Chuyện Đông chuyện Tây - An Chi | Page 2 | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

If possible, please support us by clicking on the advertisements.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software.

×

Chuyện Đông chuyện Tây - An Chi

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
15. (Kiến thức ngày nay, số 98, ngày 15-12-1992)

ĐỘC GIẢ: Rắn có phủ được mèo hay không? Nếu không, tại sao một số nơi ở miền Bắc lại có lưu hành câu"Rắn phủ l. mèo"?

AN CHI: Về chuyện "rắn phủ mèo", trong Chân trời khoa học (của báo Khoa học phổ thông) tháng 11-1990, kỹ sư Nguyễn Quốc Thắng đã giải thích rõ ràng như sau: "Rắn thuộc lớp bò sát còn mèo thuộc lớp động vật có vú, hai lớp này rất xa nhau về mặt tiến hóa. Theo nguyên tắc của sinh vật học, 2 loài khác nhau của cùng một giống đã rất khó giao phối với nhau huống hồ ở đây rắn và mèo có cấu tạo cơ quan sinh dục hoàn toàn khác nhau, số lượng nhiễm sắc thể trong tế bào cũng khác nhau, do đó khẳng định chúng không thể giao phối với nhau được" (tr.56). Tất nhiên là có nhiều người quả quyết rằng chính mắt họ đã nhìn thấy rắn phủ mèo. Nhưng sự thật thì hoặc là họ đã nhìn gà hóa cuốc hoặc là điều này có nhiều phần chắc chắn hơn - họ đã "tung tin vịt một cách vô tội vạ mà thôi.

Còn "rắn phủ l. mèo" chỉ là một biến dạng của thành ngữ dán bùa l. mèo, một phần hẳn là cũng có do người ta vẫn bị ám ảnh bởi cái chuyện "rắn phủ mèo". L. mèo là cái đầu hồi nhà, tức là cái phần hình tam giác bên hông nhà mà đỉnh là nơi hai mái nhà giáp nhau. Ngày xưa khi thợ mộc cất nhà xong, họ thường dán một lá bùa vào cái l. mèo nhà theo tín ngưỡng, mà có khi cũng chỉ đơn giản là theo thói quen nghề nghiệp. Câu dán bùa l. mèo bắt nguồn từ thực tế này; về sau nó đã bị từ nguyên dân gian bóp méo nên mới thành rắn phủ l. mèo.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
16. (Kiến thức ngày nay, số 99, ngày 01-01-1993)

ĐỘC GIẢ: Tờ "Bát tự niên canh" có phải là tờ đăng ký kết hôn ngày xưa hay không? Có phải "bát tự" có nghĩa là tám tờ còn "niên canh" là có giá trị trong một năm hay không?

AN CHI: Nói cho đúng cú pháp tiếng Hán thì đó là niên canh bát tự, có nghĩa là tám chữ thuộc về tuổi tác. Đó là tám chữ can chi (thí dụ: Mậu Tý, Kỷ Sửu, Canh Dần, Ất Mùi, v.v…) gồm có hai chữ chỉ giờ, hai chữ chỉ ngày, hai chữ chỉ tháng và hai chữ chỉ năm mà một con người đã ra đời. Tờ niên canh bát tự là tờ ghi giờ, ngày, tháng và năm sinh theo âm lịch của chàng trai hoặc cô gái để trao cho nhà gái hoặc nhà trai đi coi thầy xem tuổi hai bên có hạp nhau hay không. Hễ hạp tuổi với nhau thì mới bàn tính đến chuyện hôn nhân chính thức. Vậy đó không phải là tờ đăng ký kết hôn. Vả lại, chẳng cứ khi tính chuyện hôn nhân mới có khai niên canh bát tự. Chỉ cần đi xem tử vi để biết chuyện bổn mạng thì cũng đã phải khai tám chữ cho thầy rồi (không có tám chữ thì thầy làm sao "lên bảng" được).
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
17. (Kiến thức ngày nay, số 99, ngày 01-01-1993)

ĐỘC GIẢ: Hai tiếng cù là trong "dầu cù là" xuất xứ từ đâu? Có phải tên một loại cây nào không?

