Họ Trịnh xưng chúa ở Bắc, họ Nguyễn xưng chúa ở Nam | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

If possible, please support us by clicking on the advertisements.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software.

×

Họ Trịnh xưng chúa ở Bắc, họ Nguyễn xưng chúa ở Nam

Cloud

Administrator
Họ Trịnh và họ Nguyễn đều là những tôi tớ trung thành của vua Lê ở Đông Kinh (Hà Nội), đều mang khẩu hiệu "phù Lê diệt Mạc" để bảo vệ triều Hậu Lê. Thế nhưng, một họ vì có công đánh Mạc khôi phục kinh đô cho vua Lê mà sinh kiêu hãnh, muốn lấn quyền vua, nhưng vì nhà vua vẫn được lòng dân chúng nên không dám xưng vua, chỉ xưng chúa mà thao túng quyền bính.
MkI7F.png
Một họ vì không phục và e sợ mối nguy hại từ kẻ cướp quyền đã tiến vào phía nam vùng Bắc Trung Bộ ngày nay để tạo dựng cơ nghiệp, và chỉ xưng chúa. Nói chung, bên nào cũng muốn nhân danh vua Lê mà trị vì.

Trong nước, ngôi nhà Mạc tuy đã dứt được, dòng họ Mạc còn qua cầu cứu với nhà Minh, nói là họ Trịnh nổi lên cướp ngôi chứ không phải là con cháu nhà Lê đã trung hưng. Trịnh Tùng phải thu xếp để vua Lê Thế Tông lên Nam Quan, đến 2 lần, hội với quan nhà Minh. Nhà Minh mới chịu phong cho Thế Tông làm "An Nam đô thống sứ" và nhường đất Cao Bằng cho họ Mạc.

Mọi việc khi đã giàn xếp được êm thắm với nước Tàu, họ Trịnh chiếm giữ quyền chính trị, mỗi ngày thêm kiêu hãnh, lấn áp cả vua. Trịnh Tùng tự xưng làm Đô Nguyên súy Tổng Quốc chính, thượng phụ Bình an vương. Cấp bổng cho vua được thu thuế 1.000 xã gọi là lộc thượng tiến, cấp cho vua 5.000 binh làm quân túc vệ. Những việc đặt quan, thu thuế, bắt lính, trị dân, đều thuộc quyền họ Trịnh. Vua chỉ cần đến, khi nào thiết triều hay là tiếp sứ Tàu mà thôi.

Họ Trịnh muốn dứt nhà Lê thì rất dễ. Song trên Cao Bằng còn con cháu họ Mạc lăm le báo thù, bên Tàu nhà Minh sẵn sàng kiếm cớ "phò Lê" để lôi thôi. Phía trong lại có họ Nguyễn thế lực cũng đã to. Cái cớ "phò Lê thảo Trịnh" rất có thể làm cho mọi nơi nổi dậy nếu họ Trịnh xưng vương: thế cho nên Trịnh Tùng đã khôn khéo không cần tước vị làm vua mà chỉ cốt có thực quyền nhà vua.

Làm vua Lê không quyền, chẳng khác gì một người thường dân; họ Trịnh không làm vua, mà việc gì cũng lấy lệnh thiên tử để sai khiến mọi người thì chẳng khác gì chúa tể trong nước, cho nên dân chúng gọi Trịnh là Chúa vậy.

Nguyễn ở Nam:

Nguyễn Kim là người khởi nghĩa đánh Mạc giúp Lê, ông có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cũng đều làm tướng lập được nhiều công. Nguyễn Hoàng là Thái úy Đoan Quận công. Nhưng Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền, kiếm chuyện giết Nguyễn Uông.

Nguyễn Hoàng sợ cũng sẽ bị ám hại như anh, cho người ra Hải Dương hỏi ông Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông này bảo: "Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân" (một dãy Hoành Sơn kia có thể dung thân được muôn đời). Nguyễn Hoàng bèn nói với chị là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin với Trịnh Kiểm cho vào trấn phía Nam.

Năm 1558, Trịnh Kiểm tâu vua Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng vào đóng ở xã Ái Tử (sau gọi là Khe cây khế) thuộc huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị.

Nguyễn Hoàng rất khôn ngoan, lại có lòng nhân đức, thu dùng hào kiệt, yên ủi nhân dân, cho nên mọi người, ai cũng mến phục.

