Chuyện ít ai biết về một ca khúc huyền thoại | VN-Zoom | Cộng đồng Chia Sẻ Kiến Thức Công Nghệ và Phần Mềm Máy Tính

Adblocker detected! Please consider reading this notice.

We've detected that you are using AdBlock Plus or some other adblocking software which is preventing the page from fully loading.

We need money to operate the site, and almost all of it comes from our online advertising.

If possible, please support us by clicking on the advertisements.

Please add vn-z.vn to your ad blocking whitelist or disable your adblocking software.

×

Chuyện ít ai biết về một ca khúc huyền thoại

malemkhoang

Rìu Chiến
ABBA-1974-billboard-1548.jpg

Cũng như nhạc Giáng sinh, hằng năm các nghệ sĩ trong và ngoài nước vẫn sẽ phát hành những ca khúc mới về chủ đề mùa lễ hội, nhưng vẫn sẽ có những bản nhạc bất hủ được khán giả yêu thích, không ngừng tìm nghe suốt hàng thập kỷ. Nếu Noel ở Mỹ có “All I Want For Christmas Is You” – Mariah Carey, thì tại Việt Nam bài hát được người người nhà nhà bật mỗi khi năm mới đến chính là “Happy New Year” – ABBA. Được nghe nhiều là thế nhưng đến nay vẫn ít ai biết hết những điều thú vị đằng sau bản nhạc này.​

Ra đời ngoài dự tính, không được quảng bá suốt 19 năm

Theo thông tin trên website chính thức của ABBA, “Happy New Year” được hai thành viên Björn Ulvaeus và Benny Andersson sáng tác tại đảo quốc Barbados vào tháng 1/1980 với dự tính ban đầu là dành cho một vở nhạc kịch về những sự kiện diễn ra trong một bữa tiệc đón Giao thừa. Tuy nhiên, sau đó dự án này đã bị huỷ bỏ, các nghệ sĩ cũng khởi động lại kế hoạch làm nhạc kịch của mình bằng tác phẩm khác. Nhưng vì quá thích concept đón Giao thừa của bài hát, ABBA quyết định thu âm ca khúc với sự thể hiện của các thành viên Agnetha Fältskog và Anni-Frid Lyngstad, đồng thời đưa vào album “Super Trouper” phát hành vào tháng Mười Một cùng năm.
Sau khi được ra mắt trong đĩa nhạc “Super Trouper”, “Happy New Year” lại không được quảng bá như một đĩa đơn chính thức. Trong khi đó, phiên bản tiếng Tây Ban Nha của bài hát mang tên “Felicidad” đã được phát hành ở các vùng lãnh thổ nói tiếng Tây Ban Nha và lọt vào Top 5 BXH âm nhạc ở Argentina. Mãi đến năm 1999, trong không khí người dân toàn cầu rộn ràng chào đón thiên niên kỉ mới, “Happy New Year” mới chính thức ra mắt dưới dạng đĩa đơn. MV cho ca khúc cũng phải mất đến 10 năm sau đó mới có mặt trên YouTube.​
1200x1200.jpg
Tựa đề gốc gây hoang mang, nội dung lại càng nhiều suy tư