AN CHI: Có người đã liên hệ hai tiếng cù là này với hai tiếng Cù Là là tên mà người xưa ở miệt dưới đã dùng để gọi nước Miến Điện. Số là trước đây có một loại dầu cù là mang nhãn hiệu Mac Phsu, sản xuất tại Miến Điện, được ông già bà cả trong Nam ưa chuộng. Người ta cho rằng vì thứ đầu này được sản xuất tại nước Cù Là (=Miến Điện) nên nó mới được gọi là dầu cù là (=dầu sản xuất tại nước Cù Là). Sau khi hai tiếng cù là trở thành thông dụng trong phương ngữ Nam Bộ thì ngữ danh từ dầu cù là được dùng rộng rãi để chỉ tất cả các loại dầu cao, bất kể chúng được sản xuất tại nước nào, đương nhiên là kể cả tại nước Tàu. Còn chính người Tàu thì lại gọi dầu cù là là vạn kim du (tiếng Quảng Đông: màn cắm y du) bắt nguồn từ nhãn hiệu của một thứ dầu cù là là hiệu Vạn Kim. Hiện chúng tôi chưa tìm được tên của một loại cây nào gọi là cây "cù là".
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
18. (Kiến thức ngày nay, số 99, ngày 01-01-1993)

ĐỘC GIẢ: Trong bài 'Hoàng hậu Hiếu Văn, làng Cổ Trai và đất Minh Linh" đăng trên Cửa Việt số 15, tháng 6-1992, Tố Am Nguyễn Toại đã dựa vào thư tịch của Trung Quốc để khẳng định rằng Mạc Đăng Dung không phải là người Việt mà là người Đãn từ Trung Quốc lưu lạc sang. Xin hỏi người phụ trách mục "Chuyện Đông chuyện Tây" nghĩ sao về điều khẳng định này?

AN CHI: Người đầu tiên phát hiện ra rằng Mạc Đăng Dung thuộc sắc dân Đãn Man là Trần Quốc Vượng tại Hội nghị khoa học về Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức ở Hải Phòng tháng 2.1985. Cứ liệu của ông là một số điều ghi chép trong Minh sử. Bảy năm sau, Tố Am Nguyễn Toại lại tiếp tục khẳng định giống như Trần Quốc Vượng. Ngoài Minh sử ra, ông còn nêu tên sách Đông Hoãn huyện chí của Trần Bá Đào đời Thanh. Chúng tôi cho rằng chẳng qua Trần Bá Đào cũng chỉ viết theo Minh sử mà thôi và rằng những điều mà sách này đã chép về thành phần dân tộc của Mạc Đăng Dung là hoàn toàn không thể tin tưởng được.

Chỉ riêng một việc người Đại Minh "biết quá rõ" về lai lịch của Mạc Đăng Dung trong khi chính người Đại Việt thì lại hoàn toàn mù tịt về điều đó, chỉ riêng một việc đó thôi, cũng đã là điều hoàn toàn đáng ngờ rồi. Huống hồ chế độ tuyển cử và chế độ bảo cử quan chức của nước ta vào thời Lê thật chặt chẽ và chu đáo, thì làm sao một tên cha căng chú kiết - nếu quả ông ta là người Đãn Man - như Mạc Đăng Dung lại có thể len lỏi vào làm đô chỉ huy sứ từ năm 1508 để lên ngôi hoàng đế 19 năm sau đó?

Theo truyền thuyết thì Mạc Đăng Dung xuất than từ nghề đánh cá - còn chúng tôi thì cho rằng bấy giờ ông ta là một Khương Thượng chờ thời - nên Minh sử mới dựa vào đó mà ghi chép một cách hồ đồ rằng ông là người Đãn Man, vì Đãn Man là một sắc dân chuyên sống lưu động trên ghe thuyền để làm nghề đánh cá và có khi là cả nghề cướp biển nữa. Hoặc cũng có thể Minh sử đã cố ý ghi chép như thế để gián tiếp nhắn nhủ một cách trịch thượng rằng một tên Đãn Man cũng đủ khả năng để làm vua nước Đại Việt như thường. Dù thế nào mặc lòng, chúng tôi cho rằng người Việt Nam không thể đặt lòng tin tuyệt đối của mình vào sách Tàu được, nhất là sách Tàu mà lại viết về những vấn đề lịch sử tế nhị của Việt Nam.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
19. (Kiến thức ngày nay, số 99, ngày 01-01-1993)

ĐỘC GIẢ: Tiếng Anh đã có từ Christmas để chỉ lễ Giáng sinh, lại còn có cả từ Yule nữa. Xin cho biết xuất xứ của từ này.

