Bác sĩ pháp y - Kỳ cuối: Nỗi buồn những người mổ tử thi
Đối mặt thường trực với hiểm nguy, nhưng bác sĩ pháp y chỉ hưởng mức bồi dưỡng được quy định từ 10 năm trước.
Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM có 9 người, gồm 3 bác sĩ chuyên giải phẫu, 1 bác sĩ giám định, 1 bác sĩ chuyên về độc chất, 1 y tá, 1 kế toán và 2 tài xế. Bằng đó con người, nhưng mỗi năm trung tâm phải giải phẫu khoảng 1.000 tử thi, giám định thương tật cho hàng ngàn trường hợp phục vụ công tác tố tụng. Tất cả y bác sĩ, nhân viên ở đây lúc nào cũng ngập trong công việc và phải kiêm nhiệm đủ thứ, có khi tài xế phải kiêm... phụ mổ!
Các bác sĩ giải phẫu bình quân mổ khoảng 3 ca mỗi ngày, có ngày cao điểm lên đến 10 ca. Do tính chất quan trọng của việc phục vụ công tác điều tra và tinh thần trách nhiệm cao, nên bất kể ngày hay đêm, khi cơ quan chức năng của thành phố và 24 quận, huyện trưng cầu, các bác sĩ pháp y đều sẵn sàng nhập cuộc. Bởi vậy mới có chuyện đi đám tiệc, bác sĩ pháp y cũng kè kè một túi đồ nghề, trong đó chứa dao mổ, kềm, cưa sọ..., để khi hữu sự là có thể làm việc ngay.
Bác sĩ Hiếu bảo từ lúc nhận chức giám đốc trung tâm, hiếm khi nào ông có được một ngày cuối tuần trọn vẹn với các con. Vợ ông, cũng là người trong ngành y, còn có thể cảm thông với chồng, nhưng hai đứa con gái nhỏ thì làm sao hiểu được công việc của ba. "Một hôm, đứa con gái lớn thủ thỉ vào tai tôi: Con chẳng thích ba làm giám đốc tí nào. Từ lúc ba làm giám đốc không đưa chị em con đi chơi" - bác sĩ Hiếu buồn buồn kể. Nhưng rồi thời gian cứ cuốn ông vào công việc và những đứa trẻ dù không muốn cũng phải quen với sự đi về thất thường của người cha. Chúng còn phải làm quen với những nguyên tắc, như khi ba đi làm về không được chạy ra ôm. Đơn giản, đi giải phẫu tử thi tiếp xúc với đủ thứ nguy cơ lây nhiễm. Xác mới chết còn đỡ, chứ không ít trường hợp chết trôi, chết vô thừa nhận cả tuần mới phát hiện, không biết người chết bệnh tật ra sao, rồi khai quật tử thi đang trong thời kỳ phân hủy,... Đến thân nhân của người chết cũng không dám lại gần, còn bác sĩ pháp y vẫn phải làm việc cùng những thiết bị bảo hộ rất thô sơ, có khi còn không có áo blouse, kính bảo vệ mắt, nước sát trùng, nước rửa tay... Bởi nơi mổ có thể là bất cứ đâu: bệnh viện, nhà xác, hoặc góc phố, bờ sông là hiện trường vụ án. Làm việc xong, bác sĩ thường về thẳng nhà để tẩy rửa, vệ sinh. Vì thế, cách tốt nhất đành phải cách ly con cái cho đến khi tắm rửa xong.
Làm việc cực nhọc trong một môi trường độc hại và nguy hiểm, nhưng ngoài đồng lương cơ bản, mức bồi dưỡng đối với bác sĩ pháp y vẫn được áp dụng theo quy định từ 10 năm trước. Những trường hợp giám định thương tật, tài liệu, sinh phẩm chỉ được bồi dưỡng từ 10.000 đồng đến tối đa 20.000 đồng/vụ. Khi giám định tử thi, bất kể người chết có mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ra sao, giám định viên được bồi dưỡng 30.000 - 40.000 - 50.000 - 60.000 đồng/vụ, tùy theo người chết trong vòng 48 tiếng, quá 48 tiếng, có khai quật hay không khai quật. Còn phải mổ tử thi, giám định viên được bồi dưỡng 80.000 đồng/vụ người chết trong vòng 48 tiếng; 100.000 đồng/vụ người chết ngoài 48 tiếng đến 7 ngày, hoặc còn trong 48 tiếng nhưng phải khai quật; 120.000 đồng/vụ người chết quá 7 ngày, hoặc còn trong 7 ngày nhưng phải khai quật; 150.000 đồng/vụ người chết để quá 7 ngày và phải khai quật.
