ạ…
- Gì vậy? Gì vậy? Có gì mà quan trọng vậy? Ăng-đrê vẫn giữ cử chỉ vồ vập ấy.
- Đầu đuôi là thế này, Xuy-gian là một đứa nguy hiểm…
- Thì bọn đàn bà đứa nào mà chả nguy hiểm… Nhưng nguy hiểm là nguy hiểm ra làm sao? Ăng-đrê vẫn tiếp tục cười cợt.
- Ả đã lừa tớ, ả nói rằng ả đã có người tình khác và quen tớ chẳng qua là để vớ vẩn cho đỡ buồn.
- Thế thì càng tốt chứ sao! Cánh đàn ông chỉ sợ bọn đàn bà nó túm chứ nó thả thì cậu phải mừng mới phải…
Thấy bạn nghiêm mặt, Ăng-đrê thôi đùa. Ga-loa tiếp:
- Thế rồi sáng nay, vừa cách đây khoảng nửa tiếng thôi, hai thanh niên xuất hiện, một người là Đuy-sát-lê, trước đây gần nhự bạn tớ, thách tớ quyết đấu với lý do đã sỉ nhục người tình của cậu ta. Bây giờ việc quan trọng nhất là tớ cần người để làm nhân chứng! Cậu có thể đảm nhiệm việc này chứ?
- Chuyện chẳng lành, tớ thật lo cho cậu Ê-va-rít à. Nhưng thôi, việc trước mắt là phải giúp cậu, tớ xin nhận lời. Việc này không được chậm trễ. Bên đối phương có nhân chứng rồi chứ?
Ga-loa đưa cho Ăng-đrê tờ danh thiếp:
- Đây, địa chỉ của nhân chứng đối phương đây.
Ăng-đrê cầm lên xem, nói:
- Hóa ra là người này. Tớ có biết. Thôi tớ đi đây.
Ăng-đrê chạy luôn.
Gần bốn giờ chiều, Ăng-đrê quay về báo cho Ga-loa biết mọi sự đã xong xuôi, cuộc đấu sẽ bắt đầu vào sáu giờ sáng ngày mai.
Ga-loa nhìn đồng hồ quả quýt, lẩm bẩm:
- Còn mười bốn tiếng đồng hồ nữa thôi.
Anh nói với Ăng-đrê:
- Thôi, cám ơn cậu. Bây giờ cậu đi lo liệu mọi việc, tớ cần phải ở nhà một mình. Sáng mai tới đây dẫn tớ đến địa điểm.
Với thời gian còn lại, Ga-loa phải làm xong mọi việc để phòng có mệnh hệ nào khỏi ân hận. Anh phải viết thư cho những người bạn thân nhất và những người đồng chí của mình, phải viết lại những kết quả nghiên cứu quan trọng nhất.
Anh ngồi vào bàn, trước hết anh viết thư cho những người yêu nước:
“
Pa-ri ngày 20 tháng Năm năm 1832
Thư gởi tất cả những người Cộng hòa.
Tôi tha thiết mong những người bạn yêu nước đừng buộc tội tôi vì đã không hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc. Tôi đã chết oan vì một ả đàn bà. Một sự vu khống tàn nhẫn đã dập tắt cuộc đời tôi.
Ôi! Sao lại phải chết vì một điều không đâu như vậy! Chết vì điều mà chính mình khinh ghét.
Danh dự đã không cho phép tôi báo tin này cho ai.
Tôi mang xuống mồ một lương tâm chưa hề bị hoen ố bởi một sự lừa dối nào và một dòng máu trong sạch không gợn chút vẩn đục nào của một người yêu nước.
Xin vĩnh biệt! Tôi đã có một phần đóng góp công sức cho sự nghiệp chung của chúng ta
Xin đừng buộc tội kẻ đã giết tôi. Người ta không có lỗi.
Ê. Ga-loa”
Tiếp đó anh viết một bức thư nữa cho hai người bạn đồng đội
Thư gởi H.L và Đ.B
Pa-ri ngày 29-5-1832
Hai bạn thân mến.
