Chính luận: Cuba lời tạm biệt và kỷ nguyên Castro

Cloud
Ngay cả trong kỷ nguyên của Chạy đua vũ trụ, Khủng hoảng tên lửa, Bức tường Berlin sụp đổ hay thời kỳ công nghệ Internet, vẫn luông có một điều không đổi ở Cuba: Họ có một Castro lãnh đạo đất nước mình.

car-havana-cuba.adapt.1900.1.jpg

Nhưng điều này giờ đã thay đổi.

Những ngày cuối tháng 4/2018, Raul Castro — người em, người đồng chí của lãnh tụ Fidel Castro — đã chính thức từ nhiệm sau khi Phó chủ tịch thứ nhất Miguel Díaz-Canel được bầu kế nhiệm. Từ hôm nay, ông sẽ không còn là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tổng tư lệnh tối cao Các Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba nữa, kết thúc gần 60 năm lãnh đạo của hai anh em — những người đã trải qua cuộc cách mạng hào hùng của năm 1959, vượt qua sự kiện Vịnh Con Lợn (1961), Khủng hoảng tên lửa cũng như hàng thập kỷ của Chiến tranh lạnh và cấm vận. Rời đi, họ là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc một thời, niềm hy vọng của những người Mỹ Latin, những người từ suốt thế kỷ 19 tới giờ vẫn muốn thoát khỏi thân phận là "sân sau" của Washington.

CUBA VÀ LỜI TẠM BIỆT KỶ NGUYÊN CASTRO

Mùa hè 2016, đại lộ Paseo del Prado, từng là nơi ở của những gia đình thượng lưu tại Havana trước cuộc cách mạng 1959, chứng kiến một cảnh tượng mà nó đã không nhìn thấy trong hơn nửa thế kỷ: một show diễn thời trang. Các người mẫu quốc tế lẫn diễn viên phương Tây phô diễn sự hào nhoáng của thương hiệu hạng sang Chanel trên nền nhạc Latin do 3 ban nhạc địa phương biểu diễn. Ông hoàng thời trang Karl Lagerfeld, tác giả của bộ sưu tập, nói rằng ông chọn Cuba vì "sự giàu có về văn hóa" của đảo quốc này.

Đó là 9 tháng sau khi Mỹ mở Đại sứ quán tại Havana, thời điểm cả thế giới nhìn vào Cuba bằng sự háo hức pha lẫn hoài cổ. Quan hệ vừa được bình thường hóa của Washington với Havana kéo dài thêm hy vọng về công cuộc đổi mới Cuba do Chủ tịch Raul Castro khởi xướng từ năm 2011.

Rihanna, chị em nhà Kardashian và các ngôi sao Hollywood đổ xô về đây, dùng những ngôi nhà cổ được sơn màu sặc sỡ tại Old Havana làm background cho bộ ảnh của họ. Du khách Mỹ vui sướng trước cơ hội được đến Havana và tiếc nuối sự cổ kính có thể sẽ qua nhanh nếu một mai người Cuba giàu lên. Ngày 19/4 ấy, đất nước này đứng trước bước ngoặt mới và triển vọng cải cách vẫn treo lơ lửng.

Gần 60 năm sau ngày cách mạng thành công, Chủ tịch Raul Castro sẽ từ nhiệm và Cuba sẽ bước vào một kỷ nguyên mới. Những giấc mơ rực rỡ của thế kỷ 20 sẽ khép lại và nhường chỗ một thời đại mới (có thể) còn nhiều khó khăn hơn cả năm 1959.

1. CUỘC CẢI CÁCH CÒN LƯNG CHỪNG

Tạp chí Economist miêu tả nền kinh tế Cuba hiện tại là nơi tồn tại cả những viên chức với thu nhập 23 USD/tháng lẫn những người chủ doanh nghiệp nhỏ với doanh thu 20.000 USD trong thời gian tương đương. Họ có thể mua hàng trong những siêu thị quốc doanh với ngọn đèn lờ mờ hoặc "chợ trời" với giá gạo có thể cao gấp 20 lần.

Người viên chức có quyển "sổ gạo", quy định khẩu phần được mua mỗi tháng: một túi cà phê nhỏ, nửa chai dầu ăn và 2 kg gạo. Người chủ doanh nghiệp đủ tiền để ra nước ngoài mỗi tháng vài lần, mua về những nguyên vật liệu phục vụ cho việc làm ăn.

