Tình người | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software. 

All the knowledge we share is completely free. If you are willing, please support us here.

×

Tình người

malemkhoang

Rìu Chiến
Chiều 30 tết, mọi người đổ đến chợ, hối hả chọn mua những thứ hàng còn thiếu. Quỳnh lững thững bước vào hàng hoa, trời cũng đã muộn, số người bán hoa đã về vãn, chỉ còn lại ít người, thấy cô, mấy người bán rối rít mời.

Cô khẽ gật đầu đáp lại, cô thấy có hai đứa bé tầm 8, 10 tuổi đang ngồi cuối dãy, cạnh cây đào nhỏ, cậu con trai có vẻ sốt ruột, nhớn nhác ngó người mới tới, đứa chị đang ngồi vẻ mặt tỏ rõ sự buồn nản. Thấy cô tiến đến gần, thằng bé lấy tay kéo chị nói thì thầm:

- Kia chị…có khách.

Vừa nói nó vừa nhìn cô như muốn bảo chị nó là mời cô mua đào thì phải. Nó cứ rụt rè lấy tay kéo áo chị mấy lần.

Khi cô đã đứng trước mặt, con bé mới ngước lên nhìn với ánh mắt đượm buồn, nửa như muốn nói, nửa như ngại ngùng, đúng lúc đó thằng em ngồi bên lại lấy tay huých vào chị như thúc giục. Thấy vậy chị vội đứng dậy, nó khẽ nói chỉ đủ cho chị nghe rõ:

- Cô mua giúp cháu cây đào này đi ạ!

Cô ngắm cây đào, tuy nhỏ nhưng được uốn tỉa khá kỳ công, tuy không đẹp lắm nhưng bù lại nó rất nhiều nụ và hoa chỉ mới nở lưa thưa. Cây này chỉ mai kia hoa sẽ nở rộ. – Cô thoáng nghĩ trong đầu như vậy. Rồi cô nhìn hai đứa trẻ, con chị trông vẻ mặt thanh tú, nước da trắng, khuôn mặt xinh xắn trông rất hiền từ, nó mặc chiếc áo phao đã cũ, thằng em mặt gầy, những cặp mặt rất sáng. Nhìn chúng cô đoán chắc bố mẹ chúng làm ruộng. Thấy cô không nói gì hai đứa dường như nín thở chờ đợi.

- Nhà các cháu có xa không? Các cháu đi bằng gì đến đây?

- Dạ nhà chúng cháu cách đây 8 cây số cô ạ!

- Chị em cháu đi bộ khiêng đào đến ạ! – Không để cho con chị nói hết câu, thằng em có vẻ sốt ruột nói đế theo ngay, dường như nó muốn trả lời thật nhanh để xem cô có mua hay không?

Nhìn ánh mắt như cầu khẩn, van lơn của hai chị em, khiến chị nẩy lòng thương cảm. Chúng là những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn mà đã phải bươn trải thế này chắc hoàn cảnh cũng khó khăn. Đoán biết tâm lý của hai đứa đang sốt ruột và lo không bán được cây đào nên chị nói luôn:

- Được rồi cô sẽ mua cho các cháu? Thế mẹ đâu mà không đi bán lại để các cháu đi thế này, tí về nhà tối mất?

- Dạ…dạ … – Con chị ấp úng.

- Thế mẹ cháu đâu?

- Mẹ cháu vừa mất cô ạ! – Nó nói vậy, mắt đã ầng ẫng nước. Nó cúi vội xuống lấy tay áo quyệt nước mắt.

- Ôi vậy sao? – Cô tiến đến kéo nó vào bên mình, con bé bẽn lẽn khẽ áp người vào cô, thật sự cô cũng không biết nói gì để an ủi nó. Trong khi thằng em hau háu hết nhìn chị nó, lại nhìn cô chờ đợi. Để con bé qua cơn xúc động. Cô ngồi xuống bên nó nhẹ nhàng hỏi:

- Thế cây đào này bán bao nhiêu?

Thằng em dường như quá nóng ruột nó sốt xắng đáp luôn:

- Bố dặn 200 là bán ạ! Để lấy tiền mua vàng hương cho mẹ.