AN CHI: Yule là hình thái hiện đại bắt nguồn từ tiếng Anh trung đại yol, tiếng Anh cổ đại gèol, với biến thể geohhol. Đồng nghĩa và cùng gốc với nó hiện nay là tiếng Thụy Điển, tiếng Na Uy và tiếng Đan Mạch jul mà tiếng Phần Lan láng giềng đã mượn và phát âm thành joulu. Theo Eric Partridge, hình thái cổ đại geol bắt nguồn từ một hình thái tiền thân là geol, một kiểu hoán vị ngữ âm (metathesis) cùng gốc với tiếng La Tinh gelu, có nghĩa là băng giá. Do đó mà tiếng Anh cổ đại còn có danh từ geola để chỉ tháng December (tháng Chạp dương lịch), mà nghĩa từ nguyên là tháng băng giá. Còn geol, nay là Yule, là ngày lễ của tháng geola, tức là ngày Giáng sinh.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
20. (Kiến thức ngày nay, số 100, ngày 15-01-1993)

ĐỘC GIẢ: Tại sao lại gọi là "ông Táo"? "Táo" là gì?

AN CHI: Táo là tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt, có nghĩa Ià bếp. Đại táo là bếp to, nấu cho chiến sĩ (quân đội) hoặc nhân viên (cơ quan) ăn tập thể rất đông người. Trung táo là bếp vừa, nấu cho cán bộ trung cấp. Còn tiểu táo là bếp nhỏ, nấu riêng cho cán bộ cao cấp. Lại còn có đặc táo là bếp nhỏ loại đặc biệt thượng hảo hạng.

Theo tín ngưỡng xưa, bếp có thần bếp gọi là táo quân, táo vương hoặc táo thần, khẩu ngữ còn gọi là táo công. Người Việt Nam đã dịch táo công thành ông táo. Dân gian Việt Nam còn lấy hai tiếng ông táo để chỉ từng hòn trong ba hòn đất dùng để bắc chảo bắc nồi lên mà xào mà nấu. Những hòn đất này thoạt đầu thì cháy nám, rồi lâu ngày dài tháng, trở nên đen thủi đen thui (vì vậy mà trong khẩu ngữ ở Nam Bộ trước đây, người ta còn dùng hai tiếng ông táo để gọi đùa người Ấn Độ, rồi về sau cả lính da đen nữa).
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
21. (Kiến thức ngày nay, số 100, ngày 15-01-1993)

ĐỘC GIẢ: Tại sao lại nói "ngày tư ngày tết" và “tư niên" (là quanh năm). Hai tiếng "tư” này có liên quan gì với nhau hay không?

AN CHI: Hán ngữ có một từ ghi bằng chữ 玆 , mà âm Hán Việt là , có nghĩa là năm, là mùa. Mathews' Chinese-English Dictionary (p.1023. ch.6935) giảng là: "A year, a season”. Sách Lã thị xuân thu có câu: “Kim mỹ hòa, lai mỹ mạch” nghĩa là mùa này tốt lúa gạo, mùa tới tốt lúa mì. Vì nó cùng một trường nghĩa với tết nên người ta đã ghép nó với từ này thành tư tết, rồi lại xen ngày vào mà nói thành ngày tư ngày tết.

