Bác sĩ pháp y - Minh Đức - Lê Nga | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We don't have any banner, Flash, animation, obnoxious sound, or popup ad. We do not implement these annoying types of ads!

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

Please add https://vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software.

×

Bác sĩ pháp y - Minh Đức - Lê Nga

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Bác sĩ pháp y - Bài 1: Đêm đi mổ xác

Khi được phân công làm bác sĩ pháp y, không ít người đã "sống chết" xin chuyển, không được thì sẵn sàng nghỉ chứ nhất định không nhận. Thế nhưng có những bác sĩ vẫn âm thầm làm công việc khó nhọc này.

Người chúng tôi chọn để theo chân là bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc kiêm giám định viên Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM. Vốn từ khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bác sĩ Hiếu chuyển qua làm bác sĩ pháp y cách đây 5 năm và chính thức nhận chức Giám đốc trung tâm từ tháng 4.2007. Buổi làm việc đầu tiên với bác sĩ Hiếu chỉ diễn ra được trong vài phút, đủ để làm quen và nhắn nhủ: "Có ca nào gọi điện cho phóng viên theo cùng", vì trong khi tiếp chúng tôi thì ngoài cửa phòng giám đốc, gần chục người đang ngồi đợi bác sĩ giải quyết công việc.

Không phải chờ lâu, 22 giờ 30 phút đêm hôm đó, chuông điện thoại di động reo vang. Giọng bác sĩ Hiếu ngắn gọn: "Có một ca ở Bình Hưng Hòa, anh chị đi thì đến ngay tôi chờ". Vơ chiếc túi đựng sẵn đồ nghề, khoác vội chiếc áo ấm, chúng tôi lao vào màn đêm đến điểm hẹn. Ở đó, bác sĩ đã chờ sẵn trên chiếc xe gắn máy cà tàng. Thấy chúng tôi lom lom nhìn chiếc xe máy cũ với vẻ ngạc nhiên, bác sĩ Hiếu cười: "Đi đêm hôm nhiều, xài xe này đỡ bị cướp!".

Xe băng qua những khu phố ở Bình Tân đã dần thưa thớt người, nhiều hàng quán, nhà mặt tiền đã đóng cửa tắt đèn chìm vào giấc ngủ, rồi quẹo ra nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Những dãy mộ nằm im lìm, trắng toát, rủ bóng dưới ánh trăng. Sương lạnh chạm vào da thịt. Gần 24 giờ, chúng tôi đến nhà thiêu Bình Hưng Hòa. Ở một góc nhà, thấp thoáng bóng công an, hơn chục người đứng ngồi ra vẻ sốt ruột. Tiếng phụ nữ khóc nỉ non khiến không khí nơi đây vốn nặng trịch lại càng thêm u tịch. Thấy bác sĩ pháp y đến, mấy người nhà nạn nhân nhào ra năn nỉ: "Xin bác sĩ đừng mổ, để cho nó chết nguyên vẹn". Có tiếng ai đó phụ họa: "Nó biết bị sida nên tự sát. Thôi mổ làm gì, có khi lại mang vạ vào thân". Nghe thế, chúng tôi chợt khựng lại. Nhưng bác sĩ Hiếu vẫn nhẹ nhàng thuyết phục: "Công việc thôi mà. Không mổ làm sao biết chắc là tự sát. Rồi sau này có chuyện gì quật mồ lên còn khổ hơn".

Nạn nhân là một thanh niên còn khá trẻ, trên người có một vết đâm ngay ngực trái, xác chưa lạnh hoàn toàn. Người nhà khai sau khi đi xét nghiệm HIV về, nạn nhân biết được kết quả dương tính. Chán đời, anh ta dùng dao tự sát. Còn bác sĩ Hiếu, sau khi nghe công an nói sơ qua về tình trạng nạn nhân đã nhanh nhẹn bắt tay vào công việc. Ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi, "phòng mổ" là một góc hè phía sau nhà thiêu, không che chắn, không đèn mổ. Bác sĩ không khẩu trang, không áo blouse, không kính bảo vệ mắt, chỉ độc đôi găng tay y tế với con dao mổ sắc loáng. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng phía ngoài tất cả các bộ phận tử thi, bác sĩ bắt đầu mổ để xác định hướng đi của vết đâm và độ rộng của vết thương trên ngực trái nạn nhân, rồi mổ để xem xét những bộ phận khác của nội tạng... Cứ mỗi công đoạn, bác sĩ lại phải dừng lại để công an ghi hình làm tư liệu, hồ sơ vụ án.​

