Tín Nguyễn - tù nhân người Việt ở bang California
(Tòa soạn báo Boom California phỏng vấn Tín Nguyễn)
Một cuộc phỏng vấn khá dài nhưng rất đáng đọc về một tay giang hồ người Việt khét tiếng ở Mỹ. Hãy dành chút thời gian để đọc về một nhân vật dữ dội của thế giới ngầm qua bài phỏng vấn và trả lời phỏng vấn cuốn hút, quá có nghề!
Tôi tin những ai đọc được đều thấy rất đáng giá. Cám ơn Hoai Thu Tran
——————
Tín Nguyễn - tù nhân người Việt ở bang California
(Tòa soạn báo Boom California phỏng vấn Tín Nguyễn)
Chú thích: Cộng đồng người Việt chiếm một dân số đáng kể trong cộng đồng dân nhập cư California. Đối với một vài người trong số này, chấn thương do việc di cư ngoài ý muốn và nhu cầu hòa hợp bản sắc Việt Mỹ đã không mang đến kinh nghiệm hay hình thành văn hóa mới. Ngoài cái nhìn nhân khẩu học về đông đảo người Việt đang được tôn vinh bởi các nhà phê bình ẩm thực, văn học hoặc văn hóa ngày nay, cái nhìn khác ít ai thấy là về người Mỹ gốc Việt hiện bị giam giữ trong hệ thống nhà tù rộng lớn của California.
Cách đây không lâu, gần 65% dân số nhà tù ở Châu Á và Thái Bình Dương của California là di dân hoặc người tị nạn, và người Mỹ gốc Việt chiếm phân khúc lớn nhất trong nhóm dân Châu Á và Thái Bình Dương, với mức 22%. Điều này chỉ ra số lượng đáng kể người Mỹ gốc Việt bị giam giữ ở California, một thực tế nhiều người California vẫn chưa biết đến.
Trong số đó có một người mà sự chấn thương do di cư và hòa hợp bản sắc ở California đã dẫn đến nhà tù là Tín Nguyễn, hiện đang chịu án
‘’chung thân không ân xá’’ tại nhà tù quận Lancaster, Los Angeles. Là cựu thành viên băng đảng người Việt, Tín hiện là sinh viên của chương trình cử nhân văn chương tại Lancaster Cal State LA đồng thời là một nhà văn có sách đã xuất bản.
Ông Bidhan Chandra Roy biên tập viên tòa báo Boom ngồi với Tín Nguyễn trong ba buổi gặp gỡ để thảo luận về những trải nghiệm thời thơ ấu của anh khi vượt biên từ Việt Nam trong những năm 1970, về vai trò của Tín Nguyễn trong việc thành lập một làn sóng mới của các băng đảng đường phố Việt Nam ở Nam California trong những năm 1990, và sự cần mẫn trong việc biến đổi thành người anh đang là hôm nay.
Vì thiết bị ghi âm không được phép sử dụng trong tù trong khi phỏng vấn, Tín đã viết ra câu trả lời của mình cho các câu hỏi sau ba cuộc gặp gỡ.
***
Boom: Anh có thể kể cho chúng tôi về những trải nghiệm của anh khi đi từ Việt Nam đến California khi còn thơ ấu vào những năm 1970 không? Anh nhớ gì về hành trình đó? Ngày nay có khi nào anh nghĩ về những hồi ức đó không?
Tín: Lúc đó tôi nặng 145 pounds và 32 tuổi đang đứng trước vòi hoa sen khu C tòa nhà số 3 trong sân nhà tù an ninh tối đa. Một nhóm thành viên Crip cơ bắp, lực lưỡng vây quanh tôi giành nhau cái vòi sen mà thật ra không ai trong chúng tôi sở hữu; thật ra thì bang California mới là người sở hữu cái vòi sen.
Tôi biết nếu không lùi lại thì tôi có thể mong đợi nhẹ nhất là một trận đòn nhừ tử và nặng hơn là một con dao đâm vào ruột hoặc cổ họng bị cắt. Tuy nhiên, tôi cứ đứng liều mạng, bởi vì vòi sen này đã được dân châu Á tuyên bố là của họ; là sự đánh dấu lãnh thổ của chúng tôi. Ngay lúc đó tôi nghĩ ‘’Đây là cách mà tôi sẽ chết… đây là cách mà bản án chung thân của tôi kết thúc…’’
Trong khoảnh khắc đó, tôi không thể đừng được việc tự hỏi trong chớp nhoáng ’’Làm thế nào tôi đến được tận đây? Điều gì đã xảy ra với một cậu bé Việt Nam từng kéo chiếc xe ngựa nhỏ màu đỏ dọc theo đường phố Pomona và bán hoa để giúp mẹ mua sữa cho em trai? Làm thế nào mà đứa trẻ ngây thơ đó trở thành một con quái vật mang số thẻ P24706?’’ Ngay lúc đó tôi nghĩ ‘’Đây là cách mà tôi sẽ chết… đây là cách mà bản án chung thân của tôi kết thúc…’’
Tôi nhớ những hình ảnh lóe lên như ánh chớp về hành trình đi ghe cuối thập niên 70. Hình ảnh bố mẹ ôm tôi thật chặt; bố mẹ cố gắng làm ra vẻ như thể mọi thứ đều bình thường, qua đôi dòng lệ của họ. Tôi đoán vì sự căng thẳng ở Việt Nam họ đã không muốn tạo ra bất kỳ sự nghi ngờ nào về những gì sắp xảy ra, một nỗ lực để trốn thoát khỏi Việt Nam.