Lúc này con chị dường như đã bình tĩnh lại, nó nói:

- Bố dặn thế nhưng giờ cô trả bao nhiều tùy ạ! Từ trưa đến giờ không có ai hỏi cả – Nó thật thà nói.

- Được rồi cô trả đủ cho cháu. Nhưng giờ hai cháu ngồi đây chờ cô vào chợ mua mấy thứ nhé. Tiền đây cháu cầm lấy.

Thằng em thấy vậy mắt nó sáng lên vì sung sướng, con chị cầm tiền và nói:

- Cháu cảm ơn cô! Cô vào chợ đi chúng cháu chờ ạ!

- Thế bố đã sắm được những gì ở nhà rồi?

- Dạ nhà có 3 con gà, còn bánh chưng dì cháu gói cho rồi, giờ có tiền này về cháu mua hoa quả và vàng hương cho mẹ nữa thôi!

Cô đi vào chợ mua đầy hai túi hoa quả và bánh kẹo, và không quên mua cả vàng hương, cô lễ mễ xách ra chỗ hai chị em con bé. Rồi cô lái xe cho hàng lên thùng bán tải, hai chị em nhanh nhẹn khiêng cây đào giúp để lên thùng xe. Xong xuôi, cô bảo hai đứa:

- Bây giờ mới có 4 giờ, còn sớm, cô sẽ đưa các cháu về nhà luôn không đi bộ gần chục cây số sẽ bị tối bố lại mong. Con chị ngần ngại vẻ như lo lắng điều gì nó bảo:

- Dạ cháu cảm ơn cô nhiều, cô thật tốt. Giờ cô để bọn cháu tự về, hai chị em cháu chạy cũng chỉ khoảng gần tiếng là về nhà thôi, cháu không dám làm phiền cô nữa!

Thằng em nhìn chị tiu nghỉu, mặt lộ rõ vẻ thất vọng. Chắc nó đang nghĩ chị “dại quá được ngồi ô tô mà lại không đi”! Nó cúi xuống huých vào chị nó rồi lý nhí:

- Chạy mệt chắc phải mất hơn tiếng mới về được, mà chị chạy chậm toàn bắt em phải đợi thôi!

Biết tâm lý của chúng chị ôn tồn bảo:

- Cô mua sắm xong rồi, đằng nào cô cũng thuận đường qua nhà cháu, cứ lên xe, cô đưa về, vèo tý đến nơi hai đứa đỡ phải chạy.

Không kịp để chị nó đồng ý thằng em đã leo tót lên xe. Trước thái độ ân cần của cô, con chị lưỡng lự chút rồi nó cũng chui vào xe. Thằng em thích thú cười tít mắt, con chị mắng:

- Em chỉ được bộ thế là nhanh. – Rồi quay sang cô nó nói: – Cháu cảm ơn cô!

Thằng bé cũng lý nhí nói:

- Dạ cháu cảm ơn cô ạ!

Khi xe về đến ngõ, cô mở cửa xe và xách hai gói quà đưa cho hai chị em. Chúng vô cùng ngạc nhiên, không để cho chúng kịp nói gì cô ôn tồn bảo:

- Cháu mang vào nhà đi, coi như đây là quà mừng năm mới của cô với gia đình cháu, các cháu đừng ngại gì!

- Ôi cô cho chúng cháu nhiều thế này? Vậy cô vào nhà cháu đã!

- Thôi giờ cô phải về làm cỗ cúng tất niên, tết cô rảnh sẽ quay lại thăm các cháu!

- Chúng cháu cảm ơn cô! À cô tên là gì thế ạ?

