Nguồn gốc tên gọi các địa danh ở Saigon

Business
Saigon có khoảng 6.000 địa danh, kinh rạch tương đối đầy đủ là 2.245, đường phố độ 2.000 tên, Chợ… Cầu… khoảng 1700 tên.

kinh33.jpg

Trong hơn 6.000 địa danh vừa nêu, thành tố đứng trước có 260 địa danh mang từ Bà. Một số thành tố mang từ Bà chỉ người phụ nữ đã lớn tuổi, như Bà Điểm, Bà Chiểu; một số là biến âm của Bàu, như Bà Hói, Bà Môn (âm gốc Bàu Hói, Bàu Môn); một số là biến âm của Bờ, như Bà Băng, Bà Đập, Bà Ngựa (âm gốc Bờ Băng, Bờ Đập, Bờ Ngựa).Còn thành tố Ông ở trước xuất hiện trong 220 địa danh. Một số yếu tố Ông chỉ người đàn ông lớn tuổi hoặc đáng kính, như cầu Ông Lãnh (Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng: 1798-1866), khu Ông Tạ (Trần Văn Bỉ: 1918-1983, danh hiệu Tạ Thủ). Một số là biến âm của Ong, như rạch Ông Lớn, cầu Ông Lớn, rạch Ông Bé.

cau-bong-saigon.png

Hình ảnh là Cầu Chà Và trước năm 1975

Là vùng sông nước nên có rất nhiều địa danh mang các từ chỉ sông nước. Ngoài các từ chỉ các dòng chảy phổ thông như sông, suối, kinh, mương, ngòi còn các từ rạch (Ong Lớn – sông nhỏ), rỏng (Rỏng Gòn – Hóc Môn – đường khuyết sâu, có nước đọng), tắt/tắc (Tắc Rổi – dòng nước chảy tắt qua khu sanh sống của những người trung gian bán tôm cá), xép (cù lao Xép – dòng nước nhỏ – Cần Giờ), xẽo (rạch Xẽo – Củ Chi – dòng nước nhỏ), ngọn (rạch Ngọn Chùa – Bình Chánh), ụ (bến Ụ Ghe – quận 8 -dòng nước đậu ghe để sửa). Địa hình chỉ sông nước thì có vàm (vàm Ông Chi, Củ Chi – ngã ba sông rạch), bưng (Bưng Sáu Xã – quận 2,9 – vùng nước rộng lớn), bùng binh (rạch Bùng Binh – quận 3 – nơi phình rộng, ghe thuyền có thể trở đầu).

Thuộc vùng nhiệt đới nên mưa nhiều, kinh rạch chằng chịt nên tên cầu cũng nhiều. Có 136 địa danh mang từ Cầu ở trước. Một số thành tố sau là từ Ông (như phường Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Ông Thìn), Bà (như rạch Cầu Bà Nga, rạch Cầu Bà Cả), hoặc công trình xây dựng (như rạch Cầu Chùa, phường Cầu Kho, rạch Cầu Nhà Việc), hoặc từ chỉ màu sắc (như rạch Cầu Đen, vùng Cầu Trắng), hoặc tên cây cỏ (như rạch Cầu Tràm, rạch Cầu Sơn), hoặc tên cầm thú (như rạch Cầu Sấu, rạch Cầu Khởi.

Đakao: tên gọi mà biết bao người Saigon đã quen mặt, một cái tên gây ấn tượng mạnh mẽ khi vừa nghe thì giống tên Việt Nam nhưng khi viết thì lại mang đậm dáng dấp phương Tây. Lịch sử đằng sau cái tên “nửa người nửa ta” này có gì đặc biệt?
Thời xưa, có giai đoạn hai thành phố Saigon và Cholon được sáp nhập lại thành “Địa phương Saigon – Cholon” (Région de Saigon – Cholon) với tổ chức bên dưới là các hộ (quartier), tương đương cấp tổng ở các tỉnh. Người đứng đầu một hộ gọi là Hộ trưởng (Chef de quartier). Tên gốc của vùng đất Đakao ngày nay là Đất Hộ (đất của hộ hoặc đất do hộ quản lý). Trong sách báo và các văn bản thời trước, người Pháp đã phiên âm địa danh Đất Hộ thành Đakao. Trên thực tế, địa danh Đakao chỉ phổ biến rộng tại Saigon từ thập niên 1950 – 1960 trở về sau.