Sau đó, là hình ảnh mẹ tôi nương vào sự che chở của màn đêm đã đưa – hay đúng hơn là quăng tôi - (mẹ tôi sẽ không đồng ý với cách dùng từ này của tôi) từ ghe này qua ghe khác. Tôi nhớ chiếc ghe của chúng tôi vượt xa khỏi hai chiếc ghe khác, tôi còn nhớ cái từ đó, từ ‘’hải tặc’’ lặp đi lặp lại trên môi mọi người và hình ảnh những người đàn ông lăm lăm cầm chèo trong tay để làm vũ khí.
Tôi nhớ hình ảnh tất cả chúng tôi trên nóc ghe, đầu cúi xuống còn tôi tìm cách lén nhìn lên. Lần đầu tiên tôi thấy những người đàn ông nước da trắng nhợt đứng trên boong một chiếc tàu lớn. Chúng tôi van xin sự giúp đỡ của họ một cách vô ích; họ đi qua bỏ mặc chúng tôi tự xoay sở giữa đại dương.
Sau đó ghe của chúng tôi cuối cùng đã vào bờ. Vào hòn đảo nơi tôi có những kỷ niệm, hình ảnh và cảm giác hạnh phúc nhất. Tôi bơi lội cả ngày và đi theo anh trai dọc bờ biển để bắt cua và cá khi thủy triều xuống thấp. Sau đó, tôi nhớ cảm giác sợ hãi trên máy bay khi tôi gặp những người thuộc các dân tộc khác nhau trên đường đến California.
Boom: Anh cảm thấy thế nào khi lớn lên ở Pomona trong những năm 1980 và 1990?
Tín: Ở Pomona, mọi thứ đều khác biệt. Năm lớp hai, tôi là đứa trẻ Việt Nam duy nhất trong lớp và không nói được một chữ tiếng Anh, tôi ghét trường học. Con nít ở đó tàn nhẫn với tôi. Những từ mà chúng đã dùng để chế nhạo tôi như ‘’thằng ba tàu’’, ‘’thằng chệt’’, ‘’thằng nhật lùn’’ và ‘’bẩn thỉu’’ chưa ăn thua gì. Chúng kiểm tra kung fu của tôi bằng cách đấm cổ họng và đập sau đầu tôi trên con đường rất dài từ trường về nhà tôi.
Cho đến hôm nay tôi vẫn nhớ kỷ niệm sống động khi bị chiếc xe đạp cán qua người – sách vở của tôi văng khắp nơi, tôi nằm sấp với một bánh xe BMX trên lưng ghim tôi xuống nền đường - trong khi thằng bé đó cười khúc khích ‘’đáng lẽ mày phải tránh đường tao’’ rồi phun nước bọt vào tôi. Sau đó, nó đạp xe qua lưng tôi.
Tôi khóc trong khi nhặt nhạnh sách vở vương vãi trên đất trong khi những đứa trẻ khác đi ngang qua và cười thích thú nhưng không ai giúp đỡ. Tôi khóc suốt trên đường về ngày hôm đó và vài lần khác nữa. Tôi tưởng là lỗi của tôi vì đã cản đường nó nhưng sau đó tôi nhận ra rằng những đứa trẻ khác chạy xe quanh tôi thoải mái vì có nhiều chỗ để chạy. Và một tia giận dữ bùng lên trong tôi.
Nhưng sự tức giận từ những khó chịu về thể xác đó không thể bì với những gì cuối cùng đã đẩy sự tức giận của tôi trở thành một sự căm ghét thực sự. Điều thực sự đẩy sự tức giận của tôi là ý nghĩ về gia đình tôi cũng bị lạm dụng và phân biệt đối xử như thế.
Tôi nhớ chị gái tôi ngồi trong khu vực ăn trưa ở sân trường khóc trong khi những đứa trẻ người Việt khác đang chọc ghẹo chị ấy. Điều đặc biệt đau đớn là những đứa trẻ Mỹ đã cười vì chúng đã khiến chúng tôi bật nhau để chúng giải trí.
Khi lên chín mười tuổi, tôi cố gắng giúp một ông già người Việt không biết tiếng Anh. Có một hiểu lầm tại một cửa hàng, nơi nhân viên bán hàng đang buộc tội người đàn ông người Việt đó, họ ném những lời bình luận thô thiển vào ông ta ‘’Thằng da vàng kia, tụi bây là đồ ăn cắp, tụi bây đến Mỹ chỉ để ăn cắp và gây rắc rối. Đáng lẽ tụi bây nên ở lại Việt Nam.’’
Tôi nhớ cái cảm giác xuống cấp nặng nề. Với tiếng Anh bồi, tôi cố gắng phiên dịch và cố gắng giải thích rằng người đàn ông Việt này có hóa đơn. Nhưng không hiệu quả. Người nhân viên tiếp tục quát tháo và cuối cùng người đàn ông Việt Nam rơi lệ. Từ trải nghiệm đó tôi nhận ra rằng bố mẹ tôi phải chịu những sự sỉ nhục tương tự.
Lần khác tôi đang ngồi bên ngoài cửa phòng ngủ của chị tôi, tôi nghe chị ấy khóc khi nói với anh họ tôi rằng một phụ nữ người Mỹ gốc Phi đã ngược đãi chị ấy tại văn phòng hỗ trợ tài chính của trường đại học. Tôi không nhớ chính xác các từ nhưng tôi nhớ rất rõ cảm giác tức giận và căm ghét. Làm tổn thương tôi là một chuyện, nhưng làm tổn thương gia đình tôi lại là chuyện khác. Điều tồi tệ hơn là tôi cảm thấy bất lực không thể làm được bất cứ điều gì về nó. Đó là lý do tại sao tôi rất bảo vệ em gái mình.
