Đồng Dương kỳ bí | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

If possible, please support us by clicking on the advertisements.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software.

×

Đồng Dương kỳ bí

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
Kỳ 1: Pho tượng bồ tát bị bẻ hoa sen

Xung quanh Đồng Dương - Phật viện lớn nhất Đông Nam Á hồi thế kỷ thứ 9 (tọa lạc tại thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, H.Thăng Bình, Quảng Nam), người dân địa phương vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ thậm chí huyễn hoặc. Nhiều điều không thể lý giải được.

tuongbotat.jpg

Tượng Bồ tát Laksmindra Lokesvara - bảo vật quốc gia đã bị bẻ 2 vật cầm tay - Ảnh: Hoàng Sơn

Đó là pho tượng Bồ tát Laksmindra Lokesvara (còn gọi là Bồ tát Tara) được phát hiện vào năm 1978 tại khu di tích Phật viện Đồng Dương bởi những người rà tìm phế liệu.

Cả làng giữ tượng quý

Đến nay, sau nhiều năm được công nhận là bảo vật quốc gia, pho tượng vẫn chưa được ghép nối hoàn chỉnh do 2 phần hiện vật trên 2 tay vẫn chưa được trao trả.

Nhiều tài liệu chép rằng năm 875 vua Indravarman đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Tên của kinh đô mới là Indrapura được xây dựng trên mảnh đất của làng Đồng Dương ngày nay. Bức tượng nữ bồ tát được tìm thấy gắn liền với sự kiện vua Indravarman xây Phật viện và đền thờ. Mặc dù vào năm 1901, Louis Finot (một học giả người Pháp) và năm 1902, nhà khảo cổ H.Parmentier đã khai quật và tìm thấy hàng trăm hiện vật quý giá nhưng đến hơn 75 năm sau, tượng bồ tát mới được tìm thấy dưới độ sâu khoảng 3 m.

Theo cuốn Thông tin di sản Quảng Nam, bức tượng Bồ tát Laksmindra Lokesvara làm bằng đồng thau, cao 114 cm, được tìm thấy ở gần khu đền thờ chính khu Phật viện. Tượng đứng thẳng, tóc được búi lại thành hình chóp (jata), trên chóp chạm một tượng Phật A Di Đà. Gương mặt bồ tát nghiêm nghị, hơi thô, cung lông mày giao nhau, giữa trán có một urna (huệ nhãn) hình thoi... Theo đánh giá của nhà nghiên cứu J.Boisselier, pho tượng này không chỉ là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Champa mà còn là một trong những tượng đồng quan trọng bậc nhất vùng Đông Nam Á, với niên đại được xác định vào khoảng giữa thế kỷ thứ 9.

Đồng Dương có 2 bảo vật quốc gia
Ngoài tượng Bồ tát Laksmindra Lokesvara, tượng phật Đồng Dương (hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) cũng được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia đợt 1 (năm 2012). Nhiều tài liệu ghi rõ, tượng phật Đồng Dương được một học giả người Pháp tìm thấy ở Đồng Dương vào năm 1901. Tượng nặng 120 kg, cao 119 cm, chỗ dày và rộng nhất 38 cm. Pho tượng là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng, tạo hình của người Chăm hơn 1.000 năm trước. Chính vậy, khi được đưa ra triển lãm ở nước ngoài, pho tượng được mua bảo hiểm với giá đến 5 triệu USD.

Sau khi phát hiện, bức tượng được người làng Đồng Dương đem về cất giấu rất kỹ, xem đó như báu vật chung của cả làng. Tuy nhiên, vào năm 1981, hay tin trong làng đang giữ bức tượng quý giá này, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ra quyết định thu hồi rồi đem đi trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP. Đà Nẵng cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên, sau khi thu giữ pho tượng, người Đồng Dương đã phản đối vì nghĩ rằng cơ quan nhà nước đòi giữ bảo vật riêng của làng. Để người dân an lòng, ngành chức năng đưa hàng chục người dân ra Đà Nẵng xem pho tượng đang được trưng bày.

7 đời chủ tịch xã giữ hiện vật

Trước khi bức tượng được chuyển giao cho ngành chức năng, hơn 30 năm trước, 2 hiện vật trên hai tay pho tượng vị bồ tát đã bị một người dân bẻ mất. Sau khi thu hồi được, cả hai hiện vật này đã được UBND xã Bình Định Bắc lưu giữ và “chưa hẹn” ngày trao trả, ráp nối hoàn thiện. Nhiều đời chủ tịch xã Bình Định Bắc lưu giữ 2 hiện vật và bàn giao cho nhau, đưa vào cất tại một nơi bí mật. Họ xem đó như báu vật, đến mức chủ tịch xã nào “rời ghế” cũng phải chuyển lại nguyên vẹn 2 hiện vật đó nếu không muốn bị mang tiếng.

