This is a mobile optimized page that loads fast, if you want to load the real page, click this text.

Chuyện Đông chuyện Tây - An Chi

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
34. (Kiến thức ngày nay, số 102, ngày 15-02-1993)

ĐỘC GIẢ: “Trước đây tôi cứ tưởng bánh vẽ là bánh do người ta tưởng tượng mà vẽ ra nên hai tiếng “bánh vẽ” mới dùng để chỉ cái gì không có thật. Nhưng trên Tuổi Trẻ chủ nhật số 28-92 (19.7.1992), trang 20, tác giả bài “Bánh vẽ” là Đức Văn Hoa lại viết rằng đó là “một món bánh đặc sản cổ truyền của làng Vẽ, thôn Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội ngày nay” và câu ví:

Khát nước đứng cạnh bờ ao
Đói ăn bánh vẽ chiêm bao được vàng

chính là đã nói đến thứ bánh đó của làng Vẽ.

AN CHI : Trong bài “Chữ và Nghĩa” (Ngôn ngữ, số 1, 1969 tr. 85-89) nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng đã từng nói như Đức Văn Hoa. Khác nhau là ở chỗ Nguyễn Công Hoan nói rằng bánh vẽ là loại bánh “thu đa nhập thiểu” vì nó “to bằng quả ping pong, nhưng khi ăn, bỏ vào miệng, bánh có nước dãi làm tan ra thì nó chỉ tóp lại có một tí” còn Đức Văn Hoa thì nói rằng đó là loại bánh “nạp thiểu thu đa” vì “bánh vẽ khi chưa rán chín chỉ là một miếng bột mỏng, bé tí tẹo, nhưng khi rán chín sẽ nở phồng to như cái chén uống nước.” Nguyễn Công Hoan còn đề nghị viết hoa chữ “v” thành V“ẽ” nữa! Nhưng cả Nguyễn Công Hoan lẫn Đức Văn Hoa đều không có lý: bánh làng Vẽ, dù là “thu đa nhập thiểu” hay “nạp thiểu thu đa” thì cũng là thứ bánh có thật còn bánh vẽ lại là một thứ bánh “hư” tuyệt đối, nghĩa là hoàn toàn không thật!

Bánh vẽ là một đơn vị từ vựng tiếng Việt ra đời bằng hình thức vay mượn theo lối dịch nghĩa (tiếng Pháp: calque, tiếng Anh: calque, heteronym, loan translation) từ tiếng Hán là họa bỉnh. Sách Tam Quốc Chí, phần Ngụy chí, truyện Lư Dục, có đoạn sau đây : “Tiếng tăm như bánh vẽ trên đất, không thể ăn được” (Danh như họa địa tác bỉnh, bất khả đạm dã). Sách Truyền đăng lục cũng có ghi lại lời nói của Trí Nhàn: “Bánh vẽ không thể làm cho hết đói” (Họa bỉnh bất khả sung cơ). Thơ của Lý Thương Ẩn cũng có câu: “Cấp bậc (của quan) như bánh vẽ” (Quan hàm đồng họa bỉnh). Thành ngữ họa bỉnh sung cơ (vẽ bánh làm nguôi cơn đói) vẫn còn tồn tại trong tiếng Hán hiện đại.
Huình-Tịnh Paulus Của cũng đã giảng trong Đại Nam quấc âm tự vị như sau: “Bánh vẽ. Cuộc dối giả, chữ gọi là họa bỉnh.”

Vậy điều mà bạn “tưởng” chính lại là điều hoàn toàn đúng sự thật và bánh vẽ chẳng có liên quan gì đến bánh của làng Vẽ cả.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
35. (Kiến thức ngày nay, số 102, ngày 15-02-1993)

ĐỘC GIẢ: “Trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, tác giả Nguyễn Lân đã giảng câu Nằm giá khóc măng như sau: “Theo một truyện trong Nhị thập tứ hiếu, một người con có hiếu đi kiếm măng cho mẹ, không thấy măng, nằm trên tuyết khóc, măng thương tình (!) mọc lên cho anh lấy”. Nếu tôi nhớ không nhầm thì nắm giá và khóc măng là hai tích khác nhau. Xin nhờ giải đáp giúp.

AN CHI : Vâng, ông đã nhớ không nhầm. Đó là hai tích khác nhau đã được tác giả Nguyễn Lân gộp lại làm một. Anh nằm giá là Vương Tường đời Tấn. Mồ côi mẹ phải sống với dì ghẻ độc ác, Vương Tường vẫn một lòng hiếu thảo. Có lần đang mùa đông nước đóng băng mà dì ghẻ thèm ăn cá tươi. Vương Tường phải cởi trần mà nằm trên giá để chờ bắt cá. Tự nhiên thấy băng nứt đôi rồi từ dưới khe nứt có hai con cá chép nhảy lên. Vương Tường bắt đem về cho dì ghẻ ăn và nhờ đó mà đã cảm hóa được mụ này. Còn anh khóc măng lại là Mạnh Tông đời Tam quốc, mồ côi cha và chí hiếu với mẹ. Đang mùa hiếm măng mà mẹ bệnh lại thèm ăn măng. Không biết làm cách nào, Mạnh Tông đành ra ngồi ở bụi tre to sau vườn mà khóc. Bỗng chốc có mấy mụt măng từ dưới đất mọc lên. Mạnh Tông xắn măng đem về làm thức ăn cho mẹ. Nhờ thế mà mẹ khỏi bệnh.

