Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software. 

All the knowledge we share is completely free. If you are willing, please support us here.

×

Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông

malemkhoang

Rìu Chiến
nhung-cau-chuyen-ve-khu-pho-nho-ven-song.jpg

Giới thiệu​

Dịch từ nguyên bản tiếng séc, Nhà xuất bản státní nakladatelství krásné literatury, praha, 1958.​

JanNeruda.jpg


Jan Neruda (1834-1891) là nhà báo, nhà thơ nhà phê bình văn họcnổi tiếng Séc, quê ở Malá Strana. Tác giả tiêu biểu của nền văn học Séc thế kỷ XIX.

Giống như khu phố cổ 36 phố phường Hà Nội, khu phố nhỏ ven sông - Malá Strana - được Neruda mô tả sâu sắc và tinh tế tất cả những thói tật của thị dân, cái vô tâm, ích kỉ cũng như sự nhẫn tâm của lời nói, những điều bịa đặt, những định kiến, tin đồn... như căn bệnh mãn tính, trở thành một thứ thói tật gần như là bản chất của những đô thị mà người ta sống trong những cộng đồng vừa thành thị nhưng cũng vừa rất đỗi làng xã. Khi mỗi cánh cửa mở ra đều có thể soi thẳng vào đời sống của một kẻ khác, khi cuộc sống của kẻ này có thể bị chà đạp bởi cả một cộng đồng rằng rịt trong những mối quan hệ và sự cô đơn chưa trở thành án chung thân của mỗi con người.​

Thay Lời nói đầu
Ngày nay, khi đến Praha, cho dù chỉ ở đó vài ngày, nhưng chắc chắn khách du lịch sẽ qua trung tâm, tới cầu Charles (Karlův most) để vượt sông Vltava, sang Lâu đài Praha, điểm du lịch hấp dẫn nhất của thành phố Trung Âu này. Cầu Charles dẫn đến quảng trường lịch sử Malostranské ở tả ngạn sông Vltava, với nhà thờ Thánh Nicholas tại trung tâm. Từ đó, có một con phố chạy ngược lên dốc, đến tận lối đi lên Lâu đài Praha. Ở phố đó có rất nhiều hiệu ăn và các cửa hàng bán đồ lưu niệm, xen lẫn các dinh thự hoành tráng mà một số là những trụ sở của Đại sứ quán nước ngoài tại Séc. Con phố đó ngày nay mang tên là Nerudova, theo tên của Jan Neruda (1834-1891), tác giả tập truyện này. Ông đã sống ở phố đó và các truyện trong tập Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông của ông đều được đặt vào những địa điểm xung quanh khu vực đó. Toàn bộ khu phố cổ này nằm ở sườn dốc phía nam của Lâu đài Praha, mang tên là Malá Strana, tiếng Đức gọi là Kleinerseite. Ngay từ thế kỉ thứ 12, tại đây đã có dân cư sinh sống. Như một đứa bé, một cậu học trò và sau này là chàng trai trẻ, Jan Neruda biết Malá Strana rất rõ. Nhưng rồi sau này, ông đã chuyển sang nơi khác của Praha, sang bờ bên phải sông Vltava, nơi thu hút ông bởi cái hiện đại trái ngược với Malá Strana. Jan Neruda sang sống bên đó, đến gần hơn với đời sống thương mại và văn hóa của cộng đồng Séc đang lớn mạnh ở thế kỉ thứ 19, của cộng đồng mà nhà báo Jan Neruda đồng thời cũng là người dẫn dắt, người ca ngợi và nhà phê bình. Malá Strana đã đứng ngoài lề sự hiện đại hóa mạnh mẽ làm thay đổi các khu phố ở bên kia bờ Vltava. Kể cả cho đến ngày nay, Malá Strana vẫn giữ được đặc trưng cổ kính trước đây, vẫn giữ được hình dáng kiến trúc Baroque từ cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19. Các dấu hiệu phân biệt nhà bằng hình ảnh kiểu Baroque trên mặt tiền các ngôi nhà nhỏ san sát bên nhau ở Malá Strana vẫn luôn gợi lại thời xa xưa, khi Malá Strana còn là khu phố nghèo của một thành phố cấp tỉnh. Nhưng nhìn bề ngoài thì đó là một địa điểm thơ mộng lý tưởng và cho đến bây giờ nó cũng mang lại cảm tưởng như vậy, cảm tưởng về một nơi đẹp đẽ và hiếu khách. Cho đến bây giờ, Malá Strana vẫn có các con phố hẹp, các lối đi xuyên qua nhà, các quán ăn nhỏ bé, các góc sân của những ngôi nhà kiểu Baroque, cách tuyến du lịch chỉ vài bước chân, vẫn mang lại cái cảm giác gần gũi thân thuộc của một khu phố nhỏ. Jan Neruda đã biết một Malá Strana như thế, khi ông sống tại phố Ostruhová (tức phố Nerudova sau này) và trưởng thành trong ngôi nhà mang dấu hiệu Hai mặt trời (U Dvou slunců), ngôi nhà cho đến nay vẫn được gọi bằng tên như vậy.

Jan Neruda là ai? Về các thể loại sáng tác khác nhau của mình, Neruda đã viết ở báo Hài hước (Humoristický list) như sau: “Anh không thể biết được là tôi thích đọc Sách thơ của anh đến như thế nào đâu,” người phụ nữ cất giọng cao vót, trong và ngọt như tiếng sáo thổi. - “Này anh bạn ạ, tôi không đọc thơ của anh, vì nó không thanh thoát, nhưng mà truyện của anh, ối trời, đây là cái hay, là cái từ cuộc sống!”, người đàn ông có hiểu biết nói. -... “Tôi nói để anh biết nhé, các truyện của anh, eo ơi, nó thô thiển làm sao, nhưng mà du ký Những chuyến đi ngắn hoặc Các bức tranh ở nước ngoài thì, ái chà chà, cái đó mới đúng là cái anh có tài, dứt khoát là thế!”, một người đàn ông hiểu biết khác khẳng định. - Và người hiểu biết thứ tư thì nắm tay tôi: “Tiểu phẩm, anh bạn quý mến của tôi ạ, anh đừng viết gì khác ngoài tiểu phẩm nhé!”... Suy từ đó ra thì tôi thấy rõ ràng một điều, hoặc là tất cả mọi sáng tác của tôi đều tuyệt vời, hoặc là nói chung tất cả và nói riêng từng sáng tác, chúng đều không có giá trị gì…”

Tất cả “đều không có giá trị gì” ư? Neruda tự đánh giá các sáng tác thơ ca, truyện, du ký và tiểu phẩm của mình bằng cách châm biếm, đồng thời tự chế nhạo mình như vậy. Nhưng trên thực tế, các sáng tác của Jan Neruda vẫn luôn được dịch sang tiếng nước ngoài, vẫn được tái bản nhiều lần; điều đó lại chứng minh đặc điểm thứ nhất - là mọi sáng tác của ông “đều tuyệt vời”. Tác phẩm của Neruda không chỉ được tái bản, mà chủ yếu là được tìm đọc. Truyện và các sáng tác văn xuôi ngắn của ông được dịch sang nhiều ngoại ngữ; ngay cả sau 150 năm, những bài báo của ông vẫn gây hứng thú cho người đọc và không hề bị mất đi cái mới mẻ tươi mát của chúng. Nhưng sinh động nhất là Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông (Povídky malostranské). Đã từ lâu, chúng trở thành một bộ phận của truyền thuyết về Praha, trở thành một phần quen thuộc trong chương trình của điểm đến du lịch hấp dẫn. Các nhân vật và tích truyện của Neruda được đặt vào các địa điểm trên bản đồ thành phố. Có thể nói, hầu như trong tâm hồn người Séc nào cũng vang tiếng vọng của Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông cả qua tên gọi của một bến tàu điện ngầm. Đó là bến tàu điện ngầm mang tên Malostranská, được đặt bên dưới một trong những dinh thự kiểu Baroque trên địa phận khu phố Malá Strana.

Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông không chỉ gợi lại cái nhớ nhung man mác về một thế giới xa xưa và tốt đẹp đã qua, mà còn gợi lên một cuộc sống đầy nghịch lý thô bạo, còn nói về cái tàn nhẫn nhật thường, về sự ích kỉ và đồng thời cả về lòng cảm thông của con người. Các truyện có khi không có tích truyện rõ ràng, chúng nhấp nháy như từng hình ảnh nối tiếp nhau của cuốn phim về cuộc đời. Con mắt nhà báo của Neruda nhìn thấy hết từng chi tiết nhỏ và để ý đến những hành động cư xử bình thường mà - dưới góc độ không muốn lý tưởng hóa, cũng không đánh giá - có thể biểu hiện như những hành động cư xử thô bạo, lạ lùng và kì dị. Nhà văn và nhà báo Neruda không hề có ảo tưởng về mọi người, nhưng đã bị quyến rũ bởi những gì có thể xảy ra trong quan hệ của họ, bởi những điều không ngờ tới trong cư xử của họ. Neruda không đánh giá và cũng không giải thích - ông chỉ ghi chép lại, và có thể vì thế mà ông vẫn luôn luôn là người của hiện tại, đồng thời sáng tác của ông không chỉ gắn liền với Praha. Độc giả nào cũng có lần biết cái lạ lùng của cuộc sống bình thường. Những câu chuyện kì dị của hàng xóm láng giềng thường là bộ phận của cuộc sống chung giữa các thành viên của các cộng đồng, bất kể những cộng đồng ấy sống tại trung tâm châu Âu, hay một nơi nào đó ở châu Á.

Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông mang trong mình con mắt nhìn hai chiều về sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi đau, về sự nhẫn tâm và lòng thương cảm, cái thờ ơ và sự sẻ chia, hồi ức ngây thơ của đứa trẻ và con mắt tinh tường của nhà báo. Đó là nhà báo muốn nhìn thấy những người dân chất phác, nghèo khó, không địa vị của thành phố mình, muốn viết về những cái bình thường có thật của cuộc sống, kể cả khi những cái đó không phải là điều dễ chịu. Khuynh hướng hiện thực và sự thiếu thốn về chủ nghĩa lý tưởng trong sáng tác làm giới phê bình thời đó phần nào có chỉ trích Neruda. Khi xuất bản Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông (1878), ông đã muốn phản ứng lại sự phê bình đó và tự bình luận tác phẩm của mình một cách hài hước trong tiểu phẩm đăng ở nhật báo Dân tộc như sau: “Neruda chỉ viết về tầng lớp dưới, về tầng lớp xã hội, nơi mà tình cảm không bao giờ được thể hiện nhẹ nhàng và sự thật vẫn còn có giá trị hơn cái dối trá, cho dù nó có khôn khéo đến đâu... Các ý tưởng trong Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông gập ghềnh nhấp nhô như con đường lát đá ở Constantinople, tản mạn phân tán như con chó con nhắng nhít, gai góc hung dữ như kẻ đi thu thuế...” Cái hương vị ngọt đắng trong mô tả hiện thực về con người ở Malá Strana cũng được thể hiện trong cách sử dụng ngôn ngữ. Trong văn học truyền thống Séc, Neruda được coi là người đưa thứ tiếng Séc “không tắm rửa, không chải chuốt, từ đường phố” vào ngôn ngữ văn học, theo lời của F.X. Šalda, một trong những nhà lý luận và phê bình nổi tiếng nhất của văn học Séc hiện đại. Nhờ Neruda mà tiếng Séc phổ thông được đưa vào văn học. Nhưng ngôn ngữ trong Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông không chỉ là tiếng Séc dân gian, mà ngược lại. Theo một chuyên gia về sáng tác của Neruda, thì Neruda cũng là người triệt để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Séc. Ông là người cố gắng tạo ra một phong cách viết đặc biệt nhằm đưa tiếng Séc tách xa tiếng Đức hơn, bởi trong thế kỷ 19, ngay cả ở Séc, tiếng Đức là ngôn ngữ chiếm ưu thế về mặt văn hóa và có truyền thống văn học phong phú hơn, mạnh hơn nhiều. Mục đích là để giới thiệu tiếng Séc như một ngôn ngữ có nhiều mức độ, phong phú về khả năng diễn đạt, là ngôn ngữ sinh động sâu sắc, giàu tính biểu cảm, gợi cảm tinh tế, đồng thời là ngôn ngữ đầy nghịch lý. Ở đây, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện chuyển tải tích truyện, mà chính bản thân ngôn ngữ là tích truyện của Malá Strana. Vì những điều đó mà Neruda là tác giả của ngày nay, vì những điều đó mà Neruda luôn mang đến cho người đọc nhiều niềm vui và hứng thú, nhưng đồng thời cũng làm cho người dịch sách trăn trở đắn đo bội phần khi chuyển ngữ.

Neruda không chỉ là nhà văn, ông còn là nhà thơ quan trọng nhất của thời đại mình. Nền thơ ca Séc không thể đi đến đỉnh cao ở thế kỉ thứ 20, nếu không có những cách tân trong thơ ca của ông. Nền báo chí Séc không thể có phong cách viết riêng trong thể loại tiểu phẩm sắc bén và hóm hỉnh về cuộc sống bình thường, về văn hóa và chính trị, nếu không có phong cách viết báo của ông. Neruda cũng là một trong những người tiêu biểu nhất trong cuộc chiến vì bản sắc dân tộc của văn hóa Séc và vì độc lập về văn hóa trong phạm vi nhà nước quân chủ Áo - Hung đa dân tộc đa ngôn ngữ ngày đó.

Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông vì vậy có thể là cuốn sách hướng dẫn tham quan Praha, là cánh cửa mở dẫn đến nền văn hóa Séc, nói cách khác là dẫn đến cả khu vực. Đến khu vực có một quá khứ vừa tàn bạo vừa lạc quan đầy kịch tính. Đến khu vực có cái vẻ vang trong quá khứ và cái vinh quang mới trong hiện tại, một khu vực bao giờ cũng đẹp, nơi có những con người có tính nết cư xử hoặc cộc cằn, hoặc thân thiện, giống như ở mọi nơi khác trên thế giới.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Tóm tắt tiểu sử và tác phẩm​


Jan Neruda là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học. Ông sinh ngày 9/7/1834 tại khu Malá Strana, Praha. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông đã làm nhiều công việc khác nhau, cũng đã làm việc như một viên chức và một nhà giáo, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Ông theo học khoa Luật và khoa Triết, nhưng đều bỏ dở không học hết.

Năm 1858, ông tham gia xuất bản niên giám mang tên Máj nhằm giới thiệu thế hệ tác giả nòng cốt của văn học Séc thế kỉ 19. Trong số đó có bà Karolína Světlá, một trong những nữ tác giả Séc nổi tiếng nhất, người mà sau này Jan Neruda rất gần gũi. Vào thời gian này, tập thơ đầu tiên của ông ra đời, đó là tập Hřbitovní kvítí (Hoa nghĩa địa, 1857). Trong những năm 1859-1860 ông làm biên tập cho tạp chí Obrazy života (Hình ảnh cuộc sống). Vào thời gian này, ông đi du lịch rất nhiều, chủ yếu là đi các nước Ả-rập. Sau những chuyến đi ấy, ông đã viết sách du ký, như Menší cesty (Những chuyến đi ngắn), Obrazy z ciziny (Những bức tranh từ nước ngoài). Năm 1863-1864, ông chủ trì tạp chí Rodinná kronika (Nhật ký gia đình), năm 1865-1867 ông là một trong những người thành lập tạp chí Květy (Hoa); tuy có một số thay đổi nhưng tạp chí vẫn được xuất bản cho đến nay. Năm 1864, ông xuất bản tập truyện ngắn Arabesky (Arabesque) về những kiểu người đặc biệt và số phận bi hài của họ. Từ năm 1865 đến khi qua đời năm 1891, ông làm biên tập cho nhật báo chính trị Národní listy (báo Dân tộc). Ông đã viết cho báo này tới hơn hai nghìn tiểu phẩm, vì vậy ông còn được coi là một trong những người sáng lập ngành báo chí Séc. Năm 1868, ông xuất bản tập thơ thứ hai mang tên Knihy veršů (Sách thơ). Tập thơ mang tên Písně kosmické (Bài ca vũ trụ) xuất bản năm 1878 là tập thơ rất được ưa chuộng, lấy cảm hứng từ những kiến thức mới về vũ trụ. Cùng năm đó, ông hoàn thành tập truyện Povídky malostranské (Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông). Năm 1883, tập thơ Balady a romance (Bài ca ballad và lãng mạn) đã làm rạng danh tên tuổi của ông, một số bài ballad đã trở thành những bài ca dân gian. Tập thơ cuối cùng Zpěvy páteční (Bài ca ngày Thứ Sáu) được xuất bản năm 1896, sau khi ông qua đời. Jan Neruda từ trần ngày 22/8/1891 tại Praha.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến
MỘT TUẦN LỄ TRONG NGÔI NHÀ YÊN TĨNH

I. GIẤC NGỦ

Căn phòng ấy đóng kín mít. Trong phòng là bóng tối dày đặc, không có một kẽ hở nào để cho dù chỉ một chút ánh sáng lờ mờ bên ngoài có thể lọt được vào. Cái bóng tối ấy dày đặc đến mức giá ta có cảm giác là nhìn thấy một cái gì sang sáng, thì cái sang sáng đó chỉ ở trong tưởng tượng của ta mà thôi.

Tuy vậy, trong màn đêm ấy, vẫn có thể nhận ra được mọi biểu hiện nhỏ nhất của cuộc sống. Ta có cảm giác là trong phòng tràn ngập một bầu không khí đầy mùi dầu mỡ, mùi hỗn hợp thô tạp của các loại chất bốc hơi. Có thể ngửi thấy mùi gỗ thông, mùi mỡ bò, mỡ lợn, rồi lại còn có mùi gì như mùi mận khô, mùi hạt thìa là Ai Cập, thậm chí cả mùi rượu nặng, mùi tỏi, và nhiều thứ mùi khác nữa. Có thể nghe thấy cả tiếng đồng hồ chạy tích tắc. Cái đồng hồ này chắc hẳn phải là đồng hồ treo tường đã cũ, có tay lắc dài, ở phía cuối có một vòng tròn bằng tôn mỏng hơi bị vênh. Cái vòng tôn ấy hơi rung lên mỗi khi tay lắc ngừng chuyển động, và những khoảng khắc đều đặn ấy cứ lặp đi lặp lại đến đơn điệu.

Cùng với tất cả những cái đó, còn có thể nghe thấy tiếng thở của những người đang ngủ. Dứt khoát ở đây phải có mấy người đang ngủ. Những tiếng thở của họ trộn lẫn vào nhau, không tiếng nào giống tiếng nào. Có tiếng thở nhỏ nhẹ, có tiếng thở mạnh hơn, có tiếng thở ngắt quãng như tiếng tay lắc của đồng hồ, rồi phì phì gấp gáp.

Tự nhiên, cả cái đồng hồ cũng thở dài và cất tiếng điểm giờ, rồi sau đó, tiếng chuyển động của tay lắc như trở nên thầm thì hơn. Một trong những người đang ngủ trở mình và kéo chăn sột soạt; rồi có tiếng cọt kẹt của chiếc giường gỗ.

Đồng hồ lại điểm giờ, đánh hai tiếng vang cao, rồi ngay sau đó là hai tiếng vọng trầm hơn. Người ấy lại trở mình. Rồi có tiếng người ấy ngồi dậy, tiếng hất cái chăn, tiếng chân người ấy chạm vào thành giường - bây giờ chắc đã quờ được chiếc dép đi trong nhà - rồi đã xỏ được chân vào cả đôi dép. Người ấy đứng lên, thận trọng bước mấy bước rồi dừng lại, sau đó đưa tay lần lần trên sàn gỗ, bàn tay người ấy chạm phải cái gì sột soạt, chắc hẳn là bao diêm.

Người ấy quẹt diêm mấy lần, nhưng lần nào cũng chỉ thấy lóe lên một tia lửa, rồi que diêm bị gãy. Người ấy làu bàu, lại quẹt que diêm mới, lần này thì được. Ngọn lửa nhỏ chiếu vào một thân hình mặc quần áo ngủ. Que diêm cháy gần hết, nhưng bàn tay già nua gân guốc đã đưa nó đến gần chiếc cốc thủy tinh có chứa nước và dầu hỏa, rồi châm vào cái bấc gắn ở nút phao đang nổi trên đó. Ngọn lửa trên đầu bấc sáng lên như ngôi sao nhỏ, que diêm đã tàn được vất xuống sàn nhà. Ngôi sao nhỏ ấy từ từ lớn hơn, nó chiếu lên thân hình của người đang mặc áo ngủ. Đó là một người đàn bà đã có tuổi, bà ấy đang dụi mắt và ngáp ngắn ngáp dài.

Người đàn bà đứng bên cái bàn nhỏ kê sát bức vách bằng gỗ sơn màu tối. Bức vách gỗ đó ngăn căn phòng ra thành hai phần. Ánh sáng của ngọn đèn dầu chỉ đủ chiếu một góc phòng, đằng sau bức vách gỗ vẫn là bóng tối. Tuy vậy, không thể nhầm lẫn được, chỉ ngửi thôi cũng đủ thấy căn phòng này là kho hàng tạp hóa, chắc hẳn nó vừa là cửa hàng, vừa là phòng ở. Cửa hàng tạp hóa ấy có nhiều hàng dự trữ với những cái bao tải căng đầy xếp liền nhau, bên trên có đặt rổ rá cũng đầy hàng, trên tường treo đủ những bó hàng lớn nhỏ.

Người đàn bà rùng mình vì cái lạnh ban đêm. Bà lấy chiếc đèn từ trên bàn và mang đặt nó lên quầy hàng. Trên mặt quầy có xếp nhiều miếng bơ mới, phía bên trên quầy có cái cân treo, rồi vài chuỗi hành tỏi. Bà ngồi vào sau quầy, hai chân co lên, đầu gối chạm đến cằm. Sau đó, bà mở ngăn kéo, rút ra một cái hộp đầy các cuộn chỉ, một cái kéo và đủ các thứ linh tinh khác. Bà xếp mọi thứ sang một bên, dưới đáy hộp còn lại giấy tờ và mấy quyển sách. Bà không để ý gì đến các tờ giấy có ghi chép mà chỉ lấy ra một quyển sách. Đó là sách viết về các giấc mơ, gọi là “sách lớn”, hay là “sách giải mã giấc mơ lô đề”. Bà chăm chú lật các trang sách, rồi đọc, rồi ngáp, rồi lại đọc.

Bây giờ ở phía đằng sau tấm vách chỉ nghe thấy thở đều đều của một người vẫn đang ngủ; còn một người khác thì đã tỉnh giấc, có thể là do người ấy nghe thấy tiếng động, hoặc để ý thấy có ánh sáng. Người ấy cọ quậy trên giường.

“Cái gì thế hả?” Có tiếng làu bàu khàn khàn của một người đàn ông đã có tuổi.

Người đàn bà không trả lời.

“Bà làm sao thế?”

“Ông cứ ngủ đi, tôi không sao cả, chỉ rét thôi.” Người đàn bà nói, rồi ngáp.

“Thế bà làm cái gì ngoài ấy?”

“Tôi mơ thấy cha tôi, để đến sáng thì sợ quên mất. Chưa bao giờ lại có giấc mơ đẹp như thế. Ôi chao ơi là rét, tháng sáu rồi mà vẫn còn rét thế này!” Bà tiếp tục đọc và lắc đầu. Im lặng.

“Mấy giờ rồi?” Lại có tiếng hỏi khàn khàn từ phía sau tấm vách.

“2 giờ.”

Tiếng thở của người ngủ thứ ba bắt đầu trở nên không đều đặn. Tiếng nói chuyện to chắc đã đánh thức người ấy dậy.

“Thế nhanh lên rồi đi nằm, để cả nhà còn ngủ. Bà thì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến lô đề thôi!”

“Ở nhà này chả có lúc nào được yên. Ông cứ ngủ đi, mặc tôi!”

Phía sau vách có tiếng thở dài; người thứ ba cũng đã tỉnh giấc. Tiếng người đàn ông có tuổi tiếp tục càu nhàu:

“Thằng con trai đi bia rượu đến gần nửa đêm mới về, gần về sáng thì mẹ nó lại lỉnh kỉnh làm tôi không ngủ được, sống thế này thì có khổ thân tôi không chứ!”

“Ông không để yên có phải không? Phải rồi, thân gái già này cứ vất vả mà chả ai biết cho! Được ông chồng thì lúc nào cũng cảu nhảu càu nhàu - giá mà ông dạy bảo thằng con ông thì có phải là được việc không! Còn tôi, tôi có làm gì thì cũng chẳng bận đến ai!”

“Thì bà dạy nó đi, nó cũng là con bà chứ, dạy bảo cái thằng rượu chè ấy đi!”

“Bố lại muốn cái gì đấy?” Có tiếng nói của một người đàn ông còn trẻ.

“Câm đi, mày chả có quyền gì mà nói!”

“Nhưng mà con không thể hiểu được là...”

“Ấy, anh ấy không thể hiểu được!” Ông già cười nhạo báng, “đồ vô lại!”

“Nhưng mà...”

“Này, có im đi không?”

“Nó lại còn cãi giả nữa chứ! Ông với tôi có con trai đâu mà ngoan thế, sung sướng quá nhỉ!” Bà già nói, rồi lại ngáp.

“Con với cái gì nó! Nó làm khổ, nó cướp sức khỏe của bà với tôi thì có!”

“Nhưng mà đang ngủ thì con làm sao mà cướp được!”

“Này, cái thằng mất dạy kia, im đi!”

“Thật là quý tử!”

“Đồ vô lại thì có!”

“Đúng thế, đồ vô lại!”

Người con trai huýt sáo một điệu nhạc.

“Bà thấy chưa, nó còn nhạo báng mình nữa kìa!”

“Nhưng trời không tha nó đâu,” bà già vừa nói vừa lấy cục phấn viết lên bức vách gỗ các con số 16, 23 và số 8. “Tôi với ông thể nào cũng phải chứng kiến ngày ấy, nhưng rồi thì cũng cầu trời đừng để cho tôi sống thêm nữa làm gì.” Bà ấy xếp cái hộp lại, thổi tắt ngọn đèn và quay trở lại giường của mình. “Nó sẽ phải ăn năn hối lỗi, nhưng mà lúc ấy thì đã muộn rồi. Này, có im đi không hả thằng kia?”

Người con trai ngừng huýt sáo.

“Chả nhờ vả gì được mày đâu, chúng tao mà có chết thì mày cũng chẳng lo ma chay gì đâu!”

“Thôi, thôi, xin bà đừng nói nữa, ngủ đi, tôi buồn ngủ lắm rồi!”

“Tội ấy đổ lên đầu tôi là cái chắc. Ối trời ơi là trời, sao trời làm tôi khổ đến thế này!”

“Này, bà có im đi không, tôi phát điên lên vì các người đây!”

“Vâng, vì chúng tôi, vì chúng tôi!”

“Vào ban đêm ai cũng dữ tợn,” người con trai nói.

“Nó bảo cái gì thế?”

“Tôi không biết! Nó thì chuyện gì cũng xen vào, cái thằng quỷ tha ma bắt ấy!”

“Đẩy cái tủ kia vào nó, hay là đuổi nó đi, tống cổ nó đi ngay bây giờ đi!”

“Thôi, thôi, tôi xin ông, cả ông cũng để cho tôi yên đi! Thật là địa ngục trần gian!”

Ông già hầm hừ, bà già gầm gừ như đáp lời, người con trai im lặng.

Tiếng hầm hừ gầm gừ còn kéo dài thêm một lúc nữa, rồi tiếng khạc nhổ, rồi tất cả mọi tiếng cứ nhỏ dần, nhỏ dần; bà già ngủ thiếp đi, ông già còn trở mình một lần nữa và cũng ngủ tiếp. Người con trai lại huýt sáo, nhưng chưa hết được câu đầu thì cũng lại chìm vào trong giấc ngủ.

Trong bầu không khí đầy dầu mỡ lại vang tiếng lạch cạch của tay lắc đồng hồ như trước. Thêm vào đó là tiếng thở của ba người đang ngủ. Tiếng thở của họ trộn lẫn vào nhau, nhưng không một lúc nào trùng nhịp với nhau.

II. BUỔI SÁNG

Mặt trời buổi sáng của một ngày tháng sáu đã chiếu xuống sân từ khá lâu rồi, mọi người trong nhà mới bắt đầu thức giấc. Tiếng chân bước mạnh vang lên ở hành lang, át cả tiếng động của các loại xe đang lăn bánh từ ngoài đường vọng vào. Đó là tiếng chân bước của những người đàn bà lần lượt đi ra từ các căn hộ, như thể người này chờ người kia đi qua rồi mới mở cửa để ra khỏi phòng. Họ chỉ có mấy người, và ai ngủ dậy cũng mang cái vẻ luộm thuộm giống như những người giúp việc. Có người để xõa mái tóc còn chưa chải, có người kéo khăn quàng trùm xuống đến dưới trán, che đôi mắt ngái ngủ trước ánh sáng mặt trời. Váy áo của họ không được cài thắt cẩn thận, giày dép thì kéo lê lệt sệt. Họ cầm trong tay những cái bình hoặc còn trống không, hoặc đã đầy sữa.

Các căn hộ trong nhà cũng từ từ tỉnh giấc. Những tấm rèm trắng ở các cửa sổ được kéo sang bên, nhiều cửa sổ được mở ra. Có người đứng bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời, nhìn sang đồi Petřín[1], rồi quay vào nói với ai đó trong phòng về ban mai đẹp. Mọi người gặp nhau ở cầu thang và ngoài hành lang, họ chúc nhau một buổi sáng tốt đẹp.

Bên cửa sổ ngoài cùng trên tầng hai, ở phía nhìn ra đường, có một người đàn ông cao lớn với mái tóc bạc rối bù và khuôn mặt đỏ đầy mụn nhọt. Ông nặng nề tì tay vào bậu cửa và nghiêng hẳn người ra ngoài. Cái áo ông phanh ra, làm lộ cả bộ ngực vạm vỡ. Trời tháng sáu rồi mà ông vẫn còn mặc áo vải flanen. Ông nhìn sang cửa sổ còn đóng bên cạnh, rồi đứng thẳng người và nói về phía trong phòng: “Vẫn còn chưa đến 7 giờ.”

Vừa lúc ấy, có tiếng động lớn ở cửa sổ phòng bên, rồi cửa sổ ấy được mở toang ra. Một người đàn ông khác đứng ở đó, cũng vóc dáng cao lớn, nhưng trẻ hơn. Tóc ông màu đen, được chải thành nếp cẩn thận, chỉ nhìn cũng thấy ngay là ngày nào cũng được chải như thế. Khuôn mặt ông tròn trặn, râu cạo nhẵn nhụi, xem ra không có vẻ gì là đặc biệt. Ông mặc một cái áo khoác trong nhà màu xám trang nhã, và đang lau kính bằng một chiếc khăn lụa màu vàng. Ông hà hơi vào mắt kính một lần nữa và lại lấy cái khăn đó lau, rồi đeo kính lên mắt, sau đó nhìn xuống đường. Với chiếc kính trên mặt, khuôn mặt không lấy gì làm đặc biệt của ông trở nên rõ ràng hơn, đó là cái thường thấy ở những người cận thị. Khuôn mặt ấy trông phúc hậu, đôi mắt hiền từ và vui vẻ, nhưng không còn trẻ nữa; đó là khuôn mặt của một người đã ngoài tuổi bốn mươi. Và nếu nhìn kĩ hơn đó bằng con mắt có kinh nghiệm thì chắc chắn thấy đó là khuôn mặt của người đàn ông chưa vợ. Linh mục và người đàn ông chưa vợ bao giờ cũng có khuôn mặt rất dễ nhận ra.

Người đàn ông chưa vợ ấy đứng tì tay vào cái gối trắng thêu đẹp đẽ đặt trên bậu cửa sổ. Ông nhìn lên bầu trời xanh, nhìn sang đồi Petřín tươi sáng đầy cây xanh, và mỉm cười. “Trời đẹp quá - từ mai mình sẽ phải dậy sớm hơn,” ông tự nhủ. Ngay sau đó, ông đưa mắt nhìn sang cửa sổ trên tầng ba ở phía sau của ngôi nhà. Sau tấm kính cửa trong suốt còn đóng, thoáng qua một bóng người mặc váy. “Phải rồi, tất nhiên đó là Josefinka, cô ấy đang ở trong bếp,” ông lại tự nói thầm với mình. Vừa nói, ông vừa nhấc bàn tay phải, trên ngón tay mập mạp có đeo một chiếc nhẫn kim cương. Tia sáng lấp lánh từ chiếc nhẫn làm ông lại nghĩ đến mình. Ông quay quay chiếc nhẫn một chút, để cho mặt kim cương nằm đúng mặt trên của ngón tay, hơi kéo tay áo lên rồi thích thú ngắm bàn tay mập mạp trắng trẻo của mình. “Có sạm nắng một chút cũng chẳng sao, càng khỏe,” ông lại tự nhủ, rồi giơ bàn tay phải lên cao, như là để kiểm tra cái khỏe khoắn ngày càng khỏe ra của mình.

Phía bên kia của tầng ba, có tiếng kẹt cửa ở căn phòng bên hành lang, rồi một cô gái bước ra khỏi phòng. Đó là cô gái khoảng 18 tuổi, xinh đẹp như ánh sáng ban mai! Cô có vóc dáng thon thả và duyên dáng. Mái tóc đen xoăn xoăn rất dày rủ xuống đến vai, được buộc túm lại bằng một dải nhung giản dị. Khuôn mặt cô tròn trĩnh, cặp mắt xanh sáng và trung thực, đôi má hồng hào, làn da trắng mịn màng, cặp môi nhỏ đỏ thẫm. Có thể có người cho rằng gương mặt ấy không đều đặn như khuôn mặt người mẫu, nhưng mà nó rất dễ chịu. Cô có đôi tai nhỏ nhắn đáng yêu, cho dù chỉ đeo đôi khuyên nhỏ bằng bạc đơn giản. Ngoài đôi hoa tai bằng bạc, cô không mang một đồ trang sức nào khác. Trên cái cổ trắng ngần của cô có một sợi dây mảnh màu đen, có thể còn có mặt dây chuyền, nhưng nếu có, thì chắc nó được giấu kín giữa hai bầu vú đang lớn của người con gái. Cô mặc bộ váy áo sáng màu, có sọc dài và mảnh, cúc cài đến cổ, màu vải và kiểu váy áo may đơn giản, trông rất duyên dáng.

Cô gái bưng một cái bình màu nâu có nắp đậy.

“Chào cô Josefinka!”

“Dạ, xin chào luật sư ạ.” Josefinka trả lời, đưa mắt nhìn sang cửa sổ phía đối diện và mỉm cười thân thiện.

“Cô mang gì đi đâu vậy?”

“Dạ, cháu mang một tí xúp thịt bò xuống cho bà Žanýnka, cháu để dành cho bà ấy từ hôm qua. Bà ấy đang bị ốm ạ.”

“Bà Žanýnka bị ốm à? Mà không ốm thì mới lạ, phòng bà ấy cứ kín bưng như nhà tù ấy! Cả năm chẳng bao giờ mở cửa sổ, trong phòng lại còn có cả con chó xấu xí ấy nữa; hôm qua nó sủa cả đêm. Có lẽ chúng ta phải qui định chỉ được nuôi giống chó thuần chủng!”

“Lại còn thế nữa cơ,” cô Josefinka hơi bực mình, “nếu mà thế thì có lẽ bà Žanýnka phát điên lên mất!”

“Bà ấy ốm bệnh gì vậy?”

“Bệnh già ạ,” Josefinka buồn rầu trả lời và đi về phía cầu thang xoáy.

“Josefinka là cô bé tốt bụng!” Ông luật sư lẩm bẩm và đưa mắt nhìn theo cô.

Josefinka đi qua sân, đến trước căn phòng ở tầng một. Cô đặt tay vào tay nắm cửa, nhưng cửa khóa. Cô lay lay tay nắm cửa, rồi gõ cửa, nhưng không thấy trong nhà có động tĩnh gì. “Cô thử gõ vào cửa sổ xem sao!” Ông luật sư nói từ cửa sổ phòng mình.

“Không ăn thua gì đâu, phải đập cơ, chứ gõ không đủ đâu! Nhưng Josefinka không biết đập cửa. Để tôi đập cho!”, có tiếng nói từ bậc thang ở lối ra cổng. Chỉ nhảy hai bước từ cầu thang xuống sân, một nam thanh niên khoảng hai mươi tuổi đã đến bên cô Josefinka. Người thanh niên ấy mặc bộ quần áo mỏng mùa hè màu xám, đầu để trần không đội mũ. Tóc anh đen và quăn quăn, khuôn mặt vuông vắn, đôi mắt lanh lợi.

“Vâng, anh Václav ạ, xin anh giúp tôi với!” Josefinka nhờ.

“Nhưng trước hết phải xem có cái gì ở bên dưới nắp bình đã!” Václav đùa và đưa tay về phía Josefinka.

“Này... này,” ông luật sư lên tiếng dọa, nhưng thôi ngay, vì thấy cô Josefinka khéo léo tránh được bàn tay của chàng thanh niên.

“Thôi, tôi gõ lấy cũng được!”

Nhưng Václav đã đứng bên cửa sổ và gõ tay vào cửa kính. Bên trong nhà vang lên tiếng chó sủa chói tai, rồi lại im bặt. Cả hai đứng chờ một lúc. Khi vẫn không thấy ai lên tiếng, chàng thanh niên đi sang cửa sổ bên cạnh và hết sức đập vào nó. Trong nhà, con chó lại sủa dữ dội, một hồi lâu sau nó rít lên rồi ngừng sủa.

“Bà Žanýnka sẽ mắng cho đấy!”

“Ừ thì mắng, có sao!” Václav nói và lại đấm vào cửa, rồi áp tai vào cánh cửa lắng nghe. Bên trong phòng, chỉ có tiếng rít rền rĩ của con chó.

Tiếng động ồn ào đã đánh thức cả ngôi nhà. Ở cửa sổ cạnh phòng ông luật sư lại thấy người đàn ông cao lớn với khuôn mặt đầy mụn nhọt, cạnh ông ta là hai người phụ nữ, một người đã có tuổi và một người trẻ hơn. Trên tầng ba phía đối diện, mẹ của Josefinka bước ra hành lang. Bà có dáng người cao cao. Đi sau bà là cô con gái ốm yếu, người nhỏ bé, lưng khom khom, chị gái của Josefinka. Ở hành lang dưới tầng hai có ba người ra khỏi phòng. Người thứ nhất là một người đàn ông có tuổi, đầu hói. Người thứ hai là người đàn bà cũng ngang tuổi người đàn ông ấy. Cả hai đều còn mặc quần áo trong nhà. Người thứ ba là cô gái khoảng 20 tuổi, chỉ mặc váy áo lót, một cái khăn quàng vội trên vai, tóc còn đang quấn nhiều cặp quấn tóc bằng giấy. Từ cầu thang ở lối ra vào có hai người phụ nữ đi xuống, họ mặc váy áo rất đơn giản. Người thấp nhỏ hơn trong họ là một người đàn bà nhanh nhẹn, sống động, là bà chủ quán ăn. Bà ngoảnh lại bảo con gái mình ở trong phòng: “Márinka, con ra trông quầy, nhỡ có người vào!” Người đàn bà thứ hai có vóc dáng cao lớn hơn, đó là người đàn bà xem sách giải mã giấc mơ mà chúng ta đã biết từ đêm qua. Bà đội trên đầu chiếc mũ vải màu trắng sạch sẽ, rất hợp với bà. Ánh sáng mặt trời làm khuôn mặt bà dễ chịu và dịu hiền hơn. “Cái gì thế hở Václav?” Bà hỏi người thanh niên, con trai bà ấy.

“Bà Žanýnka chết rồi hay sao ấy mẹ ạ! Để con gõ cửa một lần nữa xem sao!” Rồi lại hết sức đập vào cửa.

“Thôi, không còn cách nào khác là phải đi tìm thợ khóa, cậu Václav ạ, cậu đi nhanh lên!” Ông luật sư nói từ tầng trên. “Tôi xuống đấy ngay bây giờ!”

Václav đi khỏi sân. Tiếng hỏi, tiếng trả lời của mọi người vọng lên từ mọi phía, đan vào nhau.

Ông luật sư ăn mặc chỉnh tề đi từ cầu thang xuống. Khi đi qua Josefinka đang căng thẳng lo lắng, ông bảo cô không phải giữ mãi cái bình trong tay. Vừa lúc đó, Václav dẫn thợ khóa đến. Khóa cửa được tháo, cánh cửa được mở ra. Lúc đầu, không ai muốn vào phòng. Václav lấy can đảm bước vào, ông luật sư đi theo, còn những người đàn bà thì chen nhau đứng ở trước cửa.

Căn phòng lớn tối tăm đến khủng khiếp. Cửa sổ trông ra sân và cả cửa sổ nhìn sang đồi Petřín đều kéo rèm kín mít, không một tia sáng nào lọt được vào phòng. Không khí trong phòng ngột ngạt, nặng mùi hôi hám mốc meo. Mạng nhện phủ đầy bụi đen đúa rủ xuống từ trần nhà. Trên các bức tường xám trống trơ có treo mấy bức tranh tối màu, xung quanh viền hoa giả đã rất cũ và phủ một lớp bụi dày cộp. Đồ đạc trong phòng tuy nhiều, nhưng đều đã quá cũ, hết thời, nhìn qua cũng thấy bao năm tháng qua chúng không được dùng vào việc gì. Trên chiếc giường thấp có tấm chăn màu vàng bẩn thỉu, thò ra ngoài tấm chắn là hai cánh tay khẳng khiu đến thảm hại và cái đầu gầy gò khô quắt không còn một sợi tóc nào. Thấy có người vào, con chó già đen xù, xấu xí và bất hạnh chạy đi chạy lại từ đầu giường đến cuối giường và sủa liên hồi một cách tuyệt vọng.

“Azor, im đi, im đi nào!” Václav đe con chó, giọng nghẹn lại như sợ hít phải không khí trong phòng.

“Tôi nghĩ bà ấy mất rồi, không thì con chó đã chẳng rền rĩ như vậy.” Ông luật sư nói thầm.

“Vâng, bà ấy đi rồi! Xin Chúa tha tội cho bà ấy, cho tất cả chúng ta nữa. Xin Đức mẹ linh thiêng phù hộ cho chúng con!” Mẹ của Václav, bà Bavorová, lắp bắp cầu nguyện, giọt nước mắt lớn từ từ lăn trên má bà.

“Trong một nhà, khi có đám tang rồi sau đó không lâu có đám cưới thì cô dâu thường hạnh phúc.” Bà chủ quán ăn nói như vậy với Josefinka. Tội nghiệp cô bé, đang sợ tái mặt nhưng bất chợt mặt cô nóng rực lên, rồi lại trở lại nhợt nhạt. Cô quay mặt, không nói một lời nào và bỏ đi.

“Trước hết phải xua con chó đi, kẻo nó cắn, biết đâu răng nó đã dính cái độc hại từ người chết rồi.” Ông luật sư nói và lùi lại vài bước.

“Vâng, nó sẽ phải ra khỏi đây.” Václav nói và tiến gần đến con vật hung dữ đang canh bà chủ đã chết. Mặc dù tất cả mọi người trong phòng đều là người quen, con chó vẫn lồng lộn sủa, mỗi lúc một dữ dội hơn. Vừa sủa đinh tai, nó vừa lùi về phía đầu giường, trong khi Václav tiến gần đến nó. Cậu đi đến tận giường, đưa tay trái kéo cái chăn, và khi con chó nhảy đến giữ thì Václav tóm lấy gáy nó bằng tay phải, rồi nhấc nó lên cao. Con chó điên cuồng giãy giụa nhưng Václav giữ nó rất chặt.

“Mang nó đi đâu bây giờ?”

“Mẹ đưa cho con chìa khóa phòng để củi, con nhốt tạm nó vào đấy đã.” Václav mang con chó còn đang rền rĩ đi.

“Vậy là bà già đã chết rồi ư?” Có tiếng khàn khàn ở ngoài cửa. Đó là tiếng của người đàn ông hói đầu chúng ta đã trông thấy ở hành lang trên tầng hai. Đầu ông hói đúng đến chỗ chạm vào vòng mũ. Ông thường xuyên đội cái mũ chóp hình trụ cũ kĩ hết thời đã lâu. Những sợi tóc mềm đã bạc ở hai bên thái dương rủ đến tận mắt. Mặt ông đầy vết nhăn, khuôn mặt của người trước đây rất béo, sau bị gầy quắt đi. Hai bên má ông hóp lại, lõm sâu. Ông có dáng người xương xẩu, ngực lép, hai tay luôn luôn vung vẩy như không chủ động được.

“Vâng, bà ấy đi rồi!”

“Thế thì phải nhanh chóng đưa bà ấy ra nhà xác, để khỏi có người chết ở trong nhà, chứ để nằm đây lại phải có nhiều thanh toán lôi thôi!”

“Cái ấy thì khỏi phải lo, thưa ông chủ nhà,” ông luật sư nói. Lúc này, ông đang đọc các giấy tờ xếp đầy trong cái hộp để trên bàn bên cạnh giường. “Bà ấy đã thu xếp để thanh toán tất cả. Bà ấy đã chuẩn bị mọi hậu sự, có thể là ngày hôm qua bà ấy vẫn còn xem lại giấy tờ. Trong cái phong bì có niêm phong này tôi thấy một tờ giấy mang tên bà ấy, thành viên của hội thánh Haštal. Còn đây là sổ của hội tình thương Strahov. Bà ấy sẽ được thanh toán tiền tang lễ, còn buổi lễ cầu nguyện linh hồn thì cũng đã được trả tiền trước rồi.”

“Tội nghiệp bà ấy. Lương hưu cả năm của bà ấy chỉ có 80 zlatý.[2] Cứ ba tháng một lần, Václav nhà tôi lại điền phiếu nộp tiền hộ bà ấy!” Bà Bavorová cảm động nói. Bà Žanýnka đã đóng tiền hậu sự vào hai hội kể trên từ lâu rồi, ấy là từ lúc các hội đó còn xứng đáng với cái tên lịch sử của chúng, chứ không phải là cái đáng bị sỉ nhục như bây giờ.

“Họ sẽ trả hậu sự cho bà ấy khoảng 50 zlatý, một tấm quan tài và tấm bia thiếp vàng được vẩy nước thánh,” bà chủ quán ăn nói.

“Thế những tờ khác là giấy tờ gì?” Václav đã quay trở lại, tò mò hỏi.

“Chả có gì quan trọng. Một số thư từ riêng, từ hàng mấy chục năm rồi,” ông luật sư đọc rồi trả lời.

“Chú cho cháu mượn, thư từ của bà già không chồng chắc có nhiều cái hay. Cháu sẽ trèo lên mái nhà để đọc. Hôm nay là thứ hai, nhà nào cũng giặt quần áo, ở đâu cũng toàn mùi xà phòng, hơn nữa nhà nào cũng nấu đậu Hà Lan. Tốt hơn hết là trốn lên mái nhà. Cháu muốn trở thành nhà viết tiểu thuyết, và người viết tiểu thuyết thì cái gì cũng phải đọc. Cháu có nhiều thời gian, vì được công sở cho nghỉ phép đến tận thứ năm, có phải không ạ, thưa ông chủ nhà?”

“Nhưng không được làm mất tờ nào đấy, đọc xong thì đem hết về đây!”

“Bây giờ ai là người lo toan tất cả mọi thủ tục được đây?” Ông chủ nhà hỏi. “Có lẽ ông phải làm việc này thôi, ông luật sư ạ! Denn diese Leute kennenn’s nicht (đối với những người này không biết)!” Ông chủ nhà tỏ ra hiểu biết.

“Giá mà con trai tôi không thực tập ở công sở của ông thì tôi sẽ bảo cho ông biết rằng phải nói là kennes-nicht (bởi vì những người này không biết)!” Bà Bavorová lẩm bẩm một mình.

“Vâng, biết làm sao được!” Ông luật sư nhiệt tình đáp. “Tôi sẽ đến chỗ khai nhân khẩu, đến ban quản lý nghĩa trang và sang nhà xứ, còn cậu Václav thì phải đi ngay để mời bác sĩ đến chứng nhận. Khi bác sĩ ký giấy khai tử rồi thì cậu mang sang văn phòng cho tôi nhé!”

Václav nhanh nhẹn đi ra.

“Còn tôi với bà chủ quán sẽ tắm rửa rồi mặc váy áo cho bà Žanýnka. Nghĩa tử là nghĩa tận!”

“Vâng, các bà tốt quá!” Ông luật sư khen họ. “Thôi, tôi phải đi đây!”

“Để tôi đi cùng với ông.” Ông chủ nhà nói.

Rồi cả hai người đàn ông cùng đi.

“Bây giờ bà đang làm gì vậy?” Bà chủ quán hỏi bà Bavorová.

“Tôi đang nghĩ đến cả thế giới.”

“Bà lại mơ thấy cái gì thế?” Bà chủ quán hỏi tiếp. “Bà đã định kể về...”

“À, vâng! Giấc mơ ấy rất đẹp! Tôi mơ thấy cha tôi về, xin trời tha tội cho cha tôi, mồ yên mả đẹp cũng được hơn hai mươi năm nay rồi. Mẹ tôi bỏ đi trước, cha tôi nhớ thương ngày nào cũng ra mộ, rồi mất, nhưng ra đi rất nhẹ nhàng. Cha mẹ tôi thương yêu nhau lắm. Trong mơ, tôi nhìn thấy cha mẹ khóc thương chúng tôi, ngày ấy đang có chiến tranh Napoléon, chẳng có gì cho chúng tôi ăn cả.”

“Cụ ông tên là gì?”

“Cha tôi tên là Nepomucký, vì ngày lễ tên thánh của cha tôi là ngày 16, vậy sẽ là số 16. Tự nhiên tôi thấy cha tôi, cả người trắng bệch, đứng trước mặt tôi ở trong cửa hàng. Tôi định hỏi, ‘Bố đi đâu mà ở đây?’, cha tôi đưa cho tôi cả một ôm đầy bánh nướng - tức là số hai mươi ba, con số may mắn - rồi bảo tôi: ‘Người ta chiêu lính, bố phải đi!’ Mục chiêu lính có con số tám, nghĩa là sự vui vẻ. Sau đó bố tôi quay ngược ra ngoài và đi mất.”

“Thế thì phải là số sáu mươi mốt, chứ không phải mười sáu, khi mà ông cụ quay ngược ra!”

“Ừ nhỉ, thế mà tôi không nghĩ ra! Vậy thì các con số sẽ là 61, 23 và 8.”

“Giấc mơ rõ ràng như thế thì ta mua số đề cả năm mươi krejcar[3] nhỉ?”

“Ừ, cũng được.”

“Chúng ta sẽ trúng giải, sẽ được nhiều tiền, tốt quá. Cậu Václav nhà bà và Márinka của tôi, chúng nó thích nhau - trúng được giải thì tốt quá!”

III. GIA ĐÌNH ÔNG CHỦ NHÀ

Đã đến lúc tôi nên nói qua về địa điểm và các nhân vật của chuyện tôi muốn kể. Về nhân vật mà nói thì điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự ngẫu nhiên, tùy theo việc họ có những hành động gì nổi bật trong ngày nào đó. Còn về địa điểm thì tôi có thể nói ngay được rằng đó là một trong những ngôi nhà yên tĩnh nhất của khu Malá Strana[4] yên tĩnh. Nhà được xây rất khác lạ, là một trong những ngôi nhà khác lạ tương tự ở cái dốc cao nhất của phố Ostruhová[5]. Cái nhà ấy rất sâu, mặt tiền đơn giản của nó hướng ra phố Ostruhová, mặt hậu nhìn ra phố Svatojánská sâu thăm thẳm và ít người qua lại. Vì nằm trên dốc nên tuy nhìn từ phía sau nhà có ba tầng, nhưng lại thấy thấp hơn phía trước, mặc dù ở đó chỉ nhìn thấy hai tầng. Không thể đi từ phía trước nhà đến phía sau nhà qua sân được, vì tường của các nhà bên cạnh đứng chắn ngang. Ở mặt tiền nhìn từ đường vào, phía tay trái là cửa hàng tạp hóa, bên phải là quán ăn. Muốn đi lên tầng hai ở phần phía trước nhà thì không đi theo cầu thang từ lối qua cổng được, mà phải đi lên cầu thang ở ngoài sân, từ đó rẽ sang tay phải, đi qua một hành lang ngắn, tới cầu thang xoáy, rồi từ đó lại đi qua một hành lang ngắn nữa. Cả tầng hai là căn hộ của một công chức trước làm việc ở Sở Kinh tế, nay đã về hưu. Ông ấy sống ở đây cùng với vợ và cô con gái của họ. Ông luật sư tên là Josef Loukota, đúng ra chỉ là luật sư phụ tá, chưa có học vị tiến sĩ, đang ở trọ trong một căn phòng của gia đình này. Muốn đi vào phòng mình, ông luật sư phải đi qua bếp của gia đình.

Theo cầu thang xoáy còn có thể đi lên cao hơn nữa, đến tận tầng nóc nhà.

