"Đất dữ" Sài Gòn ngày ấy | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

If possible, please support us by clicking on the advertisements.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software.

×

"Đất dữ" Sài Gòn ngày ấy

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
(Kỳ 1): Mả Lạng, ám ảnh cái chết trắng

Sài Gòn luôn có những giai thoại về các “vùng đất dữ” ám ảnh nhiều người: từ Cầu Muối, đến Mả Lạng, Tôn Đản... 44 năm sau thống nhất những cái tên ấy vẫn còn trong tiềm thức của hàng triệu người Sài Gòn. Nhưng giờ nó đã khác!

ma-lang-01-1553933929-width533height400.jpg

Con hẻm dẫn vào “mê cung” Mả Lạng.

Những năm trước, khu vực này là nghĩa địa, sau này mồ mả được dời đi, người vô gia cư đổ về đây sinh sống, cũng vì vậy mà cái tên Mả Lạng được hình thành và chết tên từ đó.

“Hồi đó ở đây mả nhiều dữ lắm, người ta dời mả đi rồi cất nhà ở nên kêu bằng Mả Lạng, cái tên đó kéo dài cho tới bây giờ luôn”. Chú Mười (65 tuổi, ngụ đường Bùi Viện, quận 1) cho biết.

Không ngán ai

Vì đây là khu vực của người vô gia cư, nghiện ngập sẵn, nghèo túng quẫn trong mấy căn nhà chật chội, tạm bợ nên vào những năm cuối thế kỷ 20, người dân ở khu Mả Lạng nở rộ tệ nạn mua bán cái chết trắng. Là nơi tập trung người vô gia cư, người từ tứ xứ đổ về sinh sống, Mả Lạng nơi được xem khu “tứ giác vàng” giữa trung tâm Sài Gòn nhưng luôn ám ảnh về cái chết trắng.

Được bao bọc bởi 4 tuyến đường: Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu - Cống Quỳnh, đều thuộc quận 1. Khu Mả Lạng ngoằn nghèo với nhiều ngỏ hẻm ra vào như một mê cung trận.

Thời chuyên án Năm Cam của Bộ Công an, tình hình ma túy tại đây đặc biệt phức tạp, dân quân trực gác liên tục ở ngay đầu mỗi con hẻm, đủ cho thấy mức độ nổi tiếng của nó. Nổi đình đám nhất về tệ nạn buôn bán ma túy là các con hẻm 245 Nguyễn Trãi, 168 Nguyễn Cư Trinh…

ma-lang-02-1553933929-width533height400.jpg

Con hẻm 245 Nguyễn Trãi được xem là con hẻm phức tạp nhất về vấn nạn ma túy vào những năm cuối thế kỷ 20.

Những con hẻm sâu hun hút, lại ngoằn ngèo nhiều lối ra, nên khi có người lạ mặt xuất hiện, các đối tượng bán ma túy đều dễ dàng nhận biết. Có khi chỉ cần đề cao cảnh giác, cũng có khi họ cho “người lạ mặt” ăn một trận đòn đủ no.

“Khu Mả Lạng thì khỏi nói luôn, tao có quen thân với 4 ông trong đó. Cũng toàn là người có tiền án, tiền sự cả. Hồi xưa, dân trong đó bán ma túy nên họ sợ gì đâu, ai lạ mặt vào là họ đánh bán sống bỏ chết luôn”, chú Hổ (56 tuổi, người quen với những câu chuyện về Mả Lạng) kể.

Trong ký ức của đám trẻ con lít nhít sống ở Mả Lạng ngày ấy, những “câu thơ bất hủ" về cuộc sống quá nghèo và túng quẫn do cha mẹ dạy cho dường như đã muốn làm hư con người.

Cô Đào (56 tuổi, quê gốc ở Đà Nẵng, sống trong khu Mả Lạng đã mấy chục năm) đọc lầu lầu: Con ơi nhớ lấy câu này/Một đêm ăn cắp, bằng ba năm làm.

