Hoa cúc xanh | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software. 

All the knowledge we share is completely free. If you are willing, please support us here.

×

Hoa cúc xanh

malemkhoang

Rìu Chiến
Hoa Cúc Xanh.jpg

Tác giả​

KAREL ČAPEK.jpg

KAREL ČAPEK sinh năm 1890 tại Malé Svatonovice, một làng thuộc Đông Bắc Czech, trong gia đình có cha là bác sĩ, mẹ là nhà sưu tầm văn học dân gian. Ông có nhiều năm du học ở Paris và Berlin. Năm 1915, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Charles Praha với bằng Doctor Triết học. Ông là biên tập viên và cùng anh trai mình - nhà văn Jozef Čapek (1887-1945) là những cây bút chủ công của các tờ Národní List (1917-1921), Nebojsa (1918-1920), Lidové noviny (1921). Từ năm 1921 đến 1923, nhà văn trở thành tác giả kịch bản, kiêm đạo diễn của nhà hát Vinohradské padlo. Từ năm 1925-1933 là Chủ tịch Hội Văn bút của Tiệp Khắc. Ông trở thành người đồng chí hướng và bạn tâm giao với T. Masarych - vị tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Tiệp Khắc. Có nhiều năm, các bài viết của ông trên báo mang sức nặng uy quyền của người phát ngôn chính thống từ Dinh Tổng thống. Vì những thành tựu trong sáng tác nghệ thuật và hoạt động văn hóa, vì những nỗ lực níu kéo không thành khối đoàn kết hai dân tộc Czech và Slovakia, Karel Čapek trở thành biểu tượng văn hóa của Nền Cộng hòa Tiệp Khắc thứ nhất (1918 - 1938). Ông mất vì bệnh phổi, ngày 25 tháng 12 năm 1938.

K. Čapek để lại một di sản văn học, báo chí và nhiếp ảnh đồ sộ. Sáng tác của ông nhanh chóng được Âu hóa, tới mức được đề cử giải Nobel văn học tám lần liên tục (1932 - 1938).​
 

malemkhoang

Rìu Chiến
“Karel Čapek phá vỡ mọi ước lệ về khoảng cách giữa người kể chuyện và người nghe, giữa những chuyện thâm nghiêm và đùa cợt, giữa lẽ phải và điều ngang trái, giữa chân lý và nghịch lý... Ông đưa bản chất của đời sống, vốn là muôn hình muôn vẻ - bị các quy ước sách vở, sự tha hóa quyền lực, thói kiêu ngạo trí tuệ làm cho lạnh lùng, tẻ nhạt và sai lệch - về với đúng khuôn mặt vốn có của nó: nhộn nhạo và nghiêm cẩn, đầy thói tật, sự bất toàn nhưng vì thế mà hấp dẫn và cuốn hút đam mê khám phá trong từng khoảnh khắc. Không ai có thể làm tốt hơn Karel Čapek khi nhẹ nhàng bóc lớp sơn giả trang, phơi ra sự khiếm khuyết đầy hài hước của các loại thiết chế quyền lực cũng như những giáo điều đạo đức và liên tục bắt nó phải đối diện với chính nó.”


Hoa cúc xanh là tập truyện ngắn phản ánh khá sinh động đời sống xã hội bình dân Czech mấy thập niên đầu thế kỷ 20. Được xếp vào thể loại trinh thám - hình sự, hay loại truyện vụ án, nhưng thật ra các truyện trong Hoa cúc xanh đã có sự cách tân, phá cách, phá cả về nội dung và hình thức thi pháp. Trinh thám hay vụ án ở đây chỉ là một sự vay mượn hình thức thể loại. Thế giới nhân vật trong truyện là thế giới của những con người đời thường, con người nhỏ bé, hiện ra quen thuộc trong văn học Nga và văn học Đông - Trung Âu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Truyện các vụ án của Karel Čapek là một đặc sản tinh thần Czech. Phần lớn các chuyện ông kể đều có giọng điệu khôi hài, trào tiếu, nhưng đầy nhân văn và cũng thấm đượm chất thơ.

Nhà văn Karel Čapek đăng đàn khi văn học châu Âu đang rơi vào khủng hoảng, một sự khủng hoảng biểu hiện trước hết là trong trạng thái ‘chồng lấn, mập mờ’ giữa văn học đại chúng và văn học tinh hoa. Độc giả khó lòng phân biệt và chọn lựa một trong hai dòng văn học giải trí và văn chương đích thực. Čapek xuất hiện như một sự đáp ứng kịp thời nhu cầu thẩm mỹ của thời đại. Các tác phẩm của ông thực sự là những tiếng nói nghệ thuật mới, mở thêm một con đường phát triển cho văn học châu Âu.”


 

malemkhoang

Rìu Chiến

LỜI GIỚI THIỆU

Нoa cúc xanh là tuyển tập gồm 40 truyện ngắn rút từ Túi truyện thứ nhất, túi truyện thứ nhì (Povídky z jedné kapsy, Povídky z druhé kapsy), là bộ sưu tập chân dung, tính cách con người mà nhà văn từng gặp gỡ và gần gũi trong nghề làm báo.
Về phương diện đề tài, truyện vụ án ở đây thực chất là những câu chuyện đời thường dung dị. Các vụ án được mô tả trong truyện không phải là những vụ án lớn tới mức rung chuyển dư luận mà nhiều khi chỉ là những đổ vỡ, mất mát bi kịch mà xã hội không thể bỏ qua về phương diện pháp lý, hoặc bắt buộc phải có sự can thiệp của cảnh sát, thanh tra. Dù có bị tử hình, câu chuyện của nhân vật tội phạm vẫn diễn ra như câu chuyện của đời thường, gắn liền với những vui buồn thường nhật của thế giới nhân sinh.
Về nhân vật, nhân vật của Karel Čapek ở đây không có nhân vật thám tử nổi danh, tài ba mà chỉ là những thám tử nghiệp dư, có bóng dáng dân gian hoặc những cảnh sát điều tra ở các phòng cảnh sát quận huyện, giàu kinh nghiệm. Thế giới nhân vật trong truyện là thế giới của những con người đời thường, con người nhỏ bé, hiện ra quen thuộc trong văn học Nga và văn học Đông - Trung Âu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Bằng cái nhìn nhân ái nhưng rất hiện thực về đời sống nhân dân, Čapek đã phủ lên toàn bộ các vụ án mình kể trong tập truyện này một tư tưởng cơ bản: tòa án cao nhất, nghiêm khắc nhất là tòa án lương tâm; phiên tòa tối cao là phiên tòa cuối cùng - phiên tòa của Chúa - nơi Chúa với tư cách của người làm chứng, vì biết hết mọi chuyện của mỗi người ở mọi chỗ mọi nơi, từ bé đến lớn, đến khi phạm tội. Trong phiên tòa của ngày tận thế ấy, thẩm phán chỉ biết tội lỗi, còn Chúa biết cả cuộc đời người, vì vậy chỉ thẩm phán xử được, còn Chúa, hoàn toàn bất lực. Với Chúa, không thể xử án được con người ...
Có ý kiến cho rằng, thông qua các câu chuyện về các phiên tòa, Karel Čapek, cây bút nhân văn chủ nghĩa muốn khẳng định một chủ nghĩa tương đối (relativismus) trong lĩnh vực tư pháp. Theo ông, chân lý không bao giờ bộc lộ đầy đủ và biểu hiện một cách rõ ràng, chính xác. Tất cả đều phụ thuộc vào góc nhìn của người săn tìm.
Nhà văn Karel Čapek đăng đàn khi văn học châu Âu đang rơi vào khủng hoảng, một sự khủng hoảng biểu hiện trước hết là trong trạng thái “chồng lấn, mập mờ” giữa văn học đại chúng và văn học tinh hoa. Độc giả khó lòng phân biệt và chọn lựa một trong hai dòng văn học giải trí và văn chương đích thực. Čapek xuất hiện như một sự đáp ứng kịp thời nhu cầu thẩm mỹ của thời đại. Kịch bản và văn chương triết học, gắn với các chủ đề khoa học viễn tưởng, văn minh công nghệ của ông thực sự là những tiếng nói nghệ thuật mới, mở thêm một con đường phát triển cho văn học châu Âu. Vì vậy, ngay lúc sinh thời cho đến lúc qua đời, các tác phẩm của ông đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Trong dòng chảy của văn hóa Czech và văn hóa châu Âu, Karel Čapek vẫn như một cây đại thụ lặng lẽ tỏa bóng vào sáng tác của những nhà văn hiện đại và hậu hiện đại hôm nay.
Bản dịch tập truyện này là thành quả dịch thuật kết tinh nhiệt tình lao động, kinh nghiệm ngôn ngữ và nhất là niềm say mê văn học của kỹ sư Phạm Công Tú. Với bản dịch này, ta đã có thêm một nhịp cầu nối đôi bờ văn hóa Tiệp Khắc-Việt Nam.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

VỤ ÁN CỦA DR. MEJZLÍK*

(*) Ở các nước Trung Âu thì Dr. hay dr. là viết tắt học vị doctor, tương đương thạc sĩ (thí dụ JUDr. = luật sư, MUDr. = bác sĩ, PhDr. = thạc sĩ triết học...).
“Ông Dastych ạ, ông nghe nhé,” người cảnh sát hình sự Dr. Mejzlík vẻ mặt đăm chiêu nói với ông già làm nghề ảo thuật, “tôi đến nhờ ông tư vấn cho. Tôi vừa có một vụ như thế này mà tôi không biết phải làm thế nào nữa.”
“Thì anh kể xem nào,” ông Dastych nói. “Vụ này liên quan đến ai vậy?”
“Liên quan đến tôi,” Dr. Mejzlík thở dài. “Càng nghĩ về vụ này, tôi càng thấy khó hiểu. Ông nghe nhé, tôi đến phát điên vì vụ này mất.”
“Ai làm gì anh thế?” ông Dastych nhẹ nhàng hỏi.
“Có ai đâu,” Dr. Mejzlík buột miệng. “Tệ nhất là cái này. Tôi đã làm một việc mà tôi không hiểu nổi.”
“Chắc vụ này cũng không đến nỗi nào đâu,” ông già Dastych an ủi người cảnh sát. “Nào, anh thanh niên ơi, anh đã làm gì vậy?”
“Tôi đã tóm được một tên trộm,” Dr. Mejzlík buồn bã.
“Chỉ có thế thôi à?”
“Chỉ có thế thôi.”
“Và tên trộm này bị anh bắt nhầm,” ông Dastych đỡ lời.
“Không, đúng hắn, hắn đã thú nhận. Ông biết không? Hắn đã trộm két tiền của Hội Từ thiện Do Thái. Tên hắn là Rozanowski hay Rosenbaum, đến từ Lvov*,” Dr. Mejzlík lầm bầm. “Chúng tôi còn tìm thấy mấy cái kìm và đủ thứ khác nữa.”
(*) Thành phố miền Tây Ukraina.
“Ái chà, thế anh muốn biết gì nào?” ông Dastych dò hỏi.
“Tôi muốn biết tôi đã tóm được tên này như thế nào,” người cảnh sát nói. “Khoan đã, để tôi kể tuần tự cho ông nghe nhé. Cách đây một tháng, hôm ấy là mồng ba tháng Ba, tôi có phiên trực đến nửa đêm. Tôi không biết ông có nhớ không, lần ấy mưa liền ba ngày. Tôi ra quán cà phê một lát và sau đó định về nhà ở Vinohrady*. Nhưng thay vì về nhà tôi đã đi về hướng ngược lại, về phía phố Dlážděná*. Ông ạ, ông biết tại sao tôi lại đi về phía ấy không?”
(*) Tên phố ở Praha.
“Có lẽ chỉ ngẫu nhiên thôi,” ông Dastych nói.
“Ông nghe này, trong thời tiết như thế thì chẳng mặt nào ngẫu nhiên thò ra ngoài phố nhé. Tôi muốn biết, lúc ấy tôi định làm cái quái gì nhỉ. Ông nghĩ sao, có thể là linh cảm chăng? Ông có biết gì về thần giao cách cảm không?”
“À,” ông Dastych nói. “Chuyện này có thể lắm.”
“Ông thấy đấy,” Dr. Mejzlík nói, giọng lo lắng. “Bắt đầu nhé. Nhưng cũng có thể là một ý nghĩ vô thức nhắc tôi đến ngó xem, ở Ba cô trinh nữ có gì không.”
“Cái nhà trọ xó xỉnh ấy ở phố Dlážděná chứ gì,” ông Dastych nhớ ra.
“Chính thế, dân trộm cắp từ Pest* hay Halic* thường ngủ trọ ở đấy khi đến Praha kiếm việc. Khu này chúng tôi vẫn thường để mắt đến. Ông nghĩ thế nào? Việc tôi đến ngó chỗ ấy có phải là do thói quen của cảnh sát chăng?”
(*) Tên một khu phố ở Budapest, Hungaria.
(*) Một địa danh ở Slovakia.
“Có thể như vậy,” ông Dastych nhận xét. “Người ta hay làm những việc như thế theo thói quen, nhất là khi có ý thức trách nhiệm. Điều này không có gì đặc biệt.”
“Vậy là tôi đi đến phố Dlážděná,” Dr. Mejzlík tiếp tục kể, “ngoài những việc khác, tôi xem danh sách khách ngủ trọ ở Ba cô trinh nữ rồi đi tiếp. Đến cuối phố Dlážděná tôi dừng bước và quay lại; ông biết tại sao tôi lại quay lại chứ?”
“Thói quen,” ông Dastych cắt nghĩa. “Thói quen kiểm tra.”
“Có thể như thế,” cảnh sát viên đồng ý. “Nhưng lúc đó tôi không trong ca trực và lại đang muốn về nhà. Có thể là linh cảm không?”
“Thường hay có những chuyện như thế,” ông Dastych công nhận. “Nhưng linh cảm như vậy cũng không có gì lạ. Ai cũng biết là con người ta có những khả năng đặc biệt mà...”
“Trời ơi,” Dr. Mejzlík kêu lên, “thế cái này là thói quen hay khả năng đặc biệt nào? Đấy chính là điều tôi muốn biết đây! Nhưng khoan đã: khi tôi đang bước thì có một người đi ngược lại. Này, tại sao trên đời lại không thể có người đi trên phố Dlážděná vào một giờ đêm nhỉ? Có gì đáng ngờ cơ chứ? Tôi cũng không nghĩ đến việc đó; nhưng tôi dừng lại ngay dưới cột đèn và châm một điếu thuốc egyptka. Ông biết không, chúng tôi thường làm thế, khi muốn quan sát kỹ ai đó trong đêm. Ông nghĩ sao? Chuyện ngẫu nhiên, thói quen hay... hay cảnh báo gì đó của vô thức?”
“Tôi không biết,” ông Dastych nói.
“Tôi cũng không biết,” Dr. Mejzlík kêu lên. “Trời ạ! Thế là tôi châm điếu thuốc dưới cột đèn còn người kia thì đi vòng quanh tôi. Ông ạ, tôi cũng chẳng nhìn mặt hắn ta mà tôi nhìn xuống đất. Khi hắn đi qua tôi bỗng thấy có cái gì không ổn. Quỷ quái ạ, tôi tự nhủ, ở đây có cái gì đó không bình thường - nhưng là cái gì nhỉ? Chả là tôi không để ý đến con người quan trọng kia. Và tôi đứng trong mưa dưới cột đèn và nghĩ ngợi; và bỗng nhiên tôi nhớ ra: đôi giày. Gã đàn ông ấy có cái gì là lạ trên đôi giày. Và tôi bỗng nhiên nói to: bụi .”
“Bụi hả?” ông Dastych hỏi.
“Ừ, bụi. Lúc ấy tôi nhớ ra là cái gã ấy có bụi ở giữa mũi giày và đế giày.”
“Tại sao gã lại không được phép có bụi trên giày chứ?”
“Ông phải hiểu chứ,” Dr. Mejzlík kêu lên. “Này ông ơi, đúng phút giây đó tôi đã nhìn thấy cái két chống cháy bị cắt ra và bụi rơi xuống sàn. Ông biết không, bụi giữa các lớp thép ấy. Và tôi đã nhìn thấy đôi giày giẫm lên thứ bụi ấy.”
“Thế thì cái này là linh cảm,” ông Dastych quả quyết. “Linh cảm tuyệt vời nhưng ngẫu nhiên.”
“Vô lý,” Dr. Mejzlík nói. “Ông ạ, nếu không mưa thì tôi đã không để ý thấy bụi ấy đâu. Nhưng mà trời mưa nên thông thường không ai có bụi trên giày cả, ông hiểu chứ?”
“Đây là một kết luận đầy kinh nghiệm,” ông Dastych nói giọng tự tin. “Đây là kết luận tuyệt vời dựa trên kinh nghiệm. Sau đó thế nào?”
“Vâng, và tôi đi theo gã đó: biết ngay mà, gã chui vào Ba cô trinh nữ . Sau đó tôi gọi hai cảnh sát mật đến, chúng tôi đã bố ráp và tóm được Rosenbaum dính bụi, cả mấy cái kìm và mười hai nghìn từ két sắt của Hội Từ thiện Do Thái. Chẳng có gì đặc biệt cả. Ông biết đấy, báo chí thì viết rằng lần này cảnh sát của chúng ta đã cho thấy là họ luôn sẵn sàng... Vớ vẩn chưa! Thưa ông, nếu tôi không đi về phố Dlážděná và không nhìn vào đôi giày của tên khốn ấy... Rõ ràng là,” Dr. Mejzlík than thở đầy ngao ngán, “một việc ngẫu nhiên. Chỉ có thế thôi.”
“Cái này có quan trọng gì đâu,” ông Dastych nhận xét. “Anh thanh niên ơi, đấy là một thành tích đáng chúc mừng.”
“Chúc mừng ư!” Dr. Mejzlík kêu lên. “Thưa ông, tôi phải được chúc mừng về cái gì cơ chứ? Chúc mừng cái nhạy bén trong nghề điều tra của tôi ư? Hay chúc mừng thói quen nghề nghiệp của cảnh sát? Hay chúc mừng cái may mắn ngẫu nhiên, hay linh cảm của thần giao cách cảm? Ông xem này, đây là vụ đầu tiên kha khá của tôi, nhưng lẽ ra tôi phải điều tra theo một phương pháp nào chứ? Giả dụ nếu mai họ giao cho tôi một vụ giết người thì ông Dastych ơi, tôi sẽ phải làm gì? Chạy ra phố dùng đôi mắt sáng của mình mà nhòm chân mọi người à? Hay tôi phải chờ linh cảm hay tiếng nói từ nội tâm dẫn tôi đến chỗ tên giết người? Ông thấy chưa, cái vụ này như thế đấy. Cả ngành cảnh sát bây giờ khen ngợi tôi, nào là: ‘Cái cậu Mejzlík có cái mũi thính’ , nào là ‘Nay mai thế nào cái cậu trẻ đeo kính ấy cũng làm ra trò,’ hoặc ‘Đây là thám tử bẩm sinh nhé…’ Rõ ràng là tình trạng tuyệt vọng,” Dr. Mejzlík kêu lên. “Người ta phải có phương pháp gì chứ? Trước cái vụ đầu tiên của mình tôi vẫn tin vào tất cả các phương pháp khoa học; ông biết chứ, tin vào quan sát, tin vào kinh nghiệm, tin vào điều tra có hệ thống và các phương pháp như vậy. Vậy mà khi phân tích lại vụ của mình, ông nghe này, tôi thấy,” Dr. Mejzlík buột miệng nhẹ nhõm, “tôi nghĩ, rằng tất cả chỉ là may rủi ngẫu nhiên.”
“Xem ra thì thế đấy,” ông Dastych nói một cách thông thái. “Nhưng trong đó cũng có sự khéo quan sát và cả tư duy logic nữa.”
“Và thói quen nghề nghiệp,” anh cảnh sát trẻ than thở giọng đầy chán nản.
“Và trực giác, cộng thêm một chút linh cảm, và bản năng.”
“Úi chà, ông thấy thế cơ à,” Dr. Mejzlík than thở. “Ông Dastych ơi, tôi biết làm gì bây giờ?”
“Ông Dr. Mejzlík, ông có điện thoại,” người bồi bàn gọi. “Nha cảnh sát gọi ông đấy.”
“Thế là bắt đầu rồi đấy,” Dr. Mejzlík kêu lên tuyệt vọng; và khi anh trở lại từ máy điện thoại bàn, mặt anh xanh tái đi và căng thẳng. “Cho trả tiền nào, anh bồi ơi!” anh cáu kỉnh kêu lên. “Thế đấy: họ vừa tìm thấy một người ngoại quốc bị giết trong khách sạn. Trời đánh thế cơ chứ …” Và anh bước đi. Rõ ràng người đàn ông trẻ và năng nổ ấy đang hốt hoảng.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