Phía dưới, ở bên phải và bên trái của cầu thang, là các ngăn chứa củi của các gia đình. Căn hộ của bà Žanýnka ở tầng một nhà phía sau. Bên cạnh căn hộ đó là các bậc thang dẫn xuống tầng hầm, liền các bậc thang đó là cầu thang xoáy dẫn lên hai tầng trên, tầng nào cũng có hành lang rất dài. Căn hộ của gia đình Josefinka nằm ở tầng ba. Nói cho đúng thì nó chiếm cả tầng, nhưng là tầng không rộng. Căn hộ ấy có cửa sổ trông ra sân và cửa sổ trông ra đồi Petřín. Josefinka sống cùng mẹ và chị gái. Mẹ cô là bà quả phụ của một viên chức trước đây làm việc cho một nhà quý tộc, chị gái cô là một cô gái ốm đau luôn.

Ở tầng hai phía sau nhà là căn hộ của gia đình ông chủ nhà. Chúng ta đã thấy gia đình ấy ở hành lang rồi, giờ thì ta có thể vào thăm họ.

Trước khi bước vào phòng thứ nhất, phải đi qua phòng bếp. Lúc này bà Bavorová, người giúp việc cho gia đình ông chủ nhà, đang giặt quần áo. Đồ đạc trong căn phòng thứ nhất rất đơn giản và không hiện đại. Phía tay trái là cái giường có trải chăn đệm, được phủ bằng tấm phủ giường đan bằng len. Phía tay phải là cái hòm và chiếc tủ cao đựng quần áo, rồi một cái bàn tròn có trải khăn bàn hơi bị sờn và bạc màu, xung quanh bàn là mấy chiếc ghế. Ở bên một cửa sổ có kê cái máy khâu, ở cửa sổ bên cạnh có chiếc ghế bành. Trên tường giữa hai cửa sổ có treo một tấm gương lớn, còn các bức tường sơn xanh khác đều để trống, không treo gì. Bụi phủ trên mặt hòm và ở khung gương; nhưng cái đó không quan trọng, vì phòng thứ hai tiếp theo mới là phòng lớn, cũng vì thế mà bà Bavorová chỉ gọi phòng thứ nhất là “tiền sảnh” thôi. Ở phòng thứ hai, tức là ở phòng lớn, có một số tranh minh họa sách cổ in litô, đồ đạc gồm một cái đàn piano, một ghế sofa, một bàn, sáu ghế được phủ vải trắng xếp vòng quanh bàn, và một cái giường. Cô con gái nhỏ của ông bà chủ nhà vẫn còn đang nằm ở đó. Phòng thứ ba là phòng của vợ chồng ông chủ nhà.

Bà chủ nhà đang ngồi bên cửa sổ, cô con gái lớn ngồi bên cửa sổ thứ hai. Bà mẹ mặc váy áo trong nhà, còn cô con gái thì vẫn chỉ mặc váy áo lót, mặc dù lúc đó đã là 11 giờ trưa rồi.

Bà chủ nhà là người đàn bà có đường nét sắc cạnh, khuôn mặt cứng cỏi và cái cằm nhọn. Bà đeo kính và đang chăm chú khâu cái gì đó bằng vải thô. Trên vải có in những vết đen, vậy đó đúng là vải may quân phục. Con gái bà là một cô gái tóc vàng thuộc loại rất bình thường, không hấp dẫn một chút nào. Cô rất giống mẹ, nhưng được cái đường nét có vẻ mềm mại hơn một chút, cái cằm tuy nhọn nhưng cũng có nét duyên dáng nào đó của tuổi trẻ. Mắt cô xanh sáng, mái tóc có vẻ không dày lắm, lúc này còn đang quấn trong cặp quấn bằng giấy. Điều rõ ràng thấy ngay được là cô đã ngoài tuổi hai mươi khá lâu rồi.

Cái làn đựng đồ khâu được đặt trên bậu cửa sổ, một cái áo lót mỏng đặt trên ghế cạnh cô gái, bên trên áo có cuộn chỉ đỏ. Có thể cô gái đã bắt đầu thêu tên mình lên áo, hoặc sẽ thêu. Trên cái bàn nhỏ cập kênh, cứ động vào là lại ngất ngưỡng, có một lọ mực, cạnh nó là quyển sổ lưu niệm đang mở với các trang đã viết, trước mặt cô là tờ giấy trắng đặt trên tờ báo cũ, trên bậu cửa sổ là quyển vở mở với các trang vở chép các vần thơ bằng tiếng Đức. Chắc hẳn cô muốn chép lại một đoạn thơ lên tờ giấy trắng, nhưng chưa chuẩn bị xong bút viết. Cô viết thử ra góc tờ báo, thử đủ kiểu bút, đôi môi cô nhuốm đen vì mực.

Bà mẹ ngẩng lên nhìn con gái rồi lắc đầu:

“Gớm, viết lách thế mà cũng cứ viết!”

“Nhưng con thích viết!”

“Này Matylda ạ, sáng nay lúc anh Loukota lại nhìn sang bên này thì con đang ở trong bếp phải không? Sáng nào anh ấy cũng nhìn sang đây!”

“Thì đã sao, cứ để ông ấy nhìn!” Matylda trả lời với giọng chói tai.

“Con ạ, mẹ luôn có cảm giác là anh ấy dễ chịu hơn ông thượng úy!”

“Con thì không thấy thế!”

“Anh ấy cũng trẻ hơn thượng úy, lại hiền nữa con ạ. Bố mẹ biết anh ấy lâu rồi. Chắc chắn anh ấy phải để dành được rất nhiều tiền đấy!”

“Ôi giời, sao mẹ buồn cười thế!”

“Còn mày thì sao mà ngu thế!”

“Con có phải là trẻ con nữa đâu mà mẹ muốn bảo làm gì cũng được? Để mặc con muốn làm gì thì làm!”

“Thì mặc mày, tao chẳng bận xác làm gì!” Bà mẹ bực dọc đặt đồ khâu xuống rồi đi ra bếp.

Còn cô con gái xem ra cũng chẳng bực làm gì cho bận xác. Cô bình thản đặt trước mặt quyển vở có chép thơ, chấm bút vào lọ mực một lần nữa và bắt đầu viết từng chữ lên tờ giấy trắng. Cô viết một cách chậm chạp khó khăn. Nhưng cuối cùng thì câu thơ đầu tiên đã được viết xong, rồi câu thứ hai, thứ ba. Sau nửa tiếng đồng hồ vật lộn vất vả, cô đã chép lại được khổ thơ này:

Hồng kia hoa đã tàn

Hương đào này đã héo

Tình ta vẫn như xưa

Em đã đi về đâu

Để anh cô đơn vậy?

Cô Matylda hài lòng ngắm nghía công trình sao chép của mình. Cô đọc to hai lần cả khổ thơ và ngắt giọng một cách rất cảm động. Rồi cô bắt đầu ký tên. Cô viết xong chữ “M” và khi viết đến một nửa chữ “a” thì bút hết mực. Cô chấm mực một lần nữa, đặt bút xuống ký tiếp. Đúng lúc ấy, một giọt mực to tướng nhỏ xuống bên cạnh chữ “a” đang viết dở. Cô nâng tờ giấy lên và liếm một nhát sạch giọt mực.

Chắc hẳn giọt mực không làm nhòa chữ nào, và vì thế cô không phải viết lại từ đầu. Cô cầm tờ giấy, đưa nó ra ánh sáng để chờ cho ráo mực. Vừa lúc ấy, mẹ cô vội vàng đi từ bếp vào phòng.

“Mẹ con bà Baurová đang đến nhà mình đấy! Thế mà con vẫn còn chưa mặc quần áo,” bà mẹ gọi từ cửa. “Mặc cái gì vào đi, nhanh lên!”

“Mấy con cú ấy lại muốn gì vậy?” Cô Matylda càu nhàu và cất tờ giấy viết dở vào cặp giấy. Cô đứng dậy, đi về phía giường, nơi có cái áo trắng mặc trong nhà của cô. Trong lúc ấy, bà mẹ vội vàng mang đống quần áo đang may, mở cửa quẳng vào phòng thứ hai. Bà nói với đứa con gái nhỏ đang nằm trên giường: “Valinka cứ nằm, đừng dậy bây giờ con nhé, đang có khách đến.” Đoạn đóng cửa lại.

Ở ngoài bếp, đã có tiếng đàn bà đang nói. Cô Matylda chạy về chỗ ngồi của mình và cầm lấy cuộn chỉ đỏ, bà chủ nhà cũng đi vội đến cửa sổ và làm như đang lục tìm gì đó trong cái làn đựng đồ khâu.

Có tiếng gõ cửa.

“Ai đấy?” Bà chủ nhà hỏi.

Cửa mở ra, đứng trước cửa là hai người đàn bà đang có vẻ lúng túng, không biết có nên bước vào phòng hay không.

“A, bà Baurová... Matylda ơi, xem này con ơi, xem ai đến nhà mình này!”

“Ôi, mừng quá!” Cô Matylda vui vẻ vỗ tay. “Chị Marie, chào chị, lâu lắm rồi không gặp chị!” Rồi ôm hôn người trẻ hơn trong hai người phụ nữ.

“Chúng tôi chỉ rẽ vào đây một lúc thôi, bà Eberová ạ,” người đàn bà có tuổi giải thích. “Tôi với cháu đến gặp ông chú là mục sư ở trên kia, nhưng Marie nói là dứt khoát phải rẽ vào chào chị Matylda. Sao ông bà lâu rồi không đến nhà tôi chơi? Đấy, thế là đủ thấy ai nghĩ đến ai nhé! Chúng tôi đến đây nhiều hơn, nhưng hôm nay quả thực chỉ rẽ vào một tí thôi. Tôi bảo cháu là có lẽ bây giờ vào bà không tiện, vì hôm nay là thứ hai, là ngày giặt giũ...”

“Thì có sao đâu bà,” bà chủ nhà gạt đi, “giặt giũ thì ở trong bếp chứ cản trở gì ở đây! Xin bà và cô ngồi chơi một lát chứ! Bà xem kìa, hai cô ấy cứ quấn lấy nhau, quý hóa quá! Matylda ơi, nhẹ nhàng thôi, kẻo làm cô Marie nghẹn thở đấy!”

Bà chủ nhà đưa ghế ở gần cửa sổ cho hai người khách. Bà mẹ của Marie là người đàn bà trạc năm mươi tuổi, ăn mặc rất lịch sự. Cô Marie khoảng ba mươi tuổi, có khuôn mặt giống mẹ. Mặc dù đang mỉm cười lịch sự tỏ ra vui vẻ nhưng trên khuôn mặt gầy gò của cô ấy đã có biểu hiện của sự mệt mỏi khó tả. Chỉ có đôi mắt của cô là có một vẻ gì soi mói, tìm tòi khi nhìn mọi thứ xung quanh.

Họ ngồi nói chuyện, lúc thì nói bằng tiếng Séc, lúc nói bằng tiếng Đức, tùy theo câu chuyện nói về chủ đề gì.

“Hình như cửa để ngỏ có gió lùa hay sao ấy bà nhỉ, răng tôi đang đau vì phong thấp,” bà Baurová nói. “Hôm nay trời đẹp quá nên chúng tôi đi chơi, Matylda ơi, cháu có thấy hôm nay trời đẹp không?”

“Dạ, có ạ, trời hôm nay quả là đẹp, đẹp tuyệt vời.”

“Vâng, tuyệt vời,” cô Marie tán thành.

“Mới sáng ra mà bà đã may vá rồi ư?” Bà Baurová hỏi và nhặt một mẩu vải từ sàn nhà. “Ơ, vải này là... là vải may quân phục, phải không bà?”

“Vâng, nó là... nó là vải may quân phục ạ,” bà chủ nhà gượng gạo. “Người giúp việc của chúng tôi là người nghèo, bà ấy may quần áo cho quân đội. Khi bà ấy giặt quần áo cho chúng tôi thì tôi khâu giúp bà ấy. Tội nghiệp, kim châm nát tay mà cả tuần mới kiếm được khoảng năm chục krejcar! Dân nghèo phải lam lũ thế đấy!”

“Vâng, họ khổ quá!”

“Còn chị đang làm gì vậy, hả chị Matylda? A, chị thêu tên vào áo à? Cho em xem với nào, xem chị thêu chữ gì nào!” Cô Marie gợi chuyện. “M-K ư? À, em nhớ ra rồi, em nghe nói chị sắp làm cô dâu, vậy em phải chúc mừng chị chứ nhỉ! Nghe bảo chú rể là thượng úy Kořínek, phải không ạ? Có lần em đã gặp thượng úy ở nhà chú em nên cũng biết một chút. Em hỏi thật nhé, chị có yêu ông ấy không?”

Cô Matylda chẳng hề đỏ mặt, mà việc gì phải đỏ mặt với bạn gái.

“Em đã quyết định rồi! Vả lại, còn mong chờ cái gì! Anh ấy hiền lành và yêu em, nên em cũng chẳng chê bai gì.”

“Em không để ý kĩ lắm, nhưng em nghĩ ông... à anh ấy có tóc sáng màu thì phải, hay là tóc đã bạc rồi?” Cô Marie giả bộ ngây thơ nói, tay vẫn lật từng trang quyển sổ lưu niệm.

“Ồ không, anh Kořínek đâu đã già!” Cô Matylda hơi đỏ mặt. “Anh ấy chỉ... anh ấy kể là trước đây anh ấy đã ở trong một căn hộ không tốt, có giường nằm quay đầu về phía tường bị ẩm. Anh ấy quả thực chưa già đâu!”

“Thế ra người ấy chỉ cố tỏ ra là già thôi à, sao tếu thế! Không thể tin được cái gì ở đám đàn ông!”

“Vâng, anh ấy láu lỉnh lắm! Hôm qua anh ấy làm em rất buồn cười! Em đã đùa, chê anh ấy hút nhiều thuốc lá và hỏi vì sao hút nhiều thế. Anh ấy trả lời là phải luyện đôi môi hút cho quen, để chuẩn bị đến lúc hôn thật! Chị bảo thế có buồn cười không? Der ist witzig[6].”

Cô Marie bật cười, tỏ ra đồng ý với nhận xét về cái hóm hỉnh của ông Kořínek, tuy còn hỏi thêm:

“Thế nhưng tại sao lại chuyển từ trung đoàn chính quy sang bên hậu cần may quân phục, nếu mà vẫn còn đủ sức?”

“Người ta muốn điều anh ấy đi đến tận Dalmatia cơ, nhưng anh ấy xin chuyển vì bị giảm trí nhớ...”

“À, ra vậy! Đi xa thế mà bị giảm trí nhớ thì có thể quên mất đường về nhà, tội nghiệp!” Cô Marie tỏ ra thông cảm.

“Người đàn ông nào cũng có cái thiếu sót của mình, nhưng anh Kořínek có tiền!” Cô Matylda nói nhanh. “Bố anh ấy kiếm được nhiều tiền trong cuộc chiến tranh Pháp.”

“Vâng, em cũng nghe nói là hồi ấy ông cụ bị gãy chân hay sao ấy... nhưng mà đàn bà con gái chúng mình không hiểu được chuyện ấy!” Cô Marie nói hoàn toàn thành thực. “Ái chà chà, thượng úy viết lưu niệm cho chị hay quá!” Và cô ấy đọc hơi to các câu thơ viết trong sổ.

Ở trang sổ có bài thơ thế này:

Ôi phẩm hạnh của mĩ nhân

Anh yêu em vì trái tim chung thủy

Em yêu quý hãy đừng quên

Hãy cho anh ở bên em mãi mãi.

Thượng úy W. Korzineck

“Vì sao lại không ký cả tên, chứ ai mà biết được chữ “W” là cái gì?”

“Ờ... anh ấy tên là Václav, nhưng anh ấy không thích cái tên ấy. Anh ấy bảo là bao giờ đi lễ ở nhà thờ anh ấy cũng muốn xin đổi ra cái tên khác!”

“A, chị có cả một quyển vở có chép thơ!”

“Anh Kořínek cho em mượn đấy!”

“À, chắc là để chị chép lại vài bài cho ông ấy! Thơ mộng quá nhỉ! Ơ, mẹ ơi, ta đi chứ?”

Hai bà mẹ lúc này đang nói với nhau về chuyện nội trợ gia đình. “Ừ, phải đấy, ta đi thôi! Đáng tiếc là không gặp được ông nhà, biết làm sao được, khi mà ông nhà phải đến công sở! Nhưng mà Valinka, thiên thần của tôi đâu rồi, cháu không có nhà ư?”

“Có ạ, cháu có ở nhà, nhưng còn đang ngủ. Tôi cho cháu nằm lâu một chút vào buổi sáng, nghe bảo làm thế rất tốt cho giọng hát! Cháu sẽ là ca sĩ, vâng, tuy là mọi người lấy đó làm ngạc nhiên. Nó mê nhạc lắm, cứ ngồi vào chơi piano là không lôi nó ra được!”

“Nhưng tôi phải ôm hôn thiên thần của tôi mới được, chứ đi về mà chưa thơm nó được một cái thì buồn lắm. Cháu đang phòng bên cạnh, phải không bà?” Và bà Baurová tiến đến cửa căn phòng thứ hai.

“Nhưng mà ở trong ấy bừa bãi lắm bà ạ, chăn gối đã xếp lại được đâu!” Bà chủ nhà chống cự.

“Thưa bà, chỗ chị em với nhau mà! Ở nhà tôi cũng vậy thôi!” Chưa nói dứt, bà ấy đã đứng trước cửa phòng.

Không còn cách nào khác, mọi người đành phải đi theo bà Baurová. Khi nhìn thấy đống quân phục ở dưới sàn nhà, trên khuôn mặt gầy gò của bà Baurová thoáng một nụ cười, nhưng bà ấy không nói lời nào mà bước nhanh đến giường.

“Ứ, mặc cháu... cháu không thích đâu!” Valinka cố tránh vòng tay ôm của bà khách.

“Valinka hư nhé, con làm cái gì vậy?” Bà chủ nhà mắng con. “À, tôi nghĩ ra rồi! Tối thứ năm này chúng tôi tổ chức ở nhà một buổi ca nhạc nhỏ, xin mời bà đến đây dự nhé! Matylda, con hẹn với cô Marie đi, để thế nào cô ấy cũng đến nhé!”

“Vâng, chúng tôi sẽ đến, chúng tôi sẽ đến để hâm mộ thiên thần bé nhỏ của chúng ta,” bà Baurová hứa thật tình.

Căn phòng thứ hai rộng bằng cả phòng bếp và phòng thứ nhất gộp lại, và có hai cửa sổ trông ra sân. Hai cô bạn gái nắm tay nhau bước đến bên cửa sổ. Họ nhìn thấy Václav đang đi ra từ căn hộ của bà Žanýnka, trong tay cầm một mớ giấy tờ và vội vàng đi về phía cầu thang xoáy.

“Ai thế hả chị?” Cô Marie hỏi.

“À Sáo xanh! Con trai của bà bán hàng tạp hóa, bà giúp việc của nhà em ấy mà! Nhưng mà cậu ấy kiêu căng lắm!”

“Sao lại gọi là Sáo xanh? Tên là thế à?”

“Không phải thế, tên cậu ấy là Václav, nhưng cả nhà em gọi cậu ấy là Sáo xanh. Có một lần, con chim sáo xanh nhà em sổ lồng, ba em nghĩ là trông thấy nó ở trên mái nhà, nhưng khi ba em leo lên đấy thì thấy đó không phải là con sáo, mà là đuôi cái áo khoác của Václav. Cậu ấy thường ngồi học ở trên mái nhà, bây giờ chắc lại lên đó, chị nhìn kìa!”

“Cậu ấy đang đi học à?”

“Không, thôi rồi! Bây giờ cậu ấy đang thực tập ở công sở, ở chỗ của ba em. Nhưng ba em bảo là cậu ấy sẽ chẳng làm được gì nên hồn, rằng tốt hơn hết cậu ấy nên nhảy cầu xuống sông!”

“Các cô ơi, các cô ơi, hai chị em chia tay nhau đi chứ - ta phải đi thôi con ạ!” Bà Baurová gọi con.

Hai cô gái ôm nhau. Phải mất một thời gian dài, họ mới đủ để trao những cái hôn cho nhau, mới đủ để khen ngợi nhau, để đi qua phòng, đi qua bếp, cho đến tận cầu thang.

Bà chủ nhà và cô Matylda dừng lại ở ngoài hành lang.

“Con có thấy bà ta sợ gió lùa vì bị phong thấp không?” Bà chủ nhà hỏi con gái, khi mà hai mẹ con bà Baurová đã đi từ cầu thang xuống đến sân. “Nhưng mẹ nghĩ là bà ấy chẳng còn một cái răng thật nào!”

“Con cũng nghĩ thế. Ở nhà ấy chắc là cứ sau bữa cơm trưa thì con bé giúp việc lại vừa rửa bát đĩa, vừa rửa cả bộ răng giả cho bà ấy, hi hi!”

Bà Baurová dừng lại trước cổng, quay lại vẫy tay chào thân mật. Cô Marie gửi cho cô Matylda mấy nụ hôn gió nữa. Rồi hai mẹ con đi ra cổng.

“Có trời biết cô nàng Matylda đã bao nhiêu lần thêu tên chú rể tương lai nào đó vào áo để rồi lại tháo ra,” cô Marie vừa nói vừa chỉnh lại cái khăn quàng trên vai. “Chắc là nó cả đời chỉ thêu rồi lại tháo!”

“Thế còn anh Kořínek thì sao? Có lần chú đã nói chuyện với con về anh ấy rồi nhỉ?... Thế con bảo sao?”

“Ờ... chẳng bảo sao cả!” Cô Marie ậm ừ và bước ra đường.

IV. LỜI ĐỘC THOẠI TRỮ TÌNH

Buổi sáng đã qua đi, chiều tối của ngày thứ nhất đã đến. Xung quanh, mọi cảnh vật giống như trong một bài hát Nga cổ điển “trên trời có trăng và trong phòng có trăng”. Mặt trăng tròn sáng đến mức làm lu mờ tất cả các ngôi sao quanh nó, chỉ các vì sao ở rất xa mới nhấp nháy sáng một cách rụt rè. Ánh trăng vàng tỏa xuống như tấm áo choàng kiêu hãnh phủ lên mặt đất, lung linh trên các dòng sông và các bờ xanh, lướt qua làng mạc và thành phố, qua các quảng trường và các con đường, đến từng mái nhà, nhẹ nhàng soi qua những cửa sổ đang mở để vào từng căn phòng.

Ánh trăng vàng cũng tràn vào căn phòng gọn gàng, sạch sẽ và thanh lịch của ông luật sư. Các đóa hoa trên chiếc bàn nhỏ sáng lên như được phủ lớp sương lấp lánh, chăn đệm trắng trên giường như trắng hơn. Ánh trăng ngả thoải mái trong chiếc ghế sofa, chiếu sáng lên bút mực và các vật dụng khác trên bàn viết, trải dài trên tấm thảm dưới sàn nhà.

Mặt trăng ngự trị một mình như thế trong căn phòng. Mãi đến khuya mới có tiếng cạch tay nắm cửa, tiếng cánh cửa phòng mở cọt kẹt như người ngái ngủ, ông luật sư bước vào phòng.

Ông ấy dựa chiếc ba toong vào giá treo áo ở gần cửa, đặt cái mũ nan lên giá, rồi xoa tay và lẩm bẩm một mình: “Ái chà chà, nhà ta có khách! Xin chào chị Hằng Nga ạ! Trên cung trăng có gì mới không chị? Ối, cái đầu gối của tôi!” Ông càu nhàu, rồi cúi xuống xoa xoa đầu gối. Khuôn mặt cúi nghiêng của ông trong ánh trăng có vẻ như đang bực bội, cũng có vẻ như đang cười cười.

Ông đứng thẳng lên và cởi áo khoác ngoài. Khi mở tủ để treo áo, ông lại lẩm bẩm, nhưng lần này thì hát một điệu trong một vở opera: “Bartolo[7]... Bác sĩ Bartolo... lolo - ờ, nốt Mi, hay Fa nhỉ?... À, nốt Fa mới phải... Bartolo...” Ông với chiếc áo mặc trong nhà, khoác lên người, buộc cái dây lưng lụa màu đỏ rồi vừa hát “lolo” vừa bước tới cửa sổ.

“Josefinka chắc đã ngủ rồi - chúc em ngủ ngon và có giấc mơ đẹp nhé! Em Josefinka bé nhỏ dễ thương, lại hiền hậu đến thế!” Bất giác, ông lại cúi xuống xoa đầu gối, nhưng không càu nhàu như trước nữa. Ông ngả người tựa vào bậu cửa sổ và tính toán: “Căn hộ bên nhà Josefinka rất rộng, ở không hết. Chúng ta sẽ ở đó - chỉ cần mua thêm một ít đồ đạc mới! Rồi thì... rồi chúng ta sẽ yêu thương bà mẹ và chị Katuška ốm đau, cả hai đều hiền lành. Nhưng Josefinka không có ai,... à phải rồi, người anh họ của cô ấy sẽ đứng ra đảm nhiệm mọi việc. Tất nhiên rồi, Josefinka mà đi lấy chồng thì phải có người đứng ra lo tổ chức cho chứ, cái đó là tất nhiên rồi! Đám cưới của chúng ta sẽ được tổ chức thật kín đáo... Bartololo... không biết vì sao mà hôm nay mình cứ hát hoài về Bartolo, sao vậy nhỉ? Mình vẫn chưa già, vẫn còn sung sức, khá sung sức mà! Mình vẫn chưa đến tuổi phải lo vì quá muộn, vì sẽ quá muộn để lấy vợ. Mình chưa phải sợ ý nghĩ “cả đời sẽ không còn lúc nào đẹp như bây giờ”. Đời sống vợ chồng sẽ là cuộc sống mới của mình, mình sẽ hài lòng. Và khi hài lòng thì con người ta trẻ ra”. Ông luật sư nhìn lên vầng trăng tròn. “Không biết em yêu của tôi có ngủ mơ thấy gì không! Có lẽ là không, một cô bé con như thế thường ngủ say... Giá mà được nói thầm vào tai em thì mình sẽ nói để em ấy nên mơ về cái gì!”

Ông quay lại, đến chỗ bàn để hoa rồi lấy chiếc đàn ghi-ta đang treo trên tường xuống. Ông mang nó đến bên cửa sổ và thử vài hợp âm. Từ dưới sân vọng lên tiếng chó rên rỉ.

“A, con Azor của bà Žanýnka lại sổng ra rồi!” Ông luật sư nói và nghiêng người ra ngoài cửa sổ. “Suỵt... Azor! Ngoan nào, im đi chứ!” Con chó im bặt. “Mình không được khiêu khích nó, tội nghiệp con chó!” Ông tự nhủ rồi treo đàn lên tường, đóng cửa sổ và kéo rèm. Ông đi đến bàn viết, thắp ngọn nến và ngồi vào ghế. Khi có một mình, bao giờ ông luật sư cũng nói nhỏ với chính mình. Bây giờ ông lại tiếp tục điều còn nói dở.

“Mình đủ già dặn để không còn quá ngu ngốc nữa. Ở tuổi của mình thì việc lấy vợ là việc phải giải quyết cho nhanh, nhưng cũng không được quá nhanh, không được kém thơ mộng. Kế hoạch của mình là... ái chà, cái đầu gối phải gió này, mình đã bị vập mạnh quá!” Ông vén áo khoác mặc trong nhà để nhìn quần tất và thấy nó bị xước ở chỗ đầu gối bên phải.

“Thế là lại phải mua quần tất mới rồi!” Ông rầu rĩ ca thán. “Chỉ tại vì mình nhường nhịn quá! Hai đứa ấy đứng ngay giữa đường - chắc chắn là Václav và Márinka, chứ còn ai khác nữa - mình tránh sang một bên, thế là va phải bánh xe! Cái cậu Václav trời đánh ấy! Mình phải gàn cậu ấy mới được, chứ mới là thực tập sinh mà đã yêu với đương thì còn làm được trò trống gì! Kể ra thì cũng đáng tiếc cho cậu ấy, phải công nhận là cậu ấy có tài năng đấy. Giá cậu ấy được học hành đến nơi đến chốn là tốt nhất, nhưng mà gia đình cậu ấy không có tiền thì biết làm sao được! Mình cũng phải gàn cậu ấy chuyện làm thơ, vì thơ ca cũng chẳng nên tích sự gì, tốt hơn cả là hãy cố làm việc ở công sở, một khi đã vào được đó rồi! Khi nào cậu ấy đến đây để hỏi ý kiến của mình về thơ cậu ấy viết, mình sẽ bảo cậu ấy nên quẳng cả đi, vì chẳng có bài nào ra hồn.”

Ông luật sư lấy từ bàn một quyển vở dày và mở trang có đánh dấu đầu tiên. “Mình đã tính rồi,” ông tiếp tục nói một mình, “mình cần mấy bài thơ, mình không biết làm thơ và những bài này của cậu ấy rất thích hợp cho mình. Nếu mình không lấy những bài này, thì mình cũng lấy những bài khác của người khác, có vấn đề gì đâu. Josefinka không biết được điều đó, cậu ấy cũng sẽ không biết về điều đó, vì cậu ấy sẽ nghe lời mình mà vứt các bài thơ này đi. Vậy thì ngày mai mình gửi cho cô ấy bài đầu tiên, tạm thời gửi nặc danh, nhưng chắc cô ấy đoán ra được ai gửi!... Phải đấy, bài này sẽ là bài đầu tiên!”

Ông đọc từ quyển vở:

Em như núi rừng

Đẹp thay mùa xuân mới!

Tóc em - cánh rừng sâu

Mắt em - dòng suối mát

Lời em - họa mi ca

Môi em - nhành hoa thắm

Em là cả thế gian.

Em là rừng là núi,

là mây là trời xanh.

Anh muốn em hãy là

tiếng vọng của ngàn thu.

Anh muốn em hãy là

khát vọng của nhà thơ.

“Cậu này viết được! Trong bài thơ có không khí trên núi ở quê mình, nhưng mình chắc chắn là cậu ấy chưa bao giờ thấy cảnh vùng núi! ‘Cánh rừng sâu - dòng suối mát’, hay tuyệt! ‘Em là cả thế gian’ - hơi quá nhiều! Mình biết rồi, mình sẽ gạch chân câu ‘khát vọng của nhà thơ’,... có nghĩa là chỉ cho một người thôi, tức là chỉ cho mình thôi. Mình biết là các cô gái thường hay bị thơ ca (và nhà thơ) làm rối đầu óc!... Và tuần sau mình sẽ gửi cho cô ấy một bài nữa, có lẽ sẽ ký tên, nhưng cũng còn để xem sao đã! Đây rồi, bài này sẽ là bài thứ hai!” Và ông luật sư đọc tiếp:

Da bánh mật và mái tóc đen

Em đến với tôi trong mơ

Mắt cháy lửa và tiếng sơn ca

Em biến đêm thành ngày nắng

Ôi mặt trời đen của anh!

Phải chăng đêm dày anh có em

Sáng như nắng trưa nóng bỏng?

Ôi vầng trăng đen của anh!

Phải chăng em cùng anh ngày nắng

Như người yêu chung thủy dịu hiền?

“Cậu này biết viết đây, hi hi! Hẳn cậu làm các cô gái phải mê mẩn tâm thần! Chắc bài này cậu ấy viết cho một cô gái Do Thái nào đó, chứ Josefinka đâu có đen như mặt trời đen, hay mặt trăng đen!... Nhưng mà không sao, Josefinka chắc chắn sẽ không để ý đến điều đó, chủ yếu là cô ấy sẽ nghĩ được coi là mặt trời và mặt trăng, và được ca ngợi. Bài thơ này sẽ mang đến cho cô ấy niềm vui và nhiều nghị lực! Toàn những lửa và nồng nhiệt nóng bỏng!... Nếu gửi bài này mà cô ấy vẫn còn chưa đổ thì gửi thêm bài thứ ba nữa, rồi cuối cùng thì chỉ còn cách là tấn công mãnh liệt mà thôi!”

Ông ấy lật thêm mấy trang nữa và đọc:

Đạn trúng tim anh có sao đâu!

Anh chết ngay rồi có sao đâu!

Chính vì trong con tim đau ấy

Anh thấy cả em cũng chết rồi.

Đau đớn vô bờ có sao đâu!

Đường đi tăm tối có sao đâu!

Mà không xa rời tim anh được,

Suốt đời mình em phải theo anh.

“Bài này có cái gì mê mẩn quyến rũ nhưng cũng có cái gì đe dọa cảnh báo! Cô gái sẽ không cưỡng lại được, khi mà người yêu cô dọa sẽ dùng súng tự tử. Gì thì gì, mình cũng gửi cho Josefinka cả bài này nữa! Nó sẽ làm cô ấy vững vàng hơn, kiên trì hơn trong tình yêu. Nhưng mà thôi, bây giờ mình thấy buồn ngủ rồi hay sao ấy... mình phải lên giường thôi... đến giờ đi ngủ rồi!”

Nói đoạn, ông luật sư ngáp dài và bắt đầu cởi quần áo.

“Cái tuyệt vời nhất là: em không thể rời khỏi trái tim anh, em sẽ phải đi cùng anh”, ông vừa cởi quần áo vừa lẩm bẩm hai câu thơ và cẩn thận xếp quần áo lên chiếc ghế ở gần giường. “Tức là cậu ấy muốn nói là đã giam cô gái trong trái tim mình, và nếu bắn vào tim mình thì cũng nhằm trúng luôn cả cô ấy, hà hà, tất nhiên là bắn trúng rồi, khi mà cô ấy đã ở trong đó!”

“Ra khỏi trái tim - hôm nay trời nóng, không cần đi tất”, ông lại lầm bầm và cởi giày. Rồi lật chăn, tắt đèn và nằm xuống giường.

Ông nằm thở khoan khoái.

“Ôi chao!... Ra khỏi anh... từ tim anh... em không thể... em phải... theo anh...”, rồi ông ngủ thiếp đi.

Dưới sân, con Azor lại rền rĩ. Rồi có tiếng móng chân nó cào cào vào cửa phòng bà Žanýnka. Như thể không chịu nổi cái đau đớn vì mất bà chủ, nhưng lại sợ đánh thức mọi người, nó cứ ư ử rên như vậy suốt cả đêm.

V. NGƯỜI CHƯA VỢ LÀ NGƯỜI QUÝ GIÁ

Luật sư Josef Loukota đang ở trọ trong căn hộ của ông Lakmus, một công chức làm việc ở Sở Kinh tế. Gia đình ông Lakmus mới dọn về Praha sống được ba năm nay. Họ thuê một căn hộ trước đây có người khác ở, cùng với ông luật sư là người ở trọ. Người ấy đã chuyển đi nơi khác nhưng ông luật sư vẫn ở lại trong căn hộ đó. Thế là vợ chồng ông “thừa hưởng” ông luật sư và để cho ông tiếp tục ở trọ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi gia đình ông Lakmus đến ở căn hộ ấy trong ngôi nhà yên tĩnh của chúng tôi, tất cả mọi người ở các căn hộ khác đều đã biết vợ chồng ông ấy có tiền của dành dụm được, là cả hai vẫn nhận được nhiều quà cáp và nhiều vật dụng từ công sở; và tất cả đều rất kính trọng họ. Tuy vậy, không ai có quan hệ nhiều với họ. Bà Lakmusová là chủ gia đình và là người khó gần. Tất nhiên, khi ai yêu cầu gì thì bà ấy làm ngay; bà ấy sẵn lòng trả trước tiền nhà khi chủ nhà đòi hỏi; khi có ai chẳng may thiếu thức nấu thì bà sẵn lòng cho vay bột mì, hay bơ; khi ai chào thì bà chào lại, thậm chí tự chào trước, nhưng không bao giờ bà nói chuyện lâu với ai. Mặt khác, bà cũng chẳng phải là người yên lặng nhẹ nhàng gì, vì có lúc, qua cửa sổ mở, tiếng nói sang sảng của bà vang khắp cả nhà.

Bà Lakmusová tuy đã ngoài bốn mươi, nhưng còn đầy sức sống. Mặc dù có vóc dáng đẫy đà nhưng bà nhanh nhẹn, đôi má mịn không một nếp nhăn, cặp mắt sáng vui vẻ; nói tóm lại bà có vẻ của một người đàn bà còn rất nghị lực và hăng hái, cho dù cô Klára, con gái bà cũng đã đến tuổi lấy chồng từ lâu rồi. Cô Klára đã hơn hai mươi tuổi và không giống mẹ chút nào. Cô gầy và cao lênh khênh, chẳng hề có cái gì tròn trĩnh; nhưng cô ấy có đôi mắt xanh sáng, hợp với bộ tóc màu nâu vàng, khuôn mặt chữ nhật của cô hồng hào với vẻ khỏe mạnh của cô thôn nữ. Tính nết Klára còn khó gần hơn cả mẹ cô; vì vậy mà cô Matylda, con gái ông bà chủ nhà, cũng đã thôi không tìm cách làm bạn với cô ấy nữa.

Mọi người hàng xóm thường chỉ trông thấy ông Lakmus bên cửa sổ chứ ít khi gặp ông ấy ở nơi nào khác. Ông bị đau chân nên đã nghỉ việc để chữa chạy ở nhà. Hàng mấy tháng trời mới thấy ông khập khiễng ra khỏi nhà một lần, còn thì ông chỉ ở trong nhà. Ông thường đứng ở cửa sổ để nhìn ra đường, hoặc là ngồi ở sofa để thuốc thang cho cái chân đau. Bao giờ ông cũng mặc cái áo vải flanen, quần áo ông lúc nào cũng như âm ẩm. Người ta kể rằng ông uống nhiều rượu vang; khuôn mặt đầy mụn nhọt của ông chứng tỏ điều đó.

Lúc đó là gần trưa, ngày thứ hai của chuyện chúng ta đang kể. Ông Lakmus nặng nề đứng lên từ cái ghế gần cửa sổ trông ra đường. Ông đã ngồi ở đó cả buổi sáng, bây giờ ông chậm chạp chuyển sang ghế sofa. Ông ngồi xuống đó, duỗi chân trên ghế rồi sốt ruột nhìn lên đồng hồ trên tường và thở dài. Đó là cái đồng hồ to có mặt kính. Giống như tất cả đồ đạc trong nhà, tuy nó không mới, nhưng thuộc loại khá đắt tiền. Cứ theo kim đồng hồ thì lúc ấy đã là 12 giờ kém mấy phút rồi.

Ánh mắt ông Lakmus chuyển từ cái đồng hồ sang cô Klára đang bận ngồi khâu ở bên cửa sổ thứ hai. “Hôm nay hai mẹ con không cho bố ăn xúp hay sao?” Ông cười buồn buồn, như chỉ muốn nhắc, chứ không giận dữ gì.

Cô Klára ngẩng đầu lên, vừa lúc đó cửa phòng mở ra, bà Lakmusová bước vào, hai tay bưng đĩa có đặt bát xúp đang bốc hơi nghi ngút. Mặt ông Lakmus rạng rỡ hẳn lên.

“Klára ơi, con ra bếp chuẩn bị làm bánh nướng đi!” Bà Lakmusová sai con gái. “Làm cho cẩn thận, kẻo luật sư cười cho đấy nhé!”

Klára ra khỏi phòng.

“Hôm nay tôi nấu xúp vang, chứ ăn xúp thịt bò mãi cũng chán, phải không ông?” Bà Lakmusová dịu dàng nói và đặt bát xúp trước mặt chồng. Ông ngước mắt nhìn vợ một cách ngạc nhiên, như thể cái sự tiết kiệm này là đáng ngờ vực đối với ông. Nhưng rõ ràng là bao giờ ông cũng sẵn sàng chịu đựng, vì không thấy ông tỏ ra ngờ vực gì nữa, mà bắt đầu ăn ngay.

Bà Lakmusová kéo một chiếc ghế đến gần nơi ông chồng đang ngồi; bà ngồi xuống, đặt tay lên bàn rồi nhìn ông.

“Bố nó ạ, mình làm sao với con Klára đây?”

“Với Klára ư?... Thì làm cái gì với nó?”

“Nó đang say mê đến điên cuồng, nhưng mà viển vông. Nó quá mê luật sư Loukota đấy!”

“Nào nó có nói gì với tôi đâu!”

“Thì nói gì với ông được, nhưng mà cái gì nó cũng tâm sự với tôi, vì nó thực thà. Đêm hôm qua tôi phải vào bếp kéo nó ra đấy! Nó bảo là nghe thấy luật sư nói cái gì rất hay ở trong phòng, thành ra nó không rời đi được. Tôi đã bảo bố nó là nó đang say mê đến điên cuồng, nhưng say hão mê huyền để mà làm gì? Tốt nhất là cho nó lấy anh ta đi, phải không nào?”

Ông Lakmus lấy tay quệt mồ hôi trên trán do ăn xúp nóng. Một lúc sau, ông buông lời nhận xét:

“Với nó thì anh ta già rồi.”

“Già cái gì mà già! Hồi xưa ông cũng không còn trẻ, thế mà tôi đã lấy ông thì sao?”

Ông chồng im bặt.

“Anh ấy trông còn trai tráng khỏe mạnh, chẳng có vẻ già, mà cũng đâu đến nỗi già. Thà rằng gả nó cho anh ấy, còn hơn là ngồi chờ một người trẻ tuổi nào khác, nhất là khi bây giờ tính nết nó rất khó chịu. Hơn nữa, bố nó biết không, anh ấy có hàng mấy nghìn zlatý, có thể nuôi được vợ, thì tại sao mà ta không gả con cho anh ấy, phải không nào? Ơ hay, bố nó nói cái gì đi chứ!”

“Nhưng mà... ai mà biết được, liệu anh ta có muốn nó không...” Ông Lakmus dè dặt nói.

“Ừ thì tất nhiên rồi, không ép anh ấy lấy nó được, nếu anh ấy không muốn,” bà vợ hơi cáu. “Ép thì không hay! Nhưng tôi sẽ nói chuyện với anh ấy. Klára xinh xắn, anh ấy luôn cười với nó, anh ấy rất thích nhà cửa gọn gàng, còn nó thì dọn dẹp phòng cho anh ấy. Tôi nghĩ anh ấy cũng muốn nó, nhưng chỉ không tự tin thôi, vì anh ấy cũng không còn... ờ, không còn trẻ trung nữa. Tất nhiên là thế! Nhưng không sao ông ạ, tôi sẽ lo việc này!” Bà gật gật đầu hài lòng. Đột nhiên, bà ngừng lại rồi nghiêng đầu về phía cửa.

“Này,” bà ấy lại nói, “anh ấy đã đi làm về rồi, sao hôm nay lại về sớm thế nhỉ! Anh ấy đã nói chuyện ở trong bếp với Klára, nhưng bây giờ về phòng mình rồi. Tôi phải ra bếp đây, để xem thế nào!”

Bà Lakmusová chạy ra bếp. Cô Klára đang đứng trộn bột bánh ở bên bàn. Bà đến gần con gái, ôm đầu cô rồi xoay mặt cô về phía mình.

“Mặt con đỏ rực,” bà nhẹ nhàng nói, “run cả người đây này... con ơi, con ơi! Đừng lo, đừng lo, mọi việc rồi đâu sẽ vào đấy cả con ạ!”

Bà Lakmusová soi vào tấm gương nhỏ treo trên tường, chỉnh lại cái mũ trên đầu, xắn tay áo lên và tiến đến cửa phòng ông luật sư. Bà gõ cửa. Không có tiếng gì từ bên trong. Bà gõ lần nữa, mạnh hơn.

Ngày hôm nay, ông luật sư không ngồi lâu được ở văn phòng. Ông luôn đãng trí, cáu kỉnh, bồn chồn không yên, cái bồn chồn nửa dễ chịu, nửa ngượng ngùng. Ông run rẩy vì một cảm xúc thơ mộng nào đó, và ai đã một lần trong đời có cảm xúc như vậy thì biết rằng không thể làm việc theo lệ thường được. Một ý nghĩ nào đó như con sâu bướm len lỏi từ chỗ này sang chỗ kia trong đầu óc ta, nó cù nhẹ nhàng nhưng cũng gặm nhấm, làm rung động một dây thần kinh, hai dây, ba dây, rồi làm cho cả hệ thống thần kinh của ta bị khuấy động. Không có cách nào khác là phải bỏ công việc, để chỉ tập trung vào ý nghĩ ấy cho đến lúc nó nằm yên một chỗ, và như con sâu bướm, nó sẽ nhả tơ kéo kén. Rồi dưới ánh nắng ấm áp của mặt trời, cái kén ấy bung ra, và con bướm bay ra chào đời... ấy là sự ra đời của bài thơ vậy!

Con bướm đẹp lộng lẫy trong màu sắc “vùng núi” của ông luật sư bay ra ngay vào buổi sáng hôm sau. Ông viết nó lên tờ giấy hồng, cho vào phong bì, dán lại và ra gửi ở bưu điện thành phố. Sau đó, ông cảm thấy hồi hộp; cái náo động ngày một tăng của việc tỏ tình muộn màng ấy khiến ông phải đi khỏi văn phòng.

Ông chậm chạp đi về nhà. Khi đi vào đến sân, ông quên cả thói quen hàng ngày là nhìn lên cửa sổ phòng Josefinka. Bước thấp bước cao, ông vào phòng bếp của gia đình ông Lakmus và có cảm giác lâng lâng như vừa thoát khỏi một mối nguy hiểm nào đó.

Ông thở dài nhẹ nhõm, tim ông đập thong thả hơn. Bằng giọng nhẹ nhàng run run và thân thiện, ông nói vài lời với Klára như chưa từng bao giờ nói với cô như vậy. Ông không dừng lại lâu ở bếp mà vào phòng mình ngay.

Ông đóng cửa lại, cúi đầu xuống. Như cái máy, ông rút tay khỏi ống tay bên phải của áo khoác, rồi dừng lại. Có cái gì đó tự nhiên đẩy ông đi đến bên cửa sổ. Ông không biết Josefinka đã nhận được bức thư ông gửi lúc ban sáng hay chưa. Như thể sợ một sự trừng phạt nào đó, ông lùi lại ba bước và nhìn sang phía đối diện bên kia qua kẽ hở giữa tấm rèm và khung cửa sổ. Bất chợt, ông giật mình, ông trông thấy người đưa thư vừa bước vào hành lang phía bên ấy.

Ông nhảy giật lùi khỏi cửa sổ. Vừa lúc ấy thì có tiếng gõ cửa. “Mời vào,” khó khăn lắm, ông mới nói ra lời, toàn thân ông nóng bừng.

Cửa mở ra, bà Lakmusová đứng ở đó.

Ông luật sư vội xỏ tay vào ống tay áo đã cởi, đồng thời hé một nụ cười gượng gạo lúng túng.

“Tôi không làm phiền luật sư chứ?” Bà Lakmusová bước vào phòng, đóng cửa lại rồi hỏi.

“Ấy, không... không ạ. Xin chào bà, thưa bà chủ yêu quý của tôi,” ông luật sư vừa lắp bắp, vừa xoay xoay người để tóm lấy cái ống tay áo.

“Hôm nay luật sư đi làm về nhà sớm quá, sớm hơn thường lệ... hay là bị ốm chăng?”

“Sao mà ốm ạ, thưa bà chủ yêu quý của tôi?” Trong tâm trạng vẫn còn đang bối rối, ông luật sư ngốc nghếch hỏi.

“Nhưng mà tôi nghĩ là ốm...”, bà chủ yêu quý tiếp tục, bà tiến đến sát ông luật sư, đặt tay lên trán ông, “để tôi xem nào! Tôi nghĩ chắc chắn anh bị sao rồi. Trán anh nóng như lửa đây này, để tôi...”

“Không đâu, tại tôi... tại tôi chạy đấy mà, bao giờ tôi cũng chạy... tôi không... thưa bà chủ quý mến của tôi...”, ông luật sư lắp bắp nói.

“Để tôi lấy cái khăn chườm trán nhé?”

“Ối không! Không, tôi không bị sao cả, thật mà! Xin mời bà ngồi xuống đây kẻo mỏi, thưa bà chủ yêu quý của tôi...” Ông luật sư mời và đưa bà Lakmusová đến ghế bành. Bà ấy ngồi xuống, tự ông cũng ngồi xuống ghế đối diện.

“Anh gọi tôi là, bà chủ yêu quý của tôi, cứ như tôi thật sự là người yêu... quý của anh vậy,” bà chủ hộ cười tán tỉnh, nếu vào lúc khác thì ông luật sư chắc phải rất ngạc nhiên. “Ấy, giá mà không có nhà tôi rồi thì... nhà tôi là người rất tốt bụng… thì biết đâu đấy nhỉ! Nhưng mà tôi phải nhường anh cho người khác, cho người trẻ hơn tôi,” bà ấy lại đùa tiếp.

Ông luật sư hơi mỉm cười, nhưng im lặng vì không biết nói gì.

“Luật sư ạ, anh có nghĩ là khi người nào có ai để gọi ‘người yêu của tôi’ thì đó là điều rất hạnh phúc không?”

“À, vâng... tất nhiên rồi... khi mà hai trái tim đã quyện vào nhau... nhất là vào mùa xuân...” Ông luật sư cố gắng hết sức mình.

“Ái chà... ái chà! Hôm nay anh nói mới hay, mới hóm hỉnh làm sao! Vâng, nếu anh định tìm người yêu thì đó là điều dễ hiểu thôi! Anh đang ở cái tuổi đẹp nhất, sức khỏe cường tráng, lại kiếm ra tiền...”

Ông luật sư lúng túng. Ông cho rằng bà Lakmusová đã biết hết chuyện về tình yêu bí mật của ông với cô Josefinka, về bài thơ ông gửi cho cô ấy. Thế là ông đột ngột mạnh dạn quyết định. “Vâng ạ, về bản thân thì tôi có thể nói rằng tôi khỏe mạnh và kiếm ra tiền,” ông hãnh diện tuyên bố.

“Tất nhiên rồi,” bà Lakmusová khen ngợi. “Anh có thể tìm được người rất trẻ!”

“Vâng, tôi sẽ không lấy người có tuổi, vì người có tuổi đã quá từng trải, không thể uốn nắn khác đi được, vì đã bị người khác uốn nắn rồi,” ông luật sư nói, nhưng bắt đầu thận trọng hơn. “Tôi chỉ nghĩ đến ai còn trẻ, hiền lành, ngoan ngoãn, dịu dàng, vì người ấy còn có thể hoàn toàn thay đổi tính nết để phù hợp với tôi được.”

“Lẽ tất nhiên,” bà Lakmusová tán thành, “anh hãy tìm người như thế! Này, anh hãy nói đi, nói thực lòng, anh có hiểu tôi nói gì không? Hãy nói hoàn toàn thực lòng... thực như khi... thí dụ... như khi anh nói với người mẹ của cô gái mà anh thích...”, rồi bà cầm tay ông luật sư, nhìn thẳng vào mắt ông: “Anh hãy nói đi, anh đã nghĩ đến điều đó bao giờ chưa?”

“Chuyện đã vỡ lở là đã vỡ lở rồi, xấu hổ mà làm gì!” Ông luật sư thành thực tự thú. “Vâng, đã!”

“Đấy mà, tôi biết ngay mà! Thế mà ông nhà tôi lại bảo là...” bà Lakmusová mừng rỡ vỗ tay.

“Sao... sao cơ ạ? Ông Lakmus... bảo sao ạ?”

“Bảo là, Ai biết được, liệu anh ta có muốn nó không, đấy, anh tính, nhà tôi bảo thế đấy!”

“Sao mà tôi lại không muốn cô ấy ạ?”

“Ừ, sao lại không chứ! Tôi đã biết tất cả rồi! Anh ranh mãnh lắm, anh định giấu bà mẹ, để bà mẹ không biết gì chứ gì?”

“Giấu bà mẹ ư? Tôi nghĩ là không một ai biết chuyện ấy, cả cô con gái cũng không biết!”

“Cô con gái không biết, nhưng bà mẹ thì cái gì cũng biết anh ạ! Con bé đang rất khổ sở! Nó mê muội cả người; ban ngày chỉ nói về anh, ban đêm thì nói mê. Tôi cũng đã từng ở thời con gái, nhưng anh ạ, chưa bao giờ tôi thấy ai như nó!”

Ông luật sư há miệng ngạc nhiên. Mắt ông đầy vẻ không hiểu biết và lúng túng, nhưng nở nụ cười tự mãn.

“Nhưng thế là tốt lắm,” bà Lakmusová lại nói. “Lúc đầu tôi đã không muốn cho ai ở trọ, nhưng bây giờ thì tôi mừng lắm, Klára sẽ hạnh phúc.”

“Cô Klára... sao... sao cơ?” Đột nhiên, ông luật sư kinh hoàng, rồi đứng lên.

“Thì tôi đã bảo với anh là nó đang mê anh đến điên cuồng mà! Nhưng anh ạ, phải sớm tổ chức đám cưới vì anh ở cùng với chúng tôi, kẻo mọi người lại điều qua tiếng lại, vả lại cũng còn chờ đợi cái gì nữa! Chúng tôi biết anh, anh biết chúng tôi... anh biết là chúng tôi được trời phù hộ, tất cả chúng ta đều sẽ sung sướng.”

“Khoan! Khoan đã, thưa bà,” ông luật sư lắp bắp và bước từng bước dài trong phòng, “nhưng tôi biết là cô Klára đã có một người công chức ở đâu rồi cơ mà!”

