1
Masuyama cũng vì choáng ngợp bởi tài nghệ của Mangiku mà sau khi nhận được tấm bằng ngành cổ văn Nhật Bản, anh đã chọn làm một chân trong nhà hát
Kabuki. Diễn xuất của Mangiku Sanogawa đã mê hoặc anh.
Masuyama say mê
Kabuki từ ngày còn là học sinh trung học. Thuở ấy Mangiku hãy còn là một
onnagata non trẻ, đóng những vai phụ như hồn ma bươm bướm trong vở Kagami Jishi hay cùng lắm là cô đầy tớ Chidori trong vở
Genta bị cha mẹ từ. Diễn xuất Mangiku rụt rè và quy củ; không ai ngờ chàng đạt được vinh quang như hôm nay. Song ngay từ buổi ban đầu, Masuyama đã cảm nhận được ngọn lửa băng giá tỏa ra từ vẻ đẹp lạnh lùng của chàng diễn viên. Về phần công chúng, không nói cũng biết họ hoàn toàn mù tịt. Vì lẽ đó không ai trong số các nhà phê bình sân khấu từng chú ý đến phẩm chất độc đáo giống như tia lửa ẩn hiện trong màn tuyết của Mangiku, vốn rọi sáng diễn xuất của chàng ngay từ những ngày mới bước chân vào nghề. Bây giờ thì ai nấy đều ba hoa như thể chính họ mới là người khám phá ra Mangiku vậy.
Mangiku Sanogawa là onnagata đích thực, một kiểu mẫu hiếm có ngày nay. Khác với các onnagata đương đại, chàng không có khả năng thể hiện thành công vai nam giới. Trên sân khấu, Mangiku hiện diện sặc sỡ song lại tiềm tàng vẻ u ám, từng cử chỉ đều là kết tinh của sự tế nhị. Mangiku không bao giờ thể hiện điều gì - bất kể là sức mạnh, quyền lực, sự bền bỉ hay lòng can đảm - ngoại trừ thông qua cái phương tiện duy nhất hiển lộ cho chàng: đó là biểu cảm nữ tính, nhưng chỉ cần phương tiện này thôi chàng có thể sàng lọc mọi cung bậc cảm xúc của con người. Đó mới là chân tướng của onnagata mà mấy năm gần đây đã dần mai một. Âm sắc của họ được tạo ra bởi một loại nhạc cụ thần diệu và đặc biệt tinh tế, chứ không phải bằng một nhạc cụ bình thường chơi trên cung thứ và càng không thể bắt nguồn từ nỗ lực bắt chước mù quáng một người đàn bà thật sự.
Yukihime (Tuyết Cơ) - Công nương Yuki trong vở
Kim Các Tự là một trong những vai diễn thành công nhất của Mangiku. Masuyama nhớ rằng trong một tháng anh đã xem Mangiku diễn Yukihime tới mười lần; nhưng ngay cả khi xem đi xem lại, cảm giác bị mê hoặc trong anh không hề suy giảm. Tất cả mọi thứ tượng trưng cho Mangiku Sanogawa đều có thể được tìm thấy trong vở tuồng này, chúng hòa quyện vào nhau ngay từ lời giáo đầu của người dẫn truyện: “Giữa núi non trùng điệp, Chúa công Yoshimitsu, Thừa tướng cùng các nhà sư ở Lộc Uyển Tự trú ngụ ở Kim Các Tự; ngôi lầu cao ba tầng, với khu vườn đầy những cảnh nên thơ: tảng đá nơi người ta có thể ngả lưng qua đêm, dòng nước nương theo khe núi, xuân thì có thác đổ, liễu và anh đào mọc xen nhau; đất kinh kỳ nay như một vuông thổ cẩm mênh mông rực rỡ.” Bối cảnh xa hoa hoành tráng, tái hiện những cây anh đào đương mãn khai, thác nước và Kim Các Tự lấp lánh; tiếng trống gợi tiếng thác đổ góp phần tạo nên một sự vận động liên tục trên sân khấu; khuôn mặt tái mét, dâm dật và bạo ngược của phản tướng Daizen Matsunaga, sức mạnh của thanh bảo kiếm dưới ánh nắng tỏa ra hình ảnh thiêng liêng của Fudo (Bất Động Minh Vương) nhưng khi chĩa thẳng vào mặt trời đang lặn lại hóa ra hình con rồng; ánh sáng huyền diệu của chiều tà trên thác nước và những cây anh đào; những khóm hoa lả tả rơi từng cánh, từng cánh - mọi thứ trong vở tuồng này tồn tại để phục vụ duy một nàng Yukihime quyền quý xinh đẹp. Không có gì khác thường trong trang phục của Yukihime, vẫn là bộ y phục lụa màu đỏ thẫm của các công nương trẻ tuổi. Nhưng ta có thể cảm nhận được xuyên suốt khung cảnh này, bóng ma băng tuyết vận vào cái tên của nàng, quấn lấy người cháu gái của họa sư lừng danh Sesshu (Tuyết Chu) đang đẫm mình trong tuyết; hồn tuyết đã choàng lên màu áo đỏ thẫm của Yukihime vẻ chói lòa rực rỡ của nó.
Masuyama yêu nhất là cảnh Công nương bị trói bằng dây thừng vào cây anh đào, nàng nhớ lại những truyền thuyết kể về ông nội mình, rồi dùng ngón chân rẽ những cánh hoa rơi thành hình con chuột, rồi con chuột này hiện ra cắn đứt dây giải cứu nàng. Khỏi nói cũng biết trong cảnh này, Mangiku Sanogawa không học theo các động tác máy móc như con rối mà những onnagata khác ưa chuộng. Sợi dây thừng trói Mangiku vào gốc cây khiến chàng đáng yêu hơn cả: mọi tư thế diêm dúa, phức tạp được quy định ở onnagata - như thân hình uyển chuyển, ngón tay múa máy, bàn tay uốn cong... - khi áp vào hoạt động thường ngày thì trông đầy khiên cưỡng, nhưng ở nàng Yukihime bị trói vào gốc cây thì lại mang vẻ sống động lạ thường. Những động tác uốn éo, nghiêng ngả khi nàng vùng vẫy xoay trở trong sợi dây thừng cột chặt biến mỗi phút giây trình diễn đều trở nên kịch tính tuyệt vời, hết đợt này đến đợt khác nối tiếp nhau với nguồn năng lượng không thể cưỡng lại như những ngọn sóng trùng trùng điệp điệp.
Diễn xuất của Mangiku chắc chắn sở hữu những khoảnh khắc mang sức mạnh quỷ dữ. Bằng đôi mắt khả ái được tận dụng tối đa, chỉ với một ánh nhìn, Mangiku cũng có thể gây ra ảo giác cho toàn bộ khán giả rằng nhân vật trong lớp tuồng đã hoàn toàn thay đổi thái độ: khi ánh mắt của chàng lướt từ đường hoa
[10] lên sân khấu, hay từ sân khấu về phía đường hoa; hoặc là khi chàng phóng tầm mắt lên quả chuông trên cao trong vở
Đạo Thành Tự (
Dôjôji). Cảnh cung đình ở vở
Imoseyama, Mangiku vào vai Omiwa - người con gái bị Công chúa Tachibana cướp mất tình nhân, rồi chính nàng lại trở thành đối tượng của những lời nhạo báng từ đám đàn bà quý tộc. Cảnh cuối Omiwa đang bỏ chạy về phía đường hoa trong nỗi ghen tuông giận dữ thì nghe tiếng bọn đàn bà quyền quý nọ vọng ra từ cánh gà: “Chúng ta đã tìm được vị phò mã vô song để sánh duyên cùng Công chúa! Đại cát, đại cát!”. Người dẫn truyện ngồi ở phía hông sân khấu trịnh trọng thuật lại: “Omiwa nghe thấy thế bèn lập tức quay đầu.” Ngay lúc đó nhân vật nàng Omiwa lột xác, gương mặt nàng phơi bày một niềm đam mê mãnh liệt như bị quỷ ám.