Vậy nằm giá và khóc măng là hai chuyện của hai anh chứ không phải của một anh và “nằm giá khóc măng” phải được viết có dấu phẩy sau vế trước thành “nằm giá, khóc măng” chứ không phải “liền mạch” như Nguyễn Lân đã viết!
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
36. (Kiến thức ngày nay, số 102, ngày 15-02-1993)

ĐỘC GIẢ: Tại đám cưới người ta hay trang trí hai con vật Long và Phụng và bảo là tượng trưng cho sự hòa hợp vợ chồng (?). Tại sao thế được, khi mà hai con vật hoàn toàn khác giống với nhau. Ở đâu đó, có người nói : con trống là Loan, con mái là Phụng. Vậy Loan-Phụng đúng hay Long-Phụng đúng?

AN CHI: Phụng hoàng là một giống chim huyền thoại mà theo mô tả thì thuộc loại gà (gallinacé), được Đổng Tác Tân đồng nhất với con công. Phụng là con trống, hoàng là con mái. Còn loan chỉ là một giống chim được mô tả là giống như phụng hoàng mà thôi. Vậy loan không phải là con trống và phụng không phải là con mái (vì nó là cặp trống) trong cặp loan-phụng.

Trong Hán ngữ, hai tiếng loan phụng được dùng để chỉ các nghĩa mà Từ hải đã cho như sau:
1. để chỉ những người trung nghĩa (dĩ dụ thiện loại)
2. để chỉ người tài giỏi xuất sắc (dĩ dụ anh tuấn chi nhân)
3. để chỉ vợ chồng (dĩ dụ kháng lệ)​
Do nghĩa 3 mà có các thành ngữ như: loan phụng hoà minh (loan phụng cùng hót) để chỉ vợ chồng hòa hợp, loan tiên phụng giản (tờ loan thẻ phụng) để chỉ giấy tờ hôn sự của cô dâu chú rể. Tuy nhiên, nghĩa 3 chỉ là nghĩa ẩn dụ mà thôi vì loan không phải là con mái của con phụng. Vì con loan không phải là con phụng mái nên trong đám cưới người ta không thể trang trí con loan con phụng cho thành cặp đôi được.

Ngược lại, trong đám cưới người ta trang trí con long (rồng) và con phụng vì đây là hai con vật trong hàng tứ linh tượng trưng cho sự cao sang và điềm cát tường. Tên và hình của chúng thường đi chung với nhau. Vì thế mà có các thành ngữ như: long bàn phụng dật (rồng nằm phụng núp) để chỉ người có tài mà chưa gặp thời, long dược phụng minh (rồng nhảy phụng hót) để chỉ tài ba phát tiết ra ngoài, long chương phụng tư (vẻ rồng dáng phụng) để chỉ sự cao nhã, hào phóng, long phụng trình tường ( rồng phụng mang điều lành đến) để chỉ vận số cực hảo, hoặc long đầu phụng vĩ (đầu rồng đuôi phụng) để chỉ sự tốt đẹp tự thủy chí chung. Vậy hình con long con phụng trang trí trong đám cưới chính là tượng trưng cho sự cao sang vốn là ước muốn chính đáng của mọi người, nhất là tượng trưng cho ý long đầu phụng vĩ vốn là một lời chúc bằng hoa lá tươi đẹp (dùng để kết thành hình long phụng) cho đôi tân lang và tân giai nhân được mãi mãi hạnh phúc từ phút tân hôn đến lúc đầu bạc răng long.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
37. (Kiến thức ngày nay, số 102, Xuân Nhâm Thân)

ĐỘC GIẢ: Tại sao lại nói “giao thừa”? Có phải đó là do “giao thời” nói trại ra hay không?

AN CHI : Trong bài “Nên hay không nên loại bỏ chữ Hán ra khỏi ngôn ngữ Việt”, Dã Lan Nguyễn Đức Dụ có cho rằng giao thừa là do giao thời mà ra (Xem Sông Hương, số 5, tháng 9-10, 1992, tr. 86). Đây là một sự nhầm lẫn. Giao thừa là tiếng Hán đích thực (ở đây là đọc theo âm Hán Việt), đã được Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng như sau: “Cũ giao lại, mới tiếp lấy – Lúc năm cũ qua, năm mới đến”. Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng cũng giảng giao thừa như sau: “Tiếp nối nhau. Chỉ thời gian năm cũ hết, năm mới bắt đầu”. Vậy trong giao thừa, thì thừa có nghĩa là tiếp nối, tiếp nhận chứ không phải do thời nói trại ra.