“Đã có, nhưng bây giờ không có nữa. Hắn lấy vợ rồi, lấy bà vợ góa của ông thợ xay bột. Nhưng anh nghĩ là Klára tiếc hắn ta ư? Nhờ trời, bây giờ nó yêu anh rồi, như thể trời cho nó làm người khác rồi! Tuy tôi đã bảo nó là đừng có nghĩ đến chuyện đó, vì luật sư sẽ chẳng muốn cô gái đã từng có người yêu, thế nhưng nó cứ khăng khăng một mực! Nói cho cùng thì đã có một người yêu cũng như không có người yêu nào!”

Ông luật sư hoàn toàn không biết phải xử sự ra sao, nhưng bà Lakmusová tiếp tục nói:

“Chúng ta sẽ không trì hoãn việc đó, phải không anh? Chắc chắn anh có đủ giấy tờ, phải không? Một người cẩn thận chu đáo như anh mà!”

Ông luật sư lắc đầu. Bà Lakmusová hiểu cái lắc đầu ấy theo ý mình: “Vậy thì anh hãy chuẩn bị đầy đủ tất cả các giấy tờ đi, chắc chắn anh biết là phải làm thế nào... Hôm nay, anh ra ăn trưa cùng với chúng tôi nhé!”

“Không! Không!” Ông luật sư nói to. “Thưa... chỉ ăn ở trong này thôi!”

“Ấy, anh vẫn như một cậu thanh niên vậy,” bà mẹ vợ tương lai hài lòng cười. “Klára chắc sẽ không ăn nổi một miếng, nếu tôi bảo chuyện này cho nó biết!”

“Trời ơi, tôi xin bà, bà đừng nói gì cả, đừng nói gì hết!” Ông luật sư vội vàng ngăn.

Bà Lakmusová thấy buồn cười. “Giá mà không có những người hiểu biết như tôi,” bà nói, “thì tôi muốn biết anh chị làm thế nào mà đến được với nhau. Anh hãy sắp xếp giấy tờ đi, luật sư ạ. Anh có còn muốn gì nữa không?”

“Không!”

“Vậy thì xin chào anh nhé!”

“Chào bà!”

Ông luật sư đứng như trời trồng ở giữa phòng rất lâu.

Cuối cùng, ông thở một hơi dài, lắc đầu. “Sự thể ra thế này thì có khổ tôi không!” Ông làu bàu bực tức. “Vâng, tôi sẽ chuẩn bị giấy tờ, bà mẹ vợ mà tôi không mong đợi ạ, nhưng tôi sẽ không chuẩn bị cho con gái bà đâu! Mình phải làm gấp, chứ không còn cách nào khác! Ngày mai mình sẽ gửi bài thơ thứ hai, ngày kia gửi bài thứ ba và ngày kìa - không, ngày kìa là thứ sáu, ai biết được sẽ có gì xảy ra! Vậy thì buổi chiều ngày kia, mình sẽ đi hỏi cô ấy! Rồi nhanh chóng đi tìm chỗ ở khác, nếu không thì, trời ơi, nếu không thì sẽ phải ở đây mãi mãi,... rồi thì...”

Ông chưa dứt lời thì cửa lại mở ra, bà Lakmusová bước vào phòng, trên tay bưng một cái khay, đi cùng bà là cô giúp việc.

“Tôi lấy bộ thìa dĩa bạc ra cho anh dùng đây,” bà Lakmusová nói rồi đặt nó lên bàn, “cất giữ mãi để làm gì!” Bà đến gần luật sư, đặt tay lên vai ông và nói nhỏ: “Tôi đã bảo cho Klára biết rồi đấy!”

VI. KHI CÔNG SỞ KHÔNG HÀI LÒNG

Ông Eber, ông chủ của ngôi nhà chúng tôi đang ở, vừa đi công sở về. Bà chủ nhà, lúc đó đang cho củi vào lò ở trong bếp, giật mình khi trông thấy chồng. Mọi khi, ông về nhà quãng ba giờ chiều, nhưng hôm nay mới hơn mười hai giờ ông đã ở đây rồi, mà vẻ mặt ông trông rất lạ, đã lâu rồi bà không thấy ông như vậy.

Trước tiên là cái mũ trên đầu ông. Nó được kéo xuống đến tận cặp lông mày rậm và cứng, che cả khuôn mặt đã một thời béo tốt, nay chỉ còn lại những nếp nhăn hằn sâu. Mái tóc chải ngang bị mũ làm dẹp thẳng xuống, đôi mắt lờ đờ của ông như cố tỏ ra một điều gì, cái miệng rộng mím chặt lại, làm cho cái cằm như được nâng lên cao hơn, bộ ngực lép được ưỡn thẳng một chút. Tay phải ông cầm ngang một tờ giấy cuộn tròn, tay trái vung vẩy lung tung như tay con rối bị điều khiển sai.

Bà chủ nhà nhìn chồng, bất chợt bà liên tưởng đến điều gì bất hạnh, khuôn mặt sắc cạnh của bà kéo dài ra.

“Ông bị đuổi việc hay sao?” Bà hỏi và tự nhiên khàn cả giọng.

Ông chồng hơi lắc đầu, như thể câu hỏi đáng ghét ấy xúc phạm đến ông. “Đi gọi bà Bavorová đến đây cho tôi!” Ông nói bằng giọng trầm trầm.

Vào khi khác thì chắc bà chủ nhà không chịu được câu trả lời quanh co như thế của chồng, nhưng hôm nay, bộ mặt nghiêm nghị đặc biệt của ông tác động cả đến bà, và bà không có đủ thời gian để tỏ ra giận dữ. Bà nhìn qua cửa sổ, trông thấy bà Bavorová đang đi xuống sân “Bà ấy đang đi đến đây,” bà bảo chồng.

Ông Eber vào phòng. Ông đi đến tận cái bàn ở giữa phòng và đứng lại đó. Ông nhìn xuống bàn, nhưng chắc là chỉ vì bắt buộc phải nhìn vào chỗ nào mà thôi. Ông vẫn để cái mũ trên đầu, trong tay vẫn nắm cuộn giấy, chắc muốn tỏ ra rằng ông đã không thể và không muốn để xảy ra cái điều ông sắp phải nói.

Cô Matylda ngạc nhiên nhìn bố, rồi phá ra cười. “Bố ơi, làm gì mà căng thẳng ghê gớm thế ạ?”

Ông bố hơi cựa quậy và tỏ ra vô cùng bực bội.

Vừa lúc đó, cửa mở ra, bà chủ nhà bước vào phòng, theo sau là bà Bavorová.

“Đây, bà ấy đây... ông muốn bảo gì thì bảo đi!” Bà giục chồng.

Ông chủ nhà nghiêng người quay về phía bà Bavorová. Ông nhìn xuống sàn nhà rồi mở miệng nói bằng một giọng nghiêm trang đều đều: “Tôi rất lấy làm tiếc, bà Bavorová ạ, nhưng tôi không thể giúp được gì cả, vì cái này bây giờ không còn phụ thuộc vào tôi nữa! Con trai bà sẽ gặp nguy! Vâng, sẽ gặp nguy! Cậu ấy liều lĩnh, bất cẩn, cậu ấy... cậu ấy là đủ thứ! Cậu ấy dám cả gan viết những điều nhục nhã đáng hổ thẹn về công sở, về tất cả chúng tôi, cả về ông giám đốc nữa! Vâng, cậu ấy đã viết những điều đó ở văn phòng, rồi cho vào ngăn kéo. Đi nghỉ phép mà cứ để giấy tờ ở đó, cũng không rút chìa khóa, thế là người ta phát hiện ra, vậy thì bà bảo có sơ ý, có vô tâm không? Rồi người ta đem ra đọc, cậu ấy lại viết bằng tiếng Séc và viết những điều rất tệ. Ông giám đốc biết tôi giỏi tiếng Séc nhất nên giao cho tôi xem xét cái chuyện tày trời này. Nghe bảo trong đó, cậu ấy viết những điều rất khủng khiếp. Tôi không biết, tôi không biết... Tình huống xấu nhất có thể xảy ra! Bà là mẹ cậu ấy, nghĩa vụ của tôi là báo cho bà biết, bà phải chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống! Mẹ nó mang cái chậu vào phòng cho tôi, mang cả nước uống nữa, đừng cho ai vào phòng, trừ trường hợp có người của công sở, đừng gọi tôi ra ăn trưa, bao giờ muốn ăn thì tôi ra. Còn bà, xin chào bà!”

Mặt bà Bavorová trắng bệch như tờ giấy, môi bà run run, đôi mắt đỏ ngầu ngầu. “Trời đất ơi, thưa ông, xin ông giúp cho, nhà chúng tôi nghèo khó...” Bà kêu lên thảm thiết.

Ông chủ nhà phẩy tay chối từ. “Tôi không thể, cũng không được phép! Muộn rồi, thế là hết cả rồi! Nghĩa vụ là nghĩa vụ, phải cho công bằng! Còn ra cái thể thống gì, nếu mà các cậu thanh niên... Nhưng thôi, bà về đi, bây giờ tôi không có thời gian!”

Ông ấy bước mấy bước ngắn rồi biến vào căn phòng thứ hai, đóng cửa lại, nghiêng ngó kiểm tra bên phải bên trái, rồi sau đó mới bỏ mũ. Ông đi đến bàn viết, cẩn thận đặt cái mũ lên đó như là sợ mũ bị bẹp.

Mọi khi, về đến nhà là ông thay quần áo, nhưng hôm nay ông đứng trước gương để sửa lại quần áo cho chỉnh tề hơn. Sau đó, ông kiểm tra bút viết, phẩy bụi ở tấm lót, kéo ghế mấy lần cho đúng tư thế, rồi ngồi xuống bàn. Cuối cùng, ông với cuộn giấy và mở ra, ông nhướn mày lên thật cao, đưa mắt quan sát cẩn thận từng nếp giấy gấp.

VII. NHỮNG DÒNG GHI CHÉP CỦA THỰC TẬP SINH

Tôi làm xong việc rồi, bây giờ thì không biết làm gì nữa! Nộp bài thì tôi chưa được phép, phải để đến ngày mai. Vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi được giao việc, khi tôi làm xong, mọi người đã mắng tôi là làm xong sớm thế thì việc ấy không thể tốt được và dứt khoát nó nông cạn hời hợt.

Vậy thì tôi sẽ viết tiểu phẩm về công sở, về bức tranh của cuộc sống thường nhật, về hình ảnh và tiểu sử của các đồng nghiệp và những người cấp trên, về những tia chớp lóe sáng của cuộc đời công chức và chuyện thơ ca của thực tập sinh. Một nhà trào phúng người Anh đã viết du ký về chuyến đi vòng quanh cái bàn viết của mình; tôi sẽ đi xa hơn, sẽ đi đến tất cả các bàn ở xung quanh, sẽ đi khắp nơi trên vương quốc của ông giám đốc của chúng ta, sẽ miêu tả đất nước và người dân sống ở đó. Chỉ không biết người dân của vương quốc ấy có tạo điều kiện cho sự trào phúng nảy sinh hay không. Mà tại sao lại không nhỉ! Trào phúng chỉ không thích hợp với người hoàn toàn hiểu biết và người hoàn toàn ngu ngốc. Đối với loại người thứ nhất, trào phúng sẽ phải bật khóc; đối với loại người thứ hai, trào phúng sẽ phải từ bỏ quan điểm của mình và sẽ bực bội do phải chứng minh rằng, so với sự vĩnh cửu và cả vũ trụ thì tất cả những gì chúng ta làm đều khôi hài và lố bịch.

Đối với anh chàng viên chức yểu điệu kia thì tôi sẽ không phải lôi triết học ra để làm gì, mà chỉ cần một chiếc gương nhỏ. Anh ta sẽ luôn luôn ngắm mình trong gương. Anh ta có thiện cảm với tôi, bởi lẽ hôm đầu tiên đến công sở, tôi đã hỏi mọi người về anh ta, “người đẹp trai kia là ai” và anh ta đã nghe thấy. Còn những người khác - họ viết và làm việc mới chăm chỉ làm sao! Những cái đầu, những gương mặt, những cặp mắt của họ không thể gán cho ai khác được, chúng chỉ hợp với viên chức công sở, cái gì cũng phải rập khuôn theo qui định! Trên những khuôn mặt ấy, không hề thấy biểu hiện sự mệt mỏi về “lao động trí óc”, chưa một lần nào có biểu hiện tư duy vượt trên tầm công việc thường ngày của công sở. Xem ra, họ thờ ơ. Nếu các công việc được giải quyết tốt hay không tốt, thì cũng chẳng hề gì. Họ cứ làm việc theo trình tự thủ tục, và bao giờ cũng giữ đúng mức độ! Nhưng mà biết đâu, có thể trong số họ cũng có người suy nghĩ khác.

Chỉ có ông trưởng phòng của chúng tôi là đang cho phép mình nghỉ ngơi, ông ấy ngồi đọc báo. Bây giờ ông ấy đặt tờ báo xuống.

Ông trưởng phòng ngạc nhiên nhìn tôi, khi tôi đến xin ông cho tôi mượn báo để đọc! Ông ấy không nói một lời nào, còn tôi thì ngượng chín người, đỏ cả mắt, và quay về ngồi vào bàn của mình. Tuy không nhìn thấy, nhưng tôi cảm thấy là tất cả mọi người trong phòng đều há miệng kinh ngạc trước cái mạo muội táo bạo của kẻ thực tập sinh như tôi!

Giá mà tôi được trở lại trường, để tôi lại được hi vọng mơ tưởng đến tất cả mọi thứ trên đời, hoặc chẳng mơ tưởng đến một cái gì! Ở cái công sở này, tôi có ít cơ hội, tôi không biết mình sẽ vươn lên được đến đâu!

Ngay hôm đầu tiên đến công sở, tôi được giao nhiệm vụ viết về cảm xúc khi nhìn thấy đầu tàu hỏa. Ấy là người ta muốn kiểm tra phong cách viết văn của tôi. Tưởng tượng đang đứng trước tàu hỏa mang tên Pegas, tôi mạnh dạn mô tả những tiến bộ của loài người. Nghe nói ông giám đốc của chúng tôi đã đọc bài ấy và đã lắc đầu quầy quậy, rồi tuyên bố rằng tôi là kẻ kì cục dở hơi.

Tôi vẫn còn chưa kịp trò chuyện với ai, vậy mà tôi đã nghe thấy họ gán cho tôi cái tên “Hội viên hội hòa thuận cách mạng”. Công việc của tôi xem ra không trôi chảy chút nào! Ôi, giá mà tôi lại được trở về trường học! Nhưng mà tôi biết rằng đó là điều không thể!

Ôi, cái không khí ở đây! Theo thần thoại Hy Lạp thì thần Prometheus lấy đất nặn ra con người, và nghe nói đất ấy thơm mùi da thịt con người. Nhưng mọi người ở công sở này thì lại phảng phất mùi đất, và chẳng có mỡ màng gì.

Họ là những con người kinh khủng! Có lẽ họ chỉ ngang tầm trí tuệ của tôi ở thời tôi còn là đứa trẻ nhỏ chuyên hành hạ chim sáo và kéo chân những con chuột Đức. Hồi đó, tôi đọc truyện Robinson phiêu lưu ký viết bằng tiếng Đức; tôi đã nghĩ rằng từ “hòn đảo” trong tiếng Đức có nghĩa giống như từ “mỡ bò”, ấy thế mà tôi cũng thích truyện đó. Những người ở đây cũng có quan niệm rõ ràng tương tự như vậy về thế giới, và họ thích thế giới ấy. Ở công sở này, tư duy là độc quyền của nhà nước, giống như muối và thuốc lá vậy. Và muốn làm gì thì làm, kẻ ngốc vẫn hoàn là kẻ ngốc.

Hôm kia, tôi bảo họ là cái xe ngựa dùng trong buổi lễ của ngài Tổng giám mục được thiết kế theo mẫu xe của Đức Thánh Elias. Ngày hôm qua, tôi lại bảo họ rằng các bà đầm ở Pari thường lấy lông khỉ Brazil làm đồ trang sức. Ngày mai, tôi sẽ cắt một nhúm lông ở đuôi con Azor, và sẽ mang đến để bảo họ rằng đó là tóc của nữ thần Isis trong thần thoại Ai Cập, rằng nữ thần đã rứt nhúm tóc ấy của mình khi nghe tin chồng bà, thần Osiris, bị giết hại.

Họ cho tôi là người rất có học thức và rất thích nói chuyện với tôi. Nhưng họ không dám chuyện trò cười đùa gì trước mặt ông trưởng phòng, trừ lúc ông ấy nói một câu đùa. Khi đó, lập tức cả phòng làm việc vang lên tiếng cười nịnh phụ họa. Nhưng khi ông ấy ra khỏi phòng, thì mọi người liền trở nên khác hẳn. Họ nhốn nháo đi từ chỗ này sang chỗ nọ, mặt họ rạng rỡ, lưng họ không khom khom nịnh bợ thấp hèn nữa, mà thẳng lên. Điều đó trở thành thói quen hàng ngày, họ sốt ruột kín đáo xem đồng hồ, nếu hôm nào ông ấy không ra khỏi phòng theo giờ thường lệ.

Lời đồn đại về sự hiểu biết của tôi cứ tiếp tục lan truyền. Khi thấy tôi đọc được tài liệu tiếng Serbia viết bằng chữ Kirin thì họ hoàn toàn kinh ngạc khâm phục. Chỉ có ông trưởng phòng của phòng thứ năm lại vỗ vai tôi khi đi qua bàn tôi ngồi: “Cái gì cũng có thể có ngày ta cần đến, nhưng anh hãy thực tế nhé!” Ông trưởng phòng này nổi tiếng vì tài biết viết. Nghe nói ông ấy đã viết được một cuốn sách, tôi nghĩ đó là cuốn sách nói về băng quấn chân, tức là sách hướng dẫn cách quấn chân bằng băng vải.

Trong đời mình, chưa bao giờ tôi chứng kiến một việc nào như vậy!

Ông giám đốc đến chỗ của chúng tôi để lấy một tài liệu. Ông ấy trèo lên bậc thang để lấy tập tài liệu từ giá sách. Khi xuống thang, ông giẫm phải chân ông Hlavačka. Và cái ông này, vì quá kính trọng nên không dám nói để giám đốc biết là giám đốc đang giẫm lên chân ông ta. Thật là đồ con bò! Tôi có cảm giác ông ta giống như tu sĩ Laocoon trong thần thoại Hy Lạp; trên gương mặt ông ta có biểu hiện của đau đớn cùng cực, nhưng đồng thời có cả nụ cười xã giao bắt buộc của kẻ viên chức tầm thường. Ông giám đốc thấy có người đứng sát sau lưng mình, vừa định quay lại mắng con người vô lễ thì ông nhận ra rằng ông đang giẫm lên bàn chân của con người thấp hèn kia. “Ấy, xin lỗi nhé!”, ông giám đốc nói và nở nụ cười thân thiện. Ông Hlavačka tập tễnh trở về bàn của mình, vừa nhăn nhó vì đau, vừa cố mỉm cười. Quả là biểu hiện của cái xã giao đến cao thượng và cảm động! Tất cả những người khác chắc hẳn phải ghen với ông ta; biết đâu có ngày sự kiện này mang lại cái gì ích lợi cho ông ấy!

Ông giám đốc hỏi tôi có chị hay em gái không. Bây giờ tôi mới hiểu người tập sự chưa vợ. Thưa ông giám đốc, ông hỏi vậy mà không sợ ư? Vì tôi biết là ông đi thỏa mãn tình cảm ở đâu, người tập sự điển trai nhất đã nói cho tôi biết về chuyện ấy! Nghe bảo cô tình nhân của ông rất xinh đẹp; nhưng có thể là đối với tôi, cô ấy còn xinh đẹp hơn nữa, bởi tôi trẻ hơn ông nhiều. Chúng tôi sẽ phải gặp cô ấy! Nếu không ưng tôi, thì có thể cô ấy ưng người tập sự điển trai. Dứt khoát có cái gì đó sẽ xảy ra!

Ông giám đốc cho triệu tập tất cả chúng tôi đến văn phòng của ông. Phụ trách các phòng đứng thành nửa vòng tròn, sau các ông là đám đông các viên chức chúng tôi. Các ông phụ trách thầm thì nói chuyện với nhau, còn chúng tôi ở phía sau thì đứng yên không nhúc nhích, sau khi đã kính cẩn cúi chào cái lưng của ông giám đốc.

Ông giám đốc vẫn ngồi viết và một hồi lâu chẳng hề để ý đến chúng tôi. Đứng cạnh tôi là một thực tập sinh như tôi, trông cậu ta có vẻ hiền từ và ngoan ngoãn. Tôi ghé vào tai hắn và nói một câu hài hước, tôi không nhớ là câu gì, nhưng chắc chắn là không đủ hài hước, vì không thấy hắn cười. Tôi bực mình nhắc lại, đồng thời đưa tay cù hắn. Thế là hắn cười ré lên; mọi người giật thót mình, rồi có tiếng suỵt từ mọi phía.

Ông giám đốc đứng dậy. Ông ấy đứng thẳng lên và nói:

“Tôi cho gọi các anh đến đây để nói cho các anh biết rằng phong cách viết tài liệu của các anh làm nhục cho công sở của chúng ta ở tất cả các cơ quan cấp trên. Trong các anh, có người viết chậm chạp khó khăn, có kẻ viết cẩu thả né tránh, nhưng một bài viết đúng đắn và có chất lượng, với độ dài vừa phải, thì đã bao nhiêu năm nay rồi tôi không được đọc, nói đúng ra là chưa bao giờ được đọc. Cái đó bắt nguồn từ chỗ là các anh vẫn viết, nhưng chẳng hề suy nghĩ, hoặc là chỉ suy nghĩ một lúc rồi chán ngay, chẳng nghiêm trang, chẳng thành thật gì cả. Hơn nữa, cái đó còn làm hé lộ ra một điều là các anh cũng không biết tiếng Đức. Và tôi nói để các anh rõ vì sao các anh không biết. Các anh không biết, bởi vì các anh chỉ tào lao ba hoa suốt ngày với nhau bằng tiếng Séc! Vì vậy, trên cương vị giám đốc, tôi sẽ đảm bảo để không một ai trong các anh dám nói, dù chỉ một lời tiếng Séc, ở công sở. Từ cương vị bạn bè và người cấp trên, tôi khuyên các anh hãy làm như thế cả khi không ở công sở, hãy chăm chỉ đọc để đạt được tiến bộ trong cách viết. Bây giờ thì các anh về chỗ làm việc của mình đi! Và hãy nhớ rằng không một ai được thăng tiến nếu không biết cách viết!”

Cả công sở bắt đầu săn lùng tìm kiếm, mọi người hỏi nhau mượn sách báo, mượn món ăn tinh thần từ nhà bếp Đức. Ai tìm thấy ở nhà một số cũ nào của tạp chí Bohemia viết bằng tiếng Đức thì coi đó là cái gì đáng giá lắm.

Các cuộc chuyện trò bằng tiếng Séc ngừng hẳn. Hãn hữu, khi hai người bạn thân nào đó biết chắc chắn bạn mình không đi tố giác, thì mới nói với nhau một vài lời tiếng Séc ở ngoài hành lang, hay ở nơi trữ tài liệu vắng vẻ. Tôi có cảm giác tất cả mọi người đều là những kẻ mật thám.

Nhưng tôi vẫn cứ tiếp tục nói tiếng Séc, và nói to. Tất cả mọi người đều thấy sợ và lảng tránh tôi.

Màn thứ nhất của vở kịch công sở ngày hôm nay đã hết. Ông trưởng phòng ra khỏi phòng, giống như Người bệnh tưởng trong hài kịch Molier “Le malade imaginaire” đi khỏi sân khấu khi màn một kết thúc.

Cuộc chuyện trò giải trí giữa giờ bắt đầu.

Câu chuyện ở bàn phía tay phải tôi:

“Hôm nay là thứ sáu, tôi đang nóng lòng chờ món bánh hấp. Vợ tôi làm khéo lắm, bánh rất mềm.”

“Nhà anh không ăn thịt vào ngày thứ sáu à?”

“Có. Bao giờ cũng mua nửa cân cho cả nhà. Không nấu thịt thì nấu gì! Chúng tôi chỉ kiêng thịt vào những ngày ăn chay lớn thôi, nhưng mà ăn cá. Thỉnh thoảng ăn cá cũng tốt!”

“Tôi thích bánh mì hấp với thịt hun khói, cả thịt rán cũng ngon lắm! Cho bọn trẻ... à, nhà ông không có trẻ con nên không biết, cho bọn trẻ thì phải có tí bột mì. Năm ngoái, bà chị dâu gửi cho một mớ ốc sên, nhà tôi đã băm và nướng chả.”

“Ăn thịt vịt trời vào ngày ăn chay thì tôi hiểu, vì chúng sống ở dưới nước; nhưng mà ốc sên thì chúng bò ở ngoài vườn chứ!”

“Ấy, tôi cũng nghe nói là trước đây, ốc sên chỉ sống dưới nước. Nó bò nhìn cũng như bơi vậy, mà nó cũng câm lặng như cá, thế đấy! Nhưng mà kể cũng lạ, con cá không ăn thịt, chắc nó biết nó là thức ăn chay!”

Câu chuyện ở bàn phía tay trái tôi:

“Ngài giám đốc nói đúng đấy! Bọn chúng quả là một lũ hâm hâm! Toàn nói chuyện ngu ngốc! Chúng ta cần tiếng Đức, chấm hết! Nếu không thì chúng ta sẽ viết như thế nào được! Và ai muốn cho con cái học một chút tiếng Pháp nữa thì càng tốt!”

“Vâng, tiếng Pháp cũng tốt!”

“Con gái tôi bất kỳ giá nào cũng không nói tiếng Séc ở ngoài đường. Có lúc tôi quên, lỡ miệng nói bằng tiếng Séc với nó, nhưng mới chỉ nói một lời thôi là nó đã đỏ mặt lên, rồi bảo tôi, “Bố chẳng giữ ý tứ gì cả!” ”

“Vâng, vâng, thế đấy!”

“Có lần tôi đọc ở báo một tin là người ta muốn nghĩ ra một thứ tiếng nói chung cho tất cả mọi người. Rõ là chuyện ngốc nghếch!”

“Ông trời chắc không thể cho phép họ làm như vậy!”

“Mọi người hãy học tiếng Đức đi là êm chuyện!”

“Quả thế!”

Ở gần cửa có tiếng “suỵt!” Mọi bàn lại trở lại trật tự như trước.

Ông trưởng phòng bước vào, áo gi-lê mở phanh không cài cúc.

“Tôi nghĩ là tôi đang béo đến phát phì,” ông trưởng phòng nói, “tôi sẽ phải đi bác sĩ, hay là đi thăm bà nội!”

Tất cả đồng thanh cười nịnh bợ.

Nơi nào nghèo nàn về tinh thần như thế, chỗ ấy ắt phải nghèo nàn cả về vật chất. Mà đúng như vậy! Tôi đã rất ngạc nhiên thấy họ sống một cuộc sống bề ngoài hời hợt giả tạo, còn bề trong thì điêu đứng bất hạnh.

Có lẽ đến hai phần ba trong số họ có sổ ghi trừ nợ dần ở chỗ người Do Thái. Đến ngày đầu tháng, ông ta trừ nợ, chi phát lại cho họ một chút tiền lương như tiền bố thí. Bà hàng bánh mì thường đến cửa hàng nhà tôi, bà ấy nói là ngày đầu tháng họ còn trả được tiền bánh, nhưng đến ngày mùng hai thì đã lại phải mua nợ rồi. Tôi chưa bao giờ nghe thấy chuyện người nào mời ai đến nhà chơi; chắc hẳn họ xấu hổ vì nhà cửa của mình.

Nhưng nói cho cùng thì chẳng có việc gì mà ta lại không hiểu được!

Hôm nay, tôi nhận được thư của ông giám đốc, ông ấy yêu cầu tôi cắt ngắn mái tóc dài đi. Thế ư ông? Họa có là điên thì tôi mới cắt!

Tôi có đồng minh. Người tập sự điển trai nhất đã nghe lời khuyên của tôi và bắt đầu ký tên là Hoa Thủy Tiên. Một tài liệu ký tên như vậy tới tay ông giám đốc, ông ấy lập tức đến gặp anh ta. Ông bảo anh ta hãy thôi ngay tất cả những thứ ngu xuẩn như vậy, tốt hơn hết hãy chăm chỉ làm việc, bởi lẽ anh ta lười đến thối thây. Ối trời, Hoa Thủy Tiên mà thối ư?

Nhưng tôi biết tại sao ông giám đốc không ưa Hoa Thủy Tiên. Vì cái đoạn vỉa hè dưới một cửa sổ của nhà ai đó!

Tin tưởng rằng ông Eber không tiết lộ, tôi nghĩ ra cớ để được nghỉ phép. Tôi nói là bà tôi, người sẽ cho tôi hưởng di sản thừa kế, đang ốm sắp chết. Tuy cho phép tôi nghỉ, nhưng ông trưởng phòng còn nghiêm khắc nói rằng nhân viên tập sự đúng ra thì không được phép có bà.

VIII. ĐÁM TANG

Buổi trưa ngày thứ tư, cả nhà chuẩn bị cho đám tang bà Žanýnka. Quan tài bà được kê trên chiếc giá phủ vải đen, đặt dưới bóng râm ở ngoài sân. Đó là cỗ quan tài sơn màu đen bóng, tuy đơn giản nhưng khá đẹp, bốn góc bên dưới là bốn bàn chân gấu thiếp vàng. Trên nắp quan tài có cây chữ thập sơn cũng thiếp vàng đặt giữa vòng hương đào. Một dải lụa rộng màu trắng rủ xuống từ vòng hương đào. Dọc hai bên giá đặt quan tài có hai tấm bảng đen cao khoảng hơn nửa mét, chỉ để trang trí. Trên các tấm bảng ấy có gắn nhiều hình nổi màu bạc, biểu tượng của tổ chức những người làm dịch vụ tang lễ.

Trừ ông Lakmus đang đứng nhìn từ cửa sổ tầng trên và người chị gái ốm yếu của Josefinka đứng nhìn xuống qua tay vịn từ hành lang ở tầng hai, còn mọi người khác trong nhà này đều mặc quần áo ngày lễ và đã xuống tụ tập ở dưới sân. Trong số những người đứng ở đó, có cả một số người chúng ta chưa biết. Không cần phải suy đoán nhiều, chỉ nhìn gương mặt lạnh lùng căng thẳng của những người ấy, ta có thể nhận thấy đó là bà con họ hàng của bà Žanýnka. Rồi các bà láng giềng và đám trẻ con của họ, tất cả đứng trong sân và ở các bậc thang.

Linh mục đã đến, cùng đi với cha là những người giúp lễ và người coi nhà thờ. Lễ tụng kinh bắt đầu. Bà Bavorová và bà chủ quán đứng sát ngay cửa phòng của bà Žanýnka. Lời mở đầu tang lễ làm bà Bavorová xúc động, mắt bà đẫm lệ, cằm bà chợt đỏ lên rồi run run vì thực sự cảm động. Bà chủ quán lạnh lùng theo dõi, rồi quay sang nói với bà Bavorová, bất chấp bà ấy đang rơi nước mắt.

“Họ vội kéo nhau đến đây, giống như người Do Thái chạy đến đám bán đấu giá vậy! Ngày bà Žanýnka còn sống chả thấy ai đến chăm nom, bây giờ thì vội vàng đến để hưởng thừa kế! Thôi, trời phù hộ cho họ, chứ chúng ta nào ăn cắp cái gì mà họ phải đóng kín cửa, rồi đặt quan tài ở ngoài sân thế này! Họ có cho bà chút gì để đền ơn bà đã giúp đỡ không? Chắc là không, hả?”

“Không.” Bà Bavorová run rẩy nói thầm.

“Và họ sẽ chẳng cho bà cái gì đâu!”

“Tôi cũng chẳng yêu cầu gì. Cầu trời phù hộ cho bà ấy. Tôi đã giúp bà ấy bằng tình nghĩa của người công giáo thôi.”

Lễ cầu nguyện kết thúc, quan tài được vẩy nước thánh. Một người phục vụ mang hai tấm bảng đen đi. Những người phục vụ khác nhấc quan tài lên, rồi khênh qua ngõ để ra đường.

Đằng sau xe tang có một số xe ngựa. Họ hàng của bà Žanýnka lên những chiếc xe đầu; vợ chồng ông bà chủ nhà cùng cô Matylda, rồi cô Josefinka cùng với mẹ cô lên những chiếc xe tiếp theo. Bà Lakmusová và cô Klára lên chiếc xe cuối cùng. Bà Lakmusová gọi ông luật sư lên xe ngồi với họ và nói rằng trong xe vẫn còn một chỗ. Nói đoạn, bà nhìn quanh xem ai còn đang tìm chỗ ngồi. Còn ba người đứng cạnh nhau dưới đường, đó là bà chủ quán, bà Bavorová cùng Václav.

“Bà chủ quán ơi, bà Bavorová ơi,” bà Lakmusová gọi, “mời một bà lên xe ngồi với chúng tôi!”

Cả hai bà đều đi đến xe. Bà chủ quán liếc mắt nhìn bà Bavorová như thể muốn đâm chém bà ấy. Cả hai đồng thời tiến sát xe, cùng nhấc chân lên bậc xe.

Bà chủ quán cho đó là điều thái quá. Bà đặt tay vào cái nắm cửa xe, rồi tỏ ra ngạc nhiên bực tức: “Này, tôi là thị dân, tôi phải được ngồi xe chứ!” Bà xẵng giọng và bước lên xe.

Bà Bavorová sững người lại, bối rối. Václav để ý điều đó và nghe thấy hết, cậu tới bên mẹ.

“Mẹ ơi,” cậu cố nói bằng giọng chững chạc, “ta sẽ đi bộ sau linh cữu, chắc là cũng chẳng có ai nữa đi sau linh cữu đâu! Đến cổng thành nếu muốn đi ra tận nghĩa trang thì ta thuê xe kéo, mẹ ạ!”

Từ ngày hôm qua, sau khi nghe ông chủ nhà báo tin dữ, bà Bavorová không nói với con trai một lời nào. Bây giờ bà cũng không muốn nói, nhưng chỉ giằng co với mình trong giây lát, bà trả lời:

“Ừ, ta đi bộ chứ! Mẹ ngồi xe thấy khó chịu, còn xe kéo thì cũng không thuê. Nếu con muốn ra đến nghĩa trang thì ta sẽ tìm lối đi bộ ra đó. Mẹ đi bộ để tiễn bà Žanýnka. Khi bà ấy còn sống, mẹ đã giúp bà ấy nhiều, sau khi bà ấy chết mẹ cũng chăm lo. Vậy thì sao mà không đi bộ được mấy bước bằng tình nghĩa công giáo để đưa tiễn bà ấy!”

“Thế thì mẹ khoác vào tay con đi!” Václav nhẹ nhàng nói và đưa vòng tay cho mẹ.

“Thôi, mẹ không muốn dẫn dắt kiểu cách nhà giàu như thế - mẹ cũng không biết làm thế!”

“Nhưng đây có phải là kiểu cách nhà giàu gì đâu! Con chỉ đỡ mẹ thôi mà, đường đi thì xa, mà mẹ thì mệt mỏi vì xúc động... mẹ khoác vào tay con đi!” Václav nâng cánh tay mẹ khoác vào tay mình.

Chiếc xe tang chuyển bánh. Đằng sau xe, chỉ có Václav đi bộ cùng với mẹ mình. Cậu bước hãnh diện như đi bên bà quận chúa cao quý. Bà Bavorová thấy thoải mái đến mức không tả được bằng lời. Bà có cảm giác như tự bà lo liệu tất cả việc ma chay cho bà Žanýnka tội nghiệp.
IX. THÊM MỘT BẰNG CHỨNG NỮA

Giờ chuyện trò buổi tối sắp đến. Ánh sáng ban ngày tuy vẫn còn, nhưng cũng đã nhanh chóng mờ dần, mặt trời đang chuẩn bị đi ngủ. Mọi người hầu như không làm gì nữa. Lúc đó chính là khoảng khắc khi mà công việc thì đã ngừng, nhưng hứng thú chuyện trò và vui chơi buổi tối thì vẫn chưa đến.

Ông luật sư đang ngồi bên bàn viết của mình. Trên gương mặt ông hiện rõ vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Ông đang nghĩ về một việc hệ trọng nào đó, chắc hẳn ông cũng muốn làm một việc gì hệ trọng. Ông di chuyển lọ mực từ chỗ này sang chỗ khác, sắp xếp và xem đi xem lại những cái bút lông. Bây giờ ông mở ngăn kéo bàn, lôi ra một nửa thếp giấy mỏng. Ông lấy một tờ, đưa ra trước mặt một lúc, rồi quả quyết nói một tiếng “phải” thật to. Sau đó, ông gấp đôi tờ giấy theo chiều dọc, đúng theo kiểu hành chính.

Rõ ràng, đó là một việc quan trọng và đòi hỏi nhiều công sức, vì ngay sau đó ông luật sư đứng lên, rồi đi đi lại lại trong phòng như thể đi dạo. Nhưng ông ấy đi rất lạ, cứ như đang lảo đảo chập chững, có lúc bước hai bước lên phía trước rồi lùi lại sau một bước, đồng thời lúc thì cúi gập đầu xuống ngực, lúc thì cố gắng bạo dạn ngẩng lên.

“Phải,” ông ấy thở dài rồi nói. “Khi mà phải thế và đã phải thế, thì hãy giải quyết mọi việc làm sao cho nhanh nhất! Mình đang ở trong gọng kìm, cần phải quyết định thật nhanh. Mụ Lakmusová chắc không thả ra cho mình đi, Klára cũng không. Cô ấy là người hiền lành... nhưng mà mình đã quyết định rồi! Mình không thể ở đây được nữa, mọi thứ phải được giải quyết trong vòng vài ngày tới. Ngày mai, chính mình sẽ mang bài thơ thứ ba đến cho Josefinka. Mình sẽ bắt đầu nói chuyện, rồi đưa bài thơ cho cô ấy đọc, mình sẽ theo dõi từng cử chỉ rung động của cô ấy, rồi sau đó thì giải quyết ngay cho xong việc. Giấy tờ hành chính thì mình sẽ viết ngày hôm nay, ngay bây giờ, khi mình còn đang có hứng...”

Ông luật sư khép cái áo khoác mặc trong nhà, quấn dây lưng, như là muốn chống lạnh. Ông cả quyết ngồi vào bàn, chấm mực, viết thử, rồi bắt đầu viết. Ông viết dòng chữ sau:

“Kính thưa tòa thị chính thủ đô Praha!

Tôi, người ký tên dưới đây, xin kính báo là quyết định đính hôn với cô...”

Ông ấy xem rồi lắc đầu. “Nhìn không rõ nhưng không phải là tại kính mờ... trời bắt đầu tối, mình sẽ đóng cửa sổ lại rồi thắp đèn!”

Vừa lúc đó, ông nghe thấy tiếng gõ nhẹ ngoài cửa. Ông vội lấy một tờ giấy che dòng chữ đã viết. Sau đó, ông nói nhỏ: “Mời vào!”

Giữa cánh cửa hé mở là Václav.

“Cháu chào chú, cháu có làm phiền chú không ạ?” Václav vào phòng rồi đóng cửa lại.

“Không,... cậu vào đây”, ông luật sư lúng túng lẩm bẩm, giọng tự nhiên khàn đi, “tôi đang định làm một việc... nhưng không sao, cậu ngồi đây! Có gì thế?” Ông luật sư hỏi vậy do thói quen, chứ không để ý gì đến cuộn giấy Václav đang cầm trong tay. Vì lúng túng nên ông cũng chẳng nhìn kĩ cậu ta.

Václav ngồi xuống ghế. “Cháu mang một chút món ăn tinh thần cho những lúc rung động bối rối, nếu chú muốn đọc để được yên tĩnh. Đây là một sáng tác văn xuôi đơn giản, nhưng nó không nghèo về tinh thần và có thể an ủi như một sáng tác không cầu kỳ. Nó hết sức đơn giản nhưng là sáng tác đầu tay thực thụ của riêng cháu. Cháu ghét việc dùng các hình thức, kể cả các phương pháp sáng tác tiểu thuyết bình thường. Cháu muốn biết chú sẽ nói gì về thử nghiệm đầu tiên này của cháu...” Václav nói, rồi đặt cuộn giấy lên bàn. Mọi cử động của cậu đều mang cái tươi tắn của tuổi trẻ.

“Cậu luôn luôn chỉ vui chơi thôi… ừ, vì cậu còn trẻ mà!” Ông luật sư cười. “Thế nào, có khỏe không?”

“Cháu đang có vấn đề chú ạ, và cháu nghĩ là sẽ còn gay hơn nữa!... Người ta chắc sẽ đuổi cháu khỏi công sở... Họ tìm ra được một số tài liệu cháu viết, trong đó cháu châm biếm ông giám đốc. Ông chủ nhà đang giải quyết việc đuổi cháu.”

“Trời đất, sao cậu không thận trọng gì cả!” Ông luật sư chập tay vào nhau. “Thế bây giờ cậu định làm sao?”

“Thì cháu định làm sao! Chả định làm sao cả!... Cháu sẽ trở thành nhà văn!”

“Ấy... ấy... ấy!”

“Cháu nghĩ sớm muộn thế nào thì cháu cũng phải làm như thế, không làm khác được, cháu nghĩ là cháu đã trưởng thành!... Hay là chú cho rằng cháu không có đủ tài năng?”

“Làm nhà văn lớn thì phải có tài năng lớn, còn làm nhà văn nhỏ thì không giúp ích được gì cho dân tộc. Nhà văn nhỏ chỉ là bằng chứng về cái không hoàn thiện về tinh thần của chúng ta thôi, họ làm dân chúng mềm yếu đi về tư tưởng, và khi cảm thấy cần làm một cái gì mạnh hơn thì họ lại nghĩ đến việc bỏ đi nước ngoài. Chỉ người nào hoàn toàn có khả năng tư duy thực thụ và mới mẻ thì mới có quyền được đến với văn học. Chúng ta có quá nhiều những kẻ sáng tác hời hợt, vô hồn rồi!”

“Vâng, chú nói đúng. Chính vì chú có con mắt nhìn già dặn như vậy nên cháu vô cùng tin tưởng ở chú. Cháu đồng ý... và cháu theo đó mà nói về mình. Chúng ta hãy đừng nói những từ “lớn” và “nhỏ”; cháu sẽ nói một cách bạo dạn, có thể là hơi táo bạo rằng cháu biết tầm cỡ của mục đích, rằng ai là người mặc dù hiểu rõ nơi này mà vẫn mạnh dạn, thì người đó có cái quyền chính đáng của mình và ít nhất cũng làm được một điều gì đó. Cháu sẽ không trở thành người lấp các khoảng trống trong văn học, cháu sẽ không sáng tác theo khuôn mẫu. Quan điểm văn học của châu Âu sẽ là quan điểm của cháu. Cháu sẽ viết một cách hiện đại, tức là viết trung thực, sẽ lấy nhân vật từ cuộc sống, sẽ miêu tả cuộc sống một cách chân thực, sẽ thẳng thắn nói lên điều cháu nghĩ và cảm thấy. Chẳng lẽ làm như vậy mà cháu lại không trở thành nổi tiếng được hay sao?”

“Hừm... cậu có tiền không?”

“Chú hỏi cháu có tiền trong người bây giờ ư?... Cháu chỉ có hai đồng tiền vàng thôi, cháu không thể cho chú vay…”

“Không! Không! Tôi muốn hỏi cậu có vốn không kia!”

“Nhưng mà chú biết là...”

“Vậy tức là cậu không có, và thế thì cậu không thể nổi tiếng được! Vâng, nếu cậu có cái vốn lớn đủ nuôi cậu sống, ngoài ra cậu vẫn còn tiền để chi cho việc xuất bản những tác phẩm thật tốt của cậu, thì mười năm sau, cậu sẽ giành được sự công nhận, các sáng tác của cậu có thể sẽ được xuất bản cả bằng những chi phí khác, chứ không phải chỉ bằng chi phí riêng của cậu. Nhưng ngay cả như thế cậu cũng vẫn chưa đi được đến đâu. Tác phẩm độc lập đầu tiên cậu sẽ in bằng tiền đi vay, cậu sẽ không bán được, rồi cậu sẽ chẳng đi được tới việc in tác phẩm thứ hai. Người ta sẽ tấn công cậu, thứ nhất là bởi sự độc lập của cậu, cái đó là điều những gia đình nhỏ và các dân tộc nhỏ không thể chấp nhận được; thứ hai là vì sự trung thực của cậu, bởi khi viết về sự thật, cậu đã động chạm đến một thế giới nhỏ mọn và những con người nhỏ mọn. Những miệng lưỡi cay độc sẽ bảo là cậu không có tài năng, hoặc nói thẳng ra rằng cậu là thằng ngu; những người tốt bụng hơn sẽ bảo cậu là người điên. Quảng cáo sẽ không nói về cậu...”

“Nhưng quảng cáo thì để làm gì cơ chứ?”

“Quảng cáo là cái ta cần ngay từ đầu, nhân dân của chúng ta tin vào cái được in ra, họ không quan tâm đến việc nó đúng hay sai. Nếu cậu không cần quảng cáo thì quảng cáo sẽ cố tình bỏ qua cậu để làm việc cho người khác. Những người này sẽ tiến tới, sẽ lớn lên, chỉ có cậu là dừng lại. Cậu sẽ cay cú bực tức, có thể cậu sẽ nổi khùng rồi làm những điều ngu xuẩn của nhà văn, có thể cậu sẽ chán ghét chuyện viết lách. Bên cạnh đó, vấn đề sinh tồn vẫn là vấn đề cấp bách đối với cậu. Thế là không còn cách nào khác, cậu sẽ phải tìm đến thứ văn học không có hồn, thứ văn học không có tư duy và sẽ phải viết như một cái máy. Điều đó lại dẫn đến cái chán nản trong viết lách. Cậu sẽ hạn chế và chỉ viết những cái cần thiết nhất, cậu sẽ chán ngán và trở nên lười biếng, thế là xong đời cậu, không thể làm lại từ đầu được nữa!”

“Ồ, chắc chắn là sẽ không hoàn toàn như vậy! Cháu tự hứa là sẽ đạt được kết quả ngay từ bước đầu tiên. Thưa chú, chú đã đọc hết tập thơ mà cháu đã đưa cho chú chưa ạ?”

“Đọc rồi.”

“Sao ạ? Thế chú bảo sao ạ?”

“Ờ, đọc được... có một số bài hay... nhưng mà cậu bảo thơ ca để làm gì đối với chúng ta! Giá cậu đốt nó đi thì lẽ tốt hơn!”

Václav đứng bật dậy; ông luật sư cũng vô tình đứng dậy và chống tay lên bàn. Một thoáng im lặng. Václav đi đến cửa sổ và gục trán vào cửa kính, rồi cậu buồn bã cất giọng:

“Thế chủ nhật này, chú đi dự đám cưới chứ?”

“Dự đám cưới ư? Đám cưới nào?”

“Thì Josefinka đã bảo cháu rằng chú sẽ là người làm chứng kia mà! Còn cháu sẽ làm phù rể.”

“Vậy ai đi lấy vợ đấy?”

“Thế chú không biết là chủ nhật này Josefinka sẽ lấy anh Bavorák lái xe lửa à?”

Ông luật sư chợt thấy tối sầm trước mắt, thấy chóng mặt, ông nặng nề đổ người xuống chiếc ghế bành.

Václav vội cúi xuống ông luật sư đang nằm.

“Chú làm sao vậy? Chú bị sao vậy?”

Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng rên to khò khè trong cổ họng, khiến Václav thấy cần phải làm gì cứu giúp. Cậu bước nhanh đến cửa và gọi ra ngoài: “Bác Lakmusová ơi! Chị Klára ơi! Mang nước với đèn vào đây, nhanh lên! Chú ấy bị cảm hay sao ấy!” Rồi quay trở lại chỗ ông luật sư nằm, nới khăn quàng cổ, mở áo choàng cho ông ấy.

Bà Lakmusová chạy đến, trong tay cầm cây nến, sau bà là cô Klára. “Nước... mang nước vào đây, nhanh lên!” Václav giục.

Lúc này, ông luật sư đã mở mắt và nghe thấy tiếng Václav. “Không… không... đừng mang nước!” Ông khó nhọc nói. “Tôi khỏe rồi! Tại hôm nay trời nóng đấy mà... vào mùa hè thỉnh thoảng tôi lại bị thế này!”

“Con đi đi!” Bà Lakmusová sai Klára, “mang ngay nước sủi bọt với một ít siro vào đây... nhanh lên con!”

Cô Klára chạy đi.

“Thôi, chắc ổn rồi,” Václav nói, “gớm lúc nãy cháu giật thót cả người! Mà ngày hôm nay đâu có nóng nhiều! Bây giờ thì tốt rồi, đã có người lo cho chú, cháu xin phép về đây ạ! Cháu chào chú! Cháu chào bác ạ!”

“Tạm biệt cậu,” ông luật sư gượng cười, “còn những gì tôi đã nói với cậu đều là những cái tốt!”

“Vâng, cháu tin là thế, và xin cám ơn chú! Cháu chào chú ạ!” Václav bỏ đi.

Cô Klára mang cái khay có viên thuốc và nước pha siro. Ông luật sư chống cự, nhưng rồi bắt buộc phải uống cốc nước.

“Cứ uống đi, chàng rể quý mến ạ,” bà Lakmusová ép. “Chúng tôi sẽ ở đây với anh một lúc. Ấy, tôi cũng đã định cùng với Klára bất ngờ đến thăm anh đấy! Anh với Klára cứ như trẻ con ấy, còn sợ sệt ngượng ngùng cái gì! Giá mà không có tôi thì anh chị chả đến với nhau được... Ấy chết, vì hoảng quá mà tôi đã không biết đặt cây nến vào đâu, thành ra đặt lên đám giấy!”

Bà Lakmusová nâng cây nến và đặt các tờ giấy sang một bên. Tờ trên cùng rơi xuống, bà ấy nhìn thấy dòng chữ viết ở dưới. Ông luật sư không thốt ra được lời nào, ông ấy lại bị choáng lần nữa.

Gương mặt bà Lakmusová rạng rỡ như mặt trời. “Ôi, thật là hay, thật là hay!”, bà nói. “Klára ơi, con xem này! Luật sư đã viết giấy xin phép lấy vợ! Con xem này! Anh ấy đã viết đến chỗ sẽ viết tên con! Nhưng anh hãy làm cho Klára vui đi, hãy viết tên Klára vào đây trước mặt nó đi!... Xin anh hãy cầm bút đi!” Ông luật sư ngồi như đóng đinh.

“Nào, đừng ngượng nghịu xấu hổ nữa mà!” Bà Lakmusová chấm mực và đặt bút vào tay ông luật sư. “Klára ơi, con lại đây mà xem này!”

Quyết định đột ngột như tia chớp đến với luật sư. Ông cầm lấy cái bút, kéo rầm chiếc ghế, ngồi xuống và viết thêm hai chữ “Lakmusová Klára”.

Bà Lakmusová sung sướng vỗ tay. “Thế bây giờ thì anh chị hôn nhau đi! Nào, có thể được hôn nhau rồi mà! Klára, đừng ngượng ngùng gì nữa, đồ ngu ạ!”

X. KHOẢNG KHẮC RUNG ĐỘNG

Vầng trăng sáng lung linh chiếu xuống đồi Petřín. Sườn đồi phủ kín rừng đẫm trong ánh trăng mờ ảo, mang lại cảm giác thơ mộng, như thể ta đang nhìn thấy rừng dưới nước biển trong vắt. Nhiều ánh mắt đang hướng về phía ấy, nhiều người đang trầm ngâm suy nghĩ, hay đang rung động cả tâm hồn.

Từ cửa sổ phòng trên tầng hai ở nhà phía sau, Josefinka đứng ngắm đồi Petřín đang rạng rỡ dưới ánh trăng; bên cạnh cô là người chồng sắp cưới. Ánh trăng sáng cho ta thấy vóc dáng tuấn tú của chàng trai trẻ; khuôn mặt tròn trịa có bộ râu màu nâu sáng, đôi mắt đầy sức sống. Josefinka im lặng mơ màng ngắm nhìn biển trăng mênh mông. Quàng tay phải lên vai cô, người chồng chưa cưới luôn đưa mắt nhìn cô, và mỗi lần như vậy, anh nhẹ nhàng kéo cô về phía mình, nhẹ nhàng đến mức như sợ làm bay mất phấn hoa của khoảng khắc đẹp đẽ.

Anh nghiêng người hôn nhẹ lên mái tóc cô. Josefinka quay mặt lại nhìn anh, nâng bàn tay anh lên áp vào môi mình. Rồi cô đưa tay kia chạm vào cây hương đào[8] um tùm lá trong chậu cây cảnh ở dưới bậu cửa sổ.

“Nếu còn sống thì bây giờ em gái anh bao nhiêu tuổi?” Cô hỏi bằng giọng trầm đi.

“Vừa bằng tuổi trăng tròn như em.”

“Mẹ anh chắc không biết đã làm em vui đến mức nào, khi mẹ gửi cho em cây hương đào vào dịp cưới của chúng mình, mà gửi từ nơi xa xôi vậy!”

“Mẹ biết chứ! Ở quê anh, ai cũng tin rằng cành hương đào lấy từ tay người chết, nếu được đem trồng và giữ được đến ngày cưới của ai trong gia đình, thì nó sẽ đảm bảo chắc chắn cho hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Từ khi anh lấy cành hương đào khỏi bàn tay em gái đã nằm trong quan tài, rồi cắm nó xuống đất, ngày nào mẹ anh cũng cầu nguyện, nước mắt bà đã tưới cho nó sống. Mẹ anh là người tốt bụng vô cùng.”

