Yuval Noah Harari - (Nhà sử học, triết gia và là tác giả bán chạy nhất của Sapiens, Homo Deus và 21 bài học cho thế kỷ 21).
Nhiều người cho rằng dịch bệnh covid-19 xảy ra là do “toàn cầu hóa”, và tuyên bố rằng cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh như covid-19 là phải bỏ đi hẳn việc toàn cầu hóa thế giới. Xây tường, hạn chế đi lại, giảm buôn bán. Tuy nhiên, trong khi kiểm dịch ngắn hạn là điều cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh, thì sự cô lập lâu dài sẽ dẫn đến sụp đổ kinh tế trong khi không đem lại sự bảo vệ, phòng chống thực sự nào trước các bệnh truyền nhiễm. Ngược lại thì đúng hơn! Thuốc giải độc thực sự cho dịch bệnh không phải là sự phân chia, mà là sự hợp tác.
Bệnh dịch đã giết chết hàng triệu người từ rất lâu, trước cả thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Vào thế kỷ 14, không có máy bay và tàu du lịch, nhưng Cái chết đen (Black Death) đã lan từ Đông Á sang Tây Âu trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Nó đã giết chết từ 75 triệu đến 200 triệu người - hơn một phần tư dân số Á-Âu. Ở Anh, bốn trong số mười người chết. Thành phố Florence (Ý) đã mất đi 50.000 trên tổng số 100.000 dân.
Vào tháng 3 năm 1520, một người nhiễm bệnh đậu mùa duy nhất - Francisco de Eguía - đã đến Mexico. Vào thời điểm đó, Trung Mỹ không có xe lửa, xe buýt, thậm chí còn không có cả lừa. Tuy nhiên, đến tháng 12, một bệnh dịch đậu mùa đã tàn phá toàn bộ Trung Mỹ, giết chết theo một số ước tính lên tới một phần ba dân số vùng này.
Năm 1918, một chủng cúm đặc biệt hiểm độc đã lan truyền chỉ trong vòng vài tháng tới các ngõ ngách xa xôi nhất trên thế giới. Nó đã lây nhiễm cho nửa tỷ người - hơn một phần tư dân số loài người lúc đó. Ước tính, dịch cúm này đã giết chết 5% dân số Ấn Độ. Trên đảo Tahiti, 14% dân số đã chết. Trên Samoa, 20%. Nhìn chung, đại dịch này đã giết chết hàng chục triệu người – hoặc có thể lên tới 100 triệu người - trong vòng chưa đầy một năm. Nhiều hơn cả 4 năm chiến tranh tàn khốc của Thế chiến thứ nhất.
1 thế kỷ trôi qua kể từ năm 1918, loài người trở nên mong manh hơn trước dịch bệnh, do việc kết hợp giữa dân số ngày càng gia tăng và giao thông phát triển mạnh mẽ hơn. Một đô thị hiện đại, đông đúc như Tokyo hay Mexico City trở thành nơi lý tưởng để các mầm bệnh phát triển, so với Florence thời trung cổ. Mạng lưới giao thông toàn cầu ngày nay cũng khác xa so với năm 1918. Một loại virus có thể di chuyển từ Paris đến Tokyo và Mexico City trong vòng chưa đầy 24 giờ. Do đó, trên lý thuyết, chúng ta hẳn phải đang sống trong một địa ngục truyền nhiễm, với các bệnh dịch chết người thay phiên nhau bùng nổ.
Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh và ảnh hưởng của dịch bệnh đã thực sự giảm đáng kể. Bất chấp những đợt bùng phát khủng khiếp như AIDS và Ebola, trong thế kỷ hai mươi mốt, dịch bệnh giết chết một tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trước đây kể từ thời kỳ đồ đá. Nguyên nhân là ở đâu? Đó là vì: sự bảo vệ tốt nhất giúp con người chống lại mầm bệnh không phải là sự cô lập - mà là “thông tin”. Nhân loại đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh vì trong cuộc chạy đua vũ trang giữa mầm bệnh và bác sĩ, mầm bệnh dựa vào những sự “đột biến mù” trong khi các bác sĩ dựa vào phân tích thông tin khoa học.
CHIẾN THẮNG CUỘC CHIẾN CHỐNG MẦM BỆNH
Khi Cái chết đen xảy ra vào thế kỷ 14, mọi người không biết nguyên nhân gây ra nó và phải đối phó với nó như thế nào. Ngay cả trong thời kỳ hiện đại, con người vẫn thường đổ lỗi bệnh tật cho: sự giận dữ của các vị thần, ác quỷ mà thậm chí quên khuấy đi sự tồn tại của vi khuẩn và virus. Họ tin vào các thần thánh và các nàng tiên, nhưng họ không thể tưởng tượng rằng một giọt nước cũng có thể chứa cả 1 hạm đội những kẻ săn mồi chết người. Do đó, khi dịch Cái chết đen hoặc bệnh đậu mùa gõ cửa, điều duy nhất mà chính quyền nghĩ đến là khẩn trương lập đàn cầu nguyện cho đủ các thể loại thần thánh. Và hành động đó đã chẳng giúp ích gì. Chưa kể là khi mọi người tụ tập cùng nhau cầu nguyện hàng loạt, thì rất dễ gây ra nhiễm bệnh, dính chưởng hàng loạt.