5b.jpg

Giám định vi thể để xác định chính xác nguyên nhân tử vong - ảnh: Lê Nga
Suốt hơn 2 giờ đồng hồ giải phẫu tử thi, gương mặt bác sĩ lúc nào cũng căng thẳng, mồ hôi túa ra. Không ít lần ông gần như ghé sát mặt xuống một bộ phận nào đó của tử thi để quan sát qua ánh đèn vàng vọt, thiếu sáng. Nghĩ đến căn bệnh nạn nhân đang mang, chúng tôi không khỏi rùng mình về nguy cơ lây nhiễm. Nhưng đó chưa phải là sự đe dọa duy nhất bác sĩ Hiếu phải chịu. Ngay khi rạch vết mổ đầu tiên, vì là "phòng mổ lộ thiên" nên những người nhà nạn nhân có thể đứng xung quanh quan sát việc giải phẫu, vài người không kìm nén được xúc động đã lao vào định giật lấy dao mổ. Rất may, lực lượng công an tại chỗ đã kịp can thiệp, khuyên giải thân nhân nạn nhân ra ngoài để bác sĩ chú tâm vào công việc...

Khi những mũi kim cuối cùng "trả lại sự nguyên vẹn" cho người chết chấm dứt, đồng hồ đã chỉ sang 3 giờ sáng. Không nước rửa tay, không thuốc sát trùng, bác sĩ Hiếu lột vội đôi găng tay, cẩn thận cho vào bao nilon cột lại và bỏ vào thùng rác, ký biên bản hoàn tất việc khám nghiệm để trao trả xác cho người nhà nạn nhân, rồi xách túi đồ nghề chia tay chúng tôi, không quên hẹn "sáng mai gặp lại".

Nhưng chẳng cần chờ đến sáng hôm sau. Gần 4 giờ sáng, chúng tôi vừa về đến nhà, chưa kịp ngả lưng và đầu óc còn lởn vởn những hình ảnh của ca mổ vừa chứng kiến thì chuông điện thoại di động lại reo. "Đi được nữa không nhà báo?" - giọng bác sĩ Hiếu rành rọt từng chữ từ đầu dây bên kia - "Có một ca tai nạn giao thông, cần mổ ở Bệnh viện 115. Để mai cũng được, nhưng người nhà nạn nhân muốn sớm đưa xác về khâm liệm". Lỡ "leo lên lưng cọp", bây giờ nói không đi thì quá ngại, vậy là chúng tôi lại xách túi lao vào màn đêm.

Lúc chúng tôi đến nhà xác Bệnh viện 115, bác sĩ Hiếu cùng một đồng nghiệp đã chuẩn bị bắt tay vào việc. Nạn nhân nam, khoảng trên 40 tuổi, được đưa đến từ hiện trường một vụ tai nạn giao thông và bác sĩ pháp y được trưng cầu làm rõ nguyên nhân tử vong do tai nạn hay nạn nhân đã chết trước khi ngã xuống đường. Khám nghiệm bề ngoài tử thi, bác sĩ xác định mắt trái có vết bầm và chẩn đoán có thể nạn nhân chết do chảy máu não. Quyết định mổ để kiểm tra não được đưa ra. Tiếng dao, tiếng kéo kim loại cùng cưa rin rít đến rợn người, cộng hưởng với mùi phoóc-môn nồng nặc và không khí se lạnh lúc rạng sáng khiến chúng tôi không dám ở lại chứng kiến hết ca mổ...
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Bác sĩ pháp y - Bài 2: Phơi bày sự thật

Một phụ nữ tử vong, 2 người khác bị thương nặng trong một tai nạn giao thông. Người được cho là gây tai nạn đứng trước nguy cơ bị khởi tố. Bác sĩ pháp y vào cuộc và phát hiện sự thật không như nhận định ban đầu từ hiện trường...

Sau một đêm theo chân bác sĩ pháp y, những hình ảnh lần đầu tiên chứng kiến trong thực tế khiến chúng tôi mất ngủ 2 đêm liền, đến bữa ăn chỉ dám dùng cơm trắng với rau và tránh xa những thực phẩm màu đỏ. Nhưng đó không chỉ là cảm giác riêng của những người "ngoại đạo". Bác sĩ Trường, một trong 3 giám định viên tại Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM, kể: Khi chuyển qua làm pháp y và thực hiện ca giải phẫu tử thi đầu tiên, anh đã nhịn ăn và mất ngủ suốt vì bị ám ảnh. Nhưng rồi thời gian trôi, công việc cuốn hút và nỗi sợ tan biến lúc nào cũng không hay. Đến giờ, anh đã gắn bó với công việc của một bác sĩ pháp y gần 1 năm và chưa hề có ý nghĩ sẽ rời bỏ vị trí.

Thế nhưng người như bác sĩ Trường không nhiều. Bác sĩ Hiếu nói ông biết rất nhiều trường hợp, khi được nghe phân công làm bác sĩ pháp y đã tìm đủ cách "chạy" để không phải nhận quyết định, nếu không được thì xin nghỉ việc. Nhưng ông quả quyết đó là những người chưa hiểu hết công việc của bác sĩ pháp y: "Một khi đã nhúng tay vào công việc này thì khó dứt ra được. Đơn giản, bác sĩ pháp y luôn bị cuốn hút bởi những bí mật, những nguyên nhân thật đằng sau những biểu hiện bề ngoài.