Hai tiếng giao thừa có hàm ý tống cựu nghênh tân (đưa cũ tiếp mới) vì dân gian tin rằng mỗi năm đều có một ông hành khiển coi việc trần gian; cứ hết năm, đúng lúc giao thừa, thì ông tiền nhiệm bàn giao cho ông kế nhiệm. Vì vậy mà có cúng giao thừa để tiễn ông cũ và đón tiếp ông mới. Chính là xuất phát từ quan niệm này mà Nguyễn Công Trứ đã làm hai câu đối Tết quen thuộc:

Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa:
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
 
Sửa lần cuối:

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
38. (Kiến thức ngày nay, số 102, Xuân Nhâm Thân)

ĐỘC GIẢ: Tại sao người ta thường nói ghép “tết nhất”? Có phải “nhất” có nghĩa là một hay không?

AN CHI : Hai tiếng tết nhất chỉ dùng để nói về tết Nguyên đán chứ không chỉ các tết khác trong năm (như Đoan ngọ, Trung thu v.v…). Nhất là đầu tiên; nó là một thành tố ghép vào sau từ Tết để láy nghĩa của từ này theo kiểu hai từ cùng nghĩa hoặc gần nghĩa đi chung với nhau. Tết ở đây là tết Nguyên đán nói tắt, mà Nguyên đán là buổi sáng đầu tiên (của năm âm lịch). Đồng thời, những ngày tết cũng là những ngày đầu tiên trong năm mới. Cái nét nghĩa “đầu tiên” rõ ràng là một nét nghĩa chung cho cả tết lẫn nhất. Một số nhà nghiên cứu đã cho rằng tết nhất là lối nói trại của tiết nhật (= ngày tết). Ta khó mà giải thích được vì sao mà tiếng thứ hai lại phải chuyển từ thanh 6 (dấu nặng) sang thanh 5 (dấu sắc), nghĩa là từ nhật thành nhất. Hơn nữa, tiết nhật là một cấu trúc chính-phụ của tiếng Hán trong khi người nói hiện nay vẫn còn cảm nhận được rằng tết nhất là một cấu trúc đẳng lập của tiếng Việt trong đó tếtnhất là đồng nghĩa hoặc gần nghĩa với nhau.
 
Sửa lần cuối:

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
39. (Kiến thức ngày nay, số 102, Xuân Nhâm Thân)

ĐỘC GIẢ: "Ngũ hành sinh khắc" là gì?

AN CHI: Ngũ hành là năm yếu tố nguyên thủy: kim (kim loại), mộc (gỗ), thủy (nước), hỏa (lửa), thổ (đất). Ngũ hành sinh khắc là năm yếu tố nguyên thủy sinh ra nhau (sinh) và triệt tiêu lẫn nhau (khắc) lần lượt như sau:

thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ;
thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc, mộc khắc thổ.

Đây là một quan niệm duy vật thô sơ bắt nguồn từ những điều quan sát thực tế chính xác. Chẳng hạn lòng đất chứa quặng kim loại (thổ sinh kim); có nước thì cây cối mới tốt (thủy sinh mộc); đốt gỗ thì ra lửa (mộc sinh hỏa), v.v…

Hoặc tưới nước vào lửa thì lửa tắt (thủy khắc hỏa); dùng lửa nung chì thì chì sẽ chảy (hỏa khắc kim); dùng rìu chặt gỗ thì gỗ sẽ đứt (kim khắc mộc), v.v…

Từ sự quan sát quá trình sinh khắc này, ở thời cổ đại, người Trung Hoa đã quan niệm rằng ngũ hành là những yếu tố nguyên thủy cấu tạo nên vạn vật.
 
Sửa lần cuối:

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
40. (Kiến thức ngày nay, số 102, Xuân Nhâm Thân)

ĐỘC GIẢ: Ngày tết người ta thường nói: “ngũ phúc lâm môn”. Câu này nghĩa là gì và ngũ phúc là những phúc nào? Hình như có hai cách hiểu khác nhau? Vậy cách nào đúng hơn?

AN CHI: Ngũ phúc lâm môn là năm phúc đến cửa, nghĩa là đến nhà. Trong tranh vẽ, người Trung Hoa thường tượng trưng ngũ phúc bằng hình năm con dơi. Người Việt Nam thì cho rằng ngũ phúc là: phú (giàu), quí (sang), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe), ninh (bình an). Quan niệm này đã được ghi nhận trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh. Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng, Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên và Từ điển tiếng Việt 1992. Nhưng chính người Trung Hoa thì lại dựa vào thiên “Hồng Phạm” trong Kinh thư mà quan niệm rằng ngũ phúc là: thọ (sống lâu), phú (giàu), khang ninh (mạnh khỏe bình an), du hảo đức (đức tốt lâu dài), khảo chung mệnh (chết vì già, chứ không chết vì tai nạn hoặc chết non).