Trong thế kỷ qua, các nhà khoa học, bác sĩ và y tá trên khắp thế giới đã tổng hợp thông tin và cùng nhau tìm hiểu về cơ chế đằng sau dịch bệnh và cách chống lại chúng. Lý thuyết về sự tiến hóa đã giúp giải thích tại sao và làm thế nào các bệnh mới bùng phát và các bệnh cũ trở nên độc hại hơn. Di truyền học cho phép các nhà khoa học theo dõi “cách hành xử” của những mầm bệnh. Trong khi người Trung Cổ chưa bao giờ phát hiện ra nguyên nhân gây ra Cái chết đen, thì các nhà khoa học ngày nay chỉ mất hai tuần để xác định được coronavirus mới, giải mã bộ gen của nó và thiết kế cách thử nghiệm đáng tin cậy để xác định được người nhiễm bệnh.
Một khi các nhà khoa học tìm hiểu được nguyên nhân gây ra dịch bệnh, việc chống lại chúng trở nên dễ dàng hơn nhiều. Vắc-xin, kháng sinh, vệ sinh được cải thiện, cơ sở hạ tầng y tế tốt hơn đã cho phép loài người chiếm thế thượng phong trước những kẻ săn mồi vô hình. Năm 1967, bệnh đậu mùa vẫn còn lây nhiễm cho hơn 15 triệu người và giết chết 2 triệu người. Vậy mà chỉ hơn 10 năm sau, một chiến dịch tiêm phòng bệnh đậu mùa toàn cầu đã thành công đến mức, đến năm 1979, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng nhân loại đã chiến thắng, và bệnh đậu mùa đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Năm 2019, không còn bất cứ một ai trên thế giới bị nhiễm bệnh hoặc bị chết vì bệnh đậu mùa.
BẢO VỆ BIÊN GIỚI CỦA CHÚNG TA
Lịch sử trên dạy chúng ta điều gì về dịch Covid-19 hiện tại?
Đầu tiên, nó ngụ ý rằng bạn không thể tự bảo vệ mình bằng cách đóng cửa biên giới vĩnh viễn. Hãy nhớ rằng dịch bệnh lây lan nhanh chóng ngay cả trong thời trung cổ, rất lâu trước thời đại toàn cầu hóa. Vì vậy, ngay cả khi bạn giảm các kết nối toàn cầu của mình xuống mức của Anh vào năm 1348 - điều đó vẫn không đủ. Để thực sự bảo vệ bản thân thông qua sự cô lập, bạn sẽ phải trở về thời kỳ đồ đá. Bạn có thể làm điều đó không?
Thứ hai, lịch sử chỉ ra rằng sự bảo vệ thực sự đến từ việc chia sẻ thông tin khoa học đáng tin cậy và từ sự đoàn kết toàn cầu. Khi một quốc gia bị dịch bệnh tấn công, họ nên sẵn sàng chia sẻ trung thực thông tin về sự bùng phát mà không sợ thảm họa kinh tế - và các quốc gia khác phải có thể tin tưởng vào thông tin đó, và nên sẵn sàng giúp đỡ, hơn là tẩy chay nạn nhân. Ngày nay, Trung Quốc có thể dạy cho các quốc gia trên toàn thế giới rất nhiều bài học quan trọng về Covid-19, nhưng điều này đòi hỏi sự tin tưởng và hợp tác quốc tế rất cao.
Hợp tác quốc tế là rất cần thiết để có các biện pháp kiểm dịch hiệu quả. Cách ly và phong tỏa là điều cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhưng khi các quốc gia không tin tưởng lẫn nhau và mỗi quốc gia đều cảm thấy rằng họ phải tự đương đầu một mình, các chính phủ đều ngần ngại khi đưa ra các biện pháp quyết liệt đó. Nếu bạn phát hiện ra 100 trường hợp nhiễm corona ở nước bạn, bạn sẽ ngay lập tức phong tỏa toàn bộ thành phố và khu vực? Điều đó còn tùy thuộc vào những gì bạn mong đợi từ các quốc gia khác. Khóa chặt các thành phố của riêng quốc gia mình có thể dẫn đến sụp đổ kinh tế. Nếu bạn nghĩ rằng các quốc gia khác sẽ giúp đỡ bạn - bạn sẽ có nhiều khả năng áp dụng biện pháp quyết liệt này. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng các quốc gia khác sẽ bỏ rơi bạn, có lẽ bạn sẽ do dự cho đến khi quá muộn.