Những bí mật đó không phải bác sĩ nào cũng nhìn ra, nhưng lại là công việc hằng ngày của bác sĩ pháp y. Và, một khi bí mật được giải mã thì sự việc không những được làm sáng tỏ, mà những người liên quan có thể còn được giải oan, tránh được nhiều điều tiếng không hay của dư luận".

Chẳng hạn như vụ việc xảy ra vào tháng 10.2007 tại Q.7. Tai nạn giao thông giữa 2 xe gắn máy làm chết 1 người, 2 người khác bị thương. Công an trưng cầu pháp y giám định để xác định chính xác nguyên nhân tử vong, nhằm có cơ sở khởi tố vụ án. Nạn nhân là một phụ nữ ngoài 30 tuổi, có tiền căn phổi mãn tính và hay đau ngực. Trước khi bị nạn, nạn nhân than đau ngực dữ dội từng cơn, vã mồ hôi, tím tái và ngất kèm sùi bọt mép. Người nhà thấy vậy chở vào bệnh viện cấp cứu và trên đường đi thì tai nạn xảy ra. Nhìn bề ngoài, nạn nhân bị xây xát khắp người, nhiều vết thương trên đầu, mặt, vùng mắt... khiến ai cũng nhận định chết do tai nạn giao thông. Đến khi bác sĩ pháp y giải phẫu tử thi thì sự thật phơi bày: dưới các vết thương đều không có máu bầm tụ, não không bị tổn thương, xương khớp không dập gãy... cho thấy nạn nhân không phải chết do chấn thương bởi tai nạn giao thông. Trong khi đó, phổi nạn nhân bị phù sung huyết, cơ tim nhão, gốc động mạch chủ bị xơ vữa rất nặng gây bít gần như hoàn toàn lỗ động mạch vành 2 bên... "Đó là một ca nạn nhân đã chết trước khi tai nạn xảy ra. Và không thể khởi tố vụ án" - bác sĩ Hiếu nhận định.

Một ca khác, nạn nhân ở Bình Chánh, thông tin ban đầu là do bất cẩn, té từ lầu 2 xuống và tử vong. Khi bác sĩ pháp y xuống thì hiện trường đã được thu dọn. Xem bề ngoài thấy hầu như thi thể còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu của sự va đập mạnh, rớt từ độ cao gần chục mét xuống nhưng lại có những vết bầm sau gáy. Trong khi đó, hiện trường công an ghi nhận nạn nhân chết nằm sấp, phần tiếp giáp mặt đất là góc trán phải gần thái dương. Nghi ngờ có sự mờ ám, bác sĩ pháp y quyết định giải phẫu kiểm tra tổn thương não sau. Kết quả đúng như dự đoán, nạn nhân bị tác động ngoại lực vào gáy bằng vật cứng, gây tổn thương não dẫn đến tử vong. Giả thiết án mạng xảy ra được khẳng định để cơ quan chức năng tiến hành điều tra vụ án...

Lại có những sự thật không qua giải phẫu tử thi, mà được phát hiện bằng chính kinh nghiệm cùng lòng yêu nghề của bác sĩ pháp y. Ngoài khám nghiệm tử thi, mỗi tháng các bác sĩ ở trung tâm còn thực hiện hàng trăm ca giám định tỷ lệ thương tật phục vụ cho công tác điều tra, tố tụng. Người đến giám định, ngoài các nạn nhân còn có cả tội phạm nguy hiểm. Bình "kiểm", một tay giang hồ có "số má" ở thành phố, vừa bị kết án 28 năm tù vì tội bắt cóc, tống tiền, tàng trữ và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép, cũng đã từng đến Trung tâm giám định tỷ lệ thương tật do bị chém trong một vụ gây rối trật tự công cộng. Một bác sĩ tại trung tâm kể, trước khi Bình "kiểm" đến khám có một cuộc điện thoại gọi đến giọng nửa nhờ vả, nửa hăm dọa, nhưng các bác sĩ ở đây từ chối vì "pháp y chúng tôi chỉ nói sự thật".