Tôi không thể nói tôi là người Việt vì tôi hầu như không nói được tiếng Việt và tôi không thể nói tôi là người Mỹ vì tôi không sinh ra ở đây và hầu như không thể nói tiếng Mỹ ra hồn.
Tôi cho rằng tất cả những khó khăn bên ngoài đã góp phần tạo nên con người mà cuối cùng tôi đã trở thành, nhưng không kém phần quan trọng là động lực bên trong của gia đình tôi. Hãy để tôi bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng bố tôi là một người đàn ông rất tốt, yêu thương con cái và luôn hy sinh cho gia đình. Tuy nhiên, có một số yếu tố tạo ra sự bạo hành của ông ấy.
Đầu tiên, ông ấy lớn lên trong một nền văn hóa truyền thống nơi mà những lời của người cha là tuyệt đối và không thể chối cãi, và hình phạt về thể xác là chuẩn mực. Ở Việt Nam, bố tôi là một người có tầm quan trọng và có vị trí xã hội, vì vậy đối với ông, đó là cả một sự thất vọng khi ở Mỹ - sau khi mất tất cả và hy sinh tất cả - để trở thành một kẻ ăn bám vợ và những đứa con không vâng lời.
Tôi tưởng tượng được điều đó đã gậm nhấm niềm tự hào của ông ấy và đẩy ông ấy ra rìa như thế nào. Những ngày điển hình của gia đình tôi là đánh nhau và cãi nhau; tôi không nhớ một khoảnh khắc hạnh phúc nào của gia đình. Cây thông Noel năm nào cũng ngã lăn kềnh vào dịp Giáng sinh.
Suốt năm mẹ tôi bảo vệ con mình một cách mạnh mẽ trước sự phẫn nộ của chồng, sau khi bà làm việc cả ngày để có thức ăn đặt trên bàn. Mặc dù bố không bao giờ đấm, ông thường dùng lòng bàn tay và lưng bàn tay để tát, dùng dây nịt, dây điện thoại, móc áo và đũa bếp để đập – đũa bếp là món hảo của tôi, bị đập hết sức bình sinh bằng đũa bếp thì đau như xuống địa ngục.
Tôi vẫn nhớ như ngày hôm qua khi tôi bị lôi vào xó bếp trong khi mẹ tôi dùng thân hình nhỏ nhắn của mình để che cho tôi khỏi bị dính đòn bằng cây gậy ba phân vuông, và mẹ nói với bố bằng tiếng Việt: ‘’Ông không được đánh con tôi bằng cái gậy đó!’’. Nhưng đó là cách của người Việt Nam có phải không? Đó là văn hóa của chúng tôi có phải không? Trong những khoảnh khắc như vậy, tôi cảm thấy ganh tị với mấy đứa bạn Mỹ.
Tôi nghĩ điều khiến mọi thứ tồi tệ hơn là tôi không biết mình thuộc về nơi đâu và tôi là ai. Tôi không thể nói tôi là người Việt vì tôi hầu như không nói được tiếng Việt và tôi không thể nói tôi là người Mỹ vì tôi không sinh ra ở đây và hầu như không thể nói tiếng Anh cho ra hồn.
Tôi cảm thấy bị mắc kẹt giữa hai thế hệ người nhập cư, một bên biết họ là người Việt và một bên biết họ là người Mỹ. Bố tôi buộc tôi tập đọc nhiều hơn để theo kịp em gái tôi ở trường, và khi tôi không thể làm được, thì tôi là ‘’thằng ngu hơn con bò’’. Trong những lúc có thể thì tôi không ‘’ngu hơn con bò’’ mà chỉ ‘’ngu như con bò’’. Dù sao thì tôi cũng luôn luôn ‘’ngu’’. Đó không chỉ là đánh giá của bố tôi mà của tất cả mọi người.
Tôi đoán họ hi vọng thôi ít nhất là tôi có thể làm việc tay chân cho tốt. Đối với mẹ, tôi luôn tốt và thông minh, nhưng ý kiến của bà không đủ. Vì vậy, tôi đã kết thúc với lòng tự trọng thấp, không an toàn, lạc lõng, đầy tức giận và căm ghét.
Boom: Chấn thương thời thơ ấu này mở đường cho anh tham gia băng đảng như thế nào? Anh thấy các băng đảng Việt Nam bắt đầu sinh sôi nảy nở ở Nam California vào thời niên thiếu của anh như thế nào và điều gì thu hút anh tham gia?
Tín: Xu hướng của giới trẻ ở Mỹ đối với thế hệ người Việt đầu tiên là New Wave với quần bó, giày mũi nhọn, tóc chóp dựng và khiêu vũ theo các ban nhạc châu Âu như Modern Talking, CC Catch và Bad Boys Blue.
Tôi không thấy có ai xứng đáng là thần tượng nên tôi quay sang hai anh trai của tôi. Họ rất ngầu và nếu ai đó muốn thử kungfu, họ chứng tỏ kungfu của họ cừ hơn một cách dễ dàng. Thấy họ chiến đấu và chiến thắng, tôi đã phát triển một cảm giác tự hào của người Việt, vì vậy không lâu sau tôi cũng cho người khác thấy kungfu của tôi cừ không kém.
Hành động bạo lực đầu tiên của tôi là trong trại hè tại Cal Poly. Khi một đứa trẻ da trắng muốn thử sức, tôi đã không kềm chế và đấm nó. Sau đó tôi chỉ biết là người phụ trách ôm tôi lại và một đám đông trẻ em đang cổ vũ tôi.