“Như anh vậy...”, cô thở nhẹ và áp sát người vào anh hơn.

Cả hai lại im lặng, họ nhìn ra không gian sáng sủa, như thể đang nhìn vào giấc mơ về tương lai của mình.

“Hôm nay anh ít nói hơn thường ngày,” cô thầm thì.

“Tình cảm thực sự thì không có lời, anh sung sướng, anh sung sướng đến mức có lẽ sẽ chẳng bao giờ tìm ra được lời diễn tả cái sung sướng hiện giờ của mình. Còn em, em không cảm thấy như vậy sao?”

“Em không biết em cảm thấy gì. Em có cảm giác là em khác những lúc khác, em cao siêu hơn. Nếu mà cái cảm giác ấy không thể tồn tại vĩnh viễn, thì em muốn chết đi ngay bây giờ để giữ lấy nó.”

“Và ông luật sư sẽ khóc bên mộ của thơ ca,” chú rể tương lai đùa. “Em thấy đấy,” anh nói thêm bằng giọng nghiêm trang “muốn gì thì gì, anh cũng nghĩ là ai yêu thật sự thì không thể viết ra được những bài thơ như thế. Tất nhiên, anh cũng không thể viết được như thế cả vào lúc khác... nhưng anh nghĩ là ông luật sư đã chơi trò đùa với em.”

“Không đâu, ông ấy là người tốt bụng.”

“Á, ông ấy có người bênh! Em nói gì thì nói, nhưng dẫu sao thì em cũng thích những bài thơ ấy!”

“Ờ…”

“À ra thế, tôi biết mà! Đàn bà các cô giống nhau hết. Các cô phải có và dứt khoát phải có chuyện riêng của mình, có cái món ngon riêng của mình. Tôi muốn biết vì sao mà cả tôi cũng gặp phải chuyện đó.”

“Ôi, anh Karel!” Josefinka kinh hoàng thốt lên và ngây người nhìn vào mắt người yêu, như thể không nhận ra anh.

“Thì đúng thế chứ còn gì nữa!” Chàng trai trẻ giận dữ nói tiếp. “Giá mà cô không cư xử hai mặt như vậy với ông ấy và cả với tôi, thì ông ta đã chẳng dám mạo muội như vậy.” Anh đẩy nhẹ Josefinka ra khỏi mình, rút cánh tay phải khỏi vai cô, để xuôi nó xuống theo người. Chỉ bàn tay trái anh còn nằm trong tay cô. Hai bàn tay nằm trong nhau, chết lặng.

Cả hai lặng lẽ nhìn ra khoảng không. Họ đứng im và nhìn vào chỗ vô hình như vậy rất lâu, cả hai gần như nín thở. Rồi tự nhiên, Karel cảm thấy giọt nước mắt nóng hổi của Josefinka ở tay mình. Anh bừng tỉnh, vòng tay ôm chặt cô gái đang thổn thức vào mình.

“Thứ lỗi cho anh... Josefinka... thứ lỗi cho anh!”

Cô gái nấc lên.

“Anh xin em, xin em đừng khóc! Em cứ giận anh đi, nhưng đừng khóc! Em nín đi... anh có lỗi, anh biết rằng em không biết lừa dối, rằng em yêu anh chân thành, cũng như anh yêu em!”

“Nhưng khi anh đẩy em ra khỏi anh thì chắc chắn lúc ấy anh không yêu em!”

“Lúc ấy... đúng là... anh không tốt! Chính anh cũng không tưởng tượng được là anh có thể ghen tuông ngu xuẩn như thế! Anh đã thật sự đột ngột chà đạp lên tình yêu! Anh đã quên rằng em là cô gái trẻ đẹp, anh thật điên rồ, vì anh biết là bất kỳ cô gái nào, nếu có được một thân hình khỏe mạnh, không bị xiêu vẹo, không bị quá xấu xí...”

Vừa lúc ấy, có tiếng sột soạt đằng sau cặp tình nhân, cả hai quay ngoắt lại phía sau.

Người chị gái ốm yếu của Josefinka trong suốt thời gian ấy vẫn ngồi đằng sau họ ở trong phòng. Cô ấy không hề động đậy khi cặp tình nhân nói chuyện với nhau, và họ đã hoàn toàn quên cô ấy. Khi nghe những lời sau cùng của Karel, cô ấy vụt đứng lên, nhưng chỉ bước được mấy bước, cô ấy ngồi sụp xuống chiếc ghế cạnh đó, tức tưởi khóc.

“Chị Katuška ơi... trời ơi, chị ơi!” Josefinka đau đớn kêu lên.

Đôi nhân tình run rẩy trong lòng, cả hai đứng bên người chị ốm đau đang khóc. Mắt họ đầm đìa, môi họ run run, nhưng không dám nói gì, dù chỉ một lời an ủi.

XI. SÁNG TÁC ĐẦU TAY

Sáng hôm sau, tỉnh giấc trong ánh bình minh tuyệt đẹp, ông luật sư thấy khó chịu trong người. Ông thấy chóng mặt, đầu đau như búa bổ, thần kinh căng thẳng làm ông run rẩy. Trong tưởng tượng của ông, có các bóng hình kỳ lạ đan lẫn vào với nhau; Josefinka, Bavorák, Klára, bà Lakmusová, Václav, tất cả đều lúc ẩn lúc hiện, chạy từ chỗ này sang chỗ khác, cùng với họ là các bóng người lạ mà ông hoàn toàn không biết, rồi cả bóng hình các con vật nữa.

Ý nghĩ rõ ràng đầu tiên đến với ông khi ông chợt nhớ ra rằng mình đã là chú rể. Ông thấy lạnh cả người và ngồi thẳng dậy, ánh mắt ông dừng lại ở chiếc bàn con bên cạnh giường. Trên bàn có mấy tờ giấy có viết gì đó, bây giờ thì ông hoàn toàn tỉnh táo, ông biết là tối hôm qua ông xúc động không ngủ được, rồi đã đọc những truyện giải trí mà Václav mang đến cho ông. Tôi sẽ không kể chi tiết về trạng thái bồn chồn xúc động của ông luật sư. Cứ theo tính tình của ông và những sự kiện đã xảy ra, chắc hẳn độc giả tinh ý đoán ra được trạng thái ấy. Mặc dù vậy, để giúp độc giả một chút, tôi phải kể ra đây cái gì ông luật sư đã đọc. Sau đó thì độc giả sẽ có đủ lý do để tưởng tượng ra được cả giấc mơ của ông.

Sau đây là những truyện ấy!

Về một số động vật nuôi trong nhà

Truyện kể bán chính thức theo thể điền viên của Václav Bavor

Trang thứ mười bảy trong nhật ký của ông Ondřej Dílec

“...mình sẽ trừ tiền công của lão thợ cả, trừ bằng mọi cách. Đúng thế, lớp vữa tường ấy có thể đáng giá bao nhiêu mà không trả cho thợ nề được năm zlatý. Giá mà biết trước thế thì mình đã chẳng thuê hắn ta làm gì, và mình cũng sẽ không thuê nữa. Mình biết là có thể rồi sẽ xong, nhưng mà tính ra thì cô ấy chả có gì ngoài cái quán ăn và đứa con, mà ở quán ấy cũng chẳng kiếm được mấy. Mình có thể làm cho quán khang trang hơn, nhưng gộp con trai cô ấy với con trai mình thì đã là hai đứa con, và ai mà biết được sẽ còn có thể có thêm mấy đứa nữa. Một khi lấy bà góa làm vợ thì ta phải nghĩ đến tương lai. Quả là nhà của mình khá rộng rãi, và không biết sau này mình sẽ còn làm gì nữa, nhưng bây giờ thì mình sẽ không làm gì cả, và cả đêm không ngủ được, mặc dù mình thấy chán cô ấy, đúng thế. Cô ấy muốn ép buộc mình bằng cách đưa cái anh chàng miệng còn hơi sữa ra, nhưng mà cũng chẳng ép được đâu. Đàn bà ở tuổi ấy đáng lẽ phải khôn ngoan hơn, chứ quan trọng gì cái việc hắn ta đã học xong, hắn sẽ làm gì. Bác sĩ ư? Giáo sư ư? Hay là phóng viên ư? Ta còn lạ gì những nghề ấy! Đáng tiếc là cô ấy có hợp đồng thuê nhà với thời hạn nửa năm hủy hợp đồng, không thì cô ấy đã phải chuyển nhà ngay lập tức rồi. Chắc chắn hắn sẽ không lấy cô ấy làm vợ, và cô ấy cũng biết thế, có điều còn muốn lằng nhằng một tí. Hãy chờ đấy, ta sẽ cho nhà ngươi biết tay, khi mà chủ nhà đã muốn thì nhất định phải được, và ta biết ta sẽ làm gì ngay ngày hôm nay. Rồi thì nhà ngươi tha hồ mà cục ta cục tác, để làm như không nhìn thấy ta và khỏi phải chào khi ta đi qua sân. Hôm nay...”

Thư của Jan Střepeníček, thực tập sinh ở tòa thị chính, gửi ông Josef Písčík, nhân viên xếp loại tài liệu của tòa thị chính.

“Kính thưa anh,

Xin anh thứ lỗi và cho phép tôi được hỏi một việc. Anh đã từng nói rằng bằng ảnh hưởng và kinh nghiệm của mình, anh sẽ giúp đỡ tôi trong công việc. Tôi xin anh thứ lỗi là không đến trực tiếp gặp anh để hỏi; anh cũng biết là các ông trưởng phòng không ưa việc thực tập sinh không ngồi ở bàn mình mà lại đi đến phòng khác!

Nhưng để khỏi dài dòng, bây giờ tôi xin phép được viết điều tôi muốn hỏi. Ông thư ký đã yêu cầu tôi chia tất cả các công văn giấy tờ nhận được ngày hôm nay theo từng loại cho các đơn vị có trách nhiệm giải quyết. Ông ấy coi việc đó như là việc thử khả năng tôi, nhưng vì không có kinh nghiệm nên tôi thật sự lúng túng với một tài liệu. Xin phép anh cho tôi thông báo về nội dung của tài liệu khó hiểu ấy.

Ông Ondřej Dílec, chủ ngôi nhà số 1213-I ở Praha, kiện bà Helenka Velebová, chủ quán ăn, rằng bà này vì sở thích riêng mà nuôi rất nhiều gà mái, gà trống và gà trống thiến. Rằng những con gà trống ấy sáng sớm nào cũng gáy đánh thức dân cư ở ngôi nhà này, phá rối các giấc mơ của họ. Vì vậy, nguyên đơn yêu cầu cấm bị đơn nuôi gia cầm.

Đó là nội dung của tài liệu mà tôi không biết xếp vào cho đơn vị nào. Tôi muốn gửi nó để anh xem, nhưng anh cũng biết là tôi không được cho ai mượn tài liệu của công sở. Xin anh suy nghĩ và cho tôi một lời khuyên. Và cũng mong anh đừng giận, xin anh gửi cho tôi câu trả lời của mình bằng thư dán kín.

Kính thư,

Jan Střepeníček”

Thông báo số N.C. 13211, gửi bác sĩ Y khoa Edvard Jungman.

“Theo lệnh của Giám đốc, yêu cầu ông đến phòng số 35 tòa thị chính. Là thành viên hội đồng, ông sẽ đi cùng với một viên chức được cử, đến nhà số 1213-I để giải quyết một vấn đề có liên quan đến phòng y tế.

Praha, ngày 2 tháng 8 năm 1858.

Veřej (đã ký).”

Thư riêng của bà Helenka Velebová, chủ quán ăn, gửi em gái là Alojsie Trousilová, giáo viên ở Chrudim.

“Em yêu quý,

Chị chào em và gửi đến em nghìn cái hôn, cháu Toníček cũng gửi dì nhiều cái hôn và xin dì cũng gửi cho cháu nhiều cái hôn. Em hỏi chồng em, xem chú ấy có còn nhớ cậu Jeník, con trai ông bà Kalhotka không, cậu út ấy mà, nhưng bây giờ thì cậu ấy lớn rồi, học xong rồi và cũng đang muốn trở thành giáo viên. Chắc là chú ấy sẽ nhớ ra cậu ấy, vì cậu ấy thường về nhà nghỉ hè. Chị đã không nhớ ra cậu ấy, chắc em cũng không nhận ra đâu, vì cậu ấy cao lớn hơn trước. Cậu ấy đến ăn ở quán chị được hơn hai tháng rồi, nhưng lúc cậu ấy hết tiền thì chị và cậu ấy mới thỏa thuận với nhau là cậu cứ ăn tiếp rồi trả sau cũng được. Em biết đấy, đời sinh viên thường thế, nhất là với những ai có khả năng, nhưng cậu ấy không phải là kẻ lừa bịp bất lương, cậu ấy đã học xong rồi, và cậu ấy gửi lời thăm vợ chồng em. Cậu Kalhotka là người rất vui tính, chị cười cậu ấy suốt, vì cậu ấy thẳng thắn, cởi mở. Cậu ấy làm thơ rồi in tặng chị, cứ như điên điên ấy em ạ, nhưng là cô giáo thì em chắc cũng hiểu được điều ấy. Cậu ấy viết rằng chị như đêm sao sáng và những cái dở hơi khác, chị nghĩ chị đến phát ốm mất vì cười chuyện bông đùa ấy, những bài thơ ấy in rất đẹp ở tạp chí, bên trên có in đậm chữ TẶNG CÔ ẤY, và “cô ấy” ở đây chính là chị đấy!

Em bảo chồng em rằng nếu chị lại đi lấy chồng thì việc ấy chẳng có liên quan gì đến chú ấy cả, để chú ấy khỏi nói năng trêu chọc mà làm gì. Việc ấy là điều dễ hiểu thôi, chị còn trẻ, không ở một mình mãi được, con chị cũng cần phải có bố và những người muốn lấy vợ thì cũng rất nhiều. Ông Dílec, chủ nhà chỗ chị ở, cũng muốn lấy chị, nhưng ông ấy không khéo tay mà lại cũng muốn nhiều tiền, mà tiền thì chị không có, vì chị chỉ đủ ăn thôi. Ông ấy không được thông minh lắm, lại còn ghen với cậu Kalhotka nữa, vì thế mà ông ấy phát đơn lên tòa thị chính để tố cáo chị, rằng chị nuôi nhiều gà mái với gà trống, rằng gà trống quấy rối mọi người sống ở nhà này, nhất là vì nó gáy vào sáng sớm. Các ông ở thị chính đã đến gặp chị, chị được một mẻ cười, vì các ông ấy cứ đòi xem đàn gà trống, nhưng chị có đâu, chị chỉ có mấy con gà để ăn và để nấu bán cho khách hàng thôi. Ông chủ nhà chắc sẽ bực mình, thì hãy cứ việc bực, vì sao mà ông ấy lại cư xử như thế, chị có thiết gì ông ấy đâu, mà ông ấy cũng chẳng còn trẻ trung gì cho cam.

Chị gửi em cái mũ cho cháu Fanynka, chị không gắn hoa hồng vào mũ, mà gắn chùm anh đào, nhưng chắc là em sẽ không cho là nó lòe loẹt quá, và em viết cho chị xem có thể mua bơ cho chị với giá bao nhiêu, chắc là sẽ rẻ hơn ở Praha. Đừng giận chị vì chị kể chuyện lôi thôi dài dòng, không kể cho em thì kể cho ai, khi mà chị chẳng có ai khác, tính chị từ xưa vẫn hay nói năng như thế. Hãy nhớ đến chị gái Helenka thành tâm của em.

T.B. Chị viết vội.”

Trang thứ tư của biên bản cuộc họp Ủy ban ngày 15 tháng 8 năm 1858.

“... quyết định ổn định trật tự theo đề nghị của ông ủy viên Veřej, vì chỉ những việc quan trọng mới được đưa ra xét ở ủy ban.

Liền sau đó, bước sang bàn vấn đề thứ bảy. Ông ủy viên Veřej trình bày về đơn tố cáo của ông Ondřej Dílec, chủ nhân ngôi nhà số 1213-I, bị đơn là bà Helenka Velebová, chủ quán ăn cũng tại địa chỉ đó. Ông Ondřej Dílec tố bà Velebová, rằng bà ấy nuôi nhiều gà, rằng tiếng gà gáy buổi sáng sớm gây phiền nhiễu cho mọi người ở nhà ấy. Ông Veřej đọc bản tường trình của hội đồng, gồm ông Edvard Jungman, bác sĩ y khoa, và ông Josef Písčík, viên chức. Theo bản tường trình, hội đồng đã xem xét kỹ lưỡng vấn đề ngay tại chỗ và phát hiện ra rằng bị đơn chỉ nuôi ở sân có hai con gà mái, một con gà trống và một con gà trống thiến, và chỉ nuôi để làm cơm cho khách ăn.

Ông thị trưởng chủ trì cuộc họp cho là trong trường hợp này không thể làm gì được, nhất là khi bị đơn chỉ nuôi ít gà như vậy, và không thể ra lệnh cho bị đơn giết một lúc tất cả những con gà ấy.

Ông Veřej nói thêm rằng, nguyên đơn, ông Dílec, cũng hơi bị nghễnh ngãng, nên có lẽ việc gà gáy chắc cũng không đến nỗi nào. Ông Veřej đề nghị từ chối nguyên đơn.

Tất cả đều đồng ý với đề nghị đó. Sau đó, bàn đến vấn đề số...”

Thư riêng của bà Helenka Velebová, chủ quán ăn, gửi em gái là Alojsie Trousilová, giáo viên ở Chrudim.

“Em ơi!

Chị chào em và gửi em nghìn cái hôn và cháu Toníček cũng gửi em rất nhiều cái hôn và chị quả thật rất giận em, vì em cứ ra vẻ già dặn hơn, mặc dù em trẻ hơn, và ngay cả khi em có làm giáo viên đến hàng trăm lần đi nữa thì em cũng chẳng hiểu biết hơn chị được, nên đừng có làm như vậy, vì ai chả biết thế, và ai mà biết được em sẽ cư xử thế nào, nếu em là bà góa. Chị không muốn và không thích ông Dílec, và cũng không để cho ai ép buộc chị được. Chắc em cũng không muốn lấy người nào đã làm hại em. Chị béo hay gầy thì việc gì đến ông ấy, và ông ấy cũng không cần phải nói rằng chị to gấp ba người khác. Nếu mà ông ấy không thích chị thì hãy đừng có đếm xỉa đến chị, chị không muốn ông ấy, chị nói để em biết vậy. Nếu mà ông ấy thích chị, thì sao lại phát đơn kiện chị? Chắc chắn là thua kiện rồi, bây giờ thì không dám gặp chị nữa. Nhưng chị sẽ trả thù ông ấy và đã chuẩn bị cả rồi. Có một người, đó là cậu Kalhotka, nhưng em không phải lo sợ gì, chị không phải là kẻ còn trẻ hấp tấp thiếu suy nghĩ mà có quan hệ với sinh viên, mà mặc dù có thể đi nữa thì việc gì đến ai, chị có đầu óc của mình và không để cho ai điều khiển chị, cậu Kalhotka tốt hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ về cậu ấy, và cậu ấy nhớ ra rằng ở Praha có luật cấm nuôi lợn. Ông Dílec nuôi hai con lợn con, chúng chạy rông cả ngày ở ngoài vườn. Cháu Toníček nhà chị thường hay chơi với chúng, nhưng mặc kệ, chị và cậu ấy đã đưa đơn kiện rồi, ông Dílec sẽ nổi giận, ừ thì cứ việc giận đi! Còn em thì cái gì cũng làm em bực mình, chị lấy làm tiếc là em thấy cái mũ lòe loẹt, vậy cứ bảo ngay là không thích nó đi! Nhưng em đừng giận chị, em biết là chị nghĩ thế nào là nói thế, tính chị vẫn vậy, hơn nữa, chúng mình là chị em cơ mà! Hãy nhớ đến chị. Helenka.

T.B. Chị viết vội.”

Tài liệu riêng của Thị trưởng thành phố Praha gửi ông Veřej, hội viên Hội đồng Ủy ban thành phố.

“Thưa ông hội viên,

Vì hôm nay tôi sẽ không gặp được ông nữa và ngày mai tôi sẽ ở nhà cả ngày, tôi viết thư này cho ông về đơn của bà chủ quán Helenka Velebová tố ông Ondřej Dílec, chủ ngôi nhà số 1213-I, vì ông này nuôi lợn trái phép. Đơn này hiện nay được ông luật sư Zajíček gửi lại một lần nữa. Ông cũng biết rằng luật sư Zajíček là một trong những đối thủ của ban quản lý hành chính hiện nay ở tòa thị chính. Tôi được thông báo là vấn đề này đã được đưa ra giải quyết một lần rồi, nhưng giải quyết chưa triệt để. Nghe nói ông trưởng phường và bác sĩ ở quận đã điều tra và khẳng định rằng ông Dílec chỉ nuôi có hai con lợn con để dùng vào mục đích riêng; nhưng lại không đưa ra biện pháp giải quyết nào cả. Thưa ông, việc này là việc quan trọng, vậy mà ông đã giải quyết một cách cẩu thả, không có sự tham gia của hội đồng, như thế là không tốt. Không thể có nghi ngờ gì được về việc lợn con cũng là lợn, và tất nhiên là ở Praha tuyệt đối cấm nuôi lợn. Bây giờ là mùa thu, thường có dịch tả, chúng ta có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đó, vì ông luật sư Zajíček chắc chắn sẽ đưa việc này ra. Vì sự khẩn cấp và an toàn của vấn đề này, yêu cầu ông cho kiểm tra lại ngay, rồi lập tức đưa vào giải quyết ở hội đồng với sự có mặt của tôi, ông hãy chuẩn bị kế hoạch của mình để hội đồng đưa ra quyết định giết những con lợn ấy trong vòng tám ngày.

Praha, ngày 17 tháng 9 năm 1858.”

Thư riêng của Jan Kalhotka, sinh viên trường Sư phạm, gửi bạn là Emil Blazíček, giáo viên phụ giảng ở Písek.

“Mang danh Chúa, tôi xin báo cho anh một tin rất vui, là tôi được cử làm giáo viên phụ giảng ở Hradec Králové - thủ phủ và trung tâm của các trường trung học. Ôi! Vậy tôi đi và sẽ dạy dỗ những tài nhân tương lai của Séc, và sẽ làm việc như anh, vì “vai trò kế thừa dân tộc”, theo lời anh đã đọc ở nơi nào đó. Tôi thực lòng mong mỏi nghề nghiệp cao thượng của mình, mong đợi sự nghiệp mới của mình, đặc biệt là vì nghe nói ở Hradec Králové có nhiều con gái đẹp, tôi lại là người rất yêu phụ nữ. Ở bên cạnh họ, tôi có may mắn tuyệt vời, tôi nghĩ tôi sẽ chẳng phải làm gì ngoài việc yêu, những cái khác tự nhiên nó đến và tôi sẽ sống sung sướng. Thời gian vừa qua, tôi chẳng còn một trinh nào, thỉnh thoảng tôi lâm vào cảnh đó, thế mà tôi đã sống đàng hoàng như một nam tước vậy, hay nói đúng hơn, như một ông chủ quán thỏa mãn sung sướng. Anh biết không, cô chủ quán trẻ góa chồng, lại là người đồng hương, và tôi, chàng trai trẻ đẹp,... nói tóm lại là tôi đã sống không tốn kém một xu nào và ăn uống rất sướng. Nhưng cô đồng hương của tôi đang gặp khó khăn, ông chủ nhà của cô ấy muốn lấy cô ấy làm vợ, cô ấy không muốn ông ấy vì cô ấy yêu tôi, bây giờ ông ấy không cho thuê nhà nữa và cô ấy không biết làm sao. Tôi là người có lương tâm, bây giờ tôi đã kiếm được một ít tiền rồi và không muốn cản trở hạnh phúc của cô ấy, nên tôi đã không đến quán cô ấy nữa. Phụ nữ, đặc biệt các bà góa, thường khéo léo, rồi thì cô ấy cũng sẽ tự lo lấy được. Nói cho cùng, tôi không nghĩ là cô ấy không hợp với ông chủ nhà; họ sẽ xứng đôi, tôi đã tưởng tượng được cảnh họ hòa thuận, cùng ngồi ăn uống với nhau vào ngày chủ nhật. Anh thấy là tôi không phải là người giả tạo lừa dối cô ấy, và cũng không phải tôi không có cảm tình với cô ấy, mặc dù tôi không viết nhiều về cô ấy. Nhưng... tôi làm được cái gì cho cô ấy? Vâng, vấn đề là ở chỗ ấy!

Tôi xin dừng bút và thành tâm chúc anh mọi sự tốt đẹp.

Bạn của anh.”

Trích quyết định của Phó Thị trưởng đối với ông Ondřej Dílec, chủ ngôi nhà số 1213-I, về việc kháng cáo quyết định của Tòa thị chính.

“... không thể xét đến những lý do kể trên được, vì theo luật, không được phép nuôi lợn ở Praha. Còn việc ông Thị trưởng nuôi hai con ngựa và phân ngựa gây ra bẩn thỉu thế nào thì cũng hoàn toàn không có liên quan gì đến trường hợp này. Ông Ondřej Dílec sẽ phải nộp phạt năm zlatý tiền Áo, đồng thời trong vòng ba ngày phải giết lợn, hoặc đưa chúng ra khỏi Praha, nếu không thì chính quyền sẽ tiến hành các biện pháp chính thức để giết lợn, hoặc chuyển chúng đi nơi khác.

Praha ngày 14 tháng 9 năm 1858.”

Thư riêng của bà Helenka Velebová, chủ quán,

gửi em gái là Aloisie Trousilová, giáo viên tại Chrudim.

“Em yêu quý!

Em nói đúng, em thấy đấy, chị xin công nhận rằng cái này là do em thông minh và học được ở chồng em, còn chị thì chỉ là mụ đàn bà góa ngu ngốc. Nhưng cũng đừng trách chị vì chuyện với tay Kalhotka nữa, việc cũng đã qua rồi, hắn đã bỏ trốn, em cũng biết là cả gia đình hắn đều là những người như vậy và mẹ không bao giờ thích họ, nhưng chị không phải là người có lỗi, hắn nói nhiều, nói mãi, em biết đấy, chúng mình đều là phụ nữ, đều có lòng tốt. Với ông Dílec thì em cũng đúng, và chỉ cần chị muốn ông ấy, nhưng mà bây giờ chị không biết làm thế nào. Ông ấy gầy đi em ạ! Xem ra ông ấy cũng có dằn vặt, nhưng ông ấy cứng đầu cứng cổ lắm và cứ nghĩ rằng, có trời biết được thế là gì, khi mà ông ấy là chủ nhà thì muốn gì được nấy, dù rằng đúng là ông ấy không nợ nần gì, và về cơ bản, ông ấy là người tốt. Một lần, chị chơi với đứa con trai nhỏ của ông ấy, nó là thằng bé dễ thương em ạ, nó có đôi mắt xanh to, hai cái má dễ thương đến muốn véo, nó chỉ ít tuổi hơn Toníček nhà chị có nửa năm thôi, chúng nó lại chơi với nhau rồi, Toníček cũng đến chơi nhà ông ấy ở tầng trên. Lần ấy ông Dílec về nhà, đi qua sân, nhưng chị làm như không nhìn thấy, chị hôn thằng bé, ông ấy đứng lại, không nói gì, rồi đi tiếp, nhưng cũng không gọi con trai về như mọi khi khác. Chị cám ơn em mua bơ hộ chị, nó không rẻ hơn bơ mua ngoài chợ ở Praha, nhưng ngon hơn. Còn năm tuần nữa mới đến ngày lễ Thánh Kateřina, nhưng ngày mai chị sẽ đến gặp ông Dílec để trả tiền nhà, nhưng em ạ, chị sẽ xấu hổ, dù sao thì ông ấy cũng tốt, không giục chị nộp. Cháu Toníček gửi em nhiều cái hôn và nhắn dì gửi cái gì cho cháu. Hôn vợ chồng em. Chị gái trung thành suốt đời của em. Helenka.

T.B. Chị viết vội.”

Nhật ký của ông Ondřej Dílec, trang thứ ba mươi mốt.

“… Chưa bao giờ mình có dịp nào ăn lễ Noel vui như lần này. Helenka là người nội trợ đảm đang, nấu ăn giỏi và rất yêu mình, cô ấy không khó tính xấc xược như mình đã nghĩ, cô ấy nhất nhất nghe lời và gần như tốt hơn người vợ thứ nhất đã qua đời của mình, xin trời cho bà ấy yên nghỉ bình an. Bây giờ thì mình hoàn toàn tin là cô ấy không yêu cậu sinh viên ấy một chút nào, đàn bà cư xử thật lạ, nhất là khi họ muốn trừng phạt người nào mà họ thực sự yêu. Nếu cứ như thế này mãi, chắc cô ấy sẽ như thế mãi, mình tin như vậy, thì cô ấy sẽ không phải ân hận gì, cô ấy sẽ thấy là mình là người bố tốt của con cô ấy, là mình sẽ không bao giờ quên mẹ con cô ấy, kể cả nếu mà hôm nay hay ngày mai mình phải chết thì sang xuân, mình cũng sẽ cho quét vôi toàn bộ ngôi nhà, ở ngoài vườn thì chúng ta sẽ mở cửa hàng ăn có ca nhạc, bây giờ có thể làm ăn được, chứ khi chỉ có hai bàn tay trắng thì chẳng làm được gì. Chắc là mình cũng sẽ được yên thân với các vụ kiện tụng, hôm nay có hai ông đến gặp, các ông ấy nói là mình đã gửi kháng cáo đến Viên - mình đã quên mất việc này nên cứ nhìn hai ông ấy mà không hiểu họ nói về cái gì - vì thế có lệnh gửi từ Viên đến yêu cầu phải xét xử lại thật kỹ lưỡng vụ việc đó. Nhưng sẽ xét xử thế nào nữa, khi mà bữa sáng hôm nay mình đã ăn nốt cái dồi gan lợn cuối cùng! Helenka cười rũ rượi như người điên, vì cô ấy đang còn nhiều mỡ rán dồi ở trong bếp. Nhưng bây giờ thì mình không biết ai là người đã có thể thắng kiện, và...”

XII. NĂM PHÚT SAU BUỔI CA NHẠC

Giọng hát yếu ớt kiểu giọng nữ cao của đứa trẻ lên đến độ cao kinh khủng, Valinka nắm chặt bản nhạc, nhạc sĩ đệm đàn chơi tiếp mấy hợp âm cuối cùng, nụ cười tươi được tập sẵn và cái cúi đầu chào báo hiệu buổi ca nhạc đã kết thúc.

“Ôi thật là sung sướng... cháu sẽ là nghệ sĩ... ông Eber ạ, ông quả là người may mắn!” Bà Baurová vui mừng, và với niềm vui thật sự, bà ngừng vỗ tay đứng dậy ôm chặt Valinka. Mọi người khác đứng ngay sau lưng bà; tất cả khoảng hai chục người, họ đã ngồi ở hai hàng ghế trong phòng. Những lời khen ngợi, những cái hôn tới tấp như mưa làm Valinka gần nghẹt thở, cô bé gọi mẹ: “Ấy, tóc của con... mẹ ơi!”

Suốt buổi ca nhạc, ông Eber đứng không động đậy ở chỗ giữa cột nhà và cửa sổ. Bây giờ ông cố nén xúc động, chớp chớp mắt và tự kiềm chế để khỏi run rẩy: “Vâng, chúng tôi cũng phải để cháu tập khoảng hai năm nữa, rồi sau đó thì cháu đi đâu cũng được. Cháu mới chỉ chưa đầy 14 tuổi và mọi người sẽ ngạc nhiên, nhưng mà có gì lạ đâu, cháu rõ ràng có năng khiếu như vậy. Thưa bà Baurová, bà có tin là cháu nó mới chỉ học hai mươi bài tiếng Pháp mà đã có tiến bộ đến mức nói chuyện được khá trôi chảy với thầy giáo không?”

Bà Baurová chập tay ngạc nhiên: “Thật ư? Valinka, thật không cháu?”

“O ouj, madame!” Valinka khẳng định.

“Đấy, bà thấy đấy! Tôi cũng ngạc nhiên lắm. Nhưng một phần cũng là do có thầy giỏi. Đặc biệt thầy dạy hát là thầy rất giỏi. Thầy ấy có phương pháp rất hay, để ý đến từng cái nhỏ, thầy lấy ngón tay chọc vào miệng, nếu cháu mở miệng không đúng. Nhưng mà tôi sẽ không để cháu ở Praha đâu!”

“Vâng, nếu để ở Praha thì thật là sai lầm!” Bà Baurová khẳng định và trở về chỗ ngồi bên cạnh con gái mình.

Khi buổi ca nhạc kết thúc, cô Marie tháo cả hai chiếc găng tay để có thể vỗ tay thật to. Ngồi bên tay trái cô là ông thượng úy Kořínek, vị hôn phu của bạn gái cô. Ông Kořínek, người đàn ông vóc dáng nhỏ bé, vẻ mặt ốm yếu, với nụ cười như hóa đá trên cái miệng móm mém không còn răng, cũng đang vỗ tay cùng cô Marie.

“Tôi vỗ tay nóng cả người,” cô Marie ngừng tay, dịu dàng nói với người ngồi cạnh mình vẫn còn đang cố gắng vỗ. “Chị em chúng tôi không có chút sức lực nào cả. Em bé hát rất hay, phải không ạ?”

“Vâng, đúng vậy!” Ông thượng úy khẳng định. “Đặc biệt nốt Đô kết thúc rất hay.”

“Nhưng mà đấy chắc là nốt Fa chứ ạ?” Cô Marie nói.

“Không, đấy là nốt Đô, trước đó cũng có một nốt Đô; khi mà giọng lên cao như thế thì bao giờ cũng là nốt Đô!”

Khuôn mặt cô Marie như bị kéo dài ra và đanh lại. “Ông cũng là người am hiểu âm nhạc ạ?” Cô hỏi, chỉ để nói một cái gì đó.

“Tôi ư? Không, người ta nói là tôi không có năng khiếu âm nhạc. Nhưng anh trai tôi biết chơi cả theo nốt nhạc, và bài nào cũng chơi lần nào cũng như lần nào.”

“Tôi cũng có một người em trai như vậy,” cô thở dài, “tội nghiệp, cậu ấy mất rồi. Cậu ấy có giọng nam cao tuyệt vời! Từ nốt Đô cao, như ông đã nói, xuống đến tận nốt La, vâng ông ạ, xuống đến tận nốt La!”

“Chắc chắn phải hay lắm!”

“Ông là người rất yêu âm nhạc ạ?”

“Tất nhiên rồi!”

“Chắc là ông thường đi xem opera ạ?”

“Tôi ấy ư? Không, không! Cái đó đắt tiền, mà con người ta thì chỉ có hai tai. Có một lần tôi nghe một vở opera, tôi thấy thích nó - tên của vở ấy là gì nhỉ - tôi quên mất rồi - nhưng tôi thích. Còn thì tôi không thích opera, tôi là con nhà lính và tôi thường lấy làm bực mình khi nhìn thấy gã đàn ông khỏe mạnh có thể đánh trống được, mà lại đi chơi violon. Tôi cũng không thấy thích, khi cô ca sĩ thay đổi giọng lúc lên lúc xuống, hay còn gọi cái đó là cái gì...”

Cô Marie đột ngột quay sang mẹ mình.

“Chuyện trò với ông ấy ra sao?” Bà mẹ hỏi thầm.

“Cũng được - con nghĩ là ông ấy không nhận ra các que diêm, nếu đặt chúng lộn ngược đầu xuống dưới!”

“Thì có sao!”

“Tất nhiên là chẳng sao,” cô Marie nói nhỏ, rồi quay lại người ngồi cạnh mình.

“Kể ra thì chỉ việc ông bà ấy cho con gái đi học hát thế cũng tốt rồi. Nhất là khi chính ông bà ấy cũng chẳng có gì. Họ mắc nợ đến kinh khủng, chúng tôi có vốn ở cái nhà này, tôi vẫn bảo mẹ tôi phải cẩn thận, nhưng mẹ tôi quá tốt bụng!”

Điều đó chắc hẳn làm ông Kořínek giật mình, chắc ông muốn nói một cái gì đó, muốn hỏi một cái gì đó, nhưng vừa đúng lúc ấy có tiếng ồn ào nổi lên, báo hiệu là mọi người muốn chia tay ra về. Cô Marie và bà Baurová cũng đứng dậy.

“Đường về nhà thì xa, mà chúng tôi lại chỉ có hai mẹ con,” cô Marie than phiền với ông thượng úy. “Tôi chưa bao giờ có quan hệ với ai, vả lại đàn ông thật sự ga lăng thì quá ít!”

“Giá mà tôi được phép...”, ông thượng úy nở nụ cười lịch sự và sẵn sàng.

“Ôi, thế thì hay quá! Mẹ ơi, thượng úy sẽ đi tiễn mẹ con mình!”

“Đường xa lắm đấy! Nhưng mà sau đó thì ông có thể ở lại dùng cơm chiều với chúng tôi, chắc chắn là sẽ vui lắm!”

Bà chủ nhà lần lượt chia tay với khách. Cô Matylda cũng phải tạm rời ông Kořínek một lúc để có thể nói chuyện lịch sự với khách. Đúng lúc cô đang hôn khách thì bà chủ nhà ghé sang cô nói thầm một cái gì đó. Cô Matylda đến gần ông thượng úy và nói nhỏ với ông:

“Anh ở lại đây nhé, mẹ mời anh ở lại ăn chút thịt hun...”

“Tôi... tôi đã...”

“Ôi, chị Matylda của em,” cô Marie tiến đến gần và nồng nhiệt ôm bạn gái, “Hôm nay vui quá! Đáng tiếc là buổi ca nhạc không dài hơn, bởi vì chúng tôi sẽ không phải tự đi về nhà, nên không phải sợ gì. Ông Kořínek hứa là sẽ đi tiễn chúng tôi, vì chúng tôi ở xa mà! Thôi, xin chào thiên thần của em nhé, thơm em một cái nữa nào! Thế nhé, chào cô chủ nhé!”

Cô Matylda ngây người ra, mặt cô tái đi.

“Con tiễn cô Marie đi chứ,” bà chủ nhà giục con gái, “con làm sao vậy? Ôi trời...”, bà không nén được cái thở dài, khi trông thấy ông thượng úy chuẩn bị đi cùng với mẹ con bà Baurová.

“Tạm biệt thiên thần nhé!” Cô Marie gật đầu chào rồi lướt nhẹ ra cửa.

Cô Matylda đứng im tại chỗ như trời trồng.

XIII. TRÚNG THƯỞNG XỔ SỐ

Bà Bavorová ngồi rất khoan khoái ở sau quầy, bởi vì vào ngày thứ sáu, trước lúc có vài người khách đến mua hàng vào buổi chiều, thường không có việc gì phải làm. Chồng bà đang bận việc buôn bán ở đâu đấy trong thành phố, còn Václav, con trai bà, thì ít khi có mặt ở nhà. Vậy là bà Bavorová ngồi ở đó một mình, tự giải trí bằng sách giải mã giấc mơ, bằng các tờ giấy có ghi đặc những con số... Bà giải trí thoải mái, dù thỉnh thoảng có ngáp, nhưng bà đang rất hài lòng, hai má bà hửng lên, đôi mắt sáng long lanh sau cặp kính.

Bất chợt, bà nhìn ra cửa vì thấy có người xuất hiện ở đấy. Người đó là bà chủ quán ăn. Bà Bavorová làm như không để ý thấy bà ta và tiếp tục xem các con số của mình. Việc xảy ra trong đám tang bà Žanýnka vẫn còn để lại dư âm xấu cho đến hôm nay, chúng ta không thể mảy may nghi ngờ gì được về điều đó.

Bà chủ quán bước tiếp vào cửa hàng. “Lạy Chúa tôi,” bà chào.

“Lạy Chúa tôi,” bà Bavorová trả lời, nhưng không ngẩng đầu lên.

“Thế nào, chúng ta có trúng được gì không?” Bà chủ quán ăn bắt chuyện.

“Chả được mấy, kể từ ngày ta chơi chung,” bà Bavorová lạnh nhạt trả lời, cố ý nhấn mạnh vào hai từ cuối cùng.

“Chơi chung... ừ... phải đấy, nhưng khách hàng của tôi lại kể rằng bà đã gieo cả dãy số ấy nữa, nhưng mà là dãy số bà đã nói với tôi trước khi chúng ta thay đổi nó, rằng bà đã trúng giải ba số.” Lời nào của bà chủ quán cũng sắc như dao, đầy vẻ dò la.

“Vâng, bao giờ tôi cũng làm đúng nếu tôi nghe theo cái đầu óc già nua của mình.”

“Vậy tôi cũng được chia phần ở giải ấy chứ?”

“Tôi muốn biết vì lẽ gì mà đi chia giải ấy cho bà!”

“Nhưng mà thế thì không công bằng!”

Bà Bavorová giận tái mặt. Nhưng vẫn không ngẩng đầu lên, bà chậm rãi trả lời, giọng lạnh tanh:

“Bà có đưa cho tôi đồng nào khi tôi mua bộ số ấy không? Bà bảo chúng ta đổi số, rồi bà góp tiền mua bộ hai số đã đổi, và bà được chia một nửa giải thưởng. Như thế vẫn còn chưa sòng phẳng hay sao?”

Cái lạnh lùng cố ý của bà Bavorová gây ấn tượng mạnh cho bà chủ quán. Bà ta cũng cố ý nói với giọng nhẹ nhàng:

“Gớm thôi, chẳng phải giận dữ nhau làm gì về chuyện ấy nữa, bà chị ạ. Ai được trời ban cho cái gì thì tôi mừng cho người ấy cái đó... tại sao mà tôi lại không mừng cho bà chị. Nhất là khi cậu Václav nhà bà chị với con Márinka nhà tôi... xem ra chúng nó thích nhau.”

“Chẳng đi đâu mà phải vội... chúng nó còn trẻ, bắt buộc chúng nó làm gì! Hơn nữa, tôi cũng không thích lên mặt khoe khoang. Con trai tôi chỉ là con nhà buôn bán, sau này nó làm được gì thì nên thế. Vậy đấy thôi!”

“Ồ, chắc hẳn bà không nghĩ là tôi phải tự đi dâng của! Tôi không cần phải thế, con gái tôi là con nhà thị dân, cái đó không ai lấy của nó đi được!”

“Gớm, thì mài ra mà ăn!” Bà Bavorová mỉa mai rồi bỏ kính xuống.

“Danh dự là danh dự, ai không có thì chẳng lấy ở đâu ra được,” bà chủ quán tuôn ra một tràng, “tôi có thể đến bất kỳ đâu, vào được bất kỳ chỗ nào. Còn hạng dân nhà quê thì có trát vàng vào đi nữa cũng không thành người sang trọng được. Tôi cho là như vậy đấy, chứ chả cần phải nói thêm gì nữa - thôi, chào bà!” Nói đoạn, bà ta quay ngoắt đi.

“Vâng ạ, xin kính chào quý bà thị dân ạ,” bà Bavorová gọi với theo rồi lúc ấy mới ngẩng đầu lên.

Bà Bavorová nhìn ra bên ngoài, khuôn mặt bà lại hồng hào như trước, đôi mắt lại sáng long lanh. “Đừng có tưởng bắt nạt được bà nhé!” Bà nói to một mình. Xem ra, bà có vẻ tự hài lòng là đã không để bị khiêu khích mà nổi nóng một cách không cần thiết.

Bà Bavorová lại đeo kính và lại xem sách giải mã giấc mơ lô đề, xem các con số đề. Làm vậy, bởi lẽ bà ấy là người chơi xổ số bằng cả tâm hồn lẫn thể xác, là người chơi xổ số kiểu cao siêu nhất, một kiểu chơi có khoa học, và về mặt này, bà ấy là người có tiếng tăm nhất trong toàn quận. Nhưng nếu muốn đứng vững được ở vị trí cao ấy, người chơi xổ số thực thụ không bao giờ hoàn tất được công việc của mình, và phải tận dụng từng lúc rảnh rỗi.

Để có thể chỉ một lần duy nhất mua số đề mà chắc chắn trúng được giải, không ai có thể tin được là cần phải chuẩn bị nhiều đến thế nào! Con số tốt không phải là kết quả của sự tính toán khô khan, nó cũng không đến nhanh như tia chớp, trừ trường hợp nó đến một cách tình cờ, nhưng người nào thận trọng cân nhắc thì sẽ không để ý tới sự tình cờ ấy. Con số tốt không phải là con số toán học, không phải là một cái gì vô hình, nó không sinh ra từ trí khôn, cũng chẳng sinh ra từ óc tưởng tượng. Tôi so sánh nó với bông hoa, hay đúng hơn, với thạch anh. Tinh thể thạch anh cần có thời gian để hình thành và phát triển. Thạch anh cũng cần có chỗ đứng vững vàng trong đất. Và chỗ đứng vững vàng của con số lô đề là trái tim con người. Vâng, trái tim là quê hương của con số. Trái tim con người có liên quan với toàn thế giới, ngay cả ngôi sao xa xôi nhất cũng có sức hút tác động lên nó. Tương tự như vậy, con số cũng có liên quan đến cả thế giới. Vì cái gốc gác ấy của mình mà con số trở thành tài sản không thể phủ nhận được của nữ giới. Một khi nam giới can thiệp vào đó thì con số bị đứng ngay ở chỗ ngã ba đường, bị nhợt nhạt đi và lún sâu trong bùn lầy của sự tính toán bằng trí óc.

Bà Bavorová hoàn toàn ý thức được điều đó, mặc dù có thể bà không biết diễn đạt hay như chúng ta. Bà chăm sóc các con số lô đề giống như người làm vườn gieo hạt để trồng hoa, bà không ưa cái trò chơi ngẫu nhiên của những người buôn bán, cũng như không thích sự tính toán rắc rối của những kẻ không hiểu biết. Cơ sở mọi suy tính kỹ lưỡng của bà là cuốn sách giải mã các giấc mơ lô đề, còn gọi là “kumbrlík”.

Dứt khoát đó là cái tên thần thoại, chỉ riêng lời mở đầu truyền thống của cuốn sách quý giá đó đã là một cái gì thần thoại rồi. Nó được viết thế này: “Giải mã nguyên nhân của những hiện tượng thấy trong giấc mơ, chuyển mã chúng thành các con số có thể gieo xổ số được.” Ở phần mở đầu, sách trích dẫn lời của các bậc hiền nhân, viết về Aristotle và người vợ của Hector, về Sever và thân mẫu của Vergilius, về cái thang của Jacob, cả về những con bò của Pharaon, về giấc mơ của Ba Vua ở phương Đông và giấc mơ của Nabuchodonosor ở Babylon. Và tất cả những cái đó được viết bằng phong cách mạch lạc rõ ràng, giống như ở đầu đề, bằng phong cách mà trí óc không thấu được, nhưng tình cảm thì hiểu nó.

Giải mã đúng các giấc mơ là điều cơ bản của việc chơi xổ số, và “kumbrlík” là công cụ phục vụ đắc lực cho việc giải mã đó. Nhưng không phải giấc mơ nào cũng là giấc mơ thích hợp để giải mã. Tất nhiên, có những tháng có ít ngày thật sự may mắn. Người phụ nữ có kinh nghiệm nào cũng biết những ngày ấy, bởi đó là những ngày “được đánh dấu bởi các nhà chiêm tinh, được khẳng định bởi đấng tối cao của tất cả các hành tinh”. Nhưng ngày may mắn cũng chưa hẳn mang đến may mắn, bởi lẽ chỉ người không có kinh nghiệm mới không biết là các giấc mơ được phân chia thành tám “loại” khác nhau, trong đó chỉ loại thứ năm mới là loại tốt. Khi phân tích để chọn con số lô đề thì trước hết cần loại trừ tất cả các giấc mơ về ma quỷ (loại thứ tám), cũng như các giấc mơ về hiển hiện của thần thánh (loại thứ bảy). Các giấc mơ có “nguồn gốc bệnh tật”, như nóng tiết, nóng đầu, hay có nước ở gan hoặc ở phổi, cũng là những giấc mơ không có ý nghĩa gì. Các giấc mơ loại thứ năm thường đến với những người “ăn ít, hoặc không ăn gì vào ban đêm mà vẫn khỏe khoắn và thoải mái về tinh thần”. Chính vì các loại giấc mơ ấy mà người phụ nữ chơi xổ số minh mẫn phải có phong cách sống đặc biệt. Và bà Bavorová đã tạo cho mình một lối sống đặc biệt.

Sách giải mã giấc mơ “kumbrlík” có phần thiết yếu giải thích các con số lô đề (mặc dù còn có nhiều sách giải mã giấc mơ khác, quyển nào cũng có giá trị của nó, nhưng “kumbrlík” trội hơn hẳn, giống như đỉnh Sněžka[9] cao hơn so với những ngọn núi khác). Các con số được lựa chọn như thế này tuy chưa phải là những con số hoàn toàn tin cậy được, nhưng khi đưa chúng vào đợt quay xổ số gần nhất thì có thể có sự thay đổi. Nếu trúng giải ngay thì tốt, nếu không trúng cũng không sao; phải cất giữ tờ vé cẩn thận chứ không được vứt đi. Lý do là phụ nữ chơi xổ số thường chia thời gian có các giấc mơ thành bốn khoảng, mỗi khoảng dài ba tiếng đồng hồ; bảy giờ tối là giờ đầu tiên của họ, điều này xem ra hơi cũ một tí. Nhưng dựa vào thời điểm có giấc mơ thuộc khoảng thời gian nào mà người ta có thể hi vọng vào việc trúng giải, nếu sau đó tám ngày, hay đến đợt quay số lần thứ ba, hoặc ba tháng sau, ba năm sau, vâng, có thể đến tận mười hai năm sau. Vì thế, điều quan trọng là phải giữ cẩn thận các vé số đã quay.

Nhưng làm như vậy vẫn chưa phải là xong việc. Bà Bavorová không quan tâm đến những chuyện ngớ ngẩn - chẳng hạn chuyện có người đã cắt chín mươi con số, bỏ chúng vào cốc thủy tinh rồi thả vào cốc một con nhện lớn, sau đó chờ nhện chăng lưới kéo các con số - bà ấy đủ trí khôn để không làm chuyện lẩn thẩn đó. Nhưng bà ấy có một cái túi vải dài đựng chín mươi hòn bi có đánh số. Hàng ngày, bà lấy ra ba hòn bi bằng tay phải và ba hòn bằng tay trái. Bà cẩn thận ghi lại những con số ấy, kể cả ngày tháng, vào các tờ giấy, bên cạnh đó ghi chú thích “tôi”, bởi vì ngày nào bà cũng còn để chồng và con trai mình, hoặc người nào bà có cảm tình, chọn lấy các hòn bi từ túi đó. Bà ghi lại tất cả những con số họ chọn, kể cả tên của họ. Các con số trúng giải của từng đợt quay xổ số thì bà ghi riêng ra tờ giấy khác, bởi danh sách những con số này có cái quan trọng riêng của nó. Tuy không thể quy thành luật một cách chắc chắn về việc lặp lại của những con số đã trúng giải, nhưng có những lúc xem lại danh sách các con số ấy, ta giật mình vì một dãy số nào đó. Và đó là cái thúc giục gây cảm hứng cho ta.

Và cuối cùng thì thời điểm chín muồi đã đến, khi giấc mơ thuộc loại tốt xảy ra vào ngày may mắn, đồng thời cũng vào lúc đó, tay phải và tay trái đều lấy ra khỏi túi những con số giống nhau, thêm vào đó là cái thôi thúc “đi mua vé đi, vì không còn một điều nghi ngờ nào nữa về việc trúng giải”. Bà Bavorová đã làm theo tất cả những điều đó. Bà mua số đề với dãy số không thay đổi của mình và đã trúng giải.

Tôi đã nói là người chơi xổ số thực thụ không bao giờ hoàn tất được công việc của mình; nếu muốn duy trì mức độ thì phải tận dụng mọi lúc rảnh rỗi. Bà ấy không muốn chỉ vì đã trúng một giải ba số mà làm cái gì khác đi, chơi xổ số là nhu cầu sống của bà, là sự khích lệ của tâm hồn bà, là niềm an ủi của trái tim bà. Vì vậy, ta lại thấy bà cần cù làm việc.

Václav bước vào phòng đúng lúc bà Bavorová đang viết, ghi chép lại, và sắp xếp các con số. Cậu cất tiếng chào mẹ và dừng lại ở trước quầy.

Bà Bavorová gật đầu chào lại, nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Một lúc sau, bà lấy cái túi vải đựng các hòn bi, xóc xóc túi rồi đưa nó cho Václav.

“Hôm nay con vẫn chưa bốc,... bằng tay phải trước chứ! Này, con có biết là hôm nay con đã bị đuổi khỏi công sở không?” Bà nói với giọng hoàn toàn bình thản.

“Sao cơ?” Václav kêu lên và giương mắt nhìn mẹ. Giọng nói bình thản của bà làm cậu bối rối.

“Lạ thật, con đã bốc một số giống như mẹ, cứ lôi ra mãi số ba mươi! - Ừ, ông chủ nhà đến đây nhắn con như vậy. Này, hôm qua còn có việc gì với thợ uốn tóc đấy? Lúc trưa, cô con gái điên điên của ông bà chủ nhà gửi lời cám ơn, rằng con đã giúp cô ấy rất nhiều.”