Vờ như không nghe thấy, cô đóng vội cửa và lái xe đi. Qua kính chiếu hậu, cô thấy hai chị em nó đứng vẫy tay mãi cho đến khi xe vào khúc cua khuất hẳn sau khóm tre làng. Dọc đường về cô thấy thật vui khi nghĩ món quà hẳn sẽ đem lại cho hai đứa trẻ niềm vui nho nhỏ trong những ngày tết này.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Rồi cũng tới nơi thôi​


Bắt đầu là một bản tin thời tiết từ vài dòng văn hoa du dương cố hữu đến quen trên trang cuối tờ báo:
“... Bắt đầu từ ngày hôm nay, người dân miền Bắc sẽ bắt gặp một đợt không khí lạnh. Khoảng cách nhiệt độ ngày và đêm chênh nhau khá lớn. Từ 12 đến 24 độ. Đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn về nên vùng núi phía Bắc nhiệt độ có nơi xuống từ 4 đến 10...”.
Có vậy thôi. Thế mà tôi thấy luôn khuôn mặt ông. Người đàn ông chắc ở tuổi nào cũng vậy. Nét trai lơ, trải đời như được nhuộm từ ánh mắt, khóe môi, bàn tay, cái lắc đầu như rất điệu nhưng không hề cố ý... Thậm chí. Có lúc hình như ông ngủ gật nhưng rõ ràng là ngủ gật cố tình. Thỉnh thoảng. Ông trở về trong trí óc tôi. Điều duy nhất tôi thường tự hỏi mình có phải tại tôi thần thánh ông quá chứ ông thực ra cũng bình thường lắm, như cả triệu người nườm nượp tóc đen, da vàng kia hay ông thật sự bí ẩn, quyến rũ?
Tôi không tự lý giải được mình. Mọi người bảo mình thường hiểu mình hơn người khác hiểu mình. Thế mà riêng chuyện cứ nghe tin gió mùa Đông Bắc, hay trời càng lạnh tôi nhớ ông. Nhớ quằn quại. Nhớ bệnh hoạn. Từ lúc biết tin nhiệt độ có thể xuống đến 0° trong những ngày tới, người tôi nóng bừng như sốt, chân cuồng lên vì những con gì đó lân tân li ti chạy trong mạch máu như thể nếu tôi không ngay lập tức nhảy lên một chiếc xe hàng nào đó, để ngây ngây ngắm con đường nhựa phẳng lượn lên lượn xuống như một dải lụa dài quấn những sườn núi, để cùng dừng lại ở một hai quán cóc bên đường cho hành khách nào thận suy, cứ dứt khoát phải giải quyết nỗi buồn xong uống một cốc chè mạn mới yên tâm cho xe lượn tiếp. Và rồi ét ét dô dô vài lần. Vài lần đang ngồi thì bỗng va đầu đánh cục vào ghế trước vì ô tô của tao phải tránh xe máy của mày miễn không đi mạng nào là may lắm rồi. Chỉ khi tất cả tay xách nách mang xuống hết và trước mặt tôi là chợ Đồng Đăng thì những con gì trong máu tôi thôi chạy lân tân li ti. Người thôi bốc nóng. Chỉ dám tự hiểu mình thật đơn giản cho chuyện này. Đấy là tôi có nhu cầu ở bên ông. Vào những ngày thật thật lạnh. Tôi cũng chỉ nhớ ông, vào những ngày “Miền núi phía Bắc trời rét đậm, có nơi có sương muối và tuyết...” Còn những ngày ẩm ương nồng nàn cải lương như mùa xuân cho tình yêu đâm chồi nảy lộc, mùa hạ tình yêu cháy bỏng, mùa thu nồng nàn... tôi không nghĩ con người là ông tồn tại trong cuộc đời này. Lại càng không có trong tôi.
Lạng Sơn. Đêm cuối năm.
