Intel những xu hướng sẽ định hình diện mạo ngành game trong tương lai

VNZ-NEWS
Thị trường game năm 2023 đã khởi đầu hứng khởi với sự xuất hiện của hàng loạt “bom tấn”, các sự kiện game được tái tổ chức và những giải đấu thể thao điện tử (eSports) cũng rục rịch khởi động. Dấu hiệu cho một tương lai tươi sáng đang chờ đợi ngành game trong năm 2023, sau những năm tháng trì trệ vì giãn cách xã hội diễn ra trên toàn thế giới, thậm chí, một số quốc gia cũng chỉ mới “mở cửa” từ cuối 2022. Thế giới bừng tỉnh sau cuộc đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu của thị trường game tăng mạnh, những giải đấu eSports lấy lại sự sôi nổi, hứa hẹn mang lại sự tăng trưởng đột phá cho ngành game. Tuy vậy, vẫn còn những trở lực nhất định phải vượt qua, như việc nền kinh tế đi xuống cũng khiến ngành game có dấu hiệu chửng lại trong năm 2022.

IEM.jpg


Nhưng triển vọng của ngành game trong năm 2023 vẫn giữ nguyên khi xét về dài hạn. Với những dự báo tích cực từ các chuyên gia, một viễn cảnh tươi sáng đang chờ đợi ngành game nhờ vào cộng đồng mạng mẽ lên đến 3 tỉ người chơi. Đáng chú ý hơn, theo báo cáo từ The Games Market in 2022: The Year in Numbers”https://vn-z.vn/#_edn1 (Thị trường Game trong 2022: Thị trường qua các con số) của Newzoo vào cuối năm 2022, tỉ lệ về giới tính của game thủ trên toàn cầu đang ngày càng cân bằng ở mọi thể loại trò chơi và nền tảng.

Việt Nam cũng sở hữu một tỉ lệ game thủ đông đảo. Chia sẻ tại diễn đàn Ngày hội Game Việt Nam 2022, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Việt Nam hiện có khoảng 28,2 triệu người chơi game[ii].


Ngành game đã và đang trở thành động lực thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo về công nghệ. Các công nghệ như metaverse, thực tế ảo, và thực tế tăng cường đều sẽ đạt được những thành tựu mới thông qua những cải tiến về công nghệ trong thập kỷ tới.

Cộng hưởng với những yếu tố thuận lợi, quá trình phát triển của các xu hướng này sẽ thay đổi bộ mặt của ngành game để mang đến những trải nghiệm sống động hơn, hấp dẫn hơn, và ngoạn mục hơn. Đồng thời, nó cũng sẽ làm cho các trò chơi phổ biến và thu hút hơn đối với những game thủ mới.

Chúng ta hãy cùng điểm qua bốn xu hướng chính sẽ định hình ngành game trong hơn một thập kỷ tới.

Thể thao Điện tử: Tiếp tục duy trì sự hưng thịnh

Hiếm có lĩnh vực game nào giữ được đà tăng trưởng nhanh và ổn định như Thể thao Điện tử trong 10 năm qua, khi được dự báo sẽ cán mốc 577 triệu game thủ và khán giả theo dõi thường xuyên vào năm 2024. Sự phát triển của eSports được hưởng lợi rõ rệt từ công nghệ streaming ngày càng tối ưu – vốn duy trì mức tăng trưởng hơn 13% trong năm 2022, theo báo cáo 2022 Trends to Watch in Games, Esports, Cloud, and the Metaverse[iii] (Các trào lưu Cần chú ý về game, thể thao điện tử, điện toán đám mây và vũ trụ ảo trong 2022) của Newzoo, để đạt mức 921,2 triệu khán giả theo dõi các nội dung livestream game.


Theo “Sách trắng Thể thao điện tử Việt Nam 2021” được phát hành bởi Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA)[iv], lượng game thủ eSports trong nước đã vượt ngưỡng 18 triệu. Ở một số giải đấu lớn như AWC 2020 (Arena of Valor World Cup), lượt xem đạt mốc 109 triệu lượt, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. 2022 cũng được xem là năm đại thành công của eSports Việt Nam, khi thâu tóm 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc tại SEA GAMES 31.


Tại Việt Nam, thể thao điện tử tiếp tục chấp cánh nhờ vào những nỗ lực không ngừng nghỉ của VIRESA. Dưới sự dẫn dắt của VIRESA, đoàn thể thao điện tử Việt Nam sẽ tranh tài tại SEA GAMES 32 ở bảy bộ môn.