Có trường hợp tội phạm đang thụ hình, được giới thiệu đến giám định bệnh để tại ngoại. Bệnh nhân kêu bị lao phổi và kết quả kiểm tra phim chụp sẵn do bệnh nhân đưa đúng là lao phổi. Nhưng con mắt giám định mách bảo có cái gì đó không bình thường qua hình dáng, tình trạng sức khỏe, kích thước lồng ngực người đến khám với phim chụp sẵn... Một y tá được gọi đến và nhận yêu cầu dẫn bệnh nhân đi chụp lại phim. Lúc này bệnh nhân quay qua năn nỉ "bác sĩ giúp giùm, em xin bồi dưỡng". "Tôi hỏi lại: anh trả tôi được bao nhiêu? Thế này nhé, tôi tính 7 năm đi học y khoa, 5 năm học thêm về bác sĩ pháp y, mỗi năm 1 tỉ đồng, chưa kể danh dự của chúng tôi. Anh xem có trả được không. Nghe thế, anh ta đành phải theo y tá đi chụp lại phim. Kết quả đúng như dự đoán: anh ta chẳng có bệnh phổi nào cả. Phim mang đến là của một người bị lao phổi anh ta tráo vào khi chụp nhằm qua mắt cơ quan chức năng để được tại ngoại" - bác sĩ Hiếu kể.
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Bác sĩ pháp y - Bài 3: Đấu trí

Tìm sự thật đã khó, bảo vệ sự thật lại càng khó; các bác sĩ pháp y chính trực đã phải đánh đổi bằng công sức, trí tuệ và cả tiền túi...

Y văn "vắc-xin"

Tháng 5.2007, tại TP.HCM xảy ra 4 ca trẻ sau khi tiêm vắc-xin có biểu hiện bất thường, có trường hợp dẫn đến tử vong. Cùng lúc đó, tại một số tỉnh cũng xảy ra những trường hợp tương tự.

Sự trùng hợp, cộng với việc dư luận dấy lên một làn sóng lo ngại về việc sử dụng vắc-xin. Một số loại vắc-xin đã phải tạm ngưng sử dụng. Một số thân thân nạn nhân đòi kiện bệnh viện và đòi bồi thường... Nhưng khi các bác sĩ pháp y vào cuộc thì một phần sự thật không hoàn toàn như dư luận bức xúc.

Ca mới nhất xảy ra vào tháng 11.2007. Một bệnh nhi chết sau khi tiêm vắc-xin 12 giờ. buổi sáng bé còn bình thường, nhưng sau khi tiêm vắc-xin về thì có biểu hiện sốt, được mẹ cho uống thuốc hạ sốt nhưng đến tối thì bé tử vong. Mọi người, hầu như ai cũng nghĩ nguyên nhân do vắc- xin. Sáng sớm hôm sau, bác sĩ pháp y được trưng cầu để giải phẫu tử thi. "Khám nghiệm kỹ bên ngoài, chúng tôi nhận định nguyên nhân cái chết không phải do sốc thuốc. Nhưng muốn kết luận được thì phải giải phẫu, làm vi thể một cách chi li. Cuối cùng, kết quả đúng như nhận định: trẻ có bệnh lý tim phổi bẩm sinh và tử vong không phải do vắc-xin. Đây là một dạng bệnh lý hiếm gặp ở trẻ sơ sinh" - bác sĩ Phan Văn Hiếu, nói.
Nhưng trường hợp bé sơ sinh tử vong sau khi chích vắc-xin viêm gan B hồi tháng 5.2007 mới thực sự là ca hiếm nhất ở Việt Nam. Ngay sau khi chích được 5 phút, bé có biểu hiện tím tái, thở nhanh, sau đó thở hước và ngưng thở. Sau 30 phút hồi sức cấp cứu không hiệu quả, bé tử vong. Trong làn sóng dư luận lo ngại về chất lượng vắc-xin và trước bức xúc của thân nhân nạn nhân, bác sĩ pháp y được trưng cầu để xác định chính xác nguyên nhân tử vong. Sau khi khám nghiệm kỹ bên ngoài và giải phẫu khám nghiệm bên trong, nguyên nhân gây tử vong do các tác động cơ học và phản ứng phòng vệ vắc-xin bị loại trừ. Vậy thì do đâu nạn nhân tử vong? Kiểm tra thật kỹ thêm một lần, bác sĩ Hiếu quyết định giải phẫu bệnh lý tim và phổi, vì có những dấu hiệu tim bị sung huyết nặng. Toàn bộ tim nạn nhân được cố định trong formalin mang về để cắt phẫu và đọc vi thể. Khi giải phẫu đại thể, nhiều biểu hiện như động mạch vành trái bị huyết tắc một đoạn dài khoảng 2 cm, các nhánh nhỏ bị thuyên tắc rải rác... nghiêng về giả thuyết nạn nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Đến khi đọc vi thể thì giả thuyết được khẳng định chắc chắn: nhồi máu cơ tim cấp do huyết tắc động mạch vành trái. "Có thể trẻ đã bị nhồi máu từ khi còn trong bụng mẹ!" - bác sĩ Hiếu nhận định.

