Hãy tìm tôi giữa cánh đồng | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software. 

All the knowledge we share is completely free. If you are willing, please support us here.

×

Hãy tìm tôi giữa cánh đồng

malemkhoang

Rìu Chiến
haytimtoi.jpg

Giới Thiệu​


Nếu một ngày nào đó không tìm thấy tôi giữa chốn đô thị bon chen, bạn hãy đến tìm tôi giữa một cánh đồng...", Đặng Nguyễn Đông Vy đang tìm kiếm kỷ niệm của riêng mình giữa cánh đồng với những mảnh ghép của một giấc mơ xa.

Đọc truyện của Đông Vy nhiều bạn đọc có thể tìm được tuổi thơ của chính mình trong đó.

Mỗi câu chuyện kể như thước phim quay chậm từ từ hiện ra những hiên nhà, góc vườn, xác ve sầu rỗng, trái mãng cầu, cánh đồng mùa gieo hạt và những thân lúa non bị vùi trong cát sau cơn lũ ngập trắng đồng, làm cô nhớ món ếch om cà bốc hơi nghi ngút dậy mùi thơm ngòn ngọt. Có khi đó là những câu chuyện nhỏ thôi nhưng thấm đẫm tính thiền dù cô chẳng chủ tâm: Đá mọc trong vườn, Hãy luôn mở cửa...

Cô bé trong chuyện cũng lớn dần: từ bé con theo bà mang bánh tét cho các bạn nhỏ nghèo trong núi chiều cuối năm cô trở thành thiếu nữ, bắt đầu yêu và cô cũng có bé con của riêng mình.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Bữa Điểm Tâm Bằng Hồ Dán

Tôi còn nhớ đó là một buổi sáng tháng Chạp lành lạnh. Tôi dậy thật sớm, lúc mặt trời vừa ửng lên, khoác áo ấm, giày vớ đủ bộ rồi đĩnh đạc leo hàng rào sang nhà Minh mập. Tôi có hẹn sẽ theo ba nó đi chặt mai.
Ba mẹ Minh kiếm sống bằng cách trồng đủ thứ trên khoảnh đất nhỏ sau vườn: dưa leo, củ kiệu, hành ngò, hoa hồng, hoa cúc... và mang ra chợ bán. Có khi lỗ, có khi lời. Nhưng chặt mai mới là nghề "cha truyền con nối" từ thời ông cố nó. Mỗi năm chỉ được một lần, nhưng nhờ đó mà tới chiều 30 mới kiếm được tiền ăn Tết.
Năm nay, ba Minh bảo sẽ cho nó đi theo để "học nghề". Tôi phải hứa với Minh là chỉ đi theo cho biết thôi, không được chặt cành nào kẻo ba mẹ nó... mất mối. Vì Tết nào ba tôi cũng mua của nhà Minh mập cành mai to nhất, đẹp nhất và đắt tiền nhất.
Khi tôi thò đầu qua cửa sổ thì thấy ngay Minh mập và đám em út lau chau đang ngồi quây quần bên chiếc bàn gỗ thấp, đứa nào cũng áo trắng, quần soọc xanh, cũ kỹ nhưng thẳng thớm, tinh tươm. Cả bọn chụm đầu quanh một chiếc nồi gang to đen bóng vì ám khói, bên trong chứa đầy... hồ dán. Tôi biết rõ nó là hồ dán. Thời đó chưa có những lọ "keo dán" công nghiệp xinh xinh như bây giờ, mỗi khi tôi có môn thủ công ở trường, ba tôi vẫn lấy bột sắn trong kho ra, cho vào xoong nước, bắc lên bếp rồi khuấy đều tay cho tới lúc chất lỏng trắng đục như sữa kia biến thành một thứ bột sền sệt, dẻo quánh và trong veo. "Đây là hồ dán"- Ba tuyên bố.
Vậy mà bây giờ anh em nhà Minh mập xúm vào nồi, mỗi đứa một chiếc muỗng, hăm hở múc hồ dán chấm vào nước mắm... cho vào miệng ăn ngon lành. Nhìn thấy tôi, Minh mập vui ra mặt: "Ăn sáng không, mày?". Tôi nhìn đám em nó mặt mũi dính tèm lem thứ chất dẻo trong veo, buột miệng: "Hồ dán làm sao ăn được, ghê thấy mồ". Minh mập lừ mắt: "Không ăn thì thôi, đồ làm phách!"
May mà nó không giận đến nỗi đuổi tôi về nhà, nhưng suốt buổi chặt mai hôm đó, Minh mập đâm ra lầm lì, chẳng thèm nói với tôi câu nào. Tôi cũng chẳng để ý đến những cành mai xem chúng nhiều hoa hay nhiều nụ, thế đẹp hay không đẹp, vì mãi nghĩ đến món...hồ dán. Thứ bột sắn đó, tôi chỉ thấy bà ngoại trộn với rau băm để cho heo ăn mà thôi.
Chuyện tôi phát ngôn một câu xanh rờn ở nhà Minh mập, không hiểu sao ba mẹ tôi lại biết. Sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy mẹ đặt lên bàn ăn một nồi hồ dán còn bốc khói. Ba xoa xoa bàn tay, tỉnh rụi: "Lạnh quá, lạnh quá! Ăn sáng thôi"
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ăn... "hồ dán", thứ bột sắn lọc pha với nước rồi khuấy lên một cách giản đơn. Ba quấn quanh chiếc đũa, chấm với nước mắm ớt, vừa ăn vừa hít hà. Mẹ múc vào chén, chan nước mắm, vừa ăn vừa cười tủm tỉm. Còn tôi, sau vài phút ngỡ ngàng cũng nếm thử... vì tò mò. Và tôi nhớ mãi... nhớ mãi vị nhạt nhếch của nó.
Buổi sáng hôm ấy, ba nói với tôi rằng không có gì đủ "kỳ cục" để phân biệt người này với người khác. Rằng trên đời này không có gì đủ "kỳ cục" để con người thấy xa lạ với nhau. Buổi sáng hôm ấy, tôi đã học được rất nhiều từ món "hồ dán", Để rồi lớn lên, khi có dịp đến những vùng đất lạ, tôi có thể thản nhiên ăn những món lạ lùng hơn thế nữa....Minh mập bây giờ là một ông chủ trang trại trẻ chuyên trồng hoa, vẫn đi chặt mai mỗi mùa Tết đến và thỉnh thoảng, vẫn khuấy một nồi hồ dán để ăn. Nó viết thư nói với tôi rằng: "Mình đã lớn lên từ những bữa hồ dán đó". Tôi biết là cả tôi cũng vậy.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Trận Đòn Mùa Khoai Mỳ