Người phụ trách nghiêm khắc tuyên bố rằng tôi sẽ bị cấm túc và tôi đã trả lời rằng tôi đếch quan tâm và lúc đó đám đông còn ồn ào hơn nữa. Đây không chỉ là hành động bạo lực đầu tiên mà còn là hành động nổi loạn đầu tiên của tôi và tôi biết đây là cách tôi phải hành động để được tôn trọng như anh của tôi.
Giọt nước cuối cùng làm tràn ly là khi bạn cùng nhóm hướng đạo sinh của tôi bị một nhóm thanh thiếu niên người Mỹ gốc Phi đánh phủ đầu. Sau khi bọn nó cười còn chúng tôi nằm dài trên nền bãi đậu xe, chúng tôi nhìn nhau và quyết định rằng hướng đạo không dành cho chúng tôi. Chúng tôi cởi hết đồng phục ra và mặc jean xanh, chuyển từ hướng đạo sinh qua du đãng mặc áo trùm đầu.
Ở Nam California có hai loại băng đảng người Việt. Đầu tiên là băng đảng đường phố, phần lớn không có tổ chức. Nhưng không giống như các đối tác gốc La-tinh hay gốc Phi, rất hiếm khi các băng đảng đường phố Việt Nam thực sự đại diện cho một đường phố hoặc khu phố. Thay vì vậy, họ chỉ là một số thanh thiếu niên Việt Nam kết hợp với nhau và tự đặt tên chủ yếu phù hợp với thành phố mà họ đến từ thành phố như ‘’Pomona Boys’’ hay ‘’Santa Ana Boys’’ – hay cái gì đó liên quan đến niềm tự hào của người Việt Nam như là ‘’V-Boys’’ hay ‘’Vietnamese For Life.”
Do tôi là người Việt Nam và đến từ Pomona, chúng tôi quyết định tự gọi mình là Vietnamese Gangster (VNG) Pomona V-Boys. Chúng tôi sử dụng tiếp vĩ ngữ V-Boys, vì chúng tôi là hiệp hội trẻ của V-Boys và dưới sự bảo vệ của họ. Chúng tôi bắt đầu với những thứ nhỏ nhặt như bẻ khóa các game arcade để kiếm tiền, và sau đó lên GTA. Tiêu chuẩn lúc này là đánh nhau và tôi nhanh chóng bị đưa vào trại cải huấn cho trẻ vị thành niên.
Ba tháng sau tôi ra trại, lớn hơn vì đã đến tuổi dậy thì. Tất cả những người quan trọng với tôi đều biết rằng tôi mới ra ‘’tủ’’ và chẳng lâu sau tôi lại trở vô trại. Cha tôi vẫn còn hy vọng về tôi nhưng sau lần thứ hai này tôi làm ông thất vọng và không còn được chào đón dưới cùng một mái nhà. Vì vậy, không có nơi nào cho tôi ở tuổi mười sáu, tôi đã tìm đến anh trai Tony của tôi ở Los Angeles, nơi tôi gặp đảng Hắc Long lần đầu tiên.
Đây là loại băng đảng Việt Nam thứ hai, dành riêng cho khu LA. Loại thứ hai này dính líu nhiều hơn vào tội phạm có tổ chức theo mô hình hội tam hoàng có lẽ vì sự gần gũi về văn hóa của người Việt với người Hoa.
Hắc Long (Hac Lun) là một trong số đó, và không giống như các băng đảng đường phố không có tổ chức, Hắc Long có hệ thống phân cấp theo lệnh mà một người lính có thể lên chức và nếu anh ta may mắn và không phải ở tù chung thân hay chết thì sẽ trở thành ‘’Anh Hai’’ hay ‘’Tài lũ’’ tương đương với ‘’Capo’’ trong các gia đình tội phạm người Ý.
Lịch sử của Hắc Long bắt đầu từ đầu những năm 1980. Tiền thân của nó là Việt Thanh với ba đảng con là Cool Boys, LA V-Boys và Black Dragon. Vì cùng xuất phát từ Việt Thanh, ba đảng này luôn có chiến tranh với đối thủ của nó là băng đảng người Hoa Wa Ching.
Vào cuối những năm 1970 và đầu 1980, khu phố Tàu bao gồm cả doanh nghiệp Tàu và Việt. Nhưng Wa Ching bắt đầu quấy rối các doanh nghiệp Việt vì vậy giới trẻ của các doanh nghiệp Việt đã quyết định chống lại Wa Ching. Đó là nguyên nhân Việt Thanh khởi phát. Nhưng những gì bắt đầu như hành động cao cả cuối cùng đã bị hủy hoại khi Việt Thanh trở thành côn đồ. Sau khi chia làm ba, Hắc Long di cư đến Thung lũng San Gabriel nơi nó hình thành các lãnh thổ mới.
Tôi chọn Hắc Long chủ yếu vì sự tôn trọng mà các thành viên của họ nhận được. Ví dụ, một lần tôi và các bạn vào một hộp đêm được Hắc Long bảo kê, một ba-tăng mới đã ngăn chúng tôi lại và chỉ chúng tôi ra phía cuối hàng, nhưng sau đó, ba-tăng cũ bảo anh ta cho chúng tôi qua. (Tất cả chúng tôi là trẻ vị thành niên và club này dành cho những người trên hai mươi mốt tuổi.)
Khi chúng tôi bước vào, ba-tăng mới khăng khăng rằng chúng tôi phải đi qua máy dò kim loại, tất nhiên chúng tôi phải làm. Lúc đó ba-tăng cũ bước vào và nói với ba-tăng mới ‘’Những người này mới là bảo vệ thực sự của club này.’’ Tôi vẫn còn nhớ những từ này và lúc ấy tôi choáng ngợp vì hãnh diện, nhưng chưa thấm gì với chuyện sắp xảy ra sau đó.