Cầu Bông: Hồ Thị Hoa là vợ vua Minh Mạng. Bà sanh ra vua Thiệu Trị rồi qua đời sau đó 13 ngày.
Bà là người đức tốt nhưng yểu mệnh. Cha chồng là vua Gia Long rất thương mà ra lịnh kiêng kỵ chữ Hoa trong tên bà, trở thành câu một câu chuyện nổi tiếng, dẫn đến việc đổi tên hàng loạt của các địa danh trong nước, cho đến tận ngày nay.
Trước có tên “cầu Hoa” vì nằm gần vườn hoa của tả quân Lê Văn Duyệt.

Ngã tư Bảy Hiền: Đây là nút giao thông quan trọng thuộc phường 4 (quận Tân Bình), điểm giao của 4 đường lớn gồm Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt và Hoàng Văn Thụ.

Về tên gọi, theo Lê Minh Quốc trong sách “Người Quảng Nam”, Bảy Hiền là tên của ông già bán cà phê “cóc” sanh thứ Bảy, tên Hiền. Người này cũng cai quản các đồn điền cao su của Nam Phương hoàng hậu, phu nhơn vua Bảo Đại.
Khoảng năm 1940 người Saigon gọi “ngã tư ông Bảy Hiền” dần dần từ “ông” mất chỉ còn “ngã tư Bảy Hiền”. Sau này, nguyên khu vực quanh ngã tư được gọi thành “Bảy Hiền”.

Trước năm 1954, khu vực này vẫn còn là vùng ngoại ô của Saigon, bao gồm một đồn điền cao su và những cánh đồng lúa chạy theo con đường lên miệt Tây Ninh. Một vài gia đình sanh sống bằng nghề làm ruộng và chăn nuôi ngựa.
Vùng Bảy Hiền nổi tiếng với làng dệt do những cư dân Quảng Nam vào đây lập nghiệp (sau năm 1954). Trên đường Trần Mai Ninh, thuộc phường 12 có một ngôi chợ chuyên bán các món ăn của xứ Quảng – chợ Bà Hoa.

Bến Nghé: Tên Bến Nghé, ban đầu là tên của một bến nước, sau chỉ một con sông, cuối cùng dùng chỉ một địa phương.

Theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn “Phương Đình dư địa chí” (năm 1900) thì tương truyền, sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế (nghé tức trâu con). Sách “Đại Nam nhất thống chí”, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.
Còn theo học giả Trương Vĩnh Ký, Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer – Kompong có nghĩa là bến, Kon Krabei có nghĩa là con trâu. Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cũng đồng ý rằng: Bến Nghé là cái bến mà “người ta thường cho trâu, bò ra tắm” vì có nhiều địa danh cấu tạo bằng “bến + tên thú” như: rạch Bến Nghé (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé).

Ngã tư Hàng Sanh: Là nút giao thông lớn ở cửa ngõ phía Đông của Saigon.Vùng Hàng Sanh, bao gồm một phần địa bàn các phường 24, 25 (quận Bình Thạnh), còn có chợ Hàng Sanh, ngã tư Hàng Sanh.

Tác giả Nguyễn Thanh Lợi (trong quyển Saigon – Đất và Người) qua nhiều tài liệu cũ, địa danh này viết đúng phải là Hàng Sanh chớ không phải nhiều người đọc lệnh là “Hàng Xanh” như bây giờ. Theo sách Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, Sanh “là thứ cây lớn, nhánh có tua, về loại cây da, mà lá nhỏ”. Ngày trước, dọc theo hai bên đường nay là Bạch Đằng có 2 hàng cây sanh, dân thường gọi là Hàng Sanh.

