Ê-va-rít Ga-loa (Tủ sách vàng) | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

If possible, please support us by clicking on the advertisements.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software.

×

Ê-va-rít Ga-loa (Tủ sách vàng)

dammage

Rìu Chiến
Ê-VA-RÍT GA-LOA
Nhà xuất bản : Kim Đồng
Năm xuất bản : 1998
Tác giả : Bùi Việt Bắc
Series : Tủ sách vàng
Thực hiện số hóa : dammage

001.jpg

Bìa trước

002.jpg

Bìa sau

“Ngôi sao sáng chưa từng có trên bầu trời toán học đã xuất hiện ở nước Pháp vào khoảng 1830. Đó là Ê-va-rít Ga-loa.”
Felix Klein
(Nhà toán học người Đức)

LỜI NÓI ĐẦU
Nếu đề nghị một nhà toán học kể tên những nhà toán học vĩ đại nhất của mọi thời dại, bao giờ bạn cũng được nghe cái tên Ê-va-rít Ga-loa.

Ấy vậy mà người đương thời chỉ biết Ga-loa là một trong những người Cộng hòa cuồng nhiệt nhất nước Pháp, không ai biết các công trình toán học của anh.

Đáng kinh ngạc hơn là cuộc đời anh đầy rẫy chông gai và những chuyện bất ngờ: Phải lưu ban ở trung học. Mười lăm tuổi anh đã có công trình nghiên cứu gởi Viện hàn lâm khoa học nhưng cả hai lần gởi, bản thảo đều bị đánh mất. Anh phải viết lại và gởi lần thứ ba. Lần này thì không một ai hiểu được cả. Hai lần thi trượt vào khoa toán trường đại học. Anh đã giành rất nhiều thời gian cho hoạt động cách mạng nên bị đuổi khỏi trường đại học và hai lần phải ngồi tù… Tập bản thảo mà anh thức trắng đêm để viết vội vã trước khi lên đường đi đấu súng, khi anh chưa đầy hai mươi mốt tuổi, và phải hơn nửa thế kỉ sau mới có người hiểu được, đã biến tên tuổi anh trở thành niềm tự hào của nước Pháp, niềm tự hào của khoa học nhân loại.

Nhà toán học thiên tài Ê-va-rít Ga-loa sinh ngày 26 tháng 10 năm 1811 trong một gia đình công chức tại thị trấn Bua-la-Ren (1'), ngoại ô Pa-ri. Cha là Ni-cô-la Ga-bri-en Ga-loa (2'), nguyên là đốc học rồi thị trưởng Bua-la-Ren. Mẹ là Maria A-đê-la-it (3'), con cụ quan toàn Đơ-măng-tơ (4').

Cha Ga-loa thuộc phái Tự do, tức có chính kiến chống lại chế độ quân chủ hiện thời của các triều vua dòng họ Buốc-bông (5'). Sau này, một bộ phận của phái Tự do đã thành lập Đảng Cộng Hòa mà Ê-va-rít Ga-loa là một chiến sỹ cuồng nhiệt. Đảng Cộng Hòa là tổ chức chính trị tiến bộ nhất nước Pháp hồi đó, đấu tranh cho nền cộng hòa dân chủ của nước Pháp.

Mẹ anh là một phụ nữ có học vấn và giàu nghị lực. Bà say mê văn học nhất là văn học cổ Hy Lạp. Bà chính là người thầy giáo đầu tiên của Ga-loa.

Ga-loa là một thiên tài bẩm sinh nhưng tài năng toán học chói lọi không bổng dưng từ trên trời rơi xuống với anh. Một nhà toán học thời đó đã viết: “Mỗi một phát minh của Ga-loa đều phải trả giá rất đắt”. Chính lòng say mê vô hạn và ý chí vượt khó lớn lao trong khoa học đã dẫn anh tới những phát minh vĩ đại. Ngày nay các nhà sư phạm còn khẳng định rằng say mẹ là một trong những yếu tố cơ bản dẫn tới tài năng.

Ga-loa là một tấm gương sáng ngời về lòng say mê đối với khoa học và cách mạng. Anh thương yêu người lao động, căm ghét bọn áp bức, tràn đầy nhiệt huyết, quên mình cho cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp.
NGƯỜI VIẾT​

------------------------------------------
Chú thích
(1') Bua-la-Ren : Bourg-la-Reine
(2') Ni-cô-la Ga-bri-en Ga-loa : Nicholas Gabriel Galois
(3') Maria A-đê-la-it : Marie Adélaïde
(4') Đơ-măng-tơ : Demante
(5') Buốc-bông : Bourbon
 
Sửa lần cuối:

dammage

Rìu Chiến
số là bữa trước tui lục lại đống sách cũ thì thấy cuốn này của thằng em, tìm ở trên mạng hình như chưa có ai chia sẻ nên tui quyết định dành những ngày nghỉ cuối tuần để gõ lại toàn bộ, sách nói về cuộc đời của nhà toàn học Évariste Galois, cũng như phác họa sơ lược 1 giai đoạn lịch sử quan trọng của nước pháp

sách được xuất bản năm 1998, lại viết cho thiếu nhi nên tấc cả các tên ở trong đây đều được phiên âm ra tiếng việt, nếu chỉ đơn giản là gõ lại thôi thì... chán lắm nên tui quyết định tìm hiểu các tên gốc để bạn nào đọc sách có quan tâm có thể tìm hiểu thêm (việc truy tìm tên gốc chiếm gần 50 phần trăm thời gian thực hiện cuốn sách này)

cũng trong quá trình tìm hiểu đó, tui phát hiện nhiều sự kiện cũng như các chi tiết trong sách hoàn toàn do tác giả hư cấu (khoảng 20 phần trăm, chẳng hạn các chi tiết xoay quanh vụ đấu súng đều không có thật), suy cho cùng, đây chỉ là tác phẩm văn chương dành cho thiếu nhi, nếu các bạn muốn biết chính xác hơn về Évariste Galois có thể đọc các tài liệu khác

cuối cùng, các bạn vui lòng lưu ý mấy điều sau
1/các bạn cứ tự do thoải mái chia sẻ nhưng đừng dùng cho mục đích thương mại (gắng link quảng cáo...), cũng như xin ghi nguồnngười thực hiện
2/các bạn đọc sẽ để ý thấy mấy lỗi chính tả, mấy lỗi này là sai từ trong sách, tui gõ nguyên văn lại nên không sửa (tất nhiên vẫn có thể lỗi của tui trong quá trình gõ)
3/sách này... tui cũng không chắc dành cho thiếu nhi nữa, nếu là tui thì sẽ xếp nó là parental guidance, you own your risk
7L1XX2F.gif
 
Sửa lần cuối:

dammage

Rìu Chiến
1.jpg

Ê-VA-RÍT GA-LOA (1811-1832)​

MỘT

LƠ-GIĂNG-ĐƠ-RƠ, NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG ĐẦU TIÊN

Trong một lớp học của trường Lu-i lơ Grăng (1'), giáo sư sử học Giê-puy đang say sưa giảng bài. Cả lớp im phăng phắc, hầu như nín thở lắng nghe. Bổng cặp mắt sâu nấp dưới đôi kính trắng của ông hướng về phía một học trò ngồi ở gần cửa sổ. Anh này đang chăm chú đọc một cuốn sách giấu dưới bàn. Ngừng giảng, ông gọi:
- Học trò ngồi chỗ thứ hai dãy bàn thứ tư, đứng dậy!

Nhiều người quay nhìn về phía đó, riêng anh này vẫn không hề hay biết.
- Học trò ngồi ở chỗ thứ hai dãy bàn thứ tư, đứng dậy! – Giáo sư nhắc lại.

Người ngồi cạnh giẫm lên chân anh ta làm hiệu. Anh này giật mình, quay phắt sang hỏi: “Cái gì?” Bắt gặp những cái nhìn lo lắng của bạn bè, anh chợt hiểu tất cả. Anh từ từ đứng dậy.

Đó là một chàng trai mảnh khảnh trạc mười bốn tuổi, cằm nhọn, miệng bé, mái tóc dài màu hạt dẻ mềm mại ôm một nửa vầng trán rộng, hơi dồ. Trong chốc lát, anh trấn tĩnh lại và đưa cặp mắt màu nâu to mạnh dạn nhìn thẳng vào giáo sư.
- Tên anh là gì?
- Thư thầy, Ga-loa.
- Hãy cho biết tôi đang nói đến đâu?

Im lặng.

Cậu bé ngồi cạnh khẽ nhắc:
- “A-léc-đăng Ma-xê-đoan (2') tiến quân vào Ấn Độ”.
- Thưa thầy đến đoạn A-léc-đăng Ma-xê-đoan rút quân khỏi Ấn Độ ạ”.

Cả lớp cười rộ lên.

- Trật tự! – Giáo sư gõ vào bàn nhắc rồi tiến đến gần Ga-loa – Anh cho tôi xem quyển sách vừa đọc.

13.jpg


Ga-loa lưỡng lự rút trong bàn ra một cuốn sách bìa nâu. Giáo sư cầm lấy, ông nhíu mày ngắm nghía cuốn sách rồi đọc to lên:
- Lơ-giăng-đơ-rơ. Hình học sơ dẫn (3').

Vẻ ngạc nhiên xen chút khó chịu tỏa ra trên gương mặt giáo sư. Ông nghiêm giọng hỏi:
- Anh chuyển đến lớp này lâu chưa?
- Thưa thầy từ thứ hai.
- Trước kia anh học ở đâu?
- Thưa thầy hai tháng em học ở lớp nhất. Vừa rồi thầy hiệu trưởng có bảo em nên lưu ban lại lớp nhì một năm nữa để kiến thức được chắc chắn hơn. Giáo sư trả quyển sách lại cho Ga-loa rồi nghiêm sắc mặt:
- Tôi mong rằng đây là lần cuối cùng ở giờ tôi.

Ông nhanh nhẹn bước lên bục và tiếp tục giảng bài. Ga-loa cố chăm chú nghe nhưng những trang sách anh vừa đọc lén lại cứ hiện lên trước mắt. Lời thầy giáo giảng cứ vào tay này ra tay kia như gió vào nhà trống.

Sau bữa cơm trưa, Ga-loa lại chúi mũi vào đọc cuốn sách đó và đến tối thì anh đọc xong. Lơ-giăng-đơ-rơ viết cuốn sách này cho học sinh giỏi toán lớp trên học trong hai năm. Ê-va-rít đã nuốt chửng trong vòng ba ngày.

Đối với Ê-va-rít đây là cuốn sách kì diệu. Cách diễn đạt, trình tự phát triển các vấn đề ở đây khác hẳn với các sách giáo khoa đương thời (1).

Ê-va-rít nhìn thấy một cấu trúc tuyệt vời. Nó không phải là những định lý riêng biệt mà gắn bó với nhau như một chuỗi dây chuyền. Trước mắt anh, thế giới kỳ diệu của những điểm, đường, mặt phẳng, không gian được liên kết với nhau bởi những tiêu đề, định lý hiện lên hài hòa, kiều diễm như một ngôi đền cổ Hy Lạp. Đọc đến mỗi định lý là trong óc anh hiện ngay lên cách chứng minh, nhiều khi không phải đọc những lập luận ở dưới. Lơ-giăng-đơ-rơ đã trình bày hình học Ơ-clít (4') với một phong cách diễn đạt kì tài, kết cấu vô cùng hợp lý. Nghệ thuật trình bày ở đây chính là nghệ thuật tư duy toán học.

Còn những ví dụ và bài tập thì thật sinh động! Giải bài toán hình học có khi lắt léo, lôi cuốn như một ván cờ, có khi bất ngờ, kỳ lạ như một trò ảo thuật! Có bài toán cần chứng minh hai góc bằng nhau, vừa đọc xong đầu bài Ê-va-rít đã có ngay ba bốn cách giải: Có thể đưa chúng vào hai tam giác bằng nhau, cũng có thể chứng minh chúng cùng bằng một góc thứ ba, hoặc vẽ đường tròn ngoại tiếp để thấy chúng chắn những cung bằng nhau, có khi chỉ cần kẻ thêm những đường thẳng phụ để nhìn thấy những góc có cạnh tương ứng song song hay vuông góc… Thật đúng như trong một ván cờ cùng một lúc có thể đi nhiều nước chiếu tướng. Song ở đây còn hay hơn là, tấc cả các cách giải lại như đan vào nhau, từ cách này nhìn cách kia và ngược lại.

Hình học thật là tuyệt, vừa có tác dụng rèn luyện tư duy lại vừa hấp dẫn lôi cuốn người ta qua ngưỡng cửa của môn toán đầy lý thú. Ê-va-rít đã bước qua ngưỡng cửa toà lâu đài toán học đẹp đẽ như vậy đó.

Ê-va-rít xa nhà đã hơn hai năm. Anh vào trường Lu-i lơ Grăng tháng Mười năm 1823. Đây là một trường trung học nội trú lớn, có tiếng ở Pa-ri. Trong trường này, kỷ luật rất gắt gao. Mọi người phải răm rắp tuân theo thời gian biểu như trong trại lính.

Buổi sáng, đúng sáu rưỡi, tiếng chuông réo vang, học trò bật dậy, vội vội vàng vàng gập chăn, sửa đệm thoăn thoắt như một cái máy rồi đi rửa mặt. Xong đó, ai nấy phải quần áo chỉnh tề để tới buổi cầu kinh sáng. Ai lề mề, nằm nướng là có thể bị xách tai, quất roi vào lưng hoặc báo cáo lên nhà trường tùy lỗi nặng nhẹ.

Ở đây có những học trò tuổi mười bảy, mười tám đã chững chạc nhưng cũng có những cậu bé mười một mười hai tuổi nhõng nhẽo còn quen thói làm nũng mẹ. Sau buổi đọc kinh sáng, học trò được nghỉ nửa tiếng để đi ăn lót dạ rồi lên lớp. Còn buổi chiều, có hôm phải lên lớp, có hôm thì ở phòng đọc. Thỉnh thoảng cũng được đi tham quan.

Tối nào học trò cũng phải nghe thuyết giáo hoặc kể chuyện về kinh thánh. Ôi! Không có gì ớn hơn phải nghe những điều nhàm chán này! Xưa nay Ga-loa có tin vào thần thánh đâu! Cả nhà anh đều như vậy. Nhưng dù có chán, Ga-loa cũng phải mở mắt ra ngồi yên, hễ ngủ gật là giám thị gõ thước vào đầu luôn.

Ở đó người ta nêu lên và giải đáp những câu hỏi đại loại “Trên thiên đường có dưa chuột hay không?” ; “Thiên thần uống rượu có bị say không?” ; “A-đam và Ê-va (2) có rốn hay không?” Nghe đến là nhảm nhí!

Trong các buổi lên lớp, người ta cứ nhồi vào óc anh hết giáo lý này đến giáo lý khác. Rồi phải học thuộc lòng những bài kinh thánh dài lê thê, chán ngắt. Còn những môn khác như toán, vật lý chẳng hạn thì đúng là các giáo sư ở đây chỉ làm cho học sinh thêm chán ghét mà thôi. Họ không biết dẫn dắt các vấn đề, không biết đưa những điều kỳ lạ, lý thú đến cho học sinh, không biết chọn những bài tập tiêu biểu! Thật không bù tí nào cho hồi còn ở nhà, ở thị trấn Bua-la-Ren. Hồi đó, mẹ bắt học nhiều nhưng Ê-va-rít vẫn thích thú. Mẹ anh giảng toán bao giờ cũng dễ hiểu. Bà biết nhấn mạnh những chỗ cần thiết, biết làm cho con bà thấy sự liên quan của các vấn đề với nhau. Đặc biệt, bà biết chọn những bài toán bổ ích và lý thú. Chính nhờ mẹ mà niềm say mê toán học của Ga-loa được nhen nhóm lên từ bé. Bà rất yêu văn học cổ Hy Lạp. Bà thường kể cho các con nghe chuyện phiêu lưu của Uy-lít-xơ, chuyện các dũng sĩ thành Tơ-roa, chuyện về các chiến công của dũng sĩ Éc-quyn (5')… Những tấm gương nhân đạo, quả cảm, cao thượng chói ngời của họ để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí thơ ngây của Ê-va-rít.

Đọc xong cuốn Hình học sơ dẫn, Ê-va-rít lại đến thư viện. Anh lục tìm ô phích sách toán. Lật đến tác giả La-grăng-giơ (6'), anh dừng lại. Đây là một nhà toán học thiên tài, một trong những ngôi sao sáng nhất của toán học thế giới. Anh chọn luôn ba quyển: Giải các phương trình số, Lý thuyết giải tích hàmLý thuyết hàm số. Khi nhận phiếu mượn, ông già thủ thư ngạc nhiên nhìn anh từ đầu đến chân. Đây là những quyển sách chuyên môn, ở trường này các giáo sư mới dùng đến. Thằng bé này không hiểu có khùng không?

Ông nghiêm mặt hỏi:
- Anh học lớp mấy?
- Lớp nhì. (3)
- Đây không phải là sách lớp nhì.

Ê-va-rít im lặng. Anh bối rối. Bổng ông già tiếp:
- Thôi được. Tôi sẽ cho anh mượn nhưng chỉ được giữ sách trong ba tuần thôi đấy.
- Vâng ạ! – Ê-va-rít sung sướng như mở cờ trong bụng.

Anh ôm sách chạy ù về nhà, đọc ngay. Đầu tiên là quyển Giải các phương trình số. Đây là vấn đề trung tâm của môn đại số, một vấn đề vô cùng lý thú. Tuy nhiên anh đọc quyển này không dễ dàng như đã đọc cuốn Hình học sơ dẫn. Trong hình học anh dễ nhận thấy cấu trúc chung, cả vẻ đẹp lẫn sắc thái của nó… Còn trong đại số, thật khó nhìn thấy những vấn đề mà hầu hết là chưa kết thúc! Anh buộc phải ngẫm nghĩ nhiều hơn và cố gắng tìm nguyên nhân.

Phương trình bậc nhất thì thật quá dễ. Các bài toán trẻ em bảy tuổi vẫn làm, đều có thể quy về phương trình bậc nhất. Giải phương trình bậc hai đối với Ê-va-rít cũng dễ như ăn một cái bánh ngọt. Phương trình bậc ba đã khá rắc rối, nhưng người ta đã giải được từ thời Phục hưng. Còn phương trình bậc bốn thì Phê-ri (7'), nhà toán học người Ý cũng giải được trong thế kỷ XVI. Sau khi giải được phương trình bậc bốn, các nhà toán học lại lao vào giải phương trình bậc năm. Đã hai thế kỷ rưỡi nay vẫn chưa ai làm được việc đó mặc dù trong thời gian ấy toán học đã tiến những bước rất dài và số các nhà toán học tài năng cũng nhiều chưa từng có.

Kể từ đó vấn đề phương trình đại số đã ám ảnh Ê-va-rít, làm cho anh mất ăn, mất ngủ… Nó thôi thúc anh không ngừng tìm tòi, khám phá.

Năm học kết thúc, trong cuộc thi toán của trường anh được giải nhì! Giáo sư Pê-rô rất phấn khởi. Ông bảo:
- Nếu Ga-loa chịu khó viết cẩn thận hơn, trình bày rõ ràng hơn, anh có thể được giải nhất.

Giáo sư dạy tiếng Hy Lạp và giáo sư văn học cũng hài lòng về anh.

Thời gian trôi đi, chẳng mấy chốc năm học cuối cùng ở trường trung học đã đến. Ga-loa càng say mê gấp bội môn toán, đến nỗi có một thầy giáo đã phải kêu lên: “Con ma toán đã ám ảnh anh học sinh này”.

Ga-loa bắt đầu nếm mùi sung sướng và đau khổ của lao động sáng tạo. Suốt ngày anh chỉ loay hoay tính toán. Các phép tính cứ bám riết lấy anh dai dẳng, ngay cả khi anh đã rời bàn học. Có những lúc đầu óc anh rất căng thẳng và mệt mỏi. Đêm đến, anh thường ngủ chập chờn. Các con toán cứ nhảy múa, lúc nào cũng sẵn sàng lôi anh ra khỏi giường. Nhiều khi anh mừng đến muốn nhảy cẫng lên vì đã phát hiện ra một ý hay dẫn thẳng đến kết quả! Tỉnh ra mới biết đó là mơ. Cũng có khi giấc mơ gợi cho anh một ý nghĩ hay thật! Những khi tỉnh dậy giữa đêm khuya, anh thấy mình minh mẫn lạ thường. Các phép tính đang bao vây anh, chờ anh trả lời. Ước gì có thể bật dậy chong đèn viết chúng ra, để đến mai sợ quên mất. Tiếc thay ở đây người ta không cho làm việc đó.

Ga-loa miệt mài tìm cách giải phương trình bậc năm. Trên đường đi tới đích ấy, anh đã phát hiện ra nhiều điều mới lạ, làm giàu dần vốn kiến thức toán của mình.

Một hôm, Ga-loa bỗng chứng minh được công thức tổng quát để tính nghiệm phương trình bậc năm! Anh sướng điên người. Anh đã giải quyết được một vấn đề vô cùng lớn lao trong toán học. Anh nghiệm đi xét lại nhiều lần rồi bình tĩnh nghiền ngẫm các bước suy luận. Thế rồi trong một giây lát minh mẫn, một tia sáng vụt lóe trong óc anh, anh nhận ra sai lầm trong chuỗi móc xích lý luận ấy. Xôi hỏng bỏng không, công lao mất ăn mất ngủ hơn nửa năm trời lại ra công cốc.

Dù Ga-loa không nản chí, nhưng công việc ngày càng rối ren. Anh cảm thấy mình đang chui vào con đường không có lối thoát. Phải chăng phương trình bậc năm không thể giải được? Trước khi giải phương trình bậc năm đúng ra phải xét xem nó có giải được không đã chứ! Cũng như muốn tìm cái kim trong đống rơm, trước hết phải xét xem nó có rơi vào đó không!

Và Ga-loa chuyển hướng. Anh bắt tay vào khảo sát tính chất giải được của phương trình đại số.

*
* *​

Tháng Bảy năm 1823, Ê-va-rít tốt nghiệp trung học và về nghỉ hè ở nhà. Anh mang theo một hoài bão lớn, một lòng háo hức và tự tin thực hiện hoài bão lớn đó.

Một buổi tối, anh ngồi tâm sự với cha về những công việc đang làm. Về ước mơ lớn của anh. Về việc anh quyết định chọn toán làm nghề nghiệp. Cha anh không giấu được nỗi vui mừng. Gương mặt ông rạng rỡ. Ông đặt tay lên vai con:

- Ba rất sung sướng và tự hào về con! Ba hy vọng là con sẽ làm nên sự nghiệp, sẽ làm rạng danh cho ba, cho mẹ con. – Nói đến đây, gương mặt ông trở nên nghiêm nghị - Ba mong đời con sẽ thuận buồm xuôi gió hơn ba… - Rồi như không muốn để cậu con trai mất hào hứng, ông vui vẻ trở lại. – Ba vui lòng để con đi theo con đường đã chọn vì ba hiểu rõ tầm quan trọng và triển vọng lớn lao của ngành khoa học này! Trước đây, hồi bằng tuổi con, chính ba cũng đã ước mơ trở thành nhà toán học. Nhưng rồi ông con đã bắt ba đi học luật. Ông bảo làm nghề toán ngoài đồng lương giáo sư rẻ mạt ra chẳng còn nguồn lợi nào khác mà lại tự làm khổ mình suốt đời. Làm khoa học muốn có vinh quang là phải nếm đủ mùi cay đắng đấy con ạ. Và con cũng nên nhớ rằng, trong số những người làm khoa học có tài năng, không phải số đông được vinh quang đâu! Liệu con có đủ ý chí để chịu đựng gian khổ suốt cả đời mình được không?

- Khổ mấy con cũng chịu được ba à! Con đã quyết. Toán học đối với con là niềm vui. Con làm việc cả ngày mà chẳng thấy mệt gì cả, nhiều khi hăng lên con chả thiết ăn uống gì nữa. – Anh hạ giọng. – Ba ơi, năm nay con định thi vào Trường Bách khoa (8'), ba thấy thế nào?

Được vào học Trường Bách khoa, trung tâm khoa học lớn nhất của nước Pháp là mong ước áp ủ bấy nay của Ê-va-rít. Ở đó tập trung những nhà khoa học lớn nhất nước Pháp và có một thư viện khoa học rất lớn. Ôi, còn gì vinh hạnh hơn được làm sinh viên Trường Bách khoa! Ê-va-rít hồi hộp chờ đợi ý kiến của người cha. Nhưng sao ông im lặng lâu thế?...

Người cha trầm ngâm một lúc lâu rồi nói:
- Tất nhiên là ba cũng muốn như thế. Nhưng…

Khi nghe đến tiếng “nhưng”, Ga-loa giật mình. “Nhưng” gì đây? Một lý do nào đó đã làm ba không vừa ý hay sao? Sao ba bỗng nhiên dừng lại?...
- Nhưng sao ạ? - Anh ấp úng hỏi.

Người cha chậm rãi tiếp:
- … Nhưng ba thấy con chưa nên đi thi năm nay.
- Sao vậy? … Sao lại chưa nên ạ?
- Con à, tất cả các học sinh tốt nghiệp trung học, muốn thi vào Trường Bách khoa đều phải qua một lớp bồi dưỡng đặc biệt hoặc một lớp dự bị trong một nam. Ba thấy con cũng không nên quá tự tin vào sức học của mình.

Ê-va-rít đỏ mặt vì tự ái, anh nói lạc cả giọng:
- Chả lẽ ba không tin là con sẽ đậu ngay năm nay ư?

Người cha trầm tĩnh nói:
- Trong lần gặp ba gần đây, thầy giáo rất khen con. Song thầy bảo con ít quan tâm đến các kiến thức trong sách giáo khoa mà giám khảo thường hỏi khi thi.

Ê-va-rít im lặng cúi đầu. Anh chưa cảm thấy lời cha nói là một sự thật.

------------------------------------------
Chú thích:
(1) Sách giáo khoa hình học trường phổ thông ở Pháp hồi đó chỉ là những quy tắc đo đạc, tính độ dài và diện tích các hình mà thôi.
(2) Theo kinh thánh, A-đam và Ê-va là hai người đàn ông và đàn bà đầu tiên do Trời nặn, là tổ tiên của loài người.
(3) Lớp nhì tương đương với lớp 8 của ta bây giờ.