Mùa khoai mì luôn là mùa vui nhất trong năm. Ở quê tôi, nhà nào cũng có vài sào rẫy trồng khoai mì. Những ai không có đất thì đi làm cỏ mì, nhổ mì, gọt mì thuê. Vào mùa thu hoạch, những chiếc xe bò chở lúc lỉu củ mì nối nhau đi trên đường, nhà nào cũng chất vài đống to.
Từ sáng đến chiều, mọi người tập trung quanh đống củ, gọt vỏ bằng những chiếc bào tự tạo hoặc những con dao có kẹp một thanh thép uốn. Bên cạnh đó là chiếc bàn xắt để cắt củ mì thành lát rồi đem phơi.
Tất cả những chuyện vui buồn trên trời dưới đất, chuyện thật, chuyện xạo, chuyện khóc, chuyện cười, đều được kể vào mùa khoai mì, khi mọi người mặc những bộ quần áo xấu xí nhất để không phải tiếc rẻ khi mủ mì dính vào, và ngồi suốt 10 tiếng đồng hồ chỉ với công việc bào vỏ, xắt lát... Tiếng cười nói rổn rảng khắp thôn xóm.
Trẻ con là lực lượng "lao động" đông đúc và ồn ào nhất. Nhưng chỉ gọt được chục củ, hay giỏi lắm thì cũng hai tiếng đồng hồ là mỏi, chúng tôi len lén lỉnh đi chơi...
Một lần, ba tôi nhặt những củ mì bé tí, những mẫu gãy, và bảo: nếu con chịu khó gọt, xắt phơi, bán được bao nhiêu thì ba sẽ cho con phần tiền đó, để bỏ ống heo. Nghĩ đến cơ hội tự kiếm tiền đầu tiên trong đời, tôi thích chí gật đầu.
Từ đó, ngày nào cũng vậy, ngoài giờ học, tôi ngồi lì bên đống khoai mì vụn, chăm chỉ gọt gọt, xắt xắt... Ai thấy một củ mì nho nhỏ đều ném qua cho tôi.
Khi phơi, mọi người thường phơi ngoài sân, ngoài lề đường, còn tôi leo lên mái nhà, trên là nắng, dưới là mái tôn, mì mau khô, lại sạch sẽ... Ba cho phép tôi phơi ở đó với điều kiện đi lại nhẹ nhàng. Sáng phơi lên, chiều gom xuống, sáng mai lại phơi... Vài ba nắng thì khô. Tôi sung sướng nhận ra những lát khoai tí hon của tôi trắng và sạch nhất.
Cuối mùa, mẹ kiếm cho tôi một cái bao tải, chất mì vào và mang đi bán... Nhưng rồi, bao nhiêu hy vọng ấp ủ vỡ vụn khi công sức của tôi chỉ thu được một khoản tiền nhỏ, chẳng đáng là bao... Lần đầu tiên, tôi nhận ra một điều đơn giản là kiếm tiền chẳng dễ dàng gì. Chưa hết, khi mẹ bảo người ta không mua khoai nhỏ để xuất khẩu, hoặc xay bột như tôi tưởng, những lát mì bé xíu của tôi được bán ngay ngoài chợ để... cho heo ăn, tôi càng buồn thúi ruột.
Sau mùa thu hoạch, người ta chọn những thân mì mập mạp, tươi tốt nhất, chặt ra thành từng khúc để làm giống cho mùa sau. Bọn trẻ con thường chọn cây mì có hình chữ L để làm gậy rồi đóng giả người tàn tật, ngửa tay xin ăn như những ông lão hành khất chúng tôi thường nhìn thấy trên đường. Đôi khi, người lớn vẫn cười và còn vặt lá làm tiền bỏ vào nón cho chúng tôi nữa...
Một lần lúc cả nhà đang vui vẻ, tôi cao hứng nhặt một thân cây và chơi trò cũ. Mặt ba bỗng dưng tối sầm lại, rồi ba thét tôi vứt cây ngay và quỳ úp mặt vào tường suốt buổi.
Khi đã xong việc, ba xách vào chiếc roi bằng cây mì: "Ba sẽ đánh con vì hai tội. Thứ nhất, ba mẹ sinh con ra lành lặn, sao con lại muốn làm người tàn tật? Thứ hai, nếu những người tàn tật nhìn thấy thì họ sẽ rất buồn lòng vì cho là con chế giễu họ. Con lấy sự thiệt thòi của người khác ra để đùa giỡn, có đáng ăn đòn không?" Tôi mếu máo: "Thưa ba, có". Cây mì giòn và có nhiều mắt, đánh vài roi đã gãy, nhưng cũng kịp đau thấu trời. Mấy vết lằn trên mông tôi in đậm hơn những lần khác.
Dù sao, trong ký ức của tôi, mùa khoai mì vẫn luôn là mùa vui nhất. Bây giờ, người dân quê tôi ít ai trồng mì nữa. Họ đi làm ăn xa, hoặc chuyển sang nuôi tôm xuất khẩu... Còn tôi, tôi nhớ mãi những ngày sôi động ấy. Nhưng tất nhiên, không chỉ vì sự vui nhộn...​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Những Chiếc Hộp​