Còn trong "tư niên” thì lại không liên quan gì đến trong "ngày tư ngày tết" cả. Nó là trong tư bề, tư mùa, nghĩa là một biến thể ngữ âm của tứ là bốn. Tư bề là bốn bề, nghĩa là mọi phía; tư mùa là suốt bốn mùa, nghĩa là quanh năm. Sự di chuyển tự nhiên và hợp lý từ bốn sang mọi, sang quanh trong nghĩa của tư bề, tư mùa đã dẫn đến cách hiểu sai lệch rằng có nghĩa là quanh, là khắp, là cả, v.v.. Với cách hiểu sai lệch này, người ta đã nói tư niên mà hiểu là quanh năm.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
22. (Kiến thức ngày nay, số 100, ngày 15-01-1993)

ĐỘC GIẢ: Con lân là con gì? Có phải đó cũng là con kỳ lân hay không? Tại sao ngoài Bắc gọi là "múa sư tử" mà trong Nam lại gọi là "múa lân"?

AN CHI: Con lân cũng gọi là con kỳ lân. Nguyên kỳ là tên của con đực, còn lân là tên của con cái. Người ta ghép lại mà gọi chung là kỳ lân. Ngày nay lân hoặc kỳ lân chỉ cả con đực lẫn con cái. Tiếng Pháp dịch là unicorne, tiếng Anh là unicorn. Lân là con vật đứng hàng thứ hai trong tứ linh: long (rồng), lân, qui (rùa), phụng (phượng hoàng). Nó là một con vật thần thoại thân hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng, lông trên lưng thì ngũ sắc mà dưới bụng thì màu vàng. Tục truyền rằng nó là một con vật hiền lành (nhân thú), không đạp lên cỏ tươi và không làm hại các vật sống. Tục còn truyền rằng vì nó là một con thú có nhân như thế cho nên vua chúa ai là người có nhân thì mới được nhìn thấy nó.

Múa lân tức là múa kỳ lân. Sở dĩ trong Nam gọi múa lân mà ngoài Bắc gọi là múa sư tử là vì nhác trông thì con lân giống con sư tử (Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của cũng giảng lân là một "con thú giống con sư tử"). Vì vậy, người ta đã nhầm múa lân thành "múa sư tử” rồi cứ thế mà gọi lâu ngày thành quen. Nhưng cứ nhìn vào cái đầu lân (để múa) với cái miệng rộng, cái mũi to và cái sừng nổi cộm thì biết ngay đó không phải là con sư tử rồi.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
23. (Kiến thức ngày nay, số 100, ngày 15-01-1993)

ĐỘC GIẢ: Tại sao lại gọi là "con giáp"? Mỗi con giáp có bao nhiêu năm?

AN CHI: Hai tiếng con giáp là một lối nói của phương ngữ Nam Bộ. Trong phương ngữ này con giáp là một chu kỳ 12 năm âm lịch gọi bằng tên của 12 địa chi từ Tí đến Hợi. Nghĩa này đã cho ra một nghĩa rộng là chu kỳ thời gian từ một năm đã cho đến năm cùng một tên chi với nó sau đó 12 năm, chẳng hạn từ năm Nhâm Thìn 1832 đến năm Giáp Thìn 1844, hoặc từ năm Đinh Hợi 1947 đến năm Kỷ Hợi 1959, v.v.. Do đó mà người sanh năm Nhâm Thìn 1832 lớn hơn người sanh năm Giáp Thìn 1844 một con giáp, còn người sánh năm Kỷ Hợi 1959 thì nhỏ hơn người sánh năm Đinh Hợi 1947 một con giáp. Ngoài ra, trong khẩu ngữ của tiếng địa phương Nam Bộ, con giáp còn có nghĩa là con vật tượng trưng của mỗi chi trong 12 địa chi nữa (chẳng hạn con chuột cho năm Tý, con trâu cho năm Sửu, v.v… Do đó mới có câu "Mười hai con giáp không giống con nào”.