Có lẽ, điều quan trọng nhất mà mọi người nên nhận ra về dịch bệnh như thế này, đó là: Sự lây lan của dịch bệnh ở bất kỳ quốc gia nào đều có thể gây nguy hiểm cho “toàn bộ loài người”. Điều này là do sự tiến hoa của virus. Virus như corona bắt nguồn từ động vật, ví dụ như dơi. Khi chúng nhảy sang người, ban đầu virus không thích nghi với vật chủ của con người. Trong lúc nhân rộng lên bên trong con người, virus thỉnh thoảng sẽ đột biến. Hầu hết các đột biến là vô hại. Nhưng đôi khi một đột biến có thể vô tình làm cho vi-rút lây nhiễm nhiều hơn hoặc kháng lại hệ thống miễn dịch của con người một cách mạnh mẽ hơn - và chủng vi-rút đột biến này sau đó sẽ nhanh chóng lây lan trong quần thể người. Vì một người có thể lưu trữ hàng nghìn tỷ hạt vi rút trải qua quá trình sao chép liên tục, mỗi người nhiễm bệnh mang lại hàng nghìn tỷ cơ hội mới để virus thích nghi hơn với con người. Mỗi người mang mầm bệnh giống như một cỗ máy đánh bạc cung cấp cho virus hàng nghìn tỷ vé xổ số - và con virus chỉ cần rút ra đúng một vé trúng thưởng để bùng nổ.
Đây không đơn thuần là sự suy đoán. Trong cuốn sách “Khủng hoảng tại Khu vực Đỏ”, Richard Preston mô tả chính xác một chuỗi các sự kiện như vậy trong vụ dịch Ebola 2014. Sự bùng phát bắt đầu khi một số con virus Ebola nhảy từ dơi sang người. Những con virus này khiến con người bị bệnh, nhưng thực ra chúng vẫn thích nghi với việc sống bên trong loài dơi hơn là trong cơ thể con người. Điều đã biến Ebola từ một căn bệnh tương đối hiếm gặp thành một dịch bệnh hoành hành là do một đột biến duy nhất ở một gen duy nhất ở một loại virus Ebola đã lây nhiễm cho một người duy nhất, ở một nơi nào đó trong khu vực Makona ở Tây Phi. Đột biến này đã cho phép chủng Ebola đột biến - được gọi là chủng Makona - liên kết với các chất vận chuyển cholesterol của tế bào con người. Nhờ vào đột biến đó, những chất vận chuyển này đã nhầm lẫn và kéo Ebola thay vì cholesterol vào các tế bào. Chủng Makona mới này trở nên dễ lây nhiễm hơn gấp bốn lần cho con người.
Khi bạn đọc đến đây, có lẽ một đột biến tương tự đang diễn ra trong một gen duy nhất của coronavirus đã lây nhiễm cho người bất kỳ nào đó ở Tehran, Milan hoặc Vũ Hán. Nếu điều này thực sự xảy ra, đây là mối đe dọa trực tiếp không chỉ với người Iran, hoặc người Ý, hay người Trung Quốc, mà có thể đe dọa cả mạng sống của chính bạn nữa. Mọi người trên khắp thế giới đều chia sẻ mối quan tâm sinh-tử này và bằng mọi giá không thể để cho coronavirus có một cơ hội như vậy. Và điều đó có nghĩa là chúng ta cần bảo vệ tất cả mọi người, ở mọi quốc gia.
Trong những năm 1970, loài người đã đánh bại được virus đậu mùa vì tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia đều được tiêm phòng vắc-xin bệnh đậu mùa. Nếu thậm chí một quốc gia không tiêm phòng cho dân số của mình, nó có thể gây nguy hiểm cho toàn nhân loại, bởi vì chừng nào virut đậu mùa còn tồn tại và phát triển ở đâu đó, nó luôn có thể lây lan trở lại ở mọi nơi.
Trong cuộc chiến chống lại virus, loài người cần bảo vệ chặt chẽ biên giới. Nhưng không phải biên giới giữa các quốc gia. Thay vào đó, nó cần bảo vệ biên giới giữa thế giới loài người và phạm vi virus. Hành tinh trái đất đang hợp tác với vô số chủng loại vi-rút và các vi-rút mới liên tục phát triển do đột biến gen. Đường biên giới ngăn cách quả cầu virus này với thế giới loài người nằm bên trong cơ thể của mỗi con người. Nếu một loại virus nguy hiểm nào có thể xâm nhập được vào đường biên giới này ở bất cứ đâu trên trái đất, nó sẽ khiến cả loài người gặp nguy hiểm.