Ngã năm Trường Chó: Nút giao thông lớn thuộc phường 3 (quận Gò Vấp) nay có tên gọi khác là Ngã Sáu Gò Vấp. Đây là điểm giao nhau của đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Nghi, Trần Thị Nghĩ.

Thời Pháp thuộc, giao lộ này được gọi là Ngã năm Hàng Điệp vì dọc theo năm tuyến đường chéo nhau bấy giờ có trồng những cây điệp lớn. Sau 1954, chánh quyền cho xây trường huấn luyện quân khuyển tại đây. Từ đó, người Saigon đặt cho giao lộ này cái tên gần gũi: Ngã năm Trường Chó.
Năm 1966, trường này được nâng cấp thành Trung tâm huấn luyện và bổ xung Quân khuyển với quy mô mở rộng, kỹ thuật huấn luyện cũng được cập nhật từ Mỹ. Các chú chó nghiệp vụ này được luyện đánh hơi để kiêm thêm công việc tuần tiễu. Có thời, tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á đều xử dụng quân khuyển do nơi này huấn luyện.

Thủ Thiêm: Đa số tên gọi cho các con đường, cây cầu, phường, chợ… ở Saigon đều lấy tên những người có công với đất nước, thành phố hoặc đơn giản là chỉ với người dân của khu vực đó. Có vẻ như Thủ Thiêm không phải là một cái tên được đặt theo công thức trên.
Trước đây, “thủ” là danh từ chỉ đồn canh gác dọc theo các đường sông. Vì khá phổ biến thời trước nên “thủ” đã đi vào một số địa danh hiện nay như Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ (Saigon), Thủ Thừa (Long An) hay Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đức, Thiêm, Ngữ, Thừa được cho là tên những viên chức được cử đến cai quản các thủ này và đã giữ chức vụ khá lâu nên tên của họ đã được người dân gắn liền với nơi làm việc. Còn Thủ Dầu Một thì ở thủ đó ngày xưa có một cây dầu mọc lẻ loi.

Xa lộ Đại Hàn: Là cách gọi dân gian cho đoạn quốc lộ 1A từ ngã ba Thủ Đức (ngã ba Trạm 2) đến ngã ba An Lạc, quận Bình Tân.
Xa lộ này được công binh quân đội Đại Hàn Dân Quốc xây dựng năm 1969 – 1970 sau sự kiện Tết Mậu Thân với tư cách là đồng minh của Việt Nam Cộng Hoà nhằm làm đường vành đai bảo vệ phi trường Tân Sơn Nhứt và Saigon và ngăn cách giữa Saigon với quân cách mạng ở Củ Chi, Hóc Môn.

Gò Vấp: Là tên gọi của quận vùng ven. Theo các nhà nghiên cứu, đúng ra phải là Gò Vắp vì đây vốn là vùng đất cao có trồng nhiều cây vắp. Loại cây thân gỗ rất cứng thuộc họ măng cụt, hiện vẫn trồng nhiều nơi tại Saigon như khuôn viên vườn Tao Đàn, khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương gần đó.