Có hai người yêu nước thách tôi đấu súng… Tôi không thể thoái thác được. Xin lỗi vì tôi không thể để các bạn biết. Tôi đã thề danh dự với đối phương là không được để lộ với bất cứ ai trong số những người yêu nước. Nhờ hai bạn khẳng định dùm tôi rằng, tôi đấu súng ngoài ý chí, nghĩa là tôi đã tìm mọi cách để tránh, để dàn hòa mà không có kết quả. Rằng tôi không biết lừa dối trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trường hợp này.
Đừng quên tôi nhé! Số phận đã không cho phép tôi sống đến lúc để tổ quốc biết đến tên tôi.
Bạn của hai bạn.
Ê-va-rít Ga-loa.
Sau đó, anh bắt tay vào viết ngay bức thư cho Ô-guýt. Anh định sẽ ghi lại tất cả những gì quan trọng nhất trong số những phát minh của anh.
“
Gởi Ô-guýt Sơ-va-li-ê.
Ngày 29 tháng Năm năm 1832
Bạn thân mến.
Mình đã khám phá ra trong giải tích nhiều điều mới mẻ. Có những vấn đề liên quan đến lý thuyết phương trình, một số vấn đề khác liên quan tới các hàm số được xác định bởi phép lấy tích phân…”
Và cứ thế anh viết lia lịa những gì có trong tiềm thức, anh có thể hình dung ra một cách cự kỳ trong sáng mạch lạc. Anh viết rất nhanh, chữ nguệch ngoạc. Khổ một nỗi là tốc độ viết quá chậm so với tốc độ dòng suy nghĩ. Anh viết quên cả thời gian, viết không ngẩng đầu lên nữa. Anh chỉ đứng dậy khi phải thay nến. Thỉnh thoảng ngoài lề anh viết những dòng chữ nguệch ngoạc:
“Xin lỗi, chỗ này tôi viết quá vắn tắt vì không đủ thời gian nhưng những điều này là chắc chắn”.
Anh cố gắng viết những vấn đề quan trọng nhất nhưng không thể nào trình bày một cách đầy đủ được. Có đoạn anh viết:
“Trời ơi! Kết quả nghiên cứu của tôi trong lĩnh vực này thật làm sao kể xiết! Giá tôi có thời gian!”
Tiếng ngòi bút cứ sột soạt đều đều trên trang giấy. Trí óc anh lúc này trở nên minh mẫn lạ thường! Anh nhìn thấu vào những cấu trúc lô-gích phức tạp và sâu sắc nhất, chỉ tiếc một điều là quá ít thời gian.
Chuông đồng hồ điểm ba tiếng. Anh ngừng tay. Nói chung anh đã chép ra những phát minh quan trọng nhất. Anh kết thúc bức thư:
“Ô-guýt thân mến, cậu hãy cho đăng bức thư này vào tạp chí Bách khoa. Trong cuộc đời, có những lần mình đã tự cho phép tuyên bố những điều chưa được thẩm tra kỹ lưỡng, nhưng những vấn đề mình viết ra đây đã nằm trong đầu mình gần một năm nay, mình đã nghiệm đi, thử lại và biết đích xác là không thể lầm lẫn ở chỗ nào được nữa. Cậu hãy hỏi ý kiến của Gia-cô-bi và Gau-xơ (Gauss) nhưng không phải để biết đúng hay sai mà để biết tầm quan trọng của vấn đề này.
Mình tin tưởng là rồi đây sẽ có người hiểu, đánh giá và trình bày lại một cách tuần tự đống kiến thức hỗn độn này.