Trong thế kỷ qua, nhân loại đã củng cố “đường biên giới” này hơn bao giờ hết. Các hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại đã được xây dựng để phục vụ như một bức tường ở biên giới đó, và các y tá, bác sĩ và nhà khoa học là những người bảo vệ tuần tra và đẩy lùi những kẻ xâm nhập. Tuy nhiên, có một khoảng rất dài của “đường biên giới” này vẫn còn đang bị bỏ trống, không ai canh gác. Có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới thậm chí còn thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Điều này đem đến nguy hiểm cho tất cả chúng ta. Chúng ta đã quen nghĩ về khái niệm ‘y tế’ theo phạm trù quốc gia, nhưng việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn cho người Iran và người Trung Quốc sẽ giúp bảo vệ người Israel và người Mỹ khỏi dịch bệnh. Sự thật này đăng lý ra vô cùng đơn giản và rõ rành rành với tất cả chúng ta, nhưng thật đáng tiếc là ngay cả một số những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trên thế giới cũng không quan tâm.
MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ NGƯỜI LÃNH ĐẠO
Ngày nay, loài người phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng cấp bách không chỉ do virus corona mà còn do sự thiếu tin tưởng giữa con người. Để đánh bại một dịch bệnh, mọi người cần phải tin tưởng các chuyên gia khoa học, công dân cần tin tưởng các cơ quan chính quyền, và các quốc gia cần tin tưởng lẫn nhau. Trong vài năm qua, một số các chính trị gia vô trách nhiệm đã cố tình phá hoại niềm tin vào khoa học, các cơ quan công quyền và cả vào sự hợp tác quốc tế. Do đó, chúng ta hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng này trong lúc lại thiếu đi một nhà lãnh đạo thế giới, người có thể truyền cảm hứng, tổ chức và tài trợ cho một phản ứng phối hợp toàn cầu.
Trong đại dịch Ebola 2014, Hoa Kỳ đã đóng vai trò là nhà lãnh đạo đó. Hoa Kỳ đã hoàn thành vai trò tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi nước này dẫn dắt, quy tụ đủ các quốc gia để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã từ bỏ vai trò là nhà lãnh đạo thế giới. Chính quyền Hoa Kỳ hiện tại đã cắt giảm hỗ trợ cho các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới và đã nói rõ với thế giới rằng Hoa Kỳ không còn bạn bè thực sự - chỉ có lợi ích của chính quốc gia này. Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 nổ ra, Hoa Kỳ đứng bên lề theo dõi và cho đến nay đã dứt khoát không giữ vai trò lãnh đạo. Đến phút cuối cùng, khi Hoa Kỳ quay trở lại và cố gắng nắm quyền lãnh đạo thì đã quá muộn màng; niềm tin vào chính quyền Hoa Kỳ hiện tại đã bị xói mòn đến mức sẽ rất ít quốc gia sẵn sàng đi theo nó. Bạn có đi theo một người lãnh đạo có phương châm là “Cái gì cũng phải dành cho Tôi trước” không?
Đáng buồn hơn, khoảng trống của Hoa Kỳ đã không được lấp đầy bởi bất kỳ ai khác. Thậm chí ngược lại. Xenophobia, chủ nghĩa cô lập và mất lòng tin hiện nay là đặc điểm của hầu hết các hệ thống quốc tế. Nếu không có niềm tin và sự đoàn kết toàn cầu, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn dịch Covid-19 và chúng ta có thể sẽ còn thấy nhiều dịch bệnh như vậy trong tương lai. Nhưng mỗi cuộc khủng hoảng cũng là một cơ hội. Hy vọng rằng dịch bệnh hiện tại sẽ giúp loài người nhận ra mối nguy hiểm cấp bách do sự mất đoàn kết toàn cầu.
Lấy một ví dụ nổi bật, dịch bệnh đã có thể là cơ hội vàng cho khối E.U. lấy lại sự ủng hộ mà nó đã mất trong những năm gần đây. Nếu những nước thành viên may mắn hơn của E.U. đã nhanh chóng và hào phóng gửi viện trợ, thiết bị và nhân viên y tế để giúp đỡ những nước thành viên bị ảnh hưởng nặng nề (Ý), thì chắc hẳn giá trị của “lý tưởng châu Âu” đã được chứng minh; và thậm chí còn hiệu quả hơn bất kỳ bài diễn thuyết nào. Ngược lại, nếu mỗi quốc gia chỉ còn cách tự bảo vệ mình, thì dịch bệnh này có thể sẽ là tiếng chuông báo tử của liên minh E.U.
Trong thời khắc khủng hoảng này, cuộc đấu tranh quyết định thực sự lại đang diễn ra trong chính loài người. Nếu dịch bệnh này dẫn đến sự mất đoàn kết và mất lòng tin lớn hơn ở con người, thì đó sẽ là chiến thắng lớn nhất của virus. Trong khi con người vật vã, virus lại tăng gấp đôi. Ngược lại, nếu dịch bệnh dẫn đến một sự hợp tác toàn cầu chặt chẽ hơn, đó sẽ là một chiến thắng không chỉ với Covid-19, mà còn chống lại tất cả các mầm dịch bệnh trong tương lai.