HOA CÚC XANH

“Tôi kể cho anh nghe nhé,” ông già Fulinus nói, “về câu chuyện Klára ra đời như thế nào. Thời bấy giờ tôi triển khai công viên của Công tước Lichtenberský ở Lubenec; anh ạ, ngài Công tước, ông ấy là người hiểu biết; tất cả các thứ cây ông ấy cho gửi đến đều xuất xứ từ Veitsche bên nước Anh, và chỉ riêng củ giống mà ông ấy đặt mua tận bên Hà Lan đã lên đến mười bảy nghìn củ; nhưng đấy là chuyện phụ. Có một lần vào Chủ nhật, đang đi trên đường phố ở Lubenec thì tôi gặp con bé Klára; anh biết không, nó là đứa dở người, một con bé câm điếc và điên điên, đi đâu nó cũng nhảy nhót vui vẻ. Và anh có biết tại sao những đứa dở người lúc nào cũng vui vẻ như thế không? Tôi cố ý tránh xa để tránh nó tặng cho tôi một nụ hôn, nhưng khi tôi bỗng thấy trên tay nó là một bó hoa đủ các loại, đa số là hoa mùi dại và hoa đồng nội, thì tôi như bị điện giật. Anh ạ, trong bó hoa của con bé hâm dở ấy có một bông hoa cúc cảnh, hoa màu xanh ! Anh ạ, màu xanh! Bông hoa xanh gần như hoa Phlox Laphami; pha một chút màu đá đen và viền xung quanh có chút màu hồng mỏng tang như lụa, bên trong có màu như thạch anh, giống như hoa chuông xanh, và đẹp một cách hoàn mỹ. Nhưng như vậy vẫn chưa là gì anh ạ, cái màu ấy lúc bấy giờ và cho đến bây giờ vẫn luôn là một màu xanh chưa được biết đến của hoa cúc bốn mùa Ấn Độ! Cách đây mấy năm tôi có đến miền Veitsche cổ kính, ở đó quý ông James khoe với tôi rằng trong vườn của ông ấy năm trước có nở một bông cúc, được nhập từ Trung Quốc, màu xanh nhạt, nhưng sang đông thì nó tàn. Thế mà ở đây cái con bé dở người ấy cầm trong tay những bông hoa cúc xanh, xanh như mơ ấy. Tuyệt thật!
“Thế rồi con bé Klára ấy cười nói bi bô và đưa cho tôi bó hoa của nó. Tôi cho nó một koruna rồi tôi chỉ vào những bông cúc xanh và hỏi: Klára ơi, cháu hái hoa này ở đâu thế? Klára thì tỏ ra thích chí, vui vẻ nói nói, cười cười. Tôi không thể biết được gì hơn từ con bé. Tôi cố tình nói to, ra dấu, nhưng đều vô hiệu. Bằng đủ mọi cách nó chỉ muốn ôm tôi. Tôi vội chạy đến chỗ ngài Công tước với bó cúc xanh quý giá: Thưa ngài, bông hoa này mọc gần ở đây, ta đi tìm đi. Ông già lập tức chuẩn bị xe ngựa và định mang con bé Klára đi theo. Nhưng Klára đã biến mất và không sao tìm ra nó. Chúng tôi đứng bên xe và chửi đổng cả tiếng đồng hồ - ngài Công tước trước đây đã từng là kỵ sĩ mà. Nhưng chúng tôi chưa kịp oải thì Klára đã chạy đến, thở không ra hơi và ấn vào tay tôi cả một bó hoa cúc xanh vừa hái. Ngài Công tước cho nó một trăm koruna, nhưng con bé Klára thất vọng và òa khóc. Tội nghiệp, nó chưa bao giờ thấy đồng một trăm koruna. Tôi phải cho nó một koruna, để nó hết tủi. Thế là nó nhảy múa la hét, nhưng chúng tôi đã cho nó ngồi lên mui xe ngựa để nó chỉ ra chỗ có hoa cúc xanh. Nào Klára, cháu dẫn đường nhé!
“Trên mui xe Klára ồ lên vui sướng, anh không tưởng tượng ra ngài Công tước khó chịu như thế nào khi phải ngồi cạnh nó. Thêm vào đấy con ngựa mỗi lúc lại cuồng lên vì những tiếng kêu và la hét của con bé, thật là một chuyến đi quái dị. Khi chúng tôi đã đi được khoảng một giờ rưỡi tôi nói: Ngài Công tước ạ, ta phải đi được khoảng mười bốn cây số rồi.
“ ‘Không sao,’ Công tước ậm ừ, ‘cứ đi cả trăm cây số cũng chả sao.’
“ ‘Tốt thôi ạ,’ tôi nói, ‘nhưng con bé quay trở lại với bó hoa chỉ sau một giờ đồng hồ. Chỗ đó không thể xa Lubenec quá ba kilômét.’
“ ‘Klára ơi,’ ngài Công tước quát lên và chỉ vào những bông hoa cúc xanh, ‘hoa này mọc ở đâu? Cháu tìm thấy nó ở chỗ nào?’ Klára thì cứ nhí nha nhí nhố và chỉ về phía trước. Có lẽ nó sung sướng vì được đi xe. Anh ạ, tôi sợ ngài Công tước sẽ giết nó mất; trời ạ, ông ấy cũng biết nổi khùng lên đấy! Mấy con ngựa thì đã mệt nhoài, mõm sùi đầy bọt, Klára thì vẫn vui vẻ bi bô, Công tước thì bực bội như thể bị xúc phạm ghê gớm, người đánh xe thì cảm thấy ê chề mặc dù chưa đến mức phát khóc lên còn tôi thì vạch ra kế hoạch làm thế nào tìm được hoa cúc xanh. ‘Thưa ngài,’ tôi nói với Công tước, ‘thế này thì không ổn rồi. Chúng ta phải đi tìm hoa mà không cần đến con bé Klára. Chúng ta sẽ lấy compa vẽ trên bản đồ một hình tròn với bán kính ba kilômét, chia ra từng khu và chúng ta sẽ tìm từng nhà một.’
“ ‘Này anh ạ,’ Công tước nói, ‘trong vòng ba kilômét tính từ Lubenec chẳng có công viên nào đâu!’
“ ‘Đúng vậy,’ tôi nói. ‘Trong công viên thì ngài không tìm thấy gì đâu, trừ hoa ageratum hay hoa kana. Ngài xem đây này, dưới cọng nó còn dính đất; không phải đất mùn mà là đất sét vàng và dinh dính nữa, chắc được bón bằng phân người cũng nên. Ta phải tìm ở chỗ có nhiều chim bồ câu; trên lá còn đầy phân chim. Có thể cây hoa mọc bên hàng rào làm bằng gỗ thô, vì ở cọng lá còn dính cả vỏ cây thông. Vậy cứ theo cách này nhé.’
“ ‘Cách gì?’ Công tước hỏi.
“ ‘Thưa, cách này,’ tôi nói, ‘ta sẽ phải tìm ở tất cả mọi nhà, trong vòng ba kilômét; ta sẽ chia thành bốn nhóm: Công tước, tôi, người làm vườn và cậu giúp việc Vencl của tôi, được chứ ạ?’
“Tốt! Sáng hôm sau việc đầu tiên là Klára lại mang đến một bó hoa cúc xanh. Sau đó tôi điều tra khắp khu vực của mình, ở quán nào tôi cũng uống bia nóng, ăn pho mát mốc và hỏi mọi người về hoa cúc xanh. Anh biết không, tôi bị ỉa chảy khủng khiếp vì ăn pho mát mốc; người thì nóng bừng. Thường thì cuối tháng Chín thời tiết đôi khi nóng như thế. Tôi chui vào từng ngôi nhà, chấp nhận bị chủ nhà kêu la chửi bới đủ kiểu vì họ nghĩ tôi bị điên, hoặc tôi là thám tử hay người của chính quyền địa phương. Riêng chỉ có một việc mà chiều nào cũng thấy rõ: trong khu vực của tôi không có cây hoa cúc xanh nào cả. Riêng con bé Klára thì cứ chiều chiều lại mang đến một bó cúc xanh vừa mới hái.
“Anh biết đấy, vị Công tước là một vị chức sắc lớn. Ông ta đã cho gọi các cảnh sát trong khu vực, đưa cho mỗi người một bông hoa cúc xanh và hứa cho họ đủ thứ nếu họ tìm thấy hoa. Cảnh sát thì anh biết rồi, họ có học, họ đọc báo... và họ biết rõ từng hòn đá ở đây cũng như biết cách thu lượm thông tin. Nhưng anh biết không, sáu tay cảnh sát, đám dân phòng, các trưởng thôn, lũ học sinh cùng các giáo viên từ các trường và cả một đám mọi Tsigan đã lùng sục từng mảnh đất trong khu vực ba kilômét, họ bẻ tất cả những gì có hoa và mang đến lâu đài. Trời đất ơi, nhiều lắm, nhưng cúc xanh thì anh biết đấy, chả có bông nào. Chúng tôi theo dõi con bé Klára cả ngày, nhưng tối tối nó lại chạy đi đâu mất và khoảng nửa đêm nó lại ôm đến một bó hoa cúc xanh. Chúng tôi phải giam nó trong nhà để nó khỏi bẻ hết hoa, nhưng rồi cũng bất lực. Chân thành mà nói, chúng tôi như bị ma ám; anh tưởng tượng ra chứ, chỉ có mỗi mảnh đất con con như lòng bàn tay...
“Anh nghe này, con người ta có quyền chửi tục chứ, nhất là khi hoàn cảnh cực tệ hoặc gặp phải những thất bại. Việc này tôi biết, nhưng khi ngài Công tước bực mình chửi tôi rằng tôi là kẻ dở người y như con bé Klára thì tôi cãi lại. Tôi không cho phép lão già điên khùng ấy chửi bới tôi, và tôi bỏ đi ra ga tàu, không quay lại Lubenec nữa. Lúc tôi lên tàu, tàu chuyển bánh thì tôi bật khóc, vì không tìm thấy hoa cúc xanh, cái này đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải chia tay với hoa mãi mãi. Nhưng anh biết không, chính vào lúc tôi òa khóc và nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi bỗng thấy bên đường tàu có cái gì đó màu xanh. Anh Čapek ơi, một sức mạnh mạnh hơn tôi, huých tôi bật ra khỏi ghế và kéo phanh khẩn cấp lúc nào mà tôi không biết, con tàu rùng mình rồi đứng lại và tôi lăn đùng xuống ghế đối diện - hậu quả là tôi bị gãy ngón tay này này. Và khi người soát vé chạy đến, tôi lắp bắp rằng tôi quên cái gì đó ở Lubenec... Tôi phải trả một khoản tiền phạt. Anh ạ, tôi tự rủa mình thậm tệ và bước tập tễnh trên đường tàu theo hướng ngược lại về phía cái màu xanh ấy. Đồ ngu ạ, tôi tự trách mình, có thể đó chỉ là hoa cúc tây mùa thu hay cái hoa dại gì đó, còn mày thì phải trả phạt cả đống tiền! Tôi đã đi khoảng năm trăm mét; đúng lúc nghĩ rằng cái màu xanh ấy phải ở gần đây thôi, rất có thể tôi đã không thấy nó hoặc tôi chỉ tưởng tượng ra nó như thế thôi; thì tôi thấy bên đường tàu có một nhà ga xép, từ trong vườn qua hàng rào làm bằng cọc gỗ thô lộ ra một màu xanh. Đó là hai khóm hoa cúc xanh.
“Anh ạ, ngay cả trẻ ranh cũng biết, mấy lão coi nhà ga này thường trồng gì trong vườn của họ. Ngoài cải bắp xoăn, dưa hấu thì họ trồng hoa hướng dương, vài bông hồng đỏ, hoa cấm quỳ, sen cạn và mấy bông thược dược. Ở đây cái lão coi ga xép này còn chả có được như thế, mà trồng toàn khoai tây, đậu, một cây cơm cháy và trong góc vườn là hai khóm cúc xanh.
“ ‘Này ông,’ tôi nói với lão già đứng sau hàng rào, ‘ông kiếm đâu ra hai khóm hoa này thế?’
“ ‘Cái hoa xanh ấy à?’ người coi ga hỏi lại. ‘À, nó còn sót lại sau khi ông Čermák chết, ông ấy là người coi ga này trước tôi. Mà ở đây cấm đi qua đường tàu, anh ạ. Anh xem cái biển cấm kia kìa: Cấm đi lên đường tàu . Anh tìm gì ở đây hả?’
“ ‘Ông ạ,’ tôi nói, ‘thế đi theo đường nào thì đến đây được?’
“ ‘Chỉ có cách đi dọc đường tàu,’ người coi ga nói. ‘Nhưng ở đây không ai được phép. Anh tìm cái gì hả? Cút ngay, đồ ngốc, nhưng cấm đi lên đường tàu!’
“ ‘Thế thì đi lối nào?’ tôi nói, ‘tôi phải cút lối nào bây giờ?’
“ ‘Việc ấy tôi không quan tâm,’ người coi ga hét lên, ‘nhưng cấm đi lên đường tàu! Nhớ chưa?’
“Tôi ngồi bệt xuống vệ đường và nói: ‘Ông nghe này, ông lão ơi, bán cho tôi mấy khóm hoa xanh đi!’
“ ‘Không bán,’ lão coi ga quát. ‘Và cút ngay! Không được ngồi ở đây!’
“ ‘Sao lại không?’ tôi hỏi lại. ‘Chẳng có biển cấm nào cả. Ở đây cấm đi, nhưng tôi có đi đâu?’
“Lão coi ga chựng lại, tự kiềm chế để chỉ chửi tôi từ trong vườn. Có lẽ lão sống độc thân; lão ngừng chửi và lẩm bẩm một mình. Sau nửa giờ lão đi ra để ngó đường tàu.
“ ‘Này,’ lão dừng lại bên tôi, ‘không cút đi cho rảnh hả?’
“ ‘Tôi không đi,’ tôi nói, ‘người ta cấm đi trên đường tàu mà ở đây thì chẳng có lối nào khác.’
“Lão dừng lại nghĩ ngợi. ‘Này,’ lão nói, ‘lát nữa tôi đi ra đằng kia thì anh cút ngay theo đường tàu nhé. Coi như tôi không nhìn thấy.’
“Tôi cảm ơn lão, và lúc lão đi qua đường tàu thì tôi chui ngay vào vườn nhà lão, dùng ngay cái xẻng của lão đào hai khóm cúc xanh lên. Tôi ăn trộm anh ạ. Tôi là người trung thực, cả đời tôi chỉ đi ăn trộm có bảy lần, và bao giờ cũng là trộm hoa.
Sau một giờ tôi đã ngồi trong toa tàu và mang theo về những khóm cúc xanh tôi vừa lấy trộm. Khi tàu đi ngang qua ngôi nhà của người coi ga, lão coi ga đang cầm cờ đứng ở đó, mặt nhăn như bị. Tôi lấy mũ vẫy chào lão, nhưng tôi nghĩ rằng lão không nhận ra tôi.
“Anh thấy không, trên bảng có hàng chữ: Cấm đi . Bất cứ ai kể cả tôi và anh, cảnh sát, trẻ em và cả đám mọi Tsigan cũng không thể nghĩ ra là có thể tìm hoa ở đây. Cái biển cấm ấy có sức mạnh ghê gớm. Có thể bên ngôi nhà người coi ga có hoa ngọc trâm xanh, trên cây có tầm gửi vàng, nhưng sẽ không ai tìm ra, bởi vì đi lên đường tàu sẽ bị phạt. Chấm hết. Chỉ có con bé điên điên Klára đến đó được, vì nó bị dở người và không biết đọc.
“Vì thế tôi đặt tên hoa cúc xanh của mình là Klára. Tôi đã đánh bạn với nó mười lăm năm nay. Nhưng cũng có thể tôi đã làm cho nó yếu đi vì bón bằng đất tốt và chăm tưới, vì cái lão coi ga dở người ấy không hề tưới nó, đất sét thì cứng như chì. Thế mà mùa xuân nào nó cũng mọc lên, mùa hè thì nó bị nấm còn mùa thu thì nó lụi. Anh xem này, tôi là người duy nhất trên thế giới này có hoa cúc xanh, nhưng tôi không thể mang nó đi triển lãm được. Không đời nào. Cúc Bregagne, cúc Anastazie, những hoa này hơi tím, còn riêng Klára, anh ạ, khi nào Klára của tôi nở hoa thì cả thế giới sẽ nói về nó.”​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