Vậy tại sao lại gọi là con giáp? Nguyên ngày xưa người ta đã theo thứ tự trước sau của thập can và thập nhị chi mà phối hợp các can và các chi với nhau sao cho có được một chu kỳ gồm 60 đơn vị bắt đầu từ Giáp Tí cho đến Quý Hợi, trong đó mỗi đơn vị được gọi bằng một tên kép gồm có một tên can và một tên chi. Chu kỳ này được trình bày thành một bảng gồm có 60 ô. Bảng này gọi là hoa giáp. Trong phương ngữ Bắc Bộ, hoa giáp đã được nói tắt thành giáp. Giáp thoạt đầu vẫn được hiểu là một chu kỳ gồm 60 năm, về sau lại được linh động hiểu thành một chu kỳ 12 năm như cách hiểu thong thường hiện nay. Tuy cũng cùng một cách chuyển nghĩa như trên nhưng trong phương ngữ Nam Bộ thì hoa giáp lại trở thành con giáp vì hai lý do. Một là người ta vẫn bị ám ảnh bởi các con vật tượng trưng cho mỗi chi khi nói đến hoa giáp. Hai là tiếng con vừa có tác dụng nhắc nhớ đến các con vật như đã nói ở trên, lại vừa đồng âm với con là một từ chỉ chu kỳ như trong con nước, con trăng v.v. mà hoa giáp thì rõ ràng là một chu kỳ. Vì hai lý do đó mà con đã thay thế cho hoa.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
24. (Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 01-02-1993)

ĐỘC GIẢ: Xin cho biết xuất xứ của tên gọi Ba Son (Nhà máy Ba Son).

AN CHI: Về tên Ba Son, trong Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển đã ghi nhận bốn cách giải thích sau đây:

1. Trước kia có một anh thợ nguội tên Son, thứ ba, đã vào làm ở sở này. Người ta bèn lấy thứ và tên của anh mà gọi tên sở là Ba Son.

2. Trước khi Ba Son được thành lập thì nơi đó có một con xẻo chảy qua. Xẻo này có nhiều cá. Người Pháp thường đến câu ở đó và gọi nó là "mare aux poissons” (ao cá). Khi xây dựng xưởng Ba Son, con xẻo tuy bị lấp nhưng tên vẫn còn. Người ta bèn phiên âm poissons thành Ba Son để gọi xưởng mới thành lập.

3. Ba Son là do tiếng Pháp reparation có nghĩa là “công việc sửa chữa” mà ra (Ba Son vốn là nơi sửa chữa tàu thủy).

4. Ba Son là do "bassin de radoub"nghĩa là "ụ sửa chữa vỏ tàu mà ra (bassin > Ba Son). Ông Vương Hồng Sển viết rõ như sau: "Theo quyển Promenades dans Saigon, tác giả, bà Hilda Arnold, ghi rằng buổi đầu người Pháp đã xuất ra trên bảy triệu quan thời áy để lấp đất và xây cái ụ tàu "bassin de radoub" này, để có thể sửa chữa các thứ tàu chiến, tàu buôn tại đây khỏi đem về tận Pháp quốc. Thời ấy, cuộc chuyển vận đều do đường thủy, nên cái "bassin de radoub" giúp họ nắm vận mạng xứ này trong tay". Trong bốn cách trên, chỉ có cách giải thích thứ tư là đáng tin nhất mà thôi.

Về phần mình, chúng tôi cho rằng Ba Son là do tiếng Pháp bastion (= pháo đài) mà ra và tin rằng sẽ có ngày chúng tôi chứng minh được mối quan hệ này.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
25. (Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 01-02-1993)

ĐỘC GIẢ: Lục dục, thất tình là những tình cảm nào?

AN CHI:

1. Lục dục là tiếng nhà Phật chỉ sáu điều ham muốn do lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) mà ra: mắt muốn nhìn đẹp, tai muốn nghe hay, mũi muốn ngửi thơm, lưỡi muốn nếm ngon, thân muốn hưởng sướng và ý muốn biết hết.

2. Thất tình là bảy thứ tình cảm thường khuấy động lòng người: hỉ (mừng), nộ (giận), ai (lo), cụ (sợ), ái (yêu), (ghét) và dục (muốn).
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
27. (Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 01-02-1993)

ĐỘC GIẢ: Con dâu của vua gọi là gì? Tại sao con rể của vua lại gọi là “phò mã”?