Một lần tình cờ, tôi phát hiện một chiếc hộp sắt tây khóa kín để trên nóc tủ. Ba nói, nó đựng di chúc của ông nội. Trong đó viết rõ ông để lại cho tôi cái gì khi ông "về với đất". Tôi chợt nghĩ, nếu mình cũng phải đi xa, xa thật xa, mình sẽ để lại gì cho những người mình thương yêu.
Vậy là tôi quyết định mình cũng sẽ làm "di chúc". Tôi cũng tìm một chiếc hộp có khoá. Trong đó, tôi cất tờ "di chúc" và tất cả... gia tài sản nghiệp của mình.
Mỗi năm một lần vào đêm giao thừa, sau khi đã quét dọn nhà cửa sạch sẽ, tôi ngồi vào bàn và viết. Tất nhiên, chẳng phải là thời điểm bi thảm để nghĩ đến cái chết nên "di chúc" của tôi chỉ là một bản kiểm kê và phân chia "tài sản", những gì tôi đã dành dụm được trong suốt thời gian qua, cho những ai mà tôi đã gặp và yêu quý.
Bản di chúc đầu tiên được viết năm tôi tám tuổi, rất ngắn vì gia tài của tôi chẳng có gì nhiều. Tôi "để lại" cho ba tấm ảnh ba đang bế tôi trên tay cười toa toét, "để lại" cho mẹ tấm ảnh mẹ đang dỗ tôi ngay trước nhà thờ Đức Bà. "Để lại" cho hai đứa em trai của tôi những chiếc xe điện mới toanh mà tôi đã phải dọa dẫm để dành với chúng. "Để lại" cho ông nội cây gậy mà tôi nhặt được ở nhà kho. "Để lại" cho Bảo Vi, đứa bạn thân nhất của tôi chiếc nón vải.
Rồi tôi lớn lên, dù có ra sao tôi vẫn về nhà vào mỗi đêm giao thừa, ngồi vào chiếc bàn bên cạnh cửa sổ, nhìn ra bầu trời tối đen, mịn màng của đêm ba mươi và viết. Mỗi năm, tôi đến nhiều nơi hơn trong những chuyến du lịch với bạn bè, những chuyến công tác... và những thứ tôi nhặt nhạnh về cũng nhiều hơn: một chiếc lược đồi mồi từ Hà Tiên, những nụ hoa ngọc lan khô cong vẫn thơm nồng nàn như khi chúng đánh thức tôi dậy trong một đêm rất trong bên cạnh sông Tiền, một chiếc vỏ ốc tầm thường dạt vào bãi cát ở Nha Trang, một mảnh đá xấu xí văng ra khi tôi đi ngang qua những người thợ đục đá Non Nước. Và mồi lần nhặt lên, tôi đều nghĩ rằng tôi sẽ dành lại chúng cho một người nào đó mà tôi đã gặp. Chúng đánh dấu sự hiện hữu của tôi trên thế gian, đánh dấu những bước chân của tôi đã đặt lên mảnh đất này, miền đất nọ, và đánh dấu tình yêu thương mà tôi dành cho những con người đã đến rồi đi trong đời tôi. Mỗi năm, những đồ vật chẳng đáng giá gì mấy cứ chất đầy chiếc hộp, cả một quả bàng khô, một con ve sầu chưa lột xác còn giữ nguyên màu xanh óng, đến nỗi tôi phải thay một chiếc hộp lớn hơn.
Khi ông nội mất đi, ba tôi mở hộp ra và đọc cho mọi người nghe tờ di chúc, thứ duy nhất ông để lại là những mảnh đất, chia đều cho tất cả mọi người, đất trồng cây ăn trái, đất trồng khoai sắn và đất trồng lúa. Ông để lại cho tôi tủ sách và một rẻo đất rất nhỏ hình tam giác, nằm cạnh những mảnh ruộng mà ông đã làm lụng suốt đời trên đó. Một mảnh đất đủ để tôi trồng những cây cà chua và những luống rau muống, ông viết vậy, với tất cả tình yêu thương. Trước đây, có lần ông bảo rằng, chỉ với một miếng đất bé xíu như thế thôi, người ta chẳng thể nào đói được. Tôi đã đứng trước rẻo đất ấy và khóc rất nhiều.
Tôi chợt nhận ra là cuộc sống thật sự ngắn ngủi và đầy bất trắc. Tôi cũng nhận ra rằng làm cho những người khác biết mình yêu thương họ ngay lúc này tốt hơn là ấp ủ tình yêu đó cho tới khi ta không còn cơ hội để trao nó cho họ nữa. Tôi buồn bã khi nghĩ rằng đáng lý ra, tôi phải cho em tôi những chiếc xe đồ chơi khi điều đó còn làm cho chúng vui sướng, hơn là cất giữ hàng năm trời, cho tới khi chúng bắt đầu mơ về những chiếc xe hơi thật. Từ đó, tôi không viết di chúc nữa, tôi vẫn nhặt nhạnh những đồ vật xinh xinh mà tôi nhìn thấy, nhưng không cất đi mà tặng ngay cho ai đó mỗi khi có dịp.
Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ chiếc hộp đã trống không của tôi, cũng như chiếc hộp sắt tây chỉ đựng tờ di chúc dài hai trang trang giấy của ông nội, vì tôi biết, có một thứ vẫn luôn đầy ắp trong chiếc hộp ấy, đó là tình yêu thương ông Nội dành cho tôi, và tình thương tôi dành cho mỗi người tôi gặp, cho cuộc sống này.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Còn Tiếng Ve Sầu​