MỤ THẦY BÓI​


Bất cứ người nào hiểu biết khi xem câu chuyện này đều biết là chuyện này không thể xảy ra ở nước ta*, ở Pháp hay Đức, vì ở những nước ấy các thẩm phán có trách nhiệm xử án và phạt những người có tội theo các quy định của luật pháp chứ không xử theo sự sáng suốt hay lương tâm của mình. Trong vụ này một ông thẩm phán đã ra quyết định không theo các điều luật mà theo sự sáng suốt của con người, vậy thì rõ ràng chuyện này không thể xảy ra ở nơi nào khác trừ nước Anh; chuyện xảy ra tại London, chính xác hơn là Kensington; hay đúng hơn là ở Brompton hoặc Bayswater, tóm lại là ở đâu đó. Thẩm phán là ngài Kelley và người phụ nữ bị xử ấy hẳn có tên là Mayers, bà Edith Mayers.
(*) Tức Cộng hòa Tiệp Khắc cũ.
Anh biết đấy, cái bà đáng kính ấy làm cho ông cảnh sát trưởng Mac Leary phải lưu tâm. Một buổi tối ông ta nói với vợ. “Em yêu ạ, anh không thể bỏ qua cái mụ Mayers ấy. Anh muốn biết mụ ta sống bằng gì. Em xem đây, bây giờ là tháng Hai mà mụ ta đặt mua măng tây. Thêm vào đó anh phát hiện là hằng ngày mụ phải có từ mười hai đến hai mươi người đến thăm, toàn là những người bán hàng tạp hóa cho đến các hầu tước phu nhân. Em yêu ạ, em có nói rằng mụ ta chuyên bói bài. Được thôi, nhưng có thể đó chỉ là trò che đậy cho những cái khác thôi, thí dụ cho vay nặng lãi hay làm gián điệp. Em để ý nhé, anh muốn biết cho rõ.”
“Được anh Bob ạ,” phu nhân Mac Leary nói, “anh cứ để em lo.”
Và chuyện đã xảy ra. Hôm sau, phu nhân Mac Leary tất nhiên là không đeo nhẫn cưới, ăn mặc trẻ trung như một cô gái trẻ, tóc uốn xoăn theo kiểu các cô gái trẻ đã đến tuổi hết khờ dại, mặt đầy lo lắng, đến bấm chuông cửa nhà bà Mayers ở Bayswater hay Marylebone. Cô phải đợi một lát mới được bà Mayers tiếp.
“Mời cô ngồi xuống đây nào, cô bé thân mến,” quý bà nói sau khi nhìn kỹ người khách nhút nhát. “Cô muốn gì nào?”
“Cháu” phu nhân Mac Leary ngập ngừng, “cháu muốn... ngày mai là sinh nhật hai mươi tuổi của cháu... Cháu rất muốn biết về tương lai của mình.”
“Nhưng, cô... e hèm... ờ, tên cô là gì nhỉ?” bà Mayers nói, tay cầm một xấp bài và đảo bài rất nhanh.
“Cháu là Jones ạ,” phu nhân Mac Leary hổn hển nói.
“Cô Jones quý mến ạ,” bà Mayers nói tiếp, “có lẽ cô nhầm; là người có tuổi rồi nên tôi không bói toán bằng quân bài đâu, trừ phi là chỗ bạn bè. Cô rút quân bài bằng tay trái và chia ra năm tệp nhé. Thế. Nhiều khi vui vui tôi cũng bói bài, nhưng ngoài ra thì... Này,” bà Mayers nói và ngửa xấp bài đầu tiên. “Quân bài này có quả chuông* nhé, có nghĩa là tiền. Và quân bồi tim, quân bài này tuyệt đẹp.”
(*) Bộ bài kiểu cũ, 4 nước bài có dạng là tim, chuông, lá và quả sồi (lần lượt tương ứng với cơ, rô, pích, nhép trong bộ bài thông dụng hiện nay).
“Ấy,” phu nhân Mac Leary thốt lên. “Còn gì nữa ạ?”
“Quân bồi chuông,” bà Mayers nói, tay ngửa xấp bài thứ hai. “Mười lá, có nghĩa là lên đường. Nhưng,” bà ta reo lên, “chúng ta có quân sồi này. Quân sồi luôn có nghĩa là sự cản trở, nhưng quân đầm tim lại nằm ở cuối.”
“Thế có nghĩa là gì?” phu nhân Mac Leary hỏi, mắt tròn xoe, như chưa bao giờ ngạc nhiên đến thế.
“Lại quả chuông,” bà Mayers nghiền ngẫm trước xấp bài thứ ba. “Cô bé ạ, cô sẽ có nhiều tiền; nhưng tôi không biết cô sẽ đi xa hay người thân của cô sẽ đi xa.”
“Cháu sẽ đi Southampton thăm dì cháu,” phu nhân Mac Leary nói.
“Sẽ đi xa hơn đấy,” bà Mayers nói và ngửa xấp bài thứ tư. “Có ai đó sẽ ngăn cản, một người đàn ông lớn tuổi...”
“Có khi là bố cháu” phu nhân Mac Leary kêu lên.
“Thế đấy,” bà Mayers thốt lên khi mở xấp bài thứ năm. “Cô Jones thân mến ạ, đây đúng là ván bài đẹp nhất tôi từng thấy. Sau một năm cô sẽ cưới chồng nhé; một người đàn ông rất giàu có và trẻ trung, triệu phú hay thương gia gì đó, anh ấy đi lại nhiều; nhưng trước khi cưới nhau cô sẽ còn phải vượt qua nhiều khó khăn, một người đàn ông lớn tuổi sẽ cản trở, nhưng cô sẽ phải kiên trì. Bao giờ cưới xong cô sẽ phải chuyển nhà đi rất xa nơi này, hình như bên kia đại dương ấy. Tôi sẽ được nhận một đồng guinea cho mỗi lần đi truyền đạo sang xứ sở của những người da đen tội nghiệp*.”
(*) Cách nói bóng gió về việc làm dịch vụ bói toán.
“Cháu cảm ơn bà,” phu nhân Mac Leary nói và lấy từ trong túi ra một bảng và một shilling. “Cháu cảm ơn nhiều! Thưa bà, bà Mayers, cháu phải trả bao nhiêu để thoát khỏi những cản trở ấy?”
“Quân bài không thể hối lộ được,” người phụ nữ lớn tuổi đáp một cách trang nghiêm. “Bố cô làm nghề gì vậy?”
“Cảnh sát ạ,” người thiếu phụ khéo léo nói dối. “Bà biết đấy, làm ở phòng bí mật.”
“Vậy à,” bà ta nói và rút ra ba quân bài. “Cái này xấu, rất xấu. Cô hãy nói với ông ấy rằng có mối nguy hiểm lớn đang đe dọa ông ấy. Ông ấy nên đến gặp tôi để biết nhiều hơn. Nhiều người từ Scotland Yard cũng đến thăm tôi, để tôi bói bài cho họ và họ nói với tôi tất cả những điều làm họ lo lắng. Vậy cô bảo ông ấy đến nhé. Cô vừa nói ông ấy làm ở phòng bí mật à? Ông Jones? Cô hãy bảo ông ấy là tôi sẽ đợi ông ấy. Tạm biệt nhé, cô Jones. Nào, mời người tiếp theo!”
“Anh không thích,” ông Mac Leary vừa nói vừa gãi đầu đăm chiêu, “anh không thích, Katie ạ. Cái mụ này quan tâm quá mức đến người bố quá cố của em. Thêm vào đó mụ ấy không phải tên là Mayers, mà là Maierhofer và là người đến từ Lubek. Cái con mụ người Đức quái gở,” ông Mac Leary gầm lên. “Mình sẽ đưa mụ ta đến trước vành móng ngựa bằng cách nào đây? Anh đảm bảo với tỷ lệ một ăn năm rằng mụ này moi tin từ những người không liên quan đến mụ ấy chút nào. Em biết không, anh sẽ tố giác mụ lên cấp trên.”
Ông Mac Leary đã tố giác việc này lên cấp trên và lạ thay cấp trên cũng không coi nhẹ việc này. Và cái bà Mayers đáng kính ấy nhận được giấy gọi lên gặp thẩm phán Kelly.
“Nào, bà Mayers,” thẩm phán nói, “việc bà bói bài là thế nào đây?”
“Lạy Chúa, thưa ngài,” bà ta trả lời, “người ta cũng phải sống bằng nghề gì chứ? Ở tuổi này tôi không thể đi nhảy ở hộp đêm được.”
“Hừ,” ông Kelly nói. “Nhưng đã có cáo buộc bà bói bài bậy bạ. Bà Mayers thân mến ạ, nó giống như thay vào kẹo sôcôla thì bà cho trẻ con ăn kẹo đất. Với giá một guinea người ta có quyền được bói tử tế hơn chứ. Này, làm sao bà có thể bói toán, khi bà không biết bói hả?”
“Nhiều người không phàn nàn gì cả” quý bà lớn tuổi biện hộ. “Ông xem này, tôi tiên tri những điều họ thích. Thật sung sướng, ông ạ, họ chỉ tốn vài shilling. Đôi khi tôi đoán đúng đấy. Có một bà nói với tôi: ‘Bà Mayers này, cho đến nay chưa ai bói bài cho tôi và tư vấn hay như bà nhé.’ Bà này đang sống ở St. John’s Wood và đang ly dị với chồng đấy.”
“Khoan đã,” thẩm phán ngắt lời bà ta. “Ở đây chúng tôi đang có nhân chứng chống lại bà. Nào cô Mac Leary, cô hãy kể cho chúng tôi những gì đã xảy ra.”
“Thưa vâng, bà Mayers bói bài cho tôi,” phu nhân Mac Leary nhanh chóng đưa ra bằng chứng, “rằng trong vòng một năm tôi sẽ cưới chồng; rằng có một anh trẻ tuổi rất giàu có sẽ cưới tôi và chúng tôi sẽ chuyển nhà sang bên kia đại dương...”
“Tại sao lại sang bên kia đại dương?” thẩm phán hỏi.
“Thưa, vì trong xấp bài có quân mười lá; nó có nghĩa là chuyến đi xa,” bà Mayers nói.
“Vớ vẩn,” ông thẩm phán quát. “Mười lá có nghĩa là hy vọng. Chuyến đi xa là quân bồi quả sồi chứ; khi nó đi với bảy chuông thì có nghĩa là đi rất xa, nhưng sẽ lãi to. Bà Mayers, bà không lừa tôi được đâu. Bà đã bói cho nhân chứng này, rằng sau một năm cô ấy sẽ lấy chồng trẻ và giàu có, nhưng cô Mac Leary đã có chồng ba năm rồi và chồng cô ấy là cảnh sát trưởng Mac Leary giỏi giang. Bà Mayers, bà sẽ giải thích cái trò vô nghĩa của bà thế nào đây?”
“Trời ơi,” bà Mayers nói giọng bình thản, “điều này vẫn hay xảy ra mà. Cái cô trẻ này đến gặp tôi, ăn mặc thì hở hang, nhưng găng tay trái thì rách, rõ ràng là không có tiền, lại còn muốn chơi trội. Cô ấy nói rằng cô ấy hai mươi tuổi, trong khi đó cô ấy đã hai mươi nhăm...”
“Hai mươi bốn,” phu nhân Mac Leary buột miệng.
“Không quan trọng, cô ấy nói rằng cô ấy muốn lấy chồng, nghĩa là cô ấy nhận là chưa có gia đình. Vì thế tôi bói cô ấy sẽ lấy chồng, lại chồng giàu có nữa; tôi nghĩ như vậy là hợp lý nhất.”
“Thế còn sự cản trở, cái ông lớn tuổi và chuyến đi sang bên kia bờ đại dương?” cô Mac Leary hỏi.
“Thế thì phải trả nhiều hơn thế,” bà Mayers nói. “Với giá một guinea mà người ta phải bói cả đống thứ.”
“Đủ rồi,” thẩm phán nói. “Bà Mayers ạ, chẳng có giá trị gì cả, bói bài thế này là lừa đảo. Người bói phải hiểu quân bài chứ. Có nhiều lý thuyết khác nhau nhưng không bao giờ, xin bà nhớ cho, không bao giờ mười lá lại có nghĩa là chuyến đi xa. Bà phải trả tiền phạt năm mươi bảng, tương tự những người bán thực phẩm đểu hoặc hàng giả. Người ta còn nghi bà, bà Mayers ạ, ngoài việc này bà còn làm gián điệp, nhưng tôi nghĩ là bà không thú nhận tội này.”
“Có trời chứng giám,” bà Mayers thốt lên, nhưng ông Kelly đã ngắt lời bà ta. “Này này, thôi nhé; vì bà là người ngoại quốc, lại không có nghề nghiệp, các cơ quan chức năng sẽ sử dụng quyền của mình và trục xuất bà ra khỏi đất nước. Vĩnh biệt nhé, bà Mayers, cảm ơn cô Mac Leary. Tôi phải nói với cô rằng bói bài bậy là việc thất đức. Bà Mayers, bà nhớ đấy nhé.”
“Tôi biết sao bây giờ,” bà Mayers thở dài. “Lại đúng lúc nghề của tôi bắt đầu đi lên...”
Sau đấy một năm thẩm phán Kelly gặp lại cảnh sát trưởng Mac Leary. “Chúc ông một ngày đẹp,” thẩm phán chào nhã nhặn. “Mà này, phu nhân Mac Leary sao rồi?”
Ông Mac Leary nhìn lên chua chát. “Sự thể là... ông biết không ông Kelly,” ông ta ngập ngừng kể, “cái cô Mac Leary... chúng tôi đã ly dị rồi.”
“Đừng đùa chứ,” ông thẩm phán ngạc nhiên, “cái cô trẻ trung và xinh đẹp ấy!”
“Thì nó mới thế,” ông Mac Leary điên lên, “một thằng lêu lổng bỗng nhiên lao đánh uỳnh vào cô ấy... nghe nói triệu phú hay thương gia từ Melbourne... Tôi ngăn lại, nhưng...” Ông Mac Leary phẩy tay. “Tuần trước chúng nó đưa nhau đi Australia rồi.”​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