Những chú thích có ' là chú thích của tui (dammage)
(1') Lu-i lơ Grăng : Louis-le-Grand
(2') A-léc-đăng Ma-xê-đoan : Alexander of Macedonia
(3') Lơ-giăng-đơ-rơ, hình học sơ dẫn : Éléments de géométrie của Adrien-Marie Legendre
(4') Ơ-clít : Euclid, nhà toán học Hy Lạp, còn được gọi là Euclid của Alexandria để phân biệt với Euclides của Megara
(5') Uy-lít-xơ (Ulysses), Tơ-roa (Troy), Éc-quyn (Hercules)
(6') La-grăng-giơ : Legendre
(7') Phê-ri : Lodovico Ferrari
(8') Trường Bách khoa : École Polytechnique
 
Sửa lần cuối:

dammage

Rìu Chiến
HAI

GIÁO SƯ RI-SA (1')

Trước cửa phòng tuyển sinh Trường Bách khoa, một tốp học sinh khoảng hai chục người, kẻ ngồi người đứng, cúi gầm mặt vào quyển sách như cố nuốt lấy từng định lý, từng công thức.

Một học sinh dong dỏng cao cất tiếng ồm ồm hỏi:
- Ai đang thi trong đó các cậu?

Một người đáp:
- Ga-loa đấy!

- A! Ga-loa! “Vua toán”! - Cậu ta kêu lên, vẻ thích chí. – Chắc lại đang bắt bẻ giám khảo đây!
- Hắn mà đưa thắc mắc ra thì thầy giáo nào cũng phải bó tay. – Anh khác tiếp.

Một anh chàng mặt dài, lưng gù đứng dựa lưng vào tường nhún vai nói:
- Làm gì mà các cậu tôn anh chàng lên đến thế. Tớ chả phục. Cậu ta phải mài mòn đũng quần mới biết nhiều về toán hơn người khác chứ có thông minh gì cho cam. Những môn khác Ga-loa còn quá xoàng.

Lại một học sinh nữa đến. Biết Ga-loa đang thi, anh này phấn khởi hẳn lên:
- A! Có phải cái anh chàng gầy gầy đến vũ hội chỉ xỏ tất có một chân không nhỉ?
- Đúng thế, cậu ta vẫn hay để quên cặp sách ở nhà ăn.
- Lại hay quên rửa mặt buổi sáng nữa! – Một cậu nữa tiếp.

Cậu học sinh cao cao lườm anh này:
- Cậu thì chỉ nói người mà không biết thân! Cậu còn tệ hơn ấy, cậu ngủ… toàn hỉ mũi vào chăn thôi.

Mọi người cười vang. Một học sinh có vẻ già dặn hơn cả, nhăn nhó bảo:
- Thôi, van các ngài! Các ngài lo mà học đi, không lại trượt cả đấy!

Đám học sinh thôi nô đùa lại bắt đầu cắm mặt vào sách. Họ vừa đọc vừa hồi hộp chờ đợi. Không phải họ đợi kết quả trượt hay đậu của Ga-loa, vì không ai nghi ngờ khả năng của anh. Họ chỉ chờ xem anh bị hỏi những câu gì. Ở đây, hễ người nào ra khỏi phòng thi đều bị đám “nhà báo” này vây lấy rối rít “phỏng vấn”. Các câu hỏi của họ chỉ thế này:
- Câu hỏi thứ nhất?
- Câu hỏi thứ hai?
- Câu hỏi thứ ba?
- Các câu hỏi phụ?

Cuối cùng, “Vua toán” mở cửa bước ra. Đám “nhà báo” vây ngay lấy:
- Thế nào?
- Trượt…! - Ga-loa kéo dài tiếng trượt, nhún vai trông rất thiểu não.
- Thôi đừng vờ nữa!
- Tớ không vờ. Tớ nói thật! Thôi, để tớ chuồn.
- Gượm! Hẵng để chúng tớ phỏng vấn đã. Nào kể đi. Đề thi của cậu gồm những câu gì?
- Thể tích hình chóp cụt; công thức tổng các hàm số lượng giác; tính chất cấp số nhân và… và…à… định lý Vi-ét (2') nữa!

Một học sinh trợn tròn mắt hỏi:
- Thế mà cậu không làm được?
- Tớ chẳng biết định lý Vi-ét nào cả. Nhưng có phải chỉ hỏi định lý Vi-ét đâu?
- Ừ! Thì tớ biết một vài cái. Nhưng nói chung là tớ không biết, không nhớ và không hiểu ý của ông giám khảo. Thôi, tớ về đây.

Thực tế giám khảo chỉ hỏi những câu có trong sách giáo khoa hồi đó. Những kiến thức này đối với Ga-loa quá dễ, quá hiển nhiên đến mức anh cho là lúc nào cũng có thể tự suy ra, việc gì phải nêu thành định lý này, tính chất nọ. Thí dụ nhìn một phương trình bậc hai thì anh thấy ngay lời giải và dĩ nhiên là thấy ngay tính chất của các nghiệm số. Mà định lý Vi-ét chính là nói về tính chất của các nghiệm số của phương trình bậc hai thì việc gì anh phải để ý. Giá giám khảo hỏi tính chất các phương trình bậc hai thì anh đã trả lời ngay! Và chắc chắn là hơn cả trong sách giáo khoa.

Ê-va-rít đẩy các bạn ra rồi bỏ đi. Mọi người nhìn theo chưa hết kinh ngạc. Thế là vỡ mộng! Lâu này Ga-loa cứ tin là thế nào cũng được vào Trường Bách khoa! Buồn ơi là buồn!

Thôi, đã vậy thì cũng đành chịu. Cố ở lại Lu-i lơ Grăng một năm nữa. Năm sau thi lại.

*
* *
Hôm nay là buổi học đầu tiên của lớp dự bị do giáo sư Ri-sa phụ trách. Chuông đã réo. Hơn ba mươi học sinh đã ngồi vào chỗ. Giáo sư Ri-sa bước vào lớp. Ông hãy còn trẻ, chỉ khoảng ba mươi lăm nhưng đầu đã hói. Ông có khuôn mặt trái xoan hơi đầy đặn, hàng râu quai nón mềm mại và cặp mắt to màu xanh lanh lợi, cử chỉ nhanh nhẹn và nụ cười rất dễ ưa. Sau khi ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống, ông bắt đầu:

- Tên tôi là Sác-lơ Ri-sa. Tôi đã dạy ở lớp dự bị này đã bảy năm. Những học sinh của tôi đã tốt nghiệp Trường Bách khoa, Trường Tổng hợp. Một số người nay đã chuyên nghiên cứu toán học và thiên văn học. Ở đây chúng ta sẽ cùng nhau hệ thống hóa chương trình trung học, nhấn mạnh và đi sâu vào một số khía cạnh quan trọng, đồng thời mở rộng một số vấn đề cần thiết làm cho các anh có cái nhìn bao quát hơn đối với toán học. Các anh nên nhớ rằng, trong toán, điều đáng sợ nhất là “nhìn cây mà không thấy rừng”, nhìn những định lý riêng biệt mà không thấy mối quan hệ chặt chẽ sinh động giữa chúng…

Ga-loa giỏng tai lên nghe. Ngay từ đầu anh đã có cảm tình với ông thầy này.

- Toán học nghiên cứu những quan hệ về số lượng và hình dạng không gian của thế giới hiện thực. Không chút cường điệu ta có thể nói rằng, toán học là chúa tể của mọi khoa học. Không có nó thì không thể nào có các phát minh trong vật lý, hóa học, thiên văn học… Nhờ có toán học, Niu-tơn đã tìm ra những định luật kỳ diệu, giúp cho con người vén bức màn bí ẩn của thiên nhiên để hiểu và chinh phục nó, La-voa-di-e (3') đã phát minh ra định luật bảo toàn vật chất vĩ đại, Cô-péc-níc (4') đã xây dựng nên học thuyết cho rằng trái đất và các hành tinh khác quay quanh mặt trời và thậm chí, chỉ bằng tính toán người ta đã tìm ra một hành tinh của hệ Mặt trời…

Giáo sư Ri-sa giới thiệu sơ lượt quá trình phát triển toán học. Ông nêu lên hoàn cảnh phát sinh của một số tư tưởng lớn đã mở ra bước ngoặt trong lịch sử khoa học, cuộc đấu tranh gian khổ để cho những tư tưởng đó được thừa nhận. Ông nói về sự phát triển mạnh mẽ của toán học trong hai thế kỷ qua và khẳng định rằng toán học là một cơ thể sống, nó phát triển không ngừng và không bao giờ già.

Giáo sư Ri-sa nhấn mạnh vai trò của phương pháp nghiên cứu đối với toán học và cho biết ông sẽ giới thiệu những phương pháp nghiên cứu cơ bản thường dùng trong toán học. Giáo sư đã thực sự chinh phục được cảm tình của Ga-loa bằng nghệ thuật trình bày hấp dẫn, sinh động, bằng sự uyên bác của ông.

Cuối giờ, giáo sư đọc cho cả lớp hai mươi bài tập về nhà. Đó là những bài tập hay, có chọn lọc và đương nhiên, không dễ. Trong lúc chép, Ga-loa đã hình dung cách giải các bài toán đó.

Đọc xong, giáo sư Ri-sa gợi ý cho học sinh cách làm một số bài khó và dặn dò những việc mà họ phải chuẩn bị ở nhà. Tranh thủ lúc này Ga-loa giở trang giữa quyển vở, xé tờ giấy, hí hoáy ghi vắn tắt lời giải của cả hai mươi bài toán. Mỗi bài anh chỉ viết hết vài dòng.

Lúc giáo sư Ri-sa vừa ra khỏi lớp dăm bước, Ga-loa đã đuổi kịp, đưa mấy tờ giấy cho ông. Anh nói trong hơi thở:
- Thưa thầy… lời giải của em đây…

*
* *
Khác với các thầy giáo trước đây của Ga-loa, giáo sư Ri-sa là người có quan điểm cho rằng dạy toán trước hết phải biết nhen nhóm tình yêu đối với toán cho học sinh. Các bài tập thầy chọn thường có sức hấp dẫn đặc biệt, kích thích trí tò mò, lòng ham muốn khám phá, muốn chinh phục của học sinh.

Biết rất rộng về lịch sử toán học nên khi trình bày một vấn đề toán học nào đó, thầy thường dẫn dắt có ngọn nguồn để học viên thấy được sự phát triển của vấn đề qua các thời đại.

Mặt khác thầy lại nắm rất sát tình hình khoa học hiện thời. Thầy theo dõi hầu hết các tạp chí khoa học lớn thời đó.

Khi gặp những bài toán khó mà học sinh không giải được, ít khi thầy cung cấp một đáp án trọn vẹn. Trái lại thầy thường gợi mở dần cho đến khi học sinh tự giải được.

Thầy chú trọng rèn luyện tư duy hơn là truyền thụ kiến thức. Đối với thầy, người ta hơn nhau ở năng lực phân tích, óc phê phán, trí xét đoán chứ không phải thuộc nhiều kiến thức.

Thầy thích hài hước. Lớp học thỉnh thoảng lại cười rộ lên thư giãn sau những phút căng thẳng. Nhờ đó mà ít người làm việc riêng hoặc đãng trí trong giờ học.

Thông thường ta ít gặp những thầy giáo được lòng tất cả các loại học sinh. Thầy Ri-sa hầu như cũng chỉ hợp với những học sinh thực sự giỏi toán và yêu thích toán. Còn Ga-loa lại thuộc loại học sinh ít được các thầy giáo ưa. Có lẽ đó là điều làm cho hai người quyến luyến nhau hơn so với quan hệ thầy trò bình thường.

Sau mỗi buổi học hai thầy trò thường trao đổi với nhau về những vấn đề toán học, đôi khi là những nhận xét nẩy sinh khi đọc các sách toán hồi đó.

Hôm nay, thầy Ri-sa mời Ga-loa đến nhà riêng của thầy chơi.

Đây rồi! Phòng ở của giáo sư Ri-sa. Ga-loa đánh bạo gõ ba tiếng. Giáo sư cầm tờ báo, ra mở cửa.

- Ô, Ga-loa! Xin chào! Thầy cứ tưởng em không đến. Chờ mãi! - Ông mời Ga-loa ngồi rồi ngồi xuống cạnh anh. – Nào, bây giờ em hãy kể cho thầy nghe em đang nghiên cứu những gì?

39.jpg


- Thưa thầy, em đang nghiên cứu phương trình đại số. Em đang tìm điều kiện cần và đủ để giải phương trình bậc cao hơn bốn ở dạng tổng quát. Hiện nay em đã biết rất nhiều phương trình không giải được. Em đang suy nghĩ và làm việc rất nhiều…

- Đó là một việc vô cùng trọng đại! Em biết không, em đang làm việc ở lĩnh vực cao nhất của đại số đấy. Các nhà bác học hàng đầu của thời đại đang bó tay trước vấn đề đó. Em có dám tin là em làm nổi việc đó không?

- Thưa thầy, em tin chắc ạ. Em sẽ làm việc cả ngày lẫn đêm. Hiện nay trong óc em đã có một số kết quả, ít nữa em sẽ viết ra. Em sẽ làm hết sức mình. Em thấy phương pháp của em hay và rất có hiệu quả. Em đã nêu và chứng minh nhiều định lý mà em cho là rất quan trọng.

Nói đến đây, Ga-loa bỗng dừng lại. Anh trở nên bối rối, má anh hơi ửng đỏ. Anh cảm thấy mình nói chưa được khéo, có thể làm thầy giáo cho là thiếu khiêm tốn chăng. Song, cái nhìn trìu mến và hiền từ của giáo sư Ri-sa đã làm anh yên tâm. Giáo sư Ri-sa kể với Ga-loa rằng, ông có đọc một tạp chí toán nước ngoài, viết về nhà toán học người Na Uy tên là Nin-xo Hen-ric A-ben (5'). Chàng trai hai mươi bảy tuổi này cũng nghiên cứu lĩnh vực này và đã chứng minh được rằng phương trình đại số bậc cao hơn bốn nói chung là không giải được:

- Ôi, A-ben làm cùng một công việc như của em! Giá mà biết sớm hơn thì em đã đỡ tốn bao nhiêu công! Em mất hẳn nửa năm khổ sở về chuyện này đấy thầy ạ. Nhưng bây giờ thì em cũng đã đi xa hơn rồi.

- Nói chung là như thế em ạ! Thông thường kiến thức càng cao thì giá trị phát minh càng lớn. Trong khoa học người ta gọi đó là tính thừa kế. Chính Niu-tơn đã nói rằng ông đạt được những kết quả lớn lao như vậy là nhờ biết đứng trên vai người khổng lồ. Song trong trường hợp của em thì hơi khác. Tuy em có mắt một số thời gian tìm cách giải phương trình bậc năm nhưng qua đó em đã tích lũy cho mình được rất nhiều kiến thức quý giá về phương trình đại số, điều đó không thể thiếu được vì em đang tiếp tục nghiên cứu lĩnh vực này. Mặt khác, em đã rút ra được cho mình nhiều kinh nghiệm trong phương pháp và thói quen nghiên cứu khoa học.

- Thưa thầy tại sao em không thấy báo chí Pháp đưa tin này ạ? - Ga-loa chợt hỏi.

- À, thầy nghe nói công trình của A-ben đầu tiên được gửi cho Viện hàn lâm Pháp, được chuyển cho viện sĩ Cô-si (6') nhưng không có trả lời.

- Chắc là bộ nội vụ kiểm duyệt, tưởng là tài liệu mật nên giấu nhẹm đi. – Ga-loa dí dỏm nhận xét.

Giáo sư Ri-sa hơi nhếch mép nhưng ông lấy lại vẻ mặt nghiêm nghị ngay. Ga-loa cũng hiểu là anh đùa không đúng chỗ.

- Tội nghiệp, ở cái xứ khỉ ho cò gáy ấy không ai hiểu được A-ben nên chẳng được ai giúp đỡ. Ông đã phải sống trong hoàn cảnh túng quẫn, ốm đau không thuốc thang. Khi trường đại học tổng hợp Béc-linh (Berlin) hiểu và đánh giá được công trình của ông, họ liền mời ông về lãnh đạo khoa toán. Tiếc thay, khi thư về tới nơi thì ông không còn nữa, ông chết vì bệnh lao.

Ga-loa lặng đi, nuốt nước mắt thương thầm cho một tài năng bạc mệnh.

Hai thầy trò còn tâm sự nhiều về sở thích, về quan niệm sống, về những dự định trong tương lai… Khi Ga-loa ra về, thầy Ri-sa cho anh mượn một số sách và tạp chí toán. Ga-loa mừng lắm. Ôm tập sách chạy đâm bổ về Ký túc xá, Ga-loa muốn hét to lên. Thế là từ nay có thêm một người tin anh đó là thầy Ri-sa.

*
* *​

Chiếc xe ngựa đậu lại trước tòa nhà năm tầng đồ sộ, ở bên cạnh cửa có đóng một tấm bảng bằng đá cẩm thạch màu đen nổi bật lên dòng chữ vàng: Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Ê-va-rít xuống xe, nhanh nhẹn bước theo những bậc tam cấp dẫn lên bậc thềm lát đá hoa cương. Anh dừng lại, rút trong cặp ra một phong bì lớn, xem lại lần cuối cùng những dòng chữ viết trên phong bì:

Kính gởi Ban toán
Viện Hàn lâm Khoa học Pháp


Công trình dự thi giành giải thưởng về toán học cho năm 1829.
Đề tài: Khảo sát những phương trình đại số bậc cao giải được bằng căn thức.


Người gởi: Ê-va-rít Ga-loa
Học sinh Lu-i lơ Grăng”


Anh sửa lại cổ áo cho ngay ngắn, vuốt lại mái tóc rồi mạnh dạn mở cửa bước vào. Anh hỏi người thường trực:
- Thưa ông, tôi muốn gởi tập giấy này cho Viện Hàn lâm. Xin ông cho biết tôi phải chuyển cho ai và ở phòng nào?
- Anh hãy lên tầng hai, rẽ sang bên trái, phòng thứ hai.

Ga-loa lên gác. Có lẽ đây? Anh mở cửa bước vào. Một người đàn ông trạc năm mươi có bộ ria mép tỉa cẩn thận, ăn mặc chững chạc ngồi ở bàn ngoài cùng. Ê-va-rít chưa kịp nói gì, ông đã hỏi:
- Anh cần gì?
- Thưa ông, tôi muốn chuyển một bản thảo cho Viện Hàn lâm. – Anh xúc động nói.

Anh run run đưa phong thư dày cộp ra. Người đàn ông cầm lấy xem lướt qua rồi giở sổ ra ghi. Sau đó ông ta hý hoáy viết vào tờ giấy biên nhận, chẳng nói chẳng rằng, đưa cho Ga-loa. Anh cầm lấy, khẽ gật đầu chào. Người đàn ông lịch sự đáp lại.

Ra khỏi Viện Hàn lâm, Ê-va-rít thấy nhẹ nhõm. Không khí thật là mát mẻ. Anh hít một hơi thật dài, căng cả lồng ngực, sung sướng rảo bước dọc đại lộ Đờ Lê-côn.

Những tia nắng đầu xuân yếu ớt chiếu trên con đường ẩm ướt vì tuyết tan soi bóng những hàng cây trụi lá đã bắt đầu nhú nụ. Những giọt nước tí tách rơi từ mái nhà, trong xanh như thạch nhũ, long lanh dưới ánh mặt trời.

Ê-va-rít vui vẻ nhớ lại những gì anh đã viết trong bản thảo. Đó là kết quả tìm tòi gian khổ của anh trong suốt nửa năm về tính chất giải được của phương trình đại số. Anh biết rằng công trình này sẽ mở ra một con đường rộng cho những phát mình vô cùng quan trọng. Công trình này sẽ đến tay viện sĩ Cô-si, tác giả của bảy trăm tám mươi công trình nghiên cứu lớn nhỏ. Viện sĩ Cô-si, nhà bác học nổi tiếng thế giới sẽ thân chinh lên Lu-i lơ Grăng, sẽ nhờ ông hiệu trưởng đi tìm họ (7') trò Ga-loa… Rồi anh sẽ nghiễm nhiên trở thành sinh viên Trường Bách khoa, không phải thi. Anh sẽ có đủ điều kiện để học tập và nghiên cứu sáng tạo. Anh sẽ có những phát minh mới. Nước Pháp sẽ biết đến anh, thế giới sẽ biết đến anh…

Ê-va-rít sung sướng mường tượng ra viễn cảnh tươi đẹp đó. Anh đi về phía chợ. Anh định ghé vào mua mấy cái bánh ngọt để anh tối. Khẩu phần ở Lu-i lơ Grăng dạo này anh ăn không đủ no. Ở cái tuổi mười sáu mười bảy này lúc nào người ta cũng thấy đói, nhất là về mùa đông. Với lại Ê-va-rít cảm thấy khi làm toán nhiều, anh ăn còn khỏe hơn cả khi chơi thể thao mệt nhọc! Suốt năm học này anh làm việc nhiều đến nỗi học sinh trong lớp và ngay cả giáo sư Ri-sa cũng phải kinh ngạc. Cứ ra khỏi lớp là anh lại lên phòng đọc, ngồi cho đến tận khi đóng cửa. Ra nhà ăn anh cũng cầm quyển sách. Miệng cứ nhai, mắt mũi cứ dí vào sách. Đi đường anh cũn không rời quyển sách. Lắm khi đâm sầm vào người qua đường hoặc vấp vào cột đèn sưng cả đầu.

Vừa ra khỏi chợ, anh gặp một người đàn ông chống nạng, thân hình tiều tụy, hốc hác, râu mọc tua tủa. Tay ông giữ chiếc mũ phớt nhàu nát, cáu bẩn. Ông cất giọng khản đặc van xin:
- Xin quý ông, quý bà rộng lòng thương kẻ tàn tật.

Những người qua đường thờ ơ như không nhìn thấy con người khốn khổ này. Họa hoằn lắm mới có người ném vào chiếc mũ phớt của ông một đồng xu. Hỏi ra Ê-va-rít được biết đó là người lính đi chiến đấu cho nền Cộng hòa năm 1789. Anh lấy trong túi áo ra một tờ giấy bạc mười phơ-răng bỏ vào chiếc mũ. Ông ta cảm động nói líu cả lưỡi:
- Cám ơn, xin cám ơn… ! Chúa sẽ phù hộ cho cậu.

Những người ăn xin khác xúm lại. Ê-va-rít đưa nốt món tiền lẻ ra phân phát hết. Cuối cùng, không còn gì để cho, anh chia luôn số táo và bánh ngọt vừa mua, chỉ giữ lại hai chiếc bánh nhỏ cho bữa tối. Sực nhớ ra không còn tiền để đi xe ngựa về nhà, anh đành đi bộ. Ê-va-rít nhớ lại hồi còn nhỏ, anh thường trữ các đồng xu để đến dịp Nô-en là đi nhà thờ phân phát cho những người nghèo đứng chờ ở cửa. Bây giờ anh cũng làm điều đó, không cần đến dịp Nô-en, không cần Chúa biết việc anh đang làm. Chỉ cần những người thất cơ lỡ vẫn kia có được một chút ấm lòng là anh sung sướng lắm rồi.


------------------------------------------
Những chú thích của tui (dammage)
(1') Ri-sa : thầy của Galois ở Lu-i lơ Grăng là Louis-Paul-Emile Richard, không phải Sác lơ
(2') Định lý Vi-ét : Viète theorem
(3') La-voa-di-e : Antoine-Laurent de Lavoisier
(4') Cô-péc-níc : Mikołaj Kopernik (hoặc Nicolaus Copernicus)
(5') Nin-xo Hen-ric A-ben : Niels Henrik Abel
(6') Cô-si : Augustin-Louis Cauchy
(7') Sai từ trong sách
 
Sửa lần cuối:

dammage

Rìu Chiến
BA

MỐI THÙ GHI MÃI

Một buổi sáng. Cả lớp học đang chăm chú nghe giáo sư Ri-sa giảng bài. Thình lình có tiếng gõ cửa. Viên giám thị gầy gò có cái mũi khoằm hiện ra. Ông ta nói:
- Xin phép giáo sư cho học sinh Ga-loa lên phòng hiệu trưởng ngay.

Ga-loa bàng hoàng không biết chuyện gì. Khi bước vào phòng ông hiệu trưởng, anh thấy một người đàn ông lạ mặt , mớ tóc không được chải cẩn thận, quần áo xộc xệch và đầy bụi đường. Anh biết ngay người này ở xa đến.

- Đây! Học sinh Ga-loa. – ông hiệu trưởng nói.

Ga-loa và người khách lại chào nhau. Người này tự giới thiệu:
- Tôi từ Bua-la Ren lên đây để báo cho cậu một tin buồn. Ông nhà đang lâm bệnh nặng. Cậu phải về gấp.

Ê-va-rít đứng lặng ngắt. Anh không còn tin vào tai mình nữa. Một phút sau anh mới sực tỉnh.

- Ba tôi bị bệnh từ bao giờ? Có sao không? Bệnh gì? Ba tôi bị bệnh gì? - Ê-va-rít cuống quít hỏi.
- Tôi chỉ biết thế. Về nhà cậu sẽ rõ.

Ê-va-rít xin phép thầy hiệu trưởng rồi cùng người khách lạ vội vã lên đường ngay.

Một giờ sau chiếc xe ngựa đã chở hai người về tới ngôi nhà hai tầng quen thuộc. Ê-va-rít xuống xe. Bà con họ hàng và những bạn bè thân cận của gia đình đến chật nhà. Nét mặt rầu rĩ của mọi người báo cho anh một điềm dữ. Anh chỉ kịp chào một vài người rồi vội vã rẽ đám đông đi thẳng vào giữa nhà. Bố anh đã nằm trong chiếc quan tài để hở nắp, kê ở giữa gian chính. Mắt ông nhắm nghiền, những nếp nhăn trên khuôn mặt xanh ngắt của ông như hằn dấu vết những trăn trở khác thường trước cuộc đời nhiều thất bại của ông. Mẹ anh đang khóc thảm thiết bên cạnh. Phía bên kia là chị Lô-ra và em An-phơ-rê (1').