Hóc Môn: Theo một số tài liệu thì địa danh “Hóc Môn” xuất hiện trễ nhứt là từ đầu thể kỷ 19. Đến năm 1915, Hóc Môn là một trong bốn trạm hành chánh của tỉnh Gia Định. Năm 1917 có quyết định đổi là quận Hóc Môn. Từ năm 1976 gọi là huyện Hóc Môn. Ngày 6-1-1997, bảy xã của Hóc Môn được tách ra để thành lập quận 12.
“Có người giải thích: “hóc” là chỗ xa xôi, vắng vẻ; “môn” là cây môn nước. Như vậy, ban đầu Hóc Môn chỉ vùng đất xa xôi, vắng vẻ, nơi trồng nhiều cây môn nước, sau đó trở thành địa danh hành chánh: huyện Hóc Môn… Cách giải thích khác: “Môn” đúng là cây môn nước, vì ở Saigon có nhiều địa danh mang yếu tố này: “rạch Môn” (Thủ Đức); cầu và rạch “Bàu Môn”, xóm “Bưng Môn” (Củ Chi)… Còn “hóc” đồng nghĩa với từ xép, có nghĩa là “dòng nước nhỏ”. Ở thị trấn Hóc Môn còn con rạch nhỏ mang tên “Hóc Môn”. Rất nhiều khả năng tên rạch Hóc Môn có trước tên vùng Hóc Môn vì tên sông, rạch là những địa danh rất cổ. Tóm lại, tên gọi “Hóc Môn” để chỉ vùng có con rạch nhỏ với nhiều cây môn”.

Thị Nghè: Điểm qua tên của một số địa danh, kinh rạch, phường ở khu vực quận 1, người ta sẽ dễ dàng nghe đi nghe lại cái tên Thị Nghè, có khi xuất hiện dưới tên của một con rạch, cây cầu, lại có khi xuất hiện như một ngôi chợ, một nhà thờ.

Ngoài ra, phần địa giới gồm một phần các phường 17, 19, 21 thuộc quận Bình Thạnh cũng được gọi là Thị Nghè.
Theo quyển “Gia Định thành thông chí”, mục “Trấn Phiên An”, Thị Nghè là tên dân gian của bà Nguyễn Thị Khánh – con gái quan Khâm sai Nguyễn Cửu Vân, và là vợ một viên thơ ký. Bà Nguyễn Thị Khánh có chồng là thơ ký mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do bà đã có công cho khai hoang đất ở và bắc cầu để tiện việc đi lại cho dân chúng. Cảm phục bà, người ta quyết định gọi cây cầu là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè.
Cho đến ngày nay, cái tên Thị Nghè vẫn còn được giữ lại như một cách hậu thế ghi nhớ công đức của bà Nguyễn Thị Khánh.

Cầu Chà Và: Với bề dày lịch sử hơn 100 năm, cây cầu Chà Và bắc qua kinh Tàu Hủ đã góp phần thông thương vùng Cholon giữa quận 8 và quận 5.
Cầu Chà Và có chiều rộng khoảng 30m, chiều dài 190m, có thêm 2 nhánh phụ lên xuống đại lộ Đông Tây, bảo đảm các phương tiện đi trên cầu không giao cắt nhau nhằm hạn chế tối đa kẹt xe.

Thiệt ra, Chà Và là cách người Việt phát âm chữ Java – tên một hòn đảo ở Indonesia. Chà Và dùng để chỉ người đến từ đảo Java, về sau dùng để gọi tất cả những người có màu da ngăm như Chà Bom Bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma Ní (Manila, Philippines).
Thế mới rõ vì sao khu vực cầu Chà Và từng là phố chợ của người gốc Ấn Độ chuyên bán vải lại được gọi thành Chà Và. Ngoài ra, ở đầu cầu Chà Và về phía quận 8 có rạp hát Phi Long nổi tiếng, thường xuyên chiếu phim Ấn Độ phục vụ cư dân quanh vùng.

Ông Lãnh, Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom: Ở Saigon, có lẽ ai cũng nghe tên 5 chợ mang tên các bà này. Có giả thuyết cho rằng đây là tên của 5 bà vợ của Lãnh Binh Thăng, là một lãnh binh tên Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866), võ tướng nhà Nguyễn thời vua Tự Đức. Địa danh cầu ông Lãnh cũng là từ ông Lãnh Binh nổi tiếng này.