Bài dịch từ: https://time.com/5803225/yuval-noah-harari-coronavirus-humanity-leadership/
Người dịch: Trang Phan fb.com/TrangPhan211/posts/10156735683106433
Nhiều người cho rằng dịch bệnh covid-19 xảy ra là do “toàn cầu hóa”, và tuyên bố rằng cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh như covid-19 là phải bỏ đi hẳn việc toàn cầu hóa thế giới. Xây tường, hạn chế đi lại, giảm buôn bán. Tuy nhiên, trong khi kiểm dịch ngắn hạn là điều cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh, thì sự cô lập lâu dài sẽ dẫn đến sụp đổ kinh tế trong khi không đem lại sự bảo vệ, phòng chống thực sự nào trước các bệnh truyền nhiễm. Ngược lại thì đúng hơn! Thuốc giải độc thực sự cho dịch bệnh không phải là sự phân chia, mà là sự hợp tác.
Bệnh dịch đã giết chết hàng triệu người từ rất lâu, trước cả thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Vào thế kỷ 14, không có máy bay và tàu du lịch, nhưng Cái chết đen (Black Death) đã lan từ Đông Á sang Tây Âu trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Nó đã giết chết từ 75 triệu đến 200 triệu người - hơn một phần tư dân số Á-Âu. Ở Anh, bốn trong số mười người chết. Thành phố Florence (Ý) đã mất đi 50.000 trên tổng số 100.000 dân.
Vào tháng 3 năm 1520, một người nhiễm bệnh đậu mùa duy nhất - Francisco de Eguía - đã đến Mexico. Vào thời điểm đó, Trung Mỹ không có xe lửa, xe buýt, thậm chí còn không có cả lừa. Tuy nhiên, đến tháng 12, một bệnh dịch đậu mùa đã tàn phá toàn bộ Trung Mỹ, giết chết theo một số ước tính lên tới một phần ba dân số vùng này.
Năm 1918, một chủng cúm đặc biệt hiểm độc đã lan truyền chỉ trong vòng vài tháng tới các ngõ ngách xa xôi nhất trên thế giới. Nó đã lây nhiễm cho nửa tỷ người - hơn một phần tư dân số loài người lúc đó. Ước tính, dịch cúm này đã giết chết 5% dân số Ấn Độ. Trên đảo Tahiti, 14% dân số đã chết. Trên Samoa, 20%. Nhìn chung, đại dịch này đã giết chết hàng chục triệu người – hoặc có thể lên tới 100 triệu người - trong vòng chưa đầy một năm. Nhiều hơn cả 4 năm chiến tranh tàn khốc của Thế chiến thứ nhất.
1 thế kỷ trôi qua kể từ năm 1918, loài người trở nên mong manh hơn trước dịch bệnh, do việc kết hợp giữa dân số ngày càng gia tăng và giao thông phát triển mạnh mẽ hơn. Một đô thị hiện đại, đông đúc như Tokyo hay Mexico City trở thành nơi lý tưởng để các mầm bệnh phát triển, so với Florence thời trung cổ. Mạng lưới giao thông toàn cầu ngày nay cũng khác xa so với năm 1918. Một loại virus có thể di chuyển từ Paris đến Tokyo và Mexico City trong vòng chưa đầy 24 giờ. Do đó, trên lý thuyết, chúng ta hẳn phải đang sống trong một địa ngục truyền nhiễm, với các bệnh dịch chết người thay phiên nhau bùng nổ.
Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh và ảnh hưởng của dịch bệnh đã thực sự giảm đáng kể. Bất chấp những đợt bùng phát khủng khiếp như AIDS và Ebola, trong thế kỷ hai mươi mốt, dịch bệnh giết chết một tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trước đây kể từ thời kỳ đồ đá. Nguyên nhân là ở đâu? Đó là vì: sự bảo vệ tốt nhất giúp con người chống lại mầm bệnh không phải là sự cô lập - mà là “thông tin”. Nhân loại đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh vì trong cuộc chạy đua vũ trang giữa mầm bệnh và bác sĩ, mầm bệnh dựa vào những sự “đột biến mù” trong khi các bác sĩ dựa vào phân tích thông tin khoa học.
CHIẾN THẮNG CUỘC CHIẾN CHỐNG MẦM BỆNH
Khi Cái chết đen xảy ra vào thế kỷ 14, mọi người không biết nguyên nhân gây ra nó và phải đối phó với nó như thế nào. Ngay cả trong thời kỳ hiện đại, con người vẫn thường đổ lỗi bệnh tật cho: sự giận dữ của các vị thần, ác quỷ mà thậm chí quên khuấy đi sự tồn tại của vi khuẩn và virus. Họ tin vào các thần thánh và các nàng tiên, nhưng họ không thể tưởng tượng rằng một giọt nước cũng có thể chứa cả 1 hạm đội những kẻ săn mồi chết người. Do đó, khi dịch Cái chết đen hoặc bệnh đậu mùa gõ cửa, điều duy nhất mà chính quyền nghĩ đến là khẩn trương lập đàn cầu nguyện cho đủ các thể loại thần thánh. Và hành động đó đã chẳng giúp ích gì. Chưa kể là khi mọi người tụ tập cùng nhau cầu nguyện hàng loạt, thì rất dễ gây ra nhiễm bệnh, dính chưởng hàng loạt.