NHÀ THÔNG THÁI​


“Ông biết không, ông công tố viên,” ông Janowitz giảng giải, “tôi không dễ bị ai lòe đâu nhé, tôi không phải là người Do Thái vô bổ đâu nhé, chứ không à? Thế nhưng những cái mà anh ta làm, nó phải ở trên tầm hiểu biết của tôi. Cái này không chỉ là tướng pháp nhé, tôi cũng chẳng biết nữa. Ông thử xem: ông đưa cho anh ta một tờ giấy ai đó viết vào trong phong bì không dán; anh ta cũng chẳng nhìn, chỉ thò mấy ngón tay vào phong bì, sờ vào chữ; trong lúc đó anh ta chụm mồm như bị đau ấy. Sau một lát anh ta kể về tính tình của người viết, nhưng ông phải thấy trực tiếp cơ. Cái anh này đoán chính xác lắm. Tôi cho một bức thư của lão già Weinberger vào phong bì; anh ta nhận ra hết, cả cái việc là lão này bị bệnh tiểu đường, rồi thế nào cũng sạt nghiệp. Ông nói sao nào?”
“Có gì đâu,” ông công tố viên nói. “Có thể tay ấy biết lão già Weinberger.”
“Nhưng anh ta không nhìn thấy chữ,” ông Janowitz bực mình. “Anh ta nói rằng mỗi chữ đều có dòng chảy riêng và nghe nói cái này có thể nghiên cứu chính xác được. Anh ta bảo đó là hiện tượng hoàn toàn mang tính vật lý, giống như cái đài radio. Ông công tố viên ạ, cái này không phải lừa đảo đâu; cái anh hoàng tử Karadagh chẳng lấy gì của ai cả, nghe nói anh ta là hậu duệ của một dòng họ rất lâu đời ở Baku, có một tay người Nga bảo tôi thế. Nhưng tôi chẳng nói dài làm gì, ông hãy đến mà xem, tối nay anh ta có mặt ở nhà tôi mà. Ông phải đến đấy nhé.”
“Ông nghe này, ông Janowitz ơi,” ông công tố viên nói, “những chuyện kiểu này hay đấy, nhưng tôi chỉ tin bọn ngoại quốc năm mươi phần trăm thôi, nhất là khi tôi chả biết hắn sống bằng nghề gì. Người Nga thì tôi còn ít tin hơn nữa, và cái bọn fakir * tôi tin ít nhất; lại còn hoàng tử nữa thì tôi chả tin tí nào. Ông bảo hắn học cái này ở đâu? Ái chà, ở Ba Tư à? Ông để cho tôi yên đi, ông Janowitz ạ, cả cái miền Trung Đông ấy chỉ toàn là chuyện lừa đảo.”
(*) Cách người Czech gọi các thầy tu đạo Hồi và các thầy tu Ấn Độ.
“Nhưng ông công tố viên ạ,” ông Janowitz tự vệ, “cái cậu thanh niên ấy kể rất khoa học; không có ảo thuật gì hết; không có tí huyền bí nào đâu; để tôi nói nhé, hoàn toàn là phương pháp khoa học.”
“Thế thì càng lừa đảo,” ông công tố viên nói. “Ông Janowitz ạ, tôi thấy lạ cho ông; cả đời ông hoàn toàn không cần các phương pháp khoa học còn bây giờ ông lại đem nó ra để lôi kéo tôi. Ông xem đây này, nếu ở đó có gì lạ thì người ta cũng biết tỏng từ lâu rồi, đúng không?”
“Ừ,” ông Janowitz bắt đầu hơi mất bình tĩnh, “nhưng tôi tận mắt nhìn thấy anh ta đoán được hết về lão Weinberger! Cái này thật siêu. Ông công tố viên ạ, ông cứ đến xem đi. Nếu là trò lừa đảo thì ông thấy ngay vì ông là chuyên gia, chứ gì nữa; ông công tố viên ạ, ai mà lừa ông được.”
“Tôi nghĩ khó đấy,” ông công tố viên khiêm tốn nói. “Vậy tối tôi sẽ đến, ông Janowitz nhé, nhưng chỉ để xem ngón tay của cái ‘hiện tượng’ của ông thôi. Chán thật, dân mình cả tin thế. Nhưng ông không được nói với hắn ta tôi là ai; khoan nào, tôi sẽ cho hắn đọc chữ viết trong phong bì, cái này sẽ đặc biệt. Ông dám cược không? Tôi sẽ chứng minh là hắn lừa đảo.”
Chắc chắn các vị biết rằng ông công tố viên (nói đúng hơn là ông công tố viên trưởng, Dr. Klapka) đã từng đứng trong phiên tòa xử Hugo Muller về tội giết người. Cái ông Hugo Muller, chủ nhà máy và là triệu phú bị buộc tội là đã mua bảo hiểm với số tiền lớn cho em trai mình là Ota rồi sau đó dìm chết anh này ở hồ Doksansky, ngoài ra người ta còn nghi ông ta đã thủ tiêu người tình của mình, nhưng tất nhiên là chuyện này không chứng minh được. Tóm lại là một vụ án to; vụ này ông công tố viên đặc biệt quan tâm; ông đã làm các hồ sơ với sự cần mẫn và sáng tạo. Việc này đưa ông trở thành công tố viên đáng sợ nhất trong xã hội. Vụ án không rõ ràng, ông công tố viên có thể phải trả giá không biết bao nhiêu để có một chứng cớ trực tiếp, nhưng mọi việc chùng chình không nhích nên ông phải tin vào sự thông minh của mình để thuyết phục đoàn bồi thẩm ra quyết định treo cổ Hugo Muller, vì đó là danh dự của các công tố viên của nhà nước.
Tối hôm đó ông Janowitz hơi bực bội. “Đây là hoàng tử Karadagh,” ông nói nhỏ, “và dr. Klapka, nào chúng ta có thể bắt đầu.”
Ông công tố viên nhìn gã người lạ với ánh mắt đầy dò hỏi; con người này trẻ và mảnh mai, mắt đeo kính, có khuôn mặt giống như nhà tu hành Tây Tạng và đôi tay mềm mại như tay của kẻ trộm. Kẻ mạo nhận đây, ông đoán rất nhanh.
“Anh Karadagh ạ,” ông Janowitz nói, “ở đây có nước khoáng đấy. Nào anh bật đèn lên, tôi tắt đèn trần để anh không bị mất tập trung. Được. Nào quý vị, im lặng nào. Ông, e hèm, dr. Klapka đã mang đến một bức thư viết tay; đề nghị anh Karadagh, xin mời...”
Ông công tố viên ho nhẹ, ông ngồi xuống để nhìn nhà thông thái thật rõ. “Bức thư ấy đây,” ông nói và rút từ túi ngực cái phong bì đã dán kín. “Xin mời.”
“Cảm ơn,” nhà thông thái nói nhỏ, cầm lấy phong bì, nhắm mắt lại và lộn ngược phong bì trên các ngón tay. Bỗng nhiên anh ta run lên và lắc đầu. “Đặc biệt thật,” anh ta lẩm bẩm và uống một hớp nước. Sau đó anh ta thò ngón tay vào phong bì rồi giật bắn mình; người ta có cảm giác là khuôn mặt hơi vàng của anh ta xám đi.
Trong phòng im ắng đến mức người ta nghe rõ cả hơi thở khò khè của ông Janowitz, ông này bị khó thở.
Đôi môi mỏng của hoàng tử Karadagh run run và cong lên, cứ như các ngón tay anh ta đụng phải thanh sắt nóng bỏng; trán anh ta vã mồ hôi. “Tôi không chịu được nữa,” anh ta rít lên, rút tay ra khỏi phong bì, lấy mùi soa lau tay, đôi tay anh ta di chuyển dọc mép bàn y như là anh ta đang mài dao; sau đó như bị kích thích, anh ta uống vội một hớp nước và các ngón tay anh ta cầm lấy cái phong bì.
“Người viết bức thư này,” anh bắt đầu nói giọng khô khan, “người viết thư này... đây là sức mạnh ghê gớm, lớn tới mức (anh ta tìm lời)... cái sức mạnh ấy đang rình mò. Kiểu rình mò này rất khủng khiếp,” anh ta quát lên và bỏ phong bì lên bàn. “Tôi không muốn con người này là kẻ thù của mình.”
“Tại sao vậy?” ông công tố viên không nhịn được nữa. “Người này đã mắc phải điều gì?”
“Ông đừng có hỏi tôi,” nhà thông thái nói. “Mỗi câu hỏi là một chỉ thị. Tôi chỉ biết rằng, con người này có thể làm bất cứ việc gì - những việc lớn và khủng khiếp. Ở đây là cả một ước vọng... đạt được kết quả... đạt được tiền. Người này không dừng lại ngay cả phải đạp lên xác người thân. Không đâu, đây không phải là kẻ tội phạm bình thường; con hổ không phải là tội phạm; con hổ là chúa tể. Người này không làm những việc nhơ bẩn, nhưng hắn nghĩ rằng hắn ta là chủ cuộc đời của mọi người. Khi hắn ta đi săn, hắn ta chỉ thấy mọi người là con mồi. Sau đó hắn ta giết họ.”
“Nằm ngoài cái tốt và cái xấu,” ông công tố viên hét lên đồng cảm.
“Đấy chỉ là lời nói thôi,” hoàng tử Karadagh nói. “Không ai nằm ngoài tốt và xấu cả. Người này có quan niệm đạo đức rõ ràng; hắn không nợ nần gì ai, không ăn trộm, không lừa dối; nếu có giết thì cũng như người ta chiếu tướng để thắng ván cờ. Đây là trò chơi của người này, nhưng chơi chính xác.” Nhà thông thái nhăn trán căng thẳng. “Tôi không biết đây là cái gì, tôi nhìn thấy hồ nước và trên đó là con thuyền.”
“Sau đó là gì nữa?” ông công tố viên buột miệng, gần như nghẹt thở.
“Sau đó chẳng nhìn thấy gì nữa; tất cả đều lờ mờ. Nó lờ mờ lạ lùng, ngược lại với kỳ vọng ác độc và vô cảm để bắt con mồi của mình. Nhưng ở đây không có sự rung cảm, chỉ có lý trí. Chỉ có tính toán lý trí trong mỗi chi tiết nhỏ. Nó giống như khi người ta giải một bài toán hay bài kỹ thuật. Không, người này không khi nào trách mình. Người này tự tin và nguy hiểm trước chính mình; người này không phải lo sợ trước lương tâm của mình. Tôi có cảm giác như đang nhìn xuống từ phía trên; con người này kiêu căng và tự phụ; rất vui sướng khi mọi người sợ mình.” Nhà thông thái uống thêm một ngụm nước. “Nhưng người này là một diễn viên hài. Trong thâm tâm hắn là kẻ hám lợi, kẻ đưa ra cuộc chơi. Hắn có thể làm cả thế giới chưng hửng bằng những hành động của mình. Đủ rồi. Tôi mệt. Tôi không thích hắn ta.”
“Này ông Janowitz ạ,” ông công tố viên nói đầy xúc cảm, “chuyện này thực sự đáng kinh ngạc, cái tay thông thái ấy. Cái hắn ta nói đúng như tranh truyền thần. Một con người mạnh mẽ, vô cảm, chỉ thấy trong mọi người các con mồi của mình; một cầu thủ hoàn mỹ trong cuộc chơi của mình; bộ óc của hắn luôn luôn chuẩn bị các hoạt động trí tuệ và không bao giờ trách mình điều gì; quân tử mà lại là diễn viên hài. Ông Janowitz ạ, cái tay Karadagh đã nói đúng một trăm phần trăm.”
“Đấy, ông thấy chưa,” ông Janowitz tâng bốc thêm. “Tôi chả bảo ông thế ư? Còn bức thư là của tên Schliefen từ Liberec, đúng không?”
“Không phải đâu,” ông công tố viên reo lên. “Ông Janowitz ạ, đấy là thư của một kẻ giết người.”
“Nhưng, nhưng,” ông Janowitz ngạc nhiên, “tôi cứ nghĩ là thư của tay Schliefen, chủ nhà máy dệt; ông biết đấy, hắn là tên lừa đảo ghê gớm, cái tên Schliefen ấy.”
“Không đâu, đấy là thư của Hugo Muller, kẻ giết em mình. Ông không để ý thấy tay thông thái nói về chiếc thuyền trên hồ à? Từ trên thuyền Hugo Muller đã ném xác em mình xuống nước.”
“Nhưng, nhưng,” ông Janowitz kinh ngạc. “Ông thấy đấy, anh ta là tài năng tuyệt vời phải không nào, thưa ông công tố viên.”
“Rõ rồi,” ông công tố ủy viên kết luận. “Mà anh ta thấy được toàn bộ tính tình của Muller và các lý do cho hành động của y. Cái này rõ ràng, ông Janowitz ạ, là hiện tượng. Tôi không thể thấy được tên Hugo Muller rõ ràng chuẩn xác như thế. Mà tay thông thái này đoán được bằng cách sờ chữ - ông Janowitz ạ, ở đây có cái gì đó; rõ ràng là chữ viết của con người có cái dòng chảy đặc biệt, hoặc một cái gì đó.”
“Thì tôi chả nói với ông là gì,” ông Janowitz đắc thắng. “Nếu có thể, ông công tố viên ạ, tôi chưa bao giờ nhìn thấy chữ của kẻ giết người.”
“Tất nhiên rồi,” ông công tố viên rút từ trong túi ngực cái phong bì. “Đây là một bức thư thú vị,” ông ta nói thêm và rút bức thư ra khỏi phong bì. Nhưng bỗng nhiên ông ta tái mặt. “Ông biết không, ông Janowitz,” ông ta nói với giọng là lạ, thiếu tự tin, “bức thư này thuộc về Hồ sơ của nhà nước; có nghĩa là tôi... không được phép cho ông xem. Tôi xin lỗi.”
Lát sau ông công tố viên chạy về nhà, ông không nhận ra là trời đang mưa. Trời ơi, mình ngu như con lừa, ông tự nhủ cay đắng, mình ngu thật, làm sao lại có chuyện này? Mình đúng là đồ dở người! Rõ ràng trong lúc vội mình đã mở hồ sơ của Hugo Muller và thay vào bức thư của hắn mình đã rút nhầm bản viết tay của mình có những ghi chép về việc luận tội rồi cho nó vào phong bì. Mình thật ngu ngốc! Đó là chữ viết của mình! Kinh người! Tên lừa đảo kia, ta sẽ rình để tóm cổ nhà ngươi!
Nhưng cuối cùng thì ông công tố viên cũng bình tĩnh lại, mọi thứ đều không tệ, những điều mà hắn ta nói ấy. Sức mạnh nhé, ý chí nhé; mình không làm những việc bẩn thỉu nhé, mình có những quan niệm về đạo đức nhé - đáng khen ấy chứ. Mình không trách mình? Nhờ trời, mình có lý do hẳn hoi: mình luôn luôn làm nhiệm vụ của mình mà. Và nói về trí tuệ ư, đúng đấy. Hắn chỉ nhầm khi nói mình là diễn viên hài thôi. Cái này rõ ràng là hắn dối trá.
Bỗng nhiên ông chững lại. Rõ ràng mà, bởi vì những cái mà tay thông thái ấy nói bao giờ cũng đúng cho bất cứ ai! Đấy là những cái chung chung. Ai mà chả là diễn viên hài đồng thời hám lợi cơ chứ. Đó là cái mẹo chung, nói làm sao mà ai cũng cảm thấy đúng là mình. Thế đấy, ông công tố viên kết luận. Ông mở ô ra và bước đi về nhà với những bước đi đều đều và năng nổ.
“Trời ạ!” ông chánh án than vãn trong khi cởi áo choàng ra, “bảy giờ rồi cơ à; vụ này lại kéo dài! Ông công tố viên kết luận những hai giờ đồng hồ, nhưng ông đồng nghiệp ạ, ông ấy đã thắng; với chứng cớ yếu như thế mà đưa bị cáo lên giá treo cổ thì phải nói là thành công. Ừ, bên đoàn bồi thẩm thì chả bao giờ biết. Nhưng ông ấy nói rất khôn,” ông chánh án vừa nói vừa rửa tay. “Quan trọng nhất là ông ấy đã chỉ rõ cái bản chất của tay Hugo Muller, một bức hình rõ ràng; ông biết đấy, cái bản chất khủng khiếp, vô nhân đạo của kẻ giết người ấy - làm cho người ta phải phát kinh. Ông nhớ nhé, ông đồng nghiệp ạ, ông ấy nói: Đây không phải là tên tội phạm bình thường; hắn không đủ sức làm những việc bẩn thỉu, không lừa dối và cũng không trộm cắp; nhưng nếu giết người thì hắn bình tĩnh, y như người ta chiếu tướng hết ván cờ. Hắn không giết người vì hắn thích giết người mà từ những tính toán trí tuệ, như giải một bài toán hay nhiệm vụ kỹ thuật. Ông ấy nói rất hay ông đồng nghiệp ạ. Và tiếp theo: khi hắn đi săn, hắn nhìn mọi người thân đều như con mồi. Ông biết đấy, với con hổ đó, có lẽ nó hơi diễn hài một chút, nhưng các thành viên đoàn bồi thẩm thì thích thú.”
“Hay là cái này,” ông thành viên đoàn bồi thẩm nói, “ông ấy nói: Tên giết người này không bao giờ tự trách mình; hắn tự tin, nguy hiểm trước chính mình, hắn không phải sợ lương tâm của mình.”
“Hay là cái nhìn tâm lý,” ông chánh án vừa nói tiếp vừa lau tay, “rằng hắn là diễn viên hài kiêm kẻ gây rối, nếu hắn muốn làm cho thế giới chưng hửng bằng các hành động của mình.”
“Ông Klapka ấy à,” ông thành viên đoàn bồi thẩm công nhận. “Ông này phải nói là tay đối chất nguy hiểm.”
“Hugo Muller phạm tội với mười hai phiếu thuận,” ông chánh án ngạc nhiên, “ai có thể nói trước như vậy được! Thế đấy, Klapka đã tóm được hắn. Đối với ông ấy nó như chơi cờ hay đi săn ấy. Ông ấy tham gia vụ án nào cũng vậy, ông ấy bập vào, ông đồng nghiệp ạ, tôi không muốn ông ấy là kẻ thù của mình.”
“Ông ấy,” ông thành viên đoàn bồi thẩm nói, “thích thú khi người ta sợ ông ấy.”
“Ông ấy có một chút tự mãn, ông ta thế đấy,” ông chánh án đăm chiêu nói. “Nhưng ông ấy có quyết tâm kinh khủng... để đạt được thành tích. Một sức mạnh lớn, ông đồng nghiệp ạ, nhưng...” Ông chánh án không tìm ra câu câu nói phù hợp. “Thôi nào, ta đi ăn tối đi.”​
 