“Có gì đâu ạ! Hôm qua ông bà chủ nhà tổ chức buổi ca nhạc tại nhà, mời ông thợ đến uốn tóc cho cô chủ. Nhưng ông ấy bị ngã ở cổng, con đã nâng ông ấy dậy. Márinka lúc ấy cũng ở đấy.”

“Này mẹ bảo nhé, thôi con bé Márinka đi,... đừng có hỏi vì sao, mẹ không muốn nó, thế thôi. Mẹ nó không hiền lành, mà cũng chẳng là người thẳng thắn,” bà Bavorová vừa ghi các con số Václav lấy ra từ túi, vừa nói bằng giọng nghiêm hơn. “Thế!... Bây giờ thì bốc bằng tay trái đi! Mà cô nàng con gái ông bà chủ nhà cứ quanh quẩn ở đây suốt! Rằng xin con hãy tha lỗi vì hôm qua họ không mời con đến nghe hát... rằng cô ấy ngượng. Gớm, cô ấy mà ngượng! Còn bà chủ nhà thì nghe bảo quên không mời con, bây giờ thì rất lấy làm tiếc. Nhưng mẹ biết họ muốn gì; họ đang nợ lút đầu không biết xoay xở thế nào ấy mà! Ngày hôm nay chắc là đã nghe tay lái buôn ba hoa nói chuyện rồi. À, con vẫn chưa biết là mẹ mới trúng giải ba số nhỉ?”

“Ối, giải ba số!” Václav kêu lên.

“Ừ... giải ba số... cũng được mấy nghìn.”

“Mẹ ơi, có thật không hở mẹ?” Václav vỗ tay vui mừng.

“Mẹ đã nói dối mày bao giờ chưa hả?”

Václav cuống quýt chạy đến sau quầy và ôm hôn mẹ.

“Thôi... thôi, thằng điên ạ, mày chẳng bao giờ khôn lên được,” bà Bavorová gạt con ra. “Mẹ đã biết là có ngày nó phải đến! Còn con, bây giờ thì cố gắng mà học cho xong đi!”

Mắt Václav sáng lên. Cậu nhảy cẫng lên, rồi với lấy chùm chìa khóa treo trên tường.

“Lại đi đâu thế hả?”

“Con lên tầng mái.”

“Lên làm cái gì ở trên ấy?”

“Làm kế hoạch cuộc đời!”

XIV. MỘT CẢNH GIA ĐÌNH ÊM ẤM

Ông chủ nhà đi đi lại lại trong phòng. Trên người, ông mới chỉ mặc bộ đồ đơn giản nhất với cái quần còn chưa có dây treo. Ngực ông phanh ra, mái tóc chưa chải rối bù tung sang mọi phía. Trên khuôn mặt sắc cạnh của ông hiện rõ vẻ bối rối, đôi tay ông lắc lư quanh người một cách không chủ ý theo bước đi.

Cũng mặc bộ đồ rất đơn giản, bà chủ nhà đang đứng gần hòm đựng quần áo, trong tay cầm cái giẻ lau. Bà làm như đang lau bụi, nhưng mỗi một cử động của bà đều chứng tỏ bà cũng đang bối rối.

Nguyên nhân của sự bối rối ấy của hai người là người thứ ba đang ngồi ở bên bàn. Ai có hiểu biết một chút thì có thể đoán ra tình hình ngay tức khắc. Cứ theo khuôn mặt thì người lạ đó chắc chắn là thành viên của một dân tộc mà cho đến bây giờ, chúng ta mới chỉ biết duy nhất một nhân vật của dân tộc ấy. Đầy ních tiền, nhân vật đó lại trở về; đó là Giuđa, nhân vật trong Kinh Thánh. Người lạ mặt chắc chắn không phải là người lạ ở nhà ông bà chủ nhà, bởi lẽ ông ta cư xử như đang ở nhà mình vậy. Ông ta liên tục đặt chiếc mũ cũ kĩ lên cái đầu hói lưa thưa vài sợi tóc bạc, để rồi lại bỏ nó xuống ngay. Ông ta gõ gõ ngón tay đánh nhịp lên mặt bàn và khạc nhổ ra sàn nhà rất tự nhiên. Cái vẻ thống trị có ý thức hiển hiện trong mắt ông ta. Đôi môi trễ nở một nụ cười ngạo mạn mà chính ông ta cũng cảm thấy thích thú.

Bất chợt, ông ta chống tay lên bàn và đứng dậy.

“Tôi nghĩ là tôi đã mất tiền,” ông ta cất giọng vang vang, “nhưng mà bây giờ thì tôi phải nghĩ đến bản thân, tôi sẽ không bỏ ra thêm một xu nào nữa!”

Bà chủ nhà quay sang ông ta và cố gượng cười: “Thưa ông Menke, xin ông cho vay năm mươi zlatý nữa thôi, xin ông giúp cho, chúng tôi sẽ đội ơn ông ạ!”

“Thế nào là ‘đội ơn’, hả?” Người Do Thái nhếch mép cười. “Tôi cũng sẽ đội ơn, nếu có ai đem cho tôi năm chục zlatý.”

“Nhưng thưa ông Menke, chúng tôi đáng được ông giúp đỡ mà, ở đây còn cái nhà của chúng tôi, còn...”

“Nhà với cửa gì! Ở Praha có nhiều nhà và cũng có nhiều chủ nhà, tôi biết; nhưng ông bà có biết ai mới đích thực là chủ cái nhà này của ông bà không? Tôi có giấy hẹn trả nợ của ông bà đây, hừ, nó chẳng có giá trị gì, khi mà tôi không đòi được đồng nào! Nhưng nếu đến thứ ba này mà ông bà không trả lãi cho tôi thì tôi đến gặp ông giám đốc cho mà xem!” Nói đoạn, ông ta đi ra cửa.

“Thưa ông Menke...”

“Không thưa gửi gì hết! Tôi cũng có con và không thể để mất tiền được. Chào ông bà!” Ông ta bỏ đi, để mặc cửa mở toang.

Ông chủ nhà vung vẩy tay và mấp máy môi như muốn nói gì đó. Bà chủ nhà giận dữ ra đóng sầm cửa lại. Cửa thông với phòng bên còn bỏ ngỏ, bây giờ được mở rộng ra, cô Matylda bước ra, trên người chỉ có bộ váy lót. Cô ngáp ngắn ngáp dài và hờ hững nhìn quanh phòng.

“Con chả hiểu tại sao bố mẹ lại nói chuyện với một người như thế,” cô nhẹ nhàng cất tiếng, “phải con thì con đuổi hắn đi rồi.”

Ông Eber đứng chải đầu ở trước gương. Lời nói của cô con gái làm ông nổi cáu. Ông quay ngoắt về phía cô. “Im đi! Mày không hiểu được việc ấy!” Ông gắt con.

“Tất nhiên rồi!” Cô Matylda thản nhiên trả lời. Cô đi đến bên cửa sổ và khoan khoái ngáp để đón chào buổi sáng đẹp trời. Bà chủ nhà im lặng. Bà chăm chú lau bụi ở tủ đựng quần áo, lau mạnh đến mức cái tủ cũng phải xuýt xoa.

Cái im lặng vẫn kéo dài, ông Eber mặc quần áo và bà vợ ông chạy đi chạy lại trong phòng, nhấc lên đặt xuống đủ mọi thứ. Ông Eber biết rằng không thể kéo dài mãi được tình huống này, và tự lên tiếng trước.

“Mẹ nó pha cà phê cho tôi đi chứ, tôi sắp phải đến công sở rồi!” Ông cố gắng nói một cách bình tĩnh.

“Chưa hâm lại được,” bà chủ nhà trả lời bằng giọng tỉnh khô, rồi mở cánh cửa tủ đứng đựng quần áo.

“Hâm lại... chẳng lẽ bà định cho tôi uống cà phê còn thừa từ hôm qua ư? Không thể thế được!”

“Sao mà lại không được! Ông kiếm được nhiều tiền để có cái mà nấu nướng cả ngày chắc! Làm ra tiền đi đã rồi khắc có cà phê mới!”

Cô Matylda rời cửa sổ, ngồi xuống ghế và khoanh tay lại. Cô đưa mắt nhìn bố, rồi lại nhìn sang mẹ, xem ra cô có vẻ bắt đầu cảm thấy thích thú. Ông Eber biết rất rõ vợ mình nên ông lảng sang chuyện khác vì không muốn cãi nhau với bà vào lúc này.

“Trưa nay nhà mình ăn gì?” Ông hỏi và bỏ qua chuyện ăn sáng.

“Bánh hấp với sữa cải ngựa,” bà gắt gỏng.

Bánh hấp với sữa cải ngựa là món ăn ông Eber đã chán ngấy. Ông cảm thấy bà cố tình làm thế, và ông lại nổi cáu.

“Thế tôi xin hỏi bà vì sao mà lại nấu cái thứ chết tiệt ấy đúng vào ngày hôm nay?” Ông nói một cách khó khăn.

“Vì thế đấy! Hôm nay phải dọn dẹp cả ngày, mà bao giờ dọn dẹp thì cũng chỉ nấu thứ ấy!” Bà chủ nhà tìm cái gì đó ở trong tủ quần áo. Vì không tìm thấy được ngay, bà hùng hổ lôi tất cả mọi thứ ra quẳng xuống sàn nhà.

“À ra thế... dọn dẹp cả ngày! Thế thì hôm nay tôi phải đi đâu?”

“Muốn đi đâu thì đi! Ông cũng còn là ông bố mẫu mực nữa, cả năm chẳng được một lần cho con đi chơi. Bây giờ đem con Valinka đi đâu chơi nửa ngày đi!”

“Có còn việc gì nữa không?” Ông chồng cáu đến nghẹn thở.

“Còn! Ra đứng góc nào ở ngoài đường mà xin ăn chẳng hạn!” Vừa nói, bà vợ vừa đứng hẳn vào tủ để có thể với tay lên cao. “Cứ theo cái khôn ngoan của ông thì chẳng mấy chốc mà đến nước ấy. Rồi ông thấy là tôi cũng chết luôn! Bây giờ thì tôi với Matylda còn phải đi chắp vá hàn gắn lại đây, mà cũng còn chưa biết có được không, chưa biết cậu Václav có yêu thích nó không đây! Ai bắt ông đuổi cậu ấy ra khỏi công sở, hả? Ông cứ làm như ông là người chức vụ cao to lắm, thực ra ông chả là cái gì cả...” Bà chưa nói hết câu, chưa tiếp tục lên mặt trấn áp nữa thì ông Eber bất ngờ xông đến, đẩy bà sâu vào trong tủ, đóng sầm cửa lại và vặn chìa khóa.

Cô Matylda vỗ tay khoái chí.

Tiếng gầm thét vang lên trong tủ, rồi tiếng đập thình thình, cái tủ lung lay ngất ngưỡng. Ông Eber với tay lấy cái cốc và ném nó lên chiếc tủ. Cái cốc vỡ tan. Cô Matylda lại vỗ tay thích thú.

Tiếng gầm trong tủ vang to hơn. Ông Eber nhanh chóng mặc áo khoác, cầm cái mũ, nhưng rồi lưỡng lự. Chắc ông không biết có nên mở tủ ra không.

Cô Matylda thấy bố lúng túng liền bảo: “Bố cứ để mẹ ở đấy! Gớm, lớn miệng quá, sao mà không im đi chứ!”

“Con nói phải! Đợi bố ra đến ngoài đường rồi hãy mở. Bố đi đây!”

Và ông đi. Đúng lúc ấy, cô Matylda chợt nghĩ ra một điều. Cô chạy đến mở cửa tủ. Bà mẹ vội bước ra, mặt tím tái vì giận dữ. Cô bảo mẹ: “Bố đang chạy đấy... nhanh lên!” Không cần phải giục giã “nhanh lên”, bà chủ nhà nhảy bổ ra cửa. Cô con gái theo sát gót mẹ để được chứng kiến mọi chuyện.

Bà chủ nhà vơ vội cái chổi ở trong bếp rồi phóng thẳng ra ngoài hành lang. Ông chồng bà đang đi xuống cầu thang, qua chỗ người làm thuê đang rửa bậc thang. Bà chủ nhà thét lên: “Cô đổ cái xô nước ấy vào hắn đi!” Ông chồng vội vàng bước nhanh hơn, hấp tấp đến suýt ngã. Vừa lúc chạy ra tới sân, ông nghe thấy tiếng cái chổi bay vù bên tai. Rất may là nó không rơi trúng vào ông. Trông thấy thế, bà chủ nhà lột cả chiếc mũ vải đang đội trên đầu và ném theo ông chồng đang chạy. Bà gào lên, tiếng gào vang dội cả ngôi nhà. “Đồ giết người, đồ ăn cướp, đồ...! Cứ ra dáng, nhưng không có mấy lớp vải dày cộm ấy thì ra dáng với ai, hả đồ khốn kiếp kia! Chồng ơi là chồng! Kiếm cả năm mới được ba trăm bạc mà cứ làm ông lớn. Rõ tởm chưa! Này, đi đâu thì xéo đi cả tuần cho tôi nhờ, đừng có vác mặt về đây nữa!”

Ông Eber không nghe thấy lời khuyên của vợ, vì lúc ấy ông đã ra đến cổng.

Màn kịch ấy kết thúc nhanh đến mức mà khi tất cả mọi người trong nhà vội vàng chạy được đến cửa sổ để xem, thì chỉ trông thấy cô Matylda đang vui vẻ ôm hôn mẹ ở cửa ra vào.

XV. HẾT TUẦN

Mặc dù đám cưới của Josefinka được tổ chức rất sớm vào sáng ngày chủ nhật, ở dưới sân và ngoài cổng cũng vẫn có rất nhiều người đàn bà hàng xóm tò mò đến xem, cả ở trước nhà cũng có một đám đông. Họ chăm chú theo dõi mọi việc và cho rằng đó là “đám cưới nhợt nhạt”.

Họ không nghĩ rằng cái “nhợt nhạt” đó là ở sự đơn giản, bởi lẽ chú rể đã lo toan chu đáo, may cho cô dâu bộ váy áo cưới bằng lụa rất đẹp, cả xe ngựa cũng có rất nhiều. Nhưng các bà hàng xóm nói đúng ở chỗ là, tất cả những gương mặt quen thuộc trong đám cưới ấy đều nhợt nhạt, cứ như thể trước đó có gì không hay xảy ra vậy. Cô dâu nhợt nhạt thì đã đành, họ không lấy làm ngạc nhiên, vì “cô dâu nhợt nhạt sẽ là người vợ vui vẻ”, nhưng mà chú rể cũng cảm động đến nhợt người, rồi trên khuôn mặt cô Klára, làm phù dâu, cũng chẳng có chút hồng hào, rồi tất cả những người khác cũng thế. Kể cả khuôn mặt tròn trĩnh của ông luật sư, là người làm chứng, cũng vậy. Thường ngày, khuôn mặt ông rạng rỡ, nhưng ngày hôm nay trông cứ lạ lạ. Chỉ có cậu Václav, phù rể, là vui vẻ đùa cợt như mọi ngày. Nhưng mà ai cũng biết là với cậu ấy thì chả có cái gì được coi là nghiêm trang.

Sau buổi trưa, ông luật sư đứng ở trước nhà, tay mang găng tay, liên tục ngó vào cổng, có vẻ ông đang chờ ai đó. Rồi thấy Václav ăn mặc chỉnh tề đi từ cửa hàng ra đến chỗ ông đứng.

“Chú đi dạo ạ?”

“Vâng... vào công viên Stromovka.[10]”

“Chú đi một mình ạ?”

“Vâng... à không, bà Lakmusová cũng cùng đi!”

“À, cả cô Klára! Sáng nay trông cô ấy rất đẹp.”

Ông luật sư nhìn nhanh xuống đường. “Thế còn cậu, cậu đi đâu vậy?”

“Cháu đi Šárka.[11]”

“Chắc chắn là đi cùng với ai,... với Márinka hả?”

“Dạ, không,” Václav cười, “cháu đi với bà chủ nhà và cô Matylda ạ.”

Có tiếng phụ nữ vang lên ở cổng; mẹ con bà Lakmusová và mẹ con bà chủ nhà gặp nhau ở đầu cổng.

“Đi chơi với mẹ con bà chủ nhà ư?” Ông luật sư ngạc nhiên. “Chẳng lẽ cậu muốn vướng mắc vào tròng thật sao? Cậu thật là...”

“Thì có sao hả chú? Cháu biết cháu làm gì mà... cháu chỉ muốn trả thù cho nam giới chúng ta. Còn chú, chắc chú cũng trả thù, có phải không ạ?”

Vẻ lúng túng hiện ra trong đôi mắt ông luật sư. Ông mở miệng như muốn trả lời, nhưng mím môi lại không nói lời nào. Ông khẽ ho rồi bảo: “Nói khe khẽ thôi, họ đang đến kia kìa”.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến
HAI NGƯỜI TÌNH ĐỊCH

I.

Thật là nực cười, nếu tôi nghi ngờ là trong số độc giả của tôi có người không biết quán U Štajniců ở Malá Strana. Đó là một quán ăn thượng hạng. Nó ở trong ngôi nhà thứ nhất phía bên tay trái, đằng sau tháp Mostecká[12], ở góc đường Mostecká và Lázeňská, với cửa sổ lớn và cửa ra vào rộng bằng kính. Đó là quán ăn duy nhất đứng mạnh dạn ở con phố nhiều người qua lại nhất, lại còn có cửa mở ngay ra vỉa hè nữa. Tất cả các cửa hàng ăn khác, với cái khiêm tốn thực sự của khu Malá Strana, đều hoặc ở các phố nhỏ bên cạnh, hoặc có lối vào qua nhà, hoặc ít ra có vòm hiên phía trước. Bởi vậy mà dân Malá Strana thực thụ, sống ở các đường phố yên tĩnh, kín đáo với nhiều ngõ ngách thơ mộng, thì không đi quán U Štajniců. Khách của quán vì vậy thường chỉ là các công chức cấp cao, các giáo sư và các sĩ quan. Họ tình cờ tới đó, rồi lại đi. Thêm vào đó, cũng còn cả mấy người đã về hưu, một số ông chủ nhà già giàu có đã chuyển tay nghề cho người khác từ lâu, chỉ thế thôi. Tức là khách của quán toàn là hạng công chức, quý tộc.

Ngay từ trước đây, khi tôi còn là cậu học sinh trung học, khách của quán U Štajniců đã thuộc hạng đặc biệt như vậy, nhưng dầu sao thì về mặt nào đó, nó cũng có cái khác. Nói cho ngắn gọn thì quán là đỉnh Olympus của Malá Strana, là nơi gặp gỡ của các vị thần của Malá Strana. Đó là bằng chứng lịch sử chứng minh sự thật là các vị thần đều xuất thân trực tiếp từ dân chúng. Đấng Jehovah là vị thần cau có, hung dữ và hay thù oán, tàn nhẫn và khát máu. Các vị thần Hy Lạp đều tao nhã, có tinh thần, đẹp đẽ và vui vẻ, hoàn toàn mang tính cách Hellen. Còn các vị thần Slovan... xin lỗi, người Slovan chúng ta đã không có đủ sức mạnh dẻo dai để thành lập các nhà nước lớn, để sáng tạo ra các vị thần cụ thể. Ngày nay, mặc dù có những hình ảnh trong các tác phẩm của Erben và Kostomarov[13], nhưng các vị thần trước đây của chúng ta vẫn chỉ là một nhóm mờ mờ, mềm yếu, không rõ ràng. Có thể là một lúc nào đó tôi sẽ viết riêng một bài, tất nhiên là cố ý khôi hài, về sự so sánh cái quan hệ giữa thần và người ấy. Nhưng bây giờ, tôi chỉ muốn nói rằng các vị thần ở quán U Štajniců là những vị thần Malá Strana thực sự mà không phải nghi ngờ gì cả. Nói về nhà cửa và cư dân thì Malá Strana có một cái gì đó yên tĩnh, trang nghiêm, cổ kính, cả một chút hơi ngái ngủ nữa. Và trong “cái gì đó”, cả trong cái “ngái ngủ” ấy cũng có cả các vị thần ấy. Tất nhiên, họ cũng là các công chức, sĩ quan, giáo sư và người hưu trí như ngày nay, nhưng hồi đó vẫn chưa có chuyện luôn chuyển đổi công sở và quân đội từ chỗ này sang chỗ khác, ông bố đưa con trai đến học ở Praha, rồi giúp con vào công sở nào đó, rồi bao che giữ nó ở đấy suốt. Vì vậy, ai đi qua quán thấy khách cùng đứng với nhau ở ngoài vỉa hè cũng chào, bởi vì ai cũng biết họ.

Nhưng đối với lũ học sinh trung học chúng tôi, đỉnh Olympus ở quán U Štajniců còn Olympus gấp bội, bởi vì ở đó cũng có tất cả các thầy giáo già của chúng tôi. Già! Mà sao lại gọi là già nhỉ! Tôi biết rõ các thầy, những vị thần của Malá Strana thân yêu của chúng tôi, và tôi luôn luôn có cảm giác là không một ai trong các thầy đã từng trẻ trung, mà họ có vẻ đã có tuổi như vậy ngay từ khi còn là trẻ em, chỉ có điều là họ đã chỉ hơi nhỏ hơn một chút thôi.

Tôi như thấy các vị thần ở ngay trước mắt mình, giống ngày hôm nay! Trước nhất, đó là ông ủy viên kháng cáo. Ông là một người cao, gầy gò và vô cùng trang nghiêm. Ông vẫn còn đi làm ở công sở, nhưng chưa bao giờ tôi đoán được ông làm việc gì. Khi chúng tôi tan học lúc 10 giờ sáng thì ông mới bắt đầu ra khỏi nhà mình ở phố Karmelitánská, rồi trịnh trọng đi sang phố Ostruhová, vào quán rượu Čarda. Vào buổi chiều ngày thứ năm, khi chúng tôi được nghỉ học và thường đùa nghịch với nhau ở tường thành Marian thì ông đi dạo vườn ở đó. Lúc 5 giờ chiều ông đã đến quán U Štajniců. Tôi cương quyết tự nhủ rằng tôi cũng sẽ trở thành ủy viên kháng cáo như ông, nhưng rồi sau đó không biết thế nào mà tôi quên mất chuyện đó.

Một người nữa là ngài bá tước chột mắt. Ở Malá Strana bao giờ cũng có bá tước, nhưng có lẽ ngài bá tước chột mắt này là người duy nhất đi ăn quán, ít ra là hồi đó. Ông ấy cao lớn, người xương xương, da dẻ hồng hào, tóc trắng cắt ngắn, mắt trái đeo băng đen. Ông ấy thường đứng trước quán U Štajniců có khi hàng hai tiếng đồng hồ, và khi phải đi qua chỗ ấy, tôi đã hay đi vòng. Trời phú cho các nhà quý tộc cái gọi là vóc dáng quý tộc, nó làm họ trở nên rất giống các loài chim dữ. Quả thật tôi thấy ông ấy giống một con chim ưng, ngày ngày cứ vào mười hai giờ trưa là tha con chim bồ câu đã bắt được, bay lên đậu trên tháp của nhà thờ Thánh Mikuláš, để rồi giằng xé con mồi một cách vô cùng tàn nhẫn, đến mức lông bồ câu bay xuống tận quảng trường. Vì thế mà tôi tránh xa ông ấy, tôi sợ rằng ông ấy sẽ mổ vào đầu tôi.

Tiếp theo là ông bác sĩ quân y, mặc dù chưa quá già, nhưng đã về hưu. Người ta kể rằng khi có một quan chức rất cao đến kiểm tra bệnh viện ở Praha và khiển trách rất nhiều, thì bác sĩ đã bảo viên quan chức ấy rằng ông ta chẳng hiểu gì cả. Thế là bác sĩ phải về hưu, nhưng đồng thời ông chiếm được cảm tình của chúng tôi, bởi vì lũ con trai chúng tôi coi ông bác sĩ béo ấy như là một nhà cách mạng thực sự. Ông ấy là người thân thiện và nhanh nhảu. Khi gặp một đứa con trai nào mà ông mến - cũng có thể là một đứa con gái - ông dừng lại, vuốt má nó rồi bảo: “Cho bác gửi lời chào bố,” cho dù không biết bố nó là ai.

Rồi nữa... nhưng mà thôi! Tất cả mọi người già bỗng già đi nhiều hơn, rồi mất đi, nhưng thôi, đừng gọi bóng đen ra khỏi mồ làm gì. Tôi sung sướng nhớ lại những khoảng khắc đáng tự hào tôi đã trải qua cùng họ, nhớ lại cái cảm giác độc lập, cái sức trai tráng, vâng, cái vĩ đại khi tôi, lúc đó đã là sinh viên đại học, lần đầu tiên vào quán U Štajniců mà không thấy sợ các giáo sư của mình, để ngồi giữa những người cao siêu ấy. Họ không để ý nhiều đến tôi, thật vậy. Tôi nghĩ là hầu như họ không để ý đến tôi. Chỉ có một lần, sau mấy tuần, có xảy ra một việc. Ông bác sĩ quân y rời bàn để về, khi qua bàn tôi ngồi đã nói về phía tôi: “Vâng, thế đấy, anh bạn trẻ ạ, mặc cho bọn kia nói gì thì nói, chứ bia hôm nay uống không ra cái gì cả!” Vừa nói, ông vừa khinh bỉ hất đầu ngược về phía những người ông vừa ngồi cùng bàn. Một Brutus thật sự! Tôi dám quả quyết rằng ông có đủ can đảm nói thẳng vào mặt cả chính hoàng đế Caesar rằng hoàng đế không có am hiểu gì về bia.

Nhưng tôi thì để ý đến họ. Tôi không nghe được nhiều cái họ nói, nhưng quan sát được nhiều. Tôi chỉ coi mình là phiên bản nghèo khó của họ, thế nhưng bất kỳ cái gì cao thượng ở mình, tôi cũng có từ họ. Hơn hết cả, trong tâm trí của tôi có hai người tôi không thể nào quên được, họ đã khắc sâu trong tim tôi. Hai người ấy là ông Ryšánek và ông Schlegl.

Hai ông này rất ghét nhau. Nhưng tôi lại phải xin lỗi, tốt hơn hết tôi sẽ kể về họ bằng cách khác.

Nếu vào quán U Štajniců qua lối từ phố Mostecká thì ta thấy ở phòng lớn phía trước, nơi đặt bàn bi-da, có ba cái cửa sổ trông ra phố Lázeňská. Bên cạnh mỗi cửa sổ có kê một cái bàn nhỏ và một cái ghế dài hình móng ngựa. Ở mỗi bàn bao giờ cũng có ba người ngồi, một người ngồi quay lưng về cửa sổ, hai người còn lại ngồi ở hai đầu ghế đối diện nhau, hoặc nếu những người này cũng muốn ngồi quay lưng về cửa sổ thì họ đều hướng mặt về bàn bi-da và giải trí bằng cách xem người khác chơi bi-da.

Ngày nào ở cái bàn bên cạnh cửa sổ thứ ba phía bên phải cửa ra vào cũng có hai người công dân đáng kính trọng ngồi, đó là ông Ryšánek và ông Schlegl; bao giờ họ cũng ngồi ở đấy từ sáu giờ chiều đến tám giờ tối. Chỗ của họ bao giờ cũng để trống; không một người nào lại dám mạo muội ngồi vào chỗ ngồi quen của người khác, đây là một trong những điều mà cư dân thực sự đạo đức của Malá Strana coi là hoàn toàn không thể chấp nhận được, bởi lẽ, vâng, bởi lẽ đó là điều không thể tưởng tượng được. Chỗ ngồi cạnh cửa sổ thì bao giờ cũng trống, ông Schlegl ngồi ở đầu ghế móng ngựa gần cửa ra vào, còn ông Ryšánek ngồi đầu ghế phía đối diện, hai người cách nhau khoảng sáu mươi phân. Cả hai luôn ngồi quay lưng ra cửa sổ, tức là quay một nửa khỏi bàn và khỏi người thứ hai, và cùng xem chơi bi-da. Chỉ khi nào muốn uống, hoặc nhồi tẩu thì họ mới quay vào bàn. Đã mười một năm qua, ngày nào họ cũng ngồi như thế. Và suốt mười một năm trời, họ không hề nói với nhau một lời, thậm chí chẳng ai để ý đến ai.

Cả khu Malá Strana đều biết cái ác cảm ghê gớm của họ đối với nhau. Mối thù địch không đội trời chung giữa họ đã có từ lâu và nguyên nhân thì ai cũng biết. Nguồn gốc của mọi cái xấu xa ấy là người đàn bà. Cả hai cùng yêu một người. Đầu tiên, bà ấy cảm tình với ông Ryšánek, lúc đó ông đã là nhà kinh doanh tự lập từ lâu, sau đó không ngờ bà ta quay ngoắt và đột ngột rơi vào vòng tay ôm của ông Schlegl. Có thể là do ông Schlegl trẻ hơn gần chục tuổi. Thế là bà ta trở thành bà Schleglová.

Tôi không biết có phải bà Schleglová là người đẹp đặc biệt đến mức cái đó thanh minh được cho nỗi đau triền miên của ông Ryšánek, cũng như cho việc sau đó ông ở vậy suốt đời hay không. Bà ấy là người thiên cổ đã lâu rồi, bà mất ngay sau khi sinh lần đầu và để lại một cô con gái, cô Schleglová. Cô ấy giống mẹ như đúc. Vào thời điểm mà tôi nói đến thì cô Schleglová tròn 25 tuổi. Tôi biết cô Schleglová, vì cô ấy thường đến tầng bên trên căn hộ của chúng tôi để thăm cô Poldýnka, con gái ông đại đội trưởng, cái cô mà đi ngoài đường cứ được hai chục bước là lại một lần vấp. Người ta nói rằng cô Schleglová là người đẹp. Có thể như vậy, nhưng là đẹp đối với kiến trúc sư thôi, tất cả mọi thứ đều ở đúng chỗ, mọi kích thước đều rất đúng tầm cỡ và tất cả cái gì cũng rõ ràng. Nhưng đối với ai không phải là kiến trúc sư thì đó thật là điều tuyệt vọng. Mặt cô ấy ít cử động, quả giống như mặt tường ngoài của một cung điện. Mắt cô ấy sáng loáng như cửa sổ mới lau nhưng chẳng mang ý gì. Miệng cô ấy, xinh như nét trang trí kiểu arabesque[14], mở ra chậm chạp như cánh cổng để rồi cứ mở toang, hoặc là đóng lại cũng bằng một cách chậm chạp. Thêm vào đó, nước da cô ấy luôn trắng như tường mới quét vôi. Có thể là bây giờ, nếu còn sống, thì cô ấy không còn đẹp như thế nữa, mà duyên dáng hơn: tương tự như các ngôi nhà, chúng chỉ duyên dáng hơn khi đã cũ đi.

Đáng tiếc là tôi không thể kể được cho bạn đọc nghe về chuyện tại sao mà ông Ryšánek và ông Schlegl lại ngồi cùng nhau ở cái bàn cạnh cửa sổ thứ ba ấy. Lỗi lầm ở đây là sự tình cờ định mệnh đáng nguyền rủa nào đó, ngày này qua ngày khác muốn gây cay đắng cho hai ông già. Khi sự tình cờ lạ lùng ấy đã đưa họ đến ngồi ở đấy thì lần đầu họ ngồi chắc do sĩ diện đàn ông. Lần thứ hai có thể là bởi sự ngoan cố. Rồi sau đó họ ngồi để chứng tỏ mình cứng rắn và để không ai bàn tán vào được. Đã từ lâu rồi, ai ở quán U Štajniců cũng thấy là đối với cả hai ông thì việc đó đã trở thành vấn đề danh dự đàn ông và không một người nào có thể lùi bước được.

Họ đến quán vào lúc sáu giờ chiều, hôm nay người này đến sớm một phút, hôm sau thì người kia. Họ lịch sự cúi chào mọi phía và chào từng người, chỉ không chào nhau. Vào mùa hè, họ trao cho người hầu bàn mũ vành và ba toong, vào mùa đông thì mũ lông rậm và áo khoác ngoài, để người này treo lên đinh trên tường sau chỗ ngồi. Sau đó, họ lúc lắc nửa người trên như chim bồ câu - người già thường tỏ vẻ gật gù như vậy khi muốn ngồi xuống, rồi chống một tay xuống góc bàn của mình (ông Ryšánek chống tay trái còn ông Schlegl chống tay phải), họ chậm chạp ngồi xuống, lưng quay về cửa sổ, mặt hướng về bàn bi-da. Ông chủ quán, thường xuyên tươi cười và nói luôn mồm, tới bàn họ để mời họ liều thuốc lá bột đầu tiên, nhưng phải đến tận từng người, gõ vào vào hộp thuốc và nói là hôm nay đẹp trời. Còn người kia thì không lấy thuốc và cũng không nghe nói trời đẹp. Chưa bao giờ có ai có thể nói chuyện được với cả hai người cùng một lúc. Cho bằng bất kỳ giá nào họ cũng không bao giờ để ý đến nhau. Cái kẻ ngồi cùng bàn hoàn toàn bị coi như không tồn tại.

Người hầu bàn đặt trước mặt họ hai cốc bia. Sau một lúc - nhưng không bao giờ cùng một lúc, họ theo dõi nhau, bất chấp cả sự không quan tâm - họ quay mặt về bàn, rút từ túi ngực cái tẩu lớn bằng đá bọt biển có viền bạc, lôi từ túi bên một gói đựng thuốc lá rời, nhồi tẩu, châm lửa rồi lại xoay lưng về phía cửa sổ. Họ cứ ngồi như thế suốt hai tiếng đồng hồ, uống ba cốc bia, rồi đứng lên, một người hôm nay đứng dậy trước một phút, kẻ kia thì hôm sau. Họ nhét tẩu vào túi, cất bọc thuốc lá, người hầu bàn giúp từng người mặc áo khoác, mặc xong rồi thì chào chia tay với tất cả, chỉ không chào người đã ngồi cùng bàn với mình.

Tôi cố ý ngồi ở cái bàn gần lò sưởi. Từ đó tôi nhìn thẳng được tới mặt ông Ryšánek và ông Schlegl, và có thể theo dõi họ một cách thuận tiện, kín đáo.

Trước đây, ông Ryšánek bán hàng vải, còn ông Schlegl bán hàng sắt. Bây giờ cả hai đã giàu có và đã thôi buôn bán, nhưng khuôn mặt họ vẫn như còn gợi lại nghề xưa. Khuôn mặt ông Ryšánek luôn khiến tôi nghĩ đến tấm vải có sọc trắng đỏ, còn ông Schlegl thì tôi thấy giống một cái cối cũ. Ông Ryšánek cao hơn, gầy hơn và nhiều tuổi hơn. Ông không còn khỏe mạnh nữa, thường hay mỏi mệt, hàm dưới đã trễ xuống. Đôi mắt xám có đeo kính gọng đen. Đầu ông mang một bộ tóc giả sáng màu và theo cặp lông mày còn chưa xám hẳn có thể đoán trước đây ông là người tóc trắng. Đôi má sâu hoắm của ông nhợt nhạt tới mức mà cái mũi dài trở nên đỏ như son, ở đầu mũi thường có giọt nước mũi chảy ra. Tôi phải nói rằng có lúc ông Ryšánek không kịp lau, khi nhớ ra thì nước mũi ông đã nhỏ giọt xuống đùi. Ông Schlegl là người béo mập, tôi nghĩ là ông ấy không có cổ. Cái đầu ông giống như đầu cọp; mái tóc đen đã bạc nhiều; mặt ông chỗ nào đã cạo râu thì có màu xanh đen, chỗ nào không có râu thì hồng hào, chỗ sáng chỗ tối giống như bức chân dung tối tăm của Rembrandt[15].

Tôi rất kính trọng hai người anh hùng ấy, vâng, tôi khâm phục họ. Bởi cách họ ngồi ở đây, ngày này qua ngày khác trong cuộc chiến vĩ đại và gay gắt dữ dội. Họ chiến đấu với nhau bằng vũ khí của mình, đó là sự im lặng độc địa và khinh bỉ cực kỳ. Và cuộc chiến ấy luôn luôn không phân thắng bại. Nhưng cuối cùng thì nào biết ai thắng ai! Ông Schlegl khỏe mạnh hơn, cái gì ở ông ấy cũng ngắn gọn, cộc lốc, khi ông nói thì nghe như tiếng sấm vậy. Ông Ryšánek thì nói năng nhẹ nhàng, chậm rãi; tuy ốm yếu, nhưng ông im lặng và căm thù một cách dũng cảm.

II.

Có một việc đã xảy ra.

Hôm thứ tư, trước ngày chủ nhật thứ ba sau lễ Phục sinh, ông Schlegl đến quán và ngồi vào chỗ mình. Ông ấy ngồi xuống, nhồi tẩu rồi nhả khói, hệt như đám khói bốc từ đống lửa. Ông chủ quán vào và đến thẳng chỗ ông Schlegl. Ông gõ vào hộp đựng thuốc lá bột và đưa cho ông Schlegl một liều. Khi đóng hộp lại rồi lắc lắc, ông chủ quán nhìn ra phía cửa và bảo:

“Vậy là hôm nay ông Ryšánek không đến được.”

Ông Schlegl không trả lời, chỉ nhìn về phía trước, thờ ơ và lạnh như tiền. Ông chủ quán đứng quay lưng về phía cửa ra vào và nói tiếp:

“Bác sĩ quân y đã bảo,” ông ngoảnh lại nhìn qua mặt ông Schlegl “buổi sáng, ông ấy dậy như thường ngày, nhưng tự nhiên thấy rét quá, thành ra lại phải vào giường, thế là phải vội đi gọi bác sĩ. Sưng phổi mà. Hôm nay bác sĩ đã đến đấy ba lần rồi. Ờ, tuổi già, nhưng may là có bác sĩ tốt. Chắc là khỏi thôi.”

Ông Shclegl mím môi ậm ừ. Không nói lấy một câu, không chuyển hướng nhìn. Ông chủ quán đi sang bàn bên cạnh. Tôi chăm chú nhìn mặt ông Schlegl. Nó không hề tỏ ra xúc động, chỉ có đôi môi mở ra để nhả khói thuốc, cái cán tẩu thỉnh thoảng được chuyển từ mép bên này sang mép bên kia. Có một người quen đi đến chỗ ông và nói chuyện gì đó. Ông Schlegl mấy lần cất tiếng cười to. Tôi thấy khó chịu vì tiếng cười ấy của ông.

Hôm nay ông Schlegl xử sự hoàn toàn khác mọi khi. Thường thường thì ông ấy ngồi dính ở chỗ mình, giống như người lính canh đứng ở chòi canh vậy, nhưng hôm nay ông ấy đứng ngồi không yên, lăng xăng chỗ này chỗ kia. Ông ấy còn chơi bi-da với ông lái buôn Kohler. Lượt chơi nào ông ấy cũng gặp may, và thú thật, tôi mong cho ông ấy không kết thúc được ván chơi nào để cho ông Kohler có thể theo kịp.

Sau đó, ông Schlegl lại ngồi xuống, lại uống và hút thuốc. Khi có người nào đi đến thì ông ấy lại nói to hơn, nói câu dài hơn so với mọi khi. Tôi nhận thấy cả thay đổi nhỏ nhất của ông ấy, tôi thấy rõ ràng ông ấy đang khoái cảm trong lòng, ông ấy không hề có lấy một chút thương cảm bình thường nhất đối với kẻ thù đang bị ốm của mình, và với tôi, ông ấy trở nên đáng ghét. Vài lần, ông ấy liếc nhanh về phía tủ đựng chén, nơi ông bác sĩ quân y đang ngồi. Chắc chắn là ông ấy sẽ bắt tay bác sĩ, nếu bác sĩ tỏ ra không cố gắng bận bịu nhiều với ông Ryšánek. Ông Schlegl thật là một con người độc ác, rất độc ác.

Lúc tám giờ, ông bác sĩ quân y đứng lên đi về. Ông ấy dừng lại ở bàn thứ ba.

“Chúc ông ngủ ngon nhé,” bác sĩ chào, “bây giờ tôi còn phải đến ông Ryšánek một lần nữa. Cần phải thận trọng để ý ông ấy.”

“Chúc ông ngủ ngon,” ông Schlege lạnh nhạt đáp lời.

Hôm nay ông Schlegl uống bốn cốc bia và ở quán cho đến tám rưỡi.

Nhiều ngày qua đi, nhiều tuần qua đi. Tháng tư lạnh giá ít nắng cũng qua đi, tháng năm ấm áp đã tới, năm ấy mùa xuân đẹp tuyệt vời. Vào tháng năm, khi trời đẹp thì Malá Strana là thiên đường. Hoa nở phủ trắng đồi Petřín như sữa chảy, cả khu Malá Strana chìm trong hương thơm ngây ngất của hoa cơm cháy. Ông Ryšánek đã qua cơn nguy kịch. Mùa xuân như mang nhựa dưỡng đến cho ông. Tôi đã gặp ông đi dạo trong công viên. Ông chống gậy, đi lại chậm chạp. Vốn đã gầy gò, bây giờ ông còn gầy hơn nữa, hàm dưới của ông vẫn xệ xuống. Ông đã đến mức để người ta quấn khăn dưới cằm, vuốt đôi mắt lờ đờ rồi đặt vào quan tài. Vậy mà ông đã dần dần bình phục, chỉ không thấy ông đến quán U Štajniců. Thế là ông Schlegl cứ làm vương làm tướng một mình ở cái bàn thứ ba, muốn quay đi quay lại và ngồi thế nào cũng được.

Nhưng cuối tháng sáu, vào ngày lễ các Thánh Peter và Pavel, tôi bỗng thấy ông Ryšánek và ông Schlegl lại ngồi cùng nhau. Ông Schlegl lại ngồi đóng đinh ở chỗ của mình và cả hai đều ngồi xoay lưng về phía cửa sổ. Khách ở các bàn lân cận và người quen đến bắt tay ông Ryšánek. Mọi người chào đón ông rất thật lòng, ông run run vì xúc động, mỉm cười, nói rất nhẹ nhàng, và rưng rưng cảm động. Ông Schlegl ngồi hút thuốc và nhìn chăm chăm vào bàn bi-da.

Vào những lúc không có người đến, ông Ryšánek lại nhìn sang tủ cốc chén, nơi bác sĩ của ông đang ngồi. Thật là một tấm lòng biết ơn. Khi ông Ryšánek hướng mắt sang phía đó, ông Schlegel nghiêng đầu rất nhanh sang một bên. Ông chậm rãi nhìn từ chân ông Ryšánek nhìn lên, qua hai đầu gối nhọn hoắt đến bàn tay chỉ còn da bọc xương đang nằm ở góc bàn; ông quan sát bàn tay ấy một lúc, sau đó ngước lên tận cái hàm trễ, liếc nhìn khuôn mặt tàn tạ ấy, rồi vội vàng đảo mắt đi và giữ thẳng đầu lại như trước.

“A, ông đã khỏe rồi, mừng quá!” Ông chủ quán vừa ở bếp hay ở tầng hầm ra, trông thấy ông Ryšánek, bèn vội vàng đến: “Thế là nhờ trời ông lại khỏe rồi, lại đến với chúng tôi rồi.”

“Vâng, nhờ trời, nhờ trời,” ông Ryšánek cười, “lần này tôi thoát chết đấy. Tôi cảm thấy khoan khoái rồi.”

“Nhưng thấy ông không hút, hay là vẫn chưa thèm thuốc?”

“Ấy, hôm nay là ngày đầu tiên tôi thấy thèm đấy, tôi sẽ hút.”

“Có thế chứ, vậy là tốt rồi,” ông chủ quán đóng hộp thuốc lá bột, lắc lắc, rồi lại đưa một liều cho ông Schlegl, nói một câu gì đó và đi.

Ông Ryšánek rút tẩu ra, lần vào túi áo để lấy gói thuốc sợi. Ông lắc đầu, thọc tay vào túi lần thứ hai, lần thứ ba, rồi gọi cậu hầu bàn lại: “Cháu chạy sang bác, có biết nhà bác ở đâu không? Ừ, ở góc đường này. Cháu bảo người nhà đưa cho bác cái túi thuốc, chắc nó phải ở trên bàn.” Cậu hầu bàn chạy đi.

Lúc ấy ông Schlegl hơi động đậy. Ông ấy chậm chạp giơ tay phải với lấy túi thuốc đang mở và đẩy dịch nó lại gần trước mặt ông Ryšánek. “Cứ tự nhiên - Ba vua màu đỏ đấy!” Ông ấy nói cộc lốc như thường lệ rồi hầm hừ trong miệng. Ông Ryšánek không trả lời. Cũng không nhìn sang. Đầu ông vẫn ngoảnh đi, thờ ơ lạnh lùng như mười một năm đã qua. Mấy lần, tay ông run lên, miệng ông mím chặt. Bàn tay phải của ông Schlegl như bị dính trên túi thuốc, mắt dán xuống đất, ông ấy hít một hơi thuốc, rồi hầm hừ trong họng.

Nhưng cậu hầu bàn đã quay trở lại.

“Cám ơn, túi thuốc của tôi đây rồi,” mãi bấy giờ ông Ryšánek mới cảm ơn ông Schlegl, nhưng không quay lại. Một lúc sau ông nói thêm, tựa như cảm thấy phải nói thêm cái gì đó: “Tôi cũng hút thuốc Ba vua màu đỏ.” Ông Ryšánek nhồi thuốc, châm lửa và bập bập hút.

“Ngon không?” Ông Schlegl hỏi, cộc lốc gấp trăm lần lúc bình thường.

“Ngon,... nhờ trời.”

“Ờ, nhờ trời,” ông Schlegl nhắc lại. Xung quanh mép ông ấy hằn vết nhăn như các tia chớp trên bầu trời đen, ông ấy nói nhanh: “Chúng tôi ở đây đã lo lắng về ông.”

Mãi lúc này, ông Ryšánek mới chậm chạp quay đầu sang phía ông Schlegl. Ánh mắt họ gặp nhau.