Cả tôi và Đăng đều thích ve sầu. Nhưng Đăng thích ve sầu còn sống, còn tôi chỉ thích những cái xác. Chúng tôi cãi nhau mãi về điều đó.
Đăng bảo: "Còn sống ve sầu mới đẹp, vỏ bóng, cánh còn óng ánh, mắt long lanh, xanh biếc". Tôi thì nghĩ, khi những con ve còn hát được, phải để chúng hát cho hết cuộc đời ngắn ngủi của chúng. Tại sao không đi tìm những xác ve sầu lột vỏ để giữ chúng lại như lòng biết ơn.
Ve sống thì kêu inh ỏi và Đăng biết chúng đang đậu ở đâu. Còn tôi, suốt mùa hè cứ phải chuyền như vượn trên những cành cây để tìm nhặt những cái xác rỗng không, trong suốt như giấy bóng gói kẹo và giòn tan, dễ vỡ, chỉ động một chút là nát như vỏ hạt đậu phộng đã rang.
Chúng tôi yêu ve sầu vì chúng không bao giờ hát một mình. Bạn rất hiếm khi được nghe một tiếng ve lẻ loi. Khi không thấy ai hoà theo, chúng im bặt và bay tìm chốn khác. Khi một con ve cất tiếng, cả đàn ve không biết nấp từ đâu trong những vòm lá sẽ hòa theo. Với tôi và Đăng, ve là biểu tượng của tình bạn.
Nhưng tôi thấy ghét Đăng khi nó vác cây sào tre có bôi mủ mít trên đầu để bắt dính những con ve sầu đang ra rả hát. Còn Đăng thì cười nhạo khi nhìn thấy những cái vỏ tội nghiệp, mỏng mảnh và giòn tan mà tôi nâng nIU giữ trong hộp. Một lần, Đăng lỡ tay bóp vỡ một xác ve của tôi, hai đứa giận nhau từ đó.
Trải qua nhiều chuyến đi, những cái xác ve tôi mang theo không còn nguyên nữa, cái thì bị nát từ trong vali, cái thì tự vụn vỡ ra theo thời gian. Nhưng tôi vẫn giữ lại những mảnh vụn. Mỗi khi nhìn chúng, tôi lại nhớ đến ngày chúng còn ca hát, nhớ đến những buổi trưa cùng Đăng nằm dưới vòm cây đoán xem dàn đồng ca kia được tạo nên bởi bao nhiêu "nghệ sĩ ve". Đôi khi, tôi thèm được nhìn thấy lại màu xanh biếc trên những đôi cánh mỏng.
Từ quê nhà, Đăng gửi cho tôi một con ve sầu ép khô của mùa hè cũ: "Tôi muốn gọi thời gian trở về thời thơ ấu, những ngày tháng đầy niềm vui. Khi còn nhỏ, chúng ta chưa biết gì về những ganh đua và tham vọng. Yêu thương và chơi đùa là tất cả những gì ta biết về cuộc đời. Và những con ve sầu còn tượng trưng cho tình bạn. Tôi biết bạn giận vì tôi đã cố giữ lấy cho riêng tôi những màu sắc đẹp, những con ve sầu còn đang ca hát. Nhưng từ khi bạn đi, bộ sưu tập của tôi vĩnh viễn không có thêm một con ve sầu nào nữa. Tôi biết mình có lỗi. Nhưng chúng ta cũng đánh mất tình bạn rồi sao? Tôi nhớ bạn."
Có ai đó đã viết rằng chúng ta thường đi qua cuộc đời mà không nhận biết sự khác nhau giữa tình bạn và sự quen biết. Người quen chỉ là người ta biết tên và thường hay gặp. Ta có thể chia sẻ nơi ở, bàn làm việc, những bữa ăn, kể cả thời gian. Nhưng họ không phải là người để ta chia sẻ những khoảnh khắc đặc biệt trong đời. Và ta cũng không biết được đâu là những khoảnh khắc quan trọng trong đời họ. Còn bè bạn là những người ta nhớ đến khi nhìn thấy điều gì đó mà ta biết là họ thích, có liên quan đến họ, hay gợi đến những giờ phút đã chia sẻ cùng nhau. Tình bạn bắt đầu từ đó. Tôi với Đăng cũng vậy.
Tình bạn đầu tiên ấy, đối với tôi, cũng giống như lần đầu tiên được chiêm ngưỡng cầu vồng sau một cơn mưa phùn mùa xuân. Như vẻ đẹp của nụ hôn đầu tiên, của một đoá hồng leo lẻ loi trên tường nhà, của một lớp vỏ óng ánh sức sống của một con ve sầu còn biết hát. Có những vẻ đẹp bạn không nhận ra cho đến khi đã đánh mất nó, không phải như người yêu đã chia tay, không phải như nụ hoa đã tàn héo, mà như một phần cuộc đời bạn, không gì thay thế nổi.
Tôi gửi lại cho Đăng con ve sầu và viết: "Không nhớ sao, ve sầu tượng trưng cho tình bạn. Nó không bao giờ ca hát một mình. Ở đây không có ve sầu. Hãy để nó trở lại với Đăng, và tôi cũng vậy!"​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Khi Ta Không Phải Thiên Tài​