Kết quả được đưa ra Hội đồng y khoa xem xét trước khi công bố, không ít đồng nghiệp tỏ vẻ nghi ngờ vì "chưa bao giờ nghe trẻ sơ sinh bị nhồi máu cơ tim cấp". Nhưng trước những bằng chứng khoa học bác sĩ pháp y đưa ra, Hội đồng y khoa bị thuyết phục. Không dừng lại đó, bác sĩ Hiếu tiếp tục tìm tòi tài liệu nghiên cứu và chứng minh đó là ca trẻ sơ sinh nhồi máu cơ tim cấp đầu tiên ở Việt Nam. Khi công bố kết quả này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cử chuyên gia đến gặp ông để thẩm định lại. "Suốt hơn 2 giờ họ hỏi rất kỹ, kiểm tra lại từng chi tiết của ca bệnh và sau đó công nhận kết quả của chúng tôi là chính xác" - bác sĩ Hiếu nhớ lại. Nhưng có một điều ông không kể cho đoàn chuyên gia WHO là để có kết quả trên, ông đã vay tiền bạn bè đi mua 2 bộ tài liệu hết hơn 6 triệu đồng, đem về nghiên cứu và cho đến hôm nay nợ vẫn chưa trả hết.

"Đáo tụng đình"

Khi được trưng cầu giải phẫu tử thi, việc đưa ra kết luận về nguyên nhân cái chết chưa phải là công đoạn cuối cùng của bác sĩ pháp y. Không ít trường hợp sau đó bác sĩ pháp y còn phải "đáo tụng đình" khi Hội đồng xét xử triệu tập, để trả lời về kết quả giám định pháp y đưa ra. Ở đó, bác sĩ pháp y không chỉ giải thích, mà đôi khi còn tranh luận với các luật sư về tính hợp pháp của kết quả giám định...

Bác sĩ Hiếu bảo mỗi cuộc tranh luận tại tòa của bác sĩ pháp y đều là một cuộc đấu trí căng thẳng, nhưng căng thẳng mấy cũng không bằng đấu trí với đồng nghiệp, mà đồng nghiệp đó lại chính là những bậc thầy trong y khoa. Chuyện xảy ra vào đầu năm 2007. Một bệnh nhân từ tỉnh T. lên mổ ruột thừa ở bệnh viện B. của thành phố và tử vong sau khi mổ. Để xác định nguyên nhân tử vong, một Hội đồng y khoa gồm các giáo sư bác sĩ nổi tiếng được thành lập. Qua xem xét toàn bộ hồ sơ bệnh án, hội đồng xác định nguyên nhân chết không do lỗi của bệnh viện.

Mọi chuyện tưởng sẽ qua, nào ngờ người nhà bệnh nhân khiếu nại, kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường. Vậy là bác sĩ pháp y được trưng cầu giám định. Toàn bộ hồ sơ bệnh án được chuyển đến pháp y để nghiên cứu. Kết quả thật bất ngờ: bệnh nhân tử vong có một phần từ nguyên nhân chủ quan của bác sĩ. Hôm công bố kết quả giám định, một mình bác sĩ Hiếu đối diện với cả Hội đồng y khoa và ban lãnh đạo bệnh viện B., trong đó có cả những người thầy đáng kính của ông. Nhiều ý kiến quyết liệt phản đối nhưng cũng không bác bỏ được kết quả giám định qua phân tích, chứng minh dựa trên những cơ sở khoa học từ chính hồ sơ bệnh án... "Kết thúc buổi tranh luận, chính người phản đối quyết liệt nhất lại là người siết tay tôi chặt nhất. Tôi hiểu đó chính là sự khích lệ của những người đi trước" - bác sĩ Hiếu nhớ lại.

Cho đến nay, vụ việc vẫn chưa kết thúc. Thẩm phán tòa án quận X. thụ lý vụ việc cho biết hiện lãnh đạo bệnh viện B. đã chính thức trưng cầu giám định pháp y Trung ương. Đem điều này trao đổi với bác sĩ Hiếu, ông khẽ cười và bảo đó là chuyện bình thường.

Còn tiếp...
 
Sửa lần cuối:

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Bác sĩ pháp y - Bài 4: Nỗi đau

Tiếp xúc với đủ hạng người, chứng kiến đủ các hình thái đớn đau, mất mát, nhưng đối với nhiều bác sĩ pháp y, có một nỗi đau luôn ám ảnh họ là chuyện những đứa trẻ bị hành hạ, lạm dụng tình dục.

Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Giám định pháp y và chứng kiến trường hợp bé gái 6 tuổi, ở quận 5, TP.HCM gia đình nghi bị xâm hại tình dục nên đưa đến trung tâm yêu cầu giám định màng trinh. Đi cùng bé, ngoài người mẹ với gương mặt đầy đau khổ. Hằng ngày, mẹ cháu tất tả lo kiếm miếng ăn, để cháu đi học về chơi tung tăng quanh xóm. Hôm đó, khi đi làm về chị phát hiện bộ phận sinh dục của con gái bị trầy xước, sưng tấy. Nghi con bị kẻ xấu hãm hại, người mẹ trẻ đến nhờ cán bộ Hội phụ nữ can thiệp, giúp đỡ. Cẩn thận, vị cán bộ này gọi điện xin tư vấn pháp lý ở một tờ báo chuyên ngành và được hướng dẫn đưa cháu lên Trung tâm Giám định pháp y để giám định. Ngặt nỗi, người của tờ báo nọ, có lẽ do chưa nắm hết thủ tục hiện hành, đã không hướng dẫn gia đình cháu bé đưa cháu lên công an khai báo, để được cấp giấy giới thiệu đi trưng cầu giám định theo đúng thủ tục. Vì thế, các bác sĩ tại trung tâm dù rất thông cảm hoàn cảnh gia đình cháu bé, cảm phục tinh thần hết lòng tận tụy với công việc của chị cán bộ phụ nữ nọ nhưng không thể tiến hành thủ tục giám định cho cháu bé.