Sau khi tôi và các bạn ổn định tại một bàn VIP, ba-tăng mới hỏi liệu anh ta có thể nói chuyện với tôi không. Ngồi đối diện tôi, anh ta xin tôi tha thứ viện lẽ anh ta không biết vì anh ta mới vào. Trước mặt tôi là người đàn ông trung niên đang khiêm tốn xin lỗi về sai lầm của ông ta và xin được phục vụ tôi. Rốt cuộc là một sự kính cẩn vô cùng…
Khi trở thành thành viên của băng đảng Hắc Long, tôi được biết đến với cái tên Tín Hắc Long hay Tín BD. Tôi mang tên đó với niềm tự hào. Khi người ta nói đến Hắc Long, tôi muốn họ nghĩ đến tôi.
Lúc tôi hai mươi hai tuổi, Cảnh sát trưởng thành phố Temple đã lãnh đạo Lực lượng đặc nhiệm băng đảng Châu Á và vây bắt nhóm của tôi, giờ đây được biết đến với cái tên ‘’băng đảng’’ của Hắc Long.
Tôi phải đối mặt với khả năng năm mươi tám năm tù vì vô số tội tống tiền và cướp, vì vậy tôi đã chấp nhận thỏa thuận hai năm chịu án tại nhà tù lớn ở San Quentin. Rõ ràng tôi đã không học được bất cứ điều gì và tệ hơn nữa, bây giờ tôi đã được kết nối và lên chức vì tôi đã đến ‘’nhà lớn’’.
Trong thời gian này, nhóm của chúng tôi đã tách ra khỏi Anh Hai, bởi vì chúng tôi không còn muốn hoặc cần phải ở dưới trướng của ông ta nữa. Chúng tôi có thể tự bảo vệ mình mà không cần ông ta và chúng tôi muốn giữ tất cả thu nhập của mình và không phải chia cho ông ta.
Tôi không còn là lính, tôi đã có nhóm của riêng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ cái tên Hắc Long vì chúng tôi đã giành được nó và lòng trung thành của chúng tôi vẫn thuộc về đảng Hắc Long.
Boom: Tín Hắc Long nghe có vẻ như là một người hoàn toàn khác với Tín tôi đã biết trong bốn năm qua. Làm thế nào mà lối sống của Tín Hắc Long lại có cái kết là án tù chung thân không ân xá?
Tín: Ma túy là một bất lợi lớn trong cuộc đời tôi. Ngay từ nhỏ, tôi đã vô tình giải phóng một con quỷ phàm ăn đến nỗi nó đã ăn thịt tôi. Tôi bắt đầu uống rượu từ năm lớp bảy, gặp gỡ Mary Jane (cần sa) và Coco (cocaine) khi tôi mười bốn tuổi.
Vài năm sau, tại một bữa tiệc, tôi đang ngồi trên sàn phòng tắm đối diện với một cô gái đôi mươi xinh đẹp và cô ấy đưa cho tôi một ống ma túy. Một phần trong tôi hét lên ‘’không’’ nhưng con quỷ trong tôi thì thầm quyến rũ ‘’đừng ngại ngùng trước cô gái diễm lệ này, chỉ một hơi thôi là xong mà’’ và đúng thế thật, chỉ thế thôi. Tôi trở thành con quỷ.
Mary Jane, Coco và sau này là Crystal (Methamphetamine) đã trở thành ba mối tình của đời tôi. Chúng hủy hoại tôi và đưa tôi đến bờ vực tự kết liễu chính mình. Nhưng vì lý do này lý do khác tôi không đủ can đảm để tự mình làm điều đó vì vậy tôi điên cuồng với ma túy và các băng đảng hi vọng chấm dứt tất cả.
Năm 1996, trong một vụ cướp ở San Jose, tôi giết Stanko Vuckovic. Trong những năm qua, tôi đã phát lại khoảnh khắc đó nhiều lần. Tôi tự hỏi ‘’Tôi có bóp cò không?’’ ‘’Cò súng có tự bị nổ khi giằng co không?’’ Sau nhiều năm suy ngẫm, tôi nhận ra những yếu tố khác cũng quan trọng không kém.
Thời điểm bóp cò, thời điểm tôi quyết định sẽ dùng súng và trên hết là quyết định chọn người đàn ông này để cướp và lấy những gì không phải của tôi là tất cả những gì đã gây ra cái chết của ông ta.
Nhưng đó vẫn chưa phải là yếu tố duy nhất. Các yếu tố khác như lạm dụng ma túy, tham gia băng đảng và chọn cuộc đời tội phạm là những lựa chọn tồi tệ đưa đến thời điểm đó. Cuối cùng rồi tôi cũng sẽ giết ai đó. Do đó, tôi chịu trách nhiệm về cái chết của ông Stanko Vuckovic; tôi đã bóp cò và hi vọng duy nhất của tôi là có thể sửa đổi hành động và quyết định của mình.
Tôi bị bắt một năm sau khi giết ông Vuckovic, và vào cuối năm 1998, tôi bị kết án với án chung thân không ân xá. Xin hãy cho tôi nói với tất cả sự tôn trọng những gì tôi đã muốn nói suốt hai thập kỷ. Tôi đã lập đi lập hàng ngàn lần trong đầu…
Làm thế nào để bày tỏ sự ăn năn của tôi và nói câu ‘’Tôi xin lỗi’’ với người đàn ông tôi đã lấy đi mạng sống, với gia đình mà tôi đã làm tổn thương, với cộng đồng mà tôi đã làm thiệt hại? Nói như thế không đủ, và tôi nhận ra rằng tôi phải chứng tỏ bằng bản thân tôi, bởi chữ in trên giấy không bao giờ đủ để bày tỏ sự ăn năn của tôi.