Trong thiên "Hồng phạm", ngũ phúc đối với lục cực (sáu điều dữ, tức không lành): hung đoản chiết (chết nạn hoặc chết non), tật (bệnh tật), ưu (có chuyện phải lo), bần (nghèo), ác (làm điều ác), nịch (đam mê – vì ghi bằng chữ 弱 nên phần nhiều người ta phiên là nhược và giảng là yếu đuối hoặc nhu nhược. Thật ra, ở đây phải đọc thành nịch là say mê, chìm đắm). Đối chiếu kỹ thì thấy du hảo đức đối với ác còn khảo chung mệnh thì đối với hung đoản chiết.

Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S. Couvreur và Mathews’ Chinese-English Dictionary đã giảng ngũ phúc đúng với quan niệm của người Trung Hoa, giống như đã giảng trong Từ nguyênTừ hải là hai bộ từ điển có uy tín. Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (chủ biên) và Lê Ngọc Trụ (hiệu đính) thì ghi nhận cả hai cách hiểu nhưng lại không nói rõ cách nào là của ai.

Vì xuất xứ của câu ngũ phúc lâm môn là ở Trung Hoa cho nên cách hiểu của người Trung Hoa mới là cách hiểu đúng đắn nguyên thủy. Còn lối hiểu của người Việt Nam chỉ là ta làm theo cách của ta mà thôi.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
41. (Kiến thức ngày nay, số 103, ngày 01-03-1993)

ĐỘC GIẢ: Tại sao người Trung Quốc ngày xưa lại dùng hai tiếng “tu mi” (râu mày, thường nói là mày râu) để chỉ đàn ông? Không lẽ đàn bà không có lông mày?

AN CHI: Về câu hỏi này, Từ Thời Đống đã giải đáp trong Yên tự lâu bút ký như sau:

“Người xưa gọi đàn ông là tu mi. Ta vẫn thường hỏi bạn bè: “Râu là thứ chỉ riêng đàn ông mới có, còn (lông) mày thì đàn bà cũng có; tại sao lại gọi đàn ông là tu mi kia chứ?”

(Tất cả) đều không trả lời được. (Ta) xét sách Thích danh nói: “Phấn vẽ lông mày là để thay thế; cạo bỏ lông mày đi, lấy phấn vẽ thay vào chỗ lông mày đã cạo. Nhờ thế mà biết rằng ngày xưa đàn bà đều cạo bỏ lông mày; vậy tuy có (lông mày) mà cũng như không. Tiếng đó chuyên dùng để chỉ đàn ông là vì thế”.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
42. (Kiến thức ngày nay, số 103, ngày 01-03-1993)

ĐỘC GIẢ: Tại sao người Việt Nam lại gọi người Trung Hoa là “Tàu”?

AN CHI: Đã có nhiều người liên hệ tên gọi này với từ tàu trong tàu bè. Xin chép Huình-Tịnh Paulus Của làm dẫn chứng: “Người An Nam thấy tàu bè khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu” (Đại Nam quấc âm tự vị, t.II, Saigon, 1896, tr.346). Có nhiều tìm tòi hơn là ý kiến của Vương Duy Trinh cho rằng Tàu là biến thể ngữ âm của Tào, là tiếng mà từ đời Tam Quốc, người Việt đã dùng để gọi nước Ngụy của Tào Tháo (Xem Thanh Hóa quan phòng, Nguyễn Duy Tiếu phiên diễn, Sài Gòn, 1973, tr.97). Nhưng nước ta, lúc bấy giờ là quận Giao Chỉ và một phần quận Cửu Chân – chúng tôi cho là chỉ một phần thôi – lại thuộc về Đông Ngô chứ không thuộc về Bắc Ngụy (chính vì thế mà bấy giờ người Việt đã gọi người Trung Hoa là người Ngô như vẫn còn thấy trong mấy tiếng thằng Ngô con đĩ) cho nên cách giải thích của Vương Duy Trinh xem ra vẫn chưa thỏa đáng. Vả lại, tại sao người ta không gọi thẳng bằng tên nước là Ngụy mà phải dùng họ Tào để gọi?

Chúng tôi cho rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa là “quan”. Trong thời kỳ Bắc thuộc, nói chung quan cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là tàu, nghĩa là quan. Nếu cho rằng đây là một nếp nghĩ vô lý thì xin nhớ lại chuyện đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9 năm 1945 tại Sài Gòn: dân Việt Nam đã đánh bất cứ người Pháp nào mà họ gặp ngoài đường vì hễ là người Pháp thì đều là”thực dân”. Do quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Hoa dù không làm quan – đây là tuyệt đại đa số - cũng được "vinh dự" gọi là Tàu.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
43. (Kiến thức ngày nay, số 103, ngày 01-03-1993)

ĐỘC GIẢ: Trong bài “Đêm giao thừa 1993” của Trịnh Công Sơn (Kiến thức ngày nay số 101, trang 22-23) có hai tiếng sát na (“cái sát na nhỏ bé của thời gian”). Xin cho biết sát na là gì?