malemkhoang

Rìu Chiến
BÍ MẬT CỦA CHỮ

“Anh Rubner ạ,” trưởng ban biên tập nói, “anh sẽ đến xem nhà bút tướng pháp Jensen nhé, tối nay ông ta có chương trình họp báo đấy; nghe nói cái ông Jensen ấy thật sự là hiện tượng thời đại đấy. Sau đó anh sẽ viết bài mười lăm dòng nhé!”
“Được thôi,” Rubner ậm ừ với giọng miễn cưỡng nghề nghiệp.
“Nhưng anh chú ý đấy, để khỏi dính vào mánh khóe,” trưởng ban biên tập nhắc nhở. “Anh nhớ kiểm tra kỹ, nếu có thể thì phải trực tiếp. Vì thế tôi mới cử anh, một người giàu kinh nghiệm...”
“... bởi thế, thưa quý vị, đây là những nguyên tắc khoa học chính, chính xác hơn bút tướng pháp tâm lý,” nhà bút tướng pháp Jensen chốt lại bài phát biểu khoa học của mình tối hôm đó cho các đại diện báo chí. “Các vị thấy đấy, toàn bộ hệ thống được xây dựng xác đáng trên các định luật thông qua thí nghiệm; những ứng dụng của các phương pháp khoa học này thì vô cùng phức tạp, nên tôi không thể thể hiện một cách chi tiết trong buổi giới thiệu đơn lẻ này. Tôi xin tóm tắt bằng việc phân tích thực tế hai ba dòng mẫu viết tay mà không giải thích về toàn bộ lý thuyết đối với các bước làm của mình; với việc này rất tiếc chúng ta không đủ thời gian. Nào, mời vị nào đó cho xin một mẫu chữ viết tay.”
Rubner, người đã chờ đợi việc này, lập tức đưa cho ông Jensen một tờ giấy có chữ viết tay. Jensen đeo kính phù thủy của mình vào và đọc dòng chữ.
“Ái à, chữ của phụ nữ,” ông ta nhăn mặt. “Chữ của nam giới thường rõ ràng hơn và thú vị hơn, nhưng cuối cùng thì...” ông ta ậm ừ gì đó, chăm chú nhìn qua đôi kính vào tờ giấy. “Hừm, hừm,” ông ta nói và thỉnh thoảng lắc đầu nguầy nguậy; phút giây ấy im phăng phắc.
“Đây có phải... từ người rất gần gũi anh không?” nhà bút tướng pháp hỏi.
“Không, không đâu.” Rubner phản đối.
“Thế thì tốt,” Jensen vĩ đại nói. “Anh nghe này, ả đàn bà này dối trá! Đây là cảm giác đầu tiên từ chữ viết: dối, dối từ thói quen, dối từ cách sống hằng ngày. Tóm lại đây là người trình độ thấp, với người này thì người có học không có gì để trao đổi. Cô ta thật dâm đãng, chữ viết y như là có hình thịt. Và hỗn độn kinh khủng, chắc xung quanh cô ta phải luộm thuộm... chậc! Đấy là những nét chính mà tôi nói ngay với các quý vị; cái đầu tiên mà ta nhận ra từ một con người là thói quen, đúng hơn là tính cách mà họ tự thể hiện cơ học ra ngoài. Việc phân tích tâm lý bắt đầu tính từ các đặc điểm mà người ấy giấu giếm hoặc trốn tránh, bởi vì người ấy sẽ tự mạo hiểm đối với thế giới xung quanh. Thí dụ,” ông ta nói và đặt ngón tay lên đầu mũi, “con người này sẽ không bao giờ thú nhận với ai là cô ta nghĩ gì. Con người này chỉ hình thức thôi, nhưng hình thức ở hai nghĩa; bề ngoài thì có vẻ cô ta có nhiều mối quan tâm hạ đẳng, nhưng bằng cách đó cô ta giấu kín cái mình nghĩ; và cái tôi cô ta giấu lại là cái cực đời thường: tôi xin nói là các tội lỗi nho nhỏ được kiểm soát bằng sự lười biếng của tâm hồn. Thí dụ, các vị hãy xem đây, chữ này thì rõ ràng đầy nhục dục đến khó chịu - nó cũng là dấu hiệu của sự hoang phí - mà trong khi đó nó hưng phấn kiểu tục tĩu; cái con người này rất thích sự nhàn hạ thay vào việc đi tìm tình cảm phiêu lưu; tất nhiên khi có điều kiện... Nhưng việc này không phải cái chúng ta quan tâm. Một con người thích nhàn hạ, trong khi đó lại có vẻ già dặn; khi làm gì thì cũng nói nửa ngày về việc ấy đến lúc chán mới thôi - cô ta quan tâm đến bản thân quá đáng; ta thấy ngay là cô ta không thích ai; và để cho mình được nhàn hạ cô ta bám chặt lấy ai đó, thể hiện là yêu anh ta và quan tâm anh ta đủ mức. Đây là một loại phụ nữ làm đàn ông hay mềm lòng; trở thành kẻ mềm lòng do sự chán nản từ cuộc sống dông dài vô tận, từ cái thể xác nhục nhã. Quý vị thấy không, cách viết các từ đầu tiên và nhất là các câu viết; viết qua quýt và mềm yếu gần như cẩu thả. Con người này rất thích ra lệnh; và thực sự hay ra lệnh nhưng không có sức, rõ ràng là sự quan trọng hóa giả mạo và nói nhiều; đôi khi hành hạ người ta với vũ khí hèn hạ nhất, hành hạ bằng nước mắt. Thật đặc biệt: sau mỗi việc đó ta nhìn thấy rõ ràng sự xuống cấp của yếu đuối; có gì đó níu giữ con người này, cô ta sợ cái gì đó - có thể vì nếu để khỏi lộ ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến sự nhàn hạ về vật chất của cô ta; nó phải là cái gì đó xấu xa, được che đậy, hừm, tôi không biết; có thể là cái gì đó trong quá khứ. Có thể sau cái phản hồi này cô ta đã lại tìm thấy sức lực của mình, hay đúng hơn là thói quen để viết nốt từ ấy một cách bình thường - tất nhiên là với nét hất dài tự mãn không tưởng tượng được; trong cô ấy sự tự tin lại bắt đầu tăng lên. Quý vị thấy trong phần phân tích có cảm giác đầu tiên về sự dối trá. Ở đó quý vị thấy, thưa quý vị, việc phân tích chi tiết cũng chứng minh cái cảm giác đầy linh cảm tổng thể ban đầu; sự trùng hợp cuối cùng này tôi gọi là việc xác minh có phương pháp. Tôi đã nói về sự hạ đẳng, nhưng cái hạ đẳng này không phải là do sự thô thiển mà là do sự không phù hợp; chữ này đã được viết lại cho đẹp hơn, nhưng lại chi tiết đến mức nhỏ nhen. Con người này khi thấy bất ổn thì lại để ý sự chính xác: viết các dấu chấm trên chữ i, nhưng lại quên để ý những cái lớn hơn, rõ ràng là vô kỷ luật, vô đạo đức, rõ ràng là biếng nhác. Khó chịu nhất là các dấu phẩy; chữ thì nghiêng bình thường về bên phải mà dấu phẩy thì ngược lại. Nó tạo ra cảm giác lạ lùng như đâm dao vào lưng. Ở đây có cái gì xảo quyệt, mưu mô. Tôi có thể nói một cách hình tượng là con người này có thể đâm dao vào lưng người; nhưng người này không làm việc ấy vì thích nhàn hạ - và không đủ trí tưởng tượng. Tôi nghĩ rằng như vậy là đủ. Có ai có chữ viết tay khác không, thú vị hơn không?”
Tối hôm ấy Rubner về nhà như một đám mây đen.
“Muộn thế, anh đã về rồi à?” phu nhân Rubner nói. “Anh ăn tối ở đâu chưa?”
Rubner buồn bã nhìn. “Cô lại bắt đầu rồi,” anh quát lên một cách đáng sợ.
Phu nhân Rubner mở to mắt ngạc nhiên. “Này anh, em lại bắt đầu cái gì cơ? Em chỉ hỏi anh có ăn tối không?”
“Thế à,” Rubner nói giọng khó chịu. “Về việc khác cô không biết gì hay sao mà chỉ ông ổng lên về ăn với uống. Những cái này là những mối quan tâm hạ đẳng của cô. Thật hạ đẳng, những cái dông dài lê thê, vật chất và chán nản...” Rubner than thở, phẩy tay. “Tôi biết, cái này biến đàn ông thành bọn yếu mềm.”
Phu nhân Rubner bỏ đồ khâu xuống và quan sát chồng thật kỹ. “Anh Franc,” chị nói đầy lo lắng, “có gì không ổn với anh à?”
“Ái à,” Rubner buột miệng... “Cô lại bắt đầu quan tâm tôi nhỉ? Cô không biết là cô đang gạ gẫm à! Trời ạ, đôi khi con người ta nhìn thấy rõ sự giả dối; sẽ nhận biết việc ai đó bám lấy mình chỉ vì sự nhàn hạ của người đó... và từ sự say đắm nhục dục. Khiếp,” Rubner quát lên, “người ta phát kinh hãi.”
Phu nhân Rubner lắc đầu và muốn nói điều gì; nhưng chị đã mím môi lại và khâu nhanh hơn. Trong nhà tĩnh lặng.
“Khiếp chưa kìa,” Rubner rít lên sau khi nhìn quanh. “Luộm thuộm và lôm côm. Thấy chưa, trong cái hỗn độn, trông thì như sạch sẽ, chuẩn mực; nhưng trong cái lớn hơn thì... Cái đám áo quần lôi ra đây làm gì?”
“Em đang sửa áo cho anh mà,” phu nhân Rubner trả lời, giọng nghèn nghẹn trong cổ họng.
“Vâng, cô sửa áo,” Rubner cười khẩy, “thấy chưa, cô sửa áo cho tôi! Trước sau rồi cả thế giới sẽ biết việc này, đúng không? Cả nửa ngày chỉ nói mỗi chuyện sửa áo! Chuyện vớ vẩn mà làm ra quan trọng. Cô nghĩ gì đây? Vì việc này mà cô ra lệnh? Trời ơi, giờ thì thôi đi nhé!”
“Franc ơi,” chị kêu lên sửng sốt, “em đã làm gì anh nào?”
“Ai mà biết được.” Rubner cắt ngang. “Tôi đâu biết cô làm những gì; tôi nào biết cô nghĩ gì, cô làm những trò gì sau lưng tôi; tôi chả biết gì về cô, chả biết gì, vì cô giấu tôi; cái gì mắc kẹt trong người cô thế. Tôi cũng chẳng biết chút gì về quá khứ của cô nữa.”
“Trời!” chị kêu lên, “thế này thì hết rồi! Anh còn nói gì nữa không đấy...” Chị cố hết sức kiềm chế. “Anh ạ,” chị nói trong sợ hãi, “anh có chuyện gì vậy?”
“Ái chà,” Rubner tuyên bố đắc thắng, “nó đây rồi. Cô lại sợ cái gì đấy. Hay là lại lộ ra cái gì làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cô nào? Hử? Ai chả biết, trong cái sự nhàn hạ của mình cô sẽ tìm thấy lý do cho sự phiêu lưu, nhỉ?”
Phu nhân Rubner ngồi như trời trồng. “Anh à,” chị vừa nói vừa nuốt nước mắt, “anh có gì ghét bỏ em... cái gì, trời ơi, anh cứ nói ra đi nào!”
“Chả có gì cả,” Rubner phán với sự châm biếm ghế gớm, “nhưng không, tôi chẳng có gì ghét bỏ cô cả! Cũng có là gì đâu nếu người ta vô kỷ luật, thiếu đạo đức, luộm thuộm, tục tĩu, lười nhác, phung phí và dâm đãng! Và lại còn hạ đẳng nữa...”
Chị Rubner khóc nức nở và đứng dậy, vứt đồ khâu vá xuống đất. “Anh thôi đi!” Còn chồng chị quát chị với sự khinh bỉ: “Cái này là trò hành hạ nhau hèn hạ nhất, hành hạ nhau bằng nước mắt!”
Chị Rubner không nghe thấy gì nữa, chị nghẹn ngào và ngã lăn xuống giường, khóc nức nở.
Rubner ngoái đầu vào trong nhà cười bi hài. “Lại còn đâm dao vào lưng người nữa,” anh quát lên, “cái này cô cũng đủ sức làm; nhưng tiếc cho cô, cô quá biếng nhác.”
Tối hôm đó Rubner chui vào quán bia anh thường đến. “Tôi đang đọc báo của ông đấy,” ông Plechta chào anh, nhìn anh qua đôi kính, “người ta đang ca ngợi nhà bút tướng pháp vĩ đại, cái ông Jensen ấy, ông biên tập viên ạ, có đúng thế không?”
“Đúng và nhiều cái đúng,” Rubner trả lời. “Này, ông Jančik, ông làm cho tôi món thịt xốt nào, nhưng đừng quá cứng đấy nhé. Các ông nghe này, ông ta là hiện tượng đấy, cái ông Jensen. Tôi vừa gặp ông ấy hôm qua. Ông ta phân tích chữ viết hoàn toàn khoa học đấy.”
“Nhưng đấy là trò lừa đảo,” ông Plechta nói. “Ông ạ, tôi tin khối thứ, nhưng không tin khoa học. Ông thấy như cái món vitamin ấy; ngày trước chưa có vitamin người ta biết mình phải ăn gì; bây giờ thì ông chả biết trong cái món thịt xốt ấy có những cái chất gì cho cuộc sống. Tởm lợm,” ông Plechta kêu lên, giọng chán ngấy.
“Cái này khác,” Rubner tuyên bố. “Tôi có thể kể cho ông, ông Plechta ạ, rất nhiều, môn đo tâm lý, môn tự động học, những nét chính, nét phụ và đại loại thế. Tôi nói cho ông biết, ông này đọc chữ như đọc sách vậy. Và ông ta nói đúng về con người đó như ông nhìn thấy trước mặt ấy; ông ấy nói rõ con người ấy thế nào, quá khứ ra sao, nghĩ gì, giấu giếm cái gì, vâng, tất cả! Tôi đã chứng kiến mà, ông ạ!”
“Thôi đi ông,” ông Plechta kêu lên vẻ không tin tưởng.
“Giờ tôi kể ông nghe về một trường hợp” Rubner bắt đầu. “Có một ông - tôi sẽ không nói tên ông ta, nhưng tôi rất quen - đã đưa cho ông Jensen mảnh giấy do vợ ông ta viết tay. Ông Jensen xem mảnh giấy và nói ngay: mụ này dối trá có hạng nhé, luộm thuộm, dâm đãng, vờ vịt, hoang phí, nói nhiều, ở nhà toàn ra lệnh, quá khứ rất tệ và đủ sức giết chồng! Ông tưởng tượng xem, cái ông ấy mặt xám ngoét như chết, vì tất cả đều đúng trăm phần trăm. Ông thử nghĩ xem, ông ta sống với mụ ấy hai mươi năm yên lành mà chẳng biết gì! Sau hai mươi năm chung sống vợ chồng mà không hiểu vợ mình lấy một phần mười cái mà ông Jensen nhìn thấy bằng cái nhìn đầu tiên! Thật là giỏi, đúng không? Ông Plechta ạ, ông cũng phải tin!”
“Tôi thấy lạ đời,” ông Plechta góp ý, “cái đồ ngu ấy, cái gã đàn ông ấy hai mươi năm mà không nhìn thấy gì.”
“Ông ạ,” Rubner nói vội, “cái mụ vợ ấy nó khéo giả đò, còn ông chồng thì cứ hạnh phúc với nó - người đàn ông hạnh phúc thì không có mắt đâu. Mà ông biết chứ, ông chồng ấy làm gì có phương pháp khoa học. Ông thấy nhé, có cái ông nhìn bằng mắt thì thấy màu trắng, nhưng theo khoa học thì có nhiều màu. Kinh nghiệm, ông ạ, chả có nghĩa gì đâu; con người bây giờ phải dựa vào các phương pháp khoa học. Ông đừng có ngạc nhiên nhé, cái ông chồng ấy không hề có linh cảm chút nào về việc ở nhà lại có con mụ vợ quái vật ấy, bởi vì không dùng phương pháp khoa học để nghiên cứu mụ ấy, thế đấy.”
“Thế bây giờ hắn sẽ ly dị chứ?” ông chủ quán Jančik xen vào.
“Tôi đâu biết,” ông Rubner nói, “tôi không quan tâm những chuyện ngớ ngẩn ấy. Tôi chỉ quan tâm việc đọc chữ để biết con người ta như thế nào, cái mà người ta không thể biết nếu làm khác đi. Ông xem nhé, ông quen một người bao nhiêu năm cứ như người ấy là hiền lành tử tế, thế mà bỗng nhiên, bùm một phát, từ chữ viết của hắn ông phát hiện đấy là kẻ trộm hay kẻ cướp. Trời ơi, con người không thể tin người dễ dàng như thế được; phải có phân tích khoa học mới biết trong con người ấy là gì!”
“Nhưng, nhưng mà,” ông Plechta ngạc nhiên và bứt rứt, “thế thì người ta sẽ sợ khi viết gì đó cho bất cứ ai.”
“Đúng,” ông Rubner nói. “Ông thử tưởng tượng, cái phương pháp bút tướng pháp khoa học sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với ngành hình sự. Ông ạ, người ta có thể bắt ai đó trước khi hắn ăn trộm; chữ của hắn ta sẽ tiết lộ rằng hắn có bản chất trộm cướp; và tóm ngay hắn để đưa vào Pankrác*! Cái này có tương lai khủng khiếp lắm. Tôi phải nói với ông đây là một môn khoa học rõ ràng, cái này không thể nghi ngờ một chút nào.” Ông Rubner bỗng nhìn đồng hồ.
(*) Nhà tù ở Praha.
“Ồ, đã mười giờ rồi; tôi phải về đây.”“Sao hôm nay sao ông về sớm thế?” ông Plechta cằn nhằn.
“Ông biết mà,” ông Rubner nói nhẹ nhàng, “vợ tôi nó sẽ dấm dẳn, rằng tôi lại để nó ở nhà một mình.”​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