Trương Vĩnh Ký cho rằng 5 người phụ nữ được đặt tên chợ ở Saigon này vốn là các bà vợ của ông Nguyễn Ngọc Thăng. Những vị quan đa thê thời xưa thường áp dụng phương pháp kinh tế tự túc nên vị lãnh binh đã lập 5 chợ ở khu vực khác nhau, giao cho mỗi bà cai quản một cái. Việc này tránh các bà đụng mặt nhau, đồng thời chuyên tâm làm kinh tế.

Về cây cầu mang tên Ông Lãnh, nhà bác học Trương Vĩnh Ký khẳng định “chiếc cầu gỗ do ông Lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh Binh Thăng này, chớ không phải ai khác”. Cây cầu này đầu tiên (nối đại lộ Đông Tây ngày nay) bắc qua một con rạch nhỏ. Khi rạch bị lấp, cây cầu mới nối bến Chương Dương (quận 1) và Bến Vân Đồn (quận 4).

Năm 1874, một ngôi chợ được xây ở khu vực này, mang tên chợ Cầu Ông Lãnh. Nơi đây tàu ghe tấp nập từ miền Tây theo sông Saigon vào kinh Tàu Hủ buôn bán. Chợ được chia làm 3 khu vực: bán trái cây, bán cá và bán tạp hóa.

Tuy nhiên trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển lại cho rằng nên thận trọng khi cho “Ông Lãnh” và “Bà Chiểu”, Bà Điểm”, “Bà Hom”, “Bà Hạt”, “Bà Quẹo” là vợ chồng.

Bởi theo ông, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Chiểu có thể là người đầu tiên buôn bán tại các chợ này, sau lấy tên đặt cho chợ. Giống như chợ Bà Hoa ở khu ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), do người đờn bà tên Hoa đã hiến đất xây chợ và là người đầu tiên buôn bán nên người ta lấy tên bà đặt cho ngôi chợ.

Lý giải về Bà Hom, có sách chép rằng do Bàu Hom (bàu ngâm hom tre) nói chệch thành. Còn tên Bà Quẹo cũng đọc chệch từ Bờ Quẹo hoặc Bàu Quẹo vì khu này có một khúc quẹo rất rõ. Từ quẹo vốn cũng được đặt cho nhiều địa danh như Cống Quẹo ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) hay lộ Quẹo tại huyện Cần Giờ.

Ông Tạ: Địa danh Ông Tạ là vùng đất thuộc các phường 3, 4, 5, 7 thuộc quận Tân Bình hiện nay, cũng là tên một ngôi chợ ở phường 5, cạnh chợ có một tiệm thuốc Nam của ông Tạ.

Ông Tạ tên thật là Trần Văn Bỉ, lấy hiệu Tạ Thủ là một thầy thuốc nam chữa bệnh nổi tiếng trong vùng.

Trước đây, ông Tạ có mở một tiệm thuốc nằm ở góc đường Phạm Văn Hai – Cách Mạng Tháng Tám hiện nay. Đa số người bệnh tìm đến ông và lấy thuốc về đều khỏi. Tiếng lành đồn xa nên người dân ở các tỉnh Nam Kỳ tìm về cơ sở của ông không ngớt.

Ông còn là một nhà hảo tâm, thường xuyên chữa bệnh và bốc thuốc miễn phí cho người nghèo. Khu đất xung quanh tiệm thuốc của ông Tạ được đặt tên là ông Tạ ngay khi ông còn sống, là cách nhân dân tỏ lòng tôn kính ông vì đã chữa bệnh giúp người.

Lăng Ông Bà Chiểu: Tọa lạc tại số 1, đường Vũ Tùng thuộc phường 1, quận Bình Thạnh. Lăng Ông Bà Chiểu (gọi tắt là Lăng Ông, còn có tên gọi khác ít phổ biến hơn là Thượng Công Miếu) là khu lăng mộ của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Chánh vì tên gọi đặc biệt mà nhiều người thường hiểu lầm rằng lăng này được lập ra để thờ Ông và thờ Bà tên Chiểu.
Đây là lăng thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt và do tục lệ kiêng cử tên, cho nên thường gọi là Lăng Ông. Lăng lại nằm kế bên khu chợ Bà Chiểu, và đó là nguồn gốc ra đời của cái tên Lăng Ông Bà Chiểu.