Mỗi lần chứng kiến giây phút này, Matsuyama lại kinh hoàng. Trong một tích tắc, bóng đêm ma quái đã quét sạch cả sân khấu sáng trưng với những bộ trang phục hào nhoáng cùng bối cảnh diễm lệ, bao trùm lên toàn bộ khán phòng nơi hàng ngàn khán giả đang tập trung theo dõi. Ma lực này chắc chắn phát ra từ thân thể Mangiku song cùng một lúc đã nuốt chửng da thịt chàng. Matsuyama cảm nhận trong những đường hầm tối đen có cái gì đó như một con suối hắc ám đang tuôn chảy từ dáng hình thấm đẫm sự dịu dàng, mỏng manh, đài các, khả ái và đầy nữ tính của Mangiku trên sân khấu. Anh không thể nhận dạng chính xác, nhưng có lẽ bản chất của con suối hắc ám nọ chính là một sự hiện diện quỷ quyệt, quái đản, cái dư âm sau cuối trong vẻ quyến rũ của chàng diễn viên, cái tà ma lôi kéo đàn ông lầm lạc rồi chết đuối trong một khoảnh khắc của sắc dục. Nhưng có gắn cho nó một cái tên cũng đâu giải thích được gì hơn.
Omiwa lắc đầu và mái tóc của nàng xổ tung. Bấy giờ Omiwa từ đường hoa quay trở lại sân khấu nơi lưỡi đao của Funashichi đang chờ đợi để lấy mạng nàng.
“Cung đình ngập tràn tiếng nhạc, trong giai điệu có nỗi buồn của tiết thu,” người dẫn truyện lại cất tiếng. Bước chân vội vã của Omiwa đến với cái chết có cái gì rất đáng sợ. Đôi chân trần trắng muốt đang hối hả tìm đến sự hủy diệt và chết chóc không ngừng hất tung tà áo kimono xộc xệch dường như biết rõ những cảm xúc bạo liệt đang xô đẩy Omiwa sẽ chấm dứt vào lúc nào và ở đâu trên sân khấu, và trong khi hướng về nơi đó, nàng vẫn hân hoan đắc thắng ngay giữa cơn ghen tuông đày đọa. Nỗi đau đớn nàng bộc lộ ra ngoài che đậy niềm phấn khích bên trong. Nó giống như tấm áo choàng của nàng, bên ngoài màu sẫm điểm xuyết chỉ vàng nhưng mặt trong tươi sáng với những sợi tơ sắc màu lộng lẫy.
2
Quyết định làm việc tại nhà hát Kabuki của Masuyama phát sinh từ đam mê của anh với môn nghệ thuật này, nhất là với Mangiku; vả lại Masuyama cũng nhận thấy may ra làm quen với thế giới sau cánh gà thì anh mới thoát khỏi sự thao túng của đam mê. Anh nghe người ta nói về cái gọi là “vỡ mộng” khi mắt thấy tai nghe những chuyện trong hậu trường, anh muốn lao vào thế giới ấy hòng được nếm trải cảm giác vỡ mộng. Nhưng cái giây phút “vỡ mộng” mà anh mong đợi không hiểu sao mãi vẫn chưa đến.
Mangiku đã biến điều đó thành bất khả thi. Chàng một lòng tuân theo các huấn thị trong cuốn sách gối đầu của onnagata do Ayamegusa biên soạn: “một onnagata ngay cả trong phòng thay đồ cũng phải gìn giữ phép tắc của onnagata. Lúc ăn uống, onnagata phải quay mặt ra khỏi tầm mắt người khác để họ không thể trông thấy.” Khi không có thời gian rời khỏi phòng thay đồ, bắt buộc phải dùng bữa trước sự hiện diện của quan khách, Mangiku thường tiến đến bàn ăn với lời cáo lỗi và cố ăn thật nhanh, điêu luyện đến mức không ai sau lưng biết được chàng đang ăn.
Vẻ đẹp nữ tính Mangiku bộc lộ trên sân khấu làm Masuyama say đắm với tư cách một người đàn ông là rõ rành rành. Nhưng cũng kỳ lạ không kém là bùa phép của Mangiku không bị vô hiệu hóa ngay cả khi Masuyama quan sát chàng trong phòng thay đồ ở khoảng cách gần. Thân hình chàng khi trút bỏ y phục tuy mảnh khảnh nhưng vẫn là đàn ông không lẫn đi đâu được. Đúng ra thì Masuyama thấy hơi cụt hứng trước cảnh tượng Mangiku cởi trần ngồi bên bàn trang điểm, thoa phấn lên vai và phơi bày lồ lộ hình dạng đàn ông trong khi cung cách chào hỏi khách khứa vẫn yểu điệu như thường. Nếu một tín đồ Kabuki như Masuyama còn thấy chướng khi lần đầu bắt gặp cảnh này thì không biết phản ứng của người không ưa Kabuki và có thành kiến với onnagata còn đến mức nào? Tuy nhiên Masuyama thấy nhẹ nhõm hơn là vỡ mộng khi trông thấy Mangiku gần như khỏa thân sau mỗi vở diễn và chỉ còn một lớp áo lót mỏng như sương để thấm mồ hôi. Hình ảnh ấy tự nó có vẻ gớm ghiếc, song bản chất niềm đam mê của Masuyama - hay cái nội tại của niềm đam mê như người ta nói - không chỉ gói gọn trong ảo tưởng bề ngoài, vì thế sự phát giác này không thể đe dọa hủy diệt nó. Kể cả lúc Mangiku cởi bỏ phục trang, bên dưới làn da chàng vẫn còn hàng lớp xiêm y lộng lẫy mà thân hình trần trụi kia chỉ là một phương tiện trưng bày. Yếu tố tạo nên dáng vẻ kiều diễm của Mangiku trên sân khấu nằm chính trong con người chàng.
Masuyama rất thích nhìn Mangiku khi chàng trở về phòng thay đồ sau một vai diễn quan trọng. Dòng cảm xúc của vai diễn chàng vừa hóa thân hãy còn lưu luyến quanh thân hình chàng, như ánh tà dương huyền ảo hay vầng trăng lúc bình minh. Những cảm xúc lớn lao trong bi kịch cổ điển, những cung bậc xa lạ với đời sống thế tục, có lẽ ít nhiều trên danh nghĩa được dẫn dắt bởi sự kiện lịch sử - thế giới của các màn tranh ngôi đoạt vị, những cuộc chinh phạt liên miên - tuy nhiên trên thực tế chúng không thuộc về riêng một thời đại nào. Những cảm xúc ấy phù hợp hơn với cái bối cảnh bi ai, cổ quái, được cách điệu bằng màu sắc nhợt nhạt như một bức tranh khắc gỗ cận đại. Đau đớn khôn nguôi, đam mê phi thường, tình yêu nồng cháy, hoan lạc cuồng điên, tiếng thét ngắn ngủi của kẻ rơi vào hoàn cảnh vượt sức chịu đựng: những cảm xúc ấy vừa rồi đều nằm gọn trong Mangiku. Thân hình mảnh mai của Mangiku có thể chứa đựng cùng một lúc từng ấy tình cảm mà không vỡ tan tành, quả là một điều kỳ diệu.
Nói gì thì nói, chỉ vừa khoảnh khắc trước đó, chính Mangiku đã quay cuồng giữa những cảm xúc kỳ vĩ ấy, chàng tỏa hào quang trên sân khấu là nhờ cái mà chàng truyền tải đã vươn đến khán giả. Điều này có lẽ cũng đúng với các nhân vật khác, nhưng các diễn viên hiện đại dường như không ai thực sự tách biệt cảm xúc trong diễn xuất với cảm xúc đời thường. Ayamegusa đã bình: “Điểm quan trọng nhất với onnagata là khả ái. Nhưng ngay cả một onnagata có vẻ đẹp thiên phú cũng sẽ đánh mất sự khả ái của mình nếu anh ta cố gắng nhào nặn cử chỉ hòng gây ấn tượng mạnh. Chỉ cần onnagata ra điều duyên dáng, anh ta sẽ trở nên vụng về. Vì vậy một onnagata không thể xem là thành công nếu không sống đời sống hàng ngày của phụ nữ. Khi bước lên sân khấu, anh ta càng gắng sức nhập tâm vào hành vi đậm chất nữ tính nào đó thì cái vẻ đàn ông sẽ càng lộ ra. Tôi tin rằng điều quan trọng là cung cách của diễn viên ngoài đời thực.”