BẰNG CHỨNG RÕ RÀNG

“Toník* ạ,” ông Mates - thẩm phán điều tra - nói với người bạn thân nhất của mình, “cái này là kinh nghiệm; mình không tin bất cứ sự bào chữa nào, bất cứ bằng chứng vô tội hay lời kể lể nào hết; mình không tin bị can cũng như các nhân chứng. Con người hay nói dối, ngay cả khi không muốn; thí dụ nhân chứng này thề rằng anh ta không thù ghét gì bị can, trong khi đó không biết là trong thâm tâm, anh ta căm ghét bị can, vì cái ghen ghét hay căm ghét đã bị nén xuống. Tất cả những điều bị can khai đều được phịa ra và chế biến đi; tất cả những điều mà nhân chứng khai có thể bị điều khiển bởi ý định có ý thức hoặc vô thức nhằm giúp bị can hoặc hại bị can. Trời ạ, mình biết: con người là quỷ dối trá.
(*) Cách gọi thân mật tên Antonin.
“Mình tin vào cái gì nào? Mình tin vào sự ngẫu nhiên Toník ạ; các tổ chức, các phong trào tự nguyện, hay mình nói khác đi là các phong trào phi chính phủ hay những hành động, những phát ngôn... đôi khi sai lệch đi. Tất cả có thể làm giả, đóng kịch, hay vì mục đích nào đó, còn riêng sự ngẫu nhiên thì không thế, ta có thể nhận biết ngay. Mình cho cậu phương pháp này nhé; mình ngồi để cho mọi người kể những gì họ nghĩ ra còn mình thì chuẩn bị; mình làm như mình tin họ, đôi khi còn giúp họ để họ dễ kể lể hơn và xem chừng họ có nói ra lời nào mà họ không định nói. Cậu biết chứ, để làm được như vậy mình phải là nhà tâm lý học. Có những thẩm phán điều tra dùng chiến thuật làm cho bị can nhầm lẫn; vì vậy luôn nói chen vào và làm cho bị can bị lẫn đến mức cuối cùng thú nhận ngay cả những tội như giết Nữ hoàng Elizabeth. Mình muốn rõ ràng, rành mạch, nhưng từ từ. Mình kiên nhẫn chờ đợi, để trong hệ thống lừa dối và giả mạo ấy, cái mà giới chuyên môn gọi là lời khai, bỗng nhiên lóe lên một chút sự thật. Cậu biết chứ, sự thật trong sáng trong cái thung lũng đầy nước mắt chỉ xuất hiện từ việc thiếu kiểm soát: chỉ khi con người lỡ mồm hay nhầm lẫn.
“Toník ạ, mình chẳng có bí mật gì với cậu cả; chúng mình là bạn từ bé - cậu biết đấy, cậu bị đánh trong khi mình mới là người làm vỡ cửa sổ. Mình không nói với ai đâu, nhưng mình thấy xấu hổ vì cái này mình phải nói thật. Cái này thật tuyệt vọng, người ta cần phải thổ lộ với ai đó. Mình nói với cậu, cái phương pháp của mình đã được kiểm nghiệm trong... trong đời riêng của mình; trong cuộc sống vợ chồng của mình. Bây giờ cậu nói đi, mình xin cậu, mình đã ngu si hay thô bỉ; mình thật xứng đáng với cái đó.
“Cậu ạ, mình... ừ, mình đã nghi ngờ vợ mình - Martička* của mình; đúng, mình đã ghen như thằng điên. Mình cứ nghĩ là cô ấy có cái gì với thằng... mà mình gọi nó là Artur; mình nghĩ cậu không biết nó. Này, mình không phải là tên da đen nhé; nếu mình biết rõ ràng là cô ấy yêu hắn, mình sẽ nói: Martička ạ, chúng mình chia tay nhé. Nhưng tệ nhất là mình không biết rõ ràng; Toník ạ, cậu không biết cái này đau khổ như thế nào đâu? Trời ạ, cái năm đó thật là đen đủi! Cậu biết không, những cái ngu xuẩn mà người chồng hay ghen thường làm: theo dõi, phục kích, nghe bọn giúp việc khai, bày trò... Nhưng cậu hãy xem, mình là thẩm phán điều tra cậu ạ, cuộc sống gia đình mình hồi năm ngoái chỉ là các cuộc hỏi cung chéo từ sáng cho đến lúc... lên giường.
(*) Cách gọi thân mật tên Marta.
“Bị can, ý mình là Martička, có tính chịu đựng tuyệt vời; ngay cả khi cô ấy khóc, ngay cả khi cô ấy bị xúc phạm nhưng vẫn im lặng, ngay cả khi cô ấy khai cả ngày đã ở đâu, làm gì thì mình vẫn tin là cô ấy sẽ nói lỡ hay tiết lộ gì đó. Cậu biết đấy, cô ấy luôn luôn dối mình, mình muốn nói là cô ấy nói dối thường xuyên, nhưng đó là thói quen của phụ nữ, phụ nữ thường không nói rõ ràng rằng cô ấy đã đi cầu nguyện hai tiếng đồng hồ, mà lại nói là đến bác sĩ nha khoa, hay ra nghĩa địa thăm mộ mẹ. Mình hành hạ cô ấy càng nhiều, Toník ạ, mình tệ như con chó điên vậy, mình càng làm khổ cô ấy thì mình càng biết ít hơn. Mỗi lời của cô ấy, mỗi câu của cô ấy mình xoay cả chục lần rồi mổ xẻ, nhưng mình không tìm ra bất cứ cái gì ngoài những cái nửa thật nửa giả cố tình vốn quen thuộc trong quan hệ bình thường người với người, nhất là quan hệ vợ chồng. Cậu biết đấy. Mình biết, mình cảm thấy thế nào, nhưng khi mình xét lại, những cái mà Martička đã chịu đựng, cậu ạ, mình xứng đáng ăn cái tát của chính mình.
“Năm vừa rồi Martička đi nghỉ ở Františkovy Lázně* - cậu biết đấy, bệnh của phụ nữ mà, nói đơn giản là có vẻ không ổn. Biết chứ, mình đã cho người theo dõi - một tay đáng ghét mà mình thuê. Suốt ngày hắn chỉ lân la các quán bia... Điều đặc biệt là chỉ cần một việc gì đó của mình không ổn, cả cuộc sống sẽ xáo trộn. Suốt đời mình mình sẽ không trong sạch dù chỉ có một chỗ gợn nhỏ ở đâu đó. Martička đã viết thư cho mình... không mạch lạc và thiếu tự tin... cứ như không biết viết cái gì. Cậu hiểu không, mình lọc trong thư, tìm giữa những dòng chữ... Có lần mình nhận được thư của cô ấy, đề địa chỉ người nhận là František Mates, thẩm phán điều tra hình sự v.v. và khi mình mở thư ra thì mình nhìn thấy dòng chữ: Artur thân mến!
(*) Thành phố nghỉ mát và điều trị bệnh bằng tắm nước suối khoáng nổi tiếng ở miền Tây Czech.
“Cậu biết không, tay mình rụng rời. Cuối cùng thì mình đã tóm được. Điều này xảy ra khi người ta viết nhiều thư rồi đưa nhầm vào phong bì khác. Martička ơi, cái sự ngẫu nhiên này ngốc nghếch nhỉ? Mình bắt đầu thương hại cô ấy về việc cái thư này rơi vào tay mình.
“Toník ạ, cậu có lẽ sẽ nghĩ là động thái đầu tiên với bức thư dành cho... thằng Artur, mình sẽ không đọc mà gửi lại cho Martička. Mình sẽ làm như vậy nhưng cái tính ghen là thứ tình cảm bẩn thỉu và bỉ ổi; cậu ạ, mình đã đọc bức thư ấy và mình cho cậu xem vì mình luôn luôn mang nó bên mình. Cậu xem này, trong thư viết gì:
“Anh Artur thân mến,
“Anh đừng giận nhé, vì lâu rồi tôi không trả lời anh. Tôi đang có nhiều lo lắng vì Franc, anh hiểu đấy, anh ấy không viết thư cho tôi. Tôi biết là anh ấy bận nhiều việc, nhưng khi người ta lâu không nhận tin chồng thì nó giống như thân thể không có hồn, nhưng chắc là anh, Artur ạ, anh cũng không hiểu điều này. Tháng sau Franc sẽ đến đây, có thể anh nên đến chơi nhé. Anh ấy viết cho tôi là anh ấy đang điều tra một vụ rất thú vị, nhưng không biết rõ vụ gì, còn tôi thì nghĩ rằng đấy là vụ Hugon Muller giết người; vụ mà tôi rất quan tâm. Tôi lấy làm tiếc rằng Franc lạnh nhạt một chút với anh, nhưng có lẽ do anh ấy bận; giá mà được như ngày trước, chúng ta sẽ đi thăm mọi người hoặc đi du lịch bằng xe ô tô. Anh bao giờ cũng tốt bụng với chúng tôi, dù mọi chuyện không được như mong muốn; nhưng Franc giờ cứ căng thẳng và lạ lùng. Mà sao anh chẳng viết gì cho tôi về cô bạn gái của anh nhỉ, cô ấy sao rồi? Franc bảo tôi rằng ở Praha nóng lắm, anh ấy chỉ muốn đến đâu nghỉ mát, nhưng anh ấy phải ngồi trong văn phòng đến tận đêm khuya. Bao giờ anh đi biển nghỉ hè? Hy vọng là anh sẽ mang cô bạn gái đi theo. Anh không biết phụ nữ chúng tôi mong nhớ như thế nào đâu. Thân chào anh nhé, anh Artur.
“Bạn của anh,
“Marta Matesová
“Thế đấy Toník ạ, cậu nghĩ sao? Mình biết rằng bức thư này không dí dỏm; viết hơi non về mặt phong cách và thiếu thú vị; nhưng nó tỏa sáng vào Martička, vào quan hệ của cô ấy với cái tay Artur tội nghiệp! Mình chưa bao giờ tin cô ấy, khi cô ấy nói với mình điều gì, nhưng mình có trong tay một bức thư không cố ý, không có trong mong đợi của cô ấy... Cậu thấy không, sự thật không sai, sự thật không thể nghi ngờ chỉ xuất hiện khi người ta nhầm lẫn. Và mình đã khóc trong vui sướng - mà nhục nhã, rằng mình đã ghen ngu xuẩn đến thế.
“Sau đó thì mình làm gì? Mình gói cái vụ giết người của Hugon Muller lại, cất vào ngăn kéo và hôm sau mình đến Františkovy Láznĕ. Khi Martička thấy mình, cô ấy đỏ bừng má và nấc lên như em bé, trông cô ấy như vừa làm gì đó rất xấu xa. Còn mình thì không thế.
“ ‘Franci, anh nhận được thư của em chứ?’
“ ‘Thư nào nhỉ?’ mình ngạc nhiên hỏi. ‘Em viết thư ít quá.’
“Martička nhìn mình lạ lùng và thở dài, như thể cô ấy thấy nhẹ nhõm. ‘Chắc là em quên gửi thư cho anh rồi,’ cô ấy nói và tìm trong ngăn kéo một lá thư hơi bị nhàu. Thư bắt đầu bằng dòng chữ Franc thân yêu! Mình phải bật cười trong đầu. Có lẽ Artur đã gửi trả lại cho cô ấy bức thư không thuộc về anh ta.
“Rồi chẳng ai nói gì cả; cậu biết đấy, mình bắt đầu kể cho cô ấy về tội ác của Hugon Muller, cái vụ mà cô ấy quan tâm. Đến bây giờ cô ấy vẫn tin là mình không nhận được bức thư ấy.
“Vâng, tất cả chỉ có như vậy; từ đó chúng mình yên ổn. Cậu nói đi, mình không ngu xuẩn vì cái bệnh ghen bẩn thỉu chứ? Cậu biết chứ, giờ thì mình muốn bù đắp cho cô ấy; qua bức thư ấy mình nhìn rõ cô ấy đã quan tâm mình đến mức nào. Giờ thì qua rồi; người ta thường xấu hổ vì người ta đã ngu xuẩn hơn là vì người ta đã gây ra tội lỗi. Cậu đã có một thí dụ kinh điển về việc sự ngẫu nhiên rõ ràng và không cố ý có sức mạnh như thế nào, đúng không?”
Trong khoảng thời gian ấy một thanh niên trẻ mà ở đây gọi là Artur nói với phu nhân Martička: “Thế nào em, nó giúp được gì không?”
“Cái gì cơ anh yêu?”
“Cái thư mà em gửi nhầm ấy.”
“Giúp chứ,” phu nhân Martička nói và đăm chiêu. “Anh biết đấy, em thấy xấu hổ là anh ấy, anh Franc cực kỳ tin em. Anh ấy rất tốt với em từ buổi ấy... Và bức thư ấy anh ấy mang trong tim.” Phu nhân Martička run lên, “Việc này thật khủng khiếp, anh nhỉ... em đã lừa dối anh ấy, anh nghĩ sao?”
Nhưng Artur không nghĩ gì; ít nhất anh ta khẳng định là không nghĩ gì hết.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