Họ sống giữa một hệ thống "lưỡng bản tệ" — tức "một quốc gia, hai loại tiền". Một đồng là peso Cuba (CUP) và đồng kia là peso Cuba chuyển đổi (CUC). CUC được định giá bằng 1 USD và hiện nó gấp 25 lần CUP. Người Cuba thường được trả lương bằng CUP, nhưng hàng hóa, đặc biệt là hàng nhập khẩu, lại được định giá theo CUC.

Công cuộc cải cách của Cuba bắt đầu từ đại hội Đảng vào năm 2011. Khác với anh trai Fidel Castro, Chủ tịch Raul nhìn sự thay đổi bằng con mắt cởi mở hơn, ông nói chúng là một phần không thể tách rời đối với tương lai của Cuba.

Di sản Raul để lại cho người kế nhiệm sẽ là nền kinh tế quy mô 87 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2006 khi ông lên nhậm chức. 600.000 doanh nghiệp tư nhân đã hoạt động dưới thời Raul, hơn 5 triệu điện thoại di động, một thị trường bất động sản đang bùng nổ và sân bay tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Du khách kéo đến và những món nợ nước ngoài được trả, theo CBS Miami. Miami là "thủ phủ" của người Cuba lưu vong đến Mỹ, thành phố chỉ nằm cách Cuba 170 km, ngăn cách nhau bởi eo biển Florida.

Đảng -censor- Cuba cũng thừa nhận rằng cải cách vẫn đang giữa đường. Rất thường xuyên, những thay đổi bị đảo ngược sau một thời gian. Nền kinh tế chỉ huy của Cuba vẫn đang trả lương cho 75% nhân công tại đất nước này, dù đây là khối ngành không sản xuất được bao nhiêu.

Khối doanh nghiệp tư nhân đầy triển vọng sẽ bùng nổ đôi khi bị khựng lại khi chính phủ tuyên bố ngừng cấp phép thành lập doanh nghiệp mới. Hàng nghìn người lao động trình độ cao đang rời hòn đảo mỗi năm, để lại đây nền kinh tế "thế giới thứ 3" với cơ cấu dân số không khác gì các nước châu Âu già cỗi.

Hai nhân vật viên chức và chủ doanh nghiệp của Economist, Garbriel và Leo, đều có lý do để than thở về cuộc sống của họ. Garbriel thường xuyên phải mua thêm hàng hóa ở chợ trời với giá cao ngất ngưởng. Leo thì không thể tìm được nguyên vật liệu ông cần trong nước, sau mỗi chuyến đi nước ngoài, Leo ngồi cả buổi để đóng gói đồ đạc mang về, cốt làm sao hải quan không phát hiện ra những thứ ông cầm về.

"Như thể tôi đi buôn cocain vậy", Leo nói.

Leo thuộc về gần 600.000 người hoạt động trong khối tư nhân tại Cuba, chiếm 12% nguồn nhân lực nước này. Các ngành nghề người dân được kinh doanh bao gồm lái taxi, buôn bán, dịch vụ lưu trú, xây dựng và không bao gồm các dịch vụ như y tế, giáo dục. "Giữa đường" cải cách, ngành dịch vụ du lịch đang trên đà bùng nổ của Havana chịu một cú sốc vào tháng 9/2016, khi chính phủ ngừng cấp phép kinh doanh cho các nhà hàng tư nhân, dù các giấy phép đã được cấp vẫn có thể được sử dụng.

Lý giải cho sự tạm ngưng, chính quyền liệt kê việc một số nhà hàng thường mở quá 3h sáng, quấy rầy hàng xóm, sử dụng nguồn vốn bất minh... Reuters nhận định đi cùng với sự nở rộ của các doanh nghiệp nhỏ làm ăn phát đạt là sự lo lắng trong giới lãnh đạo Cuba về khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng và gây bất bình trong dân nghèo. Cứ như vậy, công cuộc cải cách của Cuba mắc kẹt giữa việc duy trì lý tưởng, ý thức hệ và động lực đổi mới nền kinh tế.

Ngoài ra, việc tái đầu tư cơ sở hạ tầng hay quá trình hủy bỏ hệ thống 2 loại tiền sẽ khó khăn, và thường các nước sẽ cần sự hỗ trợ từ WB hoặc IMF để hạn chế tác động ngắn hạn lên người nghèo, kiểm soát tỷ lệ lạm phát. Nhưng dưới sự phản đối của Mỹ, Cuba đã không thể gia nhập các định chế này và không tiếp cận được nguồn hỗ trợ tài chính. Niềm hy vọng nhen lên sau khi hai bên bình thường hóa quan hệ đã tù mù đi với việc Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Những người Cuba lưu vong đầy ác cảm với Havana là một phần đáng kể trong số cử tri ở Florida, bang tranh chấp quan trọng bậc nhất trong các cuộc bầu cử mà không nhiều chính trị gia dám làm phật lòng.