Nghe bác sĩ pháp y giải thích, nghĩ mình bị làm khó nên chị cán bộ phụ nữ làm toáng lên, khiến bác sĩ Hiếu phải ngưng tiếp khách, mời chị cán bộ cùng mẹ cháu bé vào phòng giải thích cặn kẽ hơn. Lúc đó, chị cán bộ mới "chịu", nhưng vẫn chưa hết hậm hực, một tay bế đứa trẻ, một tay gần như lôi xềnh xệch người mẹ trẻ mắt đỏ hoe: "Đi về công an phường tôi hỏi xem có đúng vậy không, lẹ lên!". Nhìn theo dáng người cán bộ phụ nữ khuất sau cửa phòng, bác sĩ Hiếu lắc đầu: "Quy định nó như thế, mình không thể làm khác được dù biết người dân rất khổ. Ngay những đứa trẻ vô tội cũng là nạn nhân của thủ tục nhiêu khê, đôi khi phải mang nỗi đau suốt đời".

Giải thích thêm cho chúng tôi, bác sĩ Hiếu cho biết trong số hàng ngàn trường hợp giám định thương tật tại trung tâm mỗi năm, có hàng trăm trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục, hiếp dâm. Những trường hợp này muốn giám định phải có quyết định trưng cầu, hoặc giấy giới thiệu của công an. Căn cứ các giấy tờ này, trung tâm viết giấy giới thiệu để gia đình đưa các bé đến Bệnh viện Từ Dũ giám định, vì hiện cả thành phố chỉ có nơi đây giám định màng trinh phục vụ tố tụng và cũng chỉ làm việc trong giờ hành chính, hai ngày thứ bảy và chủ nhật nghỉ. Chính thủ tục nhiêu khê, cộng với quy định chỉ làm việc trong giờ hành chính khiến không ít trường hợp khi trẻ em gái bị xâm hại tình dục, cơ quan chức năng không thể có đủ bằng chứng kịp thời để điều tra, đưa hung thủ ra trước pháp luật.

Trường hợp kể trên, ngay chiều hôm đó gia đình đưa cháu bé trở lại cùng giấy giới thiệu đi giám định của công an và trung tâm đã viết giấy giới thiệu đưa cháu bé sang Từ Dũ giám định. "Nhưng không ít trường hợp vụ việc xảy ra vào thứ bảy, chủ nhật, dù công an có ra quyết định trưng cầu giám định thì cũng "bó tay", vì sang bên Từ Dũ cũng phải chờ đến thứ hai. Trong khi đó, tầng sinh môn của trẻ em rất mau lành, càng để lâu càng khó kiểm tra. Chưa kể, trong trường hợp cần lấy tinh trùng để giám định DNA truy tìm hung thủ, nếu để quá 72 giờ là khó thể xác định được" - bác sĩ Hiếu nói.

Đã có trường hợp, cách đây mấy tháng, một bé gái 5 tuổi bị hiếp dâm, rách tầng sinh môn. Gia đình lo lắng đưa bé đi khám chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án ghi rõ rách tầng sinh môn, rách màng trinh (khâu vệ sinh). Sau đó gia đình nạn nhân tố cáo, hung thủ bị bắt và khai nhận hành vi phạm tội. Đến khi ra tòa, bị cáo bỗng dưng quay ngoắt lại phản cung, cho rằng anh ta không hiếp dâm. Lúc này tòa trưng cầu giám định thì kết quả giám định tầng sinh môn không rách, màng trinh không rách. "Tầng sinh môn vì là dạng niêm, rất mau lành và khi lành rồi không để lại sẹo như lớp bì. Màng trinh của trẻ cũng vậy, hồi phục rất nhanh. Nếu không kịp thời giám định ngay từ đầu thì rất khó cho công tác tố tụng về sau. Chính tôi đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này. Tại các cuộc hội thảo về giám định pháp y tôi cũng nói rất nhiều, cần có chế độ trực vào thứ bảy, chủ nhật đối với bộ phận giám định màng trinh ở Bệnh viện Từ Dũ, hoặc có thể giao hẳn cho bác sĩ pháp y thực hiện giám định lĩnh vực này, nhưng đến nay mọi quy định vẫn chưa thay đổi" - bác sĩ Hiếu bức xúc.