Bạn thân mến
Ê. Ga-loa”
Anh đếm lại số trang giấy đã viết và đánh số cẩn thận. Trang cuối cùng, có chữ ký của anh là trang sáu mươi hai. Anh đã viết một mạch sáu mươi hai trang trong vòng mười ba giờ đồng hồ! Bây giờ anh mới cảm thấy cánh tay phải rã rời. Anh duỗi ra co vào một cách khó khăn. Đã hơn ba giờ sáng. Bây giờ cần phải nghỉ một lát để có đủ sức lực và minh mẫn cho cuộc đấu súng. Dù sao cũng đừng bóp chết mọi hy vọng! Chà giá mà an thắng! Ai biết được điều đó! Ga-loa tắt nến đi nằm. Anh cố nhắm mắt, thở đều và xua đi mọi dòng suy nghĩ nhưng làm sao mà ngủ được! Anh trăn trở mấy lần. Khi đồng hồ điểm bốn tiếng, anh quyết định dậy tập thể dục qua loa và đi tắm nước lạnh để cho đầu óc được tỉnh táo. Khi trở vào, Ăng-đrê đã ngồi chờ sẵn bên bàn. Họ ra đi lúc Pa-ri còn chìm trong giấc ngủ. Trên đường phố thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài người quét đường hoặc dăm ba người sửa soạn bán quà sáng.
Địa điểm được chọn làm nơi đấu súng là một khoảng rừng thưa cạnh hồ Gla-xi-ê ở ngoại ô Pa-ri, cách làng Giăng-ti không xa lắm. Khi Ga-loa tới nơi, Đuy-sát-lê cùng nhâ chứng của anh ta đã đứng sẵn ở đó.
Ăng-đrê sải ba mươi hai bước chân để xác định cự ly trong khi Gro-men cắm hai cây cờ nhỏ để làm mốc. Xong đó, các đấu thủ bước ra bắt thăm. Đuy-sát-lê cầm tờ giấy lên giở ra đọc:
- Quyền chọn chỗ đứng.
Ga-loa cầm tờ giấy còn lại mở ra đọc:
- Quyền chọn súng.
Anh bước lại chỗ cái tráp có hai khẩu súng và không lưỡng lự, anh cầm khẩu ở vị trí thuận tay hơn. Đuy-sát-lê chọn hướng đông để tránh chói mắt mặc dù lúc đó mặt trời chưa mọc. Sau đó, hai người lui ra đứng cạnh hai cây cờ nhỏ. Hai nhân chứng cũng đứng ở chỗ qui định. Ăng-đrê hô to:
- Chuẩn bị!
Hai đối thủ cởi phăng áo khoát vứt xuống đất.
- Bước! Ăng-đrê hô tiếp.
Cả hai lăm lăm khẩu súng trong tay và bước từng bước theo từng tiếng hô đanh, gọn của nhân chứng. Đuy-sát-lê cao lớn, bước những bước dài, chắc chắn, tự tin. Ga-loa người nhỏ nhắn, bước rụt rè hơn. Cả hai đều đã sử dụng thành thạo súng ngắn. Ga-loa học bắn súng từ ngày phục vụ ở đội cận vệ pháo binh. Đến bước thứ bảy, Ga-loa đã nâng súng lên và khi vừa đặt chân của bước thứ tám xuống, anh nhanh nhẹn xoay người, hướng thẳng nòng súng vào mục tiêu, nheo mắt ngắm… Đuy-sát-lê làm các động tác đó chậm hơn Ga-loa khoảng một phần mười giây nhưng có phần bình tĩnh, gọn gàng hơn.
Ga-loa xiết cò. Một tiếng nổ chát chúa vang lên làm chim chóc hốt hoảng bay nháo nhác.
“Trúng rồi!” qua làn khói, Ga-loa nhìn thấy Đuy-sát-lê khựng lại, lảo đảo… Nhưng không… Anh ta đã lấy lại tư thế, bậm môi hướng thẳng nòng súng về phía Ga-loa… Theo luật đấu súng, Ga-loa có bổn phận phải nhận phát đạn của đối phương. Mặt khác anh có quyền dùng súng ngắn để che chỗ hiểm yếu nhất trên cơ thể. Vậy mà Ga-loa hoàn toàn không nhớ điều này. Khi Ga-loa kịp nhận ra là súng đã nổ thì anh cảm thấy đau nhói ở bụng. Anh đặt bàn tay trái lên chỗ đau. Máu đã ướt đẫm bàn tay qua các kẽ ngón tay tràn ướt cả áo. Anh nhăn mặt, lảo đảo chao mình rồi ngã khuỵu, úp mặt xuống đất.