Cung cách của diễn viên ngoài đời thực... phải, Mangiku hoàn toàn nữ tính trong lời ăn tiếng nói cùng cử chỉ ngay cả giữa đời thực. Giả sử Mangiku ngoài đời đàn ông hơn, thì giây phút chàng từ từ thoát vai onnagata trên sân khấu như mực nước lớn ngoài bờ biển hòa vào tính nữ ngoài đời - vốn là sự nối dài của cùng một quá trình tự kỷ ám thị - sẽ trở thành ranh giới tuyệt đối giữa đại dương và đất liền, cánh cửa ngăn cách giữa mộng tưởng và đời thực. Quá trình ám thị trong đời thực đã hỗ trợ quá trình ám thị trong diễn xuất của Mangiku. Masuyama tin rằng phẩm chất này định nghĩa nên một onnagata chân chính. Onnagata là đứa con sinh ra từ cuộc ái tình vụng trộm giữa thực và mộng.
3
Khi các bậc tiền bối lẫy lừng của thế hệ trước, người nọ nối gót người kia lần lượt về trời, quyền lực của Mangiku ở hậu trường trở thành tuyệt đối. Các onnagata tập sự là đồ đệ của Mangiku đứng hầu chàng chẳng khác nào nô tì, thậm chí mỗi lần cùng Mangiku trong vai phu nhân hay công chúa bước ra sân khấu, các đệ tử vai nô tì cũng phải lần lượt đúng thứ tự thâm niên như lúc họ xếp hàng trong phòng thay đồ.
Ai có dịp vén bức rèm bằng vải nhuộm hình gia huy dòng họ Sanogawa bước vào phòng thay đồ của Mangiku chắc chắn sẽ ngỡ ngàng bởi ấn tượng mạnh mẽ về thánh đường khả ái không bóng đàn ông này. Ngay cả thành viên trong đoàn kịch cũng thấy nơi đây chỉ toàn sự hiện diện của đàn bà. Mỗi lần tạt qua phòng thay đồ của Mangiku để làm gì đó, Masuyama mới chỉ đưa tay vén rèm mà chưa cần phải bước chân vào cửa thì cảm giác hiếu kỳ, đê mê bản năng của đàn ông đã xâm chiếm lấy anh. Thỉnh thoảng vì công chuyện mà anh phải đến phòng của mấy cô gái hát đồng ca trong hậu trường của chương trình tạp kỹ. Tính nữ đậm đặc ở đó khiến người ta muốn ná thở và mấy cô nàng da dẻ sần sùi chồm chồm như động vật trong sở thú nhìn anh với ánh mắt ngán ngẩm, nhưng Masuyama chưa bao giờ thấy lạc lõng như khi bước vào phòng thay đồ của Mangiku, những người đàn bà thực thụ không thể làm Masuyama cảm thấy mình nam tính đến mức ấy.
Bầu đoàn thê tử của Mangiku không tỏ ra đặc biệt thân thiện với Masuyama. Ngược lại anh cũng biết tỏng họ bàn tán gì sau lưng mình, họ buộc tội anh bất kính, kẻ cả vì cái mác cử nhân. Anh cũng biết đôi lúc họ bất mãn vì anh ra điều mô phạm, khăng khăng tôn trọng sự thật lịch sử. Trong thế giới của Kabuki, kiến thức hàn lâm không đi kèm tài năng bị coi là vô giá trị. Được cái công việc của Masuyama cũng không phụ anh. Mỗi khi Mangiku cần nhờ vả ai đó - tất nhiên là chỉ những lúc chàng có tâm trạng tốt - chàng sẽ xoay người từ bàn trang điểm, khẽ gật đầu và mỉm cười; vẻ khả ái vô song trong đáy mắt Mangiku giây phút ấy khiến Masuyama tưởng như không còn ao ước gì hơn là được làm một chú chó trung thành của Mangiku. Không bao giờ lơ là phẩm giá của mình, nên mặc dù ý thức rất rõ về sức hút ấy nhưng Mangiku lúc nào cũng giữ khoảng cách nhất định. Nếu Mangiku là đàn bà, ma lực này sẽ toát ra từ cả con người chứ không chỉ giới hạn ở đôi mắt. Sức quyến rũ của onnagata chỉ nằm trong một tia sáng le lói phút chốc, nhưng thế cũng đã đủ để nó tồn tại độc tôn và bộc lộ tính nữ vĩnh cửu.
Mangiku ngồi trước gương sau khi kết thúc vở
Ngôi thành của quan trấn thủ Hachigin, tiết mục đầu tiên của chương trình. Chàng đã cởi bỏ áo choàng và bộ tóc giả của Công nương Hinaginu, giờ vận bộ áo choàng tắm vì không nhất thiết phải xuất hiện giữa chương trình nữa. Masuyama ban nãy được báo là Mangiku cần gặp và đang ngồi trong phòng thay đồ đợi đến lúc hạ màn. Tấm gương đột ngột đỏ rực lên như đám cháy khi Mangiku quay về, xiêm y phủ kín lối vào. Ba người gồm đệ tử và nhân viên hóa trang cùng nhau cởi những thứ cần cởi và đem cất. Người không có phận sự đều đã rút lui, không còn ai khác trừ mấy đệ tử đang quây quần quanh lò sưởi
hibachi ở phòng bên cạnh. Phòng thay đồ lập tức chìm trong tĩnh lặng. Tiếng gõ búa của các trợ lý sân khấu đang tháo dỡ bối cảnh cho vở tuồng vừa kết thúc vọng ra từ một cái loa ở hành lang. Lúc ấy là cuối tháng Mười một, hơi nước làm mờ các ô cửa kính, ảm đạm như cảnh ở nhà thương. Hoa cúc trắng lả ngọn duyên dáng trong chiếc bình Cảnh Thái lam đặt cạnh bàn hóa trang của Mangiku. Có lẽ Mangiku thích loài hoa này, đúng như nghệ danh Vạn Cúc (Mangiku) của mình.
Mangiku ngồi trên cái nệm lớn màu tím đối diện bàn trang điểm, nói: “Anh làm ơn chuyển lời đến tiên sinh ở phố Sakuragi dùm tôi được không? (Mangiku nhắc đến các thầy dạy hát múa qua tên con phố nhà họ theo nếp cũ.) Tôi khó lòng nói trực tiếp với ông ấy.” Khi nói, Mangiku nhìn thẳng vào gương. Masuyama đang ngồi dựa vào tường, từ vị trí này anh có thể trông thấy gáy của Mangiku và hình ảnh của khuôn mặt hãy còn mang lớp trang điểm của vai Hinaginu. Đôi mắt ấy không nhìn Masuyama mà đang ngắm nghía trực diện khuôn mặt in trong tấm kính. Đôi má hồng rực vì phấn khích từ vở diễn ban nãy hãy còn lung linh qua lớp phấn trên má chàng như ánh mặt trời ban mai chiếu qua băng mỏng. Mangiku đang nhìn Hinaginu.
