Trận đánh AUSTERLIZ đã đưa Napoleon lên ngôi bá chủ Châu Âu như thế nào?

Business
Ngày 2/12 là một ngày đáng nhớ. Ngày hơm nay là ngày diễn ra rận đánh Austerliz lừng danh, trận đánh vĩ đại nhất của Napoleon, xác lập vị trí bá chủ Châu Âu của người Pháp. Trận đánh này còn được gọi là Trận Ba Vua hay Trận Tam Hoàng Đế vì sự góp mặt của 3 ông vua từ 3 đất nước hùng mạnh trên toàn cõi châu Âu thời bấy giờ: Napoleon - Aleksandr - Frank II (Thật ra trên chiến trường thì chỉ có vua Pháp và vua Nga thôi, vua Áo trốn hơi xa, cách chiến trường chừng 100 km).

napoleon.jpg

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Trước khi trận chiến này diễn ra không lấy gì làm dễ chịu cho người Pháp:

- Quân Anh chu cấp tiền cho các nước Châu Âu để họ chống lại nước Pháp, Hải quân Pháp - TBN vừa bị quân Anh đánh tan trong trận Tralfagar nổi tiếng trước đó 40 ngày.
- Trên đất liền, các nước Châu Âu đã hình thành Liên Minh thứ ba để chống Pháp, hai nước mạnh nhất trong liên minh này là Áo và Nga.
- Nước Phổ đã có hòa ước trước đó với Pháp nhưng đang "lung lay" trước những đề nghị từ người Anh, đang lăm le nhảy vào phe Liên Minh.

Trước đó Napoleon đã dẫn quân đánh kẻ thù ở gần, tức là Áo trước và thắng như chẻ tre, chiếm kinh thành Vienna, thắng lớn ở pháo đài Ulm, buộc đạo quân chủ lực của quân Áo đầu hàng. Tuy nhiên, vấn đề lớn đã xuất hiện: Quân đội Áo vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn, từ phía đông, quân Nga do Sa Hoàng Aleksandr II thân chinh đến tăng viện cho quân Áo, hoàng đế Áo Frank II mang quân Áo chạy về phía đông hợp binh với quân Nga.

Càng tiến xa về phía đông, tuyến hậu cần quân Pháp càng bị kéo dài, quân chính quy càng phải dàn trải để giữ các vùng đã chiếm. Napoleon cần một trận chiến nhanh chóng để đánh gục hoàn toàn đối phương. Tháng 11 năm 1805, Napoleon cùng đại quân đã có mặt ở Austerliz, một vùng đồng bằng thuộc cộng hòa Czech ngày nay, ông đã chọn nơi này làm chiến trường cho trận đánh để đời của mình.

II. TÌNH HÌNH TRƯỚC TRẬN CHIẾN
Phe Liên Minh (Áo - Nga) có 1 chỉ huy tài năng, chính là Kutuzov lừng danh. Ông biết rằng càng kéo dài thời gian, quân Pháp sẽ càng gặp nhiều vấn đề và không hề giấu diếm ý định phòng ngự tiêu cực: "Tại Galicia (thuộc Ba Lan ngày nay - cực đông nước Áo) tôi sẽ chôn xương quân Pháp" - tức là ông còn muốn rút tiếp về phía đông nữa. Thế nhưng, có 2 người ko thích ý đồ phòng ngự này, ấy là 2 ông vua Áo - Nga, Frank II và Aleksandr II, hai ông vua này chỉ trích sách lược của Kutuzov là hèn nhát và chỉ làm lợi cho quân Pháp. Ngoài ra 2 ông vua lập luận rằng trong tay họ có 85.000 quân, Napoleon chỉ có 59.000, ko đánh ngay, viện binh Pháp tập trung lại sẽ càng khó đánh.