Cụ Trà Diếu (86 tuổi), một trong những người đầu tiên sờ vào bức tượng kể lại rằng khi mới đào được tượng, nhóm người đã khiêng về rồi báo cho dân làng biết. Hàng trăm người hiếu kỳ kéo nhau đến xem. Bức tượng được tìm thấy ngay trong khu Phật viện ở tư thế nằm ngửa. “Hai hiện vật trên tay là hai đóa sen, trong đó tay phải tượng cầm sen búp, tay trái cầm sen nở. Một trong những người đào được đã bẻ mất 2 đóa sen này. Sau đó, ông Huỳnh Thế Công (chủ tịch xã thời đó) đã tịch thu 2 đóa sen rồi đem cất giữ đến nay”, cụ Diếu nói. Theo cụ Diếu, khi bức tượng vừa được đưa về, cụ thấy trên chân mày và xung quanh đôi mắt có ánh kim vàng. Trước khi được ngành chức năng chuyển đi, cụ Diếu đã dùng mũi rựa làm dấu vào bức tượng.

Ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc xác nhận hiện ông đang cất giữ 2 hiện vật nói trên ở một nơi bí mật và an toàn. Trước những đoán định về 2 hiện vật, ông Túc cho biết trên 2 tay tượng phật cầm một đóa sen và một quả cau trên chiếc đĩa được đúc liền nhau.

Khi chúng tôi đặt vấn đề được xem hiện vật, ông Túc lắc đầu từ chối ngay: “Tôi là đời chủ tịch thứ 7 tiếp nhận và phải cất giữ cẩn thận những hiện vật do các đời chủ tịch tiền nhiệm trao lại. Tôi nhận chức chủ tịch xã và cũng nhận luôn nhiệm vụ giữ 2 hiện vật này. Từ đó đến nay, cũng có nhiều người ngỏ ý muốn xem nhưng tôi không đồng ý. Chỉ có một vị giáo sư từ Hà Nội vào đã được xem 2 hiện vật. Tuy nhiên, khi ông này xin phép đúc sao y, tôi đã từ chối”.

Hỏi tại sao địa phương không hiến tặng hoặc bàn giao 2 hiện vật để bức tượng được hoàn chỉnh, ông Túc cho biết 2 hiện vật là báu vật và phải giữ lại Đồng Dương. “6 đời chủ tịch không dám bàn giao, thì đời chủ tịch thứ 7 như tôi và sau này chắc cũng không dám đâu”, ông Túc vẫn kiểu nói đầy bí ẩn.

Còn tiếp...

Nguồn: Thanh Niên​
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
Kỳ 2: Tấm văn bia bị đánh cắp

Tấm văn bia này đang được tạm giữ tại trụ sở UBND xã Bình Định Bắc (H.Thăng Bình, Quảng Nam) sau một vụ trộm bất thành.

champad.jpg

Một thời huy hoàng của Phật viện - Ảnh: Hoàng Sơn chụp lại tư liệu

Bia cổ bị trộm giữa ban ngày

Khu di tích Phật viện Đồng Dương dù đã trở thành phế tích từ lâu nhưng bên dưới lớp đất vẫn còn rất nhiều hiện vật. Nhiều người dân trong làng thỉnh thoảng đào bới vẫn gặp những tảng đá vỡ nát mà trước đây người Chăm đã dùng để xây thành tháp cổ. Và tấm văn bia đang được UBND xã Bình Định Bắc gìn giữ là một trong những hiện vật nằm trong số đó. Tuy nhiên, chỉ đến khi những tên trộm cổ vật lần mò vào địa phương và bị bắt khi cố đem tấm bia này ra khỏi làng thì người Đồng Dương mới hay tấm bia này đã tồn tại trong Phật viện từ nhiều năm qua mà họ không hề biết. “Một buổi sáng năm 2012, chúng tôi nhận được tin báo có người lạ vào khu Phật viện để tìm kiếm vật gì đó. Vì địa phương xảy ra nhiều vụ trộm cổ vật và hiện vật từ tháp nên chúng tôi đã huy động lực lượng để chặn bắt chiếc xe vận chuyển. Đến trưa, khi chiếc xe định rời địa phương thì chúng tôi chặn lại và thu giữ tang vật là tấm bia Chăm cổ này”, ông Trà Tấn Phúc, Phó trưởng Công an xã Bình Định Bắc kể.