Thật vậy, chàng đang nhìn Hinaginu trong gương - Công nương Hinaginu mà chàng vừa thủ vai, nàng Hinaginu con gái của Mori Sanzaemon Yoshinari, vợ viên tướng trẻ Sato Kazuenosuke. Cuộc hôn nhân của Hinaginu tan vỡ vì lòng trung của phu quân đối với chủ quân, nàng đã tự vẫn để suốt đời sắt son với một mối duyên tình “hờ hững đến độ vợ chồng chưa một lần chung chăn gối”. Hinaginu đã chết trên sân khấu vì nỗi tuyệt vọng lên đến cực độ khiến nàng không thể nào sống thêm được nữa. Hinaginu trong gương là một hồn ma. Mangiku biết rõ ngay cả hồn ma ấy lúc này đang rời bỏ thân xác mình. Mắt chàng đang đuổi theo Hinaginu. Nhưng khi ánh sáng của cảm xúc bạo liệt ấy yếu đi thì gương mặt Hinaginu cũng biến mất. Chàng tạm biệt gương mặt đó; vẫn còn bảy suất nữa cho đến khi vở này ngưng diễn. Ngày mai chắc chắn đường nét của Hinaginu sẽ quay về nhập vào gương mặt của chàng.
Đắm mình thưởng ngoạn Mangiku trong trạng thái xuất thần ấy, Masuyama gần như mỉm cười trìu mến. Mangiku đột nhiên quay về phía anh. Thì ra chàng nhận ra ánh mắt của Masuyama ngay từ đầu nhưng nhờ có sự lãnh đạm của một minh tinh đã quá quen với cái nhìn của công chúng, chàng vẫn điềm nhiên làm việc của mình. “Mấy đoạn nhạc đệm này hơi ngắn. Tôi không có ý nói là nếu vội thì không thể hoàn thành phần diễn, nhưng làm vậy thì tắc trách quá.” Mangiku đang nói đến phần tấu nhạc cho vở ca vũ công diễn vào tháng sau. “Anh Masuyama thấy thế nào?”
“Tôi hoàn toàn đồng tình. Chắc ý anh là đoạn sau phần
Một ngày sao dài thế, trên cầu ở Seta?”
“Phải, chính nó đấy. Một ngày sao dài-iii thế-ế...” Mangiku hát vang, đập phách bằng những ngón tay thanh tú.
“Để tôi bảo ông ấy. Chắc chắn tiên sinh ở phố Sakuragi sẽ hiểu cho anh.”
“Anh không phiền gì chứ? Cứ phải quấy quả mọi người liên tục thế này, tôi hổ thẹn quá đi mất.”
Mangiku có thói quen chấm dứt một cuộc trò chuyện bằng cách đứng dậy ngay khi xong việc. “E rằng tôi phải đi tắm đã.” Masuyama lui về lối hẹp dẫn vào phòng thay đồ và để Mangiku bước qua. Mangiku khẽ cúi đầu đi vào hành lang, theo sau là một đệ tử. Chàng ngoái lại nhìn Masuyama rồi mỉm cười, cúi đầu lần nữa. Màu hồng nơi khóe mắt Mangiku mang một vẻ quyến rũ nào đó không nắm bắt được. Masuyama nhận thấy Mangiku biết rõ tình cảm của anh đối với chàng.
4
Đoàn kịch của Masuyama sẽ lưu lại nhà hát này từ tháng Mười một đến khi ra Giêng, và vở tuồng cho tháng Giêng đã trở thành chủ đề bàn tán. Tác phẩm mới của một nhà biên kịch hiện đại sẽ được dàn dựng. Biên kịch trẻ tuổi với thói tự kiêu rất không phù hợp với tuổi tác của mình đã đặt ra vô số điều kiện làm Masuyama cứ phải xoay như chong chóng để thương lượng với đội ngũ điều hành, các diễn viên, thậm chí cả giám đốc nhà hát nữa. Masuyama được tuyển dụng làm công việc này bởi mọi người xem anh là thành phần trí thức.
Một trong những điều kiện mà biên kịch đặt ra là vai trò đạo diễn phải được giao phó cho một người tuổi trẻ tài cao mà anh này tin tưởng. Giám đốc nhà hát đã chấp nhận điều kiện đó. Mangiku đồng ý nhưng không mấy nhiệt tình. Chàng bộc lộ sự nghi ngại thế này: Tôi không rành, chắc chắn rồi, nhưng nếu anh đạo diễn trẻ kia không thông hiểu tuồng Kabuki rồi lại đưa ra yêu sách vô lý thì biết giải thích thế nào đây?” Mangiku hy vọng đạo diễn là ai đó trưởng thành và đứng tuổi hơn - hay như lời của chàng, là phù hợp hơn.
Vở tuồng là phiên bản chuyển thể bằng ngôn ngữ hiện đại từ một cuốn tiểu thuyết thế kỷ 12 có tên là
Phải chi đổi phận cho nhau. Giám đốc điều hành của hãng đã quyết định không giao quá trình điều phối vào tay các nhân viên thông thường, mà tuyên bố gửi gắm cho Masuyama. Gánh nặng công việc trước mắt làm Masuyama căng thẳng, song tin tưởng vào đẳng cấp hàng đầu của vở tuồng, anh có linh cảm công sức mình bỏ ra sẽ xứng đáng.
Ngay sau khi kịch bản đã sẵn sàng và các vai đã được chỉ định, một cuộc họp sơ bộ được tổ chức vào buổi sáng giữa tháng Mười hai tại phòng tiếp tân kế bên phòng làm việc của ông chủ nhà hát. Cuộc họp có sự tham dự của các nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, thiết kế sân khấu, diễn viên, và cả Masuyama. Căn phòng được sưởi ấm và ánh nắng tràn vào qua ô cửa sổ. Masuyama vui nhất mỗi lần họp sơ bộ như thế này, cảm giác cứ như được trải tấm bản đồ và lên kế hoạch đi dã ngoại vậy: “Chúng mình bắt xe buýt ở bến nào? Đến đâu thì bắt đầu đi bộ? Nơi cắm trại có nước uống không? Buổi trưa ăn gì, ở đâu? Chỗ nào có cảnh đẹp? Có nên đi tàu về không nhỉ, hay là tiết kiệm thời gian để đi thuyền?”
Đạo diễn Kawasaki đến muộn. Masuyama chưa xem vở nào do anh ta đạo diễn nhưng đã nghe danh. Kawasaki tuy tuổi còn rất trẻ nhưng đã được lựa chọn để đạo diễn các vở của Ibsen và kịch Mỹ hiện đại cho một hãng chuyên dàn dựng các vở tuồng; chỉ trong vòng một năm, anh ta đã có nhiều thành công rực rỡ, nhất là với thể loại kịch hiện đại Mỹ, và nhận được giải thưởng từ một tờ báo lớn chuyên về kịch nghệ.
Trừ Kawasaki ra, mọi người đều đã đến đủ. Nhà thiết kế vốn không bao giờ chần chừ một phút trước khi bắt tay vào việc đã hí hoáy vào cuốn tập lớn mà ông mang theo để ghi chép ý kiến của mọi người, ông cứ thế gõ gõ đuôi bút chì vào trang giấy trắng như muốn bùng nổ ý tưởng. Cuối cùng các nhà sản xuất quay sang xì xào về tay đạo diễn vắng mặt. “Cứ cho là hắn ta tài giỏi như lời đồn, nhưng tuổi đời còn ít, thế nào các diễn viên cũng phải hỗ trợ mà xem.”
Lúc ấy có tiếng gõ cửa và một thư ký dẫn đường cho Kawasaki. Anh ta bước vào phòng với nét mặt đờ đẫn như thể chịu không nổi ánh sáng chói chang, và chẳng nói chẳng rằng, máy móc cúi đầu chào mọi người. Anh ta khá cao ráo, chừng một mét tám, nét mặt nam tính sắc sảo nhưng cũng đầy vẻ mong manh. Đó là một ngày đông lạnh nhưng Kawasaki chỉ mặc một cái áo đi mưa mỏng dính, nhàu nhĩ. Dưới áo mưa là áo khoác nhung màu gạch. Những sợi tóc dài và thẳng của anh ta rủ xuống chóp mũi, nên thỉnh thoảng Kawasaki lại phải vuốt tóc ra sau. Masuyama khá thất vọng bởi ấn tượng đầu tiên về đạo diễn. Anh những tưởng một người đàn ông với thực lực nổi trội sẽ phải cố gắng thể hiện khác biệt so với khuôn mẫu đám đông, ai dè tay này ăn bận và cư xử y hệt những gì người ta mường tượng về loại thanh niên thường thấy của nghệ thuật sân khấu hiện đại.