Boom: Cảm ơn anh Tín vì đã nói như thế. Tôi biết rằng anh muốn trở về với sự ăn năn hối hận và mong muốn sửa đổi những hành động trong quá khứ. Nhưng trước khi nhận ra điều này, cuộc sống của anh như thế nào trong một nhà tù với an ninh tối đa? Có điều gì độc đáo về nó từ quan điểm của người Việt?
Tín: Ở tuổi hai mươi sáu, tôi bắt đầu hành trình trên con đường rải sỏi ở vịnh Pelican, California, nhà tù nguy hiểm nhất bang California. Vào ngày đầu tiên của tôi, một người tù người Việt lớn tuổi đã đến gần tôi và nói ‘’Chào mừng đến Pelican Bay, đây là nơi tồi tệ nhất trong những nơi tồi tệ nhất của bang California. Cậu cùng phe với chúng tôi. Cậu sẽ điều hành nhóm châu Á.’’
Khi chúng tôi đến một một bàn đầy người châu Á Thái Bình Dương, ông ta giải thích về quy tắc đầu tiên liên quan đến ranh giới. Ông giải thích rằng người da trắng, người da đen và người Mễ có bàn, khu vực tập luyện và bóng rổ và sân bóng ném riêng và khoảng mười feet xung quanh các khu vực đó là một đường vô hình mà tôi không được vượt qua nếu không có sự cho phép của họ - nếu không tôi sẽ gặp nguy hiểm.
Tương tự, tôi không cho phép bất kỳ sắc dân nào khác vượt qua ranh giới của chúng tôi; công việc của tôi (và của những người châu Á Thái Bình Dương) là ngăn chặn các sắc dân khác vượt qua, và nếu cần chúng tôi sẽ ‘’bay’’ họ (đâm họ). Đó là tín điều mà tôi đã theo trong nhiều năm. Trong tù, sự phân biệt chủng tộc luôn là chuẩn mực; là một trong nhiều quy tắc tôi phải tuân theo.
Ở đây có hai bộ quy tắc. Một là của quản giáo. Là tù nhân, nếu bạn vi phạm những điều đó, thì bạn sẽ được đưa vào ‘’lỗ’’ (xà lim). Bộ quy tắc khác là của tù nhân. Nếu bạn vi phạm chúng, thì trên người bạn sẽ có ‘’lỗ’’.
Đối với văn hóa Việt Nam trong tù, chúng tôi nhỏ bé, nhưng không kém phần độc ác so với các chủng tộc khác. Có lẽ nó là niềm tự hào của chúng tôi. Tôi đọc trong một cuốn sách về chiến tranh Việt Nam rằng có hai quốc tịch không bao giờ ngừng chiến đấu: một là người Ái-nhĩ -lan; và người Việt.
Tại Vịnh Pelican, tù nhân người Việt là một nhóm đoàn kết chặt chẽ và chúng tôi giúp nhau trong hầu hết mọi thứ, như thực phẩm, quần áo v.v… Mặc dù có sự chia rẽ giữa tù Bắc Cali và tù Nam Cali, chúng tôi đoàn kết khi có rắc rối – chúng tôi không cúi đầu trước bất kỳ ai, dù chúng tôi có phải hi sinh mạng sống.
Boom: Cuộc đời đã qua như một chặng đường dài ở phía sau tại Lancaster. Xin hãy cho chúng tôi biết về anh Tín của ngày hôm nay. Làm sao một sự biến đổi đặc biệt như vậy xảy ra được?
Tín: Câu này đưa tôi trở lại từ đầu cuộc phỏng vấn. Tôi tin rằng có vị thần nào ở trên đó dõi theo tôi. Một lần nọ khi tôi bị bao vây và tính hình có vẻ sẽ trở nên tồi tệ, đột nhiên một anh chàng người Mỹ gốc Phi to lớn vạm vỡ và bạn bè của anh ta tiến đến. Họ thuộc nhóm Bloods, họ can thiệp và gặp gỡ riêng nhóm Crips đang bao vây tôi.
Cuối cùng, tình hình đã được giải quyết, và tôi đã sống qua được một ngày. Anh chàng ‘’Samaritan nhân hậu’’ đó tên Jimmy và chúng tôi đã trở thành những người bạn thân, một người Mỹ gốc Phi cao to và một người Việt Nam nhỏ bé. Hiện nay tôi và Jimmy là bạn học chung lớp Golden Eagle tại Đại học bang California, Los Angeles.
Trong thời gian bị giam giữ, tôi trải qua nhiều nỗi đau và tôi muốn tắt nó đi bởi vì cảm thấy đau là yếu đuối nên từ khi bị giam tôi đã chọn không bao giờ yếu đuối để không bị bắt nạt. Với thái độ này tôi cảm thấy mình đã chết, tôi sống như một xác chết biết đi không có mục đích, hy vọng hay tình yêu.
Khoảng hai năm trước tôi đã ở một nơi rất tối tăm. Tôi biết điều này nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng một con chó đã cứu mạng tôi. Nó thuộc Chương trình Paws for Life.
Trước đây tôi sợ chó – dĩ nhiên tôi không sợ những thằng chó. Tuy nhiên tất cả đã thay đổi vào một buổi tối khi một con chó boxer gục đầu vào lòng tôi. Trước đó người yêu cũ đã bỏ tôi. Một trái tim tan vỡ không bao giờ là dễ dàng, đặc biệt trong khi tôi đang lãnh án chung thân và không lạ khi tôi cảm thấy chán nản. Tuy nhiên người ta không nhất thiết phải vô vọng hay tuyệt vọng.