Tặng ông Nội của con và ông Nội của Ba
Ông Nội tôi là một người rất đặc biệt. Trong khoảnh khắc tình cờ, tôi mới chợt nhận ra điều đó. Ba thì gật gù một cách nghiêm túc: "Tất cả các ông Nội đều là những người đặc biệt!"
Hiển nhiên là Ba đang muốn nói về ông Nội của Ba, tức ông cố của tôi, người vẫn xuất hiện thường xuyên trong các câu chuyện của ông Nội. Và tôi nhớ nhất là chuyện về người nông dân nghèo sống cạnh sông Gianh đã trở thành ông chủ một trang trại lớn như thế nào. "Tất cả bắt đầu bằng một tia sáng loé lên trong suy nghĩ - ông Nội tôi thường nói như vậy trước khi kể chuyện - nhưng muốn tia sáng loé lên thì những suy nghĩ phải chuyển động trước đã". Ông minh họa bằng cách làm cháy bó rơm khô với hai cục đá nhặt bên lề đường. "Phải có chuyển động thì mới có những tia sáng, con thấy không?"
Tất cả bắt đầu từ những tia sáng như thế. Vào một ngày nọ, ông cố lúc đó là anh nông dân tay trắng quyết định đem bán tất cả những tài sản mình có, ra chợ mua một con bò gầy giá một đồng rưỡi. Đó là thời kỳ khó khăn, mùa màng thất bát, con bò gầy đến nỗi chỉ còn da bọc xương, bước chân loạng choạng vì bị cột lâu ngày. Nó bị bỏ quên một góc ở chợ Bò (Đồng Hới, Quảng Bình) vì chẳng ai thèm để ý đến. Nó quá ít thịt đối với những lò mổ, và quá yếu ớt để kéo xe hay cày bừa. Ông cố tôi mang nó về và đưa nó vào tận trong thung lũng. Nơi đó ở xa làng, nhưng có nhiều cỏ non và không khí, có những khe nước hiếm hoi bé xíu róc rách chảy xuống từ trên những vách đá. Ông chăm cho con bò béo lên. Sau vài tháng, con bò gầy thành con bò béo, mông nó đủng đỉnh, bụng nó căng tròn, vì công việc thì nhẹ nhàng, lại ăn toàn cỏ tươi và nước ngọt. Ông mang nó ra chợ, bán lại với giá năm đồng, một đồng để tiêu xài, còn bốn đồng thì mua hai con bò gầy, và mang vào thung lũng chăm sóc. Cứ thế, mua một bò gầy, bán một bò béo, lại mua hai bò gầy... Có khi, ông giữ lại những con khỏe mạnh để cày bừa, hay để sinh con... và bán đi những con còn lại. Ba năm sau, ông có cả một đàn bò cả trăm con, có đất đai, vườn tược, có những người làm thuê trên khắp các cánh đồng... Ông trở thành một ông chủ trang trại giàu có nhất làng.
Sau hai ba cuộc chiến tranh, ông cố nuốt nước mắt chứng kiến gia tài của mình lần lượt tiêu tan cùng với loạn lạc và ly tán. Cho đến khi cả ông cũng ra đi. Nhưng câu chuyện về cuộc đời ông vẫn lưu truyền trong gia đình tôi như một huyền thoại. Câu chuyện bắt đầu từ một tia sáng lóe lên trong suy nghĩ, khi người nông dân nhìn thấy trong chợ những con bò béo giá cao, và những con bò gầy, giá rẻ.
Khi ông Nội kể câu chuyện đó, mẹ tôi cứ tấm tắc: "Ông cố kinh doanh giỏi thật!". Nhưng ông Nội nghiêm nghị: "Đó không phải là kinh doanh, đó là cuộc sống!" Ý ông muốn nói, những tia sáng phải loé lên luôn luôn trong mỗi ngày ta sống.
Kỉ niệm tôi nhớ nhất về ông là một cái Tết nóng bức của miền Trung. Đó là những ngày độc địa, cái nóng bất chợt giữa mùa đông thật đáng sợ, hơi nóng như bốc lên từ mặt đất. Gió táp vào mặt, nước ngọt chỉ còn trong một vài cái giếng sâu hơn 15 mét. Ông Nội là người chịu đựng cái nóng giỏi hơn ai hết. Cả buổi trưa, ông cũng lang thang ngoài đường. Chiều 28 Tết, ông trở về với đôi mắt sáng ngời: "Hà hà hà... Tết này nhà ta sẽ có tủ lạnh". Mẹ hoảng hốt nhìn ba. Thời đó, điện vẫn còn là thứ xa xỉ, nói gì đến tivi hay tủ lạnh. Nhưng tủ lạnh của ông Nội giá chỉ có năm nghìn. Tết năm đó, nhà tôi đãi khách bằng cây nhà lá vườn chính cống: Dưa leo, dưa hấu, rau muống, xà lách tươi rói, ổi, mận ướp lạnh... và uống nước chanh dây... với đá lạnh. Ai cũng trầm trồ vì cái "tủ lạnh" độc đáo của Nội tôi. Mùa hè sau đó, ngoài chợ rộ lên cơn sốt mua thùng xốp, loại thùng xốp đựng đá thường thấy ở những quán nước dã chiến lề đường. Giá thùng xốp tăng lên mười nghìn và cả xóm tôi ai cũng có trong nhà một "tủ lạnh" nhẹ tênh, gọn gàng, hữu ích trong mùa nắng nóng. Bên trong có đầy đủ mọi thứ rau quả và...nửa cây nước đá.
Ông Nội tôi vẫn nhắc đi nhắc lại rằng, chúng ta không phải là thiên tài, vì thế ta phải học mỗi ngày một chút. Có vài người sống cuộc đời của mình như thể họ sẽ sống mãi mãi. Vài người tranh đấu suốt đời để mưu cầu sự giàu có về vật chất hay danh vọng. Sự tham lam đẩy họ về phía trước. Nó là chất xúc tác của họ. Còn đối với ông Nội tôi, sự khôn ngoan chính là của cải mà ông tích luỹ được bao nhiêu năm trong đời. Ông cho rằng, ta chú tâm bao nhiêu, ta học được bao nhiêu, và nhớ được bao nhiêu những kinh nghiệm của mình- đó là điều cốt lõi của sự tồn tại.
Cùng với ông, tôi học được rằng tôi lúc này có thể yếu đuối, lúc khác rất quả cảm, đôi khi tôi sợ hãi, nhưng phần lớn thời gian còn lại – tôi tự do. Khi người ta có thể tự do, là khi những suy nghĩ có thể chuyển động muôn phương, và từ đó, lóe lên những tia sáng của sự sáng tạo. Với một tâm hồn tự do và trí óc rộng mở, thế giới sẽ luôn mới mẻ và không bao giờ quá bất ngờ đến nỗi ta không thể thích nghi. Tôi rất nhớ một câu nói của nhân vật Laura trong phim Men in Black II: "Từ khi ta còn bé, lúc được mọi người bảo cho biết ta phải nghĩ gì, tin gì, thì trái tim ta đã nói với ta rằng ở ngoài kia còn có nhiều hơn thế!". Và trái tim chỉ có thể nói được điều đó khi trái tim mở rộng và luôn luôn chuyển động.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến
Ký Ức Đồng Dao