AN CHI: Con dâu của vua gọi là hoàng tức. Hoàng là một thành tố chỉ những gì thuộc về vua, liên quan đến vua. Tức là dạng tắt của tức phụ đã trở nên thông dụng, có nghĩa là con dâu. Con rể của vua vốn được gọi là hoàng tế (tế là rể). Từ đời Ngụy, đời Tấn, chàng rể được phong làm phụ mã đô úy, gọi tắt là phụ mã, âm xưa là phò mã. Đây là một chức quan chuyên trách việc ngựa xe cho vua, anh chàng hoàng tế được cái tên phò mã là nhờ ở chức này.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
28. (Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 01-02-1993)

ĐỘC GIẢ: "Tứ hỉ" là gì? Có phải đó cũng là "tứ khoái" hay không?

AN CHI: Tứ khoái là quan niệm của người Việt Nam gồm có: ăn, ngủ, đ. và ị. Đây là bốn cái thú có tính chất sinh lý. Còn tứ hỉ là một quan niệm của người Trung Hoa, có nghĩa là bốn điều mừng, bốn điều tốt lành. Quan niệm này bắt nguồn từ một bài thơ dân gian, tục gọi là Tứ hỉ thi (bài thơ về bốn điều vui mừng). Đây là một bài thơ mà các trường học ở thôn quê Trung Hoa ngày xưa vẫn dạy cho học sinh. Nó đã được chép trong Dung trai tùy bút của Hồng Mại đời Tống, Nguyên văn (phiên âm Hán Việt) như sau:

Cửu hạn phùng cam vũ;
Tha hương ngộ cố tri;
Động phòng hoa chúc dạ;
Kim bảng quải danh thì.

Dịch nghĩa:

Nắng hạn lâu ngày gặp mưa nhuần
Nơi xứ người gặp được bạn cũ
Đêm đuốc hoa trong phòng cô dâu
Lúc thi đỗ bảng vàng treo tên.​

Mỗi câu thơ nói lên một điều vui mừng. Tuy câu thứ ba nói lên điều vui mừng về đêm tân hôn, có phần nào trùng với cái khoái thứ ba, nhưng rõ ràng tứ khoái và tứ hỉ là hai quan niệm riêng biệt.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
29. (Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 01-02-1993)

ĐỘC GIẢ: Xin cho biết tên nước ta qua các thời kỳ lịch sử.

AN CHI: Sau đây là quốc hiệu qua các đời:
1. Xích Quỷ (thời Kinh Dương Vương),
2. Văn Lang (thời HùngVương),
3. Âu Lạc (đời An Dương Vương),
4. Vạn Xuân (đời Lý Nam Đế, 541-547),
5. Đại Cồ Việt (đời Đinh Tiên Hoàng, 968-979),
6. Đại Việt (từ đời Lý Thánh Tông, 1055-1072),
7. Đại Ngu (đời Hồ Quí Ly, 1400),
8. Đại Việt (từ đời Lê Thái Tổ, 1428-1433),
9. Việt Nam (từ đời Gia Long, 1802-1819),
10. Đại Nam (từ đời Minh Mạng, 1820-1840),
11. Việt Nam (Dân chủ Cộng hòa) từ 2.9.1945.​
Sau khi An Dương Vương mất Cổ Loa và tự tử thì nước Âu Lạc bị Triệu Đà sát nhập vào quận Nam Hải để lập thành nước Nam Việt. Nước này lại bị nhà Hán chiếm rồi đặt thành Giao Chỉ bộ chia làm 9 quận trong đó 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, chủ yếu là Giao Chỉ, rồi đến Cửu Chân, có những phần đất cũ của Âu Lạc. Năm 203, Hán Hiến Đế cải gọi là Giao Châu. Năm 679, Đường Cao Tông đặt làm An Nam Đô hộ phủ. Thời pháp thuộc, nước ta bị chia làm Tonkin, Annam và Cochinchine. Trước năm 1945, vẫn dịch thành Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Từ năm 1945, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gọi là Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Sau đó, chính quyền thân Pháp gọi là Bắc Phần, Trung Phần và Nam Phần, rồi Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt. Trước 1945, tên Việt Nam vẫn có được dùng nhưng đó chỉ là ngôn từ của sách báo hoặc là yếu tố trong tên của tổ chức (như: Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Độc lập Đồng minh hội, v.v. ) mà thôi.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
30. (Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 01-02-1993)

ĐỘC GIẢ: "Ba hồn bảy vía" là những hồn nào, vía nào? Tại sao có người còn cho rằng đàn ông có bảy vía mà đàn bà lại có tới chín vía?