Một năm nảo năm nào tưởng không thể quên được thế mà lại quên trong khi vô tình như loang loáng bay trong không gian mùi cháo vịt quay Bắc Kinh ở một quán ăn đêm nào đó xa thật xa lại nhớ như vừa được húp một bát xong. Ông ngồi gật gù ngủ với dáng bố cục thật chặt. Những đồ đạc của quán dồn sang một bên. La liệt bình rượu Trung Quốc thơm như tẩm hương liệu. Hai con gà cởi truồng, không gian đã lạnh càng lạnh hơn, dù sau lưng hai con cởi truồng béo múp đó, thấp xuống một chút nghi ngút khói bốc lên từ nồi cháo gạo. Sau đám lủng củng đó là cái phản nhỏ. Lù lù một đống chăn nhìn kỹ thấy thò ra một cái chân đi tất đen to xù, ước tính chủ nhân của đôi chân đi tất đó phải cao mét tám, nặng tám mươi cân thế nhưng xét theo độ phập phồng của đống chăn thì chủ nhân chắc cao thước rưỡi nặng 40 kg. La liệt dưới chân là bát, thớt, dao, rau thơm, bánh đa, miến... Lung tung loe toe. Rất bừa nhưng không bẩn. Trong ánh sáng đung đưa của hai ngọn đèn vàng chắc 40w, ông tóc dài buộc túm đằng sau bằng sợi vải vắt một bên ra trước, người hơi thụt xuống trong tấm áo dạ kẻ ô vuông ấm áp. Vì có ông. Tất cả giống một bức tranh.
Tôi ngồi ngắm ông ngủ gật có ý thức tạo dáng. Chỉ nhìn mỗi ông nhưng thấy tất cả. Không gian lạnh buốt thấu xương sau những cơn gió rất nhẹ. Thấy tiếng những người buôn nói chuyện hàng họ, trốn chạy công an thuế vụ bằng giọng rất đặc trưng không lẫn vào đâu. Thấy thỉnh thoảng anh xe ôm được “hàng sống” gọi chở em vào khách sạn tàu nhanh giá rẻ xài đỡ ngày đông. Thấy những người Trung Quốc làm việc chở hàng qua biên giới vừa húp cháo vừa tán chuyện ông ổng như thể ngoài họ ra, tất cả là tượng đá dưới âm ti... Chính vì thấy hết. Cảm hết. Lại lân tân li ti con gì đó bò trong người. Nhưng lần này là con thèm rượu. Không có rượu thì nhạt lắm. Vô duyên và thừa thãi chính mình lắm.
Nắm cổ một bình rượu, tôi lặng lẽ rót đầy chén hạt mít và tợp một hơi. Bắt đầu là mùi đậm như nước mắm cốt, cay xé cổ họng, rồi mới thơm. Cái con lân tân li ti đỡ chạy cuống cuồng trong người. Làm chén nữa. Lại như uống nước mắm cốt. Lại xé toang cổ. Lại thơm... Đến phát thứ tư, ông vẫn vừa ngủ vừa điệu, nói “Cô lấy nước vối trong ấm kia chiêu đi, rượu này đốt họng đấy”.
Tôi nhìn bức tranh bố cục chặt. Không giật mình thảng thốt khéo diễn như các cô gái gọi, hay diễn viên người mẫu giải nghệ diễn như thở. Bình thản nhấc ấm nhôm lên và rót một cốc nước nâu nâu vàng vàng có tên là nước vối. Một hơi hết luôn. Bấy giờ. Mới thấy rượu ngọt và thơm.
Bố cục chặt vốn gốc người Hưng Yên. Trong bản khai lý lịch ghi rõ sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh gia vọng tộc, từ đời ông bà tổ tiên không ở trong chi này nhánh nọ của những dòng họ nổi tiếng thì tệ nhất cũng có nghề bánh gai gia truyền từ lâu ơi là lâu. Từ bé đã được trong ấm ngoài êm hưởng theo nhu cầu, mười bốn tuổi.
Bố cục chặt vẫn uống sữa, ăn súp lấy tinh, lấy cốt. Mười sáu vẫn có chị vú vừa tắm vừa cho sờ tí. Cả hai cùng cười rinh rích tắm mãi không sạch vì chị tắm cho em xong em lại tắm cho chị. Rồi hai chị em cùng tắm. Cùng sướng.