Nhìn lại, tôi nhận ra rằng đây là trục xoay của cuộc đời tôi; hoặc thắng hoặc thua. Tất cả những nỗi đau của cuộc đời mà tôi khóa cẩn thận đã ùa ra. Nỗi đau của tuổi thơ, sự ăn năn hối lỗi về tội ác tôi đã gây ra, sự mất tự do và cái chết của cha và anh trai tôi trong thời gian tôi bị giam giữ ám ảnh tôi.
Cuộc chia tay là chìa khóa mở ra những đau khổ của tôi. Những cơn đau thật kinh khủng. Tôi muốn kết thúc nó bằng cách này hay cách khác, tôi muốn nỗi đau biến mất. Tôi đã tiếp tục như vậy cho đến khi tôi sụp đổ đến mức không thể đối phó với nó nữa. Một lần nữa tôi nghiền ngẫm về giấc ngủ thật dài, giấc ngủ mà tôi sẽ không bao giờ dậy nữa.
Tuy nhiên, một thiên thần đã đến giải cứu tôi. Nó không có đôi cánh hùng vĩ hay sự hiện diện thiêng liêng, thậm chí không có vầng hào quang mà thay vào đó là bốn bàn chân và một cái mõm dữ dằn. Thiên thần của tôi hóa ra tên là ‘’Vic’’ một con chó giống boxer bị cắn xé, nó bị dùng làm mồi nhử cho mấy con pitbulls chiến đấu.
Cuộc gặp gỡ của tôi với Vic đã xảy ra một cách lạ lùng nhất. Một buổi tối khi tôi đang nói chuyện với người bạn tên Bernik, tôi thấy một con chó boxer đầy lo lắng. Nó đứng đó liên tục nhìn như thể có thứ gì đó sắp tấn công nó. Đột nhiên, nó đến và đặt đầu nó lên đùi tôi. Tôi sợ, nhưng cảm động. Sau đó, nó nằm xuống, và Bernik nói ‘’Wow!’’
Điều đó có vẻ không bình thường. Vì vậy tôi hỏi tại sao với tất cả sự phấn khích. Bernik giải thích rằng con boxer tên Vic là một con chó mồi, nó đến đây toàn thân bị sẹo với một cái móng chân vỡ nát. Nó có một cuộc sống khó khăn. Bernik nói rằng kể từ khi nó vào đây nó chưa từng có lúc nào thư giãn, vì vậy chuyện nó chịu nằm xuống và ngủ dưới chân tôi là một điều quá tuyệt vời.
Điều này đã đánh sập tôi theo cách mà tôi không nghĩ là có thể. Tôi biết rằng tôi không thể giúp nó trong nỗi đau của chính tôi nhưng nó đã mang nỗi đau đến với tôi để nhờ tôi giúp đỡ. Vì vậy, tôi hạ bàn tay xuống, đặt lên đầu nó và thì thầm ‘’Tớ ở sau lưng cậu đây. Không ai trên sân này có thể làm cậu tổn thương nữa cả.’’
Từ đó trở đi, tôi tìm cách dành nhiều thời gian nhất có thể để an ủi, huấn luyện và bảo vệ nó. Thông qua mối quan hệ này, Vic trở nên tốt hơn, và đó là mục tiêu của tôi.
Tuy nhiên, mặc dù tôi nghĩ rằng tôi ở đó vì nó nhưng ngược lại; Vic đã ở đó vì tôi. Nó an ủi tôi khi tôi không còn gì cả. Nó huấn luyện tôi trở nên mạnh mẽ và đứng lên và bảo vệ tôi khỏi cái-tôi-phá-hoại của tôi. Điều buồn cười là tôi tin rằng khi Vic đến gặp tôi, nó đã nghĩ rằng ‘’anh chàng đó cũng khổ như mình; có lẽ mình nên giúp đỡ và bảo vệ anh ta.’’
Những gì Chương trình Paws for Life đã làm cho tôi là phi thường. Chương trình Paws for Life không chỉ cứu sống tôi mà còn cho tôi sự sống.
Mặc dù Vic đã cho tôi tình yêu, tôi vẫn hơi lạc lõng, vẫn tin rằng mình là người không thể tha thứ và phải chịu một cuộc sống liên tục có các quyết định tồi tệ. Sau đó, qua Chương trình Paws for Life đã xuất hiện một thiên thần thứ hai, đó là Tiến sĩ Roy. Với lòng tốt và niềm đam mê không mệt mỏi để nhìn thấy những điều tốt đẹp ở tất cả mọi người, ông đã làm tôi ngạc nhiên và trở thành phiên bản tôi chưa từng có trước đây.
Không có từ nào có thể diễn tả sự đánh giá đầy đủ của tôi cho những gì ông đã làm cho những người bị giam giữ, đặc biệt là tôi. Ông nhìn chúng tôi không phải qua con mắt của kẻ thù hay qua sự ghét bỏ, mà qua con mắt của tình yêu, và với sự tôn trọng đối với loài-người-chúng-tôi. Kết quả là ông đã cho chúng tôi niềm tin, hy vọng và mục đích.
Bây giờ tôi là một sinh viên của trường đại học mở rộng trong tù và tôi đang trên đường đạt được ước mơ có được bằng cử nhân. Tôi đã từng nghĩ rằng tôi là không thể tha thứ được, có nghĩa là tôi nghĩ rằng trước hết tôi phải chết rồi tái sinh hoặc một cái gì đó khác nếu muốn hi vọng trở thành một người tốt một lần nữa.