AN CHI: Ba hồn bảy vía là một quan niệm xuất phát từ Trung Hoa. Đây là một quan niệm của Đạo giáo. Tiếng Hán là tam hồn thất phách. Sách Bảo Phác Tử của Cát Hồng đời Tấn có viết: "Muốn trở nên thần thông thì phải luyện phép chia mình bằng nước, lửa. Chia mình được thì thấy được ba hồn bảy vía của bản thân". Sách Vân cập thất tiêm của Trương Quân Phòng đời Tống nói rõ ba hồn là: thai quang, sàng linh và u tinh còn bảy vía là: thi cẩu, phục thỉ, tước âm, thôn tặc, phi độc, trừ uế và xú phế. Sự phân biệt bảy vía của đàn ông với chín vía của đàn bà có thể chỉ là do một số người Việt Nam đặt ra. Họ giải thích rằng sở dĩ như thế là vì đàn ông có bảy lỗ mà đàn bà thì có tới chín lỗ. Bảy lỗ thì bảy vía còn chín lỗ thì chín vía. Bảy lỗ ứng với bảy vía thì đúng với quan niệm của dân gian cho rằng đó là bảy hồn bóng: bóng nhìn, bóng nghe, bóng thở và bóng nói. Hai lỗ mắt để nhìn, hai lỗ tai để nghe, hai lỗ mũi để thở và lỗ miệng để nói thì đúng là bảy lỗ. Bảy lỗ này thì đàn ông và đàn bà đều có. Còn chín lỗ là những lỗ nào? Là bảy lỗ trên cộng với lỗ tiểu tiện và lỗ đại tiện. Vậy chẳng có lẽ đàn ông thì không có hai lỗ sau này chăng? Rõ ràng cách phân biệt đàn ông bảy lỗ với đàn bà chín lỗ là điều vô lý: về phương diện này thì nam nữ "tuyệt đối bình đẳng".

Nhưng do đâu mà lại có quan niệm trên đây? Có thể là do một sự hiểu nhầm. Tiếng Hán gọi bảy lỗ là thất khiếu và chín lỗ là cửu khiếu. Trong cửu khiếu thì bảy lỗ trên gọi là thượng khiếu còn hai lỗ dưới gọi là hạ khiếu. Thượng khiếu cũng gọi là dương khiếu còn hạ khiếu cũng gọi là âm khiếu. Chúng tôi ngờ rằng người ta đã hiểu nhầm âm khiếu là lỗ... riêng của phụ nữ, nên mới cho rằng đàn bà hơn đàn ông hai lỗ. Có lẽ vì thế mà sinh ra chuyện "nam thất nữ cửu” chăng?
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
31. (Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 01-02-1993)

ĐỘC GIẢ: "Tiền cheo" là tiền gì?

AN CHI: Trong Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh đã liên hệ lệ nộp cheo ở Việt Nam với tục lan nhai (chặn đường) của Trung Hoa. Còn Phan Kế Bính thì đã nói rõ như sau: "Lệ cưới xin phải nộp tiền lan nhai cho làng, thể gọi là nộp cheo. Người trong làng lấy nhau thì nộp độ một vài đồng bạc, gọi là cheo nội, người ngoài lấy gái làng thì bao giờ cũng phải nộp nặng hơn, hoặc năm sáu đồng hoặc mươi đồng hoặc một vài chục, tùy tục riêng từng làng, gọi là cheo ngoại. Có nơi không lấy tiền, bắt nộp bằng gạch bát tràng, hoặc nơi thì bắt nộp bằng mâm đồng, bát sứ, tùy làng cần dùng thức gì thì nộp thức ấy chớ không nộp tiền, nhưng chiếu giá tiền thì cũng tương đương nhau. Ngoài lệ cheo làng, lại có lệ cheo hàng xóm, cheo bản tộc, cheo bản thôn, hoặc năm ba tiền kẽm hoặc một vài quan hay một hai đồng bạc, v.v.. Hễ có cheo rồi mới thành gia thất. Cheo tức là ý phân bua với làng nước. Lấy nhau đã có cưới cheo là sự hôn thú phân minh, về sau vợ chồng có điều gì không dễ mà ly dị được nhau và người ngoài cũng không có phép mà tranh cạnh được nữa (Việt Nam phong tục, Nxb Đồng Tháp, 1990, tr.180-181).