Chơi đến như Bố cục chặt chắc chỉ thua vua chúa ngày xưa chứ cả vùng Hưng Yên không ai bằng. Cậu là thần tượng của nam phụ lão ấu. Mỗi người yêu cậu một kiểu. Mê cậu một lối. Cậu đến đâu bao giờ cũng có vài cái ghế đưa ra cậu ngồi. Cậu hợp cà phê đen ít đường các quán đều thuộc. Cậu hạ mông ngồi vào đâu, ba bề bốn phía tự sắp đặt thành một bức tranh. Thế làm gì cậu chả được nhiều người say. Cậu là người của đám đông, của sự ngưỡng mộ mà không lý giải cụ thể là được ngưỡng mộ vì điều gì. Chỉ biết là ngưỡng mộ. Chắc vì cậu đẹp trai, cao ráo, lại thơm, biết diện, lắm tiền. Đặc biệt cậu có duyên nói. Sau này, khi Bố cục chặt vừa khóc khùng khục vừa miết mặt lên vùng bụng dưới gồ gồ mỡ chắc và mát của tôi, nói là nhờ làm tình nhiều với đàn bà đâm thành người sâu sắc hóm hỉnh. Sau mỗi trận mây mưa từ năm mười sáu đang trẻ khỏe chẳng nhẽ lại thở hồng hộc lăn đùng sùi bọt mép ra ngủ như những lão già chơi trống bỏi thèm gái, thích chinh phục và hiếu thắng, nhưng hí ha hí hóp xong việc là vật ra ngủ như chết, ngủ sướng như anh nông dân vừa cày xong ba thửa ruộng... Bố cục chặt thì ngược lại. Không bao giờ ngủ. Bố cục chặt lúc đó, và một thời gian dài ơi là dài sau này sung mãn lắm. Trời hình như cho Bố cục chặt thêm khả năng đó nên càng làm càng khỏe. Càng khỏe càng hay chuyện. Mà chuyện với gái qua đường thì biết rồi đấy. Đủ giọng.
Lúc đầu thì em nào cũng có xuất thân như sao y bản chính của nhau. Hoàn cảnh đứa nào cũng như thể chúng sinh ra từ một ông bố và một bà mẹ vừa nghèo vừa đáng thương vừa bệnh tật không cấp cứu bệnh viện thì cũng vừa ở viện về... Nhưng thay vì các em khai hết lý lịch công đoạn một, đến công đoạn hai là em hết hơi hết sức (giả vờ) chiều anh và kết thúc là công đoạn ba tùy tâm anh cho em bao nhiêu em biết bấy nhiêu thậm chí lần này em tình cho không biếu không lấy chỗ đi lại. Gặp phải Bố cục chặt. Thêm công đoạn bốn. Đấy là buôn chuyện. Đến cái nước này thì còn gì mà mất. Nói dối cũng có lúc. Dối mãi sao được. Thế là tóe loe chuyện các em bây giờ không còn sao y bản chính dập khuôn đóng gạch giống nhau thành phần xuất xứ, mà là âm ti củ tỉ chuyện. Bố cục sẵn có dáng dấp lãng tử của hồi môn duy nhất thừa hưởng từ dòng họ danh gia vọng tộc không bị cầm cố thoắt thành người hóm hỉnh, sâu sắc.
Tôi cũng không còn trẻ. Lại không phải một cô gái ẩm ương điệu rơi rụng, điệu chảy nước vì tưởng cứ là gái thì phải mềm, phải chớp chớp gật gật nghiêng nghiêng làm duyên đong giai, giai thích. Tôi cứng cỏi từ bé. Nghịch như con giai từ bé. Và tuyệt nhiên không biết điệu biết rơi rụng như bọn cùng lứa. Tôi thích gì làm nấy. Có khi biết từ lúc chưa làm là sẽ sai lầm nhưng cứ làm vì đã nghĩ đến thì phải làm. Sai thì sửa. Có sai mới biết thế nào là đúng. Đúng cũng từ sai mà ra. Thế mà. Tôi cũng tốn giai (không biết những cô ẩm ương mắt càng nhắm đếm tiền càng tinh kia thì tốn đến đâu?)