AN CHI: Sát na là một khoảng thời gian cực ngắn. Đây là một danh từ mà người Trung Hoa đã phiên âm từ tiếng Sanskrit (cũng gọi là tiếng Bắc Phạn) kṣaṇa trong kinh Phật. Họ đã ghi kết quả phiên âm đó bằng hai chữ Hán mà người Việt Nam đọc theo âm Hán Việt thành sát na.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
44. (Kiến thức ngày nay, số 103, ngày 01-03-1993)

ĐỘC GIẢ: Xin cho biết lịch sử cây thánh giá của người theo đạo Thiên chúa.

AN CHI: Thánh giá vốn là một thập tự giá (trở xuống xin gọi tắt là thập giá) nghĩa là một cái giá hình chữ thập (†). Đó là biểu tượng của đức tin Ki Tô giáo vì chính Chúa Jesus đã chịu nhục hình trên một cây thập giá.

Tuy nhiên ngay từ trước Công nguyên, chữ thập đã là biểu tượng có tính chất tôn giáo của nhiều dân tộc khác nhau thời cổ đại rồi. Chữ thập đều, cũng gọi là chữ thập Hy Lạp, là biểu tượng của thần Amu nơi người Chaldée và người Babylone. Chữ thập có quai (croix ansée) rất thường thấy nơi người Ai Cập và được xem là tượng trưng cho sự bất tử. Chữ thập ngoặc đã có mặt ở Ấn Độ từ hàng ngàn năm trước Công nguyên. Chữ thập ngoặc có nhánh chĩa về bên phải, gọi là svastika, tượng trưng cho thần Ganeśa và điềm lành còn chữ thập ngoặc có nhánh chĩa về bên trái, gọi là sauvastika, thì tượng trưng cho nữ thần Kali và điềm dữ. Nơi nhiều dân tộc khác nhau, từ người Ba Tư đến người Phénicie, từ người Etrusque đến người La Mã, từ người xứ Gaule đến người xứ nay là nước Anh, ngay cả thổ dân Da đỏ của Mexico và Trung Mỹ, người ta đều thấy sự có mặt của chữ thập.

Riêng việc hành hình bằng cách trói hoặc đóng đinh tội nhân vào một cây thập giá thì nhiều nhà nghiên cứu đã cho là thuộc về “sáng kiến” của người Phénicie. Sau đó, nhiều dân tộc thời cổ đại cũng đã áp dụng kiểu hành hình này. Tiền thân của cây thập giá chỉ là một cái trụ đứng, nơi đó người ta trói tội nhân vào khi mà chung quanh không có một thân cây nào để tận dụng. Người ta cũng có thể dùng cái trụ đó đâm xuyên tội nhân từ hậu môn lên rồi cứ thế mà bêu cho đến khi tội nhân chết. Về sau, người ta đã gác thêm một thanh ngang vào cái trụ đứng và thế là cây thập giá với tính cách là một phương tiện hành hình đã chính thức ra đời. Đức Chúa Jesus đã chịu nhục hình trên một cây thập giá như thế.

Thoạt đầu chỉ là dấu hiệu của sự ô nhục, theo dòng thời gian, cùng với sự phát triển của Ki Tô giáo, cây thập giá đã trở nên biểu tượng của tình thương Thiên Chúa và đức hy sinh cho sự nghiệp cứu rỗi nhân loại. Trong tiếng Việt, nó được gọi là cây thánh giá.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
45. (Kiến thức ngày nay, số 104, ngày 15-03-1993)

ĐỘC GIẢ: Thỉnh thoảng tôi được thấy trong tranh vẽ của Trung Quốc hình một ông già có chòm râu bạc phơ dài đến rún, lại có một cái trán sói vĩ đại nổi lên trên đầu như hình dáng một quả trứng to quá khổ. Thí dụ, trên bìa 1 của Mỹ thuật thời nay số 28 (Xuân Quý Dậu) có in một bức tranh như thế và chú thích ở trang 3 là tranh “Thần Phúc Lộc”. Có phải đó là Thái Thượng Lão Quân không? Và cái trán quả trứng to quá khổ của ông ấy có ý nghĩa gì?

AN CHI: Thái Thượng Lão Quân là tôn hiệu dành cho Lão Tử, người được phái Đạo giáo xem là tông sư. Còn ông lão mà bạn thấy trong tranh Trung Hoa và trên bìa 1 của tạp chí Mỹ Thuật thời nay số 28 không phải là Lão Tử mà cũng không phải là “Thần Phúc Lộc”. Đó là Nam Cực Lão Nhân như đã được khẳng định bằng chính mấy chữ Hán trong tranh in nơi bìa 1 của tạp chí đó: Nam Cực Lão Nhân ứng thọ đồ, nghĩa là “tranh Ông Già Nam Cực đi ban thọ”. Ông ta chính là Ông Thọ. Và Ông Thọ chính là hóa thân của Nam Cực Lão Nhân tinh.