Với sự phát triển liên tục của công nghệ, trải nghiệm chơi game của cả game thủ lẫn streamer đều không ngừng được làm mới. Điển hình, với sự xuất hiện của vi xử lý Intel Core thế hệ 13, các streamer có thể chạy các tựa game “bom tấn” trong khi phát stream hình ảnh với chất lượng ngày càng cao hơn và mượt mà hơn bao giờ hết. Những tiêu chuẩn này dần dà sẽ trở nên phổ biến trong những năm tới, mang đến cho các game thủ và streamer hiệu năng vượt trội.


Song song với lĩnh vực streaming, hiệu năng mạnh mẽ liên tục được cải tiến của phần cứng khiến cho rào cản về cấu hình gần như không tồn tại trong thể thao điện tử. Ngành công nghiệp này đang tiến tới mô hình GaaS (Game như một dịch vụ). Trong quá khứ, các trò chơi luôn được đóng gói và bán sau khi đã được phát triển hoàn chỉnh, như việc bạn mua băng Atari vào những năm 80 vậy. Nếu có bất kỳ bản cập nhật nào mới, game thủ sẽ phải đến cửa hàng và mua một cuộn băng mới. Mô hình GaaS đã thay đổi mọi thứ với những bản cập nhật, sửa lỗi, tinh chỉnh, và nội dung mới. Tất cả sẽ được phát triển và gửi đến game thủ liên tục để đảm bảo trò chơi luôn ổn định, tươi mới và hấp dẫn. Liên Minh Huyền Thoại là một minh chứng điển hình. Sự thành công của trò chơi này đã thuyết phục các nhà phát hành và những tựa game khác nối gót, như Ubisoft cũng đang chuyển mình sang dịch vụ GaaS thông qua nền tảng Uplay. Thể thao điện tử sẽ tiếp tục hưởng lợi nhiều hơn thông qua mô hình này, qua đó thay đổi trải nghiệm của game thủ và tuyển thủ khi tận hưởng trò chơi yêu thích. Ngoài ra, các giải đấu thể thao điện tử cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy toàn ngành phát triển.

Trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến chất lượng hình ảnh cao cho đại chúng

Thật khó tin là chỉ vài năm về trước, công nghệ Ray Tracing (dò tia) được xem như trải nghiệm “thượng lưu” mà ít có cấu hình máy nào có thể đáp ứng. Giờ đây, công nghệ này đã trở nên rất phổ biến và dần được tiếp cận một cách rộng rãi. Càng ngày, đội ngũ phát triển game toàn cầu càng “mạnh tay” đẩy mạnh chất lượng đồ họa mà không phải lo lắng đến hạn chế của thiết bị đầu cuối, khiến chất lượng hình ảnh của các thế giới trong game ngày càng lộng lẫy, cuốn hút và gần với đời thực hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của những công nghệ nâng cao chất lượng hình ảnh như Ray Traycing không phải xu hướng đáng chú ý duy nhất ở mảng đồ họa. Ngay ở thời điểm hiện tại, các nhà phát triển phần cứng đã khiến cộng đồng game thủ phải kinh ngạc nhờ vào việc tích hợp AI Upscaling: dùng trí tuệ nhân tạo để tối ưu chất lượng hình ảnh bằng chuỗi thuật toán. Nhờ đó, game thủ có trải nghiệm hình ảnh đỉnh cao từ game nhưng không cần nhất thiết phải sở hữu cấu hình máy “khủng”.

Arc-7-series.jpg

Một ví dụ điển hình của công nghệ này chính là XeSS của dòng sản phẩm Intel Arc. Trên thực tế, bộ đôi ARC A750 và ARC A770 của Intel đã khiến giới phân tích phải kinh ngạc trong thời gian qua khi có khả năng mang lại trải nghiệm hình ảnh tốt trong game thông qua XeSS. Trong bối cảnh AI đang tạo ra những “con sốt” toàn cầu, không khó để thấy rằng công nghệ xử lý ảnh bằng AI trong game cũng sẽ bùng nổ ở giai đoạn tới.


AR (thực tế tăng cường) và VR (thực tế ảo) gần hơn bao giờ hết

Khi chứng kiến những cơn sốt game AR thoái trào và tốc độ ra mắt thế hệ mới khá chậm của nhiều thiết bị VR, nhiều game thủ đánh giá rằng thời điểm hiện tại vẫn còn là quá sớm để nghĩ đến AR và VR. Tuy nhiên, nhận định này sẽ sai nếu nhìn xa hơn diễn tiến của thị trường công nghệ. Theo nghiên cứu của Insider Intelligence[v] dự đoán, 35% người dùng internet của Mỹ sẽ sử dụng AR vào năm 2025.