Theo ông Phúc, mặc dù là người địa phương và cũng là hậu duệ người Chăm xưa nhưng chưa bao giờ ông biết đến tấm bia này. Mãi đến khi nhóm người đánh cắp lén lút khai quật và bị bắt, ông cũng như nhiều người dân mới biết. Ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, cho biết thêm khi bị bắt giữ, tấm bia chỉ còn nửa trên, phần còn lại ở đâu ông vẫn chưa rõ. “Tấm bia rất nặng, phải đến 8 người khiêng mới nổi. Sau đó, chính tôi đã bỏ tiền túi ra, thuê người chuyển về để ở trụ sở ủy ban cho đến bây giờ”, ông Túc nói.

Theo quan sát của PV, tấm bia ký đã bị vỡ ở phần đỉnh với chiều ăn sâu vào thân bia khoảng 30 cm, phần thân bên phải bị vỡ nặng nhất, ăn liền vào bia khoảng 40 cm. Phần bia có 3 mặt còn ký tự, trong đó mỗi mặt có 14 dòng ký tự còn rõ. Trên bề mặt bia có nhiều vết xước được cho là bị đục đẽo. Phần bia được phát hiện cao khoảng 1,2 m, rộng khoảng 0,8 m, độ dày 25 - 30 cm.

Bí ẩn chờ giải mã

Bia ký được phát hiện ngay tại khu Phật viện không nhiều. Nhiều người lớn tuổi tại Đồng Dương cho biết, ngày xưa tại khu vực này có 2 tấm bia rất lớn nhưng sau này đã được chuyển đi đâu không rõ. Sau khi tấm bia được đưa về UBND xã Bình Định Bắc, nhiều người tộc Trà - hậu duệ của vương quốc Champa xưa - đã đến xem nhưng không ai dịch được những ký tự khắc trên nó. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng có người đến xem rồi ra về. Những thông tin trên tấm bia vẫn là ẩn số.

champad2.jpg

Tấm văn bia bị sứt mẻ đang được lưu giữ tại UBND xã Bình Định Bắc - Ảnh: Hoàng Sơn

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, tại Đồng Dương, người Pháp đã tìm thấy và dịch 2 tấm bia có ký hiệu là Đồng Dương 1 và Đồng Dương 2. Bia Đồng Dương 1 cao 1,6 m, rộng 0,97 m, dày 0,28 m được đặt trên đế bia hình chữ nhật. Bia khắc chữ 4 mặt theo thứ tự gồm 24, 23, 24 và 31 dòng. Bia được viết bằng tiếng Phạn dưới dạng thơ, trừ phần mở đầu và 2 đoạn văn xuôi ở cuối mặt thứ 2 và thứ 4 của bia ký. Nội dung nói đến việc vua Indravarman 2 lập bia, đề cập đến việc xây dựng đền thờ và Phật viện, sự tôn kính đối với Bồ tát Laksmindra Lokesvara. Bên cạnh đó, bia cũng nhắc đến việc vua Indravarman 2 là người sáng lập vương triều Indrapura và phả hệ các vị vua. Bia Đồng Dương 2 lại có nội dung vinh danh công nương Haradevi Rajakula (em gái của mẹ nhà vua Jaya Sinhavadman 1). Theo các nhà nghiên cứu, 2 tấm bia này đều có niên đại cuối thế kỷ thứ 9, đã cung cấp nhiều thông tin quý giá về di tích và nhiều vấn đề lịch sử văn hóa của vương quốc Champa lừng lẫy một thời.

Các tài liệu chúng tôi có được chủ yếu nhắc đến 2 tấm bia trên. Nhiều tham luận tại hội thảo quy mô với chủ đề về Đồng Dương được UBND tỉnh Quảng Nam, tổ chức tháng 8.2011, cũng chưa hề nhắc đến có tấm văn bia thứ 3 tại Đồng Dương. Trong cuốn Văn bia Chăm ở miền Trung do Trung tâm quản lý di tích và thắng cảnh Quảng Nam xuất bản vào tháng 10.2014 cũng chưa đề cập đến tấm văn bia mới phát hiện gần đây. Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc trung tâm, cho biết cuốn sách là tập hợp 134 bản dịch văn bia Chăm từ Quảng Bình đến Ninh Thuận. “Tất cả bia ký Chăm đều đã được dịch hết. Trong đó nội dung chính (kể cả ở Đồng Dương) các văn bia là ước nguyện của người làm bia, niên đại tạo bia và là một bài cúng”, ông Cẩm nói thêm.