Nhiều người từng lo ngại cơn lốc tăng trưởng sẽ thổi bay những tòa nhà cổ kính ở Havana. Cơn lốc đó không đến, chỉ có siêu bão Irma giáng một đòn nặng nề vào những ngôi nhà xuống cấp nặng nề ở Havana hồi tháng 9/2017.

2. VỊ LÃNH ĐẠO HẬU CÁCH MẠNG

Người dân Cuba ăn mừng lễ kỷ niệm 60 năm ngày cách mạng thành công vào năm 2019, và cũng là lần đầu tiên họ ăn mừng cùng một lãnh đạo chưa ra đời vào lúc cách mạng nổ ra. Phó chủ tịch Miguel Mario Díaz-Canel Bermúdez, sinh năm 1960, tức một năm sau ngày cách mạng nổ ra, sẽ trở thành chủ tịch Cuba tiếp theo sau phiên bỏ phiếu của quốc hội ngày 19/4.

Bên trong đất nước 11 triệu dân, người ta không biết nhiều về quan điểm chính trị riêng của ông.

Một mặt, vóc dáng cao to cùng mái tóc trắng khiến ông không khác gì diễn viên người Mỹ Richard Gere. Tại buổi diễn của ban nhạc The Rolling Stones tại Cuba vào tháng 3/2016, Diaz-Canel, trẻ trung và to cao, xuất hiện trong chiếc quần jean và hoàn toàn khác biệt với những người đồng chí đang ngồi cạnh ông. Diaz-Canel, người từng không giấu sự ngưỡng mộ dành cho The Beatles, tỏ ra hào hứng trước màn trình diễn của The Rolling Stones.

Tháng 2/2013, không lâu sau khi trở thành phó chủ tịch, Diaz-Canel nói với các phóng viên rằng một nền báo chí sôi động hơn cùng khả năng tiếp cận Internet cho người dân là điều tất sẽ xảy ra.

"Việc cấm cản là bất khả thi và không có ý nghĩa gì", ông nói. Không lâu sau đó, chính phủ đã mở rộng kết nối wifi cho các khu vực công cộng trên khắp cả nước.

Ông cũng nói rằng báo chí cần phải thay đổi, mở ra những cuộc tranh luận trong khi đảng -censor- nên lắng nghe những ý kiến mang tính xây dựng. "Xã hội đang đòi hỏi nhiều hơn", ông nói.

Báo chí phương Tây cẩn trọng trong đánh giá về Diaz-Canel. Người ta không biết liệu ông có ủng hộ việc tháo bớt kiểm soát báo chí hay không, hay việc ông thật sự nghĩ gì về quan hệ với người Mỹ. Người ta có thể khá chắc chắn rằng trong suốt quá trình thăng tiến vừa qua, Diaz-Canel đã cẩn trọng không để mình trông quá "cấp tiến" hay "thân phương Tây" trong mắt những người đồng chí.

"Chúng ta nên giữ kỳ vọng của mình ở mức vừa phải", Ricardo Barrios, một chuyên gia về Mỹ Latin ở Viện nghiên cứu Đối thoại Xuyên Mỹ nói với Telegraph.

Ngoài ra, một lý do nữa để thay đổi khó đến nhanh là việc Chủ tịch Raul Castro sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí bí thư thứ nhất đảng -censor- Cuba. Việc này được nhận là để quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, không quá đột ngột và đảm bảo rằng sẽ không có điều gì lệch khỏi quỹ đạo.

3. TẠM BIỆT SANTIAGO DE CUBA

Nói gì thì nói, đây sẽ là lần đầu tiên trong 6 thập kỷ qua, chủ tịch Cuba không phải một người mang họ Castro, không thuộc về thế hệ đã sống qua năm 1959 lịch sử, không mặc quân phục và không kiêm luôn chức vụ tổng bí thư đảng. Ông cũng không thuộc về lứa chính trị gia sinh ra và trưởng thành ở Santiago de Cuba, thành phố quê hương của cách mạng Cuba. Lần kỷ niệm tiếp theo của cách mạng Cuba sẽ vắng mặt những người họ Castro, dù ở vai trò chủ tịch nước một lãnh tụ tinh thần (Fidel cũng đã yêu cầu không dựng tượng hay đặt tên đường theo ông sau khi qua đời). Diaz-Canel, dù sẽ không mang lại thay đổi chóng vánh, vẫn sẽ là biểu tượng cho một kỷ nguyên mới của Cuba.