Ê-va-rít không cầm được nước mắt. Anh nghiến chặt hàm răng để khỏi bật lên tiếng nấc. Anh đến bên mẹ, đặt tay lên vai bà, muốn an ủi nhưng không thể nói được lời nào. Rồi anh sụp xuống, ôm lấy thi hài người cha. Giọng anh khản lại, nấc nghẹn:
- Ba ơi ba! Ba đừng đi! Ba đừng bỏ chúng con!... Trời ơi… Kẻ nào đã hại ba… Con quyết trả thù…

Trước khi quyên sinh, người cha có để lại một chúc thư mà nội dung chính là nguyên nhân cái chết của ông.

Ông Ni-cô-la Ga-bri-en Ga-loa được nhân dân thị trấn Bua-la Ren tín nhiệm bầu làm thị trưởng suốt mười bảy năm qua, từ thời Na-pô-lê-ông rồi Buốc-bông trung hưng với vua Lu-i XVIII và sau đó là Sác-lơ X (2')… Ông thuộc phái Tự do, căm ghét Giê-duýt (3') và bọn Buốc-bông. Đó là lý do chính quyền thù ông, tìm mọi cách để phế truất và hãm hại nhưng đều bị thất bại vì ở thị trấn này uy tín của ông quá lớn. Hai năm nay triều đình cử về đây một tên cha cố vô cùng nham hiểm. Tên này tổ chức một chiến dịch toàn diện chống lại ông. Y không từ một thủ đoạn nào: vu cáo, thư nặc danh, cài bẫy, dùng cò mồi… và cuối cùng ông thị trưởng đã sa bẫy. Ông đã rơi vào tình huống mà chỉ có cái chết mới minh oan được cho ông, mới làm những người hiểu lầm tỉnh ngộ. Trước những thế lực đen tối thời bấy giờ, chỉ có cái chết mới giữ tròn được danh dự bản thân ông cũng như gia đình.

52.jpg


Trong thư, ông khuyên Ê-va-rít, con trai yêu quý nhất và là niềm hy vọng của ông, hãy kìm nén đau khổ để vươn lên: ông tha thiết nói rằng, chính Ê-va-rít là tương lai của ông…

*
* *
Ngồi trong phòng đọc của nhà trường, quyển sách để trước mặt mà tâm trí của Ga-loa vẫn còn vương vấn cái chết đau đớn của người cha. Những dòng chữ nhảy múa trước mặt anh, tuồng như chúng đang bơi lội trong nước mắt của anh.

Người cha không còn nữa! Sự thật khủng khiếp đó đã đến với anh! Nó đã đến quá sớm, khi anh còn quá trẻ, khi anh chưa có một chuẩn bị nào…

Mấy hôm nay, hễ chợp mắt là anh mơ gặp lại người cha. Bừng tỉnh, anh tiếc ngẩn ngơ. Anh ngồi đối diện với đêm tối, lòng trở nên trống trải, hẫng hụt.

Ôi! Mới ngày nào đây ba anh dẫn anh tới buổi học đầu tiên ở trường tiểu học Bua-la Ren… Mới ngày nào đây ba anh hãnh diện khi nghe các thầy giáo kể về thành tích học tập của anh… Mới ngày nào đây anh và mẹ anh cười đến chảy cả nước mắt khi nghe ba anh kể những câu chuyện khôi hài… Mới ngày nào đây anh còn nhận được những bức thư đầy tình thương yêu với những lời động viên. Đó là nguồn tiếp sức to lớn đối với anh…

Tất cả những hình ảnh đẹp đẽ đó đã vĩnh viễn xa lìa anh. Giờ đây, những điều thầm kín nhất anh còn biết tâm sự với ai? Những lúc khó khăn anh còn biết hỏi ý kiến ai? Ai có thể hiểu được anh bằng ba anh?

Giờ đây trong những ngày cuối cùng trên ghế nhà trường này, điều mất mát to lớn đó quả đã ảnh hưởng xấu đến việc học hành của anh.

Những lời dặn dò trong bức thư của ba còn văng vẳng bên tai anh như chính giọng nói ấm áp ấy đang cất lên: “Ba đã sống vì con và nay chết cũng vì con… Con hãy dũng cảm lên! Hãy đấu tranh cho nhân dân, cho tự do, hãy sống có ích.”

Cái chết của ba anh một lần nữa lại gợi lên. Anh cảm thấy như cả sức nặng của cái chế độ bất công đè lên lồng ngực anh. Anh phải cố gắng lắm mới nén nổi lòng căm phẫn để tiếp tục đọc những trang sách bỏ dở đó.

Anh vừa đọc vừa ghi chép. Thỉnh thoảng ngừng bút suy ngẫm một số vấn đề trình bày trong sách, theo cách của mình.

Bỗng một bàn tay đặt lên vai anh. Ê-va-rít quay lại: giáo sư Ri-sa. Ông mỉm cười và kéo ghế ngồi xuống cạnh anh. Ông hỏi:
- Em đang học ôn đấy à? Công việc trôi chảy cả chứ?
- Vâng, thưa thầy vẫn thường ạ! - Anh đáp khẽ.

Nhìn khuôn mặt xanh xao và đôi mắt thâm quầng của anh, giáo sư Ri-sa ân cần bảo:
- Em lo nghĩ nhiều quá đấy Ê-va-rít ạ. Bây giờ việc quan trọng là làm thế nào để giữ gìn sức khỏe mà học. Hãy cố gắng đừng nghĩ đến nỗi đau đó. Rồi thời gian sẽ giúp em hàn gắn vết thương lòng em ạ. Quá khứ dù sao cũng là điều đã qua, không thể thay đổi được, tương lai mới là trong tay chúng ta.
- Thưa thầy em vẫn biết thế, nhưng không tài nào quên được ba em! Đối với em, ba em là tất cả…

Nói đến đây anh dừng lại cắn môi. Anh không giữ được bình tĩnh nữa.

- Em thật là một đứa con hiếu thảo! - Giáo sư Ri-sa nói.

Hai thầy trò yên lặng chốc lát. Bỗng giáo sư Ri-sa sực nhớ ra điều gì, ông trở nên linh hoạt hơn. Ông mở cặp và rút ra một cuốn tạp chí toán học còn mới tinh. Ông giở trang 25 đưa cho Ê-va-rít xem. Bài báo nhan đề “Chứng minh một định lý về phân số liên tục”. Tác giả của bài báo là Ê-va-rít Ga-loa, học sinh trường Lu-i lơ Grăng.

- Thầy chúc mừng em.

Ê-va-rít hơi mỉm cười:
- Thưa thầy bài báo này em viết cuối năm ngoái, thường thôi! Bản thảo em gởi Viện Hàn lâm hồi tháng ba mới là quan trọng ạ.
- À, thầy nhớ rồi. Thầy tin em sẽ đoạt giải của Viện Hàn lâm trong năm nay. Các nhà toán học sẽ để ý đến em đấy.

Ê-va-rít cũng vui lên đôi chút. Giáo sư lại rút trong cặp ra một cuốn tạp chí khác đưa cho anh và bảo:
- Em cầm lấy về nhà mà xem. Trong số này có một công trình của Gia-cô-bi (4') có liên quan đến vấn đề em đang nghiên cứu đấy.
- Em cám ơn thầy nhiều.

Ông đứng dậy, siết chặt tay Ga-loa:
- Cố lên Ê-va-rít! Chúc em thành công.


------------------------------------------
Những chú thích của tui (dammage)
(1') An-phơ-rê : Évariste có một em trai tên là Alfred Galois và một chị gái Nathalie Théodore Galois, hoàn toàn không biết Lô-ra là ai.
(2') Lu-i XVIII, Sác-lơ X : Louis-Stanislas-Xavier và Charles-Philippe
(3') Giê-duýt : Jésuite hoặc Society of Jesus
(4') Gia-cô-bi : Carl Gustav Jakob Jacobi
 
Sửa lần cuối:

dammage

Rìu Chiến
BỐN

PHẪN NỘ

Ga-loa bước nhanh ra khỏi phòng thi và đóng sầm cánh cửa.

Lại trượt!

Từ giờ phút này, cánh cửa vào Trường Bách khoa vĩnh viễn đóng chặt đối với anh.

Buồn rầu. Thất vọng. Như người mất hồn, Ga-loa sấp ngửa bước trên đường phố.

Những đám mây đen từ phía tây kéo đến trùm lên Pa-ri cổ kính. Ánh nắng tươi đẹp buổi sáng không còn nữa. Ước mơ vào Trường Bách khoa mà anh nuôi nấng từ mấy năm nay đã tan thành mây khói. Anh sẽ không bao giờ được học ở Trường Bách khoa. Anh sẽ học ở đâu? Ở đâu anh có thể đặt con đường đi tới những phát minh toán học? Cánh cửa ước mơ đã khép lại rồi chăng? Anh không biết. Hoàn toàn không biết.

Ga-loa không đi về nhà. Anh gọi xe để đến Viện Hàn lâm. Anh vào thẳng nơi đã giao tập bản thảo và gặp ngay chính người đàn ông nửa năm trước đó đã nhận phong thư của anh.

Anh lễ phép hỏi:
- Thưa ông, sáu tháng trước đây tôi có nhờ ông chuyển cho Viện Hàn lâm một tập bản thảo về toán. Xin ông cho biết đã có tin tức gì chưa?
- Tên anh là gì?
- Ê-va-rít Ga-loa.

Người viên chức lục tìm tên anh trong quyển sổ rồi bảo anh chờ một lúc và đi ra ngoài. Khi quay vào ông bảo:

- Ngài thư ký Phu-ri-ê (1') cho biết là tập bản thảo đó đã được chuyển cho viện sĩ Cô-si, sau đó thì không thấy nhắc gì đến nưa. Tôi nghĩ, anh nên đến thẳng nhà riêng ngài Cô-si. Đây, để tôi viết cho anh địa chỉ. Anh tới đó mà hỏi.

Anh gọi xe ngựa và tới nhà riêng viện sĩ Cô-si.

Đứng trước cánh cổng, anh ngập ngừng giây lát rồi cầm dây giật chuông. Một người đàn bà xấu xí ra mở cửa.

- Chào bà. Tôi có thể gặp viện sĩ Cô-si được không ạ?
- Ồ không được đâu anh à. Viện sĩ rất bận. Ông không tiếp ai đâu.
- Tôi có việc rất cần, ông có tiếp không ạ?
- Việc gì vậy?
- Viện Hàn lâm có gởi bản thảo của tôi đến cho ông. Tôi muốn đến để hỏi.
- Anh chờ một lát, tôi vào hỏi thử.

Bà ta lui vào, khi đi ra bà hỏi:
- Tên anh là gì?
- Ga-loa.

Bà ta khép cửa đi vào. Năm phút sau quay ra, bà bảo:
- Viện sĩ Cô-si hoàn toàn không biết gì về tập bản thảo của Ga-loa. Ông không nhớ là có nhận được tập bản thảo đó hay không.

Nói xong, bà ta đóng cổng đi thẳng vào nhà.

Như bị giội một gáo nước lạnh, Ga-loa đứng lặng ngắt. Tức giận trào lên. Anh nghiến răng, hai bàn tay cầm lấy chấn song sắt giật mạnh như muốn phá tung cánh cửa.

Cơn gió mạnh thổi tung cát bụi. Sấm chớp bắt đầu nổi lên. Chả mấy chốc cơn dông đã đổ xuống. Dông tố trong lòng anh còn mãnh liệt gấp ngàn lần.

Ga-loa tạt vào một cửa hàng bán đồ chơi cạnh đó tránh mưa. Anh ngơ ngác thấy mình đang lọt vào một thế giới cổ tích. Những con búp bê đủ các loại, những con gấu, những chiếc mặt nạ quái gở, những bong bóng xanh đó, những chiếc tàu, thuyền đủ loại… Tất cả dường như đang nhìn anh mỉa mai.

Khi ngớt mưa, Ga-loa lại cất bước lên đường. Anh ghé vào một quán ăn dù chẳng đói tý nào. Dẫu sao cũng phải ăn trưa.

Ga-loa ngồi xuống một chiếc bàn kẻ ở góc phòng và gọi món ăn. Lát sau một thiếu nữ khá sang trọng đi vào, nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh anh. Không để mắt đến thiếu nữ, Ga-loa cắm cúi ăn. Nhưng không nuốt nổi, món gì cũng thừa quá nửa. Anh ngán ngẩm cầm chiếc ô dựng cạnh bàn, đứng dậy.

Ga-loa vừa rời bàn ăn được ba bước, thiếu nữ ngồi cùng bàn nhẹ nhàng cất tiếng:
- Thưa ông…

Ga-loa quay lại nhìn, vẻ dò hỏi. Cô ta ngập ngừng tiếp:
- Thưa ông, cái ô…

Anh nâng cái ô lên xem có bị rách hay bẩn gì không. Anh lại đưa mắt nhìn thiếu nữ như muốn nói “Có gì đâu”. Cô gái dịu dàng nói tiếp:
- Cái ô… của tôi.
- À!!!

Ga-loa sực nhớ ra là hôm nay không mang ô.

- Thưa tiểu thư… xin lỗi.

Anh đặt trả cái ô rồi lui ra.

Lại thêm một nỗi bực tức.

64.jpg


Tối hôm đó về nhà Ga-loa lên cơn sốt nặng. Các bạn đưa thẳng anh vào nhà thương. Suốt đêm anh nằm mê man, người hừng hực như lửa, các bắp thịt mỏi nhức như bị dần.

Số phận nghiệt ngã đã quật Ga-loa xuống giường bệnh.

Trong cơn mê, anh thấy ba anh. Ôi, hạnh phúc biết bao khi được sống bên cạnh người cha thân yêu! Anh kêu lên mấy tiến “Ba! Ba ơi!”. Rồi tỉnh lại. Sau đó, anh lại mơ thấy người viên chức ở Viện Hàn lâm tìm đến anh báo tin là công trình toán học của anh được nghiên cứu và đánh giá rất cao, anh được nhận thẳng vào Trường Bách khoa! Anh lại thấy viên giám mục độc ác bị dân chúng Bua-la-Ren ném đá nằm quằn quại kêu cứu. Còn ba anh thì can ngăn:
- Hãy tha chết cho nó và đuổi nó đi.

Các giấc mơ hỗn độn, chồng chất lên nhau. Anh ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê kéo dài.

Hai ngày tiếp theo anh ốm liệt giường, chẳng ai uống tí gì. Ngày thứ ba anh có đỡ chút ít. Đến ngày thứ tư bệnh tình anh đã có phần thuyên giảm. Song anh còn rất yếu, hễ chống tay ngồi dậy là thấy trời đất quay tít mù. Ngày thứ năm, anh lần ra hành lang và đứng ngắm mình trước gương. Trời đất ơi! Ai kia! Anh không nhận ra mình nữa. Người đang đứng trong gương kia má hóp, mắt sâu, cổ ngẳng, xương quai xanh nhô ra, hai tay khẳng khiu, da xanh ngắt! Anh buồn bã đi vào giường nằm.

Ga-loa đã chịu đựng những nỗi bất hạnh một cách dũng cảm. Anh không hề tỏ ra yếu đuối trước bạn bè, không báo tin cho người nhà biết là đã bị ốm. Trên giường bệnh, nỗi cô đơn trống trải và những thất vọng vừa qua cứ quấn lấy, giày vò anh.

Nhờ có một số học sinh thỉnh thoảng vào thăm và nhờ có một người bạn mới, một bệnh nhân ở cùng phòng nên cũng đỡ trống trải. Người bạn mới tên là Đéc-bin-vin (2'), một sinh viên năm thứ ba Trường Bách khoa. Đéc-bin-vin mấy ngày qua đã tận tình chăm sóc Ga-loa. Thế nhưng đến ngày thứ tư hai người mới thực sự tâm tình với nhau. Khi Ga-loa lôi chồng sách toán ra đọc. Đéc-bin-vin hỏi:
- Cậu là sinh viên toán?
- Sinh viên hụt, – Ga-loa thở dài. – Có lẽ tớ chẳng bao giờ trở thành sinh viên toán nữa.

Ga-loa thuật lại chuyện hai lần thi vào trường Đại học Bách khoa bị trượt. Đéc-bin-vin lộ vẻ thông cảm.

- Thật buồn cho cậu. Nhưng ai hỏi thi cậu đấy?
- Lê-phe-buya đơ Phua-xi (3').
- A! Cái lão già ấy! Thế mà năm nay còn được hỏi thi cơ à? Tớ cứ tưởng lão ấy về vườn rồi cơ đấy. Thật là một già gàn dở, chỉ theo hứng thôi, không ưa ai thì lão cố tình hỏi vặn vẹo để đánh trượt. Kiến thức lão thì rỗng. Sách mua về chất đầy tủ mà chẳng bao giờ đọc quyển nào.
- Đúng thế, lão đã cố tình hỏi đi hỏi lại những điều hiển nhiên không cần học cũng biết làm tớ phát cáu. Nhưng khó chịu hơn là khi tớ chứng minh theo cách hợp lý nhất thì lão không hài lòng và bắt phải làm theo cách của lão.

Đéc-bin-vin khuyên Ga-loa nên thi vào Trường Sư phạm (4'), nơi đó hiện đang tuyển sinh. Ga-loa thấy lời khuyên của bạn có lý. Dần dà, hai người kể cho nhau nghe hoàn cảnh của mình, quan niệm về cuộc sống, về xã hội của mình. Ga-loa kể cho bạn nghe về cái chết của ba anh, về viên giám mục, về việc mất bản thảo.

Nghe xong, Đéc-bin-vin lắc đầu:
- Tai họa dồn dập! Ít người gặp toàn những chuyện không may như cậu. Số phận cậu thật là trớ trêu.
- Đây không phải là số phận, cũng chẳng phải là may rủi. Những chuyện tương tự như vậy vẫn đầy rẫy trong xã hội chúng ta. Ba tớ chẳng phải chết vì rủi ro, ông chết vì một tên cha cố độc ác. Vì sự thù ghét của nhà vua và bộ máy chính quyền. Chúng căm ba tớ vì ba tớ hiểu rõ sự thối nát của xã hội. Tên giám mục chẳng qua là do chính quyền Trung ương cử về để thực hiện dã tâm của chúng. Việc tớ mất bản thảo cũng đâu phải là may rủi! Chính cái xã hội thối nát này chỉ nhặt bọn bất tài bất lương vào bộ máy nhà nước và sản sinh ra những hạng người không có lương tâm coi rẻ lao động của người khác, như ông Cô-si. Có phải một mình tớ mất bản thảo đâu. Chính A-ben cũng đã bị ông Cô-si làm mất bản thảo cơ mà! Đấy, ông ta đã đối xử với các nhà toán học chưa được thừa nhận như vậy đấy. – Anh hạ thấp giọng. – Nhắc đến A-ben, làm sao có thể cầm lòng được. Bây giờ thì ông đã được đánh giá đúng nhưng khi ông đang giải quyết những vấn đề khoa học lớn lao thì không ai đoái hoài tới để đến nỗi phải chết thảm.

Trong cơn phẫn nộ, có lẽ Ga-loa đã quá nặng lời về viện sĩ Cô-si. Nhà toàn học xuất chúng này, như người ta thường nói, cứ năm phút lại nghĩ ra một phát minh. Ông ta tiết kiệm từng giây đồng hồ. Phải chăng những “công trình khoa học” nhảm nhí của “các nhà bác học trẻ tuổi” thời đó đã hành hạ ông quá nhiều nên về sau ông đã vứt oan một số tác phẩm giá trị vào sọt rác?

Dứt cơn phẫn nộ, Ga-loa ho sù sụ, mặt đỏ gay, mồ hôi ướt đầm. Đéc-bin-vin lấy khăn mù soa lau mồ hôi cho bạn, rót đưa cho bạn một cốc nước ấm rồi lại đi ra phía cửa, ghé nhìn xem có ai đứng cạnh đấy không. Anh cẩn thận khép cánh cửa lại, ngồi xuống cạnh Ga-loa:

- Cậu nói hoàn toàn đúng Ê-va-rít ạ. Nước Pháp hiện nay thực tế là của các thầy tu, của các ngài công tước, hầu tước. Nhà vua cũng do bọn Giê-duýt nắm. Sác-lơ X quả là một ông vua mộ đạo hiếm có, rất chịu khó đi nhà thờ và hầu như không vắng mặt trong bất kỳ một đám rước thánh lớn nào ở Pa-ri. Ở xã hội này, người ta không lạ gì khi thấy một vị tướng đầu bạc mất chức chỉ vì cãi nhau với một gã thầy tu nhãi ranh. Vừa rồi Sác-lơ X lại khánh thành đài kỷ niệm Lu-i XVI (1). Tại buổi lễ, Sác-lơ X đã thề trả thù cho ông anh ruột bị chặt đầu và thề sẵn sàng bóp chết bất kỳ mầm mống nào của một cuộc cách mạng. Công nhân, nông dân Pháp nay đang sống một cuộc đời đói khổ cùng cực, lầm than chưa từng có. Họ đã đồng thời chịu nhiều tầng áp bức. Thật thế, nếu thời Phục hưng châu Âu đã tiến những bước dài về phía trước thì nay Sác-lơ X và bọn Giê-duýt lại muốn kéo ngược bánh xe lịch sử đưa nước Pháp trở lại đêm trường Trung cổ đáng nguyền rủa. Nhưng tớ nghĩ đến nhân dân Pháp có đủ thông minh và sức mạnh, sẽ không để cho nhà vua quý tộc và bọn Giê-duýt xỏ mũi, muốn dắt đi đâu thì dắt. Nhân dân sẽ chống lại. Tớ cảm thấy nước Pháp nhưng đang đứng trước ngưỡng cửa của một biến cố vĩ đại. Rồi cậu xem.

- Tớ hoàn toàn đồng ý với cậu. Nước Pháp đang đầy rẫy bất công, vô lý, nhố nhăng, tham nhũng. Bọn sâu mọt tha hồ đục khoét, quyền sống của người lương thiện bị chà đạp, tài năng bị vùi dập. Một xã hội như thế nhất định sẽ bị chính những người lương thiện đạp đổ, - Càng nói, vẻ tức giận bừng lên trong ánh mắt Ga-loa. – Chính tớ là một trong những nạn nhân của xã hội bất công này. Tớ chỉ muốn làm việc cho khoa học cũng không được. Người ta cản trở tớ! Tớ thấy đã đến lúc không thể ngồi yên trong bốn bức tường với những quyển sách toán được nữa! Tớ sẽ đấu tranh, sẽ đem hết sức mình, thậm chí cả tính mạng để thay đổi cuộc đời cho chính mình và những người bị áp bức khác, cho nước Pháp đi lên!

Cả hai nhìn nhau sung sướng. Họ đã nói lên được những gì từ đáy lòng mình. Bất chợt họ nắm tay nhau. Cái nắm tay tin cậy và cùng chí hướng. Về sau này chính Đéc-bin-vin đã giới thiệu Ga-loa vào tổ chức Cách mạng của những người Cộng hòa.


------------------------------------------
Chú thích:
(1) Lu-i XVI. vua Pháp thuộc dòng dõi Buốc-bông năm 1789 bị Cách mạng đưa lên máy chém.

Những chú thích của tui (dammage)
(1') Phu-ri-ê : Joseph Fourier, thư kí Viện Hàn lâm Khoa học Pháp
(2') Đéc-b
in-vin : Pescheux d'Herbinville
(3') Lê-phe-buya đơ Phua-xi : Louis Lefébure de Fourcy
(4') Trường Sư phạm : École Normale
 
Sửa lần cuối:

dammage

Rìu Chiến
NĂM

BÃO LỬA Ở PA-RI

Viên chủ khảo hội đồng tuyển sinh Trường Sư phạm hắt xì hơi hai cái rõ to, những thớ thịt trên khuôn mặt to béo của ông run lên. Ông lấy khăn mùi xoa lau mũi và mép rồi nâng tờ danh sách thí sinh lên, lấy giọng, tiếp tục đọc:
- Ê-va-rít Ga-loa! - ông quay về phía giám khảo môn toán ngồi đối diện bên trái. – Ông Lơ-roa, anh này trả lời ông ra sao?

Ông Lơ-roa lật tìm trong tập giấy để trước mặt, đọc lướt qua tờ nhận xét rồi vươn cái cổ dài nói với viên chủ khảo:
- Mới đầu tôi lấy làm khó chịu với anh thí sinh này. Anh ta diễn đạt ý tứ một cách rối rắm và cầu kỳ khó hiểu. Nhưng dần dần tôi nhận thấy anh ta là một thí sinh đặc biệt, biết rất rộng, có một phương pháp tư duy độc đáo. Anh ta tỏ ra có một năng khiếu khác thường trong nghiên cứu khoa học và cho tôi biết nhiều điều rất mới mẻ trong lĩnh vực giải tích ứng dụng. Tôi đã cho anh ta mười điểm.

Ông chủ khảo khẽ gật đầu và quay sang nhìn giám khảo về môn vật lý:
- Ông Péc-lê, ý kiến của ông ra sao?

Ông Péc-lê người nhỏ nhắn, có khuôn mặt trái xoan và mớ tóc xoăn đen như người Do Thái. Ông cất giọng lí nhí:
- Ga-loa? Phải rồi, anh thí sinh này trả lời kém nhất trong suốt ba ngày hỏi thi của tôi! Anh ta không biết gì cả! Hầu như anh ta không có khái niệm cơ bản về môn vật lý! Tôi rất kinh ngạc khi nghe nhiều người nói anh ta có năng khiếu lớn về toán. Tôi cho anh ta hai điểm.

Ông chủ khảo chau mày. Thật khó giải quyết! Toán mười điểm khong khi vật lý chỉ có hai! Đó là một chuyện ngược đời vì hầu hết thí sinh trượt về môn toán chứ không phải vật lý. Nguyên tắc là trong hai môn, môn yếu nhất cũng phải trên ba điểm rưỡi mới đạt. Thực tế Ga-loa đã trượt. Song anh ta là người duy nhất được điểm mười toán! Điều này đã làm đôi lông mày của viên chủ khảo nhíu lại, biến thành hai cái dấu hỏi lớn. Ga-loa là người thứ bảy mươi tám đưa ra xét mà mới có mười lăm người đủ điểm. Cứ đà này thì không tuyển đủ thí sinh mất!