Từ đấy, ở cái bàn thứ ba ấy, hai ông nói chuyện với nhau.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

- 3 -
đẩy ăn mày đến chỗ chết​


Tôi muốn viết lên câu chuyện buồn thảm, nhưng sao cái bộ mặt vui vui của lão Vojtíšek cứ nhìn chằm chằm vào tôi, khiến cho những lời đầu tiên lại có vẻ bông đùa. Nét mặt lão sáng sủa, mạnh khỏe và đỏ rực như miếng thịt quay tẩm thêm bơ ngày chủ nhật. Lão thường chỉ cạo râu vào trưa chủ nhật, cho nên cứ đến chiều thứ bảy, chòm râu trắng xóa của lão đã lại mọc tua tủa kín cằm, giống như một lớp bọt sữa phủ đặc, và như thế trông lão, tôi cảm thấy còn đẹp hơn mọi ngày. Tóc lão cũng đã bạc, chỉ có lưa thưa mấy sợi trên chóp đầu, ngày này qua ngày khác, cứ bạc dần từ dưới lên, nhưng không ngả màu trắng mà cứ vàng dần, óng ánh như những sợi tơ, nhè nhẹ lất phất trên đầu.
Lão Vojtíšek có cái mũ lưỡi trai, nhưng suốt ngày chỉ cầm trong tay, trừ khi nào nắng chói lắm lão mới đội lên một lúc. Tôi rất thích lão, tôi yêu đôi mắt xanh của lão luôn luôn ánh lên một vẻ thật thà. Trên cả bộ mặt của lão chỉ nổi lên có đôi mắt tròn và chân thành.
Lão Vojtíšek là một lão hành khất. Trước đó lão làm gì tôi không rõ. Chỉ biết lão đi ăn mày đã lâu lắm, vì nhân dân cả khu phố Malá Strana không ai còn lạ mặt lão. Mà cứ tầm vóc vạm vỡ của lão, thì lão còn có thể làm cái nghề ăn xin này đến mấy chục năm nữa. Tôi biết lão từ khi lão bắt đầu đến khu phố này ăn xin. Một lần, tôi thấy lão khập khiễng đi từng bước ngắn, ngược dốc Svatojanský lên phố Ostruhová, đến trước viên cảnh sát Šimr, lúc ấy đang đứng tựa thoải mái vào tay vịn để sưởi nắng. Šimr là tên gã cảnh sát béo phị, khắp phố ai cũng biết, béo đến nỗi cái áo khoác màu xám của y cứ ngày một rạn dần như muốn bật tung ra. Cổ của y nhìn từ phía sau lại - xin các bạn tha lỗi - tựa như một xâu dồi lợn căng rướn mỡ.
Đầu у to tướng, nhưng hễ hơi động một tí là cái mũ sắt bóng nhoáng của y lại lúc lắc muốn rơi. Cho nên mỗi lúc y chạy đuổi theo hành khách qua đường không theo đúng luật lệ, đi qua phố mà mồm vẫn ngang nhiên ngậm tẩu thuốc lá phì phèo, thì y lại phải vội vàng giữ khư khư chiếc mũ trong tay. Bọn trẻ con chúng tôi khoái chí cười theo, nhảy nhót, song hễ thấy y trợn mắt ngoái lại, là bỗng nhiên im bặt, lờ đi như không có chuyện gì xảy ra. Šimr vốn người Đức, quê ở Šlukov. Cho đến nay, giá y còn sống, tôi xin cam đoan y nói tiếng Tiệp vẫn dở lắm. Nhưng y vẫn thường khen lấy khen để: “Đấy, các ngài xem, tôi mới học một năm,...”
Lần ấy, lão Vojtíšek kẹp chiếc mũ vải bên nách trái, tay phải thọc sâu vào túi chiếc áo màu xám và dài thượt. Tận đằng xa, lão đã cúi chào Šimr và, theo thói quen, lão nói trước: “Lạy chúa lòng thành!” Šimr giơ tay chào lại.
Lão Vojtíšek rút trong túi áo ra cái ống thuốc làm bằng vỏ cây phơi khô, kéo móc da để mở nắp rồi đưa mời viên cảnh sát Šimr. Y hít một liều thuốc rồi bảo:
“Lão chắc cũng già rồi nhỉ? Bao nhiêu rồi?”
“À,” ông Vojtíšek mỉm cười, “đúng ra thì cũng sắp 80 năm rồi kể từ ngày cha tôi lấy làm vui mà sinh ra tôi.”
Bạn đọc nào theo dõi kỹ chắc sẽ ngạc nhiên, tại sao ăn mày lại dám nói năng với cảnh sát những lời suồng sã như vậy mà cảnh sát lại để yên. Giá người khác ở nhà quê lên, hoặc những người không quen biết, thì đừng hòng y bỏ qua cho. Đó là chưa kể đến oai phong quyền thế của cảnh sát thời bấy giờ! Họ đâu có phải như những người khác mà bảo suồng sã sao cũng được. Họ là ông Novák, ông Šimr, ông Kedlický, và ông Weisse; hàng ngày họ thay phiên nhau kiểm soát đường phố. Ông Novák người Slabec, tầm vóc nhỏ nhắn thường hay đứng trước các cửa hàng vì thích rượu mận; ông Šimr béo phị; ông Kedlický ở Vyšehrad, hay cau có, khó tính nhưng lại tốt bụng; và cuối cùng ông Weisse người Rožmitál, dáng to cao, dõng dạc, có bộ răng vàng khè. Có thể nói là nhân dân khu phố biết rõ lai lịch từng người: quê quán ở đâu, làm cảnh sát mấy năm, ở nhà có bao nhiêu con cái... Lũ trẻ con “láng giềng” chúng tôi cứ hay lân la với các ông ấy; nhờ thế họ đã nhẵn mặt từng đứa, thuộc lòng tên từng người trong phố, bất kể đàn ông hay đàn bà. Giá các mẹ muốn biết con họ hiện đang chơi chỗ nào, làm gì, các ông ấy có thể kể rõ từng kẽ tóc chân tơ. Nạn cháy bất ngờ xảy ra năm 1844 tại Renthauze, ông Weisse bị chết, cả phố Ostrhová đi đưa tang ông.
Còn lão Vojtíšek cũng không phải loại hành khất bình thường. Trông bề ngoài khó mà bảo lão là ăn mày. Nước da lão sạch sẽ, nếu không được cả ngày thì ít ra cũng buổi sáng. Cái khăn quàng cổ bao giờ cũng quấn gọn ghẽ phân minh. Chiếc áo của lão tuy có đôi chỗ vá, nhưng những mảnh vá trông không đến nỗi lố lăng, thô bỉ như những miếng tôn đắp lên, mà cũng không phải bằng một thứ vải màu quá sặc sỡ. Bao giờ cũng vậy, cứ cuối tuần lão đi xin hết lượt phố Malá Strana từ đầu chí cuối. Nhà nào lão cũng mò vào, và hễ các bà nội trợ nhận ra giọng nói dịu dàng của lão là đã cầm sẵn ba xu; ba xu hồi đó là khá nhiều. Lão bắt đầu đi xin từ sáng tinh mơ cho tới trưa rồi sau đó lão ghé vào nhà thờ Thánh Mikuláš. Điều đáng chú ý lão chẳng xin trước cửa nhà thờ bao giờ, thậm chí không bao giờ để ý đến những người đàn bà ăn mày đang quỳ ở đó. Rồi lão đi ăn ở một chỗ nào đấy, lão biết là ở đó người ta để dành cho lão một bát đầy thức ăn từ bữa trưa. Trong cả cuộc đời cũng như trong việc làm của lão như có một cái gì bình thản và phóng khoáng khiến cho Storm đã có lần nói lên bằng một câu khôi hài và cảm động:
“Ach koennt’ ich betteln geh’n ueber die braune Haid!”[16]
Chỉ riêng mỗi tên chủ quán Herzl trong nhà chúng tôi ở suốt đời chẳng cho lão được lấy một đồng ba xu. Người hơi cao, tính tình bủn xỉn, hắn ta có một cách đối xử đặc biệt. Mỗi lần gặp lão, để khỏi mất tiền, hắn xẻ từ hộp thuốc của mình cho lão một chút thuốc lá. Thường thường cứ đến chiều thứ bảy, thể nào lão cũng gặp hắn trước cửa tiệm ăn, hai người lại chuyện trò rối rít, nhưng nội dung câu chuyện thì lần nào cũng chỉ nhắc đi nhắc lại mấy câu:
“Ông Vojtíšek ạ, ta sống phải cái thời buổi khó khăn.”
“Đúng thế, nhưng mà chừng nào tượng sư tử chưa xuống đánh đu ở Lâu đài thượng thì còn là khốn khó, đấy bác xem có thật không?”[17]
Ý lão muốn nói đến pho tượng sư tử ở trên tháp nhà thờ Thánh Vít. Nhưng câu nói của lão làm tôi nghĩ mãi mới hiểu ra, tuy thế tôi vẫn cảm thấy bối rối. Hồi ấy, tôi lên tám, tuy đã có chút ít hiểu biết của một cậu thiếu niên lanh lợi, nhưng dù sao qua câu nói của lão tôi không thể không liên tưởng một cách ngây thơ đến chiếc đu đến tận bên kia cầu đá, dọc lối đi lên Lâu đài thượng; mỗi khi trẩy hội mùa xuân tôi thường lên đến đấy đánh đu. Còn cái lão ý bảo chừng nào sư tử chưa xuống đánh đu thì thực tình khó quá, tôi chưa hiểu nổi.
Một ngày tháng sáu tuyệt đẹp. Lão Vojtíšek đi từ trong nhà thờ Thánh Mikulaš ra, lão chụp chiếc mũ lưỡi trai lên đầu cho ánh mặt trời đỡ rọi vào mắt. Lão bước đủng đỉnh từng bước qua chỗ mà bây giờ gọi là Quảng trường Štěpán. Tới pho tượng Ba Ngôi, lão dừng lại và buông mình ngồi bệt xuống bệ đá. Phía sau lưng, nước ở đài phun nước róc rách chảy, mặt trời sưởi ấm, không khí lúc này dễ chịu làm sao! Chắc là hôm nay lão ăn trưa ở nơi nào có bữa mãi sau 12 giờ.
Lão vừa kịp ngồi xuống, thì một trong số những mụ đàn bà cũng nghề ăn xin như lão thong thả bước từ phía cửa nhà thờ lại gần lão. Mụ này được người ta gọi là “mụ Triệu”. Mọi người đàn bà ăn mày khác thường cám ơn là trời sẽ đền đáp người bố thí tới một trăm nghìn lần quà cho, nhưng mụ này thì luôn nói “hàng triệu lần và hàng triệu lần” vì thế mà bà viên chức Hermannova, người chuyên đi các nơi bán đấu giá ở Praha, chỉ bố thí cho mụ thôi. Mụ Triệu thật khéo giả vờ, lúc thì hai chân đi khập khiễng ra vẻ què quặt, lúc lại lon xon chẳng khác gì con gái, nghĩa là mụ muốn sao thì được thế. Giờ đây mụ ngay ngắn bước lại chỗ lão Vojtíšek ngồi. Chiếc váy đụp của mụ dài lê thê quét đất, bọc lấy bộ xương hom khô cằn của mụ; chiếc khăn xanh rũ xuống trước trán, bay lất phất trước khuôn mặt của mụ trông rất kỳ dị. Đặc biệt là mụ có một vết nhăn, nhỏ như sợi bún, kéo dài suốt từ trán qua chiếc sống mũi nhọn hoắt của mụ, rồi thẳng xuống tận mồm. Đôi mắt của mụ màu xanh đục lẫn màu vàng, giống hệt như mắt mèo.
Mụ tiến lại sát hẳn bên lão Vojtíšek, nhọn mồm nói một giọng ngọt xớt:
“Lạy Chúa!”
Lão Vojtíšek gật đầu, tỏ vẻ bằng lòng với lời chào cầu nguyện của mụ.
Mụ thong thả ngồi xuống một góc thềm đá cạnh lối lên xuống, trách nhẹ một câu:
“Trời gì mà cứ nắng mãi thế này, tối về lại ngạt mũi thôi.”
Lão Vojtíšek vẫn ngồi yên.
Mụ Triệu từ từ kéo chiếc khăn tụt xuống sau lưng, bây giờ có thể trông thấy rõ cả gương mặt của mụ. Đôi mắt lim dim như mắt mèo sưởi nắng, và đôi lúc nhắm tịt lại chỉ còn như hai hạt cườm màu xanh đục. Mồm mụ lúc nào cũng mấp máy, mỗi lúc mở ra chỉ thấy độc một chiếc răng hàm trên đen sì.
“Này ông Vojtíšek, ông có thuận tôi mới nói,” - mụ bắt chuyện.
Lão Vojtíšek vẫn lặng yên, quay người về phía mụ và nhìn chằm chằm vào mồm mụ:
“Tôi nghĩ, ở đây chỉ có ông, ước gì ông chỉ bảo cho tìm đâu cho ra những người tử tế.”
Lão Vojtíšek không đáp.
“Sao ông cứ nhìn chằm chằm vào tôi thế?” - Mụ hỏi. “Có gì lạ mà ông nhìn?”
“Tôi nhìn cái răng! Sao, mụ chỉ có mỗi cái răng thôi à?”
“À, ra chiếc răng - tưởng cái gì”, mụ thở dài một hơi nhẹ nhõm, lại nói tiếp, “ông có biết ở đời rụng một chiếc răng là mất một người bạn tốt không? Bầu bạn thân thiết đã xuống lỗ cả rồi, chẳng còn ai. Còn một chiếc răng là còn một người. Nhưng nào biết người ấy ở đâu! Lạy Chúa, Chúa thương cho những kẻ cô đơn, Chúa cho tôi biết người bạn hiền trong quãng đời còn lại của tôi bây giờ ở đâu. Lạy Chúa, thân tôi sao mà cô đơn thế này!”
Lão Vojtíšek nhìn về phía trước, vẫn lặng yên.
Câu nói của mụ như có một nụ cười, một niềm vui dội vào lòng kẻ hành khất, nhưng bên cạnh đó có cái gì xấu xa, khó cảm. Mồm mụ bĩu ra dài thượt, mỗi khi nói, da mặt của mụ co rúm lại, dồn vào đôi môi trông tựa như một cái núm quả.
“Ông Vojtíšek! Ông Vojtíšek, hai ta còn có thể chung vui được kia mà. Tôi cứ ngày đêm mơ tưởng đến ông, và tôi nghĩ, Chúa cũng muốn như thế. Mà sao ông cứ ở một mình mãi, đi sớm về khuya, không ai trông nom đỡ đần. Chỗ nào ông cũng có bè bạn quen biết, đi đến đâu ông cũng gặp toàn người tốt. Chao, giá mà ông thương đến tôi... tôi còn một mảnh chăn bông…”
Trong khi đó lão Vojtíšek từ từ đứng dậy. Lão nắn lại cái vành da trên cái mũ lưỡi trai rồi đáp:
“Bước đi cho rồi!” Nói xong lão quay đi, không thèm chào mụ.
Lão lại thong thả trở về phố Ostruhová. Cặp mắt xanh lè của mụ long lên như hai ngọn đèn pha đuổi theo lão, cho mãi tới khi lão rẽ ngang mới thôi.
Mụ Triệu kéo lại chiếc khăn trùm kín mặt rồi ngồi đó một hồi lâu, không động đậy. Có lẽ mụ đã thiếp đi.
Bỗng nhiên bao câu chuyện vô căn cứ bắt đầu truyền đi khắp khu phố Malá Strana. Và người nào nghe đến tai, cũng đều thốt ra một câu mai mỉa: “À, ra cái lão Vojtíšek ghê thật!” Câu chuyện về lão cứ truyền đi hết người này qua người nọ, và chốc chốc lại nghe người ta nhắc: “Lão Vojtíšek ghê thật!”.
Chẳng bao lâu, tôi truy ra đầu đuôi câu chuyện. Người ta đồn rằng lão Vojtíšek có hai ngôi nhà riêng ở phố František tận phía bên kia sông, còn câu chuyện mà xưa nay người ta vẫn tin, bảo là lão ở Bruska đều là dối trá cả. À, ra lão Vojtíšek đã lợi dụng lòng tốt của bà con làng xóm. Mà đâu có phải chỉ trong chốc lát!
Người ta bực mình với lão. Cả giới đàn ông ở khu phố Malá Strana đều cảm thấy mình quá dễ dãi, quá nhẹ dạ tin người.
“Đồ xỏ lá!” Một người nói.
“Mà đúng thế”, một người khác phân giải tỉ mỉ hơn, “có ai thấy y đi ăn mày ngày chủ nhật không nào? Chủ nhật y ngồi nhà: lầu cao cửa rộng, phè phỡn, thịt quay có người bưng đến tận mồm!”
Các bà phụ nữ hãy còn chưa tin lắm. Họ còn ngờ vực, thấy trên vẻ mặt của lão Vojtíšek có cái gì chân thực quá, lẽ nào lại làm những điều gian dối như vậy.
Người ta còn đồn bao nhiêu chuyện khác về lão, đâu lão có hai cô con gái và cô nào cũng kiêu kỳ. Một cô lấy chồng trung úy, còn cô kia sắp vào làm trong rạp hát. Tay lúc nào cũng đeo găng và ngày ngày vẫn thường lên Stromovka dạo mát.
Nghe đến đây, trong đám phụ nữ không còn ai phải ngờ vực nữa, hình như câu chuyện đã rõ như ban ngày. Và chỉ trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, cuộc đời của lão Vojtíšek đã hoàn toàn khác trước. Rồi cũng từ giờ phút ấy, bất cứ nhà nào, hễ thấy lão mò đến cửa là người ta đều khép cửa lại và bảo với lão: “Bữa nay không có gì ăn cả” hoặc “Bây giờ, thời buổi khó khăn, chúng tôi nghèo lắm! Ngày hai bữa ăn đậu, làm gì có của thừa, mà ông thì ăn đâu những thứ ấy!”
Bọn trẻ con khu phố cũng bắt đầu chế nhạo lão; hễ gặp lão, là chúng nhảy nhót reo hò ầm ĩ:
“Ông chủ nhà! A, ông chủ nhà!”
Một hôm vào ngày thứ bảy, trong lúc tôi đang đứng trước cửa, thấy lão Vojtíšek từ từ bước lại! Chủ quán Hezl vẫn ăn mặc như thường lệ, y khoác trước ngực một cái tạp dề vải trắng và đứng dựa vào khung cửa đá. Như có một điểm quái gở gì báo trước, tôi bỗng hoảng sợ bỏ chạy nấp vào phía sau cổng. Tôi hé nhìn thấy rõ ràng lão Vojtíšek đang đi lại gần.
Chiếc mũ lưỡi trai run lên trong bàn tay của lão. Hôm nay lão không còn nụ cười tươi tỉnh như mọi khi nữa. Đầu lão rũ xuống, mấy sợi tóc vàng nhạt của lão rối tung. Lão chào bằng một giọng bình thường: “Giê-xu!”. Lúc này đầu lão ngẩng lên một tí, để lộ ra bộ mặt tái ngắt, đôi mắt trông ủ rũ như trong cơn ngái ngủ.
“Ôi, may quá, ông đến thật đúng lúc.” - Hezl hăm hở chào lão - “Ông Vojtíšek này, ông liệu có cho tôi vay tạm hai mươi nghìn được không? Ông đừng sợ mất, cũng như ông để dành ấy thôi mà. Tôi định tậu một ngôi nhà ở cạnh nhà Bên con Thiên nga ấy mà.”
Y chưa nói hết lời, thì bỗng nhiên hai mắt lão đã ứa đầy lệ, lão nghẹn ngào:
“Cả đời người... tôi... có nói dối ai bao giờ!”
Lão từ từ tạt qua phía bên kia đường tới gần một góc phố, rồi ngồi gục xuống vỉa hè cạnh tường. Lão úp mặt xuống hai đầu gối và khóc lên nức nở...
Lão Vojtíšek không bao giờ trở lại ăn mày ở khu phố Malá Strana nữa. Qua bên kia sông lão không quen ai, và cảnh sát bên ấy cũng không quen mặt lão thì làm sao mà lần mò vào nhà người ta được. Hàng tuần, cứ chiều thứ năm khi sang Phố Cổ để xem sách mới trưng bày ở các hiệu sách, tôi thường gặp lão ngồi thờ thẫn ở góc phố Křižovnická, ngay trước mặt đồn cảnh sát đầu cầu. Chiếc mũ lưỡi trai của lão nằm ngửa dưới đất, thân hình lão tiều tụy, đầu gục xuống, tay cầm tràng hạt mân côi và lão cũng không để ý đến người qua lại. Nước da, khuôn mặt, cho đến bàn tay của lão, không còn hồng hào như xưa nữa; tất cả đã ngả màu vàng nhợt nhạt và trên thân thể của lão toàn những vẩy ghét bám chằng chịt... Hàng tuần, cứ chiều thứ năm, mỗi lần đi qua trước mặt lão, tôi chỉ khẽ lén lại gần, quẳng cho lão một hai xu vào mũ, rồi lập tức lại phải lánh xa ngay.
Sau đó, tôi còn gặp lão một lần nữa trên cầu. Đó là lúc lính cảnh sát đưa lão về khu phố Malá Strana. Và cũng là lần cuối cùng, tôi không bao giờ trông thấy mặt lão nữa.
Một buổi sáng tháng hai lạnh giá. Ngoài trời hãy còn tờ mờ; trên các ô cửa kính nước kết thành những tinh thể như những bông hoa; ánh lửa từ các lò sưởi rọi vào trông lấp lánh đỏ rực. Ngoài đường nghe có tiếng bánh xe lạo xạo, tiếng chó sủa.
“Con chạy ra mua cho mẹ hai gù sữa, nhưng nhớ quàng kín cổ lại nghe!” Mẹ sai tôi đi mua sữa.
Một thiếu phụ đứng trên xe bán sữa. Sau xe là ông Kedlický. Ngọn nến trong chiếc đèn kính hình vuông đã gần cháy hết.
“Có chuyện gì thế hả ông? Chao ôi, lão Vojtíšek chết rồi à?” Thiếu phụ hoảng hốt hỏi ông Kedlický, trong khi đó chị dừng tay không khuấy chiếc thìa gỗ vào thùng sữa nữa. Cái nghề bán sữa, tuy luật lệ cấm không được làm như vậy, song cảnh sát Kedlický có trông thấy cũng chẳng sao, tôi đã bảo, lão này hiền lắm.
“Chứ còn ai nữa”, ông Kedlický trả lời thiếu phụ. “Chúng tôi tìm thấy xác lão hồi nửa đêm ở Oujezd, lối rẽ qua trại lính. Lão chết rét, chúng tôi phải đưa xác lão vào khu nghĩa địa gần Karmelitán. Lão mặc độc một chiếc áo ngoài rách tả tơi và một chiếc quần cũ, áo lót cũng chẳng có.”​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

- 4 -
người đàn bà hay mủi lòng​


Ông Velš Josef là một trong những người buôn bán giàu có nhất ở Malá Strana. Tôi nghĩ cửa hàng của ông có đủ mọi thứ hàng sản xuất ở Ấn Độ và châu Phi, từ quế thơm hay xương voi thiêu làm kem đánh giày, cho đến vàng bột. Vì thế mà cửa hàng của ông ở ngoài quảng trường suốt ngày đông khách. Ông Velš ở đó cả ngày, trừ các buổi lễ lớn ở Thánh đường Thánh Vít vào ngày chủ nhật, hay những buổi diễu binh lớn của quân đoàn thị dân Praha. Ông là tay súng thiện xạ, thuộc đại đội một, nhóm thứ nhất, là người bao giờ cũng đứng thứ ba phía tay phải trung úy Nedomy. Mặc dù có hai thanh niên trẻ giúp việc và cả hai thanh niên đang học nghề, nhưng bao giờ ông cũng muốn tự bán hàng cho khách. Nếu không bán thì ông chào họ, gật gù, mỉm cười. Nói cho đúng thì ông Velš lúc nào cũng cười, ở trong cửa hàng, ở ngoài đường, ở trong nhà thờ, ở tất tật mọi nơi. Nụ cười thường trực của người buôn bán đã làm căng hai bên má ông và không thể bỏ nó đi được. Ông có thân hình dễ ưa, beo béo, không cao, cái đầu nhỏ của ông luôn lắc lắc khi cười. Lúc ở cửa hàng, ông đội cái mũ bẹp, mang cái tạp dề bằng da. Khi ra đường, ông mặc chiếc áo khoác màu xanh dài lê thê có bộ cúc vàng, đầu đội cái mũ hình trụ tròn. Tôi có tưởng tượng chút ít về ông Velš. Khi ông còn sống, tôi chưa hề đến nhà ông, nhưng bất kỳ khi nào hình dung ông ở nhà như thế nào thì bao giờ tôi cũng thấy hình ảnh ông ngồi ở bàn, đầu không đội mũ, trên mình mang chiếc tạp dề, trước mặt ông là đĩa xúp nóng bốc hơi nghi ngút, ông chống khuỷu lên bàn, cái thìa xúp cầm trong tay nâng đến khoảng giữa đĩa xúp và nụ cười trên miệng. Và ông cứ ngồi thế như bức tượng, cái thìa cũng ở nguyên chỗ như thế. Vâng, tôi biết đó là một tưởng tượng ngốc nghếch.
Nhưng khi truyện của chúng ta bắt đầu - lúc bốn giờ chiều ngày mùng ba tháng 5 năm 184* -, thì ông Velš đã qua đời. Ông nằm ở tầng hai bên trên cửa hàng, tại phòng khách của mình, trong một cái quan tài rất đẹp. Quan tài vẫn còn chưa đóng nắp - ông nằm đó, đôi mắt được vuốt đã nhắm lại, nhưng nụ cười vẫn còn đọng trên môi.
Đám tang được bắt đầu vào lúc bốn giờ chiều. Xe tang đã chờ sẵn trước ngôi nhà ở quảng trường. Cả trung đội thiện xạ thị dân và ban nhạc cũng đã sẵn sàng.
Phòng khách hầu như đầy người, toàn những người sang trọng của Malá Strana. Linh mục của nhà thờ Thánh Mikuláš cùng những người giúp việc sẽ tới muộn một chút, cũng giống như thói quen của mỗi người láng giềng đáng kính, để khỏi mang tiếng là vội vã chia tay với người quá cố. Không khí trong phòng bí đến nghẹt thở. Ánh mặt trời buổi chiều chiếu vào phòng, chiếu cả lên những tấm gương lớn; những ngọn nến to xung quanh quan tài tỏa ánh sáng màu vàng và khói; bầu không khí nóng nực tràn ngập mùi khói, mùi hắc của lớp sơn mới ở chiếc quan tài màu đen, ở lớp lót bên dưới xác người chết, có thể là cả mùi hôi của xác chết nữa. Cả phòng yên lặng, mọi người chỉ nói thầm với nhau. Không một ai khóc. Ông Velš không còn ai là họ hàng gần, và những người họ xa thì đều nói: “Giá mà tôi có thể khóc được - tôi đau đớn đến xé ruột xé gan, nhưng không còn nước mắt để mà khóc”... “Vâng, vâng, vì thế mà còn đau đớn hơn.”
Lúc này, một người đàn bà tên là Ruska bước vào phòng. Bà ấy là vợ góa của ông Rus, chủ quán ăn ở vườn Gráflovská, nơi thường có tổ chức các buổi khiêu vũ đẹp nhất của lính pháo thủ. Bởi vì việc bà Ruska góa chồng như thế nào chẳng bận đến ai, nên tôi chỉ xin kể ngoài lề về chuyện ấy thôi. Hồi đó, mỗi một trung đoàn pháo binh đều có một đại đội pháo thủ đặc biệt, toàn những chàng lính trẻ trung và béo tốt. Nghe nói ông Rus ghét cay ghét đắng lính của đại đội này, cũng nghe nói là vì vợ ông ấy. Bởi vậy, có một lần ông bị họ đánh cho một trận tơi bời. Nhưng mà, như tôi đã nói, điều này chẳng bận gì đến ai. Bà Ruska hưởng lương quả phụ đã hai mươi nhăm năm nay, bà không có con, bà sống tại nhà riêng ở phố chợ Nông trại. Nếu có ai hỏi bà làm nghề gì, thì bà sẽ trả lời là đi viếng các đám tang.
Bà Ruska len qua đám đông để đến sát tận quan tài. Bà là người phụ nữ ở tuổi năm mươi, có vóc người to lớn và độ cao trên trung bình. Trên vai bà là chiếc khăn lụa màu đen. Cái mũ đen có viền dải lụa màu xanh lá cây nhạt đội trên đầu làm nổi lên khuôn mặt tròn trịa và trung thực của bà. Cặp mắt màu nâu của bà nhìn vào mặt người quá cố. Mặt bà rúm lại, mếu máo, hai dòng nước mắt tuôn ra. Bà nức nở khóc.
Bà Ruska lau nhanh mắt và miệng bằng một chiếc khăn màu trắng. Rồi bà quay sang phải sang trái nhìn những người phụ nữ đứng quanh. Phía bên tay trái là bà hàng nến Hirtová. Bà ấy đang tụng kinh theo Kinh Thánh. Phía bên tay phải là một người phụ nữ ăn mặc lịch sự, nhưng bà Ruska không biết người ấy. Nếu là người Praha thì người phụ nữ ấy chắc hẳn phải sống ở nơi nào đó bên kia sông. Bà lên tiếng nói với người phụ nữ ấy, tất nhiên là nói bằng tiếng Đức, bởi lẽ về phương diện dân tộc mà nói thì thời đó Malá Strana thực sự là Praha cánh tả.
“Xin trời phù hộ cho ông ấy,” bà Ruska nói, “ông ấy nằm đây mà vẫn mỉm cười như người còn sống vậy,” bà lại lau nước mắt. “Ông ấy ra đi, bỏ lại chúng ta ở đây... bỏ lại cái giàu có ở đây... cái chết thật bất công, vâng, thật bất công.”
Người phụ nữ lạ mặt không trả lời.
“Có một lần tôi đến một đám tang người Do Thái,” bà Ruska lại thầm thì, “nhưng tôi thấy họ làm rất dở. Họ che tất cả mọi cái gương, nghe bảo để dù từ góc nào cũng không ai trông thấy được người chết. Nhưng làm như thế này tốt hơn, người quá cố nằm trong quan tài, nhìn từ phía nào cũng thấy được - tôi đoán là cái quan tài này phải có giá ít nhất hai mươi zlatý, đẹp quá! Nhưng ông ấy xứng đáng có cái quan tài như thế, nhìn qua gương mà cũng thấy như là ông ấy đang cười với chúng ta. Cái chết chẳng làm ông ấy thay đổi gì, họa chăng làm ông xanh xao đi một chút thôi... nhưng trông ông ấy vẫn như lúc còn sống, phải không bà?”
“Tôi không biết ông Velš lúc ông còn sống,” người phụ nữ lạ mặt trả lời.
“Không ư? Ôi chao, tôi thì lại rất biết ông ấy! Tôi biết ông ấy từ ngày ông ấy còn son trẻ, cả vợ ông ấy tôi cũng biết từ ngày bà ấy chưa lấy chồng, lạy trời cho bà ấy được lên thiên đường! Tôi còn nhớ như in ngày cưới của họ - bà ấy khóc từ sáng sớm - vâng ạ, khóc suốt một ngày, ấy là họ đã biết nhau tới 9 năm trời rồi đấy! Bà bảo thế có dở hơi không? Ông ấy đã chờ bà ấy 9 năm, nhưng giá mà ông ấy đã có thể chờ 9 lần 9 năm nữa. Bà ấy ghê lắm cơ! Vâng, bà ấy là người rất đáng ghét! Bà ấy đã nghĩ rằng bà ấy là người khôn ngoan nhất, đẹp nhất, rằng không một người đàn bà nào khác hiểu công việc nội trợ như bà ấy. Gớm, ra chợ thì mặc cả hàng giờ để tiết kiệm từng xu, ở nhà thì luôn luôn bớt nước của thợ giặt, mấy cô phụ việc chẳng bao giờ được ăn no. Còn ông Velš thì khổ vì bà ấy lắm lắm! Tôi đã thuê hai cô phụ việc trước làm ở nhà ấy nên tôi biết hết mọi chuyện. Ông ấy chẳng bao giờ được yên lấy một phút. Nghe bảo chính vì thế nên ông ấy rất cẩn thận gọn gàng, vì ông ấy rất sợ bà ấy, nghe nói ông ấy không bao giờ cãi lại, vì sợ bà ấy lại tức giận thêm. Bà ạ, chúng tôi vẫn nói là bà ấy thuộc loại người mơ mộng, và bà ấy muốn được cả thế giới thương hại. Bà ấy còn luôn kêu ca là bị chồng hành hạ. Giá chồng bà ấy vì giận dữ mà đầu độc bà ấy, thì bà ấy phải lấy đó làm điều sung sướng. Và giá ông ấy tự treo cổ thì cũng vậy, ít ra thế giới cũng thương hại bà ấy.”
Bà Ruska lại liếc mắt nhìn người phụ nữ lạ mặt, nhưng người ấy đã không còn đứng ở bên bà nữa. Vì mải nói mà bà Ruska không để ý thấy mặt người phụ nữ lạ đứng cạnh bà mỗi lúc một nóng lên, và người ấy bỏ đi giữa lúc bà đang nói. Bây giờ thì người ấy đứng ở cuối phòng và đang nói gì đó với ông Uhmühl, nhân viên phòng kế toán của ủy ban nhân dân, người có họ với ông Velš.
Bà Ruska lại nhìn vào khuôn mặt người quá cố, lại mếu máo và lại tuôn nước mắt. “Tội nghiệp ông ấy,” bà quay sang nói to với bà Hirtová, “nhưng mà trời có mắt bà ạ, vâng, trời sẽ trừng phạt mọi tội lỗi. Mà ông Velš cũng chẳng phải là người lương thiện gì cho cam, nhưng mà thôi, chả nói đến làm gì nữa! Giá mà ngày ấy ông ấy cưới cô Tonda, cô ấy tuy nghèo thật, nhưng một khi ông ấy đã có con với cô ấy...”
“Mụ phù thủy đã lại đến đây rồi hả?” Một giọng khàn khàn vang lên sau lưng bà Ruska và cánh tay đàn ông xương xương đặt lên vai bà. Tất cả mọi người giật mình quay nhìn bà và ông Uhmühl, lúc này đã tiến đến đứng trước mặt bà ấy. Ông giơ tay chỉ về phía cửa, nói bằng giọng khàn nhưng rõ ràng: “Ra kia ngay!”
“Cái gì thế hả?” Từ cửa, em trai ông Uhmühl cất tiếng hỏi. Ông ấy là cảnh sát trưởng, cũng là người gầy gò xương xẩu giống hệt anh trai.
“Mụ phù thủy này len vào đây nói xấu người quá cố. Mụ có cái lưỡi sắc như dao cạo ấy.”
“Thế thì cạo cho mụ ấy một trận!”
“Đám tang nào mụ ấy cũng làm thế,” có mấy người nói xen vào.
“Mụ ấy làm ầm ĩ cả ở chỗ linh thiêng!”
“Nào, ra đi, nhanh lên,” ông cảnh sát trưởng ra lệnh và kéo tay bà Ruska. Bà ấy đi ra, nhưng vẫn nức nở như đứa trẻ.
“Thật là xấu xa - làm lôi thôi như vậy ở đám tang trang nghiệm như thế này,” mọi người nhận xét.
“Bây giờ thì im đi!” Ông cảnh sát trưởng lại nói, khi họ ra đến phòng ngoài, vì đúng lúc đó linh mục cùng phụ tá tới. Ông cảnh sát trưởng đưa bà Ruska đến chân cầu thang. Bà ấy cố gắng nói một điều gì đó, nhưng ông cương quyết kéo bà ra đến tận trước cửa nhà. Rồi ông bảo viên cảnh sát tuần tra: “Anh đưa bà ấy về tận nhà, kẻo lại gây chuyện xấu hổ ở đám tang!”
Mặt bà Ruska đỏ rực, bà cũng chẳng ý thức được cái gì đang xảy ra xung quanh bà.
“Thật là bôi bác quá, lại đúng ở đám tang đẹp như thế!” Bây giờ thì cả ở ngoài quảng trường cũng có tiếng ồn ào.
Hai anh em ông Uhmühl đều là những người đàn ông nghiêm khắc. Giá mà Malá Strana bao trùm cả thế giới - tôi sinh ra ở đây nên cũng muốn như thế - thì sự khó chịu ngày hôm nay của Malá Strana đối với bà Ruska quả thật lên tới tầm cỡ quốc tế.
Ngày hôm sau, người ta cho triệu bà Ruska lên trạm cảnh sát ở phố Mostecká. Ở đó bao giờ cũng ồn ào. Vào mùa hè, cảnh sát thường mở cửa sổ khi làm việc, tiếng họ nói vang đi khắp cả phố. Với ai họ cũng quát tháo ầm ĩ, hồi đó không hề có chuyện cảnh sát phải đối xử lịch sự như bây giờ, hiện nay thì cái lịch sự quả là tôn thêm cho các hoạt động của họ, làm cho chúng đẹp hơn. Ông Josef, người chơi đàn hạc cầm, một nhà cách mạng danh tiếng của Malá Strana, thường đứng ở vỉa hè dưới cửa sổ trạm cảnh sát. Mỗi khi có người nào trong đám trai trẻ chúng tôi đi qua đó thì ông Josef lại nháy mắt, trỏ ngón tay cái lên phía trên, mỉm cười và nói: “Họ đang sủa đấy.” Tôi hi vọng là câu nói ấy không biểu thị cái gì khinh thường, mà ông Josef chỉ muốn dùng lời lẽ sống động nhất để diễn đạt tình hình thôi.
Vào buổi trưa ngày mùng 4 tháng 5 năm 184*, quàng khăn choàng và đội chiếc mũ viền dải lụa màu xanh, bà Ruska đứng đối diện với ông cảnh sát trưởng nghiêm khắc. Bà ấy trông rất đau khổ, bà nhìn chằm chằm xuống đất và không nói năng gì. Sau khi nghiêm khắc chỉ trích, ông cảnh sát trưởng bảo:
“Từ nay trở đi bà không bao giờ được đến một đám tang nào nữa, nghe chưa? Thôi, bây giờ thì bà về đi!”
Thế là bà ấy đi về. Tất nhiên, lẽ ra lần ấy ông cảnh sát trưởng phải cấm cái chết để khỏi phải cấm người đi đến đám tang.
Khi bà Ruska ra khỏi trạm, ông cảnh sát trưởng quay sang cười và nói với người cấp dưới:
“Thì cái đó cũng chẳng phải lỗi ở bà ấy. Bà ấy giống như cái cưa ấy mà, đặt dưới nó cái gì thì nó cưa cái ấy!”
“Đúng ra bà ấy phải đóng thuế vì ích lợi của người câm điếc!” Người cấp dưới nói.
Cả hai cười ầm, họ đều lại thấy vui vẻ.
Chỉ có bà Ruska là suốt một thời gian dài không làm sao trở lại vui vẻ được. Nhưng cuối cùng thì bà cũng tìm thấy lại niềm vui.
Bởi vì một nửa năm sau, bà chuyển nhà. Bà đã thuê một căn hộ ở gần cổng Oujezd. Bất kỳ một đám tang nào cũng phải đi qua nơi này. Và bất kỳ một đám tang nào đi qua, bà Ruska cũng ra đứng trước cửa nhà rồi nức nở khóc.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

- 5 -
Chuyện phiếm ban đêm​

Đó là một đêm tháng sáu đẹp đẽ và ấm áp. Trời đầy sao lung linh, ánh trăng sáng như bạc tràn ngập cả không gian. Tôi nghĩ ánh trăng rạng rỡ tưng bừng nhất là ánh trăng trên các mái nhà ở phố Ostruhová, nhất là ở trên mái nhà yên tĩnh của hai ngôi nhà kề giáp nhau; ngôi nhà thứ nhất mang tên Hai mặt trời[18], ngôi thứ hai mang tên Tầng hầm sâu. Đó là hai mái nhà lạ lùng, ta có thể leo dễ dàng từ mái này sang mái kia, trên đó toàn là ngóc ngách và máng xối. Ngôi nhà Hai mặt trời có mái nhà bố trí đặc biệt, gọi là mái nhà kiểu yên ngựa có hai nóc, với hai đầu hồi nhìn ra đường và hai đầu hồi ngoảnh vào sân. Nằm giữa hai nóc nhà là cái máng xối rộng, ở khoảng giữa máng có lối đi nhỏ dẫn xuống gác xép dưới mái nhà. Tất nhiên là bên trên lối xuống gác xép còn có một cái mái che nhỏ. Giống như toàn bộ mái nhà, cái mái nhỏ ấy được lợp bằng ngói kiểu sóng. Các đường sọc của ngói tạo thành hàng trăm máng xối nhỏ trên cả mái nhà. Lối đi nhỏ ấy dẫn đến hai cái cửa sổ lớn nhìn ra máng xối rộng. Cái máng xối chạy dọc suốt nhà, giống như đường ngôi chải rẽ ở giữa mái đầu của một người Praha thanh lịch.

Đột nhiên, như có tiếng chuột chít chít ở đâu đấy gần cửa sổ.

Rồi lại thế. Đồng thời, một cái đầu và cái ngực nam giới hiện ra ở cửa sổ hướng về phía vườn. Người ấy nhẹ nhàng nhảy ra ngoài và đứng ở máng xối. Đó là chàng trai khoảng hai mươi tuổi với khuôn mặt xương xương, nước da rám nắng, mái tóc đen, một chút lông tơ trên mép, cái mũ cao kết tủa đội trên đầu và cái tẩu có cán đen cầm trong tay. Cậu ấy mặc cái áo khoác ngắn màu xám, áo vét màu xám và cái quần cũng màu xám. Xin thưa, đó là Jan Hovora, sinh viên ngành triết học.

“Mình giả chuột gọi, vậy mà ở đây vẫn chưa có ai,” cậu lầu bầu. Rồi cậu đi đến tận ống khói. Có một nửa tờ giấy được dán ở đó. Hovora dụi mắt ghé gần lại nhìn.

“Có ai đã ở đây, có ai đã đổi...”, cậu lại lầu bầu, “không... không đổi, đây vẫn là mảnh giấy của mình. Nhưng mà...”, cậu nhìn sát lại hơn nữa, rồi đập tay lên trán. “Mặt trời hút mất bài thơ của mình. Tội nghiệp Kupka, ngày mai là ngày tên thánh của cậu ấy, thế mà hôm nay chẳng được ai chúc mừng. Thế mà mình đã có sáng kiến tuyệt vời như vậy, chính Đức Thánh Antonín đã gợi ý cho mình!” Cậu giật mảnh giấy, vo viên rồi ném qua mái nhà.

Cậu ngồi xuống, nhồi tẩu và châm lửa hút rồi nằm ngả người trên lớp ngói còn ấm, tựa chân vào máng xối.

Lại có tiếng chút chít giả tiếng chuột, Hovora chút chít đáp lại, nhưng không ngoảnh đầu lại. Một thanh niên xuất hiện trên máng xối. Đó là một chàng trai có vóc dáng nhỏ bé, da nhợt, tóc sáng màu, đầu đội cái mũ màu xanh của quân đoàn sinh viên năm 1848, trên người mặc áo khoác, quần sáng màu, miệng ngậm điếu xì gà đang cháy.

“Chào Hovora!”

“Chào Kupka!”

“Cậu làm gì vậy?” Kỹ sư tương lai Kupka chậm rãi ngả người xuống bên cạnh Hovora.

“Làm gì đâu. Tớ vừa ăn khoai tây nghiền, bây giờ nằm chờ xem lúc nào bắt đầu cảm thấy ấm ách đây. Còn cậu, đã ăn chiều với gì?”

“Tớ đã ăn chiều như ông trời.”

“Thế ông trời ăn chiều với gì?”

“Chẳng với gì.”

“À vậy! Mà sao cậu cứ ngó ngoáy mãi thế?”

“Ấy, tớ muốn cởi giày. Chúng mình cần có cái đón giày ở đây. Ít ra thì phải có đồ vật đó.”

“Cái đón giày không phải là đồ vật, nó là thành viên trong gia đình!” Hovora lười biếng quay đầu sang phía Kupka. “Ôi trời,” Hovora tiếp tục, “cậu hút cái gì thế hả? Thuốc rẻ tiền hả? Hay là chính cậu còn rẻ hơn nó đấy?”

“Dù sao thì tớ cũng rất thích cái không gian này của chúng mình... nó thật là đẹp.” Kupka nói.

“Lại rẻ nữa!”

“Ừ, phòng càng lớn thì càng rẻ. Ông trời có không gian lớn nhất thành ra không phải trả gì cả.”

“Này, trước ngày ăn mừng lễ tên thánh, xem ra cậu có vẻ ngoan đạo đấy.”

“Mái nhà, mái nhà... tình yêu của tôi!” Kupka nói và vung cái tẩu trong không khí. “Giá mà thợ thông ống khói không nhìn cuộc sống bằng cái nhìn một chiều màu đen thì chắc là tớ phải phát ghen với họ.”

Xen giữa những lúc im lặng, hai người cứ thầm thì nói chuyện bâng quơ như thế. Thật là lạ, khi ở trong rừng sâu, trên núi cao, hay lúc có một mình, người ta thường tự nhiên nói bằng giọng thầm thì như vậy.

“Đêm hôm nay tuyệt quá,” Kupka lại khen. “Im ắng vô cùng!... Chỉ có tiếng nước ào ào chảy qua đập dưới sông và tiếng chim họa mi thánh thót vui vẻ trên đồi Petřín! Cậu có nghe thấy không?”

“Ờ, ba ngày nữa là hết nửa đầu tháng sáu, hết cả tiếng họa mi. - Chúng hót mới hay làm sao! - Có các vàng thì tớ cũng chẳng thèm ở bên Thành phố Cổ!”[19]

“Đúng thế! Ở bên ấy có đi hàng dặm đường cũng chẳng gặp được con chim nào. Giá mà thỉnh thoảng không mua đùi ngỗng quay ở chợ thì chắc chẳng ai biết con chim có hình dáng thế nào.”

“Đến bây giờ mà mới chỉ có hai người thôi ư?” Có tiếng nói giọng nam trung vang lên ở bên cửa sổ.

“A, anh Novomlýnský... xin chào anh!” Kupka và Hovora đồng thanh.

Novomlýnský, người đàn ông ngoài ba mươi tuổi, từ từ bò ra khỏi cửa sổ đến máng xối.

“Quỷ tha ma bắt các cậu!” Người ấy chậm chạp đứng lên và lầu bầu, “trèo leo cái kiểu này tớ chịu, không quen được.” Novomlýnský là người khá béo có tầm cao trên trung bình, có khuôn mặt rám nắng tròn trặn, đôi mắt xanh luôn cười cười và bộ râu rậm. Anh mặc chiếc áo khoác màu đen, cái quần sáng màu, và cũng đội mũ tua.

“Này, tớ mặc áo khoác, không thể nằm lên mái ngói như các cậu được đâu... ngồi dậy cho tử tế đi!”

Kupka và Hovora ngồi dậy, họ nhoẻn cười và nhìn Novomlýnský một cách quý mến. Rõ ràng Novomlýnsky là người già dặn hơn và chỉ huy họ. Anh ngồi bên mái ngói đối diện với họ và đốt điếu xì gà.

“Các cậu đang làm gì vậy?”

“Em đang ca ngợi Malá Strana ạ,” Hovora trả lời.

“Còn em đang ngắm trăng,” Kupka nói, “ngắm người đàn ông đã chết với trái tim còn đập...”

“Bây giờ thì ai cũng mơ mộng ngắm trăng,” Novomlýnsky toe toét cười. “Cứ thử bắt các cậu đến công sở làm việc tính toán như tớ mà xem!” Trong tiếng nói vang của anh ấy hoàn toàn không có chút gì gượng ép, không có chút gì lo sợ. Giá có ở trong rừng sâu, nơi vắng vẻ hay trên núi thì chắc anh ấy cũng cứ sẽ nói bằng giọng thẳng thắn y hệt như vậy. “Thế nào, có gì mới không?... Này, nghe bảo hôm qua cậu Jakl suýt chết đuối ở gần guồng nước, có đúng không?” Trên khuôn mặt anh ấy lại rạng rỡ nụ cười.

“Đúng thế,” Hovora gật đầu cười, “nó bơi nặng nề như bị cột đá ở chân. Vừa đến gần chỗ em thì nó bị trượt xuống,... nước ùng ục ghê lắm, rồi nổi bọt... chúng mình đã phải kéo nó lên, Kupka nhỉ! Em hỏi nó đã nghĩ gì khi bị chìm xuống nước, nó bảo là nó đã bật cười, vì thế mà có tiếng nước ùng ục.”

Cả ba cùng cười, tiếng cười của Novomlýnský vang như tiếng chuông.

“Thế hôm nay có gì ồn ào ở nhà bà giáo đấy?” Novomlýnský lại hỏi. “Cậu đã ở đó, phải không Hovora?”

“Chuyện rất thú vị,” Hovora nói và nhoẻn cười. “Cô giáo phát hiện ra là chồng cổ có một bức thư giấu trong ngăn kéo bàn. Một bức thư đầy tình yêu nồng nhiệt do chính tay cô viết. Cô đã gửi cách đây hai chục năm, vậy mà hôm nay cô tìm thấy nó vẫn còn niêm phong chưa mở. Anh thử tưởng tượng xem cô đã tự ái đến mức nào!”

“Vở hài kịch một màn,” Novomlýnský bật cười. Anh duỗi chân ra rồi gọi Kupka. Trong khi Novomlýnský nói chuyện với Hovora thì Kupka đi ra đến cuối máng xối, hơi nghiêng người để nhìn xuống chỗ nào đó dưới sân. Bây giờ thì cậu ấy trở về chỗ ngồi, có vẻ hài lòng về chuyến đi thám hiểm của mình.

“Ma lực nào cứ kéo cậu ra chỗ ấy, hả? Cậu nhìn cái gì ở dưới đó? Không khéo rồi lại ngã xuống lần nữa cho mà xem!”

“Nhìn cái gì ư? Em nhìn ông thợ sách. Anh không biết thôi, chứ ông ấy đã hai chục năm nay tối nào cũng ngồi đọc tiểu sử của ông Jan Hus[20], lần nào cũng vừa đọc vừa khóc. Em ra đấy xem tối nay ông ấy đã khóc chưa, nhưng ông ấy vẫn chưa khóc!”.

“Rõ dở hơi, giá mà các cậu để ý đến cái gì khác ông thợ sách.” Novomlýnský búng ngón tay. “Các cậu đã thấy cô vú em mới ở bên nhà ông thợ gốm chưa? Rất trẻ trung tươi mát nhé! Nhưng mà cô ấy thì cũng như con bướm, đậu rồi lại bay thôi.”

“Anh Novomlýnský giống như bà nội trợ đảm đang, cái lo lắng lớn nhất là lo lắng về các cô giúp việc.”

“Ừ, lo lắng chứ, thậm chí còn thiếu ngủ nữa. Buổi sáng mới 5 giờ đã phải ra phố rồi, những cô giúp việc xinh đẹp nhất đều đi lấy nước rất sớm, để không ai trông thấy họ xách nước.”

“Các cậu im đi. Tớ dễ ngủ nên dậy sớm được. Vả lại,” Novomlýnský chậm rãi gạt tàn xì gà vào mái ngói và khoe khoang, “qua rồi, cái thời ấy qua rồi! Nhưng trước đây tớ là người hết sức lịch thiệp. Ừ, quả thật đến bây giờ, vấn đề của tớ là tớ luôn luôn gặp may ở lũ con gái. Tớ rất đẹp trai, nhưng cái đó đâu phải là lỗi của tớ? Giá mà lũ chó con các cậu được nhìn thấy tớ như thế nào! Khi mà tớ tỏ tình thì trông tớ rất ghê. Nhưng mà thôi,” anh ấy nói nhanh hơn, “các cậu làm cái gì cho tớ vui đi! Hôm nay đến lượt ai đưa ra chủ đề?”

“Cậu Jakl ạ.”

“Thế thì cậu ấy chắc sẽ không đến,” Novomlýnský nói một cách chắc chắn. “Một dạo, chúng tớ có một hội thường đi ăn chiều cùng nhau, mỗi bữa một người trả tiền. Nhưng có một cậu khi đến lượt trả tiền thì không bao giờ đến.” Anh ấy ngẩng đầu nhìn sang nóc nhà đối diện. “Ối, người chết đuối đến rồi kìa!” Anh ấy giả bộ kinh hoàng. Kupka và Hovora quay nhanh sang nhìn.

Trên nóc bên kia, một cái chỏm mũ nhô lên, dưới mũ là gương mặt đỏ với nụ cười rộng đến mang tai.

“A, Jakl! Xuống đây, xuống đây nhanh lên!” Tất cả mọi người cùng gọi.

Jakl từ từ leo lên nóc. Hai vai hiện ra, rồi ngực, rồi cái bụng. “Gớm, leo mãi mà vẫn không thấy hết người,” Novomlýnský lẩm bẩm, “cậu này là người hiện ra từng đoạn.”

Bây giờ thì cái chân bên phải được vắt sang nóc, sau đó là chân trái, rồi cả người Jakl trượt đánh sầm từ mái ngói xuống đến máng xối, chỗ các bạn đang ngồi. Mọi người phá lên cười. Hình như cả cái mái nhà cũng cười, thậm chí cả mặt trăng trên trời cao kia cũng vậy.

Nhưng người cười nhiều nhất lại chính là Jakl. Cậu ấy nằm sấp, đập đập cả hai mũi giày vào lòng máng xối.

Mọi người phải đập, phải kéo mãi Jakl mới ngồi dậy. Cậu ấy ngồi dậy rất chậm rãi, vuốt ngay ngắn chỉnh tề cái áo khoác mùa hè màu vàng vàng của mình. “May không bị một vết sờn nào,” cậu ấy hài lòng nói, rồi ngồi xuống bên cạnh Novomlýnský.

“Thế nào, cậu nghĩ ra được trò chơi gì cho tối nay đấy?”

Jakl kéo tay ra đến giữa hai đầu gối, gập người về phía trước rồi lại ngả về phía sau và thong thả nói “Em nghĩ là mỗi người chúng ta sẽ nói về kỷ niệm xa xưa nhất trong cuộc đời mình. Các cậu ạ, kỷ niệm mà...”

“Tớ biết ngay là hắn sẽ nghĩ ra chuyện ngớ ngẩn,” Novomlýnský chêm vào. “Ối trời, sinh viên tốt nghiệp trường Luật, đã qua đến mấy kỳ thi nghiệp vụ, ấy thế mà...”

“Thì cả anh cũng đâu có khôn ngoan ngay từ lúc lọt lòng,” Jakl cự lại.

“Tớ ấy à? Tớ nằm trong bụng mẹ mười sáu tháng, khi chào đời là tớ đã biết nói rồi. Tớ đã theo học hai mươi tư trường La-tinh, mỗi một từ tớ nói bố tớ phải trả bằng giá hai mươi xu đấy!”

“Này, tớ cho là ý nghĩ ấy chắc không phải là ngớ ngẩn đâu,” Holora nói và gõ tàn thuốc, “chúng mình thử chơi đi xem nào! Jakl này, hẳn là cậu đã nhớ ra kỷ niệm xa xưa nhất của mình rồi chứ?”

“Tớ ư? Tất nhiên rồi,” Jakl khẳng định và tiếp tục đung đưa người một cách bình thản. “Tớ nhớ một việc xảy ra khi tớ chưa đầy hai tuổi. Khi ấy bố tớ không có nhà, mẹ tớ có việc phải sang bên kia đường nhưng không mang tớ đi theo được. Thế là tớ ở nhà một mình, nhà lại chẳng có cô giúp việc nào. Để tới khỏi buồn, mẹ tớ đã mang vào phòng cho tớ một con ngỗng nhà đang nuôi. Ở nhà một mình sợ quá, tớ đã ôm chặt cổ con ngỗng mà khóc, còn nó thì cũng sợ nên cứ quàng quạc kêu - một cảnh đẹp, có phải không?”

“Ồ, rất đẹp,” Novomlýnský nói to.

Lúc đó, tất cả đều im lặng suy nghĩ. Hovora đánh diêm ba lần để hút thuốc, nhưng lần nào cũng chỉ đặt que diêm đang cháy vào tẩu, rồi lại để nó cháy hết mà quên không hút. Bây giờ thì tự nhiên cậu ấy hít một hơi dài rồi nói: “Tớ cũng đã nhớ ra một kỉ niệm rồi! Tớ cùng với bố vào tu viện dòng nữ thánh Ursula. Các nữ tu sĩ đã đặt tớ ngồi lên đùi mình và hôn tớ.”

“Cái đó còn đẹp hơn cả con ngỗng,” Novomlýnský lại nói. “Còn cậu, có gì hay như vậy không, hả Kupka?”

Kupka bật cười. “Ông nội tớ trước đây là người chuyên đi rung chuông nhà thờ ở Rakovník. Hồi đó, ông đã rất già rồi. Một hôm, ông nghĩ là sẽ tự rung chuông báo cái chết của mình, sau đó ông đi về nhà, nằm xuống giường rồi chết. Cả nhà đưa tớ đến chỗ ông nằm. Lúc này ông đã được thay quần áo, chân mang đôi tất trắng. Tớ tới để hôn vào ngón chân cái của ông, cũng chẳng biết thế là tục gì. Rồi tớ ngồi chơi ở chỗ ông thợ đóng quan tài, ông ấy ở cùng nhà và đang đóng quan tài.”

“Thật là kỉ niệm tuyệt vời!” Jakl vui vẻ nói. “Còn bây giờ thì đến lượt anh Novomlýnský!”

Novomlýnský nhăn nhó im lặng, nhưng cuối cùng thì cũng cất tiếng. “Tớ... tớ không có một kỉ niệm xa xưa nào cả. À, có lẽ có hai kỉ niệm, nhưng mà... nhưng mà tớ chẳng biết kỉ niệm nào cũ hơn. Tớ nhớ là ngày ấy gia đình tớ dọn nhà, chỉ đến khi mọi người chuyển cái nôi của tớ ra ngoài thì tớ mới chịu rời nhà cũ. Một lần khác, tớ đã nói với em gái một từ bậy... các cậu phải biết đó là một từ rất bậy. Tớ bị mẹ cho một cái tát, rồi bị phạt đứng phía sau đàn piano. Đúng ra thì trẻ con là những sinh linh đặc biệt... chúng là hình ảnh buồn cười của người lớn! Chúng ngốc nghếch, chúng thờ ơ với những hậu quả của hành động và bao giờ cũng thật sự tin vào thiên thần hộ mệnh. Quyển kinh thánh đầu tiên của tớ là quyển viết bằng tiếng Đức. Nhưng mà ngày ấy tớ đâu có biết một từ tiếng Đức nào... cả năm tớ cứ theo quyển ấy để cầu nguyện, Gebet für schwangere Frauen[21]... ấy vậy mà chẳng có cái gì xảy ra với tớ cả.”

Jakl lại đập đập chân vào máng xối. Novomlýnský hài lòng nhìn cậu ấy. “Các cậu thấy chưa? Tớ thích Jakl ở chỗ ấy. Cứ pha một câu đùa là thấy ngay hiệu quả ở cậu ấy.”

“Không, em đâu cười câu pha trò của anh.” Jakl bào chữa. “Em đã nghĩ ra một cái rất ngớ ngẩn! Này, người La Mã cổ đại cũng có con, phải không?”

“Dĩ nhiên rồi.”

“Chắc là những đứa trẻ ấy ngay lúc nhỏ cũng không biết nói như nhà triết gia và hùng biện Cicero, chắc chúng cũng bập bẹ học nói như trẻ con của chúng ta, phải không? Các cậu thử tưởng tượng tiếng La-tinh cổ bập bẹ mà xem. Hanibaj ante pojtas! Hanibaj ante pojtas[22]... ôi trời đất ơi, he he, hô hô!”

Jakl đập đập chân vào máng xối dữ dội hơn. Tất cả lại phá ra cười, cả mái nhà, cả mặt trăng và các ngôi sao trên trời cũng như đang khanh khách cười: “Hanibaj ante pojtas.”

“Jakl hôm nay xem ra rất vui vẻ,” Hovora nói.

“Đúng thế đấy,” Kupka ngồi bên cạnh khẳng định, “vì sao vậy nhỉ?”

Jakl đã trấn tĩnh lại. Cậu ấy ngồi thẳng người lên, nhìn thẳng vào Kupka.

“Ờ, vì sao ư? Mà vì sao lại không nói để các cậu biết... chẳng gì thì tớ cũng thấy phải nói... mà đúng thế, tớ sẽ nói! Tớ đang yêu... à, đúng ra tớ không yêu nữa... nhưng mà tớ sẽ lấy vợ... mà cũng không phải... quả là tớ không biết nói thế nào cho nhanh gọn.”