Tôi gật gù cùng vài bình rượu, siêu nước vối nguội với Bố cục chặt chẵn một đêm. Bình minh lên. Thấp thoáng sau những đụn mây pha sương. Hiện mờ dần những lưng chừng núi như tranh thủy mặc chất liệu lụa tơ tằm bán đầy Hàng Gai, Hàng Bông thì tôi và Bố cục chặt xiên xẹo ngã đổ vào nhau trong một căn phòng tất cả đồ Trung Quốc. Tôi say thế vẫn đủ tỉnh để biết Bố cục chặt cũng say bét nhè. Thế mà (lại thế mà) ngã vẫn có dáng đẹp. Vẫn bố cục chặt. Đầu gối lên bụng. Tay vắt qua người. Một tay kia luồn vào trong áo, phá bung ra. Tôi rõ ràng là một họa sĩ tử tế tên tuổi. Tranh bán túc tắc giá cao dù hết tiền tiêu cũng không hạ. Lại có tiếng ngang tàng không biết sợ ai. Thừa bản tính đàn ông và luôn chủ động trong mọi tình huống. Kể cả lúc say. Thế mà. (Kinh dị không. Bắt đầu của câu chuyện hồi gay cấn bao giờ cũng có chữ thế mà). Thế mà. Làm tình xong. Cũng buôn chuyện.
Bố cục chặt bảo thích nhất cái bụng béo và mát của tôi. Thích thứ hai là mông béo cũng mát lại tròn. Còn cong nữa. Kể xong chuyện dòng họ chỉ vài người như bố cục chặt mà phá gia chi tử, nhà cửa đội nón ra đi. Đi hết. Nghề truyền thống là cái khó đi nhất cũng đi nốt. Lật mông béo tôi lên, úp mặt vào đó sang chuyện tại sao đang là cậu oách thế lại dạt lên Lạng Sơn vừa bán quán vừa ngủ gật. Xoa bàn tay ấm mềm không một vết chai lên đôi mông tròn căng mát rượi của tôi, bố cục chặt bảo phải bỏ quê đi biến để lưu lại cái thần tượng. Đã là người của đám đông rồi không thể sống yên với một người. Không làm nên một việc gì, chỉ thích đám đông thần tượng. Tôi vừa úp mặt xuống cái gối sa tanh đỏ mát lịm, vừa cong mông tròn cho bố cục chặt hít hà, hỏi: “Thế thằng nào ngủ trong đống chăn? Chân gì mà to thế?”.
Bố cục chặt sướng, nhe răng cắn đánh nháy một cái vào mông xinh mông tròn mông mát làm tôi giật nảy người, lật ngang lấy tay xoa rối rít. Trong lúc bị tôi hất ra, mặt thế quái nào mặt lại rơi đúng bụng mát. “Đấy là một con đàn bà. Biết anh bỏ quê đi, trốn nhà đi theo “Lại như những con hàng sống kia chứ gì?”. “Không. Con nhà nề nếp gia phong tử tế gấp chục lần nhà anh. Giai theo hàng đàn, toàn bác sĩ kỹ sư, là thần tượng của nam phụ lão ấu cả vùng Hải Dương”.
Đến thế này thì dù bộ râu của Bố cục chặt cà cà vào bụng mát làm tôi lại bị con gì lân tân li ti chạy loanh quanh khắp người mà nếu vào lúc khác thì Bố cục chặt kiểu gì cũng chết. Nhưng lúc này thì không. Tôi hất Bố cục chặt ra. Ngồi thẳng dậy. Tỉnh hẳn rượu như thể cả người bị dìm vào bể nước lạnh.
Bố cục chặt nằm nghiêng nghiêng hiếng mắt nhìn tôi giống tôi nhìn con gà cởi truồng, rùng mình:
“Trùm cái chăn vào không cảm lạnh bây giờ. Gió núi độc lắm”.
Tôi không thấy lạnh vì gió núi, mà lạnh vì vẻ bất chợt ma quái của Bố cục chặt, run run hỏi:
“Con nhà tử tế mà bỏ theo anh lên cái xó rừng này để ngủ đường ngủ chợ? Lại còn xinh nữa?”.
Bố cục chặt cười nhạt như thể tôi hỏi một câu thà đừng hỏi cho xong. Không trả lời, ôm vòng qua hông mát của tôi, kéo xuống.
“Cái tội của anh và cô bé ấy giống nhau, đi với nhau là đúng thôi”. “Tội gì?”.
“Tội là người của đám đông. Không có đám đông không chịu được. Rồi không biết từ lúc nào trở thành người khác. Mất mẹ nó mình”.
“Thế thì sao?”.