HỒ SƠ 139/VII, PHÒNG C BỊ LẤY TRỘM

Vào ba giờ sáng điện thoại của Bộ Tham mưu đơn vị vang lên. “Đại tá Hampl, Bộ Tổng tham mưu đây. Hãy cử ngay lập tức hai cảnh sát quân sự đến nhà tôi; đề nghị nhắn cho trung tá Vrzal, tất nhiên là ở phòng Quân báo; này anh kia việc này không liên quan gì đến anh nhé , phải đến tôi ngay. Vâng, bây giờ là đêm. Vâng, bảo anh ấy dùng ô tô. Nhanh lên nhé, trời ạ!” Và nói thế là thôi.
Sau một giờ trung tá Vrzal đến nơi; chỗ ông ta đến ở đâu đó trong khu biệt thự. Đón ông ta là một người lớn tuổi, mặt đầy lo lắng, mặc thường phục, tức là mặc áo sơ mi và quần téc. “Trung tá ơi, mình bị một vụ trời đánh. Cậu ngồi xuống đây đi. Cái vụ này khốn nạn, quái gở, ngu xuẩn và lộn xộn. Tởm và nguy hiểm. Cậu biết không, tối hôm kia Tổng Tham mưu trưởng đưa cho mình bộ hồ sơ và nói: Hampl này, xử lý cái này ở nhà nhé; càng ít người biết càng tốt, đến văn phòng nhớ đừng có hở ra. Thế nhé, đi đi, cho nghỉ phép và nhớ ngồi ở nhà, nhưng cẩn thận đấy! Ừ, tốt.”
“Hồ sơ ấy thế nào?” trung tá Vrzal hỏi.
Đại tá Hampl lưỡng lự một phút. “Ừ,” ông nói. “Nói để cậu biết, nó từ phòng C.”
“À ra thế,” trung tá Vrzal nói và bắt đầu đăm chiêu. “Tiếp đi.”
“Cậu xem này,” đại tá đau đớn nói. “Hôm qua mình xử lý nó suốt một ngày; nhưng ban đêm thì biết làm gì với nó cơ chứ; nhà không có két sắt; ai mà biết tài liệu ở nhà mình thì amen . Cậu ạ, đêm đầu tiên mình giấu nó dưới đệm giường; suốt đêm mình trằn trọc như lợn rừng ấy.”
“Cái đó thì tôi tin,” trung tá Vrzal nói.
“Biết làm sao cơ chứ,” đại tá than thở, “vợ mình nó còn béo hơn mình. Ừ, đêm thứ hai nó khuyên mình: Anh ạ, mình cho nó vào hộp tôn dùng để đựng mì ống ấy, rồi cất vào kho thực phẩm một đêm. Em sẽ khóa kho, chìa khóa mang theo người, vợ mình nói. Vợ chồng mình có cô giúp việc, cô này béo khủng khiếp, hay ăn vụng. Vợ mình bảo, sẽ không có ai tìm gì ở đấy đâu anh ạ. Tốt thôi, mình nói và thấy ý kiến này cũng hay.”
“Kho thực phẩm nhà anh có cửa sổ kép hay đơn?” trung tá Vrzal ngắt lời.
“Trời ạ,” đại tá gầm lên, “mình không nghĩ ra, cửa sổ đơn. Mình cứ nhớ cái vụ ở Sázava và các vụ ngu xuẩn khác mà quên nhìn cái cửa sổ! Trời ơi, cái vụ chó chết đáng nguyền rủa này!”
“Tiếp đi,” trung tá nhắc.
“Ừ, sau đó thế nào à. Hai giờ đêm vợ mình nghe thấy cô giúp việc thét lên bên dưới nhà. Vợ mình xuống hỏi có gì không thì thấy cô Mářa la hét: Trong kho có trộm. Vợ mình chạy đi lấy chìa khóa và gọi mình. Mình cầm súng ngắn chạy xuống tầng kho thì cái việc khốn kiếp ấy đã xảy ra, cửa sổ vào kho bị bật ra, hộp tôn với hồ sơ đã bị lấy mất. Tên trộm cũng mất tăm. Tất cả là thế.” đại tá thở dài.
Trung tá Vrzal gõ ngón tay xuống bàn. “Đại tá ạ, có ai biết anh mang tài liệu về nhà không?”
Đại tá bất hạnh huơ tay lên. “Mình không biết. Cậu ạ, bọn tình báo thì nó moi móc tất cả mọi chỗ.” Ông bỗng nhớ ra chức vụ của trung tá Vrzal và do dự. “Đúng là bọn họ thông minh lắm,” ông nói chữa yếu ớt. “Nhưng mình không nói với ai, danh dự đấy. Nhưng,” ông nói, “không ai có thể biết rằng mình cho tài liệu vào hộp tôn đựng mì ống.”
“Thế anh cất đồ vào hộp tôn ở chỗ nào?” trung tá hỏi thêm.
“Ở chỗ này này, bên cái bàn này.”
“Thế cái hộp tôn đặt ở chỗ nào?”
“Khoan nào,” đại tá nhớ lại. “Mình ngồi ở chỗ này và cái hộp tôn ở ngay trước mặt mình.”
Trung tá dựa vào bàn và trầm ngâm nhìn cửa sổ. Trong ánh ban mai còn đẫm sương ông nhìn thấy ngôi nhà đỏ thẫm. “Ai ở nhà này?” ông hỏi giọng sầu thảm.
Đại tá đấm vào bàn, “Trời ạ, thế mà mình không nhớ ra! Khoan đã, một tay Do Thái ở nhà ấy, giám đốc nhà băng hay gì đấy. Tởm, giờ thì mình nhìn ra rồi! Vrzal ạ, mình nghĩ rằng chúng ta đang đi đúng hướng.”
“Tôi muốn ngó xem cái kho,” trung tá nói.
“Nào, cậu xuống đây. Lối này,” đại tá năng nổ dẫn đường. “Nó ở đây này. Trên ngăn cao nhất mình để cái hộp tôn. Mary,” đại tá quát, “cô không có nhiệm vụ gì ở đây nhé! Cô lên tầng thượng hay xuống tầng ngầm đi!”
Trung tá xỏ tay vào găng và rướn lên cửa sổ. Cửa sổ hơi cao. “Nó bẩy cửa sổ, bằng cái đục,” ông nói và ngắm nghía cửa sổ. Khung cửa sổ làm bằng gỗ mềm. “Đại tá ạ, trẻ con cũng phá được cửa sổ này.”
“Trời ạ,” đại tá kêu lên. “Cái lũ chết tiệt, ai lại làm cửa sổ tệ thế này cơ chứ!”
Bên ngoài song có hai người lính đứng đợi.
“Cảnh sát quân sự hả?” trung tá Vrzal hỏi. “Thế thì tốt. Tôi sẽ xem từ phía ngoài. Đại tá ạ, tôi phải tư vấn cho anh, cho đến lúc có lệnh anh không được ra khỏi nhà.”
“Mình hiểu,” đại tá đồng ý. “Nhưng tại sao vậy?”
“Để anh luôn luôn có mặt, nếu... Hai anh lính tất nhiên sẽ ở lại đây.”
Đại tá thở hắt ra và nói, giọng như nghẹn lại: “Tôi hiểu. Anh có uống cà phê không? Vợ tôi vừa pha.”
“Bây giờ không được” trung tá nói giọng khô khan. “Đừng nói với ai về tập hồ sơ bị trộm nhé; trừ phi... cấp trên gọi anh. Và tôi nói thêm, anh nói với cô giúp việc là trộm nó chỉ lấy mất ít đồ hộp thôi nhé, thế thôi.”
“Nhưng này,” đại tá hỏi tuyệt vọng, “cậu sẽ tìm thấy hồ sơ chứ?”
“Tôi sẽ cố gắng” trung tá trả lời và đứng nghiêm chụm chân chào.
Buổi sáng hôm ấy đại tá Hampl ngồi đau khổ. Có lúc ông tưởng tượng ra cảnh hai sĩ quan đến bắt ông. Có lúc ông ngồi suy tư xem trung tá Vrzal làm gì và đưa cả bộ máy tình báo quân đội vào cuộc. Ông tưởng tượng ra cảnh Bộ Tổng tham mưu báo động và ông ngất xỉu.
“Karlouš* à,” vợ ông nói lần thứ hai mươi (bà ta đã cẩn thận giấu khẩu súng ngắn của ông vào trong vali), “anh muốn ăn gì không?”
(*) Cách gọi thân mật Karel.
“Để anh yên nào, mẹ kiếp,” ông nhổ nước bọt. “Anh cho rằng lão Do Thái bên kia thấy hết rồi.”
Bà vợ thở hắt ra và đi vào trong bếp khóc.
Bỗng chuông vang lên. Đại tá đứng dậy và vươn vai để tiếp các sĩ quan quân đội, những người đang đến bắt ông. (Không biết các ông nào đây, ông thất thần nghĩ). Nhưng thay vào các sĩ quan chỉ có một người đàn ông nhỏ thó, tóc hung hung, tay cầm gậy và nhe hàm răng vổ như răng sóc chào đại tá. “Thưa, tôi là Pištora từ phòng cảnh sát.”
“Anh cần gì?” đại tá buột miệng và chuyển sang vị trí sẵn sàng.
“Nghe nói có đứa nào ăn trộm kho thực phẩm nhà ông,” ông Pištora nhe răng cười thân mật. “Vì thế tôi có mặt.”
“Thế thì liên quan gì đến anh?” đại tá kêu lên.
“Thưa,” ông Pištora tươi cười, “đây là phường chúng tôi quản lý. Cái cô giúp việc nhà ông sáng nay có kể ở chỗ lò bánh mì rằng chúng nó vào ăn trộm kho thực phẩm nhà ông. Tôi nói với trưởng cảnh sát là tôi sẽ đến xem, thế thôi.”
“Chả đáng quan tâm đâu,” đại tá gầm lên. “Nó chỉ lấy cái... hộp mì ống ấy mà. Anh cứ để yên cho xong.”
“Lạ nhỉ,” ông Pištora nói, “nó không lấy gì thêm à?”
“Lạ lắm,” đại tá chua chát. “Nhưng anh quan tâm làm gì?”
“Hình như ai đó đánh động bọn nó nên...” Ông Pištota cười, mắt ánh lên khi bất chợt nghĩ ra điều gì.
“Cảm ơn anh,” đại tá cắt ngang.
“Thưa,” ông Pištora cười nghi ngờ, “nhưng tôi phải ngó xem cái kho đã.”
Đại tá bực mình muốn hét lên, nhưng sau đó ông đầu hàng cái hoàn cảnh đau khổ của mình. “Nào, anh xuống đây,” ông buồn bã nói và dẫn con người nhỏ thó xuống kho.