Trong thế kỷ qua, các nhà khoa học, bác sĩ và y tá trên khắp thế giới đã tổng hợp thông tin và cùng nhau tìm hiểu về cơ chế đằng sau dịch bệnh và cách chống lại chúng. Lý thuyết về sự tiến hóa đã giúp giải thích tại sao và làm thế nào các bệnh mới bùng phát và các bệnh cũ trở nên độc hại hơn. Di truyền học cho phép các nhà khoa học theo dõi “cách hành xử” của những mầm bệnh. Trong khi người Trung Cổ chưa bao giờ phát hiện ra nguyên nhân gây ra Cái chết đen, thì các nhà khoa học ngày nay chỉ mất hai tuần để xác định được coronavirus mới, giải mã bộ gen của nó và thiết kế cách thử nghiệm đáng tin cậy để xác định được người nhiễm bệnh.
Một khi các nhà khoa học tìm hiểu được nguyên nhân gây ra dịch bệnh, việc chống lại chúng trở nên dễ dàng hơn nhiều. Vắc-xin, kháng sinh, vệ sinh được cải thiện, cơ sở hạ tầng y tế tốt hơn đã cho phép loài người chiếm thế thượng phong trước những kẻ săn mồi vô hình. Năm 1967, bệnh đậu mùa vẫn còn lây nhiễm cho hơn 15 triệu người và giết chết 2 triệu người. Vậy mà chỉ hơn 10 năm sau, một chiến dịch tiêm phòng bệnh đậu mùa toàn cầu đã thành công đến mức, đến năm 1979, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng nhân loại đã chiến thắng, và bệnh đậu mùa đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Năm 2019, không còn bất cứ một ai trên thế giới bị nhiễm bệnh hoặc bị chết vì bệnh đậu mùa.
BẢO VỆ BIÊN GIỚI CỦA CHÚNG TA
Lịch sử trên dạy chúng ta điều gì về dịch Covid-19 hiện tại?
Đầu tiên, nó ngụ ý rằng bạn không thể tự bảo vệ mình bằng cách đóng cửa biên giới vĩnh viễn. Hãy nhớ rằng dịch bệnh lây lan nhanh chóng ngay cả trong thời trung cổ, rất lâu trước thời đại toàn cầu hóa. Vì vậy, ngay cả khi bạn giảm các kết nối toàn cầu của mình xuống mức của Anh vào năm 1348 - điều đó vẫn không đủ. Để thực sự bảo vệ bản thân thông qua sự cô lập, bạn sẽ phải trở về thời kỳ đồ đá. Bạn có thể làm điều đó không?
Thứ hai, lịch sử chỉ ra rằng sự bảo vệ thực sự đến từ việc chia sẻ thông tin khoa học đáng tin cậy và từ sự đoàn kết toàn cầu. Khi một quốc gia bị dịch bệnh tấn công, họ nên sẵn sàng chia sẻ trung thực thông tin về sự bùng phát mà không sợ thảm họa kinh tế - và các quốc gia khác phải có thể tin tưởng vào thông tin đó, và nên sẵn sàng giúp đỡ, hơn là tẩy chay nạn nhân. Ngày nay, Trung Quốc có thể dạy cho các quốc gia trên toàn thế giới rất nhiều bài học quan trọng về Covid-19, nhưng điều này đòi hỏi sự tin tưởng và hợp tác quốc tế rất cao.
Hợp tác quốc tế là rất cần thiết để có các biện pháp kiểm dịch hiệu quả. Cách ly và phong tỏa là điều cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhưng khi các quốc gia không tin tưởng lẫn nhau và mỗi quốc gia đều cảm thấy rằng họ phải tự đương đầu một mình, các chính phủ đều ngần ngại khi đưa ra các biện pháp quyết liệt đó. Nếu bạn phát hiện ra 100 trường hợp nhiễm corona ở nước bạn, bạn sẽ ngay lập tức phong tỏa toàn bộ thành phố và khu vực? Điều đó còn tùy thuộc vào những gì bạn mong đợi từ các quốc gia khác. Khóa chặt các thành phố của riêng quốc gia mình có thể dẫn đến sụp đổ kinh tế. Nếu bạn nghĩ rằng các quốc gia khác sẽ giúp đỡ bạn - bạn sẽ có nhiều khả năng áp dụng biện pháp quyết liệt này. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng các quốc gia khác sẽ bỏ rơi bạn, có lẽ bạn sẽ do dự cho đến khi quá muộn.