Cũng là những bậc cha mẹ, chứng kiến cảnh những người cha, người mẹ đau đớn khi con mình bị xâm hại, các bác sĩ ở Trung tâm Giám định pháp y đã không thể cầm lòng. Bác sĩ Hiếu bảo nhiều khi ông cũng muốn "đốt cháy giai đoạn", viết giấy giới thiệu để gia đình nạn nhân đưa các cháu sớm đi giám định, dù chưa có yêu cầu giám định từ phía công an. Nhưng ông bảo làm như thế là sai nguyên tắc, sai quy định, kết quả giám định không được xem là chứng cứ hợp pháp để bảo vệ cháu bé sau này, và "thực tế đã có bác sĩ bị kỷ luật vì "cầm đèn chạy trước ô tô" rồi!". Đau lắm chứ!

Còn tiếp...
 

tranthanhkiet

Rìu Chiến Bạc
Former Moderator
Bác sĩ pháp y - Kỳ cuối: Nỗi buồn những người mổ tử thi

Đối mặt thường trực với hiểm nguy, nhưng bác sĩ pháp y chỉ hưởng mức bồi dưỡng được quy định từ 10 năm trước.

Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM có 9 người, gồm 3 bác sĩ chuyên giải phẫu, 1 bác sĩ giám định, 1 bác sĩ chuyên về độc chất, 1 y tá, 1 kế toán và 2 tài xế. Bằng đó con người, nhưng mỗi năm trung tâm phải giải phẫu khoảng 1.000 tử thi, giám định thương tật cho hàng ngàn trường hợp phục vụ công tác tố tụng. Tất cả y bác sĩ, nhân viên ở đây lúc nào cũng ngập trong công việc và phải kiêm nhiệm đủ thứ, có khi tài xế phải kiêm... phụ mổ!

Các bác sĩ giải phẫu bình quân mổ khoảng 3 ca mỗi ngày, có ngày cao điểm lên đến 10 ca. Do tính chất quan trọng của việc phục vụ công tác điều tra và tinh thần trách nhiệm cao, nên bất kể ngày hay đêm, khi cơ quan chức năng của thành phố và 24 quận, huyện trưng cầu, các bác sĩ pháp y đều sẵn sàng nhập cuộc. Bởi vậy mới có chuyện đi đám tiệc, bác sĩ pháp y cũng kè kè một túi đồ nghề, trong đó chứa dao mổ, kềm, cưa sọ..., để khi hữu sự là có thể làm việc ngay.

Bác sĩ Hiếu bảo từ lúc nhận chức giám đốc trung tâm, hiếm khi nào ông có được một ngày cuối tuần trọn vẹn với các con. Vợ ông, cũng là người trong ngành y, còn có thể cảm thông với chồng, nhưng hai đứa con gái nhỏ thì làm sao hiểu được công việc của ba. "Một hôm, đứa con gái lớn thủ thỉ vào tai tôi: Con chẳng thích ba làm giám đốc tí nào. Từ lúc ba làm giám đốc không đưa chị em con đi chơi" - bác sĩ Hiếu buồn buồn kể. Nhưng rồi thời gian cứ cuốn ông vào công việc và những đứa trẻ dù không muốn cũng phải quen với sự đi về thất thường của người cha. Chúng còn phải làm quen với những nguyên tắc, như khi ba đi làm về không được chạy ra ôm. Đơn giản, đi giải phẫu tử thi tiếp xúc với đủ thứ nguy cơ lây nhiễm. Xác mới chết còn đỡ, chứ không ít trường hợp chết trôi, chết vô thừa nhận cả tuần mới phát hiện, không biết người chết bệnh tật ra sao, rồi khai quật tử thi đang trong thời kỳ phân hủy,... Đến thân nhân của người chết cũng không dám lại gần, còn bác sĩ pháp y vẫn phải làm việc cùng những thiết bị bảo hộ rất thô sơ, có khi còn không có áo blouse, kính bảo vệ mắt, nước sát trùng, nước rửa tay... Bởi nơi mổ có thể là bất cứ đâu: bệnh viện, nhà xác, hoặc góc phố, bờ sông là hiện trường vụ án. Làm việc xong, bác sĩ thường về thẳng nhà để tẩy rửa, vệ sinh. Vì thế, cách tốt nhất đành phải cách ly con cái cho đến khi tắm rửa xong.