Cô Đào nói, thời bao cấp làm lụng mãi mà cùng lắm chỉ có được vài cắc, đói khổ nên từ khi còn nhỏ, mọi đứa trẻ ở đây đều có sẵn tư tưởng sẽ… trộm cắp, buôn bán ma túy là nghề kiếm sống. Cũng vì thế, cô Đào đã trở thành gái giang hồ tự bao giờ, phải từng vào tù – ra tội…

ma-lang-03-1553933929-width600height382.png

Mỗi đêm, dân sống trong khu Mả Lạng thường tụ tập để rót tai nhau về những câu chuyện giang hồ và những cái chết quá bình thường nơi đây.

Những người ra đi dễ dàng

Nhiều ngày tìm hiểu và làm quen với những tay “anh, chị” sống trong khu Mả Lạng mới biết, mỗi tối, họ thường tụ tập để rót vài tai nhau về những câu chuyện giai thoại giang hồ. Thế nhưng chủ đề chính đa phần vẫn là sự ra đi của một ai đó trong xóm do căn bệnh Sida tàn phá.

Ở Mả Lạng chuyện chết bờ, chết bụi hay chết trẻ đã quá bình thường. Có người nằm chết ngay bên bờ kênh đại lộ Đông Tây, có người thì chết khi chỉ mới ba mươi mấy tuổi.

Dân ở đây sống gắn kết, hễ “đụng chuyện” là có khi cả nhóm kéo ra sẵn sàng tương trợ nhau. Trong đó “Ba Cu” được xem là tay anh chị có số má nhất, kế đến phải kể đến “Cường Xiếc”.

“Hôm bữa đang nhậu thằng Huy hồng kông nó hát bài 5 anh em trên một chiếc xe tăng, anh Ba Cu xỉn nên tưởng nó kêu đám anh em Mả Lạng chơi dơ. Thế là ổng vác cây kiếm nhật, dài chừng này này (gần bằng một sải tay – NV) đòi chém thằng nó. Khi đó không một đứa em nào dám can hết,…”. Đen (34 tuổi), một cô gái sống trong khu Mả Lạng kể và cho biết: “Nói vậy thôi chứ chị với ổng cũng như anh em, chơi với nhau mười mấy năm rồi. Cuối cùng ổng nghe lời chị, vào nhà ngủ để mai tỉnh rượu rồi lúc ấy muốn chém, muốn giết gì cũng chẳng sao”.

Giờ đây Mả Lạng đã yên bình hơn, những căn liều dựng tạm bợ được thay thế bằng những căn nhà kiên cố.

Những đợt trấn áp liên tục của cơ quan chức năng trong suốt nhiều năm qua đã giúp cho tình hình ở Mả Lạng "hiền lành" hơn.

Số người buôn ma túy phần bị bắt, phần bị nghiện ngập, sida nên chết dần chết mòn. Tệ nạn giảm hẳn sau nhiều năm truy quét của công an khiến người dân yên tâm và an bình hơn. Còn việc để triệt tiêu hẳn tệ nạn "cái chết trắng" ở Mả Lạng thì còn phải tiếp tục trông cậy vào các cơ quan chức năng.

Theo Tr.R (Thanh Niên)​
 

Xeko888

Rìu Chiến Bạc Chấm
Ở Hà Nội có mấy xóm liều cũng bị dẹp hết rồi, ngày xưa tối nếu ko có việc quan trọng cũng ko ai dám đi vào đó,
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
(Kỳ 2): Sống ở con hẻm của ông trùm Năm Cam

Quận 4, nơi được xem là mảnh đất sản sinh ra nhiều tay giang hồ cộm cán. Vùng đất giáp sông, giáp cảng nổi tiếng này một thời đình đám bởi những 'ông trùm' giang hồ mà Năm Cam là cái tên bá chủ nhất.

index_fowr.jpg

Một góc đường Tôn Đản ngày nay

Giữa trung tâm Sài Gòn, từ đường Nguyễn Thái Học, chỉ cần đi qua cầu Ông Lãnh sẽ tới “lãnh địa” quận 4. Nơi đây giáp ranh với chợ Cầu Muối một thời trứ danh về du đãng, lại gần khu vực phát triển bật nhất ở Sài Gòn… nên là nơi lý tưởng để “ươm mầm” những tay giang hồ cộm cán.