Số tiền không đáng kể và cũng không ai muốn làm để nhận, nhưng không phải các bác sĩ pháp y đã được hưởng trọn. Có rất nhiều trường hợp sau khi giải phẫu còn phải tiến hành giám định vi thể để xác định chính xác nguyên nhân. Ở trung tâm hiện không có phòng, thiết bị giám định vi thể, phải đi thuê lại với giá 50.000 đồng/ca. "Số tiền này nơi nào trả thì đỡ, còn không thì trích từ chính tiền bồi dưỡng giám định viên khi giải phẫu tử thi. Hiện trung tâm còn 230 ca giám định vi thể không ai trả tiền, anh em đành trích tiền túi, chờ khi lấy được tiền bồi dưỡng giám định thì bù đắp lại" - bác sĩ Hiếu cho biết.
Hôm 21.11, Công an quận Thủ Đức mang bảng kê tiền bồi dưỡng giám định tử thi từ đầu năm đến hết tháng 10 để bác sĩ Hiếu ký nhận. Liếc trộm bảng kê, chúng tôi thấy tổng số tiền ông nhận được là 960.000 đồng. Khi công an về rồi, ông bảo số tiền này sau khi trừ hết các khoản chi giám định vi thể, sẽ gộp chung vào và chia cho tất cả mọi người theo một "hệ số" đã được tập thể trung tâm thống nhất. "Mình làm thế để mọi người cùng sống được với đồng lương ít ỏi, chứ nếu không ai gắn bó với mình" - bác sĩ Hiếu phân trần. Ông kể mới đây trung tâm tính tuyển thêm người, chuẩn bị cho bước phát triển về sau. Cũng có một số bác sĩ đến nộp hồ sơ, nhưng thấy cơ sở hạ tầng quá tuềnh toàng nên thôi, người khác sau khi phỏng vấn, biết rõ công việc, thu nhập của bác sĩ pháp y cũng "một đi không trở lại".
Đúng là cơ sở hạ tầng của trung tâm còn quá nghèo nàn, nếu không muốn nói là "không có gì". Cả trung tâm chỉ có 3 phòng: 1 phục vụ giám định thương tật, 1 dành kế toán - văn phòng kiêm kho hồ sơ và 1 làm phòng giám đốc, với tổng diện tích 80m2, mà cũng là mặt bằng mượn của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Không máy lạnh, salon, tài sản lớn nhất ở trung tâm có lẽ là chiếc máy tính đời cũ, máy ảnh và một số thiết bị phục vụ công tác giám định, còn lại là những bộ bàn, ghế, tủ gỗ cũ kỹ, mối mọt. Ngay giám đốc trung tâm cũng ngồi trên một chiếc ghế nhựa mua vài chục ngàn ở ngoài chợ! Hàng ngàn hồ sơ theo quy định phải lưu trữ 30 năm xếp tầng tầng, lớp lớp trên các kệ sắt, ố vàng vì thời gian và bụi bặm... Với cơ sở hạ tầng này, khó có thể đòi hỏi các bác sĩ pháp y làm việc tốt hơn nữa.
"Hiện nay, không phải ca giám định nào bác sĩ pháp y cũng có thể biết hết các nguyên nhân gây tử vong. Có những ca chết trôi, đã phân hủy thì chỉ có thể xác định chết do ngạt nước. Nhưng trước khi chết do ngạt nước nạn nhân có bị đầu độc, hành hung hay không... thì không thể xác định được như các nước tiên tiến, nên kết luận rồi bác sĩ pháp y vẫn thấy áy náy. Chúng tôi dự định xin đầu tư một phòng xét nghiệm, phân tích độc tố hiện đại. Nhân sự thì mới có một thạc sĩ độc tố học ở Anh về, rất yêu nghề, chấp nhận khó khăn trước mắt về với trung tâm, nhưng kinh phí còn phải chờ" - bác sĩ Hiếu nói. Ông cũng cho biết trung tâm đã kiến nghị Sở Y tế, UBND TP.HCM cấp đất, kinh phí để xây dựng, đầu tư phát triển các chức năng khác như xét nghiệm DNA, vi thể... đảm bảo kết quả giám định chính xác, khách quan nhất. Nhưng đó vẫn chỉ là ước mơ...