Ông chủ khảo chống cằm suy nghĩ chốc lát rồi lật tìm trong cuốn hồ sơ để cạnh đó, lấy một quyển học bạ và giở ra đọc:
- “Khá”, “trung bình”, “giỏi”, “khá”, “trung bình”, “trung bình”, “khá”, “giỏi”, “trung bình”, “trung bình”, “khá”, “trung bình”…

Ông xem lướt qua những trang tiếp theo nhưng không đọc. Sau đó ông lật lại, bắt đầu đọc những lời nhận xét của các giáo viên từng bộ môn học:

“Hạnh kiểm khá. Vô tư. Tính tình có những nét kỳ lạ, khó hiểu. Có khả năng nhưng cẩu thả khi làm bài kiểm tra. Tuy gầy nhưng sức khỏe tốt.”
Bru-nô.

“ Lúc nào cũng làm việc riêng trong giờ của tôi”
Pe-rô.

“Hạnh kiểm khá. Có khả năng đối với khoa học. Làm việc say mê, rất ít khi bỏ phí thời giờ. Thu được nhiều kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Đôi khi chưa được nghiêm túc trong giờ giảng đạo. Sức khỏe tốt”
Đi-drô.

“Tinh thần học tập nghiêm túc. Có khả năng lớn đối với nghiên cứu khoa học, phương pháp tư duy độc đáo. Năng khiếu rất lớn về toán. Vượt xa tất cả các học sinh cùng lớp. Chỉ thích làm việc ở những lĩnh vực cao nhất của toán học.”
Ri-sa.

Ông chủ khảo lắc đầu:
- Thật là một anh chàng lạ đời.

Giám khảo vật lý nhắc lại:
- Quá ư lạ đời!
- Theo tôi anh ta có năng khiếu toán thực sự, nên nhận anh ta vào trường. Những người còn ít tuổi đã quá say mê khoa học thường có những biểu hiện tính tình như vậy. – Giám khảo toán phát biểu.

Ông chủ khảo lật các trang cuốn học bạ, xem lướt lần nữa rồi phán:
- Tôi liệt anh này vào danh sách thứ ba. Nếu còn chỗ thì sẽ được xếp vào loại dự bị. Nếu lấy đủ người rồi thì Ga-loa xem như trượt.

*
* *​

Ngày 25 tháng Mười năm 1829, Ga-loa vào học Trường Sư phạm như một sinh viên dự bị. Đến ngày 12 tháng Hai năm 1830, anh được thừa nhận là sinh viên chính thức.

Ở trường này, việc thờ phụng chúa còn nghiêm ngặt hơn cả ở Lu-i lơ Grăng. Trước mỗi bữa ăn, trước và sau mỗi buổi học, sinh viên đều buộc phải đọc kinh. Tối nào cũng phải đi nghe thuyết giáo. Mỗi tháng, sinh viên phải đi rửa tội một lần. Người nào trong hai tháng không đi rửa tội thì bị đuổi học ngay, viên hiệu trưởng đích thân theo dõi việc này.

Vào đây, lòng say mê toán của Ga-loa lại cuồng nhiệt hơn cả thời gian cuối ở Lu-i lơ Grăng. Càng giải đáp được nhiều điều, nhiều vấn đề mới lại xuất hiện trước mắt anh. Ê-va-rít xông xáo không biết mệt mỏi. Nhiều bài báo của anh lần lượt xuất hiện trên các tạp chí toán thời đó. Trong thời gian này anh đã viết lại công trình toán học bị viện sĩ Cô-si đánh mất lần trước, phát triển thêm nhiều điểm, đi xa hơn và lại gởi về cho Viện Hàn lâm.

Có người hỏi anh đã giỏi như thế lại còn học thừa sống thiếu chết nữa để làm gì cho khổ, anh bèn lấy tờ giấy vẽ hai vòng tròn, một to một nhỏ rồi bôi đen xung quanh và nói:
- Cậu xem, phần trắng ở trong vòng tròn tượng trưng cho kiến thức của tớ. Phần bôi đen ở ngoài là những điều chưa biết. Khi kiến thức của tớ còn ít, tức vòng trắng chỉ nhỏ như thế này, thì những điều chưa biết tức là phần bôi đen xung quanh cũng ít. Còn khi kiến thức tớ nhiều như hình tròn lớn này thì phần bôi đen xung quanh cũng nhiều thêm. Thành ra càng biết nhiều người ta càng muốn biết thêm.

Gần gũi Ga-loa hơn cả là Ô-guýt Sơ-va-liê (1'), sinh viên lớp trên. Ô-guýt đeo kính cận, lưng hơi gù, lành như chim bồ câu, đi đường rón rén như sợ giẫm chết kiến. Nhưng anh học chăm và rất giỏi. Chẳng bao lâu hai người nhận thấy những nét chân thật đáng mến của nhau và trở thành đôi bạn chí thân. Ô-guýt có người anh là Mi-sen, trước là học trò của bá tước Xanh Xi-mông (1) (2').

Ô-guýt tâm sự với bạn rằng lý tưởng của những người theo pháp Xanh Xi-mông là xây dựng một xã hội hoàn toàn bình đẳng, mọi người đều ấm no hạnh phúc như nhau. Tất cả của cải riêng sẽ góp thành của chung. Những người có tài đức nhất sẽ được bầu lên lãnh đạo nhà nước. Lúc đó, giữa người với người chỉ có tình thương yêu. Lòng ghen ghét, tính đố kỵ, mối thù hằn – những nguyên nhân gây ra chiến tranh sẽ biến mất. Nói tóm lại là họ định xây dựng một xã hội tuyệt đẹp nhưng không phải bằng đấu tranh mà bằng thuyết phục. Để chứng minh cho tính hơn hẳn của xã hội đó, nhiều học trò của bá tước Xanh Xi-mông quá cố cùng với người đứng đầu của họ là cha Ăng-phăng-tanh (3') đã xây dựng một xã hội kiểu mẫu như thế ở vùng Me-nin-mông-tanh (Ménilmontant) cách Pa-ri không xa lắm.

Ga-loa không tán thành quan điểm của bạn. Anh cho rằng, kế hoạch đó là viễn vông. Dĩ nhiên, mọi người cần phải bình đẳng trước pháp luật nhưng không thể bình đẳng trong hưởng thụ. Nếu theo phương châm này thì bọn lười biếng sẽ suốt ngày lêu lổng, người có khả năng cũng chẳng muốn dốc hết sức mình. Sức hấp dẫn của giàu có kích thích từng cá nhân phấn đấu vươn lên nhờ đó mà xã hội mới phát triển được. Dân giàu thì nước mạnh mà lại.

*
* *
Ngày 26 tháng Bảy năm 1830, vua Pháp Sác-lơ X đã công bố bốn đạo luật nhằm giải tán Viện dân biểu, tước bỏ quyền tự do báo chí, bãi bỏ hiến pháp, quy định thêm nhiều đặc quyền đặc lợi cho tầng lớp đại quý tộc và tăng lữ, tước bỏ quyền tham gia chính quyền của giai cấp tư sản.

Lòng căm thù đã tăng đến tột đỉnh. Bốn đạo luật của nhà vua như một giọt nước làm đầy cốc nước: Cách mạng bùng nổ.

Lời phúc đáp đầu tiên cho bốn đạo luật của nhà vua là bản hiến chương của các nhà báo với bốn mươi lăm chữ ký.

Từ sáng ngày 27 tháng Bảy, cả Pa-ri náo động. Ở các quảng trường, nhà ga, bến sông, từng đám dân chúng tụ tập nghe đọc tuyên ngôn của các nhà báo và bản hiệu triệu kêu gọi dân chúng hưởng ứng. Những khẩu hiệu “Hiến chương muôn năm!” “Đả đảo các đạo luật!” đã bắt đầu vang lên trên các đường phố. Cũng sáng hôm đó, nhiều tờ báo như Địa cầu, Dân tộc đã lọt vào Trường Sư phạm. Ga-loa đọc như nuốt lấy từng chữ bản tuyên ngôn của các nhà báo. Anh vô cùng khâm phục bốn mươi lăm nhà báo đã dũng cảm ký tên vào bản nguyên ngôn này. Chắc rằng tia lửa đầu tiên này có thể bùng cháy thành cơn bão lửa cách mạng không gì dập tắt nổi, anh nghĩ thế và anh hồi hộp chờ đợi. Anh sẵn sàng lao vào bão lửa cách mạng dù phải đổ máu, phải hy sinh.

Hai giờ trưa, viên hiệu trưởng Trường Sư phạm Ghi-nhô (4') tập trung toàn trường lại, ra lệnh cho sinh viên, nếu cách mạng nổ ra thì không ai được xuống đường tham gia. Trước sáu trăm sinh viên, Ga-loa đã đứng phắt dậy chống lại lệnh này. Anh kêu gọi anh em đừng khoanh tay nhìn nhân dân đổ máu. Nhưng anh liền bị bọn giám thị ngắt lời và đưa ra khỏi hội trường.

Ghi-nhô nguyên là sinh viên trường sư phạm này, tốt nghiệp khoa lịch sử văn học Hy Lạp năm 1811, đến năm 1818 được làm phụ giảng của trường, rồi nhờ cung cách khúm núm, ra vẻ tận tụy, được lòng cấp trên nên chả mấy chốc đã leo lên trưởng phòng giáo vụ, hiệu phó rồi hiệu trưởng.

Trong cuốn hồi ký nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường, Guyn Xi-mông viết rằng Ghi-nhô là người dốt nát, thiển cận, máy móc, lúc nào cũng ra vẻ quan trọng. Tuy vậy, sau này, nhờ tận tụy với chính quyền Lu-i Phi-lip, y cũng được nhận học vị giáo sư Xooc-bon (Sorbonne).

Trong những ngày cách mạng này Ghi-nhô là người duy nhất trong hầu khắp các trường đại học và chuyên nghiệp cấm sinh viên tham gia cách mạng. Y không phải là phần tử bảo hoàng, trung thành với Vương triều Buốc-bông mà chẳng qua do bản chất cơ hội. Y chờ xem ai mạnh thì theo.

*
* *
Tối hôm ấy bên cạnh cung điện Pa-le dơ Roay-an (Palais-Royal), đoàn biểu tình nắm chặt tay nhau, giương cao biểu ngữ hô vang:
- Hiến chương muôn năm!
- Đả đảo các đạo luật!
- Tự do muôn năm!
- Dân chủ muôn năm!

Một tiểu đội lính bảo vệ đi tuần tra qua đó, gặp đoàn biểu tình. Viên tiểu đội trưởng mặt còn trẻ măng, má hồng như con gái, mép lún phún hàng ria con kiến, quát lớn:
- Dừng lại!

Đoàn biểu tình không thèm để ý, cứ tiếp tục rảo bước, tiếp tục hô khẩu hiệu, hò, hát…

Tên tiểu đội trưởng hô tiếp, giọng gay gắt hơn:
- Đứng lại, không tôi bắn!

Đoàn người cứ đi. Tên tiểu đội trưởng thét lên:
- Tiểu đội, nghe lệnh! Giương súng lên! Sẵn sàng!

Một người đàn ông tuổi trung niên dừng lại, nói:
- Các cậu định bắn ai? Bắn vào bố mình, mẹ mình à?

Một phụ nữ hô hào:
- Bỏ súng xuống các bạn ơi! Hãy theo nhân dân, theo Cách mạng! Sát cánh với chúng tôi!

Tốp lính vẫn không hề thay đổi tư thế!

Một thiếu niên đi trong đoàn nói giọng thách thức:
- Có giỏi thì cứ bắn đi! Cho kẹo cũng không dám.

Nói xong anh ta cười đầy vẻ giễu cợt. Một thiếu niên khác nhặt hòn sỏi ném trúng chiếc mũ nồi tên tiểu đội trưởng làm mũ y lệch sang một bên. Y tức tối đưa tay sửa lại chiếc mũ giữa tiếng cười giễu cợt rộ lên trong hàng ngũ biểu tình. Một thanh niên khác lại ném tiếp một hòn sỏi nữa, lần này trúng hẳn vào mặt y. Điên tiết y quát lớn:
- Bắn!

Ba bốn phát đạn rời rạc nổ. Có hai người trúng đạn ngã xuống. Toán biểu tình chạy toán loạn, chỉ dăm người dừng lại, đỡ hai người bị trúng đạn lên, không ngớt chửi rủa bọn lính giết người.

Đoàn biểu tình chạy bổ về phía khu dân cư cạnh đó kêu cứu. Dân chạy ra mỗi lúc một đông. Họ tự vũ trang bằng gậy gộc, dao rựa, que chọc lò, có người có cả súng săn v.v… để chống lại bọn đàn áp. Tốp lính tuần sợ quá bỏ chạy thục mạng.

Công nhân ở các nhà máy tập trung thành từng đoàn kéo nhau vào nhà riêng tìm vũ khí. Họ lấy cả các khuôn chữ của nhà in, tự đúc lấy đạn.

Đêm 27 rạng ngày 28, sinh viên Trường Bách khoa phá cửa phòng chơi thể thao, cướp bằng hết những thanh kiếm tập, mài xoàn xoạt trên các bờ thềm. Lúc gần sáng, hai trăm sinh viên Trường Bách khoa đã phá cổng tràn ra phố, hăm hở hòa vào biển người hô vang khẩu hiệu:
- Đả đảo bọn Buốc-bông!
- Tự do muôn năm!
- Đả đảo bọn Giê-duýt!

Đêm đó, trường Sư phạm được lệnh giới nghiêm. Cổng đóng kín. Ga-loa hai lần vượt tường đều bị bắt giữ lại. Cuối cùng, người ta tống giam anh trong phòng của viên hiệu trưởng và cử hai sinh viên khác trông giữ.

Làn sóng cách mạng cuồn cuộn dâng lên. Khắp Pa-ri, từ khu Xanh Mác-xô (Saint-Marceau hoặc Saint-Marcel) đến Những cách đồng Ô-li-xê, từ Mông-mác (Montmartre) đến Văng-xăng… đâu đâu cũng nổi dậy, cũng chiến đấu. Chiến lũy mọc lên khắp nơi.

Hàng vạn công nhân làm việc mỗi ngày mười bốn tiếng đồng hồ mà vẫn đói, vẫn rét, bỗng nghe nói “Cách mạng”, “Cơm áo” là lăn xả vào chiến đấu không chút do dự, không ngại hy sinh. Cách mạng hoàn toàn tự phát. Không có chủ trương chung, chương trình chung. Mỗi cụm quân khởi nghĩa lại có một người Cộng hòa hay một sinh viên nào đó chỉ huy.

Ngay từ đêm 27, các nhà thờ đã đóng kín cửa. Những người cầm đầu giáo hội lẩn trốn ra nước ngoài. Các thầy tu nghe khẩu hiệu mà hồn bay phách lạc. Trong những ngày đó, thầy tu nào vô phúc xuất hiện ngoài đường là bị trừng phạt ngay. Tội nghiệp mấy bác thường dân hiền lành bị đòn oan vì mặc áo khoát đen.

88.jpg


Từ sáng ngày 29, chiến sự ác liệt vẫn tiếp diễn ở quảng trường Văng-dôm (Vandoeuvre hoặc Vendôme), ở trại lính, nhà tù Mông-téc-guy… Ở Quảng trường Ca-ru-xen (Carrousel) cạnh cung điện nhà vua, chúng bố trí hai trung đoàn lính Thụy Sỹ chốt. Bọn này không có anh em họ hàng gì trong công chúng biểu tình ở đây cả. “Khác máu tanh lòng” nên chúng bắn giết không ghê tay. Mặc dù vậy chúng không thể khuất phục được ý chí của quân Cách mạng. Người trước ngã, người sau cứ tiến. Quá trưa, quân khởi nghĩa kéo được đại bác tới nhằm vào bọn Thụy Sĩ áo đỏ mà giã. Đội hình tan rã, chúng hò nhau chạy thục mạng, nhiều đứa cởi phăng áo đỏ vứt lại để khỏi bị phát hiện.

2 giờ trưa, sứ giả của Sác-lơ X đem lệnh bãi bỏ các đạo luật từ Xanh-Clu (Saint-Cloud) về Pa-ri. Nhưng ai thèm nghe chúng nữa.

3 giờ 25 phút chiều ngày 29, điện Tuy-lơ-ri (Tuileries Palace) lọt vào tay quân Cách mạng. Lu-vơ-rơ (Louvre) cũng bị chiếm nốt. Quân cách mạng làm chủ toàn Pa-ri.

Một chính phủ lâm thời được thành lập. Thủ tướng là viên chủ nhà băng La-phít (5'). Giai cấp tư sản đưa công tước Lu-i Phi-líp ở tỉnh Oóc-lê-ăng (Orléans) lên ngôi vua. Họ tính rằng y là một đại tư bản đồng thời lại là người của hoàng gia, vì thế có thể tránh được sự bất bình của các vương quốc láng giềng khi họ thấy ở nước Pháp vẫn có vua, và vẫn là con cháu của dòng họ Buốc-bông.

Thế là giai cấp tư sản đã cướp đoạt thành quả Cách mạng từ tay quần chúng nhân dân.

Sáng 30 tháng Bảy khi rước ông vua mới ra mắt công chúng ở tòa thị chính, La-phit buông một câu:
- Từ nay các ông chủ nhà băng sẽ cai trị nước Pháp.


------------------------------------------
Chú thích:
(1) Xanh Xi-mông(1760-1825): Một trong những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp.

Những chú thích của tui (dammage)
(1') Ô-guýt Sơ-va-liê : Guillaume-Auguste Chevalier, anh trai là Mi-sen (Michel Chevalier)
(2') Xanh Xi-mông : Henri de Saint-Simon
(3') Ăng-phăng-tanh : Barthélemy Prosper Enfantin
(4') Ghi-nhô : Joseph-Daniel Guigniault
(5') La-phít : Jacques Laffitte
(6') Các địa danh Pháp : tui không rành các địa danh lắm nên có nhiều cái tìm không ra (hoặc là không đủ kiên nhẫn để tìm)
 
Sửa lần cuối:

dammage

Rìu Chiến
SÁU

TỪ GIÃ ĐỜI SINH VIÊN

Ghi-nhô, viên hiệu trưởng Trường Sư phạm đang ngồi ở bàn làm việc, mặt đằng đằng sát khí. Trước mặt y là tờ “Báo nhà trường”. Lão vò đầu bứt tai xong lại vò mớ râu má xồm xoàm. Con người vốn bình tĩnh và nham hiểm như lão mà hôm nay cũng phải nổi tam bành. Lão đập bàn quát:
- Đúng là thằng Ga-loa!

Lão vớ chiếc chuông nhỏ để trên bàn rung giật lên một hồi. Một gã giám thị thấp béo đẩy cửa bước vào.

- Gọi ngay Ga-loa lên đây cho ta!

Viên giám thị đi rồi, Ghi-nhô rời bàn, chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng. Lão chắc mẩm ngoài Ga-loa ra, trong trường này không ai dám làm cái việc táo gan ấy. Phải rồi, ngay cái hôm Cách mạng bắt đầu dấy lên, Ga-loa đã dám kêu gọi sinh viên chống lại lệnh của hiệu trưởng. Và trong năm học này Ga-loa càng ngày càng giở chứng. Trong khi các sinh viên khác lo học ôn thi thì gã chỉ phá đám. Gã tỏ vẻ miễn cưỡng và đôi khi còn chế nhạo cả việc nghe giảng thánh kinh. Hơn thế nữa, vừa rồi viên hiệu trưởng còn nhận được một tin kinh khủng: Ga-loa đã gia nhập “Hội bạn dân” (1) (1') và tối thứ năm nào cũng đi họp ở Trường đua ngựa Hoàng gia ở phố Mông-mác…

Ga-loa vào, Ghi-nhô đứng nhìn trừng trừng như muốn nuốt chửng anh rồi chẳng nói chẳng rằng, vớ tờ báo trên bàn giúi vào người anh. Ga-loa đọc bài báo đã được đóng khung bằng bút chì đỏ.

Bằng một giọng cay độc, bài báo đã lột mặt nạ giả dối của Ghi-nhô. Trong những ngày cách mạng bùng nổ, y đã cấm không cho sinh viên xuống đường tham gia biểu tình và mỉa mai thay, khi cách mạng thành công, y lại gắn huy hiện (2') cờ ba màu lên mũ mình. Tòa soạn ghi chú là họ không muốn đề tên tác giả mặc dù tác giả không yêu cầu giấu tên.

Xem xong, Ga-loa nhìn viên hiệu trưởng bằng một cái nhìn lãnh đạm pha đôi chút khiêu khích, làm lão tức uất lên. Lão thét:
- Mày đã viết thư này phải không?
- Thưa ông…
- Im ngay! Thật là đồ Giu-đa(2)! Quân khốn nạn! Cút đi cho khuất mắt ta.
- Thưa ông, ông để tôi nói…
- Không nói năng gì hết! - Y nắm chặt quả đấm, tiến đến gần Ga-loa, mắt nẩy lửa - Cút ngay! Xéo ngay! Quân phản bội! Đừng bao giờ để tao nhìn thấy mặt mày.

Ga-loa khinh bỉ nhìn con người đang lồng lộn trong cơn tức giận đó rồi quay gót bước nhanh ra khỏi phòng làm việc của lão.

94.jpg


Khi Ga-loa đã đi khuất, Ghi-nhô cắm cổ viết một bản báo cáo dài gởi cho bộ trưởng Bộ Giáo dục. Trong bản báo cáo này lão bịa đặt vô số chuyện xấu xa về anh và đề nghị đuổi anh ra khỏi trường.

Hơn hai tháng sau, tức là ngày 18 tháng 1 năm 1831, Bộ trưởng ký quyết định đuổi Ga-loa ra khỏi Trường Sư phạm.

*
* *
Sơ-va-li-ê tốt nghiệp Trường Sư phạm đã bốn tháng mà vẫn chưa được bổ nhiệm. Anh có ý định sẽ sống ở công xã do bá tước Xanh Xi-mông quá cố sáng lập nên ở Me-nin-mông-tanh cùng với anh trai đang ở đó. Hôm nay, tình cờ anh thấy trên tờ “Báo nhà trường” có đang (3') một bài làm anh chú ý. Bài báo viết:

Vào ngày thứ năm, 18 tháng Giêng sẽ khai giảng một lớp học chuyên đề về đại số cao cấp. Buổi học sẽ bắt đầu vào 13 giờ 30 phút ngày thứ năm hàng tuần ở quán sách Cai-ô, nhà số 5 phố Xoóc-bon.

Học viên sẽ được làm quen với những lý thuyết mới, chưa từng xuất bản, nhiều vấn đề rất độc đáo. Học viên sẽ được tiếp thu những kiến thức đầy đủ về lý thuyết số phức, lý thuyết về các phương trình giải được, số luận, và lý thuyết các hàm số e-líp-tích.
Người phụ trách

Ông Ê. Ga-loa”​

Sơ-va-li-ê lấy làm ngạc nhiên và quyết định đi thăm bạn.
Anh tới nhà riêng của Ga-loa thuê ở phố Giăng đờ Bô-ve (Jean de Boves).

- A! Ô-guýt! Từ lần đó đến giờ tớ mới được gặp cậu! Thế nào, bốn tháng nay cậu trốn biệt ở đâu?
- Tớ ở nhà lên.
- Sao? Gia đình bình an cả chứ?
- Tốt. Còn cậu, công việc ra sao?
- Tớ à ? Nói chung là tốt.
- Tại sao lại “nói chung”? Nghĩa là còn cái gì chưa tốt à? Chuyện gì đấy?
- Tớ bị đuổi khỏi trường rồi! - Ga-loa trấm tĩnh đáp. Xem như đó chỉ là chuyện không đáng kể.

Ô-guýt kinh ngạc hỏi:
- Bị đuổi? Tại sao lại thế? Nào, kể đi.
- Chẳng có gì là lạ. Cậu thấy đấy, tớ với lão hiệu trưởng chẳng khác gì Mặt trời với Mặt trăng.
- Điều đó tớ biết, nhưng đầu đuôi câu chuyện ra sao, kể tớ nghe đi.
- Có lẽ cậu đã đọc tờ “Báo nhà trường” hồi trung tuần tháng mười một chứ gì. Đấy, trong đó có một bài báo lột mặt nạ lão Ghi-nhô. Lão ta quả quyết là tớ viết bài báo đó.
- Thế có đúng cậu viết không?
- Không. Tớ không biết ai đã viết bài báo đó. Theo tớ thì không phải là sinh viên Trường Sư phạm. Phải nói là một việc làm dũng cảm, rất dũng cảm

Ô-guýt im lặng. Ga-loa tiếp:
- Đáng kiếp lão Ghi-nhô. Tất cả các trường đại học, có ông hiệu trưởng nào cấm sinh viên ra đường tham gia biểu tình trong những ngày đó đâu. Riêng Ghi-nhô, thực ra không phải là phần tử bảo hoàng, chỉ vì hèn nhát mà không dám cho sinh viên theo Cách mạng. Lão chờ xem bên nào mạnh thì theo. Lão rõ là một con kỳ nhông.

Ô-guýt ngồi im nhìn bạn, lát sau khẽ thở dài:
- Dù sao đối với cậu đó cũng là một điều không hay.
- Tớ không cho đó là một điều không hay. Tớ đã ngán cái trường ấy đến tận cổ. Ở đó tớ chẳng được ích lợi gì cả. Thoát khỏi nơi đó, tớ có nhiều thì giờ để dành cho khoa học và cho Cách mạng hơn.
- Cậu đang làm gì cho Cách mạng đấy?
- Ừ nhỉ. Tớ chưa kể với cậu. Tớ đã được kết nạp vào Hội bạn dân rồi.
- Trời! Thế có nghĩa cậu là người Cộng hòa? - Ô-guýt kinh ngạc hỏi.