Không khí ở Havana những ngày chuẩn bị chuyển giao quyền lực vắng lặng, thờ ơ và bất định, khác hẳn với đám đông đầy nhiệt huyết trong ngày Fidel đứng trên ban công ở Santiago de Cuba và tuyên bố cách mạng Cuba đã chiến thắng. Nhà lãnh đạo mới khó có thể khiến đám đông say mê suốt 4 giờ hùng biện như Fidel, ông sẽ lên nhậm chức trong thời đại nơi người ta không thể nói về các lý tưởng đầy nhiệt thành như thế kỷ 20 nữa, cũng không còn những đám đông sẵn sàng chết vì lý tưởng vì một lời kêu gọi nữa.

Nếu có điều gì không thay đổi theo những thăng trầm của Cuba trong 60 năm qua là các thành tựu y tế và giáo dục của họ. Bất chấp nhiều thập kỷ bị cắt đứt liên hệ với nhiều phần của thế giới, các lệnh cấm vận, nền y tế Cuba tiếp tục khiến cả những nước phát triển phải ghen tỵ.

"Không nhiều nước có thể sánh được với tỷ lệ 98% trẻ em được miễn dịch hoàn toàn trước 2 tuổi, trẻ được tiêm phòng chống lại 13 căn bệnh, chăm sóc tiền sản cho 95% phụ nữ có thai trước khi kết thúc 3 tháng đầu tiên, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh dưới 0,5%; bên cạnh đó là việc kiểm soát các bệnh mãn tính, trong đó có việc đo huyết áp ít nhất mỗi năm một lần trong toàn bộ dân số", ABC News dẫn một nghiên cứu công bố năm 2012 của Chuyên san Sức khỏe Cộng đồng Mỹ.

Bên cạnh các thành tựu về y tế công cộng, Cuba còn trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc ngăn ngừa việc lây nhiễm HIV từ mẹ sang con lẫn phát triển vắc xin chống ung thư phổi.

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latin thuộc Đại học California, Berkeley miêu tả học sinh tiểu học của Cuba là những đứa trẻ vượt trội so với trẻ đồng lứa ở các nước Mỹ Latin, thậm chí so với học sinh nhiều trường tiểu học tại Florida gần đó. Nhà nước đảm bảo việc làm cho người lớn, cung cấp dịch vụ y tế tốt cho mọi người, thực thi luật lệ về lao động để ngăn cản trẻ em làm việc ngoài giờ và đào tạo ra những giáo viên tốt. Ngay cả trẻ em những gia đình khó khăn cũng được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, đến những ngôi trường chất lượng đồng đều và làm bài tập về nhà.

Thành tựu y tế, giáo dục và thậm chí cả nghệ thuật dành cho đại chúng là những di sản nổi bật nhất của "kỷ nguyên Castro" tại Cuba. Hệ thống an sinh xã hội chất lượng cao và miễn phí, cơ hội tiếp cận nghệ thuật cân bằng cho người dân không phân biệt giàu nghèo, giai cấp là viễn tượng gần nhất mà Fidel đã để lại cho thế giới về xã hội ông luôn mơ ước.

Khi còn sống, Fidel thích so sánh mình với Don Quixote và ông đã yêu lý tưởng của ông như Don Quixote yêu nàng Dulcinea xứ Toboso. Cũng giống như Don Quixote, Fidel đại diện cho những giấc mơ lãng mạn nhất về một thế giới tốt đẹp hơn, của những khát vọng và đôi khi bất chấp khả năng hiện thực hóa.

Nhưng không như Don Quixote, Fidel đã sinh ra trong thời đại nơi người ta chia sẻ những giấc mơ như vậy, trong một khu vực mà khát vọng độc lập sau những năm tháng sống dưới cái bóng thực dân đã khiến người người bất bình, không chỉ Cuba mà cả Mỹ Latin, không chỉ Mỹ Latin mà tất cả những dân tộc có khát vọng độc lập.

Economist gọi Fidel là một người Marxist vô tình, một người Cuba theo chủ nghĩa dân tộc nhưng là lãnh tụ của Mỹ Latin như một định mệnh. Trong tuyên bố cách mạng Cuba chiến thắng, Fidel đã không quên nói rằng cuộc cách mạng không thể "chỉ của riêng chúng ta, hay chỉ có trên hòn đảo của chúng ta. Những người anh em của chúng ta ở Mỹ Latin cũng phải được tham gia cùng".