Kinh Tàu Hủ: Với tổng chiều dài 22km, giữa Saigon và trải dài trên địa bàn 8 quận huyện, kinh Tàu Hủ khiến không ít người thắc mắc về nguồn gốc cái tên “nghe thôi đã thèm” trong khi quanh khu vực này không hề có truyền thống làm tàu hủ?

Theo học giả Trương Vĩnh Ký (viết năm 1885) và Huỳnh Tịnh Của (viết cuối thế kỷ 19), thì đoạn phố đi ngang qua rạch Cholon được gọi là Tàu Khậu, đó là cách người Triều Châu phát âm từ “thổ khố” (khu nhà gạch), sau trại âm thành Tàu Hủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nhìn kinh nước đen và những “món phụ gia” trôi nổi trên ấy, rất hôi thối, mà người dân liên tưởng đến tương chao, tàu hủ cho có phần… thi vị, nên gọi như vậy.
Kinh Tàu Hủ, nó vẫn nằm sâu trong tiềm thức của người Saigon với hình ảnh thuyền lớn thuyến nhỏ buôn bán tấp nập và cả một giai đoạn lịch sử đặc biệt.

28 địa danh mang từ Vườn: Vườn Bầu, Vườn Bông, Vườn Cau, Vườn Chanh, Vườn Chuối, Vườn Dừa, Vườn Điều, Vườn Lài, Vườn Mít, Vườn Ngâu, Vườn Nhãn, Vườn Thơm, Vườn Trầu, Vườn Xoài,… 50 địa danh mang từ Lò ở trước: Lò Bột, Lò Bún, Lò Chén, Lò Da, Lò Đúc, Lò Đường, Lò Gạch, Lò Gang, Lò Gốm, Lò Heo, Lò Lu,… và 54 địa danh mang từ Xóm: Xóm Bột, Xóm Bưng, Xóm Cải, Xóm Chiếu, Xóm Chùa, Xóm Cối, Xóm Củi, Xóm Dầu, Xóm Đình, Xóm Lụa, Xóm Mới, Xóm Quán, Xóm Than, Xóm Thuốc, Xóm Trại, Xóm Trĩ, Xóm Ve Chai,…

Địa danh được xem là những tấm bia lịch sử bằng ngôn ngữ. Trong địa danh chứa nhiều từ cổ: rạch Bến Bối (Bình Thạnh – bối là “từ chỉ kẻ ăn trộm trên sông”), rạch Ngả Bát, Ngả Cạy (Cần Giờ – rạch “bên phải, bên trái”), Trảng Lấm (Củ Chi – lấm là “bùn” – chân lấm, tay bùn), chợ Đũi (quận 3 – đũi là “thứ hàng dệt bằng tơ gốc, mặt hàng thô”). Địa danh cũng chứa đựng nhiều từ lịch sử: thành Bát Quái (quận 1- thành có tám cạnh như hình bát quái), đường Lũy Bán Bích, khu Mả Ngụy hay mả Biền Tru (quận 3 – mả của 1.831 người tử tù vì theo Lê Văn Khôi nổi loạn), cầu Trùm Bích (quận 12), Trường Thi (quận 1), kinh Nhiêu Lộc (ông nhiêu học tên Lộc). Còn từ địa phương thì xuất hiện nhiều trong tên cây, tên cầm thú, tên các địa hình.

#Dung
 
Trả lời

Radium

Búa Đá
Đây là những kiến thức mà không phải ai cũng biết. Ngã 4 Hàng Sanh chắc rất nhiều bạn cũng gọi nhầm thành Hàng Xanh như mình :))
 

longhoang2805

Rìu Sắt
Giờ mới biết Hàng Sanh chứ không phải Hàng Xanh :D