- Phải , tớ là một người Cộng hòa. Nhưng có lẽ cậu hiểu chưa thật đúng ý nghĩa của chữ đó, Ô-guýt à. Những người Cộng hòa là những đứa con tận tụy nhất của nước Pháp. Họ đấu tranh cho một nước Pháp Cộng hòa, Bình đẳng, Tự do, Công lý. Cậu thấy đấy, nước Pháp bây giờ đầy rẫy bất công. Cách mạng ư? Đâu có Cách mạng! Người dân Pháp bị lừa, xương máu họ đổ ra trong những ngày tháng Bảy là chỉ để đắp con đường cho Lu-i Phi-líp từ Oóc-lê-ăng vào điện Tuy-lơ-ri. Sác-lơ X là một ông vùa, Lu-i Phi-líp cũng là một ông vua thì có gì khác nhau! Mà lại đều là dòng họ Buốc-bông nữa chứ! Người ta đã thay ông vua ở nhánh trưởng bằng một ông vua ở nhánh thứ. Cậu thử nghĩ xem Lu-i Phi-líp đã đem lại cho nhân dân Pháp những gì? Người nông dân mỗi năm nộp cho Sác-lơ X mười lăm quan thì nay nộp cho Lu-i Phi-líp hai mươi quan! Công nhân thời Sác-lơ X mỗi ngày lãnh hai mươi xu nhưng giá bánh mỳ trước kia là bốn xu một cái thì nay sáu xu một cái. Tham nhũng ngày càng tăng. Chức quyền, học vị đều có thể mua được. Sau cách mạng, công nghiệp không những không lên được mà còn đi xuống. Nhà in Sa-ra không đứng nổi phải đóng cửa. Xưởng dệt Te-vơ-rơ với một ngàn năm trăm công nhân nay làm việc thoi thóp với không đầy ba trăm người. Người thất nghiệp đương nhiên là tăng gấp bội. Cậu thấy chưa, người ta đã cướp đoạt thành quả cách mạng như vậy đấy. Cho nên muốn cứu vãn được nước Pháp thì chỉ có cách đánh đổ chế độ này đi, xây dựng một nước Pháp Cộng hòa.

- Có nghĩa là phải làm một cuộc Cách mạng như cuộc Cách mạng 1789? - Ô-guýt hỏi.
- Đúng thế. Tớ quyết đi theo con đường của các vị anh hùng năm tám chín, tớ sẵn sàng chết vì sự nghiệp mà họ đã bỏ dở. Họ đã xông thẳng vào họng súng đại bác để chiếm nhà ngục Ba-xti (4'), đã đánh cho bọn Buốc-bông chạy tan tác, đã thành lập nước Cộng hòa, đã đánh tan liên quân can thiệp Anh-Phổ-Áo trong những điều kiện ngặt nghèo nhất! Họ đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc Pháp vĩ đại. Những người Cộng hòa đã chiến đấu bất khuất trong những ngày tháng Bảy máu lửa vừa qua để đánh đổ Sác-lơ X. Chỉ tiếc là họ chưa đủ lực lượng để dành chính quyền. Nhưng một ngày không xa họ sẽ làm việc đó vì họ thực hiện sứ mạng cả của nhân dân Pháp. Tớ sẽ đem hết sức mình, không quản ngại hy sinh để đóng góp cho sứ mạng đó. Nếu nước Pháp cần một thi hài để thức tỉnh những ai chưa tỉnh ngộ và để lôi cuốn toàn dân vào cuộc đấu tranh vì tự do, công lý, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn thì tớ xin hiến dâng thi hài của mình.

Thấy bạn nói hùng hồn quá, Ô-guýt chỉ ngồi im lặng nghe. Sau giây lát, anh hỏi:
- Thế nhiệm vụ trước mắt của Hội bạn dân là gì và các cậu sinh hoạt ra sao?

Ga-loa trả lời:
- Nhiệm vụ trước mắt của chúng tớ là phát triển hội viên, truyền bá tư tưởng của Hội, đồng thời đập lại những luận điệu xuyên tạc về những người Cộng hòa của Chính phủ.

Khẩu hiệu hiện nay của những người Cộng hòa là “Hãy xung phong vào Đội cận vệ”. Cậu thấy đấy, Đội cận vệ pháo binh (5') gồm bốn khẩu đội thì trong khẩu đội hai và khẩu đội ba, những người Cộng hòa chiếm đa số, còn trong khẩu đội bốn cũng chiếm già nửa.

Ô-guýt gật gù:
- À, bây giờ tớ mới hiểu, từ nãy nhìn bộ quân phục pháo thủ của cậu tớ cứ ngờ ngợ mà chưa kịp hỏi! - Ô-guýt ghé sát đôi mắt cận thị nhìn và mân mê chiếc ngù kim tuyến ở vai bạn. – Oách quá! Dễ thường bộ quần áo này phải đến ba trăm quan! Được phát à?
- Đâu! Tự sắm đấy. Muốn vào Đội cận vệ thì phải tự sắm lấy đồng phục!

Hai người ngồi im trong chốc lát, bỗng Ga-loa tiếp:
- Ô-guýt à, tớ muốn cậu cũng sẽ là người Cộng hòa… - Anh ngừng lại liếc mắt dò thái độ của bạn.

Ô-guýt giật mình. Những lời đó quả là đột ngột đối với anh. Anh tới đây không những để thăm bạn mà còn có ý định rủ Ga-loa cùng tham gia công xã Xanh Xi-mông. Thấy bạn nhiệt tình như lửa đối với những lý tưởng Cộng hòa nên chưa dám nói, nay lại nghe câu đó, anh trở nên bối rối. May mà anh sực nhớ ra một điều. Anh hỏi, vừa là để đánh trống lảng:
- À mà hình như cậu có mở lớp dạy toán gì đó phải không? Tớ đọc thấy trên báo.

- Ờ… đúng vậy - Ê-va-rít chậm rãi trả lời - Cậu biết đấy, từ ngày ba tớ mất, tiền gia đình gởi cho tớ chỉ bằng một phần ba trước kia. Thậm chí tớ không muốn nhận món tiền đó nữa. Tớ thương mẹ, thương em, tớ muốn sống tự lập, song hiện nay thì chưa được, tớ rất áy náy. Hoạt động cho Hội cũng tốn một khoản chi tiêu đáng kể. Cũng may mà lớp toán đứng được, nếu không thì gay… Nhưng Ô-guýt à, tớ dạy toán không phải chỉ để lấy tiền công mà còn do yêu thích. Tớ dạy hết lòng. Số học viên đã lên tới bốn mươi ba người, đa số là sinh viên toán các trường đại học.

- Về khoản ấy thì tớ rất khâm phục cậu! Ô-guýt nói - À mà muộn rồi đấy. Cậu có gì cho tớ ăn với chứ!
- Ừ nhỉ! Mải nói chuyện, quên khuấy mất. Đã tám giờ rồi. Chắc là cậu đã đói mèm?

Ê-va-rít nhanh nhẹn bày thức ăn nguội ra bàn. Anh đi rán thêm một ít trứng với giò thái mỏng, phi hành thơm phức rồi mang ra. Để lý tưởng Cộng hòa và công xã Xanh Xi-mông sang một bên, họ ngồi vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ.

*
* *​

Ngày 17 tháng Giêng năm 1831, tại phòng họp của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, phiên họp thường kỳ của Ban toán đang diễn ra. Sau mười phút giải lao, khi cử tọa đã ngồi yên, viên thư ký A-ra-gô (6') đứng dậy tiếp tục làm việc. Ông nói:
- Thưa các ngài! Bây giờ chúng ta chuyển sang bản thảo của ông Ga-loa - ông cầm bức thư lên - Tôi xin đọc bức thư của ông Ga-loa.

Kính thưa ông chủ tịch Viện Hàn lâm.

Tháng Ba năm 1829, tôi có gởi cho Viện Hàn lâm một công trình nghiên cứu về “Tính chất giải được của phương trình đại số”, trong đó có một số định lý mà tôi cho là mới mẻ. Thật không may, bản thảo bị thất lạc. Sau đó, tôi đã phát triển vấn đề ấy lên, kiểm nghiệm kỹ càng rồi viết lại và chuyển cho Viện Hàn lâm một lần nữa. Lần này ngài viện sĩ Phu-ri-ê được giao xem bản thảo đó đã đột ngột qua đời, bản thảo của tôi lại một lần nữa không thể tìm thấy.

Đây là lần thứ ba tôi viết lại công trình ấy nhưng đã khái quát hóa được nhiều tính chất quan trọng. Kính mong ông lưu tâm giúp đỡ để bản thảo cuối cùng này của tôi được đọc và nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Xin đa tạ.
Ê-VA-RÍT GA-LOA”​

Ông A-ra-gô đặt thư xuống bàn, cởi chiếc mục kỉnh đè lên, khẽ đằng hắng rồi nói:

- Thưa các ngài, vấn đề mà ông Ga-loa khảo sát là một vấn đề trung tâm của môn đại số hiện nay. Theo tôi biết thì hình như ông Ga-loa còn rất trẻ. Hiện nay chúng ta chưa thể nói gì về công trình khoa học này. Đương nhiên, vì lòng kiên trì của ông Ga-loa, lần này tôi đề nghị ngài Poát-xông và ngài La-croa (7') thư ký và hội viên của ban xét duyệt các giải thưởng toán học hãy cố gắng xem xét và đánh giá đúng công trình nghiên cứu này.

Ông A-ra-gô cầm tập bản thảo và phong thư lên trao cho ông Poát-xông.

*
* *
Đội ngũ của những người Cộng hòa đã lớn mạnh không ngừng. Họ hoạt động ngày càng sôi nổi. Họ hét vào mặt bọn thầy tu:
“Đả đảo bọn Giê-duýt”

Trên những bức tường lớn ngoài đường phố người ta thấy xuất hiện nhiều khẩu hiệu chống nhà vua:
Hãy đưa Lu-i Phi-líp lên máy chém
Đả đảo bọn bảo hoàng
Đả đảo bọn Buốc-bông

Nhiều tranh đả kích cũng xuất hiện trên các bức tường cao. Đặc biệt người ta chú ý đến bức tranh lớn, vẽ một trái lê cực (3) to, ở dưới là dòng chữ:
27 + 28 + 29 = 0

Bọn cảnh sát phải vác thang chạy như choi choi mới cạo rửa hết những khẩu hiệu và tranh đó.

Chính quyền Lu-i Phi-líp hoảng sợ, bắt đầu khủng bố ráo riết. Cuối tháng Hai, nhà vua ra lệnh giải tán Đội cận vệ. Hầu hết những người Cộng hòa ở Đội cận vệ pháo binh đã chống lại lệnh này. Họ không chịu nộp khí giới và bỏ trang phục.

Chính quyền bắt hú họa mười chín thanh niên trong số đó và đưa ra tòa xét xử. Những thanh niên này bị buộc tội là có tư tưởng muốn thay đổi chế độ Quân chủ bằng chế độ Cộng hòa, truyền bá tư tưởng chống nhà vua.

Trước vành móng ngựa, mười chín thanh niên đã không hề tự bào chữa, họ đã dùng phiên tòa làm diễn đàn vạch trần bộ mặt xấu xa của Lu-i Phi-líp và bọn tay sai. Tòa án buộc phải tuyên bố cho chín thanh niên này trắng án. Những người Cộng hòa xem đây là một thắng lợi hết sức to lớn.

Và hôm nay, ngày 9 tháng Năm (8') lúc 5 giờ tối, một cuộc họp mặt, nói đúng hơn là một bữa tiệc được tổ chức ở gian lớn của Nhà hàng Văng-đăng-giơ (Aux Vendanges de Bourgogne) để ăn mừng thắng lợi to lớn đó. Hơn hai trăm người Cộng hòa đã tới dự.

Trên ghế Chủ tịch đoàn người ta thấy cả đại văn hào A-lếch-xăng Đuy-ma và những nhân vật nổi tiếng khác trong Tổng bộ những người Cộng hòa như Ra-xpay, Ma-rát-xtơ (9').

Bữa tiệc diễn ra trong bầu không khí vui mừng, phấn khởi. Các đại biểu lần lượt đứng lên chúc mừng mười chín dũng sĩ thắng lời trở về. Tiếng hô khẩu hiệu vang lên không ngớt. Ban tổ chức đã dặn các đại biểu không được nói những câu quá khích, vì bọn mật thám nhất định trà trộn trong những người dự tiệc.

Hơn một tiếng sau, không khí bữa tiệc chuyển sang trầm lặng hơn. Khắp phòng hầu như chỉ nghe tiếng cốc, chén, muổng nĩa lách cách.

Bỗng từ giữa gian phòng hơi chếch về mé trái, vang lên một tiếng hô:

- Chúc… Lu-i Phi-líp!

Tiếng hô như bất ngờ đánh một cái tát vào những người ngồi dự. Bắt đầu có tiếng láo nháo. Mọi người đứng dậy cố nhìn xem ai đã hô câu đó. Nhiều người đoán là một tên mật thám trà trộn trong anh em, say rượu nên đã buột miệng. Đám đông rời chỗ ngồi, dồn về phía có tiếng hô:

- Chúc sức khỏe Lu-i Phi-líp!

Tiếng hô lại vang lên một lần nữa.

Mọi người nhìn kỹ và nhận ra đó là Ga-loa! Tay trái anh cầm cốc rượu đưa lên ngang ngực. Tay phải nắm chặt chuôi con dao găm nhọn hoắt, mũi chĩa xuống dưới, ngang tầm với cốc rượu. Mắt anh long lên vì xúc động. Anh đứng thẳng, ưỡn ngực như để lấy hết sức mạnh, hai lần kết án vua Lu-i Phi-líp.

Đám đông thở phào nhẹ nhõm, giãn ra, ai về chỗ nấy. Họ đã vỡ lẽ. Hóa ra là chúc cái chết cho Lu-i Phi-líp. Đám trai trẻ lấy thế làm hể hả. Những người lớn tuổi tỏ ý không bằng lòng. Họ cho đó là hành vi quá khích. Thật quá liều lĩnh.

Nhà văn A-léc-dăng Đuy-ma thấy tình thế bất lợi cũng đã lẳng lặng cáo lỗi và chào các đồng chí Cộng hòa của mình rồi ra về.

Nhiều người khác cũng lặng lẽ rút lui. Một người đi ngang qua mặt Ga-loa, rỉ tai:
- Trốn đi, nguy hiểm đấy!

Nhưng Ga-loa không nghe.

Đám thanh niên còn tiếp tục ăn uống, chúc tụng, hát hò. Nhiều người bắt chước Ga-loa, nâng cốc, tay phải cầm dao găm, hô vang:
- Chúc Lu-i Phi-líp!

Những người khác cũng đồng thanh đáp lại.

Tận khuya tiệc mới tàn. Đám thanh niên lại còn kéo nhau ra phố, hát vang những bài ca Cách mạng.

*
* *
Sáng hôm sau, Ga-loa còn đang ngủ li bì trên giường thì bỗng có người đập dậy. Anh ú ớ hỏi “cái gì?”. Rồi lại nhắm mắt ngủ tiếp. Lại bị lay gọi, anh càu nhàu:
- Đồ quỷ sứ! Để yên cho người ta ngủ.

Nói xong anh quay mặt vào tường định ngủ tiếp. Lần này anh bị xốc vai và dựng hẳn người dậy.

“Thật là một trò đùa quá trớn”. – Ga-loa nghĩ thế.

Anh giụi mắt, nhấp nháy liền mấy cái, nhìn kỹ. Té ra… té ra… mấy chàng cảnh sát! Ga-loa tỉnh hẳn.

Trong phòng anh cả một tiểu đội cảnh sát đang lục soát. Chúng giật các ngăn kéo, đổ tung ra sàn nhà, đập vỡ chai lọ. Một tên tìm được con dao găm của anh, đặt lên giữa bàn.

Viên thanh tra Giúc có cặp mắt sâu hoắm, mặt to và da sần sùi, với cái mũi khoặm, hỏi:
- Ông là Ga-loa?

Anh không trả lời. Y chìa tờ giấy rồi dằn từng tiếng:
- Ông bị bắt…!

Chúng dẫn anh ra đường. Từ các cửa sổ, những người hàng xóm nhìn theo kinh ngạc.

Đẩy Ga-loa lên xe ngựa, viên thanh tra quát tháo anh xà ích:
- Đi!

Ga-loa chợt nhớ ra một việc. Anh nói:
- Đợi đã!

Viên thanh tra quắc mắt nhìn anh. Anh tiếp:
- Tôi cần lấy một số đồ vật.
- Đồ dùng cá nhân à? - Viên thanh trả hỏi. – Anh đừng lo, người ta sẽ phát cho anh các thứ đó. Anh không cần mang theo cái gì ở nhà đi cả.
- Không. Tôi cần mang theo mấy quyền sách, cây bút và một ít giấy.
- Để làm gì? - Y trợn tròn mắt hỏi.
- Tôi sẽ làm việc ở trong ấy.
- Trong tù? - Y hỏi bằng một giọng mỉa mai - Trong đó người ta sẽ tìm đủ việc cho anh làm.

Ga-loa không nói gì nữa. Bỗng viên thanh tra ra vẻ nhân từ:
- Thôi được. Anh để các thứ ấy ở đâu? Để tôi cho người vào lấy.
- Người của ông và cả ông nữa không thể tìm được những thứ đó.
- Thôi được! - Y hất hàm bảo hai tên cảnh sát cạnh đó - Giăng và Báp-tít hãy đưa anh ta vào nhà. Cẩn thận, nếu để anh ta chạy thoát thì mất đầu nghe chưa!
- Rõ.

Lát sau, ba người trở ra. Ga-loa ôm theo một chồng bốn năm quyển sách lớn, một tập giấy và bút mực.

*
* *
Tin Ga-loa bị bắt chẳng mấy chốc đã đến tai Tổng bộ những người Cộng hòa. Điều này mọi người đã dự tính trước và đang nghĩ cách cứu chàng thanh niên đầy nhiệt huyết này. Một cuộc họp kín được triệu tập tại nhà riêng ông Uy-be. Hai luật sư nổi tiếng là Đuy-pông và Plát-xơ ('10) được mời đến để bàn cách cứu Ga-loa.

Các luật sư vào gặp Ga-loa và dặn rằng, trước tòa anh phải khai là đã hô “Chúc Lu-i Phi-líp nếu ông ta phản bội”. Nhưng những tiếng sau cùng vì người dự tiệc làm ồn nên không nghe rõ.

Trước tòa Ga-loa đã không nói như vậy, anh không tiếc lời công kích chính quyền. Anh nói:

- Tôi là một người Cộng hòa. Vâng, trong mấy tháng nay tôi thường có mặt trên đường phố Pa-ri và lúc nào cũng đeo vũ khí bên mình. Việc tôi đứng trước tòa ngày hôm nay là điều tất nhiên. Còn các ngươi, các người chỉ là trẻ con! Các người muốn đưa chúng tôi lên đoạn đầu đài nhưng không đủ sức mạnh để hạ lưỡi dao xuống! Chính nghĩa, sức mạnh, bất khuất là thuộc về chúng tôi, những người Cộng hòa.

Ông luật sư quá sợ cho số phận của Ga-loa đứng bật dậy can ngăn, nhưng Ga-loa khoát tay, nói to hơn:
- Hỡi những người đang cầm quyền! Các người hãy nhìn lại những hậu quả do chính mình gây ra! Các người tưởng rằng bạo động không còn nữa! Lầm to, Sác-lơ X còn cứng hơn các người nhiều!

Tuy nhiên nhờ lời lẽ sắc bén và nhờ sự tận tình của luật sư bào chữa, của các nhân chứng và một phần nữa, nhờ trong hội đồng tòa án có những người Cộng hòa nên chính quyền buộc phải thả Ga-loa.


------------------------------------------
Chú thích:
(1) “Hội bạn dân” là tổ chức của những người Cộng hòa, tách ra khỏi Đảng tự do của giai cấp tư sản thời đó. Những người này đa số thuộc tầng lớp trí thức và sinh viên, có xu hướng tiến bộ rõ rệt.
(2) Giu-đa: theo kinh Thánh là đệ tử đã phản chúa Giê-su.
(3) Cái đầu của Lu-i Phi-líp nhọn, mặt phị phía dưới trông giống trái lê. Ý nghĩa của những dòng chữ này là: Thành quả của ba ngày đổ máu chỉ là con số không.


Những chú thích của tui (dammage)
(1') Hội bạn dân : Société des Amis du Peuple
(2') (3') Lỗi từ trong sách
(4') Ba-xti : Bastille
(5') Đội cận vệ pháo binh : Artillery Guard
(6') A-ra-gô : Dominique François Jean Arago
(7') Poát-xông (Siméon Denis Poisson) và La-croa (Sylvestre-François Lacroix)
(8') Cuộc họp mặt những người Cộng hòa diễn ra ngày 9 tháng Năm năm 1831
(9') A-lếch-xăng Đuy-ma (Alexandre Dumas), Ra-xpay (François-Vincent Raspail), Ma-rát-xtơ (Armand Marie François Pascal Marrast)
(10') Đuy-pông (Dupont) còn Plát-xơ không biết, có thể là nhân vật tác giả hư cấu
 
Sửa lần cuối:

dammage

Rìu Chiến
BẢY

TRONG TÙ

- Ê! Báo mới ê! Tin tức, Địa cầu ê!
- Đổ máu chiều qua ở Ca-ru-xen, bảy chục người bị giết ở Ê-li-xê (Élysée) ê!
- Mua báo mới ê!
- Tướng Đuy-boa (1') bị bắt!
- Ga-loa bị bắt!
- Mua báo mới ê!
- Tướng Ru-dơ bị bắt!
- Ga-loa bị bắt!...

Tiếng trẻ bán báo lanh lảnh vang lên trên các đường phố Pa-ri. Dân chúng tranh nhau mua, tụm năm, tụm ba đứng đọc ngay bên lề đường. Họ bàn tán sôi nổi về cuộc biểu tình lớn hôm qua nhân kỷ niệm 42 năm ngày phá nhà ngục Bát-xti. Các đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man, nhiều thủ lĩnh và chiến sĩ Cộng hòa xuất sắc trong đó có Ga-loa đã bị bắt. Họ đều bị tống giam vào nhà tù Xanh Pê-la-gi (Sainte-Pélagie).

Xanh Pê-la-gi không còn là nhà tù lớn nhất nước Pháp mà còn là công trình xây dựng kiên cố nhất Pa-ri. Người ta đồn rằng nếu có một trận động đất lớn đến nỗi cả thành phố sụp đổ tan tành như Pom-pê-i (1)(2') mười chín thế kỷ trước thì Xanh Pê-la-gi sẽ là ngôi nhà duy nhất còn lại sau trận động đất đó.

Trong tù, cái nạn lớn nhất là rệp. Rệp nhiều đến nỗi ở đâu cũng thấy chúng mà không tài nào giết hết được. Rệp nhung nhúc hàng đàn! Cứ nằm xuống là chúng cắn bên phải, cắn bên trái, cắn dưới chân, cắn trên đầu… không sao nhắm mắt được! Rệp thường phục kích về đêm. Chúng chia thành ba đạo quân. Đạo quân thứ nhất chui từ kẽ giường, chăn đệm ra. Đạo quân thứ hai từ trong các kẽ sàn nhà kéo nhau theo chân giường bò lên. Đạo thứ ba từ trong các vết nứt của tường trèo thẳng lên trần nhà rồi buông mình nhảy xuống. Thật trời phú cho chúng cái tài định hướng giỏi đến nỗi hễ nhằm vào đâu là trúng vào đó.

Sau rệp là đến nạn chí rận. Những người tù, bất kể đàn ông đàn bà, lại được cái thú tiêu khiển là bắt chí, bắt rận cho nhau.

Không một ai thoát ghẻ lở ngứa ngáy. Ga-loa cũng chịu số phận đó. Đấy là chuyện tất nhiên thôi. Nóng tháng Bảy là thế mà có ai được tắm dù chỉ mươi ngày một lần.

*
* *​

Chánh mật thám Gít-skê (3') ngồi trong phòng làm việc của giám đốc nhà ngục Xanh Pê-la-gi.

- Ông Muy-xông ạ. Gít-skê nói. – Tôi cần nói với ông về một tên tù mới của ông, Ga-loa, ông biết chứ?
- Vâng, tất nhiên! Y mới được chở đến đây ba hôm nay. Nghe nói y là một tên Cộng hòa nguy hiểm.
- Còn hơn thế nữa ông Muy-xông à, một tên Cộng hòa cực kỳ nguy hiểm… Gít-skê kể tường tận lý lịch cũng như những hoạt động của Ga-loa. Cuối cùng y tiếp:
- Tính tình y vào loại khác đời. Khi thì bình tĩnh, nói năng rất sắc sảo và hóm hỉnh, khi lại quá sôi nổi, không tự kiềm chế được bản thân. Trong cuộc sống y thiếu kinh nghiệm, cả tin, dễ bị lừa. Y chưa hề có quan hệ yêu đương với ai. Đấy, Ga-loa là con người như thế đấy.

Muy-xông thở phào:
- Một tên phiến loạn đầu sỏ!

Gít-skê tiếp:
- Vâng, đúng thế! Y là một trong những tên cần phải trừ khử đầu tiên. Kế hoạch thế nào, tôi với ông sẽ bàn.

*
* *​

Ga-loa mang vào đây cả một phần tư cái thư viện của anh. Ngay từ hôm vào, anh thương lượng đổi giường cho một anh tùnằm ở tầng thượng, đúng góc phòng, nơi yên tĩnh hơn cả. Bất chấp cuộc sống khắc nghiệt của nhà tù, anh cắm cúi đọc sách, quên hết mọi chuyện xung quanh.

Anh em tù trong phòng rất kính nể anh và cố tạo điều kiện để anh làm việc yên tĩnh. Nhưng hôm nay, nhân ngày sinh nhật một anh bạn tù, bố mẹ anh ta mang hoa quả, rượu và đồ nhắm vào để anh em cùng chia vui. Họ phái Péc-xi là “Vua tán” đi mời “Vua toán”. Péc-xi người nhỏ nhắn, có cái cằm xẻ đôi, mắt sắc sảo và cặp môi mỏng tanh. Anh vốn là sinh viên trường Luật, tham gia cách mạng, đang đi rải truyền đơn thì bị bắt.

Péc-xi trèo lên giường Ga-loa. Ga-loa đang bóp trán suy nghĩ, chung quanh bày la liệt những hình vẽ kỳ quặc và những tính toán, những công thức dài dằng dặc kiến Péc-xi hoa cả mắt. Anh đứng khá lâu, cuối cùng cũng đánh bạo hỏi:
- Này anh bạn.

Ga-loa vẫn không ngước mắt lên. Péc-xi liền ngồi sát cạnh anh, tay đặt lên vai, tiếp:
- Này…

Ga-loa quay lại, nhìn anh ta. Péc-xi rụt rè hỏi:
-… Cậu là nhà toán học à?