Ông Pištora vui vẻ ngắm nghía cái kho con con. “Đây rồi,” ông ta vui vẻ nói, “hắn cạy cửa sổ bằng cái đục; như vậy có thể là thằng Pepek hay thằng Andrlík thôi.”
“Anh nói cái gì cơ?” đại tá gắt gỏng hỏi.
“Cái này nhất định là thằng Pepek hay thằng Andrlík làm rồi; nhưng Pepek hình như đang ngồi tù. Nếu chỉ phá cửa sổ thì có thể là Dundr, Lojza, Novák, Hošička hay Kliment. Nhưng cái này sẽ là Andrlík thôi.”
“Anh có nhầm không đấy,” đại tá gầm gừ.
“Lại có thêm đứa nào mới học nghề ăn trộm kho à?” Ông Pištora đăm chiêu. “Chắc không đâu. Thằng Mertl thì hay phá cửa sổ bằng xà beng nhé, nhưng không ai đem xà beng ra phá kho thực phẩm; còn nếu kho thông với nhà vệ sinh thì nó sẽ chui vào nhà để ăn cắp quần áo.” Ông Pištora lại nhe hai cái răng vổ như sóc ra. “Thôi, tôi đi kiểm tra xem thằng Andrlík đã làm gì đây.”
“Cho tôi hỏi thăm nó nhé,” đại tá gầm gừ. Không thể tin được, ông nghĩ, khi ông lại trở về với tâm tư đau đớn của mình. Cảnh sát bây giờ thật kém. Giá mà họ tìm theo dấu vân tay hay vết chân chứ - ừ, có cả bao nhiêu phương pháp chuyên môn; nhưng mà điều tra ngu thế ư? Đời nào cảnh sát có thể đụng được vào cánh tình báo quốc tế cơ chứ! Mình còn phải xem cậu Vrzal làm được gì đã.
Đại tá không vượt qua được sự cám dỗ và gọi điện thoại cho trung tá Vrzal; sau nửa giờ ông đã được kết nối. “A lô” ông ngọt ngào, “Hampl đây. Đề nghị cậu cho biết thế nào rồi. Mình biết cậu không được nói gì, nhưng chỉ mong cậu... nếu có thể. Trời ạ, vẫn chưa có gì à? Mình biết vụ này khó, nhưng... Khoan nào, Vrzal ơi, này nhé. Mình nhớ ra, mình sẽ thưởng cho ai tóm được tên trộm mười nghìn của mình. Mình không có nhiều hơn, nhưng cậu biết đấy, với công to như thế... Mình biết là không đâu; nhưng đây là việc riêng của mình... Ừ, việc riêng mà; không phải là việc công... Hay là chia cho bọn thám tử dân sự nhé? Nhưng tất nhiên rồi, cậu không biết đâu, chỉ cần cậu nói mánh cho bọn nó hiểu là được rằng đại tá Hampl hứa mười nghìn... Tốt, để thằng trung sĩ nó nói cho. Thế bạn nhé! Xin lỗi nhé. Cảm ơn cậu.”
Đại tá thấy nhẹ người sau quyết định hào phóng của mình; ông có cảm giác bây giờ ông có công trong việc tìm bắt tên gián điệp ăn trộm. Ông nằm lên ghế sofa vì mệt và tức tối, rồi tưởng tượng ra cảnh một trăm, hai trăm, ba trăm đàn ông (tất cả đều tóc hung hung, nhe hàm răng vố giống như Pištora) đang khám xét tàu hỏa, chặn xe ô tô khi đi về phía biên giới, rình rập con mồi của mình ở các góc phố và bỗng nhiên nhảy ra và quát lên: “Nhân danh luật pháp. Đề nghị đi theo tôi và im mồm.” Có lúc ông tưởng tượng ra hình ảnh ông thi bắn trong Học viện Quân sự, ông giật mình hét lớn và tỉnh dậy, mồ hôi nhễ nhại. Có ai đó bấm chuông.
Đại tá Hampl đứng phắt dậy và thử rà soát lại những ý nghĩ của mình. Ông mở cửa và nhìn thấy hai cái răng vổ như sóc của ông Pištora. “Vâng, tôi đến đây,” người đàn ông có răng vổ nói. “Vâng, nó làm vụ này đấy.”
“Đứa nào?” đại tá cố gắng hiểu ra.
“Vâng, cái thằng Andrlík ấy, ông Pištora ngạc nhiên nói và không nhe răng ra nữa. “Còn đứa nào vào đấy? Pepek thì đang ngồi tù ở Pankrác.”
“Anh có cái gì liên quan đến cái thằng Andrlík cơ chứ?” đại tá nóng nảy ngắt lời.
Ông Pištora tròn xoe đôi mắt màu sáng của mình. “Thì nó ăn trộm mì ống trong kho thực phẩm,” ông ta giận dữ nói. “Phòng cảnh sát tóm nó rồi, nhưng tôi đến hỏi ông... Nó, thằng Andrlík khai rằng trong hộp không có mì ống, chỉ có toàn giấy. Không biết có đúng không?”
“Này anh,” đại tá hét lên hết sức, “giấy tờ ấy anh để ở đâu?”
“Trong túi này, ông Pištora lại nhe răng ra. “Ấy chết, mình để đâu rồi...” ông ta kêu lên và móc tay vào cặp. “Ái chà. Của ông đấy à?”
Đại tá giật từ tay ông Pištora cái tệp giấy quý giá đã nhàu số 139/VII, phòng C. Mắt ông nhòe lệ và nhẹ nhõm. “Anh bạn vàng ơi,” ông thở hắt ra, “tôi không biết phải tặng anh cái gì nữa. Mẹ nó ơi,” ông gầm lên, “lại đây. Đây là ông trưởng cảnh sát... ông thanh tra e hèm...”
“Cảnh sát viên Pištora,” người đàn ông nhỏ thó nói và nhe răng cửa ra.
“Thế đấy, ông ấy tìm ra cái hồ sơ bị lấy trộm,” đại tá hồ hởi. “Em đi lấy ly và rượu cognac đi. Anh Pištora ạ, tôi không biết phải... anh không biết tôi... anh biết đấy... Nào, ta uống đi anh Pištora.”
“Có gì đâu mà,” ông Pištora lại nhe răng. “Ông ạ, cái hộp, vâng cái hộp ấy thưa bà, còn ở trên phòng cảnh sát.”
“Quỷ tha cái hộp ấy đi,” đại tá gầm lên. “Nhưng anh Pištora thân mến ơi, anh điều tra bằng cách gì mà nhanh thế? Nào, chúc sức khỏe, anh Pištora ơi!”
“Chúc sức khỏe,” ông Pištora trân trọng.“Trời ơi, có gì đâu cơ chứ. Nếu tủ thực phẩm bị trộm thì bọn tôi đi tóm Andrlík hay Pepek, mà Pepek thì đang ngồi tù hai tháng ở Pankrác rồi. Nếu trộm vào tầng mái thì nhất định phải tóm Pisecký, Tondera què, Kaner, Zima hay Houska.”
“Mà, mà,” đại tá ngạc nhiên, “anh nghe này, các anh sẽ làm thế nào nếu vụ này là vụ gián điệp hả anh Pištora?”
“Xin trân trọng cảm ơn... Bên chúng tôi không xử lý được đâu. Bẻ tay cửa à, nhất định là Čeněk hay Pinkus, ăn cắp dây đồng thì chỉ có một tên, Tousek hay gì đó, ăn trộm ống rót bia thì nhất định là Hanoušek, Buchta hay Šlesinger. Ông ạ, chúng tôi đi tóm những vụ rõ ràng. Bọn trộm tủ sắt thì chúng tôi biết cả lũ trên toàn quốc, cả ổ nhé! Tổng cộng là hai mươi bảy đứa, nhưng sáu đứa đang ngồi tù.”
“Chúng nó xứng đáng,” đại tá tuyên bố giọng đầy hiếu chiến. “Anh Pištora ạ, nào ta uống đi!”
“Tôi trân trọng cảm ơn,” ông Pištora nói, “nhưng tôi uống ít thôi. Nào, chúc sức khỏe. Cái bọn ấy, cái bọn đốn đời ấy chúng nó chẳng có chút tri thức nào đâu, ông ạ. Mỗi thằng chỉ biết một tí và cứ kiếm ăn như thế cho đến lúc bị chúng tôi tóm. Như cái thằng Andrlík ấy. À, nó nói, suýt nữa thì nó làm tôi mềm lòng, nó gọi tôi là ngài Pištora chuyên điều tra các vụ trộm tủ thực phẩm. Nó bảo ngài Pištora ơi, vụ này không đáng gì đâu, tôi chỉ lấy được một tệp giấy trong hộp. Tôi lại hy sinh rồi, ngày trước tôi chăm chỉ làm việc lắm. Đi theo tao, tôi bảo nó, đồ ngu ạ, mày sẽ ngồi ít nhất một năm.”
“Một năm tù ư?” đại tá thương hại nói. “Có lâu quá không?”
“Nhưng đây là vụ trộm,” ông Pištora nhe răng ra. “Xin trân trọng cảm ơn nhé, thưa ông. Tôi còn một vụ trộm tủ kính nữa, chắc là thằng Klečka hay Rudl thôi. Nếu ông cần gì thì cứ hỏi bên phòng cảnh sát nhé. Chỉ cần nói tên tôi, Pištora.”
“Nhưng anh ạ,” đại tá nói, “nhưng anh đã, hừm, giúp tôi... Cái tệp giấy nó... chả quan trọng mấy, nhưng... tôi không muốn mất nó, anh biết chứ? Đây, anh nhận cho chút quà nhé,” ông nói và vội nhét vào tay ông Pištora năm mươi koruna.
Ông Pištora ngạc nhiên và cảm động rồi nghiêm cả nét mặt. “Nhưng không cần thiết đâu mà,” ông ta nói và đút tờ giấy bạc vào túi. “Có gì đâu, tôi xin trân trọng cảm ơn ông, nếu khi nào ông cần thì...”
“Mình ạ, tôi vừa cho anh ta năm mươi koruna đấy,” đại tá âu yếm nói với vợ. “Lẽ ra chỉ cho cái bông hoa tulip ấy hai mươi koruna là đủ, nhưng...” Đại tá phẩy tay một cách đẳng cấp. “Nhưng dù sao bộ hồ sơ cũng đã được tìm thấy.”​
 


Top