Ngày trước, quận 4 là nơi người dân nghèo từ tứ xứ đổ về. Xen lẫn các căn nhà xiêu vẹo là các dòng kênh, rạch. Người lớn ngày ngày đi bốc vác, đạp xích lô kiếm tiền, đám trẻ con lóc nhóc thì được dịp lăn lộn, sống theo kiểu bụi đời nên “máu” giang hồ dần được hình thành.

“Xưa tui với thằng Hà chiến đấu trong Nghiệp đoàn, ngay chỗ Bến Vân Đồn. Hồi đó đánh lộn đánh lạo quá trời đất, cuối cùng thì nghỉ luôn”, chú Minh (ngụ quận 4) kể và cho biết, ngày xưa ở Sài Gòn hình thành các hợp tác xã, nghiệp đoàn đạp xích lô.

Theo chú Minh, vì toàn dân “trời ơi” nên việc tranh dành khách, kiếm miếng cơm manh áo không tránh khỏi thảm cảnh “đầu rơi máu chảy”, thậm chí diễn ra thường xuyên.

index1_yhlm.png

Để tìm hiểu một cách chân thật, tôi len lỏi ở khu hẻm 148 Tôn Đản

Nói về đất giang hồ quận 4, các khu vực đã nổi danh trong kí ức người Sài Gòn đứng đầu bảng phải kể đến đường Tôn Đản, trong đó khu hẻm 148, là nơi mà Năm Cam đã trưởng thành, lập nghiệp. Nơi đây được xem như cái nôi của những ông trùm. Kế đến là các hẻm Hiệp Thành, khu Oxi Gạch, chợ Hãng Phân…

Những năm đầu của thế kỷ, dư luận không thể quên được vụ án Năm Cam và đồng bọn làm rúng động cả nước. Ngày 25.2.2003, vụ án Năm Cam và đồng bọn được đem ra xét xử với con số kỉ lục về số bị can khi có đến 155 người ra trước vành móng ngựa.

Từng nhiều lần vào nhà hàng Phi thuyền của ông “trùm” Năm Cam để vui chơi, chị Đen (34 tuổi) nhớ về thời quá khứ: “Lúc đó chị với thằng Lộc Em quen nhau, nó quản lý đào (ý nói gái bán dâm - NV) của nhà hàng. Lộc Em là cháu ruột của Thảo “ma”, cánh tay đắc lực của Năm Cam trong việc điều hành sòng bài nên được Năm Cam tin tưởng giao cho trọng trách này”.

Trong quãng thời gian tối tăm nhất trong cuộc đời, Đen đã dính số phận mình với Lộc Em. “Thử nghĩ, lúc đó chỉ mới biết yêu đương, vậy mà sau này khi Lộc Em bị bắt và ở tù suốt 7 năm, chị phải xách cơm tù thăm nuôi thằng Lộc ở trại giam Z30D, tỉnh Bình Thuận cho tới ngày được thả”.

Chuyện vụn nơi con hẻm “huyền thoại”

index2_rhls.jpg

Khu vực quận 4 giờ đã “thay da đổi thịt”, nhà cửa san sát, thay thế cho những căn nhà lụm xụp ven sông, rạch

Hẻm 148 đa phần là dân lao động, nghèo khó. Tôi làm quen và kết thân với gia đình cô Bé, chú Phúc (ngụ hẻm 148 đường Tôn Đản), cả hai vợ chồng có đứa con gái tên Dầu Em, mới tròn 9 tuổi.

Mỗi đêm, Dầu Em rảo khắp khu phố Tây để bán kẹo cho “Tây ba lô”. Không một lần biết đến con chữ, thế nhưng Dầu Em nói tiếng Anh một cách thành thạo và giao tiếp làu làu với người nước ngoài.