Kawasaki ngồi vào chỗ người ta đã dành cho mình ở đầu bàn. Anh ta không buồn làm cử chỉ từ chối khách sáo trước vinh dự đó, mà chỉ dán mắt vào bạn thân là nhà biên kịch, khi được giới thiệu trước các diễn viên, Kawasaki chỉ chào một tiếng rồi lại quay sang bạn mình. Masuyama nhớ lại những trải nghiệm tương tự. Đối với một người được đào tạo về sân khấu hiện đại nơi các gương mặt trẻ áp đảo thì chẳng dễ dàng gì để tự khẳng định trong môi trường của các diễn viên tuồng Kabuki, vốn có xu hướng thể hiện mình như những quý ông nghiêm nghị khi giao tiếp ngoài sân khấu. Quả thực, các diễn viên có mặt trong buổi họp đã tìm cách bộc lộ sự khinh miệt đối với Kawasaki bằng thái độ lịch sự tuyệt đối, nhưng không một lời thiếu thiện chí. Masuyama vô tình nhìn Mangiku thì thấy chàng đang khiêm nhường giữ mình, tránh biểu hiện bất kỳ điều gì có thể bị cho là kiêu ngạo và hoàn toàn không có chút thái độ coi thường nào như những người kia. Masuyama cảm thấy ngưỡng mộ và yêu thương Mangiku hơn bao giờ hết.
Bây giờ tất cả mọi người đã có mặt, biên kịch bèn mô tả vắn tắt kịch bản. Mangiku, có lẽ lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình - bước ra khỏi con đường chàng đã đi từ thuở bé để vào vai một người đàn ông. Cốt truyện kể về một vị Thừa tướng có hai đứa con, một trai một gái. Khi sinh ra chúng đã không thuận theo giới tính trời cho nên được nuôi nấng theo bản tính: bé trai (thực ra là bé gái) lớn lên trở thành Tả tướng, bé gái (thực ra là bé trai) trở thành Nữ tổng quản ở điện Senyo (Senyôden), nơi ở của các phi tần. Về sau khi sự thật phơi bày, hai người quay trở lại cuộc sống phù hợp hơn với giới tính bẩm sinh; người nam lấy con gái thứ tư của Hữu thừa tướng, người nữ lập gia đình với một viên Ngự sử, kết cục viên mãn.
Vai diễn của Mangiku là người con trai trong lốt con gái. Tuy vào vai nam nhưng Mangiku chỉ phải xuất hiện với tư cách nam giới ở cảnh cuối. Ngoại trừ cảnh đó thì trong suốt toàn bộ vở tuồng, Mangiku vẫn diễn xuất như một onnagata đích thực trong vai Nữ tổng quản điện Senyo. Biên kịch và đạo diễn thống nhất rằng sẽ không ép uổng Mangiku phải cố gắng thể hiện nhân vật thực ra là đàn ông ngay cả trong cảnh cuối. Một khía cạnh khá thú vị của vở tuồng này là nó không tránh khỏi yếu tố châm biếm những ước lệ về onnagata trong tuồng Kabuki. Nữ tổng quản hóa ra lại là nam, cũng đúng như minh tinh Mangiku vào vai nữ vậy. Mà không chỉ có thế. Để Mangiku vào vai cùng một lúc vừa là onnagata vừa là đàn ông trong vở tuồng thì chàng phải biểu lộ hai tầng diễn xuất cả trong đời thực, khác xa trường hợp đơn giản của các diễn viên chỉ cần khoác lên bộ trang phục nữ giới cho vở tuồng để che mắt khán giả. Sự phức tạp của vai diễn đã hấp dẫn Mangiku.
Lời đầu tiên của Kawasaki dành cho Mangiku là: “Tôi rất hân hạnh nếu tiên sinh có thể vào vai như một người phụ nữ. Sẽ không có sự khác biệt nhỏ nào ngay cả khi tiên sinh tiếp tục thể hiện tính nữ ở cảnh cuối đâu.” Giọng nói của anh ta êm tai và trong sáng.
“Thật sao? Nếu đạo diễn không để bụng lối diễn xuất của tôi, thì sẽ dễ dàng cho tôi hơn rất nhiều.”
“Chẳng dễ dàng gì đâu. Chắc chắn là không.” Kawasaki nói dứt khoát. Khi nhấn mạnh như thế, hai má anh ta ửng hồng như có ngọn đèn nào bên trong được bật sáng. Giọng điệu sắc bén của Kawasaki như phủ một tấm màn lên buổi họp. Đôi mắt Masuyama lãng đãng liếc sang Mangiku. Chàng đang cười khúc khích hiền hòa, mu bàn tay áp vào miệng. Mangiku không phật ý nên những người khác cũng thấy nhẹ nhõm.
“Nếu vậy,” biên kịch nói, “để tôi đọc kịch bản.” Anh ta hạ đôi mắt lồi nhìn như phình to gấp đôi phía sau cặp kính dày cộp, và bắt đầu đọc kịch bản trên bàn.
5
Hai, ba hôm sau các diễn viên bắt tay vào luyện tập vai của mình khi họ có thời gian rảnh. Các buổi tập luyện chung chỉ tổ chức được vào mấy ngày cuối tháng này và đầu tháng sau. Nếu lúc ấy chưa ai thuộc phần của mình thì cũng không còn thời gian để học nữa. Buổi diễn thử các vai bắt đầu cũng là lúc tất cả mọi người nhận ra Kawasaki là kẻ ngoại đạo. Mọi thứ về Kabuki anh ta đều không biết nên Masuyama lúc nào cũng bắt gặp mình và Kawasaki như hình với bóng và cứ phải giải thích từng thuật ngữ Kabuki cho anh ta luôn luôn, thành thử Kawasaki trở nên cực kì phụ thuộc vào Masuyama. Buổi tập đầu tiên kết thúc, Masuyama rủ Kawasaki đi uống gì đó.
Masuyama biết rằng ở vị trí của mình mà lại vào một phe với đạo diễn là thất sách, song anh cho rằng mình dễ dàng hiểu được những gì Kawasaki phải trải qua. Quan điểm của Kawasaki rõ ràng, lập trường cũng rất chắc chắn, anh ta lao vào công việc với thái độ nhiệt tình đầy non nớt. Masuyama có thể hiểu được tại sao tính tình Kawasaki lại thu hút được người biên kịch, anh thấy rằng sự trẻ trung mộc mạc của Kawasaki có thể xem như một yếu tố thay máu, vốn rất xa lạ với thế giới của sân khấu Kabuki. Để biện minh cho quan hệ của mình và đạo diễn, Masuyama bèn lấy lý do mình nỗ lực biến cái sức trẻ đó phục vụ cho Kabuki.
Mọi người bắt đầu khớp toàn bộ lời thoại và diễn thử vào ngày cuối cùng sau khi lịch diễn tháng Mười hai hoàn thành. Hôm ấy là hai ngày sau Giáng sinh. Qua cửa sổ nhà hát và phòng thay đồ có thể cảm nhận được không khí náo nhiệt cuối năm trên đường phố. Một cái bàn cũ nát được dựng bên cửa sổ trong phòng tập lớn. Kawasaki và người chỉ đạo sân khấu, một trong những cấp trên của Masuyama đang ngồi dựa lưng vào cửa sổ. Masuyama đứng sau Kawasaki. Đội diễn viên ngồi trên chiếu trải dọc chân tường. Mỗi người sẽ đi lên trung tâm khi đến lượt đọc lời thoại của mình, chỉ đạo sân khấu nhắc vở cho họ. Xung đột liên tiếp diễn ra giữa Kawasaki và các diễn viên.
Kawasaki sẽ nói: “Tôi muốn ông đứng nguyên ở đây, nói: ‘Ứớc gì ta có thể đến Kawachi và cao chạy xa bay’, rồi dứt lời mới đi về cây cột bên phải sân khấu.”