Cá rô cá rạch/ Gặp trận mưa rào/ Mày chẳng ở ao/ Mày lên rãnh nước/ Nước xuôi mây ngược/ Mày thích ra sông/ Thoả chí vẫy vùng...
Bài đồng dao này tôi nghe mẹ hát vào một chiều mưa, khi một con cá rô nhỏ xíu lạc theo dòng chảy lách tách rơi vào sân nhà tôi. Mẹ bắt nó thả vào thau nước, để ngày mai tôi đem thả nó về lại ruộng đồng.
Ấu thơ tôi lớn lên cùng đồng dao. Những câu hát ngô nghê dù có nghĩa hay vô nghĩa cũng chứa đựng một tâm hồn trong trẻo, một cái nhìn hồn nhiên trước cuộc đời. Những chiều mưa dầm ngồi trước hiên nhà nhìn bong bóng mưa lần lượt vỡ tan ra, tôi lại lẩm nhẩm: Lạy trời mưa xuống/Lấy nước tôi uống/Lấy ruộng tôi cày/Lấy đầy bát cơm/Lấy rơm đun bếp.
Những đêm trăng sáng, chúng tôi thường tập trung trên bãi cát để chơi trò "Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc..." hay túm tụm lại và thay nhau đọc từng câu: Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo/Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút/Ông trăng xuống chơi ông Bụt thì ông Bụt cho chùa/Ông trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính, cho đến khi không tìm ra người bạn nào cho ông trăng nữa thì thôi. Rồi trò Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ba vương ngũ đế. Cả những trò chơi đơn giản nhất cũng có câu hát: Tập tầm vông tay nào không, tay nào có? Tập tầm vó, tay nào có, tay nào không?... Lâu rồi không nghe ai hát đồng dao. Cả những đứa trẻ ở miền quê xa cũng đã bắt nhịp được với cuộc đua của những con số trong sổ điểm. Bây giờ, những đứa trẻ sinh ra đều phải là thiên tài. Khi tôi lớn lên, "trẻ con" xa lạ với "thiên tài". Những đứa trẻ quanh tôi chỉ quen với những bài đồng dao mỗi sáng và mỗi tối, với đất đai và cỏ cây. Bây giờ, mười lăm năm sau, những đứa trẻ ấy đang học tiến sĩ ở nước ngoài, khi chưa đầy 30 tuồi. Bây giờ, những đứa trẻ ấy là kiến trúc sư, giảng viên đại học, nhà báo và nhạc sĩ, vẫn sống hạnh phúc với mỗi ngày đang đến và những câu đồng dao trong kí ức.
Cũng như tôi, họ vẫn nhớ bài đồng dao về chiếc đồng hồ: Lúc la lúc lắc/Tích ta tích tắc/Ngày ngày đêm đêm/Chỉ giờ chỉ khắc/ Người đời nhờ tôi/ Lúc làm lúc chơi/ Có giờ có giấc/ Ngày thức đêm ngơi (nghỉ)
Khi nhìn vào chiếc đồng hồ, bạn nhìn kim nào trước? Kim giờ hay kim phút? Tôi thì nhìn kim giây. Tôi thích những chiếc đồng hồ có kim giây. Khi chiếc đồng hồ còn chạy tốt, đó là chiếc kim duy nhất chuyển động bất cứ lúc nào ta nhìn vào mặt đồng hồ. Nó báo hiệu sự sống. Bây giờ, người ta ngày càng thích giản đơn, và những nhà sản xuất đồng hồ nhiều lúc bỏ quên mất chiếc kim giây.
Tôi thấy buồn vì người ta đã bỏ quên những khúc đồng dao đâu mất, loại chúng khỏi cuộc sống của trẻ con, xoá chúng khỏi ký ức của người lớn. Khi người ta còn nhớ về tuổi thơ, là người ta còn có thể sống tốt đẹp. Trở về với đồng dao, là trái tim ta trở về với niềm hứng khởi nguyên sơ và ngời sáng. Tình yêu cuộc sống bỗng trỗi dậy và được thanh lọc khỏi những bộn bề rác rưởi của bao nhiêu năm tháng bon chen.
Cuộc đời bắt đầu từ những điều nhỏ bé, thời gian bắt đầu từ một giây. Và nhân loại, chẳng phải bắt đầu từ trẻ con đó sao?!​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Lá Cuối Năm