Nam Cực Lão Nhân tinh, tức là sao Nam Cực Lão Nhân, hiện nay chỉ gọi tắt là Lão Nhân tinh, tức sao Ông Già. Sao Ông Già là sao Canopus trong chòm sao Argo, sáng hàng thứ hai sau sao Thiên Lang, tức sao Sirius, trên bầu trời Nam bán cầu. Tuy sáng thua sao Thiên Lang nhưng vì sao Ông Già là ngôi sao sáng nhất ở phía cực Nam của bầu trời nhìn từ mặt đất (Thiên Lang: 16°36’N, còn Ông Già: 52°40’N) nên người Trung Hoa ngày xưa đã gọi nó là Nam Cực tinh, tức sao Nam Cực. Ở địa bàn nguyên thủy của người Trung Hoa thời cổ đại là lưu vực sông Hoàng Hà (thuộc Bắc bán cầu) thì rất khó mà nhìn thấy được nó. Phải sống rất lâu mới nhìn thấy nó nhiều lần trong đời. Vì vậy người Trung Hoa mới lấy sao Nam Cực làm tượng trưng cho tuổi thọ mà gọi nó là Thọ tinh tức sao Thọ. Tượng trưng hóa như thế xem ra vẫn chưa thỏa lòng, người ta lại tiếp tục nhân cách hóa thành Nam Cực Lão Nhân (tinh) = (sao) Ông Già Nam Cực. Sau đó, còn bỏ cả hai tiếng Nam Cực vốn là tên nguyên thủy mà chỉ giữ lại có hai tiếng Lão Nhân (tinh) = (sao) Ông Già.

Hiện đại Hán ngữ từ điển (Bắc Kinh 1992) đã giảng hai tiếng Thọ tinh (shòu xing) như sau: “Chỉ sao Ông Già. Từ xưa đến nay dùng làm tượng trưng cho sự trường thọ, gọi là Thọ tinh. Nhân gian thường vẽ thành hình dáng một ông già, đầu dài mà nổi u lên. Cũng gọi là Ông Già sao Thọ”.

Nơi tranh bìa đã nói, đi trước Nam Cực Lão Nhân, tức Ông Thọ, là ba chú tiên đồng khiêng một trái đào thọ to bằng thân hình của ba chú gộp lại và ở hậu cảnh, cũng tượng trưng cho tuổi thọ, còn có hình của ba con hạc.

Cái đầu nổi u lên của ông ta có ý nghĩa Đạo giáo sâu sắc. Đạo này cho rằng hành động tính dục có ba mục đích là sự truyền giống, sự thỏa mãn tính dục và sự ngăn chận quá trình suy lão. Mục đích cuối cùng này lại chỉ là “độc quyền” – vì là bí truyền – của một số đạo sư mà thôi. Những người này cho rằng tất cả mọi lần xuất tinh đều rút ngắn đời người. Vì vậy nên phải cho tinh dịch quay trở về mà bồi bổ cho não để đạt đến trường sinh. Cho nên, trong việc giao hợp, khi phóng tinh thì không được để cho tinh xuất ra ngoài mà phải rút nó từ ngọc hành trở vào để đưa nó lên tận não. Chính do diệu pháp này mà các vị siêu đẳng thọ mới có cái đầu nổi u lên như đã nói và đã thấy. Điển hình nhất chính là cái đầu của Ông Thọ.

Xin chớ cho đây là chuyện tếu. Ghi nhận quan niệm trên đây là hai đồng tác giả, một người Pháp và một người Trung Quốc là Pierre Huard và Ming Wong đã viết về cái đầu của ông ta và về diệu pháp đó như sau: “Đích thị là vì ông ta có thể đưa lên đến tận óc của ông ta những chất tinh túy gây thụ thai của cơ thể mình và tích lũy chúng tại đó bằng những phép thực hành tính dục rất đặc biệt nên ông ta đã đạt được sức khỏe và trường thọ” (La médecine chinoise, Paris, 1959, p.19).
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
46. (Kiến thức ngày nay, số 104, ngày 15-03-1993)

ĐỘC GIẢ: Theo mục Chuyện Đông chuyện Tây trên Kiến thức ngày nay số 101 thì “hoàng tức” là con dâu của vua. Xin cho biết thêm “vương phi” là gì?

AN CHI: Vương phi là vợ của thái tử. Thí dụ như trong hoàng gia nước Anh thì Diana là vương phi của thái tử Charles và là hoàng tức của nữ hoàng Elisabeth. Còn trong hoàng gia nước Nhật, Masako Owada là vương phi của thái tử Naruhito và là hoàng tức của hoàng đế Akihito và hoàng hậu Michiko. Phi, theo nghĩa gốc là thiếp (vợ lẽ) của vua. Nó còn có nghĩa là thê (vợ chính) của thái tử, của người có tước vương hoặc tước hầu.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
47. (Kiến thức ngày nay, số 104, ngày 15-03-1993)

ĐỘC GIẢ: Có phải mấy tiếng “đôi tôi”, “tôi tôi” là do “thôi nôi” mà ra hay không?