“Tôi làm sao mà đứng đấy được?”
“Thì ông cứ thử làm như tôi bảo đi.” Kawasaki gượng cười, nhưng khuôn mặt anh tái đi trông thấy vì tự ái.
“Anh cứ việc bảo tôi đứng đến Giáng sinh năm sau cũng được, nhưng việc đó thì tôi chịu. Lẽ ra tôi phải nghiền ngẫm cái gì đấy ở đây chứ. Làm thế nào mà vừa đi qua sân khấu vừa suy tư được?”
Kawasaki không trả lời nhưng không giấu được nỗi uất ức cực độ khi bị trả treo như vậy.
Tuy nhiên mọi chuyện hoàn toàn khác khi đến lượt Mangiku. Kawasaki bảo ngồi là ngồi, đứng là đứng, Mangiku răm rắp nghe theo. Kawasaki chỉ đạo gì thì Mangiku làm nấy. Masuyama thấy rằng sự thích thú với vai diễn của Mangiku không thể giải thích đầy đủ lý do chàng vâng lời hơn nhiều so với thói quen ở những buổi tập bình thường.
Lúc Mangiku tập xong phần của mình ở hồi thứ nhất và quay trở lại chỗ ngồi thì Masuyama cũng phải rời buổi tập đi công chuyện. Khi anh trở về, cảnh tượng sau đây đập vào mắt anh: Kawasaki nằm bò trên bàn, chăm chú theo dõi buổi tập đến độ không buồn vuốt những sợi tóc cản trở tầm nhìn. Anh ta đang đè lên hai cánh tay bắt chéo, bờ vai dưới chiếc áo khoác nhung run lên vì phải nén giận. Bên phải Masuyama là một bức tường màu trắng có cửa sổ, qua đó anh có thể nhìn thấy một quả bóng bay lắc lư trong cơn gió bấc, dưới đuôi treo cái thông báo bán hạ giá cuối năm. Những đám mây cứng quèo của mùa đông trông như thể vẽ bằng phấn trên nền trời xanh nhạt. Anh còn thấy một ngôi đền thờ Inari
[11] và cái cổng
torii màu đỏ son xinh xinh trên mái một tòa nhà gần đó. Bên phải của anh, cạnh bức tường, Mangiku đang ngồi thẳng người kiểu Nhật trên chiếu. Kịch bản mở ra trên đùi chàng, nếp gấp trên bộ kimono màu xám xanh của Mangiku thẳng tắp. Từ cửa vào nơi Masuyama đứng không thể quan sát rõ mặt Mangiku song từ góc nhìn ngang, ánh mắt dịu dàng bình thản của chàng đang gắn chặt lấy Kawasaki.
Masuyama cảm thấy rùng mình nhất thời vì nghi ngại. Anh đã bước một chân vào bên trong phòng tập, nhưng lúc này chắc không thể tiến thêm được nữa.
6
Cuối ngày hôm đó Masuyama được gọi đến phòng thay đồ của Mangiku. Anh nhận thấy một khối tình cảm xa lạ chắn đường khi cúi đầu bước qua bức rèm quen thuộc. Mangiku chào anh, vẫn mỉm cười trên chiếc ghế đệm màu tím và chìa vài cái bánh vừa được biếu mời Masuyama.
“Anh thấy buổi diễn tập hôm nay thế nào?”
“Gì cơ?” câu hỏi làm Masuyama giật mình. Bình thường Mangiku không bao giờ hỏi ý kiến Masuyama về những việc như vậy.
“Buổi tập thế nào?”
“Nếu mọi việc trôi chảy như hôm nay, có lẽ vở tuồng sẽ thành công.”
“Anh nghĩ vậy thật sao? Tôi thấy tội nghiệp Kawasaki lắm. Khổ thân cậu ấy, mọi người cứ ra sức bắt nạt Kawasaki làm tôi thấy lo. Chắc anh đã quan sát thấy rằng tôi đã quyết tâm diễn đúng theo chỉ đạo của đạo diễn Kawasaki. Tự tôi cũng muốn như thế, với lại mọi người đều bất hợp tác, tôi làm vậy có lẽ sẽ giúp Kawasaki đỡ vất vả hơn. Người khác không biết thế nào, chứ họ có lẽ cũng để ý đạo diễn bảo gì tôi nghe vậy, họ biết bình thường tôi khó tính lắm mà. Tôi chỉ có thể giúp Kawasaki đến thế. Thật là đáng hổ thẹn khi đạo diễn lao tâm khổ tứ như vậy mà bị anh em quay lưng.”
Masuyama không thấy có tình cảm đặc biệt nào dậy lên khi nghe Mangiku nói. Anh nghĩ, rất có thể Mangiku không nhận ra chàng đã yêu: chàng vốn quá quen với việc phản ánh tình yêu ở một mức độ phi thường. Phần Masuyama, những cảm xúc mùi mẫn - dù ta muốn gọi thế nào thì gọi - hình thành trong trái tim Mangiku là rất không phù hợp. Anh đã quen với cách biểu đạt cảm xúc minh bạch, giàu thẩm mỹ và phi thực tế. Mangiku hôm nay trở chứng, không còn ngồi nghiêm trang nữa mà thân hình đẹp đẽ của chàng mang dáng vẻ uể oải. Tấm gương phản chiếu những bông cúc tây màu đỏ son trong chiếc bình Cảnh Thái lam và cái gáy mới cạo của Mangiku.
Ngày qua ngày cho đến buổi tổng duyệt, cơn thịnh nộ của Kawasaki đã hóa thành sự thiểu não. Buổi ghép vở vừa kết thúc, anh chàng vội mời Masuyama đi uống rượu, bộ mặt có vẻ đã muốn buông xuôi tất cả rồi. Masuyama lúc ấy đang bận, nhưng hai tiếng sau vẫn bắt gặp Kawasaki đợi mình ở chỗ hẹn. Quán rượu đông người mặc dù đó là đêm trước Giao thừa, ít ai đi tụ tập quán xá. Kawasaki uống rượu một mình, khuôn mặt bơ phờ. Anh ta là loại người càng uống thì sắc diện càng nhợt nhạt. Masuyama bắt gặp khuôn mặt tái mét ngay khi bước chân vào quán rượu thì cảm thấy chàng thanh niên này đã đặt lên vai anh một gánh nặng tinh thần vô lý. Họ sống trong hai thế giới khác nhau; không có lý nào mà phép lịch sự lại đòi hỏi Kawasaki trút những chênh vênh thống khổ của mình lên Masuyama cả.
Đúng như dự đoán, Kawasaki ngay lập tức túm lấy anh bông đùa, cáo buộc anh là đồ hai mang. Masuyama nhận tội bằng một nụ cười. Anh chỉ nhỉnh hơn Kawasaki năm hay sáu tuổi nhưng có sự tự tin của người đã lăn lộn cùng dân
trong nghề. Đồng thời anh cũng cảm thấy cái gì đó như là ghen tị với cái anh chàng chưa bao giờ nếm mùi vất vả, hay đúng hơn là chưa nếm đủ vất vả này. Giờ đây khi đã có chỗ đứng chắc chân trong trật tự của giới Kabuki, Masuyama thờ ơ trước hầu hết những lời đàm tiếu chốn hậu trường về mình không phải vì thiếu tư cách, mà chỉ vì anh không muốn dính dáng gì đến những tình cảm chân thật có khả năng hủy diệt anh.
Kawasaki nói: “Tôi chán ngấy rồi. Chỉ cần bức rèm đêm ra mắt vén lên một cái là tôi có thể sung sướng mà chuồn ngay tắp lự. Mai bắt đầu duyệt rồi đấy! Thật khủng khiếp, thế này là quá sức chịu đựng. Chưa bao giờ đụng phải ca khó thế này. Tôi đã tới hạn rồi. Từ nay về sau tôi thề không bao giờ ôm rơm rặm bụng.”