Trong quyển sách kể về các bài hát của ABBA mang tên “ABBA: Song By Song” (2020), tác giả Ian Cole chia sẻ rằng “Happy New Year” có tựa đề ban đầu là “Daddy, Don’t Get Drunk On Christmas Day (Bố ơi, đừng uống say trong đêm Giáng sinh)”. Nếu khi đó cái tên này được sử dụng cho bài hát, thì đây có thể đã là một trong như tác phẩm có tiêu đề hài hước nhất của nhóm nhạc huyền thoại đế từ Thuỵ Điển. Nhưng trái ngược với cả tựa đề cũ thú vị lẫn tựa đề chính thức đậm chất ăn mừng, nội dung ca từ của bài nhạc thật ra lại không vui cho lắm.
Nghe tên “Happy New Year” thì tưởng chừng đây là một ca khúc vui tươi, hứng khởi để mừng một năm mới đến. Nhưng trái lại, phần lời của bài nhạc lại khá u buồn ngay từ những câu hát đầu tiên như “Rượu champagne đã hết/ Pháo hoa cũng đã tàn/ Chỉ còn lại chúng ta nơi đây, bạn và tôi/ Lạc lõng và sầu bi/ Bữa tiệc cũng đã kết thúc/ Bình minh xám xịt quá/ Chẳng giống như ngày hôm qua”… cho đến loạt ca từ sau đó như “Những giấc mơ chúng ta từng có đã lụi tắt/ Chẳng còn gì ngoài xác pháo hoa trên sàn/ Một thập kỷ lại vừa qua đi sau 10 năm/ Ai biết được chúng ta sẽ tìm ra điều gì”…
Đây là một trong số các bài hát của ABBA xoay quanh mối quan tâm dành cho tình hình thế giới và những lời cầu mong hòa bình cho nhân loại. Ca khúc xuất hiện trong bối cảnh thế giới vừa trải qua một thập niên 70 đầy biến động với vô vàn cuộc khủng hoảng như chiến tranh, cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Nga, xung đột ở Trung Đông, chế độ diệt chủng Pol Pot, thiếu hụt năng lượng, nạn đói tràn lan… Do đó, có thể nói bài hát đã phần nào phản ánh nỗi đau mà chính Björn Ulvaeus và Benny Andersson đã trải qua trong khoảng thời gian ấy.​
abba-portrait-bw-1970-billboard-1548.jpg
Khởi đầu mới cho nhân loại, nhưng khép lại chặng đường của chính ABBA

So với ca từ lời 1 cùng nỗi buồn len lỏi trong từng câu chữ, nửa sau của “Happy New Year” có phần tươi sáng hơi khi nói về niềm hy vọng về tương lai đang hứa hẹn phía trước cũng như lời cầu chúc của các nghệ sĩ dành cho nhân loại: “Chúc mừng năm mới/ Chúc mọi người ở khắp nơi một thế giới mà mỗi người láng giềng là một người bạn… Mong rằng chúng ta đều có niềm tin và hy vọng để cố gắng/ Nếu không biết đâu chúng ta chỉ có thể buông xuôi và từ giã thế gian”. Khi phát hành album vào năm 1980, Björn Ulvaeus từng chia sẻ: “Có một bài hát trong album “Super Trouper” gần giống như việc chúng tôi viết một cái gì đó mang tính chính trị và đó là “Happy New Year”. Tôi cảm thấy một trong những vấn đề lớn nhất của thế giới phương Tây ngày nay là sự thiếu tự tin và cách nhìn tiêu cực về tương lai. Vì vậy, bài hát nói về việc cố gắng hướng đến những mục tiêu tích cực cho tương lai”.
Mặc dù “Happy New Year” ra đời như để đại diện cho hy vọng mở ra một tương lai tươi sáng cho thế giới, nhưng với riêng ABBA ca khúc lại xuất hiện trong giai đoạn nhóm đang đứng trước bờ vực tan rã. Vào năm 1979 khi ABBA khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Björn Ulvaeus và Agnetha Fältkog tuyên bố ly hôn và gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của cả nhóm nhạc. Không lâu sau, Benny Anderson và Anni-Frid Lyngstad cũng đường ai nấy đi. Cuối cùng, nhóm nhạc huyền thoại chính thức tan rã vào năm 1982 và phải đến năm 2021 mới tái hợp trở lại.​
ABBA-Voyage-cr-Baillie-Walsh-2021-billboard-1548-1630602628.jpg