Thế là Phan Kế Bính đã nói rất rõ về khái niệm cheo. Nhưng việc cả ông lẫn Đào Duy Anh liên hệ lệ nộp cheo với tục lan nhai thì lại là một việc không đúng. Lan nhai (chặn đường) là một tục lệ khác mà chính Phan Kế Bính cũng có nói đến khi ông mô tả lệ giăng dây: "Trong lúc đi đường thì những kẻ hèn hạ hoặc lấy sợi chỉ đỏ, hoặc mảnh vải, lụa đỏ giăng ngang giữa đường, đám cưới đi đến phải nói tử tế mà cho chúng nó vài hào thì chúng nó mới cởi dây cho đi. Chỗ thì chúng nó bày hương án, chờ đi đến, đốt một bánh pháo ăn mừng, chỗ ấy phải đãi họ một vài đồng mới xuôi. Nếu bủn xỉn mà không cho chúng nó tiền, thì chúng cắt chỉ, cắt dây nói bậy nói bạ, chẳng xứng đáng cho việc vui mừng, vì vậy đám nào cũng phải chọ” (Sđd, tr.59). Đây mới đích thị là tục lan nhai.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
32. (Kiến thức ngày nay, số 102, ngày 15-02-1993)

ĐỘC GIẢ: “Chữ D.C. sau chữ Washington (Washington D.C.) là chữ gì?

AN CHI : D.C. là 2 chữ đầu của District (of) Columbia. District of Columbia là một hạt liên bang, khác với Columbia là thủ phủ của bang South Carolina. Vì Washington, thủ đô Hoa Kỳ, nằm trong hạt liên bang Columbia nên người ta thường viết Washington D.C. để phân biệt nó với Washington là tên một bang ờ miền tây bắc Hoa Kỳ mà thủ phủ là Olympia.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
33. (Kiến thức ngày nay, số 102, ngày 15-02-1993)

ĐỘC GIẢ: “Tại sao lại nói “con gái con đứa” để chỉ con gái và “đàn ông đàn ang” để chỉ đàn ông ?

AN CHI : Từ điển tiếng Việt 1992 giảng rằng con gái con đứa, là một lối nói của khẩu ngữ hàm ý chê bai để chỉ gọi con gái nói chung. Đây chỉ là cách giảng theo nghĩa hiện đại. Còn xét về lịch đại thì con gái con đứa lại có nghĩa là con gái con trai. “Trai” là nghĩa xưa của đứa. Nghĩa này biến mất khỏi tiếng Việt hiện đại nhưng trong tiếng Mường – một ngôn ngữ cùng gốc với tiếng Việt – thì đứa vẫn còn có nghĩa là “trai” (Xem, chẳng hạn, N.K. Skolovskaja, Nguyễn Văn Tài, Jazưk mương, Moskva, 1987, tr. 189, từ 1830). Vì không còn biết được nghĩa của đứa nữa nên người ta mới dùng cụm từ con gái con đứa để chỉ con gái một cách khái quát.

Trường hợp của đàn ông đàng ang cũng tương tự. Ang là biến thể ngữ âm của áng trong áng ná mà Từ điển Việt - Bồ - La của A. de Rhodes và Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của đều giảng là “cha mẹ”. Vậy ang là cha và đàn ông đàn ang là bậc ông bậc cha (so sánh với đàn anh đàn chị, chẳng hạn). Vì không còn biết nghĩa của ang là gì nữa, nên người ta mới dùng cụm từ trên đây mà chỉ đàn ông nói chung, có hàm ý đùa cợt, tưởng rằng ở đây đàn ông đối nghĩa với đàn bà và cụm từ đang xét là kiểu từ lấp láy (mà không ngờ rằng ở đây đàn ông là “bậc ông”, cũng như đàn anh là “bậc anh” và đàn chị là “bậc chị”.
 


Top