Ăng-đrê, Grô-men và cả Đuy-sát-lê nữa chạy lại phía Ga-loa. Ăng-đrê lật ngửa Ga-loa:
- Chưa nói đến sức phá của viên đạn chỉ vì mất máu anh ta cũng đủ chết trong vòng nửa tiếng nữa. Đề nghị hai ông rời khỏi nơi này, tôi sẽ lo liệu.
Hai người gật đầu chào và ra về. Khi chiếc xe ngựa chở họ đi khuất sau rặng thông xa xa, Ăng-đrê đưa mũi giày vào cằm Ga-loa lật cho mặt anh ngay ngắn rồi lẩm bẩm:
- Ngày mai, các báo sẽ đưa tin “chiến sĩ Cộng hòa sôi nổi Ga-loa đã chết trong một trận đấu súng”. Công việc của ta thế là đã hoàn thành tốt đẹp, chiều nay có thể lãnh năm trăm quan tiền thưởng của ngài chánh mật thám Gít-skê.
Ăng-đrê thu dọn mọi thứ rồi bỏ mặc Ga-loa nằm đó, lên xe ngựa ra về. Song y đã lầm, Ga-loa chưa chết.
Gần một giờ trôi qua, Ga-loa tỉnh lại, thấy mình nằm trơ trọi trên thảm cỏ đẫm sương, anh dần dần nhớ lại mọi chuyện xảy ra và nhớ rằng ăng-đrê hứa sẽ cứu chữa nếu anh chỉ bị thương. Anh thu hết sức cất tiếng gọi:
- Ăng…drê…ê…ê…!
Không có tiếng trả lời.
- Ăng…drê…ê…ê…!
Đáp lại lời anh chỉ có tiếng vọng của núi rừng. Anh khát cháy cổ, vết thương đau nhói. Anh không đủ sức dù chỉ để nhắc cánh tay lên.
Ga-loa thấm nỗi niềm cay đắng của một kẻ bị phản bội. Anh cắn răng nén đau, nỗi đau tự trong tim, nỗi đau trước một sự thật phũ phàng. Anh ngất lịm đi.
Hai giờ sau, một bác nông dân đi rừng bắt gặp cái xác người nằm ngửa. Bác thận trọng xem xét và biết anh ta tử thương sau một trận đấu súng. Thấy người hãy còn ấm, bác tức tốc lấy xe ngựa đưa anh vào nhà thương Cô-sen (3') ở cách đó năm dặm.
Giữa trưa Ga-loa tỉnh dậy. Anh thấy mình nằm trong một chiếc giường trải vải trắng của bệnh viện. Bác sĩ đã mổ gắp các mảnh đạn, rửa và băng bó vết thương cho anh. Mùi ê-te và mì cồn thoang thoảng dễ chịu. Chung quanh anh là một màu trắng tinh khiết và tươi mát: tường trắng, trần trắng, nền trắng, bàn ghế trắng và một chị y tá mặc quần áo trắng đầu đội mũ choàng trắng ngồi cạnh đó. Thấy anh hé mở mắt, chị tươi hẳn lên vội vã chạy đi gọi bác sĩ.
- Nư... ớ… ớ…c - Anh yếu ớt gọi.
Bác sĩ ra hiệu cho chị y tá đưa cho anh nhấp một hớp nước cho đỡ khô cổ, rồi ôn tồn bảo:
- Anh cố chịu đựng. Mai thế nào cũng sẽ đỡ hơn.
Ga-loa nhếch một nụ cười nặng nề, gượng gạo. Viên bác sĩ lại hỏi:
- Tên anh là gì?
- Ga-lo…a…a.
- Anh cần gặp người nhà không?
Ga-loa khẽ gật đầu.
- Tên và địa chỉ?
- An-phơ-rê Ga-loa, Trường Pháo binh…
Bác sĩ ghi vào một tờ giấy. Ông gấp tờ giấy lại rồi bảo anh:
- Bây giờ anh phải nghỉ.
Rồi ông lui ra.