Những sự thật trên đây về “Happy New Year” có thể sẽ khiến các bạn có những cảm xúc mới mẻ, khác biệt hơn trước đây mỗi khi bản nhạc này được phát ở đâu đó trong những ngày tới. Nhưng việc bật ca khúc bất hủ của ABBA vào dịp đón năm mới đã trở thành một thói quen ăn sâu vào cuộc sống của nhiều thế hệ gia đình tại Việt Nam. Chỉ cần nghe thấy đoạn nhạc dạo thôi cũng đã đủ khiến chúng ta cảm thấy bồi hồi và nhận ra một năm mới đã đến.​
 

tw2ts

Búa Gỗ
Lúc đầu mình cũng cứ hát theo vậy, đến khi trình độ Tiếng Anh vỡ lòng nâng lên tầm cao mới, hiểu nghĩa bài hát hơn thì mình cũng đã dừng nghe bài này vào các dịp năm mới rồi. Không hiểu sao ở VN mình vẫn cứ nghe bài này hoài mặc dù giờ giới trẻ trình độ TA đã thuộc hàng khủng rồi :p
 

malemkhoang

Rìu Chiến
@tw2ts
Tôi là người nghe nhạc và có lẽ nhiều người nghe nhạc khác cũng như vậy, đâu có cần quan tâm nhiều tới ý nghĩa của lời ca khi không thể hiểu nghĩa của nó, miễn là giai điều của nó khiến mình thích thú. Bạn có biết "Tiến quân ca" qua tay tôi nó như thế nào không. Bạn thử ngân nga lên xem nào: Một đêm trời mưa giông, khua một đống tẹp, bắt đem về kho tương đến mai cùng ăn; Bà bế cháu xuống bếp ăn vụng tép, ối giời ôi xương tép đâm vào môi... Nếu nó là QC thì có lẽ không nên làm vậy, nhưng nó là TQC nên thích thì tôi làm thôi.
Nghe "nhạc nâu" tôi đâu có hiểu gì, nhưng giai điệu thì có thể cảm nhận: Đại bi chú, Kim Cang chú...
Rồi "nhạc vàng", nhiều bài ngôn từ cũng ngô nghê, ngờ nghệch, ngu ngơ...
"Nhạc xanh" (không phải "nhạc Blue"), "nhạc trẻ" thì có nhiều bài viết lại lời Việt...
"Nhạc đỏ" thì có bài cũng như hô khẩu hiệu vậy thôi... mà cũng có bài người ta cố tình xếp nó vào đây trong khi nó phải ở vị trí khác...
"Nhạc cổ điển", "nhạc giao hưởng thính phòng", "nhạc kịch" v.v... đâu có phải cái nào cũng khó hiểu, nó vẫn hay với những giai điệu hấp dẫn... Sô-nat Ánh trăng, Hồ Thiên nga, Cac-men, Phiên chợ Ba tư...
Người ta nói "Nhạc Trịnh" là bác học, triết học, học ọc ọc ra... nhưng người nghe đâu cần biết; thấy hay, thấy mê giai điệu là cứ nghe thôi...
"Happy New Year" tôi đã hiểu lời ca, nhưng đâu có cần nghĩa lý làm gì. Thích thì mở to cho hàng xóm cùng nghe. Nó bảo: Bác mở nhạc gì mà rộn ràng vậy, thế lại sắp Tết rồi hở bác... Nó cũng như tôi thôi mà.​
 

dammage

Rìu Chiến
mỗi lần nghe giai điệu nó cất lên, nhất là dịp đầu năm mới là tui lại thấy buồn man mác, cảm giác nôn nao pha lẫn tiếc nuối với hoài niệm, nó làm tui trân trọng thời gian hơn bớt đâm đầu vô mấy thứ tào lao, dành thời gian đó mà vạch ra kế hoạch rõ ràng, các bước cụ thể và quyết tâm để thực hiện nó

đây là cách mà tui thích bài này, và với cách thích như vậy thì tui thấy nó giống để chia tay năm cũ hơn là đón mừng năm mới
 


Top