Đó là thời đại mà lời kêu gọi của Fidel đã nhận được sự hưởng ứng của tầng lớp trí thức trung lưu khắp khu vực và cổ vũ cho những phong trào lan rộng từ Nicaragua, Peru, Bolivia đến Argentina rồi Venezuela.

Fidel thậm chí đã đi xa đến mức chìa cánh tay giúp đỡ ra trước mọi dân tộc muốn thực hiện cuộc cách mạng chống lại chủ nghĩa đế quốc, trở thành "người anh" trong phong trào cách mạng thế giới.

"Bất cứ phong trào cách mạng nào, ở hang cùng ngõ hẻm nào của thế giới, đều có thể dựa vào sự giúp đỡ của Cuba", ông nói trước cử tọa của đại hội lãnh đạo cách mạng Thế giới Thứ ba vào năm 1966. Hình ảnh Fidel mạnh mẽ vào hào sảng của thời đại đó như hiện thân của chính tư tưởng độc lập, tự cường mà ông luôn theo đuổi, đưa ông trở thành biểu tượng cho phong trào phản kháng trên toàn cầu.

Đôi khi các nước Mỹ Latin anh em "phản bội" lý tưởng của Fidel. Lịch sử cũng "phản bội" Cuba khi không lâu sau cách mạng, Fidel thấy ông đã phải đứng trước lựa chọn không thể tránh khỏi của Chiến tranh Lạnh, hoặc theo Mỹ hoặc theo Liên Xô. Và Fidel mang xì gà đổi lấy dầu từ Liên Xô. Cuba trở thành bệ phóng tên lửa cho Liên Xô và suýt trở thành tâm điểm của một cuộc chiến tranh hạt nhân vào thập niên 1960.

Fidel đã qua đời cuối năm 2016. Người đàn ông sống qua hàng loạt âm mưu ám sát của CIA, đã sống nhìn sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sau đó là Liên Xô, chỉ qua đời vì tuổi già. Mỹ Latin đã trở thành một khu vực rất khác trong khi đất nước Cuba, dù với nền kinh tế khiêm tốn, suy cho cùng vẫn tồn tại trước những biến động của thời đại, nửa háo hức nửa kháng cự trước làn sóng thay đổi.

Diaz-Canel mang theo một hy vọng mới, dù không quá lớn, cho những người kinh doanh dịch vụ Internet và lưu trú ở Old Havana lẫn những người xuất khẩu rượu vang ở Santiago de Cuba. Ông cũng sẽ lên nắm quyền trong ánh mắt ngờ vực của những người Mỹ gốc Cuba, vốn mang tư tưởng chống đối chính quyền và có tác động không nhỏ trong các cuộc bầu cử tại Mỹ, sống tại khu Little Havana của bang Florida cách đó một eo biển. Không nhiều người tin rằng thay đổi sẽ đến nhanh và mạnh, màu sơn của Old Havana và những chiếc xe từ thập niên 1950 có thể sẽ ở lại đường phố thủ đô thêm một thời gian nữa.

Nếu có một điểm giống nhau giữa đám đông ở Santiago de Cuba vào năm 1959 và những người Cuba ngày hôm nay trước cuộc chuyển giao quyền lực, là họ đều không biết điều gì chờ đợi mình và đất nước ở phía trước.

Hay bao giờ thì Old Havana mới được nhìn lại những chiếc váy của Lagerfeld?

Nguồn: fb.com/x.file.of.history/posts/1097540580579999
 
Trả lời

shiruko

Gà con
Hồi nhỏ chưa biết về Ông Castro cả. Khi chơi game COD Black Ops thì màn đầu tiên là ám sát Ông, cảnh trong game mô tả Ông không khác gì tên khủng bố sẵn sàng làm mọi thứ để sống cả nên lúc đó cảm thấy ghét Ông lắm. Rồi về nhà tò mò tìm hiểu sâu hơn về Ông thì lúc đó mới thấy bọn mỹ đổi trắng thay đen đến mức nào. Từ đó mình không bao giờ đụng đến dòng game COD nữa
 

tregiengchan

Rìu Sắt
Cuba là biểu hiện rõ ràng nhất của xã hội chủ nghĩa lý tưởng, nơi mà mọi người được đối xử bình đẳng với nhau, không có quá nhiều khoảng cách giàu nghèo, nơi mọi người được chăm lo tốt hơn về sức khỏe, giáo dục. Fidel đã rất thành công với lý tưởng đó.