“Có đẹp không?” Kupka hỏi nhanh.

“Chẳng lẽ cậu ấy lại làm việc tội lỗi đối với các bạn tốt nhất của mình là đi lấy vợ xấu ư?” Hovora bênh bạn.

“Lấy vợ... e hèm! Tớ thì cũng muốn cuộc sống gia đình, nhưng ở đâu tớ cũng gặp chướng ngại vật là các ông chồng,” Novomlýnský lại nói. “Vì tiền ư?”

“Tiền bạc gì! Tớ không nói đến tiền, cũng chẳng hỏi về của hồi môn. Chỉ cần vài năm không kiếm ra tiền là mất hết vào ăn uống thôi mà.”

“Vẫn còn trẻ thế mà đã cao thượng thế!”

“Nhưng cô ấy là ai vậy?” Tất cả đồng thanh hỏi.

“Lizinka.”

“Lizinka nào?”

“Con gái ông thợ may Perálek ở phố Senovážná... các cậu có biết không?”

“Biết chứ!” Hovora khẳng định. “Nhà ấy có ba cô con gái. Cô lớn nhất là Marie... tớ không thích cô ấy một tí nào. Bao giờ nhìn, tớ cũng thấy cô ấy đang ngáp. Tiếp theo là Lizinka, rồi Karla là cái cô gầy khô.”

“Khô đến nỗi mà khi muốn mím môi lại thì phải nhấm hàm răng bằng nước bọt đã. Ấy thế mà cô nàng lại đi lấy chồng sớm nhất,” Kupka lấy làm ngạc nhiên.

Novomlýnsky, người có kinh nghiệm, giơ ngón tay giảng giải:

“Các cậu hãy nhớ là nhà nào có ba chị em thì bao giờ cô xấu nhất cũng đi lấy chồng trước nhất!”

“Lắm lời quá, các cậu lắm lời quá!” Jakl lầu bầu. “Cái tớ ghét nhất là khi người nào đó nói nhiều, làm tớ chẳng có cơ hội để nói!... Ừ, Lizinka đẹp.”

“Tớ cũng nghĩ thế!”

“Thế yêu nhau bao nhiêu lâu rồi?”

“Để tớ tính... đến năm nay là mười tám năm.” Trên gương mặt Jakl thoáng vẻ đùa cợt châm biếm. “Tớ dạo ấy học lớp hai, cô bé học lớp một ở lớp bên cạnh. Tớ làm quen với cô ấy vào dịp mùa đông và yêu ngay lập tức... yêu suốt đời! Đó là cô bé rất đáng yêu! Bé có đầu óc rất thông minh, mái tóc dài bện đôi, hai má tựa như hoa hồng. Bé đội cái mũ lụa xanh, mặc chiếc áo khoác màu xanh vàng. Ở cặp sách của bé có thêu một con chó nhỏ màu trắng trên bầu trời xanh... trời đất ạ, một con cún con! Bé cũng không nghĩ ngợi lâu về tình cảm của tớ đối với bé. Một lần, tớ lấy can đảm tấn công, tớ nắm tuyết thành từng nắm rồi ném bé, và khi bé bỏ chạy thì tớ đuổi theo, giật cái mũ của bé. Từ đấy bé luôn cười với tớ và hiểu tớ. Tất nhiên, tớ vẫn không dám nói gì với bé, nhưng ném tuyết vào bé thì tớ hay ném.

Hai năm sau, tớ đã dạy thêm cho một thằng bé lớp dưới, nhà nó ở ngay cuối phố Senovážná. Ngày nào tớ cũng đi qua nhà ông Perálek, Lizinka thường đứng ở trước cửa nhà. Mái tóc sáng màu buông xõa, không mang áo khoác, trong lúc ấy, bé mới sinh làm sao! Đôi mắt xanh trong sạch ngây thơ của bé luôn vui vẻ nhìn tớ; và không biết làm sao, lần nào tớ cũng đỏ mặt. Tớ và bé dần dần thân nhau hơn. Một lần đi qua, thấy Lizinka đứng đó và ăn bánh mì phết bơ, tớ thu hết can đảm dừng lại. “Cho xin một miếng nào,” tớ nói. “Này đây!” Lizinka nói và bẻ cho tớ một mẩu bánh. “Cho miếng to hơn kia,” tớ trêu. - “Thế thì hết mất! Em đang đói!” Lizinka cười duyên dáng. Tớ sung sướng đi tiếp, rồi từ chỗ xa, tớ giơ miếng bánh được cho để Lizinka nhìn thấy. Đáng tiếc là ngay sau đó, bố mẹ thằng bé tìm một thầy phụ đạo khác cho nó, họ viện lý lẽ ngốc nghếch là tớ và nó chỉ chơi thôi chứ chẳng học hành gì.

Thế là bẵng đi mất mười lăm năm, tớ và Lizinka không gặp nhau. Cho đến tận năm nay. Hôm ấy là chủ nhật, ngày mùng một tháng năm; tự nhiên tớ thấy phải đi chơi chỗ nào đó ở bên ngoài trung tâm. Tớ cũng chẳng biết vì lý do gì, bởi vì đối với tớ thì tất cả mọi cổng thành của trung tâm có đóng cửa cả năm cũng chẳng sao, nhưng lần ấy có lẽ là vì sức hút của trái tim! Hôm ấy, tớ đi ra đồi Šárka. Tớ thấy ông bà Perálek đang ngồi ở đó cùng cô Marie và Lizinka. Cô ấy như đóa hồng đang hé nở! Đôi bờ vai đẹp một cách yểu điệu. Ánh mắt vẫn ngây thơ trong sạch như thuở còn trẻ con cách đây mười tám năm trời.

Ở bàn cạnh chỗ tớ ngồi, người ta đang nói xấu ông Perálek. - “Khi nói, hắn cứ chỉ tay lên đầu, để cho mọi người tưởng là hắn đang suy nghĩ, thật là đồ ngốc, sao mà ghét thế!” Một người nói. - “Nghe bảo hắn tát mấy đứa con gái hắn, khi mà không có ai đến mời chúng khiêu vũ,” một người khác thêm vào. Tớ đứng dậy. Tội nghiệp Lizinka! Bên cạnh đó, mấy đôi nam nữ đang khiêu vũ. Các cậu biết đấy, tớ đâu có thích khiêu vũ. Tớ hơi lêu nghêu, làm sao mà nhẹ nhàng uyển chuyển được. Nhưng mà kệ, muốn ra sao thì ra! Ngồi cùng bàn với gia đình ông Perálek là một ông già... ờ, cái ông thuyền trưởng đã về hưu ấy tên là gì nhỉ? À, phải rồi, tên là Vítek! Ông ấy đang nói chuyện rất sôi nổi với cô Marie. Chúng tôi có quen biết nhau. Tớ đi đến bàn ấy, chào gia đình ông bà Perálek. Lizinka mỉm cười rồi đỏ mặt. Một lúc sau, tớ mời cô ấy khiêu vũ. Cô ấy nhìn bà mẹ và hứa với tớ là sẽ cùng tớ nhảy điệu cadri, nhưng sẽ không nhảy vòng quanh. Đó là điều may cho tớ. Suốt lúc nhảy, chúng tớ đã lặng im, nhưng sau đó, khi đi dạo dọc bờ suối, chúng tớ đã nói chuyện. Tớ hỏi cô ấy có còn biết tớ là ai không. Cô ấy nghiêng đầu sang một bên, rồi cứ thế đưa con mắt ngây thơ trong trắng nhìn tớ. Lập tức, tớ lại thấy mình như đứa trẻ ngày nào, tớ đã nói về những nắm tuyết, về con cún con, về miếng bánh mì được bé cho. Tớ có cảm giác chắc chắn cô ấy cũng cảm thấy như vậy. Rồi tớ tiễn họ về nhà. Lizinka mệt mỏi bước, tớ đã dìu cô ấy đi. - “Thế, thế, người trẻ đi với người trẻ,” ông Vítek nói. Sao tớ thấy ông ấy khó chịu đến thế! Quả thật, khi mà người ta yêu, người ta thường thấy tự ái cả vì lời nói tốt đẹp.

Mấy hôm sau, tớ nhận được thư của Lizinka. Thư viết bằng tiếng Đức, cô ấy hẹn gặp tớ vào lúc ba giờ ở nhà thờ Thánh Mikuláš. Tớ run cả người vì sung sướng. Chúng tớ đã đi từ nhà thờ sang vườn Valdštýnská. Ở đấy, chúng tớ đã thề là sẽ mãi mãi yêu nhau. Tớ hứa với cô ấy là đến tháng tám tớ sẽ tốt nghiệp, rồi hai năm nữa thì sẽ cưới cô ấy. Sau đó, cô ấy đưa tớ về nhà giới thiệu với bố mẹ. Tớ nhận thấy ông Perálek là người rất dễ chịu và bà Perálek là người đàn bà khôn ngoan, tớ chỉ không thích cô Marie, cô ấy cứ nhìn tớ bằng con mắt là lạ thế nào ấy.

Ngay sau đó, tính đến nay thì cũng đã được bốn tuần rồi, Lizinka phải vội đi Klatovy để đến với bà cô đang sắp chết.

Ngày hôm qua, bạn của tớ là anh Bureš, sinh viên trường Y, đến chơi. Anh ấy hỏi tớ: “Cậu có biết cô Lizinka Perálková không?”. “Biết chứ!” - “Hôm nay cô ấy sinh con trai ở nhà hộ sinh.”

Mặc dù cho đến lúc này, ba người bạn đều hồi hộp nghe kể chuyện, nhưng câu cuối cùng họ hầu như không nghe nữa, cả ba chợt giật mình nhìn về phía cửa sổ.

“Rồi buổi trưa, ông thuyền trưởng già Vítek đã lên trên nhà để hỏi thăm sức khỏe cô ấy, để hỏi xem cô ấy sinh con trai gái,” Jakl nói thêm.

“Suỵt! Mấy đứa con gái giúp việc đang nghe trộm chúng mình đấy... chúng đang khúc khích cười đấy,” Novomlýnský đột nhiên nói thầm. Anh ấy đứng dậy, chạy hết sức nhanh về phía cửa sổ, rồi biến mất. Kupka và Hovora chạy liền sau anh ấy.

Mặt trăng như nhoài xuống lắng nghe, hình như là chị Hằng cũng nghe thấy ở dưới mái nhà tiếng rên nhỏ nhẹ của đám con gái, rồi tiếng chút môi.

Có lẽ Jakl cũng nghe thấy tiếng gì đó tương tự. Cậu ấy lại lặng lẽ thu hai cánh tay dài vào giữa hai đầu gối, đu đưa người về phía trước rồi lại về phía sau và lẩm bẩm: “Ăn trộm vào ban đêm thì tội còn nặng hơn.”​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

- 6 -
Bác sĩ hại đời​


Không phải bao giờ người ta cũng gọi ông ấy như vậy, mãi cho đến khi xảy ra một việc. Nhưng việc ấy lại là việc lạ lùng đến mức mà báo chí đã viết về nó. Ông ấy có cái tên rất khác thường, nhưng bây giờ tôi không nhớ ra, chỉ biết họ của ông là Heribert. Ông Heribert là bác sĩ, nhưng đúng ra thì ông chỉ là người đã tốt nghiệp trường Y, chứ ông chưa hề chữa bệnh cho ai và chữa cái gì. Có lẽ chính ông hẳn cũng phải tự thú rằng, kể từ sau khi là sinh viên phải đi thực tập ở bệnh viện cho đến nay, ông chưa chạm tay vào một người ốm nào. Chắc hẳn ông sẽ tự thú về điều đó, giá mà ông đã nói chuyện với ai. Nhưng ông ấy lại là một người hết sức lạ lùng.
Bác sĩ Heribert là con trai của một thầy thuốc rất được ưa chuộng ở Malá Strana. Mẹ của bác sĩ Heribert mất sớm; trước ngày bác sĩ Heribert tốt nghiệp không lâu, cha của ông cũng qua đời. Cha của bác sĩ Heribert để lại cho ông ngôi nhà hai tầng ở phố Oujezd, có lẽ cũng để lại cả một số tiền, nhưng không nhiều. Bác sĩ Heribert sống ở ngôi nhà ấy. Hai cửa hàng ở tầng một hướng trông ra đường và căn hộ cho thuê ở tầng hai mang lại cho bác sĩ một chút tiền nhà. Bản thân ông ở tầng hai phía trông ra sân. Một cái cầu thang dẫn từ sân lên phòng ông, nhìn nó đặc biệt vì không được che đậy gì, chỉ có một bức rào mắt cáo bằng gỗ chắn ở phía dưới. Tôi không biết phòng của ông thế nào, nhưng tôi biết là ông sống rất đơn giản. Vợ của ông chủ cửa hàng tạp hóa dưới tầng một là người giúp việc của bác sĩ, và Jozífek, con trai bà ấy, là bạn của tôi. Nhưng mà đã từ lâu rồi, chúng tôi không còn là bạn của nhau nữa, bởi vì Jozífek được làm người đánh xe ngựa cho Tổng giám mục và trở nên rất kiêu ngạo. Jozífek đã kể cho tôi nghe là bác sĩ Heribert thường tự chuẩn bị bữa ăn sáng, buổi trưa thì đi ăn một quán ăn rẻ tiền nào đó trong Thành phố Cổ, còn bữa chiều thì ăn uống rất qua loa.
Giá mà muốn thì bác sĩ Herbert đã có thể giành được nhiều cảm tình của mọi người ở Malá Strana. Sau khi cha ông mất, tất cả các bệnh nhân của cha đều chuyển sang tin cậy ông, nhưng ông không nhận chữa cho một ai, bất kể đó là bệnh nhân giàu hay nghèo, ông cũng chẳng đi khám bệnh ở đâu cả. Dĩ nhiên là dần dần người ta thôi không tin tưởng gì vào ông nữa, họ bắt đầu coi ông như một người mà họ gọi là “sinh viên hư hỏng”, sau đó họ cười nhạo báng ông: “Ôi chao, bác sĩ gì người ấy... con mèo nhà tôi mà có ốm thì tôi cũng chẳng để ông ấy chữa đâu!” Tất nhiên, bác sĩ Heribert không lấy điều đó làm tự ái chút nào. Xem ra, ông chẳng hề quan tâm đến ai. Ông không chào hỏi ai, cũng không đáp lại ai khi được người ta chào. Khi đi ngoài đường, ông tựa như chiếc lá khô bị gió thổi, lăn lóc từ chỗ này sang chỗ kia. Ông có vóc người bé nhỏ, chỉ khoảng mét rưỡi, bao giờ ông cũng cố gắng đi cách xa mọi người ít nhất là hai bước. Ấy là nói về cách đi lại của ông. Còn về hình dạng thì ông có đôi mắt xanh đầy vẻ nhút nhát sợ hãi, giống như cặp mắt của con chó bị đá. Ông có bộ râu màu nâu sáng rậm rạp che kín má. Theo con mắt nhìn thời đó thì để râu ria xồm xoàm như vậy là không đứng đắn chút nào. Vào mùa đông, khi mặc chiếc áo khoác màu xám kiểu áo lao động của thợ xay bột mì, cái đầu nhỏ đội mũ trùm tai của ông lọt thỏm xuống vành cổ áo giả lông thú. Vào mùa hè, khi mặc bộ quần áo màu xám hay áo kẻ ô nhẹ, hay mặc bộ đồ vải lanh mỏng hơn, cái đầu ông lại lắc lư như được cắm trên cái núm quả mảnh khảnh. Cũng vào mùa hè, cứ bốn giờ sáng là ông đã cắp sách đi vào vườn cây ở sau tường thành Marian, đến một cái ghế dài ở góc xa nhất để ngồi đọc. Có lần, có một người hàng xóm xởi lởi ở Malá Strana đến ngồi cạnh ông và bắt chuyện, nhưng bác sĩ Heribert liền đứng lên, gập sách lại rồi bỏ đi mà không đáp lại một lời. Thế là dần dần người ta bỏ mặc ông. Vâng, cách cư xử của bác sĩ Heribert đã đi đến mức mà cho dù ông mới chỉ khoảng bốn mươi, nhưng chẳng một cô gái nào ở Malá Strana còn để ý đến ông nữa.
Thế nhưng có một việc đã xảy ra, như tôi đã nói là thậm chí sự kiện ấy được đưa lên báo! Tôi muốn kể về chuyện đó.
Hôm đó là một ngày tháng sáu tuyệt đẹp. Đẹp đến mức ta có cảm giác là nụ cười của sự hài lòng tuyệt đỉnh đang nở rộng ở trên trời, ở dưới đất và trên môi của tất cả mọi người. Buổi chiều hôm đó, có một đám tang rất đẹp đi từ phố Oujezd ra tới cổng thành. Người ta tiễn đưa ông Schepeler, viên chức của sở kế toán thành phố. Xin trời tha tội, nhưng quả thật tôi có cảm giác là nụ cười hài lòng kia cũng có mặt cả ở đám tang này. Tất nhiên là không thể nhìn thấy mặt người quá cố, bởi chúng ta không có tục như các dân tộc ở phía nam. Ở đó, người ta đưa người quá cố ra nghĩa trang trong quan tài để ngỏ, có thể là để trước khi vào mộ, người quá cố còn được sưởi nắng lần cuối cùng. Nhưng nếu bỏ qua cái nghi thức tang lễ trang nghiêm cần có, ta không thể không nhìn thấy vẻ mãn nguyện của những người đưa đám, vẻ mãn nguyện thể hiện trên từng bộ phận cơ thể họ, trong cái đẹp tuyệt vời của ngày hôm ấy!
Người hài lòng nhất là các thực tập viên của tòa thị chính, họ được khênh kiệu mang quan tài ông Schepeler. Họ tranh nhau để được làm việc đó. Hai ngày trước khi đưa tang, họ bồn chồn náo nức chạy đi chạy lại ở công sở. Bây giờ thì họ hãnh diện bước dưới kiệu, ai cũng tin tưởng rằng ánh mắt của cả thế giới đang tập trung vào mình, và cả thế giới đang tự nhủ: “Đây là những thực tập viên của tòa thị chính!” Người hài lòng nữa bác sĩ Link, một người cao lênh khênh. Chỉ sau tám ngày chăm sóc ông Schepeler ốm, bác sĩ lấy tiền công của bà quả phụ Schepelerová tới hai mươi zlatý, cả khu Malá Strana đã biết về điều đó. Bây giờ ông ấy đi đưa tang, đầu hơi cúi xuống như đang suy nghĩ mông lung. Người hài lòng tiếp theo tên là anh Ostrohradský, người sản xuất dây thắt lưng, là hàng xóm và người có họ gần nhất với ông Schepeler. Tuy khi còn sống, ông chú Schepeler không quan tâm chăm sóc gì đến cháu, nhưng bây giờ thì anh Ostrohradský đã được biết là trong di chúc của ông chú có ghi là anh được kế thừa năm nghìn zlatý. Đã mấy lần anh quay sang ông thợ nấu bia Kejřík để nói rằng “Ông ấy vậy mà có lòng tốt.” Anh Ostrohradský đi ngay sau quan tài, bên cạnh ông Kejřík. Ông Kejřík là một người đàn ông béo tốt, khỏe mạnh, bạn tốt nhất và thân nhất của người quá cố. Đi liền sau hai người là các ông Kdojek, Mužík và Homann, tất cả đều là nhân viên sở kế toán, nhưng có tuổi nghề ít hơn ông Schepeler; rõ ràng là họ cũng mãn nguyện. Thậm chí, chúng ta phải đau xót mà nói rằng, đến ngay cả bà quả phụ Marie Schepelerová, lúc này đang ngồi một mình trong chiếc xe ngựa đi đầu đám tang, cũng không cưỡng lại được sự hài lòng, nhưng mà than ôi, nó không phải là sự hài lòng do ngày tháng sáu đẹp đẽ trực tiếp mang lại. Con người tốt bụng ấy chẳng gì cũng là đàn bà, mà đã ba ngày nay bà ấy được trở thành trung tâm của sự thương cảm nồng nàn của bằng ấy người, thì hài lòng là phải. Sau nữa, bộ váy áo tang màu đen trông rất xinh xắn và hợp với dáng người mảnh mai của bà ấy, khuôn mặt luôn nhợt nhạt của bà nổi bật lên, đẹp một cách đặc biệt qua mảnh voan che mặt màu đen.
Chỉ có ông Kejřík là người duy nhất thấy đau buồn vì cái chết của ông Schepeler và không thể nào nguôi được. Ông Kejřík là người đàn ông chưa vợ, người mà tôi đã nói rằng là người bạn tốt nhất và thân nhất của ông Schepeler. Ngày hôm qua, bà quả phụ trẻ đã tỏ rõ cho ông ấy biết là bà ấy chờ đợi sự đền đáp xứng đáng của ông ấy, bởi vì bà ấy đã chung thủy đến thế với ông ấy trong suốt thời gian chồng bà còn sống. Khi người hàng xóm Ostrohradský nói với ông lần đầu “Ông ấy vậy mà có lòng tốt” thì ông Kejřík buồn bã trả lời: “Kể cả không có lòng tốt đi, nhưng vẫn có thể sống lâu hơn.” Từ lúc ấy trở đi, ông không nói gì thêm với anh Ostrohradský nữa.
Đám tang từ từ ra tới cổng thành. Ngày đó, cổng thành không mỏng mảnh gió thổi bay như bây giờ mà có tường thành dày, phía sau có hai đường hầm dài tối tăm dẫn đến nghĩa trang.
Xe tang vượt lên và dừng lại ở cổng thành. Các linh mục đứng quay mặt lại, những người khênh kiệu từ từ đặt kiệu với quan tài xuống đất, rồi các cha vẩy nước thánh. Những người đánh xe ngựa kéo một tấm ván từ xe ra để các thanh niên nâng quan tài lên đưa vào xe. Đúng vào lúc ấy thì việc đó xảy ra! Có thể là do một bên nâng mạnh quá, hay là cả hai bên đều không khéo tay, bởi vì chiếc quan tài đột ngột trượt đánh thình xuống đất và nắp quan bị bật tung ra. Thế là người quá cố tuy còn nằm trong quan, nhưng cả người hơi trượt xuống phía chân, cánh tay phải của ông ấy văng ra ngoài áo quan.
Tất cả mọi người rú lên kinh hoàng. Rồi im lặng. Im đến mức có thể nghe thấy tiếng tích tắc của đồng hồ trong túi người đứng bên cạnh. Ánh mắt mọi người chăm chăm hướng vào khuôn mặt cứng đơ của người quá cố. Lúc đó, bác sĩ Heribert đứng cạnh quan tài. Ông vừa đi dạo về qua cổng thành. Ông lách qua đám đông, nhưng phải dừng lại phía sau các linh mục. Bây giờ thì cái áo khoác màu xám của ông chạm vào bộ quần áo màu đen của người quá cố.
Việc đó xảy ra trong chớp mắt. Ông Heribert nắm tay người quá cố đang giơ lên, chắc là để đưa lại vào quan tài. Nhưng không, ông giữ lại nó trong tay mình, các ngón tay ông cử động không yên, mắt ông nhìn vào mặt người chết. Rồi ông đưa tay mở mi mắt bên phải của người ấy.
“Này, làm cái gì thế hả?” Anh Ostrohradský quát lên. “Sao không ai sửa lại đi? Để chúng tôi đứng ở đây mãi sao?
Mấy thanh niên giơ tay ra.
“Khoan đã!” Ông Heribert bé nhỏ kêu lên, tiếng ông vang to đến không ngờ. “Ông ấy chưa chết đâu!”
“Vô lý! Ông điên à?” Bác sĩ Link gầm lên.
“Cảnh sát đâu?” Anh Ostrohradský chêm vào.
Tất cả đều cực kỳ bối rối. Chỉ có ông thợ nấu bia Kejřík đi nhanh đến ông Heribert, lúc đó đang bình tĩnh.
“Thế là thế nào?” Ông hỏi một cách mong mỏi, hi vọng “Ông ấy... quả thật ông ấy chưa chết ư?”
“Chưa. Ông ấy chỉ bị cứng người thôi. Bây giờ các ông hãy đưa nhanh ông ấy vào một nhà nào đấy để ta thử cứu xem.”
“Ông này thật điên rồ!” Bác sĩ Link kêu lên. “Nếu mà ông ấy chưa chết thì...”
“Ông này là ai vậy?” Anh Ostrovský hỏi.
“Nghe bảo là bác sĩ...”
“Bác sĩ Hại đời thì có!... Cảnh sát đâu?” Anh thợ làm dây thắt lưng quát, và đột nhiên nhớ đến năm nghìn zlatý.
“Bác sĩ Hại đời,” các ông viên chức Kdojek và Mužík lặp lại.
Nhưng người bạn tận tụy Kejřík cùng với một số thanh niên đã cẩn thận khênh quan tài vào quán U Vápenice ở ngay cạnh đó.
Cả phố ồn ào náo động. Xe tang rời đi, những người đánh xe ngựa cũng quay đi. Ông viên chức Kdojek gọi mọi người:
“Ta vào đi, thế nào cũng biết được hết mọi việc!” Nhưng không một ai biết phải làm cái gì.
“Tốt quá, ông cảnh sát đã đến rồi!” Anh Ostrohradský chào viên cảnh sát. “Đang có chuyện trái phép lôi thôi lắm ông ạ... làm nhục người quá cố giữa thanh thiên bạch nhật... cả một nửa Praha đã trông thấy...” Nói đoạn, anh ta theo cảnh sát đi vào quán. Bác sĩ Link lỉnh đi đâu mất. Một lúc sau, anh Ostrohradský quay ra, sau anh ta là viên cảnh sát. Ông này nói với đám đông:
“Các ông các bà giải tán đi chứ! Không ai được vào trong ấy đâu! Bác sĩ Heribert nói là sẽ làm cho ông Schepeler tỉnh lại.”
Bà vợ ông Schepeler muốn ra khỏi xe, nhưng bị ngất đi. Sự sung sướng nhiều khi có thể giết người. Lúc này ông Kejřík vội vã đi ra và tới gần chiếc xe ngựa. Mấy người đàn bà đang xúm quanh bà Schepelerová. Ông bảo họ:
“Các bà đưa bà ấy về nhà đi, rồi bà ấy sẽ tỉnh.” Rồi ông tự nhủ: “Bà ấy trông mới dễ chịu làm sao...!” Ông quay lại, lên xe ngựa và đi ra chỗ bác sĩ Heribert đã bảo ông đến.
Xe đi khỏi, những người đưa đám cũng tản đi. Nhưng ở cổng thành vẫn còn đầy người và cảnh sát phải đứng trước quán để giữ trật tự. Người ta tụ tập thành từng nhóm, bàn tán đủ chuyện lạ đời. Có nhóm thì nói xấu bác sĩ Link, kể đủ thứ xấu xa về ông ấy, có nhóm thì chế giễu ông Heribert. Ông Kejřík thì chạy ra chạy vào; với vẻ mặt rạng rỡ, lúc đầu ông báo tin: “Rất có nhiều khả năng!”, sau đó lại bảo: “Chính tôi cũng thấy mạch đập rồi. Bác sĩ quả là người thần!”. Rồi ông cuống quýt kêu: “Thở được rồi! Thở được rồi!” và chạy vội ra xe ngựa để đi báo tin vui cho bà Schepelerová.
Cuối cùng, mãi đến khoảng 10 giờ tối, người ta khênh một cái cáng trùm kín ra khỏi quán Vápenice. Bác sĩ Heribert và ông Kejřík đi một bên, viên cảnh sát đi phía bên kia.
Tất cả mọi quán ăn ở Malá Strana đều đông chật người đến tận quá nửa đêm. Người ta không nói về cái gì khác ngoài chuyện ông Schepeler sống lại và về bác sĩ Heribert, người ta bàn tán chuyện trò rất hào hứng.
“Ông ấy biết nhiều hơn cả sách vở!”
“Cứ chỉ nhìn ông ấy là đủ thấy! Cha ông ấy vốn đã là bác sĩ giỏi đấy! Cha truyền con nối mà!”
“Ông ấy không muốn chữa bệnh à? Tất nhiên là ông ấy phải là bác sĩ rất đắt!”
“Chắc là ông ấy có tiền, thế đấy thôi!”
“Tại sao mà người ta lại gọi ông ấy là bác sĩ Hại đời nhỉ?”
“Hại đời ư? Tôi chẳng nghe thấy bao giờ.”
“Hôm nay tôi nghe thấy có đến hàng trăm lần”...
Hai tháng sau, ông Schepeler lại đi làm ở công sở như trước. “Ở trên kia có ông trời, ở dưới đất này có bác sĩ Heribert!” Ông nói vậy. Có lúc ông lại bảo “Anh Kejřík là vàng!”
Cả thành phố nói về bác sĩ Heribert. Chắc hẳn báo chí ở khắp nơi trên thế giới cũng đều viết về ông. Tất nhiên là cả khu Malá Strana tự hào hãnh diện vì ông. Người ta kể cho nhau nghe nhiều chuyện lạ. Nào là các công tước, bá tước, các nhà quý tộc quyền quý, ai ai cũng muốn mời bác sĩ Heribert làm bác sĩ riêng cho mình. Nào là nhà vua Ý đã dự tính thuê bác sĩ bằng một khoản tiền lớn chưa từng thấy. Nói chung, những người tha thiết mời bác sĩ chăm sóc cho mình đều là những người mà cái chết của họ có thể mang lại sung sướng cho nhiều người khác. Nhưng bác sĩ Heribert hoàn toàn không để ý đến ai. Thậm chí, người ta còn kể rằng bà vợ ông Schepeler đã mang đến cả một túi tiền, nhưng chưa lần nào được ông tiếp. Nghe bảo lần cuối cùng bà đến, ông đã đổ nước từ hành lang xuống người bà.
Vậy là lại thấy ông chẳng quan tâm gì đến ai. Người ta chào ông, nhưng ông không hề chào lại. Ông lại thất thểu đi trên đường phố như trước, cái đầu nhỏ bé gầy gò và nhợt nhạt của ông luôn luôn run rẩy. Không bao giờ ông nhận chữa cho ai. Nhưng người ta vẫn cứ gọi ông là bác sĩ Hại đời, cái tên ấy đến với ông một cách tự nhiên như từ trên trời rơi xuống vậy.
Phải đến chục năm nay tôi không trông thấy ông. Tôi cũng không biết ông có còn sống không. Nhưng ngôi nhà nhỏ của ông ở phố Oujezd vẫn còn đó, có lẽ có ngày tôi phải đến hỏi xem sao.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

- 7 -
Thủy thần​


Bao giờ ông Rybář cũng cầm cái mũ trong tay. Ngay cả khi trời rét căm căm hay nắng chói chang, cùng lắm thì ông cũng chỉ nâng chiếc mũ trụ rộng vành lên trên đỉnh đầu như nâng một cái ô. Mái tóc bạc trắng của ông được chải phía sau, bện chặt và buộc lại, chắc đến mức cứng không vung vẩy được. Đó là một trong những cái đuôi tóc bện cuối cùng ở Praha, ngay ngày ấy cũng chỉ còn hai, hoặc ba người tết tóc như vậy thôi. Ông mặc cái áo khoác màu xanh lá cây có cúc vàng. Áo có hai vạt trước ngắn cũn nhưng lại có vạt sau dài lê thê, thành thử ông vốn nhỏ bé trông càng như choắt lại. Cái áo sơ mi trắng che kín bộ ngực lép của ông, cái quần đen có ống chỉ dài quá đầu gối một tí, ở hai gấu quần có hai cái mặt khóa bằng bạc, rồi đôi tất trắng dài đến đầu gối, cũng có đôi mặt khóa bạc, cuối cùng là đôi giày to. Tôi không biết đôi giày ấy có được sửa chưa bao giờ không, nhưng lớp da của nó lúc nào cũng rạn nứt và có vẻ cũ kĩ.
Trên khuôn mặt dài nhọn và gầy gò của ông Rybář luôn luôn rạng rỡ một nụ cười. Khi ông đi ngoài đường, trông ông rất đặc biệt. Cứ đi được khoảng hai chục bước là ông lại dừng lại rồi ngó nghiêng sang phải sang trái. Như thể những suy nghĩ của ông không ở trong ông, mà đi sau ông một bước, và chúng luôn mang đến cho ông những ý nghĩ vui vẻ, vì vậy ông phải cười và thỉnh thoảng lại nhìn ngó một cách tinh nghịch. Khi chào một người nào đó, ông chỉ nâng tay phải, giơ ngón trỏ lên cao rồi huýt nhẹ. Bao giờ ông cũng huýt nhẹ như thế khi bắt đầu cất tiếng nói, và thường bắt đầu bằng từ “ờ”, với nghĩa đồng ý chấp nhận.
Nhà ông Rybář ở đường Hluboká, ngay phía dưới bên tay trái, có mặt tiền hướng sang đồi Petřín. Nhưng cho dù đã đứng ở trước cửa nhà mình, cứ hễ trông thấy những người nước ngoài nào rẽ tay phải đi sang khu Hradčany[23], bao giờ ông cũng đi theo họ. Khi họ dừng lại ở các điểm tham quan để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Praha, ông thường đứng cạnh họ, giơ ngón tay và huýt nhẹ: “Ờ, biển! Tại sao chúng tôi không có biển nhỉ!” Rồi ông đi cùng họ vào Lâu đài Praha. Khi thấy khách du lịch chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bức bình phong có chạm đá quý, ông huýt sáo một lần nữa: “Thế đấy, thế đấy! Ở Séc, nếu đứa trẻ chăn dê có lấy đá ném theo đàn dê thì hòn đá ấy thường quý hơn và có giá trị hơn đàn dê!” Chưa bao giờ ông nói với họ về cái gì khác những điều đó.
Bởi vì cái tên có nghĩa là Người Đánh Cá của ông, bởi cái áo khoác màu xanh lá cây ông mặc, bởi cái từ “biển” mà ông hay nói, chúng tôi gọi ông Rybář là Thủy thần. Nhưng bất kể người già con trẻ, tất cả chúng tôi đều kính nể ông. Ông quê ở vùng Turnov, là luật sư đã về hưu. Tại Praha, ông ở cùng với một cô cháu họ gần, còn trẻ, có chồng là viên chức nhỏ và có hai hay ba đứa con. Người ta kể rằng ông Rybář là một người cực kỳ giàu có. Không hẳn là vì nhiều tiền, mà là do ông có nhiều đá quý. Họ kể là trong căn phòng nhỏ của mình, ông có một cái tủ cao màu đen, trong tủ có rất nhiều cái hộp to và thấp cạnh, sơn màu đen. Mỗi một chiếc hộp được chia bằng các dải băng dính màu trắng thành các ô nhỏ, trong ô nào cũng có một viên đá quý sáng bóng đặt trên lớp bông. Có người đã tận mắt trông thấy nó. Nghe nói tất cả những viên đá quý ấy đều do ông tìm thấy ở núi Kozákov. Bọn trẻ con chúng tôi thì thường kể cho nhau nghe về chuyện ở nhà cô Šajvl, tức là ở nhà người cháu họ của ông Rybář, rằng ở nhà ấy có rất nhiều đường kính. Vì vậy mà chúng tôi vô cùng ghen tị với các con của cô. Một lần, tôi ngồi ở trên trên bờ lũy ở cổng thành Bruska, gần ông Rybář. Cứ khi nào đẹp trời là ông lại ra đó khoảng một tiếng, ông ngồi thoải mái trên bãi cỏ và hút tẩu. Lần ấy có hai sinh viên lớn tuổi đi qua, một anh nhạo ông: “Ông này đang hút bông lót váy của mẹ!” Từ đó, tôi cho việc “hút bông lót váy của mẹ” là một cái gì khác thường mà chỉ những người giàu có mới có thể làm được.
Cứ như vậy, “Thủy thần” thường đi dạo ở khu cổng thành Bruska. Nhưng mà có lẽ không nên gọi ông là Thủy thần nữa, vì chúng tôi đâu còn là trẻ con! Các kinh sĩ cũng thường đi dạo ở đó. Bao giờ gặp ai, ông cũng nhẹ nhàng nói vài lời. Tôi nhớ hồi đó, tôi rất thích nghe người lớn nói chuyện. Một lần, tôi nghe thấy ông đứng nói chuyện với hai người kinh sĩ ngồi ở một chiếc ghế dài. Họ nói về “Frankreich”, về sự “tự do”, toàn là những chuyện lạ tai. Đột nhiên, ông Rybář giơ cao ngón tay và huýt một tiếng: “Ờ, tôi cứ theo Rosenau. Ông Rosenau đã nói là sự tự do giống như thức ăn ngon và rượu mạnh. Nó nuôi sống người nào mạnh mẽ và làm cho người ta mạnh hơn, nhưng nó làm mệt, làm say, nó hủy hoại người yếu đuối.” Nói đoạn, ông nhấc mũ lên chào rồi bỏ đi.
Ông kinh sĩ to béo suy nghĩ: “Ông ấy bao giờ cũng nói đến Rosenau là nghĩa sao?” Ông thứ hai, cũng béo, nhưng nhỏ người hơn, trả lời: “Nhà văn, chắc là nhà văn.”
Nhưng tôi nhớ đến nội dung của câu ấy với tất cả những điều thông thái chứa trong nó. Tôi có ấn tượng cao đẹp về Rosenau, tương tự như về ông Rybář. Sau này, khi lớn lên và tự mình đọc được đủ các loại sách, tôi mới nhận ra rằng hồi đó ông Rybář đã trích dẫn khá đúng. Cái khác duy nhất là câu đó không phải do một Rosenau nào viết, mà chính là Roussenau[24] với hai chữ “s” trong tên. Chắc hẳn đó chỉ là một điều ngẫu nhiên dẫn đến cách phát âm sai như vậy của ông, nhưng hoàn toàn không vì thế mà làm giảm sự kính nể của tôi đối với ông. Quả thật, ông là một người vô cùng tốt!
Lúc đó là khoảng ba giờ chiều của một ngày tháng tám đầy nắng. Người nào đang đi ở phố Ostruhová cũng dừng lại; người nào đang đứng ở trước cửa nhà thì vội gọi ai đó ở trong nhà; mọi người từ các cửa hàng đều chạy ra đường. Tất cả đứng nhìn theo ông Rybář đang đi xuống dốc. “Ông ấy đi khoe của đấy,” ông Herzl, chủ quán bia ở nhà Hai mặt trời, bảo vậy. Tôi cũng muốn nói là theo ngôn ngữ của Malá Strana thì “hai mặt trời” quả đúng là hai mặt trời.
“Ấy, thế đấy!” Ông Vitouš ở cửa hàng chỗ góc phố kêu lên, “Chắc là bí lắm mới mang đi bán!” Tôi lấy làm tiếc, nhưng phải nói rằng ông Vitouš không được láng giềng tôn trọng lắm. Người ta kể rằng đã có lần ông ấy suýt bị phá sản. Và cho tới bây giờ, những người tử tế ở Malá Strana nhìn “người bị phá sản” bằng con mắt khác hẳn so với người ở nơi khác.
Ông Rybář vẫn bình thản đi tiếp, hơi nhanh hơn một chút so với lệ thường. Nách trái ông kẹp một trong những chiếc hộp màu đen mà người ta thường kể nhiều về chúng. Ông kẹp cái hộp vào mình, chặt đến mức mà cái mũ cầm trong tay như dính vào chân. Trong tay phải ông là chiếc ba toong có tay cầm bằng ngà voi. Cứ theo đó thì thấy là ông đang đi chơi thăm ai, vì những lúc khác không bao giờ ông mang ba toong. Khi có người chào, ông nhấc gậy chào lại và huýt sáo to hơn mọi ngày.
Ông đi hết phố Ostruhová, qua quảng trường Thánh Mikuláš rồi bước vào nhà ông Žambecký, lên tầng ba gặp ông Mühlwezel, giáo sư trường trung học, nhà toán học và khoa học tự nhiên. Ngày đó, người có kiến thức như vậy là người khác thường. Nhưng ông Rybář đã không dừng lâu ở đó. Giáo sư Mühlwenzel lúc đó đang vui vẻ thoải mái. Cơ thể to béo của ông vừa được nghỉ ngơi sau giấc ngủ trưa. Những sợi tóc bạc dài của ông vén quanh đầu, tủa ra mọi phía. Cặp mắt xanh đầy sức sống và thiện cảm của ông sáng lên. Đôi má vốn hồng hào của ông nóng rực. Trên đôi má to và hiền hậu ấy có đầy nốt rỗ vì thủy đậu, và đó là điều mà giáo sư thường đem ra để pha trò. “Chuyện đời là vậy,” ông nói, “khi cô gái cười mà có một lúm đồng tiền thì người ta bảo là đẹp, nhưng khi tôi cười, tôi có tới hàng trăm lúm đồng tiền mà người ta lại bảo là xấu!”
Giáo sư mời ông Rybář ngồi vào ghế bành rồi hỏi: “Nào, tôi có thể giúp ông được cái gì?”
Ông Rybář thận trọng đặt chiếc hộp lên bàn rồi mở ra. Các viên đá sáng loáng lộ ra. “Tôi muốn... tôi chỉ muốn biết... cái này... đáng giá bao nhiêu.” Ông lắp bắp rồi ngồi xuống, chống cằm vào tay cầm của chiếc ba toong.
Giáo sư Mühlwenzel xem các viên đá. Sau đó, ông lấy ra một viên tối màu, để trong tay và chìa ra chỗ sáng ngắm nghía.
“Đây là đá moldavite,” ông nói.
“Đá gì ạ?”
“Moldavite.”
“Ờ, moldavite,” ông Rybář huýt sáo. Nét mặt ông hơi tỏ ra rằng đây là lần đầu tiên trong đời ông nghe thấy từ ấy.
“Viên này có thể bổ sung cho bộ sưu tầm của trường tôi, loại này bây giờ cũng hiếm rồi. Ông có thể bán cho chúng tôi.”
“Vâng, để xem đã... Khoảng bao nhiêu ạ?”
“Ba zlatý. Được không ông?”
“Ba zlatý!” Ông Rybář huýt một tiếng nhẹ. Ông nhấc cằm lên, rồi lại chống vào ba toong. “Thế các viên khác thì sao?” Một lúc sau ông hỏi, giọng nghẹn trong cổ.
“Mã não, ngọc bích, thạch anh tím, thạch anh khói, cũng chả đáng giá gì.”
Chỉ một lúc sau, ông Rybář đã ra đến góc phố Ostruhová. Ông chậm rãi bước lên dốc. Lần đầu tiên, người trong phố thấy ông đội chiếc mũ. Cái vành mũ rộng trùm kín trán ông. Chiếc ba toong kéo lê thê theo người, gõ lanh canh trên đá lát đường. Ông không để ý đến ai, cũng chẳng hề một lần huýt sáo. Chắc chắn là hôm nay, không có một suy nghĩ nào tinh nghịch đuổi theo ông, tất cả đều dừng ở trong người, ở tận nơi sâu thẳm của tâm hồn ông.
Hôm ấy, ông không ra đường một lần nào nữa, cũng không ra cổng thành Bruska. Mà trời thì đẹp đến thế. Đã gần nửa đêm, nhưng bầu trời vẫn trong xanh như vào buổi sáng. Mặt trăng huyền ảo tỏa sáng, trời lấp lánh sao. Làn sương bạc trắng mờ tuyệt đẹp như phủ kín đồi Petřín, đổ tràn xuống cả Praha.
Qua hai cánh cửa sổ mở toang, ánh trăng vui vẻ tràn vào căn phòng nhỏ của ông Rybář. Ông đang đứng bên cửa sổ, người ngay đờ như bức tượng. Từ xa, tiếng nước sông Vltava[25] xối xả đổ ầm ầm qua đập chắn. Nhưng ông có nghe thấy tiếng nước ồn ào ấy không? Ông đột nhiên bừng tỉnh. “Biển!... Sao ở đây không có biển!”, ông thầm thì, đôi môi ông mấp máy run run. Cái luyến tiếc nhớ nhung cồn lên trong ông, ồn ã như sóng biển.
“Ôi chao!” Ông rùng mình rồi quay lại phòng. Trên sàn nhà có đầy những chiếc hộp đã được mở tung, ánh mắt ông dừng lại ở chúng. Ông chậm chạp với tay đến cái hộp gần nhất, lấy các viên đá ra và giữ chúng trong tay. “Này thì sỏi này!” Nói đoạn, ông vung tay ném chúng ra ngoài cửa sổ.
Phía dưới có tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng. Ông quên mất là dưới vườn có nhà kính.
“Chú ơi, chú làm gì vậy ạ?” Có tiếng nhẹ nhàng của một người đàn ông từ cửa sổ phòng bên cạnh. Bất giác, ông lùi lại một bước. Cửa phòng cọt kẹt mở, anh Šajvl bước vào. Chắc đêm đẹp trời làm anh ấy đứng lâu ở cửa sổ. Chắc anh để ý thấy nét mặt ông chú vợ hôm nay không yên khác thường và liên tục nghe thấy tiếng động từ phòng ông, chắc anh nghe thấy tiếng thở dài của ông vọng ra từ cửa sổ. “Thưa chú, chú định vứt tất cả những viên đá đẹp như thế ra ngoài kia hay sao?”
Ông già giật mình. Rồi, mắt vẫn chăm chăm nhìn sang đồi Petřín, ông nói khẽ:
“Chẳng có giá trị gì... chúng chỉ là những hòn sỏi...”
“Vâng, con biết là chúng không đáng giá cao, chính con cũng biết như vậy. Nhưng mà đối với chúng con, đối với chú, nó có giá trị chứ! Chú đã mất bao nhiêu công tìm ra chúng mà! Con xin chú giữ lại tất cả cho mấy đứa nhỏ nhà con. Chúng nó sẽ học để nhận biết các loại đá, chú sẽ dạy chúng nó...”
“Chắc vợ chồng anh tưởng là,” ông già lại mệt mỏi lên tiếng nói khẽ, “tưởng là chú giàu, chú quả thật...”
“Chú ơi,” anh Šajvl cầm tay ông chú rồi nói bằng giọng dứt khoát, nhưng nhẹ nhàng, “chú chẳng là thứ giàu có của chúng con sao? Không có chú thì tụi trẻ như không có ông, nhà con như không có cha. Chính chú cũng thấy là có chú, chúng con hạnh phúc như thế nào! Chú là niềm vui, là sự che chở của chúng con ở nhà này.”
Ông già đột ngột đi ra đến tận cửa sổ. Môi ông run run, mắt ông cay cay rưng rưng. Ông nhìn ra bên ngoài. Ông không trông thấy một cái gì cụ thể, tất cả mọi thứ đều lấp lánh như những hạt kim cương, tất cả mọi thứ đều như những con sóng vỗ đến tận cửa sổ ông đứng, tràn đến tận mắt ông. Ôi biển... biển!
Tôi xin ngừng kể ở đây vì tôi không biết tiếp tục thế nào nữa.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