Tương tự, thị trường VR cũng đang duy trì sự tăng trưởng đáng khi các thiết bị VR dần được quan tâm và phổ biến hơn với người dùng đại chúng. Các thiết bị VR mang lại trải nhiệm hình ảnh sắc nét hơn, khả năng vận hành trơn tru hơn, và cũng hướng đến mục tiêu trở nên “mỏng, nhẹ” để phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng. Định hướng này khiến các thiết bị VR cũng yêu cầu kết cấu vi xử lý phải nhỏ gọn, mạnh mẽ và đa tác vụ hơn.


Game sẽ tiếp cận nhiều đối tượng game thủ hơn


Accessibility (khả năng hỗ trợ, tiếp cận của game với những người chơi có điều kiện sức khỏe đặc biệt) là khái niệm được nhiều nhà làm game quan tâm trong những năm gần đây. Nhờ sự quan tâm này, những game thủ có trở ngại về thị giác, chứng rối loạn màu sắc, khiếm thính, v.v. có thể tiếp cận và trải nghiệm game một cách thuận lợi hơn.

Trong quá trình nghiên cứu hơn hai năm, các nhà nghiên cứu của Intel đã nhận thấy rằng nhiều tính năng hữu ích cho game thủ khuyết tật không thật sự yêu cầu quá phức tạp trong việc thiết kế các thiết lập. Yếu tố cốt lõi nằm ở việc các nhà sản xuất và phát triển cần cân nhắc sớm và tối ưu hóa trong quá trình thiết kế. Thông qua những phát hiện này, các kỹ sư của Intel đã tích hợp nhiều giải pháp cá nhân hóa như thiết lập nút và chuyển giọng nói thành văn bản (speech-to-text).

Ngành game chỉ mới bắt đầu hành trình mở rộng việc tiếp cận đến nhiều người chơi nhất có thể. Với việc các nhà phát hành và sản xuất tích hợp các tính năng hỗ trợ, ngành game có thể trở thành một tiêu chuẩn trong việc xây dựng cộng đồng toàn diện và công bằng.

Một nghiên cứu từ Accessibility[vi] đã chỉ ra rằng những game thủ có điều kiện sức khỏe đặc biệt chiếm 20% cộng đồng game thủ toàn cầu, trong đó, 94% game thủ khuyết tật chia sẻ chơi game mang đến những “lợi ích về sức khỏe tinh thần và thể chất”. Điều này cho thấy cải tiến về công nghệ hỗ trợ đang dần chứng tỏ sự hiệu quả. Trong những năm tiếp theo, xu hướng này sẽ càng phát triển và trở thành những tính năng tiêu chuẩn đối với hầu hết các trò chơi.

Tương lai vô cùng hứa hẹn

Lịch sử phát triển của ngành game đã chỉ ra rằng, sự phát triển của game và công nghệ sẽ luôn luôn duy trì mối quan hệ song hành. Trong đó, những cải tiến về công nghệ đóng vai trò nền tảng để thúc đẩy phần mềm, những thay đổi về phần mềm cũng tạo ra động lực để công nghệ đổi mới. Vòng xoay tuần hoàn này thúc đẩy cả hai phát triển và trở thành bệ phóng để những nhà làm game tạo ra các sản phẩm tốt dành cho game thủ. Trong thập kỷ tiếp theo, vòng lặp này sẽ tiếp tục tồn tại, và mang đến cho nhiều đối tượng game thủ những trải nghiệm game đa dạng, tích hợp AR, VR, Cloud Gaming trong một hệ sinh thái chặt chẽ.

Dino-Strkljevic-1.jpg

Tác giả: Ông Dino Strkljevic – Giám đốc Khách hàng, Nhóm Điện toán Khách hàng (CCG), Intel khu vực châu Á – Thái Binh Dương và Nhật Bản


https://vn-z.vn/#_ednref1 The Games Market in 2022: The Year in Numbers
[ii] Vietnam's gaming industry is expected to be a spearhead industry in digital transformation and digital economic development in the coming time
[iii] Newzoo’s 2022 Trends to Watch in Games, Esports, Cloud, and the Metaverse
[iv] Vietnam eSports whitepaper
[v] AR and VR enter the mainstream
[vi] The State of Accessibility in Gaming in 2022