Năm 1569, ông lại được cử trấn cả đất Thuận Hóa lẫn Quảng Nam.

Năm 1593, Nguyễn Hoàng đem quân ra Đông đô giúp Trịnh Tùng đánh dẹp những dư đảng của họ Mạc, lập được nhiều công. Trịnh Tùng có ý ghen ghét.

Năm 1600, nhân bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm, Bùi Văn Khuê khởi binh chống lại họ Trịnh ở cửa Đại An (Nam Định) vì họ Trịnh quá kiêu hãnh, Nguyễn Hoàng mới kéo cả tướng sĩ giả cách đi đánh giặc, rồi theo đường bể vào Thuận Hóa. Một mặt đem con gái là Ngọc Tú gả cho Trịnh Tráng (con trai Trịnh Tùng) làm bộ hòa hiếu cho Trịnh Tùng khỏi để ý nghi ngờ, một mặt cho con trai thứ sáu vào trấn đất Quảng Nam, dựng kho tàng tích trữ lương thực, lập ra nghiệp Chúa ở xứ Nam, lưu truyền đời nọ qua đời kia: Nguyễn Hoàng (1600-1613); Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635); Nguyễn Phúc Lan (1635-1648); Nguyễn Phúc Tần (1648-1687); Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691); Nguyễn Phúc Chu (1691-1725); Nguyễn Phúc Chú (1725-1738); Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765).

Nguyễn Phúc Khoát mất, thì Định vương Nguyễn Phúc Thuần lên thay, để Trương Phúc Loan chuyên quyền hại dân, cho Tây Sơn có cơ hội khởi nghĩa.

Trịnh-Nguyễn phân tranh:

Năm 1613, lúc sắp mất, Nguyễn Hoàng gọi người con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên, tức gọi chúa Sãi, mà dặn rằng: "Đất Thuận-Quảng này phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang (sông Gianh), bên nam có núi Hải Vân và Bi Sơn, thật là đất dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, quân sĩ mà gây dựng cơ nghiệp về muôn đời".

Vậy là từ khi Nguyễn Hoàng mất, Nguyễn Phúc Nguyên ngấm ngầm chuẩn bị ở phía Nam để gây thế lực, trong khi họ Trịnh lấn quyền vua Lê ở ngoài Bắc. Càng thấy Trịnh hống hách bao nhiêu, Nguyễn càng căm thù mà chuẩn bị chiến tranh bấy nhiêu vì chính tổ tiên Nguyễn (Nguyễn Kim) mới thực là người tạo dựng nền tảng nhà Lê trung hưng kia mà!

Khi những đồn lũy đã kiên cố, binh lương đã đầy đủ, chúa Sãi mới ra mặt không thần phục họ Trịnh nữa, và sai tướng chiếm lấy Nam Bố Chính (đất phía nam sông Linh Giang) để làm chỗ chống giữ. Từ đó Trịnh-Nguyễn đánh nhau tai hại trong 45 năm.

Năm 1627, Trịnh Tráng cho quan vào Thuận Hóa giả tiếng nhà vua sai vào đòi tiền thuế. Chúa Sãi không nộp, Trịnh Tráng lại sai sứ mang sắc vua Lê vào dụ chúa Sãi cho con ra chầu và lấy 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền để đưa đi cống nhà Minh. Chúa Sãi cũng không chịu, Trịnh Tráng bèn cất quân vào đánh chúa Nguyễn.

Nhưng không thắng nổi Nguyễn, Trịnh lại rút quân về Bắc. Năm 1630, chúa Nguyễn đưa quân ra đánh Trịnh ở phía nam sông Linh Giang, mà chúa Trịnh thì dẫn binh vào đánh Nguyễn ở cửa Nhật Lệ. Năm 1648, lại vào đánh ở Nam Bố Chính và cửa Nhật Lệ. Lần này Trịnh thua to, Nguyễn bắt được mấy tướng và 3.000 quân của Trịnh. Năm 1655, Nguyễn cho quân ra đánh đất Bắc Bố Chính, tướng của Trịnh là Phạm Tất Toàn về hàng.