Còn lại một mình, Ga-loa bắt đầu hồi tưởng lại những sự việc xảy ra trong thời gian qua. Từ ảo tưởng tình yêu, sự lừa dối và vu khống của ả Xuy-gian đến thái độ gay gắt của gã mặt sẹo Grô-men, hành động phản bạn hèn hạ của tên ăng-đrê… Rồi anh nghĩ lần về phía trước chút nữa… Đuy-sát-lê, người bạn cũ được thả trước anh ba tháng. Phải rồi, Đuy-sát-lê cũng bị lừa dối.
Ga-loa đã thừa đủ bằng chứng để khẳng định rằng Xuy-gian, ăng-đrê, Grô-men là người của Sở mật thám. Bọn chúng đa giăng bẫy để hãm hại anh.
Thật là đê tiện! Giết một người như anh hoàn toàn không khó, nhưng bọn chúng sợ phản ứng của dư luận.
Còn anh, anh đã thiếu cảnh giác, để đến nỗi phải sa bẫy của chúng.
Trời! Chính quyền nhà vua đã không đủ can đảm để công khai giết hại những người yêu nước như anh, chúng phải lén lút hạ sát. Hèn hạ làm sao!
Trước mắt anh hiện lên hình ảnh người cha. Người đã để lại những dấu vết sâu sắc trong tính cách và chí hướng của anh. Nếu không kể đến lầm lỡ này thì phần lớn anh đã hành động đúng với lòng mong muốn của Người, chỉ tiếc là không còn được tiếp tục thực hiện trọn vẹn nó. Rồi gương mặt âu sầu của người mẹ… Liệu bà có qua nổi cơn đau khổ này không? Bao nhiêu tai ương đổ lên đầu người mẹ tội nghiệp của anh! Anh thật có tội lớn đối với mẹ, đã gây đau khổ cho bà, đã quá ít quan tâm chăm sóc bà… Ước gì được sống tiếp, anh sẽ làm tất cả để mẹ anh được sung sướng trọn đời… Anh quặn đau vì thương cha, thương mẹ.
Khoảng bốn giờ chiều thì An-phơ-rê đến. Chú em hốt hoảng ngồi sụp xuống bên giường, cầm lấy tay anh lay gọi:
- Anh Ê-va-rít ơi, ai đã giết anh? Ai đã bắn anh?
Ê-va-rít nói yếu ớt. Phải lâu lắm anh mới nói rõ được ba tiếng:
- Chuyện... dài… lắm…
- Anh nói đi! Ai? Em thề sẽ trả thù choa nh, dù chết em cũng phải trả thù cho anh - Hai dòng nước mắt An-phơ-rê chảy dài. – Nào, anh nói đi! - An-phơ-rê nghiến chặt răng tránh tiếng nấc.
- Người bắn anh… không có… lỗi… Kẻ… thực… sự… giết… anh… chính… là… mật… thám… nhà… vua… em… hãy… nhớ… lấy… mối… thù… này…
Ga-loa không nói được nữa. Cặp mắt anh trở nên đờ đẫn. Anh thở thoi thóp. An-phơ-rê úp mặt vào tay anh, khóc rống lên, gào qua tiếng nấc:
- Anh! Anh đừng chết! Đừng chết…
Ê-va-rít thu hết sức tàn nói với em những lời cuối cùng:
- Em… đừng… khóc… An-phơ-rê! Đừng… khóc… anh… cần… có… đủ… nghị… lực… để… chết… ở… tuổi… đời… hai… mươi…
Bác sĩ đỡ An-phơ-rê dậy, bảo:
- Cậu nên ra ngoài. Anh cậu bây giờ cần yên tĩnh, không nên kích động.
An-phơ-rê đi ra vừa khóc vừa nói như van nài bác sĩ:
- Bác sĩ ơi! Tôi van ông! Bằng bất cứ giá nào, hãy cứu lấy anh tôi…
Anh nghẹn ngào không nói tiếp được nữa.
Bác sĩ xúc động dìu anh ra ngoài.
Suốt đêm, Ga-loa mê man bất tỉnh.