AN CHI: Đây là một tục lệ gốc ở Trung Hoa xưa, liên quan đến chữ 晬, đọc theo âm Hán Việt là tối, có nghĩa là tròn năm (vị từ) hoặc đứa trẻ đầy một tuổi (danh từ). Khi đứa trẻ đúng một tuổi, người ta “trắc nghiệm” để dự đoán sở thích và sở trường của nó trong tương lai. Tiếng Hán gọi việc này là “thí nhi” nghĩa là thử con. Người ta bày lên mâm một số đồ vật vừa đồ chơi, đồ nghề, vừa học cụ, v.v… để xem đứa trẻ chọn thứ nào mà lấy căn cứ vào món đồ này mà dự đoán tương lai của nó. Cái mâm đó gọi là tối bàn (mâm đầy năm). Nó được bày biện để thử con vào đúng dịp chu tối, nghĩa là dịp tròn trặn một năm tuổi của đứa trẻ (chu là giáp vòng).

Đôi tôitôi tôi bắt nguồn từ hai tiếng chu tối. Trong tiếng Việt, hai tiếng này dần dần được phát âm thành chu tôi. Tối được phát âm thành tôi cũng y hệt như tín (tức) thành tin (tức), (cân) đái thành (cân) đai, tứ (= bốn) thành , v.v… Nhưng phần đông người bình dân Việt Nam thời xưa chỉ biết nội dung và hình thức của lễ thí nhi mà lại chẳng biết hai chữ chu tôi có nghĩa là gì. Dần dần họ phát âm trại đi thành tôi tôi. Ở đây, đã diễn ra một sự đồng hóa ngữ âm (chu bị tôi đồng hóa) để làm thành một từ láy giả tạo. Nhưng có những người không rõ nguồn gốc của hai tiếng tôi tôi mà lại muốn giải thích nó theo ý riêng của mình. Họ đã dị hóa tiếng tôi thứ nhất bằng cách hữu thanh hóa phụ âm đầu [t] của nó thành [đ] mà nói đôi tôi nhưng cũng chẳng hề – vì không thể – nói rõ được đôi có nghĩa là gì. Đây chẳng qua chỉ là sự tái giả tạo một hình thức giả tạo mà thôi.

Đến như thôi nôi, thì đây lại là một kiểu refonte (sự soạn lại) hoàn toàn, nhằm giải thích tôi tôiđôi tôi về cả ngữ âm lẫn ngữ nghĩa. Với hình thức soạn lại này, người ta có ý muốn nói rằng đôi tôitôi tôi chẳng qua cũng chỉ là những lối nói trại âm của thôi nôi và rằng đôi tôi = tôi tôi chẳng qua cũng chỉ là lễ đứa trẻ thôi nằm nôi. Người ta đã quên rằng lễ thôi nôi ngày xưa, dù có được gọi bằng cái tên mới này, thực chất vẫn cứ luôn luôn là lễ thí nhi, rằng lễ này vẫn cứ phải được tiến hành đúng vào dịp chu tối, rằng phương tiện trắc nghiệm vẫn cứ là những vật dụng được bày biện trên cái tối bàn, nghĩa là cái mâm đầy năm.

Từ những điều trên đây, có thể suy ra rằng thôi nôi chỉ là một hình thức sinh sau đẻ muộn so với đôi tôi, tôi tôi, chu tôi, chu tối mà thôi.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
48. (Kiến thức ngày nay, số 105, ngày 01-04-1993)

ĐỘC GIẢ: Gà rán “hăm-bu-gơ” là món ăn như thế nào mà bài “Con gà trong ngôn ngữ dân gian” (Kiến thức ngày nay số Xuân Quý Dậu) đã nhắc đến? “Hăm-bu-gơ” là gì?

AN CHI: Đó là tác giả nói theo lời … quảng cáo của “Nhà hàng gà rán hăm-bu-gơ” trên truyền hình! Còn món hăm-bu-gơ chính cống, tiếng Anh nói ở Mỹ (American English) là hamburger [hæmbə:gə] thì lại là món Hamburg steak, nghĩa là thịt miếng kiểu đặc biệt của Hamburg, một thành phố cảng nổi danh của nước Đức. Dân Mỹ xem ra không thích nói Hamburg steak nên đã gọi món này là hamburger. Đây là món thịt bò băm nhuyễn làm thành miếng rồi nướng lên. Món này thường được cặp vào bánh sandwich để ăn cho nên bây giờ bánh sandwich có cặp miếng Hamburg steak cũng được gọi luôn là hamburger. Điều oái oăm là sau khi danh từ này ra đời thì người Mỹ không thấy được cấu tạo của nó là hamburg + er mà lại thấy rằng hamburger = ham + burger, vì trong tiếng Anh, ham có nghĩa là giăm-bông, là bắp đùi (của súc vật). Do đó burger đã được xem là một hình vị và với “hình vị” này người ta còn tạo ra nào là fishburger (món burger cá), cheeseburger (món burger pho-mát), v.v… Thậm chí còn có nhà sản xuất như hiệu Moore còn gọi món ăn đặc sản của mình là Mooreburger nữa. Và bây giờ người ta còn có thêm các từ ngữ tân tạo McBurger, Kebab BurgerKiwi Burger nữa (Xem “Cả thế giới nhai bánh mì thịt McDonald’s”, Kiến thức ngày nay, số 103, tr.94-8).
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
49. (Kiến thức ngày nay, số 105, ngày 01-04-1993)

ĐỘC GIẢ: Xin cho biết vắn tắt sự tích của ông Thần Tài.