Nhiều người làng Đồng Dương cho biết tấm bia đang đặt tại trụ sở mới được phát hiện từ dưới đất. Theo ông Trà Tấn Túc, vào năm 2013 có một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm tìm về xã và sao y các ký tự trên văn bia. Tuy nhiên, sau đó người này không cho biết nội dung trên bia cũng như niên đại. Bia này có phải là bia Đồng Dương 2 hay là một tấm bia mới được tìm thấy vẫn chưa có lời giải.

Còn tiếp...
 

hieutm2910

Gà con
bài viết rất hay!
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
Kỳ 3: Thủy đạo bí mật trong lòng Phật viện

Các bậc cao niên trong làng Đồng Dương khẳng định dưới lòng đất khu di tích ngày nay có một thủy đạo được người Chăm xây dựng cách đây cả ngàn năm.

phatvien.jpg

Người làng Đồng Dương tin rằng Phật viện và ao Vuông được nối với nhau bởi một thủy đạo chạy ngầm dưới lòng đất - Ảnh: Hoàng Sơn chụp lại tư liệu

Đã có nhiều đề tài nghiên cứu về Phật viện Đồng Dương nhưng nói về thủy đạo bí mật thì vẫn chưa ai nhắc đến, hoặc có đề cập thì cũng chỉ vài dòng ngắn gọn. Theo nhiều người dân tộc Trà - hậu duệ của người Chăm tại Đồng Dương thì ngoài những kiến trúc bề nổi được ghi nhận là kinh thành Indrapura, khu Phật viện thì bên dưới lòng đất còn có thủy đạo bí mật.

Thủy đạo dài 1 km

Cụ Trà Diếu (86 tuổi) cho biết từng nghe cha ông kể về thủy đạo này nhiều lần. “Đến thế hệ chúng tôi, từ khu tháp cổ về đến ao Vuông có một con đường trực chỉ được đắp nổi. Và thủy đạo dài 1 km chạy ngầm dưới lòng đất nằm bên dưới con đường này, nối tháp Giếng với ao Vuông”, cụ Diếu nói như đinh đóng cột.

Theo lời kể của nhiều người uy tín trong làng, ngày xưa, nếu thả một trái bưởi tại tháp Giếng lúc giữa trưa thì đến khoảng đầu giờ chiều, trái bưởi này nổi lên ở ao Vuông. Ông Trà Tấn Thành, Phó bí thư Đảng ủy xã Bình Định Bắc, cho hay ông đã nghe nhiều người già kể về mật đạo này nhưng cơ hội kiểm chứng không còn do Phật viện nay chỉ là phế tích. Ông Thành cho biết thêm, ao Vuông ngày nay nằm phía sau lưng trụ sở UBND xã và đã được người dân trồng sen. Theo nhiều tài liệu về Đồng Dương, ao Vuông được hình thành do người Chăm xưa đào để lấy đất đúc gạch phục vụ việc xây tháp và thành trì. Ao này rất sâu và có diện tích khoảng 100 x 180 m, được bao bọc trong một thành đất khoảng 300 x 250 m.

Thành Indrapura nằm ngoài Phật viện Đồng Dương
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, tháng 9.1996, Viện Khảo cổ học VN, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng đã phối hợp khảo sát tại làng Đồng Dương. Các nhà khảo cổ rút ra nhận định, Đồng Dương không thuận tiện để xây dựng kinh đô mà thuần túy chỉ là khu thánh địa Phật giáo của Chăm pa. Còn thành Indrapura phải là một khu vực rộng lớn nằm ngoài Phật viện. Trong nghiên cứu của mình TS Trần Bá Việt cũng nhìn nhận theo hướng này, do đó, thủy đạo bí mật là đường nối giữa ao Vuông trong hoàng cung Indrapura với Phật viện.