Ga-loa gật đầu.

Péc-xi bắt đầu tán:
- Lạ nhỉ! Nhà toán học mà cũng phải ngồi tù à? Thật là thời buổi đảo điên! Tớ cứ tưởng người ta bắt tù chỉ vì không hiểu biết toán học. Như tớ chẳng hạn, cực kỳ dốt toán. Hồi nhỏ còn đi học, tớ sợ toán còn hơn các ông vua sợ Cách mạng! Thế mà số phận run rủi, tớ lại phải làm kế toán cho một lão nhà buôn. Tớ tính sai sổ nợ mất đứt của lão ta tám trăm quan. Tớ không thể đền được, lão phát đơn kiện thế là tớ phải vào đây! Còn cậu thì ngược lại, vì giỏi toán quá mà phải ngồi tù. Tóm lại ngày nay không nên giỏi toán quá mà cũng không nên dốt toán quá, cứ lỡ lỡ là hơn cả!

123.jpg


Ga-loa mỉm cười. Anh chàng được thế đi ngay vào câu chuyện:
- Anh bạn ơi, chả gì cũng là cùng cảnh tù tội với nhau. Hôm nay sinh nhật cậu Pôn, anh em muốn kéo cậu vào cho vui vẻ. Chả giấu gì cậu, ai cũng biết cậu và quý mến cậu.

Ga-loa nhìn xuống thấy mọi người đang tươi cười nhìn anh. Péc-xi giục:
- Xuống nhé.

Cả hai người cùng xuống. Anh em ghép mấy cái giường vào và bày thức ăn lên trên. Một chàng trai to lớn, ra dáng kẻ cả rót đưa cho Ga-loa một chén rượu vang đầy rồi lấy cho mình một chén khác. Anh ta nói:
- Nào, Ga-loa, chúc sức khỏe cậu. Chúng tớ đều biết cậu đã hô “Chúc sức khỏe Lu-i Phi-líp”. Bây giờ chúng tớ hô “Chúc sức khỏe nhà toán học Ga-loa!” Nào các bạn!

Mọi người cạn chén. Ga-loa không thể chối từ.
Chầu thứ hai mới để chúc cho Pôn, một người Cộng hòa trẻ, vừa tròn hai mươi tuổi. Rượu vào chuyện nở như bắp rang. Riêng Ga-loa vẫn chưa rời hẳn các suy nghĩ toán học. Anh chỉ trả lời các câu hỏi của bạn bè một cách uể oải.

Ga-loa chợt hỏi một anh bạn ngồi cạnh:
- Này cậu, hôm nay là ngày bao nhiêu nhỉ?

Anh này đáp:
- Hôm nay là ngày 30 tháng Mười.
- 30 tháng Mười rồi cơ à? - Ga-loa ngạc nhiên kêu lên.

Anh đã làm việc nhiều quá nên quên cả ngày tháng, quên cả ngày sinh của mình. Cách đây đúng năm hôm là ngày sinh nhật lần thứ hai mươi của Ga-loa. Anh sinh ngày 25 tháng Mười năm 1811. “À mà không biết sao mẹ và em An-phơ-rê không đến thăm và mang quà vào nhỉ? Hay ở nhà có chuyện gì?...” Ga-loa tự hỏi.

Thấy Ga-loa mặt vẫn nghệt ra, mơ màng như đang ở trên mây, Pôn ranh mãnh quyết định kéo anh về với thực tế bằng lời nói khích:

- Tớ có hai ông bác, là hai anh em ruột, cả hai đều không phải nghề toán, nhưng quan điểm hai ông hoàn toàn trái ngược nhau. Ông anh thì đề cao toán học quá mức, cho toán là chúa tể của mọi khoa học, cần cho mọi người, mọi chỗ. Người nào dốt toán thì xem như đồ bỏ đi… Còn ông em thì ngược lại, xem toán là cái nghiệp chướng. Các nhà toán học hay lý tưởng hóa mọi chuyện, đó là điều trái ngược với thực tế cuộc sống, làm cho họ thất bại trên trường đời. Ngoài ra, các nhà toán học, do tư duy phê phán quá sắc sảo, họ luôn luôn đòi hỏi mọi người. Như vậy họ dễ làm những người xung quanh mất lòng và do vậy họ thường là những người cô đơn nhất trần gian! Đó chính là bi kịch của các nhà toán học. Ga-loa, cậu nghĩ gì về quan điểm này?

Câu hỏi xóc óc này của Pôn quả đã đủ để kéo Ga-loa từ trên mây xuống. Anh nóng mặt vì cảm thấy bị xúc phạm. Tuy nhiên anh trấn tĩnh lại được, trả lời:
- Thú thực, tớ chưa đủ vốn sống để nhận thức được bi kịch của các nhà toán học. Tuy nhiên tớ có được biết một số nhà toán học rất thành đạt trong xã hội đồng thời lại rất hạnh phúc trong cuộc sống gia đình. Dù sao đi nữa, chắc chắn tư duy toán học, phương pháp toán học là cần thiết trong hầu như tất cả các khoa học khác và chắc chắn là không thừa trong cuộc sống hàng ngày. Riêng tớ, tớ mê toán cũng như một số người mê âm nhạc, số khác mê hội họa, hay có người lại mê cờ vua.

Bỗng một anh nói to:
- Tớ báo cho các cậu một tin quan trọng lắm, Ga-loa nghe tin này không khéo phải dẹp học toán.

Ga-loa vẫn lơ đãng. Anh chàng kia tiếp:
- Hiện nay, một cơn dịch tả khủng khiếp đang hoành hành ở nước Anh. Dân Anh đang chết như rạ. Các thầy thuốc đều bất lực và cũng mắc bệnh không kém gì dân thường. Nghe nói nhà vua Anh đã hốt hoảng cùng triều thần bỏ Luân Đôn chạy dài lên mãi phương Bắc. Cùng lắm chỉ mươi ngày nữa là dịch tả sẽ tràn vào đất Pháp và tàn sát dân ta cho mà xem.

Péc-xi tiếp luôn:
- Phải đấy, bây giờ ngoài đường người ta chỉ bàn mỗi chuyện dịch tả thôi. Trong cửa hàng, trên hè phố, ngoài chợ, ở công viên, trong nhà, ngoài cổng, đâu đâu cũng nói chuyện dịch tả. Thậm chí các đôi nam nữ ngồi tình tự với nhau cũng chỉ nói toàn “dịch tả”…

Một anh chen vào:
- Chào nhau bây giờ cũng là “dịch tả” nốt!

Tiếng cười rang. Anh chàng lại tiếp:
- Dân Pa-ri bây giờ có gì ngon nhất thì mang ra ăn nhồi ăn nhét cho hết đi. Những thùng rượu nho cất dưới hầm lâu năm nhất cũng đều được mang ra uống. Người ở đâu cũng no căng, say mềm. Dân Pa-ri đang đợi bệnh dịch tả như vậy đấy. Pôn còn kịp ăn mừng sinh nhật là một may mắn lớn! Còn cậu, Ga-loa, cậu nghĩ sao? Cậu có định ngồi làm toán để chờ dịch tả đến không?

Ga-loa mỉm cười trả lời:
- Tớ ấy à? Tớ cứ giải toán đấy, kể cả khi chính tớ mắc bệnh tả.

*
* *​

Ít lâu sau người ta chuyển Ga-loa đến một căn phòng mới gọn gàng, thoáng đãng hơn hẳn nơi ở trước. Trong phòng lại chỉ có hai người ở. Cửa sổ thông ra đường. Kề cửa sổ có một chiếc bàn nhỏ có thể ngồi làm việc được.

Ga-loa ngồi thừ bên bàn, anh đang muốn phát điên lên. Trước mặt anh là công trình nghiên cứu mà Viện Hàn lâm vừa gởi trả lại, kèm theo bức thư của viên thư ký A-ra-gô. Anh đọc đi đọc lại bức thư đó và không tin vào chính mắt mình nữa. Bức thư viết:

Thưa ông Ga-loa!

Công trình của ông chúng tôi đã đưa cho ông Poát-xông nghiên cứu. Lời kết luận của ông Poát-xông như sau:
“Chúng tôi đã bỏ nhiều sức lực nhằm tìm hiểu công trình của ông Ga-loa song mọi cố gắng đều vô ích. Lập luận của ông Ga-loa chưa được rõ ràng, liên tục nên chúng tôi không thể khẳng định được sự đúng đắn của nó. Vì vậy hiện nay chúng tôi chưa thể đánh giá được bản thảo này. Chúng tôi chỉ có thể làm được việc đó khi tác giả trình bày lại một cách chi tiết công trình này.”
Như vậy chúng tôi xin hoàn trả lại bản thảo cho ông. Mong ông thể theo yêu cầu của ông Poát-xông tiếp tục công việc của mình.
Chúc ông thu được nhiều kết quả hơn trong công tác nghiên cứu.

Thay mặt chủ tịch Viện Hàn lâm
Thư ký
Phơ-răng-xoa A-ra-gô
”​

Thật là bực mình! Họ không hiểu hay không muốn hiểu? Đã không muốn thì thế nào cũng có cách để nói. Viết ngắn gọn thì bảo là lý luận chưa liên tục. Còn nếu viết thành một quyển sách dày thì thế nào họ cũng kêu là “chép kiến thức cũ vào” là “ai hơi đâu mà đọc”. Thật là những người không có lương tâm. Hai lần đánh mất bản thảo của người ta, lần thứ ba thì không chịu nghiên cứu!

Thực tế, La-croa đã già và bất lực hoàn toàn trước một công trình toán học với nội dung khó hiểu và trình bày cô đọng như vậy. Còn Poát-xông, ngược lại, đã nổi danh, còn sung sức, có tinh thần trách nhiệm nhưng tiếc thay, hoạt động của ông lại thiên về toán học ứng dụng. Công trình của Ga-loa thuộc về toán học thuần túy. Vả lại, Ga-loa đã trình bày theo cái mạch tư duy độc đáo của anh nên Poát-xông không tài nào lần ra được.

- “Đoàng! Veo…eo!”

Một tiếng nổ kèm theo tiếng rít trong không khí làm Ga-loa giật mình. Cùng lúc đó là một tiếng “ối” vang lên. Viên đạn bay sượt qua tai, anh cảm thấy tai nóng bỏng. Vừa kịp định thần, anh đưa tay lên sờ tai: Vẫn còn! Hú vía. Ga-loa quay về phía có tiếng kêu: Người bạn cùng phòng của anh đã nằm gục xuống giường, trong tay còn cầm bức thư của mẹ. Một dòng máu đỏ chảy từ lồng ngực ra ướt đẫm cả áo, chảy xuống sàn nhà.

Ga-loa kinh hoàng kêu lên:
- Cứu! Cứu! Quân giết người, giết người!

Ga-loa cấm cửa thình thình. Chẳng mấy chốc anh em tù ở xung quanh đã đến đông nghẹt. Tiếp đó là mấy gã cai ngục sấn sổ đến và cuối cùng là viên giám đốc nhà ngục cũng hiện ra. Chúng rẽ anh em tù, mở cửa và ngăn không cho ai vào.

Lão chủ ngục hùng hổ quát:
- A! Thằng láo thật! Mày lại dám cả gan giết bạn tù của mày à? Tao cho mày biết bay!

Tiếng anh em tù nhao nhao lên phản đối:
- Chính các ông là kẻ giết người!
- Đã giết người lại còn vu oan cho người ta!
- Đả đảo quân giết người!
- Đả đảo! Đả đảo!

Tên giám đốc nhà tù quay ra phía anh em tù, thét:
- Ai về chỗ nấy! Không được gây rối! Nếu không ta sẽ có biện pháp! Còn thằng này! - Y hất hàm bảo Ga-loa - Theo ta!

Anh em giãn ra. Nhưng chỉ một lát sau, tù nhân trong tất cả các khám, các phòng nổi dậy đập phá đòi bọn cai ngục mở cửa. Anh em tù họp thành một cuộc biểu tình lớn. Họ thét:
- Đả đảo bọn giết người!
- Hãy thả ngay Ga-loa!
- Hãy tìm ngay thủ phạm để đưa nó ra tòa!
- Đả đảo bọn giết người!
- Hãy thả ngay Ga-loa!

Đến chiều, viên chủ ngục đã phải đích thân ra dàn xếp. Y đồng ý thả Ga-loa, hứa sẽ điều tra thủ phạm và thực hiện một số yêu sách của anh em tù nhân. Qua thái độ của bọn cai ngục đối với anh trong mấy ngày nay, Ga-loa hiểu rằng chúng đã bố trí ám sát anh. Quân hèn hạ!

*
* *​

Mùa thu. Những chiếc lá vàng cuối cùng rời khỏi cành cây trong các khu rừng bao bọc lấy Bua-la Ren.
Mảnh vườn trơ trụi phủ đầy rêu phong của ông thị trưởng quá cố ở phố Lớn, số nhà 54 lại càng ảm đạm hơn. Mới ngày nào đây, trong mảnh vườn này, hoa hồng đua nhau nở, chim choc líu lo, trẻ con nô đùa ríu rít. Giờ đây, hoa hồng đã thôi nở, chim chóc đã thôi hót, tiếng người đã vắng hẳn. Các cành cây gầy gộc run rẩy dưới những làn gió thu. Lá rụng đầy vườn vì không ai quét dọn.

Trong nhà lạnh lẽo và tối tăm. Bên cửa sổ hé mở, trong cảnh tranh tối tranh sáng, một người đàn bà đang ngồi trước chiếc dương cầm. Dáng bà tiều tụy, mớ tóc hoa râm lòa xòa trước trán. Những ngón tay gầy gò của bà chậm rãi lướt trên phím đàn. Những âm điệu ảo não vang lên như những tiếng kêu bi ai trong màn đêm mờ ảo u buồn. Rồi dường như không đủ sức ấn tiếp những nốt nhạc này, bà đặt hai tay lên bệ đàn, mắt đăm đăm nhìn ra cửa sổ.

Ông Ga-loa mất đi là một mất mát lớn không thể gì bù đắp đối với bà. Những vận đen liên tiếp của Ê-va-rít,đứa con trai yêu quý, niềm an ủi và niềm hy vọng lớn lao của bà lại gieo thêm vào lòng bà nỗi đau đớn khôn nguôi. Gần đây, chỉ nửa tháng thôi, đúng vào dịp sinh nhật của Ê-va-rít, người cha thân yêu của bà, cụ Đơ-măng-tơ vui tính, lạc quan lại qua đời. Lô-ra, con gái lớn của bà đã đi lấy chồng. An-phơ-rê vào học Trường Pháo binh ở Pa-ri. Biết bao mất mát chia ly đã chồng chất đè nặng lên đôi vai của người mẹ.

Trong giờ phút này, bà đang suy nghĩ về đứa con trai của bà. Ga-loa giờ đây đang ngồi trong nhà tù. Bấm đốt ngón tay đã ba tháng hăm bốn ngày. Sao mà thời gian lâu thế! Bao giờ người ta mới đưa nó ra xử? Và nó còn phải ngồi bao lâu nữa?...

Đầu tuần trước, bà lại vừa vào thăm con. Con bà gầy rạc, xanh như tàu lá. Cảnh nhà tù khắc nghiệt và lao động toán học nặng nề đã để lại những nếp nhăn trên trán, trên má của đứa con, đến nỗi không ai có thể biết là nó vừa tròn hai mươi tuổi. Bà thương con quá. Bà ôm chặt con vào lòng như nó hãy còn bé bỏng. Và không kìm được nữa, những giọt nước mắt nóng hổi của người mẹ đã lăn trên gò má cậu con trai.

Con bà bất khuất quá, cứng rắn quá. Chính bà là người đầu tiên đã trao cho con mình những đức tính đó. Nhưng giờ đây bà lại khuyên con nên dành cuộc đời mình cho khoa học.

- Cách mạng không bao giờ thích hợp với con. Đó là con đường nguy hiểm, con à. – Bà mẹ nấc lên.
Ê-va-rít đã tìm hết lời để an ủi mẹ…

Bỗng tiếng chuông rung lên làm bà sực tỉnh. Bà ghé mắt nhìn qua cửa sổ, thấy cô Mác-ga-rít, em gái của bà ở Pa-ri chợt đến. Chắc có tin gì mới? Bà vội vàng xuống thang gác mở cửa:
- Chào chị Ma-ri, chị vẫn khỏe chứ?
- Chị vẫn khỏe. Có tin tức gì mới không em?
- Có. Chúng ta hãy vào nhà, em sẽ kể đầu đuôi.

Bà nhanh nhẹn đi pha nước trà. Mác-ga-rít ngồi vào bàn thong thả nói:
- Sáng hôm kia người ta đã mở phiên tòa xét xử Ê-va-rít chị ạ.
- Thế nào, xử rồi à? Tù bao lâu? - Bà Ga-loa sốt sắng hỏi.
- Chín tháng tù chị à, kể cả thời gian tạm giam. Cháu tuy gầy nhưng cũng khỏe.

Mác-ga-rít thuật lại đầu đuôi phiên tòa cho chị nghe. Ê-va-rít vị (4') xử chung với Đuy-sát-lê (5'), người đồng đội cùng cầm đầu một đoàn biểu tình và cùng bị bắt ở cầu Mới. Trước phiên tòa, cả hai đều lớn tiếng ca ngợi lý tưởng Cộng hòa và công kích chính quyền không tiếc lời.

Cuối cùng cô nói:
- Nhưng chị Ma-ri à, có một điều em không hiểu là tại sao Đuy-sát-lê chỉ bị kết án rất nhẹ trong khi hoạt động của hai người suy cho cùng thì chưa chắc ai đã hơn ai.

Bà Ga-loa không đáp, bà trầm ngâm suy nghĩ.

*
* *​

Tuyết đã tan hết, bầu trời tươi sáng dần. Những cây anh đào trong sân bắt đầu nhú nụ. Không khí đượm hương xuân. Những tia nắng đầu mùa chiếu tỏa khắp nơi, khơi động lòng người, gợi lên trong họ những ước vọng, niềm vui và cả những nỗi buồn.

Hè qua, thu đến, xuân sang. Thấm thoát đã tám tháng rưỡi Ga-loa phải chịu cảnh cá chậu chim lồng. Chỉ mười tám ngày nữa thôi, mười lăm tháng Tư, anh sẽ được hoàn toàn tự do, sẽ mãn hạn tù! Anh lại còn may mắn hơn là trước khi ra tù, được viên chủ ngục cho đi dưỡng bệnh hai tuần tại bệnh viện do ông Phôn-tơ-ri (6') quản lý, số nhà 86 phố Lua-xanh. Ga-loa không hề biết đây là bệnh viện của Sở Mật Thám. Và cũng không hề biết những cạm bẫy sẽ cài sẵn anh ở đó.

Mười tám ngày nữa anh sẽ tự do, sẽ gặp lại những người bạn chiến đấu đã ra tù hoặc chưa bị sa lưới, sẽ tiếp tục các công trình toán học đang làm dở… Ôi, tự do! Tự do sẽ đến! Tất cả sẽ ở trong hai chữ tự do!

Ga-loa ngừng viết, phóng tầm mắt qua cửa sổ nhìn lên bầu trời xanh của tự do và nhìn xuống con đường nhỏ men theo tường nhà tù. Anh chợt nhớ tới câu chuyện đã làm anh bồi hồi.

Đêm qua, trên con đường nhỏ đó, một đôi bạn trẻ đã dắt tay nhau đi đi lại lại, thủ thỉ nói chuyện với nhau. Mười một giờ nhìn qua cửa sổ, anh thấy họ. Rồi khi chuông đồng hồ điểm hai giờ sáng, anh trở mình nhìn ra đường vẫn thấy họ. Không biết họ nói gì mà nhiều thế! Thế rồi sáu giờ sáng, Ga-loa bừng tỉnh mở mắt nhìn xuống, vẫn đôi trai gái ấy! Và rồi, họ cứ bịn rịn không muốn rời nhau.

Câu chuyện tình yêu của đôi trai gái đã thức dậy trong anh một khát khao. Tình yêu, đó là một thế giới hoàn toàn xa lạ đối với anh. Anh chưa bao giờ nghĩ đến. Bất giác, anh hình dung ra một cô gái duyên dáng xinh tươi, hiểu anh, thông cảm với anh… Ôi tự do! Tình yêu cũng sẽ ở trong tự do…


------------------------------------------
Chú thích:
(1) Pom-pê-i: Một trung tâm văn hóa Cổ La Mã bị động đất vùi năm 78.

Những chú thích của tui (dammage)
(1') Đuy-boa : Dubourg
(2') Pom-pê-i : Pompeii
(3') Gít-skê : Henri Joseph Gisquet
(4') Lỗi từ trong sách
(5') Đuy-sát-lê : Ernest Duchâtelet
(6') Phôn-tơ-ri : Poterin
 
Sửa lần cuối:

dammage

Rìu Chiến
TÁM

LỜI THÁCH THỨC KHÔNG THỂ CHỐI TỪ

Sáng nay Ga-loa lại dậy sớm. Sau khi thu dọn qua loa trong phòng, rửa mặt, anh ngồi vào bàn và kéo quyển sách toán ra đọc. Nhưng anh không tài nào hướng được sự chú ý vào cuốn sách. Anh mỏi cả mắt trông đợi một người.

Trong thời gian dưỡng bệnh sau khi ra tù ở bệnh viện ông Phôn-tơ-ri anh thấy một cô bệnh nhân xinh đẹp thường thấp thoáng qua lại trước cửa. Anh rất muốn làm quen với cô ta nhưng không biết bằng cách nào. Mà cô ta thì rõ ràng để ý đến anh. Thế rồi một hôm có lẽ đã quá sốt ruột, cô ta xông vào phòng anh, tươi cười hỏi:
- Anh có sách hay cho em mượn một cuốn.

Giọng cô ta thật ngọt ngào! Ga-loa lúng túng, anh đáp:
- Tôi… tôi chỉ có sách toán không có truyện…

Anh không biết nói gì nữa. Cô tiếp, vẫn giọng dịu ngọt, hơi uốn éo ấy:
- Rất tiếc.

Ga-loa lại càng lúng túng hơn, anh cứng lưỡi. Cô ta lại tiếp:
- Em có thể ngồi xuống đây được không?

- Vâng, vâng… Tất nhiên.

Và thế là họ quen nhau. Cô gái tên là Xuy-gian (1'). Cô ta kể lại là đã biết tiếng và khâm phục Ga-loa từ trước. Hai người càng ngày càng thân nhau hơn. Xuy-gian ra viện trước, thường mang bánh kẹo, hoa quả đến thăm Ga-loa. Khi hết hạn tù, anh trở về thăm mẹ có một tuần rồi trở lại Pa-ri. Anh gặp Xuy-gian luôn. Bỗng mấy hôm nay, không hiểu sao cô nàng không đến đây nữa. Cô ta ốm chăng? Hay gia đình gặp chuyện gì không may? Hay cô ta đã gặp một chàng trai khác hơn ta? Điều này thì không thể có được… Trăm ngàn câu hỏi giày vò tâm trái Ga-loa…

Bỗng có tiếng gõ cửa. Ba tiếng “cạch, cạch, cạch” to, quả quyết, Ê-va-rít đứng bật dậy, nhanh nhẹn ra mở cửa.

Trời, đúng là Xuy-gian!

Nhưng tại sao nàng ủ dột thế kia, lạnh lùng thế kia? Xưa nay bao giờ nàng cũng tươi vui và sôi nổi cơ mà!

- Xuy-gian, có việc gì xảy ra với em thế? - Vừa nói anh vừa kéo ghế mời cô ta ngồi.

Xuy-gian không trả lời. Cũng khuôn mặt ấy, cũng cặp mắt ấy nhưng cái vẻ dễ thương hồi nào đã bay đâu mất… Nhất định phải có chuyện gì quan trọng. Ga-loa bối rồi, anh gặng hỏi:
- Nào Xuy-gian, có chuyện gì vậy? Có chuyện gì xảy ra với em thế?

Xuy-gian nói bằng một giọng the thé đầy vẻ thách thức:
- Ê-va-rít ạ, có lẽ đã đến lúc phải chấm dứt vở kịch của tôi với anh. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Bây giờ tôi phải cho anh biết rằng, tôi đã là người tình của một chàng trai khác chứ không phải là của anh. Người đó hơn một tháng nay đi vắng. Và tôi đến với anh chẳng qua để vớ vẩn cho đỡ buồn. Vài hôm nữa người tình của tôi sẽ về. Vì thế tôi phải đến từ biệt anh.

Ga-loa như bị chạm vào một nguồn điện. Những lời nói của Xuy-gian như một mũi dao nhọn xuyên qua tim anh. Có phải Xuy-gian là một đứa lừa đảo, một con rắn độc không? Anh lắp bắp:
- Không! Không! Không thể thế được!

Toàn thân anh run lên, hai hàm răng đánh vào nhau.
Xuy-gian đứng bật dậy, bước nhanh ra khỏi phòng, đóng sầm cánh cửa. Còn lại một mình trong phòng, Ga-loa cứ đứng đờ ra như thế. Nỗi uất ức vượt quá giới hạn đã làm toàn thân anh tê dại.

*
* *​

Năm ngày trôi qua.
Thất vọng. Buồn.
Nhưng Ga-loa đã quen chịu đựng. Tấm thân mảnh khảnh này đã trải bao cơn sóng gió của cuộc đời! Anh lại có bạn để chia sẻ nỗi lòng. Bức thư viết cho Sơ-va-li-ê đã làm anh nhẹ nhõm được nhiều. Thật như người ta thường nói “Đau khổ chia đôi. Đau khổ còn một nửa”. Một niềm an ủi, một liều thuốc hiệu nghiệm để hàn gắn vết thương của anh nửa là toán học…

Bỗng có tiếng gõ cửa, Ga-loa ra mở.

- A! Đuy-sát-lê thân mến! Thật mãi từ ngày cậu được thả bây giờ tớ mới gặp. - Giọng vui mừng của Ga-loa chuyển sang dè dặt vì bắt gặp cái nhìn lạnh lùng, khó hiểu của bạn.