- 8 -
Cái tẩu bọt biển​

Ngày 16 tháng hai năm một nghìn tám trăm bốn mươi, anh Vorel khai trương cửa hàng bột mì của mình ở ngôi nhà mang tên “Thiên thần xanh”. Bà vợ ông đại úy bảo cô con gái, lúc này đã đứng ở ngoài hành lang để chuẩn bị đi chợ: “Poldýnka ơi, con vào cửa hàng mới mua một gói bột thô nhé, ta ăn thử xem sao.”
Nhiều người nhẹ dạ có thể nói rằng mở một cửa hàng bột mì mới thì có gì là đặc biệt. Nhưng có lẽ tôi sẽ bảo kẻ nhẹ dạ đó: “Này, anh chả hiểu gì cả!”, hoặc chỉ nhún vai mà không nói gì. Thời đó, khi một người nhà quê nào cách hàng hai chục năm mới lên Praha, đi qua cổng thành Strahov đến tận phố Ostruhová, thì vẫn tìm thấy người bán hàng ở đúng góc phố như cách đó hai chục năm, vẫn thấy cửa hàng bánh mì với cái biển như xưa, vẫn thấy cửa hàng tạp hóa ở đúng ngôi nhà như trước. Thời đó, tất cả mọi thứ đều có chỗ cố định của nó. Vì thế, việc tự nhiên mở cửa hàng bán bột mì ở chỗ trước đó là cửa hàng tạp hóa chẳng hạn, là việc thuộc về những hành động dại dột ngu xuẩn đến mức không ai dám nghĩ tới. Cửa hàng là thứ cha truyền con nối, và giả sử nó được chuyển vào tay một người nào đó từ khu khác của Praha đến, hay người từ nhà quê lên, thì người đó cũng không bị cư dân địa phương coi hẳn là người lạ, bởi người đó đã tuân theo cái trật tự thành nếp ở đây mà không gây rắc rối bằng những cái mới lạ. Nhưng anh Vorel không những chỉ là người hoàn toàn xa lạ, mà lại còn đi mở cửa hàng bán bột mì ở trong ngôi nhà Thiên thần xanh là nơi từ trước đến nay chưa từng bao giờ có một cửa hàng nào. Vì cái cửa hàng mới ấy mà anh cho phá bức tường ở phía trông ra đường của căn hộ ở tầng mặt đất. Chỗ đó trước đây có cửa sổ uốn tròn. Ngày ngày, từ sáng đến chiều, ai đi qua cũng thấy bên cửa sổ ấy có một người đàn bà tuổi đã nhiều mang cái che mắt màu xanh ngồi trước quyển Kinh Thánh. Đó là bà quả phụ Stanková, bà đã mất cách đây ba tháng. Nhưng mà mở cửa hàng bột ở chỗ đó để làm gì?! Ở phố Ostruhová đã có một cửa hàng bột rồi, tuy nó ở tận cuối phố. Vậy thì mở cửa hàng thứ hai để làm gì?! Ngày đó, người ta vẫn còn nhiều tiền, phần lớn họ mua bột dự trữ ngay từ nhà xay bột. Có lẽ anh Vorel nghĩ là rồi sẽ buôn bán được. Có lẽ anh ấy nghĩ một cách tự phụ rằng anh ấy trẻ, đẹp trai, có khuôn mặt đầy đặn, có đôi mắt xanh mơ mộng và thân hình mảnh dẻ như thiếu nữ, hơn nữa còn chưa có gia đình, thì các bà nội trợ hẳn sẽ đến mua bột của anh. Nhưng mà trên đời này có nhiều chuyện lạ lùng!
Anh Vorel chuyển đến phố Ostruhová được khoảng ba tháng nay. Anh ấy là người nhà quê, ở đâu đấy không rõ. Người ta chỉ biết rằng anh là con trai một ông thợ xay bột, ngoài ra không biết gì hơn về anh. Có lẽ anh cũng tự nói cho họ biết về mình nhiều hơn, và sẵn sàng nói, nhưng mà có ai hỏi anh cái gì đâu. Với tất cả cái kiêu hãnh của cư dân địa phương, người ta tỏ ra chống đối anh, tỏ ra cho anh thấy rằng anh là người xa lạ đối với họ. Buổi tối đi uống bia ở quán Nhà vàng, anh ngồi một mình, chỉ một mình, ở góc cạnh lò sưởi. Những người khách khác chẳng hề để ý đến anh, nếu có thì cũng chỉ gật đầu khi anh chào họ. Người nào vào quán sau anh thì nhìn anh như thể anh là người lạ lần đầu tiên đến quán. Nếu anh vào quán khi mọi người đã ngồi ở đó rồi, thì đã có lần lập tức họ ngừng nói chuyện với nhau. Kể cả ngày hôm qua cũng không người nào để ý đến anh, mặc dù ở quán đã có một cuộc vui rất thân mật. Số là ông Jarmárka, nhân viên bưu điện, đã kỉ niệm đám cưới bạc, tức là kỉ niệm hai mươi nhăm năm ngày cưới của mình. Mặc dù cho đến nay, ông Jarmárka vẫn là người chưa vợ, nhưng ngày mười tám tháng hai là ngày mà cách đây hai mươi nhăm năm, chỉ một li nữa là ông lấy vợ. Một ngày trước khi cưới, người vợ tương lai của ông qua đời. Ông giữ lòng chung thủy với cô dâu của mình và không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy vợ nữa. Ngày hôm qua, ông coi việc kỉ niệm đám cưới bạc là điều thật sự nghiêm chỉnh. Tất cả cư dân địa phương, toàn là người tốt, đều cho việc đó là chuyện không có gì khác thường. Vì thế, sau khi uống bia như thường lệ, ông Jarmárka lấy ra ba chai rượu vang thì tất cả đều chân thành chạm cốc chúc mừng. Bởi bà chủ quán bia chỉ có hai cái ly để uống rượu vang, người ta chuyền ly rượu cho nhau. Ấy thế mà không một lần nào ly rượu đi tới tay anh Vorel; cho dù hôm ấy, anh ngồi hút một cái tẩu mới bằng đá bọt biển có nạm bạc, và anh sắm nó cũng chỉ cốt để cho có vẻ là một người dân địa phương.
Vậy là vào sáu giờ sáng ngày mười sáu tháng hai, anh Vorel mở cửa hàng bột mì của mình ở ngôi nhà mang tên Thiên thần xanh. Ngay từ hôm trước, hết thảy mọi thứ đã được chuẩn bị kĩ càng, cửa hàng bóng nhoáng lên, mới mẻ với tường sơn trắng bóc. Bột mì trắng xóa trên các giá để hàng và trong các gói bột để ngỏ, còn trắng hơn cả màu trắng của tường mới quét sơn. Đậu Hà Lan khô vàng ươm, vàng hơn cả màu vàng da cam của bàn tủ xung quanh. Đàn ông đàn bà trong phố đi qua đều nhìn vào cửa hàng, có người còn lùi lại vài bước để ngắm nghía. Nhưng không một ai bước vào trong.
“Rồi họ sẽ đến,” anh Vorel, trên người mặc bộ quần áo màu xám với ống quần ngắn đến đầu gối, tự nhủ vào lúc bảy giờ sáng. “Giá mà mình đã có người mua mở hàng rồi,” anh nói vậy vào lúc tám giờ rồi châm lửa hút cái tẩu đá bọt biển mới.
Lúc chín giờ, anh ra đứng ở gần cửa, sốt ruột nhìn ra ngoài đường để xem liệu có ai đến mua mở hàng cho không. Vào lúc đó, cô Poldýnka, con gái ông bà đại úy, đang đi lên dốc. Cô Poldýnka là một cô gái đẫy đà khoảng hai mươi tuổi; cô thấp người nhưng có đôi vai và cái hông rộng bè bè. Người ta đã đồn đại đến ba bốn lần rằng cô sẽ lấy chồng. Trong đôi mắt sáng màu của cô đã có vẻ thờ ơ, đúng hơn là vẻ mệt mỏi, cái vẻ thường thấy ở các quý cô, quý bà mãi chưa lấy được chồng. Bước chân đi của cô giống cách đi chập chững của trẻ nhỏ, nhưng có cái riêng đặc biệt. Cứ đi được một đoạn, cô lại vấp. Vào những lúc ấy, bao giờ cô cũng hơi kéo váy lên, như thể cô đã giẫm phải nó. Bước đi của cô làm tôi liên tưởng đến bài thơ dài với nhiều khổ thơ có số nhịp giống nhau.
Anh Vorel trông thấy cô Poldýnka.
Cô Poldýnka mang cái làn trong tay đi tới tận cửa hàng. Cô ngước mắt nhìn lên, như vẻ ngạc nhiên về cái gì đó, rồi vấp chân vào bậc thềm nhà, cô lên đứng giữa cửa ra vào. Cô vẫn chưa bước vào hẳn trong cửa hàng mà đã vội kéo khăn lên bịt mũi. Anh Vorel chờ khách hàng quá lâu nên đã hút thuốc rất nhiều, trong cửa hàng vì thế đầy khói thuốc.
“Xin chào cô ạ. Thưa, cô cần gì ạ?” Anh ân cần hỏi, lùi lại hai bước và đặt cái tẩu lên quầy.
“Hai bơ bột thô,” cô Poldýnka nói và quay nửa người ra phía ngoài cửa.
Anh Vorel đong hai bơ bột, đong thêm vào đó nửa bơ nữa rồi đổ vào chiếc túi giấy. Anh thấy là phải nói một cái gì đó.
“Tôi hi vọng là... là quý cô sẽ... hài lòng,” anh lắp bắp. “Bột đây, thưa cô!”
“Bao nhiêu?” Cô Poldýnka hỏi, cô nín thở rồi ho vào cái khăn.
“Xin cô bốn krejcar ạ. Vâng, xin cám ơn cô ạ. Được cô gái xinh đẹp mua mở hàng, tôi sẽ gặp may đây!”
Cô Poldýnka tròn mắt lạnh lùng nhìn anh Vorel. Một kẻ bán bột xa lạ ở đâu đến! Rõ dơ chưa, người này giá mà lấy được con bé Anuše tóc đỏ nhà ông bán xà phòng thì vẫn còn là may mắn cho hắn lắm, vậy mà hắn dám mạo muội thế này với cô. Cô lặng thinh không trả lời và đi ra ngoài.
Anh Vorel xoa xoa tay hài lòng. Anh lại nhìn ra đường, và trông thấy lão Vojtíšek, một người ăn mày. Chỉ trong nháy mắt, lão đã đứng ở cửa, cái mũ xanh cầm trong tay. “Một krejcar đây ông ạ,” anh Vorel nói bằng giọng tử tế, “cứ vào ngày thứ tư thì ông lại đến mà lấy nhé!” Ông lão ăn mày mỉm cười, cám ơn rồi đi tiếp. Anh Vorel lại xoa xoa tay và tự nhủ: “Xem ra có vẻ nếu mình cứ chăm chăm nhìn vào ai thì người ấy phải vào đây. Rồi chắc chắn sẽ bán được hàng!”
Thế nhưng ở trước ngôi nhà mang tên Tầng hầm sâu, cô Poldýnka đang đứng nói chuyện với bà Kdojeková, vợ ông nhân viên sở kế toán: “Khiếp quá, cửa hàng của anh ta đặc khói thuốc đến mức mà mọi thứ đều như bị hun khói.” Buổi trưa, khi ăn xúp nấu bằng bột thô đã mua, cô khẳng định một cách chắc chắn rằng xúp có mùi khói thuốc và đặt thìa xuống không ăn nữa.
Chỉ đến chiều ngày hôm đó, tất cả dân phố đã biết là mọi thứ ở cửa hàng của anh Vorel đều ám khói, rằng bột mịn thì như bị rang cháy và bột thô thì như bị hun khói. Và người ta đã không gọi anh Vorel bằng cái tên nào khác, ngoài danh hiệu “thợ bột hun khói”. Số phận của anh thế là đã được định đoạt.
Anh Vorel hoàn toàn không linh cảm được điều đó. Ừ, ngày đầu tiên mở cửa hàng không bán được, không sao! Ngày thứ hai, ngày thứ ba không bán được, anh bảo nhưng rồi sẽ khá hơn! Cho đến tận cuối tuần, anh vẫn chẳng bán được lấy hai đồng tiền vàng... xem ra có cái gì không ổn đây!
Ngày lại ngày, sự tình cứ tiếp tục như thế mãi. Không một người dân nào ở đây đặt chân đến cửa hàng của anh, họa hoằn lắm mới có người nhà quê nào đó lạc đường vào mua, chỉ có lão ăn mày Vojtíček là thường xuyên tới. Cái tẩu bằng đá bọt biển trở thành người bạn an ủi duy nhất của anh. Nỗi buồn phiền rầu rĩ của anh càng đầy bao nhiêu thì khói thuốc anh nhả ra càng dày bấy nhiêu. Mặt anh nhợt nhạt đi, cái trán nhăn lại, nhưng chiếc tẩu thì càng ngày càng đỏ hơn và bóng nhoáng lên vì được hút nhiều. Cảnh sát ở phố Ostruhová nhìn vào kẻ hút thuốc không biết mệt mỏi ấy ở trong cửa hàng bằng con mắt độc địa. Giá mà anh ta cứ ngậm tẩu mà bước qua ngưỡng cửa ra đường, ít ra chỉ một lần thôi, ta sẽ phạt ngay! Một trong những viên cảnh sát ấy là ông Novák, người có vóc dáng bé nhỏ. Ông tuyên bố sẵn sàng mất cái gì cũng được, miễn là có thể giật được cái tẩu ra khỏi miệng anh Vorel. Vì thế mà tự nhiên, ông Novák chia sẻ cái không thiện cảm của người địa phương đối với kẻ xa lạ ấy. Nhưng anh Vorel thì lại cứ rầu rĩ, cứ ngồi không hề nhúc nhích ở sau quầy!
Cửa hàng của anh trở nên trống trải buồn thênh. Năm tháng sau, người ta bắt đầu thấy có mấy người có vẻ đáng ngờ vực đến gặp anh. Đó là những người Do Thái. Lần nào họ đến, anh cũng đóng tấm cửa kính lại. Người dân địa phương bàn tán với nhau rằng chắc chắn ở Malá Strana sẽ có người bị phá sản. “Dây dưa với người Do Thái là dễ có chuyện.”
Vào dịp ngày Thánh Havel giữa tháng mười, người ta đồn rằng anh Vorel sẽ chuyển đi nơi khác, và ông chủ nhà sẽ sửa cửa hàng lại thành căn hộ. Cuối cùng thì trước khi chuyển nhà một ngày, cửa hàng bột của anh đã vĩnh viễn đóng cửa.
Nhưng ngày hôm sau, liên tục từ chín giờ sáng đến tận chiều tối, ở phía trước cửa hàng đã đóng cửa của anh Vorel lúc nào cũng đông người. Người ta kể cho nhau rằng khi không tìm thấy anh Vorel ở đâu, ông chủ nhà đã cho phá cửa để vào.
Khi cánh cửa được mở, một cái ghế gỗ đổ văng ra đường. Phía trên là thân thể người bán bột tội nghiệp đang treo lủng lẳng bằng sợi dây móc vào cái móc trên trần nhà. Anh ấy đã thắt cổ tự tử.
Lúc mười giờ sáng, người của cơ quan pháp y đến cửa hàng. Họ cho cắt dây đỡ anh Vorel xuống. Ông Uhmühl, cảnh sát trưởng của Malá Strana, đã giúp họ. Ông cho tay vào túi quần của anh Vorel và lấy ra cái tẩu. Ông đưa cái tẩu ra ánh sáng để ngắm nghía, rồi khẳng định:
“Chưa từng bao giờ tôi trông thấy cái tẩu nào được hút cẩn thận kĩ càng như cái này. Đây, các ông xem này!”​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

- 9 -​

Tiệm cà phê bên ba bông huệ​


Tôi tưởng lúc bấy giờ có thể phát điên lên được. Các mạch máu trong người tôi lúc ấy đều rạo rực và bồn chồn khắp cơ thể.
Một đêm mùa hè trời ấm áp nhưng tối đen như mực. Bầu không khí ngột ngạt như chết của những ngày gần đây tụ thành những đám mây đen sạm. Một luồng gió lốc thổi đêm qua, mang theo khí lạnh, khiến trời nổi cơn dông lớn, rồi lại mưa như trút nước và cứ thế kéo dài mãi tới đêm khuya.
Tôi ngồi dưới mái hiên lợp ván của tiệm cà phê “Bên ba bông huệ”, nằm kề bên Cổng Strahov. Tiệm này nhỏ thôi và khách cũng thường chỉ qua lại ngày chủ nhật, vì vào những buổi chiều này, ngoài cây đàn dương cầm hoạt động còn có các sĩ quan dự bị và lính tráng cũng đến tham gia khiêu vũ. Hôm nay đúng vào ngày chủ nhật. Tôi ngồi một mình cạnh chiếc bàn dưới mái hành lang kề ngay cửa sổ. Tiếng sấm bên ngoài ran lên từng hồi dữ dội, nước mưa đổ xuống các mái nhà gần như làm vỡ được ngói, rồi lại từ mái nhà tuôn xuống mặt đất như những mạch suối nhỏ. Tiếng dương cầm trong phòng chỉ tắt đi một lát vào những lúc giải lao ngắn ngủi, rồi liền sau đó lại vang lên từng nhịp liên hồi. Chốc chốc, tôi ngoảnh xem các đôi trai gái đang vui cười và quay tròn trong điệu nhạc, rồi lại nhìn ra vườn, một màu đen dày đặc. Mỗi lúc có chớp lóe sáng tôi lại trông thấy rõ hơn bức tường bao quanh khu vườn, và phía cuối hiên, lộ ra những đống xương người trắng hếu. Trước kia đây là một nghĩa địa nhỏ; tuần lễ vừa qua người ta mới đào lên để chuyển hài cốt đi nơi khác. Các mô đất lô nhô bên cạnh những nấm mồ cuốc nham nhở hãy còn há hốc mồm ra như thần đói.
Tôi cố ngồi yên bên cạnh bàn nhưng chỉ được một lát. Thỉnh thoảng tôi cứ phải nhổm lên, ghé sát người vào ô cửa sổ, nhìn vào gian trong, để có thể trông thấy các cặp trai gái được gần hơn. Một thiếu nữ xinh xinh, khoảng chừng mười tám tuổi, đã lôi cuốn tôi cả đêm hôm đó. Tầm vóc nhỏ nhắn, thanh thanh, phát triển vừa độ; nước da nàng ấm áp, dịu dàng, phía sau gáy là một mớ tóc đen buông xõa, nét mặt nàng mịn màng, đôi mắt tinh nhanh một cách yêu kiều khác thường; nói tóm lại, nàng rất xinh!
Cặp mắt nàng hấp dẫn tôi làm sao! Nó sắc như nước, long lanh như mặt hồ buổi rạng đông, như một cái gì có đủ sức hấp dẫn người ta đến vô tận, khiến tôi nhớ ngay đến câu nói của người xưa truyền lại: “Lửa còn no vì củi rừng, biển còn no vì nước, chứ thiếu nữ mắt đẹp có bao giờ làm no được lòng thanh niên”.
Nàng khiêu vũ luôn chân và hầu như không lúc nào nghỉ. Nhưng rất may mắn là chính nàng cũng để ý đến cặp mắt của tôi đã dõi theo nàng suốt buổi tối. Mỗi lúc nàng qua phía cửa chỗ tôi đứng, nàng thường liếc mắt nhìn lại tôi rất đăm chiêu, thế rồi khi nàng xa dần, xa dần, tôi thấy và cảm thấy trong từng bước đi, từng nhịp quay của nàng như đều có mang theo hình ảnh tôi trong đó. Tôi chú ý nhưng chẳng thấy nàng trò chuyện với ai một câu.
Tôi vẫn đứng nguyên chỗ cũ. Mặc dầu nàng đứng ở tận hàng cuối nhưng hai cặp mắt của tôi và nàng vẫn luôn luôn gặp nhau. Một điệu vũ nhịp bốn gần kết thúc, hồi nhạc thứ năm của chương trình khiêu vũ cũng vừa hết. Bỗng nhiên, một cô bé từ ngoài sân chạy lao vào trong phòng nhảy, quần áo ướt đẫm. Cô bé cố tìm đến nàng thiếu nữ mắt xinh. Âm nhạc bắt đầu nổi lên hồi sáu. Cô bé thầm nói với nàng một câu gì đó. Nàng khẽ gật đầu, rồi em bé lặng lẽ bước ra ngoài. Hồi nhạc thứ sáu hơi dài hơn mọi lần trước, một sĩ quan có dáng người thanh nhã dẫn nàng về chỗ. Tiếng nhạc vừa tắt, thiếu nữ mắt xinh còn liếc nhìn lại phòng nhảy một cách kín đáo và luyến tiếc, sau đó nàng mới tiến thẳng ra cửa trước, đi về. Tôi còn trông thấy nàng lấy chiếc áo ngoài phủ lên đầu, rồi từ từ biến mất.
Tôi đứng dậy quay về chỗ ngồi. Cơn dông lại bắt đầu diễn ra một lần nữa dữ dội hơn, như muốn trút hết những gì còn lại trong bầu trời đen tối. Gió rít lên từng hồi, chớp giật sáng lòe. Đầy cảm xúc, tôi lắng nghe tất cả những âm thanh đang dồn dập bên tai, nhưng bụng dạ tôi lúc này vẫn chỉ nghĩ về nàng, về cặp mắt xinh xinh đầy kỳ ảo của nàng. Tôi hoàn toàn không nghĩ đến chuyện bỏ nơi ấy về nhà.
Mười lăm phút sau, tôi lại nhìn ra cửa phòng khách của tiệm cà phê. Thiếu nữ mắt xinh đã đứng đó. Nàng đang lau khô mái tóc và vuốt lại quần áo cho phẳng phiu. Cạnh nàng có một thiếu phụ hơn tuổi đang giúp đỡ nàng.
“Sao cô lại ra đi giữa lúc mưa to thế?” Người thiếu phụ hỏi.
“Cô em tới gọi tôi về.”
Lần đầu tiên tôi được nghe tiếng nói của nàng. Giọng nàng êm dịu như tiếng tơ lanh lảnh một cách dễ thương.
“Nhà có chuyện gì xảy ra sao?”
“Mẹ tôi vừa mới mất.”
Tôi giật nảy người.
Thiếu nữ mắt xinh thong thả quay đi rồi lẩn ra ngoài một mình. Nàng đã tìm đến đứng cạnh tôi lúc nào không biết, đôi mắt nàng lúc này bám sát lấy tôi. Bất chợt, tôi cảm thấy hai bàn tay của nàng bên cạnh bàn tay run rẩy của tôi. Tôi nắm chặt lấy, chao ôi, đôi bàn tay của nàng mềm mại làm sao!
Trong giây phút trầm lặng, tôi kéo nàng dần dần vào mái hiên của tiệm nhảy; nàng buông mình để mặc theo ý muốn của tôi.
Cơn dông bão đã đến lúc dồn hết tốc lực về cuối. Một luồng gió thổi tạt ngang như một dòng nước cuốn bầu trời và mặt đất rung chuyển, trên đầu chỉ nghe tiếng sấm rền và xung quanh nghe như tiếng gào thét rùng rợn của những người quá cố vọng lên từ dưới mộ.
Nàng siết chặt lấy người tôi. Bộ quần áo ướt đẫm của nàng như dính sát vào ngực tôi, cơ thể nàng mềm nhũn, ấm áp, hơi thở nàng êm dịu. Tôi có cảm giác như chính tôi đang phải uống cạn cả cái tâm hồn u uất đang tụ đọng trong người nàng!​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

- 10 -​

buổi thánh lễ đặc biệt

Tôi ngồi ở chân cầu thang dẫn lên gác đàn và cố nén thở. Qua cánh cửa mắt cáo khép lại, tôi nhìn thấy rõ nội thất của Thánh đường; về phía tay phải trông tới tận lăng chạm bạc của Thánh John Baptist, nhìn ngang sang bên kia thì tới tận phòng Thánh. Lễ ban phước lành buổi chiều đã qua từ lâu, Thánh đường mang tên Thánh Vít[26] lúc này vắng tanh. Chỉ còn mẹ tôi, một người đàn bà ngoan đạo, đang quỳ gối và đắm chìm trong cầu nguyện bên lăng Thánh John Baptist, và một người nữa là ông già coi nhà thờ. Ông đi từ phía điện thờ Đức Thánh Václav[27] ra để làm vòng kiểm tra cuối cùng trong ngày. Ông lướt qua chỗ tôi ngồi, cách tôi khoảng ba bước, rồi rẽ sang cửa ra vào bên dưới cung nguyện Hoàng gia. Ông lắc xủng xoảng chùm chìa khóa, khóa cửa lại, còn ấn vào tay nắm cửa nữa để kiểm tra cho chắc chắn. Rồi ông đi tiếp. Lúc đó, mẹ tôi cũng đứng dậy, làm dấu thánh giá rồi rảo bước cạnh ông. Hai người đi khuất sau lăng Thánh John Baptist, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng chân bước và tiếng nói chuyện của họ, rồi cả hai xuất hiện ở phía bên đối diện, bên cạnh hậu cung. Ông già coi nhà thờ đóng sầm cửa, tra chìa vào ổ khóa và khóa cửa lại, rồi đi cùng mẹ tôi đến cửa ra vào bên phải. Thêm hai tiếng cài then cửa sắt nữa và tôi bỗng nhiên ở lại một mình trong Thánh đường đã khóa cửa. Một cảm giác kì lạ làm tôi rùng mình, tôi thấy lưng tôi nóng lên, nhưng cảm giác ấy không phải là không thoải mái.
Tôi đứng bật dậy, rút ở túi ra một cái khăn mùi xoa để buộc chặt tấm cửa mắt cáo, vì nó chỉ được cài bằng chốt cửa. Sau đó, tôi bước nhanh lên cầu thang tới chiếu nghỉ, nép người vào tường rồi ngồi xuống bậc thang. Tôi làm như vậy vì muốn cẩn thận. Tôi đã tin chắc rằng cửa vào Thánh đường sẽ được mở ra lần nữa, rồi sẽ có những con chó, chuyên làm chó canh ban đêm của nhà thờ, phóng vào. Các lễ sinh chúng tôi chưa bao giờ trông thấy các con chó ấy, cũng không bao giờ nghe thấy chúng sủa ở đâu, nhưng chúng tôi kể cho nhau rằng chúng là ba con chó đốm to lớn, hung dữ, trông giống như con chó của Thánh Václav ở bức tranh treo trên bàn thờ chính. Việc chúng không bao giờ sủa là biểu hiện của sự dữ tợn nham hiểm của loài chó.
Tôi biết là những con chó lớn biết tự mở cửa, vì vậy tôi đã dùng khăn mùi xoa buộc chặt cửa phía dưới chân cầu thang. Tôi cho là làm như vậy thì những con chó ấy không thể đi lên gác đàn được. Và sáng hôm sau, khi người coi nhà thờ dẫn chúng đi, thì tôi lại có thể đi xuống một cách an toàn. Vâng, tôi sẽ ngủ qua đêm ở Thánh đường Vít. Tất nhiên đó là điều bí mật, nhưng rất quan trọng. Lũ con trai chúng tôi biết chắc chắn là hàng ngày, nhất là vào lúc nửa đêm, Thánh Václav làm chủ tế thánh lễ ở trong điện của mình. Tôi phải thú nhận rằng chuyện ấy do tôi loan báo cho các bạn mình. Tôi đã được biết chuyện ấy từ một nguồn tin tốt và đáng tin cậy. Ông già coi nhà thờ tên là Havel, nhưng vì cái mũi dài khác thường của ông mà người ta gọi ông là Havel Gà Tây. Chính ông đã kể chuyện ấy cho bố mẹ tôi nghe, đồng thời trong lúc kể, ông đưa mắt nhìn tôi một cách khác lạ. Lập tức, tôi hiểu rằng ông không muốn tôi biết chuyện ấy. Tôi đem chuyện kể cho hai đứa bạn thân nhất của mình. Chúng tôi thống nhất với nhau là sẽ đi xem buổi lễ thánh vào nửa đêm, bởi Đức Thánh Václav là thần tượng của chúng tôi. Tất nhiên là tôi được ưu tiên, và thế là hôm nay, là người đầu tiên trong bộ ba, tôi ngồi một mình ở gác đàn, bị đóng cửa và bị ngăn cách với toàn bộ thế giới bên ngoài.
Tôi biết là hôm nay, ở nhà sẽ không ai tìm tôi. Tôi đã nói dối mẹ, nói dối khéo đến mức mà đứa con trai chín tuổi tài năng nào cũng phải lấy làm tự hào, rằng cô chúng tôi ở bên Thành phố Cổ muốn tôi chiều nay sang bên nhà cô. Dĩ nhiên là tôi sẽ ngủ lại ở đó, nhưng sáng hôm sau tôi sẽ lại đi cầu nguyện sớm và sẽ giúp lễ theo đúng phận sự của lễ sinh. Nếu sau này mà có tiết lộ bí mật, thì bao giờ tôi cũng có thể kể về việc thấy Đức Thánh Václav làm chủ tế lễ thánh như thế nào! Tôi nghĩ tôi sẽ trở thành người đặc biệt, gần giống như bà Wimmrová, mẹ của anh Wimmr, thợ mộc ở Hradčany. Vào thời có dịch tả, nghe bảo bà ấy tận mắt trông thấy nữ tu sĩ dòng Capuchin, cô Maria, mặc áo choàng bằng vàng, đi trên quảng trường Loretán vào ban đêm và vẩy nước thánh vào các ngôi nhà ở đó. Thuở ấy, mọi người đều hi vọng là sẽ tránh khỏi dịch bệnh, ai ngờ chính ở những ngôi nhà ấy, bệnh còn hoành hành dữ tợn hơn trước. Rồi sau đó, người ta mới giải thích việc đó là tại cô Maria đã vẩy nước thánh vào những ai sẽ lên thiên đường gặp cô.
Có lẽ bất kì ai trong chúng ta, dù chỉ trong khoảng khắc, cũng có lần ở trong điện thờ một mình và biết cái không gian rộng lớn, yên tĩnh trang nghiêm ấy tác động mạnh mẽ lên cảm giác như thế nào. Tất nhiên, đối với một đứa trẻ giàu trí tưởng tượng luôn chờ đợi những sự việc hoàn toàn không bình thường, thì ấn tượng đó càng được tăng lên gấp bội. Tôi đã chờ một lúc, đồng hồ điểm mười lăm phút, nửa giờ, tiếng đồng hồ vọng vào nhà thờ rõ mồn một, nhưng ở phía cửa hoàn toàn không thấy có động tĩnh gì. Hay là hôm nay người ta cho rằng không cần phải canh nhà thờ chăng? Hay là phải đến lúc tối hẳn người ta mới thả chó ư?
Tôi đứng dậy và từ từ thẳng người lại. Ánh sáng ban ngày đã mờ nhạt chiếu qua cửa sổ lớn chỗ gần tôi nhất. Bây giờ là cuối tháng mười một, sau lễ thánh Kateřina, ngày đang rút ngắn lại. Có ít tiếng động từ bên ngoài vọng vào, nhưng mà khi đã có thì chúng đều vang lên rất to. Vào buổi tối, ở đây im ắng buồn thênh. Có lúc tôi nghe thấy bước chân đi nặng nề của ai đó. Một lúc sau, tôi nghe thấy nhiều bước chân hơn và tiếng nói to ồn ồn của hai người đàn ông đi qua. Rồi có tiếng ầm sâu trầm từ xa vọng tới. Một cỗ xe nặng đi ở phía cổng dẫn vào Lâu đài. Tiếng ầm nghe rõ hơn, chắc xe đã đi qua cổng và đang tới khu lân cận nhà thờ. Tiếng xe lăn mỗi lúc một gần hơn, lớn hơn, rồi tiếng lộp cộp của vó ngựa, tiếng loảng xoảng của dây xích nặng, tiếng lộc cộc của bánh xe lớn, chắc hẳn đó là xe quân sự đang đi vào doanh trại hoàng gia. Tiếng xe lăn ầm ầm, mạnh đến mức làm rung cả cửa sổ nhà thờ; ở một chỗ nào đó bên trên gác đàn vang lên tiếng chíp chíp không yên của chim sẻ. Tôi thở phào khi nghe thấy tiếng chim. Cảm giác là ở chỗ nào đó trong nhà thờ có con vật sống làm tôi nhẹ nhõm.
Đúng ra thì tôi không thể nói rằng tôi sợ hãi khi ở một mình trong nhà thờ. Vì tại sao mà sợ chứ? Mặc dù nhận thức được cái bất thường của việc đang làm, nhưng tôi không nghĩ tôi làm gì sai trái. Không một cảm giác có tội nào giày vò tâm hồn tôi, trái lại, tôi cảm thấy phấn chấn, thấy đó là điều cao siêu. Cái hào hứng sốt sắng về tín ngưỡng như làm tôi trở thành sinh linh đặc biệt và cao thượng. Trước đó, và thú thật cả sau này, không bao giờ tôi cảm thấy mình hoàn hảo như thế, đáng được mọi người ghen tị như thế. Giá mà một đứa trẻ có khả năng tự mãn ngu ngốc như người lớn thường xử sự thì tôi đã có thể nghiêng mình tự khâm phục mình. Ở những nơi khác, vào những lúc khác, có thể tôi sợ ma chẳng hạn, nhưng mà ở trong nhà thờ thì ma quỷ không thể có một quyền lực nào cả! Còn linh hồn của các vị thánh yên nghỉ ở đây thì sao? Hôm nay tôi chỉ có việc với Đức Thánh Václav thôi. Chắc chắn Ngài sẽ lấy làm mừng vì tôi, rằng tôi bạo dạn đến thế này cũng chỉ để được nhìn thấy sự linh thiêng của Ngài, nhìn thấy Ngài làm thánh lễ thờ trời. Nếu Đức Thánh muốn, tôi sẽ sẵn sàng giúp lễ biết nhường nào, tôi sẽ chú ý đến nhường nào khi nâng Kinh Thánh, cũng như khi lắc chuông để không lắc nhiều hơn mức cần thiết, dù chỉ duy nhất một lần! Tôi cũng muốn kéo ống thổi ở đàn phong cầm và sẽ hát, sẽ hát bằng giọng cao thánh thót, hay đến mức Thánh Václav phải bật khóc, sẽ đặt hai bàn tay lên đầu tôi mà nói: “Con là đứa trẻ ngoan ngoãn!”
Đồng hồ điểm năm giờ chiều, tiếng điểm giờ vang to làm ngắt quãng dòng suy nghĩ lan man của tôi. Tôi rút quyển sách từ túi sách đeo ở vai, đặt lên lan can và bắt đầu đọc. Mặc dù trong nhà thờ đã tối mờ, nhưng vẫn còn đủ cho mắt người trẻ đọc sách. Chỉ có điều là bất kì một tiếng động nào, dù là nhỏ nhất, vọng đến từ bên ngoài cũng đều gây rối tôi. Nó làm tôi ngừng đọc cho đến tận lúc ngoài đó lại hoàn toàn im lặng. Tự nhiên, tôi nghe thấy tiếng những bước chân ngắn ngủi vội vàng tiến tới gần, rồi dừng lại ở bên cửa sổ. Ngay lập tức, tôi vui mừng nhận thấy bên ngoài là hai đứa bạn của tôi. Một tiếng huýt sáo đặc biệt, dấu hiệu ưa thích của chúng tôi, vang lên ngoài cửa sổ. Tôi run người sung sướng thấy bạn bè vẫn nghĩ đến tôi. Vậy là chúng nó đã lại đến đây. Khổ thân chúng nó, có thể vì thế mà khi về nhà chúng nó sẽ bị ăn đòn! Đồng thời, tôi cũng run người vì tự hào, rằng chắc bây giờ các bạn tôi đang rất khâm phục tôi, rằng chúng nó chắc rất muốn được ở vào địa vị của tôi, dù chỉ trong một tiếng đồng hồ... rồi cả đêm chúng sẽ không ngủ được! Còn tôi, tôi muốn biết bao, nếu được để chúng vào đây với tôi một tiếng đồng hồ!
Bây giờ có tiếng huýt sáo của Fricek. Vâng chính nó rồi, con trai ông thợ giày, làm sao mà tôi chẳng nhận ra! Tôi rất quý Fricek. Tội nghiệp, cả ngày hôm nay nó chẳng gặp may mắn gì cả. Ngay từ buổi lễ thánh đầu tiên lúc sáng sớm, nó đánh đổ nước lên giày của cha cố, vì nó cứ luôn nhìn ngó đâu đâu khắp nhà thờ, chứ không nhìn vào cha. Buổi chiều, nó lại bị thầy giáo bắt quả tang lúc đang hôn cái Anynka, con gái thầy hiệu trưởng và trao thư cho Anynka. Tất cả ba đứa chúng tôi đều thích Anynka và Anynka thì cũng thích cả ba. Tôi nghe thấy tiếng huýt sáo nữa, lần này thì là tiếng huýt của Kubíček. He he, Kubíček! Giá mà tôi cũng được huýt sáo, hoặc nói to một tiếng để trả lời chúng nó, nhưng mà không được, vì tôi đang ở trong nhà thờ. Hai đứa bạn tôi cố ý nói chuyện to để tôi nghe được, có lúc chúng nó hét lên, nhưng tôi chỉ nghe lõm bõm được mấy từ: “Mày ở đó hả?”... “Này, có ở đấy không?”... “Có sợ không?” “Tao đây! Không sợ!”, tôi nói thầm. Khi có người nào đi qua, cả hai đứa đều chạy khỏi đó một đoạn, rồi lại quay lại. Tôi có cảm giác như nhìn xuyên được qua tường, trông thấy được mọi cử động của chúng nó, và miệng tôi luôn nở nụ cười. Bất chợt, một tiếng đập đánh cốp ở cửa sổ làm tôi giật mình! Chắc hẳn hai đứa ném viên đá vào cửa sổ. Rồi lại tiếng nữa! Vào lúc đó, ở gần đấy có tiếng người đàn ông nói to. Tôi nghe thấy tiếng quát tháo của ông ấy và tiếng các bạn tôi bỏ chạy. Hai đứa không quay trở lại nữa, còn tôi cứ ngong ngóng chờ, vô vọng…
Lần đầu tiên, tôi run người vì một cảm giác nhớ nhung. Tôi nhét quyển sách vào cặp, đi sang lan can ở phía đối diện và nhìn xuống phía dưới nhà thờ. Tôi có cảm tưởng là nó buồn hơn trước đây, chính nó buồn chứ không phải là do trời đã tối. Tôi nhận ra được tất cả mọi thứ xung quanh, dù cho có tối hơn nữa tôi cũng nhận ra được, vì tôi biết tất cả. Nhưng tôi như thấy ở các cột và cả ở các bàn thờ đều có phủ các tấm vải dài màu xanh dùng vào mùa thương khó. Chúng bao phủ lên mọi thứ một bằng một màu gì đơn điệu hay là cái gì không màu sắc. Tôi nghiêng người qua lan can. Ở bên phải, phía dưới phòng nguyện Hoàng gia, có ngọn đèn vĩnh cửu không bao giờ tắt. Ngọn đèn ấy nằm trong tay bức tượng người nữ thợ mỏ bằng đá gắn trên cột, với quần áo mang màu sắc giống như thật. Ngọn lửa nhỏ bé chiếu thầm lặng như ngôi sao nhỏ yên tĩnh nhất trên bầu trời, và chẳng hề lay động. Bên dưới ánh sáng ấy, tôi thấy nền nhà thờ được chia ra thành từng ô, thấy một dãy ghế bóng màu nâu tối phía đối diện, thấy mờ mờ một dải bằng vàng trên tấm áo của bức tượng gỗ một vị thánh ở trên bàn thờ gần nhất. Tôi không sao nhớ ra được bức tượng ấy hình thù ra sao trong ánh sáng ban ngày. Mắt tôi quay trở lại bức tượng người thợ mỏ. Từ phía dưới, ngọn lửa nhỏ hất ánh sáng lên đôi má tròn của tượng, khiến nó giống như một quả cầu màu đỏ nhem nhuốc và không hoàn thiện. May mà tôi không trông thấy đôi mắt lồi của bức tượng, đôi mắt mà chúng tôi sợ cả vào ban ngày. Xa xa một chút là lăng Thánh John. Ánh sáng tối dần trên lăng làm tôi không nhìn thấy rõ được cái gì. Rồi mắt tôi lại quay trở về bức tượng người thợ mỏ. Tự nhiên, tôi có cảm giác rằng cái đầu của bức tượng như cố tình ngả về phía sau, như thể đang cười một cách tinh nghịch ranh mãnh, và cái màu đỏ trên má cũng là do cười, một nụ cười đầy bí ẩn. Có thể là bức tượng đang nheo mắt nhìn tôi và cười tôi nữa. Rồi tôi sợ. Tôi nhắm mắt lại và tụng kinh. Ngay lập tức, tôi lại thấy trong người nhẹ nhõm hơn. Tôi đứng dậy và lại mạnh dạn nhìn pho tượng thợ mỏ. Ngọn lửa nhỏ tiếp tục yên lặng tỏa sáng. Đồng hồ trên tháp điểm bảy giờ tối.
Nhưng lúc này, tôi có một cảm giác khó chịu khác. Tôi rùng mình vì rét. Bên ngoài, trời giá lạnh và khô, tất nhiên bên trong nhà thờ rất rét. Mặc dù tôi đã mặc nhiều quần áo, nhưng cũng không phải là quá nhiều để đủ chống rét. Thêm vào đó, tôi bắt đầu thấy đói. Giờ ăn chiều thường lệ đã qua rồi, và tôi đã hoàn toàn quên không mang theo cái gì để ăn cả. Tôi quyết định sẽ chống lại cái đói một cách dũng cảm. Tôi coi đó là sự chuẩn bị xứng đáng cho niềm sung sướng hạnh phúc tôi sẽ có lúc nửa đêm. Nhưng mà cái rét căm căm cứ ngấm dần vào da thịt, không thể chống lại nó chỉ bằng ý nghĩ được. Tôi cần phải cử động để cho ấm người lên một chút. Tôi đi đi lại lại ở gác đàn và đi đến tận cái đại phong cầm. Phía sau nó là cầu thang dẫn lên gác đàn chính. Vì biết những chỗ này rất rõ, tôi bước lên cầu thang. Bậc thang đầu tiên cọt kẹt làm tôi nghẹn thở. Nhưng tôi vẫn tiếp tục đi lên, từ từ và thận trọng, giống như chúng tôi vẫn thường làm vào những ngày lễ. Bao giờ chúng tôi cũng cố đi thật nhẹ nhàng để người phục vụ ống thổi đàn phong cầm không nghe thấy tiếng, rồi trước khi ông ấy kịp đuổi, chúng tôi lẩn nhanh vào giữa các nhạc công.
Tôi leo lên đến gác đàn chính. Thận trọng bước từng bước một, tôi đi ra phía trước. Tại đây, nơi mà thường ngày chúng tôi chỉ dám lên một cách lét lút sợ sệt và luôn cảm thấy cái bồi hồi thơ mộng, bây giờ tôi đứng một mình, chỉ một mình, không bị ai theo dõi, không bị ai canh giữ. Ở hai bên đàn đại phong cầm có các hàng ghế ngồi xếp thành bậc từ thấp đến cao, trông như những bậc ghế ở đấu trường La Mã. Tôi ngồi xuống bậc thấp nhất, ngay bên cạnh những chiếc trống kim loại. Bây giờ, giá mà tôi gõ mấy cái trống có vẻ đẹp quyến rũ hùng hồn này, thì ai có thể ngăn cản tôi được? Tôi nhẹ nhàng chạm ngón tay vào mặt chiếc trống ngay bên cạnh mình, nhẹ đến mức như thể không muốn chạm đến lớp bụi phủ trên nó. Rồi tôi lại chạm vào lần nữa, nhưng mạnh hơn một chút. Và tôi nghe thấy tiếng chạm tay ấy, mặc dù đó là âm thanh hầu như không nhận ra được. Thế là tôi thôi không động tay vào trống nữa. Tôi có cảm giác rằng mình đã làm một việc gì tội lỗi.
Những pho sách Thánh Vịnh đặt trên giá sách ở lan can trước mặt tôi đang mờ dần đi. Tôi cũng có thể chạm vào những quyển sách ấy, cũng có thể thử xem có nhấc lên được không. Vào ban ngày thì chắc chắn tôi không cưỡng lại được điều đó. Đối với chúng tôi, những pho Thánh Vịnh khổng lồ ấy bao giờ cũng mang đầy vẻ bí ẩn. Các cuốn sách ấy có bìa viền bằng đồng nặng, những tấm bìa cứng đã bị rạn nứt, những trang sách bằng vải da, được lật bằng các que gỗ, đã bị bẩn ở các góc do sờ mó, nhưng nổi bật lên ở đó là các chữ viết hoa được giát vàng, có màu sắc rực rỡ, những hàng chữ kiểu cổ viết bằng mực đen và các nốt nhạc đen và màu viết trên khuông nhạc rộng. Các nốt nhạc ấy to đến mức mà từ trên bậc ghế cao nhất chúng tôi cũng nhìn thấy rất rõ. Một quyển Thánh Vịnh như thế phải nặng vô cùng, chính vì vậy mà ông ca sĩ gầy gò hát giọng nam cao không thể nhúc nhích sách được. Lũ con trai chúng tôi vì thế đã coi thường ông ta. Khi cần di dịch sách, bao giờ ông ca sĩ giọng trầm với vóc người to béo và khuôn mặt đỏ cũng phải đảm đương, và ngay cả ông cũng làm việc đó một cách nặng nhọc. Chúng tôi rất quý ông, cái giọng hát trầm của ông làm chúng tôi rung động, như thấm truyền vào người chúng tôi. Khi có đám rước, bao giờ chúng tôi cũng cố đi gần ông. Vào những ngày lễ lớn, ông thường đứng ở phía trước tôi, cạnh ông là hai người khác hát giọng trầm, nhưng không hát tốt như ông. Cả ba cùng nhìn chung vào một bản nhạc. Phía bên trái có hai người hát giọng cao, nhưng chúng tôi đâu để ý nhiều đến giọng hát cao, mặc dù chúng tôi kính nể một trong hai người đó. Ông ấy cũng gõ trống nữa. Đối với chúng tôi, giây phút trang trọng nhất là khi ông cầm dùi trống trong tay và người đứng cạnh ông nâng cái kèn trombone. Người đó là thương gia Rojko, ông chủ ngôi nhà mang tên Con chim đá. Xa hơn nữa về phía tay trái là ca đoàn bè nam, cùng với họ là người ca trưởng nghiêm khắc. Tôi như nghe thấy tiếng nhắc nhở của ông trước buổi lễ thánh, tiếng sột soạt của các bản nhạc có lời được phát cho mọi người, tiếng chuông lớn vang rộn rã ở bên ngoài. Bây giờ thì như có tiếng giật chuông nhỏ ở cửa phòng Thánh, tiếng đàn đại phong cầm chơi khúc dạo đầu, những nốt nhạc trầm kéo dài như rung chuyển cả nhà thờ, người ca trưởng ngoái cổ nhìn xuống bàn thờ chính, rồi quay lại vẫy nhanh đũa nhịp. Làn điệu tuyệt đẹp và trang trọng của kinh Kyrie vang lên, tràn đầy nhà thờ, bay lên đến tận các vòm mái trên cao. Tôi như nghe thấy tiếng hát của ca đoàn, tiếng nhạc của các nhạc công, tôi mơ màng cho đến tận bản phúc âm cuối lễ. Chưa từng bao giờ có một buổi thánh lễ nào đẹp như buổi lễ này trong tâm hồn tôi. Ôi, những nốt nhạc trầm quyện với tiếng trống và tiếng kèn trombone hùng hồn! Tôi không biết buổi thánh lễ ấy kéo dài trong tâm trí tôi bao lâu, nhưng tôi có cảm tưởng rằng trong thời gian đó, đã mấy lần tôi nghe thấy tiếng điểm giờ ở tháp. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy cái lạnh buốt xuyên qua người, rồi tôi từ từ đứng dậy.
Làn ánh sáng màu bạc nhẹ nhàng như đang bay lượn ở nhịp chính của nội thất Thánh đường. Ánh sáng của bầu trời đầy sao bên ngoài, có thể là cả ánh trăng, chiếu qua các tấm cửa sổ. Tôi bước lên bục bên dưới lan can và nghiêng người nhìn xuống Thánh đường. Tôi thở thật sâu và hít vào phổi một thứ mùi đặc biệt của các nhà thờ, một thứ mùi do mùi thơm và mùi mốc quyện vào nhau. Đá cẩm thạch ở trên lăng lớn sáng lên. Gần bàn thờ chính, ngọn đèn vĩnh cửu thứ hai ở phía đối diện đang lung linh tỏa sáng và trên các bức tường vàng ở bàn thờ như lấp lánh những đốm sáng nhỏ màu hồng. Tôi vẫn đang mơ màng rung động. Ôi, không biết buổi thánh lễ do thánh Václav chủ tế sẽ như thế nào nhỉ? Chắc là tiếng chuông đánh từ tháp chuông bên ngoài sẽ không làm át tiếng của thánh lễ, cả thế giới sẽ biết đến buổi thánh lễ và nó sẽ không còn bí ẩn thần kỳ hơn nữa. Nhưng chắc là tiếng chuông ở phòng Thánh sẽ vang lên, tiếng đại phong cầm sẽ nổi lên, đoàn rước chủ tế sẽ đi trong ánh sáng tuyệt đẹp qua bàn thờ chính và nhịp bên phải, rồi từ từ tiến đến điện thờ Đức Thánh Václav. Đoàn rước chắc sẽ đi theo thứ tự như bất kỳ đoàn rước nào trong buổi lễ thánh vào chiều ngày chủ nhật, tôi hoàn toàn không thể tượng tượng ra được một thứ tự nào khác.
Mang cây đèn kim loại sáng bóng có cán màu đỏ đi đầu đoàn rước chắc sẽ là các thiên thần, vì người nào khác có thể đảm đương được việc đó! Rồi ca đoàn sẽ là những ai nhỉ? Tôi tưởng tượng họ sẽ đi hàng đôi. Họ là những bức tượng đá có vẽ màu, đặt ở hành lang chạy quanh chính đường ở phía trên cao kia. Đó là tượng các vua và hoàng hậu Bohemia của nhà Luxembourg[28], các vị Tổng giám mục, các kinh sĩ, những người đã xây dựng Thánh đường. Nhưng chắc chắn là các kinh sĩ hiện nay sẽ không được đi ở đó, bởi họ không xứng đáng, nhất là ông kinh sĩ Pesina! Ông này đã sỉ nhục tôi. Một lần, tôi rước cây đèn trong buổi thánh lễ, tôi chỉ cần nghiêng đèn có một tí thôi mà ông ấy đã cho tôi cái bạt tai. Một khi khác, người đánh chuông cho phép tôi lần đầu tiên được lên tháp chuông để đánh cái chuông mang tên Josef. Tôi đã ở trên tháp chuông một mình, hoàn toàn một mình với những chiếc chuông khổng lồ. Sau khi đánh chuông, tôi đi xuống và vẫn còn thấy trong người rạo rực tự hào. Đi tới chân cầu thang, tôi nghe thấy tiếng kinh sĩ Pesina hỏi người đánh chuông: “Thằng ngốc nào đã ở trên đó hả? Sao mà nó đánh vội vàng thế!”
Tôi như nhìn thấy tất cả các nhân vật ấy với những cặp mắt đá đi trong đoàn rước. Thật lạ lùng, tôi không tưởng tượng ra được thân hình và chân của họ; đó chỉ là những bức tượng nửa người, nhưng họ di chuyển y hệt như đang bước. Đi sau họ, tôi nghĩ chắc sẽ là các vị Tổng giám mục đang yên nghỉ ở điện Kinsky, tiếp theo là các thiên thần bạc của Đức Thánh John, rồi chính Thánh John mang trong tay cây Thập giá. Đi theo Đức Thánh John là hài cốt của Thánh Zikmund[29], chỉ có mấy cái xương đặt trên chiếc gối màu đỏ, nhưng tôi trông thấy cái gối ấy cũng như đang bước đi. Rồi nhiều hiệp sĩ mặc áo giáp, đi sau họ là các nhà vua và các quận công đang yên nghỉ ở các lăng tẩm trong Thánh đường. Có người mang y phục sang trọng bằng cẩm thạch màu đỏ, có người lại mang y phục bằng cẩm thạch màu trắng, trong số đó có vua Jiří Poděbrad[30]. Đi sau cùng là Đức Thánh Václav, trong tay mang thánh chén có phủ khăn bạc. Đức Thánh có dáng người cao, vạm vỡ và trẻ trung. Trên đầu, Đức Thánh không đội mũ biretta, mà chỉ mang chiếc mũ giáp. Nhưng chiếc áo giáp lưới sắt phòng thân lại được phủ bằng áo lễ bằng lụa trắng. Mái tóc dày màu hạt dẻ của Đức Thánh uốn sóng, khuôn mặt hiền hậu, trầm tĩnh cao siêu. Một điều lạ là tôi có thể tưởng tượng ra được khuôn mặt của Đức thánh, với đôi mắt to màu xanh, với đôi má đầy sức sống, với bộ râu uốn mềm mại, nhưng đó lại không phải là khuôn mặt bằng xương bằng thịt, mà là khuôn mặt từ ánh sáng rực rỡ.
Trong khi hình dung ra một đám rước lễ như vậy, mắt tôi nhắm nghiền. Cái yên lặng trong Thánh đường, cái yếu ớt mệt mỏi và tâm trạng nửa tỉnh nửa mơ đầy tưởng tượng làm tôi thấy buồn ngủ, chân tôi mềm đi. Nhưng tôi nhanh chóng đứng thẳng người rồi đưa mắt nhìn khắp Thánh đường. Vẫn cái yên lặng như trong nhà mồ như trước, nhưng bây giờ tự nhiên nó tác động lên tôi hoàn toàn khác. Tôi cảm thấy tôi yếu ớt hơn, người tôi cứng lại vì rét, rồi tự nhiên tôi thấy sợ. Cái sợ không rõ ràng, không đầu không đuôi. Tôi không biết tôi sợ gì, nhưng tôi sợ, và tâm hồn trẻ con non nớt của tôi bỗng nhiên mất chỗ dựa.
Tôi ngồi sụp xuống bậc ghế và đau đớn bật khóc. Nước mắt tôi trào ra, ngực tôi thắt lại, và không sao cưỡng lại được, tôi nức nở khóc. Tiếng nức nở rưng rức mỗi lúc một lớn hơn, nó truyền đi khắp Thánh đường, tiếng vọng trở lại làm tăng thêm cái sợ hãi của tôi. Giá mà tôi không phải ở một mình, chỉ một mình, trong Thánh đường mênh mông này! Giá mà tôi không bị giam lại ở đây!
Tôi rền rĩ to hơn. Và đúng vào lúc đó, tôi chợt nghe thấy tiếng chim chíp chíp như trả lời tôi. Vâng, tôi đâu có ở đây một mình, mấy con chim sẻ cũng cùng ngủ qua đêm ở đây với tôi mà! Thế là tôi lần ra đến cái xà nơi chúng đậu. Tôi nín thở, đưa tay bắt và tóm gọn một chú sẻ trong lòng bàn tay. Nó giật mình chí chóe kêu rồi mổ mạnh vào ngón tay tôi, nhưng tôi không thả nó ra. Tôi nhận thấy trái tim bé nhỏ nóng bỏng của nó đập liên hồi và nỗi sợ hãi của tôi biến mất. Tôi không cảm thấy mình cô đơn nữa. Trong khoảng khắc, tôi thấy mình lấy lại can đảm, cũng bởi lẽ tôi là sinh linh mạnh hơn con sẻ.
Tôi quyết định giữ chú sẻ trong tay, có nó tôi sẽ không sợ nữa và cũng sẽ không ngủ thiếp đi được. Mà chắc cũng không còn lâu nữa là đến nửa đêm. Tôi sẽ chú ý để nghe thấy tiếng điểm giờ. Còn bây giờ, tôi sẽ ngả người xuống hai bậc thang này, tay giữ con sẻ đặt trên ngực, mặt quay về phía cửa sổ ở điện thờ Đức Thánh Václav để khi trong điện có ánh sáng của buổi lễ thánh màu nhiệm thì tôi sẽ nhận thấy được ngay.
Tôi ngả người nằm xuống và nhìn sang đó qua cửa sổ, ở đó lúc này đang tối mờ. Tôi không biết mình đã nhìn trong bao lâu, chỉ biết là bỗng nhiên tôi thấy cái tối mờ ở cửa sổ biến thành một màu xanh sáng, mỗi lúc một trong sáng hơn. Tôi có cảm giác như nhìn lên bầu trời xanh. Vào lúc đó, có tiếng điểm giờ trên tháp, tiếng nọ nối tiếng kia, tưởng như không bao giờ dứt.
Cái đau ghê gớm đột ngột đánh thức tôi, vâng, cái đau do giá buốt. Người tôi rã rời như bị đánh. Mắt tôi như đang nhìn vào một cái lò lớn rừng rực lửa đỏ. Tai tôi ù đi vì những tiếng rít tiếng hét kinh hoàng.
Tôi chợt bừng tỉnh. Tôi đang nằm trên hai bậc thang, tay đặt trên ngực, nhưng bàn tay đã mở, trống không. Phía bên đối diện, qua cửa sổ tôi nhìn thấy ánh sáng bên trong điện Đức Thánh Václav. Tôi nghe thấy tiếng đàn đại phong cầm và bài Thánh ca quen thuộc của buổi nguyện sáng sớm.
Đó là buổi lễ thánh của Đức thánh Václav chăng?
Tôi bối rối đứng dậy và lặng lẽ đi xuống phía cửa sổ ở gác đàn bên dưới. Qua cửa kính, tôi rụt rè nhìn xuống.
Linh mục đang hành lễ ở bàn thờ chính. Người giúp lễ là một trong những người coi nhà thờ, lúc này ông ấy lắc chuông vì linh mục đang làm lễ dâng bánh và rượu.
Tôi hốt hoảng nhìn xuống chỗ ngồi quen thuộc ở dãy ghế. Giống như mọi khi, mẹ tôi đang cúi đầu bái quỳ và đập tay vào ngực. Và bên cạnh mẹ là cô tôi, bà cô ở bên Thành phố Cổ.
Bây giờ thì mẹ tôi ngẩng đầu lên và tôi nhìn thấy những giọt lệ nối nhau tuôn trên má mẹ.
Tôi đã ý thức được tất cả. Tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng, thấy bất hạnh đau khổ đến tột cùng... Tôi chợt thấy đau đầu, rồi chóng mặt như bị lốc cuốn. Tôi đã làm mẹ đau đớn, làm mẹ sầu thảm khóc thương đứa con bị mất. Nỗi đau buồn của mẹ làm tim tôi thắt lại, làm tôi nghẹn thở. Tôi muốn chạy xuống thật nhanh để đến đứng trước mẹ, nhưng chân tôi khuỵu xuống, tôi va đầu vào tường rồi nằm vật xuống sàn. Hầu như cùng lúc đó, tôi bật khóc. Những giọt nước mắt lúc đầu nóng rát như lửa đốt, nhưng rồi làm tôi nguôi nguôi dần.
Lễ Mùa vọng Rorate Coeli buổi sáng đã kết thúc, mọi người ra về khi vẫn còn đang tối, trời lâm thâm mưa lạnh. Không ai để ý đến người anh hùng đang đứng ở trước cửa Thánh đường. Người anh hùng ngoan đạo đó đang xấu hổ và thất vọng, và cũng chẳng hề để ý đến ai. Nhưng khi người mẹ cùng người cô ra khỏi cửa Thánh đường, bất chợt bà thấy một cặp môi nóng như lửa áp lên đôi tay nhăn nheo của mình.​
 


Top