Những dòng đề cập gọn trong bài Tổng quan về Phật viện Đồng Dương và suy nghĩ về định hướng, giải pháp bảo tồn của TS Trần Bá Việt (Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng) tại hội thảo được tổ chức tại Quảng Nam vào tháng 8.2011 ghi nhận: “Từ Phật viện có một con đường cổ dạng bờ lũy chạy về hướng đông, băng qua một cánh đồng và mép của một quả đồi nhỏ thì đến cửa phía tây của khu hoàng cung - trung tâm chính trị của Indrapura. Khu vực hoàng cung kinh đô Indrapura chính là khu vực ao Vuông”. Theo TS Việt, trong thành nội Phật viện có một ngọn tháp đặc biệt gọi là tháp Giếng. Tháp này nằm phía góc tây nam của thành nội, nguyên trong tháp có một cái giếng mà ngày nay đã bị vùi lấp. TS Việt cũng ghi chép: theo lời truyền miệng, tháp Giếng ăn thông với khu vực ao Vuông.

Giải mã công năng thủy đạo

Cụ Trà Diếu tin rằng, thủy đạo bí mật là một lối thoát hiểm dành cho hoàng cung khi có chiến sự. Cụ Diếu đã lấy những thủy đạo và đường hầm trong chiến tranh để liên tưởng đến việc ngày xưa vương triều Indrapura cũng bí mật xây dựng thủy đạo để “bảo vệ và phòng thủ như một con đường mật cho đánh giặc”. Trong bài viết của mình, TS Trần Bá Việt cũng đề cập đến chuyện này: “Đây có thể là con đường thoát hiểm của hoàng tộc hoặc có thể là một kỹ thuật cấp nước trong giếng cổ trong hệ thống giếng của người Chăm xưa. Đó cũng là một hướng giải thích cho cái giếng không vơi không đầy trên đỉnh đồi nhà thờ Đức mẹ Trà Kiệu”.

Theo TS Việt, có thể người Chăm xưa đã biết áp dụng nguyên lý hai bình thông nhau. Với kỹ thuật gốm phát triển, họ đúc những ống gốm dẫn nước đặt ngầm trong lòng đất. Những ống này sẽ lấy nước từ khu vực nước có chất lượng cao và có cao trình bằng với cao trình nước mà họ muốn khống chế. “Điều này giải thích tại sao nước giếng Chăm cổ rất sạch trong khi nước giếng đào trong khu vực bị nhiễm phèn nặng hoặc mực nước của họ nằm trên lưng chừng đỉnh đồi mà không vơi không đầy như có ma lực”, TS Việt viết. Người làng Đồng Dương cho hay, tương truyền nước trong tháp Giếng quanh năm mát trong và không bao giờ cạn dù có hạn hán cỡ nào. Cho nên hướng giải thích của TS Việt được phần đông tán thành. Cùng quan điểm này, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, cho hay miệng ống là cái giếng nên khi thả trái bưởi thì sẽ trôi ra hồ theo nguyên tắc bình thông nhau. Vì vậy, theo ông Cẩm, đường hầm là hoàn toàn có thể có và tồn tại theo nguyên tắc bình thông nhau. Nhiều người làng Đồng Dương cho biết thêm, vào khoảng năm 80 thế kỷ trước, một nhóm người trong làng đã tát cạn ao Vuông. Nhưng vì lớp bùn đất bồi lấp quá dày nên không tìm thấy miệng thủy đạo. Ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, nói: “Bây giờ tại miệng tháp Giếng mọc lên một cây cóc nên thủy đạo vẫn là ẩn số. Nếu muốn chứng minh thủy đạo có thật và có giá trị gì, cơ quan chức năng cần khai quật sớm và phải làm hoàn chỉnh, có hệ thống để tìm hiểu các giá trị từ Phật viện này…”.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
Kỳ 4: Kho vàng hời và cuộc săn lùng dai dẳng

Nhiều người tin rằng trong khuôn viên khu Phật viện có một mốc dấu để nhận biết cửa kho vàng hời, được người Chăm chôn giấu cách đây cả 1.000 năm.

165c4cf9beaa10ef3.jpg

Dấu tích của những cuộc săn tìm kho báu vàng hời để lại ngày nay là những bãi đất đá
nham nhở trong Phật viện Đồng Dương - Ảnh: Hoàng Sơn
Ẩn số kho báu trong lòng đất

Các cụ già tại làng Đồng Dương (H.Thăng Bình, Quảng Nam) ngày nay vẫn thường kể cho con cháu nghe câu chuyện về một kho báu được người Chăm pa tiền nhân sinh sống trên mảnh đất này chôn giấu cách đây cả ngàn năm.

Chúng tôi về Phật viện, hỏi những người dân về kho vàng thì gặp ngay những ánh mắt hồ nghi. Cụ Trà Tấn Huệ (84 tuổi) kể rằng, thuở nhỏ cụ thường được những người lớn nói về một kho vàng hời được chôn cách khu tháp cổ khoảng 500 m đường chim bay, nhưng không nhắc đến phương hướng. Kho báu này có cửa hẳn hoi và phải tìm đúng dấu hiệu được người xưa để lại mới có cơ may tiếp cận. “Như ông nội tôi khẳng định thì kho báu là có thật và được giấu rất kỹ. Nhưng sau này, nhiều người trong và ngoài địa phương đổ về tìm kiếm cả trong lẫn ngoài địa hạt khu Phật viện khiến tôi tin rằng đây chỉ là một câu chuyện truyền thuyết mà thôi…”, cụ Huệ nói.

Khác với cụ Huệ, cụ Trà Diếu (86 tuổi) lại tin rằng kho báu vàng hời là có thật. Cụ Diếu khẳng định qua những câu chuyện kể và những “chứng cứ” cụ thu thập được từ thực tế thì kho báu chỉ nằm lân cận khu Phật viện. Con trai cụ Diếu là ông Trà Tấn Thanh (50 tuổi) cho biết đã nhiều lần ông nghe cha nhắc đến chuyện kho vàng hời nhưng gặng hỏi thì cụ không nói. “Tôi cùng nhiều anh em trong làng từng tham gia tìm kho báu nhưng bất thành. Bởi dấu vết quá mơ hồ, có chăng chỉ là những hạt vàng cám li ti tìm được ở nơi cách tháp cổ đến hơn 1 km”, ông Thanh nói. Khi chúng tôi tìm hiểu về kho báu vàng hời, cụ Díu ngồi bên cạnh không muốn góp chuyện và có ý lảng đi vì lo ngại người lạ lân la tìm manh mối. “Đã có nhiều người đến hỏi tôi về chuyện kho báu nhưng tôi không nói. Tôi có thể vẽ lại các ngọn tháp, cả sơ đồ để tìm kiếm nhưng sẽ truyền lại cho người mà tôi tin cẩn nhất”, cụ Díu tỏ vẻ bí hiểm.

Kho vàng hời đến nay vẫn là ẩn số. Có người săn tìm đã lâu, nản chí bỏ cuộc, có người tiếp tục nghe ngóng. Từ sau năm 1975, qua nhiều cuộc tìm kiếm bất thành, những nhóm tìm vàng đã tan rã về quê. Tuy vậy, vào những năm 1980, khi những người cố tìm kho báu phát hiện nhiều vàng cám dọc các sông Ly Ly, suối Ruột Gà… thì “cơn lốc” tìm vàng quay lại. Từ Phật viện về 3 hướng: đông, nam, bắc đâu đâu cũng có người đào xới, lật tung từng mét đất.

Truy tìm “cây duối trắng”

Việc đầu tiên những người tìm kho báu phải làm được đó là tìm “cây duối trắng” - dấu hiệu nhận biết kho vàng. Từng mảnh đất xung quanh Phật viện Đồng Dương khoảng 500 m lại được đào lên để tìm tung tích loại cây có cái tên kỳ lạ này. Đặc biệt, khu vực núi Ngang cách các tháp cổ khoảng 800 m về phía đông bị những người săn tìm kho báu quần thảo suốt ngày đêm. Nhiều người làng Đồng Dương cho hay tại vùng núi này, đã tìm thấy vết tích của những hầm lò được xây dựng bằng gạch Chăm và thu được khá nhiều vàng cám với các hình thù khác nhau. Do đó, theo phỏng đoán đây là khu vực ngày xưa người Chăm đã dùng để luyện vàng.

Cụ Trà Tấn Huệ tiếp lời: “Tại Phật viện, nhiều người cũng đào bới suốt ngày. Có 2 người trong làng đã đào được những tấm vàng hời dát thành lá… Suốt thời gian sau đó, tôi nghe đồn có người trúng vàng hời bỏ trong hũ”. Còn ông Trà Tấn Thanh cho biết vào những năm 1990, ông cùng nhóm thanh niên trong làng lần tìm kho báu về phía bắc của tháp khoảng 500 m. “Trong nhiều tháng, chúng tôi không tìm được gì đáng giá. Nhưng sau này tôi đi tìm vàng tại khu đất gần nhà thì phát hiện một que vàng có hình thù như cây kim khâu. Cây kim này không có trôn, khi bẻ đôi thì thấy bên trong có một chất kim màu trắng. Đem đến tiệm vàng, chủ tiệm bảo đây là vàng hời, khoảng 7 tuổi. Thời đó, tôi bán cây kim và mua được cái áo ấm…”, ông Thanh nhớ lại. Ông Thanh cho biết thêm nhiều người khi hay tin về dấu mốc của kho vàng hời là “cây duối trắng” đã chuyển hướng, không tìm vàng nữa mà cố tìm thứ cây kỳ lạ này. “Loại cây này trông như thế nào?”, tôi hỏi. Ông Thanh cho hay không ai thấy “cây duối trắng” ra làm sao vì nó không mọc trong vùng Đồng Dương. “Nhưng theo mô tả truyền miệng thì cây này có thân, lá, rễ đều màu trắng”, ông Thanh nói.

Theo UBND xã Bình Định Bắc, cuộc săn lùng ráo riết vàng hời và kho báu dai dẳng đến năm 2007. Nhưng đến nay vẫn có người nuôi hy vọng và lén lút vào Phật viện để tiếp tục đào bới. Cụ Huệ kể thêm khi không tìm thấy kho vàng đâu, nhiều người lại chuyển sang tìm kiếm những ngôi mộ Chăm hình mu rùa để đào bới vì tin rằng trong đó có vàng dát lá.

Kho báu vàng hời chỉ là câu chuyện dân gian
Ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, cho hay ông có nghe câu chuyện về kho báu vàng hời và “cây duối trắng” nhưng đó chỉ là câu chuyện dân gian truyền miệng. Mọi cuộc tìm kiếm đều vô ích. “Tuy nhiên, việc người dân đổ xô đi tìm kho báu vào những năm trước là có thật. Người trong địa phương thì ít mà người ngoài địa phương thì đông, nhất là người dân ở Tây Ninh ra”, ông Túc nói. Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, cũng cho rằng kho báu vàng hời chỉ là câu chuyện dân gian. “Nhưng chuyện phát hiện vàng non hình quả cau, lá trầu... có thể có, bởi vì người Chăm có phong tục dùng vàng non chôn làm đồ tùy táng”, ông Cẩm nhận định.
 

tranthanhkiet

Moderator
Thành viên BQT
Kỳ 5: Bí ẩn những viên gạch Chăm cổ

gachcham.jpg

Gạch Chăm xây tháp cổ được nhiều người dân tộc Trà dùng để lát sân - Ảnh: Hoàng Sơn

Lấy gạch cổ về xây nhà

Bên cạnh sự “công phá” của thời gian và bom đạn chiến tranh, bàn tay con người cũng “góp phần” làm cho khu di tích này thêm đổ nát. Đó là khoảng thời gian sau năm 1975, người dân trong làng Đồng Dương hằng ngày kéo vào khu vực tháp cổ để tìm kiếm cổ vật, vàng bạc và lấy cả gạch Chăm đem về xây dựng nhà cửa sinh sống. Những người già trong làng cho biết, nhiều tháp cổ lẽ ra vẫn có thể phục dựng, hoặc chí ít nền móng còn nguyên trạng. Thế nhưng, người dân vào đào xới lấy gạch về đã khiến Phật viện tan hoang. Bà Lê Thị Lựu (50 tuổi) cho biết, vào những năm 1980, có thời điểm chỉ sau 1 năm, có gia đình đã xây được một căn nhà mà vật liệu chính là gạch Chăm cổ đào được từ Phật viện mang về.

Trong khuôn viên khu di tích này, hễ cứ đặt cuốc đào là có gạch. Hết lấy gạch trên mặt đất, người dân lại đào xuống sâu hơn để tìm kiếm. Tuy nhiên, loại gạch này “chỉ dành” cho người mang dòng tộc họ Trà. “Có điều lạ là, người trong tộc họ chúng tôi lấy gạch về xây nhà, lát sân, làm chuồng... thì không sao. Nhưng người mang họ khác sử dụng gạch này thì gặp chuyện không may. Cho nên, từ bao đời nay, người ngoài làng Đồng Dương có ai dám lấy một viên gạch về đâu”, cụ Trà Tấn Huệ (84 tuổi) nói.

Nhà cụ Huệ đã từng dùng gạch Chăm để xây. Nhưng theo thời gian, những viên gạch này bị mục buộc cụ phải thay mới. Cách đây khoảng 5 - 7 năm, chính quyền xã Bình Định Bắc đã bắt giữ một chuyến xe chở toàn gạch Chăm cổ từ Phật viện ra. Theo cụ Huệ, những người mua gạch Chăm không biết để làm gì nhưng chắc chắn không chỉ đem về xây nhà. “Không thể đùa với gạch này được vì ngay trong làng Đồng Dương và những địa phương lân cận, có người lấy gạch về nhưng sau đó gặp toàn điềm gở, đau ốm nên phải trả lại”, cụ Huệ tiếp lời.

Cũng vì tin vào điều linh thiêng này và theo lời dặn của cha chồng mang họ Trà, bà Lựu luôn răn con cái không được mang loại gạch này về nhà để tránh sự phiền toái.

Câu chuyện về tộc Trà

Ở Đồng Dương không chỉ có Phật viện và kinh thành Indrapura là dấu ấn một thời hoàng kim của Vương quốc Chămpa mà còn có dòng tộc họ Trà phát triển đến ngày nay. Qua tìm hiểu các tài liệu liên quan, thủy tổ của tộc Trà ngày nay có thể là Trà Hòa Bố Để (vị vua cuối cùng của dòng Chế Mân). Hiện tộc Trà tại Đồng Dương có khoảng hơn 110 hộ với hơn 200 nhân khẩu. Nói về hậu duệ của vương quốc Chămpa xưa, tại Đồng Dương duy chỉ có tộc Trà, không có thêm các họ khác như: Ung, Chế và Ma.

Cụ Trà Tấn Huệ cho biết, hiện tộc Trà tại Đồng Dương có 3 nhánh. Nhánh 1 đã tuyệt do ông Trà Cung làm trưởng nhánh (đã mất) chỉ có con gái. Sau đó, nhánh 1 nhập vào nhánh 2 là nhánh của cụ, do ông Trà Tấn Tôn làm trưởng nhánh. Nhánh 3 do ông Trà Tấn Sắn làm trưởng tộc, nhánh 4 do ông Trà Tấn Tư làm trưởng tộc. Nhiều đời nay, tộc Trà sống quần tụ trong làng Đồng Dương và đã ghi nhận nhiều câu chuyện linh thiêng liên quan đến họ - hậu duệ của vương quốc Chămpa huy hoàng một thời.

Anh N.H, người sống ở xã Bình Định Bắc, cho biết khi anh còn nhỏ, cứ mỗi lần đi ngang Phật viện một mình, anh rất sợ bởi lời dặn của gia đình “không xâm phạm bất cứ thứ gì trong khu tháp cổ vì sẽ gặp xui xẻo” luôn trong tâm trí anh. Mùa hè đến, sim bầu chín mọng nhưng dù có ham chơi vào hái thì anh cũng chỉ “xin” ăn tại chỗ chứ không dám mang về nhà vì sợ mang theo điều không may về. Không những vậy, nhiều người không phải họ Trà thậm chí còn không dám bẻ một nhành cây mọc ở Phật viện để che dù trời rất nắng, không dám vào hốt phân, hái củi. Nhiều người làng Đồng Dương bây giờ đã trưởng thành nhưng vẫn nhớ rõ những lời dặn của ông bà, cha mẹ ngày xưa, rằng có ghé Phật viện chơi cũng không được trèo lên tượng hoặc tháp cổ vì sẽ bị “quở mắng” ngay. Có lẽ đây cũng là cách mà người xưa răn dạy con cháu để gìn giữ những di sản cha ông để lại.

Cho dù theo thời gian, Đồng Dương hoang phế, gạch đá ngổn ngang nhưng người dân Đồng Dương và tộc Trà vẫn tin vào sự linh thiêng ấy. Hỏi ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, ông gật đầu xác nhận. Ông Túc vốn là hậu duệ của tộc Trà lại làm công tác quản lý địa phương nên ông được nhiều người dân kể về sự linh thiêng của gạch Chăm.

“Một điều kỳ lạ là nếu không phải người tộc Trà vào Phật viện cắt cỏ về cho trâu, bò ăn thì chúng cũng không ăn được”, ông Túc kể thêm.

Trận đánh ác liệt tại Đồng Dương
Trong chiến tranh, tại Đồng Dương từng xảy ra một trận đánh ác liệt giữa ta và địch trong tháng 12.1965, nằm trong Chiến dịch Hiệp Đức - Đồng Dương nhằm tiêu diệt quận lỵ Hiệp Đức và đồn Việt An. Năm đó, tại khu vực tháp cổ Phật viện, nhiều bộ đội của ta đã hy sinh khi giáp mặt với xe tăng địch. Đồng Dương vốn linh thiêng từ xa xưa, từ sau trận đánh đó lại càng thêm linh thiêng vì sự hy sinh quả cảm, máu bộ đội ngã xuống đã ngấm vào từng thớ đất khu di tích này.
 


Top