Napoleon là một bậc thầy về chiến lược, ông biết rằng nếu muốn Liên Minh ra đánh thì phải nhử, ông cho lính buông một số vị trí xung quanh Austerliz, thậm chí buông luôn cao điểm chiến lược, là một quả đồi tên là Pratzen cho quân Liên Minh. Napoleon liên tục gửi các sứ giả đến doanh trại của quân Liên Minh đề nghị đàm phán và ngừng bắn, một động thái giả vờ như ông muốn rút quân. Để chắc ăn hơn, Sa Hoàng cử lại 1 sứ thần của mình qua doanh trại Napoleon để quan sát tình hình. Napoleon tương kế tựu kế khi làm ra vẻ bối rối, hoảng hốt khi nói về quân tình bên mình, đồng thời cho qua những cử chỉ, lời nói có phần "ngạo mạn" của viên sứ thần. Kết quả là cả quần thần Áo và Nga đều bị lừa, chỉ trừ 1 người là Kutuzov, tuy nhiên lúc này lời nói của ông ko còn trọng lượng gì nữa, mọi việc Sa Hoàng đều tự ý định đoạt.

Ý đồ của quân Liên Minh là sẽ đánh nghi binh ở cánh trái, sau đó dồn qua cánh phải là cánh yếu hơn trong quân của Napoleon, từ đó chia cắt đội hình và diệt gọn quân Pháp. Napoleon đọc được ý đồ ấy, ông lại đi tiếp 1 bước nữa: ông điều bớt các quân chủ lực sang trái, gần như bỏ lơi cánh phải, để cho quân Liên Minh thực hiện ý đồ của họ. Đồng thời Napoleon bắt đầu điều các toán quân Pháp của các Thống Chế ở xung quanh tập hợp về, bằng những cuộc hành quân thần tốc, đi liên tục cả đêm, trước khi trận chiến diễn ra, quân đội của Napoleon tại Austerliz đã tăng lên 75.000 chứ không phải là 59.000 như Liên Minh tính toán nữa, ưu thế về quân số xem như ko còn. Ông tính toán rằng :

1/ Cánh phải của quân Pháp sẽ phải chịu những đòn tấn công nặng nề nhưng họ phải trụ được đến người cuối cùng, họ phải trụ được đến khi viện binh của Thống Chế Davout tới kịp chiến trường. Nếu Davout tới chậm, xem như quân Pháp chết chắc.

2/ Quân Pháp tuy đã rút khỏi cao điểm Pratzen nhưng khi chiến cuộc nổ ra, họ buộc phải chiếm ngay lại cao điểm này, từ đây sẽ mở ra 1 đợt tấn công vào trung tâm quân Liên Minh, đập tan trung quân của địch và xé nát chúng.

Như vậy, chiến thuật của Napoleon vừa có sự kết hợp tấn công - phòng ngự - phản công.

III. TRẬN CHIẾN
Rạng sáng ngày 2/12/1805, Napoleon thức dậy vào lúc 5:30 gấp rút ăn sáng bằng món beefsteak Napoleon lừng danh, sau đó bắt đầu trận đánh:

- 6:00 quân Pháp từ các vị trí bắt đầu kéo đến chiến trường.

- 8:00, quân Liên Minh Khai hỏa bắt đầu trận đánh. Đúng như dự tính, quân Liên Minh đánh mạnh vào cánh phải quân Pháp, tuy nhiên họ vẫn đứng vững, thống chế Nicholas Davout cùng đội quân di chuyển suốt đêm của ông đã có mặt kịp thời, tăng viện cho cánh phải.

- 8:45, chỉ huy cánh quân sẽ tiến chiếm đồi Pratzen, Thống chế Soult nóng lòng tiến quân. Napoleon đã hỏi rằng: Cần bao nhiêu thời gian để ông tiến đến chân đồi Pratzen? - Dưới 20 phút, thưa thánh thượng. - Vậy thì, hãy đợi thêm 15 phút nữa. Hoàng đế ra lệnh.

- 9:00, Hoàng đế Napoleon ra lệnh tấn công. "Bây giờ, đây là chính là khoảng khắc". Và, ông còn nói thêm rằng: "Hỡi ba quân ! Bọn địch không cẩn trọng đã tạo cho các Người giáng những đòn quyết định ! Một đòn chí mạng và trận chiến chấm dứt"