Tôi được chú Phúc sắp xếp ngủ trên gác của căn nhà trọ, một ngày ở tốn 30 ngàn, bao luôn điện nước, cơm cũng được cô Bé nấu cho ăn. Tại khu trọ, ngoài Dầu Em ra, những đứa trẻ khác cũng đều không được học hành. Nhìn đứa nào đứa nấy tròn vo, ngộ nghĩnh… nhưng hỏi ra thì không đứa nào được đi học, biết con chữ.

Mỗi buổi trưa, tôi hay ra chơi đùa với mấy đứa con nít ở khu hẻm 148 Tôn Đản. Tụi nhỏ thường giả vờ đi ngang qua, sờ vào túi quần tôi và la lớn “có điện thoại xịn, cướp thôi…”, thế là cả đám dùng kiếm nhựa, vây tôi đánh búa xua để lấy điện thoại.

Ở đây, tôi thân thiết với chú Cú Mèo (51 tuổi), chú chạy xe ôm ở Bệnh viện Sài Gòn ngay trung tâm. Đã từng ấy năm, chú Mèo sống mà không có một mảnh giấy tùy thân lận lưng. Chú Mèo nói mình quê tận ngoài tỉnh Bình Định. Cha mất do chiến tranh, mẹ mang bạo bệnh không qua khỏi, năm 10 tuổi chú đã trôi dạt vào Sài Gòn kiếm sống.

“Trong người chỉ có tấm thẻ đỏ… chạy xe ôm ở Bến Thành thôi. Tao sống nhờ nhà người bạn ở hẻm, đăng ký hộ khẩu nhà nó để được cấp cái thẻ, coi như tấm bùa hộ mệnh khi công an xét hỏi”. Chú Mèo kể.

Hằng ngày, dân trong con hẻm tụ tập ở khắp quán cà phê cóc để bàn đề, tán dóc và "bình phẩm" về những câu chuyện cướp giật, về những số phận vừa bị tóm vì giật dọc.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở đây, con hẻm huyền thoại ngày nào cũng trần trụi về những câu chuyện cơm gạo, áo cơm mỗi ngày. Cuộc sống giang hồ ngày nào dường như vẫn ẩn khuất đâu đó nơi đây bởi chính 'số má' mà quá khứ nó tạo ra.

index3_joys.png

Chú Cú Mèo (51 tuổi, quê Bình Định) lưu lạc ở Sài Gòn khi 10 tuổi, đó cũng là chừng ấy năm chú không có tờ giấy tùy thân lận lưng

Cuộc sống đã ổn hơn
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Huy Phong, Chủ tịch UBND phường 8 (quận 4) cho biết tại khu vực được mệnh danh là “cái nôi của những ông trùm” hiện nay nhà cửa đã tạm ổn và khang trang hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những tiêu cực như cờ bạc vào dịp Tết, tình hình hút chích ma túy đã giảm rất nhiều nhưng vẫn chưa chấm dứt hẳn.
Theo ông Phong, các lực lượng của phường thường xuyên phối hợp đi tuần tra tại các điểm đen này. “Khi phát hiện những người có dấu hiệu nghi là nghiện hút sẽ kiểm tra, nếu dương tính với ma túy thì sẽ đưa sang trung tâm Thanh thiếu niên 2 hoặc quản lý theo Nghị định 111”, ông Phong nói.
Trung tá Vũ Minh Hợi, Trưởng Công an phường 8 cũng cho biết đây là địa bàn chuyển hóa gặp nhiều khó khăn vì nhà cửa chằng chịt khó tiếp cận. Thậm chí, có những gia đình nhiều thế hệ có tiền án, tiền sự làm tình hình càng trở nên phức tạp.
“Công an phường thường xuyên kết hợp với các đội nghiệp vụ để triệt phá. Đã có những lần triệt phá bắt những tên trộm cán của từ 3 – 4 nhóm. Đồng thời, các lực lượng thường xuyên kết hợp tuần tra, kiểm tra và xử lý người nghiện. Còn việc nhiều trẻ em “mù” chữ, không đi học thì có, nhưng thực tế thì không nhiều”. Trung tá Hợi khẳng định. (Vũ Phượng – Trác Rin)
 


Top