Đó là buổi chiều đẹp nhất của một năm. Ông ngoại tôi bảo vậy. Chiều 30 Tết. Có rất nhiều công việc nhưng đến chiều Ba mươi, tất cả phải hoàn tất. Bánh chưng đã gói xong, đã bắc lên bếp.
Nhà cửa đã dọn dẹp sạch sẽ. Điều mà ngoại bắt buộc mọi người phải làm vào chiều cuối năm là gom hết lá khô vào một góc sân, đốt lên, và cả gia đình ngồi quây quần quanh đó để... chẳng làm gì cả.
Đó là buổi chiều những người đi xa trở về, những người đã khuất quay trở lại trong những câu chuyện. Những người lớn thì trầm ngâm. Bọn trẻ con bấm nhau cười khúc khích trước vẻ nghiêm trang mà theo chúng hình như là vô lý.
Gió nhẹ và se lạnh. Lửa ấm áp nổ tí tách. Và khói thì có mùi thơm của lá khô. Vườn nhà ngoại rộng lắm và có đủ thứ cây: xoài, mít, ổi, mận, măng cầu... Cái thú của chúng tôi bên đống lửa là hít hà và đoán xem đó là mùi của lá nào. Lá xoài cháy hăng hăng. Lá ổi thơm nồng nồng. Và lá của những loài cây dại bên rào chẳng thể biết tên.
"Vòm cây không thay đổi, nhưng những chiếc lá thì thay đổi. Trên đó không còn chiếc lá nào của năm trước, phải không con?" Mỗi năm, ông lại chỉ lên tán lá xanh trên đầu và hỏi một đứa cháu vừa lớn lên một chút.
Lúc nhỏ, tôi vẫn nghĩ câu hỏi chiều ba mươi Tết của ông thật buồn cười. Những chiếc lá và vòm cây có gì liên quan đến buổi chiều cuối năm? Ngày hôm sau là Tết, mọi người rộn ràng và vui vẻ. Chúng tôi mặc đồ đẹp và xúng xính đi thăm nhau, đi chơi lô tô ngoài chợ, lấy tiền lì xì mua vô số những quả bóng bay...
Cho đến ngày ông hấp hối, tôi đứng cuối chân giường và khóc. Ông vẫy tôi lại, thều thào: "Này con, những chiếc lá thay đổi, nhưng vòm cây vẫn không thay đổi. Phải không?". Tôi mếu máo gật đầu, và trong khoảnh khắc đó tôi hiểu ra tất cả. Không có chiếc lá nào xanh trọn 365 ngày trong một đời lá. Nhưng có bao giờ ta tự hỏi tại sao vòm cây ta nhìn thấy vẫn xanh như ngày xưa.
Đời người cũng giống như chiếc lá. Mỗi năm Tết lại đến một lần. Trái Đất mỗi ngày một đông nhưng có những người thân yêu của ta không còn nữa. Những chiếc lá khô đi và rụng xuống sau một thời xanh, nhưng vòm cây vẫn giữ nguyên vẻ mát xanh vững chãi. Bởi thế hãy bình tâm sau mỗi lần mất mát. Chỉ những chiếc lá ở cạnh nhau mới thấy đau với khoảng trống khi chiếc lá ngay cạnh mình rơi xuống. Bởi thế, hãy quan tâm đến những người xung quanh. Mặt trời vẫn mọc mỗi ngày và mọi người vẫn mặc những bộ quần áo cũ, nói những câu nói cũ, không có nghĩa là người ta không buồn hơn, không vui hơn, không tổn thương hay không trưởng thành hơn.
Từ khi ông mất đi, những chiều cuối năm không còn ai ngồi quanh đống lửa, nhưng dù đi đâu, chúng tôi vẫn luôn quay về góc vườn cũ, thăm lại những hàng cây. Bao nhiêu lớp lá khô rơi đã tan thành tro bụi, vậy mà vòm lá vẫn xanh và rì rầm trong gió. Nhưng tôi biết rằng: trong vòm cây nguyên lành như chưa bao giờ biến đổi kia, có một chiếc lá đã rơi và để lại khoảng trống trong tôi không gì bù đắp nổi. Chiếc lá ấy vẫn trở về trong trái tim những chiếc lá khác - vào mỗi buổi chiều cuối năm.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Những Chiếc Bánh Tét Con