Lần này Nguyễn thu được 7 thuyền ở phía nam sông Linh Giang (tức sông Cả ngày nay) nhưng rồi vì các tướng nghi kỵ lẫn nhau mà Nguyễn lại rút quân về. Năm 1661, quân Trịnh qua sông Linh Giang đến làng Phúc Tự. Năm 1672, quân Trịnh vào phá lũy Trấn Ninh (lũy Động Hải, Đồng Hới, Quảng Bình).

Cả thảy Trịnh-Nguyễn đánh nhau 7 lần trong 45 năm (từ năm 1627-1672) song cứ giằng co không bên nào thắng bên nào. Rút cuộc đôi bên đóng quân giữ thế thủ lấy sông Gianh làm giới tuyến Nam Bắc, cho đến thời kỳ Tây Sơn khởi nghĩa.

Xét qua nguyên nhân đã làm cho đôi bên không phân thắng thua được, ta nhận thấy, ngoài Bắc, chúa Trịnh cho phép các quan thu lợi của một số dân làng, để tổ chức và nuôi quân đội. Số lợi thu được to nhỏ, tùy theo công lao tổ chức quân đội nhiều hay ít. Cho nên các quan ai cũng gắng sức ganh đua gây lưc lượng. Cả một xứ như vậy, là cả một tổ chức võ bị lớn lao. Cho nên thế Trịnh rất hùng cường. Chúa Trịnh có tới hơn 10 vạn lính, 500 voi, 500 chiến thuyền, mỗi năm có ít nhất 3 khẩu đại bác.

Đối với Trịnh, Nguyễn yếu hơn nhiều. Cả thảy Nguyễn chỉ có 4 vạn lính chia ra 15.000 giữ biên thùy mạc bắc, 9.000 để ở trong triều, 6.000 làm túc vệ cho các ông hoàng, 1.000 chia giữ các tỉnh.

Tuy nhiên, chúa Trịnh đã không diệt nổi Nguyễn là vì mấy lẽ sau đây:

1. Quân họ Trịnh phải đi đánh xa xôi, vận tải khó khăn, còn nhà Nguyễn phần nhiều chỉ giữ thế thủ ở đất mình.

2. Nhà Nguyễn tuy quân ít, nhưng giao thiệp với người Bồ Đào Nha cho nên biết cách võ trang và luyện tập quân đội được chỉnh tề.

3. Nhà Nguyễn có tôi hiền phù tá, như Nguyễn Hữu Dật (cha của Nguyễn Hữu Cảnh), Nguyễn Hữu Tiến, đánh giặc rất giỏi, lập mưu định kế, xây thành đắp lũy.

Nguyễn Hữu Dật là người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, học rộng tài cao, và lại có tài hùng biện, đánh giặc giỏi, thật là một bực văn võ kiêm toàn.

Đào Duy Từ, người làng Hòa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Vì ông là con nhà xướng hát cho nên không được đi thi. Ông phẫn tức, đi vào phía nam tìm đường lập công. Chưa được người tiến cử, ông vào chăn trâu cho một phú gia ở làng Tùng Châu, phủ Hoài Nhân (nay là Bình Định) và làm bài "ngọn long cương" để ví mình với Gia Cát Lượng.

Sau có quan Khâm lý là Trần Đức Hòa biết Duy Từ có tài, đem về nuôi, gả con gái cho, rồi đưa dâng chúa Sãi. Chúa dùng làm Nội tán, phong Lộc kế hầu. Giúp chúa Nguyễn, Duy Từ đã lập được nhiều công. Thành Trường Dục đắp dài theo con sông nhánh của sông Nhật Lệ chừng 10 cây số, chân rộng 6 thước, cao chừng 3 thước.

Một bức thành to tát hơn nữa là thành Đồng Hới, xây năm 1631, dài từ núi Đầu Mâu đến cửa Nhật Lệ, cao chừng 6 thước, dài chừng 18 cây số, phía ngoài đóng nhiều cọc lim, phía trong xây 5 bực cho voi ngựa đi lại, khoảng 12, 20 thước lại có nhà để súng đại bác. Công cuộc xây dựng ấy đều của Duy Từ.

Nguyễn Hữu Tiến là người Thanh Hóa, làng Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, võ nghệ tinh thông, dụng binh rất có kỷ luật, cũng là một tướng đã ghi được nhiều công to đối với chúa Nguyễn.

Nguồn: Di sản Việt
 


Top