Các giáo sư và giảng viên và sinh viên tại Cal State LA dạy tôi rằng tôi có thể gỡ bỏ những bức tường mà tôi xây dựng xung quanh trái tim mình. Mỗi ngày tôi có thể gỡ bỏ những bức tường đó bởi vì tôi là người xây lên chúng. Tôi không cần chúng để bảo vệ tôi khỏi đau đớn, thất bại hay thất vọng, bởi vì tôi không sinh ra là người xấu.
Bây giờ tôi biết rằng làm người tốt là một lựa chọn mà tôi sẽ phải đối mặt với việc thực hiện mỗi ngày trong cuộc sống của mình. Tôi đã từng là một người ủng hộ tất cả những điều tối tăm và ghét bỏ vây quanh tôi bằng những bức tường. Tôi đã quảng bá lối sống của Hắc Long và các băng đảng Việt Nam cho các thanh niên Việt Nam khác, nhưng bây giờ, tôi khuyến khích họ học hành, thay đổi cuộc sống và sống với hi vọng và lòng tốt.
Tôi đang chịu án chung thân không ân xá, điều đó có nghĩa là nếu luật pháp không thay đổi hoặc xã hội không khoan hồng thì tôi sẽ chết trong tù. Chung thân không ân xá là một bản án tử hình. Điều khác biệt duy nhất với việc bị tiêm thuốc độc là tù nhân tử hình có được bữa ăn cuối cùng và một nhóm luật sư.
Tuy nhiên, dù hoàn cảnh ảm đạm, tôi thấy mình hạnh phúc hơn bất cứ lúc nào từ thuở thơ ấu. Đứa trẻ Việt Nam bé nhỏ với chiếc xe ngựa nhỏ màu đỏ bị giam cầm với số thẻ P24706, hôm nay tôi dắt chó đi dạo vào buổi tối trên sân tù và không còn thấy những bức tường bê tông lạnh lẽo với dây kẽm gai bén như dao cũng không thấy tòa tháp kiên cố với xạ thủ mang Mini-14. Tôi chỉ thấy tôi và con chó của tôi và tôi thấy tự do.
***
Lời tòa soạn: Khi cuộc phỏng vấn kết thúc vào cuối lần gặp, không một lời giải thích, Tín quỳ lạy Tiến sĩ Roy ở giữa sân tù trước mặt tất cả các cai ngục và các tù nhân khác. Anh ấy đã thực hiện một nghi thức có ý nghĩa sâu sắc, sau đó giải thích nó trong phần sau, yêu cầu đưa vào cuộc phỏng vấn này để tôn vinh gia đình của Stanko Vuckovic, người đàn ông mà anh ấy đã cướp đi mạng sống.
Tín: Tôi có thể không bao giờ có cơ hội để xin lỗi trực tiếp, vì vậy tôi ít nhất muốn làm điều này ngay bây giờ. Tôi muốn làm điều này theo truyền thống của Việt Nam. Tôi quỳ gối và cúi đầu quỳ lạy ba lần.
Với mỗi lần là: ‘’Tôi rất xin lỗi, xin hãy tha thứ cho tôi. Tôi hứa với phần còn lại của cuộc đời mình là một người hối cải, tôi sẽ làm hết sức mình để tác động đến những người khác sống tốt và tôi hồi hướng đến ông, gia đình và cộng đồng của ông. Cảm ơn ông đã cho phép tôi được chân thành bày tỏ sự ăn năn sám hối.’’
Tín Nguyễn đã bị giam giữ trong mười chín năm với án chung thân không ân xá. Anh là một người con, người anh, người cậu và có khả năng thay đổi. Anh là sinh viên trong chương trình Cal State LA’s BA program đồng thời là huấn luyện viên chó trong chương trình Paws For Life của nhà tù Hạt Los Angeles, Lancaster.
Bidhan Chandra Roy là phó giáo sư Văn học Anh tại Đại học bang California, Los Angeles. Ông là người sáng lập Words Uncaged, chương trình dành cho tù chung thân ở các nhà tù ở California để đối thoại và tham gia nghiêm túc với thế giới bên ngoài bức tường nhà tù. Ông cũng là giám đốc khoa của chương trình BA của Cal State LA tại nhà tù Hạt Los Angeles, Lancaster, đồng thời là đồng chủ tịch của Hội đồng Karma Rescue, một tổ chức điều hành các chương trình cứu hộ và huấn luyện chó Paws for Life trong các nhà tù trên khắp California.
Hoa Bội Quỳnh
Boom California - Locked-Up Vietnam California.
Bài phỏng vấn này thực hiện năm 2018, đến tháng 9/2020 Tín Nguyễn được tạm tha và đang đối mặt với việc bị trục xuất khỏi Mỹ. Những người ủng hộ anh ta ở lại Mỹ cho rằng nếu được đưa về Việt Nam, anh ấy sẽ phải đối mặt với một tương lai khó khăn. Anh ấy không có gia đình ở đó và khả năng tiếng Việt của anh ấy còn hạn chế. “Tín không chỉ là một trong những học sinh giỏi nhất trong lớp cử nhân Cal State LA của chúng tôi tại Lancaster, mà còn là một trong những nhà lãnh đạo của trường: một người không ngừng giúp đỡ các học viên của mình, tổ chức các nhóm học tập, cố vấn cho các học sinh yếu hơn và là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai gặp anh ta, ”Giáo sư Bidhan Chandra Roy viết trong một bức thư nói về Tín Nguyễn....
Cũng người tên Tín , bên VN có Tín Palestine ......ghê gớm !!
Bản tiếng Anh
A Boom Interview with Tin Nguyen