Tám giờ sáng ngày 31, bác si bắt mạch và bảo những người xung quanh trong số đó có An-phơ-rê:
- Mạch rất yếu, anh ấy không sống được bao nhiêu nữa!
An-phơ-rê ôm ngực nấc lên.
Chín giờ sáng, Ga-loa tỉnh lại, anh cảm thấy minh mẫn hơn. Anh kêu lên khe khẽ:
- Nư… ơ…ớc.
Cô y tá đưa nước lại cho anh.
Bác sĩ bảo người y tá:
- Cho đi mời cha xứ đến để rửa tội cho anh ta.
Ga-loa thu hết sức nói:
- Không! Tôi không… cần… rửa… tội…
Nói xong anh cắn răng, nhăn mặt, nhịn cơn đau. Mồ hôi anh vã ra đầm đìa. Ga-loa nằm lặng đi, mắt anh trừng trừng nhìn lên trần nhà.
Đúng mười giờ sáng anh tắt thở.
*
* *
Sáng ngày 2 tháng Sáu năm 1832 đám tang Ga-loa được cử hành. Chiếc quan tài đen được chở qua các đường phố Pa-ri đến nghĩa địa Mông-pác-nát-xơ (
Montparnasse).
Cảnh sát nhà vua sợ đám tang có thể trở thành một đoàn biểu tình lớn thậm chí có thể trở thành mối đe dọa cho an ninh, đã tập trung một lực lượng lớn để sẵn sàng đối phó.
Mặc, trên hai ngàn người Cộng hòa gồmm (4') các sinh viên Trường Bách khoa, Trường tổng hợp, Trường Y, các pháo thủ và nhiều bạn bè khác đã nghe Pla-ni-ông và Pi-nen (5') đọc bài điếu văn thống thiết, tỏ lòng thương tiếc vô hạn một người yêu nước chân chính, một nhà Cách mạng trẻ tuổi. Hai thanh niên khác là Pác-tơ và Rê-ni đã đứng lên đọc lời tuyên thệ trước vong linh người đã khuất.
------------------------------------------
Chú thích:
(1) Rơ-đanh-gốt: một kiểu áo dài, rộng hơn áo vét, thịnh hành ở thế kỷ trước, mặc lúc cần chững chạc, lịch sự.
Những chú thích của tui (dammage)
(1') Xuy-gian : Suzanne
(2') Rơ-đanh-gốt : redingote
(3') Cô-sen : Cochin
(4') Lỗi từ trong sách
(5') Pla-ni-ông (Plagniol) và Pi-nen (Charles Pinel)
(6') Theo tìm hiểu của tui, hầu hết các chi tiết xoay quanh vụ đấu súng là hoàn toàn hư cấu, hai nhân vật Xuy-gian và Ăng-đrê đều không có thật, trong thời gian dưỡng bệnh ở nhà Poterin (sau khi ra tù), Galois có ý với con gái chủ nhà là Mademoiselle Stéphanie-Félicie Poterin du Motel nhưng bị thất tình (dựa vào bức thư mà Galois viết cho cô này nhưng không biết sao đã bị xé đi), không có bằng chừng nào cho thấy Stéphanie liên quan tới vụ đấu súng
Ngay sau vụ đấu súng xảy ra, Galois đã được một nông dân phát hiện và đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Cochin (chứ không có chuyện nằm quằn quại cả đêm như vậy), Galois đã không nói ra đối thủ của mình là ai cũng như lý do cuộc đấu súng ngay cả lúc hấp hối bên cạnh người em trai Alfred
Văn hào Alexandre Dumas cho rằng đối thủ là Pescheux d'Herbinville, nhưng một bài báo xuất bản 5 ngày sau vụ đấu súng ghi rằng đối thủ có tên viết tắt là L.D. khiến nhiều người nghĩ tới Duchâtelet, không có bằng chứng nào rõ ràng, Galois có lẽ đã mang theo sự thật xuống dưới mồ
Cuối cùng, Évariste Galois là thiên tài hay thằng trẻ trâu vẫn còn đang gây tranh cãi