Những năm cậu đi học xa, mẹ cho tôi đến ở với bà để nhà đỡ cô quạnh. Mọi việc trong nhà được chúng tôi phân định rạch ròi: bà việc lớn, cháu việc nhỏ. Chẳng hạn như mỗi sáng thức dậy, bà quét sân, tôi quét nhà.
Bà bằm rau nấu cháo cho heo, tôi thì xúc tấm cho gà ăn. Bà đi chợ, còn tôi ngồi đợi. Bà dọn mâm, tôi sắp chén. Cuộc sống trở nên ngắn nắp rõ ràng, và...không ai được tị nạnh ai – bà nói vậy.
Dưới con mắt của tôi thì tất cả các hoạt động của bà đều hướng đến một cái đích duy nhất: Tết! Tưới rau, để Tết. Nuôi gà, để Tết. Trồng cây dong riềng, để Tết! Chuẩn bị cho Tết với bà là cả một quá trình, lặp lại mỗi năm. Và quan trọng nhất là nuôi heo, nguồn thu nhập chính để ăn Tết. Đầu năm, bà nuôi một con heo mẹ. Vỗ béo cho đến một đêm bà gọi tôi dậy giữa khuya, khi heo kêu rống lên đau đớn. Nó sắp sinh con.
Dưới ánh sáng chập chờn của cây đèn dầu, tôi đứng bên cạnh đợi bà đỡ từng con heo con đỏ hỏn, bé xíu, lau rửa sạch sẽ, dùng kềm bấm răng nanh rồi đưa cho tôi đặt vào máng ổ bên cạnh đã được bà lót bằng vải sạch và rơm từ mấy ngày trước. Có những con bé xíu, vặt vẹo tưởng chết. Bà bĩnh tĩnh thổi hơi rồi nhúng chúng vào nước ấm. Tôi reo lên nho nhỏ khi thấy chúng khẽ cựa mình và mở mắt ra. Hai bà cháu tiếp tục nâng nIU chăm bẵm cho lũ heo con mau lớn. Bà lo phần heo mẹ, còn tôi chịu trách nhiệm canh chừng lũ heo con khi chúng bú, để những con mạnh khỏe háu ăn không được tranh giành vú mẹ với những con gầy yếu.
Gần Tết, bà kêu lái đến cân hết heo mẹ heo con, chỉ để lại vài con khỏe. Số tiền đó dùng để mua sắm cho Tết, và chủ yếu là để làm bánh Tét. Bà mua về thật nhiều thịt, đậu xanh, nếp và hành. Lá chuối và lá dong thì sẵn sau vườn. Mỗi năm bà gói rất nhiều bánh Tét, cho cả gia đình các dì, cậu... Tôi không gói được, vì tay tôi chưa đủ mạnh để ém chặt bánh và xiết những sợi lạt. Tôi chỉ phụ trách phần lau lá.
Khi chỉ còn một ít nguyên liệu, bà thường ngẫu hứng làm cho tôi một cái bánh Tét con, nhỏ xíu xinh xinh. Tôi sung sướng vô bờ, nâng nIU như trứng, ngồi đợi canh cánh suốt đêm để chờ nó chín. Rồi sáng mai đem khoe khắp xóm. Những đứa trẻ khác tha hồ ghen tị. Chúng cũng thèm những cái bánh Tét nhỏ dành cho riêng mình.
Chiều 30 Tết, bà xếp bánh vào giỏ rồi mang đi đâu đó. Tôi hỏi thì bà nói: "Đem biếu những người nghèo, những người không có bánh Tét để ăn Tết, không có gì cả!" Tôi lại hỏi: "Họ có con nít không?" Bà trả lời "Có!" rồi dừng lại nhìn tôi, một tia sáng ấm áp lóe lên trong ánh mắt. Tôi thẽ thọt: "Vậy năm sau bà làm cho con nhiều nhiều bánh Tét con!" "Để làm gì?"Tôi cười sung sướng "Bí mật!". À, bí mật của tôi. Bà cười: "Rứa à?" Nhưng bà cũng làm. Tết năm sau, tôi hầu như đã quên béng đề nghị của mình, còn bà vẫn nhớ.
Khi dì và mẹ tôi về nhà bà lấy bánh thì thấy trên giàn bếp treo hai dãy bánh Tét, một dãy dài những cặp bánh Tét to đùng, và bên dưới là một dãy mười hai cặp bánh Tét con ngộ nghĩnh. Tôi chỉ: "Ở trên là của bà, ở dưới là của con". Mọi người nhìn bánh Tét, nhìn bà và tôi đang hớn hở, rồi nhìn nhau than: "Trời ạ, cả bà lẫn cháu đều trẻ con như nhau".
Chiều ba mươi Tết năm đó, bà xếp bánh vào giỏ. Tôi cũng vậy. Rồi bà cháu dắt nhau đi sâu vào phía núi. Bà xách giỏ lớn đựng bánh Tét to, tôi xách giỏ nhỏ đựng bánh Tét nhỏ. Chúng tôi im lặng đi, ghé vào những ngôi nhà xập xệ, xiêu vẹo, với những người lớn đăm chiêu và những đứa trẻ gầy còm, dơ bẩn. Ai cũng hồ hởi chào đón bà. Bà để lại nhà này một cặp, nhà kia hai cặp bánh. Còn tôi thì rộng rãi hơn, mỗi đứa một cái bánh Tét con, lớn nhỏ như nhau.
Giao thừa. Ở nhà chỉ còn hai cái bánh lớn và không còn chiếc bánh Tét con nào cho tôi cả. Nhìn tôi buồn buồn, bà nói: "Con nít hơi đông, hè!". Tôi gật gù: "Năm tới phải làm nhiều hơn bà ạ". Bà im lặng xoa đầu tôi.
Nhưng năm sau, Tết chưa đến thì bà đã mất. Tôi vẫn chưa tự mình gói bánh được, cả đến bây giờ, khi đã tốt nghiệp đại học. Nhưng Tết nào về quê tôi cũng đi lại con đường từng đi với bà, trên tay là hai chiếc giỏ cũ, một đựng bánh mứt, một đựng đồ chơi và những cuốn truyện cổ tích. Một cho người lớn, một cho trẻ con. Một vì tấm lòng bà đã yên giấc cỏ, một cho tuổi thơ tôi đã xa tít tắp...
Bao giờ cũng vậy, trên con đường hẹp gập ghềnh đi vào núi, tôi lại cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc đơn sơ từng làm tim tôi rung động từ ngày xa xưa ấy: niềm hạnh phúc được cho, từ những cái bánh Tét con, nhỏ bé nhưng chứa đựng tình thương sâu xa của bà.​
 


Top