Sư đoàn St. Hilaire của Thống Chế Soult bắt đầu tiến lên đồi Pratzen. Quân Nga ở trên đồi bị sương mù che khuất tầm nhìn, nhưng lính Pháp đi ngược lên thì lại xuôi theo hướng mặt trời. "Mặt trời Austerlitz" huyền thoại đã làm tan sương và cổ vũ họ tiến lên. Quân Nga trên đỉnh cao điểm choáng váng khi mặt trời vừa sáng tỏ đã thấy có cơ man quân Pháp đang tiến đánh họ. Sau gần một giờ giao chiến, các đơn vị này phần lớn bị tiêu diệt, nhưng quân Pháp vẫn không dễ gì tràn ngập được cao điểm Pratzen. Các tân binh Áo, dù thiếu kinh nghiệm nhưng vượt trội về số lượng và được cổ vũ bởi tinh thần quân Nga cũng đã tham chiến và chống trả lại một trong những đơn vị thiện chiến nhất của Pháp. Họ thậm chí đã đẩy lui quân Pháp xuống dốc.Trong hơn 20 phút, tình hình trở nên hỗn loạn, Kutuzov trực tiếp chỉ huy quân Nga - Áo bám lấy cao điểm này, vì ông đã nhận định từ trước rằng đây là vị trí hết sức quan trọng, quyết định thành bại của cả trận chiến. Một quả đạn pháo nổ gần vị trí của vị tướng, ông bị thương nặng, máu chảy đầy mặt và xém bị bắt sống. Quân Pháp của Soult nỗ lực mở một đợt xung phong nữa, và lần này thì thành công. Quân Nga phải rút khỏi Pratzen.

Napoleon nhanh chóng di chuyển trung tâm chỉ huy đến đồi Pratzen vừa chiếm được, từ đây, ông tung các cánh quân Pháp vào chiến trường, dù quân Nga kháng cự mạnh mẽ nhưng họ vẫn không thể đảo ngược tình thế. Quân Nga thảm bại tơi bời trước mắt Sa Hoàng Nga và các quần thần. Họ đã nhìn thấy các chiến binh của họ chiến đấu thật dũng cảm, nhưng cuối cùng lại thảm bại. Nhiều Sư đoàn của liên quân Nga - Áo trong cơn hoảng loạn còn phải vứt bỏ vũ khí mà chạy.

Lúc này là 4 giờ chiều và trời đã tối, tiếng súng đã ngưng hoàn toàn. Một cơn gió lạnh thổi mạnh vào những cây sậy phủ tuyết bên đầm lầy Golbach, mang theo tiếng kêu rên của các binh sĩ Pháp đang hấp hối và tiếng reo hò của đại quân Pháp quanh Napoléon I đến tai các thương binh Nga - Áo cùng với các binh sĩ Nga - Áo đang chạy tháo thân. Trận đánh kết thúc, với thắng lợi hoàn toàn thuộc về phía Pháp, có lẽ lời tóm tắt hay nhất về thời điểm khó khăn này của quân Liên minh là từ Nga hoàng Aleksandr: "Chúng ta là những em bé trong bàn tay của một gã khổng lồ."

Trận Austerliz thể hiện đầy đủ nhất thiên tài quân sự của Napoleon: Từ việc chọn địa điểm trận đánh, dẫn dắt quân địch đánh theo ý mình, đến đòn ngoại giao, điều binh, và chọn thời điểm đánh thích hợp. Tất cả những điều ấy diễn ra nhịp nhàng và chính xác như một cỗ máy được lập trình. Ngoài ra cũng phải kể tới sự phối hợp nhuần nhuyễn của quân Pháp: Hành quân thần tốc và chấp hành chính xác mệnh lệnh của chỉ huy: Quân Pháp nhanh chóng bỏ cao điểm Pratzen 2 ngày trước trận đánh và lập tức xông lên chiếm lại ngay khi trận đánh vừa diễn ra mà không hề nao núng. Chiến thắng ở Austerliz xứng đáng là trận thắng vĩ đại nhất của Napoleon và quân Pháp dưới thời Napoleon.

Tin Napoléon thắng trận Austerlitz chuyển đến Anh Quốc, khiến giới chức Anh bất ngờ tột độ, đến nỗi họ không thể tin được.Thủ tướng William Pitt Trẻ đổ bệnh và ông qua đời vào ngày 16 tháng 1 năm 1806. Trận đánh này cũng làm cho Hoàng Đế Frank II phải từ bỏ tước vị Hoàng Đế La Mã Thần Thánh, kể từ giờ ông chỉ còn là Hoàng Đế Áo. Đế Chế La Mã Thần Thánh tồn tại hơn 800 năm ở Châu Âu đã bị giũ sổ một cách không kèn không trống như thế.

=.=.= Darniel Kovacevic =.=.=
#LichSuPhuongTay