“Nhưng chẳng phải cậu đã ít nhiều dự trù ngay từ đầu sao? Kabuki đâu có giống kịch hiện đại cơ chứ.” Giọng Masuyama lạnh lùng.
Những lời tiếp theo của Kawasaki đem đến bất ngờ. “Mangiku là tên khó chơi nhất, tôi ghét thằng cha đó lắm. Vở tuồng nào có tên hắn thì nhất định không có tên tôi.” Kawasaki nhìn chằm chằm vào những làn khói uốn lượn dưới trần nhà thấp như đang nhìn vào khuôn mặt của một kẻ thù vô hình.
“Tôi không ngờ. Có vẻ anh ấy cố gắng hợp tác với cậu hết mình đấy chứ.”
“Điều gì khiến cho anh nghĩ thế? Hắn ta tốt đẹp chỗ nào? Các diễn viên khác không chịu lắng nghe, ra sức bắt nạt hay cố gắng phá hoại cả vở tuồng cũng chẳng làm tôi bực mình lắm, nhưng Mangiku là cái loại không thể lường được. Hắn ta lúc nào cũng nhìn tôi với nụ cười khinh khỉnh. Rõ ràng thâm tâm hắn không phục, đối xử như thể tôi là thằng ranh con không biết gì. Đó là lý do tại sao hắn làm mọi thứ như chỉ đạo của tôi. Chỉ có hắn nghe lời tôi, nên tôi mới càng điên tiết. Tôi đi guốc trong bụng Mangiku nhé: ‘Nếu cậu thích thì tôi sẽ làm theo ý cậu, nhưng đừng hy vọng tôi sẽ chịu trách nhiệm với diễn xuất của mình.’ Cho nên hắn cứ nhìn tôi như thế mà không nói năng gì, đúng là cái trò phá hoại tồi tệ nhất tôi từng biết. Mangiku là đồ quái thai.”
Masuyama lắng nghe trong ngỡ ngàng, nhưng anh e ngại ý định tiết lộ sự thật cho Kawasaki. Thậm chí anh còn lưỡng lự không muốn cho Kawasaki biết rằng Mangiku chỉ có ý tốt, huống hồ là toàn bộ sự thật. Kawasaki đã bối rối không biết xử trí ra sao với những cảm xúc hoàn toàn khác lạ của thế giới mà anh ta đột ngột bước vào; nếu chẳng may biết được tình cảm của Mangiku thì có lẽ anh ta cũng sẽ chỉ cho rằng đó là một cái bẫy khác được giăng ra chờ mình vấp ngã mà thôi. Đôi mắt anh ta quá trong sáng; trước tất cả những quy tắc của sân khấu mà anh ta biết, Kawasaki không thể nhận ra sự hiện diện đầy tính nghệ thuật và tối tâm lẩn khuất phía sau ngôn từ.
7
Năm mới đến và cùng với đó là đêm đầu của vở diễn mới.
Mangiku đang yêu. Các đệ tử tinh mắt của chàng là những người đầu tiên đem chuyện này ra đàm tiếu; còn Masuyama, người thường xuyên ra vào phòng thay đồ của Mangiku cũng cảm nhận được không khí này ngay lập tức. Mangiku đang được bao bọc trong ái tình như con tằm trong kén, sớm muộn sẽ tung cánh hồ điệp. Phòng thay đồ chính là cái kén ái tình, Mangiku vẫn kín đáo như mọi ngày, nhưng trước không khí tưng bừng của năm mới, không gian này bỗng trở nên trang trọng và tĩnh mịch.
Trong đêm mở màn, Masuyama đi qua phòng thay đồ của Mangiku thì thấy cửa để mở toang, bèn ngó vào. Anh nhìn Mangiku từ phía sau, đang ngồi trước gương, phục trang đầy đủ, chờ tín hiệu lên sân khấu. Đôi mắt anh quan sát màu oải hương nhạt trên áo choàng của Mangiku, đường dốc thoai thoải của đôi vai phủ phấn để trần một nửa, mái tóc giả đen như sơn mài. Giây phút này trong phòng thay đồ vắng vẻ, Mangiku ngồi đơn độc như một người đàn bà mải miết quay tơ, nàng đang quay tơ tình, cứ quay hoài quay mãi, tâm trí bay bổng vô định. Bằng trực giác Masuyama hiểu rằng cái khuôn ái tình của onnagata chỉ được tạo dựng nhờ sân khấu mà thôi. Sân khấu hiện hữu liên tục nơi tình yêu không ngừng gào thét, đau thương, rỉ máu. Âm nhạc tung hô giây phút đỉnh cao tuyệt mỹ của tình yêu mãi mãi âm vang trong tai Mangiku, và mỗi cử chỉ tinh tế của cơ thể chàng đều vì phục vụ tình yêu trên sân khấu. Từ đầu đến chân không có gì của Mangiku xa lạ với tình yêu. Những ngón chân bọc trong đôi vớ tabi, màu sắc quyến rũ của áo lót kimono lấp ló qua tay áo, cái gáy thon dài như thiên nga của Mangiku đều sinh ra để phục vụ ái tình.
Masuyama không nghi ngờ gì việc Mangiku khi theo đuổi tình yêu đã nghe theo lời chỉ dạy xuất phát từ những cảm xúc vĩ đại trong các vai diễn của mình. Các diễn viên thường có xu hướng điểm tô diễn xuất bằng cách truyền cho nhân vật cảm xúc của mình ngoài đời thực nhưng Mangiku thì không. Khoảnh khắc Mangiku yêu, tình yêu của các nàng Yukihime, Omiwa, Hinaginu và rất nhiều những vai nữ số phận bi thảm khác cùng đến cổ vũ chàng. Tuy nhiên ý nghĩ rằng Mangiku đang yêu khiến Masuyama mất hứng. Những cảm xúc bi thương mà anh đã khao khát cháy bỏng từ ngày còn là học sinh trung học, những cung bậc thăng hoa mà Mangiku luôn khơi dậy bằng hình thể trên sân khấu, ngọn lửa băng giá bao vây nét gợi cảm của chàng, bây giờ đều đang được Mangiku nuôi dưỡng trong đời thực. Nhưng đối tượng của những cảm xúc ấy - cứ cho là có tài chăng nữa - thì về môn Kabuki này bất quá chỉ là một kẻ dốt nát; Kawasaki là một đạo diễn ít tuổi, dung mạo xoàng xĩnh, cái phẩm chất đặc biệt duy nhất của anh ta, với tư cách là đối tượng yêu đương của Mangiku, chẳng qua chỉ là sự ngoại đạo trong lãnh địa này. Kawasaki là người khách lãng du trẻ tuổi sẽ sớm rời bỏ vương quốc của Kabuki một đi không trở lại.
8
Phải chi đổi phận cho nhau được đón nhận nồng nhiệt. Bất chấp tuyên bố sẽ biến mất ngay sau buổi ra mắt vở tuồng, Kawasaki đến nhà hát mỗi ngày để phàn nàn về diễn xuất, liên tục chạy qua chạy lại đường hầm dưới sân khấu và thích thú táy máy cấu trúc cửa sập hay đường hoa. Masuyama nghĩ anh ta có cái gì đó thật trẻ con.
Các bình luận trên báo chí đều khen ngợi Mangiku. Masuyama đã cố tình đưa cho Kawasaki, nhưng xem xong anh ta chỉ bĩu môi như một đứa trẻ bướng bỉnh và dè bỉu: “Diễn xuất của ai cũng tốt. Nhưng không có định hướng.” Masuyama dĩ nhiên không chuyển những lời nghịch tai này đến Mangiku, còn bản thân Kawasaki lúc nào gặp Mangiku cũng cư xử hòa nhã rất mực. Tuy nhiên Masuyama vẫn bực mình vì Mangiku, cái con người không để ý đến tâm trạng của ai bao giờ, lẽ ra không nên thắc mắc về việc Kawasaki có nhận thấy ý tốt của chàng không. Đã vậy Kawasaki lại còn hoàn toàn vô cảm với tâm trạng của người khác nữa kia. Đây là điểm chung duy nhất của Kawasaki và Mangiku.