Đuy-sát-lê mặt rơ-đanh-gốt (1) (2') đen, đội mũ trụ đi với một người lạ mặt cũng ăn mặc sang trọng. Người này có một vết sẹo lớn ở má bên phải. Khi hai người vào nhà, Đuy-sát-lê giới thiệu:

- Đây, ông Ga-loa, còn đây là ông Grô-men. – Vẻ lạnh lùng, Đuy-sát-lê nhìn thẳng vào mắt Ga-loa. – Ông Ga-loa à, như ông đã biết, cô Xuy-gian Éc-ga-ri là người tình của tôi. Thế mà trong thời gian tôi vắng mặt, ông đã lấy cớ là bạn tôi lân la tìm đến và tìm mọi cách để chiếm đoạt nàng. Vuốt mặt ông phải nể mũi chứ! Còn tệ hơn nữa, mới đây, trước sự cự tuyệt của nàng, ông đã mắng nhiếc và sỉ nhục nàng. Sỉ nhục nàng tức là sỉ nhục tôi, vết nhục đó chỉ có thể rửa bằng máu. Vì vậy: tôi thách ông!

Đuy-sát-lê nhấn mạnh ba tiếng cuối cùng đồng thời rút chiếc găng tay trắng ném mạnh ra bàn, dấu hiệu thách thức quyết đấu.

Ga-loa lặng người đi vì kinh ngạc. Ghê thật, một ả đàn bà quỷ quyệt ranh ma! Cần ngăn chặn ngọn lửa hận thù mù quáng của chàng trai này. Anh cố tình lấy giọng ôn tồn khuyên giải:
- Ông Đuy-sát-lê, ông hãy nghe tôi, xin lấy danh dự mà thề rằng, đây là lần đầu tiên tôi được biết cô ta có quan hệ với ông.

Giọng anh run run. Trời, biết nói sao đây! Nói cho họ biết Xuy-gian là một đứa lừa đảo, một con ả đàn bà nham hiểm ư? Ai tin! Họ sẽ còn cho là hèn nhát lấp liếm tội lỗi. Hơn nữa, vạch tội người thân của họ thì khác nhào đổ thêm dầu vào ngọn lửa thịnh nộ của người ta. Anh tiếp:
- Tôi rất tiếc và sẵn sàng xin lỗi.

Gã mặt sẹo liền tuôn ngay một tràng dài những lời sỉ nhục Ga-loa đến nỗi Đuy-sát-lê cũng cảm thấy ngạc nhiên. Còn Ga-loa nghe những lời đó, lòng tự trọng của anh trỗi dậy. Vốn là con người kiêu hãnh, được giáo dục theo tinh thần của các hiệp sĩ thời phong kiến và Cổ Hy Lạp là danh dự còn cao hơn mạng sống, anh không thể để cho danh dự bị chà đạp đến mức ấy. Sự kiên trì cũng phải có giới hạn. Anh tuyên bố:
- Tôi nhận lời!

Anh nói dõng dạc và quả quyết, đồng thời đứng nghiêm theo lối nhà binh. Đuy-sát-lê lên tiếng:
- Thế là xong. Cuộc quyết đấu sẽ được tiến hành. Ông Grô-men đây sẽ là nhân chứng của tôi. Mong ông tự chọn gấp cho mình một nhân chứng để họ có thể gặp nhau ấn định ngày giờ của cuộc đấu.
Nói xong, hai người gật đầu chào nhau và lui ra.

Ga-loa bàng hoàng đứng sững lại một mình trong phòng. Anh như vừa qua một giấc chiêm bao.

Những tia nắng xuyên qua cửa sổ, hắt bóng mấy cành cây rung rinh nhảy múa trong phòng. Anh mở toang cửa kính, một luồng gió mát tràn vào. Qua khung cửa, anh thấy dưới đường, bên vỉa hè mấy em nhỏ đang chơi lò cò, các bà mẹ đang xếp hàng mua cà chau, một tốp nữ sinh đang đi tới, mặt tươi như hoa, miệng ríu ra ríu rít. Ôi! Đời đẹp quá! Anh chạnh nhớ đến thời thơ ấu ở Bua-la Ren. Trong quãng đời đầy bất hạnh vừa qua những khi hồi tưởng lại tuổi thơ ấy, trong lòng anh lại rộn lên một niềm yêu đời, một nguồn an ủi.

Thế mà giờ đây sự sống của anh chỉ còn phó thác cho may rủi. Mà may thì quá ít rủi thì quá nhiều. Anh còn lạ gì dus, nó là xạ thủ số một. Anh sẽ chết ư? Có thể thế chăng? Ngày mai, ngày kia… các em nhỏ vẫn cứ nhảy lò cò, các bà mẹ cứ xếp hàng mua cà chua, các nữ sinh cứ ríu rít đi qua đây… Còn anh, anh sẽ không còn nữa…

Trời, cái chết thật là vô nghĩa! Với một đấng nam nhi thì chết có sá chi! Chỉ chết vì công ích cho đất nước, cho nhân loại sẽ trở thành bất tử. Còn đây, anh chết vì một sự vu khống mà người đời nay và mai sau có thấu hiểu cho anh chăng! Những chân trời khoa học đang rộng mở trước mắt anh, ước mơ lớn đang chờ anh, những chiến công trong khoa học đang chờ anh… các đồng đội Cộng hòa, Đội cận vệ pháo binh…

Bỗng có tiếng gõ cửa cắt ngang mạch suy nghĩ của anh. Ga-loa chưa kịp quay lại thì vị khách đã tự mở cửa bước vào.

- Trời, Ăng-đrê!
- Ái chà chà chà chà! Được gặp lại nhà bác học và là nhà yêu nước thật còn gì sung sướng hơn, Ăng-đrê đã chào bạn như vậy. Anh chàng lúc nào cũng có thể cười cợt.

Anh ta là bạn mới của Ga-loa, quen nhau trong thời gian dưỡng bệnh ở nhà thương ông Phôn-tơ-ri.

Điệu bộ và cử chỉ Ăng-đrê có vẻ không đàng hoàng. Cung cách, lời ăn tiếng nói có cái gì đó giả tạo. Ga-loa cũng cảm nhận được điều đó nhưng anh chậc lưỡi: “Kệ, mình cũng chỉ quan hệ qua quýt thôi, ăn đời ở kiếp gì với nó đâu mà sợ”. Nhưng anh không thể ngờ được một điều là Sở Mật thám đang triển khai một kế hoạch hãm hại anh.

- Ồ, Ăng-đrê! Hay quá! Tớ đang cần cậu! Tớ rơi vào một tình huống cực kỳ khó gỡ cậu ạ…
- Gì vậy? Gì vậy? Có gì mà quan trọng vậy? Ăng-đrê vẫn giữ cử chỉ vồ vập ấy.
- Đầu đuôi là thế này, Xuy-gian là một đứa nguy hiểm…
- Thì bọn đàn bà đứa nào mà chả nguy hiểm… Nhưng nguy hiểm là nguy hiểm ra làm sao? Ăng-đrê vẫn tiếp tục cười cợt.
- Ả đã lừa tớ, ả nói rằng ả đã có người tình khác và quen tớ chẳng qua là để vớ vẩn cho đỡ buồn.
- Thế thì càng tốt chứ sao! Cánh đàn ông chỉ sợ bọn đàn bà nó túm chứ nó thả thì cậu phải mừng mới phải…

Thấy bạn nghiêm mặt, Ăng-đrê thôi đùa. Ga-loa tiếp:
- Thế rồi sáng nay, vừa cách đây khoảng nửa tiếng thôi, hai thanh niên xuất hiện, một người là Đuy-sát-lê, trước đây gần nhự bạn tớ, thách tớ quyết đấu với lý do đã sỉ nhục người tình của cậu ta. Bây giờ việc quan trọng nhất là tớ cần người để làm nhân chứng! Cậu có thể đảm nhiệm việc này chứ?
- Chuyện chẳng lành, tớ thật lo cho cậu Ê-va-rít à. Nhưng thôi, việc trước mắt là phải giúp cậu, tớ xin nhận lời. Việc này không được chậm trễ. Bên đối phương có nhân chứng rồi chứ?

Ga-loa đưa cho Ăng-đrê tờ danh thiếp:
- Đây, địa chỉ của nhân chứng đối phương đây.

Ăng-đrê cầm lên xem, nói:
- Hóa ra là người này. Tớ có biết. Thôi tớ đi đây.

Ăng-đrê chạy luôn.

Gần bốn giờ chiều, Ăng-đrê quay về báo cho Ga-loa biết mọi sự đã xong xuôi, cuộc đấu sẽ bắt đầu vào sáu giờ sáng ngày mai.

Ga-loa nhìn đồng hồ quả quýt, lẩm bẩm:
- Còn mười bốn tiếng đồng hồ nữa thôi.

Anh nói với Ăng-đrê:
- Thôi, cám ơn cậu. Bây giờ cậu đi lo liệu mọi việc, tớ cần phải ở nhà một mình. Sáng mai tới đây dẫn tớ đến địa điểm.

Với thời gian còn lại, Ga-loa phải làm xong mọi việc để phòng có mệnh hệ nào khỏi ân hận. Anh phải viết thư cho những người bạn thân nhất và những người đồng chí của mình, phải viết lại những kết quả nghiên cứu quan trọng nhất.

Anh ngồi vào bàn, trước hết anh viết thư cho những người yêu nước:

Pa-ri ngày 20 tháng Năm năm 1832

Thư gởi tất cả những người Cộng hòa.
Tôi tha thiết mong những người bạn yêu nước đừng buộc tội tôi vì đã không hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc. Tôi đã chết oan vì một ả đàn bà. Một sự vu khống tàn nhẫn đã dập tắt cuộc đời tôi.
Ôi! Sao lại phải chết vì một điều không đâu như vậy! Chết vì điều mà chính mình khinh ghét.
Danh dự đã không cho phép tôi báo tin này cho ai.
Tôi mang xuống mồ một lương tâm chưa hề bị hoen ố bởi một sự lừa dối nào và một dòng máu trong sạch không gợn chút vẩn đục nào của một người yêu nước.
Xin vĩnh biệt! Tôi đã có một phần đóng góp công sức cho sự nghiệp chung của chúng ta
Xin đừng buộc tội kẻ đã giết tôi. Người ta không có lỗi.


Ê. Ga-loa”​

Tiếp đó anh viết một bức thư nữa cho hai người bạn đồng đội

Thư gởi H.L và Đ.B
Pa-ri ngày 29-5-1832


Hai bạn thân mến.
Có hai người yêu nước thách tôi đấu súng… Tôi không thể thoái thác được. Xin lỗi vì tôi không thể để các bạn biết. Tôi đã thề danh dự với đối phương là không được để lộ với bất cứ ai trong số những người yêu nước. Nhờ hai bạn khẳng định dùm tôi rằng, tôi đấu súng ngoài ý chí, nghĩa là tôi đã tìm mọi cách để tránh, để dàn hòa mà không có kết quả. Rằng tôi không biết lừa dối trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trường hợp này.
Đừng quên tôi nhé! Số phận đã không cho phép tôi sống đến lúc để tổ quốc biết đến tên tôi.


Bạn của hai bạn.
Ê-va-rít Ga-loa.

Sau đó, anh bắt tay vào viết ngay bức thư cho Ô-guýt. Anh định sẽ ghi lại tất cả những gì quan trọng nhất trong số những phát minh của anh.

155.jpg


Gởi Ô-guýt Sơ-va-li-ê.
Ngày 29 tháng Năm năm 1832


Bạn thân mến.
Mình đã khám phá ra trong giải tích nhiều điều mới mẻ. Có những vấn đề liên quan đến lý thuyết phương trình, một số vấn đề khác liên quan tới các hàm số được xác định bởi phép lấy tích phân…


Và cứ thế anh viết lia lịa những gì có trong tiềm thức, anh có thể hình dung ra một cách cự kỳ trong sáng mạch lạc. Anh viết rất nhanh, chữ nguệch ngoạc. Khổ một nỗi là tốc độ viết quá chậm so với tốc độ dòng suy nghĩ. Anh viết quên cả thời gian, viết không ngẩng đầu lên nữa. Anh chỉ đứng dậy khi phải thay nến. Thỉnh thoảng ngoài lề anh viết những dòng chữ nguệch ngoạc: “Xin lỗi, chỗ này tôi viết quá vắn tắt vì không đủ thời gian nhưng những điều này là chắc chắn”.

Anh cố gắng viết những vấn đề quan trọng nhất nhưng không thể nào trình bày một cách đầy đủ được. Có đoạn anh viết:

“Trời ơi! Kết quả nghiên cứu của tôi trong lĩnh vực này thật làm sao kể xiết! Giá tôi có thời gian!”

Tiếng ngòi bút cứ sột soạt đều đều trên trang giấy. Trí óc anh lúc này trở nên minh mẫn lạ thường! Anh nhìn thấu vào những cấu trúc lô-gích phức tạp và sâu sắc nhất, chỉ tiếc một điều là quá ít thời gian.

Chuông đồng hồ điểm ba tiếng. Anh ngừng tay. Nói chung anh đã chép ra những phát minh quan trọng nhất. Anh kết thúc bức thư:

“Ô-guýt thân mến, cậu hãy cho đăng bức thư này vào tạp chí Bách khoa. Trong cuộc đời, có những lần mình đã tự cho phép tuyên bố những điều chưa được thẩm tra kỹ lưỡng, nhưng những vấn đề mình viết ra đây đã nằm trong đầu mình gần một năm nay, mình đã nghiệm đi, thử lại và biết đích xác là không thể lầm lẫn ở chỗ nào được nữa. Cậu hãy hỏi ý kiến của Gia-cô-bi và Gau-xơ (Gauss) nhưng không phải để biết đúng hay sai mà để biết tầm quan trọng của vấn đề này.
Mình tin tưởng là rồi đây sẽ có người hiểu, đánh giá và trình bày lại một cách tuần tự đống kiến thức hỗn độn này.


Bạn thân mến
Ê. Ga-loa”

Anh đếm lại số trang giấy đã viết và đánh số cẩn thận. Trang cuối cùng, có chữ ký của anh là trang sáu mươi hai. Anh đã viết một mạch sáu mươi hai trang trong vòng mười ba giờ đồng hồ! Bây giờ anh mới cảm thấy cánh tay phải rã rời. Anh duỗi ra co vào một cách khó khăn. Đã hơn ba giờ sáng. Bây giờ cần phải nghỉ một lát để có đủ sức lực và minh mẫn cho cuộc đấu súng. Dù sao cũng đừng bóp chết mọi hy vọng! Chà giá mà an thắng! Ai biết được điều đó! Ga-loa tắt nến đi nằm. Anh cố nhắm mắt, thở đều và xua đi mọi dòng suy nghĩ nhưng làm sao mà ngủ được! Anh trăn trở mấy lần. Khi đồng hồ điểm bốn tiếng, anh quyết định dậy tập thể dục qua loa và đi tắm nước lạnh để cho đầu óc được tỉnh táo. Khi trở vào, Ăng-đrê đã ngồi chờ sẵn bên bàn. Họ ra đi lúc Pa-ri còn chìm trong giấc ngủ. Trên đường phố thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài người quét đường hoặc dăm ba người sửa soạn bán quà sáng.

Địa điểm được chọn làm nơi đấu súng là một khoảng rừng thưa cạnh hồ Gla-xi-ê ở ngoại ô Pa-ri, cách làng Giăng-ti không xa lắm. Khi Ga-loa tới nơi, Đuy-sát-lê cùng nhâ chứng của anh ta đã đứng sẵn ở đó.

Ăng-đrê sải ba mươi hai bước chân để xác định cự ly trong khi Gro-men cắm hai cây cờ nhỏ để làm mốc. Xong đó, các đấu thủ bước ra bắt thăm. Đuy-sát-lê cầm tờ giấy lên giở ra đọc:
- Quyền chọn chỗ đứng.

Ga-loa cầm tờ giấy còn lại mở ra đọc:
- Quyền chọn súng.

Anh bước lại chỗ cái tráp có hai khẩu súng và không lưỡng lự, anh cầm khẩu ở vị trí thuận tay hơn. Đuy-sát-lê chọn hướng đông để tránh chói mắt mặc dù lúc đó mặt trời chưa mọc. Sau đó, hai người lui ra đứng cạnh hai cây cờ nhỏ. Hai nhân chứng cũng đứng ở chỗ qui định. Ăng-đrê hô to:
- Chuẩn bị!

Hai đối thủ cởi phăng áo khoát vứt xuống đất.
- Bước! Ăng-đrê hô tiếp.

Cả hai lăm lăm khẩu súng trong tay và bước từng bước theo từng tiếng hô đanh, gọn của nhân chứng. Đuy-sát-lê cao lớn, bước những bước dài, chắc chắn, tự tin. Ga-loa người nhỏ nhắn, bước rụt rè hơn. Cả hai đều đã sử dụng thành thạo súng ngắn. Ga-loa học bắn súng từ ngày phục vụ ở đội cận vệ pháo binh. Đến bước thứ bảy, Ga-loa đã nâng súng lên và khi vừa đặt chân của bước thứ tám xuống, anh nhanh nhẹn xoay người, hướng thẳng nòng súng vào mục tiêu, nheo mắt ngắm… Đuy-sát-lê làm các động tác đó chậm hơn Ga-loa khoảng một phần mười giây nhưng có phần bình tĩnh, gọn gàng hơn.

Ga-loa xiết cò. Một tiếng nổ chát chúa vang lên làm chim chóc hốt hoảng bay nháo nhác.

161.jpg


“Trúng rồi!” qua làn khói, Ga-loa nhìn thấy Đuy-sát-lê khựng lại, lảo đảo… Nhưng không… Anh ta đã lấy lại tư thế, bậm môi hướng thẳng nòng súng về phía Ga-loa… Theo luật đấu súng, Ga-loa có bổn phận phải nhận phát đạn của đối phương. Mặt khác anh có quyền dùng súng ngắn để che chỗ hiểm yếu nhất trên cơ thể. Vậy mà Ga-loa hoàn toàn không nhớ điều này. Khi Ga-loa kịp nhận ra là súng đã nổ thì anh cảm thấy đau nhói ở bụng. Anh đặt bàn tay trái lên chỗ đau. Máu đã ướt đẫm bàn tay qua các kẽ ngón tay tràn ướt cả áo. Anh nhăn mặt, lảo đảo chao mình rồi ngã khuỵu, úp mặt xuống đất.

Ăng-đrê, Grô-men và cả Đuy-sát-lê nữa chạy lại phía Ga-loa. Ăng-đrê lật ngửa Ga-loa:
- Chưa nói đến sức phá của viên đạn chỉ vì mất máu anh ta cũng đủ chết trong vòng nửa tiếng nữa. Đề nghị hai ông rời khỏi nơi này, tôi sẽ lo liệu.

Hai người gật đầu chào và ra về. Khi chiếc xe ngựa chở họ đi khuất sau rặng thông xa xa, Ăng-đrê đưa mũi giày vào cằm Ga-loa lật cho mặt anh ngay ngắn rồi lẩm bẩm:
- Ngày mai, các báo sẽ đưa tin “chiến sĩ Cộng hòa sôi nổi Ga-loa đã chết trong một trận đấu súng”. Công việc của ta thế là đã hoàn thành tốt đẹp, chiều nay có thể lãnh năm trăm quan tiền thưởng của ngài chánh mật thám Gít-skê.

Ăng-đrê thu dọn mọi thứ rồi bỏ mặc Ga-loa nằm đó, lên xe ngựa ra về. Song y đã lầm, Ga-loa chưa chết.

Gần một giờ trôi qua, Ga-loa tỉnh lại, thấy mình nằm trơ trọi trên thảm cỏ đẫm sương, anh dần dần nhớ lại mọi chuyện xảy ra và nhớ rằng ăng-đrê hứa sẽ cứu chữa nếu anh chỉ bị thương. Anh thu hết sức cất tiếng gọi:
- Ăng…drê…ê…ê…!
Không có tiếng trả lời.
- Ăng…drê…ê…ê…!

Đáp lại lời anh chỉ có tiếng vọng của núi rừng. Anh khát cháy cổ, vết thương đau nhói. Anh không đủ sức dù chỉ để nhắc cánh tay lên.

Ga-loa thấm nỗi niềm cay đắng của một kẻ bị phản bội. Anh cắn răng nén đau, nỗi đau tự trong tim, nỗi đau trước một sự thật phũ phàng. Anh ngất lịm đi.

Hai giờ sau, một bác nông dân đi rừng bắt gặp cái xác người nằm ngửa. Bác thận trọng xem xét và biết anh ta tử thương sau một trận đấu súng. Thấy người hãy còn ấm, bác tức tốc lấy xe ngựa đưa anh vào nhà thương Cô-sen (3') ở cách đó năm dặm.

Giữa trưa Ga-loa tỉnh dậy. Anh thấy mình nằm trong một chiếc giường trải vải trắng của bệnh viện. Bác sĩ đã mổ gắp các mảnh đạn, rửa và băng bó vết thương cho anh. Mùi ê-te và mì cồn thoang thoảng dễ chịu. Chung quanh anh là một màu trắng tinh khiết và tươi mát: tường trắng, trần trắng, nền trắng, bàn ghế trắng và một chị y tá mặc quần áo trắng đầu đội mũ choàng trắng ngồi cạnh đó. Thấy anh hé mở mắt, chị tươi hẳn lên vội vã chạy đi gọi bác sĩ.

- Nư... ớ… ớ…c - Anh yếu ớt gọi.

Bác sĩ ra hiệu cho chị y tá đưa cho anh nhấp một hớp nước cho đỡ khô cổ, rồi ôn tồn bảo:
- Anh cố chịu đựng. Mai thế nào cũng sẽ đỡ hơn.

Ga-loa nhếch một nụ cười nặng nề, gượng gạo. Viên bác sĩ lại hỏi:
- Tên anh là gì?
- Ga-lo…a…a.
- Anh cần gặp người nhà không?

Ga-loa khẽ gật đầu.

- Tên và địa chỉ?
- An-phơ-rê Ga-loa, Trường Pháo binh…

Bác sĩ ghi vào một tờ giấy. Ông gấp tờ giấy lại rồi bảo anh:
- Bây giờ anh phải nghỉ.

Rồi ông lui ra.
Còn lại một mình, Ga-loa bắt đầu hồi tưởng lại những sự việc xảy ra trong thời gian qua. Từ ảo tưởng tình yêu, sự lừa dối và vu khống của ả Xuy-gian đến thái độ gay gắt của gã mặt sẹo Grô-men, hành động phản bạn hèn hạ của tên ăng-đrê… Rồi anh nghĩ lần về phía trước chút nữa… Đuy-sát-lê, người bạn cũ được thả trước anh ba tháng. Phải rồi, Đuy-sát-lê cũng bị lừa dối.

Ga-loa đã thừa đủ bằng chứng để khẳng định rằng Xuy-gian, ăng-đrê, Grô-men là người của Sở mật thám. Bọn chúng đa giăng bẫy để hãm hại anh.

Thật là đê tiện! Giết một người như anh hoàn toàn không khó, nhưng bọn chúng sợ phản ứng của dư luận.
Còn anh, anh đã thiếu cảnh giác, để đến nỗi phải sa bẫy của chúng.

Trời! Chính quyền nhà vua đã không đủ can đảm để công khai giết hại những người yêu nước như anh, chúng phải lén lút hạ sát. Hèn hạ làm sao!

Trước mắt anh hiện lên hình ảnh người cha. Người đã để lại những dấu vết sâu sắc trong tính cách và chí hướng của anh. Nếu không kể đến lầm lỡ này thì phần lớn anh đã hành động đúng với lòng mong muốn của Người, chỉ tiếc là không còn được tiếp tục thực hiện trọn vẹn nó. Rồi gương mặt âu sầu của người mẹ… Liệu bà có qua nổi cơn đau khổ này không? Bao nhiêu tai ương đổ lên đầu người mẹ tội nghiệp của anh! Anh thật có tội lớn đối với mẹ, đã gây đau khổ cho bà, đã quá ít quan tâm chăm sóc bà… Ước gì được sống tiếp, anh sẽ làm tất cả để mẹ anh được sung sướng trọn đời… Anh quặn đau vì thương cha, thương mẹ.

Khoảng bốn giờ chiều thì An-phơ-rê đến. Chú em hốt hoảng ngồi sụp xuống bên giường, cầm lấy tay anh lay gọi:
- Anh Ê-va-rít ơi, ai đã giết anh? Ai đã bắn anh?

Ê-va-rít nói yếu ớt. Phải lâu lắm anh mới nói rõ được ba tiếng:
- Chuyện... dài… lắm…
- Anh nói đi! Ai? Em thề sẽ trả thù choa nh, dù chết em cũng phải trả thù cho anh - Hai dòng nước mắt An-phơ-rê chảy dài. – Nào, anh nói đi! - An-phơ-rê nghiến chặt răng tránh tiếng nấc.
- Người bắn anh… không có… lỗi… Kẻ… thực… sự… giết… anh… chính… là… mật… thám… nhà… vua… em… hãy… nhớ… lấy… mối… thù… này…

Ga-loa không nói được nữa. Cặp mắt anh trở nên đờ đẫn. Anh thở thoi thóp. An-phơ-rê úp mặt vào tay anh, khóc rống lên, gào qua tiếng nấc:
- Anh! Anh đừng chết! Đừng chết…

Ê-va-rít thu hết sức tàn nói với em những lời cuối cùng:
- Em… đừng… khóc… An-phơ-rê! Đừng… khóc… anh… cần… có… đủ… nghị… lực… để… chết… ở… tuổi… đời… hai… mươi…

Bác sĩ đỡ An-phơ-rê dậy, bảo:
- Cậu nên ra ngoài. Anh cậu bây giờ cần yên tĩnh, không nên kích động.

An-phơ-rê đi ra vừa khóc vừa nói như van nài bác sĩ:
- Bác sĩ ơi! Tôi van ông! Bằng bất cứ giá nào, hãy cứu lấy anh tôi…

Anh nghẹn ngào không nói tiếp được nữa.
Bác sĩ xúc động dìu anh ra ngoài.
Suốt đêm, Ga-loa mê man bất tỉnh.

Tám giờ sáng ngày 31, bác si bắt mạch và bảo những người xung quanh trong số đó có An-phơ-rê:
- Mạch rất yếu, anh ấy không sống được bao nhiêu nữa!

An-phơ-rê ôm ngực nấc lên.
Chín giờ sáng, Ga-loa tỉnh lại, anh cảm thấy minh mẫn hơn. Anh kêu lên khe khẽ:
- Nư… ơ…ớc.