AN CHI: Theo truyền thuyết thì thần tài chính là Triệu Công Minh, người đã sống vào thời nhà Tần. Ông đã lánh đời mà dốc lòng tu tiên ở núi Chung Nam. Về sau đắc đạo, được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên soái, coi việc xua ôn đuổi dịch, cứu bệnh trừ tai. Lại nữa, phàm ai bị oan ức đến cầu cứu nơi ông đều được ông giúp làm cho sáng tỏ. Người buôn bán cúng ông để cầu tài cầu lộc cũng được ông giúp cho như ý muốn. Người ta thường vẽ ông thành hình một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi, mình cỡi trên lưng một con cọp đen. Người ta cũng thường hay vẽ hình ông trên ảnh đăng (một loại đèn cù) và còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân hoặc Triệu Công Nguyên Soái.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
50. (Kiến thức ngày nay, số 105, ngày 01-04-1993)

ĐỘC GIẢ:
Tại sao lại gọi là “La Hán”? Có tất cả 16 vị hay 18 vị? Xin cho biết tên mỗi vị.

AN CHI: Về hai tiếng La Hán, sau đây là lời giảng của hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi:
“Vào chùa Việt Nam, chúng ta thường thấy tượng mười tám vị đứng gần nhau, mặt mũi trông sắc sảo dữ tợn. Đó là tượng mười tám vị La Hán, vốn là những tên tướng cướp, về sau gặp được duyên may, được giác ngộ quy y theo Phật và chứng quả A La Hán (…) Chùa Tây Phương (tỉnh Hà Tây) có tượng 18 vị La Hán rất độc đáo. Đây là tích mười tám La Hán theo một huyền thoại của Trung Quốc, bởi vì truyện mười tám tên cướp tu thành La Hán xảy ra ở Trung Hoa. (Ba chỗ in nghiêng là do chúng tôi nhấn mạnh – AC). Còn ở Ấn Độ, không thấy nói đến tích này” (Từ điển Phật học Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 432).

Thực ra, các vị La Hán không những không phải là người Trung Hoa mà họ cũng chẳng phải vốn là những tướng cướp, mặt mũi của họ cũng không dữ tợn mà lại nhân hậu và trông rất khắc khổ.

La Hán là dạng tắt của ba tiếng A La Hán mà người Trung Hoa đã dùng để phiên âm tính từ tiếng Sanskrit arhant (Hình thái ở cấp tuyệt đối là arhattama), mà nghĩa gốc là đáng tôn kính, được dùng để chỉ những bậc tu hành đắc đạo dưới hàng Bồ Tát. Tiếng Anh và tiếng Pháp thường phiên thành arhat. Người ta cho rằng La Hán là các vị đệ tử của Phật tuy đã đắc đạo nhưng vẫn sống ở trần gian để tế độ chúng sinh. Hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi viết rằng chuyện mười tám vị La Hán xuất xứ từ một huyền thoại Trung Hoa “còn ở Ấn Độ, không thấy nói đến tích này”. Thực ra các vị đều mang tên bằng tiếng Sanskrit là một phương ngữ cổ đến mấy nghìn năm của Ấn Độ. Tên của các vị đã được chép trong Pháp trụ ký của Nan Đề Mật Đạt La như sau:

1. Tân Độ La Bạt La Đọa
2. Già Nặc Già Phạt Sa
3. Già Nặc Bạt Ly Đọa Ám
4. Tô Tần Đà
5. Nặc Cự Na
6. Bạt Đà La
7. Già Lý Già
8. Phạt Đồ La Phất Đa La
9. Tuất Bát Già
10. Bán Thác Già
11. La Hồ La
12. Na Già Tê
13. Nhân Kiệt Đà
14. Phạt Na Ba Tư
15. A Thị Đa
16. Chú Đồ Bán Thác Già

Danh sách trên đây là tên các vị La Hán mà người Trung Hoa đã phiên âm từ tiếng Sanskrit. Tất cả là 16 vị.

Sở dĩ có ý kiến cho rằng tất cả có 18 vị La Hán là vì vào thời Tống, người thích vẽ chuyện đã thêm vào hai tên Khánh Hữu và Tân Đầu Lô mà không biết rằng Tân Đầu Lô chỉ là một dạng phiên âm hơi khác của Tân Độ La (Bạt La Đọa) còn Khánh Hữu chỉ là dịch nghĩa của Nan Đề Mật Đa La. Khánh = mừng là dịch nghĩa của Nandi (Nan Đề = người được vui mừng) còn Hữu = bạn là dịch nghĩa của Mitra (Mật Đà La = bạn). Mà Nandi-mitra (Nan Đề Mật Đà La) tức Khánh Hữu chỉ là tác giả của Pháp trụ ký đã nói ở trên chứ không phải là một vị La Hán trong danh sách đang xét. Vậy tất cả chỉ có 16 vị mà thôi.