“Khi đám đông vãn quây lấy mình để quây sang một thần tượng mới. Trơ ra. Không biết đi đâu về đâu. Mất phương hướng”.
“Vớ vẩn, tôi chưa nghe ai nói mình mất phương hướng vì một đám đông”.
“Vì em chưa tạo cho mình là thần tượng của số đông hoặc của nhiều người”.
“Nhầm. Tôi đầy con nhang đệ tử, thiếu nước vái sống thôi”.
Bố cục chặt bật cười sướng. Loanh quanh thế quái nào xoay mông mát tôi ra. Làm một nhát. Tôi lại nảy tưng người. Đạp cho Bố cục chặt một phát. Đau ứa nước mắt. “Anh bỏ đi ngủ với tôi thế này, cô ấy không rồ lên sao?” Bố cục chặt vẫn kê mặt ấm ơi là ấm lên mông mát của tôi một hồi lại làm con gì lân tân li ti chạy dọc sống lưng, không trả lời. Những con bé con con đó ở đâu ra mà lắm, chạy như điên làm tôi cũng chán chả thiết hỏi thêm những điều người ta không muốn trả lời. Tôi hơi xoay người. Kệ thây tất cả.
Vài lần gió mùa Đông Bắc đến rồi đi. Vài lần khật khừ xe hàng dã chiến lên chợ đêm uống rượu rồi về khách sạn buôn chuyện với Bố cục chặt. Chúng tôi có lẽ là một đôi tình nhân đặc biệt nhất thế giới. Lúc giống bạn hàng đi buôn cùng chuyến tàu. Lúc như hai thằng bạn rượu, không có nhau rượu chát như cồn, nhạt như nước sông. Lúc giống chuyện tình Lan và Điệp, cải lương không chịu được. Khi như hai kẻ bế tắc mất phương hướng đến cùng cực, không đủ nghị lực xác định xem sống hay chết có khác nhau, những lúc sướng nhất lại lảm nhảm nhiều nhất sẽ đi đến đâu cái đời sống này. Để nghe bố cục chặt sâu sắc gật gù – rồi cũng tới nơi thôi.
Cô phát thanh viên chuyên mục Dự báo thời tiết của đài truyền hình thông báo một tin không đáng mừng lắm cho nhân dân bằng một giọng an ủi, cảm thông “Ngày mai, những người dân phía Bắc sẽ phải đón nhận một trận rét đậm, có thể rất đậm. Và cái rét đó, sẽ lan đến những người dân Hà Nội nhưng không vì thế mà nắng vàng phai nhạt. Sau đây là dự báo thời tiết...”.
Tôi nhận được lá thư của Bố cục chặt chào tôi để đi tiếp. Lời lẽ mộc mạc như những lần buôn chuyện sau một cơn mướt mải. “Tôi phải đi khỏi đây rồi. Đằng ấy có biết vì sao không? Nói đằng ấy đừng cười, tại đằng ấy đấy. Sắp đến những ngày đông dài. Biết là lại được gặp đằng ấy, tôi mong lắm nhưng người nó cứ vu vơ làm sao ấy. Để rồi thấy đi và không gặp đằng ấy nữa là hay hơn cả. Tôi đi. Đi mãi. Rồi cũng tới nơi thôi. Chứ cứ dật dờ đợi xuân hạ thu qua để đông về được gặp đằng ấy rồi lại đợi... Tôi nhão người lắm. Dạo này thế nào, cứ ghê ghê chính mình. Sợ rồi đằng ấy cũng ghê ghê tôi thì khủng khiếp quá. Dù sao thì tôi cũng là người sướng. Nói đừng cười. Lúc nào tôi cũng nhớ bụng mát, mông mát của đằng ấy và muốn cắn thật nhiều. Cũng may mà đằng ấy còn có một cái nghề mà chơi, mà sướng cho mình, chứ tôi thì... Tạm biệt”.​

*​


Những ngày cuối năm. Tôi lên Lạng Sơn.
Toàn cảnh Đồng Đăng về đêm trong sương gió đầu mùa như một bức tranh hoàn hảo. Ấm nồng rượu hương vị gió núi loanh quanh. Trong khi đó. Bản tin thời tiết cuối cùng trong ngày vẫn tiếng cô phát thanh viên du dương “Vùng núi phía Bắc, nhiệt độ có thể xuống đến 0°C...”.​
 


Top