Cô y tá đưa nước lại cho anh.
Bác sĩ bảo người y tá:
- Cho đi mời cha xứ đến để rửa tội cho anh ta.

Ga-loa thu hết sức nói:
- Không! Tôi không… cần… rửa… tội…

Nói xong anh cắn răng, nhăn mặt, nhịn cơn đau. Mồ hôi anh vã ra đầm đìa. Ga-loa nằm lặng đi, mắt anh trừng trừng nhìn lên trần nhà.

Đúng mười giờ sáng anh tắt thở.

*
* *​

Sáng ngày 2 tháng Sáu năm 1832 đám tang Ga-loa được cử hành. Chiếc quan tài đen được chở qua các đường phố Pa-ri đến nghĩa địa Mông-pác-nát-xơ (Montparnasse).

Cảnh sát nhà vua sợ đám tang có thể trở thành một đoàn biểu tình lớn thậm chí có thể trở thành mối đe dọa cho an ninh, đã tập trung một lực lượng lớn để sẵn sàng đối phó.

Mặc, trên hai ngàn người Cộng hòa gồmm (4') các sinh viên Trường Bách khoa, Trường tổng hợp, Trường Y, các pháo thủ và nhiều bạn bè khác đã nghe Pla-ni-ông và Pi-nen (5') đọc bài điếu văn thống thiết, tỏ lòng thương tiếc vô hạn một người yêu nước chân chính, một nhà Cách mạng trẻ tuổi. Hai thanh niên khác là Pác-tơ và Rê-ni đã đứng lên đọc lời tuyên thệ trước vong linh người đã khuất.


------------------------------------------
Chú thích:
(1) Rơ-đanh-gốt: một kiểu áo dài, rộng hơn áo vét, thịnh hành ở thế kỷ trước, mặc lúc cần chững chạc, lịch sự.

Những chú thích của tui (dammage)
(1') Xuy-gian : Suzanne
(2') Rơ-đanh-gốt : redingote
(3') Cô-sen : Cochin
(4') Lỗi từ trong sách
(5') Pla-ni-ông (Plagniol) và Pi-nen (Charles Pinel)
(6') Theo tìm hiểu của tui, hầu hết các chi tiết xoay quanh vụ đấu súng là hoàn toàn hư cấu, hai nhân vật Xuy-gian và Ăng-đrê đều không có thật, trong thời gian dưỡng bệnh ở nhà Poterin (sau khi ra tù), Galois có ý với con gái chủ nhà là Mademoiselle Stéphanie-Félicie Poterin du Motel nhưng bị thất tình (dựa vào bức thư mà Galois viết cho cô này nhưng không biết sao đã bị xé đi), không có bằng chừng nào cho thấy Stéphanie liên quan tới vụ đấu súng


Ngay sau vụ đấu súng xảy ra, Galois đã được một nông dân phát hiện và đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Cochin (chứ không có chuyện nằm quằn quại cả đêm như vậy), Galois đã không nói ra đối thủ của mình là ai cũng như lý do cuộc đấu súng ngay cả lúc hấp hối bên cạnh người em trai Alfred

Văn hào Alexandre Dumas cho rằng đối thủ là Pescheux d'Herbinville, nhưng một bài báo xuất bản 5 ngày sau vụ đấu súng ghi rằng đối thủ có tên viết tắt là L.D. khiến nhiều người nghĩ tới Duchâtelet, không có bằng chứng nào rõ ràng, Galois có lẽ đã mang theo sự thật xuống dưới mồ

Cuối cùng, Évariste Galois là thiên tài hay thằng trẻ trâu vẫn còn đang gây tranh cãi
 
Sửa lần cuối:

dammage

Rìu Chiến
CHÍN

SÁU MƯƠI TRANG BẤT TỬ

Theo lời di chúc, trươc tiên Ô-guýt nhờ đăng các bức thư của Ga-loa lên tạp chí Bách khoa. Tiếc thay vì không hiểu công trình khoa học nên người ta chỉ đăng các bức thư. Riêng thư gởi Ô-guýt họ không đăng phần các phát minh toán học. Ô-guýt và An-phơ-rê phải mất nhiều năm chạy chọt nhưng không ai nhận xuất bản công trình khoa học đó. Mãi đến năm 1846, tức là mười bốn năm về sau, nhà toán học Giô-dép Luy-vin (1') mới in sáu mươi trang đó trong tạp chí Toán học do ông thành lập.

Tiếc thay bài báo này không được ai để ý, nó nhủ (2') một hòn đá rơi xuống hồ, chẳng mấy chốc, mặt nước lại trở nên phẳng lặng.

Thời gian cứ trôi đi. Người ta đã quên dần Ga-loa. Thế rồi trong những năm sáu mười (3') thế kỷ mười chín, nhà bác học Pháp xuất chúng Ca-min Gioóc-đăng (4') bỏ nhiều năm nghiên cứu và cuối cùng đã hiểu được công trình toán học của Ga-loa.

Năm 1870 ông cho xuất bản một cuốn sách dày 667 trang nhan đề “Tập luận văn về các phép thế và phương trình đại số”. Trong lời nói đầu ông nói rằng nội dung cuốn sách này chỉ là lời giải thích bản thảo Ga-loa viết trước khi đấu súng.

Quyển sách này đã hệ thống hóa lại những kiến thức về lý thuyết Nhóm do Ga-loa xây dựng nên, làm rõ ý nghĩa vĩ đại của công trình khoa học này.

Trong khi Gioóc-đăng soạn cuốn sách nổi tiếng này, có hai nhà toán học trẻ tuổi là Xô-phút Li, người Na Uy, và Phê-líc Clây-nơ (5'), người Đức tới Pa-ri. Họ được Gioóc-đăng giới thiệu và giải thích công trình nghiên cứu của Ga-loa. Hai người vô cùng khâm phục và say mê những tư tưởng kỳ diệu trong các phương pháp của Ga-loa. Những tư tưởng và phương pháp đó đã để lại dấu ấn trong suốt quãng đời hoạt động khoa học của hai nhà toán học ứng dụng lừng danh này.

Theo con đường của Ga-loa, Li dùng lý thuyết nhóm vào việc nghiên cứu phương trình vi phân, đã thu được những kết quả cực kỳ to lớn, gây những bước ngoặc thực sự trong lịch sử khoa học.

Clây-nơ đã tìm được địa vị xứng đáng cho lý thuyết nhóm trong hình học, đẩy ngành khoa học này tiến một bước dài.

Những kết quả nghiên cứu của Li và Clây-nơ đã ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến sự phát triển của nhiều ngành toán học, cơ học và vật lý học hiện đại.

Các học trò của Clây-nơ là Ác-nôn Dôn-méc-phen và Ghéc-man Bây-lơ (6'), theo con đường đó, dùng cơ cấu của lý thuyết nhóm nghiên cứu vật lý lượng tử đã thu được những thành tựu vô cùng rực rỡ.

Một trong những vấn đề được Ga-loa nghiên cứu là lý thuyết phương trình đại số. Ga-loa chứng minh rằng các phương trình đại số bậc cao hơn bốn nói chung không giải được. Điều đó có nghĩa là có một số phương trình đặc biệt có thể giải được. Dùng lý thuyết nhóm, ta có thể nhận biết một phương trình có thể giải được hay không, và như vậy, ta đã tiến thêm một bước vào việc giải nó. Ga-loa không những là người đã đẩy cỗ xe đại số đang mắc kẹt mấy thế kỷ qua điểm chết mà còn mở đường cho nó tiến lên vùn vụt. Trong khoa học, người có công lớn không phải là người tim ra những định lý đẹp đẽ có khi là cực kỳ khó khăn mà là người thúc đẩy được sự phát triển của khoa học.

Ga-loa không bị sa vào những vấn đề riêng biệt của khoa học, anh luôn luôn nghiên cứu những vấn đề bao quát. Những phát minh của Ga-loa đã hợp nhất tất cả các thành tựu khoa học thời bấy giờ và tạo điều kiện cho khoa học tiến mạnh mẽ. Sau này, nhà toán học Đức Hin-be (7') đã viết: “Lý thuyết Ga-loa là sự thiết lập một cái khung cho mọi khái niệm”.

Ga-loa là nhà toán học chống lại quan điểm cho rằng các nhà khoa học cần phải tách khỏi cuộc sống xã hội. Anh đã dấn thân vào cuộc đấu tranh cách mạng và đã hy sinh cả cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh đó. Anh là một trong những chiến sĩ Cộng hòa hăng hái nhất, một trong những người tiến bộ nhất của thời đại bấy giờ.

Sau công trình của Gióoc-dăng, tên tuổi Ga-loa nổi lên như sóng cồn.

Ngày 13 tháng Sáu năm 1909, Viện Hàn lâm khoa học Pháp tổ chức một cuộc mít tinh trọng thể trước ngôi nhà hai tầng của Ga-loa ở phố Lớn thị trấn Bua-la Ren, chính thức lấy ngôi nhà này làm Viện bảo tàng Ga-loa.

Sáu năm sau, nhà toán học Đức lừng danh Phê-lic Clây-nơ tới Pa-ri để dự hội nghị toán học. Phát biểu tại hội nghị, ông đã gọi Ga-loa là bậc tiền bối của mình, gọi anh là “ngôi sao sáng chưa từng có trên bầu trời toán học, xuất hiện ở nước Pháp vào khoảng năm 1830”.

Ông già sáu mươi tuổi Clây-nơ đã khóc trong Viện Bảo táng Ga-loa. Ngày hôm sau ông mang một vòng hoa lớn đế (8') viếng mộ anh ở nghĩa địa Mông-pác-nát-xơ (9'). Sau đó, ông đã gọi người gác nghĩa địa tới và nói:

- Tôi sẽ trả tiền cho ông để nhờ ông thường xuyên thay hoa hồng trên mộ của bậc vĩ nhân này.

Trong đời mình và cả nhiều năm sau, Ga-loa không được giới khoa học thừa nhận. Nhưng ngày nay anh là niềm tự hào của khoa học nước Pháp. Các nhà toán học thế giới xem anh là người sáng lập ra đại số cao cấp hiện đại và là một trong những người xây dựng nền tảng của toán học hiện đại nói chung.

Hơn một thế kỷ rưỡi trôi qua, nhưng những tư tưởng khoa học vĩ đại và bất tử của anh vẫn đang tiến bước mạnh mẽ làm công cụ nghiên cứu đắc lực trong nhiều ngành khoa học.

Ga-loa đã hiến trọn cuộc đời ngắn ngủi, sôi sục của mình cho sự tiến bộ của trí tuệ loài người và cho cuộc đấu tranh vì tiến bộ xã hội. Đời anh mãi mãi sẽ là bản cáo trạng đanh thép đối với xã hội thối nát bất công, vùi dập tài năng con người.

1974


------------------------------------------
Những chú thích của tui (dammage)
(1') Giô-dép Luy-vin : Joseph Liouville
(2') (3') (8') Lỗi từ trong sách
(4') Ca-min Gioóc-đăng : Camille Jordan
(5') Xô-phút Li (Sophus Lie) và Phê-líc Clây-nơ (Christian Felix Klein)
(6') Ác-nôn Dôn-méc-phen (Arnold Johannes Wilhelm Sommerfeld), Ghéc-man Bây-lơ không biết
(7') Hin-be : David Hilbert
(9') Évariste Galois được an táng ở nghĩa trang Montparnasse nhưng tới ngày nay không ai biết chính xác ngôi mộ nào, người ta chỉ dựng lên một ngôi mộ tượng trưng để tưởng nhớ Galois
 
Sửa lần cuối:

dammage

Rìu Chiến
CHÚ DẪN

A-ben, Nin-xơ Hen-rích (1802-1829). Người Na Uy, một trong những nhà toán học vĩ đại nhất thế kỷ mười chín, người đầu tiên công bố các phương trình đại số bậc cao hơn bốn không có lời giải tổng quát bằng công thức, người đặt nền móng cho Lý thuyết hàm e-lip-tic và khảo sát các tích phân mang tên ông.

Ăng-phăng-tanh (1796-1864). Nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng người Pháp, học trò thân cận của bác tước Xanh Xi-mông, cố gắng xây dựng Công xã lao động ở Me-nin-mông-tanh, ngoại ô Pa-ri.

A-ra-go, Đô-mi-ních Frăng-xoa (1786-1853). Nhà vật lý và thiên văn Pháp, viện sĩ viện hàn lâm khoa học Pháp, giáo sư trường đại học Pa-ri, giám đốc Đài thiên văn Pa-ri, nghiên cứu sự phân cực của ánh sáng, phát minh ra cái gọi là từ tính của sự quay. Là một người Cộng hòa. Trong cuộc Cách mạng 1848 có chân trong Chính phủ lâm thời.

Bat-xti. Pháo đài ở Xanh Ăng-toan (Saint-Antoine), được xây dựng vào thế kỷ XIV nhằm tăng cường phòng thủ cho Pa-ri. Đến thế kỷ XVII được giáo chủ Ri-sa-li-ơ (Cardinal Richelieu) dùng làm nhà tù trung ương. Ngày 14-7-1789 bị quân khởi nghĩa xóa sổ.

Buốc-bông. Triều đại trị vì nước Pháp từ năm 1589, năm 1792 bị Cách mạng lật đổ, trung hưng trở lại chính quyền từ năm 1814 đến năm 1848.

Cách mạng Pháp 1789-1792. Tháng 5 năm 1789, nhà vua định tăng thuế và kiểm soát ngành thương mai. Viện nguyên lão (gồm đại biểu của các giai tầng quý tộc, tăng lữ và tư sản) họp ở Véc-xây (Versailles) với ý đồ dùng hiến pháp để hạn chế quyền lực của nhà vua. Kết quả là giai tầng thứ ba thành lập Quốc hội. Lu-i XVI đàn áp dẫn đến cuộc khởi nghĩa phá ngục Bat-xti khởi đầu cuộc Cách mạng.
Ngày 20-7-1791 Lu-i XVI chạy trốn, bị Quốc hội bắt bỏ tù và bắt buộc thừa nhận hiến pháp.
Mặc dù liên quan ngoại bang xâm lược đe dọa nhưng ngày 21-4-1892 nước Cộng hòa Pháp được thành lập.
Nước Cộng hòa non trẻ phải đương đầu với ngoại xâm, thiếu thốn, hỗn loạn xã hội nên quyền lực rơi vào tay các phần tử cực đoan. Năm 1799, khi quân đội chiến thắng ngoại xâm, một viên tướng tên là Bô-na-pác (Bonaparte) lên nắm quyền, năm 1804 y lên ngôi hoàng đế, thiết lập đế chế Na-pô-lê-ông (Napoléon), chấm dứt nền Cộng hòa đệ nhất.

Clây-nơ Fê-lich (1849-1925). Nhà toán học Đức, tác giả nhiều công trình nghiên cứu về đại số, hình học và giải tích hàm.

Cô-si Ô-guy-xten Lu-i (1789-1857). Nhà toán học Pháp, viện sĩ viện hàn lâm khoa học Pháp, người xây dựng lý thuyết hàm biến phức. Tác giả của hàng loạt công trình khoa học về phương trình vi phân, tác giả của giáo trình kinh điển toán học giải tích.

Đề-các, Rơ-nê (1596-1650). (René Descartes) Nhà triết học và toán học vĩ đại người Pháp, người sáng lập ra hình học giải tích.

Đề-zác (1593-1662). (Girard Desargues) Nhà toán học nổi tiếng Pháp, người đặt nền móng cho môn hình học xạ ảnh và hình học họa hình.

Đuy-boa, Buyt-le Frê-đê-rích (1778-1850). (Dubourg-Butler, Frederick-Robert) Tướng lĩnh quân đội Pháp, tích cực tham gia các mạng 1830, đứng về phía nhân dân.

Đuy-ma A-lêch-xăng-đrơ (cha) (1830-1870). Đại văn hào Pháp, rất mực nổi tiếng ở thời đại của mình, tham gia Đảng cộng hòa.

Gau-xơ Các Fri-đơ-rich (1777-1855). (Carl Friedrich Gauss) Nhà toán học vĩ đại người Đức. Ngoài toán học ông còn nghiên cứu thiên văn, trắc địa, vật lý, từ trường trái đất… Ông đã để lại một số lượng khổng lồ các công trình nghiên cứu có tầm quan trọng hàng đầu trong các lĩnh vực số luận, hình học vi phân, lý thuyết các dãy số vô tận…

Gia-cô-bi, Các Gu-xtap Gia-côp (1804-1851). (Carl Gustav Jacob Jacobi) Nhà toán học xuất chúng người Đức đồng thời là nhà quân sự, chính trị. Có công trình quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực của toán học, đặc biệt là lý thuyết hàm e-lip-tich, giải tích hàm, phương trình đại số…

Giê-duyt. Còn gọi là giáo phái dòng Tên, thành lập ở Pa-ri vào năm 1534 nhằm chống lại Cải cách tôn giáo, phát triển ra nhiều nước trên thế giới. Vào những thập kỷ đầu của thế kỷ 19 ở nước Pháp giáo phái này bành trướng thế lực, lũng đoạn chính trị.

Giooc-đăng, Mari - En-mông Ca-min (1838-1922). Nhà toán học lớn người Pháp. Chủ yếu nghiên cứu lý thuyết Nhóm và phương trình đại số. Người đầu tiên giải thích được công trình khoa học của Ê-va-rít Ga-loa.

Hin-be Đa-vít (1862-1943). Nhà toán học xuất chúng người Đức, hoạt động trên nhiều bình diện khác nhau của khoa học.

Fu-ri-ê Giăng (1786-1830). (Jean Baptiste Joseph Fourier) Nhà toán học, vật lý đồng thời là nhà quân sự và chính trị Pháp, có nhiều công trình nghiên cưu về các dãy lượng giác, phương trình vi phân, tính dẫn nhiệt…

La-croa, Xin-ve-xtơ-rơ Phơ-răng-xoa (1765-1843). Nhà toán học Pháp, học trò của Mông-giơ.

La-grăng-giơ Giô-dép Lu-i (1736-1813). (Joseph-Louis Lagrange) Nhà bác học nổi tiếng Pháp, cùng với Ơ-le (Leonhard Euler) xây dựng môn cơ học giải tích. Để lại một loạt công trình quan trọng về đại số và số luận.

La-phay-ét, Ma-ri Giô-giep (1757-1834). (Marie-Joseph Paul Yves Roch Gilbert du Motier, Marquis de Lafayette) Chính trị gia Pháp, theo phái Tự do đấu tranh cho hiến pháp, tham gia cuộc Đại cách mạng Pháp, tham gia vì độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trong cuộc cách mạng tháng Bảy năm 1830 là chỉ huy trưởng Đội cận vệ dân tộc, ủng hộ Lu-i Phi-lip.

La-phít Giắc (1767-1844). Đại tư sản, chủ nhà băng, cùng với tướng La-phay-ét tác động cho Lu-i Phi-lip lên ngôi.

Li Xô-phút. Nhà toán học nổi tiếng Người Na Uy. Người xây dựng lý thuyết các nhóm không liên tục. Các công trình của ông có ý nghĩa quan trọng đối với phương trình vi phân và hình học vi phân.

Lơ-giăng-đơ-rơ, A-đriêng Ma-ri (1752-1833). (Adrien-Marie Legendre) Nhà toán học và cơ học nổi tiếng người Pháp, giáo sư trường đại học bách khoa Pa-ri, viện sĩ viện hàn lâm khoa học Pháp.

Lu-i Phi-lip (1773-1850). Em họ của Sác-lơ X, đại diện cho nhánh thứ trong dòng họ Buốc-bông. Có tham gia vào hiệp ước phản cách mạng của viên tướng phản bội Đuy-mu-ri-ê (Charles-François du Périer Dumouriez), bị vạch trần và phải chạy ra nước ngoài. Sau cách mạng tháng bảy năm 1830, trở thành vua nước Pháp. Tiến hành chính sách -censor- vì quyền lợi của giới quý tộc tài chính Pháp. Bị cách mạng 1848 hạ bệ phải chạy ra nước ngoài.

Lu-i XVI (1754-1792). Vua Pháp, nhu nhược, bị vợ là Ma-ry Ăng-toa-nét (Marie Antoinette) nguyên là công chúa Áo thao túng. Người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng toàn diện ở nước Pháp dẫn đến cuộc Đại cách mạng tư sản Pháp năm 1789-1792 mà kết quả là cả hai vợ chồng y phải lên đoạn đầu đài.

Lu-i XVIII (1755-1824). Vua Pháp, thuộc dòng họ Buốc-bông, em ruột vua Lu-i XVI. Năm 1791, chạy khỏi nước Pháp, được xem là cầm đầu Pháp kiều chống Cách mạng. Lên ngôi khi Na-pô-lê-ông I thất thủ.

Luy-vin Giô-giep (1809-1882). Nhà toán học nổi tiếng người Pháp, viện sĩ viện hàn lâm khoa học Pháp, người thành lập tạp chí toán học thường được gọi là “Tạp chí Luy-vin”

Ma-ra-xtơ Ac-man (1533-1592). (1') Nhà báo, nhà hoạt động chính trị.

Mông-giơ Ga-xpa (1764-1818). (Gaspard Monge) Nhà toán học và nhà hoạt động xã hội Pháp, một trong những sáng lập gia của Trường đại học bách khoa Pa-ri. Người xây dựng môn hình học họa hình và có một loạt phát minh quan trọng trong các lĩnh vực hình học vi phân và lý thuyết phương trình vi phân.

Poát-xông, Xi-mông Đe-ni (1760-1825). Nhà toán học Pháp nổi tiếng, đồng thời là nhà vật lý, cơ học.

Ra-xpay Frăng-xoa (1794-1878). Nhà hoạt động chính trị nổi tiếng Pháp, một nhà dân chủ cách mạng đồng thời là một nhà khoa học về y và hóa học, ông tích cực tham gia Cách mạng tháng Bảy 1830 và phong trào Cộng hòa. Ông gắn bó với phong trào công nhân. Một trong những người chủ trương thành lập nước Cộng hòa năm 1848. Tháng 12-1848 được đề cử làm ứng cử viên tổng thống. Nhiều lần phải ngồi tù, năm 1853 bị Na-pô-lê-ông III trục xuất khỏi nước Pháp.

Ri-sa Sác-lơ (1795-1849). Nhà toán học Pháp, giáo sư Lu-i lơ Grăng, một người thầy uyên bác, có phương pháp sư phạm tốt, hiểu và giúp đỡ nhiều cho Ga-loa. Ông còn có nhiều học trò thành đạt khác như Lơ-ve-ri-ê (Urbain Jean Joseph Le Verrie), người đã cùng với nhà toán học Anh A-đam (John Couch Adams) phát minh (2') ra Hải vương tinh chỉ bằng cách tính toán, Các (3') nhà toán học nổi tiếng Sê-rê (Joseph-Alfred Serret), Ec-mi (4')…

Sác-lơ X (1756-1836). Em trai của Lu-i XVI và Lu-i XVIII. Khi ngục Bat-xti thất thủ y chạy trốn ra nước ngoài. Năm 1814 trở về nước. Năm 1824, khi Lu-i XVIII chết, y trở thành vua nước Pháp. Thi hành chính sách bảo vệ tầng lớp quý tộc và giới chóp bu Thiên chúa giáo. Tháng Bảy 1830 bị Cách mạng lật đổ, lại chạy ra nước ngoài.

Sơ-va-li-ê Mi-sen (1806-1879). Nhà kinh tế học tư sản, trong những năm 1830 theo phái Xanh Xi-mông.

Sơ-va-li-ê Ô-guyt. Em trai của Sơ-va-li-ê Mi-sen, bạn thân duy nhất của Ga-loa

Trường đại học bách khoa Pa-ri. Thành lập năm 1794, con đẻ của Đại cách mạng Pháp, trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật và đào tạo hàng đầu của Pháp.

Trường đại học sư phạm Pa-ri (Nooc-man). Thành lập 1794, sau Đại cách mạng Pháp, một trung tâm khoa học và đào tạo của Pháp.

Uy-be A-loy-zy (1815-1865). Nhà hoạt động chính trị Pháp, tham gia một số hội bí mật, tham gia vụ ám sát vua Lu-i Phi-lip năm 1835.

Xanh Xi-mông, Ăng-ri Clôt đơ Ru-vroa (1760-1825). (Claude Henri Derouvroy, thường được biết với tên gọi Henri de Saint Simon) Nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng vĩ đại người Pháp, đề xuất một xã hội lý tưởng trong đó khoa học thống nhất với kỹ thuật, “mọi người phải làm việc”, “làm việc theo khả năng, hưởng thụ theo lao động”.


------------------------------------------
Những chú thích của tui (dammage)
(1') Ma-ra-xtơ Ac-man (1533-1592) : Marrast Armand sinh 1801 mất 1852, lão tác giả vừa móc đít vừa viết nên mới ra cái con số phi lý này, nếu ông này chết ngắc từ 1592 thì làm sao đến dự được cuộc họp những người Cộng hòa diễn ra tuốt... 300 năm sau đó, hèn gì tui tìm hết cả buổi không ra
(2') (3') Lỗi từ trong sách
(4') Ec-mi : không tìm được ai, chỉ tìm được người tên Charles Hermite


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 - Ga-loa toàn tập.
2 - Lê-ôn-pôn In-phen

Ê-va-rít Ga-loa
3 - A. Đan-ma
Ê-va-rít Ê-va-rít, nhà toán học và nhà cách mạng.
4 - Luy-blin-xcai-a
Lịch sử nước Pháp.
5 - Cu-rôt-sơ
Lý thuyết nhóm.
6 - Vi-lây-ne-rơ
Lịch sử toán học từ thời Đề-các đến giữa thế kỷ XIX
7 - Một số tạp chí, tài liệu lịch sử và sách văn nghệ ít nhiều có liên quan.
 
Sửa lần cuối:

Coriolano

Rìu Sắt Đôi
Hôm qua bác viết post 1, nhớ loáng thoáng có biết ông này, wiki để nhớ lại.
Anyways, thanks bác đã chia sẻ.
 

iceninja

Gà con
quyển sách này em đọc từ thời lớp 9, cực kì hâm mộ ông này. Cảm ơn anh đã up. Tìm mãi mới thấy.
 


Top