Có lẽ, điều quan trọng nhất mà mọi người nên nhận ra về dịch bệnh như thế này, đó là: Sự lây lan của dịch bệnh ở bất kỳ quốc gia nào đều có thể gây nguy hiểm cho “toàn bộ loài người”. Điều này là do sự tiến hoa của virus. Virus như corona bắt nguồn từ động vật, ví dụ như dơi. Khi chúng nhảy sang người, ban đầu virus không thích nghi với vật chủ của con người. Trong lúc nhân rộng lên bên trong con người, virus thỉnh thoảng sẽ đột biến. Hầu hết các đột biến là vô hại. Nhưng đôi khi một đột biến có thể vô tình làm cho vi-rút lây nhiễm nhiều hơn hoặc kháng lại hệ thống miễn dịch của con người một cách mạnh mẽ hơn - và chủng vi-rút đột biến này sau đó sẽ nhanh chóng lây lan trong quần thể người. Vì một người có thể lưu trữ hàng nghìn tỷ hạt vi rút trải qua quá trình sao chép liên tục, mỗi người nhiễm bệnh mang lại hàng nghìn tỷ cơ hội mới để virus thích nghi hơn với con người. Mỗi người mang mầm bệnh giống như một cỗ máy đánh bạc cung cấp cho virus hàng nghìn tỷ vé xổ số - và con virus chỉ cần rút ra đúng một vé trúng thưởng để bùng nổ.
Đây không đơn thuần là sự suy đoán. Trong cuốn sách “Khủng hoảng tại Khu vực Đỏ”, Richard Preston mô tả chính xác một chuỗi các sự kiện như vậy trong vụ dịch Ebola 2014. Sự bùng phát bắt đầu khi một số con virus Ebola nhảy từ dơi sang người. Những con virus này khiến con người bị bệnh, nhưng thực ra chúng vẫn thích nghi với việc sống bên trong loài dơi hơn là trong cơ thể con người. Điều đã biến Ebola từ một căn bệnh tương đối hiếm gặp thành một dịch bệnh hoành hành là do một đột biến duy nhất ở một gen duy nhất ở một loại virus Ebola đã lây nhiễm cho một người duy nhất, ở một nơi nào đó trong khu vực Makona ở Tây Phi. Đột biến này đã cho phép chủng Ebola đột biến - được gọi là chủng Makona - liên kết với các chất vận chuyển cholesterol của tế bào con người. Nhờ vào đột biến đó, những chất vận chuyển này đã nhầm lẫn và kéo Ebola thay vì cholesterol vào các tế bào. Chủng Makona mới này trở nên dễ lây nhiễm hơn gấp bốn lần cho con người.
Khi bạn đọc đến đây, có lẽ một đột biến tương tự đang diễn ra trong một gen duy nhất của coronavirus đã lây nhiễm cho người bất kỳ nào đó ở Tehran, Milan hoặc Vũ Hán. Nếu điều này thực sự xảy ra, đây là mối đe dọa trực tiếp không chỉ với người Iran, hoặc người Ý, hay người Trung Quốc, mà có thể đe dọa cả mạng sống của chính bạn nữa. Mọi người trên khắp thế giới đều chia sẻ mối quan tâm sinh-tử này và bằng mọi giá không thể để cho coronavirus có một cơ hội như vậy. Và điều đó có nghĩa là chúng ta cần bảo vệ tất cả mọi người, ở mọi quốc gia.
Trong những năm 1970, loài người đã đánh bại được virus đậu mùa vì tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia đều được tiêm phòng vắc-xin bệnh đậu mùa. Nếu thậm chí một quốc gia không tiêm phòng cho dân số của mình, nó có thể gây nguy hiểm cho toàn nhân loại, bởi vì chừng nào virut đậu mùa còn tồn tại và phát triển ở đâu đó, nó luôn có thể lây lan trở lại ở mọi nơi.
Trong cuộc chiến chống lại virus, loài người cần bảo vệ chặt chẽ biên giới. Nhưng không phải biên giới giữa các quốc gia. Thay vào đó, nó cần bảo vệ biên giới giữa thế giới loài người và phạm vi virus. Hành tinh trái đất đang hợp tác với vô số chủng loại vi-rút và các vi-rút mới liên tục phát triển do đột biến gen. Đường biên giới ngăn cách quả cầu virus này với thế giới loài người nằm bên trong cơ thể của mỗi con người. Nếu một loại virus nguy hiểm nào có thể xâm nhập được vào đường biên giới này ở bất cứ đâu trên trái đất, nó sẽ khiến cả loài người gặp nguy hiểm.
Trong thế kỷ qua, nhân loại đã củng cố “đường biên giới” này hơn bao giờ hết. Các hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại đã được xây dựng để phục vụ như một bức tường ở biên giới đó, và các y tá, bác sĩ và nhà khoa học là những người bảo vệ tuần tra và đẩy lùi những kẻ xâm nhập. Tuy nhiên, có một khoảng rất dài của “đường biên giới” này vẫn còn đang bị bỏ trống, không ai canh gác. Có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới thậm chí còn thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Điều này đem đến nguy hiểm cho tất cả chúng ta. Chúng ta đã quen nghĩ về khái niệm ‘y tế’ theo phạm trù quốc gia, nhưng việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn cho người Iran và người Trung Quốc sẽ giúp bảo vệ người Israel và người Mỹ khỏi dịch bệnh. Sự thật này đăng lý ra vô cùng đơn giản và rõ rành rành với tất cả chúng ta, nhưng thật đáng tiếc là ngay cả một số những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trên thế giới cũng không quan tâm.