Một tuần sau buổi ra mắt, Mangiku lại gọi Masuyama đến phòng thay đồ. Chàng để trên bàn những chiếc bùa hộ mệnh, túi cầu may từ ngôi đền thường ghé qua cúng bái, cùng vài chiếc bánh mừng năm mới xinh xinh. Mấy cái bánh này chắc cũng sẽ được phát cho đệ tử của Mangiku. Mangiku dúi vào tay Masuyama mấy cái kẹo, chứng tỏ tâm trạng chàng đang tốt. “Cậu Kawasaki vừa ở đây ban nãy.” Chàng nói.
“Vâng, tôi thấy anh ta ngoài kia.”
“Không biết cậu ấy còn ở nhà hát không?”
“Tôi nghĩ Kawasaki còn ở lại đây đến khi vở diễn kết thúc.”
“Cậu ấy có nói gì về việc sau đó sẽ bận không?”
“Không, cậu ta chẳng nói gì cụ thể.”
“Vậy tôi muốn nhờ anh một việc nhỏ.”
Masuyama gắng ra vẻ quan trọng: “Chuyện gì mới được?”
“Tối nay, anh biết đấy, khi vở diễn kết thúc... Ý tôi là đêm nay...” Màu hồng ửng lên má Mangiku. Giọng nói của chàng trong trẻo hơn và cao hơn bình thường. “Đêm nay khi vở diễn kết thúc có lẽ tôi muốn ăn tối với cậu ấy. Anh có thể hỏi thăm Kawasaki dùm tôi, xem cậu ấy có rỗi không được chứ?”
“Tôi sẽ hỏi.”
“Tôi bậy quá phải không, ai lại đi nhờ vả anh một việc thế này.”
“Không có chi.” Masuyama cảm nhận đôi mắt của Mangiku lúc đó đã ngừng cử động và đang cố gắng đọc biểu cảm của anh. Chàng dường như chờ đợi - và thậm chí mong muốn - thấy được vẻ bối rối trên gương mặt Masuyama. “Được thôi,” Masuyama nói, lập tức đứng dậy. “Tôi sẽ chuyển lời đến cậu ta.”
Masuyama vừa vào sảnh thì chạm trán ngay Kawasaki đi từ hướng ngược lại, ngay giữa hàng tá người đang chen nhau ngoài hành lang giờ giải lao mà đụng trúng anh ta thì quả là oan gia ngõ hẹp. Cung cách của Kawasaki chẳng phù hợp chút nào với không khí hội hè ngoài hành lang. Cái vẻ kiêu kỳ anh ta luôn khoác lên trông khá khôi hài giữa một đám đông nhộn nhạo trong bộ cánh mới ngày lễ, đến rạp hát để thưởng thức vở tuồng.
Masuyama dẫn Kawasaki ra một góc hành lang và thông báo về ý định của Mangiku.
“Chẳng hiểu thằng cha ấy muốn gì? Ăn tối hả, nực cười thật. Tối nay tôi cũng chẳng làm gì, cũng chẳng có lý do để không đi, nhưng cũng không thấy có lý do nào để đi hết.”
“Tôi nghĩ anh ta muốn bàn bạc về vở tuồng.”
“Vở tuồng hả? Tôi đã nói hết những gì muốn nói rồi.”
Lúc này một mong muốn vu vơ được làm việc xấu thường thấy ở các vai phụ phản diện nảy mầm trong trái tim Masuyama dù anh không nhận ra; anh không ý thức được mình đang hành xử như một nhân vật trong vở tuồng. “Cậu không thấy sao, được anh ta mời đi ăn là cơ hội tốt để cậu nói hết suy nghĩ của mình mà không cần phải lựa lời quanh co.”
“Nói bằng hết ư...”
“Chắc cậu không có đủ can đảm để nói ra chứ gì.”
Nhận xét này làm lòng kiêu hãnh của chàng trai tổn thương nghiêm trọng. “Được thôi. Tôi sẽ đi. Tôi biết tỏng không sớm thì muộn, thể nào chẳng có lúc phải thẳng thắn với hắn. Hãy nói với Mangiku rằng tôi hân hạnh chấp nhận lời mời của tiên sinh.”
Mangiku còn phải xuất hiện ở trường đoạn cuối và chỉ rảnh rỗi đến khi vở tuồng hoàn toàn kết thúc. Chương trình khép lại, các diễn viên khác vội vã thay áo và rời nhà hát nhưng Mangiku vẫn cứ đủng đỉnh mặc áo choàng, khoác một chiếc khăn màu nhã ra ngoài áo kimono. Chàng đợi Kawasaki. Cuối cùng Kawasaki đã xuất hiện, chào Mangiku cộc lốc và còn không thèm bỏ tay ra khỏi túi áo. Người đệ tử luôn đợi Mangiku bên ngoài như một nô tì vội chạy đến như để cảnh báo một tai họa lớn. Anh ta cúi đầu báo cáo: “Thưa thầy, tuyết rơi ạ.”
“Rơi nhiều không?” Mangiku lấy áo choàng áp vào má.
“Không, chỉ lất phất thôi ạ.”
Mangiku bảo: “Thầy cần ô để ra xe.” Cậu kia vội vàng đi lấy ô.
Masuyama thấy họ ở đường vào sân khấu. Người gác cửa đã lịch thiệp xếp đôi giày của Mangiku và Kawasaki cạnh nhau. Đệ tử của Mangiku đứng bên ngoài trong màn tuyết mỏng, tay cầm một chiếc ô. Tuyết rơi thưa thớt đến nỗi không thể nhận ra trên nền tường bê tông màu trắng. Một, hai bông tuyết rung rinh trên bậc thềm lối vào sân khấu.
Mangiku cúi chào Masuyama. “Chúng tôi sẽ đi bây giờ,” chàng nói. Nụ cười trên môi Mangiku có thể trông thấy lấp ló sau khăn quàng cổ. Chàng quay về phía đệ tử bảo: “Được rồi. Để thầy cầm ô, em ra chỗ tài xế nói thầy và tiên sinh đây đã sẵn sàng.” Mangiku giữ chiếc ô trên đầu Kawasaki. Kawasaki mặc áo khoác, Mangiku khoác áo choàng, sánh bước dưới chiếc ô nơi một vài bông tuyết bay vào rồi lại bị văng ra. Masuyama dõi theo họ. Anh nghe thấy tiếng của một cái ô đen, to tướng và ướt sũng đang bật mở trong trái tim mình. Anh có thể nói rằng cái ảo mộng thời niên thiếu khi xem Mangiku trình diễn, cái ảo mộng anh nâng niu ngay cả sau khi bước chân vào đoàn tuồng Kabuki này đã vỡ tan ra mọi hướng trong chớp mắt như một quả cầu pha lê mỏng manh bị thả xuống từ trên cao. Anh nghĩ: “Cuối cùng mình đã biết vỡ mộng là thế nào. Có lẽ nên từ bỏ ca kịch đi thôi.”
Nhưng Masuyama biết rằng cùng với sự vỡ mộng, một cảm giác mới đã tấn công anh, đó là ghen tuông. Anh sợ hãi không biết nó sẽ đưa mình đến đâu.
Nam tử dịch
Chú thích:
(1)Onnagata (Nữ hình): Nam diễn viên chuyên thủ vai nữ trong tuồng Kabuki.
[2] Đường hoa (hanamichi): Phần đường chạy từ bên trái trung tâm nhà hát xuyên qua chỗ ngồi của khán giả và nối với sân khấu chính, được sử dụng làm lối ra vào của nhân vật, nơi nhân vật độc thoại trước khán giả, hoặc thể hiện các cảnh ngoài diễn biến chính.
[3] Thần Inari hay còn gọi là thần Cáo, là vị thần bảo hộ cho nông nghiệp, thương nghiệp, các thợ rèn, gạo, rượu sake và trà. Thần Inari thường được mô tả là bán nam bán nữ.