Làm việc cực nhọc trong một môi trường độc hại và nguy hiểm, nhưng ngoài đồng lương cơ bản, mức bồi dưỡng đối với bác sĩ pháp y vẫn được áp dụng theo quy định từ 10 năm trước. Những trường hợp giám định thương tật, tài liệu, sinh phẩm chỉ được bồi dưỡng từ 10.000 đồng đến tối đa 20.000 đồng/vụ. Khi giám định tử thi, bất kể người chết có mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ra sao, giám định viên được bồi dưỡng 30.000 - 40.000 - 50.000 - 60.000 đồng/vụ, tùy theo người chết trong vòng 48 tiếng, quá 48 tiếng, có khai quật hay không khai quật. Còn phải mổ tử thi, giám định viên được bồi dưỡng 80.000 đồng/vụ người chết trong vòng 48 tiếng; 100.000 đồng/vụ người chết ngoài 48 tiếng đến 7 ngày, hoặc còn trong 48 tiếng nhưng phải khai quật; 120.000 đồng/vụ người chết quá 7 ngày, hoặc còn trong 7 ngày nhưng phải khai quật; 150.000 đồng/vụ người chết để quá 7 ngày và phải khai quật.

Số tiền không đáng kể và cũng không ai muốn làm để nhận, nhưng không phải các bác sĩ pháp y đã được hưởng trọn. Có rất nhiều trường hợp sau khi giải phẫu còn phải tiến hành giám định vi thể để xác định chính xác nguyên nhân. Ở trung tâm hiện không có phòng, thiết bị giám định vi thể, phải đi thuê lại với giá 50.000 đồng/ca. "Số tiền này nơi nào trả thì đỡ, còn không thì trích từ chính tiền bồi dưỡng giám định viên khi giải phẫu tử thi. Hiện trung tâm còn 230 ca giám định vi thể không ai trả tiền, anh em đành trích tiền túi, chờ khi lấy được tiền bồi dưỡng giám định thì bù đắp lại" - bác sĩ Hiếu cho biết.

Hôm 21.11, Công an quận Thủ Đức mang bảng kê tiền bồi dưỡng giám định tử thi từ đầu năm đến hết tháng 10 để bác sĩ Hiếu ký nhận. Liếc trộm bảng kê, chúng tôi thấy tổng số tiền ông nhận được là 960.000 đồng. Khi công an về rồi, ông bảo số tiền này sau khi trừ hết các khoản chi giám định vi thể, sẽ gộp chung vào và chia cho tất cả mọi người theo một "hệ số" đã được tập thể trung tâm thống nhất. "Mình làm thế để mọi người cùng sống được với đồng lương ít ỏi, chứ nếu không ai gắn bó với mình" - bác sĩ Hiếu phân trần. Ông kể mới đây trung tâm tính tuyển thêm người, chuẩn bị cho bước phát triển về sau. Cũng có một số bác sĩ đến nộp hồ sơ, nhưng thấy cơ sở hạ tầng quá tuềnh toàng nên thôi, người khác sau khi phỏng vấn, biết rõ công việc, thu nhập của bác sĩ pháp y cũng "một đi không trở lại".

Đúng là cơ sở hạ tầng của trung tâm còn quá nghèo nàn, nếu không muốn nói là "không có gì". Cả trung tâm chỉ có 3 phòng: 1 phục vụ giám định thương tật, 1 dành kế toán - văn phòng kiêm kho hồ sơ và 1 làm phòng giám đốc, với tổng diện tích 80m2, mà cũng là mặt bằng mượn của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Không máy lạnh, salon, tài sản lớn nhất ở trung tâm có lẽ là chiếc máy tính đời cũ, máy ảnh và một số thiết bị phục vụ công tác giám định, còn lại là những bộ bàn, ghế, tủ gỗ cũ kỹ, mối mọt. Ngay giám đốc trung tâm cũng ngồi trên một chiếc ghế nhựa mua vài chục ngàn ở ngoài chợ! Hàng ngàn hồ sơ theo quy định phải lưu trữ 30 năm xếp tầng tầng, lớp lớp trên các kệ sắt, ố vàng vì thời gian và bụi bặm... Với cơ sở hạ tầng này, khó có thể đòi hỏi các bác sĩ pháp y làm việc tốt hơn nữa.

"Hiện nay, không phải ca giám định nào bác sĩ pháp y cũng có thể biết hết các nguyên nhân gây tử vong. Có những ca chết trôi, đã phân hủy thì chỉ có thể xác định chết do ngạt nước. Nhưng trước khi chết do ngạt nước nạn nhân có bị đầu độc, hành hung hay không... thì không thể xác định được như các nước tiên tiến, nên kết luận rồi bác sĩ pháp y vẫn thấy áy náy. Chúng tôi dự định xin đầu tư một phòng xét nghiệm, phân tích độc tố hiện đại. Nhân sự thì mới có một thạc sĩ độc tố học ở Anh về, rất yêu nghề, chấp nhận khó khăn trước mắt về với trung tâm, nhưng kinh phí còn phải chờ" - bác sĩ Hiếu nói. Ông cũng cho biết trung tâm đã kiến nghị Sở Y tế, UBND TP.HCM cấp đất, kinh phí để xây dựng, đầu tư phát triển các chức năng khác như xét nghiệm DNA, vi thể... đảm bảo kết quả giám định chính xác, khách quan nhất. Nhưng đó vẫn chỉ là ước mơ...
 


Top