MỘT THẾ GIỚI KHÔNG CÓ NGƯỜI LÃNH ĐẠO
Ngày nay, loài người phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng cấp bách không chỉ do virus corona mà còn do sự thiếu tin tưởng giữa con người. Để đánh bại một dịch bệnh, mọi người cần phải tin tưởng các chuyên gia khoa học, công dân cần tin tưởng các cơ quan chính quyền, và các quốc gia cần tin tưởng lẫn nhau. Trong vài năm qua, một số các chính trị gia vô trách nhiệm đã cố tình phá hoại niềm tin vào khoa học, các cơ quan công quyền và cả vào sự hợp tác quốc tế. Do đó, chúng ta hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng này trong lúc lại thiếu đi một nhà lãnh đạo thế giới, người có thể truyền cảm hứng, tổ chức và tài trợ cho một phản ứng phối hợp toàn cầu.
Trong đại dịch Ebola 2014, Hoa Kỳ đã đóng vai trò là nhà lãnh đạo đó. Hoa Kỳ đã hoàn thành vai trò tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi nước này dẫn dắt, quy tụ đủ các quốc gia để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã từ bỏ vai trò là nhà lãnh đạo thế giới. Chính quyền Hoa Kỳ hiện tại đã cắt giảm hỗ trợ cho các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới và đã nói rõ với thế giới rằng Hoa Kỳ không còn bạn bè thực sự - chỉ có lợi ích của chính quốc gia này. Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 nổ ra, Hoa Kỳ đứng bên lề theo dõi và cho đến nay đã dứt khoát không giữ vai trò lãnh đạo. Đến phút cuối cùng, khi Hoa Kỳ quay trở lại và cố gắng nắm quyền lãnh đạo thì đã quá muộn màng; niềm tin vào chính quyền Hoa Kỳ hiện tại đã bị xói mòn đến mức sẽ rất ít quốc gia sẵn sàng đi theo nó. Bạn có đi theo một người lãnh đạo có phương châm là “Cái gì cũng phải dành cho Tôi trước” không?
Đáng buồn hơn, khoảng trống của Hoa Kỳ đã không được lấp đầy bởi bất kỳ ai khác. Thậm chí ngược lại. Xenophobia, chủ nghĩa cô lập và mất lòng tin hiện nay là đặc điểm của hầu hết các hệ thống quốc tế. Nếu không có niềm tin và sự đoàn kết toàn cầu, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn dịch Covid-19 và chúng ta có thể sẽ còn thấy nhiều dịch bệnh như vậy trong tương lai. Nhưng mỗi cuộc khủng hoảng cũng là một cơ hội. Hy vọng rằng dịch bệnh hiện tại sẽ giúp loài người nhận ra mối nguy hiểm cấp bách do sự mất đoàn kết toàn cầu.
Lấy một ví dụ nổi bật, dịch bệnh đã có thể là cơ hội vàng cho khối E.U. lấy lại sự ủng hộ mà nó đã mất trong những năm gần đây. Nếu những nước thành viên may mắn hơn của E.U. đã nhanh chóng và hào phóng gửi viện trợ, thiết bị và nhân viên y tế để giúp đỡ những nước thành viên bị ảnh hưởng nặng nề (Ý), thì chắc hẳn giá trị của “lý tưởng châu Âu” đã được chứng minh; và thậm chí còn hiệu quả hơn bất kỳ bài diễn thuyết nào. Ngược lại, nếu mỗi quốc gia chỉ còn cách tự bảo vệ mình, thì dịch bệnh này có thể sẽ là tiếng chuông báo tử của liên minh E.U.
Trong thời khắc khủng hoảng này, cuộc đấu tranh quyết định thực sự lại đang diễn ra trong chính loài người. Nếu dịch bệnh này dẫn đến sự mất đoàn kết và mất lòng tin lớn hơn ở con người, thì đó sẽ là chiến thắng lớn nhất của virus. Trong khi con người vật vã, virus lại tăng gấp đôi. Ngược lại, nếu dịch bệnh dẫn đến một sự hợp tác toàn cầu chặt chẽ hơn, đó sẽ là một chiến thắng không chỉ với Covid-19, mà còn chống lại tất cả các mầm dịch bệnh trong tương lai.
Bài dịch từ: https://time.com/5803225/yuval-noah-harari-coronavirus-humanity-leadership/
Người dịch: Trang Phan fb.com/TrangPhan211/posts/10156735683106433