"Nếu đọc Fox News, bạn đang sống trong một thực tế đôi khi không giống so với khi đọc New York Times. Nhưng nếu bạn chỉ xem một chút gì đó trên YouTube hoặc Internet, đột nhiên mọi thứ hoàn toàn khác", cựu Tổng thống Mỹ phát biểu tại tại hội nghị Dreamforce của Salesforce ở San Francisco (Mỹ). "Chúng ta đang tự làm mình im lặng theo cách nguy hiểm. Tôi đã tin và sẽ tin rằng Internet có thể là công cụ mạnh mẽ để hỗ trợ con người, nhưng ngay bây giờ thì thật đáng thất vọng".
Theo Obama, công nghệ đang tạo ra một "thế giới hỗn độn" hơn, thúc đẩy sự chênh lệch giữa quốc gia giàu và nghèo, cũng như người dân trong mỗi nước. "Sự gia tăng của bất bình đẳng cực đoan đang xảy ra với cả trong nội bộ quốc gia và giữa các quốc gia được thúc đẩy bởi toàn cầu hóa và công nghệ. Đây là một trong những rủi ro lớn, nhất là với người trẻ tuổi. Họ có thể mang tiếng nói, quan điểm của mình ra toàn thế giới, nhưng điều này càng khuếch đại sự bất bình đẳng", cựu Tổng thống Mỹ chia sẻ.
Vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ cũng đánh giá Internet đang chia rẽ chính trị và xã hội nước này. "Qua Internet, người dân nhìn thấy những thách thức như biến đổi khí hậu hay người tị nạn hàng loạt. Họ đang cảm thấy như mọi thứ đang vượt khỏi tầm kiểm soát", Obama nêu quan điểm. "Đằng sau đó, những gì tôi thấy là một cảm giác lo lắng, vô vọng và không chắc chắn ở rất nhiều người. Một số đã được nuôi dưỡng bởi công nghệ và sự tức giận cũng được hình thành bởi những công nghệ đó".
Theo Bloomberg, thực tế các dịch vụ truyền thông như Facebook, YouTube... đang thúc đẩy sự phân cực trong xã hội thông qua thuật toán hiển thị. Tức là, thuật toán sẽ đề xuất tin tức và nội dung khác nhau, phù hợp với suy nghĩ và quan điểm của người đó khi sử dụng, nhưng cũng làm sự phân hóa suy nghĩ ngày một rõ rệt hơn.
Obama thừa nhận công nghệ đã tạo ra sự giàu có đáng kể cho mọi người, cũng như giúp xã hội trở nên tiến bộ. Tuy nhiên, ông cho rằng điều đó sẽ khiến văn hóa hiện nay "được tăng tốc bởi công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội, dẫn đến việc theo đuổi những điều sai trái".
Theo CNBC, thực tế các hoạt động trước đây của Obama gắn liền khá mật thiết với công nghệ. Chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2008 và 2012 của ông dùng Internet và phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá. Một số cấp dưới thân cận từng làm việc tại Thung lũng Silicon trước khi đến Nhà Trắng, như David Plouffe (Uber) hay Jay Carney (Amazon).
Theo Nico Grant, Bloomberg
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: