Còn Có Thể Bên Người Bao Lâu Nữa | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software. 

All the knowledge we share is completely free. If you are willing, please support us here.

×

Còn Có Thể Bên Người Bao Lâu Nữa

malemkhoang

Rìu Chiến
concothe.jpg

Chương 1. Tuổi thơ ngốc nghếch​


Có người nói ai không làm điều gì ngốc nghếch thì không có tuổi thanh xuân; lại có người nói, người hay làm điều ngốc nghếch không đáng tin cậy. Điều này khiến rất nhiều bạn cảm thấy mâu thuẫn và khó xử, bởi vì chẳng ai muốn thừa nhận mình không có tuổi thanh xuân, đồng thời cũng không ai muốn người khác nghĩ mình không đáng tin cậy. Mỗi lúc như thế tôi vô cùng cảm ơn bà cố tôi. Nhờ sự giúp đỡ của bà cố, hồi nhỏ tôi đã gây ra cả rổ chuyện ngu ngốc, điều này chứng tỏ tôi có tuổi thanh xuân rất phong phú, đồng thời, bà cố che giấu một cách hoàn hảo những chuyện ngốc nghếch mà tôi đã làm, khiến mọi người cảm thấy tôi vừa thông minh vừa đáng tin cậy.

Các câu chuyện dân gian thường bắt đầu bằng “có một lần”, nếu suy xét kĩ thể loại của câu chuyện bà cố dạy tôi làm trò ngốc nghếch, thì vì nó xảy ra trong nội bộ nhân dân, tôi cảm thấy nên quy nó vào truyện dân gian.

Lần đó rốt cuộc là xảy ra vào tháng nào năm nào thậm chí ở đâu thì tôi không còn nhớ rõ nữa, trong ấn tượng của tôi khi đó mình chưa quá năm tuổi, cùng bà cố đứng trước một hòn non bộ, bắt đầu một cuộc đối thoại có ý nghĩa giáo dục vỡ lòng khoa học tự nhiên. Chắc tôi đã dùng thứ ngôn ngữ hạn hẹp của mình để khen ngợi vẻ đẹp của hòn non bộ cao lớn này, sau đó bà cố tôi thở dài đáp: “ muốn từ mầm non bộ nhỏ lớn lên thành hòn non bộ to thế này, chắc ít nhất cũng phải tưới nước cho nó sáu, bảy năm”.

Lúc đó tôi cũng vô cùng ngạc nhiên, hỏi lại một cách khó tin: “Những hòn non bộ này đều lớn lên nhờ tưới nước ạ?”. Bà cố mỉm cười sâu xa: “Không, có một số là tự nhiên, có một số do thợ thủ công đẽo gọt, còn có một loại vô cùng hiếm có, lớn tới một độ tuổi nhất định sẽ sinh ra những mầm non bộ nhỏ, có thể nuôi lớn thành hòn non bộ lớn. Mấy hôm nữa bà cố sẽ nhờ người mua mầm cho cháu nuôi xem thế nào”.

Mấy hôm sau quả nhiên bà cố tặng tôi một hòn non bộ nhỏ, bảo tôi trồng trong một cái bát nông to hơn bát canh một chút. Bà cố nói với tôi, nếu ai hỏi thì nhất định không được nói cho họ biết, bởi vì không mấy người biết chuyện mầm non bộ có thể lớn thành hòn non bộ lớn, nếu họ cứ hỏi tại sao tôi đặt cái này trên bàn, thì cứ nói làm vì thấy đẹp.

Hồi nhỏ tôi luôn là một đứa trẻ biết nghe lời, tôi nhận món quà với lòng thành kính và lòng cảm ơn sâu sắc với bà cố vì tặng nó cho tôi. Sau đó, cuộc đời tôi có chừng ba bốn năm phát rầu, khi hòn non bộ lớn lên tôi nên đặt nó ở đâu nhỉ. Đây là một mối lo lớn rất quan trọng trong thời thơ ấu của tôi.

Đợt Thanh Minh vừa rồi về nhà tảo mộ cho bà cố, tôi hỏi mẹ còn nhớ chuyện ngày nhỏ tôi rất yêu quý một chậu non bộ không. Mẹ nói nhớ chứ, khi đó con rất thích nó, đặt nó trên bậu cửa sổ, hàng ngày việc đầu tiên sau khi ngủ dậy là ngắm nó, mọi người đều thấy lạ không biết tại sao con thích như vậy, hôm nay ngắm mai cũng ngắm, chẳng phải vẫn như nhau sao? Tôi thở dài trong lòng, đương nhiên mọi người không hiểu rồi, mỗi ngày tôi ngắm nó một lần vì muốn quan sát xem nó có lớn hơn hôm qua chút nào không. Đương nhiên, cả đời này tôi không định nói cho họ biết điều đó.

Cuối năm lớp mười, khi tôi chọn phân ban xã hội, cô giáo chủ nhiệm cảm thấy khó hiểu nên gặp tôi nói chuyện. Cô nói thành tích môn tự nhiên và xã hội của tôi như nhau, học tự nhiên sẽ có tiền đồ hơn, tại sao lại chọn ban xã hội? Thực ra trong lòng tôi vẫn nghĩ một đứa học lớp ba vẫn tin hòn non bộ nhỏ sẽ lớn lên như em là người sinh ra để học tự nhiên sao? Nhưng tôi nghĩ làm người chẳng ai tự khoe cái dốt của mình ra để cô giáo biết mình ngốc nghếch như vậy, nên tôi nói chắc như đinh đóng cột rằng em lựa chọn như vậy hoàn toàn dựa trên tình yêu nồng nhiệt của em dành cho văn học, ước mơ của em là trở thành một người làm việc cần mẫn với những con chữ. Sau khi tốt nghiệp đại học, quả nhiên tôi trở thành một người làm việc cần mẫn với những con chữ, thường xuyên làm thêm, ngày ngày vùi đầu trong đại dương của các loại giấy tờ, thực sự muốn xuyên không về lúc đó tát cho tôi một cái rồi giẫm lên mặt cái nữa.

Khi còn nhỏ, tôi có một niềm tin khác, chính là tin rằng trẻ con vừa sinh ra đã biết trèo cây. Điều này cũng bắt nguồn từ sự khai sáng của bà cố tôi. Bà nói với tôi, sau khi tôi sinh ra trong bệnh viện, y tá bế tôi đi nhưng tôi rất muốn gặp người mẹ đã sinh ra mình, phải làm sao bây giờ, thế là nhân lúc các cô y tá không để ý tôi đã bò từ trên giường xuống. Cứ bò cứ bò, nhưng phòng sản mẹ tôi nằm trên tầng ba, tôi liền nghĩ ra cách trèo lên một cái cây bên cạnh phòng sản, vì thế tôi đã gặp được mẹ mình.

Khi đó thực ra tôi đã hơi hơi biết và nhớ được mọi chuyện rồi, chỉ là có thể do trí tuệ của tôi có chút khiếm khuyết, thế là tôi lại tin sái cổ câu chuyện này. Điều duy nhất tôi không hiểu đó là tại sao khi là em bé tôi biết trèo cây nhưng khi học mẫu giáo tôi lại không biết trèo cây nữa. Trên con đường trưởng thành, tôi đã quên kĩ năng trèo cây quan trọng này từ bao giờ không biết nữa. Vì thế có thời gian tôi vô cùng buồn bã, suýt chút nữa là bật khóc. Cũng may khi còn nhỏ tôi là đứa trẻ không biết ăn nói, không thích chia sẻ những chuyện mình biết cho người khác, do vậy mới tránh được để lộ trí tuệ của mình vì niềm tin ngốc nghếch này.

Bà cố thích chơi đùa cùng tôi bởi vì tôi là đứa chắt đầu tiên của bà. Tôi mang lại cho bà niềm vui tứ đại đồng đường, bà mang lại cho tôi một tuổi thơ thường xuyên làm những chuyện ngốc nghếch nhưng khi nhớ lại thì ngập tràn niềm vui.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Chương 2
Làm Một Người Lương Thiện

Bà cố là một tín đồ rất tin vào Phật giáo. Nếu chỉ nói về tin Phật, bà nội và bà ngoại tôi cũng tin, nhưng chỉ đến mức vào chùa thắp hương, ăn chay trong những ngày lễ tết, còn bà cố tôi lại quy y cửa Phật. Nghe nói trước khi tôi ra đời, bà cố đã được một vị thiền sư nào đó điểm hóa làm đồ đệ, chỉ là do sức khỏe không tốt nên bà được ở nhà để tóc tu hành.
Quả thực mỗi năm vào hai mùa xuân, hạ, khi thời tiết trong lành, bà cố sẽ lên ngôi chùa đó ở một thời gian để thể hiện lòng thành kính, lần nào cũng đi bộ tới đó và đi bộ về, khi đó bà cố đã sáu, bảy mươi tuổi. Khi đi, bà cố mang theo mấy cái đệm xinh xắn bà tự khâu bằng vải vụn, bà cố nói để cho những người đi lễ Phật quỳ xuống hành lễ. Khi bà cố về thường mang theo kinh thư, từng cuốn nhỏ nhỏ mỏng mỏng, khi mở ra là mùi mực dầu xực lên mũi. Cho dù ở nhà nhưng bà cố cũng làm theo đầy đủ những tiêu chuẩn của người lễ Phật như ăn chay trường, ngồi thiền niệm kinh, thực hiện lễ sáng, tối.
Không nhớ khi tôi học tiểu học năm thứ mấy, cứ coi như mấy lớp lớn lớn đi, tôi đã xem mấy bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, mỗi lần có hòa thượng xuất hiện họ đều hay nói câu “Người xuất gia không nói dối”. Xuất phát từ tình yêu với tri thức, tôi đã tra cứu ra ý nghĩa của câu “Người xuất gia không nói dối” và bắt đầu có cái nhìn khác về việc bà cố quy y cửa Phật nhưng không sống trong Phật môn. Tôi nói với bố, vì bà cố đã từng lừa tôi, vi phạm nguyên tắc đầu tiên “Người xuất gia không nói dối” nên Phật môn không cần bà cố, bà chỉ có thể ở nhà tu hành thôi. Khi đó tôi chỉ có tinh thần hoài nghi nhưng lại ăn nói quá thẳng thắn, không hiểu được nghệ thuật nói chuyện, vì thế những lời này bị coi là không tôn kính trưởng b, do vậy không những không được bố tôi ủng hộ, ngược lại còn bị ông mắng cho một trận.
Lại nói chuyện về bà cố tôi, do bà lễ Phật nên từ nhỏ tôi đã được nghe không ít câu chuyện như Phật Đà xả thân cho hổ ăn thịt, kiến xếp chữ báo ân... Tôi cảm thấy điểm tốt lớn nhất của bà cố chính là kể chuyện cho tôi nghe đơn thuần là kể chuyện, tuyệt đối không có ý gợi mở đạo lí cho tôi, từ đó làm trỗi dậy tâm lí chống đối trong tôi. Cô giáo mẫu giáo cũng kể chuyện cho chúng tôi nghe, ví dụ câu chuyện về cậu bé người gỗ mũi dài, khi kết thúc cô nói với chúng tôi, các bạn nhỏ, các bạn nhất định phải thật thà, nếu không mũi sẽ dài ra đó. Vì nỗi sợ hãi mũi dài nên chúng tôi đương nhiên không dám nói dối, hình như đều tỏ ra rất thành thật, sau này lớn lên rồi tôi cảm thấy đây rõ ràng là một sự đe dọa, khiến tuổi thơ tôi bị ám ảnh.
Bà cố kể cho tôi nghe câu chuyện kiến xếp chữ báo ân, truyện kể rằng ngày xưa có một anh thư sinh, trên đường đi nhìn thấy một con kiến rơi xuống sông, đang giằng co giãy giụa, bộ dạng đáng thương, thư sinh bèn cứu mạng nó. Sau này thư sinh đi thi, trong bài thi có chữ bị thiếu một nét, khi quan thảo thí đọc bài thì vị trí ấy bỗng nhiên xuất hiện một con kiến, thay thế nét chữ bị thiếu kia một cách hoàn hảo, nhờ đó thư sinh mới đỗ tiến sĩ. Tôi hỏi bà cố, vậy bình thường khi đi đường bà cũng không nỡ giẫm chết con kiến ạ? Bà cố nói, bà là một sinh mệnh, nó cũng là một sinh mệnh về điểm này bà và kiến chẳng có gì khác nhau.
Câu chuyện này đã gợi mở cho tôi hai điểm, một là vạn vật đều có linh hồn, chúng ta và tự nhiên sinh sống hòa thuận với nhau. Hai là phải trở thành một người lương thiện, bạn đối xử lương thiện với thế giới này, thế giới này sẽ đối xử lương thiện với bạn.
Đương nhiên là vì khi học mẫu giáo khả năng lĩnh ngộ của tôi có hạn nên khi ấy không ngộ ra được đạo lí đó một cách hệ thống như vậy, những điều này đều là cảm ngộ khi lớn lên, nhớ lại những câu chuyện bà cố kể cho tôi nghe. Khi còn nhỏ, tôi suy nghĩ rất đơn giản, chỉ cảm thấy mình phải làm một người lương thiện, tại sao ư, bởi lương thiện có lợi, mặc dù bà cố không dọa nạt tôi như giáo viên, nói nếu không lương thiện thì tai nạn sẽ giáng xuống đầu tôi, nhưng so với không lương thiện, tôi vẫn nghiêng về phía làm một lương thiện để có được cái lợi của việc lương thiện hơn. Vì thế, mỗi lần bắt gặp bọn con trai đổ nước vào tổ kiến, tôi liền bước lên ngăn cản, lâu dần tôi trở thành một người không được lòng bọn con trai, nhưng cũng đã cứu được không ít kiến, mặc dù chẳng có lần nào kiến giúp tôi trong kì thi như giúp vị thư sinh kia. Nhưng khi thơ bé tôi vẫn luôn vững tin có một ngày nào đó, chúng sẽ nhớ tới ân tình của tôi dành cho chúng sẽ cảm thấy xấu hổ và có lỗi khi không báo đáp tôi.
Điều này cho thấy từ nhỏ tôi đã tin động vật có ý thức, biết suy nghĩ và có tình cảm. Khi học tiểu học, giáo viên môn tự nhiên với thái độ dạy học nghiêm túc, muốn chúng tôi tin động vật không có tư tưởng. Ngoài mặt, tôi giả vờ tin nhưng niềm tin trong lòng thì vững như kiềng ba chân. Cũng may niềm tin ấy không sụp đổ. Thời đại học đọc xong cuốn “Động vật có ý thức không?” của Volker Arzt, thế giới quan của tôi mới không sụp đổ.
Thực ra từ lúc ấy cho đến bây giờ, trải qua tuổi thiếu nhi, thiếu niên, tôi đã biết câu chuyện kiến báo ân chỉ là câu chuyện hư cấu từ lâu, nhưng không hiểu sao tôi vẫn tin tưởng quả báo thiện ác. Nếu nói đây là những kiến thức bà cố đã hết mình truyền thụ cho tôi, thì tôi nghĩ ngay cả bản thân bà cũng không cho là vậy. Nếu bà biết những suy nghĩ này của tôi bây giờ chắc chắn sẽ rất ngạc nhiên và trong lòng sẽ nghĩ tôi là một mầm cây tín Phật, nhưng tôi biết bà cố sẽ không bao giờ nói ra, không bởi vì bà đã mất, mà bởi bà không bao giờ yêu cầu tôi làm một việc nào đó hoặc trở thành một ai đó.
Bà cố hi vọng nhưng không bao giờ yêu cầu, không ngày ngày càm ràm bên tai tôi, đây chính là trí tuệ của người già. Thực ra trong lòng tôi biết bà muốn tôi- đứa chắt gần gũi nhất của bà- trở thành một người từ bi, lương thiện. Tôi vẫn chưa đạt đến cảnh giới từ bi nhưng tạm thời đã trở thành một người lương thiện rồi.
Khi mất, bà cố tôi hưởng thọ chín mươi tư tuổi. Khi ấy, tôi đi làm ở xa, một tuần trước khi bà cố lâm chung tôi có về thăm bà. Lúc ấy bà đã không thể nói chuyện được nữa.
Tôi ngồi bên giường bà rất lâu, nhưng cuối cùng vẫn phải li biệt. Bà nắm tay tôi, hồi lâu không muốn buông ra, đôi mắt già nua của bà tuôn lệ, dường như đã trước biết đây là lần gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi, là lần cuối cùng bà nhìn thấy tôi trên nhân thế này.
Khi bà cố lâm chung, rốt cuộc tôi vẫn không kịp gặp bà lần cuối. Khi tôi nước mắt nước mũi tèm lem khóc bên giường bà, mẹ tôi nói, cũng may khi bà cố mất không phải chịu đựng quá nhiều. Chúng tôi hi vọng bà cố có thể tới thế giới cực lạc mà bà luôn vững tin là nó tồn tại.
Đến bây giờ tôi vẫn thường mơ thấy bà cố đứng cách tôi không xa, mỉm cười nhìn tôi với vẻ hiền từ.
Tôi hi vọng bà cố mãi nhìn tôi như thế.
Bà cố của tôi, tôi rất nhớ bà, khi nhớ tới bà, trong tôi niềm vui luôn lớn hơn nỗi buồn.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Chương 3​

Chí Ít Chúng Ta Vẫn Còn Có Nhau​

Chẳng có gì có thể quay lại, tình cảm đã cũ, thời gian đã qua.
Chúng ta chỉ có thể chấp nhận sự giày vò của niềm hối tiếc, chấp nhận sự xa cách mãi mãi này.
Cùng với sự ra đi mãi mãi của người thân, một lỗ hổng nào đó trong đời người lặng lẽ rộng ra. Trưởng thành có lẽ chính là chấp nhận ngày càng nhiều lỗ hổng.
Ban đầu nơi ấy chỉ là một ngọn núi nhỏ vô danh, cách xa thành phố, sau đó bị phân thành nghĩa trang, trở thành một nơi liên quan đến chết chóc và người chết trong suy nghĩ của người dân ở đây.
Công việc của bố tôi rất bận, thường xuyên phải đi công tác. Từ khi nhớ được mọi chuyện, mỗi dịp tiết Thanh minh, mẹ sẽ dẫn tôi đi hai tuyến xe bus cỡ vừa mà chúng tôi phải đợi rất lâu mới có, để đi tảo mộ cho bà- người mẹ đã mất vì bệnh khi mẹ tôi mới tám tuổi.
Tôi luôn coi đó là một chuyến đi chơi ngoại ô.
Trải qua một mùa đông u ám dài đằng đẵng, sau tiết xuân sớm nắng mưa thất thường, thời tiết mới bắt đầu ấm lên. Trút bỏ chiếc áo rét nặng nề, cơ thể trở nên nhẹ nhàng, trong không khí phảng phất hơi thở của cỏ cây đang đâm chồi, hoa đào đã rụng, hoa cải đương vàng, cánh đồng lúa hai bên đường xanh mướt một màu, thỉnh thoảng còn nhìn thấy bác nông dân dắt trâu cày ruộng theo phương thức cổ xưa nhất. Đối với một đứa trẻ lớn lên ở thành phố, đường xá dù có xa, phải di chuyển nhiều thì vẫn cảm thấy thú vị, cho dù trên đường có nhiều bùn đất đến mấy đều không cảm thấy khổ cực.
Trẻ con không có khái niệm chết chóc, khu nghĩa trang cũng không mang lại cho tôi ấn tượng thê lương.
Ban đầu nơi ấy rất đơn sơ, mồ mả lộn xộn, có nhiều phần mộ cỏ dại um tùm, bia mộ đỏ nghiêng, đường đi khúc khuỷu, hơn nữa còn đột nhiên biến mất khiến bạn không biết đi hướng nào mới đúng. Người đi tảo mộ đông như kiến, công thêm mấy người buôn bán vàng mã, hương nến. khiến cả nghĩa trang huyên náo như họp chợ, thêm vào đó chốc chốc lại vang lên tiếng pháo ầm ĩ, mùi thuốc pháo và mùi hương quyện lại với nhau.
Nơi đây tràn ngập không khí của thế giới người sống.
Đương nhiên, vẫn có người đau đớn, kêu khóc. Thậm chí tôi còn nhìn thấy một người đàn ông đập đầu vào bia mộ, phát ra tiếng động rất rõ ràng nhưng không tốt lành, tôi liền sợ hãi đờ người ra, cho đến khi bị mẹ kéo đi tôi vẫn không kìm được mà quay đầu lại. Người ấy được người thân ôm chặt, nhưng vẫn giằng co giãy dụa, hai mắt đầy tia máu. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy biểu cảm đau đớn khổ sở như vậy trên gương mặt ai, tôi hỏi mẹ: “chú ấy làm sao vậy?”.
Mẹ bình thản trả lời: “Chắc là vì buồn”.
“Tại sao lại buồn?”.
“Bởi vì không thể gặp được ai đó nữa”. Mẹ trả lời với vẻ thiếu kiên nhẫn nên tôi biết điều không hỏi gì nữa.
Phần lớn những người khác tới viếng thăm mộ trong vài ngày đó đều không đau buồn lắm, họ lau sạch bia mộ, thắp hương, khấn vái, đốt tiền vàng, đốt pháo đồng thời nói cười vui vẻ, có người còn mang cả điểm tâm, hoa quả và các loại dưa muối, rồi ngồi tụm lại ăn uống. Mẹ tôi cũng không đau buồn lắm, chí ít tôi cũng chưa từng nhìn thấy mẹ rơi nước mắt, nhưng mẹ cũng không có bất cứ biểu hiện thoải mái nào.
Sau khi xong các trình tự tảo mộ, tâm trạng mẹ tôi vẫn không tốt hơn. Khi tôi hỏi về người bà mà tôi chưa từng gặp mặt, mẹ trả lời rất đơn giản, ngắn gọn, thỉnh thoảng còn nổi cáu. Sau này lớn thêm một chút tôi mới hiểu, với một đứa bé gái tám tuổi và đứa em trai năm tuổi mà nói, người mẹ mất sớm chẳng để lại trong họ bao nhiêu kí ức. Huống chi, ông ngoại đi bước nữa ngay sau đó không lâu, rồi sinh thêm một cậu con trai, người xuất hiện nhiều hơn trong tuổi thơ của mẹ tôi có lẽ là người mẹ kế kia.
Nhắc tới mẹ kế, mẹ tôi lại rất công bằng: “Bà ấy không hung dữ, chưa từng ngược đãi mẹ và cậu lớn. Còn về chuyện thiên vị cậu bé, yêu thương con đẻ của mình hơn cũng là chuyện bình thường. Hơn nữa, cả đời bà ấy thực sự chẳng được hưởng nhiều phúc, bà mất năm sáu mươi sáu tuổi”.
Đôi lúc mẹ còn kể những câu chuyện thú vị về mẹ kế của mình. “... Bà tháo chiếc áo len cũ của mình ra rồi đan cho mẹ và cậu lớn của con mỗi người một chiếc áo gi lê. Bất cứ người họ hàng nào tới, bà đều lôi mẹ và cậu ra, vén áo ngoài lên cho họ xem, chứng minh bà ấy hiền thục, biết chăm nom nhà cửa thế nào, chăm sóc bọn mẹ tôi ra sao, cho đến khi áo gi lê bó chặt trên người không thể mặc được nữa”. Mẹ ngừng lại một chút, thở dài: “Có điều, cưới một người đã có hai đứa con, kinh tế dựa cả vào lương lậu của một mình ông ngoại con cũng không dễ dàng, bà ấy quả thực rất biết chăm nom nhà cửa”.
Vì thế khi dẫn tôi đi tảo mộ, đốt tiền vàng, mẹ sẽ đốt luôn cho mộ bà kế ở cách đó không xa. Với tôi, bà là một người có làn da trắng trẻo, luôn cười trước khi nói, còn có phải là bà ngoại ruột hay không cũng chẳng quan trọng. Huống hồ, từ nhỏ tôi đã thích cậu bé tính tình hoạt bát.
Sau khi khu mộ có thêm phần mộ của ông ngoại, tôi bắt đầu từ chối việc đi tảo mộ dịp thanh minh. Mẹ bảo tôi mấy lần nhưng tôi đều tìm cách từ chối, nếu mẹ than phiền tôi liền nổi cáu, mẹ lập tức không nói gì nữa.
Trong lòng tôi cảm thấy hối lỗi.
Đến một giai đoạn nào đó, bố mẹ đột nhiên không còn là trung tâm vũ trụ và quyền uy trong lòng con cái nữa, nụ cười hay cái nhăn mặt của họ đều không khiến con cái vui vẻ hay sợ hãi nữa; nên họ đưa ra yêu cầu cũng trở nên có phần e dè, khi đưa ra phán đoán giọng điệu của họ cũng không còn chắc chắn nữa... quan hệ dựa dẫm từ trước đến nay đột nhiên bị đảo ngược. Ý thức được điểm này, với tôi mà nói không hề dễ chịu chút nào. Bố mẹ già rồi, trách nhiệm trên vai tôi cũng nặng thêm, không thể tung tăng vô lo như thời niên thiếu, phía sau luôn có một cánh tay vững chãi che chở. Sự bồng bột, những lời khó nghe, cái tính động một tí là khó chịu của tôi, thực ra phần lớn đều do nỗi sợ hãi khi phải gánh chịu áp lực tạo nên.
Điều mẹ không biết là, mùa đông năm ông ngoại mất, một mình tôi đã tới khu mộ.
Ngọn núi hoang vắng, gió lạnh vù vù táp vào mặt, khiến người ta không mở nổi mắt. Qua mấy năm tu sửa, khu mộ đã không còn lộn xộn như trước đây nữa, phần mộ và bia đá được sắp xếp dày đặc thống nhất theo một kiểu, trông có phần bí bách. Tôi bị lạc giữa rừng bia đá giống nhau như đúc, quay đi quay lại không tìm thấy mộ của ông ngoại đâu cả, nên ngồi thụp xuống cạnh một bia mộ ôm mặt khóc nức nở.
Ông ngoại và gia đình cậu bé sống trong khu tập thể kiểu cũ của một khu công nghiệp nặng bên bờ kia sông Trường Giang. Ông là người thân thiện và hòa nhã, quần áo gọn gàng, làm công việc kĩ thuật, thích uống chút rượu trong bữa cơm tối. Ông biết làm mộc, ngoài giờ làm việc, ông hay đẽo đẽo gọt gọt, ông có thể đóng được cái tủ quần áo xinh xắn và tủ năm ngăn kéo. Vào những năm đồ dùng gia dụng chưa được sản xuất hàng loạt, dựa vào món nghề này ông cũng kiếm được thêm không ít.
Tôi không có thời gian nào sống cùng với ông, một năm số lần gặp mặt chỉ đếm trên đầu ngón tay, vốn không nên đau lòng như vậy.
Nhưng, ông mất vì bệnh ung thư gan, từ khi chẩn đoán cho tới lúc mất chỉ có nửa năm, khi đó ông bảy mươi hai tuổi.
Cậu lớn làm việc ở nơi khác, chỉ vội vã về thăm rồi lại vội vã rời đi. Còn mẹ và cậu bé nổ ra tranh cãi gay gắt vì chuyện chữa bệnh, mẹ chủ trương mổ, tích cực cứu chữa, dốc hết khả năng kéo dài tuổi thọ cho ông. Cậu bé cho rằng đã mắc bệnh không thể qua khỏi thì không cần thiết lãng phí tiền bạc. Hai chị em tranh luận gay gắt, lôi hết những chuyện cũ ra lúc nào không hay, tâm trạng kích động vô cùng, lời nói cũng lúc càng gay gắt.
Bố thận trọng đặt mình ở vị trí người ngoài, không muốn phát biểu ý kiến nhiều. Tôi vốn không hiểu việc tranh cãi giữa mẹ và cậu, nhưng lần đầu tiên mẹ rơi nước mắt nói với tôi: “Mẹ còn nhớ bộ dạng bà con khi mất, mấy tháng cuối cùng, khuôn mặt bà bị biến dạng. Khi đó, thu nhập của ông ngoại con không thấp, nhưng nhà có người già cần phụng dưỡng, có họ hàng ở quê phải giúp đỡ kinh tế, gánh nặng chồng chất. Bà tiếc tiền, không chịu khám bệnh, cứ gắng chịu, nếu được chữa bệnh tử tế, bà con sẽ không đi sớm như vậy”.
Tôi biết nỗi đau trong lòng mẹ, nên nắm chặt tay mẹ nói: “Con sẽ cùng mẹ chăm sóc tốt cho ông”.
Mợ bé thản nhiên nói công việc bận rộn, phải chăm sóc con gái, muốn tận hiếu nhưng có tâm mà không có sức. Nếu kiên trì cứu chữa cho ông thì phải nói rõ chăm sóc thế nào, tiền nong ra sao. Tôi tức giận, không thể chịu nổi những lời liên tục thốt ra từ miệng cậu bé: Đằng nào cũng chết, cần gì phải vừa chịu tội vừa tốn tiền; tôi không chịu nổi cái nợ này đâu; nhiều loại thuốc tốt không thuộc phạm vi của bảo hiểm y tế...
Cậu bé còn nói tôi không hiểu chuyện, không nên nhúng tay vào chuyện của người lớn. Tôi châm biếm nói: “Chí ít cháu hiểu giữa người thân với nhau không nên so đo tiền bạc, cậu cứ giữ tiền của cậu, mong cậu sống yên ổn”
Mẹ chuyển ông ngoại về trị liệu ở bệnh viện gần nhà tôi và ngày đêm chăm sóc ông. Hàng ngày sau khi tan ca, tôi tới thăm ông, thay mẹ chăm sóc ông, để mẹ nghỉ ngơi một chút. Nửa năm đó, đối với mỗi người trong gia đình tôi mà nói, đều là một quá trình mệt mỏi, không chỉ lòng kiên nhẫn mà còn nhiều thứ khác dần bị hao mòn. Ban đầu ông ngoại được phẫu thuật ngoại khoa, cắt bỏ bộ phận ung thư. Nhưng bác sĩ nói với chúng tôi đã có di căn. Ông lại bị chuyển tới phòng hóa liệu xạ trị, sức khỏe suy yếu vô cùng, mong manh giữa ranh giới sống- chết. Còn mẹ tôi ngày càng tiều tụy, chẳng còn tâm trí chăm sóc gia đình, nhiều lần huyết áp bị tăng cao, bố tôi thương xót lắm nhưng ít nhiều cũng chỉ khẽ nhắc nhở.
Mẹ tôi không gượng được nữa nên về nghỉ ngơi, mình tôi trong phòng bệnh, đọc sách giết thời gian, nhưng đọc không vào. Bệnh của ông ngoại nặng tới mức phải dùng moocphin đúng giờ để giảm đau. Nhìn ông nằm đó, dáng người gầy gò, đột nhiên tôi có một suy nghĩ đáng sợ: tồn tại mà không hưởng thụ được niềm vui thì có giá trị gì; kiên trì trong đau đớn thế này có ý nghĩa gì?
Tôi sợ hãi, suy nghĩ này và suy nghĩ của cậu bé mà tôi khinh bỉ có gì khác nhau đâu. Tôi cố biện hộ cho bản thân: Xét cho cùng mình chưa bao giờ tiếc tiền, chỉ cảm thấy ông ngoại quá đau đớn.
Nhưng, mình hi vọng ông mau chóng ra đi như cậu bé từng nghĩ, để mọi người được giải thoát.
Không không không, tôi chỉ có thắc mắc về ý nghĩa của cuộc đời, chứ không đánh mất sự kiên nhẫn và hiếu kính.
Khi tôi đang chiến đấu với bản thân mình, ông ngoại mở choàng mắt, mơ hồ nhìn bốn phía xung quanh, ánh mắt dừng lại ở chỗ tôi, tôi hỏi ông: “Ông muốn uống nước?”. Ông lắc đầu, dường như thần thái tỉnh táo trong giây lát, ông thở dài yếu ớt: “Nói thật, bảy mươi ba, bảy mươi tư, Diêm Vương không gọi ông đi, ông cũng khó mà qua được đận này”.
Tôi vội vã nói lớn: “Không đâu, ông đừng nói linh tinh, bác sĩ nói hiệu quả hóa liệu lần này rất tốt”.
Ông ngoại mất sau năm ngày hấp hối mất thần trí. Lúc nhận điện thoại, cậu bé lần đầu tiên mới tới đây.
Tôi đã chẳng còn tâm trạng mà giận dữ, trách móc hay đau đớn, ôm mẹ khóc ngất đi, tê dại nghĩ: Ôi, giải thoát rồi.
Nhưng đây vốn chẳng phải là sự giải thoát khi đặt được gánh nặng này xuống.
Cậu lớn từ tỉnh ngoài về chịu tang, ban đầu cùng với cậu bé chỉ trích mẹ tôi để cha họ phải chịu nỗi giày vò không cần thiết, sau đó lại cùng cậu bé cãi nhau kịch liệt vì chuyện nên mai táng ông gần mộ vợ lớn hay vợ bé và vài chuyện liên quan tới nhà đất. Được sự hòa giải của người anh họ của ông ngoại, mọi chuyện mới coi như giải quyết ổn thỏa.
Mẹ tôi tâm sức đã mệt mỏi từ lâu, chẳng biện giải hay tranh cãi gì, sau khi về nhà ốm nặng một trận, khỏi bệnh xong lại mắc chứng mất ngủ một thời gian dài, buồn bực sầu não, hiếm hoi mới liên lạc qua điện thoại với cậu lớn, không qua lại gì với cậu bé nữa.
Quan hệ với người xa cách như vậy, mẹ tôi ngày càng trầm lặng hơn.
Bố giận dữ trách móc tôi rằng nếu không phải tôi ủng hộ, mẹ tôi không cần thiết phải chăm sóc ông ngoại, kết cục vừa tốn công tốn sức lại chẳng được gì.
Khó mà nói việc lựa chọn mùa đông đi thăm mộ một mình có phải là một hình thức tự ngược đãi sau khi tự trách móc bản thân hay không.
Những tầng mây màu chì đè nặng khiến nửa bầu trời tối xầm lại, lá rụng lá bay lác đác, vạn vật tiêu điều. Một con người dù trong lòng chất chứa bao nhiêu buồn đau chăng nữa, ở nơi người đã khuất an nghỉ thế này cũng thấy nỗi buồn đau của mình trở nên nhỏ bé vô cùng.
Lau khô dòng lệ, tôi phát hiện phần mộ bên cạnh là của một người bằng tuổi tôi. Nhưng sinh mệnh của cô ấy dừng lại khi hai mươi sáu tuổi, trên bia mộ ngoài khắc ngày tháng năm sinh và mất ra, còn ghi: “Khi sống rực rỡ như hoa mùa hạ, khi mất tuyệt vời như lá mùa thu, bố mẹ than khóc”. Phía trên là ảnh một cô gái có mái tóc dài, gương mặt thanh tú mỉm cười nhìn tôi.
Tôi chợt ngẩn ngơ. Sinh mệnh mỏng manh như vậy, hoa mùa hạ, lá mùa thu chẳng qua chỉ là niềm an ủi vô cớ với người sống mà thôi. Như sương buổi sớm mai tiêu tan trong chớp mắt, những ngày tháng đã qua khổ cực nhiều rồi.
Những người tới đưa tiễn rồi ai cũng về nhà nấy. Người thân vẫn còn đau buồn nhưng những người khác đã chẳng còn mảy may nhớ tới.
Cuộc sống vẫn tiếp tục, nỗi đau có sâu đến mấy cũng sẽ dần dần qua đi.
Có điều tôi vì thế mà mất đi tâm trạng tốt khi coi việc tảo mộ như một chuyến dã ngoại.
Tôi sợ gương mặt lạnh lùng của chết chóc và nỗi giày vò dài đằng đẵng mà nó mang tới.
Lại một tiết Thanh minh nữa, bố tôi không may bị trẹo chân nên tạm thời không thể đi lại được. Mẹ lặng lẽ chuẩn bị đi tảo mộ một mình, tôi vẫn im lặng như thường lệ, nhưng thấy bà đi lại không còn linh hoạt nữa, tôi không thể tiếp tục im lặng mãi được, bỗng nhiên lên tiếng: “Để con lái xe đưa mẹ đi”.
Mẹ có phần ngạc nhiên, không giấu nổi niềm vui vội vàng gật đầu: “Tốt quá, tốt quá!”.
Bốn năm trôi qua, con đường dẫn tới khu mộ đã được trải nhựa và mở rộng, hai bên đường là những hàng dương gốc Ý thẳng tắp đang khoác trên mình màu xanh non, nhìn cũng thấy tâm trạng vui vẻ. Mưa phùn lất phất, lúc tạnh lúc mưa. Mẹ thở dài:
“Thời gian trôi đi nhanh quá”.
Đúng thế, thời gian trôi đi thật nhanh, bốn năm vụt qua không dấu vết. Nhớ ngày thơ bé được mẹ dắt tay, bước đi trên con đường này, cảm giác dường như đã cách xa mấy đời người.
Càng tới gần khu mộ, dòng xe càng nhiều, ùn ùn đổ tới. Tôi kinh ngạc, bậc thang đá cao cao trước mặt mọc lên một tòa lầu bằng đá cẩm thạch cao chót vót, hóa ra đã được tu sửa đẹp đẽ như thế này. Mẹ nói với tôi, bên trong cũng được tu sửa hết, bây giờ không cho đốt pháo ở bên trong nữa nên nghiêm trang và yên tĩnh hơn nhiều.
Thực ra không khí trong khu mộ không thực sự trang nghiêm, bởi người đến cúng bái quá nhiều, rộn ràng nhộn nhịp như một cái chợ ồn ào. Mẹ tôi nhanh chóng tìm được phần mộ ông bà ngoại, lua sạch bia mộ, dọn sạch cỏ dại, đặt hoa tươi, lặng lẽ khấn vái, sau đó dẫn tôi sang mộ bà ngoại kế, vừa đi vừa nói: “Bất kể thế nào, bà ấy cũng đã nuôi mẹ với cậu lớn con trưởng thành, cho tụi mẹ ăn học”.
Đương ngiên tôi không ý kiến gì, đi theo mẹ. Lần này tôi không định hỏi, nhưng mẹ lại chủ động nhớ lại những chuyện cũ:
“Mẹ giống ông ngoại con, nghe nói cậu lớn con giống bà ngoại. Thực sự mẹ không nhớ rõ hình dáng mẹ ruột nữa, nhưng lại nhớ như in hình dáng mẹ kế”.
Bà kế là một người khá đọ lượng. Mẹ lấy trộm mạch nhũ tinh* của cậu bé của con pha cho cậu lớn uống. Bà ấy nhìn thấy rõ ràng nhưng không hề mắng mẹ, cũng không nói cho ông ngoại biết, chỉ mang đồ cất đi ở một chỗ khác thôi.
*Mạch nhũ tinh: Là một loại đồ uống có hàm lượng dinh dưỡng cao, hòa tan nhanh, phát triển mạnh trong những năm 70 ở Trung Quốc.
Là mẹ kế mà có thể làm được như vậy được coi là hiền rồi.
Cậu bé của con khi còn nhỏ rất thân với bọn mẹ, lúc nào cũng đòi bọn mẹ dẫn đi chơi. Bọn mẹ trêu đùa, cậu bé cũng không tức giận, đương nhiên cũng không đi mách lẻo”.
Tôi bâng quơ đáp, bất giác nhớ tới cô gái mất năm hai mươi sáu tuổi mà tôi nhìn thấy năm đó.
Mấy năm nay, khu mộ phát triển rất nhanh, tôi không thể tìm được phần mộ mà tôi đã không còn nhớ rõ mã số nữa, không biết người thân có tới thăm cô ấy nữa không? Chắc là có chứ, làm bố mẹ ai lại quên được đứa con gái đoản mệnh của mình.
Mẹ tôi đột ngột dừng chân trước một tấm bia mộ, tôi hỏi mẹ: “Sao vậy mẹ? Con nhớ bia phía trước mới là của bà ngoại mà”.
Mẹ không thốt lên lời, bà túm chặt tay tôi. Tôi nhìn theo ánh mắt mẹ, bia mộ rất mới, bên trên khắc dòng tên quen thuộc, tên của cậu bé. Tôi cũng sững sờ: “Tên của cậu bé rất phổ thông, người cùng họ cùng tên chắc nhiều lắm”.
Mẹ lắc đầu: “Năm đó cậu bé và cậu lớn cãi nhau có nhắc tới chuyện này, cậu bé đã mua miếng đất cạnh mộ bà ngoại kế, dự tính an táng cho ông ngoại con...”.
Nói tới đây mẹ ngã khụy xuống.
Tôi đỡ mẹ xuống, nhìn kĩ dòng tên khắc trên bia mộ. Tên, là tên cậu bé, ngày sinh là của cậu; mất cách đây bốn tháng; người lập bia là mợ và em họ.
Lòng tôi lạnh toát, ngỡ ngàng nói: “Nhưng, cậu mới bốn mươi bảy tuổi thôi”.
Mẹ tôi đột nhiên òa khóc: “Sao lại như thế, dù hận mẹ đến mấy cũng nên thông báo cho mẹ một tiếng chứ”.
Tôi dìu mẹ xuống núi, lái xe tới thẳng nhà cậu bé. Bốn năm không tới, tôi bị lạc giữa những tòa nhà mới xây và khu dân cư mới quy hoạch, cũng may mẹ tôi vẫn nhận rõ phương hướng, chỉ dẫn tôi tới khu tập thể.
Tôi gõ mạnh cửa, người mở cửa là cô em họ hai mươi tuổi. em ấy lạnh nhạt đáp: “đúng thế, chết rồi. Bốn tháng trước. Bác sĩ nói do bệnh tim đột ngột phát bệnh. Các người muốn thế nào? Trách nhà tôi không chăm sóc tốt hay sao?”
Tôi đang định lên tiếng thì mẹ tôi đã khóc ngất. Cô em họ cùng tôi dìu mẹ tôi, cuối cùng cũng bật khóc, vừa khóc vừa gọi bác ơi.
Mợ bé nhận được tin cũng về nhà và khóc lóc cùng mẹ tôi và con gái. Tôi chỉ biết đứng bên, tê dại, đờ đẫn.
Cậu bé nhìn vốn khỏe mạnh cường tráng, đương tuổi thịnh niên mà lại ra đi như vậy.
...
“Anh ấy luôn không vui vẻ, luôn nói mình bị mọi người xa lánh, cô lập;
Anh ấy nói, họ hàng đều dị nghị sau lưng;
Anh ấy uống rất nhiều rượu, nghiện thuốc cũng nặng hơn trước đây, nhà em không ai khuyên được;
Năm đó bà ngoại ốm hai, ba năm mới đi, chị và anh lớn vốn không phải ruột thịt, anh ấy cũng không chịu làm phiền hai người, mẹ con em chăm sóc rất vất vả, anh ấy thực sự sợ hãi. Anh ấy đi cũng nhanh, chỉ nói cảm thấy khó chịu trong lồng ngực, đứng lên liền ngã xuống, chưa tới bệnh viện đã...
Chuyện tang lễ do các đồng nghiệp trong đơn vị giúp sức lo liệu, em quả thực vẫn còn giận mọi người nên không thông báo;
Sau đó em mới hối hận, giận dỗi cũng chẳng còn nghĩa lí gì;
Anh ấy luôn nhớ chị và anh lớn, nhưng em không đủ dũng cảm để gọi điện cho hai người;
Hôm qua em cũng ra mộ thăm anh ấy, khóc lóc một hồi.
Cũng may, anh ấy ở bên mẹ anh ấy rồi...”.
Mợ bé vừa khóc vừa kể, nước mắt ngắn dài nhìn tôi: “Có lúc cậu uống say, cũng nhắc tới cháu”.
Tim tôi giật thót, giọng gượng gạo: “cậu nói gì?”.
Mợ bé nói: “Cháu từng nói với cậu, mong cậu sống yên ổn. cậu luôn nhớ câu nói ấy, nói cháu nói không sai, quả thực cậu không thể sống yên ổn được”.
Ai có thể yên ổn được chứ?
Cậu bé chính là người khi còn nhỏ hay dẫn tôi ra công viên chơi, chốc chốc lại nhấc tôi qua đỉnh đầu; nhận được tháng lương đầu tiên sau khi đi làm, cậu liền qua sông mời nhà tôi đi ăn cơm; tôi tham dự đám cưới của cậu, nhìn cậu ôm mợ bé xinh đẹp bước vào phòng tân hôn; tôi bế cô em họ vừa sinh hồng hào, vừa mở to mắt đứng canh ở bên, sợ tôi tuột tay, còn cười nói: “Lúc cháu vừa được sinh ra, cậu cũng bế cháu như thế này”; tôi thi đỗ đại học, cậu trịnh trọng nói với cô em họ, sau này phải như chị, rồi cậu vui sướng tới mức đi khắp nơi khoe ra mình có cô cháu gái thông minh, cậu khoe có phần hơi quá khiến tôi nghe mà phát ngại...
Vậy mà bốn năm tôi không quan tâm tới cậu, khi mẹ tôi do dự thở dài, tôi còn lạnh lùng nói: “Lẽ nào cậu không phải là người nên chủ động liên lạc với mẹ sao?”
Sẽ có một ngày chúng ta không còn chìm đắm trong hồi ức về những người đã khuất nữa, dần quên lãng nỗi đau, nhưng không thể nào chủ động gạt bỏ niềm khúc mắc trong lòng mình, cho đến khi cái chết đột ngột ập tới, cuối cùng tách rời chúng ta ra, để lại sự nuối tiếc không thể nào bù đắp được.
Tôi lái xe đưa mẹ về,cả hai đều im lặng suốt dọc đường. Đột nhiên tôi mở lời: “Mẹ, mẹ có trách con không?”.
Mẹ kinh ngạc: “Sao lại trách con?”.
Mấy lần con lái xe qua đây nhưng không hề nghĩ sẽ tới thăm cậu bé; mỗi lần đến Tết mẹ đều nói sẽ gọi điện cho cậu bé, con đều ngắt lời gạt đi.
Mẹ khẽ lắc đầu: “Không trách. Thực ra mẹ và cậu lớn ít nhiều cũng hận cậu bé con, từ nhỏ cậu bé được yêu được chiều, chưa từng chịu, chưa từng chịu bất cứ nỗi khổ cực nào, khi lớn lên cũng thuận lợi thế chỗ ông ngoại con trong đơn vị, nhận đãi ngộ tốt, nhà cửa để lại cho cậu một cách đương nhiên, khi kết hôn càng không phải lo lắng gì.
Khi mẹ lấy chồng, chỉ có một món hồi môn miễn cưỡng bủn xỉn, may mà bà nội con và bố đều biết bà ngoại mất sớm, nên không tính toán chuyện này. Cậu lớn tham gia sản xuất ở nông thôn, khó khăn lắm mới có cơ hội đi làm công ở nơi khác, thì xí nghiệp đãi ngộ kém, hôn nhân cũng không như ý, phí hoài nửa đời người ở đó, không thể điều động về đây nữa. Nỗi oán giận của cậu lớn sâu hơn, ông ngoại vừa mất nên không kiềm chế được cơn giận, kết quả...”
Mắt tôi nhòe đi, đỗ xe bên vệ đường, tôi gục đầu xuống vô lăng.
Mẹ vuốt tóc tôi: “Mẹ vẫn còn con, tốt hơn tất cả mọi thứ”.
Tôi nắm lấy tay mẹ: “Con đưa mẹ đi thăm cậu lớn”.
Cậu lớn sống ở một thành phố nhỏ cách đây hơn một trăm cây số, kí túc cũ kĩ, đồ dùng bên trong cũ kĩ, đồ ăn từ hôm trước đặt trên chiếc bàn đơn sơ vẫn chưa dọn, đã bốc mùi lạ trong không khí. Một mình cậu lớn ở nhà, nhìn cậu gầy gò, già nua lạ thường. Thấy chị gái lâu ngày không gặp tới chơi cũng không tỏ vẻ kích động, bất ngờ hay vui vẻ gì.
Nghe tin cậu bé đã mất, sắc mặt cậu lớn vẫn như khúc gỗ, dường như không cảm thấy bất ngờ trước tin cậu bé mất sớm. Một hồi lâu, cậu mới khẽ nói: “Chúng ta đều già rồi”.
Cậu lớn đã li hôn, làm thủ tục về hưu vì bệnh, sống đơn đọc bằng những đồng lương hưu ít ỏi, đứa con trai duy nhất sống với vợ cũ, cũng ít qua lại với cậu. Dường như mọi tình cảm và sự sắc sảo của cậu đã bị bào mòn, chỉ còn lại dáng vẻ già nua nặng nề.
Cho đến khi mẹ tôi nhắc tới quê hương và tuổi thơ hai người sống nương tựa vào nhau, ánh mắt cậu mới lóe sáng một chút: Lần trước trở về, cái ao phía sau đã bị san bằng, đáng tiếc quá; tán ngô đồng Pháp có còn không; trường tiểu học hai người đã từng học...
Mẹ nói: “chúng ta đều già rồi, đừng giận dỗi nữa, nếu nhớ nhà thì có thể về”.
Cậu cười chua xót: “Không về được nữa”.
Mẹ kích động: “Vớ vẩn”.
“Em không nói vớ vẩn chị à, nơi ấy đã không còn nhà của em, em không muốn làm khách ở nơi mình lớn lên”.
Nỗi thê lương trong giọng nói của cậu khiến tôi và mẹ cùng trầm mặc.
Chẳng có gì có thể quay trở lại, những tình cảm cũ, thời gian đã qua.
Chúng ta chỉ có thể chấp nhận sự giày vò của niềm hối tiếc, chấp nhận sự xa cách mãi mãi như thế này.
Cùng với sự ra đi mãi mãi của người thân, một lỗ hổng nào đó trong đời người lặng lẽ rộng ra. Trưởng thành có lẽ chính là chấp nhận càng ngày càng nhiều lỗ hổng.
Chí ít chúng ta vẫn còn nhau để trân trọng.
Con đường còn lại mong chúng ta hãy dìu dắt nhau, cùng bước bên nhau mãi không rời.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Chương 4​


Tôi quên mất lần đầu tiên gặp bà là khi nào, chỉ có cảm giác đó đã là quãng thời gian rất xa xôi.
Những tháng ngày như trên mây, xa xôi vô tận,chỉ có thể nhìn từ xa, chỉ có thể nhìn từ xa, sợ đưa tay với sẽ chỉ còn lại vệt hơi nước lạnh lẽo và sự trống vắng.
Tôi chỉ biết quan hệ giữa bố mẹ và bà không được tốt lắm, còn nguyên nhân vì sao thì, gia đình nào cũng có những điều khó nói, luôn là những hiểu nhầm khó giải thích, khó tháo gỡ.
Sáu tuổi, tôi vào tiểu học, nhà cách trường quá xa còn nhà bà thì lại gần.
Cuối cùng, quan hệ giữa bà và bố mẹ cũng vì tôi mà bớt căng thẳng, chúng tôi cùng sống dưới một mái nhà. Bố mẹ khi ấy bận làm ăn, bà đưa đón tôi tới trường. Hồi nhỏ tôi hướng nội, ít nói, không có cảm giác thân thiết lắm với trường học và chúng bạn, thậm chí còn có phần chán ghét, vì vậy mỗi ngày đứng ở cổng trường nhìn thấy bà là vui, bởi cuối cùng cũng có thể về nhà xem “Thành phố hoạt hình” và chị Rùa Vàng.
Đưa đón tôi một thời gian bà không đón tôi nữa, bà để tôi đeo ba lô nhỏ, tự mình tới trường. Tôi bị ép đồng hành cùng chúng bạn, bắt đầu kết giao với mấy người bạn.
Nhiều năm sau, một buổi tối nào đó bên bàn ăn, mẹ từng nửa đùa nửa thật nói bà nhẫn tâm quá, bà không biện giải gì, chỉ mỉm cười dịu dàng.
Đợi tới nửa đêm, bà gõ cửa phòng tôi, bưng cho tôi một bát cháo để tôi bỏ bụng khi thức khuya, sau đó đứng bên cạnh cửa giải thích một thôi một hồi, ban đầu sở dĩ bà làm như vậy là vì không muốn thấy tôi tiếp tục cô độc một mình, ngày ngày làm bạn với tivi. Bà sợ sau này lớn lên tôi sẽ thiệt thòi.
Dĩ nhiên tôi không biết phải tiếp lời thế nào, chỉ cười hi hi ha ha mấy câu, bà cũng mỉm cười rồi đi ra, cửa phòng ghép lại, tôi ngồi nhìn màn hình máy tính mà buồn bã hồi lâu.
Bao nhiêu năm trôi qua, thực sự tôi vẫn là đứa trẻ có tính cách cô độc. Bất luận vẻ ngoài có thế nào, trong lòng tôi vẫn chưa từng thay đổi.
Đằng sau vô số chiếc mặt nạ mỉm cười hớn hở và lạc quan yêu đời, việc tôi thích làm nhất và hay làm nhất vẫn là ngồi một mình trong góc khuất, lặng lẽ vẽ vòng tròn trong tim.
Mặc dù vẫn cảm thấy ít nhiều không hợp với xã hội này nhưng cũng may, tấm áo giáp của tôi đến giờ vẫn ứng phó được.
Và tấm áo giáp ban đầu bà gián tiếp đưa cho tôi, đây là món quà đáng quý nhất mà bà dành cho tôi.
Tôi chưa bao giờ nghĩ tới nỗi khổ tâm của bà, cũng chưa từng nghĩ sẽ thấu hiểu bà. Nhưng bà quan sát nhất cử nhất động của tôi, thử tất cả mọi khả năng với hi vọng tôi sẽ tốt đẹp hơn.
Cho dù bị hiểu lầm, cho dù có thể sẽ có những giận hờn bị dồn nén.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Chương 5​


Năm lớp một, tôi bị một bạn câm trong lớp cầm đá đánh toác đầu, máu chảy đầy mặt, vừa khóc vừa chạy về nhà. Bà nhìn thấy giận tím tái mặt mày dắt tay tôi hỏi đường tìm tới nhà bạn câm đó.
Nhưng khi thấy nhà bạn câm chỉ có một người già ở nhà, bố mẹ đều đi làm ở nơi khác, bà liền mềm lòng, mắng bừa mấy câu rồi kéo tôi về nhà, suốt dọc đường dặn dò tôi sau này phải tránh nó ra.
Đi qua một tiệm tạp hóa một đoạn bà quay lại, mua một túi thạch cho tôi, hết một tệ. Về nhà, tôi vừa xem phim hoạt hình vừa ăn thạch, ước gì ngày nào cũng bị bạn câm đánh toác đầu, chẳng để ý tới ánh mắt dịu dàng của bà đang đứng bên ngây người ra nhìn tôi.
Từ đó về sau, mỗi tháng đi lĩnh lương hưu bà đều mua một túi thạch cho tôi.
Tôi không nỡ ăn hết một lúc nên mỗi ngày ăn một cái cho dù như vậy cũng phải đợi nửa tháng nữa mới được mua cho túi thạch tiếp theo.
Những năm tháng ấy, tiền lương hưu của bà một tháng chưa được ba mươi tệ.
Hồi bé tôi hay khóc, một việc cỏn con cũng khiến khóc cả buổi chiều, dỗ thế nào cũng không được.
Lớn lên, mỗi dịp Tết đến tụ họp không tránh khỏi bị bạn bè cười chê. Mỗi lần như vậy bà đều nghiêm túc giải thích giùm tôi, thời ấy gia đình hoàn cảnh, vật chất thiếu hụt, vì ăn không đủ no nên tôi khóc vì đói.
Vì thế bà hay cảm khái, nếu khi ấy tôi có thể được ăn ngon một chút thì bây giờ có lẽ cao một mét tám lăm rồi, không hổ danh đại hán sơn đông.
Sinh nhật của tôi và bà chỉ cách nhau một ngày, vào dịp tiết xuân hoa nở ấm áp, bà trước tôi sau.
Các mối quan hệ của bà rất tốt, người tới chúc thọ rất nhiều, ngoài các món quà đủ loại ra, thường có người thân mang bánh gato tới nữa.
Nếu có hai chiếc bánh gato, thì sẽ cắt một cái ngay lúc đó, cái còn lại đương nhiên sẽ thuộc về tôi.
Ngày này hàng năm, có thể coi là ngày Tết thứ hai trong năm của tôi.
Vì vậy cho dù cuộc sống khốn khó nhưng khi tôi còn nhỏ đã có bánh gato sinh nhật, năm nào cũng chờ đợi tới ngày này. Chiếc bánh sinh nhật sẽ được mở hôm sinh nhật tôi, chỉ ăn một góc, còn lại đặt trên chỗ cao, ăn trong nửa tháng.
Bây giờ nghĩ lại cảm thấy đó đúng là thứ duyên phận sâu xa.
Vị thơm của bánh gato ngọt lịm, trong căn phòng nhỏ hẹp u tối, gương mặt ngây thơ vui vẻ của tôi bên ánh nến và nụ cười của bà ở bên.
Chính trong những giây phút thế này, thời gian đã để lại những vòng quay tuổi tác. Cuốn theo gió không bao giờ quay đầu lại, cuốn theo dòng nước trôi xa, chẳng bao giờ quay đầu lại nữa.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Chương 6​


Có một dạo bà từng muốn kể tôi nghe câu chuyện của bà, lúc ấy tôi vẫn còn nhỏ, tâm tính nóng vội đương nhiên không có hứng thú lắng nghe.
Chỉ nghe lõm bõm được chút ít, có lẽ đã bỏ lỡ phần đặc sắc nhất.
Bây giờ nghĩ lại vô cùng hối hận.
Nhưng trong sâu thẳm, tôi luôn cảm thấy mình sẽ viết lại được cả cuộc đời của bà, chỉ chờ đợi một ngày nào đó trong tương lai, thời cơ chín muồi, cơ duyên ập tới.
Bà là một người trải nhiều thăng trầm, và ông nội mà tôi chưa từng gặp mặt là người nhỏ nhất trong gia đình, ăn uống chơi bời thứ gì cũng giỏi, chỉ duy nhất làm ăn là không giỏi.
Cũng may cụ tôi có con mắt nhìn xa, mua toàn bộ cửa hàng trên cả nửa con phố cho ông, hi vọng cậu con út mình yêu thương sẽ dựa vào việc cho thuê mà sống an nhàn đủ chơi cả cuộc đời.
Gia đình làm nghề gốm sứ, bà được gả vào nhà lúc gia đình đang hưng thịnh.
Nghe nói khi gia đình làm ăn đang phát, ngày đại thọ của cụ nội, chỉ cần người qua đường đi qua, dập đầu trước cửa nhà nói một câu may mắn, sẽ được thưởng một đồng bạc.
Nhưng bà là con gái một gia đình bình thường, cụ nội biết con trai út của mình vô dụng nên muốn tìm một người phụ nữ có thể gánh vác gia đình, vì thế đã tìm tới bà.
Của hồi môn của bà không nhiều, nói thẳng ra thì đây vốn là một cuộc hôn nhân không môn đăng cũng chẳng hộ đối. Vì thế khi bước chân vào đây, bà đã phải nhận không ít ánh mắt lườm nguýt.
Tất cả những chuyện này ông tôi đương nhiên không biết, tiểu thiếu gia làm sao hiểu được chuyện lòng người thay đổi trong căn nhà lớn này chứ. Hơn nữa, với suy đoán của tôi về tính cách của ông nội thì, có thể ông hiểu nhưng vẫn giả vờ như không biết.
Bà không phải là người thích than phiền, những nỗi khổ ấy đương nhiên sẽ mỉm cười nuốt vào trong.
Tính cách của bà mặc dù mạnh mẽ nhưng dù sao vẫn chỉ là con dâu út mới về, ở một nơi trọng lễ giáo như Sơn Đông, thực sự không thể nào bộc lộ năng lực một mình đảm đương mọi chuyện như ở nhà mẹ đẻ.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Chương 7​


Sau đó, cụ nội mất, mấy người con trai đương nhiên sẽ phân chia nhà cửa.
Những ngày tươi đẹp chưa được bao lâu, “cải cách văn hóa” đã tới. cụ nội bị coi là nhà tư bản, tài sản chia cho con cái đều bị sung công. Không còn tiền cho thuê cửa hàng, chỉ trong một đêm, tiểu thiếu gia của thành phố nhỏ còn không bằng những người nghèo nhất. Hồng vệ quân tới tịch thu tài sản, ép người không biết chữ như bà đọc ngữ lục Mao Trạch Đông, bà không né tránh, nghiêm túc học thuộc. đến lúc bọn chúng tới thu tài sản lần nữa, bà sử dụng lý luận Mao Trạch Đông tranh luận với bọn chúng, miệng lưỡi lanh lợi khiến đám thanh niên sững sờ kinh ngạc, sau đó không tới nhà gỡ bỏ luôn cả giường nữa. Mấy khuôn đúc gốm sứ bằng đồng bà dùng để kê chân giường cũng may mắn được giữ lại, trong ba năm khốn khó gian khổ ấy bán đi cứu sống được cả gia đình.
Nhiều năm sau, bà bị chứng mất trí tuổi già do bệnh đái tháo đường, nhiều việc xảy ra gần đây bà cũng không nhớ nữa, nhưng vẫn thuộc đoạn ngữ lục Mao Trạch Đông.
Bà không để ý chuyện mình không nhớ được những chuyện xảy ra trong quá khứ, có lần bà khoe tài đọc thuộc ngữ lục Mao Trạch Đông cho tôi nghe, sau đó mỉm cười nói, quên cũng tốt, nhiều chuyện quên hết rồi, khi nhớ tới những chuyện ngày bé chỉ còn lại chuyện vui thôi.
Và tôi biết, khi còn nhỏ, có lẽ bà cũng chẳng có mấy chuyện vui.
Bà là con gái lớn, phải gánh vác cả gia đình từ sớm.
Cuộc đời của thế hệ những người như bà thực sự có quá nhiều hồi ức gian nan, dường như được khắc ở nơi sâu thẳm trong tâm hồn, lau không sạch, chùi không hết.
Chỉ cần chạm nhẹ cũng đau.
Sau khi bị tịch thu tài sản, ông bị éo tới công xưởng làm công việc thấp hèn nhất để chăm lo gia đình. Khi ấy bà đang có bầu cũng phải vác bụng tới làm công ở xưởng gốm sứ. Gia thế đã không còn, không còn gì chống lưng, ông nội đương nhiên đi đến đâu cũng bị chèn ép.
Bà được nghe chuyện từ người khác, một mình chạy tới giữa phân xưởng, đứng lên cao, bất kể có người nghe hay không, bà nói một hơi dài, hợp tình hợp lí,, khiến cho những người đàn ông làm việc chân tay giả vờ không nghe nhưng trong lòng âm thầm tán thưởng, từ đó không ai bắt nạt ông nội nữa.
Về sau khi nhắc tới những ngày này, nhắc tới ông nội, giọng của bà vẫn có phần cảm thấy thất vọng.
Bà kể chuyện ông được phát lương: “Việc đầu tiên là tới cửa hàng điểm tâm mua hai lạng rưỡi thứ đồ mình thích ăn nhất, lén lút ăn hết bên ngoài, hoàn toàn không nghĩ tới chuyện ở nhà còn mấy cái miệng đang đợi cơm.
Mặc dù nói vậy nhưng bà cũng mắt nhắm mắt mở cho qua, không bóc mẽ ông tại sao về nhà nộp lương không đủ.
Qua những lời kể, ngoài than phiền ra bà vẫn bộc lộ niềm thương xót với người đàn ông này nhiều hơn. Bà dõi theo ông từ lúc ăn sung mặc sướng tới khi không xu dính túi, trong lòng cũng đầy thương tiếc và xót xa. Vì thế, bà cũng coi ông như một đứa trẻ, âm thầm đặt vào tay ông những thứ đã bị cuộc sống cướp mất và những thứ bàn tay bà có thể mang lại. rồi bà lặng lẽ đứng bên nhìn ông,nhìn ông nở nụ cười may mắn như trẻ con, trong lòng cũng cảm thấy hạnh phúc và bình yên.
Mấy năm sau đó, ông nội mất, để lại bốn đứa con, đứa lớn nhất mới mười mấy tuổi, nhỏ nhất vẫn trong bọc tã, cả nhà đều dựa vào một mình bà.
Khi nhắc tới những ngày ấy, nhắc tới cái chết của ông, bà nội thường nói ông ấy thật biết đường chết. Trong giọng điệu không nhận ra sự đau lòng hay sóng gió, ngược lại có chút châm biếm và bất lực. Nhưng tôi biết là bà rất đau lòng, ông buông tay ra đi đổi lấy sự thanh thản, nhưng để lại cả gia đình cho bà, để lại cả tương lai mù mịt. Con đường dài như vậy, để lại một mình bà bước đi.
Làm sao bà lại không giận được chứ, chỉ là ngày tháng trôi đi, kí ức về nỗi đau đã bị thời gian bào mòn, phủ lên một lớp ánh sáng dịu dàng ấm áp, thời gian qua đi, bà lại cảm thấy sự ra đi của ông là một sự giải thoát.
Bà hiểu người đàn ông của mình, ông quá ít trải nghiệm, bà chấp nhận để ông đi sớm, đi trước mình.
Bà khóc một chút, khổ một chút, rồi cũng qua, còn hơn là nhìn ông cùng chịu đựng với mình.
Vì thế những năm cuối cùng bà mắc bệnh đái tháo đường phải ăn kiêng, người nhà trông bà rất chặt, bà liền lén lút ăn vụng, thấy tôi không quản bà, bà như trẻ con xin tôi mua cho bà, với lý do: “Người sống trên đời chẳng phải vì miếng ăn hay sao, ông nội cháu thèm ăn như vậy nhưng sau đó chẳng được hưởng chút phúc nào, đồ ăn ngon cũng chẳng được ăn, bà phải ăn thay ông.​
Lý do này đủ mạnh tới mức tôi quyết định trở thành đồng mưu với bà, bà muốn ăn gì tôi liền châm chước lén lút mua cho bà ăn.
Mỗi khi bà ăn xong, ngay đêm đó đường huyết sẽ lại tăng cao, bố mẹ đo đường huyết cho bà rồi chau mày lẩm bẩm tại sao đường huyết lại đột ngột tăng cao vậy. Tôi và bà bèn đưa mắt gian xảo nhìn nhau, cảm giác ấy đôi bên cùng thấu hiểu.
Bây giờ nhớ lại trong lòng vẫn thấy vui như có trận cười sảng khoái.
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Chương 8

Bà là một người phụ nữ Sơn Đông hào khí ngút trời, thông minh, có tầm nhìn xa, có khí khái nam nhi.
Mỗi lần về Sơn Đông, khi nhắc tới bà là người ta luôn ca ngợi: “Bà nội cháu giỏi lắm, nếu như bà ấy biết chữ thì đã làm chuyện lớn rồi.”
Tôi tin, người ta nói vậy không phải vì xã giao.
Nghe bố tôi kể, sau cải cách mở cửa, khi mọi người vừa được cho phép làm ăn buôn bán nhỏ, bà tôi khuyến khích bố tôi xin nghỉ công việc ổn định ở công xưởng lúc đó, đầu tư kinh doanh, cho dù chỉ bắt đầu từ việc buôn bán nhỏ. Lý do của bà là, làm công cho người khác mãi mãi không thể kiếm được tiền. Công việc bây giờ dù ổn định nhưng ai biết được ngày mai sẽ như thế nào.
Sau khi trải qua sự thay đổi to lớn trong gia đình ông nội, bà biết bát cơm mình dựa vào cho dù bây giờ có vững chắc thế nào đi nữa, cũng đều là hư ảo.
Bố tôi hiếu thuận nên nghe lời, bắt tay vào làm việc trong ánh mắt khác lạ của người đời, vất vả gánh vác chuyện làm ăn nhỏ.
Mặc dù khổ nhưng cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi từ đó.
Mấy năm sau đó, cùng với làn sóng kinh tế dâng lên,, chúng tôi cũng nhặt được một chút vỏ sò sau khi nước rút, sống những ngày tháng khá sung sướng.
Mọi chuyện này xét cho cùng đều là công lao nhìn xa trông rộng của bà.
Có một dạo bà ngoại chuyển tới ở nhà tôi. Bà ngoại là người không chịu ngơi tay, lúc nào cũng bận rộn kiếm việc gì đó trong nhà để làm, tạp dề không rời tay. Bà nội thường nằm trên ghế sô pha khuyên bà ngoại rằng nói tới mức hưởng phúc từ lâu rồi, đời người làm gì có chuyện quan trọng thế, bụi trần lau rồi sẽ lại còn, hai chúng ta nằm trên ghế xem tivi chẳng phải thú vị hơn sao. Thấy tôi đứng bên lẳng lặng nghe, bà mỉm cười nói với tôi, còn không cùng bà khuyên bà ngoại, đừng để bà ngoại làm gì nữa, tương lai còn có bao nhiêu ngày nữa đâu.
Nhân sinh quan độ lượng như vậy bất giác cũng ảnh hưởng tới tôi, khiến tôi cảm thấy đời người thực sự không có nhiều chuyện quan trọng đến vậy, đối với một người, việc sống vui vẻ mới là điều quan trọng nhất.
Sau khi vào đại học tôi và bà ít có dịp gặp nhau. Một năm hai lần nghỉ hè và nghỉ đông, tôi đi đi về về vội vã. Sau này tốt nghiệp rồi lại giảm xuống một năm một lần, chỉ có mấy ngày tết tôi mới yên tâm rời Bắc Kinh về ở Sơn Đông.
Bản tính tôi không thích giao lưu với nhiều người thân, cho dù về nhà tôi cũng trốn trong phòng ngồi máy tính, ngày ở trong phòng, đêm ra ngoài.
Tôi nhớ có những hôm nửa đêm, bà gõ cửa phòng tôi, trên tay bưng một bát mì hoặc một món ăn gì đó, bà sợ tôi đói nên nửa đêm tỉnh dậy âm thầm làm cho tôi ăn. Tôi đón lấy đồ ăn, vẫn ngồi trước máy tính ăn. Bà lặng lẽ ngồi bên, mỉm cười nhìn tôi ăn xong rồi thu dọn bát đũa.
Tôi biết bà muốn ở bên tôi nhiều hơn, muốn nhìn tôi nhiều hơn. Bởi chỉ mấy hôm nữa tôi lại đi nơi khác, nửa năm không về.
Trong lòng tôi vô cùng cảm động nhưng ngoài miệng một câu “cảm ơn” cũng ngại không thốt lên lời, chỉ im lặng nhìn bà chậm rãi làm hết mấy thứ đó rồi biến mất sau cánh cửa phòng tôi. Có bao nhiêu điều chưa thốt lên lời cứ dần dần tan biến trong vô số đêm khuya như vậy.​
 

malemkhoang

Rìu Chiến

Chương 9

Tôi nhận được tin bà bệnh nặng đúng lúc đang viết một bộ phim truyền hình. Nhà sản xuất đưa ra vô số yêu cầu sửa chữa không ra sao, sự việc tiến triển rất mơ hồ.
Ngày ngày tôi đối mặt với file word, dường như chỉ muốn đâm đầu vào màn hình tinh thể lỏng trước mặt.
Một cuộc điện thoại của bố, tôi như chạy trốn về Sơn Đông, xe điện rất nhanh, chỉ mất bốn tiếng, xuống tàu hỏa, lại ngồi ô tô là có thể về tới thành phố nhỏ nhiều núi ấy, nơi tôi đã rời xa bao lâu nay.
Cảnh chiều hôm mù mịt, thành phố nhỏ vẫn thế, nhưng có người sắp ra đi.
Đặt hành lí xuống, bước vào căn phòng nhỏ của bà, nhìn bà đang nằm trên giường thở oxy, tôi lặng lẽ đứng bên giường rất lâu, khẽ gọi bà, vẫn tưởng rằng bà có thể mở mắt nhìn tôi một cái.
Nhưng không.
Người nhà ngồi chật trong phòng, sắc mặt mọi người đều không tốt lắm, vẫn cố gắng gượng hàn huyên mấy câu với tôi, thấy tôi không có hứng thú nói chuyện bèn để mặc mình tôi ngồi trên chiếc ghế nhỏ, đờ đẫn nhìn màn hình điện thoại.
Cứ ngồi như vậy, đêm đã khuya, chốc chốc tôi lại ngước nhìn bà, cảm giác như bà sẽ tỉnh dậy.
Cuối cùng, tôi từ bỏ, chỉ hi vọng bà ra đi thanh thản.
Tôi lặng lẽ đeo tai nghe, trong khi âm thầm đọc Kinh Phật hết lượt này tới lượt khác cho bà, hi vọng bà có thể nhìn thấy ánh sáng, trên đường tới bờ bên kia sẽ không bị lạc lối.
Đến nửa đêm, tôi đi nghỉ ngơi theo lời khuyên của mọi người, sau khi về nhà tôi ngủ một giấc không an lành cho lắm.
Hơn ba giờ sáng, tôi mơ hồ mơ một giấc mộng. Nội dung giấc mộng không rõ ràng lắm, tôi vừa tỉnh dậy đã quên hết. Nhưng tôi phảng phất trong giấc mơ có bà, nhớ bà cười với tôi, có lẽ đã nói “tạm biệt” với tôi, cũng có lẽ không. Tim tôi nặng trĩu, biết bà sắp đi rồi, đây như lời tạm biệt.
Tôi gọi điện cho bố, bố nói bà đã đi lúc hơn ba giờ, tính ra vừa đúng lúc tôi nằm mơ.
Tôi vội vàng rửa mặt, tới thăm bà, trong phòng đầy tiếng khóc, nhưng tôi không rơi lệ. Tôi chỉ như mất hồn giữa lúc hoảng loạn thế này.
Hôm hỏa thiêu bà, tôi đi tiễn, tận mắt nhìn bà thành một làn khói, một nắm tro, tôi yếu đuối như vậy nhưng vẫn không khóc.
Tôi cảm thấy vui cho bà, cả đời này bà đã quá vất vả, so với việc cứ vác cái gánh nặng cũ kĩ, ngay cả linh hồn vừa được thanh thản đã phải quay trở lại gánh lấy những mệt mỏi thì thà rằng ra đi, ra đi không chút vướng bận.
Tôi biết duyên phận kiếp này đã tận, nếu có duyên sẽ gặp nhau ở kiếp sau. Kiếp sau, cho dù không làm người thân, làm bạn bè cũng tốt. Cho dù chỉ vội vã lướt qua nhau, để lại cho nhau một nụ cười cũng không uổng phí mối duyên kiếp này.
Sau này thỉnh thoảng tôi nhớ tới bà, cũng không cảm thấy thương cảm.
Dường như bà chỉ đi xa, chúng tôi chỉ tạm thời không gặp nhau thôi.
Mấy năm sau, vào một buổi chiều mùa đông nào đó, tôi ngủ say và mơ thấy bà. Vẫn là ngôi nhà ở Sơn Đông, bà nằm trên ghế sô pha, cũng là buổi chiều, bà nhìn tay mình, những ngón tay mở ra rồi úp vào liên tục. Ánh sáng chiếu trên gương mặt bà, tôi không nhìn rõ biểu cảm của bà nữa. Nhưng, khung cảnh ấy, cô quạnh vô cùng.
Thời gian trôi qua, khi lớn hơn một chút, tôi mới hiểu được nỗi cô đơn trong những năm cuối cùng của bà. Nỗi cô đơn lạnh lẽo và dài đằng đẵng, chẳng có ai nghe, chẳng có ai hiểu.
Tôi lặng lẽ đứng nhìn bà ở một nơi không xa, cuối cùng bà phát hiện ra tôi, luống cuống ngồi dậy, mỉm cười nói: “Đói chưa? Bà nấu cơm cho cháu ăn nhé”.
Tôi biết đây là một giấc mơ, tôi đứng nhìn bà từ một nơi xa xôi, bất giác rơi nước mắt, lòng dạ cứng cỏi bỗng chốc trở nên yếu mềm. Tôi ước gì giấc mơ ấy dài thêm một chút, đủ để tôi bước tới bên bà, lặng lẽ bên cạnh bà một lúc.
Nhưng tôi chợt bừng tỉnh, lúc ấy mặt trời đã khuất sau núi Tây Sơn. Tôi nghe thấy tiếng trẻ con rượt đuổi nhau dưới lầu, mùi thức ăn từ nhà hàng xóm bên cạnh bay vào phòng, không biết ti vi nhà nào đang mở bộ phim truyền hình về đề tài mẹ chồng nàng dâu.
Tôi chìm trong bóng tối, đối mặt với khoảng đen rộng lớn và ngoan cường, đột nhiên cảm thấy trống trải và lo lắng vô cùng.
Tôi biết mình vẫn nhớ bà, trong phút lạnh người không kịp chống đỡ, đã buông áo giáp chẳng có nơi tháo chạy.
Tôi ôm chặt lấy mình giữa phố đêm rực rỡ ánh đèn, cuối cùng bật khóc nức nở.​
 


Top